03. Ngốc quá nên mới vậy!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thực ra tôi biết Đế Nỗ thích Tại Dân từ lâu lắm rồi. Thứ duy nhất trên cuộc đời này tôi nhìn nhầm là đường xá vẽ trên bản đồ, chứ ánh mắt của ai dành cho ai như thế nào thì tôi nắm rõ trong lòng bàn tay. Đặc biệt là con mắt của Đễ Nỗ, thằng bạn tôi không hề che giấu việc nó thích Tại Dân, nó luôn nhìn Dân bằng một cái nhìn không chỉ đong đầy dịu dàng ấm áp mà còn chứa cả chiếm hữu bên trong.

Tuổi mười bảy, Đễ Nỗ cũng như bao đứa trẻ khác, hoảng sợ trước những thay đổi trên con đường chập chững trưởng thành, và bạn tôi hoảng sợ ngay cả với thứ tình cảm đã nhen lửa mà nó dành cho Dân. Bình thường tôi hay cợt nhả cốt để làm tưng bừng không khí xung quanh, nhưng tôi tự tin rằng mình là một đứa có thể là chỗ cho người khác trút bầu tâm sự. Cái việc Đế Nỗ thích Tại Dân, nó đã nói cho tôi nghe vào một tối muộn sau cái ngày mà Tại Dân hồn nhiên ôm choàng cổ rồi hồ hởi thơm má nó khi chúng tôi thắng một trận bóng đá.

Đễ Nỗ là một đứa hiền khô và không hay thể hiện cảm xúc tiêu cực, có lo sợ hay tức giận hay hoảng loạn thì nó cũng sẽ giữ cho mình nó gặm nhấm, nên ngày mà Nỗ đến tìm tôi, lật qua lật lại một lon bia mà tôi lén lấy dưới tủ lên, run run rơi một giọt nước mắt trong veo xuống, tôi thương nó vô cùng. Ai mà chẳng có những lúc yếu lòng như thế? Một giọt nước mắt không nói nên được điều gì to tát, nhưng đủ để tôi hiểu rằng Nỗ đang bức bối bao nhiêu trong lòng nó. Lý Đế Nỗ khổ sở vì nó nghĩ rằng hình như tình cảm của nó là sai trái lắm, rằng tại sao nó là con trai mà lại có thể đem lòng thích một đứa trai khác.

Thế giới nơi chúng tôi đang sống ấy mà, chỉ cần nhắc đến việc hai người đàn ông nắm tay nhau, hay là một người đàn ông có dáng đi dáng chạy không thô cục mạnh bạo, ngay tức thì người ta sẽ coi đó là không bình thường, là đi ngược với lẽ tự nhiên. Đế Nỗ khóc vì nó sợ nó sẽ làm Tại Dân bị tổn thương.

Và Tại Dân thì vẫn cứ ngây ngô như thế, vẫn cười tươi và chăm làm trò trước mặt Đế Nỗ, vẫn theo thói quen sáp lại gần Nỗ mỗi khi muốn kể gì hay ho. Thực ra thì thường thường chúng tôi vẫn dính nhau như thế, nhưng đến khi biết rằng Nỗ thích Dân, bỗng nhiên những đụng chạm rất đỗi bình thường lại trở nên gượng gạo mờ ám khó nói thành lời.

-

Tôi trở về tắm rửa sau khi chính thức nã phát súng đầu tiên vào cái đời bình yên của chính chúng tôi. Khỏi phải nói, tôi tự nhận thức được rằng La Tại Dân hẳn cũng có gì đó trên mức tình bạn với Đế Nỗ và không hề bài trừ việc trai trai yêu nhau.

Tắm xong, tôi nghe dưới nhà léo nhéo tiếng Tại Dân chào bố mẹ tôi rồi nó chạy rầm rập lên gác. Tôi mặc kệ nó nhào vào phòng tôi, nhảy phắt lên giường tôi rồi đá mấy cái áo khoác lẫn quần dài tôi để xuống đất. Tôi lạnh tanh hỏi:

"Sao?"

Dân nhìn tôi một lúc, đưa tay lên vò đầu mấy cái rồi cuối cùng mới bật ra được một câu:

"Nãy mày nói thế là như nào?"

Tôi xoa khăn bông trên mái tóc ướt xoàn xoạt, hỏi lại dù thừa biết là Dân đang muốn nói gì:

"Như nào là như nào?"

"Sao giờ thế giới của Đễ Nỗ lại không còn là "tao và người khác" nữa?"

Tôi tự nhiên lại cười, tôi còn tưởng nó sẽ hỏi vì sao thế giới của Nỗ lại phân ra thành "nó và những người khác", ra là bạn tôi quan tâm tới vế nói sau nhiều hơn. Ngồi ngược trên cái ghế tựa, tôi cảm thấy đời mình đã lên một tầm cao mới mẻ, cũng có ngày Đông Hách tôi đây đi giải quyết chuyện đời cho người khác. Tại Dân có vẻ không thích cái điệu bộ màu mè của tôi cho lắm, nó nhặt một cái áo khoác, ném thẳng vào tôi.

"Tao còn tưởng mày hỏi tao chuyện gì. Trước nay nó coi mày như một mặt trời nhỏ, luôn luôn xoay quanh mày. Mày có thấy kì quặc không? Ngày còn bé đi chơi không lúc nào mày phải chịu nắng chịu khát, vì Nỗ nó kè kè nào mũ nào nước cho mày. Vặt ổi hái xoài trộm nhãn gì đó, năm đứa cùng đi mà mình mày thoát tội, mày nhớ xem ai nói đỡ cho mày? Chắc là mày nghĩ tao nhỏ mọn thích lôi chuyện cũ, nhưng ý tao là ngay từ những ngày còn bé tí, ngay từ những điều vụn vặt ngô nghê như thế, lúc nào Nỗ cũng lo cho mày đầu tiên và duy nhất."

La Tại Dân im lặng nhìn vào đâu đó trong phòng tôi.

Tôi lại tiếp tục, càng kể ra những gì Nỗ làm, tôi lại càng cảm thấy như Đế Nỗ đã dành hết một đời quan tâm của nó cho Dân vậy:

"Dây giày mày tụt ra lung tung có người buộc lại cho, bài vở không lúc nào sợ sai sợ sót vì có đứa kè kè nhắc nhở, chuyện ăn uống của mày, mày khó ăn bỏ xừ. Thịt mỡ không ăn, da cá không thích, bánh mình gối thì bỏ viền, ti tỷ thứ khó chiều, thế mà có khi nào mày ăn phải chút mỡ lợn hay gặm nhầm miếng viền bánh mì khô khốc nào không? Có ba đứa đi với nhau, mày nghĩ xem đứa nào làm tất cả cho mày?"

Khuôn mặt Tại Dân mù mờ dần đi, nó cúi xuống nhìn mười ngón chân ngọ nguậy đặt trên nền nhà, liếm môi như thể nghĩ ngợi về những bữa ăn mà trước mặt nó chỉ có độc những món nó thích.

"Bao nhiêu thứ khác nữa. Nỗ nó cũng đâu có dễ dãi gì đâu. Nó cũng ngại người lạ bỏ xừ, thế mà sau một lần nó nghe mày khổ sở vì không theo kịp tiến độ làm chương trình của mấy người bên Đoàn trường, nó xin cô cho nó làm thay. Nó chấp nhận làm lớp trưởng cũng vì muốn đỡ cho mày từng ấy việc thôi đấy."

Tôi nhìn Tại Dân, "thằng bé" nhìn tôi, mặt mũi nghệt ra như vừa nghe xong bài giảng môn Vật lý.

"Nói chừng đó thôi đủ rồi, mày có nghiệm ra gì không?"

Dân nó không trả lời tôi. Đợi lâu mất kiên nhẫn, tôi ném trả nó cái áo ban nãy. Thằng này tự dưng lại đứng dậy, thả lại một câu tỉnh bơ rồi đi về:

"Tao nghiệm ra là Đế Nỗ sau này có người yêu thì sẽ rất tuyệt vời."

Đến lượt tôi đơ ra như thể trước mặt là năm lọ chất lỏng không màu không mùi mất nhãn và bị bắt đi tìm.

Cái thằng, không lẽ tôi lại bỏ hết mười bảy năm chơi chung mà túm nó lại đấm cho bõ tức?

-

Những ngày sau đó gượng gạo đến một mức khó nói. Cái không khí giữa ba đứa tôi kì dị đến mức đôi lúc làm tôi muốn cắn lưỡi đi cho rồi.

Tôi úp mở nói ra như thế là mong Tại Dân sẽ sáng suốt suy nghĩ mà phát triển mối quan hệ của hai đứa chúng nó lên một nấc nào đó cao hơn tốt hơn chứ không phải là để đẩy hai đứa nó ra xa hơn.

Tại Dân trước đây thường hay ăn chầu ngủ trực ở nhà Đế Nỗ. Sáng ra tôi gọi hai đứa nó đi học thì cứ thẳng đường qua nhà thằng Nỗ ới một câu, giờ tôi vẫn qua nhà Nỗ mỗi sáng, nhưng chỉ để đi với mình Đế Nỗ mà thôi. La Tại Dân không đâu lại tham gia vào đội nhảy mừng Ngày Nhà giáo, sớm tinh mơ đã tới trường vì lí do cần tập sớm cho theo kịp người ta.

Đễ Nỗ đi cạnh tôi thở dài não nề:

"Mày, có phải Dân nhận ra gì rồi không? Dạo này nó cứ tránh tao suốt."

Tim tôi hẫng nhịp rồi đập loạn xạ như thể tôi đã làm ra điều gì đó vô cùng sai trái. Tôi nuốt nước bọt, chữa cháy bằng một câu nói hời hợt thiếu trách nhiệm:

"Biết đâu được nó, chắc không có gì đâu, mày đừng nghĩ nhiều quá."

Lý Đễ Nỗ gật gật, thôi không nói gì với tôi nữa, tung tẩy mấy viên kẹo màu nâu nhạt trên tay. Tôi xỏ tay vào túi áo, hít một hơi cái không khí lạnh ngắt giữa tháng Mười một, Nỗ đưa cho một viên kẹo, hỏi:

"Ăn không?"

Tôi lắc đầu, kẹo này chỉ có thằng Dân thích ăn. Lý Đế Nỗ và tôi ghét cay ghét đắng loại này vì hai đứa đều sợ ngọt.

"Trước đây Dân nó tiện tay là bốc kẹo trong túi tao, mấy ngày nay thì nó tự mua."

Nhìn theo mắt Đễ Nỗ, tôi thấy Tại Dân đang cười tươi như hoa với một cô bé khối dưới trên sân khấu diễn tập. Cô bé này đã theo đuổi Dân từ năm cô mới vào trường. Tự nhiên tôi thấy khó chịu trong lòng.

Tôi định là sẽ tìm ngày nào đó để hỏi chuyện Dân, thì thằng này đột nhiên lại ngoắt cái thay đổi một trăm tám mươi độ. Không còn để Đế Nỗ cúi xuống buộc giày cho nó nữa, nhưng Dân lại trở về những ngày trước, buồn miệng thì quơ mấy viên kẹo trong túi Nỗ nhai rồm rộp muốn đau răng, đi đứng không hề nghiêm túc mà hết ngả tôi lại đổ Nỗ, miệng mồm lại liến thoắng bài Tây lên mấy câu chuyện huyên thuyên tắc bụp không có nội dung gì.

Tôi chưa kịp vui, Dân báo nó có người yêu. Là cô bé bắt cặp nhảy cùng nó, cái cô bé đã si mê nó suốt hơn một năm nay. Hai đứa chính thức yêu đương sau ngày Nhà giáo.

Lớp 12, lần đầu tiên Nỗ uống một lúc ba lon bia đắng nghét. Thế mà nó vẫn cười với tôi rồi nói bằng một khuôn mặt tươi tỉnh giả vờ khiến tôi ghét cay:

"Thôi thì tốt cho Dân mà, tốt cho cả tao nữa."

Lần đầu tiên sau mười bảy năm chơi chung, tôi mất hết kiên nhẫn quát vào mặt Đế Nỗ. Tôi không nhớ mình đã quát những gì, nhưng chắc chắn là tôi độc mồm lắm. Nỗ nó thất tình nhưng không có khóc lóc, uống hết ba lon bia rồi ngoan ngoãn đi về, sáng ngày hôm sau vẫn là một Lý Đế Nỗ gương mẫu giỏi giang.

-

Tôi búng một hạt ngô nướng vào cổ áo thằng Dân, hạt ngô chui tọt vào bên trong mấy lớp áo. Nó vừa nhăn mày lấy hạt ngô ra vừa chửi tôi.

Tự nhiên tôi thấy bực Tại Dân, không vì lí do gì cả, vô cớ thế thôi.

Lý Đế Nỗ khó tính khó chiều muốn chết nhưng nó không thể hiện ra, trước nay chỉ có mình Dân là đủ sức chạy theo thằng bạn tôi làm cái này cái kia, giống như Nỗ làm cho nó. Ấy vậy mà giờ, tôi là người đưa ngô cho Nỗ mỗi tối muộn học thêm, là người đứng cạnh nó đuổi muỗi đuổi thiêu thân, là người nhìn thấy nó lặng yên đến nhói lòng.

Tôi chịu không nổi. Dân với Nỗ vẫn bên nhau những lúc thường, vẫn đau đáu lời nói tôi đi với bạn đến cuối đời này, nhưng tôi không muốn nhìn hai đứa nó như thế chút nào. Tôi là đứa đứng ngoài câu chuyện của hai đứa nó, tôi tự tin là tôi thừa hiểu cái ánh mắt chúng nó ném cho nhau, đến mức ruột gan lộn nhào muốn lao đến mà kéo chúng lại. Nhưng tôi đâu làm gì được?

Chỉ có tôi ngồi với Dân trong Ấm. Không có thêm ai khác, bên cạnh vẫn là những con người hạnh phúc ngọt ngào nắm tay nhau, trời lạnh đến mức tay tôi không thể bấm mở điện thoại lên. Vừa áp tay vào bát cháo nóng, tôi hỏi Dân, hỏi sau khi đã suy nghĩ muốn nát óc ra:

"Mày yêu Nỗ không?"

Dân như mắc nghẹn miếng cháo vốn rất dễ nuốt. Tôi biết là nó yêu Đế Nỗ.

"Tao có người yêu rồi."

"Mày làm như mày giỏi giấu ánh mắt lắm ấy, cả mày và cả thằng Nỗ đều như thế. Thấu lòng nhau rồi thì sao không nắm tay nhau luôn đi? Sợ chó gì mấy cái định kiến vớ vẩn xung quanh? Mày làm thế này, mày nhìn thử xem có đứa nào vui hay là không?"

Dân khẽ cười, lời nó nói làm cho tôi bó tay nín lặng, vì tôi chợt nhận ra là tôi không thể làm gì khác được:

"Tao chỉ muốn ở bên Nỗ thật lâu thôi. Tao từng từ chối nhiều người, ai tao cũng bảo là tao muốn làm bạn vì tao có yêu đương gì người ta đâu? Thấy vòng bạn bè của tao chưa? Lớn đến mức bây giờ ra đường đụng bừa phải một người có khi cũng nhận bạn được. Nhưng Đế Nỗ thì khác. Tao muốn bên nó thật lâu, nên ngoài làm bạn ra, tao không biết có còn thứ gì chắc chắn hơn nữa... Tao không sợ sệt gì những thứ gọi là định kiến xã hội, cái tao sợ là sợ tình cảm nông cạn nhoè đi sớm chiều, rồi tao mất Nỗ."

Rồi Dân không nói gì nữa, im im ăn.

Tôi chỉ muốn kêu trời. Sao mà ngốc ngếch quá chừng!

-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro