Hệ thống âm vị chiết đoạn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

HỌC PHẦN: DẪN LUẬN NGÔN NGỮ HỌC
HỆ CHÍNH QUY CÁC KHOA NGOẠI NGỮ
CÁC KHÁI NIỆM NGÔN NGỮ HỌC CƠ BẢN
CHƯƠNG 1
1. Ngôn ngữ: Hệ thống âm thanh, từ ngữ và các quy tắc kết hợp chúng làm phương tiện
giao tiếp cho một cộng đồng.
2. Lời nói: Là sản phẩm của hoạt động nói năng, những văn bản, những diễn ngôn cụ thể trong các tình huống cụ thể, được thực hiện bởi những cá nhân cụ thể.
3. Tín hiệu: Thực thể vật chất kích thích vào giác quan của con người (làm cho người ta tri giác được) và có giá trị biểu đạt một cái gì đó ngoài thực thể ấy.
4. Cái biểu đạt của tín hiệu ngôn ngữ: Mặt âm thanh/ vỏ ngữ âm của tín hiệu.
5. Cái được biểu đạt của tín hiệu ngôn ngữ: Mặt nội dung/ nghĩa của tín hiệu.
6. Tính võ đoán của tín hiệu ngôn ngữ: Giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt của tín hiệu ngôn ngữ không có mối quan hệ tự nhiên nội tại nào. Việc dùng âm này hay âm kia để biểu thị ý nghĩa này hay ý nghĩa khác do cộng đồng xã hội quy ước.
7. Tính hình tuyến: Khi đi vào hoạt động, các tín hiệu ngôn ngữ xuất hiện kế tiếp nhau tạo thành chuỗi theo chiều rộng của thời gian.
8. Tính cấu trúc 2 bậc/ song tính:
Bậc 1: Các đơn vị tự thân không mang nghĩa.
Bậc 2: Những đơn vị mang nghĩa (do các đơn vị không mang nghĩa kết hợp với nhau theo những quy tắc nhất định).
9. Tính sản sinh: Từ một số lượng hữu hạn những đơn vị, yếu tố đã có, dựa vào những nguyên tắc đã được xác định, người sử dụng có thể tạo ra và hiểu được rất nhiều đơn vị, vô số những câu mới mà trước đó có thể họ chưa từng nói hoặc chưa từng nghe thấy.
10. Tính đa trị của tín hiệu ngôn ngữ: Một vỏ âm thanh biểu thị nhiều nghĩa và ngược lại.
11. Tính di vị: Ngôn ngữ và người sử dụng ngôn ngữ không bị hạn chế về mặt thời gian và không gian trong giao tiếp khi nói về bất kì sự vật, hiện tượng nào. Ngôn ngữ đại diện, thay thế cho những cái được nó biểu hiện, gọi tên. Cái được biểu hiện của ngôn ngữ, dù bản tính vật chất hay phi vật chất, hiện thực hay phi hiện thực đều không quan trọng, quan trọng là sự tồn tại của chúng trong văn hoá - xã hội của cộng đồng.
12. Hệ thống: Một tổng thể các yếu tố có quan hệ qua lại và quy định lẫn nhau, tạo thành một thể thống nhất có tính phức hợp hơn.
13. Cấu trúc: Tổ chức bên trong của hệ thống, là mô hình bao gồm các mối quan hệ liên kết giữa các bộ phận, các yếu tố của hệ thống với nhau.
14. Quan hệ tôn ti: Quan hệ của các đơn vị thuộc các cấp độ khác nhau trong hệ thống ngôn ngữ. Đơn vị thuộc cấp độ cao hơn bao hàm đơn vị ở cấp độ thấp hơn và ngược lại. 15. Quan hệ kết hợp: Quan hệ nối kết các đơn vị ngôn ngữ thành chuỗi theo tuyến tính (trục ngang/ trục thời gian) khi ngôn ngữ đi vào hoạt động. Trong quan hệ này, chỉ những đơn vị đồng hạng (thuộc cùng một bậc, có chức năng ngôn ngữ như nhau) mới trực tiếp kết hợp với nhau.
16. Quan hệ đối vị: Quan hệ giữa một đơn vị ngôn ngữ với những đơn vị đồng hạng khác có thể thay thế được cho nó tại vị trí mà nó hiện diện trong câu.
17. Chức năng miêu tả của ngôn ngữ: Tổ chức, phản ánh trải nghiệm của con người về thế giới.
18. Chức năng xã hội của ngôn ngữ: Xác lập, duy trì và thông báo mối quan hệ người nói với người nghe.
19. Chức năng biểu cảm của ngôn ngữ: Biểu thị quan điểm, thái độ đối với trải nghiệm đã qua của người nói.
20. Loại hình ngôn ngữ: Tập hợp/ nhóm các ngôn ngữ có chung đặc điểm về cấu trúc hình thái hoặc cú pháp, cơ cấu âm vị.

CHƯƠNG 2
1. Ngữ âm: Toàn bộ hệ thống âm của ngôn ngữ con người nói ra.
2. Ngữ âm học: Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu mặt âm thanh của ngôn ngữ.
3. Ngữ âm học cấu âm: Nghiên cứu bộ máy phát âm của con người, cách thức, nguyên lý tạo âm của ngôn ngữ, miêu tả các âm về mặt cấu âm trong bộ máy phát âm.
4. Ngữ âm học âm học: Nghiên cứu bản chất sóng âm của ngôn ngữ được con người tạo ra như thế nào (cường độ, tần số tương ứng bình diện vật lý).
5. Ngữ âm học thính giác: Nghiên cứu sự tri nhận của bộ não con người về âm thanh tiếng nói. 6. Cơ quan phát âm chủ động: Vận động được, đóng vai trò chính khi tạo các âm.
7. Cơ quan phát âm thụ động: Không vận động được, giữ vai trò hỗ trợ, là điểm tựa để các cơ quan chủ động hướng tới khi cấu âm.
8. Âm tố: Là đơn vị cấu âm - thính giác nhỏ nhất của âm thanh lời nói.
9. Nguyên âm: Những âm được tạo thành khi luồng hơi từ phổi đi lên không bị cản trở, thoát ra ngoài một cách tự do. Dây thanh rung động mạnh, luôn là tiếng thanh.
10. Nguyên âm đôi: Nguyên âm có sự thay đổi phẩm chất trong quá trình phát âm âm tiết chứa nó.
11. Phụ âm: Những âm được tạo thành khi luồng hơi từ phổi đi lên bị cản trở hoàn toàn hoặc một phần tại một vị trí nào đó, bằng cách nào đó, khi thoát ra ngoài tạo nên tiếng động (nổ/ xát nhẹ).
12. Phương thức cấu âm: Cách cản trở (hoàn toàn hoặc một phần) luồng hơi từ phổi đi lên. 13. Vị trí cấu âm: Vị trí mà luồng hơi từ phổi đi lên bị cản trở bởi sự tiếp xúc của các bộ phận trong bộ máy phát âm.
14. Đặc điểm âm học (tính thanh): Khi luồng hơi từ phổi đi lên qua khe thanh, dây thanh có rung hay không rung.
15. Nét khu biệt: Đặc trưng cấu âm - âm học có chức năng xã hội (đặc trưng cấu âm - âm học quan yếu), phân biệt âm vị này với âm vị khác.
16. Âm vị: Là tổng thể (chùm) những nét khu biệt được thể hiện đồng thời./ Đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có chức năng khu biệt vỏ âm thanh của các từ.
17. Âm vị đoạn tính: Loại âm vị được thể hiện theo nguyên tắc kế tiếp nhau theo dòng thời gian và có tính chất khúc đoạn.


18. Âm vị siêu đoạn tính: Loại âm vị không thể hiện theo nguyên tắc kế tiếp nhau theo dòng thời gian và không có tính chất khúc đoạn mà thường được thể hiện cùng âm tiết hoặc chuỗi âm tiết.
19. Biến thể âm vị: Những âm tố cùng thể hiện một âm vị.
20. Biến thể tự do: Xuất hiện tự do ở một số cá nhân, không thể đoán trước được bối cảnh. 21. Biến thể kết hợp: Xuất hiện do sự kết hợp của nó trong dãy âm mang lại (do chu cảnh quyết định).
22. Âm tiết: Đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất của lời nói, cấu trúc gồm có nguyên âm (đỉnh âm tiết) và các phụ âm bao quanh.
23. Âm tiết mở: Kết thúc bằng một nguyên âm.
24. Âm tiết hơi mở: Kết thúc bằng một bán âm.
25. Âm tiết khép: Kết thúc bằng một phụ âm tắc vô thanh.
26. Âm tiết hơi khép: Kết thúc bằng phụ âm mũi.

CHƯƠNG 3
1. Hình vị: Đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa và/ hoặc có giá trị (chức năng) về mặt ngữ pháp. 2. Hình vị căn tố: Hình vị mang ý nghĩa tương đối độc lập, có khả năng tự mình tạo ra từ, có hình thức trùng từ đơn.
3. Hình vị phụ tố: Hình vị mang ý nghĩa từ vựng bổ sung hoặc ý nghĩa ngữ pháp, luôn phải kết hợp với căn tố.
4. Hình vị biến hình từ/ Hình vị biến tố: Làm thay đổi dạng thức của căn tố, biểu thị mối quan hệ giữa từ này với từ khác trong hoạt động ngôn ngữ, đảm bảo sự phù hợp dạng thức giữa các từ trong câu.
5. Hình vị cấu tạo từ: Kết hợp với hình vị căn tố để tạo ra các từ mới.
6. Hình vị tự do: Có khả năng hoạt động độc lập.
7. Hình vị hạn chế: Không có khả năng hoạt động độc lập.
8. Phương thức cấu tạo từ: Cách thức ngôn ngữ tác động vào hình vị để tạo ra từ.
9. Phương thức từ hóa hình vị: Tác động vào bản thân một hình vị, làm cho nó có những đặc điểm ngữ pháp và ý nghĩa của từ, biến hình vị thành từ mà không thêm bớt gì vào hình thức của nó.
10. Phương thức ghép hình vị: Tác động vào hai hoặc hơn hai hình vị, kết hợp chúng với nhau để tạo ra từ mới.
11. Phương thức láy hình vị: Tác động vào một hình vị cơ sở, tạo ra hình vị giống với nó toàn bộ hay một phần về âm thanh.
12. Phương thức phụ gia: Nối kết thêm hình vị phụ tố vào hình vị căn tố.
13. Phương thức rút gọn: Rút gọn từ cũ thành từ mới hoặc ghép các âm đầu từ của một cụm từ thành từ mới.
14. Phương thức chuyển loại: Thay đổi ý nghĩa, chức năng từ loại của một từ đã có, làm nó trở thành một từ loại khác như từ riêng biệt.
15. Từ: Là đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ độc lập về ý nghĩa và hoàn chỉnh về hình thức. 16. Nghĩa sở chỉ (biểu vật): Mối quan hệ của từ với đối tượng mà từ chỉ ra.
17. Nghĩa sở biểu (biểu niệm): Mối quan hệ của từ với khái niệm mà từ biểu thị.
18. Nghĩa sở dụng (ngữ dụng): Mối quan hệ của từ với người sử dụng ngôn ngữ.
19. Nghĩa kết cấu (cấu trúc): Mối quan hệ của từ với các từ khác trong hệ thống.

20. Từ đa nghĩa: Từ có hai hoặc nhiều hơn hai ý nghĩa, các nghĩa này có quan hệ chặt chẽ với nhau.
21. Từ đồng âm: Những từ giống nhau về hình thức ngữ âm nhưng khác nhau hoàn toàn về nghĩa.
22. Từ đồng nghĩa: Những từ khác nhau về âm thanh và chữ viết, tương đồng với nhau về nghĩa, có phân biệt với nhau về sắc thái ngữ nghĩa, phong cách hoặc cả hai.
23. Từ trái nghĩa: Những từ có nghĩa trái ngược nhau trong quan hệ tương liên, khác nhau về ngữ âm và phản ánh những khái niệm tương phản về logic.
24. Trường nghĩa: Tập hợp các đơn vị từ vựng (từ ngữ) có quan hệ với nhau về nghĩa một cách hệ thống.
CHƯƠNG 4
1. Ngữ pháp: Những quy tắc cấu tạo từ và cấu tạo câu trong một ngôn ngữ.
2. Ngữ pháp học: Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu ngữ pháp của một ngôn ngữ, cụ thể là nghiên cứu các cách thức, phương tiện cấu tạo từ và câu.
3. Từ pháp: Nghiên cứu quy luật cấu tạo từ, biến hình từ, đặc tính ngữ pháp của từng từ loại. 4. Cú pháp: Nghiên cứu sự kết hợp của các từ thành từ tổ/ ngữ đoạn và câu.
5. Ý nghĩa ngữ pháp: Ý nghĩa khái quát, thể hiện những đặc điểm ngữ pháp được quy ước chung cho hàng loạt đơn vị ngôn ngữ và được thể hiện bằng những phương tiện vật chất nhất định.
6. Phương thức ngữ pháp: Cách sử dụng các phương tiện ngữ pháp để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp.
7. Phương thức phụ tố: Dùng các loại phụ tố nối kết vào căn tố để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp cho căn tố.
8. Phương thức luân chuyển ngữ âm: Biến đổi một bộ phận của căn tố bằng những quy luật ngữ âm nhất định để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp cho căn tố đó.
9. Phương thức thay căn tố: Thay đổi hẳn vỏ ngữ âm của căn tố bằng một căn tố khác. 10. Phương thức trọng âm: Sử dụng trọng âm để biểu thị và phân biệt ý nghĩa ngữ pháp của đơn vị ngôn ngữ.
11. Phương thức lặp: Lặp lại toàn phần hoặc một phần vỏ ngữ âm của căn tố để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp.
12. Phương thức hư từ: Dùng hư từ (từ công cụ ngữ pháp) kết hợp với từ (chứ không nối kết vào bên trong) để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp.
13. Phương thức trật tự từ: Dùng các trật tự từ khác nhau để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp. 14. Phương thức ngữ điệu: Dùng các ngữ điệu khác nhau để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp (các ý nghĩa tình thái của câu).
15. Phạm trù ngữ pháp: Thể thống nhất của những ý nghĩa ngữ pháp đối lập nhau, được thể hiện ra ở những dạng thức đối lập nhau theo hệ thống.
16. Phạm trù giống: Phạm trù ngữ pháp của danh từ, quy danh từ vào những lớp khác nhau dựa vào đặc điểm biến hình, hợp dạng của chúng.
17. Phạm trù số: Phạm trù ngữ pháp biểu thị ý nghĩa số lượng (ít hay nhiều) của các sự vật do danh từ biểu hiện.
18. Phạm trù cách: Phạm trù ngữ pháp của danh từ, biểu thị quan hệ ngữ pháp của danh từ với vai trò, chức năng mà nó đảm nhiệm trong câu (chủ ngữ; bổ ngữ trực tiếp/ gián tiếp của giới từ...).
19. Phạm trù ngôi: Phạm trù ngữ pháp của động từ thể hiện và phân biệt chủ thể (người, vật) thực hiện hành động.
20. Phạm trù thời: Phạm trù ngữ pháp của động từ, biểu thị tương quan thời gian giữa hành động, trạng thái do động từ thể hiện với thời điểm được nói tới.
21. Phạm trù thể: Phạm trù ngữ pháp của động từ, biểu thị trạng thái của hành động do động từ biểu thị (hoàn tất - chưa hoàn tất, tiếp diễn - không tiếp diễn...).
22. Phạm trù dạng: Phạm trù ngữ pháp của động từ biểu thị quan hệ giữa động từ với các danh ngữ làm chủ ngữ, bổ ngữ. (Chủ ngữ liên hệ với hành động nêu ở vị từ như thế nào?). 23. Phạm trù thức: Phạm trù ngữ pháp của động từ biểu thị thái độ của người nói (viết) với điều được nói tới, kiểu giao tiếp của người nói với người nghe.
24. Quan hệ cú pháp: Quan hệ giữa các thành tố tạo nên ngữ đoạn và câu, cấp cho đơn vị một chức năng nào đó, với tư cách giá trị lâm thời, là cơ sở của cấu trúc câu.
25. Quan hệ đẳng lập: Các thành tố bình đẳng với nhau, có vai trò như nhau trong việc quyết định đặc điểm ngữ pháp của cả tổ hợp.
26. Quan hệ chính phụ: Các thành tố không bình đẳng với nhau về ngữ pháp, một thành tố đóng vai trung tâm, các thành tố khác đóng vai phụ.
27. Quan hệ chủ-vị (C-V): Hai thành tố phụ thuộc nhau, thành tố "chủ" thường đứng trước thành tố "vị".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro