Chương 1: Như loài mèo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đông sang, tôi liên tục ước mình là một chú mèo. Thật béo, thật lười, 24/7 ở lì trên giường mà chẳng ai thèm động đến, cho dù có nghe tiếng chuông báo thức réo ầm ĩ thì đó cũng không thuộc phạm trù quan tâm của tôi. Đúng vậy, ước gì tôi là một chú mèo.

Nhiều khi tôi tự hỏi, tại sao thế giới này lại bất công với loài người và nuông chiều loài mèo đến vậy. Nghĩ thử mà xem, trước hết hãy xét về ngoại hình. Một con mèo béo mập, chân tay ngắn, mặt mông, mũi ngắn, mắt lác, miệng cong cớn hớt lên tận trán, trong mắt loài người thật đáng yêu biết bao. Thế nhưng nếu một con người mang những đặc điểm trên, không biết loài mèo có thấy họ đáng yêu không, chỉ biết là trong xã hội loài người, họ còn đang phải chịu nhiều áp lực. Rõ là nếu làm một con mèo thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn bao nhiêu, bất kể ngoại hình của tôi thế nào. 

Kế tiếp, hãy nói về tính cách. Tôi đang nuôi hai con mèo đực, mỗi đứa một tính. Tôi có tìm hiểu qua thì mèo cũng có bài kiểm tra tính cách riêng của chúng, và không phải con nào cũng ngoan ngoãn dịu dàng với chủ như ta mong đợi. Nhưng dẫu sao thì chúng vẫn luôn đáng yêu. Thậm chí còn được cung phụng nếu tính cách có phần lãnh đạm và bố đời. Chẳng ai cho mèo làm bài kiểm tra tính cách trước khi quyết định có nên nuôi chúng hay không. Nếu lỡ nuôi rồi mà tính trái khoáy, khó ở, đa phần mọi người sẽ cố gắng làm chúng hài lòng hoặc cố không kích động chúng, vì chúng là động vật, là mèo! Còn với người thì sao? Tôi có thể kể tên hàng tá bài kiểm tra tính cách chỉ để giúp tôi đi đến kết luận rằng tôi hợp với ai, nên tránh ai. Tránh không được thì có hàng tá chuyện bí mật để nói sau lưng người tôi không ưa. Sinh ra trong một xã hội nơi người ta đánh giá tôi trên mọi nấc thang có thể, từ gia cảnh, ngoại hình, tính cách, IQ, EQ, CQ, AQ, đủ thể loại Q,... hoặc là tôi thay đổi mình liên tục như tắc kè hoa để làm vừa lòng hết tất cả, hoặc là tôi chấp nhận bị ghét. Nhưng mà tuyệt nhất thì tôi ước mình là một chú mèo.

Cuối cùng, hãy nói về thứ mà tôi ghen tị nhất với chúng, đó chính là tính tò mò. Khi tôi còn bé, tôi được quyền tò mò về hầu hết tất cả mọi thứ. Tôi không bao giờ có khái niệm về chiếc lồng nơi mình được sinh ra và lớn lên. Vạn vật đều như biển cả, không có điểm cuối cùng. Có lẽ tôi khi còn nằm nôi không biết rằng chỉ cần bắc thang là có thể chạm tới trần nhà. Tôi khi mới chập chững đi không biết rằng chỉ cần chạy thật nhanh là hết con ngõ nhỏ dẫn từ nhà ra phố. Tôi của lớp 1 không biết cấp 1 chỉ có 5 lớp, cũng như tôi của lớp 6 không biết sự học của con người ta đa phần "chấm dứt" khi họ kết thúc Đại học. Tôi của những giây phút ấy không khác gì một con mèo. Thế giới quanh tôi luôn mới mẻ và bất quy tắc. Chính vì vậy mà tôi tò mò, thử cái này, học cái kia. Thất bại trong mắt tôi lúc ấy không được gọi là thất bại. Nó tên là "khám phá mới"! Tôi khám phá ra rằng nếu tôi làm thế này thì tôi sẽ được kết quả thế này. Cũng như loài mèo khi phải chọn giữa những đồ ăn lạ hoắc chúng chưa bao giờ được thử. Chúng phải ăn thử trước, trước khi kết luận món nào ngon hơn và cắm đầu vào ăn sạch. Chúng không hề biết sợ một thứ gì đó không tốt, không đúng. Sự tò mò cho chúng can đảm để thử, sai và rút ra bài học. Thật đáng ghen tị!

Xã hội này luôn dạy tôi rằng sự ghen tị là thứ dơ dáy và hạ đẳng. Thế nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này. Người ta ghen tị vì người khác có thứ mà họ không có, hay thực chất là có thứ mà họ chưa có? Đây mới là mấu chốt vấn đề. Đến một lúc nào đó khi người ta buông xuôi và chấp nhận rằng mình không bao giờ có thể sở hữu một thứ, khi nhìn người khác có thứ đó, cảm giác dâng lên không phải là ghen tị, mà là nuối tiếc và ngưỡng mộ. Tôi còn ghen tị, tức là tôi còn niềm tin ở bản thân rằng chỉ là tôi chưa đủ năng lực hoặc thời gian để sở hữu thứ đó, chứ không phải là tôi mãi mãi không thể. Loài người là như vậy đấy. Sự ghen tị đơn thuần được giữ lửa bởi niềm tin ở năng lực của bản thân, tin rằng họ xứng đáng và có cơ sở để đạt được điều đó trong tương lai. Vậy nên ghen tị không hề dơ dáy hay hạ đẳng. Trái lại, nếu hiểu rõ căn nguyên của ghen tị, con người ta sẽ có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề khác hoàn toàn, đồng thời cũng mang lại kết quả vượt xa mong đợi.

Ngẫm kỹ mà nói, tôi ghen tị với loài mèo cốt yếu là vì chúng đang làm được những điều tôi cho rằng mình có năng lực để làm, nhưng chưa làm, do vậy mà vẫn bị coi là chưa làm được. Đơn cử việc chúng tự tin sống trên đời với bất cứ bộ dạng nào. Chẳng ai đặt ra tiêu chuẩn đầu mèo phải to bao nhiêu, mặt mèo phải trông thế này thế nọ. Chúng tự tin sống đúng như tính cách trời sinh, không màng thiên hạ nói lời ra tiếng vào. Dù sao thì cuộc sống của chúng cũng là một chuỗi những ngày đầy ắp cái mới, chỉ khám phá thôi cũng đủ mệt rồi, hơi đâu đi làm mèo trăm họ. Tôi và hai con mèo tôi nuôi đang sống trên cùng một hành tinh, nhìn vào cùng một sự vật, sự việc, con người. Lăng kính giống loài của chúng tôi khác nhau đã đành, cớ sao sự can đảm để được tò mò, được ngây ngô tìm ra "khám phá mới" (aka thất bại), sự bồi hồi mỗi khi gặp việc lạ,... lại cũng khác nhau đến vậy? Tại sao một cái cây lại khiến hai con mèo nhà tôi thích thú hít hà, ngó nghía, trong khi trong mắt tôi nó quá đỗi tầm thường? Tôi đâu có biết hết mọi thứ về cái cây đâu? Lẽ ra tôi phải "rà soát" cái cây cùng chúng mới đúng chứ nhỉ. Tại sao ánh sáng mặt trời chiếu qua khung cửa sổ, hay tiếng hạt mưa đập mạnh trên mái tôn lại khiến chúng nhớn nhác cả lên, trong khi tôi còn mải buông rèm kín mít không biết đêm ngày, hoặc đeo tai nghe ầm ĩ vì không quan tâm? Tôi đâu có biết gì mấy về tia nắng hay giọt mưa kia đâu? Lẽ ra tôi phải thích thú ngắm nghía cùng chúng chứ nhỉ. Có lẽ từ lâu, tính tò mò trong tôi đã bị xã hội và nếp sống loài người bào mòn. Từ một đứa bé nghĩ rằng mọi vật đều như vũ trụ này, không bao giờ chết, không bao giờ hết, tôi được dạy rằng cái gì cũng có giới hạn của nó. Biển cả không thể tràn ra ngoài trái đất, bầu trời không thể tràn ra ngoài vũ trụ, con đường sẽ chấm hết khi nó gặp sông hoặc biển. Sự học của con người sẽ hết khi họ thôi đặt câu hỏi. Ngay cả một thứ khó đo đạc như "năng lực" cũng có giới hạn thôi, đó là lý do tôi hay nghe bố nói "Con phải biết lượng sức mình."

Vậy nên cho tôi làm mèo một ngày, à không, một ngày là quá ít đi, tôi xin 21 ngày, để tôi hình thành thói quen "Sống như loài mèo". Lúc đó, tôi sẽ là chính tôi, tự tin như con người tôi vốn thế, với ngoại hình bố mẹ cho, tính cách ông trời cho, một góc nhìn rất "mèo", rất "trẻ con" về cuộc sống này, và đặc biệt tặng kèm một tinh thần "khám phá mới" không biết sợ. 

Đến lúc đó, tôi sẽ thấy bản thân đáng yêu ghê, y như hai con mèo nhà tôi.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro