fin 1/2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Anh ơi lấy em một bánh mỳ đầy đủ, à bỏ dưa chuột giùm em nhé"

"Nào nào để cái xe gọn vào, cái ngõ bé tí có cho nhau đi không hả?"

"Ăn bánh mỳ thì để xe bên phải, hàng nước nhà người ta không thấy hả"

Cái ngõ Huyện nằm trên phố Lý Quốc Sư bé tí tẹo, hai xe máy tránh nhau là vừa khít diện tích ngõ. Nhưng đây là phố cổ mà, người người xe cộ tấp nập, lại còn gần Nhà Thờ Lớn. Hàng bánh mỳ đầu ngõ Huyện này mở bán cũng ngót chục năm, cái bánh mỳ đầy đủ chỉ có mười lăm nghìn bao lâu không đổi giá, học sinh hay người đi làm sáng nào cũng xếp hàng đầy ngõ để mua. Được cả xung quanh cũng nhiều hàng ăn, một hàng cháo sườn cũng nổi tiếng đông khách, dọc ngõ còn có mấy cái khách sạn nhiều khách du lịch nước ngoài ở nên con ngõ nhỏ này lúc nào cũng đông đúc. Sáng ngày ra tiếng dân cư địa phương phàn nàn về việc để xe chắn lối ra vào cũng được tính là một đặc sản.

Vũ Thạc là sinh viên khoa Du lịch, tính theo tuổi thì lẽ ra tốt nghiệp rồi nhưng còn nợ trường hai ba môn gì đấy nên vẫn còn mang mác "sinh viên" trên người. Nhà Vũ Thạc bán bánh mỳ từ rất lâu rồi, cậu sinh viên năm cuối ấy chỉ nhớ từ ngày còn mặc quần đùi thủng lỗ chỗ chạy quanh ngõ thì mẹ đã tất bận với hàng quán nhỏ. Giờ thời gian rảnh rỗi nhiều, thỉnh thoảng mới có tiết trên trường nên Vũ Thạc thường xuyên phụ giúp mẹ, cậu bảo thôi mẹ tranh thủ lúc con còn ngoan, nghỉ ngơi đi chơi đi. Mẹ cậu lườm đến cháy mặt, cằn nhằn về việc tốt nghiệp, về việc kiếm người yêu, kiếm việc làm rồi ổn định gia đình. Vũ Thạc ậm ừ một hai câu rồi cũng không tranh cãi lại, tặc lưỡi cho qua, quen rồi. Mẹ nào chẳng giống nhau, nhất là khi nhà có đúng một thằng con trai độc đinh, chỉ ngày ngày mong muốn nó an ổn gia đình.

Mẹ của Vũ Thạc cùng mấy bà bạn trong hội phụ nữ rủ nhau đi du lịch mấy tỉnh miền Tây, để lại hàng bánh mỳ cho con trai gần một tháng rồi xách vali lên đường chẳng buồn tạm biết. Vũ Thạc từ nhỏ đã được mẹ chỉ dạy công việc này, thi thoảng rảnh rỗi cũng phụ giúp nên cũng không thấy khó khăn gì đối với sự "tiếp quản công việc" này. Chẳng qua hàng bánh mỳ dạo gần đây mở muộn hơn bình thường, sáu rưỡi sáng mấy cô cậu học sinh tiếc nuối vòng xe vì "ông chủ" lúc đấy mới mang mấy cái ghế nhựa con con ra bày. Thôi thì, thanh niên mà, làm sao mà dậy được lúc năm giờ sáng dọn hàng.

"Nay lại dọn hàng muộn hả"

Một giọng nói "lơ lớ" xuất hiện bên cạnh Vũ Thạc, tiện tay cầm mấy quả dưa chuột đang nạo dở dang lên làm nốt.

"Ờ, tối qua mải bắn PUBG, một giờ mới ngủ"

"Bác gái về mà biết thể nào cũng cằn nhằn"

"Ông không có mách lẻo thì chẳng ai biết đâu"

Vũ Thạc quăng một ánh lườm sắc bén tới người bên cạnh. Quên chưa nhắc tới, đây là Seungyeon, người "nước ngoài", thuê trọ nhà sát vách Vũ Thạc. Theo lời mấy dì hàng xóm quanh đó thì cậu Seungyeon này sống mẫu mực lắm, "không có tuỳ tiện như cái thằng nhà bà Lương" - tức Vũ Thạc. Nghe người ta nói mình như vậy Vũ Thạc cũng chẳng buồn phản biện câu nào, vì nói đúng chứ còn gì nữa. Cái hồi Seungyeon mới thuê trọ ở đây, tầm ba hay bốn năm gì đó, Vũ Thạc luôn ấn tượng về cậu thanh niên gặp ai cũng chào, gặp ai cũng tươi cười. So với cái khuân mặt như cả thế giới thiếu nợ của Vũ Thạc, thì Seungyeon đây đúng hẳn là "mẫu con trai lý tưởng để các bà mẹ mang đi khoe". Lại nói, Seungyeon là người Hàn mà nói tiếng Việt cực tốt, phát âm nghe có hơi kỳ cục nhưng cũng tính là khá chuẩn.

"Ông bê giúp tôi chồng ghế trong nhà ra với"

"Ừ đợi chút xíu"

Đấy, lại còn dễ nhờ vả. Vũ Thạc tay chống hông tựa vào gờ tường nhìn cái dáng hơn mét tám chân trước chân sau vội vàng vào nhà bê ghế, lại tặc lưỡi. Cũng chẳng biết người ta dễ nhờ thật, hay là dễ nghe mình nhờ mà cứ hễ mở miệng ra là chẳng thấy từ chối bao giờ. Kể cũng lạ.

"Cuối tuần này tôi nghỉ bán, đi Tam Đảo chơi, ông muốn đi cùng không"

"Tự dưng lên Tam Đảo làm gì vậy"

"Thích thì lên chứ sao, đã bảo đi chơi rồi"

Seungyeon không nói nữa, cãi thế nào được, nói một câu lại bị "cứng họng" như này. Chán, chẳng buồn hỏi han nữa. Dưa chuột nạo với thái được đầy một âu, dọn hết vỏ rồi vứt vào thùng rác, bước chân như muốn hướng về nhà trọ.

"Ê thế có đi không"

"Đi"

Không đi sao được, phải đi chứ. Dỗi thế thôi, dỗi công khai như vậy đấy mà còn không chịu an ủi. Seungyeon đi thẳng vào nhà, Vũ Thạc cầm cái bánh mỳ làm dở cho khách hướng theo bóng lưng vẫy vẫy ý tỏ thay lời chào. Bé gái đứng mua hàng nhìn hai anh trai trước mặt, không hiểu chuyện gì vừa diễn ra rồi bánh mỳ của bé làm gần mười phút, vẫn chưa xong.

☘️

Vũ Thạc dọn xong hàng quán cũng mười một giờ khuya, mệt muốn dẹp tiệm luôn không có bán buôn gì hết. Nhưng lại nghĩ tới cái lườm cái nguýt của mẹ lại rợn tóc gáy, dẹp tiệm có rồi chắc dẹp cái thân này cùng luôn. Mười một giờ khuya ở cái ngõ này vẫn tính là sớm, hàng quán mới bắt đầu lục đục dọn, có quán còn mở xuyên đêm. Mọi khi mười rưỡi đã thấy Seungyeon quần áo tử tế ra phụ giúp dọn hàng, nay chờ tới mười giờ bốn lăm phút vẫn không thấy cái dáng mét tám kia đâu. Ơ thế vẫn dỗi à. Vũ Thạc hậm hực dọn hàng quán một mình, giỏi thì dỗi hết ngày mai đi. Chẳng hiểu là gì của nhau, mà cứ hôm nay dỗi hôm sau tươi cười. Đến mệt.

Vũ Thạc dây xích và khoá để bảo vệ an toàn cho đống ghế nhựa cùng hai cái quạt nhỏ, sau đó là kiểm tra lại đường dây điện, cầu dao rồi cả mấy cái phích cắm bị hở. Dự báo thời tiết đêm nay có mưa to, hình như bão về thì phải. Lỡ chẳng may mà nước mưa hắt vào mấy cái ổ điện thì chết dở, chập điện rồi cháy cả ngõ chứ đùa. Vũ Thạc cũng không dám để xe đẩy quầy hàng bánh mì ở ngoài rồi phủ bạt lên che, bão về thật thì chắc bay luôn cái cần câu cơm này. Vũ Thạc hì hục đẩy cái xe to gấp ba lần người vào trong nhà, biết có ngày chật vật như này thì cậu sẽ khăng khăng bảo mẹ mua loại xe nhỏ hơn. Xe này cũ rồi, bánh xe không còn trơn tru như trước nữa, lâu không được tra dầu sẽ trở nên mòn dần, tạo thành những tiếng rít khi di chuyển. Vũ Thạc không biết tra dầu vào bánh xe, với cả nhà cũng chẳng có dầu để tra.

"Đứng đấy một lúc nữa rồi bão về cuốn cả người lẫn xe đi đấy"

Chẳng hiểu Seungyeon thò đầu ra khỏi cái cửa số nhà trọ quan sát từ khi nào, chỉ biết Vũ Thạc giật mình vì tiếng nói đột ngột ấy đến trượt cả tay. Đang dỗi cơ mà, tự dưng chui ra hóng làm cái gì. Phiền ghê đấy.

"Ê này để đó đi, tôi xuống đẩy cho"

Rồi chẳng để Vũ Thạc ngước lên lườm thì Seungyeon đã đóng cửa sổ chui vào, từ nhà trọ ấy vang lên tiếng chạy cầu thang rầm rầm. Khiếp, cái nhà cấp bốn đến nói chuyện còn nghe được tiếng nhau chứ huống gì cái thân mét tám chạy như vậy.

Seungyeon đẩy xe hàng vào trong nhà, bánh xe vẫn rít lên những tiếng đầy khó chịu, da gà trên tay Vũ Thạc nổi rần rần. Dựa người vào gờ tường như thói quen, Vũ Thạc ngẩng đầu nhìn lên trời, nhìn sao nhìn trăng hay nhìn vào một khoảng hư không nào đấy, cũng khó mà nói được. Tiếng hát khe khẽ vang lên kéo ánh nhìn của Vũ Thạc xuống, không thể nghe rõ đối phương hát gì khiến hàng lông mày khẽ cau lại.

"Ừ hử cái gì trong cổ họng đấy"

"Hát"

"Hát vậy ai nghe"

"Tiếng lòng tôi hát, tâm hồn tôi nghe"

Vũ Thạc chẳng buồn đáp nữa, kiểu nói chuyện ngang ngược này của hai người cũng chẳng phải ngày một ngày hai.

"Nhìn vào mắt em, anh thấy mình sao kiên cường" (*)

"Đêm hôm rồi hát ít thôi cho hàng xóm người ta ngủ"

Vũ Thạc không còn dựa vào gờ tường nữa, cũng chẳng tìm kiếm khoảng hư không trên bầu trời nữa, đứng thẳng lưng rồi xoay người đi vào nhà. Seungyeon vẫn đứng tựa ở cửa nhà Vũ Thạc, cho đến khi người kia vào nhà rồi vẫn chẳng có dấu hiệu nào của việc sẽ rời đi. Vẫn cái dáng mét tám lêu nghêu ấy đứng ngân nga những ca từ tiếng được tiếng mất. Tiếng Việt hay tiếng Hàn, nghe không rõ nữa rồi.

"Về ngủ sớm đi"

Seungyeon ậm ừ rồi cũng trở về nhà trọ, trước khi về có ngước lên nhìn Vũ Thạc một cái. Cũng lười nói câu tạm biệt hay chúc ngủ ngon gì đó, nên nhìn nhau một cái coi như đại diện vậy. Khi tiếng cửa nhà trọ sát bên có tiếng khoá lách cách vang lên, Vũ Thạc cũng an tâm đóng cửa rồi lại dùng đống dây xích cố định thêm ổ khoá. Thời buổi bây giờ, trộm cắp như rươi, chẳng biết đâu mà lần.

cont.

thực ra mình không có định chia ra đâu nhưng mà để viết hết up một thể chắc cái intro nó mọc nấm...

(*) này là lời bài hát Em giấu điều gì trong đôi mắt mình ghim ở ngay đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro