Chương 23. Việc tông đồ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

VIỆC TÔNG ĐỒ

Ban ơn thánh sủng cho những kẻ chưa có, tăng cường nơi những người đã có: đó là sức mạnh của Chúa Kitô. "Ta đến để họ được sống, và được sống dồi dào" (Jn 10:10). Nhờ ơn thánh sủng, ta được làm chi thể sống động của Chúa Kitô. Chúa Kitô với chúng ta, chỉ là một thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô: Chúa Kitô toàn diện. Nếu Chúa Kitô muốn cho thân xác Người nẩy nở, ta cũng phải muốn với Người, phải cộng tác với Người để xúc tiến công cuộc nẩy nở này. Bằng cách nào?

1. Bằng cầu nguyện và hãm mình

Cầu nguyện là phương thế thông thường Chúa đã thiết lập để ta được ơn thánh. Hãm mình cũng không kém phần hiệu nghiệm. Nếu Thầy Chí Thánh đã dùng Máu Người để cứu chúng ta, chúng ta có thể có tham vọng cộng tác vào công cuộc cứu chuộc mà đồng thời muốn hoà trộn với Máu Người những giọt máu hy sinh của chúng ta không? Bởi vì, không đổ máu, không có chuyện tha tội. Thành thử các tông đồ, theo diễn ngữ đầy thi vị và xúc động của Phụng vụ, đã trồng Giáo Hội trong vũng máu đào các ngài đã đổ ra, mà như thế không phải chỉ có ngày các ngài chịu tự vì đạo song là suốt đời sống các ngài.

Giữa bốn bức tường nhà kín. Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux cầu nguyện, chịu đau khổ, và hãm xác thay cho các vị thừa sai. Chỉ mình Chúa biết được ơn ích mà thánh nữ đã thực hiện. Song chúng ta có thể đóan được tầm rộng lớn khi nhớ rằng Giáo Hội đã tuyên dương Người làm đấng bảo hộ tất cả các xứ truyền giáo.

Thánh nữ Mađalêna thành Pazzi, mỗi ngày tiến dâng lên Chúa năm mươi lần giòng máu cứu cuộc để hầu các linh hồn được cứu rồi. Tương truyền thánh nữ Têrêxa nguyện bằng lời cầu nguyện đã làm cho số người trở lại cũng đông đúc như thánh Phanxicô Xaviê bằng các bài giảng thuyết tại Ấn độ.

Năm 1683, Chúa Giêsu đã hiện ra với thánh nữ Margarita Maria và xin bà cầu nguyện cho những tội nhân ăn năn trở lại. Chúa phán: "Một linh hồn công chính có thể xin ơn tha thứ cho một nghìn phạm nhân". Một trong những lần hiện ra tại Lộ Đức, gương mặt Đức Mẹ nhuốm đầy vẻ u buồn. Bernađetta hỏi Người phải làm gì để an ủi Người. Đức Mẹ trả lời: "Phải cầu nguyện cho các tội nhân".

Ngày 13 tháng 5 năm 1917, ba trẻ mục đồng ở Fatima, bên nước Bồ Đào Nha, đang lúc chăm sóc đàn súc vật, trên ngọn đồi Cova da Iria, đã nhìn thấy một trinh nữ thật đẹp, xuất hiện trên ngọn cây sồi xanh tươi, giữa một luồng hào quang chói lọi. Bà nhắn nhủ các em lần hạt Mân Côi, và sau mỗi chục, nhớ đọc thêm câu: "Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục. Xin đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn"

Ai đo lường được ảnh hưởng do các linh hồn thánh thiện nhưng sống một đời mai danh ẩn tích! Bằng lời cầu nguyện và việc hy sinh, họ đóng vai trò mờ tối trong Giáo Hội, nhưng lại chính yếu như rễ cây đối với thân. Cọng rễ tí teo, xám xịt, mờ mờ, nằm dưới đất sâu, bị thiên hạ dẫm chân, khuất mắt mọi người, có ai nghĩ đến nó, có ai lo cho nó? Thiên hạ trầm trồ khen ngợi thân cây cứng cáp; thiên hạ nghỉ ngơi dưới bóng mát do cành lá xum xuê; thiên hạ thưởng thức các quả ngọt lịm. Nhưng cọng rễ tí teo không tiếp xúc với các chất bổ dưỡng dưới lòng đất, thì thân cây chỉ là một khúc gỗ mục, chỉ đáng ném vào lò lửa. Không lá, không hoa, không quả!

Cha Faber đề nghị một phương pháp thực tiễn rất hữu hiệu để chặn đứng các tội trọng. Ngài bảo:"Việc đó chẳng khó gì, nếu mỗi tối chúng ta nguyện xin Đức Mẹ tiến dâng lên Thiên Chúa Máu thánh Con của Người để ngăn cản mọi tội trọng trong đêm tối sắp tới thôi, nếu mỗi sáng, chúng ta lập lại lời dâng hiến đó để ngăn cản chỉ một tội trọng trong ngày đang sống thôi: chắc chắn một lời nguyện như thế không thể nào không đạt đến kết quả mong muốn. Trọn một năm, chúng ta sẽ ngăn cản được hơn 700 tội trọng; sau 20 năm hơn 14 ngàn tội trọng".

Đối với ơn thánh sủng, quả là một việc tông đồ phong phú biết bao!

Nơi nào lời nguyện tỏ ra vô hiệu quả, bạn hãy thêm sự hy sinh vào. Tờ báo "L'Echo de Lourdes" (Tiếng vang Lộ Đức) (1918) có thường thuật câu chuyện sau đây:

Một tên vô đạo đã đồng ý dẫn một thiếu nữ tứ chi bất toại đến Lộ Đức. Hắn nói: "Nếu tôi thấy cô ta được lành bệnh, nếu tôi thấy cô ấy chỗi dậy, tôi sẽ theo đạo Công Giáo. Nhưng chắc sẽ không xẩy ra ngay đâu. Tôi không tin." Cô bé được đưa xuống bể tắm. Cha Bailly kêu lớn: "Hỡi anh chị em, có ai trong anh chị em sẵn sàng hy sinh để cứu một linh hồn đang khước từ cải thiện không? Giữa đám bệnh nhân kia, có người nào đồng ý chịu cảnh bệnh hoạn vì Chúa đến hơi thở cuối cùng để người vô đạo kia được cải tà qui chính không? Trong bầu không khí thinh lặng, bỗng một bệnh nhân trông thật đáng thương đang lết thân với đôi nạng la to: "Con". Đồng thời, một bà mẹ đứng gần cửa sắt, mắt ngấn lệ, nắm lấy đứa con câm điếc của bà và bồng cao lên cho vị linh mục. Từ ba năm qua, bà hằng tiếp tục đưa con bà đến Lộ Đức để khấn van Đức Mẹ xót thương. "Xin cha hãy nhận lấy đứa con của cha, bà thưa, xin cha hãy dâng nó cho Đức Mẹ để người bất hạnh kia được trở lại". Ngay lúc đó, cô bé bất toại bước ra khỏi bể tắm, hoàn toàn lành bệnh. Thấy thế, con người vô đạo vội quỳ gối kêu lên: "Lạy Chúa, xin tha tội cho con! Con xin tin!".

Trong các dịp giảng cấm phòng, cha Petit thích kể chuyện sau đây. Vào hồi năm 1800 tại Liège, cha De Clorivière bắt liên lạc với một vị Đại Úy về hưu đang sống ngoài đạo giáo. Viên sĩ quan lâm bệnh và không có dấu gì cho biết ông qua khỏi được. Vị linh mục thử đề nghị ông xưng tội. Ông từ chối dứt khoát. Lần sau cha lại tìm đến, nhưng người ta cấm không cho vào phòng bệnh nhân. Trong trí cha bỗng nẩy ra một ý tưởng: "Sau mỗi bữa cơm trưa, mình khoái uống một tách cà phê lắm, cha tự nhủ như thế, từ nay mình sẽ hy sinh để cứu ông Đại Úy". Ngay phút đó, chuông điện thoạt reo lên. Người ta mời cha đến đường đó, số nhà đó: Ơ kià! Chính nhà ông ta rồi" Vị linh mục liền chạy đến gặp viên Đại Úy. "Thưa cha, vị sĩ quan nói, cách đây mấy phút một tư tưởng cứ ám ảnh con mãi: là con phải xưng tội. Xin cha vui lòng nghe con". Sự hãm xác đã tạo ra một hiệu quả tức thời. Việc hy sinh đó vô nghĩa, nhưng lại mãnh liệt biết bao, nếu nó được dâng tiến, hiệp với lễ hy sinh Chúa Kitô, Quan tướng chúng ta.

Ngay trong các góc nhỏ nhất trong đời sống bạn, bạn cũng có thể tỏ lòng nhiệt thành hăng hái. Bằng lời cầu nguyện khiêm nhường và thinh lặng. Bằng cách can đảm nhận mọi thánh giá lớn bé do cảnh huống đem lại. Bằng cách trung kiên chu toàn bổn phận. Lời cầu nguyện, việc hy sinh của bạn lúc bấy giờ như luồng ánh sáng mặt trời soi thẳng xuống lòng đất, nhờ đó ơn thánh tìm được một lối thóat. Lúc bấy giờ bạn đóng vai người phân phát, người chuyển trao ơn thánh. Chính ban là người móc nối dòng điện, bất cứ nơi nào bạn có tiếp xúc với linh hồn. Nhưng, bạn ở xa, bạn cũng sẽ gây ảnh hưởng dồi dào, vì bạn chỉ cần lọt vào một mình cặp mắt sáng ngời của Thiên Chúa. dù bạn có cô quạnh, dù bạn có nhỏ bé đến đâu, thì trong nhiệm cục ơn thánh, vẫn không có một tiếng thở dài nào, không có một tiếng nấc nào phải mất đi vô ích. Hạt giống tay bạn gieo vãi cho dù không ai nhìn thấy tay bạn, có thể xuyên qua các khối cẩm thạch rắn chắc nặng nề nhất.

2. Bằng lời nói và gương sáng

Muốn giảng ơn thánh, không cần phải làm linh mục hoặc vị thừa sai truyền giáo. Bạn làm tông đồ của lời nói bằng các buổi nói chuyện trong trắng và xây dựng. Bằng lời nói hay ho đúng chỗ. Bằng việc dạy giáo lý cho trẻ em. Bằng cách an ủi và khích lệ những người nghèo khổ, ưu phiền, bệnh tật, hấp hối. Không bao giờ lỗi bác ái trong khi trò chuyện, tự nó, chính là một việc tông đồ bằng lời nói rất phong phú rồi đấy.

Còn có một việc tông đồ hữu hiệu hơn lời nói. Đó là gương lành. Gương lành lôi cuốn. Lời nói như gió lung lay; việc làm như tay lôi kéo". Chúng ta có khuynh hướng diễn lại các điều ta thấy kẻ khác làm. Ta quan sát điều đó rõ rệt, nhất là nơi các em bé; nhưng, dưới khía cạnh này, ta còn là em bé suốt đời. Không những bạn hãy làm như các cây cổ thụ, như trụ chỉ điểm được dựng nơi các ngã ba đường, chúng chỉ đường vĩnh viễn yên lặng. Bạn hãy bước tới và lôi cuốn các kẻ khác. "Nói mà không làm cũng giống cái chuông rung thiên hạ đến dự kinh lễ nhưng mình lại chẳng đến dự bao giờ" (Thánh Phanxicô Salêsiô).

Bạn hãy làm gương lành trong gia đình và trong những khi tiếp xúc ngoài xã hội. Nếu trong gia đình, giữa vợ chồng có một sự tranh đua lành thánh để tuân giữ giới răn và chu toàn nghĩa vụ, thì con cái sẽ bị lôi cuốn bắt chước. Ai nói được ảnh hưởng những gia đình đó gây nên trong làng, trong vùng, trong xứ! Cả những người nguội lạnh, các kẻ vô lương, các người ngoại giáo cũng sẽ trở lại. Thánh Gioan Kim Ngôn quả quyết rằng chỉ một người công giáo đạo đức và nhiệt thành cũng đủ để làm cả một gia đình trở lại đạo chính. Một hôm, Thánh Phanxicô Assisiô gọi một tu sĩ trẻ tuổi đến vào bảo: "Này thầy, ta đi giảng đạo nhé!" Hai cha con ra đi, sau khi rảo chân quanh đường phố, hết vòng, hai cha con lại quay gót trở về tu viện. Thầy tập sinh hỏi: "Thưa cha, thế bao giờ chúng ta mới đi giảng?" "Xong rồi, thầy ạ!" "Lạ nhỉ? Chúng ta rảo qua khắp phố mà có nói lời nào đâu!" "Này, chúng ta đã giảng bằng sự nghiêm trang tề chỉnh của chúng ta đó!". Không bao giờ hơn lúc này, những ngọn sóng hùng biện đã chảy dào dạt từ diễn đàn các quốc hội và các tòa giảng công giáo. Nhưng, than ôi! các bài diễn văn vang dội đó thường chỉ gây một chút xúc động nhất thời. Chúng giống như một thứ âm nhạc chiến tranh, réo rắt dưới các khung cửa sổ nhà chúng ta, nhịp điệu hùng hồn phấn khởi? Điệu nhạc đó kích thích chúng ta, nhưng không đủ sức làm cho chúng ta xuống đường. Không thiếu diễn giả, nhưng thiếu gương sáng.

3. Bằng nhẫn nhục và hiền lành

Ở Nhật bản, có một lần suốt năm, người ta không nghe thấy tiếng chim cu gáy khi nào. Dân chúng khiếp sợ đến tột độ. Biến cố đã gây hứng cho thi sĩ Shôka viết một loạt ba câu thơ thời danh được truyền tụng mãi mãi. Thi sĩ cho ba nhân vật bàn tán với nhau. Ba ông đó là ba vị Bộ trưởng nước ông. Bộ trưởng thứ nhất: "Nếu nó không gáy, ta hãy giết nó ngay đi!" Bộ trưởng thứ hai: "Nếu nó không gáy, tay hãy bắt nó gáy!" Bộ trưởng thứ ba: "Nếu nó không gáy, tay hãy đợi nó gáy!".

Lòng nhiệt thành phải được đức nhẫn nhục và hiền lành hướng dẫn. Thánh Phanxicô Salêsiô bảo: "Nhiều người hành động giống như kẻ muốn sửa chữa mái nhà, lại đi làm vỡ nhiều ngói hơn là lợp lên!" Nơi khác, ngài nói: "Ngọt mật chết ruồi. Với một tí mật ta có thể bắt được nhiều ruồi hơn là một trăm thùng dấm!".

Thánh nhân có một người giúp việc, một tay bợm rượu và gạt ra ngoài tai mọi lời quở mắng. Một tối kia, tên đầy tớ lén lút đi ra quán rượu bên cạnh. Nửa đêm, lò mò về nhà, người say mèm, nhưng cổng lại đóng kỹ. Hắn gõ, gõ, gõ mãi. Song không thấy ai ra mở. Hắn nằm ngủ luôn trước cổng. Nghe tiếng động, Đức Giám Mục thức dậy bước ra vớ ngay được hắn nằm co dưới đất...Chẳng kêu réo ai, ngài ẵm tên say rượu vào giường của ngài, rồi sau khi cầu nguyện cho linh hồn hắn, ngài đi ngủ trong một căn phòng

khác. Có lẽ tên say rượu thấy giường ngủ ngon hay say mà hắn đánh một giấc đến trưa. Khi thức giấc, thấy mình nằm trong phòng ông chủ, kinh khiếp rụng rời, hắn liền chạy đến quỳ dưới chân thánh Phanxicô để xin ngài thứ tha, và hứa sẽ trở nên người mới. Hắn đã giữ lời. Đức hiền từ thắng lướt mọi chướng ngại.

Muốn lên Giêrusalem, nhưng phải vượt qua miền Samaria, nên Chúa Giêsu phái người đi trước dọn đàng. Hình như các ông bị bạc đãi lắm. Thấy thế, Giacôbê và Gioan liền thưa" Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa trời xuống thiêu rụi bọn chúng không?" Chúa Giêsu chỉ đáp lại: "Các con không biết các con thuộc tinh thần nào. Con Người đến không phải để hủy diệt linh hồn người ta, mà là để cứu chữa" (Lc 9:54). Một bài học thâm thúy biết bao cho các tính nghiêm khắc, cái tính nóng nẩy của chúng ta!

Thà có một đức ái mù quáng, còn hơn có một tính thận trọng sáng suốt. Phúc âm chỉ thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho mười người phong húi, nhưng hết chín người bạc nghĩa đã quay lưng với Người thì sao!

Cha Volpette (1856-1922), vị sáng lập các công viên cho thợ thuyền ở Saint Étilienne (Pháp), thỉnh thoảng lại bị lừa gạt. Tỉ dụ gia đình nọ đã được rửa tội nhiều lần, nay lại được ngài rửa thêm một lần nữa. Tên du thủ du thực kia lấy súng lục để tống tiền ngài. Nhưng, xá gì chút tiền giả trá sánh với kho tàng pho phú đáng giá bằng hằng trăm ngày vụ rửa tội, trong đó có nhiều người đã trưởng thành, bằng những tờ giao kèo giả hủy diệt, bằng những vụ rắc rối hôn nhân được ổn định và ngàn người xưng tội rước lễ nữa!

Người ta chẳng thấy ngài đứng tại đầu giường một nữ hối nhân vừa xấu hổ vừa đau đớn, để an ủi, để nâng đỡ, để giải tội và để hứa sẽ cho người dưỡng nuôi con cái chị ư? Rồi khi cậu bé cũng qua đời theo một chứng bệnh với mẹ cậu, thiên hạ chẳng thấy ngài bất chấp dư luận đem hoa đến đặt trên mộ đứa con tội lỗi nhưng vẫn còn ngây thơ trong trắng như thiên thần và trên mồ người thiếu phụ đã được Chúa thứ tha tội ư?

Cũng như các tì ố luân lý, các vết như xã hội không làm cha nhụt chí. Một hôm hai tên tù vượt ngục đến gõ cửa nhà cha, họ mới phạm thêm nhiều tội ác, vì cơn đói cào bụng. Ai khác chắc đã nộp họ cho giới hữu quyền. Nhưng vị Linh mục niềm nở đón tiếp họ: "Tôi sẽ đi ăn mày từ nhà này qua nhà khác, nếu cần Cha kêu lên để nuôi sống họ và để biến họ nên người lương thiện." Vì người ta ngạc nhiên, nên ngài lên án xã hội đã ruồng bỏ họ: "Chính cái đó đã khiến họ trở nên người xấu, đã khiến họ thành người hung ác, sát nhân!"

Một anh công nhân vừa mới dùng dao giết chết cô bạn mình. Viên Chánh án hỏi anh:

- Vì lý do gì?...

- Tôi muốn cô ta trả chiếc đồng hồ lại cho tôi. - Ăn cắp chiếc đồng hồ còn không đáng bị ám sát cơ mà. Anh cho đệ đơn lên Chi Cảnh Sát...

Tên sát nhân do dự, xúc động và cuối cùng vừa khóc nức nở vừa nói: "Đó là chiếc đồng hồ ngày tôi rước lễ vỡ lòng. Cha Volpette, người dạy giáo lý, đã cho tôi. Tôi không lìa chiếc đồng hồ đó". Một phút im lặng, nặng nề bao trùm cử tọa và hàng ghế các phụ thẩm. Rồi "đứa con yêu dấu" của cha Volpette được tha bổng. Ta hãy nghe cha Volpette kết luận: "Vài ngày sau, tôi thấy anh chàng đau khổ đó bước vào phòng tôi, mặt cúi gầm xuống. Vâng, chắc bạn nghĩ đúng rằng trước hết tôi cảm thấy có nhiệm vụ cho

anh một bài học luân lý về các sự lôi cuốn tai hại của bè bạn trắc nết...Khi tôi nói xong, anh chàng đôi má đỏ bừng, chìa tay trao cho tôi 40 xu.

- Chi thế cậu?

- Xin cha dâng một thánh lễ cầu nguyện...cho nàng.

- Biết nói sao bây giờ? Tôi ôm anh ta, và chúng tôi cùng khóc với nhau!"

4. Bằng việc làm.

Phần này nhắm cả việc công giáo tiến hành đã được Đức Piô 11 công bố: Công tác thánh đường, các xứ truyền giáo, các ơn thiên triệu, báo chí, công tác xã hội, các của làm phúc do chính của tay hay ta gom góp ngõ hầu nâng đỡ các tổ chức nhằm mục đích mở rộng biên giới nước ơn thánh sủng.

Bạn hãy xung phong gia nhập công giáo tiến hành trong xứ, nhất là việc tông đồ giữa giới thợ thuyền. Không những Chúa Kitô, thủ lãnh của chúng ta, đã xuống thế làm người như chúng ta. Người đã làm một chú thợ bé, một người tầm thường giữa đám người tầm thường, "Người là con bác thợ mộc" như đã có một số người thường gọi như vậy.

Đức Giáo Hoàng Piô 11 còn tuyên bố: "Gương xấu vĩ đại nhất trong thế kẻ 19, là thật sự Giáo hội đã bỏ rơi mất giới thợ thuyền!"

Tại sao khối thợ thuyền quay lưng bỏ Chúa? Thôi chẳng cần mất thì giờ tìm hiểu các nguyên nhân. Ta hãy lo ngay việc tông đồ giữa anh em thợ thuyền. Đức Piô 11 còn nói: "Nhiệm vụ chúng ta là hoạt động để nâng cao giai cấp vô sản".

Đây, câu chuyện một ơn thật lạ lùng mà cũng rất ư tân thời: "Câu chuyện vị tông đồ Phong trào Thanh Lao Công tại Bruxelles. Ngài viết: "Tôi sinh ra trong gia đình thuộc giới thợ thuyền và cứ sự thường mà nói, vào tuổi 12, 13 hoặc 14 đáng lẽ tôi phải xách cà mèn cơm nguội để đi làm việc...Nếu tôi đã trở nên Linh Mục của Chúa Giêsu Kitô, chính là phải nhờ cha tôi mà được. Người là một công nhân nghèo khổ, không biết đọc, cũng chẳng biết viết. Lên 11 tuổi, Người đã phải đi làm, đã phải vất vả lao lực để cùng với mẹ tôi dạy dỗ các con cái người rất hãnh diện. Tôi vẫn con nhớ, một chiều kia, khi tôi được 13, 14 tuổi, trong lúc các anh chị tôi đã yên giấc trên giường, tôi hệt như cậu bé tí hon trong câu chuyện thần thoại, tôi bước xuống bếp thưa truyện với cha tôi, lúc đó đang hút ống điếu, và mẹ tôi đang vá mấy chiếc bí tất: "Thưa cha, con có thể tiếp tục đi học được không? Này con, vừa tuổi con, cha phải đi làm, bây giờ cha đã già, sức lại sút kém..." Để đánh miếng đòn quyết liệt, tôi mạnh bạo thưa: "Con tin rằng Chúa gọi con, con muốn được làm linh mục" Cha tôi, dù là người rất điềm đạm, lúc đó cũng tái mét cả mặt mày và những giọt nước mắt nóng hổi nặng nề từ từ lăn trên gò má nhọc sau một ngày làm việc, và đôi tay mẹ tôi, đôi bàn tay đã mòn hết móng vì bao công việc chồng chất, bắt đầu run lên. Cha tôi bảo "Này bà, chúng ta đã làm việc nhiều. Muốn được vinh dự có một đứa con làm Linh mục, chúng ta hãy làm nhiều hơn nữa!" và các ngài đã làm việc nhiều gấp bội. Nhưng tôi lại gặp một bất thần trong đời tôi, là đến năm triết lý cuối cùng, không đầy 8 ngày trước lễ phát phần thưởng tôi nhận được một điện tín báo tin bệnh tình Cha tôi rất trầm trọng: "Về gấp" Và tôi đã "chạy" về. Tôi thấy cha tôi đang hoi hóp trên giường. Người nhìn tôi mỉm cười rồi nghiêng về phía tôi, người ban cho tôi phép lành cuối cùng trong đời người, người cha đau khổ sức lực tiêu mòn vì công việc, người cha đã bị con mình "giết chết". Sau khi đưa tay vuốt mắt người, tôi thề trên thi thể người, tôi thề sẽ "tự giết" tôi để giới thợ thuyền được cứu rỗi".

Bạn hãy phóng tầm mắt xa hơn biên cương xứ sở bạn, bạn hãy nới rộng lòng nhiệt thành qua bên kia bờ đại dương.

Cha Bouvet viết: "Không gì cảm động bằng" khi các vị thừa sai lên đường. Chúng ta có thể dự nghi lễ đó, tại Paris, trong nguyện đường ở phố Du Bac. Trên vách tường nhà nguyện, chúng ta nhìn thấy Ba vua, những người ngoại giáo đầu tiên đã đến thờ phượng Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta còn nhìn thấy nhiều cảnh tượng tử đạo hãi hùng. Rồi trong nhà, có cả gian phòng chứa đầy các dụng cụ hành hình đem về từ các xứ man rợ. Trước khi quyết định ra đi, các vị Thừa sai đã thường nhìn ngắm chúng. Các ngài đã tự nhủ: "Nếu tôi bước chân đến đó, có lẽ tôi cũng sẽ chịu các khổ hình kinh tởm đó!" Nhưng, các ngài vui lòng chịu chết, nếu cần, vì danh Chúa Giêsu Kitô, và kìa các nhất quyết lên đường. Giờ đây các ngài đang ở trên bậc cấp cao. Vị này sắp đến với đám dân đen Phi Châu, đám dân sống trong những túp lều lụp xụp giữa rừng âm u và gần những giòng sông chảy xiết như thác lũ. Vị kia sẽ sang các Hải Đảo Đại Dương Châu, đất sống của dân man rợ, mình đầy lông lá, đầu tóc bóng mướt và đeo khi giới tẩm độc. Cho toàn đám người ngoại giáo đau khổ tôn thờ bụt thần đó ngài sẽ dạy thế này: Thiên Chúa là Đấng tốt lành và chính Con Người đã chịu chết đền tội thay cho họ. Cha mẹ các ngài đứng đó, khóc sướt mướt, nhưng hãnh diện thấy các con mình sẵn sàng hy sinh mạnh sống vì danh Chúa Giêsu Kitô. Họ nhìn các ngài lần cuối. Rồi kìa, cả cử tọa đứng lên hôn những cái hôn vĩnh biệt. Họ bước gần đến bàn thờ, qùy gối xuống trước mặt các vị thừa sai, và mọi người đặc chiếc hôn cuối cùng trên bàn chân các ngài, những bàn chân sẽ đi đến các miền xa lạ, để truyền bá Phúc Âm. Biết bao là nước mắt! Biết bao là tình thương! Thôi, hết rồi. Cửa nguyện đường mở toang. Xe đã trực sẵn ngoài sân, các vị truyền giáo bước lên. Đoàn xe chở những người chỉ nghĩ đến Chúa Giêsu Kitô và ra đi chịu chết cho Người. Trong khi nơi các đường phố Paris, đầy ứ bọn người chỉ nghĩ đến tội lỗi và vui thỏa cá nhân. Ở trần gian này, có gì cao cả hơn, đẹp đẽ hơn chăng?

Bạn được chọn ra đi phương xa ư? Bạn hãy tham gia phong trào truyền giáo, được Đức Piô 11 tuyên lập và cổ võ. Bạn hãy hưởng ứng các Hội Giáo Hoàng nhằm giúp các Xứ Truyền Giáo: Hội truyền bác Đức Tin, Hội Chúa Hài Đồng. Hội Thánh Phêrô Tông đồ. Chính nghĩa quả có một sức hấp dẫn phi thường. Thế giới ngoại giáo gồm hơn hai tỷ người. Hơn hai tỷ người, nghĩa là 4/5 thế giới rồi. Nghĩa là, nếu ngày đêm họ diễn hành cứ 10 người mỗi giây, chúng ta phải mất 4 hoặc 5 năm mới hết nhìn thấy họ bước qua. Hằng ngày có hơn 100.000 người qua đời, mà không được biết Chúa Cứu Thế và giá ơn Thánh Sủng. Đức Thánh Cha Piô 12 viết: "Bao lâu thánh ý Thiên Chúa còn giữ Ta ở đời này, bấy lâu công việc truyền giáo còn làm Ta băn khoăn lo lắng không ngừng. Thường khi nghĩ đến số người ngoại giáo đã lên tới 1 tỷ, trí khôn Ta không thể nào nghỉ yên" (Rer. Eccl).

Mùa màng bát ngát. Công việc cấp bách, bạn hãy sung phong vào đoàn thợ hoạt động cho công cuộc chính yếu này đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro