Sao cùi_Hầm Hải Vân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.      Đèo Hải Vân

Vị trí: Đèo Hải Vân nằm trải dài theo sườn núi Hải Vân, giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng.

Đặc điểm: Đây là đèo cao nhất (khoảng 500m so với mực nước biển), đầy hiểm trở và cũng là đỉnh núi cuối cùng của một mạch Trường Sơn đâm ngang ra biển.

Đèo Hải Vân chênh vênh một bên là núi rừng, một bên là biển cả, đỉnh đèo mây phủ quanh năm nên còn được gọi là “đèo Mây”. Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn từng nhận xét: Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Trước đây, vào thế kỷ 13, vùng đất này thuộc về 2 châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa, được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân đời Trần. Ngay trên đỉnh đèo, dấu vết tiền nhân vẫn còn để lại: những cửa đèo và thành lũy đắp ngang. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (đây là từ đề tặng của vua Lê Thánh Tôn khi dừng chân ngắm cảnh nơi này).

Trên con đường xuyên Việt qua dải đất miền Trung đầy nắng gió, đèo Hải Vân lâu nay đã trở thành nơi thưởng ngoạn lý tưởng của du khách vào Nam, ra Bắc. Từ Đà Nẵng theo quốc lộ 1A về phía bắc, sau khi qua vùng Nam Ô, du khách bắt đầu lên đèo Hải Vân. Đường đèo quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời mây. Gió như đàn ngựa giong ruổi dặm trường, mây như từ trên trời tuôn xuống. Có những lúc mây nhiều che phủ cả đoạn đèo, quấn quýt níu lấy chân du khách làm bước chân người đến đây như lạc vào cõi nào khác lạ, huyền ảo khói sương. Cũng từ đây, vào những ngày đẹp trời, du khách có thể thấy rõ toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa - Bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm... và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.

Những gì thiên nhiên ban tặng, qua thời gian và qua bàn tay con người, sẽ trở thành những giá trị nhân văn. Đến Hải Vân là đến với nơi giao thoa giữa hai vùng đất, là thỏa mãn tâm lý chiếm lĩnh đỉnh cao, hòa mình trong âm vọng sử thi của bao dấu chân người Việt xưa đi mở cõi, bồi hồi thương nhớ quá khứ thẳm sâu của khúc ruột miền Trung.

2.      Hầm Hải Vân

Theo Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đào Đình Bình: Dự án hầm đường bộ qua đèo Hải Vân được Thủ tướng quyết định đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Đây là một trong những hầm đường bộ lớn nhất được xây dựng tại Việt Nam và cũng là một trong 30 hầm lớn, hiện đại nhất thế giới. Hầm đường bộ Hải Vân nối liền tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng

Sau gần 5 năm xây dựng, công trình hầm đường bộ Hải Vân đã hoàn thành với đường hầm chính dài 6,3 km, hầm phụ chạy song song dài 6,3 km, hầm thông gió dài 1,9 km, 3 hầm lọc bụi tĩnh điện cùng với 15 hầm ngang, tạo thành một hệ thống đường hầm hoàn chỉnh có tổng chiều dài khoảng 15,1 km.

Hầm đường bộ Hải Vân được trang bị và lắp đặt các hệ thống thiết bị điện, thông gió, cơ khí đặc chủng của Nhật Bản và Phần Lan với tính năng tự động cao và hiện đại.

Việc thông xe công trình hầm đường bộ qua đèo Hải Vân đã cải thiện cơ bản điều kiện giao thông qua lại trên đoạn đường đèo hiểm trở, thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông; giảm quãng đường phải chạy xe qua đèo từ 22 km xuống còn 10 km bằng tuyến đường hầm an toàn, thuận lợi và hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng, công trình hầm đường bộ Hải Vân còn góp phần hoàn thiện hành lang giao thông khu vực tiểu vùng sông Mê Công (nối từ vùng Đông Bắc Thái Lan qua Trung Lào vào Việt Nam thông qua Quốc lộ 9 Quảng Trị), tạo điều kiện cho phát triển du lịch - thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong lời phát biểu, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh: Hầm đường bộ Hải Vân là một công trình có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước, đặc biệt là khu vực miền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Công trình hoàn thành làm thỏa lòng mong đợi của nhân dân ta từ bao đời nay. Để phát huy hiệu quả của công trình, Thủ tướng lưu ý: Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương cần tiếp tục triển khai xây dựng các công trình ở phía bắc và phía nam của hầm. Sau khi đưa vào hoạt động, Bộ Giao thông - Vận tải và các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý công trình phải quản lý chặt chẽ trang thiết bị của Hầm đường bộ Hải Vân, vận hành, khai thác công trình đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao nhất.

Dự án đường hầm bộ nằm trên quốc lộ 1 đoạn giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, dài 6,3 km. Trong quá trình thiết kế và thi công, Ban Quản lý dự án 85 và liên doanh tư vấn đã sử dụng công nghệ đào hầm mới NATM của Áo. Công nghệ này lần đầu tiên áp dụng và đã thành công tại Việt Nam. Các giải pháp kỹ thuật đưa ra đã khắc phục được tình trạng sạt đất, sụt lún, nước ngầm. Khả năng định vị hầm rất lớn, khi đào thông từ 2 đầu chỉ chệnh nhau 2,5 cm.

3.      Đèo Ngang

Công trình đường hầm đèo Ngang có chiều dài 495 mét với tổng mức đầu tư hơn 147 tỷ đồng do Tổng công ty xây dựng sông Đà huy động từ nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng, bằng phương thức BOT. Từ kinh nghiệm tích luỹ được trong quá trình tham gia cùng với các đơn vị bạn thi công đường hầm đèo Hải Vân và các công trình hầm đường khác, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề của Tổng công ty Xây dựng sông Đà đã tự thiết kế và tổ chức thi công công trình đường hầm đèo Ngang. Đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật của Tổng công ty sông Đà đã áp dụng có hiệu quả công nghệ NATM(của Cộng hoà Áo) thi công đường hầm đèo Hải Vân vào công trình này, đưa năng suất lao động tăng gấp hai, ba lần so với kế hoạch. Nét nổi bật trong quá trình thi công công trình đường hầm đèo Ngang, công nhân của đơn vị đã sử dụng thành thạo các thiết bị thi công hiện đại, tiên tiến của Thế giới, xử lý thành công trong việc khoan đào hầm, đổ bê tông mái vòm... Nhờ đó, tiến độ thi công đường hầm đã rút ngắn gần một nửa thời gian quy định. Đây là lần đầu tiên, kỹ sư và công nhân cầu đường nước ta thi công một công trình có kỹ thuật phức tạp không có chuyên gia, kỹ sư cầu đường của nước ngoài giúp đỡ, giám sát, chỉ đạo thi công.

Cùng với đường hầm đèo Hải Vân, việc đưa công trình đường hầm đèo Ngang vào sử dụng là điều kiện thuận lợi không chỉ giúp cho các chủ phương tiện vận tải rút ngắn thời gian đưa nhanh hàng hoá phục vụ sản xuất, xây dựng mà còn đem lại niềm vui cho mọi người là đã góp phần làm giảm hẳn tai nạn giao thông khi qua đoạn đường đèo dốc hiểm trở này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro