fin.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. alter ego

Tôi thường bị ám ảnh bởi cái bóng.

Chính tôi cũng không rõ tại sao chúng lại dễ dàng trở thành một thứ chấp niệm khó bỏ trong mình như vậy, nhưng ngay từ khi còn nhỏ, những chiếc bóng xám xịt đơn độc in trên nền đất luôn gợi cho tôi cảm giác buồn bực và bức bối.

Cô đơn dâng đầy trong mắt.

Đối với một đứa trẻ thiếu thốn tình yêu thương như tôi, thì bên cạnh đột nhiên xuất hiện ai đó khác nữa ngoài gia đình lại dần dần thay đổi mọi thứ đã từng là sự tồn tại hiển nhiên. Cô đơn không màu. Bóng không màu. Ám ảnh không màu. Nỗi buồn không màu. Hồi ức không màu. Cõi lòng không màu. Tôi cào nát vết sẹo sắp lành, và biết rằng cậu ấy vừa rời đi. Vết sẹo nguyên vẹn. Nhưng móng tay tôi xước một đường, tứa máu.

Tôi chán chường đóng lại cuốn sổ ố vàng, nhét trả vào thùng xốp, dán chúng bằng băng dính bản to, dùng một chân đá cửa nhà kho, tìm cách mở nó ra, cuối cùng thất bại. Tất cả những thứ này nên về đúng vị trí của nó. Vì nhà kho của bà đã khá chật rồi, mà tôi vẫn cần chỗ trống để tống hết đống kỷ niệm cũ rích về một cậu bạn mười sáu tuổi với đôi mắt màu xám tro to tròn.

Thanh xuân của tôi cũng mãi mãi dừng lại ở cái tuổi mười sáu có Hansol bên cạnh. Thứ thanh xuân mỏng manh như mẩu giấy note nhằng nhịt những chữ, nét chữ nguệch ngoạc to nhỏ không đều - đính ngay ngắn trên ô cửa sổ phòng tôi.

Tôi khẽ hẩy xuống vài giọt nước nóng hổi vừa trào ra, lau đi lau lại hai gò má ẩm ướt, cố bê bốn thùng xốp lớn bước từng bậc cẩn thận lên ngôi nhà cây tọa lạc trên một cành cổ thụ khổng lồ không tuổi phía sau nhà kho.

Nơi này từng là của Hansol.


2. Xô nát cung Rê trưởng

Tôi theo thói quen rút chiếc chìa khóa bằng bìa màu lục nhạt nhét vào cái lỗ tí xíu trên cửa, vừa khít. Mặc dù bây giờ đã là một giáo viên thanh nhạc trải qua hai mươi sáu cái xuân xanh, và chỉ vài ngày nữa thôi sẽ đính hôn với đối tượng xem mặt lạ hoắc nào đó theo chỉ thị của bà nội, tôi vẫn cảm thấy thích thú với việc này.

Nó làm tôi nhớ cậu ấy.

Tôi muốn nhớ cậu ấy mãi mãi.

Chẳng biết sau này thế nào, nhưng quên cậu ấy là điều tôi sợ hãi nhất. Hansol bảo, cậu ấy thích Jeju vô cùng, vì Jeju có tôi. Lúc đó, cậu ấy mười sáu tuổi. Và mỗi lần tôi nói nhớ Seoul, cậu ấy đều xoa đầu tôi mà an ủi bằng mấy lời dỗ con nít, ừ, tớ sẽ nhớ Seoul cùng cậu, như vậy là huề rồi đúng không, cậu từng nhớ Hongdae với tớ còn gì. Đồ ngốc, hiện tại đến thành phố trong mơ của cậu tớ cũng đã đặt chân qua, nhưng cậu lại chẳng có ở đó. New York rộng lớn là thế, tớ không tìm thấy cậu, làm sao bây giờ? New York nhỏ bé là thế, cậu trốn kỹ quá, tớ đếm đến cả mười nghìn lần, cũng không nghe được bước chân lộ liễu cậu tạo ra trên mặt đất. Hansol, cậu rõ ràng chơi trốn tìm dở tệ, chỉ có lần này để tớ chờ lâu như vậy.

Hansol nói thích con gái tóc dài, thế là tôi hì hục nuôi dài mái tóc ngắn cũn cỡn với phần tóc mai phủ kín hai mắt của mình. Sau đó Hansol kiếm cớ tránh mặt tôi cả tuần, tôi hùng hổ cãi nhau một trận ra ngô ra khoai với cậu ấy, cậu ấy liền trực tiếp lôi tôi đến hiệu làm tóc gần trường cắt phăng mớ tóc vướng víu dài quá vai tôi mất công nuôi trong ba tháng. Hansol thẳng thắn nhìn tôi, cậu ấy không cho phép tôi tự ý thay đổi nhân sinh quan của cậu ấy. Tôi cau có đến mức trên mặt có cái gì đều nhăn hết lại, Hansol túm lấy cánh tay tôi, gò má đỏ lựng, nhân sinh quan của tớ là cậu. Tôi lập tức nguôi giận, đột nhiên gánh nặng hình mẫu lý tưởng gì gì đều đem quăng khỏi đầu.

Ngày đầu tiên Hansol nhập lớp, bạn học được dịp trố mắt, nhận ra thế giới này thật bất công biết bao. Nghe cậu ấy giới thiệu bản thân, bọn họ ai nấy mồm miệng méo xệch, nỗ lực phát âm cái tên lạ tai. Tôi tò mò nghiêng đầu, lọt vào nhãn cầu là cặp mắt màu xám tro lấp lánh thân thiện, dáng người hơi gầy, nụ cười rạng rỡ chào hỏi từng người trong lớp.  Chỉ đến khi Hansol đặt ba lô xuống ghế và thản nhiên ngồi vào chỗ trống bên cạnh tôi, nghe lồng ngực mình nổ cái bùm như pháo giấy, tôi biết mình tiêu rồi. Thứ duy nhất tôi nhớ rõ, là câu nói 'xin chào' từ khuôn miệng cậu ấy, kèm theo cái bắt tay hào hứng. Mùa thu năm mười bốn tuổi, tôi phát hiện ra việc quay lại trường học và kết thúc chuỗi ngày nằm bẹp dí ở nhà không tệ đến thế.

Một lần, chúng tôi thong thả tán gẫu trên con đường trở về nhà bà nội - sau khi tôi mài mòn lớp vải quần bò phai màu của mình trên ghế nghỉ đợi Hansol chơi bóng rổ cùng hội bạn ngoại quốc, cậu toe toét cười, dùng bàn tay ướt nhẹp mồ hôi và bùn đất nắm tay tôi, thủ thỉ bé xíu, hình như tớ yêu rồi. Tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên, vì Hansol vốn dĩ rất nổi tiếng trong trường, biết đâu hộp chocolate của một em gái may mắn nào đó mến mộ cậu ấy tặng vào hôm Valentine vừa qua khiến cậu lưu tâm chăng. Tôi cười, xoa đầu Hansol, răng cửa tì vào lưỡi đau buốt, bảo, cô bé được cậu để ý hẳn là đã chờ đợi rất lâu rồi, còn không mau tỏ tình. Hansol gạt tay tôi ra, nghiêm túc nhìn chằm chằm vào mắt tôi mà không nói gì, khóe miệng như có như không khẽ nhếch lên, mắng tôi là đồ ngốc, sau đó vẫn cùng tôi về nhà, cả đoạn đường nói ngắn chẳng ngắn, nói dài chẳng dài lại không đứa nào dám mở lời. Hansol thỉnh thoảng liếc trộm tôi, chỉ cần tôi quay sang, cậu ấy lập tức đổi hướng nhìn về hoàng hôn sẫm đỏ phía trước. Hansol đâu biết, tôi thích cậu ấy nhiều thế nào.

Tôi ngồi bất động được nửa ngày, cho đến lúc vài sợi nắng hồng lựng vờn đuổi mấy giọt nước bám trên má mình - không biết là nước mưa hay nước mắt, vì mái nhà cây vừa cũ nát, ẩm mốc, lại không chắc chắn, có lẽ nước mưa của hai hôm trước đọng trên mái nhà đã vô tình rơi xuống - tôi bần thần thanh tỉnh, cảm giác hốc mắt nóng hổi cồm cộm chân thật nói lên điều ngược lại.

Gió đầu thu sượt qua bả vai lành lạnh, từng đợt luồn vào khe cửa lỗ chỗ những lỗ hổng bị mối đùn thủng nghe loạt soạt như tiếng thở dài. Tôi bất giác giật mình, loạng choạng suýt ngã bê đống thùng xốp cao quá đầu người dịch lùi để chạm tới góc nhà lấy điểm tựa, bước ra khỏi nhà cây, một tay cẩn thận cài lại cửa. Đã mười năm trôi qua, bão đến rồi tan, thứ đồ cổ này không ngờ có thể trụ vững lâu như vậy, cố nhiên trở thành vật chứng sống cho tuổi mười sáu vội vã của tôi và Hansol.

Hồi còn nhỏ, cây thông Giáng sinh bà nội mang về trồng ở sân sau trong mắt tôi là một người khổng lồ cao lớn tại thượng, luôn để ý quan sát nhất cử nhất động của mọi người.

Trưởng thành, cây thông Giáng sinh chúng tôi nhìn thấy năm mười sáu tuổi đột nhiên trở nên nhỏ bé, nhưng nó vẫn hằng ngày lớn dần trong lòng tôi, nhắc nhở tôi về những mùa Giáng sinh được ngồi cạnh cậu bên lò sưởi chạy điện của bà nội, nghển cổ xem chương trình văn nghệ kéo dài hai tiếng trên máy vô tuyến hai mươi lăm inch, sau đó lại cùng cậu ngắm pháo hoa. Lúc nào cũng là cậu.

Hansol, cậu còn nhớ không?


3. Xô nát cung Fa thứ

Tôi lặng lẽ ngắm nhìn cô đơn đang từ từ rụng xuống, cười nhạo chính mình trong quá khứ tức tốc đuổi theo nỗi nhớ, không biết đến bao giờ. Nỗi nhớ không có màu, không âm thanh, tiếng động. Nỗi nhớ gõ mạnh vào trái tim u mê tăm tối, tàn nhẫn nhấn chìm tôi giữa dòng người chen nhau xô đẩy, ác ý túm chặt gáy tôi nhấc lên và xoay mòng mòng. Nhớ phát điên. Nhớ mất cả quyền kiểm soát. Tôi tưởng mình sẽ khóc mất, khóc thật lớn, ôm ghì nỗi nhớ đáng sợ lang thang kia mà hét thật to. Nhưng tôi không làm được. Tôi không có quyền năng gì khi bừa bãi chối bỏ quá khứ, ném phăng tuổi mười sáu như thơ như mộng vào một góc tủ lim của bà nội, mãi mãi chôn vùi. Hansol cần lấy nó ra. Ngay từ đầu đã chẳng có thứ gì thuộc về tôi. Kể cả những kỷ niệm hoang hoải cũ mòn.

Bên kia niềm thương, lòng tôi chơi vơi chơi vơi.

Tôi và cậu ngồi cùng bàn bốn năm trung học.

Nét chữ xiêu vẹo in hằn một góc bàn, mảnh phấn sót lại nơi khe ghế hở rớt thẳng xuống mặt sàn đá hoa phủ bụi nghe lanh canh như tiếng chuông. Người bạn cùng bàn đầu tiên, cũng là mối tình đầu tiên. Tôi mơ hồ buồn. Cái buồn mê mải ghim chắc vào trái tim non nớt như hàng chữ khắc vội hiển hiện trước mắt, tôi đưa tay xoa nhẹ. Không thiết làm gì, chỉ ngồi yên lặng như vậy, và mường tượng vẫn nhìn thấy sườn mặt tinh tế góc cạnh của cậu ấy bị nắng rọi ngược, mờ mờ tỏ tỏ. Cảm tưởng chính mình nằm dài trên bàn, lim dim mắt, ngắm cậu ấy chăm chú cúi xuống ngẩng lên, bàn tay lia bút thoăn thoắt, tờ giấy chẳng mấy chốc đã dày kín chữ.

Chúng ta đều đang cố vùng vẫy thoát khỏi vòng vây kìm kẹp của quá khứ. Lúc ấy chợt quên mất, tháng năm xưa cũ đều bị mưa mùa hạ thấm mủn hết cả. Tôi nhìn thấy Hansol đứng sững tại chỗ, bàn tay đưa lên hứng những hạt mưa chảy theo mái tôn và rơi xuống. Đôi khi không cần ai đó bên cạnh, dưới màn mưa dày, thực chất chúng ta là hai vũ trụ song song. Cậu là cậu. Tôi là tôi. Rõ ràng tìm nhau, nhưng cứ tìm nhau như thế, mặc dù chúng ta luôn ở đây. Trong mắt tôi có cậu, trong mắt cậu có tôi.

Tôi lặng thinh quan sát làn mưa rơi rả rích trước mặt, tâm trí bị đục thủng một lỗ to tướng. Tự nhiên mà khóc.

Hansol bảo, cậu ấy chờ cơn mưa tan đi.


4. Kafka bên bờ biển

Seokmin từng gửi cho tôi tin nhắn thế này,

Seungkwan, nuối tiếc chẳng giải quyết được chuyện gì cho ra hồn. Tự thân vực dậy thôi, vì họ bỏ mặc cậu, vì cậu luôn một mình.

Những điều trân quý chỉ nên giữ cẩn thận trong lòng.

Hãy tưởng tượng đôi mắt người là khu rừng huyền bí rậm rạp, cậu chạy mãi chạy mãi, bước chân dông dài mỏi nhừ chỉ trông chờ bóng lưng người vốn xa vời. Tuổi trẻ là con đường dài hoang hoải, không có khứ hồi, tiếp tục đi tiếp, và cậu sẽ không đau nữa. Nỗi nhớ sẽ nhòa. Sau này sẽ khác. Cậu sẽ nói về nó như một câu chuyện vui.

Vì chúng ta đều trở thành tro bụi tất thảy.

Chúng ta sẽ hóa kén và cất cánh bay. Con đường kia nằm lại phía sau. Vì kỷ niệm là trân quý. Vì kỷ niệm cần gìn giữ thật tốt. Vì kỷ niệm không thể mãi mãi khóa chặt trái tim tôi. Vì cái nhà cây ọp ẹp của Hansol sắp sụp rồi. Mỗi đứa bọn mình vẫn cố hữu xoay tròn trong mảnh trời riêng lửng lơ lơ lửng. Quá sớm để gọi chúng là yêu. Quá muộn để nói thích cậu.

Vì thanh xuân ngắn ngủi vừa đuổi bắt nhau qua trước ô cửa sổ nhà cây, trêu đùa vài ba mảnh giấy màu nát vụn, săm soi khóe mắt tôi vương sắc chiều.

Ở đây có Jeju đang nhớ Hongdae.


fin.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro