Trốn chạy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



1/10/2012,

Tôi bắt đầu viết, tôi nghĩ nếu như không viết thì tôi sẽ chẳng có gì giá trị để lại trên cuộc đời này nữa. Tiếng đồng hồ gõ lạch cạch trong màn đêm dày, à... không, ngọn đèn dầu bên cạnh tôi vẫn sáng. Tôi lưu lại những dòng này bằng một cây bút máy cũ kĩ hay tắc mực trên một cuổn sổ nát bìa có lấm tấm ít máu khô ở góc. Tôi không phải là nhà văn, cũng chẳng phải nhà báo... Chỉ là, có lúc bất chợt người ta cảm thấy cuộc sống mình đang sở hữu rất giá trị và muốn ghi lại tất cả những giá trị ấy.

Tôi là kẻ thất nghiệp, sống không mục đích trong một căn hộ chật hẹp trên tầng 3 của chung cư Bình dân, đã từng thôi. Cuộc sống của tôi trước đây chẳng có gì giá trị ngoài gia đình, chỉ có thế. Tôi sống bằng số tiền tiết kiệm khổng lồ của ông già mình, chưa bao giờ làm được một công việc nào kéo dài hơn một tháng. Không tương lai, không hiện tại, chỉ sống thế thôi...

Lúc cuộc đời tôi chưa kịp bắt đầu thì mọi thứ dần dần sụp đổ, công nghiệp, kinh tế, chính trị, con người... tất cả mọi thứ. Mọi chuyện bắt đầu từ khi báo đài dồn dập đăng tin về lũ khỉ ở khu bảo tồn phát điên rồi tấn công tất cả mọi người. Chúng rời bỏ rừng, tràn ra đường hàng đàn, bắt đầu cắn xé bất cứ thứ gì trước mắt. Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì tôi vẫn chỉ dửng dưng thôi, tôi không có thói quen quan tâm đến cuộc sống. Rồi tivi lại liên tục đăng tin về chuyện bệnh viện quá tải, rồi người ta mắc một căn bênh gì đó mà các nhà khoa học gọi nó bằng cái tên khó hiểu Simia.

332 ngày trước...

Vợ chồng ông anh kiến trúc sư của tôi phải đi công tác xa vài tuần, và dĩ nhiên đi công tác thì không thể mang theo thằng trẻ trâu 12 tuổi theo được. Tôi vô tình trở thành bảo mẫu vì tôi là người đang rảnh rỗi nhất trong gia đình. Tôi cũng không khó chịu mấy với chuyện nơi ở mình bỗng dưng chật chội vì từ khi thằng nhỏ sinh ra, có lẽ nó xem tôi mới là cha thật của nó. Dạy bảo một đứa trẻ đâu có khó, chẳng qua là vì ông anh tôi còn quá nhiều việc để lo lắng nên mỗi khi thằng con làm gì phật ý thì ngay lập tức nó ăn liền mấy cái bạt tai hay nặng hơn là lãnh ngay mấy vết lằn chỗ bắp chân. Anh ấy nghiêm khắc, nhưng không nghiệt ngã như ông cụ thân sinh tôi. Tôi còn nhớ khi bé 2 anh em tôi vẫn hay nhừ đòn vì những lần chơi dại, cũng có lúc chúng tôi chẳng làm gì, ông ấy tự chuốc rượu vào rồi đánh đập hai anh em tôi nhừ tử. Ông ấy không dùng roi, và cũng chẳng bao giờ đánh vào mông hay vào bắp vế. Sau mỗi trận đòn, anh em tôi đều bầm vập, có lần hốc mắt tôi sưng húp tím lịm và ông anh tôi thì rạn xương sườn. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn gọi ông ấy là cha, và ngày càng ngày chúng tôi lớn lên và trở nên lì đòn hơn. Có lẽ điều duy nhất ông ấy dạy chúng tôi là trở nên mạnh mẽ. Nếu như trước đó mẹ tôi không sanh tật bỏ rơi gia đình thì có lẽ cha tôi đã không quan tâm chúng tôi nhiều như vậy và tiếp tục cắm mặt vào lấp đầy cái hố tiền của ông ấy.

Căn hộ cũ kĩ ở tầng ba của chung cư Bình Dân là nơi duy nhất tôi có khả năng chi trả với đồng lương còm cõi cộng với số tiền phúc lợi tiết kiệm của cha mình. Chung quy lại là dù căm thù cha nhưng tôi vẫn ăn bám ông ấy từ lúc tôi sinh ra cho đến lúc ông khuất núi. Căn nhà tôi ở có độc nhất một phòng ngủ đặt vừa đủ một chiếc giường. Nói đây là nhà cũng không đúng, vì với tôi nó giống một căn phòng rộng hơn, tôi có gian bếp tích hợp luôn với gian nhà chính, nên bên trong lúc nào cũng thoang thoảng một mùi khó chịu của đồ ăn, vâng, mùi đồ ăn ảm vào tất cả mọi vật dụng trong nhà. Nơi thoải mái nhất có lẽ là căn phòng ngủ, dù chật chội nhưng ít ra nó có cái cửa sổ đủ lớn để tôi cảm thấy cuộc đời mình không tù túng. Tôi thường ngồi ở chiếc bàn làm việc bẩn đặt sát cửa sổ rồi phóng tầm mắt ra xa. Chẳng ai nhốt tôi, nhưng tôi cũng chẳng muốn bước ra ngoài.

Vài ngày trước khi "nó" bắt dầu, tôi và thằng bé con vẫn làm những việc hằng ngày, nó thì mới tựu trường nên quần áo vẫn còn mới lắm. Người ta vẫn để trẻ con đi học dù dịch bệnh đang bùng nổ và phát tán nhanh chóng. Những người không may bị lũ khỉ tấn công, bị cào trúng, bị cắn thì phát bệnh ngay sau nửa ngày. Báo đài đã liệt kê rõ những triệu chứng của căn bệnh, người ta phát sốt, rồi mù lòa ngay sau vài tiếng, tròng đen biến mất, máu từ hốc mắt trào ra rồi họ phát dại. Họ trở nên hung hãn giống hệt như lũ khỉ đã xổng ra từ khu rừng bảo tồn. Rất nhiều cảnh sát và người dân lân cận đã bị tấn công, có báo đưa tin dịch bệnh đã được kiểm soát, có vài mặt báo phủ nhận điều đó. Họ nói thậm chí lũ khỉ đã xổng ra vẫn chưa bị kiểm soát. Tin tức thì cũng chỉ là tin tức, quá lắm thì mấy ngày này tôi sẽ lại nhốt mình trong căn phòng mình, vì trước giờ tôi chỉ có việc đến phòng tập là nhất thiết phải ra ngoài, còn lại đều là những cuộc hẹn ăn chơi.

Hôm đó là ngày thứ 6, gần 1 tháng kể từ khi dịch bệnh xảy ra và phát tán với tốc độ chóng mặt. Sáng sớm tôi đưa Quân – thằng cháu tôi đi học rồi tạt qua quán café gần đó đọc báo, không quên gọi điện hẹn thằng bạn chí cốt. Tôi gọi liền bảy cuộc nhưng nó không bắt máy, nó là nghệ sĩ chụp ảnh,làm tự do nên cũng như tôi, cuộc đời cũng chẳng có kế hoạch hay sắp sếp gì cả, chỉ diễn ra xuông vậy thôi. Nó có con bạn gái xinh đẹp tên An Nhiên, con bé là ước mơ của biết bao thằng đàn ông, trong đó có cả tôi. Nhỏ có đôi mắt nâu lai pháp và đôi bàn tay trắng muốt mềm mại có thể làm tan chảy bất cứ trái tim sắt đá nào.

Buổi sáng thành phố hôm nay bỗng vắng vẻ và buồn rầu đến kinh người, thậm chí quán café tôi uống hàng ngày đông đúc ồn ã nhưng hôm nay lại chỉ lèo tèo vài ba gã chửi thề. Không khí hao hao như những ngày giáp tết, khi người ta vội rời bỏ cái chật chội vồn vã để về nhà với gia đình đón để một khởi đầu mới, một sự thay đổi tốt đẹp hơn. Giờ cũng vậy thôi, nhưng mục đích thì khác, họ rời đi để trốn tránh một khởi đầu mới... Trong đám thanh niên chửi thề bàn bên, có một tên mặc áo bó, quần bò, mang giày da ra vẻ hung hăng lắm. Chúng nói chuyện luyên thuyên về vụ dịch bệnh vẫn còn nóng hổi mấy tuần nay. Chúng nói về việc bỏ đi đến một nơi xa nào đó để tránh dịch. Những tên này đích thị là đám vô công rồi nghề suốt ngày cắm mặt vào những thước phim kinh dị. Tôi cũng cười nhạt rồi vội đến quầy nước bắt chuyện với ông chủ, tờ báo mấy ngày nay cũng đã đăng chán ngấy về chuyện dịch bệnh.

- Hôm nay quán vắng ghê bố nhỉ? – Tôi nói rồi với lấy hộp diêm đặt trên mặt kính quầy nước.

- Trời cậu ơi người ta đi hết rồi cậu ơi, nguyên con đường này người ta cũng chuẩn bị đi rồi. – Ông chủ vừa nói vừa loay hoay chất hạt café vào máy nghiền.

- Đi đâu? Lễ tết gì à? Hay ông đừng nói là lại về cái vụ dịch bệnh nhé.

- Chứ còn gì nữa... Bệnh viện trung tâm mấy nay quá tải rồi, người ta bị cắn ngày càng nhiều. Đi cho tới khi yên ả cậu ơi. Tui cũng dọn đồ sẵn hết rồi. Chiều tui cũng đi mà, bán cậu uống buổi sớm mai này nữa thôi... - Ông chủ ngừng tay, dương cặp mắt ti hí vì mồm vẫn còn nụ cười nhạt thếch nhìn tôi.

- Trời! Ông nói hay... Đi đâu? Đang bệnh hoạn thế này đi đâu? Nghe nói ở đâu cũng có dịch mà. Với lại ông đang ở vùng dịch bệnh phát tán nhanh, ai cho ông ra ngoài, bây giờ ông bị cách li rồi. Nguyên tắc là vậy mà.

- Cậu nhỏ nhỏ miệng dùm tui. – Ông ấy tiến lại gần rồi ghé sát mồm vào tai tôi. – Tui đi chui cậu ơi, không đi thì ở đây cũng không buôn bán được, mà ngồi nhà đóng cửa thì lòng dạ không im cậu ơi!

- Nhảm nhí! Ông đi làm gì, vài hôm thì chính quyền người ta có cách. Ông mà đi giờ đạo chích nó lựa thời cơ nó khoét sạch nhà ông.

Tôi rít điếu thuốc lá rồi phà một hơi ngao ngán bâng quơ vào không trung. Không phải tôi gan lì hay bất cần đời nhưng sự thật là vậy, tôi tin vào chính quyền lắm, đúng hơn, thực ra thì tôi tin vào con người lắm. Đây chỉ là một dịch bệnh bình thường, người ta từng vượt qua căn bệnh thế kỉ HIV và cá tấn tá bệnh khác trong lịch sử, thì đây tôi cho rằng cũng chỉ là cơ hội để người ta trân trọng hơn cuộc sống mình, nhất là những kẻ như tôi, lại có động lực để vươn lên. Thấy rằng cuộc đời này ngắn ngủi lắm, nếu như không chiến đấu thì chết mau thôi...

- Chú út! – Tiếng thằng Quân vang vang gọi tôi trong đám trẻ thưa thớt.

- Quân! Lên xe! – Tôi chào đón nó. – Nay học vui không?

Thằng nhỏ dồn dập kể tôi nghe về những gì xảy ra ở trường nó hôm nay.

- Chú ơi mai con được nghỉ! Hôm nay trường học có vụ ghê lắm.

- Sao?

- Có anh lớp 9 kia bị Simia, rồi cắn người khác trong toilet, máu chảy lum la.

- Mày thấy máu à? Hay nghe kể? Lúc đó mày ở đó à? Có trúng mày không?

- Con nghe, nhưng mà thật mà, xe cứu thương đến đưa cả 2 vào viện luôn.

- Ghê vậy... mà sao mày biết Simia? Chắc gì là Simia? Biết đâu nó đánh nhau. Hồi còn nhỏ tao vẫn đánh nhau với mấy thằng láo cá trong toilet mà.

- Không thật đấy, có nhiều người kể mà, có mấy anh bị cào trúng, cũng bị đưa đi luôn mà. Nhưng tuần sau con được nghỉ rồi, nhà trường thông báo nghỉ, khi nào đi học lại sẽ báo phụ huynh...

- Vậy được... tao đỡ lo

Tiếng thằng bé hòa vào gió, vì nghe đến đây tôi đã không muốn nghe nữa. Thật lòng tôi vẫn vững vàng lắm, nhưng đến ngày hôm nay thì tôi không thể bình tâm nữa. Có lẽ ông chủ quán nước đúng, tôi nên rời đi. Nếu tôi không lo cho mình thì cũng nên lo cho Quân, nếu nó có bề gì thì tôi chẳng biết nhìn mặt ông anh tôi kiểu gì, hơn nữa tôi cũng xem nó như con mình. Hơn nữa, người ta cũng bắt đầu chiến dịch sơ tán, bắt đầu từ những người có ảnh hưởng chính trị, kinh tế lớn. Họ đi đâu tôi cũng chẳng biết, những mặt báo đăng tin dịch bệnh diễn ra ở khắp nơi vậy thì còn nơi nào là thực sự an toàn?

Tôi ghé qua siêu thị, mua mớ đồ ăn liền cùng rau củ, hôm nay tôi mua nhiều hơn mọi ngày vì tôi nghĩ mấy ngày nữa có lẽ chúng tôi không nên ra ngoài. Tốt nhất là cho đến lúc quyết định bỏ đi, tôi lại lấy điện thoại gọi cho Phúc – thằng bạn nhiếp ảnh gia của tôi. Vẫn không có hồi âm. Trên đường về, thằng Quân lại huyên thuyên về chủ đề gì đó mà tôi không quan tâm lắm. Nó là đứa lạc quan, nó quan tâm đến nhiều thứ hơn bất kì đứa trẻ nào. Chưa bao giờ tôi thấy nó đổ một giọt nước mắt khi cha nó đánh nó, có lẽ thàng này cũng mạnh mẽ như cha nó, như tôi.

Trong siêu thị hầu hết những quầy thực phẩm khô đều trống rỗng. Người ta có thói quen mỗi khi có tai ương thì lại dự trữ. Có lẽ đó là cách trống trả được ưa chuộng nhất của loài người yếu đuối, là lánh mặt rồi đợi chờ thay đổi. Sau khi rảo nhanh qua các kệ hàng, chú cháu tôi rút nhanh khỏi siêu thị. Lúc hai chú cháu tôi đi qua đến dãy hành lang thang bộ, thì bắt gặp tiếng rên rỉ đau đớn phát ra đằng sau cánh cửa sắt thông ra cầu thang xuống tầng dưới. Thằng Quân đang tung tang bên cạnh bỗng biến sắc rồi vồ lấy cổ tay tôi.

- Chú có nghe thấy gì không? – Nó nói bằng giọng lắp bắp khan khàn.

- Tao không có điếc. – Nói rồi tôi lật tay đẩy nó ra phía sau lưng mình rồi kê sát vào vách tường lắng tai nghe.

Tiếng rên nghe đau đớn khổ sở lắm, tôi tin chắc rằng đó không phải là một người đã phát bệnh vì theo tưởng tượng của tôi thì họ sẽ khác. Đây cũng là lần đầu tiên tôi phải đối mặt với chuyện này kể từ 5 ngày trước, khi dịch bệnh bắt đầu. Thằng Quân sợ hãi siết lấy hông tôi, mặt nó xanh tái như bị cắt hết máu. Nó giục tôi bỏ đi, mặc kệ tiếng rên ấy nhưng bỗng dưng máu anh hùng tôi lại nổi lên. Ngộ nhỡ đó là ông lão nào bị ngã thì sao, hay ai đó đột nhiên lên cơn tim, hay co giật... Đầu tôi đưa ra cả tỉ tình huống làm tôi trở thành anh hùng.

- Mày gọi công an đi. Báo là có người phát bệnh. Nói tên siêu thị với tên đường là người ta biết. Người ta tới liền đấy. Rồi chạy vô thang máy bấm xuống tầng hầm luôn. – Tôi gỡ tay nó ra rồi trấn an, giao cho nó nhiệm vụ.

- Rồi chú làm gì? – Nó nhìn tôi.

- Tao xuống xem có chuyện gì.

- Chú điên à! Thôi về chú ơi! – Nó rang nói nhỏ nhưng giọng thì khàn đặc run run vì sợ.

- Nghe lời! Mày không biết tao biết võ à. Này! Khóa xe đây... chạy xe ra trước cổng đợi tao. Đừng đi đâu xa nhé! Đội nón vào

- Nhưng...

Cuối cùng nó cũng ngoan ngoãn nghe lời, vì sợ tôi và cũng vì nó sợ chết khiếp cái cảnh người ta phát dại rồi cắn xé điên cuồng. Sở dĩ nó ám ảnh chuyện đó là vì có tên điên nào đã đăng lên mạng cảnh một ông ăn xin phát bệnh và xé xác một cô gái đượ quay lại qua camera an ninh. Ngay sau đó thì cảnh sát cũng xuất hiện và lôi hai người họ đi thôi, nhưng đầu óc của một thằng trẻ con thì chỉ ghi lại hình ảnh man rợ diễn ra trước đó. Cô con gái rên la trong tuyệt vọng còn ông ăn xin thì cắn ngấu nghiến, dùng cả móng tay xé toạc da bả vai ra.

Tôi hé cánh cửa rồi ghé mắt nhìn xuống trước xem chuyện gì đang diễn ra dưới ấy nhưng không thấy gì, hành lang cầu thang đi xuống chỉ có vài vết máu qoẹt bê bết ở các bậc. Dấu vết để lại như đã có máu đổ xuống trước rồi ai đó dẫm lên choe choét ra dưới nền, vết máu cũng còn mới. Tiếng rên rỉ lúc này cũng im bặt, thay vào đó là trống ngực tôi đánh thình thịch. Phần vì tò mò, phần vì sự gan lì của một võ sĩ, tôi mạnh dạn đẩy hết cỡ cánh cửa kêu rít một nhát rồi bước hẳn xuống mấy bậc thang dưới ghé mắt nhìn xuống hành lang ở dưới thì bất thình lình tôi thụt lùi lại trước những gì mình thấy. Tên thanh niên ấy quay mặt về phía tôi rồi điên cuồng chạy ngược lên, tiến đến chỗ tôi. Hắn ta rất nhanh, trên mặt be bét máu chảy ra từ hốc mắt, đôi bàn tay quờ quạng trong không trung chốc chốc bổ nhào về phía trước như muốn vồ trúng thứ gì đó. Tôi lùi lại định thần rồi tung cú đạp khi hắn chỉ còn nửa mét nữa là chạm được vào tôi. Hắn bật ngửa ra sau lăn quay mấy vòng xuống cầu thang vì cú đạp bất ngờ, nhưng có vẻ hắn không hề hấn gì. Răng hắn ngấu nghiến điên cuồng, nghiến bét cả môi, mồm liên tục phát ra tiếng gầm gừ và nước dãi nhiễu nhão chảy ra. Hắn lại bò lên chỗ tôi, không hề sợ hãi, không hề thận trọng, mà như con thú khát máu lao đến bất chấp mọi thứ. Tôi nhớ như in gương mặt kinh dị đấy, đôi mắt hắn trắng dã vì tròng đen đã biến đâu mất, chung quanh be bét máu tươi, và từ hốc mắt máu vẫn không ngưng chảy ra. Đôi bàn tay co quắp với giấu hiệu co rút cơ luông quờ quạng trong không trung. Còn nữa, hắn di chuyển nhanh như con báo đói, bằng mọi giá vồ lấy tôi.

Sau cú đạp, không đợi hắn lại mò lên tôi đã quay đi và đóng sầm cánh cửa lại, tôi gỡ hẳn sợi thắt lưng mình ra rồi quấn quanh 2 tay nắm cửa để giữ lại không cho tên ấy có cơ hội chui ra. Tôi lớn tiếng hô hào cho mọi người biết rồi nhanh chóng lẻn ra ngoài để tránh dính vào bất kì rắc rối nào với đám bảo vệ siêu thị. Lúc đấy tâm trí tôi chỉ nghĩ đến thằng Quân, từ giờ phút này tôi sẽ không bao giờ để nó một mình nữa. Thế giới của chúng tôi đang trở nên nguy hiểm, quá nguy hiểm cho với một thằng bé như thế.

Chung cư tôi ở hôm nay cũng vắng vẻ lạ thường, chỉ còn một anh bảo vệ kiêm cả giữ xe với gác cổng. Trong sảnh bình thường vẫn đông đúc người, tiếp tân, bảo vệ, lao công, mấy bà cô lắm chuyện... nhưng hôm nay chẳng còn bóng dáng một ai. Chung cư tôi ở được xây dựng cũng khá lâu, với lối kiến trúc cổ kiên cố đồ sộ nhưng tù túng, ít cửa sổ. Vách tường đá cũ kĩ cũng chưa được sửa sang, nâng cấp. Tòa nhà chỉ cao chín tầng, đa phần cư dân ở đây là người Hoa, họ sống chen chúc nhau một hộ trung bình 5 bảy người sinh sống. Lầu ba tôi ở cũng không ngoại lệ, chật ních người với người, lúc nào cũng râm ran ồn ào tiếng chèn chẹt của là bài chạm xuống nền gạch. Đôi khi là tiếng chửi thề cụt ngủn của mấy gã đô con bốc vác vang qua vách tường dày mỗi buổi chiều tàn, cũng có lúc là tiếng trẻ con khóc oang hay tiếng uỳnh uỵch của sự xô sát...

Cũng quá trưa, tôi thảy mấy miếng thịt nguội vào 2 li mì ăn liền, rắc gia vị rồi chế nước sôi vào. Đầu óc tôi không ngừng nghĩ đến chuyện lúc nãy, đã một tiếng trôi qua nhưng tôi vẫn không thể tin được vào những gì mình đã thấy. Quân có hỏi tôi về vụ ở siêu thị, nhưng cũng như bao người lớn khác, tôi cười xòa rồi nói dối nó về một ông bảo vệ già bị ngã trật đầu gối. Rồi như một phản xạ tôi lấy điện thoại gửi email cho ông anh đang ở nước ngoài. Có lẽ ông ấy nên về ngay để đưa thằng nhỏ đi thì hơn, càng lâu nó ở đây, càng nguy hiểm. Thường thì tôi ăn ngoài, nhưng hôm nay có Quân, với lại tôi cũng chẳng muốn rong ruổi ngoài đường thêm một giây một phút nào nữa. Lúc trên đường từ siêu thị trở về, bốn năm chiếc xe cứu thương nối đuôi nhau vượt mặt xe tôi. Rồi xe quân dụng, xe Jeep, cả chiếc xe cứu hỏa kềnh càng màu đỏ tươi cũng thi nhau ùn ùn trên đường. Chính phủ họ đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, chuyện đó đã diễn ra liên tục mấy ngày nay, nhưng dường như càng ngày càng đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa.

Hai chú cháu tôi dành cả buổi chiều hôm đó dán mặt vào màn hình tivi. Xem phim chán rồi lại chơi game. Dường như trẻ con chúng chẳng bao giờ thấy chán với bất cứ việc gì trừ học, nó say mê làm anh hùng với trò Resident Evil. Đó là một tựa game hành động kinh dị lấy bối cảnh giống hệt như những gì đang diễn ra ở đây bây giờ. Nhân vật chính trước mắt phải chiến đấu với lũ thây ma để tồn tại, hơn nữa là tìm ra lối thoát cho loài người. Tôi cá chắc rằng nếu loài người vượt qua được dịch bệnh này, thì những tựa game như thế sẽ lại lên ngôi, sẽ sản sinh ra nhiều lắm những kẻ mơ tưởng về sức mạnh của mình. Nếu không như vậy thì loài người đã xứng đáng với vị trí động vật bậc cao nhất khi đã tự tiên đoán được trước sự tận diệt của mình.

- Chú út có nghĩ mai mốt sẽ giống y như vầy không chú. – Thằng nhỏ hỏi tôi, tay vẫn liên tục bấm bấm cái tay cầm.

- Ý mày là sao? – Tôi trả lời.

- Thì chú không thấy mấy người bệnh người ta ra sao à? Giống y mấy con thây ma trên này còn gì?

- Ừ... nhưng tao nghĩ không đâu, rồi bác sĩ cũng tìm ra thuốc thôi. Cũng như bệnh dại thôi mà.

- Con chẳng biết! Nhưng nếu được như vậy thì hay ha. Con thấy nó thú vị.

- Hay là hay thế nào? Đời với game nó khác lắm con. Ngoài đời đôi khi mày không điều khiển dễ như game đâu, mày cũng không thể chơi lại mỗi khi mày sai lầm đâu.

- Nhưng... Con vẫn thích!

Trời vừa chập choạng tối thì mất điện. Nối theo đó là dồn dập mọi sự kiện thay đổi hoàn toàn cục diện đời tôi... Lúc mọi thứ yên tĩnh tôi mới nghe rõ tiếng thùm thụm ngoài hành lang, cùng với tiếng thét không xa xôi tí nào, đoán chắc chỉ ở phòng đối diện. Quân rú gọi tôi ra ô cửa sổ rồi trỏ xuống con đường bên dưới. Dưới ấy chói lên lập lòe ánh đèn xanh đỏ của xe cứu thương, cùng với tiếng vang vọng của còi hụ. Cảnh sát đang ra sức trấn áp một nhóm thanh niên điên cuồng đập phá. Toán đó phải gần 20 tên, chúng cũng hành động y hệt như gã tôi gặp ở siêu thị, có điều chúng không gầm gừ mà chửi thề luôn miệng. Chắc là bạo động.

Tiếng thét trước cửa nhà tôi ngày càng rõ, tiếng đàn bà, tiếng khàn của đàn ông, kèm theo đó là tiếng gầm gừ, cả những tiếng lục cục giống như ai đó đang va thùm thụp vào vách tường nhà. Mớ âm thanh đó lại thêm hỗn độn với tiếng nện lạch cạch của vật gì đó nện xuống nền. Tôi chẳng biết, cũng chẳng dám ló mặt ra, và cánh cửa cũng chả có chỗ nào để nhòm ra ngoài, nên tôi vội gài thêm cọng dây xích vào cái chốt được tán sát vào tường rồi lục đục đi tìm chiếc đèn pin.

- Quân mày mở hộc bàn trong phòng ra lấy mấy cây nên đốt lên đi. – Tôi giao việc cho thằng oắt con cứ lẽo đẽo sau lưng tôi.

- Dạ.

Chốc chốc chuông điện thoại tôi bỗng reo lên. Đó là số mày ba thằng Quân. Lần cuối cùng ông ấy gọi cho tôi là cách đây một tuần, chắc hai vợ chồng bận rộn quá nên quên cả thằng con. Tôi chuyền điện thoại cho Quân nói chuyện với cha nó rồi lúi cúi tìm tiếp chiếc đèn pin dù cả 2 căn phòng đã được thắp sáng bằng đèn cầy. Tiếng thằng nhỏ vang lên lên oang oang, lẫn vào tiếng ồn ào ngoài phòng. Nó trả lời vài ba câu hỏi thăm của cha nó rồi chuyền điện thoại cho lại cho tôi. Tôi đoán chắc là có chuyện chẳng lành vì chưa bao giờ nó nói chuyện với cha nó mà mau thế. Bình thường nó phải hỏi đủ chuyện và cha nó cũng dành thời gian kể cho nó nghe vô số thứ.

- Tình hình ổn không chú? – Tiếng ông anh tôi khàn đặc, biểu hiện của sự mệt mỏi kéo dài.

- Sao vậy? Khi nào ông về? Ở đây người ta bỏ đi hết rồi... đang đánh nhau rầm rầm dưới đường. – Tôi kẹp điện thoại vào tai và tiếp tục lục trong các hộc tủ.

- Mẹ nó! Anh không cách nào về được. Người ta cấm lưu thông mấy ngày nay rồi.

- Là sao? Em thấy ở đây người ta bỏ đi hà rầm mà?

- Anh không biết nhưng ngoài Bắc người ta chặn hết ... chính, không .... đi được, sân bay cũng ...... được hơn tuần nay rồi. Chú ở trong đấy thế nào? – Tiếng ông anh tôi lẫn vào tiếng rè rè, không rõ.

- Bình thường. Mà ông nên về mau đi. Trường thằng Quân cũng vừa cho nghỉ... Sao ở đâu mà sóng yếu vậy?

     Sau đó là một hồi dài im lặng rồi vang vang lên tiếng nói nhưng không thể nghe rõ câu. Những từ duy nhất tôi nghe được là "ra Bắc" và "an toàn" rồi điện thoại tôi im bặt tiếng nói, thay vào đó là những tiếng xẹt xẹt, rè rè. Nhưng chuyện đó không làm tôi bận tâm mấy lúc ấy vì cánh cửa nhà tôi đang run lên bần bật cùng với tiếng rầm rầm phát ra do bị nện liên tục từ bên ngoài. "Mở ra!!! Cứu tao!!! Mở ra!!!". Tôi giật mình đánh rơi chiếc điện thoại vào hộc tủ rồi vội chạy về phía cái cửa. Lúc ấy thằng Quân cũng hoảng hốt lao ra từ trong phòng. "Ai!? Ai đó?" - Tôi đáp lại tiếng kêu rồi áp sát tai vào cửa, hai tay nắm chặt lấy nắm đấm cửa dùng lực đẩy từ trong ra vì sợ nó bung bản lề và sự hỗn loạn ngoài kia sẽ tràn vào nhà. Rồi cánh cửa gỗ run lên bần bật, đáp lại cho câu nói của tôi là tiếng gào đau đớn, tiếng dọng phùm phụm xuống nền. Tim tôi nện thình thịch vì sợ. Thằng Quân cũng vậy, nó biến sắc đứng chết chân. Tôi ngồi sụp xuống tựa lưng vào cánh cửa gỗ, hai chú cháu nhìn nhau một hồi lâu, im bặt để tiếng rên rỉ,  gầm gừ nện thùng thục vào không gian. Tận diệt bắt đầu rồi. Tôi đoán chắc ngoài kia đã có một người vừa bị xé xác bởi đám người nhiệm bệnh, và chuyện đó diễn ra cách tôi chỉ có một tấm gỗ sồi 5 li. Thằng Quân gục xuống mình tôi, thằng bé run lên bần bật vì sợ, hai hàm răng gõ vào nhau lanh cách lanh cách. Tôi đan tay, siết thằng nhỏ vào lòng, nó sợ, tôi cũng sợ. Có mấy ai sinh ra ở thời bình mà cảm nhận được chuyện người ta chết dã man ngay bên cạnh mình như thế. Tôi có thể thấy rõ sự đau đớn mà tiếng kêu bên ngoài kia đang chịu đựng như chính tôi đang ở ngoài ấy. Chưa bao giờ tôi có cảm giác đó dù phim ảnh đã tiêm nhiễm vào đầu tôi rất nhiều thứ còn ghê gớm hơn. Dù không thấy, nhưng tôi có thể cảm nhận rõ hơn bao giờ hết. Tiếng gào thét tuyệt vọng, tiếng dậm chân rầm rầm vào cửa, tiếng nện thùm thùm xuống đất của cánh tay khi phải gánh chịu một sự đau đớn tột cùng.

- Quân ơi! Ngày mai mình ra Bắc nhé? – Tôi thì thào vào tai thằng nhỏ khi tôi chợt nhớ ra lời dặn cuối cùng của ông anh tôi khi điện thoại tắt.

Ngay sau khi tiếng gào kia tắt lịm, còn lại sau đó là những tiếng gầm gừ thì cánh cửa phòng tôi tiếp tục bị tấn công. Có ai đó đang dùng tay mà nện uỳnh uỳnh vào cửa, không phải một mà nhiều người. Tôi không nghe thấy tiếng người nói mà chỉ có tiếng gầm gừ nghiến răng cùng tiếng ầm ầm của cách cửa khi liên tục bị nện vào. Tôi vội đẩy thằng Quân ra rồi ra sức đẩy lại từ bên trong để cản không cho cánh cửa bung ra. Vì bản lề đã nhúc nhích theo nhịp đập ở bên ngoài. Tôi nhìn Quân cầu cứu rồi ra lệnh cho nó đẩy chiếc ghế sofa lại chặn ngay cửa. Hai tay vẫn ra sức giữ cánh cửa. Tôi cảm thấy mình đang yêu thế hơn đám người bên ngoài vì một bản lề phía dưới cùng đã bung ra. Thằng bé nhanh nhảu kéo chiếc ghế nặng gần bằng nửa trọng lượng nó đến chỗ cửa thế chỗ cho tôi. Nhưng có lẽ chưa đủ vì cánh cửa vẫn đều đều bị chuyển động, sắp bật ra đến nơi.

- Giữ đó! – Chờ chú.

Tôi chạy lại chỗ cái tủ quần áo bằng gỗ đồ sộ rồi ra sức kéo. Nó rất nặng. Nhưng tôi vẫn có thể kéo lê nó trên mặt sàn tạo ra tiếng ken két nhức tai. Tim tôi lúc này vỗ thình thịch như sắp nổ tung trong lồng ngực phập phồng vì đứt hơi. Tôi kéo cho đến khi các ngón tay tượt ra khỏi điểm tựa và bật máu vì lật móng. Quân hiểu ý vội bỏ chiếc sofa rồi chạy lù đến đầu bên kia chiếc tủ, tôi kéo nó đẩy, tôi hô lớn để chiếc tủ chuyển động theo nhịp. Cách cửa kêu lên tiếng cách lớn rồi bật ra đủ lớn để vài ngón tay máu me bên ngoài thò vào. Chốt cửa đã bung và chỉ còn cọng dây xích mỏng giữ lại. Tôi dùng chân đạp cái sofa ra cho rộng chỗ rồi cong người kéo chiếc tủ gỗ áp sát vào cách cửa. Cạnh tủ quẹt qua mấy ngón tay đang ngoắc nguẩy thò vào làm chúng lật ngược đi, kêu lên vài tiếng lụp cụp. Để chắc chắn, tôi kéo chiếc sofa chấn ở trước tủ rồi ngồi phịch xuống thở dốc. Quân cũng vậy, nó ngồi đánh uỵch cạnh tôi rồi thở hổn hển, chiếc đèn cầy vẫn sáng le lói. Mồ hôi chú cháu tôi nhễ nhại, lồng ngực thì nhấp nhô không ngừng vì thở gấp, vì nỗi sợ vẫn chưa ngớt. Có lẽ cái tủ nặng có tác dụng, vì đám người ngoài kia vẫn đập rầm rầm nhưng không làm gì được nó nữa.

Tôi quay qua thằng cháu rồi phì cười, nó cũng cười, chúng tôi chả biết cảm xúc của mình lúc ấy gồm những gì nữa. Nhưng tôi biết chắc chắn là chả có gì hài hước để phì cười, nhưng chú cháu tôi vẫn cười, vì chúng tôi vừa tự nhốt mình trong căn phòng vài chục mét vuông. Khi tôi vừa lấy lại được nhịp thở thì chuông điện thoại bàn reo leo. Chiếc điện thoại dây cáp được đặt khiêm tốn nép sát ở góc phòng vì chả mấy khi được dùng đến. Cũng từ lâu rồi tôi chẳng nhận được một cuộc gọi từ nó.

- Alo? Ai đó? – Tôi nghe máy.

Vội. Có giọng nói rất gấp rút cướp lời tôi từ đầu dây bên kia.

- Cứu! Chú mày ở nhà bên cạnh à? 303?

- Vâng? – Tôi đáp, thằng Quân cũng tò mò tiến lại chỗ tôi. Phía sau chiếc tủ vẫn ầm ầm tiếng đập phá không ngớt.

- Cứu! Tao ở nhà bên cạnh! Chúng nó sắp đập nát cửa nhà tao rồi! Cửa sổ nhà mày có chấn song không!? – Nhưng câu nói cụt lủn dồn dập đập vào tai tôi từ ống nghe.

Giọng nói gấp rút, ngắt quãng nhưng không bày tỏ một sự sợ hãi nào. Chắc là có chút sợ hãi nhưng hắn nói nhát gừng, giống như một chuỗi những lời ra lệnh hơn là sự cầu cứu. Có lẽ hắn là một tên côn đồ, hoặc ít nhất là hắn đã quen với việc ra lệnh hơn là nhờ vả.

- Anh là ai? Không? Không có chấn song? Mà sao? – Tôi đáp.

- Mày mau mở cửa rồi nhìn ra ngoài. – Hắn ta nói gấp rút, xen lẫn trong giọng nói là tiếng âm ầm.

Tôi ra hiệu cho Quân chạy ra xem, nó đi một lúc nhanh rồi quay lại. Gã trên điện thoại đang đứng thò hẳn cả nửa người ra bên ngoài quơ tay múa chân điên loạn. Hắn cầm một mớ dây thừng.

- Đó! Bây giờ mày ra rồi chộp lấy sợi dây tao thảy qua sau đó buộc vào thứ gì chắc chắn. Khốn nạn! Nhanh lên đi! – Tiếng hắn bị cắt ngang bởi tiếng bục mạnh. Giống như âm thanh phát ra mỗi khi tôi ra đòn biểu diễn trên những phiến gỗ dày. Cánh cửa phòng có lẽ vừa bục ra.

Lương tâm tôi không có sự lựa chọn, có lẽ hắn thực sự cần giúp đỡ. Vả lại, tôi lại không muốn mình dằn vặt vì đã dửng dưng, nếu như vài phút trước tôi mở cửa sớm thì có lẽ đã cứu được người đàn ông trước cửa kia. Cảm giác dằn vặt đó vẫn còn sống động lắm. Hơn nữa, thằng Vũ vẫn hăm hở lắm giúp đỡ người khác khi nó quay ra quay vào mấy lượt như con thoi từ cửa sổ phòng đến chỗ tôi đứng. Thằng bé vẫn còn tin vào những điều đẹp đẽ mà con người nên làm, để dạy dỗ một đứa bé nên người tất cả những gì tôi nên làm là nuôi nấng cái phần tốt đẹp bên trong nó lớn lên bằng chính những hành động đúng của mình.

Tôi ló đầu ra cửa sổ. Ở phía con đường bên dưới hỗn độn với tiếng thét, tiếng gầm, xen lẫn là tiếng lộp cộp của gậy gộc va vào nhau, vào tường, vào xương. Ở phía dưới là tầm bảy anh cảnh sát cơ động và hơn chục cảnh sát áo xanh đang ra sức đàn áp toán người gần 20 tên. Họ có cả đàn bà, lẫn đàn ông đa số là thanh niên, trên tay họ cầm gậy, mã tấu. Càng lúc càng đông, họ túa ra từ các con hẻm, tạo thành một đoàn diễu hành trên đường tiến về phía bệnh viện Trung Tâm cách đó vài dãy nhà. Mồm họ đều đều câu khẩu hiệu: "Giết bọn Simia, giết bọn Simia để bảo vệ người khỏe mạnh!" Suy cho cùng những con người ấy cũng chỉ là những người yếu đuối đang sợ hãi, tự tìm cách bảo vệ mình. Số người nhiễm bệnh lúc ấy đã đạt đến mức không thể kiểm soát. Mới sáng nay thôi mọi thứ vẫn còn nằm ở quỹ đạo của nó, nhưng giờ đã hoàn toàn khác. Chính phủ họ vẫn chờ đợi một liều thuốc giải cho những người mắc Simia nên đã quyết định giữ người nhiễm bệnh trong những phòng cách li của bệnh viện. Càng ngày người ta mắc bệnh càng nhiều, rồi đến lúc họ phải dọn nhà kho, đến các buồng bệnh, thậm chí phong tỏa một số nơi trong thành phố để có thêm nhiều chỗ... Rồi. Ba tiếng trước, một phòng cách li ở bệnh viện trung tâm vì quá tải đã nôn ra gần trăm người bệnh. Họ tản ra rất nhanh, rất nhiều người khỏe khác bị tấn công, kể hầu hết các y bác sĩ ở bệnh viện đều không thoát được. Cảnh sát cũng đã ra sức phong tỏa toàn bộ khu vực, nhưng vô ích. Đám người nhiễm bệnh tràn vào những con hẻm, rồi tấn công người đầu tiên chúng đánh hơi thấy. Cùng lúc đó nhiều người khỏe mạnh khác lại ùa ra đường săn lùng những người bệnh để... giết, vì họ thấy bất an.

Ở khung cửa sổ bên cạnh, hắn đã thò hẳn nửa người ra ngoài, trên tay cầm lòng thòng một mớ dây thừng dày, đường kính khoảng 3 cm. Tên ấy đứng hẳn lên bệ cửa, tay trái bám lấy thành giữ lại làm cơ bắp ở cánh tay săn lại, nổi lên cuồn cuộn. Hắn thuộc tuýp to cao, có gương mặt bặm trợn, nhưng trông không tàn ác. Gần nửa cánh tay phải phủ đầy những nét trạm trổ bằng mực tàu hình một con rồng luồn cuộn ẩn hiện trong những hoa văn hình mây, hình hoa đến quá khỉu tay. Với bộ dạng ấy, cộng với cái đầu trọc lốc tôi đoán chắc hắn không phải là kiểu người thân thiện. Hắn nhìn tôi cười nhếch mép rồi ráo riết ra hiệu tôi bắt lấy lấy đầu dây hắn sắp thảy qua.

- Mẹ nó! Chúng nó phang vỡ cửa rồi! Nhanh lên! Bắt lấy rồi buộc vào đâu đó chắc chắn một tí.

Sau vài lần bắt hụt, tôi giữ được một đầu dây rồi nhanh nhảu buộc vào chân giường. Không quên giữ cố định ở sợi dây rồi ra hiệu hắn đu qua. Hắn buông tay rồi ngồi xuống, bám lấy bậu cửa, hai chân dọng vào tường uỳnh uỵch. Tên ấy làm một cây cầu bằng dây từng từ phòng bên đó đến phòng tôi để đu qua, hắn không quên buộc mình vào sợi dây thừng chính để lỡ có trượt tay thì cũng không rớt xuống đất. Hắn trụ hai chân vào tường, đẩy cho sợi dây hơi căng ra, lưng hướng xuống mặt đất, hai tay hắn bấu chặt vào sợi dây thừng ở bụng làm điểm tựa, rồi bước từng bước nhỏ trên tường sang cửa sổ phòng tôi. Vòng dây trên bụng lần lần theo nút thắt di chuyển theo mỗi bước chân. Đôi lúc hắn khựng lại, có lẽ vì mệt, cũng có lẽ vì nút thắt bị thít lại đâu đó nên không thể di chuyển được nữa.

Ở ô cửa sổ bên kia là bốn năm người đã mắc bệnh, mặt mũi be bét máu. Máu từ hốc mắt, từ mồm, từ tai. Họ trườn ra ngoài, hai cách tay quờ quoạng vô định, không ngừng kêu lên "Rừ Grừ..." như đám sói khát máu. Họ không nói một lời nào, họ trông giống người nhưng không còn là người nữa. Những người đó có thể nhảy xổ vào bạn cắn xé ai đó đén khi họ không còn chống cự hay kêu cứu được nữa. Đôi lúc tôi gọi chúng là "nỗi sợ", vì dù bạn cứng rắn can trường thế nào, đứng trước chúng lá gạn bạn sẽ teo lại bé tí vì trước mắt bạn là những thứ kinh khủng lắm, chúng tấn công tâm trí bạn trước khi tóm được cơ thể bạn. Những con quỷ đáng sợ nhất vẫn luôn là những con quỷ mang hình hài giống người, nhưng đã biến dạng không hẳn là người nữa.

Hắn nắm lấy tay tôi rồi trườn vào bên trong, cười sảng khoái nụ cười của người thắng trận, vỗ vai tôi lộp bộp.

- Tao nợ mày một mạng. Tao là Trọng. – Hắn giới thiệu tên mình rồi rảo quanh nhà tôi một cách tự nhiên.

Tên đấy có dáng đi cà khịa giống như người say, hai bên vai nhấp nhô lên xuống đều theo nhịp của bước chân vững chắc đang nện lộp cộp lên sàn nhà. Hắn rảo mắt xung quanh như tìm kiếm thứ gì rồi, khựng lại ở chỗ cánh cửa chính.

- Nãy giờ hai cha con mày chặn cánh...

Hắn ta chưa nói dứt câu thì cái tủ đổ nhào sau tiếng rầm lớn. Bản lề của cửa chính đã bung hết và đẩy tủ đồ đổ xuống. Có mấy cánh tay gầy guộc đầy máu thò vào từ bên ngoài, ngọ nguậy chực chờ tóm lấy thứ gì đó. Trọng không ngần ngại nhảy đến lấy cả thân mình đỡ lấy cái tủ nặng đẩy trả lại. Tôi cũng lao đến như tên bắn giúp hắn đỡ lấy cái tủ, đẩy về phía trước, chống lại đám người bên ngoài.

- Thằng nhỏ! Mày lại đây giúp cha mày! Tao kéo cái tủ lạnh ra!

Trọng gào lên rồi lao xuống bếp, hắn kéo cho cái tủ lạnh dung tích ba trăm rưỡi lít đầy đồ ăn của tôi đổ xuống đất đánh rầm rồi đẩy trượt trên sàn nhà từ bếp ra cửa chính thế chỗ cho chiếc sofa. Rồi đặt chiếc sofa lên trên để tạo thêm sức nặng chống đỡ bên ngoài. Lần nữa cửa chính lại được chặn lại chắc chắn nhưng những người bên ngoài vẫn chưa bỏ cuộc, họ vẫn điên cuồng gắng sức vào trong cho bằng được.

- Thu xếp đồ đạc đi! Phải đi liền thôi. Tụi nó điên hết rồi! Mẹ kiếp! – Trọng nói với vẻ khẩn trương.

Tôi cũng ra lệnh cho Quân sắp đồ vào balo, rồi vớ đồ vào giỏ của mình chuẩn bị rời đi. Chúng tôi buộc phải rời đi thật nhanh, vì mấy cái tủ chặn ở cửa kia không thể giữ mãi được, rồi chúng sẽ tràn vào đây và chúng tôi sẽ không biết phải thoát ra lối nào. Trọng gấp gáp lôi tôi ra cửa sổ rồi chỉ vào lối thoát duy nhất. Đó là một cái gờ nhỏ người ta xây nhô ra tầm hai viên gạch để trang trí, tạo thành một đường đi hẹp, kéo dài từ cửa sổ nhà bếp tôi cho đến cầu thang sắt thoát hiểm ở phía bên kia, cách chỗ chúng tôi 3 mét. Đó không phải là ý kiến tồi nhưng vấn đề là lối đi của chúng tôi có bề ngang đưa đủ một bàn chân, hơn nữa lại treo leo trên tường cách mặt đất gần 20 mét. Trượt chân là sẽ không còn cơ hội đi lại nữa. Tình thế dồn dập lôi đầu óc người ta vào vòng xoáy mòng mòng của những chọn lựa. Tim tôi bắt đầu dồn dập khi tiếng rầm rầm ngoài cửa tiếp diễn. Tôi nghĩ đến chuyện đu dây từ đây xuống đất, tôi nghĩ đến chuyện chất thêm đồ đạc để chặn cửa lại rồi chờ đến khi mọi chuyện yên ả... tôi nghĩ đến mọi phương án, miễn là nó khác cái "con đường hẹp chưa bằng 1 bàn chân" kia. Tất cả đều dẫn đến một kết quả mơ hồ. Nghĩa là chúng tôi đang ở con hẻm cụt, không lối thoát.

Thực sự bế tắc, tôi nhìn Quân, thằng bé đang mặc vội chiếc áo sơ mi trắng đi học lúc sáng vào. Nó đã dồn đầy ắp chiếc balo màu xám với quần áo, đồ ăn, nước và cái máy chơi game quý báu của nó. Cùng với hình ảnh đó đầu óc tôi không thể bình tĩnh được, chúng tôi như con gà mồi bị bẻ gãy một chân chạy thì khó, mà buông xuôi thì chết. Quân thì còn nhỏ, còn tôi thì vẫn chưa biết cách bắt đầu cuộc đời mình. Tôi đứng tựa vào tường lấy hơi rồi móc điện thoại ra, vô thức gọi cho ông anh, đổ chuông một hồi nhưng không ai bắt máy, gọi lại lần nữa thì nó báo ngoài vùng phủ sóng. Sau đó tôi lại gọi cảnh sát thì người ta báo đường dây bận, giận số phận, tôi phang thẳng chiếc điện thoại vào tường rồi gầm lên. Tôi hoảng loạn, tôi sợ hãi, tôi mất tỉnh táo. Giống như lúc sắp chết người ta sợ hãi vô ý thức vãi ra quần, thì tôi không kiểm soát được mình. Tôi òa lên khóc như đứa trẻ, tôi ý thức được tình hình, tôi ý thức được sự yếu đuối và bế tắc của mình, tôi bật khóc. Thế giới sụp đổ, con người sụp đổ, và lối đi duy nhất của chúng tôi lúc đó lại rộng không đủ một bàn chân.

- Mẹ! Mày điên à! Thằng kia? – Tiếng Trọng gầm lên, rồi hắn tát bộp vào mặt tôi. – Mẹ sắp chết đến nơi rồi dở trò đàn bà à! Khóc lóc à!

Trọng lôi tôi dậy, đập lưng tôi vào tường rồi dúi đầu tôi ra ngoài cửa sổ như muốn quăng tôi xuống dưới. Lúc đó người tôi cứ mềm ra như bún, khi đầu tôi đã lơ lửng bên ngoài ô cửa sổ thì tôi mới thực tỉnh lại. Người tôi như có luồng điện chạy qua từ đầu đến chân, co rút lại, tôi lấy hơi thật sâu rồi bất ngờ lùi lại tóm lấy cổ tay Trọng, dùng khóa Sankyo để vật hắn xuống.

- Ông làm gì tôi!! – Tôi gầm lên, rồi nhìn chòng chọc vào mắt hắn.

- Bây giờ mày chọn được chưa? Có đi không?

Trọng làm vậy để giúp tôi tỉnh táo trở lại. Chỉ khi ai đó bị đẩy vào một tình thế tệ hơn những gì anh ấy đang gặp phải thì họ mới ý thức được chính xác những gì họ đang phải trải qua. Tôi quyết định làm theo ý Trọng, vì đó là lựa chọn duy nhất, ít ra khi đi vào đường đấy thì chúng tôi sẽ không biết chắc mình có chết hay không. Bởi vì chiếc tủ kia sắp đổ ập xuống lần nữa rồi. Chúng tôi bỏ lại hết tất cả, chỉ đem duy nhất một bộ đồ mỗi người và vài gói mì đủ ăn vài ngày. Quân năn nỉ tôi để nó đem theo cái máy game vì đó là thứ duy nhất làm nó quên đi mọi thứ tồi tệ bên ngoài. Công moi hết đồ đạc trong giỏ ra. Hắn có một con dao găm chế lại từ lưỡi lê của súng Ak 47, và một cây mã tấu đen nhám được bọc trong lớp bao da cùng với khẩu súng ổ quay và một túi nhựa đầy đạn. Và một vòng dây thừng còn sót lại, vừa đủ chiều dài từ ô cửa sổ nhà bếp đến cầu thang sắt bên kia. Trong giỏ hắn còn chứa đầy những thứ cá nhân một đứa trẻ không nên thấy.

- Cậu chắc là dân bảo kê hả? – Tôi hỏi đùa.

- Nhiều nghề.

Hắn trả lời cụt lủn rồi dúi vào tay tôi cây mã tấu bảo giữ giúp vì nặng quá sẽ mất cân bằng khi di chuyển qua hành lang trên tường. Hắn đút khẩu súng vào túi sau rồi tra con dao găm vào bao da cặp ở đùi. Sau đó hắn khoác chiếc áo khoác jean dày lên rồi cà kịa tiến ra chỗ cửa sổ bếp nghía lại lần cuối ra bên ngoài. Ở dưới vẫn rất hỗn loạn, các lực lượng chức năng đã được huy động đầy đủ để trấn áp nhóm bạo động, cũng như những người nhiễm bệnh thoát ra từ các trại giam giữ. Tiếng còi hụ e é khắp cùng các con hẻm, người ta chạy tán loạn, cầm gậy gộc rìu nện vào người nhau. Cảnh sát được trang bị cả khiên, dùi cui, hơi cay, nhưng dường như những thứ đó đều vô dụng trước đám đông theo tỉ lệ một chọi 5 ấy. Tôi chưa bao giờ biết đến chiến tranh thế nào, nhưng với những điều tôi được học về nó, thì những gì tôi thấy lúc ấy không khác gì một cuộc nội chiến, hay nói cách khác là cuộc tàn sát nhau của con người. Người ta càng chống lại nhau, loại trừ nhau thì tình hình càng thêm tệ hơn, máu đã đổ đỏ một góc đường.

Lúc chúng tôi rời nhà là khoảng 9h tối, cả khu vực đã bị ngắt điện hoàn toàn, mùi khét cay cay của lựu đạn khói, ngập tràn trong không khí tạo thành một làn sương mỏng cách mặt đất vài mét. Tôi gọi đêm đó là "đêm đèn đỏ", vì đèn chớp của xe cứu thương, cứu hỏa, cảnh sát đỏ rực các ngóc ngách. Lực lượng bác sĩ, cũng như lính tráng sốt sắng kéo những người ngất xỉu lên băng ca rồi đưa vào viện. Lúc lúc lại có tiếng súng nổ đập vào không trung xé toạc những tiếng hô hào, cảnh sát buộc phải bắn hạ những bệnh nhân Simia đang tấn công họ.

Trọng xung phong đi trước, hắn sẽ buộc cố định một đầu dây vào bên kia, còn tôi cố định đầu dây còn lại vào bên này để tạo thành một điểm tựa để bám vào cho tôi và Quân dễ dàng di chuyển hơn. Trọng đứng hẳn lên bậu cửa sổ rồi thận trọng đặt một chân lên trên cái gờ. Cái gờ hẹp không đủ chiều dài một bàn chân, nửa gót chân Trọng dư ra ngoài làm hắn dễ mất thăng bằng nên phải cố gắng lắm mới di chuyển được. Hắn quay người vào trong tường để đi cho nhanh và làm chủ được tình thế, với lại di chuyển như vậy thì sẽ tạo lợi thế hơn hơn khi tay phải có thể bám vào khung cửa để giữ thăng bằng. Lưng Trọng để thẳng, hắn cố gắng đổ mình vào sát tường để không bị kéo ngã bật ngửa ra sau, hai bàn bàn tay lần mò chậm rãi trên mặt phẳng sần sùi những viên sỏi trang trí li ti, hắn tiến đến phía trước từng bước một nhịp nhàng như thể chuyện ấy dễ dàng lắm và chẳng có gì đáng sợ. Lúc đấy thằng Quân đứng sát cạnh tôi, nín thin nhìn theo người đàn ông di chuyển trên tường như con thạch sùng. Thằng bé siết chặt lấy bàn tay tôi, mặt nó xanh xám lo lắng. Hai hàm răng ngiến lấy bờ môi dưới đến nỗi bật máu mà nó vẫn không hay biết.

- Nhóc con! Sao vậy?

Tôi quỳ xuống vuốt mái tóc nó ngược ra sau, lộ ra vầng trãn đẫm mồ hôi. Thằng bé cũng sợ, nhưng cái bản chất thằng con trai lì lợm không để cho nó bày tỏ sự sợ hãi nó đang có ra ngoài. Nhìn bộ dạng Quân lúc đó, tôi lại chỉ muốn gặp mặt cha mẹ nó mà đập cho một trận, vì đây chính là lúc nó cần cha mẹ nó bên cạnh hơn ai hết. Tôi không biết phải động viên thằng bé thế nào, cũng không thể ép buộc nó phải mạnh mẽ hơn được. Nó đã thấy và nghe quá nhiều chuyện đáng lí ra nên xảy ra sau lưng nó. Tôi ước gì nó yếu đuối mà bật khóc lên đi để mình ngưng ngay lại việc bắt nó phải bước qua cái gờ bé tí nguy hiểm kia. Nhưng thằng bé không khóc, nó lì ra rồi nhìn tôi bằng anh mắt thở than não nề lắm, như vậy thì tôi lại càng thấy mình vô dụng thêm.

- Chú ơi hay mình ở lại chờ không được à? – Nó nói bằng dọng dõng dạc rồi nhìn thấu tâm can tôi.

- Không nhóc à. – Tôi khom người, hai tay nắm lấy vai nó. – Chú không biết lúc nào cánh cửa kia bung ra và đám thây ma ngoài kia tràn vào. Lỡ mà nó xảy ra thì mình hết đường chạy. – Tôi nói bằng giọng hết sức bình tĩnh để trấn an nó. – Còn nhớ game hồi sáng mình chơi chứ? Giờ chú leader, mày theo chú, được chứ? – Tôi nhìn vào mắt nó. – Không ai bị bỏ rơi lại đúng chứ? Có bao giờ chú để mày chết trên game chưa? Giờ cứ theo chú, bước từ từ chầm chậm từng bước sát tao. Kiểu gì cũng qua.

Thằng nhỏ gật đầu rồi lại nhìn sang ô cửa sổ để tránh ánh mắt của tôi. Trọng đã qua được đến bên kia và cũng đã buộc thắt nút sợi dây vào dưới chân chấn song của lan can phía trên đầu hắn, đang vẫy tay ra hiệu chúng tôi di chuyển qua. Sau khi kéo căng sợi dây thừng rồi buộc thắt nút vào giá đỡ kệ sách bên cạnh, tôi trấn an Quân lần nữa rồi bắt đầu trèo qua trước làm mẫu cho thằng bé bắt chước theo. Tôi cũng quay người lại như Trọng, nhưng thực sự việc ấy không hề dễ dàng một chút nào. Tôi mang đôi giày da bò đế dày nên rất chiếm diện tích, gót chân tôi lòi hẳn ra ngoài. Một tay tôi giữ ở bậu cửa, tay còn lại bám vào sợi dây thừng căng đét như dính vào tường trước mặt. Hai cánh tôi mở ra rộng để có thể ép sát thân người vào tường cho không bị đổ người ra sau. Tôi bước từng bước nhỏ như không bước, gương mặt vẫn phải ra vẻ bình thản để động viên Quân. Thằng bé chăm chăm nhìn theo từng cử chỉ. Sao tôi ghét đoạn đường ba mét rưỡi ấy thế. Đi được gần nửa đường, tôi ngừng lại rồi thúc Quân leo lên.

- Thấy tao làm không? Giờ mày làm lại y như vậy, đừng chu đít ra giữ thăng bằng. Nép sát vào tường nghe chưa! Lên đi!

Thằng bé vẫn đứng yên, có lẽ nó sợ, cũng có lẽ nó muốn nhìn tôi cho kĩ. Nhưng, mãi đến khi tôi đi được nửa đường mà nó vẫn chưa leo lên, kì thực là nó đang sợ rồi. Tôi không muốn nó sợ, vì chỉ cần sợ, là xem như đã chết rồi. Rồi tự dưng lúc ấy tôi lại trở nên cứng rắn với thằng bé, điều mà trước giờ tôi chưa bao giờ làm.

- QUÂN! Mày có nghe chú không! – Tôi gầm lên, làm thằng bé giật mình. – Đi đi chứ! Bước lên cửa sổ rồi mò sang đây coi!

- Nhưng chú ơi!... – Nó nhăn mặt, ném vào tôi ánh mắt thù hằn bất lực của một thằng bé. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình mới thực sự có trách nhiệm với nó, lúc tôi nhận ra sao mình giống cha nó quá.

- Nhanh đi Quân! Dễ thôi mà!

Nói rồi tôi đưa một tay ra về phía Quân để thằng bé an tâm. Rồi nó cũng đứng lên, hai đầu gối run run khụy xuống để giữ thăng bằng, hai tay dang rọng, năm lấy 2 bên bậu cửa. Gió đêm phù phù thốc vào người thằng bé làm hai vạt áo bay loạn xạ, trông nó như cảnh chim nhỏ chốc lại cơn bão lớn. Rồi Quân thận trọng xuay người, với tay nắm lấy sợi dây thừng cách đầu gần gang tay. Nó nhún người lấy hơi rồi nhảy đứng hản lên bờ tường. Khi đã yên vị, thằng bé dù vẫn run run nhưng cũng cố quay sang tôi ném một nụ cười tự mãn. Nó với tay quá đầu, hai chân di chuyển thật chập. Nó nhỏ, nên bàn chân nằm gọn gẽ trong cái rãnh nên ít bị mất thằng bằng.

- Đấy! Cố lên, bây giờ bước chậm theo tao nè!

Tôi cười khích lệ rồi tiếp tục bước về phía trước, tên Trọng vẫn kiên nhẫn ngồi ở đầu bên kia chờ chúng tôi. Hắn leo hẳn ra, ngồi lên lan can, thỏng hai chân xuống dưới, một tay vân vê điếu thuốc lá chưa đốt chăm chú nhìn theo từng cử chỉ của hai chú cháu tôi. Khi đi đến hết đoạn đường, tôi ra hiệu cho Quân giữ chặt sợi dây rồi vươn một chân chạm vào lan can rồi lấy đà nhảy xuống. Cái gờ chạy gang bức tường cho đến góc thì hết, cầu thang thoát hiểm nằm ở bờ tường bên này nên lúc đáp xuống cũng khá khó khăn. Khi đã xuống hẳn được cầu thang, tôi ló đầu ra cổ vũ cho Quân, thằng bé đã đi được hơn nửa đường. Khi nó đi gần đến được chỗ chúng tôi thì đột nhiên trong phòng phát ra tiếng rầm lớn rồi kéo sau đó là vô vàn âm thanh uỳnh uỵch. Chiếc tủ gỗ đã không trụ nổi và đổ ật xuống, đám người nhiễm Simia tràn vào phòng, chúng như đánh hơi được mùi chúng tôi, chỉ chớp mắt đã có đám người bu nghẹt cửa sổ, chúng chèn lấn nhau trườn ra ngoài gào thét hướng về phía Quân. Có mấy người leo ra được nhưng trượt chân rớt từ ô cửa sổ xuống mái tôn nhà bên dưới kêu lên ầm ầm. Thằng Quân đứng giữa dòng hai mắt nhắm tịt, người nó gòng lại thét lên. Tôi nhìn thằng bé từ bên dưới lòng đau như cắt, ước gì lúc đầu tôi để nó đi trước. Quân không đi nữa, nó đứng ghì ra đó, nhìn vào đám người kinh tởm đang chà đạp nhau ở ô cửa sổ bên kia. Chúng cũng tìm cách leo ra chỗ Quân, nhưng không khéo léo trượt chân ngã xuống dưới đến 2 3 người. Sợi dây thừng run bần bật mỗi khi có ai đó leo lên được xong lại trượt chân ngã xuống.

- Quân!! Quân! Nhìn chú nè! Quân!!! Quay lại đây! Quân! – Tôi gào lên trong hoảng loạn.

- Chú Tâm ơi!!! Cứu con với!!! – Quân nhìn tôi, thằng bé đang sợ hãi hoảng loạn tột cùng.

Tôi như đứng trên lửa, định leo lên lại đỡ nó thì Trọng giữ người tôi lôi lại, làm tôi mất thăng bằng ngã đánh ầm xuống.

- Ông làm gì vậy! Ra! Để tôi cứu nó!

- Mẹ! Mày điên hả? – Trọng lại thét vào mặt tôi.

- Mẹ kiếp! Ông mới điên! Tránh ra!

- Mày nghĩ mày leo lên rồi có cứu được nó không! Mẹ mày! – Trọng dập lưng tôi vào tường.

- Nhóc con! Cố lên, gần đến rồi! Nhìn vào tao này! Mày chỉ cần nhìn tao này! Rồi bước đúng 3 bước thật dài nữa rồi nhảy lại đây. Cố lên! – Hắn một tay giữ tôi, một tay đưa về phía Quân hệt như lúc tôi bình tĩnh trấn an thằng bé leo lên dây.

1. Quân à! Cố lên con! Nhìn chú nè, chỉ cần vài bước nữa thôi! Tôi chồm ra, đưa hai tay như đã sẵn sàng đỡ lấy thằng bé.

Sợi dây thừng cứ run lên từng đợt làm thằng bé chao đảo trên không trung. Nhìn nó như con hình nhân cầu mưa phấp phới trao trước hiên nhà, mỏng manh, không biết khi nào thì gió thổi bay đi mất.

- Nào quên hết đi! Hít một hơi thật sâu rồi ráng đêm 1,... 2... 3 bước... – Trọng cũng giúp tôi trấn an thằng bé.

Quân bước được đúng ba bước là hết đoạn đường, nhưng chân nó không đủ dài với tới lan can. Thằng nhỏ chật vật, tôi không thể giữ chân nó rồi bảo thằng bé buông tay được, Quân buộc phải nhảy sang, còn tôi buộc phải đỡ lấy thằng bé. Nó rướn người hết sức ráng lần nữa nhưng không thể, rồi lại nhìn tôi cầu cứu. Tôi không muốn bảo thằng bé nhảy, vì điều đó có thể lấy đi mạng sống của nó, giá như đã không đưa nó vào con đường hẹp đó. Tôi trách mình, rồi lại trách trời.

- Rồi nhóc con! Nhảy nào. Nhảy đến đây! – Trọng nói.

- Không! Không đâu! – Quân lắc đầu lia lịa, chỗ vầng trán co lại nhưng mắt thì vẫn cố mở to.

Thằng bé vẫn chưa rơi một giọt nước mắt nào, nó kiên cường nhưng hoảng loạn tột độ, liên tục liếc vào ô cửa đầy người nhiễm bệnh phía bên kia rồi lại nhìn về phía lan can. Quân đứng đấy vài giây rồi đột nhiên nó lao tới như con nhện, hai tay hai chân bung ra trong không trung như chực vồ lấy tôi. Thằng bé gào lên "Chú út!". Tôi vươn người ra hết cỡ để đón lấy, hai mặt nhắm nghiền vì không muốn tận mắt chứng kiến cảnh thằng cháu ruột tôi tuột ra khỏi tay mình.

Tôi giữ được hông Quân rồi thằng bé tụt xuống khỏi tay tôi như bao gạo chắc nhưng may sao Quân kịp vòng tay tóm được cổ tôi. Điều đó đồng nghĩa với việc đầu tôi, mình tôi chúi xuống vì sức nặng, tôi chộng hẳn nửa mình xuống phía dưới, Quân lơ lửng trước mặt tôi gào thét. Tôi như đang treo thằng bé lủng lẳng bằng chính cơ thể mình, cố sức tóm chặt ngực áo nó, thằng bé thì siết lấy lọm tóc trên đầu tôi, đau điến. Bụng tôi thắt lại, lưng tôi bị kéo căng ra hết cỡ.

- Quân ơi chú đang giữ chặt con rồi, cố lên! Cố Lên! – Tôi trấn an khi thấy mặt Quân đã tái xanh như tàu lá

- Mẹ nó!! – Trọng gào lên, không quên giữ chặt lưng quần tôi.

Trọng gầm lên rồi ra sức kéo tôi ngược ra sau. Bụng tôi trườn qua thanh lan can hình trụ đau đớn, mặt tôi nóng ran, tất cả mao mạch như sắp nổ bùng ra. Lúc chân tôi chạm vững trãi trên mặt sàn là lúc ngực tôi bị chèn ép nặng nề đến nỗi khôn thế thở. Tôi không dùng sức để kéo được, vì tôi phải gồng mình để giữ lấy Quân cũng như không để cho đốt xương sống nào của mình bị trật. Trọng vòng tay qua người tôi rồi lôi mạnh về sau, dựng hẳn nó lên, lúc ấy đầu tôi lại bị lôi xuống vì tay Quân đang bấu chặt vào tóc.

- Quân ơi con phải buông đầu chú ra! Thì chú mới kéo lên được! – Tôi khẩn khoảng nói với quân tiếng được tiếng mất vì chưa lấy được hơi.

Thằng bé lắc đầu ngoài ngoại, nó sợ nó sẽ rớt xuống khi buông ra

- Không đâu Quân! Chú giữ con rồi mà! Buông đi thì chú mới đỡ con lên được!

- Mẹ kiếp! BUÔNG TAY RA!!!! – Trọng gầm lên.

Quân hoảng hồn khi nghe tiếng Trọng buông thõng hai tay. Tôi như được giải thoát ngẩng đầu lên, dồn hết sức cùng Trọng kéo. Chiếc áo sơ mi thằng bé mặc giòn rã bung nút, chỗ vải tôi đang nắm tách ra kêu xèn xẹt. Quân hoảng hồn chồm lên nắm lấy cổ tay tôi miệng gào lên tiếp " Chú! Chú Chú!!! Con rơi!!" Tôi lấy hết sức mình sinh lôi thằng bé lên đến khi nó ngã nhào vào lòng tôi lăn lộn trên ban công sắt. Trọng cũng ngã xuống đánh ùynh một tiếng. Tôi thở thều thào nhìn quanh. Cả ba người chúng tôi nằm xõng xoài trên ban công sắt, bên dưới tiếng còi hụ với những tiếng thét, tiếng rên hừ hừ vẫn không ngớt.

Chúng tôi phải đi sâu vào con hẻm bên hông chung cư để bọc sang đường số 7 đằng sau. Vì đường lớn phía trước đang có bạo loạn, bom xăng nổ phừng phực liên tục, lửa cháy sang rực một góc đường. Cảnh sát bắt đầu xả súng vào đám người vì không thể kiểm soát được tình hình nữa. Chạy được một đoạn, chúng tôi bắt gặp một tên to con đang vục mặt ầm ầm vào một cách của sắt. Biết hắn đã nhiễm bệnh, tôi ra hiệu Quân lùi lại nép sâu vào sau một thùng rác gần đó. Tên nhiễm bệnh, đánh hơi rất nhanh thấy mùi thịt sống. Hắn quay ngoắt sang chỗ chúng tôi, rồi hăm hở lao đến. Hắn chạy đổ nhào về phía trước, cái đầu ngắc ngư miệng thều thào, đầy dãi. Gương mặt bê bết máu thoắt ẩn thoắt hiện dưới ánh đèn pin của tôi. Tay tôi run cầm cập, siết chặt cái đèn pin chiếu về phía ấy. Phút giây ấ tôi chỉ kịp để ý Trọng rút con dao bầu trong ba lô ra rồi thọc vào ngực hắn ngay bên cạnh mình. Một tay Trọng chèn ở cổ, tay còn lại hắn găm con dao gần 40cm xuyên qua người tên kia làm hắn tru lên đau đớn như con chó hoang bị thọc dao vào họng. Trọng gầm lên rồi quật ngã tên nhiễm bệnh xuống đất, rút con dao ra định vung thêm một nhát chém nữa, thì tôi cản. Tôi tóm lấy cổ Trọng từ sau rồi, chộp cổ tay hắn lại không để hắn chém. Tên kia đang nằm dưới đất bỗng dưng bật dậy, vồ lấy cổ Trọng đưa mồm định ngoạm vào mặt thì tôi ngả ra sau tung đạp đẩy hắn ra. Trọng vùng ra được lao vào tên nhiễm bệnh như con thú rồi chém dồn dập mấy nhát liền. Xong hắn quay sang chĩa dao vào mặt tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro