SẦU TRÊN ĐỈNH PUVAN VÀ CHUYỆN CỦA LỤT CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ DƯỚI GÓC NHÌN SO SÁNH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



" Cô mén Đất Mũi"- cái tên thân thương mà nhà báo Phan Trung Nghĩa đặt cho nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, với ý nghĩa là "út cưng" trong đại gia đình văn chương vùng châu thổ. Cô mén ấy được biết đến với lối văn chương bình dị và sặc mùi Nam Bộ. Nguyễn Ngọc Tư tự ví những tác phẩm của mình là " sầu riêng", sỡ dĩ nói như thế là vì trên đời này chia thành hai phe, một bên thích và một bên ghét cái quả sầu riêng ấy, cô cũng xem tác phẩm của mình giống thế, ai ưng thì thấy nó " thơm" như quả sầu đến độ chín và ngược lại. Sở hữu một giọng văn đặc trưng là vậy, nhưng những tác phẩm của cô không hề nhàm chán hay đơn sắc, mỗi tác phẩm là một màu sắc, dù vẫn mang một tông màu chủ đạo " rất Tư" nhưng giữa chúng vẫn có những sự khác biệt. Ta cùng làm rõ điều này thông qua hai truyện ngắn: " Sầu trên đỉnh Puvan" và "Chuyện của Lụt" bằng cách vận dụng phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn học.


Trước khi đi sâu vào so sánh hai tác phẩm trên, ta cùng nhau tìm hiểu về phương pháp so sánh. Phương pháp so sánh là một trong những phương pháp nghiên cứu được sử dụng phổ biến nhất trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến là nghiên cứu Văn học.Người ta vận dụng phương pháp so sánh với một mục đích cuối cùng là chỉ ra sự khác biệt độc đáo của đối tượng nghiên cứu từ đó chỉ ra sự mới mẻ, tiến bộ của đối tượng. Để làm được điều này người nghiên cứu cần xác định rõ đối tượng cần nghiên cứu và dùng một hoặc một số hiện tượng văn học khác để so sánh. Sau khi hiểu được những vấn đề cơ bản trên, ta tiến hành vận dụng phương pháp so sánh dựa trên một số yêu cầu tiên quyết nhất định. Trước hết là nắm vững cả đối tượng nghiên cứu và đối tượng được chọn để so sánh. Khi tiến hành so sánh phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, nếu muốn khẳng định sự nổi bật của hiện tượng văn học đang nghiên cứu thì cần đưa ra lập luận thuyết phục thay vì tâng bốc cái này hạ bệ cái kia. Cơ sở tương đồng cũng là điều được quan tâm, khi đặt vào so sánh thì cả hai phải cùng loại, phải đồng dạng, có cùng cấp độ, cùng số lượng và cùng hệ thống.

Đọc văn Nguyễn Ngọc Tư, người ta như được đến thăm vùng đất Nam Bộ, bởi cái sự dân dã, rất mực miền Tây đã làm nên tên tuổi của cô. Với "Sầu trên đỉnh Puvan""Chuyện của Lụt", cả hai cùng được xây dựng trên đề tài về con người và đời sống Nam Bộ, nhưng có ý kiến cho rằng, trong hai truyện ngắn trên chất văn của cô có vẻ đang đổi vị, điều này thể hiện ở chủ đề của hai tác phẩm, cùng nói về con người và đời sống Nam Bộ, nhưng với "Sầu trên đỉnh Puvan", là con người chạy theo phù phiếm để quên đi cô đơn và rồi nhận lại kết cục bi thảm, nhưng đổi lại ở tác phẩm "Chuyện của Lụt", có vẻ những gì Nguyễn Ngọc Tư thể hiện khá mơ hồ, mờ mịt y như số phận của nhân vật, chủ đề của truyện ngắn này thể hiện chính là con người sống có mục đích, nhưng vẫn rất mơ hồ về tương lai. Xét về mặt tư tưởng trong cả hai tác phẩm, bạn đọc sẽ nhận thấy rằng, cả hai đều là con người sống có mục đích nhưng số phận khác nhau. Với "Sầu trên đỉnh Puvan", người ta thấm nhuần cái triết lý đơn độc là độc dược, sống trong cảnh không người thân, tâm trí toàn mảnh vỡ con người ta dần dần trở nên mù quáng và đeo đuổi theo những vẻ đẹp phù phiếm thì sớm hay muộn cũng sẽ phải nhận một kết cục bi thảm, tư tưởng này như muốn hướng đến những trái tim đang đổ vỡ hãy chữa lành bằng cái tình trong đời sống, đừng vội chạy đâu xa tìm kiếm những thứ phù du ngoài kia mà đấm mình. Về phần "Chuyện của Lụt", tư tưởng được thể hiện có phần mơ hồ như chính số phận con người, con người luôn sống có mục đích nhưng không phải một mà có hàng trăm mục đích cần hướng đến, chính vì thế mà con người có vẻ vô định và bấp bênh, nhưng trong chính khoảnh khắc vô định ấy, con người ta tìm về nhà, về người thân, đó có lẽ là mục đích duy nhất đủ sức khiến họ cảm thấy ít chông chênh nhất, cuộc sống nên gắn bản thân với tình thương, với gia đình và cả cộng đồng.

Bên cạnh đó, những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư cũng rất quan tâm đến số phận con người, đặc biệt là số phận của những đứa trẻ nghèo nhưng rất mực hiểu chuyện và yêu thương gia đình. Nếu ở "Sầu trên đỉnh Puvan" có Củi, một cậu bé chăn dê, thất học đến độ "lần đầu tiên nó thấy được đường nét của tên mình", mới mười lăm tuổi đã tự lập, phải làm lụng kiếm sống, nhưng em lạc quan lắm, Củi không thấy cuộc sống này khổ "khổ gì đâu... Chăn dê cũng sướng" mà với Củi, cái thứ khổ sở và buồn nhất trên đời là "không được ở với má". Đến phần Lụt, cậu bé cũng sống trong hoàn cảnh khó khăn, ở một nơi mà "đàn ông say, trẻ con bị ghẻ và bóng tối, nhiều vô kể", cảnh nghèo bủa vây như bóng tối, ở nơi đó nửa cái hột vịt dằm nước mắm là một thứ quý giá với chính Lụt, cái thứ bình dị ấy lại là cả một gia tài lớn! Cả hai có cùng số phận nhưng có vẻ cuộc đời của Lụt thăng trầm hơn Củi, cuộc đời của Lụt đã trở nên mờ mịt từ cái ngày mà nó đi mua thuốc ghẻ và lạc mất gia đình!

Số phận trôi dạt của con người cũng là một vấn đề xuyên suốt trong hai tác phẩm, nếu ở "Sầu trên đỉnh Puvan" có Dịu, một cô gái ly dị giả với chồng để đi Đài Loan làm việc và rồi có con với ông chủ, từ đó mà dòng đời mang cô đến với con đường làm gái bao nuôi sống con, chính số phận bi đát ấy đã đưa Dịu trôi dạt vào con đường mà người ta cho là ô nhục và đáng khinh nhất, nhưng đến cuối cùng liệu Dịu sẽ trở về nhà với con với chồng của mình hay cuộc đời cô sẽ tiếp tục trôi dạt theo nhịp sống hối hả? Nhưng đối với "Chuyện của Lụt", cậu bé Lụt cũng mang trên mình thân phận dạt trôi kia, cái chính là sự mơ hồ đã đẩy cậu vào cảnh đi lạc, cũng chỉ vì chuyện đi mua thuốc ghẻ ấy đã thay đổi cuộc đời cậu, một cuộc đời vốn dĩ đã rất mơ hồ, rồi lại đến lúc ông trời giúp Lụt gặp lại con Lì, gặp lại trong cảnh tượng ngẫu nhiên, nhưng giờ đây Lụt không còn có má ở bên mà chỉ có cái hột vịt luộc dầm nước mắm là còn mãi, nhưng có lẽ cái kết cuối cùng cho cả hai số phận lạc trôi ấy vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn trong lòng người đọc, người ta không thể chắc rằng họ có vô định thêm một lần nào nữa?

Mỗi một cuộc đời khác nhau, người ta có những mưu cầu cũng khác nhau. Nắm bắt được điều này, Nguyễn Ngọc Tư đã phả vào "Sầu trên đỉnh Puvan""Chuyện của Lụt" với hai hình tượng nhân vật đang trên đường đi tìm thứ mà họ tin. Vĩnh- một người tin vào lời đồn về cây sầu: "Những đóa hoa sầu đẹp đến nỗi đáng đánh đổi cả cuộc đời người để được trông thấy chúng dù chỉ một lần", anh ấy đã chờ đợi điều này suốt mười lăm năm qua chỉ chực chờ có cơ hội để đi đến Puvan ngắm hoa sầu nở, và rồi trời cũng chiều lòng người, khi ông trời gieo hạn suốt mười ba tháng và mang đến một cơn mưa đầu sau mùa hạn, Vĩnh tìm đến Puvan, ngắm cái tuyệt sắc của trần đời, đi cùng Dịu và Củi nhưng cả hai lại chẳng quý mến gì cái hoa sầu ấy, đối với Củi mà nói hoa sầu là thứ 'vô duyên vô dùng" bởi chính vì đợi nó nở mà người ta sẵn sàng trù dập cho nơi đây bị hạn hán, còn Dịu, cô không bị cái thứ chết người kia làm cho điên đảo, nhưng với Vĩnh mà nói đó là cả một giấc mơ, Vĩnh bất chấp mọi lời đồn đại rằng hoa sầu rất thiêng hay dù rằng đã có nhiều người bỏ mạng trên đỉnh núi kia là thật. Ngay trong khoảnh khắc ngắm hoa sầu ấy Vĩnh tưởng chừng " gần như chạm tay vào tất cả những gì mình muốn, tận mắt nhìn thấy những gì mà người đời ca tụng là tuyệt vời nhất", nhưng cũng chính lúc ấy Vĩnh nhớ về mối tình đầu và nhớ về người thân đã bỏ mạng trong mưa bom. Tôi từng nghĩ, có lẽ Vĩnh đã không dễ dàng gì mà tự sát nếu hoa sầu không gợi nhắc về một quá khứ bi thảm, chính nó đã cho Vĩnh thấy mình cô đơn và lạc lõng, Vĩnh muốn ở mãi nơi ước mơ của mình, bảo toàn vẻ đẹp ấy và ngay lúc này với Vĩnh "trên đỉnh núi không có thêm đỉnh núi", không còn bất kì một mục đích nào để hướng đến, chết trong cô đơn. Về phần Lụt, cậu có nhiều mục đích hơn Vĩnh, cái ý muốn đầu tiên của cậu là được ăn trọn vẹn nửa cái hột vịt luộc dầm nước mắm, nhưng sau đó mục đích đã đổi lại là đi tìm ông Sơn Đông, nhưng cái mục đích đầu tiên vẫn luôn ám ảnh trong trí óc Lụt, nhưng trong chính hoàn cảnh bôn ba tìm người ấy, cậu lại có ao ước khác, ao ước hết ghẻ để "nó sẽ trở lại ngủ chung với con Lì, với má, hai con người thơm và ấm nhất đời", từ chính điều này đã thúc giục nó tìm kiếm ông Sơn Đông cho bằng được, nhưng đổi lại, Lụt lạc mất đường về nhà đến mấy chục năm, đến khi tìm gặp con Lì thì má đã không còn, chỉ còn cái hột vịt luộc dầm nước mắm là còn mãi.

Sức hút văn chương của Nguyễn Ngọc Tư đến từ lối dùng từ hết mực dung dị và đậm chất Nam Bộ, "ngôn ngữ truyện cứ như được bê vào từ đời thường", chính điều này đã tạo nên sự gần gũi giữa độc giả và nhà văn. Do đó, mà trong hai tác phẩm "Sầu trên đỉnh Puvan" hay "Chuyện của Lụt", người đọc không cảm thấy bất ngờ trước vốn từ của cô Tư mà nó đã quá đổi thân quen rồi. Những từ ngữ như bịnh, vô duyên vô dùng, ghẻ, lộ, xức, lẹ,....hay xưng hô là má, tui. Cái khác chính là ở bối cảnh dùng từ, dù ở Puvan hay ở một vùng quê miền Tây nào đó thì ngôn từ địa phương vẫn được cô đặt để vào, bởi lẽ nó đã ngấm vào máu, vào văn của Nguyễn Ngọc Tư rồi.

Tiếp đến là nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật trong hai tác phẩm. Đầu tiên phải đề cập đến là tên gọi của các nhân vật cũng có phần khá đặc biệt, trong " Sầu trên đỉnh Puvan", có cái tên Củi, nghe thật là nhỏ bé và có phần tầm thường nhưng ắc hẳn, má của Củi không nghĩ vậy bởi "bà mẹ cũng tự trọng khi đặt tên con", chắc bà cũng gửi gấm đôi chút ý nghĩa, củi là vật dụng trong nhóm lửa, nấu ăn, sưởi ấm,củi thấy vậy mà có ích lắm, làm đủ thứ việc trên đời, đôi khi người ta còn lấy nó để căng võng cho em bé nằm nữa, không chỉ hữu dụng mà nó còn kiên cường, mưa thì ướt, nắng thì khô nhưng có điều, nó sẽ bị mối mọt ăn mất nếu chẳng làm gì, chắc mẹ Củi cũng muốn con mình trở nên hữu ích cho đời, cống hiến tận tâm để tồn tại. Hay cái tên Lụt, Lì trong " Chuyện của Lụt" , cái này trước hết là thói quen đặt tên xấu cho dễ nuôi của bà con người đồng bằng châu thổ, nhưng cái phần tên Lụt nghe sao giống cuộc đời cậu quá, trôi dạt và vô định bởi có trận lụt nào biết được điểm dừng và bản thân nó cũng không đoán được mình đi về đâu, nhưng rồi ngày tháng trôi dạt sẽ kết thúc và Lụt cũng thế, trôi dạt nhiều năm cũng tìm được nhà, hình như cái tên sao mà gắn kết với số phận quá! Ngoại hình nhân vật cũng được Nguyễn Ngọc Tư chú trọng trong cả hai tác phẩm, nếu "Sầu trên đình Puvan" cô miêu tả ngoại hình của thằng bé Củi rất chi tiết với thân hình "gầy nhom, lem luốc, hai xương vai bén ngót, nhô lên cao, môi nẻ ra, bong những cái vảy nhỏ""toàn khuôn mặt chỉ long lanh một hàm răng trắng nhởn" với làn da thì " đen nhẻm", những chi tiết ấy lại có phần trùng khớp với số phận, bởi Củi là một cậu bé chăn dê nghèo khó nên da đen và gầy ốm là điều không tránh khỏi, nhưng trái lại với Củi là Vĩnh, anh ta được miêu tả với " khuôn mặt đẹp như tạc từ đá" bởi chính vì cuộc sống của anh có phần tươi đẹp hơn. Còn về phần "Chuyện của Lụt", thằng bé Lụt dường như có nét gì đó giống với Củi, vì nó cũng 'ốm ròm" trong cảnh nhà nghèo giống như Củi. Chính dáng vẻ bên ngoài đã phản ánh nên số phận con người. Lời nói và hành động của nhân vật cũng là điều cần lưu ý khi xét đến nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật, chính hai yếu tố này phần nào giúp sức trong việc thể hiện nên tâm trạng nhân vật, có thể trong cùng một hoàn cảnh, cảm xúc của nhân vật sẽ có nhiều sự chuyển biến, như Vĩnh, trong toàn bộ khoảnh khắc ngắm nhìn hoa sầu nở, lúc đầu "Vĩnh thì như phát điên, như đang mộng du khi những vòm lá chết của những cây sầu bỗng phát sáng" nhưng ngay sau ấy, anh chuyển từ cảm xúc cảm thán với vẻ đẹp của sầu sang cảm giác cô đơn, cảm thấy sợ hãi về ngày mai bởi hiện tại anh không sống vì bất kỳ ai và bất kỳ cái gì Vĩnh "Hoang mang. Ngơ ngác. Rã rời. Vụn nát." Chính những cảm xúc được ngắt nghỉ ấy càng làm cho người đọc thấu cảm phần nào về trạng thái tâm trạng của Vĩnh ngay lúc này, một trạng thái rối bời và pha rộn nhiều tầng xúc cảm. Hay nhân vật Lụt, cậu bé cũng có sự biến chuyển trong tâm lý trong lúc trời đang sập tối, Lụt nhớ về cái hột vịt dầm nước mắm với một nỗi tuyệt vọng vì biết con Lì sẽ ăn mất, nhưng rồi Lụt trấn tỉnh cái điều ấy, cậu nghĩ về ngày mình hết ghẻ, Lụt sẽ lại được ngủ cùng má và con Lì, ý nghĩ ấy phần nào toát lên sự hy vọng và một chút vui sướng trong con người Lụt.

Yếu tố nghệ thuật tiếp theo là cốt truyện, cả hai tác phẩm có điểm giống nhau về mở truyện, với cách mở bằng một tình tiết bất ngờ đã tạo nên sự ấn tượng đối với người đọc, trong " Sầu trên đỉnh Puvan" mở đầu bằng lời kể lại về chuyến đi của một vị tu sĩ người Pháp tên Colègan, còn " Chuyện của Lụt" là sự xuất hiện của ông Sơn Đông ngay từ câu văn đầu tiên. Về phần kết truyện, nếu " Sầu trên đỉnh Puvan" là kết thúc đóng cho sự kết thúc số mệnh của Vĩnh thì " Chuyện của Lụt" lại mang kết thúc mở, khi Lụt tự cảm thấy những gì trải qua giống một giấc mơ, và trong chúng ta cũng không ai biết được rằng liệu đó là mơ hay thật!

Tóm lại, bằng việc vận dụng phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn học, ta đã chỉ ra được sự giống và khác nhau của hai tác phẩm: " Sầu trên đỉnh Puvan" và " Chuyện của Lụt" dựa trên hai phương diện nội dung và hình thức, từ đó có thể thấy rằng, dù giữa chúng tồn tại nhiều đặc điểm tương đồng lẫn khác biệt nhưng chung quy lại cả hai vẫn toát lên một thứ gì rất riêng. Dưới cùng một ngồi bút nhưng mỗi tác phẩm lại là một vùng đất khác thể hiện một tư tưởng, khát vọng nào đó mà chính Nguyễn Ngọc Tư mong muốn truyền đạt đến quý bạn đọc.


Cần Thơ, ngày 23 tháng 11 năm 2022


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro