sơn tinh thủy tinh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Truyện "Sơn Tinh - Thủy Tinh" (còn được gọi là "Sự tích Thánh Tản" hoặc "Tản Viên Sơn Thần") cốt truyện ngắn gọn, đơn giản nhưng nội dung ý nghĩa rất dồi dào, phong phú, hình thức nghệ thuật rất độc đáo.

Trước hết, hãy nói về đặc điểm thể loại của truyện này. Đây là thần thoại hay truyền thuyết? Từ nhiều năm nay, truyện "Sơn Tinh - Thủy Tinh" đã thường xuyên có mặt trong Sách giáo khoa Văn học trường phổ thông. Nhưng chưa có sự nhất quán trong việc xác định thể loại của truyện này giữa những người soạn sách và những lần xuất bản.

Đối chiếu với chức năng và đặc điểm cơ bản của thần thoại và truyền thuyết thì truyện này mang tính chất của cả hai loại truyện, nhưng chủ yếu là thần thoại. Tính chất truyền thuyết thể hiện rõ nhất là ở nhân vật "Hùng Vương thứ 18", nhưng Hùng Vương và Mị Nương đều là những nhân vật thứ yếu ở trong truyện. Hai nhân vật chính của truyện là Sơn Tinh và Thủy Tinh, cả hai đều là nhân vật mang tính chất huyền thoại. Truyện tập trung phản ánh và thể hiện sự xung đột của hai thần (thần Nước và thần Núi). Vì thế có người đã gọi truyện này là cuộc "Chiến tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh". Đó là sự phản ánh và lý giải dưới hình thức hoang đường, huyền thoại hiện tượng lụt bão diễn ra hằng năm ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, lãnh thổ chủ yếu của nước Văn Lang cổ đại, tiền thần của nước Việt Nam bây giờ.

Sơn Tinh là thần núi nhưng không phải thần núi nói chung (mang tính phiếm chỉ) mà là thần núi Tản Viên. Thủy Tinh là thần nước, nhưng cũng không phải thần Nước nói chung (như "Thủy Thần" hay "Thần Biển" mà là Thần Nước vùng sông Hồng, sông Đà, sông Thao... Nói cách khác, đó là thần núi và thần nước trên lãnh thổ nước Văn Lang của các vua Hùng.

Vì thế cả Sơn Tinh và Thủy Tinh đều thần phục, tôn kính vua Hùng, đều muốn lấy Mị Nương và làm "phò mã" của nhà vua. Và khi không lấy được Mị Nương thì Thủy Tinh chỉ dám tức giận và đuổi đánh Sơn Tinh chứ không dám trách cứ gì vua Hùng cả.

Điều đó thật kỳ lạ, và trái với lô-gich thông thường của xã hội loài người. Bởi vì, cứ theo truyện kể thì Sơn Tinh không hề có lỗi. Chàng lấy được Mị Nương chỉ vì chàng đã đem đồ sính lễ đến trước Thủy Tinh, đúng như lời thách cưới của Hùng Vương.

Chung quanh việc này có nhiều điều thú vị đáng nói. Một là, nó chứng tỏ truyện này chỉ có thể được xây dựng, sáng tạo vào thời kỳ mà việc hôn nhân, cưới hỏi trong xã hội người Việt đã có quy củ, nền nếp, có lệ luật hẳn hoi. Theo truyện kể thì đó là thời "Hùng Vương thứ 18", nghĩa là giai đoạn cuối cùng của nước Văn Lang. Hai là, tục thách cưới có thể tạo điều kiện cho người ta lựa chọn chàng rể theo ý muốn. Những lễ vật mà Hùng Vương thứ 18 yêu cầu ("voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng maọ..") thể hiện rất rõ sự "thiên vị", cảm tình của nhà vua đối với Sơn Tinh. Bởi vì tất cả những thứ ấy đều là sản vật của vùng rừng núi, quê hương của Sơn Tinh. Và do đó, việc Sơn Tinh thắng cuộc, lấy được Mị Nương là điều Hùng Vương đã mong muốn và dự kiến, chuẩn bị từ khi thách cưới.

Sự thiên vị, cảm tình của Hùng Vương với Sơn Tinh phản ánh thái độ và tình cảm của người Việt thời kỳ Văn Lang với các hiện tượng và thế lực tự nhiên: núi rừng và lũ lụt. Núi rừng chẳng những đã cung cấp đồ ăn, vật dụng hằng ngày cho người Việt cổ mà còn giúp họ thoát chết khi lũ lụt lên cao. Khi chưa có đủ điều kiện và phương tiện trị thủy, thì những dòng nước hung dữ trong mùa lũ lụt quả thực là một tai họa khủng khiếp.

Cha ông đã coi đó là tai họa hàng đầu, đáng sợ nhất trong bốn thứ tai họa lớn: "Thủy, hỏa, đạo, tặc".

Nhiều người cho rằng, Thủy Tinh là sự hình tượng hóa và thần thánh hóa nước lũ, còn Sơn Tinh là sự hình tượng hóa và thần thánh hóa tinh thần, ý chí, khả năng và thành quả chống bão lụt của nhân dân.

Không hoàn toàn như vậy, Sơn Tinh và Thủy Tinh là những hình tượng huyền thoại, được hình thành, nhào nặn trong trí tưởng tượng của người Việt cổ, trong đó những yếu tố tự nhiên và xã hội, hiện thực và lý tưởng đã kết hợp, hòa lẫn với nhau, rất khó tách bạch. Sơn Tinh là sự khái quát hóa, hình tượng hóa và thần thánh hóa không chỉ riêng lực lượng con người (tinh thần, ý chí, thành quả chống lũ lụt của nhân dân) mà còn có cả lực lượng tự nhiên (rừng, núi). Sự xung đột giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh không chỉ phản ánh mâu thuẫn giữa con người và hiện tượng bão lụt trong thiên nhiên mà còn phản ánh cả sự xung đột giữa con người với con người, giữa các bộ tộc miền biển và miền núi trong thời kỳ Văn Lang của các vua Hùng.

Cơn giận lưu niên "năm năm báo oán, đời đời đánh ghen" của Thủy Tinh là sự phản ánh và lý giải vô cùng độc đáo, tài tình, hiện tượng bão lụt hằng năm (mang tính chu kỳ) của thiên nhiên và hiện tượng ghen tuông dai dẳng của con người.

Chi tiết: Thủy Tinh dâng nước cao lên bao nhiêu, Sơn Tinh cũng nâng núi Tản Viên cao lên bấy nhiêu, thật nên thơ và độc đáo. Đó là ước mơ nhưng đồng thời cũng ít nhiều có tính hiện thực. Bởi vì trừ nạn hồng thủy ra, không có trận lụt nào có thể dâng nước lên cao hơn núi Ba Vì. Nếu không như vậy thì làm sao người Việt có thể tồn tại được đến ngày nay?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro