Sinh mạng đáng giá bao nhiêu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bằng một câu nói, tôi đã lôi cậu ấy khỏi tầng 15 của bệnh viện.

Bạn có bao giờ nghĩ, mạng sống đáng giá bao nhiêu tiền hay không?

Có những câu trả lời cho câu hỏi trên:

"Mạng sống là vô giá."

"Làm sao có thể dùng tiền để đo đếm sinh mạng của một con người chứ?"

"Vài tỷ hay vài trăm tỷ chăng?"

"Tôi thấy không có gì là vô giá cả, người ta bỏ ra vài tỷ cũng có thể mua được một con người hoàn chỉnh thậm chí là cả linh hồn của họ."

Có rất nhiều những ý kiến tương tự như trên, cho đến khi tôi nhìn thấy một câu trả lời hết sức bất ngờ:

"Sinh mạng đôi khi chỉ bằng một bát cơm bị trượt tay đánh vỡ, bằng một bài kiểm tra điểm kém, bằng một cơn say rượu mất kiểm soát. Đôi khi, nó còn không đáng giá bằng một bãi rác công cộng."

Sau khi đọc ý kiến trên, bạn có tự hỏi lòng mình: rốt cuộc một sinh mạng đáng giá bao nhiêu không?

Nếu bạn vẫn đang thắc mắc, tôi sẽ cho bạn xem ý kiến của chính tôi nhé:

Đối với tôi, một sinh mạng luôn có giá trị nhất định đối với một không gian, thời gian, đối với những người xung quanh và đối với chính bản thân họ.

Một sinh mạng không phải chỉ là một đứa trẻ, một người lớn, một người già. Sinh mạng là cả những đứa trẻ vừa được vài ngày, vài tuần hay vài tháng tuổi.

Chúng được tạo nên từ những lần quan hệ tình dục không mong muốn hoặc mong muốn nhưng không phòng tránh đúng cách. 

Lúc viết bài này, tôi là một thiếu nữ 20 tuổi chưa một lần hôn môi nhưng tôi nghĩ cảm giác trong bụng có một sinh linh nhỏ bé đang hiện hữu là điều mà bất cứ ai ở độ tuổi của tôi, nhỏ hơn hoặc lớn hơn đều có thể hiểu được.

Tuy chúng nhỏ bé, nhưng chúng thực sự tồn tại, thực sự đang sống.

Đó chính là một sinh mạng.

Đáng tiếc, khi chúng còn chưa biết được mẹ chúng đang nghĩ gì về sự xuất hiện của chúng thì có những thứ sắc nhọn đã kết thúc sinh mạng của chúng.

Tỉ lệ nạo phá thai tăng lên từng giây, từng phút, từng giờ đồng hồ, đối tượng của hành vi thuộc vào những độ tuổi mà khi nghe thấy bạn sẽ vô cùng bất ngờ.

Những đứa trẻ còn chưa tốt nghiệp cấp 2 đã phải nghỉ học và bị bạn bè cười chê vì mang thai.

Những học sinh cấp 3 đầy triển vọng với ngôi trường Đại học trước mắt lại kết thúc bằng một tờ giấy xét nghiệm hoặc 2 vạch trên que thử thai.

Mỗi một ngày khi bạn đang trải qua những buổi học được cho là tẻ nhạt ở trên trường, đến văn phòng làm việc với deadline dồn dập thì có tới 80 sinh mạng đã rời khỏi trần thế.

Thực ra trong số 80 ca được thống kê chính thức đó, có những sinh mạng đã kết thúc cùng với người mẹ ở tầng 20 của bệnh viện, ở sân thượng trường học, ở tầng 40 của khách sạn hoặc bất cứ nơi nào đó đủ cao.

Và trong số 80 ca được thống kê chính thức đó, có những băng ca đầy máu ở những nơi bẩn thỉu, chất lượng y tế kém, nơi được biết đến là "phòng khám chui". 

Xét theo những đứa trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn có hơn một nửa là quan hệ tình dục không mong muốn.

Và hậu quả để lại là thiệt hại vô cùng to lớn về cả thể chất và tinh thần: gánh chịu hậu quả như thủng tử cung, thủng ruột, viêm phúc mạc, tổn thương niêm mạc tử cung, dính buồng trứng, tắc vòi trứng, vĩnh viễn mất đi khả năng làm mẹ, thậm chí tử vong... Bên cạnh đó là những ám ảnh tâm lý, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống tinh thần về sau.

Chưa hết, còn có những sinh mạng được sinh ra nhưng không đủ điều kiện chăm sóc, không có trách nhiệm của người cha người mẹ, cuối cùng nơi chúng kết thúc là một túi ni lông, trôi dạt trên sông, bị diều hâu tha và nơi bãi rác công cộng mà người người chán ghét.

Đây chính là giá trị của một sinh mạng, một giá trị rẻ mạt và vô nhân đạo.

Đến độ tuổi lớn hơn một chút, bạn sẽ bắt gặp vô số những bài báo về tình trạng trẻ vị thành niên tự tử.

Một học sinh lớp 10 vừa nhảy từ lầu 3 của trường học xuống, lúc hiệu trưởng và cảnh sát lên sân thượng nhìn thấy một tờ giấy viết nắn nót 3 chữ: Con mệt rồi.

Phụ huynh đứa trẻ đến bệnh viện đầu tiên là tức giận sau đó khóc lóc muốn con sống lại.

Dư luận cho rằng đứa trẻ này quá dại dột, chỉ vừa vào lớp 10, có bao nhiêu tuổi mà lại mệt mỏi tới mức nghĩ quẫn như vậy.

Vô số lời than trách về hành vi của đứa trẻ cho đến khi bài báo đăng tin về nguyên do tự tử được tung ra, dư luận liền im như thóc:

Hoá ra, đứa trẻ lớp 10 đó không đậu vào được trường chuyên của tỉnh như nguyện vọng mà bố mẹ mong muốn. Sau khi đậu vào trường nguyện vọng hai, phụ huynh vì quá thất vọng mà không tiếc lời mắng nhiếc cậu học sinh đó, toàn là những lời nói khó nghe.

Họ không đưa đón cậu ta đi học, mỗi bữa cơm vừa cầm chén lên liền bị chửi vô cùng thậm tệ. Hàng xóm xung quanh kể lại trong cảm xúc phẫn nộ:

"Người bố vừa chửi vừa ném bát cơm vào mặt thằng bé, khiến nó khâu 3 mũi. Có hôm tôi nghe thấy ông ấy mắng thế này: Sao mày không chết đi, nuôi ăn học bao nhiêu năm chỉ có cái trường chuyên cũng đậu không xong. Mày còn ăn cơm làm gì? 

Tôi nghĩ làm gì có người bố nào lại mắng nhiếc con như thế chứ? Còn bà mẹ cũng theo phe ông chồng, ông chửi một câu tôi một câu, một muỗng cơm thằng bé nuốt cũng không được."

Sau đó, hàng xóm nhìn thấy hai vợ chồng đó ngày ngày khóc lên khóc xuống, rồi lại tự trách bản thân. Đáng tiếc, mọi chuyện đã không còn cách cứu vãn.

Đây chính là giá trị của một sinh mạng, so với nguyện vọng một là trường chuyên của tỉnh thì sinh mạng không đáng giá.

Cùng với đó, vô số những vụ tự tử từ sau mỗi cuộc thi với quy mô lớn như: thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi Đại học.

Những áp lực đến từ gia đình, từ láng giềng và từ bản thân đã khiến cho những sinh mạng đau khổ này không còn cách nào khác là kết thúc cuộc đời mình bằng đủ những cách thức đau đớn: thuốc trừ sâu, thuốc ngủ, lầu cao, rạch cổ tay,..

Gửi những phụ huynh đang có con cái, trước khi mở miệng mắng nhiếc con vì một bài kiểm tra điểm kém, vì một kì thi quan trọng mà con lỡ thi trượt, bạn hãy nghĩ đến, con bạn đã học đến tận khuya, cố gắng đến quên ăn quên ngủ.

Chúng đã hi vọng, mong muốn thành công hơn cả bạn, hãy động viên chúng, cho chúng một cơ hội làm lại.

Đừng để đến khi nửa đêm hay sáng sớm bạn bước vào phòng con mình, chỉ còn là thi thể lạnh ngắt cùng với lọ thuốc ngủ rỗng tuếch.

Lúc đó, bạn cũng không còn ai để mắng nữa rồi.

Lớn hơn một chút nữa, áp lực cũng lớn hơn.

Tỉ lệ tự tử ở tuổi thành niên do áp lực nợ nần, công việc và hôn nhân đang tăng cao trong những năm gần đây.

Một buổi chiều tôi gọi vào số điện thoại của người bạn thân hồi cấp 3, tiếng tút vang lên những hồi dài sau đó mới bắt máy.

Người bạn kia của tôi thận trọng lên tiếng: "Sao mày lại gọi cho tao?"

Tôi mỉm cười, nhìn vào bệnh viện xa xa trước mắt, chậm rãi cất lời:

"Đã 5 năm không gặp nhau nhưng tao vẫn nhớ ngày điền nguyện vọng thi tốt nghiệp, mày đã nói mày muốn làm phi công, muốn đi khắp nơi trên thế giới, bay ở tầng xa nhất. Nhưng hiện tại mày hãy nói cho tao biết, mày muốn bay ở khoảng cách đó sao, từ tầng 15 của bệnh viện?"

Mười phút sau đó, bên kia rơi vào một khoảng tĩnh mịch, tôi nghe thấy tiếng khóc nghẹn ngào của một thằng đàn ông - bất lực mà đau đớn, nó hỏi tôi:

"Vì sao mày biết?"

Tôi nở nụ cười thản nhiên như thể nó có thể nhìn thấy, ánh mắt nhìn vào tầng 15 của bệnh viện đã không còn bóng người:

"Tao đã từng thắc mắc vì sao tao lại có một đôi tai và khả năng xử lí thông tin rất nhạy. Hoá ra là vì Thượng Đế đã biết trước rằng sẽ có ngày, tao nghe thấy tiếng gió quần quật từ điện thoại của bạn và đoán ngay được ngọn gió đó là may mắn hay buồn đau."

Lại trải qua gần 30 phút đồng hồ, tôi nhìn thấy một người đàn ông trong bộ đồng phục nhân viên vệ sinh sân bay đang tất tả chạy đến với đôi mắt còn sưng đỏ.

Hoá ra, những tháng ngày sau khi tốt nghiệp, nó vì không có mối quan hệ rộng rãi, không có tiền chạy chọt, bị cái thực tế của xã hội đạp vào vũng bùn lầy, trở thành một nhân viên vệ sinh 3 năm.

Nợ nần chồng chất, cha mẹ vì muốn có tiền cho nó học phi công đã mắc bệnh nặng, cần tiền cứu chữa.

Lúc đó, nó đứng ở tầng 15 của bệnh viện, cuộc gọi cuối cùng là gọi cho công ty bảo hiểm, sang toàn bộ tiền bảo hiểm đó cho việc cứu chữa cha mẹ.

Mười năm sau, mỗi khi nhớ lại ngày hôm đó, nó đã ôm lấy tôi và khóc, bởi vì nếu không có câu nói ngày hôm đó của tôi, nó sẽ vĩnh viễn không biết rằng giám đốc sân bay chỉ là muốn thử xem năng lực và sức chịu đựng của nó đến đâu. Và nó cũng sẽ không hề biết cảm giác của một phi công trải qua 7000 giờ bay trong 10 năm cùng với số tiền đủ cho cha mẹ được cứu chữa bằng điều kiện tốt nhất.

Đó là những điều nó không thể biết, nếu ngày đó nó nhảy xuống từ tầng thứ 15.

Đây chính là giá trị của một sinh mạng, một câu nói khơi gợi về ước mơ của ai đó và cho ai đó một niềm tin.

Hãy dùng tim để cảm nhận, cuộc gọi đến từ người thân, bạn bè của bạn họ đang nói về cái gì, họ đang trải lòng với bạn những gì. Vài phút điện thoại tốn vài nghìn đồng nhưng có thể, người ở đầu dây bên kia đã buông tay khỏi niềm hi vọng cuối cùng và trả bằng cả một sinh mạng.

Một cụ ông 80 tuổi vô cùng khoẻ mạnh vào một ngày đẹp trời, ông ghé thăm hàng xóm, người thân, từng nhà từng nhà một với nụ cười sang sảng vô lo.

Mọi người đều cảm thán rằng ông đã sống rất hạnh phúc và tận hưởng tuổi già bên con cháu.

Cho đến sáng hôm sau, nguồn dư luận xoay ngược dòng theo hướng phẫn nộ khi nhìn thấy đôi giày cũ của ông lão đó bên lan can cầu và một phong bì chứa 1 triệu đồng cùng một dòng chữ: Xin hãy dùng tiền này an táng cho tôi.

Dư luận đều tức giận cho rằng ông lão đã 88 tuổi, độ tuổi gần đất xa trời mà lại tự tử một cách quẫn trí như những thanh niên trẻ chưa trải sự đời.

Sau đó, bài báo của một phóng viên trẻ đến tận nhà của ông cụ để hỏi thăm đã khiến cho dư luận hoàn toàn câm nín.

Hoá ra, vợ của ông mất rất sớm, một mình ông gà trống nuôi con khôn lớn. Đáng tiếc, đứa con trai duy nhất lại không trưởng thành theo mong muốn của vợ ông, trở thành một thanh niên có ích cho xã hội.

Cậu ta lúc còn là trẻ vị thành niên liên tục bỏ học, học hành bết bát đến nỗi bị đuổi. Ông chạy chọt, nghiêm khắc hay dịu dàng cũng không khiến cậu ta chuyển tâm hồi ý. Đến khi đủ tuổi, cậu ta tụ tập cùng bạn bè nhậu nhẹt, đua xe, gây ra vô số tội không thể tha thứ.

Ông lão đã dùng mọi cách, nhưng đáp lại chỉ là: 

"Cha vừa nghèo vừa quê, con đi ra ngoài liền xấu hổ với bạn bè. Con ước gì cha không phải cha của con."

Câu nói đó, chính là lưỡi dao khoét nát trái tim của ông lão. Ông nhẫn nhịn ôm lấy bệnh tật của tuổi già mà kiếm tiền đưa cậu vào trại cải tạo, hi vọng cậu hoàn lương trở thành người lương thiện.

Đáng tiếc, cậu ta không những không cảm thông mà còn phẫn nộ dùng cây gậy trong góc đánh ông nứt xương chân.

Ngày mà ông đi thăm hàng xóm và người thân, chính là trước khi ông gọi điện thoại cho cảnh sát tố cáo tội danh của con trai mình.

Trước khi cậu ta bị đưa đi, ông đã nhắn lại trăn trối của mình:

"Nếu như sự tồn tại của cha không thể khiến con hối cải, vậy cha cũng không còn mặt mũi nào đi gặp mẹ con."

Sau đó, người con ở trong tù nghe được tin cha mất cũng không có cảm giác gì, hoàn toàn bình thản.

Vài ngày sau đó, vào ngày người dân đưa tiễn đoạn cuối cùng, quản ngục phát hiện cậu ta phát điên, miệng liên tục lẩm bẩm:

"Cha, con  xin lỗi, con biết lỗi rồi. Con xin lỗi."

Cuối cùng, lời xin lỗi này người nên nghe cũng không thể nghe được nữa.

Đây chính là giá trị của một sinh mạng, đổi bằng tội danh bất hiếu, sự bất lực và cố gắng cả đời của người cha. 

Những câu chuyện trên đều là giả, nhưng chúng được tích hợp từ những câu chuyện đau thương có thật từ cuộc sống. Mỗi câu chuyện là đại diện cho vô số những con người đã đang và sẽ hướng tới việc kết thúc sinh mạng của chính mình bằng vô vàn những nguyên do khác nhau.

Nhưng những gì còn sót lại chỉ là nuối tiếc, hối hận và dằn vặt.

Khi bạn đọc được bài viết này, hãy dùng tim và lí trí để cảm nhận những người thân xung quanh bạn, hãy hiểu cho những sự im lặng đằng sau người bạn của bạn.

Hãy hiểu nụ cười gắng gượng của cha mẹ khi bạn hỏi: "Ba mẹ ổn chứ?"

Hãy bắt đầu, ngay sau khi bạn đọc bài viết này, ngăn chặn những nuối tiếc và ân hận có thể đến với chính bạn. Đừng để một lời nói vô tình khiến bạn mất đi những người thương yêu vĩnh viễn.

Sống và chết là một ranh giới vô cùng mong manh.

Thanh Ly 12:30, 8-6-2020, Sài Gòn vào những ngày lòng mình lắng lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro