sinh nam 1980 III

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

thấy ảo ảnh. Trên sa mạc Gobi khô cằn, đột nhiên xuất hiện từng cơn sóng lớn tung bọt trắng xóa, thế nhưng khi đến gần thì vẫn chỉ toàn cát là cát. Trên một núi cát bị cái nắng như đổ lửa thiêu đốt là một ốc đảo xanh ngắt, bên trong ốc đảo ấy là Thiên Phật Động. Một hướng dẫn viên say sưa kể cho chúng tôi nghe từng câu chuyện về đức Phật. Lòng tôi không ngừng xao động, những điều Phật suy tư cũng chính là những điều tôi suy tư; những thứ Phật có thể vứt bỏ, tôi cũng sẵn sàng vứt bỏ; chỉ đáng tiếc là tôi không có ý nguyện và sự từ bi vĩ đại như Người, cũng không có tinh thần hi sinh cao cả, bởi thế nên tôi chỉ có thể là một phàm nhân, một kẻ lang thang vô mục đích. Phật và một kẻ lang thang chỉ cách nhau có một bức tường mà thôi.

Từ Đôn Hoàng, chúng tôi đi thẳng đến Tân Cương. Tân Cương tháng bảy quả là đẹp vô cùng. Thiên nhiên làm tôi mở rộng hết lòng mình, bao nhiêu đau khổ cũng dần bị gió cuốn đi. Ở đây tôi thường nhớ về Ngọc Hàm, nhưng tôi đã không còn đau khổ hay dằn vặt gì nữa, có lẽ giờ đây em đang sống rất hạnh phúc; hi vọng là vậy.

Trên đường về, chúng tôi lại qua Lan Châu. Có người dẫn tôi đến chùa Lạp Bố Lăng và thảo nguyên Nam Cam Túc. Ở đó, một lần nữa tôi được biết đến Phật. Còn ở thảo nguyên Nam Cam Túc, tôi lại được nhìn thấy chim ưng đang bay lượn trên bầu trời, giữa những rặng núi cao ngất của dãy Tung Sơn. Đó mới là chim ưng thật sự!

Sau hai mươi ngày, cha con chúng tôi trở về nhà. Xe vừa chạy vào thành phố nơi chúng tôi ở, tôi bỗng cảm thấy mình như bị một sức mạnh nào đó bẻ gẫy. Nhìn dòng người và dòng xe cộ không ngừng chảy, tôi nhắm nghiền hai mắt lại. Một cơn đau quặn thắt dâng lên trong lòng. Tôi đã chán ghét thành phố lắm rồi.

Mẹ thiên nhiên chính là bác sĩ tâm lý tốt nhất trên đời này. Những vết thương trong lòng tôi đã được trái tim khoan hậu và vĩ đại của người chữa trị, giờ đây, tôi hầu như không còn cảm thấy dằn vặt vì những chuyện đã qua nữa. Sau mấy ngày nghỉ ngơi, tôi lại đi làm. Tôi vẫn đi theo các phóng viên khác, vẫn không có việc gì để làm. Họ dẫn tôi theo, đơn giản chỉ vì tôi là người của giám đốc đài. Họ cũng đối xử rất tốt với tôi, mỗi khi nhận phong bì, nhất định họ sẽ chia cho tôi một cái. Đâu đâu cũng là những kẻ nịnh hót và được nịnh hót, người người đều thích hư vinh. Những lúc như vậy, tôi thường nhớ lại câu chuyện về Đức Phật. Phật nói, thế gian có thiện, ác; cái ác thường hay ẩn giấu trong nội tâm con người. Nhưng nội tâm của tôi chỉ toàn là đau khổ. Tôi không thể phân biệt được, trong đó là thiện hay là ác. Mỗi ngày đều đi lại trong thành phố phù hoa này, đi lại giữa danh và lợi, tất cả những gì tôi nhìn thấy đều biến thành hư vô, văn minh chỉ là ảo ảnh, cuộc sống chỉ là ảo ảnh, vậy còn gì là chân thực? Phật nói, sinh mệnh có luân hồi, vũ trụ có luân hồi. Nhưng tôi không thể nào tin, nội tâm của tôi chỉ có thế giới vật chất hư vô, không có gì là thiện cũng chẳng có gì là ác, chính vì vậy nên tôi mới đau khổ. Tôi đau khổ bởi vì tôi không thể vững tin vào bất cứ sự vật gì trên đời này. Tất cả đều đã thành phế tích, đâu đâu cũng chỉ có "bức thường thành đổ nát", đâu đâu cũng chỉ là "cái chết của Agamenon", đâu đâu cũng bị "khói nồng" của dục vọng che phủ, đâu đâu cũng là những cánh đồng hoang vu, dường như căn bản không có thế giới bên kia. Phật ơi, xin người hãy cất cánh tay vĩ đại của người, mở he hé cánh cửa dẫn đến Thiên Quốc ra thêm chút nữa! Xin hãy thức tỉnh con! Xin hãy kéo con lên khỏi vực sâu tăm tối này!

Trời đang đổ mưa. Đó là nước mắt của tôi. Không phải nước mắt hối hận. Mà là những giọt nước mắt đau khổ. Tôi đau khổ vì mình không thể tin tưởng vào bất cứ điều gì. Tôi hoài nghi, triệt để hoài nghi mọi thứ trên đời này.

Hoài nghi, đó là kẻ thù lớn nhất của con người, nhưng đồng thời cũng là người bạn tốt nhất. Hoài nghi khiến tôi mất đi tất cả, ngay cả những thường thức cơ bản nhất cũng không còn nữa.

Mẹ tôi nói, ăn cơm đi. Tôi liền thầm nhủ, tại sao phải ăn cơm? Ăn cơm, ăn cơm, tôi càng nghĩ lại càng thấy bế tắc. Ăn là để sống, nhưng con người đâu thể sống mãi, rồi cũng sẽ có một ngày phải chết đi. Đằng nào cũng chết, vậy thì còn cố chấp làm gì? Nhưng nếu Phật không cố chấp, thử hỏi còn đâu ra Phật nữa?

Cha tôi nói, hôm nay nên dậy sớm một chút, đừng đi làm muộn. Trên đường đi, tôi thầm nghĩ: "Đi làm là vì cái gì chứ? Chẳng phải là vì muốn kiếm bữa cơm hay sao? Nhưng tôi thì đâu cần phải kiếm cơm. Tôi đi làm là để tiêu tốn thời gian, là để làm giảm bớt nỗi đau trong lòng. Nhưng muốn xua đuổi nỗi đau ấy thì chỉ có một cách, đó là đi về với tự nhiên, về với Đạo. Cha tôi từng bảo, lẽ thường chính là Đạo. Tôi không hiểu lắm. Liệu cha tôi có biết Đạo là gì? Nếu đã biết, vậy sao ông còn phải cố ép mình viết văn làm gì nữa? Đối với ông, từ lâu viết văn đã trở thành một công việc, một công việc để sống tạm qua ngày, một thứ để tích lũy danh lợi. Tôi còn nhớ ông đã từng viết một bài văn, nói mình viết văn là để tìm kiếm chân lý, là để nắm bắt thế giới. Nhưng sau khi ông thành danh, tất cả đều đã thay đổi. Đạo trong ông, dường như đã biến mất, đã bị diệt vong bởi danh và lợi.

Ông ngoại nói, ông mới đề ra một đề án mới trong kỳ họp Hội đồng nhân dân vừa rồi, đó là đề án cấm không nuôi chó mèo và các động vật khác trong thành phố, nghe nói đã được thông qua và bắt đầu thực hiện rồi. Lúc kể chuyện này với tôi, ông rất hưng phấn. Lý do của ông là, chúng đều là những vật truyền nhiễm, gây đủ thứ bệnh tật nguy hiểm cho con người, vì thế cần phải giết hết. Giết hết đi! Tiêu diệt hết tất cả mọi thứ trên đời này đi, chỉ để lại con người thôi. Ông nội từng tiếc nuối than thở với tôi rằng, ông rất muốn nuôi chó hoặc mèo, nhưng ở quê giờ đây không thể nào nuôi được nữa. Mấy năm gầy đây, không biết ở đâu xuất hiện một loại chuột lớn mà người ở quê chưa bao giờ thấy, đuôi dài thườn thượt, con nào con nấy còn to hơn con mèo, vì vậy khắp cả làng đều rải thuốc chuột. Hồi tôi về quê, ngày nào cũng nghe người ta rao bán thuốc chuột trên các con đường lớn nhỏ. Thuốc chuột đã giết chết tất cả chó và mèo. Chỉ còn ở thành phố là chúng được an toàn. Vậy mà giờ đây ông ngoại muốn giết hết những sinh linh bé nhỏ, tội nghiệp đó. Ông chỉ cảm thấy cao hứng, vui mừng, chứ dường như không hề có một chút nuối tiếc nào giống như ông nội. Tôi đột nhiên cảm thấy ông ngoại giống một con sói đang đội lốt cừu mà bao năm nay tôi vẫn không nhận ra. Giết đi! Giết hết những sinh linh không vừa mắt các người đi! Đừng tưởng rằng các người đang vì nhân loại, rồi sẽ có một ngày, những sinh linh đó sẽ tố cáo các người trước mặt Phật, rồi các người sẽ biện hộ thế nào? Tôi cảm thấy suy nghĩ của mình thật nực cười. Bọn họ đâu có tin Phật, họ chỉ tin vào bản thân mình. Đối với họ, bản thân chính là chân lý. Tôi không còn gì để nói nữa, phảng phất như nhìn thấy mình đang rơi lệ.

Bệnh của bà ngoại lại tái phát. Bà suốt ngày cằn nhằn, oán trách, bởi vì căn bệnh đó là do năm ấy bà sinh mẹ và cậu tôi nên mới mắc phải. Lúc nào bà cũng nói:

- Việc gì phải đẻ nhiều thế chứ? Cháu xem đấy, có về thăm ông bà mà cũng không ai chịu về, thật đúng là uổng công dưỡng dục.

Mẹ tôi nghe thế lại hết sức mừng rỡ, bởi vì như thế thì tài sản của ông bà sẽ thuộc về mẹ hết. Người nào cũng có ý đồ cả, ngay cả giữa người thân với nhau cũng vậy. Tôi không khỏi nhớ đến bài Hảo Liễu Ca trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Cần gì phải oán trách chứ? Có gì phải tham lam chứ?

Tất cả những điều họ làm đều đáng để tôi phải nghi ngờ. Đây tuyệt đối không phải là chủ nghĩa hậu hiện đại. Tôi rất ghét bị bố so sánh với một kẻ theo chủ nghĩa hậu hiện đại. Tôi chẳng theo chủ nghĩa gì hết. Tôi chỉ là tôi mà thôi. Thậm chí có nói tôi chẳng là gì cả cũng được.

Nghi ngờ khiến bệnh đau đầu của tôi càng thêm nghiêm trọng. Tôi không thích ăn diện, tỉa tót như trước, cũng không thích nói chuyện với ai cả. Đối với tôi, tất cả đều không còn ý nghĩa gì nữa. Tất cả những tình cảm trong quá khứ mà tôi từng muốn lưu giữ lại cũng dần dần biến mất. Biến mất thì cứ biến mất đi. Tất cả cũng chỉ là ảo mộng mà thôi.

Tôi trở nên trầm mặc một cách đáng sợ.

Đặc biệt là về đêm, tôi không thể nào ngủ được, sức khỏe mỗi lúc một kém đi. Khó chịu nhất là những người ở đài truyền hình, ai cũng muốn giới thiệu bạn gái cho tôi. Mẹ tôi nói, đồng nghiệp của mẹ cũng muốn giới thiệu bạn gái cho tôi. Mỗi lần nghe đến chuyện đó là tôi lại cảm thấy đầu váng mắt hoa. Có bạn gái rồi sẽ phải kết hôn, kết hôn rồi thì sao? Chẳng lẽ ai cũng phải kết hôn sao? Kết hôn là để thỏa mãn nhu cầu tình dục và sinh con đẻ cái thôi chứ gì? Tình dục, đâu nhất thiết là phải kết hôn thì mới thỏa mãn được? Sinh con đẻ cái, là thiên chức của sự sống, vậy mà con người đang dần trở thành kẻ thù của sự sống, vậy thử hỏi thực hiện thiên chức của sự sống phỏng còn ý nghĩa gì nữa?

Ở đài truyền hình có một MC nữ hình như rất thích tôi. Cô ta mới được chuyển về đây năm ngoái. Mỗi khi có thời gian rảnh là cô ta lại gọi điện hay trực tiếp đến tìm tôi. Nói thực lòng, tôi cảm thấy rất phiền phức. Có người nói, cô ta, sau khi ngủ với giám đốc đài thì mới được làm MC ở đây. Tôi thì không ngại gì chuyện này, nhưng tôi không thích sự nhiệt tình quá đáng của cô ta.

Ngày nào cũng đi lại giữa dòng người ồn ào, náo nhiệt làm tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi ghét công việc này. Tôi không muốn ngày nào cũng phải nhìn thấy rất nhiều người đi đi, lại lại trước mắt mình. Tôi chỉ muốn được yên tĩnh.

Một hôm, tôi bất ngờ nhận được một cú điện thoại lạ. Là của một cô gái. Còn là điện thoại đường dài nữa. Tôi chưa từng nhìn thấy số này bao giờ, cũng không hiểu cô gái nói gì, bèn nói:

- Cô nói từ từ thôi được không, nói rõ xem mình là ai nào.

Cô gái bên kia đầu dây liền nói chậm lại:

- Anh còn nhớ tôi không, tôi họ Trịnh, anh còn gọi tôi là cô giáo Trịnh ấy!

Vừa nghe tôi đã nhớ ra ngay cô gái đến từ vùng núi và đám trẻ lấm lem, liền hỏi giờ cô đang ở đâu. Cô bảo, mình đã về đến nhà rồi, còn nói hai trăm tệ mà tôi đưa cho đã giúp cô rất nhiều. Hôm ấy sau khi tôi mời cô và lũ trẻ ăn cơm, một đứa ăn nhiều quá nên bị đau bụng, nếu không có số tiền đó của tôi, có lẽ nó không về được nhà rồi, còn cô thì cũng không biết phải ăn nói thế nào với bố mẹ nó nữa.

Hình như cô còn định nói thêm nữa, tôi cũng chợt muốn tìm hiểu về tình hình chỗ đó, bèn bảo cô gác máy để mình gọi lại. Cô gái họ Trịnh giãy nảy người lên nói:

- Tôi chưa gác máy được, tôi vẫn còn chuyện chưa nói với anh mà, gác máy anh làm sao gọi lại được.

Tôi bật cười, nói:

- Điện thoại của tôi có hiện số của cô rồi, cứ gác máy đi!

Tôi gọi lại và câu chuyện tiếp tục. Cô gái bên kia đầu dây cố gắng dùng tiếng phổ thông để nói chuyện với tôi, mỗi câu đều phải nhắc đi nhắc lại hai, ba lần. Cô nói hôm nay phải đi một quãng đường rất dài mới lên được bưu điện huyện để gọi điện cho tôi. Điều này làm tôi rất cảm động. Cô nói, lúc trở về thì đã hết sạch tiền nên không dám gọi điện cho tôi, đành đi nhờ xe tải một đoạn, sau đó lại nhờ hết người này đến người khác, cuối cùng cũng về được đến nơi. Tôi vô cùng xúc động. Cô gái này thật chất phác.

Cô nói, sau khi trở về, cô kể lại chuyện ở thành phố cho người ở đó nghe, mọi người đều rất cảm kích, muốn viết thư cám ơn nên đã nhờ cô lên huyện gọi điện hỏi tôi làm việc ở đâu, viết thư thì gửi về đâu. Tôi cười cười bảo:

- Không cần đâu, tôi cũng không làm ở đó lâu nữa.

Cô vẫn cứ nằng nặc hỏi xem tôi đang làm ở đâu. Tôi đành nói mình đang làm ở đài truyền hình. Cô nghe xong thì thốt lên:

- Công việc tốt như vậy, anh còn muốn đi đâu nữa?

Tôi cười đáp:

- Tôi cũng không biết là mình muốn đi đâu nữa, nhưng tóm lại là tôi đã chán ghét thành phố này đến tận cổ rồi.

- Vậy thì anh đến chỗ chúng tôi đi!

Cô chợt nói.

- Hay đấy, tôi đến đó làm giáo viên, còn cô lên làm hiệu trưởng.

- Tôi đùa đấy, ở tỉnh có bao nhiêu nơi tốt cho anh làm, còn chỗ này thì khỉ ho cò gáy, có ai thèm tới đâu chứ.

- Tôi nói thật đấy.

- Tôi không tin.

- Vậy cô cho tôi địa chỉ chính xác đi, một tuần sau tôi có mặt ở đó.

- Đừng đùa nữa, chỗ chúng tôi, cả tiền lương cho giáo viên cũng không có mà trả, anh đến đây chắc chắn không kiếm được người yêu đâu.

Cô nói với giọng rất nghiêm túc.

- Tôi không quan tâm những chuyện này, tôi chỉ cần tìm được giá trị và ý nghĩa của cuộc sống.

Chúng tôi lại nói chuyện thêm một lúc nữa. Cô nói, tiền điện thoại đắt thật, nhưng sau này nếu có dịp lên huyện, nhất định cô sẽ gọi điện cho tôi nữa, sau đó lại nói rất nhiều câu cảm ơn. Tôi cười cười nói vài câu khách sáo rồi tắt máy, đi về nhà.

Chỉ có mình cha tôi ở nhà. Tôi nói:

- Con muốn rời khỏi nơi này.

Cha tôi vội ngẩng đầu lên, hoang mang nhìn tôi hỏi lại:

- Con nói gì?

- Con muốn rời khỏi nơi này.

Tôi nhắc lại.

- Con định đi đâu?

Ông đứng dậy, hai hàng lông mày nhíu chặt lại.

- Bố còn nhớ cô gái và lũ trẻ lần trước con kể cho bố không, con muốn đến chỗ của chúng làm thầy giáo.

- Con nói cái gì?

Bố tôi kinh ngạc thốt lên.

- Ở đây con cảm thấy rất ức chế, con không thích thành phố, hơn nữa nơi này làm con không thể quên được những chuyện buồn đã qua. Con muốn đến một nơi nào yên tĩnh.

- Thế con định đi bao lâu?

- Có lẽ vài năm, mà cũng có lẽ là mãi mãi.

Cha tôi mệt mỏi ngồi xuống sofa, định nói gì đó, nhưng dường như lại không biết nên bắt đầu từ đâu, cứ cất tay lên rồi lại hạ xuống. Một lát sau thì mẹ tôi đi làm về. Sau khi nghe cha nói ý định của tôi, mẹ cơ hồ như không thể nào tin vào tai mình, quay sang nhìn tôi hỏi:

- Tử Kiệt, con ghét mẹ lắm phải không?

Tôi lắc đầu:

- Không, một chút cũng không.

- Vậy tại sao con phải đến nơi đó.

- Con muốn được yên tĩnh.

- Vậy con có thể về quê cũng được mà.

Cha tôi lên tiếng.

- Không, con muốn rời xa người thân một thời gian.

- Có phải con muốn tự rèn luyện bản thân không?

Mẹ tôi cẩn thận hỏi.

- Không, đơn giản là con muốn sống ở đó.

- Con định kết hôn và sống ở đó?

Mẹ tôi kinh hãi thốt lên.

- Con vẫn còn chưa nghĩ đến chuyện kết hôn.

- Có phải con yêu cô gái ấy rồi không?

Mẹ lại hỏi.

- Không. Con mới gặp cô gái đó có một lần, làm sao mà yêu hay không yêu được.

Một lát sau thì ông bà ngoại của tôi cũng đến. Họ càng không hiểu tôi. Hai người đem một đống đạo lý ra giảng giải, nói cha tôi phải khó khăn vất vả thế nào mới vượt qua được cánh cổng làng, đến thành phố sinh sống, gây dựng được sự nghiệp, rồi hỏi tôi sao lại muốn trở về nông thôn? Về đó thì làm được gì chứ?

Cuối cùng tôi chỉ nói:

- Cháu chỉ muốn tới đó sống một thời gian thôi. Mọi người đừng nói gì nữa. Ở đây cháu chỉ nghĩ đến cái chết, còn ở đó, có lẽ cháu sẽ nghĩ đến sự sống nhiều hơn.

- Cũng tốt, đi một thời gian cũng tốt.

Cha tôi thở dài nói.

Đại Vệ cũng tới. Dường như mẹ tôi đã gọi hết tất cả những người có thể thuyết phục tôi đến đây rồi. Cậu ta nói:

- Cậu định đi giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học đấy hả?

- Không, tớ chỉ vì bản thân mình mà thôi.

Một tuần sau, tôi ngồi xe khách đường dài lên đường. Ông ngoại đã nhờ người lái xe đưa tôi tới đó nhưng tôi chỉ cám ơn rồi từ chối. Mẹ tôi cứ khóc mãi. Tôi dỗ dành:

- Mẹ đừng khóc nữa, con lớn rồi.

Nhưng càng nói mẹ lại càng khóc dữ hơn:

- Tử Kiệt, con đi rồi về ngay với mẹ nhé.

Bà ngoại tôi cũng khóc. Tôi nắm chặt tay Đại Vệ nói:

- Mỗi tuần, ít nhất cậu phải đến thăm bố mẹ mình một lần đấy. Nếu có thời gian thì đến chơi với ông ngoại nữa.

Cậu ta cũng rưng rưng nước mắt.

Xe ra khỏi thành phố, đi về phía Nam. Tôi lặng lẽ quay đầu lại nhìn nơi mình đã từng sống hơn hai mươi năm, trong lòng tự nhủ:

- Tạm biệt, tạm biệt quá khứ, thành phố, tạm biệt những ảo tưởng.

Tôi thấy rất nhiều người và xe đang đi về phía đó bèn nhắm mắt lại. Tôi thiếp đi khá lâu, khi mở mắt ra, đã thấy mình đến một vùng rừng núi phong cảnh thơ mộng, chưa từng bị khai phá. Tôi đi một mình trên con đường nhỏ, hai bên là rừng núi trùng trùng điệp điệp, tưởng chừng như kéo dài ra vô tận. Khi tôi vào trong ngồi trường nhỏ lẻ loi giữa rừng đó, cô gái mà tôi vẫn gọi là cô giáo Trịnh vô cùng ngạc nhiên. Cô tròn mắt lên nhìn tôi trân trối, cuốn sách và viên phấn tuột khỏi tay rơi xuống đất. Sau đó, cô và đám trẻ cùng chạy ùa ra ngoài, vây lấy tôi, nói cười vui vẻ.

Khu rừng rộng lớn phía sau cô cũng mỉm cười hồn hậu như đón chào lữ khách phương xa. Một cánh chim ưng đảo lộn giữa tầng không, giống như một vị chúa tể đang đi tuần hành trên lãnh địa của mình.

Câu chuyện dừng lại ở đây là tốt nhất, giống như Giả Bảo Ngọc đi tu là một kết cục tất nhiên vậy. Kết cục của tôi cũng nên như vậy. Thời cổ đại, dựa dẫm vào cửa Phật là lối thoát cuối cùng. Đó không phải là bi kịch mà là một cách để tìm lại giá trị. Thế nhưng, đối với tôi, cho dù cửa Phật có rộng mở, tôi cũng không thể bước vào. Đây là xã hội hiện đại. Trong lòng tôi không có Phật. Vì vậy, tôi chỉ có thể về với tự nhiên. Dường như làm vậy còn có tính người hơn, Trung Quốc hơn là việc đi tu. Tôi đoán, đọc tới đây, chắc có rất nhiều người đã muốn gấp cuốn sách này lại để nhắm mắt nghỉ ngơi.

Thế nhưng, tôi không thể dừng bút ở đây. Câu chuyện của tôi vẫn còn chưa kết thúc.

Trong những lần kể chuyện thế này, tôi thật sự nhìn thấy mình rời bỏ gia đình và thành phố mà tôi đã chán ghét đến tận cùng, nhìn thấy mình bay lượn giữa bầu trời xanh, tự do như một cánh chim ưng mạnh mẽ, nhưng thực tế thì tất cả những điều đó chỉ là ảo tưởng của tôi mà thôi.

Tôi không đi đâu hết. Ngày ngày tôi vẫn đi giữa biển người mênh mông, vẫn suy nghĩ xem mình nên làm gì. Vấn đề này làm tôi đau khổ, làm tôi phẫn nộ. Tôi đã nói rồi, đây có lẽ không phải là một vấn đề, thế nhưng nó lại trở thành một vấn đề lớn của tôi, một vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng tôi lại không thể nào tìm ra được đáp án.

Có lẽ sau nhiều năm nữa, tôi vẫn như vậy. Lúc ấy, có lẽ tôi sẽ không còn nghe Bài Ca Chim Ưng nữa, thậm chí chẳng còn nhớ gì hết. Tôi cũng không chơi đàn nữa, thậm chí quên hết cả quá khứ. Chuyện này là hoàn toàn có thể, trí nhớ của tôi vẫn mỗi ngày một kém đi. Tôi không biết mình còn nhớ nổi những gì, cũng không biết cái thứ đồ bỏ đi như mình còn lại giá trị gì. Tóm lại là tôi vô cùng đau khổ khi nói cho các bạn biết một sự thật, tôi không đi đâu hết. Tôi là một thằng hèn, một thằng hèn mãi mãi chỉ biết tự chế giễu mình mà thôi.

Các bạn cứ chế giễu tôi đi! Tôi đã không còn nước mắt nữa rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro