Chap 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ngay từ thuở lọt lòng nó đã gắn bó với cái làng quê này.

Nó không biết một người thân thích nào của nó ngoại trừ bà ngoại. Nó chỉ biết về thầy u nó qua lời kể của những người hàng xóm xung quanh rằng khi nó tròn tháng thì thầy u nó đã bỏ nó lại cho bà ngoại rồi đi biệt tích. Có người bảo thầy nó đã chết còn u nó đã lấy chồng mới, có người lại bảo vì nó là con gái và thầy nó không chấp nhận việc nó là con gái nên đã ép u nó phải bỏ rơi nó... Nó chẳng biết ai mới là người nói đúng. Người có lẽ biết rõ nhất là bà ngoại thì bà cũng chỉ trả lời nó ậm ừ cho qua. Nhưng hồi đó nó còn là trẻ con, nó chẳng hiểu gì, nó cứ sống cuộc sống đơn thuần như bao đứa trẻ khác trong cái làng này.

Có lẽ do cuộc sống thiếu đi tình yêu thương của cha mẹ nên từ bé nó đã lì hơn những đứa trẻ cùng tuổi. Trong khi lũ con gái cùng tuổi ngày nào cũng túm tụm ở gốc cây đa để chơi đồ hàng thì nó chọn chạy ra đồng giữa cái nắng gay gắt giữa trưa hè để tìm mấy thằng bé chăn trâu đánh khăng, đánh đáo. Bởi vậy, ai cũng gọi nó là "Ngọc Đen" mặc dù nó có cái tên rất kêu: Vũ Thị Bạch Ngọc. Thế nhưng nó chẳng quan tâm, nó chỉ cần biết nó vui là được.

Trong đám mấy thằng chăn trâu, nó rất thân với thằng Lâm. Tất cả bọn trẻ con quanh xóm đều gọi thằng Lâm bằng anh vì thứ nhất, thằng Lâm hơn hẳn tuổi bọn nó, năm nay hắn đã 13, thứ hai, hắn là đứa khôn, trò gì cũng do hắn bày ra nên luôn là thằng được gọi là đại ca. Ấy thế mà nó lại luôn gọi mày xưng tao với hắn. Đám trẻ hỏi nó tại sao không gọi thằng Lâm là anh, nó chỉ nói vỏn vẹn một câu: "Có họ hàng gì mà đòi anh với chả em". Thằng Lâm cũng chẳng xét nét nó nhiều phần vì nó bé hơn hắn 3 tuổi, phần vì cho dù thằng Lâm có khôn thì cũng không đọ lại độ liều với nó.

Năm ấy, làng quê vào mùa gặt. Cánh đồng vàng xuộm giờ còn trơ lại những gốc rạ. Ruộng đồng khô nứt nẻ dưới ánh mặt trời gay gắt như đổ lửa. Thằng Lâm cầm đầu lũ trẻ dựng một cái lều rơm giữa ruộng nhà hắn. Mà hình như mùa gặt nào cũng thế, cứ dựng lều xong là lũ "lâu bâu" sẽ xách đến những con chuột đồng béo múp, những con chim sẻ được buộc túm chân lại với nhau vẫn còn kêu la oai oái. Thằng Lâm phân công mấy thằng con trai đi xử lí đám mồi kia còn lũ con gái thì đi kiếm mấy viên gạch, gom rơm lại để chuẩn bị một bữa thịnh soạn. Còn nó, thằng Lâm sai nó đi ra ao sen để hái mấy cái lá sen làm bát làm đĩa. Thấy nó cứ đứng nhìn mãi thằng Lâm mới giục:

-Sao mày chưa đi? Nhanh lên đi, đứa nào cũng đói rồi! Tao chừa mày công việc nhàn nhất rồi đấy!

Nó chống hai tay vào hông, bặm môi trừng mắt nhìn thằng Lâm đang buộc cái mái lều:

-Tao chẳng đi, xa bỏ xừ! Mà ai cần mày cho tao làm cái việc đấy trong khi mày thì cứ ở yên một chỗ? Tao chẳng phục!

Thằng Lâm nhìn xuống, hắn thấy con bé đang quạu ra mặt nhưng nhìn sao thật buồn cười. Hắn nhảy xuống, tấm lưng trần bóng nhẫy mồ hôi, ánh nắng hắt lên cơ thể gầy gò của hắn. Hắn đứng chắn trước mặt nó, che đi phần nào ánh nắng, hắn cũng chống tay vào hông hất hàm nhìn nó:

-Đấy! Thế mày lên buộc đi, tao đi lấy lá sen!

Nó xắn cái tay áo cánh lên, hùng hổ bước đến bên cái lều định trèo lên:

-Ai sợ mày! Tưởng mình mày làm được chắc?

Thằng Lâm cứ đứng cười một cách cà chớn nhìn nó chật vật leo lên mái lều với cái váy lĩnh. Cuối cùng con bé tụt xuống vì nó nhận ra nó chẳng làm nổi thật. Nó đỏ lừ mặt bước, dậm bước chân đến trước mặt thằng Lâm:

-Của mày cả đấy!

Nói xong nó chạy mất hút về phía có cái ao sen bỏ lại thằng Lâm cứ đứng cười một mình. Trèo lên cái mái lều, thằng Lâm bất giác nghĩ về u hắn. Lúc ở nhà, mỗi lần thầy hắn ở trên mái nhà sửa lại mấy chỗ bị dột, u hắn đều giống như nó, đứng ở dưới cằn nhằn đủ điều, ... hắn tự nhiên cứ cười tủm tỉm một mình.

Rồi cuối cùng lũ trẻ cũng có mặt hết tại điểm tập kết, thằng Lâm điểm danh từng đứa, cả đám quây lại với nhau, đứa thì cầm xiên chuột đồng, đứa thì cầm xiên chim sẻ chờ thằng Lâm nhóm lửa lên. Thằng Tiền vừa quệt mồ hôi bằng bàn tay dính đầy than, vừa cười khúc khích:

-Anh Lâm ơi, mùa gặt sau mình có xây lâu đài nữa không?

Thằng Lâm cười hì hì thêm rơm vào đống lửa:

-Mày lo xa cái gì. Mùa sau là vụ thu đông, lúc đấy trời mát, tao bắt chúng mày xây 10 lâu đài, cho chúng mày mỗi đứa một cái!

Bọn trẻ con nhao nhao lên bày tỏ ý muốn về cái "lâu đài" của mình, đứa nào cũng muốn "lâu đài" của mình phải to nhất, đẹp nhất. Tự nhiên con bé Na òa khóc. Cả bọn nín thinh nhìn con bé, chẳng ai hiểu tại sao nó lại khóc. Ngọc ngồi bên cạnh kéo tóc con bé:

-Ơ kìa mày làm sao đấy? Sao mày lại nhệch cái mỏ ra rồi? Có ai làm gì mày đâu?

Cái Na nhìn mọi người, cứ thút thít mãi:

-Sang tháng thầy u em cho em đi lấy chồng mất rồi!

Bọn cái Lan, cái Hoa, cái Mận rồi thằng Tiền, thằng Mạnh nhao nhao lên:

-Ơ lấy chồng là chị Na không ở đây nữa à? Không đi tắm ao với bứt xoài nữa à?

Cái Na lau nước mắt đi, cầm que củi nhỏ chọc vào kẽ nứt dưới chân:

-Ừ, lấy chồng là phải về nhà chồng, không được đi chơi nữa. Rồi bọn mày cũng thế thôi, chẳng mấy nữa.

Nó úp cái lá sen lên đầu, nhăn mặt hỏi:

-Sao lại phải lấy chồng? Tao chẳng nghe ai nói là phải lấy chồng. Mà kệ, tao cũng không thích lấy chồng! Mày cứ về bảo với thầy u mày là mày không thích đi!

Cái Na lại bắt đầu mếu máo:

-Mày có ở với thầy u đâu mà biết! Thầy u tao bảo bọn đứa nào cũng phải lấy chồng, tao mà dám cãi là tao chỉ nó nước đi ở đợ thôi!

Nó dúi mấy cành củi vào đám lửa bập bùng:

-Bà ngoại tao chẳng bao giờ nói là tao phải lấy chồng như thầy u mày.

Cái Na kéo vạt áo lau nước mắt:

-Mày cũng đến tuổi rồi, bà mày không nói nhưng cũng sẽ tìm mối cho mày thôi!

Nghe thấy hai chữ "đến tuổi" thằng Lâm chợt nhận ra con bé đanh đá ngày nào cũng đã 14 15 rồi. Hắn đưa mắt nhìn sang nó, nó đang ngồi đần mặt ra, cặp lông mày của nó nhíu chặt lại. Bỗng nó đứng bật dậy, chạy vụt đi mất. Thằng Lâm ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra, hắn cũng đứng bật dậy gọi với theo:

-Ngọc! Ngọc! Mày đi đâu đấy?

Nó chạy không thèm ngoái đầu lại. Bàn chân trần của nó giẫm lên sỏi đá, băng qua con đường đầy những rơm rạ. Nó tung cửa, chạy thẳng vào nhà, vừa thở hổn hển vừa hét gọi bà ngoại:

-Bà ơi! Bà ơi bà!

Bà ngoại từ gian bếp sau nhà, trên tay vẫn cầm cái quạt mo đã mòn vẹt, miệng bà nhóp nhép miếng trầu như mọi ngày. Bà lấy cái khăn mùi soa trong túi áo cánh nâu có vài mảnh vá lau đi cái miệng dính màu nước trầu đỏ tươi, giọng bà cất lên pha chút bực dọc:

-Mày gọi cái gì mà như cháy nhà thế?

Nó nhìn bà, tự nhiên không biết mở miệng thế nào. Nó dợm bước lại cái chõng tre rồi ngồi đánh phịch cái xuống. Nó im lặng một hồi. Bà bước từng bước đến bên cạnh nó, vừa bước vừa thăm dò nét mặt của nó, rồi bà vỗ cái quạt mo vào vai nó:

-Này, mày làm sao đấy cái con bé này?

Nó quay ra nhìn bà, đôi mắt trong veo không biểu lộ cảm xúc:

-Con có phải lấy chồng không hả ngoại?

Nghe xong câu hỏi này, bà ngoại cũng chợt thất thần, Bà cũng quên mất cháu gái bà năm nay đã tròn 15, bà đã bao lâu không để ý cục thịt mới ngày nào còn đỏ hỏn hành bà đêm nào cũng không ngủ được đã lớn thế này, bà cũng không kịp nhận ra sự thay đổi của đứa cháu gái mà bà đã nuôi nấng suốt từng ấy năm đằng đẵng đã trở thành một thiếu nữ mất rồi. Bà chỉ thở dài một tiếng rồi đáp lại nó:

-Ừ mày cũng đến tuổi rồi, giá mà thầy u mày ở đây thì mày chắc cũng có mối tốt rồi đấy.

Nó kéo bà ngồi xuống chõng tre, ôm lấy cánh tay bà:

-Bà ơi, lấy chồng là không được ở với bà nữa ạ?

Bà lại một lần nữa lấy cái khăn mùi soa chùi đi khóe miệng:

-Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, tu tử tòng tử là cái đạo mà mày phải theo, làm sao mà mày làm khác với đời được hả con?

Nó từ ngồi chuyển sang nằm gối đầu lên cặp đùi chỉ còn lại da bọc xương của bà:

-Nó nghĩa là gì hả bà?

Bà luồn tay vào mái tóc rối bời vì nắng và gió của nó, vừa vuốt bà vừa nhìn ra xa xăm:

-Tại gia là lúc mày còn ở nhà, con gái đẻ ra là phải theo cha. Xuất giá là lúc mày đi lấy chồng, đàn bà lấy chồng là phải theo chồng. Sau này khi chồng mày chẳng may đi trước mà mày đẻ được con trai thì mày sẽ phải theo con trai của mày.

Nó nhắm mắt lại, đôi tay khép thành búp sen đặt sát khuôn mặt vẫn còn nhọ nhem than củi:

-Thế... bà ở với ai?

Bà cười xòa, khẽ thở dài một hơi:

-Tao ấy à? Tao cũng đã cái tuổi gần đất xa trời rồi, cứ ở một mình cho đỡ gánh nặng con cháu thôi.

Nó mở to mắt, xoay người nhìn khuôn mặt hằn in những vết chân chim của bà:

-Thế cháu cứ ở với bà nhé?

Bà cười hiền từ gõ cái quạt mo vào trán nó:

-Mày định sống cô độc đến già à? Mày định giống bà cứ mãi chui lủi rồi chết một mình à?

Nó không nói gì, bà cũng im lặng, được một hồi, bà cất giọng ẩn chứa đầy nét buồn rầu:

-Đẻ con gái là thế, đẻ ra là con gái đã mang số khổ rồi. U mày cũng cứ biền biệt suốt ngần ấy năm không một lời thăm hỏi, tao cũng chẳng còn nhớ đến là tao còn có một đứa con...

Nó chợt thấy trong lòng dâng lên cảm giác buồn man mác, nó nhìn đôi mắt xa xăm của bà, nó bỗng thấy hốc mắt nó ấm nóng. Mặc dù nó không nhớ được mặt mũi của thầy u, mặc dù nó không nhớ được hơi ấm của lòng mẹ, sự quan tâm chăm sóc của cha. Nó không xác định được nỗi buồn ấy là dành cho ai. Nó buồn vì sự thiếu may mắn của bản thân hay đang buồn cho bà ngoại. Bây giờ nó mới để ý đến tấm áo cánh nâu đã bạc có vài mảnh vá của bà, rồi nó nhìn lại quần áo trên người mình... Nó bỗng hiểu ra nhiều điều. Nó hiểu được rằng người bà này đã nuôi nó lớn lên bằng cả trách nhiệm và tình yêu thương vô bờ bến, nó hiểu được rằng người bà này đã hy sinh toàn bộ cuộc đời mình chỉ để chăm sóc cho những con người sẽ rời bỏ bà mà đi... Trong câu chuyện của những bà hàng xóm hay kể, họ vẫn thương cho số phận của bà. Ông ngoại bỏ bà đi khi u nó ra đời được tròn tuần vì tình yêu trong lòng người đàn ông ấy đã có sự đổi thay. Bà không một lời oán trách, không nghĩ đến việc tìm cho mình một ai đó khác để dựa vào, cứ một mình như vậy nuôi lớn u nó. Rồi u nó cũng lấy chồng. U nó lấy một người đàn ông không rõ lai lịch, nghe đâu là một văn sĩ. Cứ ngỡ bà ngoại đã đến ngày được nghỉ ngơi khi thầy u nó quyết định ở lại cái làng này nhưng không, bà lại một lần nữa bị bỏ lại, nó cũng bị bỏ lại.

Nó nghĩ đến việc nó cũng đi lấy chồng, căn nhà này cũng sẽ chỉ còn một mình người đàn bà cô độc ấy... người đàn bà sống cả đời cô độc, ... nó không đành lòng mà vòng tay ôm lấy bà.

Sau mùa gặt là đến tết Trung thu, đám trẻ con đã tụ tập hết ở sân đình từ lúc trời về chiều. Qua tết Trung thu là đến ngày con bé Na đi lấy chồng, đám trẻ đang lên kế hoạch chuẩn bị một buổi chia tay con bé. Mọi năm trước, ngày này luôn luôn là ngày mà chúng nó cười đùa vô tư lự nhưng năm nay, con bé Na cứ buồn thiu ngồi một góc, lũ trẻ chẳng dám đến gần để đùa giỡn với Na. Ngọc bê cái mâm ngũ quả đến bên chiếc chõng tre, hôm nay nó nhẹ nhàng hơn mọi ngày. Nó ngồi xuống bên cạnh Na:

-Sao mà cứ buồn mãi thế?

Con bé Na thở dài rồi nhìn lên bầu trời sắp bị bóng tối nuốt chửng:

-Tao không muốn đi lấy chồng mày ạ. Tao thấy... tao thấy sao tao ghét thầy u tao quá...

Nó chẳng biết an ủi con bé thế nào để nó có thể thoát ra được cái tâm trạng u ám lúc này. Nó im lặng, tâm hồn nó cũng chìm vào im lặng, im lặng đến nỗi nó chẳng nghe được bất cứ âm thanh gì ngoài tiếng trái tim của nó đang đập mạnh mẽ trong lồng ngực...

Trăng lên cao, trăng hôm nay to và sáng lắm, soi sáng cả cái sân đình đang lấp lánh ánh nến. Đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cá chép, đèn thỏ ngọc trên tay lũ trẻ cứ rung rinh như có linh hồn. Chúng nó dàn hàng chơi rồng rắn lên mây, vừa chơi vừa hò hét. Tiếng hò hét vọng lại chỗ của nó đang ngồi. Thằng Lâm đã sai thằng Tiền và thằng Mạnh kiếm đâu được tấm chiếu cũ để trải ra, cái Mận, cái Hoa, cái Lan đã cùng nhau kết vòng hoa dại rồi đội lên đầu con bé Na. Nó và thằng Lâm chuẩn bị đèn trời cho cả bọn, giúp cả bọn viết lên những ước muốn của mình. Đứa nào cũng đều ước những điều giản đơn của trẻ con. Đến lượt Na, cả bọn đều thống nhất sẽ viết lên đèn trời là mong nó mãi được vui vẻ.

Thằng Lâm đưa đèn trời cho nó, nó cứ ngồi lặng im mà không động bút. Thằng Lâm ngồi bệt xuống dưới đất cạnh đôi chân trần của nó, hắn ngửa đầu ra sau:

-Sao mày chưa viết gì?

Nó cũng ngửa cổ nhìn trăng:

-Tao chẳng biết viết cái gì vào đây nữa...

Thằng Lâm nhắm mắt lại, thả lỏng chân tay, nó cất lên cái giọng trầm ấm là thường:

-Thì... cứ viết cái mày muốn thôi.

Nó quay ra nhìn thằng Lâm, thằng bé đen nhẻm ngày nào giờ đây cũng thật khác lạ trong đôi mắt của nó:

-Thế mày viết gì?

Thằng Lâm vẫn giữ nguyên ngữ điệu:

-Tao viết là tao sẽ lấy được mày.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro