2. Mộng đẹp như ngọc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cứ đều đặn như thế, mỗi ngày giao báo xong Viên Nhất Kỳ sẽ luôn tìm đến phòng trà Lưu Ly nhìn cô đào từ xa. Nhiều lúc suất hát của cô đào đắt giá này là giữa khuya đến tận sáng, khi Hứa Dương Ngọc Trác ngủ say nó sẽ lén chuồn ra ngoài. Những lần đó tôi đều tóm gáy được nó

Có đêm Viên Nhất Kỳ không ngủ được thế là cùng tôi ngồi ở ban công, nó thủ thỉ bên tai tôi nhiều điều về nàng đào. Từ những lần gặp nhau thoáng qua trong phòng trà khi cô đào đang hát hoặc những lần cô xong việc trở về. Mỗi lần Viên Nhất Kỳ nhắc đến cô đào lại ba bốn lần bảo tôi đừng tiết lộ cho Hứa Dương Ngọc Trác rằng nó vẫn còn thầm thương trộm nhớ người ta

Nó nói cô đào kiêu sa nhất là khi hát, cô làm hồn xác nó điên đảo, thổn thức từng đêm như thế. Sự ngạo nghễ coi thường ánh nhìn của đám đàn ông khi cô ngồi vắt chéo một bên chân trên bàn rượu, tay cầm ly thủy tinh rỗng đung đưa tự khắc sẽ có người vây đến dâng chai rượu rót vào ly cô. Khi bước xuống sân khấu, nó vẫn thấy cô xinh đẹp lạ thường khi thoát khỏi vỏ bọc ngạo ngạnh cùng lớp phấn son lấp lánh. Cô vận cái áo cổ tròn, tóc tết đuôi sam, bước từng bước xuống phố chợ nhộn nhịp chẳng mảy may đáp trả một cái nhìn nào

Cái gì càng giữ gìn, càng kín đáo thì càng đánh động vào lòng tự ái của đàn ông, kích thích trong sự chiếm đoạt bằng bản tính ham muốn vật lạ. Cô ấy vẫn là cô đào số một mà cánh đàn ông muốn săn đón đến cùng

Vì là ca kỹ đắt giá nên cô chưa từng về nhà một mình, lúc nào cũng có người theo cận kề đưa đón như bà hoàng nên Viên Nhất Kỳ chỉ đứng nhìn cô phía xa thật khẽ, tránh phiền đến cô

Lưu Thiến Thiến nói đúng, phòng trà của ả không giống như những nơi ca kỹ cũng như kỹ nữ. Những lần các cô đào kết thúc buổi biểu diễn sẽ luôn có xe đưa đón về nhà chứ không phải các tay chơi phả khói thuốc ngỏ lời trả cho các cô một đêm hai đêm. Thế nên các đào hát vẫn hoàn đào hát, hoàn toàn không một chút lem son. Có lẽ Lưu Thiến Thiến đã đặt số phận vụt thoáng của ả lên các cô đào để họ được sống trọn vẹn với đam mê kiều diễm, không sớm nở tối tàn, không hồng nhan bạc mệnh

Một ngày nọ, Viên Nhất Kỳ xồng xộc xô cửa xông vào nhà, hai mắt ướt mèm, sóng mũi đỏ ngầu vì khóc. Trong nhà chỉ có tôi đang dọn dẹp, Hứa Dương Ngọc Trác đi học, Khương Sam chưa về nhà. Nó thấy tôi thì òa khóc to hơn

- Em sao vậy?

Tôi vuốt lưng vỗ đầu Viên Nhất Kỳ đang ôm chặt tôi khóc lấy khóc để. Khóc chán chê, nó buông ra nhìn tôi với cặp mắt đầy nước, từng tiếng nấc vang dần sau hàng mi cay xè rồi lại khóc to. Tôi dìu nó ngồi xuống ghế nhưng nó vẫn chưa thôi khóc. Tôi bất lực, nghĩ đến chuyện cầu cứu Khương Sam nhưng làm sao để tìm cậu ấy bây giờ. Tôi đành để nó khóc tới chán thì ngưng. Nó khóc đến rã rời thì thiếp đi

Khương Sam vào nhà thấy nó ngủ lăn dài trên ghế còn tôi thì loay hoay tìm cây viết làm rơi đâu mất. Khương Sam về làm tôi mừng như bắt được vàng, tôi kể hết chuyện Viên Nhất Kỳ khóc lóc ra sao cho cậu ấy

- Còn việc gì đáng khóc hơn cô đào kia!

Khương Sam lại gần nhìn vào gương mặt khô cằn nước mắt của Viên Nhất Kỳ, vỗ vai gọi nó dậy. Nó từ từ mở mắt, tôi hỏi thăm lần nữa thì nó lại òa lên, sụt sùi cái mũi vào tay áo rồi lại bắt đầu mếu máo. Khương Sam không nói không rằng, chìa xấp báo mới toanh còn thơm phức mùi mực in đến phía trước. Đập vào mắt tôi là trang bìa với dòng chữ in đậm nổi bật

NỮ THẦN SÂN KHẤU PHÒNG TRÀ LƯU LY NGỒI XE CÙNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG LẠ MẶT

Kèm theo bức ảnh trắng đen của một thiếu nữ ăn vận kín đáo, đi theo sau là một người đàn ông đội chiếc mũ rộng vành che kín khuôn mặt. Ảnh rất mờ, nhòe nét, tôi không dám khẳng định thiếu nữ này có phải là cô đào đó hay không

Tiêu đề trang báo này cũng thật là quá thám phóng cho những cụm từ nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng đến dư luận

Khương Sam cười nửa miệng:

- Đã bảo mà không nghe, đám người buôn son bán phấn!

Khương Sam đập phịch xấp báo sớm xuống bàn, đánh mắt về phía tôi

- Sáng nay nó khóc lóc chạy vội đến tìm tớ, chưa kịp hỏi han thì nó đã ném đống báo ở quầy nước rồi chạy đi đâu mất. Lão bản nói hôm nay nó không giao báo nên người ta đuổi việc, tớ vừa đền đủ số báo này tức thì!

Rồi hậm hực nhìn Viên Nhất Kỳ

- Làm sao em giấu được A Dương!

Đột nhiên cửa nhà cạch một tiếng rồi mở toang. Hứa Dương Ngọc Trác đã về, nàng nhìn Viên Nhất Kỳ chằm chằm không chớp mắt. Nó quay mặt lau vội dòng nước mắt,  đứng dậy quệt tay vào quần vờ chào đón nàng về nhà như mọi hôm

- Chị về rồi, để em....

Nó chưa kịp chạy đến thì nàng đã hừng hừng bước vào, để mấy cuốn sách lên bàn rồi chỉ tay lên xấp báo

- Là thế nào?!

Viên Nhất Kỳ cúi đầu né ánh mắt của Hứa Dương Ngọc Trác, nàng nhìn nó một hồi lâu rồi quay sang hai chúng tôi

- Các cậu nói dối tớ để em ấy lén gặp cô ta bao lâu rồi?!

Tôi đang cố gắng tìm cách phân trần để Hứa Dương Ngọc Trác nguôi giận, Khương Sam dững dưng không nói lời nào, tìm khắp túi quần rồi lấy ra tờ giấy phông trắng phẳng phiu, loại giấy thượng hạng hiếm hoi chỉ những tầng lớp khá giả mới có thể sở hữu

- Có gia trang đang tìm hầu trông trẻ, để nó làm ở đó tránh được việc gặp lại cô ta

Tôi đứng trơ mắt nhìn Khương Sam, cậu ta tuy nóng tính nhưng quy chung vẫn là người suy nghĩ thấu đáo. Hôm nay Khương Sam lại có chủ ý muốn Viên Nhất Kỳ đi làm hầu, cậu ta không biết hay giả vờ không biết việc làm hầu là điều tồi tệ nhất hay sao?

Viên Nhất Kỳ hốt hoảng, nó lắc đầu lia lịa, quỳ xuống đất ôm chân Hứa Dương Ngọc Trác

- Xin chị đừng bắt em đi hầu!

Nó lay chân nàng năn nỉ không dứt. Nét mặt nàng vẫn không thay đổi, nàng quả quyết

- Tháng sau em làm hầu!

Viên Nhất Kỳ bỗng ngừng khóc, đôi mắt rưng rưng nhìn nàng như không thể tin được, đứng phắc dậy chạy mất. Tôi cũng không tin Hứa Dương Ngọc Trác có khi lại là người vô tình như thế

Sau những bước chân vọng lại là tiếng cửa đóng sầm chói tai. Ba chúng tôi đứng trong nhà, ánh chiều tà ngoài cửa sổ dần buông, đôi vai nhấp nhô đều theo nhịp thở

Viên Nhất Kỳ ngủ một mình trong phòng sau khi tôi tìm được nó ngồi khóc thút thít bên vệ đường vắng. Tôi ngồi ngoài phòng khách với Khương Sam chẳng ai buồn miệng nói chuyện. Hứa Dương Ngọc Trác trong phòng cùng tờ tin tìm hầu, tôi không biết nàng đã ngủ hay chưa

Nghĩ đến Viên Nhất Kỳ sẽ đi làm hầu cho người ta thật khiến tôi không thể chịu nổi. Tôi nói với Khương Sam:

- Nó từng làm hầu cực khổ tới mức nào, cậu cố tình hay vô tình bơi móc vết sẹo của nó?

- Để xem A Dương thế nào - Khương Sam trả lời, mắt không nhìn tôi

- Cậu vừa khiến cậu ấy quyết định vội vã

- Tớ tin A Dương suy nghĩ chu toàn

Tôi im lặng, không nói đến chuyện này nữa vì dường như Khương Sam không muốn tiếp tục trả lời. Tôi đặt trên bàn một cuốn sổ cũ trả lại cho Khương Sam

Ban sáng khi dọn dẹp nhà cửa, tôi đã nhặt được quyển sổ bám bụi dày cui này dưới kệ tủ. Sổ đã bốc mùi mốc ẩm của giấy cũ, khô cứng, có tiếng răng rắc giòn tan khi mở sổ. Tôi thổi phù một lớp bụi bay đi thì biết đấy là quyển danh sách lịch trình của Khương Sam, cả danh sách ủy viên của Uỷ ban thường vụ Đại hội do Lưu Thiếu Kỳ là ủy viên trưởng, có cả cái tên Lâm Tư Ý đã bị vết mực đỏ quẹt ngang. Cái tên Lâm Tư Ý này thật sự rất nổi bật lại còn rất đặc biệt làm sao. Mặc dù chuyện qua đã lâu, nhưng khi nghía qua ba từ này thật khó để tôi quên được

Phía dưới dãy nhà chúng tôi từng có một người hàng xóm rất kỳ lạ, hành lý chuyển đến nhà không có gì hơn ngoài chiếc tay nải trên vai, một hộp gỗ thon dài như hộp đựng đàn, chống chiếc nạng đi khập khiễng từng bước rất nặng. Khương Sam nói người đó tên là Lâm Tư Ý, cả hai cùng là ủy viên của Uỷ ban thường vụ Đại hội khi Lưu Thiếu Kỳ kế nhiệm cho đến khi bãi nhiệm, các ủy viên cùng ủy ban hay gọi Lâm Tư Ý là Lão Tứ

Lâm Tư Ý có tạng người gầy như ốm đói vậy mà lại khỏe như hổ khi còn là lính đánh thuê. Khuôn mặt lão rất lì đòn, trong thế trận dày đặc đạn bắn liên hoàn như ong vỡ tổ lại chỉ mình lão ta sống sót kỳ diệu, vết sẹo dài từ mang tai xuống cổ do đạn bay xẹt qua sau lần tập kích thất bại càng làm vẻ ngoài của lão thêm phần gai góc. Lão Tứ từng tham gia nhiều chiến dịch lớn nhỏ với vô số lần vào tù vượt ngục tới khi bị tật thì như hổ mất đuôi, giải ngũ rồi lìa đàn ở lẻ sống yên phận một mình, quanh năm làm bạn với cây đàn và cây nạng

Người dân sinh sống ở đây chưa từng mấy ai nghe giọng nói của lão cũng chưa từng thấy lão trò chuyện với bất cứ ai, không giao du bạn bè, không sang nhà ai và cũng không tiếp khách. Trên tay lão bao giờ cũng khư khư cây nạng. Tôi chỉ nhìn thoáng qua Lâm Tư Ý vừa đủ thấy được vết sẹo cực ấn tượng đó, ngoài ra tôi chưa từng gặp trực tiếp lão, chưa từng nói chuyện cũng chưa từng ngồi cùng ai để bàn tán về lão

Dù mang vẻ lầm lì nhưng khi kéo đàn thì lão trông rất liêu trai. Cứ mỗi khi đêm xuống Lâm Tư Ý sẽ mang đàn nhị hồ ra trước ban công tồi tàn kéo đàn ngắm trăng, hưởng thụ thú vui riêng một mình, bất kể mưa gió gì tôi cũng thấy lão kéo một vài khúc nhạc não nề như lòng ai than oán. Thỉnh thoảng rảnh rỗi Viên Nhất Kỳ mang trà ra ngồi nghe Lâm Tư Ý kéo đàn, nó từng cố thử hỏi lão tại sao thường kéo đàn lúc trăng lên, lão ta chẳng quan tâm đến ánh mắt xung quanh, cứ kéo xong khúc nhạc thì vào nhà. Riết rồi tiếng đàn nhị hồ của Lâm Tư Ý là một phần của khu tập thể cũ này mãi văng vẳng trong đầu tôi. Ai đi ngang qua đây đều nghe tiếng đàn trước khi biết mặt lão

Vì cái vẻ liêu trai thoắt ẩn thoắt hiện đó nên phần lớn người dân chỉ nghe rồi mường tượng ra hình ảnh người nhạc công phong lưu kéo đàn, ít ai biết lão cổ quái này lại có biệt tài làm say sưa lòng người

Cũng có người nói tiếng đàn của Lâm Tư Ý phiền phức vì buồn tủi và sầu khổ trong thời chiến đã quá đủ làm con người ta bị ép xuống đáy vực. Có người mắng lão, có người chẳng quan tâm đàn hát là Hứa Dương Ngọc Trác, có người bênh vực lão là Viên Nhất Kỳ

Viên Nhất Kỳ nói tuy rằng Lâm Tư Ý quái đản nhưng gãy đàn có hồn như thế chắc chắn lão đã từng là nhạc công, mà người là nhạc công cũng là một nghệ sĩ nên có chút không bình thường là chuyện đương nhiên

Đôi lần nhà có thức ăn ngon tôi đều bảo Khương Sam mang sang cho Lâm Tư Ý, Viên Nhất Kỳ hay đòi theo cùng vì trẻ nhỏ thường hiếu kỳ về những thứ bí ẩn và nó cũng thích nghe lão đàn lắm. Ngoại trừ tôi và Hứa Dương Ngọc Trác thì chỉ có Viên Nhất Kỳ đã gặp trực diện Lâm Tư Ý trên dưới ba lần

Khi giai đoạn sùng bái cá nhân của Mao Trạch Đông đang trong đà mở rộng trên toàn Trung Quốc, Khương Sam phát hiện Lâm Tư Ý đã khuất phục phe cấp tiến do Mao Trạch Đông lãnh đạo, lão thẳng thừng tuyên bố "Chủ tịch Mao là một thiên tài" và được Đảng ủy xem lão như là nguồn cơn quyết định mọi sách lược tác chiến ở hậu phương. Một cuộc xô xát xảy ra kịch liệt, cả hai cãi nhau rất to, kích động nhau đến mức Lâm Tư Ý đập vỡ tanh bành cây đàn nhị còn Khương Sam thì giận tím tái mặt mũi, giơ cao nắm đấm rắn rỏi. Viên Nhất Kỳ cực khổ ngăn cản hai người, tôi nghe nó thuật lại một cách rất thái quá:

- Lão Tứ đó bị tật nhưng bản tính người lính chiến trường vẫn còn nhanh nhẹn, lão không vớ được cái ghế thì vớ trúng cái đàn, đập xuống một phát gãy đôi. Rồi lão lại vùng vằng như ngựa điên ấy chị, mất một chân thì dùng nạng đánh Sam Sam. Em không ngồi thụt xuống đã bị lão quơ trúng coi như toi mạng. Sam Sam cũng chẳng vừa gì, may mà chị ấy không mang súng

Lâm Tư Ý dọn đến một mình, khi dọn đi mất cũng chỉ một thân một mình. Cái tính cổ quái của lão bằng mọi giá không chào đón ai nên ngoài Khương Sam thì Lâm Tư Ý rất kín miệng, đến hôm cự cãi người ta mới nghe giọng lão oan oán kèm cả tiếng đập đồ. Vài hôm sau lão bỏ đi, không ai biết lão đi đâu, làm gì chỉ với một bên chân tật nguyền đó

Tôi trả quyển sổ cho Khương Sam vì không biết liệu cậu ấy còn cần dùng đến

- Cậu đốt đi. Nó cũng cũ rồi không còn thông tin bảo mật nào quan trọng dùng được nữa

- Vậy còn tên của Lão Tứ?

- Con gian tế do có chạy tới đâu tớ cũng sẽ moi ra, còn không thì trời tru đất diệt nó!

Khương Sam hậm hực đập tay xuống bàn. Cậu ấy muốn tìm tung tích của Lâm Tư Ý bàn giao cho Trung ương Đảng. Tạm thời Lâm Tư Ý đã cao chạy xa bay, không có đủ bằng chứng để phát lệnh truy nã nên Khương Sam vẫn còn ôm hận trong lòng, từng ngày từng tháng vẫn miệt mài lục tung cả Trung Quốc để tìm cho bằng được Lâm Tư Ý

Đồng hồ tít tót điểm mười hai giờ đêm, Khương Sam đã ngủ, lại thêm một đêm tôi không thể chợp mắt. Màn đêm yên tĩnh như châm vào đầu óc tôi một mớ những điều xa vời. Tôi nằm trên phản gỗ chợt nghĩ về nhiều điều, về Khương Sam, Hứa Dương Ngọc Trác và Viên Nhất Kỳ. Không biết có phải mọi điều trên đời đều đan xen như thế không

Trước cuộc cao trào khủng hoảng từ phong trào thổ cải năm ấy phủ tối cả Quảng Châu, trước khi gia đình tôi vẫn chưa lụi bại, gia cảnh nhà tôi xuất phát từ việc làm nông, sản xuất lúa gạo và cho thuê điền viên mà trở nên khấm khá. Gia đình tôi là điền chủ hơn một trăm công ruộng ở miền quê Quảng Châu, đồng xu xỏ thành dây chuyền, vòng tay, túi thơm nặng ịch vàng nén, tiền giấy xếp thành chồng thành lớp, các bần nông ra vào nộp lúa thường thấy họ hàng gia đình tôi đếm tiền xoành xoạch mỗi khi đến mùa bội thu. Những điền chủ đều có chung một kết cục thảm hại trong giai đoạn cải cách khi trước, trong số đó có cả gia phả nhà tôi

Sau này, cụ thể hơn là đến đời của tôi thì không còn gì cả, kể cả một xu tiền tôi cũng chưa bao giờ được thấy cho đến khi tôi mười tuổi. Tôi chỉ được nghe mẹ kể lại như một câu chuyện ru tôi ngủ mỗi đêm, mẹ còn kể về những chèn ép của gia đình khi ông nội đã chỉ định cha tôi sẽ là người thừa kế tài sản

Cha tôi là đích tôn nhưng mệnh yểu, từ nhỏ đã sống cùng bệnh tật do sinh non, sức khỏe yếu kém, bị chậm hiểu biết, đầu óc luôn như đứa trẻ lên ba nên không thể tránh khỏi việc anh em trong nhà tranh chấp tài sản. Ông nội mới là người có quyền định đoạt, nhưng ruộng đất khi vào tay cha thì chỉ còn chừng bảy tám chục mẫu, cộng thêm anh em đàm tiếu lẫn nhau, gây ra nhiều dị nghị càng làm ông nội thiên vị cha nhiều hơn

Lúc đó trong làng của tôi rất quan ngại sâu sắc về câu nói "cha nào con nấy". Hễ người cha có đặc tính gì nổi trội dù là tốt hay xấu, khi sinh con ra bất kể trai hay gái đều sẽ mang cùng đặc tính giống hệt. Để củng cố đời cháu, ông nội quyết định đưa cha đi xem thầy để chữa bệnh. Thầy phán rằng phải tìm cho cha một cô trinh nữ về xung hỷ giải trừ tà khí. Mẹ tôi nói thời ấy con gái về nhà chồng chỉ có ba cách: bị bán, minh hôn và môn đăng hộ đối. Thường thì hoàn cảnh rơi vào cách thứ ba rất hiếm, hầu như ở quê tôi chưa từng có trường hợp này, còn cách xung hỷ lại chưa từng xảy ra

Mẹ tôi lại là trường hợp ngoại lệ. Mẹ bị bán từ năm mười hai vào dinh cơ của ông nội làm phụ bếp, ít khi được lên nhà trên, vậy mà lúc ông nội chọn đi chọn lại hết cô này đến cô kia trong làng chẳng có ai được bát tự vừa ý, lại thấy cha tôi thường ở ngoắt phía sau nhà bếp phụ mẹ lặt rau, ông nội nghĩ mẹ tôi như một định mệnh có sẵn, hỏi được bát tự liền đem đi xem thầy. Thầy bói nhìn vào đã đồng ý ngay, từ đó mẹ tôi đã chính thức được bước chân lên nhà trên. Mẹ tôi nằm ở hoàn cảnh đặc biệt, bà cho đó là may mắn

Cha và mẹ đều bị người trong nhà khinh miệt, đỉnh điểm là khi ông nội qua đời, họ liền tráo trở đòi cha chia quyền thừa kế. Không biết cha mẹ tôi đã bàn soạn thế nào lại chấp nhận giao hết giấy tờ thừa kế lại cho bọn họ, hai người không giữ lại chút gì cho bản thân. Dù là vợ của con trai trưởng nhưng sự đối đãi của họ hàng dành cho mẹ vẫn không khác gì một con ở, mẹ cũng chưa từng ngồi lê đôi mách cùng các cô các dì, chưa từng cầm đến một tờ bạc Đông Dương nào, một tay mẹ tôi vừa lo tiền chạy bệnh cho cha vừa nuôi nấng tôi nên người. Ấy vậy nên khi cuộc cải cách nổ ra, cha tôi thoát chết vì không "gánh vác nổi" cái mác điền chủ như họ đã nói

Tôi là kết quả của một cuộc tình xung hỷ chữa bệnh đầy mê tín và đầy rủi ro giữa cha và mẹ. Thật may mắn khi mẹ không vướng bận thêm tôi, cũng thật nửa vời cho những ai luôn bám víu vào sự phán quyết quỷ thần vô căn cứ

Tại sao tôi lại nói mẹ không vướng bận thêm tôi? Vì mẹ kể khi tôi vừa chào đời đến lúc chập chững biết đi, tôi không khó nuôi hoặc quấy phá như những đứa trẻ khác, nhưng thời gian đầu ấy không được xem là phước lành. Lúc nào tôi cũng ngoan ngoãn và im lặng như một khúc gỗ, người trong nhà bắt đầu đồn đoán cách chữa bệnh năm xưa mà ông thầy áp dụng cho cha không có kết quả gì cả. Họ nghĩ tôi im lặng là do tôi đang bộc phát đặc tính khờ khạo giống cha, họ càng khinh rẻ gia đình tôi hơn nữa. Lúc nào họ cũng ném những ánh nhìn xa cách cùng nụ cười khẩy hướng đến tôi, điều đó làm mẹ tôi lao đao hơn nhiều

Khi tôi lớn thêm được một chút, tôi bắt đầu biết hòa nhập với lũ trẻ con, biết chơi đùa, cười nói, tôi như nghe được tiếng thở phào của mẹ. Mẹ yên tâm giao tôi cho vú nuôi để tiếp tục làm việc, thời gian mẹ chăm sóc cha nhiều hơn tôi, mẹ làm gì cũng toàn suy nghĩ cho cha trước tiên nhưng tôi chưa từng cảm thấy ganh tị như đòi hỏi mẹ đặt nặng tình cảm mẫu tử hơn nữa hoặc chỉ có thể yêu thương một mình tôi thôi

Mặc dù luôn bị dè bỉu là "thằng lên ba", bị người trong nhà xa lánh vì cha quá khờ khạo nhưng cha cũng biết yêu thương tôi như mẹ vậy. Bất ngờ là khi trong tâm thức bị giới hạn ấy lại ý thức được tôi là con gái của ông, nhờ thế mà bản năng làm cha tưởng chừng như không có của ông trỗi dậy rất kinh khủng. Ông che chắn tôi khỏi đòn roi của mẹ những lúc tôi lì lợm, ông cho tôi tất cả món đồ ông xem là báu vật, ông đem mọi niềm vui đơn giản nhất để làm tôi cười. Mỗi lần tôi đau, tôi thấy ông còn đau hơn cả tôi nữa, ông khóc trước khi tôi khóc lúc tôi vô tình trượt ngã làm tay rỉ máu. Ông như luôn bận tâm đến cảm xúc của tôi dù lúc đó tôi vẫn còn là đứa con nít, cảm xúc chỉ vừa chập chững biết vui biết buồn còn lại đều là sự ngây thơ thuần khiết. Nếu bây giờ cha còn sống chắc là ông ấy sẽ thao thức vì cảm xúc của tôi lắm

Vì cha mẹ tôi ít học nên tên của tôi chỉ có một chữ Hân (昕) nghĩa là rạng đông, tôi họ Trương, tên đầy đủ là Trương Hân, vừa ngắn gọn vừa dễ nhớ, nhưng tôi biết cha mẹ cũng đặt nhiều nguyện vọng vào cái tên này, ít nhất là nó không tăm tối như cuộc sống của họ

Khi chiến tranh trên đà dữ dội ở Quảng Châu, năm đó tôi mười tuổi, theo chân một gia đình quốc sĩ họ Hứa cùng làng chạy loạn đến nơi khác tìm kế sinh nhai. Khoảnh khắc thầy Hứa kéo tôi ra khỏi căn nhà tranh vách lá thân thuộc đang bốc cháy phừng phừng trước ngọn lửa hung tợn sau một cú nổ rền vang, tôi quay đầu nhìn mẹ ôm lấy thân thể bị cháy xén của cha nhoè dần trong đám khói xám đục nặng như chì. Tôi dùng hết sức gọi cha mẹ trong cơn ngạt khói sặc sụa, nước mắt tôi rơi xuống làm hình ảnh cuối cùng về cha mẹ còn đọng trong mắt cũng rơi theo, và tôi chìm vào một màu đen u tối. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy cảnh tượng đó hệt như giấc mơ hơn là hiện thực, hoặc là có thể tôi đã nằm mơ, tôi thầm mong đó chỉ là giấc mơ

Thầy Hứa là một nhà nghiên cứu Khổng học cũng là người thầy đầu tiên và duy nhất của tôi. Từ đó cuộc đời của tôi đã rẽ sang một trang khác - tôi đã gặp Hứa Dương Ngọc Trác

Tôi đang hồi tưởng những năm tháng cùng Hứa Dương Ngọc Trác trải qua tuổi trẻ bồng bột, cùng đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ kĩ khám phá khắp ngõ ngách lớn nhỏ trong lòng Quảng Châu. Tôi chở nàng dọc theo tuyến đường rày xe lửa dẫn đến chân núi, ngã đầu vào vai nàng ngắm hoàng hôn dần buông. Sau đó cùng nhau bắt đom đóm gần bờ suối, cho vào túi vải mỏng rồi ngắm nhìn thứ ánh sáng kỳ diệu này cho đến khi lóa mắt mới thôi

Hứa Dương Ngọc Trác luôn dành cho tôi một mảng bình yên cùng nàng dạo phố tâm sự. Chúng tôi chỉ quanh quẩn ở xó xỉnh nào đó trong lòng Quảng Châu, đôi lúc sẽ điên rồ mà bắt một chuyến tàu dài đến miền đất lạ xa xôi cùng nhau du ngoạn ngắm cảnh

Khi tôi nhận được tiền lương đầu tiên bằng công việc phụ giúp ở một lò gốm sứ cách nhà cả quả núi, mặc cho khói lửa mịt mù, mặc cho bom rơi đạn lạc mà chạy xuyên suốt dãy dân cư xập xệ trong khu tập thể lớn ở quê nhà, liều mạng bỏ quê phiêu bạc đến Nam Kinh. Chúng tôi chỉ biết đi mãi mà không cần biết con đường này sẽ dẫn chúng tôi đến đâu. Sau khi thấm mệt, chúng tôi nghỉ chân ở một quán ăn ven đường, thưởng thức món mì lạnh trong cái nóng hè oi bức. Chỉ như thế cũng đủ biết chúng tôi đã cho nhau một khoảng thời gian đẹp đẽ như thế nào

Các cuộc xung đột trong nội bộ Đảng Cộng Sản bùng phát, trực tiếp gây ra những đợt sóng liên hoàn về cải cách kinh tế và quân sự, kẻ thù xung quanh đều nhận ra tình hình Trung Quốc đang rơi vào khó khăn, những cuộc xung đột biên giới thay nhau kéo đến, kẻ địch điều binh khiển tướng xâm nhập nội địa Trung Quốc, chúng tôi được Khương Sam báo tin nên đã dọn về vùng nông thôn hoang sơ tránh nạn. Khu nhà cũ ở Nam Kinh của chúng tôi từng ở đã bị bom nổ phá hủy biến thành bãi đất chôn người, các quán xá đều trở thành tụ điểm giải khuây vui đùa trên thân thể phụ nữ của bọn xâm lược. Ban ngày nghe tiếng súng nổ, ban đêm nghe tiếng quạ hú, những tiếng khóc tủi hổ đã không còn sức kêu vang

Chúng tôi dìu nhau qua giông bão, ôm nhau tránh gió lớn đến khi chiến tranh qua đi, chúng tôi lại di dời đến Thượng Hải quần quật với đủ mọi nghề để kiếm sống. Khi tôi mở được phòng trà thì có Khương Sam giúp tôi trông nom, Hứa Dương Ngọc Trác tiếp tục đi học, cuộc sống bình đạm cứ thế trôi

Tôi có thể cùng Hứa Dương Ngọc Trác trải qua một thời ngây dại là điều tuyệt vời nhất. Lời nói là phương diện giúp chúng tôi kết nối tình cảm thân thiết hơn, chúng tôi lại cùng thuộc kiểu người thầm lặng, sống nội tâm và thích hưởng thụ yên ả một mình hơn là sống phiêu lưu giữa xã hội như Khương Sam. Tuổi nhỏ bốc đồng với suy nghĩ, mỗi khi giận dỗi đều thật lòng nói ra những điều trong lòng mà không biết rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến đối phương ra sao. Sau những trận cãi vã ngây ngô, chúng tôi vẫn quay về với mối quan hệ thân thiết ấy, lại cùng nhau từng ngày trưởng thành

Đối với tôi, Hứa Dương Ngọc Trác là tri kỷ. Đối với Hứa Dương Ngọc Trác, tôi là một thế giới khác, và thế giới của nàng ngập tràn hình bóng của Khương Sam

Khương Sam là bạn cùng làng của tôi ở Quảng Châu và cũng là người bỏ xứ trôi dạt. Cả ba đều mất người thân vì chiến tranh tàn phá, chính vì lẽ đó đã trói chặt tình cảm chúng tôi ở chốn Thượng Hải xa lạ phù phiếm này. Họ cho tôi hương vị của gia đình, tôi cho họ hơi ấm của gia đình

Hứa Dương Ngọc Trác nói với tôi Khương Sam là tình đầu và cũng là mối tình nàng cho là đẹp nhất. Với mối tình thầm lặng ấy chỉ nàng biết, tôi biết, Khương Sam không biết

Tôi không biết Hứa Dương Ngọc Trác đơn phương Khương Sam khi nào, chỉ nhớ lúc nàng vu vơ tâm sự cùng tôi cũng là lúc nàng vừa đỗ đại học Thượng Hải còn Khương Sam vừa từ Bắc Kinh trở về. Suốt trong thời gian khó khăn tìm việc, hai chúng tôi đã không ngần ngại vay mượn hoặc cầm cố tư trang giá trị chỉ để nàng có thể tiếp tục theo đuổi con đường đại học gian khó. Thời điểm này đối với việc học mà nói quý giá gấp vạn lần những bữa cơm no áo ấm

Không giống với Hứa Dương Ngọc Trác luôn tìm kiếm cơ hội để được giãi bày tình cảm, tình yêu của nàng thể hiện từng chút qua ý thơ thì Khương Sam trông vô tình đấy nhưng lại là người nặng tình. Con người cậu ấy thích lang bạt nhiều nơi và rất hiếm khi có mặt ở nhà. Khương Sam nhỏ bé của chúng tôi mang trong mình một trái tim chinh phục và đầy khát vọng to lớn, nhưng trái tim đó không dành cho Hứa Dương Ngọc Trác

Khương Sam từng thổ lộ với tôi rằng cậu ấy yêu cô hoa đán ở đoàn hát Kinh Huy, từng chìm đắm và say đắm trong mối tình ấy một thời gian dài. Sau này không biết vì lý do gì, cô hoa đán ấy bỏ đi, để lại một khoản nợ chất đống từ việc dùng áp phiện dưới tên trả nợ là Khương Sam. Để trả dứt món nợ từ trên trời rơi xuống trong vòng hai năm ròng, Khương Sam đã làm rất nhiều việc không công cho một người mà gã ta nhận là đã chăn gối với cô ta, số nợ áp phiện cũng chính là số tiền cô ta đã trộm từ gã sau nhiều đêm mây mưa

Tình đầu ập đến vội vàng rồi cũng tan vỡ chóng váng khiến Khương Sam ù lì ít nói, nhạy cảm và khép mình hơn. Cũng từ lúc đó Khương Sam biết chè chén nhiều hơn, không đến mức bợm rượu nhưng đủ để lại trong lòng Hứa Dương Ngọc Trác một nỗi buồn to lớn, càng buồn hơn vì vốn dĩ Khương Sam chẳng bao giờ hướng đến tình cảm của nàng

Hứa Dương Ngọc Trác ác cảm với nghề ca kỹ vì tình đầu của Khương Sam là một cô hoa đán. Vì yêu sâu đậm Khương Sam nên nàng đánh đồng các ca kỹ đều là kỹ nữ. Mặc cho tôi có mở phòng trà lâu đến đâu, nàng cũng chưa từng bước chân vào đấy

Viên Nhất Kỳ có thể yêu thích mọi đối tượng, tuyệt nhiên vẫn không thể là ca kỹ

Tôi biết ở Hứa Dương Ngọc Trác lúc nào cũng đong đầy tình cảm với Khương Sam, như việc nàng sẽ ra ngoài vào mười giờ đêm đến tận sáng mới vì muốn cùng Khương Sam xem hoa đăng khi Trung Thu, hoặc sẽ cùng Khương Sam bay nhảy ở đâu đó mà tôi chẳng biết được hai người sẽ đi đâu vào thời điểm giữa khuya. Tôi luôn từ chối những cuộc vui chơi của hai người họ, không phải vì tôi không thích ngắm nhìn thế giới rộng lớn mà vì thế giới đôi khi chỉ thuộc về hai người

Tình yêu có thể biến một người ngây ngô như Hứa Dương Ngọc Trác trở nên gan dạ hơn. Nàng từng bảo Thượng Hải về đêm xa hoa hơn nhiều so với Nam Kinh, đi cùng Khương Sam đến nơi xa như Trường An dù thời tiết có lạnh đến mấy nàng cũng thấy ấm áp. Tôi cũng cảm thấy ấm áp vì Hứa Dương Ngọc Trác cảm thấy ấm áp

Về phần Viên Nhất Kỳ, tôi thật sự không biết nó sẽ ra sao khi trưởng thành. Ở thời đại dân quốc thì việc trưởng thành hay không cũng đều đáng sợ như nhau, ai cũng sẽ có trọng trách nặng nề phải gánh vác từ khi mới sinh ra, số phận và vai trò của đứa trẻ tưởng chừng như vô dụng đều được sắp đặt từ trước hoặc sẽ "biến chất" dần theo thời gian. Những "cái nhất" ở chúng tôi khi nuôi nấng Viên Nhất Kỳ nên người, điều đầu tiên là cố gắng để nó không thiếu thốn như bất cứ ai. Tôi tò mò Viên Nhất Kỳ của năm sáu năm sau sẽ trông như thế nào nhỉ? Tôi đã nghĩ về điều đó nhiều lần từ khi nó biết rung động

Hứa Dương Ngọc Trác luôn hướng Viên Nhất Kỳ đến con đường theo ý nàng nên tôi chẳng bao giờ thấy nàng hài lòng về nó

Viên Nhất Kỳ vô tư vô lo, sống một cuộc sống bình lặng giữa chốn sập sình ở thời bom nổ. Hứa Dương Ngọc Trác nói rằng Viên Nhất Kỳ sẽ chẳng ra làm sao nếu cứ mãi thu mình vào góc khuất ở thành phố, nàng sẵn sàng chi trả những khoản phí từ các ngành nghề khác nhau chỉ để tìm công việc phù hợp với Viên Nhất Kỳ. Còn Viên Nhất Kỳ chỉ luôn tìm cách dập tắt ngọn lửa ảo vọng mà Hứa Dương Ngọc Trác vẫn ngày ngày nhe nhóm vào đầu nó

Tôi chỉ thấy Viên Nhất Kỳ ủ dột về việc hôm nay cô đào không đến phòng trà ca hát chứ chưa từng thấy nó buồn bã vì không làm tốt những gì Hứa Dương Ngọc Trác dặn dò. Trong mắt Viên Nhất Kỳ, tôi là chỗ dựa vững chắc trong những ngày đôi chân nó đã thấm mệt, một trụ cột, một người hùng, một cây cột chống đỡ cuộc đời bấp bênh, một người đáng tin cậy để nó bám víu. Chắc vì thế mà Viên Nhất Kỳ thường tìm đến tôi để tâm sự về những chuyện nó muốn làm, về những ước mơ, về nhiều thứ khác. Lời nói của tôi là nguồn mạch ấm áp đủ để an ủi Viên Nhất Kỳ vì tôi muốn nó có thể sống tốt nhất có thể, chỉ thế thôi

Thật tốt vì ít ra Viên Nhất Kỳ còn có ước mơ

Hứa Dương Ngọc Trác đồng ý để Viên Nhất Kỳ tiếp tục qua lại với nàng đào, nó không cần phải làm hầu cho các gia trang nữa. Nó mừng cuống quýt ôm chặt nàng vào lòng, môi miệng không ngớt lời cảm ơn

Tôi không biết trong một đêm Hứa Dương Ngọc Trác đã suy nghĩ những gì mà một phần con người cực đoan từ nàng có thể dễ dàng chấp nhận cô đào hát ấy. Có vẻ người sành sỏi về Hứa Dương Ngọc Trác là Khương Sam chứ không phải tôi

Cũng phải, khi yêu nhau, người ta sẽ dùng cách chân thành nhất để thấu hiểu nhau chứ không chỉ riêng những hành động thân mật nhưng trống rỗng

Quên mất, Khương Sam không yêu Hứa Dương Ngọc Trác vì cậu ấy vẫn còn giữ ảnh tình nhân cũ trong túi. Chắc rằng Khương Sam có thể nắm thóp được suy nghĩ của Hứa Dương Ngọc Trác vì việc làm hầu cho các gia tranh là một quyết định cực tồi tệ. Làm hầu là làm trâu chó, làm ngựa, thậm chí là làm món hàng thuận mua vừa bán nên chẳng khác nào nàng lại đẩy Viên Nhất Kỳ xuống đáy vực lần nữa. Chúng tôi dù nghèo nhưng vẫn không bần cùng đến mức làm hầu

Và rồi Hứa Dương Ngọc Trác cũng phải nhìn nhận sự thật hiển nhiên trước mắt là Viên Nhất Kỳ đã rơi vào lưới tình với một cô đào hát. Dù bị xem là tình yêu cấm kỵ nhưng cái tiêu cực trong cuộc tình này không xuất phát từ tính chất mà từ ác cảm về mối tình đầu thầm lặng không suông sẻ của chính nàng, vốn dĩ nàng không có quyền can thiệp và tác động vào cảm xúc của Viên Nhất Kỳ

Khương Sam cá cược tất cả vào ván cờ này khiến một là nàng chấp nhận Viên Nhất Kỳ đi làm hầu, hai là nàng chấp nhận Viên Nhất Kỳ yêu đào hát. Với một người có học thức sâu rộng và tư duy hiện đại như Hứa Dương Ngọc Trác, chắc chắn nàng sẽ không thể tiếp tục đàn áp nguyên tắc cứng ngắc để kiểm soát một đứa trẻ đang bập bẹ trưởng thành. Tôi mừng vì Hứa Dương Ngọc Trác nhận ra điều đó

Có đôi lúc, họ không thấu hiểu nhau vì tình yêu

Từng ngày từng tháng trôi qua, Viên Nhất Kỳ trưởng thành trông thấy và cũng yêu thương cô đào hát ấy nhiều hơn. Nó cố gắng chắt chiu được một số tiền, xin phép Hứa Dương Ngọc Trác cho nó mua chiếc xe kéo cũ để nó đi làm phu xe. Tôi biết nó cũng thuận tiện đợi chờ cơ hội có thể đưa đón cô đào mỗi tối

Nó yêu cô ca kỹ chân thành, yêu tha thiết mặc cho cô ấy có yêu nó hay không. Nó tập tành thêu thùa để thêu cho cô chiếc khăn tay mới, còn chiếc khăn cô đưa dạo nọ nó để gọn dưới gối nằm

Có việc gì Viên Nhất Kỳ cũng kể tôi nghe kể cả khi nó biết tên cô đào ấy là Thẩm Mộng Dao trong một lần hẹn tặng cô chiếc khăn, nó đưa chiếc vòng bạc khắc tên Viên Nhất Kỳ cho cô xem

- Chị ấy tên là Thẩm Mộng Dao, tên chị ấy đẹp quá đúng không chị?

- Tên đẹp người đẹp, đẹp như tranh vậy

Tôi nói xuôi theo nó, nó cười tít mắt trong hạnh phúc trào dâng

Mộng Dao không phải nghĩa là viên ngọc quỳnh dao sao? Mộng ghép với ngọc quỳnh dao, giấc mộng đẹp tựa như ngọc, như cô đào đang sống trong ngày tháng vàng son mà mọi cô ca kỹ khác đều mơ mộng thèm muốn

Duyên đến, tình yêu được đáp trả, Viên Nhất Kỳ như con thiêu thân vùi mình trong biển ái tình rực cháy. Nó chung tình mộc mạc, yêu thương cô đào bằng cả trái tim thơ dại. Cô cũng động lòng nó, yêu nó bằng cả trái tim đầy tình của một thiếu nữ tuổi đôi mươi

Mình xin cảm ơn 100 views chương đầu tiên của tất cả các bạn <3 hy vọng các bạn sẽ tương tác với mình nhiều hơn để mình có thể biết được sai sót và sửa lỗi chính tả :D

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro