[shortfic]Nhắm mắt nghe cánh hoa rơi.♥

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[Truyện ngắn thứ ba của chùm truyện về kí ức]

Nhắm mắt nghe cánh hoa rơi.

(Lời tác giả: VT có ma, thật đấy, thề luôn T_T Lại phải lần mò chỉnh sửa từ đầu T_T Thậm chí còn mất ảnh minh họa rồi *mếu máo*

Bị ám ảnh bởi tên một quyển sách "Thời niên thiếu không thể quay lại ấy". Chưa đọc, nhưng chắc chắn sẽ đọc thử :) Haiya, nhiều việc quá!

Bạn An và Linh của câu chuyện trước quay lại. Nhưng đổi ngôi.

@Quỳnh Linh: Không đổi tên đổi téc gì hết >.< Quan trọng là ứ có tên hay :( )

Một.

Chúng tôi hầu như sống tập trung quanh những tòa nhà chung cư màu vàng úa như cỏ cháy được xây từ hơn ba chục năm trước, với những ống nước nhựa bám đầy rêu xanh thả dọc từ tận những ban công tầng năm vốn đã hoen rỉ. Quanh chỗ chúng tôi ở có nhiều hoa giấy đến nỗi, chỉ cần nhắm mắt là có thể nghe được tiếng hoa rụng.

Hoa giấy được trồng quanh những sân cầu lông. Lũ trẻ con chúng tôi, nếu chưa bao giờ được cầm thử một cây vợt cầu lông thì chí ít cũng đã từng thấy những chiếc lưới nặng nề, hay từng nghe tiếng đập cầu mạnh mẽ làm lông cầu bay vút đi trong gió. Thậm chí, hồi học lớp ba, giờ ra chơi nào tụi nhỏ cũng lăm lăm hai chiếc bảng con mà đập qua đập lại quả cầu chinh bé xíu, rồi sau đó chuẩn bị tinh thần cúi gằm mặt xuống đất khi đứng trước những chất vấn của bố mẹ về cái bảng mới tinh đã gãy đôi.

Quỳnh Linh là một đứa chơi cầu lông khá, nhưng tôi, đứa bạn thân nhất của cậu ấy, thì không. Tôi chỉ ra sân tập để đá cầu cùng mấy đứa chưa đến lượt, hoặc thi thoảng nhảy vào làm trọng tài, hô điểm, rồi thêm một lời nhận xét, kiểu như:

- Đập nhẹ quá cơ Hoàng Huy ạ. Cứ như tiểu thư quét lá đa trong chùa ấy! - Thở hắt.

- Bỏ nhỏ kiểu quái gì mà đến tận chỗ người ta đứng thế? – Chép miệng.

Hoặc:

- Mắt nhìn đi đâu đấy Linh? Anh Tiến giờ này không đi qua đâu, còn đang ôn thi mà…

Cả lũ cười rầm, còn Quỳnh Linh ở trong sân thì lóng nga lóng ngóng nhặt quả cầu, mặt đỏ bừng như quả cà chua chín.

Chúng tôi bắt đầu tập đánh cầu từ một năm trước, tại sân cầu lông phía sau A7. Khi ấy, cũng có vài anh lớp trên tham gia cùng, và Tiến là một trong số đó. Anh ấy và Linh là một cặp đánh khá ăn ý, ít nhất thì chúng tôi cũng cho là như thế. Và hai đứa bị ghép thành một cặp.

Thời niên thiếu, chẳng thể thiếu được mấy trò kiểu đấy. Bạn cứ ghép đôi cho hai người nào đấy quen biết, rồi thích thú khi nhìn chúng đỏ bừng mặt mũi lên khi nhìn thấy nhau, cô bạn gái vội vã quay mặt đi chỗ khác, lướt nhanh qua cậu con trai vẫn đang đứng tần ngần tại chỗ. Rồi kiểu gì chúng cũng sẽ ghét nhau, sẽ chành chọe, sẽ trêu chọc nhau không dứt, và bị tụi bạn chòng ghẹo rằng “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau” cùng với những nụ cười khả ố. Và cuối cùng, nếu hai đối tượng cứ thi thoảng lại thì thầm với nhau, trốn tránh ánh mắt của mọi người, thì gần như chắc chắn rằng chúng tôi đã tốt nghiệp loại xuất sắc trong khóa đào tạo nghiệp vụ dành cho những ông bà mối tài năng.

Đơn giản vì khi chúng ta còn bé, trái tim còn thơ dại, thuần khiết và không bị vấy bẩn bởi những định kiến của xã hội bên ngoài, thì những cơn cảm nắng đến cùng với những mối tình học trò cứ đến một cách tự nhiên nhất, nhẹ nhàng nhất, và đáng nhớ nhất.

Quỳnh Linh và Tiến…

Tiến và Quỳnh Linh…

- Này, anh Tiến của cậu đến kìa! – Bình quay ra, liếc mắt, rồi bĩu môi – Đúng là thần giao cách cảm có khác, Linh vừa đỏ mặt thì Tiến đã tới giải vây. – Cậu ta cười, vẫn như mọi khi lại thốt lên mấy thứ lý thuyết rởm đời khó hiểu của mình.

- Thế thì tớ phải đi ra để anh ấy vào đánh cặp với cậu rồi nhỉ? – Hoàng Huy buông lơi cây vợt, và ngay lập tức nhận được ánh mắt sắc lẻm của Quỳnh Linh chĩa về phía mình.

Theo tình thế bây giờ thì cậu ấy ở một phe, đơn phương độc mã, còn tất cả chúng tôi ở phe còn lại, cùng hùa nhau vào trêu chọc hai người ấy.

Chúng tôi cùng cười, tiếng cười ấy như chìm mãi vào trong những cơn gió, vào những hàng cây, những con đường, những tòa nhà vàng xập xệ cũ nát của tuổi thơ.

Và tôi chắc chắn rằng, chỉ khi tất cả chúng tôi đều ở tuổi niên thiếu, thì những khoảnh khắc ấy mới thực sự mang đầy đủ những ý vị của nó, bởi vì lúc ấy, chỉ cần là bạn, thì ta đều có thể mở lòng mình ra mà vui đùa với tất cả thoải mái và nụ cười rạng rỡ.

- Trên tay anh ấy cầm túi gì thế kia? – Diệu Linh đang ngồi đung đưa chân trên xe đạp phải nhảy vội xuống – Chẳng lẽ là…

- Kem! – Tôi quay sang Quỳnh Linh, nháy mắt – Anh Tiến của cậu galant thật đấy. Giữa mùa đông ăn kem, mà là cả túi to nữa.

Thằng Bình nhanh chóng nhặt bừa quả cầu trị giá mười lăm ngàn cho vào túi áo, nhanh chóng chạy đi nghênh đón khách quý.

- Linh nó bị đau họng, không ăn được nhiều như thế đâu, anh cứ để bọn em sẽ giải quyết hộ cho. – Cậu ta gật đầu chắc chắn, và lập tức, cả lũ chúng tôi hùa theo.

Anh Tiến gãi gãi đầu, hai má đã hơi hồng hồng:

- Ăn thì hôm nay cho anh mượn vợt. Vợt nhà anh phải đi căng lưới rồi.

Chúng tôi liếc đểu Quỳnh Linh, ném cho nó một que kem. Rồi rất tự giác, mỗi đứa thò tay vào móc một que trong chiếc túi nilon vàng to đùng kia, và đứng dạt ra chỗ khác.

Tôi nghe thấy tiếng đứa nào đó thì thào:

- Có nên nghe lén không?

Tôi làm mặt nghiêm nghị:

- Không được. Làm người là một khi đã ăn chùa của người ta rồi thì không được làm bóng đèn. Không thì sẽ bị tứ mã phanh thây, trời tru đất diệt, muôn đời phỉ nhổ đấy.

Rồi tôi lắc đầu, làm vẻ mặt của một người chính trực khảng khái, chắp tay sau đít tiếp tục nhìn quả cầu bay qua bay lại, dù thi thoảng cũng liếc mắt sang một chút.

Nhưng phải công nhận, hai người đó cũng đẹp đôi đấy chứ?

Hoa vẫn rụng giòn tan.

Hai.

- Bây giờ lại vòng qua chỗ đánh cầu à?

Tôi làu bàu, uể oải quay ra đằng sau nhìn Quỳnh Linh. Cậu ấy gật gật đầu, chân tà tà hạ xuống lòng đường, nghe thấy tiếng đôi xăng-đan nâu lào xào khi tiếp xúc với con đường xám lạnh, làm chiếc xe đạp cũ kĩ của tôi chòng chành.

Đôi mắt Linh mơ màng nhìn theo những bông hoa giấy mà chúng tôi đang đi ngang qua. Đã gần bốn rưỡi. Tháng mười hai, nền trời lúc này thường đầy ắp những đám mây màu ghi, rồi chẳng mấy chốc trời sẽ xẩm tối, nhanh như chớp mắt, và khi những cơn gió mùa đông bấc hun hút thổi dọc theo con đường lại nghe thấy một tiếng “tách” rất khẽ khàng của một bông hoa giấy chao nhanh xuống lòng đường, vỡ tan. Nhưng hôm nay, một đợt không khí ấm nhẹ nhàng bay về phương Bắc, tôi có thể cảm thấy quanh mình có một cơn gió ấm khẽ lướt qua lơ đãng, còn những bông hoa giấy dường như không còn rơi nữa. Chúng cứ bay trong không trung theo một chu kì vô định, lướt vờn qua những cành cây xơ xác, vi vu trên những mái tóc xù lên vì hanh chứ không hề có ý định đáp xuống nền gạch xi măng lạnh lẽo.

Không còn tiếng vỡ giòn tan. Chỉ nghe thấy hoa giấy cười khúc khích bên tai.

Gió lạ.

Hoa giấy rơi lạ.

Và Linh cũng lạ. Rất lạ.

Miệng cậu ấy hơi nhếch một nụ cười, phảng phất, như có như không. Chiếc ba lô màu da cam rũ xuống trên vai.

- Mấy hôm nay chăm chỉ thế, có phải quả tim cậu đã lớn hơn một chút để thấy thương cảm cho cái xe đạp truyền từ đời cụ tổ của tớ không? – Tôi cười, phá tan sự im lặng.

- Còn lâu! – Linh nhướn mày sau một thoáng giật mình – Mà không chú tâm vào đèo bổn cô nương về nhà đi, lằng nhằng cái gì? – Cậu ấy dùng chân gõ gõ vào xe.

- Này cô gái, cô có biết ai mới là người đang không chú tâm không? – Tôi lại tiếp tục càu nhàu – Tớ hất cậu ra khỏi xe và lăn vào cống đấy.

- Thách đấy – Giọng giễu cợt của Linh vang lên, và tôi dường như có thể thấy cả cái bĩu môi khinh bỉ của cậu ấy – Lần nào cũng dọa thế mà có bao giờ làm thật đâu…

Gió khẽ lướt qua.

Hoa giấy vẫn cười.

Lề con đường nhỏ đầy bóng học sinh tan trường đi bộ, những bóng áo khoác quần xanh giống y như nhau, trên lưng đeo một chiếc ba lô hoặc cặp chéo khẽ rung rinh theo từng nhịp chân bước, chúng cứ ngân mãi lên bầu trời mùa đông thênh thang. Mùi xúc xích rán, rồi bánh mì rau hay thịt xiên nướng được quạt trên nan hoa thơm rực hai bên đường, khiến cái mũi và đôi chân của lũ học sinh thì cứ bị cuốn vào lúc nào không hay.

Tôi mỉm cười, Linh cũng mỉm cười.

Hoa vẫn dừng lại trên đầu…

- Đồ con gà! – Giọng anh Tiến vang lên.

- Đồ con lợn!

Không ngần ngại, Linh đáp trả ngay lập tức. Cậu ấy mím môi lại, trừng mắt liếc về phía lề dường, miệng lẩm bẩm nguyền rủa gì đó không rõ. Thật khó để liên hệ cậu ấy với một đứa chỉ năm giây trước còn thất thần ngắm trời ngắm đất nhìn trăng nhìn sao.

Tôi bỗng phì cười, phanh kít xe lại, lườm Linh một cái, miệng hơi nhếch lên:

- Khai ra nhanh!

- Khai cái con khỉ nhà cậu! – Cậu ấy quay đầu đi chỗ khác, đập vào lưng tôi một cái – Có đạp xe không thì bảo?

Miệng tôi lại càng nhếch lên hơn nữa. Đúng là bạn thân có khác, chỉ cần nghe qua là hiểu ý nhau ngay.

- Thế có muốn xuống cống không? – Giọng tôi tràn ngập sự nguy hiểm.

- Không, nhưng ứ nói! – Linh vênh mặt lên, thách thức. Nhưng khi thấy tôi lườm, cậu ấy cúi đầu, chép miệng.

Tôi bắt đầu đạp, vừa đạp thật chậm vừa hỏi thật nhanh:

- Tình cảm cách mạng diễn ra được bao lâu rồi? Nhận ra từ bao giờ? Nói sai hay vòng vo tam quốc là đập phát chết luôn.

- Tớ vẫn yêu đời lắm! – Linh ngẩng cao đầu, rồi nhận ra cái trừng mắt của tôi thì lại cúi xuống – Từ lúc mà các cậu trêu bọn tớ ngày càng nhiều ấy, thì mới nhận thấy, ờ, bị trêu cũng không phải là khó chịu cho lắm.

Tôi phì cười. Có những lý do nghe rất buồn cười, nhưng xét lại thì đều tự nhiên cả.

Gió vẫn vờn quanh, ấm đến lạ…

Ba.

Những đợt không khí lạnh đầu tiên của mùa đông chưa về đến nơi đây.

Cánh hoa giấy lững chững lưng trời…

Gió vẫn ấm.

Phòng học của chúng tôi từ đầu năm lớp 7 đến giờ ở trên tầng hai của khu nhà A, muốn đi lên cầu thang phải vòng qua mấy phòng học của khối lớp 9. Thường thì tôi chẳng bao giờ để ý đến xung quanh, nhưng hôm nay thì khác.

Vì một đôi giày xuất hiện trước mắt tôi.

- Anh nhờ em một việc được chứ? – Anh Tiến nhe răng cười. Tôi nhướn mày, bỏ tai nghe ra – Nhờ Quỳnh Linh vẽ tranh hộ anh, ngày kia phải nộp rồi. – Anh ấy gãi gãi đầu.

Tôi thong thả đút chiếc ipod màu xanh dương vào ngăn trong cùng của ba lô, kéo khóa lại cẩn thận, rồi lại đút tay vào túi áo, chậm rãi nhìn tờ giấy A3 trắng tinh còn hơi quăn ở mép.

- Đề tài Tự chọn. – Anh ấy vẫn gãi, miệng ấp úng giải thích – Bài tập Vẽ đầu tiên phải nộp của học kì II ấy mà. Giúp anh đi…

- Sao anh không tự đi nhờ cậu ấy? – Tôi chép miệng, tay vẫn để yên trong túi áo, khoái chí nhìn mặt anh ấy bắt đầu đỏ ửng – Sao, ngại à?

Anh Tiến quay mặt đi. Tôi nhướn mày, thuận tay giật lấy tờ giấy.

- Ờ, để em hỏi thử cậu ấy xem sao. – Tôi cuộn tờ giấy lại thành một ống dài – Nhưng chưa chắc Linh đã đồng ý đâu, không khéo anh sẽ vừa không có tranh vừa mất tờ giấy năm trăm đồng này đấy. – Rồi thong thả đi lên cầu thang.

Lớp chúng tôi vẫn như từ trước đến giờ, vẫn ồn ào, vẫn xôn xao, vẫn có những cây chổi bay từ đầu này đến đầu kia lớp, tung hết cả những cọng rơm vốn được bện rất cẩn thận, vẫn có những chiếc giẻ lau bảng bị ném ngược trở lại, đụng vào quạt trần khiến nó lắc lư dữ dội.

 Có những thứ sẽ không bao giờ bị thay đổi.

Thật tốt khi biết điều đó.

- Này, anh Tiến của cậu nhờ vẽ hộ đấy. – Tôi quẳng tờ giấy sang chỗ Quỳnh Linh và thuật lại nguyên văn, rồi rất nghiêm chỉnh thêm mắm dặm muối một số chỗ bằng cái giọng thì thào. Ghép Linh và Tiến thành một đôi là chuyện nội bộ của tụi chơi cầu lông chúng tôi, cần phải hết sức giữ bí mật.

Miệng cười đểu, nhưng khi nhìn khuôn mặt đỏ bừng của Linh, trong lòng tôi khẽ thở dài. Nếu có thể từ chối hộ cậu ấy, chắc chắn tôi sẽ làm, nhưng đáng tiếc, tôi không thể.

Tôi biết chắc rằng cậu ấy sẽ đồng ý.

Vì tôi là bạn thân của cậu ấy.

Phải, chỉ đơn giản thế thôi.

Vì tôi là bạn thân của cậu ấy, nên tôi biết dù Quỳnh Linh có tỏ ra khôn ngoan hay hiểu về sự đời nhiều hơn lũ tiểu thư cùng trang lứa một chút, nhưng cậu ấy vẫn chỉ là một đứa con gái đang trong thời kì chập chững giữa ngưỡng cửa ngăn cách giữa thế giới trẻ con với thế giới người lớn. Có nghĩa là, cậu ấy vẫn đã, đang và sẽ có thể cảm nắng một anh chàng nào đó với nụ cười dễ thương cùng một mái tóc lãng tử, sẽ dành thời gian để nghĩ về người đó và đỏ mặt, sẽ mong muốn mình được ở bên cạnh anh chàng ấy càng nhiều càng tốt, giúp đỡ anh ấy hết sức mình có thể.

Phải, cậu ấy cũng là một cô gái, như bao cô gái khác.

Thời kì ấy, ai cũng phải trải qua. Có thể, một lúc nào đó, chính tôi cũng sẽ như thế. Để rồi khi nhìn lại sẽ bật cười vì quãng thời gian ấy. Quãng thời gian mà ta chẳng toan tính điều gì, cứ cho đi một cách hồn nhiên và vô tư nhất có thể.

- Cậu có nghĩ đến điều mà tớ đang nghĩ không?

Linh thở dài, quay sang nhìn tôi.

- Tớ không biết. Có thể lắm? – Tôi khẽ nhướn một bên chân mày lên.

- Rằng anh ấy đang, ừm, “lợi dụng”? – Linh chống bàn tay đang cầm chiếc bút chì kim lên cằm, rồi lắc đầu – Từ đấy không dùng được, phải không?

Tôi chép miệng:

- Con trai tuổi này đứa nào chả lười như thế. Vả lại… - Tôi quay sang, nhìn thẳng vào mắt cậu ấy, cố gắng tỏ vẻ nghiêm túc – Cứ cho đấy là kỉ niệm đi. Để mà còn có thứ gì đó để nhớ. Tuổi này chưa chết già sớm thế được.

Cậu ấy bật cười. Ờm, có nghĩa là cái “cố gắng nghiêm túc” của tôi hoàn toàn vô dụng.

- Này, vừa rồi tớ thấy anh Tiến ngồi đằng sau xe đạp của chị Thủy đấy! Chị Thủy cùng lớp ấy, chị mà có khuôn mặt tròn tròn, mắt be bé đeo kính hình chữ nhật ấy. – Bất chợt, Thúy Hiền lên tiếng. Cậu ấy vừa lấy tay cuộn cuộn lại lọn tóc, vừa quay sang chỗ chúng tôi. Tôi có thể cảm thấy cây bút của Linh hơi dừng lại, nhưng chỉ trong nháy mắt. Rồi cậu ấy lại tiếp tục viết, nét chữ có phần hơi run rẩy.

- Gì? Anh Tiến với chị Thủy á? – Đỗ Trang đi ngang qua tròn mắt – Tớ tưởng anh ấy thích chị Tâm? Hai người cùng học Toán nhé, rồi hay đi bộ cùng nhau nữa?

- Thế tớ với Linh cùng đi học Toán và cùng lai nhau về nhà thì là chúng tớ thích nhau à? – Tôi nhíu mày, khẽ liếc qua khóe mắt thấy Linh vẫn cúi gằm, nhưng dường như cậu ấy chẳng còn biết mình đang làm gì nữa. Chiếc bút cứ xoáy vòng tròn, nguệch ngoạc.

Đỗ Trang cười, vỗ vai tôi:

- Trừ khi hai cậu bị les. – Rồi Trang chép miệng – Mà thôi, tớ nghe thấy nhiều người bảo anh Tiến số đào hoa sẵn rồi, cũng chẳng có gì đáng nói cả.

“Tách”.

Quỳnh Linh vừa làm gãy ngòi bút chì.

Tôi khẽ thở dài. Những mối quan hệ không thể gọi tên như thế, không thân cũng chẳng sơ, không ở mức tình bạn mà cũng chẳng vượt lên trên hay bên dưới mức đấy như thế luôn làm cho con người ta lo sợ.

Người ta luôn lo sợ với những điều không rõ ràng.

Như những cơn gió lạ giữa mùa đông này. Người ta sợ rằng, sau những ngày ấm áp sẽ là một chuỗi ngày dài lạnh lẽo, giở giời đột ngột làm ta bỗng nhiên đổ bệnh.

Kì thực, chính nỗi sợ cũng là một điều gì đó không rõ ràng. Vì đôi khi, người ta chẳng biết là người ta đang sợ, hay là đang khát khao…

Bốn.

Người ta nói, cuộc đời chỉ là một đường thẳng, điểm bắt đầu là lúc chúng ta sinh ra, và kết thúc tại nơi chúng ta trở về với cái bụi. Và thời niên thiếu, cũng chỉ là một phần vô cùng nhỏ của đường thẳng ngắn ngủi ấy. Vì vậy mà sẽ có một khoảnh khắc nào đó, tại một điểm nào đó, ta bất chợt đứng lại, quay đầu ra phía sau, và thấy lờ mờ đằng xa tuổi niên thiếu. Những năm ngắn ngủi trong cuộc đời. Những vồn vã, những vui vẻ, những tinh khôi. Những nỗi buồn, những trách cứ. Những rung động đầu tiên.

Một mớ hỗn độn.

Nhưng, ừm, đáng yêu?

Lại một tháng mười hai nữa.

Tháng mười hai của những bông hoa giấy rơi nghiêng, nhè nhẹ, rồi đứng im trên nền trời rộng thênh thang. Tháng mười hai của những ngày tháng nghỉ ngơi cuối kì, đút tay vào túi áo, mắt lim dim khi chiếc ipod ngân nga “Back to December”. Tháng mười hai lạnh lẽo đến lạ kì trong tâm hồn tươi trẻ.

Những cơn gió ấm trước mỗi đợt gió mùa đông bấc với chúng tôi không còn là một điều gì diệu kì và lạ lùng nữa, nó chỉ còn là một hiện tượng thời tiết thông thường của miền đất mưa vội mà nắng cũng mau này. Có lẽ, khi ta còn bé, thì những giác quan cũng tinh tế hơn, tâm hồn cũng nhạy cảm hơn, chúng không bị cuộc đời đầy phiền não này làm cho chai lỳ trong thứ vỏ bọc bóng bẩy, thế nên những rung động, những đổi thay rất nhỏ của thiên nhiên, của bầu trời, của vạn vật, tâm hồn chúng ta đều nhận ra.

Chẳng hạn như cơn gió năm nào.

Chẳng hạn như những cánh hoa giấy năm nào.

Chẳng hạn như sân cầu lông, nơi mà sau bấy nhiêu năm vẫn chẳng hề thay đổi, chí ít là bây giờ chúng tôi nghĩ như thế, nhưng nếu quay lại trước kia, hẳn sẽ thấy một chiếc lá mới rụng xuống, hay một vũng nước be bé xuất hiện nơi chân cột mắc lưới, hoặc đơn giản là một hòn đá bị xê dịch đi một vài phân.

- Không biết bây giờ lũ đấy ở đâu rồi nhỉ? Bọn lớp mình ấy. Đã gần một năm rồi...

Tôi gẩy gẩy một hòn đá dưới chân. Sân cầu lông vắng tanh. Chưa đến giờ mọi người dành cho việc thể dục thể thao.

- Tớ chẳng biết. – Quỳnh Linh thở dài – Nhưng rồi chúng sẽ tụ hợp lại đầy đủ thôi.

Năm ấy, chính Linh cũng chẳng biết những cảm xúc chợt dâng lên trong những ngày tháng bình lặng một đứa trẻ mười ba tuổi như cơn gió ấm mang hương vị của mùa xuân trong mùa đông rét buốt ấy trôi qua từ bao giờ. Có lẽ, cậu ấy bảo, là khi mình hoàn thành bức tranh được nhờ ấy, nhưng đứng đợi cả buổi ở sân tập cầu lông mà chẳng thấy bóng dáng “kẻ đi nhờ” kia đâu.

Năm ấy, anh Tiến thi vào cấp III, cách xa nhà anh và chỗ chúng tôi tới mười cây số. Và dù những lần sau này anh ấy có gặp lại Linh, thì cũng chỉ đơn giản là cười thật nhẹ, hỏi bâng quơ vài câu, rồi lại đi.

Năm ấy, chúng tôi cùng ngồi trong phòng, làm toán để chuẩn bị thi học sinh giỏi, rồi cùng nhau nhìn ra ngoài sân trường, nơi mấy đứa bạn đá bóng, chuyền cầu, chạy, đuổi nhau, hò hét trong giờ Thể dục. Chúng tôi cười.

Năm ấy, thằng Hưng vì đá bóng quá hăng mà ngã rách quần một mảng to đến nỗi dứt nhẹ một chút nữa là thành hai mảnh vải được, Vinh và Việt - cặp đôi "lâu năm" nhất của lớp cứ ngồi ở hai đầu sân mà nhìn về phía xa xăm, rồi mười hai đứa toàn cán bộ lớp bùng tiết để ngồi trên lớp chơi máy tính để viết bản kiểm điểm, cả lớp chạy năm vòng sân bằng cách đi bộ xung quanh gốc cây bàng đúng năm lần. Tất cả sẽ đọng lại mãi. Với những hàng cây hoa giấy.

Năm ấy, Linh thi cầu lông. Lần cuối cùng, vì cơ hội ấy không còn được dành cho năm cuối cấp. Cậu ấy bị loại từ vòng hai, thua cô bạn được giải Nhất, và đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ khuôn mặt hậm hực của cậu ấy khi đó. Lúc ấy, chúng tôi gọi đó là “cay cú”.

Còn bây giờ, chúng tôi gọi đó là tiếc nuối.

Tiếc nuối một thứ gì đó đã qua, hoặc tiếc nuối một thứ gì đó mình không đạt được…

- Giờ thì thế nào? – Tôi lại hỏi, không đầu không cuối.

- Cảm xúc đó? – Linh nhướn mày, cậu ấy giờ đây đã không còn dễ dàng đỏ mặt như xưa – Nó khác rồi.

Nó là một kiểu khác. Tôi biết cậu ấy định nói như thế.

- Hôm nào làm một set đi! – Tôi xoa xoa hai bàn tay vào nhau – Giờ tớ đánh lên tay rồi, không còn gà vịt như trước đâu.

Linh nhướn mày, vẻ nghi ngờ lộ rõ trên khuôn mặt.

Tôi bật cười. Bạn thân luôn là những đứa hiểu mình nhất.

Có những thứ sẽ không bao giờ thay đổi.

Thật tốt khi biết điều đó vẫn đúng.

nguồn : viettruyen.vn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro