Giá trị của một con người

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Đã bao giờ bạn tự hỏi về giá trị của bản thân chưa?

Tôi đoán là bạn đã từng. Hoặc có thể là bạn chưa từng. Sao cũng được. Tôi nghĩ là thế nào bạn cũng suy nghĩ về giá trị của bản thân ít nhất một lần trong cuộc đời. Con người chúng ta là thế mà, luôn luôn cân đo đong đếm những thứ mà chúng ta còn chẳng có một đơn vị để đánh giá chúng. Nếu bạn đã từng học về phép so sánh thì hẳn bạn phải hiểu được rằng chúng ta chỉ có thể so sánh hai vật với nhau khi chúng được đặt cùng một hệ quy chiếu mà thôi. Ấy vậy mà lắm lúc con người chúng ta hay làm mấy thứ kì lạ, giả như so sánh nỗi đau của bản thân với nỗi đau của người khác (thứ mà còn chẳng có một đơn vị để so sánh). Mỗi người có cuộc đời riêng của họ, và việc này có nghĩa rằng chính họ đã là một hệ quy chiếu độc nhất vô nhị. Chẳng có con người nào có thể mang ra so sánh với con người nào cả, bởi vì đơn giản thôi, mỗi người là một bản thể duy nhất trên cuộc đời này mà.

Điều đó có nghĩa là gì nhỉ? Đơn giản thôi, giá trị của một con người không nằm ở việc bọn họ có hơn hay là kém người khác ở chỗ nào cả. Trên đời này chẳng có giá trị của người nào hơn người nào cả, bởi vì như tôi đã nói đấy, mỗi người đã tạo lập ra một hệ quy chiếu độc nhất cho họ rồi. Hẳn là ai cũng biết được rằng bản thân là độc nhất vô nhị qua mấy bài học về DNA và gen nhỉ (để tôi nhắc lại cho các bạn nhé, mỗi người chúng ta mang một chuỗi DNA đơn nhất). Và không những về mặt sinh học không thôi, mỗi người mang trên mình những kí ức và câu chuyện mà chẳng bao giờ giống người khác trăm phần trăm cả. Cuộc đời của bạn chính là một cá thể riêng biệt. Chẳng có một chỉ tiêu nào có thể đánh giá toàn diện bạn cả.

Nhưng tôi chợt nhận ra, vô vàn kiến thức khoa học và triết học chứng minh con người là những cá thể không thể nào có thể mang ra để so sánh với nhau cũng chẳng hơn được cách xã hội định giá một người. Cho dù có cả trăm ngàn cuốn sách viết về việc mỗi chúng ta độc nhất vô nhị ra sao, việc xã hội vô tình tạo ra một hệ quy chiếu chung cho tất cả mọi người rồi mang họ ra mổ xẻ theo những tiêu chí chung khiến cho chúng ta dần gán cho mỗi con người một giá trị nhất định theo mặt bằng đánh giá mà chúng ta đã được dạy. Chúng ta cho rằng một cô học sinh học giỏi các môn trên trường có giá trị hơn cậu học sinh giỏi thể thao, trong khi cả hai tài năng đều có giá trị và mục đích riêng của chúng. Ấy mà chúng ta vẫn làm vậy, bởi tiêu chí đánh giá của xã hội đã gán cái tag kém cỏi lên cậu bé kia mà.

Để tôi kể cho bạn nghe vài câu chuyện về bản thân tôi.

Tôi là Kim Seokjin và tôi là đứa con trai út trong gia đình họ Kim quyền lực nhất nhì Hàn Quốc. Tôi có vẻ ngoài ưa nhìn và tương đối có tài trong lĩnh vực học thuật. Tôi không hề gặp khó khăn ở bất kì môn nào. Tôi cũng có chút tài lẻ, cũng biết ca hát và ngoại giao tạo dựng các mối quan hệ. Ngay từ ban đầu, những con người như tôi hẳn là được xã hội công nhận và coi trọng. Tôi có chút tài, cũng có nhan sắc và biết cách ăn nói, nên đi đâu cũng được mọi người tung hô là mẫu con trai lý tưởng, mẫu đàn ông xuất sắc. Đồng nghiệp của ba tôi lúc nhìn vào hồ sơ học tập của tôi thì trầm trồ trước các mác học sinh đại học Konkuk của tôi và cảm thán: "Nhà anh có quý tử rồi!". Bạn bè của mẹ tôi thì liên tục hỏi chuyện về tôi và mong muốn làm mai làm mối con gái học với tôi (cho dù bà liên tục từ chối bởi muốn tôi tập trung vào sự nghiệp). Cái mác mà xã hội gắn lên tôi thật cao giá, nên trong tôi cũng ý thức được bản thân có giá hơn mặt bằng chung của xã hội. Tôi cho rằng con người tôi là mục tiêu của rất nhiều những đứa con trai khác mỗi khi chứng kiến ánh mắt ghen tị của bọn bạn cùng tuổi dán lên người tôi. Cái mác "thượng đẳng" chợt được tôi gắn lên chính con người tôi. Cũng phải thôi, bởi vì mọi người luôn nói về tôi như thể tôi là hình mẫu của bọn họ mà.

Ngay cả khi viết những dòng này, tôi vẫn rùng mình khi nghĩ về việc xã hội đã vô tình định giá mỗi con người như thế nào khi bọn họ còn chưa biết những con người đó một cách toàn diện.

Nếu mọi người bỏ qua cái vẻ bề ngoài sáng láng của tôi mà nhìn tôi từ mọi khía cạnh, thì hẳn tôi cũng chỉ là một đứa con trai bình thường không hơn không kém mà thôi. Tôi có thể giỏi học hành và làm bài kiểm tra, nhưng tôi tuyệt đối không biết chơi Overwatch (tôi chơi cái game đấy dở tệ và đã bị thằng em trai Jungkook mắng mấy lần khi tôi vô tình làm nó thua theo tôi). Tôi có thể giỏi hát, nhưng tuyệt nhiên chẳng thể rap lấy một chữ như những đứa bạn đồng lứa (thằng bạn Hoseok của tôi hay chê rằng tôi đọc rap giống mấy ông thầy chùa tụng kinh). Ngoài việc đi lòng vòng thư viện và chạy hết hơi tới trường để không trễ giờ học ra thì tôi chẳng biết chơi lấy một môn thể thao nào trong khi những đứa bạn cùng tuổi tôi đều biết chơi bóng đá hay bóng rổ. Tôi cũng chẳng biết nhảy nhót kiểu hiphop hay tap dance gì (mỗi lần nhảy với tôi đều chỉ là một chuỗi khua tay múa chân loạn xạ mà thôi). Cho dù tôi thua kém kha khá thứ so với đám bạn, tôi vẫn được cho là người có giá trị hơn bởi vì những thứ tôi giỏi lại được mọi người công nhận. Dĩ nhiên, người lớn sẽ thích một học sinh giỏi đều các môn hơn là một học sinh chơi bóng đá giỏi nhất trường rồi. Giá trị mà xã hội gán lên tài năng của tôi cao hơn giá trị mà họ gán lên những thứ tôi dở tệ, nên thành ra tôi trở thành một hình mẫu lý tưởng khi tôi còn thiếu sót rất nhiều thứ để trở thành một cậu con trai tuổi teen lý tưởng. Trong mắt đám bạn của tôi thì tôi có chút nhạt nhẽo, nhưng xã hội thì nhìn nhận tôi như một cậu quý tử cao giá. Thật thú vị làm sao khi giá trị của tôi chênh lệch rõ ràng giữa hai hệ quy chiếu khác nhau!

Hẳn là cuộc đời tôi mãi chạy theo cái định vị giá trị của xã hội, bởi vì chỉ có theo nó thì tôi mới được coi trọng, cho đến khi tôi gặp cậu trai tên Namjoon kia ở sông Hàn.

Nếu nói cuộc gặp gỡ với Namjoon mang tính thay đổi cuộc đời thì cũng không điêu ngoa là mấy. Cả cuộc đời tôi quay đi quay lại cũng chỉ có các mối quan hệ với những con người mang hình mẫu tiêu chuẩn của xã hội. Từ bé đến lớn, tôi chỉ chơi với những đứa bạn cũng học giỏi và được mọi người coi trọng như tôi chứ chưa từng giao du với những đứa ăn chơi lông bông. Giá trị của tôi đối với xã hội vô tình trở thành màng lọc các mối quan hệ của tôi khi những người tiếp cận tôi đều chỉ là những "đồng loại" của tôi. Bởi nên, việc gặp và trò chuyện với Namjoon đều tình cờ xảy ra và nằm ngoài dự tính của tôi.

Cho đến thời điểm tôi quyết định đặt bút xuống và viết về cuộc gặp gỡ định mệnh ấy thì cũng đã mười năm. Năm tôi gặp Namjoon, tôi mới chỉ mười bảy tuổi đầu - cái tuổi mà những đứa con được cha mẹ nuôi dạy và bảo bọc trong môi trường sạch sẽ và chất lượng cao như tôi mới chỉ là những đứa nhóc cấp ba non choẹt và ngây thơ. Hôm ấy, tôi đang vẩn vơ đi dạo vòng quanh sông Hàn với cả đống suy nghĩ rối ren trong đầu về bài tập môn Toán (còn nhớ nó là bài tập về hàm số sin và cos), ánh mắt vu vơ đặt ở con đường tấp nập và dòng sông dịu dàng. Kể ra tôi cũng hạnh phúc thật, mười bảy tuổi đầu rồi nhưng những thứ mà tôi phải nghĩ về chỉ là bài tập và điểm số chứ chưa phải là việc bản thân phải chuẩn bị tích góp tiền để học đại học như những bạn bè đồng trang lứa khác. Lựa một cái ghế gỗ đang còn trống một bên, tôi thả người xuống, ngắm nhìn khung cảnh sông Hàn vào đầu thu.Chợt có tiếng ngân nga khe khẽ bên cạnh, tôi ngước nhìn theo và rồi mọi sự chú ý của tôi đặt vào cậu trai ấy. Cậu ta cao to hơn tôi một chút nhưng lại có khuôn mặt non choẹt. Khuôn miệng với làn môi dày đang ngâm nga những giai điệu không tên và đôi mắt thì đang nhắm chặt lại. Có vẻ cậu ta đang nghĩ về một bài hát nào đấy đang được ưa chuộng trên radio. Cho dù tôi chẳng có vấn đề gì với những âm thanh vu vơ của cậu ta, tôi vẫn nhìn cậu trai ấy mà không hề đánh mắt đi nơi khác. Trong đầu tôi lúc ấy khi nghĩ về cậu ta chỉ có vỏn vẹn một sự đánh giá không hay ho của tôi ở cách cậu ta ăn mặc và đầu tóc nhuộm đỏ khói, bởi vì một học sinh ở trong một ngôi trường danh giá như tôi chưa từng chứng kiến đứa con trai còn đang học cấp ba nào như cậu ta cả. Chưa kể ở trong tay cậu ta còn có một điếu thuốc đã tàn.

"Tôi biết rằng tôi trông có vẻ kỳ dị đối với anh, nhưng anh nhìn tôi hơi lâu rồi đấy."

Cậu con trai mới nãy còn đang nhắm nghiền đôi mắt nay đã quay sang nhìn tôi với ánh mắt cộc cằn. Tôi hơi giật mình với thái độ không mấy thân thiện của cậu ta nên đã vô thức lùi lại. Chứng kiến cảnh ấy, cậu ta cười khẩy một tiếng rồi ném điếu thuốc xuống dưới đất.

"Cái lũ công tử nhà anh thì có bao giờ hiểu được cuộc đời của những người như chúng tôi chứ."

Tôi không hiểu cậu ta đang nói gì cho lắm. Dĩ nhiên, khi nhìn cái cách mà cậu ta ăn mặc, tôi hẳn phải đoán ra được việc cậu ta không có kinh tế dư giả cho lắm thông qua cái áo thun phai màu của cậu ta. Tôi toan mở miệng đáp lại thì cậu ta nói tiếp:

"Lũ nhà giàu công tử bột nhà các anh thì biết gì? Suốt ngày học với hành, rồi làm vài ba hoạt động tình nguyện hay ngoại khoá để làm đẹp hồ sơ. Các anh chỉ được cái làm đứa con ngoan ngoãn vâng lời bố mẹ mà thôi. Các anh thì biết cái đếch gì chứ. Tưởng được điểm cao, được giấy khen học sinh giỏi và học sinh gương mẫu là các anh có giá hơn người sao?"

Nãy giờ tôi mới để ý tới đôi mắt hoe đỏ của cậu trai ấy. Tôi định bỏ ra ghế khác, nhưng rồi không hiểu sao tôi quyết định ngồi lại với cậu trai ấy.

"Chứ không phải là như thế thật sao? Thầy cô và ba mẹ tôi luôn thưởng cho tôi mỗi lần tôi có điểm cao mà. Với lại học giỏi và làm học sinh gương mẫu thì có gì mà không tốt. Tuân thủ theo tiêu chuẩn của xã hội thì cậu mới có thể sống một cuộc đời an nhàn chứ. Coi cậu kìa, quần áo hầm hố với quả đầu nhuộm đỏ như vậy, tôi đoán là cậu hẳn không hề có một cuộc sống dễ dàng ở trường đâu."

Tôi im lặng nhìn cậu trai đang cúi đầu xuống, che giấu nước mắt. Thực chất tôi có chút đồng cảm với cậu ta vì hẳn rồi, đâu phải ai cũng đóng tròn được cái vai con ngoan trò giỏi cho bố mẹ vui lòng. Tôi có thể làm tròn bổn phận mà xã hội gán không có nghĩa người khác cũng có thể làm việc ấy, cho dù nó không khác hơn việc chịu nghe giảng trong giờ học và ôn bài trước khi làm kiểm tra.

"Anh thì biết cái quái gì? Phải rồi, học giỏi thì tốt lắm chứ, được bố mẹ và thầy cô coi trọng thì tốt lắm chứ, nhưng đâu phải ai cũng có cái đích như các anh? Học giỏi rồi cố gắng kiếm tấm bằng để bố mẹ lo liệu cho một công việc an nhàn ổn thoả, anh tưởng thế là hay lắm chắc? Mấy người các anh có ai biết làm nhạc hay không? Có ai biết rap hay không? Có ai biết tạo nên những giai điệu bằng những phím đàn đen trắng hay không? Các anh tưởng các anh giỏi giang xuất sắc lắm chăng? Mấy anh chỉ là những sản phẩm tiêu chuẩn được tạo ra từ cái lò mang chỉ tiêu của xã hội mà thôi, và các anh giống nhau tới mức tội nghiệp. Một trăm người thì có tới tám mươi người có mục tiêu giống nhau, khả năng giống nhau, bằng cấp giống nhau, định hướng giống nhau. Ngoài việc thoả mãn các yêu cầu của xã hội thì các anh có thể làm việc gì khác hả?!"

Đến đây thì tôi đoán cậu nhóc trước mặt tôi có niềm đam mê với nghệ thuật đọc nhanh - thứ mà người ta gọi là rap - nhưng lại không thể theo đuổi nó. Cậu ta vừa nói vừa sụt sịt khóc, nước mắt nước mũi thi nhau chảy đến là thảm thương. Tôi nhìn lại bộ đồ đồng phục được đặt may vừa khít với bản thân tươm tất và nhìn qua bộ đồ hiphop quần tụt áo dài đã sờn của cậu nhóc bên cạnh, và nhận ra hai chúng tôi chính là đại diện của hai cực đối nhau ở thang giá trị của xã hội - một bên là kẻ được mọi người coi trọng, còn một bên là kẻ bị người khác coi thường và hắt hủi.

"Cậu nom còn nhỏ hơn cả tôi, nên tôi nghĩ cậu còn nhiều thời gian để thay đổi mà. Về nhà thay lại bộ đồng phục tươm tất rồi đi nhuộm lại màu tóc đen và cắt gọn nó đi là cậu có thể trang bị lại vẻ ngoài tiêu chuẩn của một cậu thanh niên cuối cấp rồi, không phải sao? Cớ gì phải tự vẽ ra một lối sống riêng cho chính mình để mà bị người khác xa lánh và khinh thường chứ?"

Tôi vừa khuyên nhủ cậu ta vừa lấy cái khăn giấy ướt còn trong túi ra để cho cậu ta lau mặt. Cậu chàng ngẩng mặt nhìn cái khăn giấy ướt trong tay tôi rồi không do dự mà hất nó đi.

"Tôi đếch cần sự thương hại của anh! Tôi là thế đấy, nhuộm tóc khi trường không cho phép, ăn mặc hầm hố và hút thuốc đấy! Nhưng tôi là chính tôi, tôi có mục tiêu, đam mê và ước mơ riêng của tôi chứ không phải là mơ ước chung như các anh. Thay đổi vẻ ngoài của tôi cũng chẳng hoà tan tôi vào lũ người các anh được. Làm con ngoan trò giỏi như các anh thì dễ lắm, chỉ cần vâng lời và làm theo các công thức chung từ thầy cô và cha mẹ mà thôi. Để hoà vào bức tranh chung của xã hội này thì dễ, còn tự tạo nên một màu sắc riêng cho bản thân mới khó chứ. Tôi thà làm một rapper, nhưng là một rapper đỉnh nhất, còn hơn là một học sinh giỏi, nhưng chỉ là một học sinh giỏi trong số cả trăm ngàn học sinh giỏi khác. Anh tưởng xã hội gán cho anh cái giá cao thì hay ho chắc? Ngoài học giỏi và gương mẫu ra thì anh còn gì? Anh có gì thuộc về riêng anh không?"

Tôi nhìn đôi mắt đỏ ửng vì khóc nhưng vẫn tràn đầy sự kiên quyết của cậu trai kia, và tự dưng tôi cảm thấy hổ thẹn khi suy nghĩ về lời nói của cậu ta. Đúng là tôi là một người mà xã hội này rất ưa thích, nhưng nếu nói về một điểm mà chỉ thuộc về riêng tôi thì ngoài dãy DNA ra thì tôi chẳng có gì cả. Vào buổi cuối thu hôm ấy, một cậu công tử vì nghe lời tâm sự của một cậu nhóc rapper mà bắt đầu nghi ngờ về giá trị của bản thân cậu ta.

"Anh không trả lời được chứ gì? Anh đã thấy được hiện thực tàn nhẫn chưa? Một con người được mọi người coi trọng và yêu quý thực ra cũng chỉ là một người chăm chăm thoả mãn các tiêu chí của xã hội mà thôi. Anh đã từng thấy một nhà cách mạng nào mà được mọi người ưa thích ngay từ đầu không? Phải là một người rất can đảm thì anh mới dám tự đứng trên chính đôi chân của anh chứ không phải dựa vào ai khác."

Cậu nhóc kết thúc lời nói của bản thân bằng một cú dậm chân thật mạnh xuống đất. Tôi trống rỗng nhìn cậu ta thắt lại dây giày rồi đứng dậy và rời đi. Chợt cậu ta làm rớt cặp của bản thân và cả tá sách vở trong cặp rơi xuống. Tôi vội vàng đứng dậy nhặt sách vở cùng đống giấy tờ lên cho cậu, và rồi tôi bắt gặp phiếu nhận xét cuối kì màu xanh in đậm con dấu đỏ chót dành cho học sinh giỏi.

"Kim Namjoon. Lớp 11. Học sinh trường Trung Học tỉnh Ilsan."

Hoá ra cậu chàng này không những không phải là học sinh nổi loạn mà cậu ta còn là học sinh giỏi của một trường cấp ba nổi tiếng, và cậu ta còn học nhảy một lớp. Hơn thế nữa, Kim Namjoon không phải là người ở đây. Cậu ta hẳn là trốn từ Ilsan để lên Seoul. Tôi ngạc nhiên nhìn phiếu báo điểm xuất sắc không kém gì bản thân của cậu ta rồi ngước nhìn khuôn mặt mang vẻ bất cần đời kia.

"Đừng nhìn tôi như thế. Tôi rất ghét đống dấu đỏ ấy vì chúng là thứ gần như định nghĩa con người của tôi. Chẳng ai nhìn vào bảng điểm của tôi mà nghĩ tôi là cái thằng mê tít thò lò nhạc hiphop và rap cả. Bởi thế nên tôi căm hận cái danh học sinh giỏi kia. Vì nó mà tôi chẳng thể nào làm bản thân tôi được."

Cậu ta giựt phiếu bảo điểm từ tay tôi rồi xé nó một cách không do dự. Tôi hiểu điều này có nghĩa gì và trước khi tôi kịp lên tiếng trách mắng cậu ta thì cậu ta thì thầm.

"Thực ra tôi cũng là công tử giống anh. Điểm xuất phát của tôi cũng là từ tầng lớp trung lưu và sự kỳ vọng khắt khe tới nhức nhối của cha mẹ và thầy cô. Nhưng quên nó đi, vì người mà anh thấy hôm nay mới thực sự là tôi. Trên người tôi là bây giờ là tất cả những gì mà tôi có."

Tôi chợt hiểu ra vì sao áo và quần của Namjoon lại cũ và sờn như vậy, vì cậu ta chẳng có đủ tiền để mua một bộ đồ đậm chất hiphop khá khẩm hơn. Namjoon lấy chân chà xát giấy báo điểm rách nát kia một cách không thương tiếc như thể đây là điều cậu ta muốn làm từ rất lâu rồi. Tôi trợn mắt nhìn đống giấy mới đây còn là sinh mệnh của các học sinh Hàn Quốc giờ đã trở thành đống rác không hơn không kém. Namjoon gom chúng lại rồi vứt vào sọt rác, sau đấy cậu ta tiến tới vỗ vai tôi một cái rồi rời đi. Tôi không còn gặp lại Namjoon một lần nào nữa kể từ ngày hôm ấy.

Kể ra cũng kì diệu thật. Một cuộc gặp gỡ giữa một cậu công tử vâng lời và một cậu công tử dám chống lại mọi sự kỳ vọng của xã hội để đi trên chính con đường mà cậu ta mong muốn. Bởi nên, sự khác biệt giữa hai chúng tôi mười năm sau cuộc gặp ấy là Namjoon đã trở thành một rapper kiêm nhà sản xuất âm nhạc nổi danh toàn cầu, còn tôi vẫn mãi chỉ là chàng trai gánh cái mác hình mẫu lý tưởng trống rỗng mà thôi. Và vì vậy, trong suốt mười năm qua, tôi đã dành công sức để tìm tòi và suy nghĩ về giá trị của một con người, để rồi dẫn đến những dòng chữ ở trên trang sách của các bạn đọc trân quý đây. Thực ra những điều Namjoon nói không hề sai. Chúng ta đã vì nhu cầu của xã hội mà quên mất chính bản thân mình là ai. Chúng ta hy sinh bản thân chúng ta để mua lấy một cuộc sống giống với xã hội mong muốn.

Và rồi tôi nghĩ tới sự định giá. Tôi nghĩ rằng mọi thứ đều có giá trị như nhau cho đến khi mọi người gán một giá trị nhất định lên nó. Như giấy viết và tiền giấy, ban đầu chúng không hề khác nhau về mặt giá trị bởi vì chúng đều là giấy mà thôi. Kể từ khi con người bắt đầu gán lên tờ giấy giá trị của một đồng tiền để trao đổi và mua bán trong thị trường thì tờ tiền giấy bắt đầu có giá trị gấp hàng trăm ngàn lần tờ giấy để viết. Giá trị của một con người cũng vậy. Ban đầu việc tôi giỏi học và Namjoon giỏi rap cũng có giá trị như nhau vì chúng đều phục vụ cho cuộc sống mà tôi và Namjoon mong muốn. Nhưng sau khi mọi người bắt đầu gán một cái tag định giá cao cho việc làm một học sinh giỏi hơn là một rapper giỏi thì bỗng dưng tôi được coi trọng hơn ai hết còn Namjoon thì bị hắt hủi, thành ra tôi được sống một cuộc sống an nhàn còn Namjoon thì phải vất vả để theo đuổi cái cuộc đời mà cậu muốn. Tuy nhiên, mọi sự gian khổ rút cuộc đều được đền đáp một cách xứng đáng, nhỉ?

Đọc đến đây thì hẳn là các bạn đọc cũng thấy được sự bất công cơ bản của một xã hội. Là người nhìn nhận ra sự bất công đó, ấy vậy mà tôi lại chẳng thể bàn ra một giải pháp nào để sửa đổi nó. Đã mười năm kể từ cuộc gặp ấy, và tôi cũng đã có sự nghiệp ổn định, nhưng tôi vẫn chưa nghĩ ra một cách nào để có thể mang giá trị con người quay về cái hệ quy chiếu độc nhất mà nó thuộc về. Có lẽ Namjoon nói đúng thật, một con người dám đứng trên đôi chân của anh ta phải là người rất can đảm, và tôi chỉ là một người đã quen theo lối mòn được vạch ra của xã hội mà thôi, làm sao tôi có thể đứng ở chính con đường của tôi khi tôi còn chưa có một cuộc đời của riêng tôi cơ chứ. Tôi có thể viết vào đây vài lời cổ vũ các bạn đứng lên vì bản thân, nhưng tin tôi đi, cho dù tôi có viết nó một cách thật lòng và đầy quyết chí, và các bạn thấm nhuần những lời cổ vũ ấy, thì không phải ai cũng dám chống lại cái khuôn mẫu được định sẵn từ xã hội và tự vẽ ra một cuộc đời, một ước vọng, một lý tưởng cho riêng bản thân.

Bởi vì mỗi con người chúng ta ở đây đều bị cái gông cùm mang tên tiêu chuẩn và sự mong đợi từ xã hội khoá lấy ước mơ và cá tính của chúng ta mà.

Có ai đủ can đảm để phá vỡ cái gông cùm đó nhỉ?

- Kim Seokjin, Hồi Ký: Sống trên đời sống



                                                                             -------------------------------

Au: Cảm ơn những reader đã đọc tới dòng này của mình. Thực ra đây là một centric khá là ngẫu nhiên, khi mình đang chóng mặt đau đầu vì mặc áo cộc tay trong tiết trời -2 độ và run rẩy vì sắp ốm thì mình chợt muốn viết cái gì đó (liên quan vãi ý =)))))) ). Thực chất ý tưởng fic này xuất phát từ việc mình chứng kiến rất nhiều con người với các tài năng đặc biệt khá nhau bị hắt hủi bởi vì người đời cho rằng tài năng ấy không có giá trị. Có lẽ fic của mình chưa đủ mạnh để thúc đẩy các bạn với những tài năng khác biệt tiếp tục duy trì chúng, nhưng mình mong rằng các bạn đã (sẽ) thấy fic này như một sự đồng cảm với các bạn, để rồi các bạn có đủ cảm hứng để đi tiếp trên con đường các bạn đã chọn ^^

Cảm ơn các bạn vì đã đọc fic của mình <3

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro