skl3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Arthur Conan Doyle

Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes

Vụ tai tiếng của xứ Bohemia

Với Sherlock Holmes, cô ấy luôn là một người phụ nữ. Tôi ít khi nghe thấy anh đề cập đến cô ấy dưới hình thức khác. Trong mắt anh, cô ấy vượt hơn hẳn mọi người khác bởi vẻ nữ tính. Đó không phải là một tình cảm yêu đương dành cho Irène Adler. Đó là một cảm xúc trái ngược lại với sự điềm tĩnh, lạnh lùng và chính xác đến tuyệt đối của Holmes. Tôi biết anh đã từng có những lý luận sắc bén và sự quan sát tinh tế không ai có được nhưng chính cảm xúc ấy đã làm anh sai lạc. Anh không còn nói đến cảm xúc lãng mạn và cũng thôi những lời chế nhạo.

Gần đây tôi ít gặp Holmes. Từ khi tôi lấy vợ, chúng tôi sống mỗi người một ngả, niềm hạnh phúc riêng tư tuyệt vời, những mối quan tâm về gia đình hiện lên xung quanh một người lần đầu tiên làm chủ cơ ngơi của mình, cũng đủ chiến hết sự chú ý của tôi. Trong khi đó, Holmes vẫn ở tại phố Baker, vùi đầu vào đống sách cũ của mình, hết tuần này sang tuần khác, mang hết khả năng và tài quan sát của mình để tháo gỡ những vụ án mà cảnh sát đã đầu hàng.

Đêm 20 tháng Ba năm 1888, tôi đang trở về nhà sau một chuyến đi thăm bệnh ngang qua phố Baker. Khi đi qua cánh cửa nhà quen thuộc, bỗng nhiên tôi muốn gặp Holmes. Phòng anh đèn sáng sáng choang, và khi nhìn lênn, tôi thấy cái dáng gầy gầy đi qua hai lần, bóng in lên tấm rèm. Anh bước đi nhanh nhẹn, hăm hở, đầu cúi xuống ngực, hai tay bắt chéo sau lưng. Tôi rung chuông và được đưa vào căn phòng mà xưa kia tôi đã chiếm một phần.

Không nói một lời, anh vẫy tôi đến chiếc ghế bành, ném cho tôi hộp thuốc xì gà và trỏ vào chiếc lò ga trong góc. Rồi anh đứng trước lò sưởi, nhìn tôi từ đầu đến chân.

- Hôn nhân hợp với cậu đấy, Watson ạ. Cậu đã lên 7 cân rưỡi[1] kể từ lần sau cùng ta gặp nhau.

- Bảy thôi.

- Quả thế. Lẽ ra tớ phải suy nghĩ thêm một chút. Cậu chưa nói cho tớ biết là cậu đã hành nghề trở lại đấy nhé!

- Phải.

- Mới đây cậu bị ướt sũng; cậu có một cô hầu gái vụng về và bất cẩn nhất trên đời.

- Đúng là hôm thứ năm, tớ có đi bộ ở vùng quê, nhưng mà tớ đã thay quần áo rồi. Còn về người giúp việc, cô ta quả thật bất trị, và nhà tớ đã cho cô ta nghỉ việc. Nhưng, cậu suy diễn như thế nào?

Anh cười khúc khích và xoa hai bàn tay vào nhau :

- Phía bên trong chiếc giầy chân trái của cậu có sáu nhát cắt gần như song song với nhau. Rõ ràng là những đường cắt đó gây ra do một người bất cẩn khi chà xát xung quanh mép gót giầy để lau bùn. Như thế chứng tỏ, cậu vừa gặp thời tiết xấu, vừa có một cô hầu gái rất kém. Còn về chuyện hành nghề thì... Nếu có một người nào đó bước vào phòng tớ mà có mùi iode với một chấm nitrate bạc trên ngón tay trỏ của bàn tay phải và một chỗ phình ra trên cái mũ chóp cao - cho thấy nơi ông ta đã gắn cái ống nghe - thì tớ sẽ là một thằng ngu nếu không nói ngay được rằng ông ta là đồ đệ của Hippocrate.

Tôi không thể nhịn cười.

- Khi cậu đưa ra những lý lẽ, thì sự thể luôn luôn hiện ra với tớ một cách giản dị đến mức buồn cười, thậm chí tớ nghĩ là mình cũng tự suy diễn được dễ dàng. Tuy vậy, mỗi lần cậu đưa ra một ví dụ mới, thì tớ lại hoàn toàn mù tịt nếu cậu không giảng giải phương pháp của cậu. Tớ không nhìn thấy sự việc như cậu chăng?

- Có chứ, - Holmes trả lời, vừa châm điếu thuốc vừa ngả mình xuống ghế - Cậu có nhìn thấy nhưng cậu không quan sát. Ví dụ, cậu thường thấy những bậc thang từ hành lang lên đến phòng này chứ?

- Thường thấy.

- Thường như thế nào?

- Ồ, có đến hàng trăm lần.

- Vậy nó có bao nhiêu bậc?

- Bao nhiêu ư? Tớ không biết?

- Đó, thấy chưa? Cậu đã thấy nhưng cậu không quan sát. Còn tớ, tớ biết chắc có 17 bậc vì tớ vừa thấy vừa quan sát nữa. Tiện thể, cậu xem, có thề cậu sẽ thích thú đấy - Anh ném cho tôi một tờ giấy dày màu hồng đang nằm mở ra trên bàn - Nó đến trong chuyến thư vừa rồi. Hãy đọc to lên. Mảnh giấy không đề ngày thàng, không có cả chữ ký và địa chỉ.

"Sẽ đến thăm ông tối nay, vào lúc 8 giờ kém 15. Một người đàn ông muốn hỏi ý kiến ông về một vấn đề rất quan trọng. Những việc làm mới đây của ông nhằm phục vụ cho một trong những dòng hoàng tộc ở châu Âu đã cho thấy ông là một người đáng tin cậy. Thành tích này của ông chúng tôi đã từ khắp nơi nghe thấy... Vậy ông hãy ở trong phòng ông vào giờ đó, và xin đừng phật ý nếu người khác của ông mang mặt nạ".

- Đây quả thực là một vụ bí hiểm. Theo cậu, nó có ý nghĩa gì?

- Hiện tớ chưa có dữ kiện. Lập giả thuyết khi chưa có dữ kiện là một sai lầm nghiêm trọng. Còn về mảnh giấy này, cậu có suy diễn gì không?

Tôi quan sát mảnh giấy và chữ viết

- Người đàn ông này có vẻ khá giả - Tôi nhận xét, cố gắng bắt chước tiến trình lý luận của Holmes - Thứ giấy này rất đắt giá. Chất giấy bền và cứng một cách đặc biệt.

- Đặc biệt. Đúng như thế, không phải là giấy sản xuất tại Anh. Đưa lên ánh sáng thử xem.

Tôi làm theo lời anh và thấy một chữ "E" lớn với một chữ "g" nhỏ, chữ "P" và một chữ "G" lớn với một chữ "t" nhỏ lồng vào nhau

- Cậu suy ra được điều gì?

- Chắc chắn là tên nhà sản xuất.

- Không phải đâu. Chữ "G" và chữ "t" là viết tắt của "Gesellschaft", tiếng Đức có nghĩa là "Công ty". Nó giống như ta thường dùng chữ "Co." vậy. "P" dĩ nhiên thay cho "Papier". Bây giờ đến chữ "Eg.". Tra trong Từ điển địa lý [2] xem sao.- Anh lấy xuống một quyền sách to tướng từ trên kệ sách - Eglow, Eglonizt... Đây rồi, Egria. Một vùng nói tiếng Đức, tại xứ Bohemia, cách Carlasd không xa. Nổi tiếng nhờ Wallensten tạ thế tại đó, và nhờ có rất nhiều nhà máy thủy tinh, nhà máy giấy. Ha ha, bạn ơi, bạn có thấy gì không?

- Giấy sản xuất tại Bohemia.

- Chính xác. Và người đàn ông viết những dòng chữ này là một người Đức. Cậu có thấy cấu trúc câu "Thành tích này của ông chúng tôi đã từ khắp nơi nghe thấy". Người Pháp và người Nga không có cách viết như vậy. Chỉ có người Đức mới sử dụng động từ ở cuối câu. Bởi vậy, bây giờ chỉ cần tìm xem cái gã người Đức thích đeo mặt nạ này muốn gì.

Trong khi anh nói, có tiếng vó ngựa lọc cọc và tiếng xe nghiến trên mặt đường, theo sau là tiếng chuông giệt mạnh. Holmes huýt sáo :

- Một cặp, theo tiếng động - Anh nói, nhìn ra cửa sổ - Một xe song mã và một cặp ngựa đẹp. Vụ này kiếm được khá tiềng đấy, Watson ạ.

- Thôi, tớ xin phép cáo từ vậy.

- Bạn ơi, cứ ngồi đây. Vụ này hứa hẹn đấy. Bỏ qua rất phí.

- Nhưng còn ông khách của cậu ...

- Đừng bận tâm đến ông ta. Có lẽ tớ cần sự trợ giúp của cậu và ông ta cũng thế. Hãy ngồi xuống đi và theo dõi xem.

Tiếng bước chân chậm rãi và nặng nề vang lên trên cầu thang và nơi hành lang, ngừng lại ngay phía ngoài cửa lớn. Rồi tiếng gõ mạnh. đầy uy quyền.

- Xin mời vào - Holmes nói.

Một người đàn ông bước vào. Ông ta cao gần 6 feet rưỡi [3], có bộ ngực và tay chân to lớn của một chàng Hercules. Y phục đắt tiền, diêm dúa, một cái áo choàng dài màu xanh đậm, choàng qua hai vai, được thêu bằng lụa màu ngọn lửa. Giầy ủng cao lưng chừng bắp đùi, ống ủng được viền bằng lông thú đắt tiền. Ông cầm trên tay một chiếc mũ rộng vành, đeo mặt nạ che phần trên mặt, kéo dài xuống tận hai gò má.

- Ông nhận được mảnh giấy của tôi rồi chứ? - Ông ta hỏi bằng giọng trầm, khàn khàn, phát âm rõ rệt là giọng Đức, ông ta nhìn tôi rồi lại nhìn Holmes, hình như không biết phải nói với ai.

- Xin mời ông ngồi. Đây là bạn và là người cộng sự của tôi, bác sĩ Watson. Tôi được hân hạnh hầu chuyện với ai thế nhỉ?

- Ông có thể gọi tôi là Bá tước Von Kramm, quý tộc xứ Bohemia. Tôi hiểu rằng, vị này, bạn ông là một người đáng trọng, người tôi có thể tin cậy, phó thác một vấn đề vô cùng trọng đại. Nếu không đúng như thế, thì tôi muốn nói chuyện với một mình ông thôi.

Tôi nhổm dậy để đi, nhưng Holmes chộp lấy cổ tay tôi và đẩy tôi trở lại ghế.

- Ông có thể nói trước mặt anh bạn này bất cứ điều gì ông có thể nói với tôi.

Vị bá tước nhún đôi vai to lớn của ông ta.

- Vậy thì, trước hết tôi buộc lòng phải xin hai ông giữ hoàn toàn bí mật chuyện này trong vòng hai năm, sau thời gian đó, vấn đề sẽ không quan trọng nữa.

- Tôi xin hứa - Holmes nói.

- Xin các ông thông cảm cho việc tôi phải dùng cái mặt nạ này. Con người uy nghi lẫm liệt, chủ của tôi, muốn rằng kẻ thay mặt cho ông phải giữ bí mật chân tướng, và tôi ccó thể thú thật ngay rằng cái tước hiệu mà tôi tự xưng khi nãy, thì không hoàn toàn chính xác là tước hiệu của chính tôi.

- Tôi biết - Holmes nói giọng tỉnh bơ.

- Nói trắng ra, vấn đề này có liên quan đến dòng họ Ormstein vĩ đại, những vị vua kế thừa của xứ Bohemia.

- Điều này, tôi cũng đã biết - Holmes nói nhỏ, ngồi xuống ghế bành và nhắm mắt lại.

Vị khách của chúng tôi lộ vẻ kinh ngạc liếc nhìn người đàn ông có dáng điệu mệt mỏi, uể oải đang ngồi trước mặt ông ta. Holmes từ từ mở mắt ra và nhìn ông khách to lớn của anh bằng cái nhìn cau có.

- Nếu Bệ hạ chịu khó nhún mình để trình bày sự việc của ngài, thì tôi mới có thể phục vụ ngài tốt hơn.

Người đàn ông nhảy lên khỏi ghế và chậm rãi đi lại trong phòng với vẻ hốt hoảng tột độ. Rồi với một cử chỉ tuyệt vọng, ông ta xé ta cái mặt nạ và liệng nó xuống đất.

- Ông nói đúng - Ông ta kêu lên - Ta là vua. Tại sao ta lại phải tìm cách che giấu điều đó?

- Đúng thế. Tại sao phải dấu?- Holmes thì thào - Bệ hạ không nói thì tôi cũng đã biết tôi đang hân hạnh hầu chuyện với ngài Wilhelm Gottsreich Sigismond von Ormstein, Đại Công tước xứ Cassel - Falstein, vua kế vị xứ Bohemia.

- Nhưng xin các ông thông cảm cho - Vị khách nói. Ông ta lại ngồi xuống và đưa tay xoa lên vầng trán - Xin các ông hiểu cho, tôi không quen đích thân làm một công việc như thế này. Song vấn đề quá tế nhị đến mức tôi không thể giao phó cho một ai. Tôi đi thẳng từ Praha [4] đến đây để nghe lời khuyên của các ông

- Vậy xin bệ hạ hãy trình bày câu chuyện - Holmes nói, lại nhắm mắt lại.

- Tóm tắt câu chuyện như thế này: Năm năm trước đây, trong một lần thăm viếng Vacsava [5], tôi đã làm quen với Irène Adler. Cái tên đó chắc không xa lạ với ông.

- Bác sĩ làm ơn tra giùm tôi quyển danh mục - Holmes nói trong lúc vẫn nhắm mắt

Đã nhiều năm nay, anh đã thiết lập được một hệ thống hồ sơ, gồm những mục nó về người và việc, đền nỗi khó có một đề tài nào hoặc một nhân vật nào mà anh không thể cung cấp ngay tư liệu.

- Đưa tôi xem nào - Holmes nói - Hừm! "Sinh tại New Jersey năm 1858. Giọng nữ trầm [6]. Hừm...La Scala, vai nữ chính của Nhà hát Opera Hoàng gia Vacsava. Vâng, đã rời rời sân khấu. ha! Đang sống tại London". Đúng thế, theo tôi biết thì bệ hạ đã dan díu với cô gái trẻ này, đã viết những lá thư tai hại, và bây giờ muốn lấy lại những lá thư ấy, đúng không?

- Đúng vậy. Nhưng làm thế nào...

- Có hôn nhân bí mật không?

- Không.

- Có giấy tờ pháp lý nào không?

- Không.

- Vậy thì nếu cô ta trưng ra những lá thư nọ để tống tiền hoặc với một mục đích khác thì cô ta sẽ chứng minh sự xác thực của chúng như thế nào?

- Có chữ viết.

- Úi chà! Có thể giả mạo.

- Loại giấy viết riêng của tôi.

- Có thể đánh cắp.

- Con dấu của tôi.

- Có thể bắt chước.

- Tấm hình của tôi.

- Có thể mua.

- Chúng tôi chụp chung trên tấm ảnh đấy.

- Ôi chao! Thật tai hại! Bệ hạ đã phạm phải một sự hớ hênh thật đáng tiếc.

- Tôi đã yêu điên cuồng.

- Ngài đã tự hại mình một cách nghiêm trọng.

- Lúc ấy tôi chỉ là một hoàng thái tử trẻ mới có 30 tuổi.

- Phải lấy lại.

- Chúng tôi đã cố hết sức, nhưng đều thất bại.

- Bệ hạ phải chi tiền. Phải mua lại nó.

- Cô ta không bán.

- Vậy phải đánh cắp.

- Đã 5 lần thực hiện phương án đó. Hai lần tôi thuê những tên trộm lục soát nhà cô ta. Một lần chúng tôi đánh lạc hướng hành lý của cô ta khi cô ta đi du lịch. Hai lần cô ta bị đột kích, nhưng tất cả đều không có kết quả.

- Không thấy tăm hơi tấm ảnh đâu cả?

- Hoàn toàn không.

- Thật là một vấn đề khá rắc rối đối với tôi - Holmes cười, nói.

- Nhưng đối với tôi, đó là một vấn đền nghiêm trọng - Vị khách trách móc.

- Cô ta dự định làm gì với tấm ảnh.

- Để làm hại tôi.

- Nhưng bằng cách nào?

- Tôi sắp cưới vợ.

- Tôi đã nghe chuyện đó.

- Tôi sắp cưới Clotilde Lothman von Saxe- Meningen, con gái thứ hai của vua Scandinavia. Chắc ông cũng biết lễ giáo khe khắc của gia đình này. Bản thân này cũng là một người nhạy cảm.

- Còn Irène Adler?

- Cô ta dọa sẽ gửi tấm ảnh cho gia đình vợ tôi, và tôi biết chắc cô ta sẽ làm. Cô ta có khuôn mặt của một người phụ nữ đẹp nhất nhưng lại có khối óc của một người đàn ông cương quyết nhất.

- Ngài có chắc là cô ta chưa gửi nó đi.

- Chắc chắn.

- Tại sao?

- Cô ta nói rằng sẽ gửi nó đi vào ngày mà lễ đính hôn được công bố. Đó sẽ là ngày thứ Hai tuần tới.

- Vậy thì chúng ta chỉ còn có 3 ngày. Bệ hạ vẫn còn lưu lại London chứ?

- Chắc chắn rồi. Ông sẽ tìm thấy tôi tại khách sạn Langham dưới tên bá tước Von Kramm.

- Vậy thì tôi sẽ gửi cho ngài một vài dòng để thông báo tiến trình công việc.

- Xin cho tôi biết tin. Tôi rất sốt ruột.

- Còn chuyện thù lao thế nào? Thưa ngài?

- Ông sẽ nhận được ngân phiếu trắng.

- Tuyệt đối?

- Tôi chịu mất một địa phận vương quốc của tôi để có tấm ảnh đó.

- Còn việc chi tiêu hiện giờ?

Ông vua lấy một cái túi bằng da sơn dương từ bên dưới áo choàng và đặt nó lên bàn.

- Có ba trăm pound bằng tiền vàng và bảy trăm tiền giấy.

Holmes nguệch ngoạc ký vào một tờ biên nhận trong quyển sổ tay của anh và trao lại cho ông ta.

- Còn địa chỉ của cô ta?

- Biệt thự Briony Lodge, đại lộ Serpentine, St. John's Wood.

- Một câu hỏi nữa. Tấm ảnh to cỡ cái tráp đựng nữ trang.

- Đúng thế.

- Bây giờ, xin tạm biệt Bệ hạ. Tôi sẽ có ngay những tin tức tốt.

Khi chiếc xe chạy khuất xuống phố, anh nói :

- Tạm biệt nhé, Watson, chiều mai hãy ghé tôi, lúc ba giờ chiều. Tôi muốn bàn bạc vấn đề nho nhỏ này với anh.

Đúng ba giờ chiều, tôi đã ở phố Baker nhưng Holmes chưa trở lại. Bà chủ nhà báo cho tôi biết, sáng nay anh đã rời nhà sau tám giờ một chút. Tôi ngồi xuống cạnh lò sưởi, có ý đợi anh. Tôi đã quan tâm sâu sắc đến cuộc điều tra này. Gần bốn giờ chiều thì cửa lớn mở và một tay giữ ngựa có dáng say rượu, tóc tai bờm xờm và có râu mép, mặt đỏ bừng, áo quần xộc xệch bước vào. Mặc dù rất quen thuộc với khả năng hóa trang tuyệt. diệu của Holmes, nhưng phải nhìn đi nhìn lại ba lượt tôi mới chắc chắn đó là anh. Với một cái gật đầu, anh biến mất vào phòng ngủ, năm phút sau anh hiện ra trong bộ đồ bằng vải tuýt chỉnh tề, như thường lệ. Đặt hai tay vào túi, anh duỗi chân ra đằng trước lò sưởi và cười ha hả trong vài phút.

- Ồ! - Anh kêu lên, rồi cười sặc sụa, cho đến khi nằm rũ ra trong ghế.

- Cái gì thế, anh bạn?

- Thật buồn cười. Tôi chắc là anh sẽ không bao giờ đoán được là tôi đã sử dụng buổi sáng như thế nào, và sau cùng tôi đã làm gì.

- Có lẽ anh đã quan sát những thói quen và ngôi nhà của Irène.

- Đúng như vậy. Nhưng tiến trình thì hơi khác thường. Tôi rời nhà sau tám giờ một chút đóng vai một anh chàng thất nghiệp. Chẳng bao lâu tôi tìm thấy biệt thự của cô ta. Đó là một biệt thự nhỏ, xinh, có vườn phía sau, mặt tiền được xây nhô ra tận đường cái, có hai tầng. Cửa sổ có ổ khóa tròn. Phòng khách ở phía bên phải, trang bị tiện nghi với những cửa sổ dài xuống gần tới sát sàn, chốt cửa dễ mở. Phía sau không có gì đáng chú ý, trừ ra những cửa sổ nhỏ nơi hành lang, đứng từ nóc cái nhà để xe ngựa có thể với tới. Tôi đi xung quanh ngôi nhà, quan sát nó từ mọi vị trí, nhưng không ghi nhận dược một cái gì đáng kể.Tôi đi thơ thẩn xuống phố và phát hiện ra một cái chuồng ngựa trong một con hẻm chạy xuống cạnh một bờ tường của khu vườn. Tôi giúp những gã giữ ngựa một tay để họ tắm ngựa. Về khoản thù lao, tôi nhận được hai xu, một ly rượu pha, hai mồi thuốc lá và những tin tức mà tôi muốn biết về cô ta.

- Còn cô ta thì thế nào?

- Ồ! "Đó là người phụ nữ kiều diễm nhất trên hành tinh". Những người ở xóm chuồng ngựa nói như vậy. Cô ta sống lặng lẽ, hát tại những buổi hòa nhạc, mỗi ngày đánh xe ra khỏi nhà lúc năm giờ sáng, và trở về lúc bảy giờ đúng. Ít khi ra khỏi nhà vào những giờ khác, trừ khi đi hát. Chỉ có một người khách nam giới, nhưng anh ta đến thường xuyên. Đó là ông Norton. Khi tôi đã nghe hết những gì mà tôi cần biết, tôi bắt đầu đi tới đi lui gần biệt thự một lần nữa và xem xét các kế hoạch của tôi. Anh chàng Norton này đến thăm một ngày hai lần với mục đích gì? Phải chăng Irène là thân chủ của anh ta, là bạn, là người yêu? Nếu là thân chủ, có lẽ cô ta đã giao tấm hình cho anh ta giữ. Nếu là bạn thì ít có khả năng đó.

Tôi phân vân, không biết nên tiếp tục công việc ở nhà cô gái, hay quay sang anh chàng luật sư. Tôi đang cân nhắc mọi vấn đề trong đầu, thì một xe song mã chạy đến biệt thự, cô ta và một gã đàn ông nhảy ra, rất vội vàng, bảo tài xế đợi. Bà quản gia mở cửa, anh ta chạy vụt vào với cái vẻ hoàn toàn tự nhiên như ở nhà mình.Anh ta ở trong nhà khoảng nửa tiếng, tôi có thể thấy anh ta nơi cửa sổ phòng khách, đi đi lại lại, nói năng rối rít và vẫy cánh tay. Về phần cô ta, tôi không nghe thấy gì. Bỗng anh ta hiện ra, trông có vẻ bồn chồn hơn trước. Khi bước lên xe ngựa, anh ta kéo một cái đồng hồ vàng từ trong túi ra và nhìn vào nó, ra dáng sốt ruột.

- "Chạy nhanh, thật nhanh lên" - Anh ta quát to - "Đến ngay nhà thờ Sainte Monique. Nửa đồng guinée [7], nếu có thể đến trong hai mươi phút?".

Xe chạy đi.

Khi tôi đang tự hỏi có nên theo họ không, thì một chiếc xe nhỏ bé, xinh xắn từ đường hẻm chạy lên. Xe vừa đến nơi thì cô ta chạy bắn ra từ cửa hành lang và nhảy lên xe.

- "Đến nhà thờ Sainte Monique" - Cô ta kêu lên - "Nửa đồng souverain [8] nếu đến đó trong hai mươi phút?"

Tôi đang tự hỏi, không biết nên chạy theo xe hay leo lên phía sau xe thì có một chiếc xe băng qua đường phố. Bác tài xế nhìn hai lần vào ông khách rách rưới, nhưng tôi đã nhảy vào xe trước khi bác ta phản đối.

- "Đến nhà thờ Sainte Monique" - Tôi nói - "Nửa đồng souverain, nếu đến đó trong hai mươi phút?". Lúc ấy là mười hai giờ kém hai mươi.

Khi tôi đến, hai chiếc xe với những con ngựa đang thở phì phì và đang ở trước cửa lớn. Tôi trả tiền xe và vội vã đi vào nhà thờ.Trong nhà thờ không có ai ngoài hai người và một ông linh mục. Hình như ông linh mục đang giảng cho họ một điều gì đó. Ba người đứng thành hình một cái nút thắt phía trước bàn thờ. Tôi đi thơ thẩn nơi lối đi hai bên như bất cứ một gã nhàn rỗi nào tình cờ bước vào nhà thờ. Bỗng nhiên, ba người tại bàn thờ quay lại nhìn tôi và Norton chạy ba chân bốn cẳng về phía tôi.

- "Cám ơn Chúa" - Anh ta kêu lên - "Có bác là đủ. Xin bác làm ơn đến đây."

- "Cái gì vậy?" - Tôi hỏi.

- "Xin bác đến giùm cho. Chỉ ba phút thôi. Nếu không thì không đúng phép".

Tôi gần như bị lôi đến bàn thờ. Trước khi biết mình đang ở đâu, tôi thấy mình lẩm bẩm những câu trả lời (đã được thì thầm vào tai tôi) và thề thốt về những điều mà tôi chẳng biết ất giáp gì cả.

Nói chung, tôi là người làm chứng cho cuộc hôn lễ giữa cô dâu và chú rể. Dường như lễ cưới của họ có một cái gì đó chưa đúng phép và ông linh mục dứt khoát từ chối làm phép cưới mà không có một nhân chứng bất kỳ nào đó; sự xuất hiện của tôi khiến cho chú rể khỏi mất công chạy ra phố kiếm một chàng phù rể. Cô dâu trao cho tôi một đồng souverain và tôi có ý đeo nó lên dây đồng hồ để kỷ niệm.

- Đây là một điều bất ngờ, một bước ngoặt của sự việc và rồi cái gì đã xảy ra? - Tôi hỏi.

- Có vẻ như họ sắp lên đường ngay lập tức, và bởi thế, tôi phải có những biện pháp rất gấp rút và thích hợp. Tại cửa lớn nhà thờ, họ chia tay nhau. "Em sẽ đi xe ra công viên vào lúc năm giờ như thường lệ", cô ta nói, khi chia tay. Tôi không nghe thấy gì nữa. Họ đi xe về hai hướng khác nhau, và tôi cũng đi để thu xếp công việc của mình.

- Thu xếp cái gì thế?

- Vài miếng bít tết nguội và một ly nước - Anh nói, tay rung chuông - Tôi bận quá không nghĩ đến chuyện ăn uống. Chiều nay, chắc còn bận rộn hơn nữa. Nhân thể tôi cần được anh giúp đỡ?

- Rất thú vị.

- Anh không ngại làm chuyện phi pháp chứ?

- Hoàn toàn không!

- Có thể bị bắt giữ, chịu được chứ?

- Nếu vì một mục đích tốt đẹp.

- Ồ, mục đích rất tuyệt diệu!

- Vậy thì sẵn sàng.

- Tôi rất tin anh.

- Nhưng anh cần gì ở tôi?

- Xin lỗi, tôi phải bàn chuyện đó trong khi ăn. Trong hai tiếng đồng hồ nữa, chúng ta sẽ ở hiện trường. Cô Irène sẽ trở về nhà lúc bảy giờ. Chúng ta phải có mặt tại đó để gặp cô ta.

- Rồi làm gì nữa?

- Anh cứ để việc đấy cho tôi . Anh không được can thiệp, dù xảy ra chuyện gì đi nữa. Anh hiểu chứ?

- Hiểu.

- Công việc bắt đầu khi người ta đưa tôi vào nhà cô ta. Bốn, năm phút sau dó, cửa sổ phòng khách sẽ mở ra. Anh sẽ đứng trụ gần sát cánh cửa sổ mở ấy.

- Vâng.

- Anh phải theo dõi tôi luôn.

- Vâng.

- Và khi tôi đưa bàn tay lên, anh sẽ ném vào phòng cái mà tôi trao cho anh, và cùng lúc ấy, anh kêu báo động: "cháy, cháy!".

- Hoàn toàn rõ.

- Chả có gì khủng khiếp - Anh nói, lấy trong túi ra một cuộn tròn có hình điếu xì gà - Đây là một thứ lựu đạn khói bình thường. Công tác của anh chỉ có thế. Khi anh kêu báo động cháy, nhiều người khác sẽ tiếp tục kêu báo động. Rồi sau đó anh có thể đi bộ đến cuối phố, chờ tôi trong mười phút.

- Những chuyện đó tôi làm được.

- Tuyệt lắm!

Anh biến mất vào phòng ngủ, một vài phút sau hiện ra trong vai một mục sư Tin lành chất phác và dễ mến. Cái mũ đen rộng thùng thình, cà vạt trắng, nụ cười dễ mến, thái độ sốt sắng, ân cần ít ai bì.

Trời đã hoàng hôn và những ngọn đèn mới được thắp sáng lúc chúng tôi đi đi lại lại phía trước biệt thự. Có một nhóm đàn ông ăn mặc xốc xếch đang hút thuốc và cười đùa, trong một góc có một thợ mài kéo với cái bánh xe của ông ta, hai người gác dan đứng đùa giỡn với một cô vú trẻ, và dăm bảy chàng thanh niên ăn vận bảnh bao đang thơ thẩn lui tới, miệng ngậm xì gà.

- Anh thấy đó. Bây giờ tấm ảnh trở thành một con dao hai lưỡi. Cô ta không thích ông Norton nhìn thấy nó, cũng như vị vua không muốn vợ sắp cưới của ông ta nhìn thấy. Bây giờ, câu hỏi là chúng ta phải tìm tấm ảnh ở đâu?

- Nó ở đâu?

- Nó quá lớn, khó giấu vào áo phụ nữ, chắc cô thì không mang nó bên mình.

- Vậy nó ở đâu?

- Nơi người chủ nhà băng hoặc người luật sư. Nhưng phụ nữ chỉ tin tưởng vào chính mình. Vả lại, cô ta đã quyết tâm sử dụng nó trong một vài ngày tới đây, vậy nó phải ở cái nơi mà cô ta có thể lấy được dễ dàng: ngay trong nhà cô ta.

- Nhưng đã hai lần người ta tìm cách đánh cắp nó rồi kia mà.

- Ồ, họ không biết cách tìm.

- Nhưng anh sẽ tìm bằng cách nào?

- Tôi sẽ không cần tìm.

- Vậy thì...

- Tôi buộc cô ta phải chỉ chỗ cất giấu tấm hình.

- Nhưng, cô ta sẽ từ chối.

- Cô ta không thể từ chối. Kia kìa, xe cô ta đến đấy! Nhớ lời tôi dặn nhé.

Khi anh nói, ánh đèn bên hông của một chiếc xe ngựa chiếu ra từ một khúc quẹo của đại lộ. Khi xe đỗ lại, một trong những tên lang thang từ góc phố nhào ra để mở cánh cửa, với hy vọng kiếm được một chút cháo, nhưng lại bị một tên khác chen lấn, hắn ta cũng đã lao tới cùng với một mục đích như vậy. Một cuộc xô xát dữ dội xảy ra. Hai gã gác dan nhảy vào hỗ trợ một tên, còn người thợ mài kéo trợ lực tên kia. Cô gái vừa xuống xe đã bị kẹt vào giữa đám đông. Bọn đàn ông mặt đỏ nhừ đang đánh loạn xạ vào nhau bằng tay và gậy. Holmes nhào vào đám đông để che chở cho người phụ nữ. Nhưng vừa đến gần cô ta thì anh kêu lên một tiếng và ngã xuống, máu chảy ròng ròng xuống mặt. Hai gã gác dan hoảng hốt, bỏ chạy về một phía, và những tên vô lại chạy về phía bên kia, trong khi đó, một số người ăn vận bảnh bao - từ nãy giờ đứng ngoài quan sát - ùa vào trợ giúp người phụ nữ và chăm sóc kẻ bị thương. Irène vội vã đi lên những bậc cấp, song vẫn đứng ở bậc cấp trên cùng, nhìn ra đường phố.

- Ông ta có bị thương không? - Cô ta hỏi.

- Ông ấy chết rồi? - Một vài giọng kêu lên.

- Không, không, ông ta còn thoi thóp - Một người khác quát to - Nhưng ông ta sẽ chết trước khi đến bệnh viện.

- Ông ta rất dũng cảm - Một người phụ nữ nói - Hẳn chúng nó đã lấy mất cái ví và cái đồng hồ của bà ta, nếu ông ấy không đến cứu. Đó là một bọn cướp táo tợn. À, bây giờ, ông ta đang thở.

- Không thể để ông ta nằm trên đường phố được. Chúng tôi có thể đưa ông ta vào nhà không, thưa bà?

- Được xin đi lối này!

Holmes được đưa vào biệt thự và đặt nằm trong phòng chính, trong khi tôi vẫn quan sát diễn biến từ bên cạnh cửa sổ. Đèn đã được thắp sáng, nhưng các tấm rèm chưa được vén lên, để tôi có thể thấy Holmes nằm trên đi-văng. Trong đời, tôi chưa bao giờ thấy xấu hổ cho bằng khi nhìn thấy người phụ nữ xinh đẹp này, người mà tôi đang âm mưu gài bẫy để chống lại. Cũng thật xấu hổ khi thấy sự tử tế và ân cần biểu lộ ra trong việc chăm sóc kẻ bị thương. Song, nếu rút khỏi vai trò mà Holmes đã giao phó cho tôi, thì tôi lại phản bạn. Tôi lấy quả lựu đạn khói ra khỏi cái áo choàng dài và rộng. Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng không gây thương tích cho cô ta. Chúng tôi chỉ ngăn chặn, không cho cô ta làm hại đến người khác thôi.

Holmes đã ngồi dậy trên đi- văng, tôi thấy anh ra hiệu như một người đang cần không khí. Một cô tớ gái chạy băng tới và mở tung cửa sổ. Cùng lúc ấy tôi thấy anh đưa tay lên. Tôi liền ném quả lựu đạn khói vào phòng và kêu lên: "Cháy! Cháy!". Ngay lập tức đám đông đang đứng đó cùng đồng thanh kêu to: "Cháy! Cháy!". Những dám khói dày đặc cuồn cuộn dâng lên trong phòng và tuôn ra ngoài. Tôi thoáng thấy những bóng người chạy vụt đi, một lát sau đó, nghe giọng nói của Holmes từ bên trong, trấn an mọi người rằng đó chỉ là báo động nhầm. Len lỏi qua đám đông đang hò hét, tôi tìm đường đến góc phố. Mười phút sau, tôi sung sướng thấy cánh tay Holmes đang trong tay tôi. Chúng tôi đi nhanh và im lặng trong một vài phút cho đến khi xuống tới một trong những đường phố yên tĩnh.

- Anh hành động rất tốt.

- Anh có tấm ảnh rồi ư?

- Tôi đã biết nó ở đâu.

- Làm sao anh biết.

- Cô ấy chỉ cho tôi, tôi đã nói rồi mà.

- Tôi vẫn chưa hiểu gì.

- Anh đã thấy, mọi người trên phố đều là người của tôi.

- Tôi cũng đoán như thế.

- Khi cuộc ẩu đả nổ ra, tôi để một chút thuốc màu đỏ trong lòng bàn tay. Tôi chạy vụt ra phía trước, ngã xuống, đập tay lên mặt.

- Điều ấy, tôi cũng đoán được.

- Cô ta buộc phải cho tôi vào phòng khách. Tấm ảnh có khả năng nằm giữa phòng ngủ và phòng khách. Người ta đặt tôi lên cái đi-văng. Tôi ra hiệu cần không khí, họ buộc phải mở cửa sổ, và anh đã có cơ hội để hành động.

- Việc ấy giúp anh như thế nào?

- Khi người phụ nữ nghĩ rằng ngôi nhà cô ta đang cháy, theo bản năng, cô ta sẽ lao tới cái mà cô ta cho là quý nhất. Một phụ nữ có chồng thì chộp lấy đứa con, cô chưa chồng thì với lấy hộp nữ trang; đối với Irène, cô ta chạy tới để cứu lấy tấm ảnh. Báo động cháy đã được thực hiện một cách đáng khâm phục. Khói và tiếng reo hò cũng đủ lay động một bộ thần kinh bằng thép. Tấm ảnh ở trong một góc phía sau tấm pa-nô trượt, chính ngay trên dây chuông bên phải. Thoắt một cái cô ta đã ở đó, và tôi kêu to rằng đó là báo động nhầm, cô ta đặt nó vào chỗ cũ, liếc nhìn quả lựu đạn, chạy vội ra khỏi phòng. Tôi đứng dậy, nói lời cáo từ và thoát ra khỏi nhà. Tôi lưỡng lự, không biết có nên lấy tấm ảnh ngay hay không, nhưng người tài xế đã đi vào, ông ta nhìn tôi một cách chăm chú...

- Và bây giờ?

- Bọn mình sẽ ghé thăm thân chủ của chúng ta. Có thể nhà vua sẽ thỏa mãn khi ngài tự tay lấy lại nó.

- Bao giờ anh đến đó?

- Lúc tám giờ sáng mai. Cô ta sẽ chưa dậy, nhờ vậy mà chúng ta rảnh tay để hành động. Tôi phải đánh điện cho nhà vua ngay.

Chúng tôi đã về tới phố Baker và đã ngừng lại ở cửa lớn. Holmes đang lục túi tìm chìa khóa thì có một người đi ngang qua nói :

- Chào ông Sherlock Holmes, chúc ông ngủ ngon.Lúc đó có dăm bảy người trên vệ đường, nhưng lời chào hình như đến từ một chàng trai mảnh khảnh trong chiếc áo choàng dài vừa mới vội vã đi qua.

- Tôi đã có lần nghe giọng nói ấy - Holmes nói, trố mắt nhìn xuống đường phố mờ mờ ánh đèn - Bây giờ, tôi đang tự hỏi, người ấy là ai?

Đêm ấy tôi ngủ tại phố Baker. Sáng hôm sau, khi chúng úng tôi đang ăn điểm tâm, thì nhà vua chạy vụt vào phòng.

- Ông đã lấy được nó? - Ông ta kêu lên, nắm chặt hai vai Holmes.

- Chưa đâu.

- Nhưng có hy vọng?

- Có.

- Vậy thì đi. Xe của tôi đang đợi.

- Tốt lắm!

Chúng tôi xuống cầu thang, lên xe ngựa tiến về biệt thự của cô gái.

- Nàng đã lấy chồng.

- Lấy chồng? Bao giờ vậy?

- Hôm qua.

- Nhưng lấy ai?

- Một luật sư người Anh.

- Cô ta không yêu anh ta chứ?

- Tôi hy vọng là cô ta yêu anh ta.

- Tại sao lại hy vọng?

- Bởi vì chuyện ấy sẽ tránh cho Bệ hạ mọi chuyện rắc rối trong tương lai. Nếu người phụ nữ ấy yêu chồng, tức là nàng không yêu Bệ hạ. Nếu nàng đã không yêu Bệ hạ, thì không có lý do gì mà nàng lại can thiệp vào kế hoạch của Bệ hạ.

- Đúng vậy! Ồ, nếu tôi chọn cô ta làm hoàng hậu, thì cô ta sẽ là một vị hoàng hậu tuyệt vời biết bao?

Ông ta lại chìm vào im lặng trầm tư, một sự im lặng chỉ bị phá vỡ khi xe chạy đến nơi.

Cửa biệt thự mở ra. Một người đàn bà đứng tuổi đang đứng trên những bậc thềm. Bà ta nhìn chúng tôi bằng cái nhìn giễu cợt khi chúng tôi từ trên xe bước xuống.

- Ông là Sherlock Holmes, phải không?

- Tôi là Holmes - Bạn tôi đáp và nhìn bà ta bằng một cái nhìn dò hỏi, sửng sốt.

- Thật chẳng sai? Bà chủ tôi bảo rằng thế nào ông cũng ghé đến. Sáng nay ông bà chủ tôi đã lên đường sang châu Âu.

- Cái gì? - Holmes lảo đảo muốn ngã ra - Cô ta đã rời nước Anh?

- Vâng! Không bao giờ trở lại nữa.

- Còn giấy tờ? - Ông vua hỏi, giọng khàn khàn - Tất cả đều bị mất rồi ư?

- Chúng ta vào xem.

Anh đi băng qua bà quản gia và chạy vội vào phòng khách. Theo sau là nhà vua và tôi. Đồ đạc tung toé khắp nơi, những cái kệ trống rỗng, những ngăn kéo mở, hình như người phụ nữ đã lục lọi một cách vội vã trước khi ra đi. Holmes lao tới cái dây chuông, kéo cái cửa pa- nô trượt xuống và thọc tay vào, kéo ra một tấm ảnh và một lá thư. Đó là tấm ảnh của chính nàng Irène Adler mặc dạ phục.

Lá thư gửi cho "Ngài Sherlock Holmes".

"Ông Sherlock Holmes thân mến,

Thật ra ông đã hành động rất khéo léo. Ông hoàn toàn đánh lừa được tôi. Cho đến sau khi nghe báo động lửa, tôi vẫn không mảy may ngờ vực. Nhưng, khi tôi đã phát hiện ra tôi đã tự làm lộ chuyện của mình thì tôi bắt đầu suy nghĩ. Từ mấy tháng trước, người ta đã báo cho tôi biết, phải đề phòng ông. Tôi đã được báo tin rằng nếu nhà vua thuê một thám tử, thì chắc chắn người đó phải là ông. Và người ta đã cho tôi địa chỉ của ông. Thế mà, sau cùng ông vẫn buộc tôi phải tiết lộ cho ông cái mà ông muôn biết. Thậm chí, sau khi bắt đầu ngờ vực tôi cũng thấy khó mà nghĩ xấu về ông mục sư tốt bụng.

Nhưng ông biết đấy, tôi cũng đã được huấn luyện trong nghề diễn viên. Y phục nam giới đối với tôi chẳng có gì xa lạ. Trước đây, tôi thường cải trang để sinh hoạt thoải mái hơn. Nhờ có bác tài xế canh chừng ông, tôi chạy lên tầng trên, mặc y phục của đàn ông rồi theo đến nhà của ông để biết chắc chắn rằng ông đang theo dõi tôi. Hơi liều lĩnh một chút, tôi đã chào ông, chúc ông ngủ ngon giấc, rồi đi đến Temple để gặp chồng tôi. Cảhai chúng tôi đều nghĩ rằng, tốt nhất là tẩu thoát còn hơn ở lại mà bị theo đuổi bởi một đối thủ kinh khủng như ông. Như vậy, ông sẽ tìm thấy chiếc hộc trống không. Còn về tấm ảnh, thân chủ của ông có thể yên tâm. Tôi đang yêu và được yêu bởi một người tốt hơn ông ta. Nhà vua có thể làm những gì mà ông ta muốn, và sẽ không gặp một cản trở nào về phía người phụ nữ mà ông ta đã đối xử tàn tệ. Tôi giữ tấm ảnh chỉ để tự vệ như một thứ vũ khí để chống lại toan tính nào mà ông ta có thể thực hiện được trong tương lai. Tôi để lại một tấm ảnh mà ông ta có thể muốn giữ. Xin chân thành chào ông, ông Sherlock Holmes thân mến!

Irène Norton, nhũ danh Adler".

- Thật là một phụ nữ phi thường - Vua xứ Bohemia kêu lên, khi cả ba chúng tôi đã đọc xong lá thư - Cô ta không được ở vào giai cấp của tôi, là một điều rất đáng tiếc?

- Tôi rất tiếc là không đưa sự việc của ngài đến một kết cục thành công hơn - Holmes nói.

- Trái lại! Không có gì thành công hơn. Tôi biết rằng lời nói của cô ta chắc như đinh đóng cột. Tấm ảnh đó bây giờ an toàn như thể nó nằm trong lửa vậy.

- Tôi rất vui khi nghe Bệ hạ nói vậy.

- Tôi mang ơn ông vô cùng. Xin nói cho tôi biết, tôi có thể đền ơn ông như thế nào? Cái nhẫn này...

Ông ta tháo cái nhẫn ngọc ra khỏi ngón tay và đặt nó giữa lòng bàn tay.

- Bệ hạ có một thứ mà tôi cho là quý hơn thế nữa.

- Ông chỉ cần nói ra.

- Tấm ảnh này?

Nhà vua trố mắt nhìn anh, kinh ngạc.

- Tấm ảnh của Irène à? Sẵn sàng thôi, nếu ông muốn.

- Xin cám ơn Bệ hạ. Vậy thì, vấn đề đã kết thúc. Tôi trân trọng chúc Bệ hạ một buổi sáng tốt đẹp.

Holmes cúi chào, và quay đi không nhìn thấy bàn tay nhà vua chìa ra cho anh.

* * * * *

Xưa nay, anh vẫn thường lấy chuyện thông minh của phụ nữ ra mà đùa cợt. Nhưng gần đây, tôi không nghe anh làm việc đó nữa. Mỗi khi nói về Irène, hoặc khi anh nhắc đến tấm ảnh của nàng, anh luôn luôn gọi nàng bằng danh hiệu cao quý: "Người Phụ Nữ".

________________________________________

[1] Nguyên văn: pound, tức khoảng 3,5 kg (1 pound = 0,45 kg)

[2] Nguyên văn: Continental Gazetteer

[3] Nguyên văn: 6 feet 6 inches, khoảng 2 m (1 foot = 12 inch = 0,3 m)

[4] Nguyên văn: Prague, nay là thủ đô Cộng hòa Czech

[5] Nguyên văn: Warsaw, nay là thủ đô của Ba Lan

[6] Nguyên văn: Contralto

[7] Một loại tiền Anh, có giá trị bằng 21 shilling.

[8] Một loại tiền Anh, có giá trị bằng 20 shiling.

HẾT

Arthur Conan Doyle

Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes

Một vụ mất tích kỳ lạ

- Bạn thân mến! - Sherlock Holmes nói khi chúng tôi ngồi cạnh lò sưởi trong căn hộ tại phố Baker - Cuộc sống là sự bí ẩn hơn bất cứ cái gì mà con người có thể khám phá. Chúng ta không thể cảm nhận mọi thứ mà thật sự chỉ là những biểu hiện nhỏ của sự tồn tại. Nếu chúng ta có thể bay ra khỏi cửa sổ, bay lượn trên thành phố này, hãy nhìn vào bên trong những ngôi nhà, nơi những điều bất thường đang xảy ra, sự trùng hợp ngẫu nhiên, các kế hoạch được xếp đặt, những ý kiến mâu thuẫn, móc xích những sự kiện và liên kết chúng lại. Cuối cùng, nó giúp ta hình dung thói quen và thấy trước được kết quả của sự việc.

- Tuy thế, tôi lại không tin tưởng vào điều đó - Tôi trả lời - Nhiều vụ án được phanh phui trên báo chí đều dựa vào các quy tắc, trần trụi và thô kệch. Theo các báo cáo cảnh sát, sự hiện thực đẩy tới giới hạn tột cùng của nó, và hiệu quả. Nó tường thuật từng yếu tố trực tiếp, không hấp dẫn mà cũng không nghệ thuật.

- Một sự chọn lọc và sự thận trọng nhất định sẽ sản sinh một hiệu ứng hiện thực - Holmes nhận xét - Đấy chính là cái tồn tại trong các báo cáo của cảnh sát, nơi có quá nhiều sự căng thẳng, có lẽ, ở trên tính vô vị của thẩm phán hơn là ở trên những chi tiết, nơi một người quan sát thấy được bản chất liên kết sống còn của toàn bộ vấn đề. Dựa theo đó, mọi thứ sẽ trở nên không có gì là khác thường.

Tôi cười và lắc đầu

- Tôi có thể hiểu suy nghĩ của anh. - Tôi nói. - Tất nhiên, trong vị trí cố vấn và người giúp đỡ không chính thức của mọi người mang đầy màu sắc huyền thoại, trên cả ba lục địa, anh được cho là bí ẩn và kỳ quái. Nhưng ở đây - Tôi nhặt một tờ báo buổi sáng từ dưới nền nhà - Chúng ta thử xem. Tôi đọc ngay tiêu đề đầu tiên nhá. "Một người chồng ngược đãi vợ". Trên nửa cột in, nhưng tôi không cần đọc cũng có thể biết nội dung. Trong này, thể nào cũng có những thứ "người đàn bà khác", "nghiện rượu", "đấm đá", "bầm tím", "em gái xinh xắn", "bà chủ nhà"... Chả có cái gì là hấp dẫn cả.

- Thật vậy, ví dụ của anh là một trường hợp không may cho lý lẽ của anh, - Holmes nói. Anh cầm lấy tờ báo và đọc tiếp xuống dưới - Đây là vụ ly dị của nhà Dundas, và trên cơ bản những thông tin của nó, tôi sẽ viết lại và liên kết các sự việc mà không đụng đến các yếu tố trên. "Người chồng không nghiện rượu và không có người phụ nữ khác. Vấn đề than phiền là anh ta thường có thói quen khi nổi nóng trong mỗi bữa ăn thì lại lấy hàm răng giả của anh ta và ném vào vợ của anh ta". Nào, có được không? Đây không phải là những yếu tố kích thích trí tưởng tượng đối với một người kể chuyện trung bình. Hút thuốc nhé, bác sĩ. Và anh cũng thấy là bản tường thuật của tôi không nằm trong ví dụ của anh.

Anh cầm lấy cái hộp đựng thuốc lá bằng vàng. Một viên ngọc tím lớn được khảm trên nắp. Nó hoàn toàn tương phản với cách bài trí đơn giản của căn nhà mà trước đây tôi đã có dịp mô tả.

- A, - Anh nói - Tôi quên mất là mấy tuần rồi chúng ta không gặp nhau. Đó là một vật kỷ niệm nho nhỏ của ông vua xứ Bohemia đã tặng cho trong vụ Irène Adler.

- Còn cái nhẫn? - Tôi hỏi, liếc nhìn vật lấp lánh ở trên ngón tay anh ấy.

- Nó là vật gia bảo của một gia đình Hà Lan từng là thân chủ của tôi, tiếc là tôi không thể tiết lộ cho anh được, dù rằng qua đó anh có thể bổ sung vào bộ sưu tập của anh một hoặc hai vụ án nữa.

- Lúc này anh có một vụ nào không? - Tôi hỏi với vẻ quan tâm.

- Cả một tá, toàn là những vụ không quan trọng nên chúng không có một chút hứng thú nào cả. Thường thường chỉ trong những vụ quan trọng, chúng ta mới thi thố được óc quan sát và khả năng phân tích nguyên nhân và hậu quả, khi tội ác càng lớn thì nguyên nhân lại càng giản dị, dễ hiểu, đó là nguyên tắc... Nhưng có lẽ chỉ trong vài phút nữa, chúng ta sẽ có một nữ thân chủ.

Holmes rời khỏi ghế bành, đến đứng sau bức mành, hướng mắt xuống con đường ảm đạm. Nhìn qua vai anh, tôi thấy một thiếu phụ, thân hình đẫy đà, đang đứng trên lề đường đối diện. Nàng đội nón rộng vành được trang điểm bằng một chiếc lông chim lớn, màu đỏ. Nàng nhìn lên cửa sổ phòng chúng tôi với một vẻ do dự. Thân hình nàng đong đưa. Thình lình, nàng chạy băng qua đường và tiếng chuông cửa reo vang.

- Tôi đã từng biết loại triệu chứng này rồi - Holmes nói, vừa ném tàn thuốc lá vào lò sưởi - Người thiếu nữ này đang ở trong một tình trạng bối rối vì một vấn đề tình yêu. Nàng muốn được giúp đỡ, nhưng không biết có thổ lộ câu chuyện của mình ra chăng.

Có tiếng gõ cửa, và người hầu vào thông báo có cô Mary Sutherland đến. Holmes lịch sự đón tiếp nàng. Anh đóng cửa lại, mời nàng ngồi :

- Thưa cô, với cặp kính cận, cô có cực nhọc lắm không, khi phải đánh máy quá nhiều?

- Đó là lúc đầu, bây giờ tôi có thể đánh máy mà không cần nhìn vào bàn máy.

Nàng trả lời một cách tự động, không chú ý đến tính cách đặc biệt của nó. Nhưng vừa nói xong, nàng bỗng giật nẩy mình, đưa mắt nhìn bạn tôi với một vẻ kinh ngạc :

- Ông Holmes! Phải chăng người ta đã nói với ông về tôi? Nếu không, làm sao ông có thể biết được điều đó?

- Không có gì quan trọng cả! - Holmes cười đáp - Nghề nghiệp bắt buộc tôi phải biết nhiều điều... Vả lại, nếu không, thì cô đâu có đến đây tìm tôi?

- Thưa ông, tôi đến tìm ông do lời giới thiệu của bà Etherege ông đã tìm ra được chồng của bà ấy một cách dễ dàng, trong khi mọi người, kể cả cảnh sát, đều cho là ông ta đã chết? Ô, thưa ông Holmes! Tôi không giàu, nhưng mỗi năm tôi được hưởng 100 bảng, ngoài ra tôi còn có tiền công đánh máy. Tôi sẵn sàng trả cho ông bao nhiêu cũng được, miễn là ông tìm ra ông Hosmer Angel giùm tôi.

- Vì sao cô có vẻ quá hấp tấp vậy? - Holmes đan mười đầu ngón tay vào nhau, và đưa mắt nhìn lên trần nhà.

Một lần nữa, nàng lại biểu lộ một sự kinh ngạc đến sửng sốt.

- Ông Windibank, cha của tôi, chẳng quan tâm âm gì đến việc này cả. Ông ấy không muốn tôi báo cảnh sát, cũng không muốn tôi đến gặp ông. Ông ấy nói rằng việc này không có gì nghiêm trọng. Tôi đã nổi giận và chạy thẳng đến ông.

Holmes hỏi :

- Cha của cô à? Chắc là cha dượng của cô chăng?

- Phải! Tôi gọi ông ấy bằng cha, nhưng ông ấy chỉ lớn hơn tôi có năm tuổi.

- Mẹ cô vẫn còn sống chứ?

- Vâng. Bà rất khỏe mạnh. Thưa ông, tôi không được vừa lòng khi thấy mẹ tôi tái giá quá sớm, nhất là tái giá với người đàn ông kém hơn bà đến 15 tuổi. Cha ruột tôi là thợ sửa ống và đặt ống ở Tottenham Court Road. Ông để lại cả một cơ xưởng trị giá 4.700 bảng đang hoạt động tốt. Mẹ tôi tiếp tục điều khiển cơ xưởng này với sự phụ tá của người đốc công là ông Hardy. Nhưng khi bà gặp ông Windibank, bà liền bán cơ xưởng và theo về với ông ấy.

- Phải chăng số lợi tức hàng năm của cô là do cơ nghiệp của cha cô để lại?

- Ồ không. Đó là gia tài của chú Ned ở Auckland. Đó là những cổ phiếu New Zealand trị giá tổng cộng 2.500 bảng, với 4,5% tiền lời. Tôi chỉ lãnh số tiền lời đó thôi.

- Câu chuyện của cô làm cho tôi thích thú. Xem nào! Như thế, mỗi năm cô lãnh được 100 bảng, và tiền công đánh máy. Với hai số tiền ấy, một thiếu nữ độc thân có thể sống thoải mái, thỉnh thoảng đi du lịch hoặc mua sắm một vài món đồ, phải không?

- Vâng! Nhưng hiện giờ tôi còn ở chung với mẹ tôi và ông Windibank. Do đó tôi để cho hai ông bà hưởng số tiền lời ấy, cho đến khi nào tôi có gia đình riêng. Cứ mỗi quý, ông Windibank đi lãnh số tiền lời của tôi đem về cho mẹ tôi. Còn tôi tôi chỉ tiêu xài số tiền đánh máy.

- Cô đã cho tôi biết rất rõ ràng về tình trạng của cô - Holmes nói - Và bây giờ, đây là bác sĩ Watson, bạn thân của tôi. Cô đừng e ngại gì cả, cứ tự nhiên kể lại cuộc giao thiệp giữa cô và ông Hosmer.

Đôi má của nàng hơi ửng đỏ một chút :

- Khi cha tôi còn sống, các công nhân khí đốt thường gửi thiếp mời cả gia đình tôi đến khiêu vũ. Còn bây giờ họ gửi thiếp mời mẹ tôi và tôi. Ông Windibank chăng bao giờ muốn chúng tôi đi đâu cả. Lần này, tôi nhất quyết đi dự! Ông tìm đủ cách để bác bỏ. Sau cùng, thấy tôi không chịu đổi ý ông ta bèn lên đường đi Pháp công tác cho công ty của ông ta. Mẹ tôi và tôi bảo ông Hardy đưa chúng tôi đi dự buổi khiêu vũ; và tôi đã gặp anh Hosmer ở đó.

- Từ Pháp trở về, ông bố dượng rất giận dữ khi được biết cô đã dự buổi khiêu vũ hôm đó?

- Ồ không. Ông ta chỉ cười và nhún vai. Ông ta còn nói rằng không nên cấm một người phụ nữ làm điều gì họ thích, bởi vì có cấm thì họ cũng vẫn làm.

- Tốt.

- Ngày hôm sau, Hosmer đến thăm chúng tôi, sau đó chúng tôi có gặp lại ông ấy một lần nữa... Nghĩa là, chúng tôi đã gặp nhau hai lần và đi dạo với nhau. Nhưng khi cha dượng tôi trở về, Hosmer không thể đến nhà thăm tôi nữa.

- Sao vậy?

- Bởi vì, cha dượng tôi không thích khách khứa đến nhà. Nhưng tôi nói với mẹ tôi rằng tôi muốn có gia đình.

- Ông Hosmer không tìm cách gặp lại cô sao?

- Thế này: cha dượng tôi lại phải đi Pháp trong một tuần lễ. Hosmer viết thư nói rằng nên chờ đợi cho cha dượng tôi đi đã rồi hãy gặp nhau. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi vẫn viết thư cho nhau. Mỗi buổi sáng, tôi đích thân ra hộp thư lấy thư, do đó cha dượng tôi chẳng hay biết gì cả.

- Vào thời gian đó, cô đã hứa hôn với ông Hosmer chưa?

- Ồ có, chúng tôi đã hứa hôn với nhau ngay từ buổi đi dạo đầu tiên. Hosmer là thủ quỹ trong một văn phòng ở phố Leadenhall và...

- Văn phòng nào?

- Thưa ông, đây chính là điều làm cho tôi hoang mang nhất: tôi không tiết đó là văn phòng nào.

- Vậy thì thì ông ấy ở đâu?

- Anh ấy ngủ ngay tại chỗ làm việc.

- Cô không biết địa chỉ của ông ấy?

- Không. Tôi chỉ biết đó là phố Leadenhall.

- Vậy, cô gửi thư đến địa chỉ nào?

- Đến bưu điện phố Leadenhall, hộp thư lưu trữ. Anh ấy bảo rằng nếu tôi gửi thư đến văn phòng, thì anh ấy sẽ bị các bạn đồng nghiệp chế nhạo. Tôi đề nghị sẽ đánh máy những bức thư của tôi; giống như những bức thư của anh ấy gửi cho tôi vậy. Nhưng anh ấy không chịu, bảo rằng khi đọc những bức thư do chính tay tôi viết, anh ấy có cảm giác như được ở gần bên tôi. Thưa ông Holmes, điều này chứng tỏ anh ấy yêu thương tôi đến mức nào, và luôn luôn quan tâm đến những chi tiết nhỏ.

- Rất hay! Cô có thể nhớ lại những chi tiết nhỏ nào khác về ông Hosmer không?

- Thưa, đó là một thanh niên rất nhút nhát. Vì thế, anh ấy thích đi dạo vào một buổi tối hơn là ngay giữa ban ngày. Anh ấy rất nhu mì, ngay cả đến tiếng nói cũng nhỏ nhẹ, dường như lúc nhỏ có bị chứng viêm họng làm cho cổ họng bị yếu đi, do đó anh ấy có một giọng nói hơi thì thầm... không được rõ ràng lắm... Luôn ăn mặc đàng hoàng, sạch sẽ và giản dị... Mắt của anh ấy cũng không được tốt: lúc nào anh ấy cũng phải mang một cặp kính màu.

- Tốt lắm! Và chuyện gì đã xảy ra khi cha cô trở về?

- Trước đó, anh Hosmer đến đề nghị cử hành hôn lễ trước khi cha dượng tôi trở về. Anh ấy có vẻ gấp rút lắm, anh ấy bảo tôi đặt bàn tay lên quyển Kinh thánh, hứa rằng sau này dẫu cho có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ vẫn luôn luôn trung thành với anh ấy. Mẹ tôi cho rằng đó là một dấu hiệu đẹp đẽ của tình yêu. Ngay từ lúc đầu, mẹ tôi đã có thiện cảm với anh ấy, tôi hỏi cha dượng tôi có ý kiến gì về việc này, bà hứa sẽ dàn xếp với ông ấy, điều này không làm cho tôi thích lắm. Tại sao tôi lại phải xin phép cha dượng tôi để kết hôn. Nhưng tôi cũng viết thư cho ông ấy ở Bordeaux, nơi công ty ông ấy có văn phòng đại diện. Lá thư được gửi trả lại cho tôi ngay trong buổi sáng ngày hôn lễ.

- Ông ấy không chịu nhận thư à?

- Không, ông ấy lên đường đi Anh trước khi lá thư đến Bordeaux.

- Thật không may mắn! Vậy là hôn lễ đã được dự tính cử hành vào ngày thứ sáu vừa qua?

- Vâng, hôn lễ đã được dự tính cử hành ở nhà thờ St. Saviour's, gần King's Cross và sau đó chúng tôi sẽ dự bữa ăn trưa gia đình tại khách sạn St. Pancras. Hosmer đến nhà đón chúng tôi. Anh đỡ mẹ tôi và tôi lên chiếc xe ngựa có mui, còn anh thì nhảy lên một chiếc khác đang đậu gần đấy. Xe của chúng tôi đến nhà thờ trước. Khi chiếc xe ngựa của anh ấy hiện ra, chúng tôi trông đợi anh Hosmer xuống xe, nhưng trông mãi chẳng thấy. Người đánh xe quay đầu nhìn vào bên trong xe: anh Hosmer đã biến mất. Người đánh xe bảo rằng ông ta chẳng hiểu gì cả, rằng chính mắt ông ta đã trông thấy người khách nhảy lên xe... Chuyện này đã xảy ra hôm thứ sáu vừa qua, và cho đến nay tôi vẫn không được một tin tức gì cả về anh Hosmer.

- Tôi có cảm giác rằng cô đã bị lừa gạt một cách hết sức bỉ ổi - Holmes nói.

- Ồ không, thưa ông. Anh ấy quá tốt và quá ngay thật. Này nhé! Suốt cả buổi sáng hôm đó, anh ấy không ngừng lặp đi lặp lại với tôi rằng dẫu cho có chuyện gì xảy ra, tôi phải luôn luôn trung thành với anh ấy, rằng dẫu có một biến cố bất ngờ nào chia cách hai chúng tôi, tôi phải luôn luôn nhớ rằng tôi là của anh ấy, và sớm hay muộn gì anh ấy cũng sẽ tìm lại với tôi. Có lẽ đây là một cuộc nói chuyện thật kỳ dị trong một buổi sáng của ngày hôn lễ. Nhưng những sự việc xảy ra sau đó đã cho chúng ta thấy tất cả ý nghĩa của nó!

- Như thế theo ý cô thì Hosmer đã gặp phải một tai nạn bất ngờ

- Thưa phải.

- Nhưng cô không hề biết gì về cái điều nguy hiểm mà ông ấy đã tiên đoán.

- Hoàn toàn không.

- Mẹ cô đã phản ứng như thế nào trong vụ này?

- Bà rất giận dữ. Bà bảo tôi đừng bao giờ nhắc đến cái tên ấy trước mặt bà nữa.

- Cô có cho cha dượng biết việc này không?

- Có. Ông ấy cũng cho rằng có một điều gì đó đã xảy ra. Và ông ấy bảo đảm rằng chỉ trong thời gian ngắn, tôi sẽ được biết tin tức về Hosmer. Ông ấy nói với tôi: "Không có lý do gì một người đàn ông đã đưa con đến tận ngưỡng cửa nhà thờ rồi lại bỏ rơi con một cách ngang xương như vậy?". Thưa ông, tại sao chuyện này lại có thể xảy ra?

- Tôi sẽ giải quyết vụ này - Holmes nói, vừa đứng dậy - Tôi tin chắc sẽ đạt được kết quả. Nhưng trước mắt, cô hãy cố gắng xóa bỏ cái tên Hosmer ra khỏi tâm trí của cô, hãy quên ông ta một cách hoàn toàn, cũng như ông ta đã hoàn toàn ra khỏi cuộc đời của cô.

- Vậy... ông nghĩ rằng tôi sẽ không còn gặp lại anh ấy nữa?

- Không.

- Nhưng điều gì đã xảy ra cho anh ấy?

- Tôi sẽ trả lời câu hỏi này sau. Tôi muốn có một bản mô tả đúng đắn hình dạng của ông ấy, và một trong số những lá thư của ông ta.

- Trên báo Saturday's Chronicle thứ bảy vừa qua có đăng một bản tin "Tìm người mất tích" với những chi tiết về hình dạng của anh ấy. Đây là bản tin được cắt ra và bốn lá thư của anh ấy.

- Cảm ơn cô. Địa chỉ của cô?

- 31, Lion Place, Camberwell.

- Ông Hosmer không hề cho cô biết địa chỉ của ông ấy. Còn cha dượng của cô, ông ấy làm việc ở đâu?

- Ông ấy làm đại diện thương mại cho công ty Westhouse & Marbank ở phố Fenchurch.

- Cảm ơn cô. Lời tường thuật của cô rất rõ ràng và đầy đủ. Xin cô nhớ lời khuyên của tôi: "Hãy quên đi tất cả câu chuyện này, đừng bao giờ để nó ám ảnh cuộc đời của cô nữa".

- Cám ơn ông, thưa ông Holmes. Nhưng không thể được. Tôi phải tin tưởng anh Hosmer.

Mặc dầu trông nàng có vẻ xoàng xĩnh với chiếc mũ rộng vành kỳ dị và gương mặt hợi ngây ngô chất phác, tấm lòng chung thủy của nàng có một cái gì cao quý làm cho người ta phaả kính trọng. Nàng đặt xấp thư của nàng lên bàn và ra về sau khi hứa sẽ trở lại bất cứ lúc nào chúng tôi cần đến nàng.

Holmes ngồi im lặng một lúc lâu: hai bàn tay đan nhà, hai chân duỗi thẳng, nhìn đăm đăm trên trần nhà. Rồi anh cúi xuống, cầm lấy cái tẩu đất cũ của anh ấy và mồi thuốc. Sau khi rít một hơi thuốc, anh dựa thẳng người vào ghế bành, một làn khói nhạt tỏa ra, vẻ mặt chìm đắm trong suy tư.

- Thiếu nữ đó là một sự nghiên cứu khá thú vị. - Anh nói - Tôi nghĩ là cô ấy thú vị hơn là vấn đề nhỏ bé của cô ấy. Nào, nhân tiện, anh tìm giúp tôi một bộ hồ sơ cũ. Vụ án Andover hồi năm 1877, và một vụ tương tự ở The Hague hồi năm ngoái. Về ý tưởng thì xưa rồi, tuy nhiên, cũng có một vài chi tiết mới. Trừ phi chính thiếu nữ ấy là bổ ích.

Tôi đưa ra một nhận xét :

- Anh đã đọc thấy nơi nàng vô số những điều mà tôi hoàn toàn không thấy được.

- Không phải là không thấy được, chỉ vì anh không chú ý đến chúng đấy thôi, anh không biết nhìn, chính vì thế mà anh không nắm được cái chính yếu. Nào, bây giờ anh hãy thử mô tả lại nàng cho tôi xem đi.

- Nàng đội một chiếc nón rộng vành màu xám đá, được trang trí bằng một cọng lông chim màu đỏ gạch. Chiếc áo jacket màu đen có gắn những hạt ngọc trai cũng màu đen. Nàng mặc một chiếc áo dài nâu, sẫm hơn màu cà phê, cổ áo và hai cánh tay áo có một miếng vải lông nhỏ màu đỏ tía. Đôi găng tay màu xám, bị mòn ở ngón trỏ bên mặt. Tôi không quan sát đôi giày của nàng. nàng mang một đôi bông tai nhỏ bằng vàng.

Holmes vỗ tay khen ngợi, tuy giọng nói của anh có vẻ hơi chế nhạo.

- Watson, anh tiến bộ nhiều đấy! Sự thật, anh gần như không bỏ sót chi tiết nào cả, ngoại trừ một chi tiết khá quan trọng. Nhưng tôi khen anh đã có cái nhìn đúng về màu sắc. Anh đừng bao giờ tin tưởng vào cái cảm giác tổng quát đầu tiên của mình, mà phải tập trung sự chú ý vào những chi tiết. Khi tôi quan sát một phụ nữ, trước hết tôi nhìn vào hai cánh tay áo. Anh đã nhận xét đúng, nàng có miếng vải lông trên hai cánh tay áo, và vải lông là một yếu tố có ích, bởi vì nó giữ được những dấu vết. Nếu chú ý hơn chút nữa, anh sẽ thấy cái lằn nếp đôi ở phía bên trên cổ tay áo một chút, nơi mà người đánh máy tựa tay vào bàn. Kế đó, quan sát gương mặt nàng, tôi để ý dấu vết của một chiếc kính cặp mũi, tôi bèn đưa ra một nhận xét về tình trạng cận thị của nàng và về chiếc máy đánh chữ, một nhận xét khiến cho nàng phải kinh ngạc vì nó trúng phóc.

- Tôi cũng kinh ngạc nữa.

- Sau đó, nhìn đôi giày, tôi phải ngạc nhiên và chú ý. Đó là đôi giày bốt cao cổ, nhưng một chiếc thì chỉ được cài ở hai nút phía dưới, còn chiếc kia thì chỉ được cài ở nút thứ nhất, thứ bà và thứ năm. Khi anh thấy một thiếu nữ ăn mặt sang trọng như thế mà lại ra đường với một đôi giày chưa được cài nút đàng hoàng, anh sẽ đoán biết nàng đã ra đi một cách rất vội vã...

- Còn gì nữa không? - Tôi rất quan tâm đến những suy luận sắc bén của Holmes.

- Tôi nhớ rằng cô ấy đã viết trước khi đi nhưng sau khi đã ăn vận xong xuôi. Anh có thể thấy găng tay bị mòn phía bên phải nhưng lại không để ý rằng cả ngón tay lẫn găng tay đều bị lấm mực. Cô ấy đã viết rất vội vã và nhúng bút quá sâu vào bình mực. Điều đó chỉ mới xảy ra sáng nay thôi. Còn nhiều điều thú vị khác nữa, nhưng bây giờ xin anh vui lòng đọc cho tôi bản tin rao vặt mô tả hình dạng của Hosmer.

Tôi đưa miếng báo cắt đến gần đèn và đọc :

"Một người đàn ông tên Hosmer Angel đã mất tích vào buổi sáng ngày 14. Cao gần 1 mét 70, thân hình cân đối, nước da vàng, tóe đen, đầu hơi hói, râu mép và râu má rậm. Mang kính màu. giọng nói hơi khó nghe...".

- Như vậy đủ rồi - Holmes nói - Bây giờ chúng ta hãy xem qua những lá thư... Nội dung của chúng xoàng xĩnh đến phát chán và không cho chúng ta biết gì cả về ông Hosmer. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý...

- Tất cả những lá thư đó đều được đánh máy...

- Đúng, nhưng đây là chi tiết quan trọng nhất: ngay cả chữ ký cũng được đánh máy. Bạn hãy xem hai chữ "Hosmer" được đánh máy rất rõ ràng ở phía dưới lá thư. Có ghi ngày tháng, nhưng địa chỉ thì chỉ được ghi một cách mơ hồ là phố Leadenhall. Cái chi tiết về chữ ký này có một ý nghĩa rất quan trọng.

- Ý nghĩa như thế nào?

- Có lý nào anh không nhận thấy tầm quan trọng cua nó.

- Có lẽ ông Hosmer làm thế là để có thể chối bỏ chữ ký của mình trong trường hợp bị đưa ra tòa về tội đơn phương hủy bỏ hôn ước.

- Không phải như thế. Nhưng tôi chỉ cần viết hai lá thư là sẽ giải quyết xong vấn đề. Lá thứ nhất gửi cho một công ty ở trung tâm thương nghiệp London, lá thứ nhì gửi cho người cha dượng của Sutherland, yêu cầu ông ấy đến gặp chúng ta vào lúc 6 giờ chiều ngày mai. Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy tạm thời xếp cái vấn đề nhỏ bé này vào ngăn tủ và khóa lại.

Suốt cả ngày hôm sau, tôi mắc bận săn sóc cho một bệnh nhân rất nặng. Mãi đến gần 6 giờ chiều tôi mới được rảnh, liền nhảy lên một chiếc xe ngựa. Khi tôi bước vào, anh đang nằm gọn lỏn trong chiếc ghế bành ngủ gà ngủ gật. Chung quanh anh ngổn ngang vô số những chai lọ, ống nghiệm, và một mùi acid clohidric còn phản phất trong không khí.

- Thế nào, bạn đã tìm ra chưa? - Tôi hỏi.

- Tìm ra rồi! Đó là chất Sufat barium.

- Không, không, tôi muốn hỏi cái vụ bí mật của ông Hosmer kia.

- À, cái vụ bí mật đó hả? Thế mà tôi cứ tưởng anh hỏi kết quả những thí nghiệm hóa học. Cái vụ đó chả có gì là bí mật cả. Điều làm cho tôi bực tức là trong trường hợp này không có điều luật nào được trù liệu để trừng phạt tên đểu giả đó.

- Vậy hắn là ai? Và tại sao hắn đã bỏ rơi nàng?

Holmes mở miệng toan trả lời thì có tiếng bước chân ngoài hành lang và tiếng gõ cửa.

- Đó là cha dượng của cô Sutherland. Ông ta đã trả lời rằng ông ta sẽ đến đây vào lúc 6 giờ. Xin mời vào.

Khách là một người đàn ông vạm vỡ, cao trung bình, trạc 30 tuổi. Gương mặt vàng nhạt, trụi lủi, không có râu mép, râu cằm hay râu má gì cả. Ông ta có một vẻ dịu dàng giả tạo. Đôi mắt xám, rất linh hoạt và sắc sảo ném một cái nhìn dò hỏi về phía chúng tôi. Đoạn ông ta đặt nón lên chiếc tủ buýp-phê, hơi nghiêng mình một chút và ngồi xuống chiếc ghế gần nhất.

- Xin chào ông Windibank. Có phải lá thư đánh máy, xác nhận ông bằng lòng đến đây gặp chúng tôi, là của ông không?

- Thưa ông, phải. Tôi đến hơi trễ một chút nhưng tôi không làm chủ được thì giờ. Tôi rất lấy làm tiếc rằng con tôi đã đến quấy rầy ông vì cái việc nhỏ nhặt này. Thật vậy, tôi thấy không nên đem chuyện xấu của gia đình mình phơi bày ra cho người ngoài biết. Dĩ nhiên, ông chỉ là một thám tử tư, không dính líu gì cả với cảnh sát, nhưng dẫu sao tôi cũng không thích thấy người ta làm rùm beng lên chung quanh một chuyện của gia đình tôi. Hơn nữa, những chi phí này rất là vô ích, bởi vì làm sao ông có thể tìm ra được anh chàng Hosmer.

- Trái lại. Tôi sẽ tìm ra được ông Hosmer.

Ông Windibank giật nẩy mình, để rơi đôi găng tay xuống sàn nhà.

- Tôi rất mừng được nghe ông báo tin này.

- Điều đáng ngạc nhiên, là những máy đánh chữ cũng có cá tính riêng biệt của chúng! Những chữ của chúng đánh ra không bao giờ y hệt nhau. Có những chữ có vẻ mòn hơn những chữ khác, có những chữ chỉ mòn có một bên... Này ông, trong lá thư đánh máy của ông gửi cho tôi, tôi nhận thấy trên tất cả những chữ "e" đều có một vết nhòe nhỏ, và tất cả những chữ "t" đều có dấu gạch ngang hơi mờ. Tôi còn đếm được 14 đặc điểm khác, nhưng hai đặc điểm vừa kể, là nổi bật nhất.

- Ở văn phòng, chúng tôi sử dụng cái máy chữ đó để đánh tất cả những thư tín của chúng tôi, chắc chắn là nó không còn được tốt lắm.

Trong khi trả lời, đôi mắt sắc sảo của ông ta nhìn Holmes đăm đăm.

- Và bây giờ, tôi sẽ trình bày cho ông xem một trường hợp thật là thú vị. Đây, bốn lá thư đều được đánh máy. Trong mỗi lá thư, bên trên những chữ "e" đều có những vết nhòe nhỏ, và tất cả những chữ "t" đều có dấu gạch ngang không được rõ. Nếu ông chịu khó lấy chiếc kính lúp của tôi để xem, tôi sẽ chỉ cho ông thấy 14 đặc điểm khác mà tôi đã nói với ông lúc nãy.

ông Windibank liền đứng phắt lên và chụp lấy chiếc nón của ông ta.

- Ông Holmes, tôi không có thì giờ rảnh để nói những chuyện tầm phào! Nếu ông có thể bắt gặp được ông Hosmer thì hãy cứ bắt đi, rồi báo tin cho tôi biết.

- Chắc chắn là như thế? - Holmes đáp, vừa lẹ làng đứng lên khóa trái cửa lại - Ông nên biết rằng tôi đã bắt được Hosmer rồi.

- Sao? Ở đâu? - Ông Windibank kêu lên bằng một giọng thảng thốt, gương mặt nhợt nhạt nhìn dáo dác khắp chung quanh như một con chuột bị sa bẫy.

- Ồ không sao... Không sao cả! - Holmes đáp bằng một giọng ngọt lịm - Ông Windibank, bây giờ ông không còn cách nào để thoát được nữa. Tất cả đều đã quá rõ ràng. Nào! Bây giờ ông hãy ngồi xuống và chúng ta sẽ nói chuyện với nhau!

Ông Windibank ngồi phịch xuống. Gương mặt tái mét, trán ướt đẫm mồ hôi.

- Pháp... pháp luật không thể làm gì được tôi! - Ông ta nói lắp bắp.

- Có thể là pháp luật không làm gì được ông. Nhưng hành động của ông thật là vô cùng đê tiện, tàn nhẫn và ích kỷ.... Tôi sẽ kể lại sự việc từ đầu đến cuối và nếu tôi có sai chỗ nào thì ông cứ việc sửa.

Ông Windibank ngồi thu mình trong chiếc ghế bành, hoàn toàn mất hết tinh thần. Holmes bắt đầu nói, hai tay thọc vào túi quần, hai chân gác lên góc lò sưởi.

- Người đàn ông đó đã kết hôn với một người đàn bà lớn tuổi hơn ông ta rất nhiều, chỉ vì tiền. Người đàn bà có một cô con gái riêng còn đang sống chung trong nhà với họ, và cặp vợ chồng đó được hưởng số tiền 100 đồng bảng, lợi tức hằng năm của cô gái. Đó là một số tiền khá lớn đối với họ, và họ muốn được hưởng nó mãi mãi. Dĩ nhiên, khi cô gái lập gia đình riêng, người cha dượng sẽ không còn được hưởng số tiền đó nữa, ông ta bèn tìm cách ngăn cản việc lập gia đình của cô gái.

Thoạt đầu, ông ta ngăn cấm không cho nàng giao thiệp với những chàng trai cùng lứa tuổi. Nhưng sự ngăn cấm này không có hiệu lực được lâu. Một hôm, cô gái nổi lên chống lại sự độc đoán của người cha dượng, và báo cho ông ta biết quyết định của nàng đi dự một buổi khiêu vũ. Trước tình thế này, đầu óc thông minh của người cha dượng liền nghi ra một kế: với sự đồng loã giúp đỡ của bà vợ và lợi dụng tình trạng cận thị của cô gái, ông ta bèn cải trang thành một người đàn ông khác.

Mang một cặp kính màu, đeo một bộ râu giả, và biến giọng nói bình thường của mình thành một giọng nói thì thầm êm dịu, ông ta đến dự buổi khiêu vũ, làm quen với cô gái và tự giới thiệu mình là Hosmer, thế là người cha dượng đã đóng vai trò một kẻ si tình cô con gái riêng của vợ mình, để gạt ra ngoài bất cứ anh chàng nào muốn lăm le tán tỉnh cô.

- Lúc đầu, đó chỉ là một trò đùa mà thôi - Ông Windibank nói bằng một giọng rên rỉ - Vợ tôi và tôi, chúng tôi không ngờ cô ấy lại có một tâm hồn dễ say mê đến thế.

- Có lẽ! Nhưng dầu sao, nàng cũng đã say mê ông Hosmer. Tin rằng người cha dượng đang ở bên Pháp, nàng không hề nghĩ có một sự sắp xếp giữa bà mẹ và ông ta để lừa gạt nàng. Và nàng còn say mê ông Hosmer nhiều hơn khi thấy chính mẹ nàng cũng tỏ ra rất có thiện cảm với ông ta. Sau đó hai người đã có những cuộc gặp gỡ, những cuộc đi dạo thân mật và đã đính hôn với nhau. Tuy nhiên sự lừa gạt không thể kéo dài mãi mãi được. Ông Hosmer bèn nghĩ ra một cách kết thúc vụ này như là một bi kịch đột ngột và bí mật, cố ý gây cho cô gái một ấn tượng sâu xa, một xúc động mạnh mẽ để cô không còn nghĩ đến bất cứ một người đàn ông nào khác trong tương lai. Do đó mới có cái màn ông Hosmer yêu cầu cô gái đặt tay lên quyển Kinh thánh thề trọn đời thủy chung với ông ta, và cũng do đó mới có những lời nói bóng gió của ông Hosmer về một biến cố bất ngờ có thể xảy ra làm cho hai người phải xa nhau. Ngay trong buổi sáng ngày hôn lễ, Hosmer muốn làm cho cô Sutherland phải yêu thương mình trọn đời, và đặt cô trong tình trạng hoang mang về số phận của người hôn phu mất tích. Mục đích của ông ta là làm cho cô không nghe lời tán tỉnh của bất cứ một người đàn ông nào, ít nhất là trong vòng 10 năm nữa, như thế ông ta sẽ còn được hưởng 100 bảng trong một thời gian nữa. Ông ta đưa nàng đến tận cửa nhà thờ, đến đó tấn bi kịch lừa gạt phải chấm dứt. Chuyện phóng mình ra khỏi chiếc xe ngựa đang chạy thong thả không có gì là khó khăn hết. Ông Windibank, tôi thuật lại câu chuyện từ đầu đến cuối như vậy có sai chỗ nào không?

Trong khi Holmes mải mê nói, ông Windibank đã trấn tĩnh trở lại. Ông ta đứng lên, cất tiếng cười gằn :

- Ông Holmes, có thể là ông không sai lầm. Nhưng ông đã thông minh đến thế thì chắc phải hiểu rằng, trong lúc này, nếu có kẻ nào phạm pháp thì đó là ông, chứ không phài là tôi. Từ đầu đến cuối, tôi không hề phạm một điều gì mà pháp luật có thể can thiệp được. Nhưng ông, cho tới khi nào ông vẫn còn khóa chặt cửa phòng này, ông có thể bị thưa về tội hành hung và giam giữ người trái phép.

- Đúng vậy, ông không có điều gì phạm pháp luật cả - Holmes đáp, vừa mở rộng cửa phòng ra - Mặc dầu vậy, ông vẫn đáng bị đánh đòn; nếu cô gái đó có một người anh hay một người bạn trai, chắc chắn ông sẽ bị một trận đòn nhừ tử.

Cái cười ngạo nghễ và chọc tức của Windibank làm cho Holmes nổi cơn giận dữ. Anh nói như hét :

- Hãy nếm thử cây gậy này.

Anh với tay chụp lấy cây gậy ở gần bên, nhưng gã lưu manh đã ba chân bốn cẳng chạy xuống cầu thang, rồi có tiếng cánh cửa ra vào của ngôi nhà đóng sầm lại. Đứng bên cửa sổ nhìn xuống, chúng tôi thấy gã đang chạy như bay trên lề đường.

- Đúng là một tên đểu giả mặt dày! - Holmes nói, rồi phá lên cười và buông mình xuống một chiếc ghế bành - Tên này trong tương lai gần sẽ còn phạm thêm nhiều tội ác nữa, cuối cùng thì hắn cũng sẽ đi đến cây cột trreo cổ thôi! Vụ này kể ra cũng không phải là không thú vị.

- Tuy nhiên tôi thú thật rằng tôi không theo kịp được những suy diễn của anh trong vụ này.

- Này nhé! Ngay từ lúc đầu, tôi thấy rõ là cái ông Hosmer đó có một thái độ rất kỳ quặc. Và tôi cũng thấy rõ là người duy nhất hưởng lợi trong vụ này là người cha dượng. Thế nhưng hai người đàn ông đó không bao giờ gặp mặt nhau cả. Khi một người xuất hiện thì người kia biến mất; sự kiện này là một chi tiết hướng dẫn rất quan trọng! Và rồi cặp kính màu, bộ râu giả, giọng nói khác lạ với giọng nói của một người bình thường... Khi xem xét đến nhung lá thư đánh máy với chữ ký cũng được đánh máy, tôi thấy những nghi ngờ của tôi là đúng; người gửi những lá thư đó muốn che giấu chữ viết của mình mà cô gái đã quá quen thuộc. Tất cả những chi tiết rời rạc này được sắp xếp lại và phối hợp với nhung chi tiết khác, dẫn dắt sự suy luận của tôi vào một chiều hướng duy nhất.

- Và anh đã kiểm chứng nhung chi tiết đó như thế nào.

- Tôi biết ông Windibank làm việc cho công ty Westhouse & Marbank ở Frenchurch. Tôi có bản mô tả hình dạng của Hosmer do cô Sutherland trao cho. Tôi bắt đầu loại bỏ tất cả những gì có thể ngụy tạo được: cặp kính màu, bộ râu, giọng nói, và gửi bản mô tả hình dạng đó đến công ty, yêu cầu họ vui lòng cho tôi biết trong số những người đại diện thương mại của họ có ai phù hợp với hình dạng này không.

Trước đó, tôi đã chú ý đến những đặc điểm của những lá thư đánh máy, và tôi viết cho Windibank một lá thư gửi ngay đến công ty của ông ta, yêu cầu ông ta đến gặp tôi. Như tôi đã đoán trước, ông ta trả lời tôi bằng một lá thư đánh máy, và lá thư này cũng có những đặc điểm y hệt như những đặc điểm mà tôi đã nhận xét nơi bốn lá thư kia. Đồng thời, tôi cũng nhận được của công ty Westhouse & Marbank một lá thư xác nhận rằng bản mô tả hình dạng của tôi gửi đến hoàn toàn phù hợp với hình dạng của ông Windibank. Tất cả sự việc chỉ giản dị có thế thôi.

- Còn cô Sutherland.

- Nếu tôi nói sự thật cho cô ấy biết, cô ấy sẽ không tin đâu. Bạn có nhớ một câu tục ngữ của người Ba Tư không: "Vào hang cọp để bắt cọp con là một điều nguy hiểm; nhưng làm cho một người đàn bà mất hết những ảo tưởng của họ lại càng nguy hiểm hơn".

HẾT

Arthur Conan Doyle

Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes

Người đàn ông môi trề

Một đêm tháng 6 năm 1889, có chuông cửa reo. Tôi nhổm dậy trên ghế, còn vợ tôi thì đặt đồ may vá xuống, khẽ nhăn mặt, bực mình.

- Một bệnh nhân! Anh sẽ phải đi thôi - Nàng nói.

Tôi rên rỉ, vì vừa mới trở về sau một ngày mỏi mệt. Có tiếng cửa mở, một vài tiếng nói vội vã và sau đó là những bước chân hối hả. Cửa lớn mở tung ra và một người phụ nữ mặc đồ sẫm màu, che mặt bằng một tấm mạng, bước vào phòng.

- Xin thứ lỗi cho tôi vì đã gọi cửa vào giờ này - Bà ta bắt đầu nói. Rồi, không kìm được nữa, bà chạy về phía trước, quàng tay lên cổ vợ tôi và khóc nức nở trên vai nàng - Tôi đang có chuyện chẳng lành, rất cần một sự trợ giúp, dù nhỏ bé!

- Ồ, chị! - Vợ tôi nói, kéo tấm mạng của người khách lên - À! Chị Kate đây mà?

- Tôi không biết phải làm gì, nên tôi đến chỗ các em.

- Chị đến đây là tốt lắm. Bây giờ, chị uống nước rồi kể cho em nghe. Ồ, em có nên mời anh ấy đi nghỉ không nhỉ?

- Ồ, không đâu! Chị cần lời khuyên và sự trợ giúp của bác sĩ nữa. Đấy là chuyện về anh Isa. Đã hai ngày nay, anh ấy không về nhà. Chị rất lo!

Đây không phải là lần đầu tiên chị Kate nói với chúng tôi về chồng chị. Gần đây, anh thường lui tới một động phù dung ở phía nam thành phố. Từ trước tới giờ, cơn say thuốc chỉ kéo dài khoảng một ngày, và anh trở về nhà vào buổi chiều, chân tay co giật, áo quần lếch thếch. Nhưng hiện giờ, đã 48 tiếng đồng hồ rồi và có lẽ anh đang nằm đó, giữa bọn người cặn bã của bến tàu.

"Có thể tìm thấy anh ấy ở đó", chị ấy chắc thế, "tại quán Bar of Gold, trong hẻm Thượng Swandam". Nhưng chị phải làm gì? Làm thế nào mà một người phụ nữ trẻ và rụt rè như chị, lại có thể đến một nơi như thế, để đem chồng mình ra khỏi những tên vô lại. Chỉ có một lối thoát. Tôi phải hộ tống chị đến chỗ ấy? Và rồi xét cho kỹ thì chị có nên đến đấy không? Tôi là cố vấn y học cho Isa Whitney và với tư cách đó, tôi có ảnh hưởng đối với anh ta. Tôi dễ dàng xoay xở nếu tôi đi một mình. Tôi hứa với chị, tôi sẽ đưa anh ta về nhà trong vòng hai tiếng đồng hồ, nếu quả thật anh ta đang ở đó. Thế là khoảng mười phút sau, tôi đã ngồi trên xe ngựa chạy bon bon.

Hẻm Swandam là một ngõ hẻm mạt hạng nằm ẩn khuất phía sau những cầu tàu cao chạy thẳng từ phía bắc của con sông đến phía đông cầu London. Trong khoảng giữa từ cái cửa hàng bán quần áo tới một quán rượu, tôi tìm thấy cái động phù dung đó. Cho xe đợi ở bên ngoài, tôi đi xuống những bậc thềm trũng sâu ở giữa bởi những bước chân lên xuống liên tục của con nghiện. Qua ánh sáng chập chờn của cây đèn dầu treo phía trên cửa lớn, tôi tìm thấy cái chốt và mò mẫm đi vào một căn phòng dài, thấp, nồng nặc mùi khói thuốc.

Xuyên qua bóng tối mờ mờ có thể thấy những thân người đang nằm trong những tư thế lạ lùng, đôi vai cúi xuống, đầu gối cong lại, đầu ngả ra sau, cằm ngửa lên trời, đây đó một con mắt lạc tròng, lờ đờ quay ra nhìn người mới đến. Từ phía trong những bóng đen tỏa ra những vòng ánh sáng lập loè, khi tỏ khi mờ. Hầu hết nằm yên lặng, nhưng một vài người nói lảm nhảm một mình, những người khác nói chuyện với nhau bằng giọng thấp, đơn điệu, kỳ dị. Cuộc đàm thoại của họ tuôn ra trong một lát, rồi bỗng nhiên chìm vào im lặng, mỗi người lẩm bẩm những ý nghĩ của chính mình, chẳng lưu tâm đến những lời của người bên cạnh. Phía bên kia là một lò than hồng, bên cạnh nó, trên một cái ghế đẩu gỗ ba chân có một người đàn ông ngồi. Đó là một ông già cao, gầy gò, quai hàm tựa trên hai nắm tay, cùi chỏ đặt trên đầu gối, trố mắt nhìn vào lò sưởi.

Khi tôi bước vào, một người hầu Mã Lai vội vã vẫy tôi đến một cái giường ngủ để trống.

- Tôi muốn nói chuyện với ông Isa Whitney.

Có một sự chuyển động và một tiếng kêu từ bên phải của tôi, nhìn qua bóng tối nhờ nhờ, tôi thấy Isa đang trố mắt nhìn ra phía tôi.

- Trời ơi! Watson đấy à? - Anh ta nói, run rẩy một cách tội nghiệp - Watson, mấy giờ rồi nhỉ?

- Gần 11 giờ đêm.

- Ngày nào thế?

- Thứ sáu, 19-6.

- Trời đất! Tôi vẫn nghĩ là thứ tư đấy. Đúng là thứ tư. Sao anh lại nói dối tôi làm gì?

Anh ta úp mặt xuống hai cánh tay và bắt đầu khóc nức nở.

- Hôm nay là thứ sáu. Vợ anh đợi anh đã hai ngày rồi. Lẽ ra, anh phải biết xấu hổ chứ?

- Tôi không nhớ là thứ mấy. Nhưng tôi sẽ đi về với anh. Ôi, Kate bé bỏng của tôi. Đưa tay anh cho tôi. Có xe chứ?

- Xe đang đợi.

- Vậy thì chúng ta đi về.

Tôi bước xuống lối đi hẹp giữa hai hàng người đang nằm. Khi tôi đi ngang qua một gã đàn ông cao ngồi cạnh lò than, tôi cảm thấy có một cái giật mạnh vào áo sơ mi của tôi, rồi nghe tiếng thì thào: "Hãy đi ngang qua tôi, rồi quay lại nhìn tôi". Tôi liếc nhìn xuống. Những lời đó, chỉ có thể cất lên từ ông già ở bên cạnh tôi, nhưng bây giờ ông ta vẫn ngồi trầm tư như trước. Tôi bước tới hai bước rồi nhìn lại. Phải cố gắng lắm tôi mới ngăn được một tiếng kêu kinh ngạc. Ông ta đã quay lưng để cho không ai có thể nhìn thấy mình, ngoài tôi ra. Dáng người ông ta đã mập ra, những nếp nhăn đã biến đi, đôi mắt lờ đờ đã sáng hẳn lên, và kia, ngồi bên cạnh lò sưởi và nhe răng cười: chính là Holmes. Anh khẽ ra hiệu cho tôi đến gần anh, và ngay lập tức, xoay nửa người về phía đám người nọ, trở lại thành một ông già run cầm cập, miệng há hốc.

- Holmes! Anh vào đây để làm gì? - Tôi thì thầm.

- Nói nhỏ một chút. Tai tôi thính lắm. Anh hãy tống hắn đi nơi khác, tôi muốn nói chuyện với anh...

- Xe đợi ở ngoài.

- Vậy, cho hắn đi bằng xe đó đi, rồi viết mấy chữ cho bà xã anh, nói rằng anh đang giúp tôi. Anh cứ đợi bên ngoài. Năm phút nữa, tôi sẽ ra.

Trong một vài phút, tôi đã viết xong lá thư cho nhà tôi, trả tiền xe cho Isa, dẫn anh ta ra xe; chỉ một lát sau, một dáng người già nua, ốm yếu hiện ra từ động phù dung. Ông ta kéo lê chân, gù lưng và một bàn chân đi cà nhắc. Rồi, bỗng người ấy nhanh nhẹn liếc nhìn ra phía sau, vươn người ra và bật lên một chuỗi cười hể hả.

- Này Watson, tôi ngạc nhiên khi thấy anh ở đó.

- Tôi đến để tìm một người bạn.

- Còn tôi, để kiếm một kẻ thù.

- Một kẻ thù?

- Vâng, một trong những con mồi. Tôi hy vọng tìm thấy một đầu mối trong những lời lảm nhảm rời rạc của những dân nghiện này. Cái động đó chính là cái bẫy giết người ghê gớm nhất trong suốt dọc bờ sông, và tôi e rằng ông Neville St. Clair đã vào đó mà không bao giờ trở ra nữa. Những cái bẫy của chúng ta sẽ đặt ở đây.

Anh đặt hai ngón tay trỏ vào giữa hai hàm răng và huýt sáo lanh lảnh. Tín hiệu ấy được đáp lại bằng một tiếng huýt sáo tương tự đằng xa, tiếp theo ngay sau đó là tiếng bánh xe lọc cọc và tiếng vó ngựa.

- Bây giờ, anh sẽ đi với tôi chứ?

- Nếu tôi giúp ích được.

- Ồ, một người bạn tin cẩn luôn luôn có ích, và một người chép sử biên niên còn hữu ích hơn. Phòng của tôi tại biệt thự Tuyết Tùng [1], có hai giường.

- Biệt thự Tuyết Tùng?

- Vâng. Đó là nhà ông St. Clair. Tôi đang ở đò để điều tra vụ này.

- Nó ở đâu?

- Gần thôn Lee, thuộc hạt Kent.

- Lát nữa đây anh sẽ biết mọi chuyện. Nhảy lên đi! Được rồi bác xà ích. Đây là tiền công của bác. Hãy đợi tôi ngày mai, vào khoảng 11 giờ. Chào nhé!

Anh quất roi và xe chúng tôi lao đi, băng qua những đường phố tối tăm, vắng vẻ và vô tận, những đường phố này rộng dần ra cho đến khi xe băng qua một cái cầu lớn có tay vịn, dưới đó là con sông đen thẫm chảy lờ đờ. Phía bên kia là những đống gạch, vôi vữa, sự yên lặng của chúng chỉ bị phá vỡ bởi tiếng bước chân nặng nề, đều đặn của người cảnh sát, hay những bài hát và tiếng quát tháo của bọn người nhậu nhẹt say sưa về muộn. Một đám mây nặng nề trôi lơ lửng qua bầu trời va một, hai ngôi sao nhấp nháy mờ mờ đây đó xuyên qua những khe hở của đám mây. Holmes yên lặng cầm cương, đầu cúi xuống ngực, với dáng vẻ của một người đang đắm chìm trong suy tư. Tôi ngồi bên anh, tò mò muốn biết cuộc truy tìm này là cái gì, nhưng lại không dám làm gián đoạn dòng suy tưởng của anh. Chúng tôi đã đi được năm, bảy dặm và bắt đầu đi đến mép vành đai của một biệt thự ngoại ô, bỗng nhiên anh lắc mình nhún vai và châm tẩu với cái vẻ của một người thỏa mãn.

- Anh Watson, tôi không biết đêm nay mình phải nói cái gì với người đàn bà này.

- Anh quên là tôi chưa biết gì về chuyện đó.

- Được, tôi sẽ kể rành rọt cho anh nghe, và may ra, anh có thể giúp tôi.

- Anh kể đi.

- Cách đây một vài năm, vào tháng 5-1884, một gã đàn ông tên là Neville St.Clair đến Lee. Ông ta có vẻ khá giả. Ông ta mua một cái biệt thự lớn, và sống một cách đúng điệu. Dần dà, ông làm bạn với xóm giềng. Năm 1887, ông ta cưới con gái của một người nấu rượu địa phương, bà ta sinh được hai con. Ông ta không có nghề nghiệp, nhưng có cổ phần tại một vài công ty, và thường lên phố vào buổi sáng, trở về nhà vào lúc 5 giờ 14 chiều. Bấy giờ ông ta 37 tuổi. Đó là một người điều độ, một người chồng tốt, một người cha thương con và là một con người được mọi người xung quanh yêu mến. Tôi có thể nói thêm rằng mặc dù số tiền nợ của ông ta hiện nay là 88 bảng 10 shilling. Nhưng ông ta có 220 bảng trong ngân hàng Capital and Counties Bank. Vì vậy, vấn đề tiền bạc không làm ông ta lo nghĩ nhiều. Thứ hai tuần trước, ông lên phố sớm hơn thường lệ. Trước khi đi, ông bảo rằng ông có hai việc quan trọng phải làm, và hứa sẽ đem về cho con trai một cái hộp có những hòn gạch nhỏ để chơi. Thế rồi, do một tình cờ run rủi, vào đúng ngày thứ hai đó, sau khi ông ta đi một lát, bà vợ nhận được một bức điện tín, báo tin rằng bà có một gói quà nhỏ đang nằm tại văn phòng của Công ty đóng tàu Aberdeen. Ăn cơm trưa xong bà lên phố, mua sắm vài đồ vặt trên đường đi tới Công ty; sau đó, bà nhận gói hàng và đúng 4 giờ 35, bà đi bộ xuyên qua hẻm Swandam, trên đường trở lại nhà ga. Anh có theo dõi được không?

- Rất rõ ràng.

- Ngày thứ hai ấy cực kỳ nóng bức. Bà St. Clair đi bộ chậm rãi, liếc nhìn quanh để tìm một chiếc xe ngựa. Trong khi bà đi bộ theo đường này xuống hẻm Swandam, bỗng nhiên bà nghe một tiếng kêu, bà lạnh cả người khi thấy chồng bà đang nhìn xuống bà và hình như ông đang vẫy gọi bà từ cửa sổ tầng lầu thứ hai. Cánh cửa sổ mở và bà thấy rõ chồng mình đang hốt hoảng, ông ta vẫy gọi bà một cách điên dại rồi biến mất khỏi cửa sổ một cách bất ngờ, đến nỗi bà cảm thấy dường như ông ta đã bị kéo lùi lại bằng một sức mạnh không cưỡng được. Một điểm kỳ lạ đập vào mắt bà: chồng bà vẫn mặc áo khoác đen, như lúc ra đi, nhưng bà không thấy cổ áo sơ mi hay cà vạt đâu cả.

Bà chạy vội xuống bậc thang rồi chạy băng qua phòng phía trước, cố leo lên cầu thang đến tầng một. Thế nhưng, tại chân cầu thang, bà gặp tên chủ nhà vô lại [2], hắn cùng với một gã tây chân Đan Mạch đẩy bà ta ra ngoài đường phố. Lòng tràn ngập những mối ngờ vực và sợ hãi, bà lao xuống con hẻm và khi chạy tới đường Fresno, bà gặp một cảnh sát và một người thanh tra. Những người này hộ tống bà trở lại, và đi vào cái phòng hồi nãy có ông St. Clair. Họ không thấy ông ta đâu cả, trừ một gã tàn tật có gương mặt gớm ghiếc. Gã này và tên vô lại đều thề độc rằng suốt cả buổi chiều không có ai ở trong phòng phía trước. Bọn này phản đối một cách quá quyết liệt, đến nỗi vị thanh tra trở nên ngờ vực, nhưng bỗng nhiên bà St. Clair kêu lên một tiếng sửng sốt, nhảy chồm tới một cái hộp gỗ nhỏ nằm trên bàn và mở tung cái nắp ra. Từ trong đó đổ ra những hòn gạch nhỏ cho trẻ con chơi. Đó là món đồ chơi mà ông St. Clair đã hứa đem về nhà.

Sự phát hiện này cùng với sự bối rối hiện ra trên gương mặt gã tàn tật, khiến cho ông thanh tra thấy vấn đề rất nghiêm trọng. Lập tức, họ mở cuộc khám xét. Căn phòng phía trước được trang bị như một phòng khách, nó dẫn vào một phòng ngủ nhỏ, nhìn ra một bến tàu. Giữa bến tàu và cửa sổ phòng ngủ là một con lạch cạn, khi thủy triều rút, người ta nhìn thấy đáy, nhưng khi thủy triều lên, mực nước cao tới 4,5 feet. Cửa sổ phòng ngủ thì rộng và được mở từ phía bên dưới. Trên bậu cửa sổ có nhiều vết máu, một vài giọt rơi trên sàn gỗ của giường ngủ. Phía sau cái màn cửa của căn phòng phía trước, người ta thấy toàn bộ áo quần của ông St. Clair, trừ cái áo khoác: giày, ủng, bít tất, mũ và đồng hồ đeo tay. Trên mọi thứ đồ vật; không có dấu hiệu nào của sự hành hung. Rõ ràng là ông ta đã đi ra ngoài cửa sổ, vì người ta không thấy có lối ra nào khác, những vết máu cho thấy ông ta đã bị lâm nguy hơn là đã trốn thoát?

Tên chủ nhà vô lại là một người có tiền án, nhưng theo lời kể của bà St. Clair, thì hắn chỉ có thể là một kẻ tòng phạm, vì sau khi bà trông thấy chồng tại cửa sổ được vài phút thì hắn xuất hiện ở chân cầu thang. Hắn phản đối, bảo rằng hắn không biết gì về những việc làm của Hugh Boone, người khách cư trú tại đó. Hắn cũng nói rằng hắn không thể nào giải thích được sự hiện diện của những áo quần của người đàn ông mất tích.

Gã tàn tật Hugh Boone sống trên tầng hai của động phù dung. Những ai lên thành phố nhiều lần đều quen với cái gương mặt gớm ghiếc của hắn. Hắn ăn mày chuyên nghiệp, nhưng giả bộ bán diêm. Hắn chiếm một góc nhỏ trên đường Threadneedle làm chỗ ngồi hàng ngày, chân bắt chéo, một hộp diêm nhỏ trên đầu gối. Trông hắn rất tội nghiệp, vì thế mà những đồng xu rơi như mưa xuống cái mũ da bên cạnh hắn. Tôi đã quan sát gã này hơn một lần trước khi nghi đến chuyện làm quen với tư cách bạn đồng nghiệp. Đây là người mà bây giờ chúng ta biết là một kẻ cư trú thường xuyên tại động phù dung, và cũng là người cuối cùng đã nhìn thấy St. Clair.

- Nhưng một gã tàn tật đơn thương độc mã thì làm gì được một người đàn ông còn trẻ tuổi?

- Hắn ta chỉ đi cà nhắc thôi, trông hắn khỏe mạnh và ăn uống đầy đủ. Kinh nghiệm y học cho biết rằng nhược điểm nơi một chân thường được bù lại bằng một sức mạnh phi thường ở những nơi khác.

- Anh cứ kể tiếp.

- Bà St. Clair đã ngất đi khi thấy máu trên cửa sổ và được cảnh sát đưa về nhà. Thanh tra Barton xem xét hiện trường rất kỹ nhưng không thấy một tia sáng nào. Cảnh sát không bắt giữ Boone ngay, để cho hắn có một vài phút liên hệ với tên chủ nhà, nhưng sai lầm này đã được sửa chữa, hắn đã bị bắt và lục soát, nhưng không tìm thấy cái gì có thể buộc tội hắn. Đúng là có vài vết máu trên tay áo sơ mi phía bên phải của hắn, nhưng hắn chỉ vào ngón tay đeo nhẫn, có vết đứt. Hắn còn nói thêm, trước đó không lâu hắn đã đứng tại cửa sổ, những vết máu ở đó, cũng là máu của hắn. Về điều bà St. Clair xác nhận rằng bà đã thấy chồng mình tại cửa sổ, hắn nói rằng có lẽ bà ta nhìn nhầm đó thôi. Hắn được đưa tới đồn cảnh sát, trong khi đó viên thanh tra ở lại hiện trường chờ nước rút xuống.

Khi nước rút xuống, họ không thấy ông St. Clair, mà thấy cái áo khoác của ông ta. Và đố anh biết, họ thấy gì trong những túi áo?

- Tôi không thể tưởng tượng được.

- Mọi túi áo đều đầy tiền kim loại: có tất cả 421 penny và 270 đồng nửa penny. Thảo nào mà nó đã không bị nước cuốn đi. Giữa cái bến tàu và cái động, nước xoáy dữ dội. Có lẽ cái áo nặng trĩu đã nằm lại trong khi cái cơ thể trần truồng đã bị nước cuốn vào con sông...

- Nhưng, tất cả những y phục khác đều được tìm thấy ở trong phòng. Chả lẽ ông ta chỉ mặc mỗi cái áo khoác?

- Không bạn ạ. Có thể là các sự kiện chỉ mới được nhìn thấy một cách khá hời hợt. Giả thử rằng gã Boone này đã ném St. Clair qua cửa sổ và không có ai trông thấy. Rồi, hắn sẽ làm gì? Phải thủ tiêu cái y phục! Hắn chộp lấy cái áo khoác, nhưng chỉ sắp ném nó ra, hắn bỗng thấy rằng cái áo sẽ không chìm xuống. Thời gian rất gấp rút, vì hắn đã nghe tiếng xô xát ở dưới cầu thang khi người vợ cố sức chống cự để leo lên.

Hắn lao tới một cái góc bí mật nào đó, nơi hắn đã tích lũy thành quả "lao động" của hắn, nhét những đồng xu vào đầy các túi áo để chắc chắn là nó sẽ chìm xuống.

Hắn ném nó ra, và hắn định ném luôn những thứ khác nửa, nhưng không kịp. Hắn chỉ còn đủ thời gian để đóng cửa sổ khi cảnh sát xuất hiện.

- Lý luận nghe được lắm.

- Vâng, chúng ta sẽ xem đó như là một giả thiết tạm thời, vì chưa có giả thiết nào tốt hơn. Cảnh sát thấy hắn chưa có tiền án nào cả. Cuộc sống của hắn có vẻ như là một cuộc sống lặng lẽ và vô tội. Hiện nay vấn đề ngừng ở đó, và những câu hỏi cần phải được trả lời: St. Clair đã làm gì trong động phù dung? Tại đó, chuyện gì đã xảy đến cho ông ta? Và Boone có dính líu gì tới vụ mất tích của ông ta chăng?

Bây giờ chúng ta đang ở vùng ngoại ô của Lee. Vậy là chúng ta đã đi ngang qua ba hạt của nước Anh trong chuyến đi ngắn này. Anh thấy làn ánh sáng giữa hai cái cây chứ? Đó là biệt thự Tuyết Tùng, bên cạnh cái đèn là một người đàn bà.

- Tại sao anh không điều tra vụ này từ phố Baker?

- Bởi vì có nhiều cuộc thăm dò phải thực hiện ở đây. Bà St. Clair đã có lòng tốt dành riêng cho tôi phòng hai giường. Tôi không muốn gặp bà khi chưa có tin gì về người chồng. Đến rồi!

Xe chúng tôi đậu lại đằng trước một biệt thự lớn. Cậu bé giữ ngựa đã chạy tới đầu con ngựa. Tôi nhảy xuống theo Holmes lên lối đi rải đá nhỏ, ngoằn ngoèo dẫn đến nhà. Khi chúng tôi đến gần, cửa mở tung ra, một người đàn bà tóc hung đứng bên cạnh cửa. Bà đứng đó, dáng người nổi bật lên trong làn ánh sáng chói loà, một tay vịn cửa, tay kia đưa lên lưng chừng, ra vẻ trông ngóng, thân người bà hơi cúi xuống, đầu và mặt nhô ra, đôi môi hé mở, đôi mắt thiết tha như dò hỏi.

- Thế nào? - Bà kêu lên.

Bà cất lên một tiếng rên rỉ khi bà thấy bạn tôi lắc đầu và nhún vai.

- Không có tin vui?

- Không.

- Không có tin buồn?

- Không.

- Xin mời vào. Sau một ngày dài, chắc các ông đã mệt?

- Đây là bạn tôi, bác sĩ Watson. Anh ấy đã giúp tôi rất nhiều trong dăm bảy trường hợp, và hôm nay, tôi may mắn kéo anh cùng đi.

- Tôi sung sướng được gặp ông - Bà nói, nồng nhiệt nắm lấy tay tôi - Tôi chắc là ông sẽ thông cảm cho những sơ suất trong lúc bối rối.

- Thưa bà. Xin bà khỏi cần khách sáo. Nếu tôi có thể giúp được gì cho bà, tôi sẽ rất vui sướng.

- Bây giờ, ông Holmes ạ - Người đàn bà nói, khi chúng tôi bước vào phòng ăn sáng - Tôi rất muốn hỏi ông một hai câu hỏi thẳng thắn và mong nhận được một câu trả lời thẳng thắn.

- Chắc chắn là được, thưa bà.

- Tận thâm tâm ông, ông có nghĩ rằng anh ấy còn sống không?

Sherlock Holmes dường như bối rối vì câu hỏi này.

- Xin hãy thành thật! - Bà lặp lại, đứng trên tấm thảm và nhìn anh chăm chú khi anh dựa lùi trong ghế.

- Thành thật mà nói, thưa bà, tôi không biết.

- Ông nghĩ rằng anh ấy đã chết?

- Vâng.

- Bị ám sát?

- Tôi không nói thế. Có lẽ...

- Thế anh ấy chết vào ngày nào?

- Vào thứ hai.

- Vậy tại sao hôm nay tôi lại nhận được một lá thư của anh ấy?

Sherlock Holmes nhảy ra khỏi ghế, dường như anh bị sửng sốt.

- Làm sao?

- Vâng, mới hôm nay - Bà mỉm cười, đưa một mảnh giấy lên cao.

- Tôi xem được chứ?

- Chắc chắn rồi.

Anh hăm hở giật nó ra khỏi tay bà, đưa cây đèn lại gần và chăm chú quan sát. Tôi cũng rời ghế và chăm chú nhìn nó qua vai anh. Bì thư làm bằng giấy rất xấu, dấu bưu điện nơi gửi là Gravesend, ghi ngày gửi là chính ngày hôm đó.

- Chữ viết xấu. Chắc chắn không phải là chữ viết của chồng bà.

- Không, những thứ bên trong thì đúng là của anh ấy.

- Tôi nhận thấy rằng người đề bì thư hẳn đã phải đi hỏi địa chỉ.

- Sao ông lại nói thế?

- Cái tên người nhận thư thì viết bằng mực đen tuyền, tự nó khô đi. Còn địa chỉ thì có màu xam xám, chứng tỏ rằng giấy thấm đã được dùng đến. Nếu tất cả được viết một lượt, rồi áp giấy thấm, thì sẽ không có chữ nào đậm, chữ nào lợt. Người này viết xong cái tên, ngưng lại một thời gian rồi mới viết địa chỉ, điều ấy có nghĩa là người đề bao thư không biết địa chỉ của bà. Bây giờ, ta hãy xem lá thư. Hừ! Có một vật gì ở đây?

- À! Cái nhẫn của anh ấy.

- Bà tin rằng chính bàn tay ông ấy viết?

- Khi anh ấy viết vội, nét chữ không giống nét chữ bình thường, tuy vậy tôi biết rõ nó.

- "Em chớ có lo sợ gì cả. Mọi việc sẽ tốt đẹp. Có một sai lầm cần phải đính chính. Hãy kiên nhẫn đợi chờ anh. Neville". Thư được một người có ngón tay cái bẩn viết trên một tờ giấy trắng. Phong bì được dán hồ bởi một người đã từng nhai thuốc lá và bà có chắc là bàn tay của chồng bà không?

- Không nghi ngờ gì cả chính ông ấy đã viết những dòng chữ đó.

- Và chúng được gửi đi hôm nay tại Gravesend. Thưa bà, những đám mây đã tan dần, nhưng tôi không dám nói là tai hoạ đã qua.

- Nhưng chắc chắn là anh ấy còn sống.

- Trừ phi đây là một sự giả mạo khéo léo để đánh lạc hướng chúng ta. Cái nhẫn không chứng tỏ được điều gì. Người ta có thể đánh cắp của ông ấy.

- Không. Chính là nét chữ của anh ấy mà?

- Rất có thể. Tuy thế, có thể là nó được viết vào ngày thứ hai nhưng hôm nay mới gửi đi.

- Có thể như thế.

- Như vậy, trong khoảng thời gian ở giữa hai sự việc đó có nhiều chuyện đã xảy ra.

- Ồ, ông Holmes ạ, giữa chúng tôi có một mối đồng cảm sâu sắc, cho nên nếu có gì không lành xảy đến cho anh ấy, hẳn là tôi đã biết. Vào cái ngày sau cùng, khi anh ấy bị đứt tay trong phòng ngủ, thế mà đang ở trong phòng ăn, tôi chạy vụt lên cầu thang tức khắc, biết chắc chắn rằng có một cái gì đó đã xảy ra. Tôi đã cảm nhận được ngay dù chỉ là chuyện vặt vãnh như thế, thì lẽ nào tôi lại không hay biết gì về cái chết của chồng tôi.

- Vâng, trực giác của người phụ nữ đôi khi có giá trị hơn sự suy luận, phân tích. Và trong vụ lá thư này, chắc chắn bà có một vài bằng chứng ủng hộ cho quan điểm của bà. Nhưng nếu chồng bà còn sống và có thể viết thư, thì tại sao ông ấy lại phải ở xa bà?

- Tôi không thể hiểu được.

- Ngày thứ hai, ông ấy không nói gì trước khi đi chứ?

- Không.

- Bà có ngạc nhiên khi thấy ông ấy tại hẻm Swandam.

- Rất kinh ngạc.

- Cánh cửa sổ mở?

- Vâng.

- Vậy thì, có thể là ông ấy đã gọi bà?

- Có lẽ

- Theo tôi hiểu, ông ấy chỉ kêu ú ớ, đúng không?

- Vâng.

- Một tiếng gọi cầu cứu, bà có nghĩ thế không?

- Vâng, anh ấy vẫy tay.

- Nhưng cũng có thể đó là một tiếng kêu kinh ngạc. Nỗi kinh ngạc, khi bất ngờ thấy bà, cũng có thể khiến ông ấy đưa hai tay lên?

- Có thể.

- Và bà nghĩ rằng ông ấy bị ai đó kéo lui ra đằng sau?

- Anh ấy biến đi quá đột ngột.

- Bà không thấy ai khác trong phòng chứ?

- Nhưng gã đàn ông nọ đã thú nhận rằng hắn ta có mặt ở đó còn tên vô lại thì ở chân cầu thang.

- Đúng thế. Chồng bà ăn mặc bình thường?

- Nhưng không có cổ áo sơ mi hay cravat. Tôi thấy cái cổ trần trụi của anh ấy.

- Có bao giờ ông ấy nói về hẻm Swandam không?

- Không.

- Cám ơn bà. Đó là những điều cơ bản mà tôi muốn được biết chính xác. Bây giờ hãy ăn một chút rồi đi nghỉ, ngày mai chúng ta sẽ bận suốt ngày.

Một phòng rộng, tiện nghi, có hai giường đã được dành riêng cho chúng tôi, và tôi nhanh chóng chui vào trong chăn. Giờ đây, Holmes đang chuẩn bị cho một đêm không ngủ. Anh cởi áo khoác và áo gi-lê, mặc vào một áo ngủ màu thiên thanh, rồi đi xung quanh phòng, thu nhặt những chiếc gối và đệm từ ghế xô pha và ghế bành. Với những vật này, anh chồng chất chúng lại rồi ngồi lên, hai chân bắt chéo. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn, tôi thấy anh ngồi đó, mắt lơ đãng nhìn lên góc trần nhà. Anh ngồi yên lặng, không nhúc nhích, ánh sáng chiếu lên dáng người anh, nom như một con quạ già. Anh cứ ngồi như thế đến khi tôi ngủ thiếp đi, và anh vẫn còn ngồi như thế khi một tiếng kêu bất thần đảnh thức tôi dậy, mặt trời đã chiếu vào trong căn phòng.

- Watson, anh thức rồi chứ?

- Vâng.

- Thích dạo buổi sáng chứ?

- Thích.

- Chưa ai dậy, nhưng tôi biết chỗ cậu bé giữ ngựa.

Khi mặc quần áo, tôi liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Chỉ mới 4 giờ 25. Thảo nào chưa có ai dậy cả. Tôi chuẩn bị chưa xong thì Holmes đã trở lại, báo tin là cậu bé đang chuẩn bị ngựa.

- Tôi muốn kiểm tra lại cái lý thuyết nhỏ của tôi - Anh nói và đi giày ủng vào chân - Watson ạ, tôi là một trong những thằng ngốc nghếch nhất châu Âu. Nhưng bây giờ tôi đã có chìa khóa để mở vụ này.

- Nó ở đâu? - Tôi mỉm cười hỏi.

- Ở trong phòng tắm. Tôi vừa mới có mặt ở đấy, và đã lấy nó ra, đặt nó vào trong cái túi này, nhanh lên bạn ơi

Chúng tôi rón rén xuống cầu thang và đi ra ngoài. Trên đường có một xe độc mã với cậu bé giữ ngựa đang đợi. Cả hai chúng tôi phóng lên, và xe lao xuống đường London. Một vài xe bò vùng quê đang rục rịch, mang rau cỏ đến thành phố, nhưng những ngôi nhà hai bên đường vẫn im lặng và vô hồn.

- Xét về một số điểm thì đây là một vụ độc đáo - Holmes nói, thúc ngựa chạy nước kiệu - Thú thật với anh tôi đã mù như cú ngày, nhưng thà học sự khôn ngoan chậm một chút còn hơn là không bao giờ.

Sherlock Holmes quen thuộc với lực lượng cảnh sát, vì thế mà hai cảnh sát tại cửa nhà tù giơ tay chào anh. Một người giữ đầu con ngựa, trong khi người kia dẫn chúng tôi vào.

- Ai trực thế? - Holmes hỏi.

- Thưa ông, thanh tra Bradstreet.

- À, chào ông Bradstreet, ông mạnh khỏe chứ?

Một viên chức khổ người cao, to béo, đã đi xuống lối đi lát đá, đầu đội mũ lưỡi trai chóp nhọn và áo gi-lê có khuy khuyết rùa.

- Tôi muốn giúp việc ông - Holmes nói.

- Được thôi. Xin vào phòng tôi.

Đó là một phòng nhỏ kiểu văn phòng, với một quyển sổ cái to tướng ở trên bàn, và một điện thoại nhô ra từ bức tường. Viên thanh tra ngồi vào bàn giấy.

- Tôi có thể giúp gì cho ông, ông Holmes?

- Tôi đến là vì cái gã ăn mày tên Boone này.

- Vâng. Hắn đã bị trả về khám, đợi thẩm vấn tiếp.

- Tôi nghe nói như thế. Hắn có ở đây chứ.

- Trong nhà giam.

- Hắn có quậy không.

- Ồ, hắn chả gây phiền hà gì cả. Chỉ mỗi cái tội là quá dơ dáy.

- Dơ dáy?

- Vâng. Mặt mày hắn đen như lọ nồi. Vâng, khi nào vụ án của hắn được giải quyết xong, hắn sẽ phải tắm đều đặn trong tù. Nếu trông thấy hắn, chắc ông cũng sẽ nghĩ như tôi.

- Tôi muốn gặp hắn.

- Dễ thôi. Đi lối này. Ông có thể gửi lại cái túi xách.

- Không! Tôi xin mang nó theo.

- Được thôi.

Ông ta dẫn chúng tôi xuống một hành lang, mở một cánh cửa cài then, đi xuống một cầu thang quanh co, và đưa chúng tôi đến một hành lang quét vôi trắng với một hàng cửa lớn ở mỗi phía.

- Hắn ở phòng thứ ba, phía bên phải. Đây rồi - Vị thanh tra nói. Ông ta đẩy lùi tấm ván ở phần trên của cửa lớn và liếc nhìn vào. - Hắn đang ngủ.

Cả hai chúng tôi đặt mắt vào tấm lưới sắt. Người tù ngủ say, mặt quay về phía chúng tôi, thở chậm và nặng nề. Đó là một gã đàn ông tầm thước, ăn mặc xơ xác, bẩn thỉu, phù hợp với nghề của hắn, những lớp cáu ghét che phủ khuôn mặt cũng không thể che giấu được cái vẻ xấu xí khủng khiếp của hắn. Một vệt rộng từ cái sẹo cũ băng qua mặt từ mắt tới cằm vết sẹo làm cho môi trên trề ra làm lộ rõ ba cái răng. Một mớ tóc đỏ quạch chảy xuống ngang qua mắt và trán.

- Hắn đẹp trai đấy chứ. - Vị thanh tra nhận xét.

- Đương nhiên là hắn cần tắm - Holmes nói - Tôi cũng nghĩ là hắn sẽ cần tắm nên đã mạn phép mang theo những thứ này.

- Hê, hê! Ông hóm hỉnh quá đấy? - Vị thanh tra cười khúc khích.

- Lát nữa đây, chúng ta sẽ biến hắn thành một vật đáng nể trọng hơn.

- Vâng, ông cứ tự nhiên.

Ông ta đút chìa khóa vào ổ khóa và tất cả chúng tôi nhẹ nhàng bước vào xà lim. Kẻ đang ngủ xoay nghiêng mình, rồi lại ngủ ngon lành. Holmes cúi xuống cái bình nước, thấm nước vào cái bọt biển, rồi chùi lại lằn ngang qua và dọc xuống mặt người tù.

- Xin giới thiệu với ông - Anh nói to - Đây là ông Neville St. Clair.

Khuôn mặt của người đàn ông tróc ra dưới cái bọt biển. Cái màu nâu thô kệch đã bay đi. Bay đi cả cái sẹo khủng khiếp chạy ngang qua mặt, và cái môi trề. Một cái giật mạnh nữa làm bay đi mớ tóc đỏ và ngồi dậy trên giường là một người đàn ông tóc đen và da mịn, đang dụi mắt và ngỡ ngàng nhìn xung quanh. Rồi bỗng nhiên, hắn kêu thét lên một tiếng và buông mình xuống, úp mặt vào gối.

- Đúng là người đàn ông bị mất tích. Tôi đã biết mặt ông ta qua tấm ảnh - Viên thanh tra nói.

Người tù quay đầu với cái vẻ bất cần của một kẻ đã liều mình cho số mệnh :

- Cứ cho là thế. Và hãy cho biết, tôi đã phạm tội gì?

- Cái tội đã thủ tiêu ông St. Clair. Ồ, không thể buộc cho anh cái tội đó, chỉ có thể buộc về cái tội "tự ám sát" cái tên cúng cơm của mình thôi - Vị thanh tra nhe răng cười - Vâng. Tôi đã công tác trong ngành cảnh sát 27 năm, nhưng vụ này đúng là số một.

- Nếu tôi tên là St. Clair, thì rõ ràng tôi không phạm một tội ác nào cả. Và như thế, tôi đã bị bắt giữ trái phép.

- Không phải tội ác, nhưng anh đã phạm phải một lầm lẫn - Holmes nói - Lẽ ra anh nên tin tưởng vợ anh hơn.

- Vấn đề không phải là vợ tôi, mà chính là các con tôi - Người tù rên rỉ - Xin Chúa cứu giúp tôi. Tôi không thể để cho không xấu hổ về cha chúng. Lạy Chúa! Thật xấu hổ quá sức. Tôi có thể làm gì bây giờ?

Sherlock Holmes ngồi xuống bên cạnh và dịu dàng vỗ nhẹ lên vai ông ta.

- Nếu ông thuyết phục được cơ quan cảnh sát tin rằng không có ai kiện tụng gì ông, thì không có lý do gì những chi tiết này sẽ được đăng trên báo. Vụ này sẽ không được đem ra xử nữa.

- Xin Chúa ban phúc lành cho ông. Tôi thà là chịu tù tội, thậm chí bị xử tử, còn hơn là để cái bí mật này phơi ra, làm nhơ nhuốc các con tôi. Các ông là những người đầu tiên nghe câu chuyện này của tôi.

"Cha tôi là một thầy giáo tại Chesterfield. Thời trẻ tuổi, tôi hay đi đây đi đó, làm diễn viên và sau cùng trở thành phóng viên của một tờ báo tại London. Một hôm, ông chủ bút muốn có một loạt bài viết về chuyện ăn xin tại thành phố và tôi tình nguyện cung cấp những bài ấy.

Chính là nhờ đóng vai một gã ăn xin, tôi đã viết được các bài báo theo yêu cầu của ông chủ bút. Khi còn là một diễn viên, tôi đã học các bí quyết hóa trang. Thế là tôi vẽ mặt, và để cho gương mặt trông càng tội nghiệp càng tốt, tôi tạo ra một cái sẹo và một cái môi trề bằng một miếng băng dán có màu da thịt. Rồi với một cái đầu tóc đỏ và một bộ quần áo phù hợp, tôi đến nhà ga tại khu vực đông đúc nhất của thành phố, bề ngoài là một người bán diêm, nhưng thực nhất là một kẻ ăn xin. Tôi thử hành nghề trong 7 tiếng đồng hồ, và khi tôi trở về nhà vào buổi chiều, tôi thấy mình đã kiếm được 4 bảng 26 shilling.

Tôi tiếp tục viết báo và không quan tâm gì tới chuyện đó nữa, cho tới một thời gian sau, tôi đã vay 25 bảng và tới ngày phải trả nợ. Tôi không biết xoay đâu ra tiền. Thế rồi một ý tưởng chợt đến với tôi. Tôi xin chủ nợ hoãn lại cho nửa tháng, xin ông chủ tờ báo cho tôi nghỉ mười ngày và cải trang lên thành phố ăn xin. Trong mười ngày, tôi đã trả xong món nợ.

Vâng, các ông thấy đó, thật là khó mà trở lại làm một công việc nặng nhọc để có lương 2 bảng một tuần. Đó là một cuộc chiến đấu trường kỳ giữa danh dự và tiền bạc, nhưng sau cùng, tiền đã thắng. Tôi đã bỏ nghề phóng viên, ngày này sang ngày khác, tôi ngồi lại một góc phố để cho cái thân thể tàn tạ giả tạo này làm mủi lòng người và nhét đầy xu. Chỉ có một người biết bí mật của tôi. Hắn là chủ động phù dung, nơi mà tôi thường cư trú. Gã này được tôi trả tiền phòng rất hậu, thế bí mật của tôi được hắn giữ kín.

Rất nhanh chóng, tôi kiếm được nhiều tiền. Tôi không nghĩ rằng bất cứ người ăn xin nào cũng kiếm được 700 bảng một năm như tôi, mà thường là ít hơn bởi tôi có được những ưu thế đặc biệt. Mỗi ngày, những đồng xu càng rơi vào tôi nhiều hơn, nhanh chóng xóa nhòa ký ức về cái ngày tồi tệ, khi mà tôi quyết định bỏ công việc 2 bảng một tuần.

Càng nhiều tiền, tôi càng có nhiều tham vọng. Tôi mua một cái nhà tại vùng quê và cưới vợ. Không ai nghi ngờ về cái nghề thực của tôi. Vợ tôi chỉ biết rằng tôi có công ăn việc làm tại thành phố, nhưng không rõ là nghề gì. Thứ hai tuần trước, sau khi hành nghề xong và đang thay đổi y phục, tôi nhìn ra cửa sổ, thấy vợ tôi đang đứng ngoài đường phố, mắt dán chặt lên người tôi. Tôi kêu lên một tiếng kinh ngạc, đưa tay lên che mặt rồi chạy đến tên chủ động, nài nỉ hắn đừng cho ai đi lên phòng tôi. Tôi nghe giọng nói của vợ tôi dưới cầu thang. Tôi nhanh chóng cởi bỏ quần áo, mặc vội bộ đồ ăn xin, và hóa trang như cũ. Vợ tôi không nhận ra tôi. Nhưng rồi, tôi bỗng thấy rằng người ta có thể lục soát phòng tôi và những áo quần để lại sẽ làm lộ diện tôi. Tôi mở tung cửa sổ, vì quá sức, tôi đã làm chảy máu vết đứt mà tôi mới bị lúc sáng trong phòng ngủ. Tôi chộp lấy cái áo khoác, để những đồng xu ăn xin vào đó. Tôi ném nó qua cửa sổ. Chưa kịp ném nốt những

áo quần khác thì tôi nghe có tiếng của cảnh sát dưới gác, trong một vài phút sau đó, tôi thấy mình bị bắt giữ tội ám sát ông St. Clair thay vì bị nhận diện.

Biết rằng nhà tôi sẽ vô cùng lo lắng, tôi cởi cái nhẫn và lén trao nó cho tên chủ nhà vào lúc không có ai canh chừng cùng với vài dòng nguệch ngoạc, báo cho nhà tôi biết là không có gì phải lo sợ cả.

- Lá thư mới đến tay bà ấy hôm qua - Holmes nói.

- Trời ơi! Suốt cả tuần nay, nhà tôi đã lo lắng biết bao.

- Cảnh sát đã theo dõi gã chủ động này. Và tôi hoàn toàn hiểu rằng hắn ta khó lòng gửi thư mà không bị phát giác. Có lẽ hắn giao nó cho một khách hàng nào đó và anh chàng này quên khuấy đi, để chậm một vài hôm - Viên Thanh tra Bradstreet nói.

- Đúng thế. Nhưng có bao giờ, ông bị phạt về tội ăn xin chưa? - Holmes hỏi.

- Nhiều lần. Nhưng bị phạt thì có nghĩa lý gì đối với tôi!

- Nhưng bây giờ thì phải chấm dứt đi thôi. Nếu muốn cảnh sát ém nhẹm vụ này, thì phải thủ tiêu cái gã Hugh Boone đó nhé. - Bradstreet nói.

- Tôi xin thề bằng những lời thề trang trọng nhất.

- Trong trường hợp đó, tôi nghĩ có lẽ không cần phải đi thêm một bước nào nữa trong việc điều tra. Nhưng nếu người ta lại phát hiện ra ông hành nghề một lần nữa, thì lúc ấy mọi sự sẽ bị phanh phui - Holmes nói.

________________________________________

[1] Nguyên văn: The Cedars

[2] Nguyên văn: the lascar

HẾT

Arthur Conan Doyle

Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes

Vùng đất "Những cây dẻ đỏ"

Bên ngoài, làn sương mù dày đặc lơ lửng giữa những dãy nhà xám xịt. Cửa sổ nhà đối diện hiện ra những vết đen lờ mờ, không ra hình thù gì rõ rệt. Ngọn đèn khí đốt chiếu sáng mấy chiếc đĩa sứ và bộ đồ ăn vẫn còn trên bàn. Sherlock Holmes vẫn giữ im lặng, không ngừng lật những trang bố cáo trong các tờ báo. Cuối cùng anh không lục lọi nữa mà ngắm nghía ngọn lửa nhảy múa trong lò sưởi, rồi nói :

- Anh không đáng bị gán cho là một người chuyên viết truyện "giật gân", bởi vì phần lớn những vụ án mà anh đề cập tới thì không phải là những vụ hình sự. Các câu chuyện nhỏ về ông vua xứ Bohemia, chuyện tình của tiểu thư Mary Sutherland, chuyện người đàn ông môi trề và lễ thành hôn của nhà quý tộc độc thân... không nhất thiết thuộc phạm vi pháp luật. Nhưng nếu tránh các chuyện giật gân, thì sẽ rơi vào chỗ tầm thường.

- Trong các truyện do tôi viết, các đoạn kết thì có thể là tầm thường, nhưng phương pháp viết thì vừa mới lạ vừa thú vị.

- Chà chà! Anh bạn thân mến, phải chăng bây giờ độc giả lại chịu khó để ý tới những tia sáng tinh tế của phép phân tích và phép diễn dịch? Nhưng nếu anh rơi vào chỗ tầm thường, tôi cũng không thể trách anh được, và hiện nay, đâu còn những vụ quan trọng nữa. Giờ đây cái nghề hèn mọn của tôi đang biến thành công việc tìm kiếm những đồ vật thất lạc hoặc làm cố vấn cho các công chức về hưu. Như ngày hôm nay đây, cái thư này cho ông biết tôi đã "hết thời" rồi. Anh hãy đọc đi!

"Thưa ông Holmes thân mến,

Tôi rất cần ý kiên của ông để quyết định xem nên nhận hay từ chối một chỗ dạy trẻ. Nếu không có gì phiền ông, tôi sẽ đến gặp ông vào lúc 10 giờ 30 ngày mai. Chúc ông mạnh khỏe.

Violette Hunter".

- Anh quen biết cô này chớ? - Tôi hỏi.

- Tôi đấy à? Đâu có.

- Đã mười giờ rưỡi rồi.

- Vâng. Cô ta đang gọi cửa.

- Việc này có thể đáng chú ý hơn anh tưởng. Anh có nhớ vụ "con ngỗng" không. Lúc đầu nó như một chuyện khôi hài, sau đó phát triển thành một cuộc điều tra công phu. Lần này cũng dễ như vậy lắm.

- Hãy hy vọng thế! Nhưng sự ngờ vực của chúng ta sẽ sáng tỏ ngay thôi, vì cô ta đã tới.

Cửa mở và một thiếu nữ bước vào. Cô ta ăn mặc giản dị nhưng duyên dáng. Gương mặt lanh lợi lấm tấm những nốt tàn nhang. Tóc cô vàng óng. Cử chỉ của cô cho thấy cô là người tháo vát. Khi bạn tôi đứng lên chào, cô nói ngay :

- Xin tha lỗi đã làm phiền ông. Nhưng tôi vừa gặp một chuyện lạ lùng, mà tôi không có bà con hay bạn bè để hỏi ý kiến. Thế là tôi nghĩ tới ông. C lẽ ông vui lòng chỉ bảo tôi cách hành động?

- Thưa cô, mời cô ngồi đã. Tôi rất sung sướng được phục vụ cô.

Tôi nhận thấy là Holmes có ấn tượng tốt về ngôn ngữ và cử chỉ của người khách hàng. Đầu tiên anh ta quan sát theo thói quen cố hữu, rồi mới ngồi xuống, nghe trình bày.

"Tôi đã làm nghề dạy trẻ suốt 5 năm trong gia đình đại tá Spence Munro. Cách đây hai tháng, đại tá được bổ nhiệm đến Halifax, Nova Scotia. Ông đem theo các con nhỏ đến Mỹ, nên tôi thất nghiệp. Tôi đăng báo tìm việc, gửi thư đến các nơi đăng tin tìm người. Tất cả đều không có kết quả. Sau cùng, tiền dành dụm đã cạn, tôi không còn biết phải làm

gì nữa. Ở khu West End có cơ sở Westaway chuyên tìm việc cho người dạy trẻ. Mỗi tuần một lần, tôi tới đó xem có chỗ nào không. Cô Stoper là người quản lý cơ sở này, cô làm việc trong văn phòng nhỏ, những người lạ tìm việc ngồi trong phòng đợi, lần lượt được đưa vào. Cô Stoper nghiên cứu các hồ sơ rồi tìm chỗ phù hợp cho mỗi người.

Tuần vừa rồi, tôi được đưa vào văn phòng đó như thường lệ. Nhưng lần này ở trong phòng, ngoài cô Stoper ra, còn có một người đàn ông rất béo, khuôn mặt tươi cười với một cái cằm rất to; ông ta mang kính, nhìn đăm đăm những người bước vào phòng. Khi trông thấy tôi, ông ta đứng phắt lên và quay sang cô Stoper :

- Thật thích hợp! Tôi không mơ ước gì hơn nữa! Tuyệt vời! Tuyệt vời! - Ông ta xoa tay mừng rỡ. - Cô tìm việc làm, phải không?

- Thưa ông, vâng.

- Cô là người dạy trẻ?

- Thưa ông, vâng.

- Lương cô bao nhiêu?

- Đại tá Spence Munro trả tôi bốn bảng một tháng.

- Ồ! Cái tên lợi dụng! Cái tên bóc lột! - Ông ta xoa xoa tay, rồi vung vẩy tay, giận sôi sùng sục - Tại sao có những kẻ lại có thể trả số lương tệ mạt như vậy cho một người xuất sắc và hoàn bị như cô?

- Về sự hoàn bị, có lẽ không được như ông mong mỏi. Một chút tiếng Pháp, một chút tiếng Đức, âm nhạc và trẻ...

- Suýt suýt! Chuyện đó chỉ là phụ. Điểm chính yếu là thế này: cô có cái vẻ của một tiểu thư đài các. Nếu cô không được thế, cô không xứng đáng làm người giáo dục cho một đứa trẻ có thể đóng một vai trò đáng kể trong lịch sử nước này. Nếu ngược lại, thì tại sao lại có những người nhẫn tâm trả cho cô cái đồng lương chết đói đó? Thưa cô, tôi sẽ trả cho cô lương khởi điểm ở nhà tôi là 100 bảng một năm.

Nói xong, con người hào phóng ấy mở ví và rút ra một tờ giấy bạc :

- Tôi cũng có thói quen ứng trước một nửa tiền lương để các tiểu thư có thể trang trải phí tổn di chuyển và mua sắm áo quần - Ông ta vừa nói vừa mỉm cười rất khả ái, đến nỗi đôi mắt ông ta thu nhỏ lại thành hai điểm sáng giữa khối mỡ trắng bệch.

Tôi hầu như chưa hề gặp một người nhiệt thành và lịch thiệp hơn ông ta. Tôi đang thiếu nợ: số tiền ứng trước thật đúng lúc! Nhưng dù sao một sự giao dịch như vậy cũng có vẻ bất thường, nên tôi muốn biết thêm cho rõ, trước khi nhận lời.

- Tôi có thể biết ông ở đâu không?

- Tại hạt Hampshire. Một mảnh đất nhỏ đẹp mê hồn. "Những cây dẻ đỏ" [1] cách Winchester 5 dặm. Thưa cô, đó là một xứ sở xinh đẹp, và nhà tôi là ngôi nhà đáng yêu nhất trong số những ngôi nhà xưa trong quận.

- Công việc của tôi như thế nào?

- Tôi chỉ có một thằng bé vừa lên 6. À, nếu cô thấy được cái cách nó dùng đôi dép hạ những con gián? Trước khi nó nhíu mày, đã có ba con bị hạ.

Ông ta dựa ngửa vào ghế và lại cười, nụ cười làm cho đôi mắt như mất hút trong khối thịt phì nộn. Tôi hơi ngạc nhiên về trò chơi mà cậu bé ưa thích, nhưng tiếng cười của ông bố khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ta chỉ đùa thôi.

- Tôi chỉ phải chăm nom cho một mình cậu bé thôi chứ? - Tôi hỏi lại.

- Ồ không! Không phải chỉ có thế, thưa cô thân mến! Cô còn phải tuân lệnh vợ tôi, tất nhiên đó luôn luôn là những mệnh lệnh mà một thiếu nữ có phẩm hạnh có thể tuân theo, và tôi chắc là một người thông minh như cô đã đoán được. Đâu có gì khó, phải không cô?

- Tôi rất sung sướng được phục vụ ông bà.

- Tuyệt. Nhưng, nhân tiện, xin nói về trang phục. Vợ chồng tôi là những người kỳ cục, nhưng tốt bụng. Nếu chúng tôi yêu cầu cô mặc một cái áo nào đó vào một ngày nào đó thì cô không phản đối chứ.

- Thưa ông, không. - Tôi trả lời, hơi ngơ ngác.

- Hoặc yêu cầu cô ngồi chỗ này thay vì chỗ kia, hoặc ngồi chỗ kia hay vì chỗ này, cô không coi là bị xúc phạm chớ?

- Ồ không đâu?

- Và yêu cầu cô cắt tóc ngắn?

- Thưa ông, tôi có một mái tóc màu hạt dẻ. Mọi người đều khen là rất đẹp. Tôi sợ rằng điều này không thể được, thưa ông.

- Còn tôi, tôi sợ rằng đây là điều chính yếu. Đó là một sở thích nho nhỏ của vợ tôi. Vậy, cô sẽ cắt tóc chứ?

- Thưa ông, tôi sẽ không cắt tóc!

- A, tốt! Thôi chúng ta không bàn nữa... Thật đáng tiếc. Thưa cô Stoper, trong trường hợp này, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm một ứng cử viên khác.

Trong suốt thời gian chúng tôi thảo luận, cô quản lý chúi mũi vào đống hồ sơ và không hề mở miệng. Nhưng tới lúc đó, cô ta nhìn tôi với vẻ thù ghét, khiến tôi hiểu ngay rằng việc tôi từ chối sẽ làm cho cô ta mất một số tiền hoa hồng béo bở. Cô ta hỏi tôi :

- Cô có muốn chúng tôi giữ tên cô trong sổ đăng ký không?

- Vâng, thưa cô Stoper.

- Cô đã từ chối những đề nghị tuyệt vời! Cô chớ mong chúng tôi mất thì giờ tìm cho cô một việc khác. Chào cô, cô Hunter! - Cô Stoper ấn chuông và người ta đưa tôi ra.

Tôi trở về. Khi tôi kiểm lại số thực phẩm trong nhà, khi tôi thấy hai hay ba tờ hóa đơn trên bàn, tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng tôi đã làm một điều ngu xuẩn. Ít có cô dạy trẻ nào được trả 100 bảng một năm... vả chăng, bộ tóc dài của tôi có giúp ích gì cho tôi đâu. Nhiều phụ nữ đã cắt tóc ngắn, thế mà họ chẳng xấu đi chút nào.

Ngày hôm sau, tôi tự coi mình là một con ngốc.

Hôm sau nữa, tôi chắc chắn là tôi đã làm một điều dại dột. Vào lúc tôi dẹp bỏ lòng tự ái, định trở lại cơ sở tìm việc hỏi xem chỗ đó còn trống không, thì tôi nhận được một bức thư. Tôi xin đọc ông nghe :

"Những cây dẻ đỏ, Winchester,

Thưa cô Hunter thân mến.

Cô Stoper đã có nhã ý cho tôi địa chỉ của cô, nên tôi viết thu này cho cô, hỏi xem cô có xét lại quyết định trước đây không. Nhà tôi rất muốn cô đến đây, vì qua sự mô tả của tôi, bà ấy rất thích cô. Chúng tôi sẵn sàng trả cho cô 30 bảng mỗi quý. Vậy là 120 bảng một năm, ấy là để đền bù những bất tiện nho nhỏ do tính kỳ quặc của chúng tôi gây ra cho cô. Dù sao, đó cũng không phải là những đòi hỏi quá đáng! Nhà tôi rất thích màu xanh và bà ấy muốn cô mặc áo màu này mỗi sáng. Tuy nhiên, cô không cần bỏ tiền mua sắm, vì chúng tôi có sẵn một cái như thế trước đây của con gái tôi. Alice hiện nay đang ở Philadelphia.

Mặt khác, về chỗ ngồi hay nơi cô đi đứng, chúng tôi sẽ chỉ cho cô, cô sẽ không gặp bất tiện gì đầu. Về bộ tóc, tôi rất tiếc nhưng tôi cương quyết giữ nguyên quyết định. Tôi hy vọng rằng số thù lao tăng lên sẽ đền bù được sự mất mát đó! Về phần đứa bé, công việc của cô sẽ rất nhẹ nhàng. Cô cố gắng đến với chúng tôi nhé, tôi sẽ đem xe đón cô ở Winchester. Xin cho tôi biết giờ xe lửa khởi hành.

Chúc cô mạnh khỏe.

Jephro Rucastle"

Đó là nội dung bức thư. Và tôi đã quyết định nhận lời. Tuy vậy, trước khi lao vào khoảng không, tôi muốn ông cho một lời khuyên.

- Nhưng, thưa cô, nếu cô đã quyết định rồi thì đâu còn vấn đề gì nữa!

- Có phải là ông khuyên tôi nên từ chối?

- Đó không phải là chỗ tôi mơ ước cho cô em gái của tôi, nếu tôi có một đứa em gái.

- Điều đó có nghĩa gì, thưa ông Holmes?

- Chẳng có một dữ kiện nào cả, nên tôi không thể nói gì hơn. Nhưng có lẽ cô cũng có ý kiến riêng chứ?

- Tôi thấy ông Rucastle có vẻ là người tốt và lịch thiệp, nhưng có lẽ vợ chồng họ có những sở thích ngông cuồng nên ông ta nhượng bộ cho gia đình được êm ấm và để tránh những bất trắc có thể buộc phải đưa bà Rucastle vào viện an dưỡng. Giả thiết của tôi có vô lý không?

- Chẳng những không vô lý; mà còn là giả thiết có nhiều khả năng nhất. xem xét về mọi mặt thì một cô gái trẻ hẳn không lấy gì làm dễ chịu trong gia đình này.

- Nhưng còn tiền lương, ông Holmes ơi!

- Vâng, đúng vậy. Tiền thù lao cao, rất cao! Chính điều đó làm cho tôi khó chịu! Tại sao họ lại trả cho cô 120 bảng. Trong khi họ có thể mướn bất kỳ ai với giá 40 bảng?

- Bởi vậy tôi đã rất có lý, khi đến đây hỏi ý kiến của ông. Tôi yên tâm biết bao khi ông biết sẽ ủng hộ tôi.

- Tôi ủng hộ cô! Tôi sẽ hết sức chú ý tới câu chuyện này. Hãy thật lòng nói cho tôi biết cô có cảm thấy bất an, hay nguy hiểm gì không?

- Nguy hiểm? Ông dự đoán có nguy hiểm?

Holmes lắc đầu, nghiêm nghị nói :

- Nguy hiểm không còn nữa, nếu ta nhận diện được nó. Nói vắn tắt, bất kỳ lúc nào, dù ngày hay đêm, hễ cô gửi một điện tín là tôi sẽ tức tốc tới đó ngay.

- Như vậy, tôi an tâm.

Cô gái đứng dậy, mặt rạng rỡ :

- Tôi ra đi với tinh thần thư thái. Tôi sẽ viết thư ngay cho ông Rucastle; chiều nay tôi đi cắt tóc; ngày mai tôi sẽ có mặt ở Winchester.

Cô nói lời cám ơn, chúc sức khoẻ, rồi ra về. Lắng nghe tiếng chân nhanh nhẹn, vững chắc của cô gái đang đi xuống cầu thang, tôi nói :

- Ít ra cô ta cũng có vẻ biết cách xoay xở.

- Chỉ trong một thời gian ngắn thôi, cô ta sẽ cầu cứu với chúng ta.

Mười lăm ngày đã trôi qua. Trong thời gian này, tâm trí tôi cứ hướng về "Những cây dẻ đỏ". Tôi tự nhủ cô gái đang dấn thân vào một cuộc phiêu lưu kỳ lạ biết bao. Số tiền lương cao bất thường, những điều kiện kỳ quặc, công việc nhẹ nhàng (theo lời người cha hứa), tất cả những cái đò cho thấy một điều gì đó không bình thường. Điều gì đó là do tính tình kỳ quặc hay có một âm mưu? Ông kia là một kẻ thương người hay là một tên vô lại? Về phần Holmes, tôi nhận thấy đôi khi anh trầm ngâm hàng mấy giờ liền. Và mỗi khi tôi nhắc tới cô gái, anh khoát tay ngắt lời: "Tôi chờ tin tức. Những dữ kiện! Không thể làm bánh nếu không có bột?". Anh rít lên nho nhỏ rằng nếu là em gái thì anh không chịu để cô nhận một chỗ làrn như vậy.

Chúng tôi nhận được điện tín vào một buổi tối, bấy giờ đã khuya. Holmes mở phong bì, liếc qua bức điện tín rồi ném cho tôi :

- Anh hãy kiểm tra lại giờ tàu chạy.

Bức điện tín rất ngắn :

"Vui lòng có mặt ở khách sạn "Thiên nga đen" ở Winehester lúc 12 giờ trưa. Tôi kiệt sức. Hunter".

Khi tôi đọc xong, Holmes hỏi :

- Anh đi với tôi chứ?

- Tôi không mong mỏi gì hơn.

- Vậy cho tôi biết giờ tàu khởi hành.

- Có một chuyến lúc 9 giờ rưỡi tới Winchester lúc 11 giờ rưỡi.

- Tốt lắm.

Vào lúc 11 giờ ngày hôm sau, chúng tôi đã gần tới thủ đô của nước Anh. Holmes nấp sau một đống nhật báo suốt cuộc hành trình, nhưng sau khi qua khỏi địa phận Hampshire, anh chui ra ngắm cảnh. Bầu trời xanh nhạt, những đám mây trong, trôi êm ả từ tây sang đông, mặt trời chói lọi, có thể ngửi thấy mùi nhựa sống trong không khí. Vạn vật mời gọi con người hoạt động. Trên những cánh đồng trải dài đến các ngọn đồi quanh Aldershot, những mái ngói đỏ tươi hoặc trắng xám của các trang trại in hình lên màu xanh lá mới.

- Tươi mát và xinh đẹp tuyệt vời, có phải không? - Tôi bất giác thốt lên, với sự phấn khởi của người thường giam mình trong thành phố. Holmes khẽ gật đầu.

- Anh có biết không, Watson. Đầu óc tôi bị ám ảnh đến nỗi cứ nhìn mọi vật dưới khía cạnh nghề nghiệp. Tôi cũng nhìn thấy những ngôi nhà đó như anh, nhưng chỉ có một ý nghĩ độc nhất ở trong đầu tôi. Chúng ở lẻ loi quá, hẻo lánh quá, nên tội ác xảy ra ở đây dễ dàng thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

- Trời đất ơi! - Tôi nói lớn, giận hờn - Tại sao anh lại ghép chung tội ác với những tổ ấm thân thiết kia?

- Những ngôi nhà như vậy luôn luôn làm tôi kinh sợ. Dựa theo kinh nghiệm, tôi có cảm giác những con hẻm tồi tàn nhất ở Luân Đôn còn ít chứa chấp tội lỗi hơn cánh đồng xinh tươi này!

- Anh làm tôi kinh hãi đấy, Holmes.

- Lý do thật hiển nhiên. ở thành thị, áp lực của dư luận có thể làm được điều mà pháp luật phải bó tay. Không có nơi nào ở Luân Đôn mà tiếng kêu than của một đứa trẻ bị hành hạ, tiếng đấm đá của một anh chàng say sưa lại không làm nổi dậy lòng bất bình của hàng xóm. Và bộ máy pháp luật ở gần người dân đến nỗi một lời tố giác yếu ớt cũng buộc nó phải vận động: từ chỗ phạm tội tới vành móng ngựa chỉ có một bước ngắn; còn những ngôi nhà lẻ loi này, anh hãy nhìn kỹ đi? Mỗi nhà rào kín trong khu đất của mình, trong đó phần đông là những người nghèo khó, không thông hiểu pháp luật. Những hành vi thô bạo có thể diễn ra tự do mà không ai hay biết. Nếu cô gái đang cầu cứu chúng ta đang sống ở Winchester thì tôi không lo ngại gì hết. Năm dặm ngăn cách cô ta với thành phố làm tôi không yên. Chỉ còn may một điều là bản thân Hunter chưa bị đe doạ...

- Chắc chắn Hunter không bị đe doạ! Nếu cô tới gặp chúng ta ở Winehester được, thì có nghĩa là cô còn được tự do đi lại.

- Đúng vậy.

- Vậy thì có vấn đề gì? Anh có thể giải thích cho tôi không?

- Tôi có cả thảy bảy giải pháp riêng biệt, mỗi giải đáp phù hợp với những sự kiện như chúng ta đã biết, chỉ còn phải tìm xem giải đáp nào là đúng. A! Đây là tháp chuông nhà thờ lớn, chúng ta sắp gặp cô em rồi.

Khách sạn "Thiên nga đen" là một quán trọ nổi tiếng, gần nhà ga. Chúng tôi gặp ngay cô giáo, và bữa điểm tâm đã sẵn sàng. Cô reo lên :

- Tôi sung sướng biết bao, khi thấy các ông tới. Các ông thật tốt! Nói thật tình, tôi không biết phải làm sao nữa, nên mới cầu cứu.

- Nói ngay chuyện gì đã xảy ra!

- Vâng. Tôi phải nói gấp vì tôi phải trở về trước ba giờ

- Cô hãy kể theo thứ tự - Holmes nói, vừa ngồi duỗi đôi chân quá khổ về phía lò sưởi, chuẩn bị tư thế thoải mái để nghe chuyện.

- Trước hết, tôi phải nói là tôi không hề bị hai ông bà ấy ngược đãi. Nhưng tôi không hiểu nổi họ, và tôi lo ngại.

- Cô không hiểu cái gì?

- Nguyên nhân hành động của họ...

"Khi tôi tới đây thì ông Rucastle đã có mặt với chiếc xe, và đưa tôi về. "Những cây dẻ đỏ" quả là một địa điểm tuyệt vời, nhưng ngôi nhà thì không đẹp, nó là một khối vuông đồ sộ loang lổ. Chung quanh là ruộng, những rừng cây mọc ở cả ba phía. Phía còn lại là một cánh đồng dốc thoai thoải chạy xuống quan lộ đi Southampton, con đường này vòng lại cách cổng trước độ 100 yard. Miếng đất đó thuộc sở hữu của ông Rucastle, còn rừng cây là của huân tước Southerton. Mấy đám cây dẻ đỏ mọc trước cổng, nên trang trại được gọi là "Những cây dẻ đỏ".

Ông chủ giới thiệu tôi với bà chủ và cậu con vào buổi chiều. Và tôi đã lầm, thưa ông Holmes: bà Rucastle không phải là người điên. Bà ít nói, mặt trắng bệch, trẻ hơn ông chồng nhiều. Nghe họ nói chuyện, tôi biết họ lấy nhau đã bảy năm, rằng lúc đó ông ta góa vợ và đứa con duy nhất của người vợ trước là cô gái đang sống ở Philadelphia. Ông Rucastle cho tôi biết sở dĩ cô ấy bỏ đi vì không hòa thuận với kế mẫu. Vì cô ấy chỉ vào khoảng 20 tuổi nên tôi hiểu là cô ta không cảm thấy thoải mái với người dì ghẻ của mình. Bà Rucastle không có cảm tình mà cũng không ác cảm với tôi. Rõ ràng bà ta rất yêu chồng và đứa bé. Ông chủ rất lịch sự với vợ, dường như họ rất hòa hợp và hạnh phúc. Tuy thế, bà ấy giấu kín một nỗi u sầu bí mật. Bà thường ngồi trầm tư, ánh mắt buồn rầu. Nhiều lần tôi thấy bà khóc một mình. Tôi tưởng bà khổ tâm vì tính nết của đứa con hư đốn. Thì giờ của nó dành cho những ham mê man dại xen với những cơn hờn dỗi. Thú tiêu khiển ưa chuộng nhất của nó là hành hạ những con vật yếu đuối: nó bắt chuột nhắt, những con chim nhỏ và côn trùng. Nhưng tôi không muốn dài dòng về chú bé này vì thực sự nó ít liên quan đến câu chuyện của tôi".

- Tôi muốn biết hết mọi chi tiết, cả những chi tiết mà cô thấy là vô vị.

- "Điều bực bội duy nhất ở trong nhà này, là thái độ của hai gia nhân: họ là một cặp vợ chồng. Anh chồng Toller là một người thô lỗ, có mái tóc hoa râm, lúc nào cũng sặc sụa mùi rượu. Bà vợ là một người cao lớn, mạnh mẽ và là một người đàn bà khó ưa.

Trong hai ngày đầu, cuộc sống thật dễ chịu. Sáng sớm ngày thứ ba, bà chủ xuống nhà ngay sau khi ăn điểm tâm. Bà thì thầm vài tiếng bên tai ông chồng.

- Ừ, ừ! - Ông chồng vừa trả lời vợ vừa quay sang tôi - Thưa cô Hunter, chúng tôi rất biết ơn cô đã cắt tóc ngắn. Bây giờ chúng ta sẽ thử xem cái áo màu xanh kim quýt có vừa với cô không. Cái áo trên giường của cô.

Cái áo đã có người mặc qua. Tuy vậy, nó rất vừa vặn với khổ người tôi. Hai ông bà Rucastle đều rất hài lòng. Họ chờ tôi trong phòng khách có ba cửa sổ lớn. Một chiếc ghế đã được đặt sẵn gần bên cửa sổ giữa, lưng ghế quay ra phía ngoài ánh sáng. Họ yêu cầu tôi ngồi lên đó. Bấy giờ ông Rucastle vừa đi ngang dọc phòng khách vừa kể lể những chuyện khôi hài mà tôi chưa bao giờ được nghe. Tôi cười nôn ruột. Bà chủ chỉ mỉm cười vài lần. Bà ngồi khoanh tay trước ngực, mắt buồn bã, lo âu. Khoảng một giờ sau, ông thấy đã tới giờ làm việc, nói rằng tôi có thể đi thay áo và dạy học.

Hai ngày sau, cảnh đó lại diễn ra tương tự. Một lần nữa, tôi lại đi thay áo, một lần nữa người ta lại yêu cầu tôi ngồi gần cửa sổ. Và một lần nữa tôi lại cười chảy nước mắt vì những câu chuyện của ông chủ. Rồi ông đưa cho tôi một quyển tiểu thuyết, khẽ xoay chiếc ghế tôi đang ngồi cho tôi khỏi chói mắt và yêu cầu tôi đọc to lên. Tôi bắt đầu đọc chừng 14 phút, ông bảo tôi dừng lại, và ra lệnh cho tôi đi thay áo.

Tôi để ý là họ hết sức quan tâm về việc phải ngồi quay lưng về phía cửa sổ. Tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ. Sẵn cái gương cầm tay của tôi bị vỡ, tôi lấy một mảnh giấu trong khăn tay. Ngay giữa một tràng cười, tôi đưa khăn lên ngang mắt và khéo léo nhìn xem có cái gì ở phía sau lưng mình. Tôi thất vọng: chẳng có gì cả.

Lần thứ hai, tôi thấy một người đàn ông trên đường đã nhìn trộm tôi.

- Một người bạn của cô, phải không? - Ông chủ hỏi.

- Không đâu! Tôi không quen ai ở đây.

- Chúa ơi! Trơ tráo thật! Tôi xin cô quay lại và ra hiệu cho anh ta đi đi!

- Làm như không nhìn thấy anh ta có hay hơn không? - Tôi đưa ra ý kiến.

- Không, không nên! Anh ta sẽ la cà mãi ở đây. Tôi xin cô, cô hãy quay lại và ra hiệu cho anh ta đi đi! Làm như thế này này!

Tôi làm theo lời ông ta trong khi bà chủ kéo rèm.

Chuyện đó cách đây một tuần. Từ ngày đó chưa bao giờ tôi lại phải ngồi bên cửa sổ, chưa bao giờ tôi phải mặc chiếc áo xanh và chưa bao giờ tôi thấy lại người đàn ông".

- Cứ tiếp tục đi cô giáo. - Holmes nói - Câu chuyện hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn.

"Ngay hôm tôi tới, ông Rucastle có dẫn tôi đến một gian nhà phụ, bên cạnh nhà bếp. Khi tới gần, tôi nghe có tiếng xích sắt khua và tiếng một con vật to đang trở mình.

- Cô hãy nhìn vào xem! Nó có đẹp không? - Ông Rucastle chỉ vào một khe hở giữa hai tấm ván. Tôi nhìn vào, thấy một cặp mắt sáng và một hình thù mơ hồ trong bóng tối.

- Đừng sợ! - Ông chủ vừa nói vừa cười khi tôi lùi lại một bước - Đó là Carlo, con chó chăn bò. Nó chỉ tuân lệnh lão Toller. Chúng tôi chỉ cho nó ăn mỗi ngày một bữa, nên nó rất hung dữ. Ban đêm, Toller mới thả nó ra. Vô phúc cho tên lang thang nào bén mảng vào nhà tôi. Ban đêm, cô chớ có ra khỏi nhà, có thể nguy hiểm đấy.

Hai đêm sau, vào lúc 2 giờ sáng, tôi tình cờ nhìn qua cửa sổ, trăng sáng vằng vặc, lối đi trước nhà lung linh ánh bạc. Vẻ đẹp bình yên của cảnh vật xâm chiếm tâm hồn tôi, nhưng tôi vẫn nhận biết có cái gì đó cựa quậy trong đám cây dẻ. Khi cái hình thù đó ra khỏi bóng cây, tôi thấy rõ đó là một con chó khổng lồ, to bằng một con bê, răng nanh dài, mõm đen, gầy trơ xương. Nó bằng ngang lối đi và mất hút vào bóng tối. Tôi lạnh toát cả người.

Bây giờ tôi xin kể ông nghe một chuyện kỳ dị. Như ông biết, tôi đã cắt tóc ở London và mang những lọn tóc đó theo, kết lại thành một cuộn. Một buổi tối, lúc thằng bé đã đi ngủ, tôi xem xét đồ đạc trong phòng và sắp xếp lại quần áo. Có một cái tủ cũ, hai ngăn trên trống và không khoá, ngăn dưới cùng khóa kín. Tôi xếp quần áo vài hai ngăn trống mà vẫn còn thừa nên tôi hơi bực bội, vì không sử dụng ngăn thứ ba được. Tôi tự nhủ có lẽ người ta đã khóa tủ do lơ đãng, nên tôi lấy chùm chìa riêng mở thử.

Cái chìa đầu tiên đã mở được ngay: trong ngăn kéo đó chỉ chứa một vật duy nhất: bộ tóc. Tôi cầm lên, quan sát. Cũng một màu hơi đặc biệt, cũng mai mại. Nhưng đột nhiên tôi biết ngay đó không phải là tóc của tôi, vì làm sao nó lại ở đây được? Tay run run, tôi mở rương và thấy bộ tóc của mình vẫn còn nguyên ở đáy rương. Tôi đặt hai bộ tóc bên nhau và thấy chúng giống hệt. Tôi suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu gì cả. Tôi đặt "bộ tóc lạ" vào chỗ cũ và không hé môi với ai về chuyện này. Sự thật, tôi đã có lỗi khi mở một cái ngăn kéo có khoá.

Thưa ông Holmes, ông có thể nhận thấy rằng tôi có óc quan sát tự nhiên. Vì vậy nên chẳng bao lâu tôi đã thuộc lòng sơ đồ ngôi nhà. Có một căn phòng dường như không có người ở, ở đó có một cánh cửa đối diện với cửa phòng của vợ chồng Toller, nhưng luôn luôn khoá. Một bữa, khi lên thang gác, tôi chạm mặt ông Rucastle đang từ phòng đó đi ra, tay nắm chìa khóa và nét mặt hầm hầm; ông khóa cửa, và đi qua mặt tôi, không nói một lời, dường như không nhìn thấy tôi vậy.

Việc đó làm tôi đâm ra tò mò, vì vậy khi dẫn thằng bé đi chơi, tôi đi về phía có thể nhìn thấy các cửa sổ của dãy phòng đó. Có bốn cửa sổ: ba cái thì đầy bụi bặm, còn cái thứ tư có cửa chớp kín. Rõ ràng là góc nhà này bị bỏ hoang. Khi tôi lang thang ở đó thì ông Rucastle đi về phía tôi: vẻ tươi cười vui vẻ đã trở lại.

- Xin bỏ lỗi cho tôi khi đi ngang qua cô lúc nãy mà không chào cô. Lúc đó tôi bận quá.

- Thưa ông, không có gì ạ? Nhân đây tôi có nhận xét ông có nhiều phòng bỏ trống quá, một phòng trong số đó có cả cửa chớp che kín nữa.

- Nhiếp ảnh là một trong số những say mê của tôi. Phòng tối đặt ở đó. Nhưng, thưa cô thân mến, cô thật là inột người có mắt quan sát. Ai có thể tin được? Ai có thể tin được chứ?

Ông ta nói bằng giọng đùa cợt, nhưng đôi mắt ông ta nhìn tôi chằm chằm không có vẻ đùa cợt tí nào: ông ta đã nghi ngờ

Từ lúc tôi hiểu rằng cái gì đó ở trong các gian phòng kia thì tôi chỉ còn mơ tới chúng. Tôi có linh cảm rằng nếu tôi đột nhập vào nơi đó, tôi sẽ làm được một điều rất tốt, rất thiện.

Cơ hội đến vào ngày hôm qua. Tôi phải cho ông biết là không chỉ một mình ông Rucastle có việc gì phải làm trong mấy gian phòng vắng đó, mà cả vợ chồng ông Toller cũng có đến đó. Tôi đã thấy Toller mang vào đó một túi vải đen lớn. Gần đây, ông ta uống rượu nhiều và chiều qua ông ta say mèm. Khi lên thang gác, tôi thấy chìa khóa cắm ở cánh cửa đó. Chắc chắn ông ta đã bỏ quên Tôi có một cơ hội tuyệt vời: ông và bà Rucastle đang ở dưới nhà với cậu con. Tôi nhẹ nhàng vặn khoá, mở cánh cửa và lướt thẳng tới đầu kia.

Trước mặt tôi là một hành lang trần trụi, sàn không lót thảm mà tường cũng không dán giấy. Cuối hành lang là một góc ngoặt. Sau góc ngoặt có ba cánh cửa liên tiếp. Cửa thứ nhất và cửa thứ ba thì mở ngỏ, phòng trống, dơ bẩn và u ám. Phòng giữa có khoá: một cái nhíp xe chặn ngang cửa, một đầu móc vào một cái vòng gắn trong tường, đầu kia được buộc dây. Bản thân cánh cửa thì có khóa, nhưng không có chìa khóa trong ổ khoá. Cánh cửa được chặn kỹ đó ứng đúng với cửa sổ có cửa chớp bị bịt kín phía ngoài. Qua khe hở dưới cửa, tôi thấy là phòng có ánh sáng. Hiển nhiên là có một khung cửa kính ở trên cao để cho ánh sáng lọt vào phòng. Trong lúc tôi đang loay hoay trước cánh cửa hắc ám đó, tự hỏi bên trong căn phòng chứa đựng một bí mật gì, thì thình lình tôi nghe có tiếng bước chân trong phòng và qua khe hở dưới cửa, tôi có thể phân biệt được một cái bóng đang đi tới đi lui. Lúc đó tôi sợ quá, tôi quay lưng bỏ chạy. Tôi chạy như có một bàn tay khủng khiếp cố tóm lấy tôi. Tôi vượt qua hết hành lang, đâm bổ ra cửa và... ngã vào tay ông Rucastle.

- Nào, nào! Thế ra là cô? - Ông vừa nói vừa cười - Khi tôi thấy cửa mở, tôi đã ngờ là cô.

- Tôi sợ quá, tôi sợ quá! - Tôi hổn hển nói.

- Ồ, cô thân mến! Tiểu thư thân mến! Nào, việc gì mà cô sợ hãi quá vậy?- Giọng ông ta quá mơn trớn, quá ngọt ngào khiến tôi cảnh giác.

- Tôi dại dột đi vào cái chái vắng vẻ này. Trong đó tối và yên lặng quá, nên tôi đâm sợ. ôi, trong đó yên lặng đến rợn người?

- Chỉ có vậy thôi ư? - Ông ta dò xét.

- Còn thế nào nữa? Ông cho là thế nào?

- Tại sao cô nghĩ rằng cửa này được khóa kín?

- Tôi không biết gì chuyện cửa nẻo cả.

- Tôi khóa cửa chỉ là để những kẻ vô can khỏi chúi mũi vào đấy. Cô hiểu không? - Ông ta vẫn tiếp tục mỉm cười một cách khả ái.

- Nếu tôi biết thế, thì...

- Tốt lắm. Bây giờ thì cô biết rồi. Nếu cô còn đặt chân tới sau cánh cửa này nữa, thì... - Lúc đó nụ cười của ông ta biến thành một cái nhếch mép giận dữ, và ông ta nhìn tôi từ đầu đến chân với bộ mặt của một con quỷ - Thì... tôi sẽ cho con chó ăn thịt cô đấy!

Tôi kinh hoàng đến nỗi không nhớ tôi đã làm gì nữa. Tôi nghĩ là tôi đã chạy nhào về phòng. Tôi không còn nhớ gì hết. Nằm trên giường mà tôi run rẩy cả người. Tất cả mọi người đều làm tôi sợ hãi: ngôi nhà, ông chồng, bà vợ, hai người gia nhân và cả cậu con nữa. Hiển nhiên là tôi có thể bỏ trốn, nhưng sự tò mò cũng mạnh mẽ như sự sợ hãi vậy. Vì thế sau khi gửi cho ông một điện tín, lòng tôi rất nhẹ nhõm. Khi về tới nhà, một mối lo khủng khiếp nảy sinh, nếu họ thả con chó rồi thì sao? Nhưng tôi nhớ là Toller đang say bí tỉ, và anh ta là người duy nhất trong nhà có thể sai khiến con vật và có phận sự thả nó ra. Thế là tôi chuồn êm vào nhà và đêm qua hầu như tôi không ngủ vì quá vui mừng với ý nghĩ là ông sắp tới đây. Sáng nay họ để tôi đi Winchester mà không làm khó dễ gì; tôi chỉ phải trở về trước ba giờ, vì ông bà Rucastle sẽ vắng nhà cả buổi tôi và tôi phải trông nom cậu con".

Holmes và tôi bị câu chuyện lạ lùng thu hết tâm trí. Khi cô Hunter kết thúc câu chuyện, bạn tôi đứng dậy, thọc tay vào túi áo, đi tới đi lui khắp phòng, nét mặt rất trầm trọng.

- Gã Toller vẫn còn say chứ?

- Vâng. Tôi nghe vợ ông ta phàn nàn với bà Rucastle là chẳng hỏi han gì ông ta được cả.

- Tối nay ông bà sẽ ra khỏi nhà?

- Vâng.

- Nhà có hầm và có khóa?

- Vâng, có hầm rượu.

- Cô đã hành động như một cô gái can đảm và nhạy cảm. Cô có nghĩ là cô có thể làm thêm một việc nữa không?

- Tôi sẽ cố. Tôi phải làm gì?

- Tôi và bạn tôi đây sẽ tới điền trang "Những cây dẻ đỏ" lúc bảy giờ tối. Lúc đó vợ chồng ông Rucastle đã ra khỏi nhà và lão Toller thì vô dụng, tôi hy vọng thế. Chỉ còn bà Toller có khả năng báo động. Nếu cô dụ được bà ta xuống hầm rượu và nhốt bà ta dưới đó, thì công việc của chúng ta dễ dàng đi rất nhiều!

- Tôi sẽ làm được.

- Hoan hô! Trong trường hợp này, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề tận gốc. Chắc chắn chí có một lời giải thích cho trường hợp của cô: Cô được đưa tới "Những cây dẻ đỏ" để thay thế cho một người. Cô giống người đó và người đó đang bị giam cầm. Người bị giam trong phòng kia chắc chắn là tiểu thư Alice. Tóc cô ấy cắt ngắn, và bộ tóc trong ngăn kéo thứ ba là tóc của Alice. Người đàn ông trên đường có thể là một người bạn, có thể là hôn phu của Alice. Cô mặc chiếc áo xanh của Alice, tóc cũng giống như Aliee và có cử chỉ xua đuổi anh ta, nên anh chàng kia tin rằng Alice không còn yêu anh ta nữa. Đêm đêm, con chó chăn bò được thả ra là để ngăn mọi cuộc tiếp xúc với cô gái. Mọi chi tiết hoàn toàn sáng tỏ. Điểm quan trọng trong câu chuyện này là thái độ của cậu con trai.

- Chuyện đó có gì đáng chú ý? - Tôi hỏi.

- Anh Watson, nếu người ta có thể nghiên cứu cha mẹ để đoán ra các khuynh hướng của một đứa bé, thì người ta cũng có thể nghiên cứu đứa bé mà "hiểu được" cha mẹ nó. Những khuynh hướng độc ác của thằng bé này, có thể đã được kế thừa từ người cha "thơn thớt nói cười" của nó, hoặc từ mẹ nó. Chính vì thế mà ta có thể tiên liệu rằng cô gái đáng thương đang bị giam cầm có thể phải chịu nhiều khổ sở.

- Tôi chắn chắn rằng ông nói đúng, ông Holmes - Cô giáo kêu lên - Bây giờ tôi mới nhớ lại nhiều sự kiện chứng tỏ ông đã lần tới được điểm mấu chốt. Mau lên, đừng mất thì giờ nữa. Chúng ta phải cứu cô gái đó!

* * * * *

Bảy giờ chúng tôi có mặt ở đám cây dẻ đỏ. Cô giáo tươi cười tiếp đón chúng tôi.

- Cô đã thu xếp được chưa? - Holmes hỏi. Một tiếng động trầm trầm, mơ hồ phát ra từ dưới lòng đất.

- Các ông vừa nghe bà Toller cử động dưới hầm rượu đó. Còn chồng bà ta thì đang ngáy ầm ĩ trong nhà bếp. Chìa khóa đây.

- Tuyệt vời! - Holmes phấn khởi nói - Cô dẫn đường.

Chúng tôi lên cầu thang, mở cánh cửa cấm, đi theo một hành lang và tới trước căn phòng mà cô giáo đã mô tả. Holmes cắt dây và gạt thanh sắt chặn sang một bên. Lấy chìa khóa thử mở cửa, nhưng không mở được.

Bên trong không có một tiếng động. Sự im lặng đó làm mặt Holmes tối sầm lại. Anh nói :

- Chúng ta tới quá trễ! Cô đừng vào, Watson, anh kê vai phụ đẩy cánh cửa với tôi.

Cánh cửa đã bị mọt ăn nên chúng tôi phá ra dễ dàng. Chúng tôi cùng lao vào phòng. Phòng trống trơn. Khung cửa kính trên cao mở rộng: người nữ tù đã đi rồi.

- Đáng giận thật! Tên tinh ma ấy đã đoán được ý định của cô Hunter nên đã dời tù nhân đi chỗ khác - Holmes nói.

- Nhưng bằng cách nào?

- Qua khung cửa kính. Ta sẽ qua đó xem.

Holmes đu mình lên mái nhà, nhanh như một con sóc.

- Đây rồi - Anh la lên - Có một cái thang dài đưa xuống hầm rượu. Tôi hiểu ra rồi.

- Không thể thế được? - Cô giáo nói - Lúc ông bà ấy ra đi thì không có cái thang ở đó.

- Vậy thì ông ta đã trở lại và ông ta đã dựng cái thang. Tôi đã nói rằng ông ta là một người nguy hiểm mà! Anh Watson, anh lên đạn khẩu súng đi, ông ta đang tới kìa.

Holmes vừa dứt lời thì một người đàn ông xuất hiện ở cửa: một người to mập, có vẻ rất khỏe mạnh, tay cầm một cây gậy bự. Khi trông thấy ông ta, cô Hunter rú lên, nhưng Holmes đã nhảy tới, đối mặt với ông ta.

- Này, tên cướp. Con gái của anh đâu?

Con người to bự kia nhìn quanh mình, rồi nhìn lên khung cửa kính. ông ta thét :

- Chính ta mới có quyền hỏi các người. Quân trộm cướp! Quân gián điệp và trộm cướp! Ta bắt được chúng bay rồi. Chúng bay đang ở trong tay ra! Được lắm, ta sẽ lo cho chúng bay.

Ông ta tháo lui và chạy xuống thang.

- Ông ta đem chó đến! - Cô giáo rên rỉ.

- Tôi có súng. - Tôi nói, để trấn an cô.

- Đóng cửa lại! - Holmes la lên.

Chúng tôi chạy xuống thang. Vừa tới cửa thì nghe có tiếng chó sủa, rồi có tiếng gào khủng khiếp và tiếng vật lộn ầm ầm. Một người đứng tuổi, gương mặt đỏ gay và tay chân run rẩy đang lảo đảo tiến ra từ một cửa hàng.

- Trời ơi! Ai đã thả con chó ra rồi? - Ông ta kêu thét lên - Đã hai ngày nay nó chưa ăn. Mau lên, mau lên kẻo trễ mất.

Holmes và tôi lao ra ngoài và chạy vòng ngôi nhà. Toller chạy theo sau. Cái mõm đen ngòm của con vật đang cắn vào cổ họng của ông Rucastle. Tôi nhảy tới bắn vỡ sọ con vật. Chúng tôi phải khó nhọc lắm mới gỡ người chủ nhà ra khỏi hàm răng của con chó và mang ông ta vào nhà, đặt lên trường kỷ. Toller giờ đã tỉnh rượu. Tôi bảo Toller thả vợ anh ta ra, và săn sóc cho ông Rucastle. Bỗng nhiên cánh cửa bật mở: một người đàn bà dữ tợn đi vào.

- Bà Toller! - Cô giáo la lên.

- Phải. Ông Rucastle đã thả tôi ra khi ông ấy vừa quay về nhà. Thật là đáng tiếc, thưa cô Hunter, cô đã mất thì giờ vô ích!

- Tôi thấy dường như bà Toller biết rõ câu chuyện hơn bất cứ ai ở đây - Holmes nói.

- Phải, tôi biết rõ và tôi sẵn sàng nói ra tất cả.

- Vậy, mời bà ngồi đây và nói đi. Còn vài điểm tôi chưa chắc lắm.

- "Có lẽ tôi đã kể cho các ông nghe sớm hơn nếu tôi không bị kẹt ở hầm rượu. Khi vụ này ra trước pháp luật xin các ông nhớ cho rằng tôi là người duy nhất đứng về phía các ông và tôi cũng là bạn của cô Alice.

Chưa bao giờ cô Alice được sung sướng ở trong căn nhà này. Nhất là từ khi cha cô tái giá. Người ta khinh rẻ cô, cô không có quyền có ý kiến. Nhưng mọi chuyện hỏng cả khi cô gặp gỡ ông Fowler ở nhà bạn bè. Theo chỗ tôi biết, cô Alice có một phần tài sản thừa kế do mẹ cô để lại, nhưng cô giao quyền lợi của mình cho người cha. Người cha biết rằng ông ta không gặp khó khăn gì với cô con gái. Nhưng nếu cô lấy chồng và nếu người chồng đòi hỏi những quyền lợi hợp pháp của mình, thì ông bố sẽ sạt nghiệp. Vì vậy ông ấy ép cô gái ký một văn tự nhượng mọi quyền lợi cho cha, dù cô có lấy chồng hay không. Khi cô ấy từ chối, ông quát mắng một trận đến nỗi cô gái uất ức và ngã bệnh suýt chết. Rồi cô bình phục, từ đó cô như một cái bóng, và người ta đã cắt tóc cô. Nhưng tất cả những chuyện đó không làm thay đổi tình cảm của chàng trai".

- Cảm ơn bà có lòng tốt cho biết nội vụ một cách rành mạch - Holmes nói - Tôi có thể suy ra phần sau của câu chuyện: Sau đó người cha quyết định giam cô gái vào một chỗ kín đáo, phải không?

- Thưa ông, đúng vậy.

- Và ông ta đưa cô Hunter từ London về đây để tìm cách tống khứ anh chàng cứng cổ Fowler phải không?

- Thưa ông, đúng vậy.

- Nhưng cái gã si tình tài giỏi ấy đã bao vây nhà này, anh ta có gặp bà, đã thuyết phục bà, dùng lời lẽ cảm động hoặc đe doạ, cuối cùng đã làm cho bà thấy được là quyền lợi của anh ta cũng có nghĩa là quyền lợi của bà.

- Ông Fowler là một người rất lễ độ, rộng lượng - Bà Toller thản nhiên xác nhận.

- Và anh ta sắp đặt để cho bà thực hiện: làm sao cho ông Toller luôn luôn say mèm, làm sao cho có được một cái thang vào lúc ông bà chủ vắng nhà, có phải không?

- Chính xác như vậy.

- Xin cảm ơn bà. Bà đã làm sáng tỏ mọi chuyện. Kìa bà Rucastle đã về, cùng với một ông y sĩ. Hãy để cho họ săn sóc ông Rucastle, còn chúng ta đưa cô Hunter trở lại London.

Vậy là câu chuyện bí ẩn về "Những cây dẻ đỏ" kết thúc. Ông Rucastle vẫn còn sống, nhưng ông ta chỉ còn là một cái bóng vật vờ, phải nương tựa vào bà vợ. Họ vẫn giữ những gia nhân cũ tại nhà. Ông Fowler và Alice đã lấy nhau và sang lập nghiệp ở đảo Mauritius. Cô Hunter thì điều khiển một trường tư thục ở Walsall và tôi tin rằng cô sẽ thành công.

________________________________________

[1] Nguyên văn: The Copper Beeches

HẾT

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro