Song bien ri rao - Trương Quốc Anh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

                                     Biển xanh vẫy gọi

Em đã nhận được mail anh gởi cho em chưa? Vui lắm kia, anh gọi cho em mãi mà không được nên tìm Internet công cộng. Anh có kinh nghiệm đi tìm tiệm Internet mà! Xuống cảng nước nào anh cũng đi tìm để còn chỉ chỗ cho anh em trên tàu nữa. Tìm mãi mới ra đó. Nhưng anh không có biết tiếng Mexico, cũng may là nó cũng hơi giống giống tiếng Anh nên anh…đoán được. Mà bàn phím cũng đâu có chuẩn nên vừa đánh vừa tìm chữ đó. Khó nhất là tìm chữ @, rủi là mật khẩu của anh lại có chữ @...

Hiệp say sưa kể để đến khi nhìn ra đường phố đã vắng ngắt. người chủ gục đầu trên chiếc bàn nhỏ đã ngủ tự lúc nào. Hiệp cũng sợ Anh Thuỵ buồn ngủ.

- Mai em có làm gì không?

- Mai em thi môn áp cuối, mốt là em thi môn cuối cùng.

- Anh xin lỗi em nhé, anh làm mất thời giờ của em rồi! Mai mốt em thi xong anh sẽ trò chuyện với em nhiều hơn có được không? Chúc em học bài thi thật tốt! Chúc em ngủ ngon!

- Em cũng chúc anh ngủ ngon!

Dường như chẳng ai muốn gác máy, hai tiếng bye bye cứ vọng mãi.

Hai ngày sau Hiệp gọi điện, vừa cầm máy Anh Thuỵ đã hỏi:

-Hello! Có phải anh không?

- Sao em biết là anh?

- Em có linh cảm như thế, em cũng vừa thi xong, bây giờ anh kể chuyện thật nhiều cho em nghe đi ! Mà anh đang ở đâu vậy ?

- Trên nước em, cùng bang với em nữa. Anh đang ở cảng Houston đây!

- Thật là may quá! Lúc nhìn số hiện lên máy em đã nghĩ như thế nhưng không dám hỏi. Anh em mình có thể gặp nhau rồi !

- Nhưng ở Mỹ thuỷ thủ không được đi bờ !

- Sao anh gọi điện thoại cho em được đó ?

- Không đi bờ nhưng có người bán card và mang điện thoại cho mình gọi. Ít máy mà đông người nên phải chờ rất là lâu. Tàu đậu mấy ngày như thế này nếu được đi bờ thì anh sẽ đến thăm em liền.

- Sao lại không được đi bờ ? Các nước khác anh được đi bờ tự do mà, có phải Mỹ sợ khủng bố không ?

- Chỉ một phần thôi. Trước khi tàu vào cảng đã có hai coast guard (lính biên phòng biển) lên tàu. Họ đi khắp các ngóc ngách của tàu để kiểm tra có vũ khí và ma tuý hay không. Rồi đến đội kiểm dịch, vì đang mùa dịch nên họ kiểm tra rất kỹ. Đo thân nhiệt và hỏi han từng người. Sau đó đến kiểm tra cứu hoả cưú sinh và vệ sinh môi trường. Không có vấn đề gì chính quyền cảng mới làm thủ tục nhập cảnh. Làm thủ tục nhập cảnh mà không cấp giấy đi bờ. Tại công ty không yêu cầu cấp giấy đi bờ. Em biết vì sao không ? Tại thuỷ thủ đi bờ hay trốn lại ấy mà. Khi chính quyền cảng lên tàu làm giấy xuất cảnh, tàu thiếu người lại phạt. Trên tàu, thiếu người ảnh hưởng đến công việc, rồi chi phí cho cảnh sát và bao nhiêu rắc rối khác nữa. Nhiều người chỉ vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng đến người khác, để người nước khác coi thường người mình. Tức qua phải không ? Trên đường tàu vào cảng, có hai cảnh sát mặc đồ đen thui như quạ trang bị máy điện đàm và súng ống đầy người đứng canh trên buồng lái cho đến lúc tàu cập cảng mới rời khỏi tàu. Tàu ghé cảng thì có hai xe cảnh sát túc trực dưới chân cầu thang tàu. Thuỷ thủ không được đi khỏi tàu 20m. Luật là luật thế thôi chứ tụi anh thường xuống đi dạo và nói chuyện với cảnh sát.Họ cũng vui tính lắm. khi mình cần mua thứ gì thì nhờ cảnh sát gọi điện cho mấy người bán hàng mang lên tàu. Mấy người trong hội thánh còn mang quà xuống tặng cho người trên tàu nữa. Thích nhất là hình xếp. không đi được bờ, ở trên tàu chẳng làm gì nên lớn nhỏ cặm cụi xếp hình như trẻ con.

- Anh ở đó lâu không ?

- Được vài ngày nữa.

-Anh ghi địa chỉ cho em được không ?

- Để làm gì ? Anh ở đây chỉ có mấy ngày rồi đi mà !

- Em sẽ xuống thăm anh ! Mai thứ bảy em không đi học!

- Đường xa lắm, em nói là hơn ba trăm cây số kia mà!

- Tại em mới chuyển đến Marcos, nếu em còn ở San Antonio thì cũng gần chỗ anh. Nhưng em vừa thi lấy bằng lái, em tự lái xe đến được mà!

- Đây là cảng nhà máy dầu khí, không biết em có vào được không nữa?

- Em nghĩ là không có gì khó lắm đâu!

- Vậy thì em ngủ sớm để lấy sức, em rủ them một người bạn nữa cùng đi cho vui và đường xa khỏi nguy hiểm hơn. Nếu vậy không chỉ mình anh mà các anh trên tàu cũng chuẩn bị đón em đó. Hẹn gặp lại em!

Anh Thuỵ cũng thích gặp những người trên tàu. Xa nhà từ thời trung học, nơi xứ người mấy khi gặp được người gốc Việt. Gặp thì họ chẳng thích nói chuyện với người Việt Nam. Anh THuỵ thấy thương và buồn cho những người đầu không chạm trời chân không chạm đất. Việc học bận rộn không còn chỗ cho nỗi buồn. Nhưng có những đêm mưa, ngồi một mình Anh Thuỵ thấy thấy nhớ nhà da diết. Nhớ mái trường Minh Khai cổ kính, nhớ những ngày còn mặc áo dài trắng tinh khôi, tha thướt và nhớ bạn bè thời học sinh than thương… Cái nắng Texas ngột ngạt bỏng rát cả mặt. Anh Thuỵ thấy nhớ và thích những cơn mưa Sài Gòn bất chợt. Hiệp gọi điện cho Anh Thuỵ đúng vào những lúc ấy. Thật là trùng hợp! Hiệp lắng nghe và chia sẻ. Nghe cái giọng trầm chậm rãi, Anh Thuỵ thấy thân thiện và ấm áp lạ. Khi Hiệp đi xa thì không gọi điện thường xuyên được. Hiểu nhau, tin tưởng ở nhau thì cần gì phải nói nhiều! Qua điện thoại Anh Thuỵ luôn được Hiệp cho nói chuyện với mấy người trên tàu nữa để được nghe giọng nói của cả ba miền Bắc- Trung- Nam. Tuy xa nhưng hết sức gần gũi. Dù chưa tận mắt thấy nhưng qua điện thoại Anh Thuỵ cảm nhận được không khí vui vẻ, đoàn kết của những con người dễ mến thích đi đây đi đó, thích đè sóng cưỡi gió và ưa mạo hiểm. Những con người coi tàu là nhà, biển cả là quê hương, đất liêng chỉ là nơi tạm trú…Sáng hôm sau Hiệp không phải đi làm. Các anh trong tổ chia nhau đi ca cho Hiệp đón Anh Thuỵ. Không được đi bờ mà có cô gái Việt Nam xuống thăm tàu thì không còn gì bằng! Các anh sẽ đi ca cho Hiệp mấy ngày luôn! Dù chưa được gặp mặt Anh Thuỵ nhưng khi nghe giọng nói Sài gòn nhẹ nhàng, từ tốn ai cũng thích. Nhất là những anh ở phía Bắc, cứ giật máy để nói chuyện, để trêu chọc.

Hiệp ôm mấy điện thoại liên lạc với Anh Thuỵ. Anh Thuỵ đang trên đường đi đến.

Những đoạn đường vắng Anh Thuỵ gắn một đầu nghe rồi cho Hiệp.

-Anh kể chuyện cho em nghe đi! Chuyện về biển đó!

- Anh sẽ kể cho em nghe nhưng em đừng có mất tập trung khi lái xe nhé! Em đến đây nhớ chọn con đường thẳng mà đi cho gần nhé! Còn anh đi trên biển thì khác, đi theo đường thẳng chưa chắc gần hơn đường cong.

- Sao lạ vậy, anh nói cho em biết đi!

- Tại trái đât của chúng mình hình tròn nên mặt biển cũng cong. Đi trên biển mới thấy rõ độ cong của mặt biển. Xa xa có những chiếc tàu đang chạy nhưng chỉ nhìn thấy phần cột đèn và ống khói. Thân tàu thì khuất dưới nước như đang chìm vậy. Có người nói đùa là tàu ngầm. Vì tàu biển sử dụng hải đồ theo phép chiếu Mercatỏ để vẽ hải trình. Do đó tàu luôn đi theo đường Ortho (cung vòng lớn). Đi đường cong gần hơn đường thẳng là vậy. Chỉ khi nào tàu hướng trùng với đường xích đạo mới đi theo đường thẳng.

- Mặt biển mênh mông, tứ phía đều là chân trời thì làm sao đi cho đúng đường hở anh?

- Tàu đi theo hải trình đã được phó hai kẻ trên hải đồ. Trên tàu có la bàn. La bàn từ và la bàn điện. Dựa vào la bàn mà xác định hướng đi cho tàu. Tứ phía đều là chân trời nhưng đã có hệ thống định vị toàn cầu. Hệ thống cho biết kinh độ, vĩ độ và cả những thông số của các tàu khác đi trong bán kính mấy chục hải lí. Có kinh độ và vĩ độ thì xác định được vị trí tàu trên hải đồ. Vị trí trên hải đồ tương ứng với vị trí trên quả đất. Nếu máy móc hàng hải bị hư hỏng hết, tàu anh cũng đi đúng hướng đấy !

- Dựa vào cái gì hở anh ?

- Dựa vào trăng sao ấy ! Ngắm trăng sao cũng xác định được vị trí tàu. Trăng thì chỉ có một còn sao thì rất nhiều. Tuỳ theo từng mùa mà có các chòm sao tương ứng. Mùa xuân thì nhìn thấy chòm Đại Hùng Tinh, Thất Nữ, Sư Tử hay Nam Thập Tự. Trước và sau hạ chí có thể nhìn thấy các chòm Thiên Nga, Thiên Cầm, Thiên Ưng… Chòm Thiên Ưng có các sao Ngưu Lang. Chòm Thiên Cầm có sao Chức Nữ. Ngưu Lang và Chức Nữ lại nằm ở hai bờ của dải Ngân Hà. Trên Ngân Hà lại không có tàu thuyền hay chiếc xuồng con nào nên Ngưu Lang và Chức Nữ mãi mãi ở bên bờ sông nhìn nhau mà không được gặp nhau ! Vào mùa thu thì dựa vào các chòm sao Tiên Hậu, Phi Mã, Nam Ngư… Trước và sau Đông chí thì dựa vào chòm sao Kim Ngưu, Song Tử… Cũng không khó lắm khi xác định các vì sao. Sao Vệ Nữ sáng xanh và sáng nhất trong các vì sao. Vì nó thường xuất hiện ở phía đông lúc bình minh hoặc phía tây sau lúc hoàng hôn. Sao ở gần thiên cực bắc là sao Bắc Đẩu. Đây là sao quan trọng nhất trong ngành hàng hải. Chòm sao có năm ngôi tạo thành hình chữ thập là chòm Thiên Nga. Cũng năm ngôi sao nhưng có hình W là chòm Tiên Hậu… Nhưng việc xác định vị trí tàu bằng thiên văn thì độ chính xác chỉ tương đối. Ở các vùng địa lí khác nhau thì từ trường trái đất khác nhau. Hướng bắc la bàn khác với hướng bằng điện từ và hướng bắc thật. Do độ lệch từ của la ban khác nhau nên người có nhiều kinh nghiệm mới hiệu chỉnh và điều khiển cho tàu đi đúng hướng cần thiết.

Đó là trường hợp sự cố chứ bình thường chẳng ai dùng phương pháp ấy. Thời tiết bình thường thì hải trình không thay đổi. Khi gặp bão thì phải thay đổi hướng đi. Dựa vào những bảng dự báo thời tiết từ trung tâm gởi đến mà thay đổi thích hợp. Bão lớn thì phải đi vòng để tránh tâm bão. Nhiều khi đi vào vùng biển lạ, lại gặp bão thay đổi phức tạp thì phải « mua đường » của các trung tâm dẫn đường uy tín trên bờ…

- Là con gái không được đi biển chứ em cũng thích được như anh !

- Em có bao giờ băng qua xích đạo chưa ? Em có biết những người đi biển băng qua xích đạo thì gọi là gì không ? Là những con sói biển đó ! Khi tàu qua xích đạo thì kéo mấy hồi còi tàu dài. Những thuỷ thủ mới qua lần đầu cứ bị mấy người lớn hơn bảo phải chui qua thùng phuy hay vòng lửa, rồi lấy lọ nồi bôi khắp người đen thui. Qua xích đạo rồi mới thấy khí hậu ở hai nửa bán cầu khác nhau…Vùng biển xích đạo lắm mực nhiều cá vì ấm áp. Khi tàu vào luồng cá, cá chuồn cứ bay rào rào như chim ra hai phía mạn và trước mũi tàu. Hải âu bay theo tàu từng bầy để bắt cá, ăn no thì đậu trên tàu để nghỉ. Cá còn bay lên cả boong tàu. Sáng sáng đi dọc theo hai mặt boong nhặt cá tươi để nướng. Khi tàu qua vùng biển có cá ngừ đại dương câu mới thích. Tàu vẫn chạy nhưng câu được cá mới hay. Mà toàn là cá lớn, mỗi con mấy chục kí lô. Nhưng phải cho tàu chạy chậm lại mới câu được. Nếu vẫn đi với tốc độ bình thường thì kéo lên chỉ còn mỗi cái…đầu cá. Cho tàu chạy sáu đến bảy hải lí là vừa. Câu không cần mồi. Bó một nắm lông gà vào lưỡi câu. Phải dùng tời kéo cá lên mới nổi. Một con cả tàu ăn mấy ngày không hết. Cá tươi chế đủ món, ngon thôi rồi ! Người Nhật và Hàn Quốc thích món cá sasomi nên những vùng có cá ngừ đại dương thì thuyền trưởng đánh dấu trên hải đồ bằng bút chì đỏ. Để khi tàu có dịp trở lại vùng biển ấy thì câu tiếp. Em đã bao giờ thấy cá voi chưa ?

- Thấy rồi nhưng chỉ ở trên tivi thôi. Anh thấy chúng ngoài biển à ?

- Nhiều lắm, từ Madagasca đến Nam Phi nhiều cá voi lắm ! Cá voi chỉ sống ở xứ lạnh, vùng biển rộng và môi trường sạch. Cá voi cứ bơi song song với tàu mà vẫy mà lượn, sống lưng xám đen và cái đuôi khổng lồ cứ nhô cao lên khỏi mặt nước, xem thích lắm ! Cá voi thích đùa giỡn với tàu. Khi thấy cá voi, thuỷ thủ đang ăn cơm cũng bỏ đũa mà chạy hết ra boong. Vùng có cá voi thì biết liền. Cá voi phun lên trời những cột nước trắng xoá. Không phải cá voi thích phun nước lên trời mà chúng đang bắt mồi đó. Cá voi bắt mồi bằng cách há miệng bơi nhanh cho cá nhỏ và rong rêu cuốn vào, rồi ngậm miệng phun nước ra để giữ mồi lại. Con cá dài vài chục mét và nặng mấy chục tấn chỉ có cách bắt mồi như thế mới no được. Những cột nước trắng xoá cứ phụt lên trời như vậy. Nhiều lúc có cột nước nhưng không phải của cá voi phun mà là vòi rồng. Đó là khi hai ngọn gió ngược nhau tạo nên dòng xoáy. Nước xoáy thành cột trắng xoá. Khi gió lớn thì cột nước cao đến mấy chục mét, có khi còn cuốn cả tôm cá dưới biển lên nữa đó. Đi biển thấy vòi rồng là chuyện thường…

Hiệp kể mãi, Anh Thuỵ nghe mê mẩn nên nhiều lúc bị lạc đường, dù rằng con đường này Anh Thuỵ đã đi xe buyt mấy lần. Con đường dẫn ra bãi biển tuyệt đẹp. Anh Thuỵ rất thích biển, mỗi khi nhớ Hiệp là Anh Thuỵ ra biển. Ra biển để tìm lại những kỉ niệm đáng yêu. Cùng chạy nhảy tunh tăng trên sóng nước, cùng sánh vai bước trên cát trắng mịn êm dịu bàn chân, gió biển thổi tung làn tóc rối… Ra biển càng nhớ quay quắt. Nhớ cũng là hạnh phúc.

Còn Hiệp thì mỗi lần đến một cảng của vùng đất mới, việc đầu tiên là gọi điện cho Anh Thụy. Hiệp không biết tại sao lại thích kể chuyện cho Anh Thụy nữa. Hiệp kể về những chuyến hải hành, về cuộc sống của người thủy thủ trên biển. Có lẽ đồng cảm và cùng chung sở thích nên hai người nói mãi cũng không hết chuyện. Nói chuyện để biết được sức khỏe của nhau. Sức khoẻ biểu hiện qua lời nói, tiếng cười cao hay thấp, đục hay trong…Nói chuyện thấy được tâm hồn của nhau và càng hiểu nhau hơn. Hiệp gọi điện còng để được nghe giọng trong vắt và mềm mại của Anh Thuỵ cho vơi đi nỗi nhớ. Thời gian làm cho nỗi nhớ đầy theo năm tháng. Khoảng cách làm cho tình yêu thêm cháy bỏng. Nỗi nhớ càng cồn cào hơn vì chút xíu nữa Hiệp sẽ gặp được người thương yêu, suốt ngày mong nhớ.

Hiệp mang chiếc hộp màu đỏ vuông vức có buộc chiếc nơ tím xinh xắn. Bên trong đựng chiếc vòng ngọc. Chiếc vòng xanh óng ánh gợn lên vài vân trắng ngà như mây bay giữa bầu trời thu. Chiếc vòng mà Hiệp tìm khi lên đất HongKong. Cũng vì mua vòng ngọc mà chút xíu nữa Hiệp bị trễ chuyến tàu. Anh Thuỵ sẽ rất thích nó. Da mịn và trắng hồng. Anh Thuỵ đeo chiếc vòng ngọc này thì ngọc càng xanh càng trong hơn. Ngày trước Anh Thuỵ thích đeo vòng nhựa. Mấy năm rồi không gặp không biết tay Anh Thuỵ có lớn thêm chút nào không ? Hiệp lấy bông ép lau lại cho bóng. Lau xong Hiệp ôm vào người rồi nhắm mắt và nghĩ một câu nói cho thật hay, thật tình tứ khi trao chiếc vòng cho Anh Thuỵ. Lúc ấy tim Hiệp sẽ đập loạn nhịp, còn cảm xúc của Anh Thuỵ sẽ thế nào ? Hiệp đang tưởng tượng ra các cảnh lãng mạn nhất thì chuông điện thoại reo. Hiệp giật mình bốc máy lên nghe. Đầu kia giọng Anh Thuỵ ngọt ngào :

- Em đã đến cổng cảng rồi nhưng không vào được, anh cho em số máy của đại lý để em liên lạc được không ?

- Số máy của đại lý là 6657481

Anh Thuỵ gọi ngay cho đại lý, nhờ đại lí xin giúp giấy qua cổng. Hơn hai tiếng đồng hồ mới làm xong giấy. Cảng nhà máy nên vào rất khó, người Mỹ rất ngán nạn khủng bố. Anh Thuỵ vào được cổng rồi nhưng không biết tàu Hiệp đậu ở cầu nào. Anh Thuỵ lại không còn liên lạc với Hịêp được nữa. Người cho mượn máy đã xuống tàu lấy máy trở lại rồi. Cảng rộng mênh mông, cả trăm cầu không biết đường nào mà lần. Anh Thuỵ phải gọi điện lại cho đại lí để nhờ đại lí chỉ đường.

Khi Anh Thuỵ vừa thấy được tên tàu của Hiệp cũng là lúc tàu vừa cởi dây. Lịch thay đổi đột xuất, tàu sang Florida để nhận thêm hàng. Con tàu đang hụ còi inh ỏi. Hiệp ôm chiếc hộp vuông vức có buộc chiếc nơ tím xinh xắn, cứ dõi mắt về phía cổng, nghe ruột nóng cồn cào. Không chỉ có Hiệp mà anh em trên tàu với quần áo chỉnh tề đứng đón Anh Thuỵ từ sớm, khi tàu rời cảng cũng vẫn còn đứng vẫy tay. Anh Thuỵ có nhìn thấy không ?

Đằng xa có chiếc xe băng băng lao tới. Thuỷ htủ càng vẫy mạnh tay, có phải là Anh Thuỵ không ? Anh Thuỵ dừng xe rồi xô cửa bước ra nhưng không còn kịp nữa rồi. Con tàu đang từ từ rời cảng. Anh Thuỵ còn kịp nhìn thấy Hiệp và rất đông thuỷ thủ đứng thành hàng bên boong vẫy chào. Anh Thuỵ thấy thật hạnh phúc, những giọt nước mắt lăn dài xuống má. Anh Thuỵ cầm chiếc nón trắng vẫy vẫy chào lại.

Sóng đánh vào cầu tàu, bọt nước làm ướt cả mái tóc đen dài và óng mượt nhưng Anh Thuỵ đâu có hay. Anh Thuỵ cứ vẫy mãi cho đến lúc con tàu khuất dưới mặt biển cong cong. Trái đất tròn mà ! Ngoài kia sóng đại dương cũng đang vẫy vẫy…

-Hết- CÁ MẬP TẤN CÔNG

Tàu đang lừ lừ chạy trong vùng biển Ả rập, ông Cung già – Máy trưởng buồn tình - lại buồn, bảo : “ câu, chúng mày ơi”. Nói là làm, ông lôi đồ nghề ra, cha mẹ trời đất quỉ thần thiên địa ông bành tổ ơi..ơi…một cái gì với ba cái móc nhọn hoắt, ôi trời ơi, đúng rồi, cái thứ này đúng là cái móc thịt heo mấy bà ngoài chợ xài hoài đây mà. “ Chứ chú câu giống gì đây?” “ “Hè hè hè, mi không biết a, ta sẽ cho chú mày biết, đừng có hỏi nhiều”. Một đoạn thẻo hơn một thưóc là một cuộn cáp nhỏ,được gia cố thêm ở phía ngoài là những dây thép cuốn tròn xung quanh, khoảng 200m dây nilon bằng cổ tay bọn tôi gắn với đoạn thẻo ấy. Hãi quá,: “ chú định câu Hải Vương à, hay là mời Tiên cá lên tàu cho anh em thỏa sức ngắm nhìn?”. Ông lặng lẽ móc một cục thịt heo1 kg vào ba cái móc rồi ra sau lái cột vào tời neo …và thả xuống đoạn dài khoảng hơn 100m và ….đi vào buồng uống rượu. Tàu cứ xình xình chạy, biển êm, tới ca ai ngưới đó đi, đi xong vào nghỉ và ra thăm chừng.

Chẳng có con mẹ gì. Một tuẩn lễ…. Một thằng em buồn (lại buồn ) lần này là muốn làm thơ ngoài biển chứ không muốn làm thơ trong Toa lét tàu, nó ra sau lái trút nỗi buồn xuống bọn cá (thằng này sáng tác ra thêm một cái khoái nữa ngoài tứ khoái mà ta đã biết) và chợt thấy xa xa có cái gì nhấp nhô cùng với sợi dây. Nó nhìn mãi, nhìn mãi… chả hiểu là cái giống gì và chợt nó rú lên hãi hùng nhưng đầy phấn khích :” Cá mập”, ( Chả biết lúc nhìn ra đựoc là cá mập nó có kịp gài cúc quần không nữa) lập tức cả tàu nhốn nháo, gã phó hai lệnh giảm tốc độ tàu, Giời ạ, chạy chừng 9 knots chứ mấy mà giảm với tăng. Bọn tôi lao tới, bác Cung cũng lao tới, bọn không đi ca cũng lao tới và mở mắt thật to…..mắt chữ O mồm chữ Ô, mặt mũi xanh như đít nhái, và ….cùng trố mắt cả loạt với nhau, hệt như chúng ta xem đánh Tennis, cả vạn cái đầu cùng tới lui với trái banh nỉ, quái vật của biển sâu à?. Hai thằng xúm lại quay tời neo, đếch được, nặng quá không thể nào quay được chúng mày ạ. Chợt bác Cung la : “ bảo bọn máy cấp điện cho tời neo”. Rầm… rầm….o…o…o…. tời neo bắt đầu quay, khoảng cách thu ngắn lại chừng nào thì hình dạng con thú rõ chừng đó. Đúng là nó rồi chúng mày ơi, con thú bắt đầu chống trả với máy móc của con người, nó lao qua bên này rồi lao qua bên kia với tốc độ khủng khiếp, quyết liệt vô cùng, không lẽ lại thua cái lũ hai chân sao? Và cuối cùng sức máy đã thắng sức thú, nó đã được kéo sát vào đuôi tàu, nhưng bọn tôi cố gắng tránh cho nó va vào chân vịt tàu, khéo lại nát bét ra thì hỏng to. Làm thế nào đưa nó lên đây, cái lỗ để xông dây neo quá nhỏ so với hình dạng của con cá, và…. cẩu của hầm 5 lại được đưa ngang ra, một đoạn dây nối với cáp cẩu được đưa xuống, loay hoay một lúc lũ chúng tôi cũng cột được con quái vật vào cẩu tàu, thận trọng dìu “Em” lên mặt boong, nhẹ nhàng để em xuống, tất cả các “ em Hai chân” đều dạt ra xa, chờ đến khi “Em” này ngáp cái cuối cùng mới dám “Hò dô ta” xông vào. Đến lúc này thì máu, nhớt của con cá mới là khủng khiếp. Nó tanh, thối cả tàu. Con quái vật nằm một đống, uớc chừng dài 13m, khoảng 900kg, cái miệng lởm chởm răng trắng hếu, nhọn hoắt, cả bọn nhìn nó mà sởn da gà, nó mà dậy được nhỉ, một cái đợp của nó thôi …thì… Bác Cung lạch bạch đi tới : “ Mẹ nó, con này thì ăn uống làm sao được, của tao thì để tao”. Lập tức con dao trong tay Cụ xén một phát đi cái vây lưng, phát thứ hai vây bên và phát nữa, phát nữa…… con cá đã trụi thui lủi không giống hình dạng là nó từ khi mẹ nó đẻ nó ra nữa thì Cụ ngừng tay. “ Chúng mày xẻ nó ra, vứt xuống biển đi, mấy thằng bạn nó đang chờ nó đó”. Cụ thu chiến lợi phẩm và đủng đỉnh đi vào buồng, Cụ lại đủng đỉnh leo lên boong cao nhất và ….phơi chiến lợi phẩm. 

Quan có khác, miệng quan có gang có thép, bọn lính lại phải bơm nước biển lên, rửa tàu gãy lưng mà vẫn còn mùi khai thối. Chả bõ cho “Bọ” cẩu mày lên , giờ phải rửa tàu vì cái mùi của mày, biết vậy “Bọ” câu mấy thằng Nhám như bữa trước cho đã, “Bọ” câu lên rồi thả xuống mà lại hay đấy, nhỉ.

Chiếc máy đo sâu

Chỉ thêm được một buổi chiều nữa thôi là chúng tôi phải đi rồi. Không đi kịp là sẽ bị lỡ chuyến hàng, lỡ chuyến thì không biết bao giờ mới có lịch nhận hàng trở lại, chưa kể lỡ chuyến này ảnh hưởng đến các chuyến hàng tiếp theo.

Nhưng thợ chưa sửa chữa xong, họ làm hì hục cả đêm qua khi tàu còn chạy trên sông Bạch Đằng ra đến đây mà tìm chưa ra nguyên nhân. Thật là quái, như là có ma ấy! Máy móc mới tinh nhưng cứ lắp vào thì chập chờn, lúc chỉ báo lúc không. Đo sâu như thế thì nguy hiểm lắm. Tàu mắc cạn hay chạy lên núi rồi mà chưa báo động thì nguy to. Nói thế chứ tàu chạy biển không chỉ báo được cũng không sao, hải trình quen thuộc rồi kia mà, chạy chuyên tuyến nên đi là cứ đường ấy, về là về đường ấy, cứ việc mang tấm hải đồ đã kẻ sẵn, ít khi thay đổi lắm. Do vậy có máy cũng không thường dùng nhưng vào cảng Trung Quốc mà không báo được thì chết chắc. PSC (chính quyền cảng) lên kiểm tra không đảm bảo an toàn theo quy định là phạt, tàu sẽ bị giữ lại. Mà tàu bị phạt một lần là sẽ bị soi mãi. PSC đã cảnh báo về máy đo sâu của tàu rồi, chuyến này tàu qua nhất định sẽ bị kiểm tra, đây là thời hạn cuối cùng.

Biết được tầm quan trọng của chiếc máy đo sâu nên thuyền trưởng Ngô nhắc nhở phó hai có biện pháp khắc phục. Phó hai Quyền và anh em trên tàu kiểm tra dây nhợ, cảm biến độ sâu thử có bị hư hỏng hay không. Dây cáp thì đi trong ống sắt nhưng kiểm tra còn dễ, chỉ việc đo thông mạch và cách điện là xong, khó là tháo cảm biến. Tháo cảm biến phải chui xuống tận keel tàu. Tàu không phải là tàu đáy đôi nên chui xuống keel là phải chui qua hầm hàng, mà chui qua hầm hàng rất nguy hiểm. Trên tàu, khi vào nơi kín phải đo nồng độ oxy và khí độc metal... Phải đảm bảo độ an toàn mới được làm việc. Tàu chở hàng độc hại nên phải thông gió trước cả ngày trời. Xuống dưới hầm hàng tối thui lui nhưng không được thắp đèn điện để phòng tránh cháy nổ, chỉ được sử dụng loại đèn pin chống cháy nổ chuyên dụng nên cứ giống như là đi soi ếch. Nhóm phía dưới liên lạc với nhóm phía trên bằng máy bộ đàm, có sự cố gì thì liên lạc nhanh chóng cho nhau. Thuyền trưởng trên buồng lái giữ liên lạc chính và theo dõi công việc của toàn bộ thuyền viên đang làm việc.

Tháo nắp tu-roan chui xuống, phải lách người mới chui qua lọt. Cái đầu cảm biến bằng cái chén lại nằm tận trong hốc. Lâu ngày bu long bị gỉ sét vặn cà lê không ra phải dùng cưa và đục. Cưa và đục cũng sợ phát tia lửa điện gây cháy nổ nên phải dùng nước mà xịt cho ướt. Tháo được cảm biến thì đóng lù nhanh chóng chứ không thì nước biển ngập vào tàu. Nước ngập vào tàu thì chui lên không kịp. Đóng lù chắc chắn xong xuôi rồi mang cảm biến lên, vừa đi mà cứ quay lại dòm, cứ sợ nước phụt lên. Kiểm tra cảm biến, vẫn còn tốt. Kiểm tra lại đường dây một lần nữa, cũng vẫn còn tốt. Chỉ còn mỗi chiếc máy. Khả năng hệ thống lỗi là do chiếc máy.

Nhưng cái máy mới lắp còn bảo hành kia mà. Cũng tại cái tên máy là SamYung. Hay là thay quách cái chữ Y bằng chữ S có hay hơn không! SamSung thì màn hình cực phẳng, hiển thị rõ nét. Nhưng biết làm sao được, chỉ sai mỗi một phụ âm, sai một li đi mười dặm. Thợ đã kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng và máy tính rồi mà. Thợ cũng bó tay. Hay là đáy tàu bị hà bám nhiều, cảm biến không phát xung đến đáy biển được nên không thu được sóng phản xạ? Cũng có khả năng ấy lắm chứ!

Gọi điện thoại thuê thợ lặn đi đò từ Hòn Dáu ra. Thủy thủ trưởng Thắng chạy máy nén gió cho thợ lặn lấy hơi mà thở. Hai thợ lặn đeo mặt nạ, ngậm ống thở và mang theo dao lặn xuống phía dưới đáy tàu xem có hà bám hay không, nếu có thì cạo đi. Thợ lặn xuống nước, bầy cá heo ào lại vây quanh. Không biết cá heo ở đâu mà đông thế không biết, thợ bơi đằng trước chúng bơi theo phía sau như hộ tống, có con còn vượt lên phía trước dẫn đường. Thợ lặn đến vị trí đặt cảm biến, không có hà bám hay vật cản nào mới tức chứ! Thế mới khó tìm được nguyên nhân.

Hay là chiếc máy mới nhưng bị lỗi kỹ thuật? Thợ bảo hành gọi điện sai người mang hẳn một chiếc máy mới tinh khác ra thay. Thử trước cho chắc ăn bằng cách buột dây vào cảm biến thả xuống biển từ trên cánh gà buồng lái. Thử mạn trái và mạn phải thấy máy đo tốt, ai cũng mừng rơn. Lắp vào là chạy thôi. Ai cũng hăng hái làm cho xong sớm. Nhưng khi lắp vào vị trí cũ thì máy lại không hoạt động được. Thợ lắc đầu ngao ngán. Có thể bị nhiễm từ quá lớn. Nhưng sao trước đây cũng đặt ở vị trí đó mà vẫn đo bình thường? Kiểu này thì phải chờ cho tàu lên đà*. Nhưng làm sao mà chờ được gần đến 2 năm nữa. Trời lại sắp tối rồi. Thuyền trưởng gọi điện hỏi ý kiến công ty. Công ty bảo cho tàu chạy chứ đã trễ lắm rồi. Bây giờ đề pa phải chạy hết tốc độ mới có cơ may kịp được. Gọi gấp đò cho hai thợ sửa chữa rời tàu chứ nếu không xuống thì qua cảng nước ngoài không biết chui đâu mà trốn cho được.

Hai thợ vừa xuống khỏi thì tàu nhổ neo rời vùng biển Đồ Sơn. Mấy chú cá heo nhảy múa trong nước biển đỏ ngầu phù sa. Tàu đi mà lo lắm nhưng biết làm sao được, công ty hối đi, có gì công ty chịu. Nói thế chứ trong nước còn được, khi ra nước ngoài thì thuyền trưởng đứng mũi chịu sào. Nhưng từ Đồ Sơn qua đến đó còn hơn một ngày trời nữa kia mà. Chừng đó thời gian sẽ tính được cách, nhất định sẽ tính được cách.

Không đo ở vị trí cũ của nó thì ta đo ở chỗ khác, miễn sao trên màn hình máy có hiển thị độ sâu và báo động khi độ sâu nhỏ hơn giá trị đặt. Thế là trên đường đi mấy người tập trung làm thiết bị đo... cầm tay. Làm bằng cách đi dây dẫn mới sang vách tàu, phải khoan lổ rồi luồn dây qua vách để lỡ PSC có thấy thì bảo là dây ăng-ten ti vi, xong thì bó buột dây gọn gàng, cũng khó phát hiện ra. Cũng chưa biết là tàu cập mạn nào nên đi dây sang cả trái và phải cho chắc ăn. Trái là phòng thợ cả Quân và phải là kho thủy thủ trưởng nhưng chỉ có một cảm biến nên không dám nối dây trực tiếp mà đấu sẵn hai ổ cắm hai bên, tàu cập mạn này thì thả mạn kia. Đâu có dám đứng trên mặt boong mà thả, chỉ dám mở cửa sổ tròn nhỏ, thả xong sẽ đóng lại. Lấy sơn sơn vào dây điệp với màu của vỏ tàu cho khó phát hiện. Không dám làm ổ cắm hai chân vì sợ lúc PSC lên tàu mà quân ta lúng túng cắm nhầm đầu dương sang đầu âm thì không đo được. Phải tìm ổ cắm ba chân mà đấu dây thật chắc chắn, lúc đó nhắm mắt cắm cái phụp cũng trúng.

Làm xong thì mang ra biển thử liền, thử cả hai bên mạn. Tàu chạy cái cảm biến cứ trôi rồi nhảy lên khỏi mặt nước, phải buột thêm vào một cục sắt cho đủ nặng. Thế này là yên tâm rồi. Chuẩn bị nhiều thứ chỉ để kiểm tra và cấp giấy chứng nhận là được. Cũng như thủy thủ phải biết bơi, bơi ít nhất 300m mới gọi là biết bơi. Biết bơi là để cứu mình một lần trong đời chứ đi biển mấy khi được bơi đâu, cũng có thể cả đời không bơi. Không được bơi mới là may phước.

Nếu tàu vào cầu cảng như mọi khi thì sẽ cập mạn trái, có khả năng tàu vào đúng cầu cảng cũ, chuẩn bị sẵn sàng để thả cảm biến mạn phải. Nhưng thả mạn phải thấy cũng nguy hiểm quá. Lỡ PSC đi bằng tàu thủy hay ca nô ra sẽ phát hiện được, người trong ngành liên quan đến hàng hải lên tàu thường đi bằng đường thủy. Thả bên mạn trái thì càng nguy hiểm hơn vì phía cầu cảng có nhiều người đi lại, nhất định sẽ thấy. Hay là thả cùng với dây treo máng chắn chuột? Kế này cũng hay. Người phía cảng nhìn thấy tưởng là dây treo máng chắn chuột! Chắc các bạn không biết vì sao có máng chắn chuột đúng không. Khi tàu cập cầu cảng phải dùng máng tôn chắn trên dây buột tàu. Chuột có theo dây buột lên tàu gặp máng cũng chào thua. Chuột mà lên tàu là phá phách đồ đạc, thực phẩm và nguy hiểm nhất là cắn đứt dây điện. Cho dù dây điện trên tàu được bọc cáp nhưng cáp thì chuột cắn cũng đứt. Cái loài gặm nhấm ấy mà, ngứa răng thì cái gì cũng cắn. Treo máng chắn chuột là bắt buột chứ không biết có chuột lên tàu hoặc chuột từ tàu xuống bờ hay không nhưng không treo là bị PSC phạt.

Nhưng khi thả cùng với dây máng chắn chuột lúc nước êm thì thôi chứ lúc có sóng tàu dập duềnh dây điện sẽ bị xoắn, hai dây xoắn với nhau thì gỡ ra rất khó, có người phát hiện thì chết chắc! Nhưng biết đâu PSC không đi bằng đường thủy mà đi bằng đường bộ từ phía cảng thì sao. Thôi cứ chuẩn bị sẵn sàng, PSC đi đường nào thì tính cách cho phù hợp. Trước khi kiểm tra thiết bị an toàn cũng phải vào câu lạc bộ kiểm tra giấy tờ trước kia mà.

Sáng sớm tàu cập cầu xong và làm hàng, chờ đến 3 giờ rưỡi chiều mà PSC cũng chưa xuống tàu. 3 giờ rưỡi mình là 4 giờ rưỡi Trung Quốc, cuối tuần chắc là công nhân viên chức về nghỉ sớm. Nhưng trời vẫn còn nắng lắm, hay là hôm nay trời nóng quá mà họ ngại xuống tàu, hay là họ bận đi kiểm tra tàu khác mà không kiểm tra tàu mình? Hay là chuyến này không kiểm tra. Thế thì may quá, chuyến này về có thời gian sẽ khắc phục. Chưa hết mừng thầm thì chút xíu sau là họ xuống, không chỉ 2 người mà đến 3 người, 3 người thì khó canh chừng hơn. Họ bước lên cầu thang tàu rất hăm hở. Mấy thủy thủ thầm thì:

- Bây giờ mới xuống, làm cả ngày trời không ai dám đi bờ chơi!

- Bà mẹ nó, hai lần trước xuống “làm” hết ngàn mấy USD rồi mà chưa bỏ qua cho!

- Ê, qua nước bạn không được chửi nghe mậy!

Cứ mỗi lần tàu mắc sai phạm thì họ lại xơi được một mớ. Muốn làm tiền thì có hàng trăm lỗi để mà bắt. Những lỗi nhỏ thì không sao, phần không có máy đo sâu là không thể du di được. Lần này là hết hạn cho phép, sẽ giữ tàu lại, lúc này có bao nhiêu cũng không thể cứu vãn được. May quá PSC đi đường bờ thì ta chui vào kho thủy thủ trưởng thả cảm biến dễ dàng hơn. Chờ cho họ vào câu lạc bộ thì một thủy thủ tên Nam thả ngay cảm biến xuống nước. Đóng cửa sổ lại. Đóng cửa phòng lại. Đóng lại nhưng không khóa để còn vào mà kéo lên nữa chứ.

PSC vào câu lạc bộ kiểm tra giấy tờ, bằng cấp sĩ quan và thuyền viên một cách qua loa rồi phăm phăm lên buồng lái kiểm tra máy đo sâu. Phó hai bật máy đo sâu lên, chỉnh lại các thông số để thu được tín hiệu rõ nhất. Một dải tín hiệu từ từ chạy hàng ngang trên màn hình phẳng nét gần bằng tivi SamSung. Trên góc màn hình chỉ con số 15m. OK! Một nhân viên PSC cười mếu.

PSC kiểm tra các thiết bị khác trên buồng lái rồi ra ngoài ca bin để kiểm tra xuồng cứu sinh, độ kín của các cánh bướm thông gió buồng máy. Lúc này phó hai báo qua máy bộ đàm để Nam nhấc đầu cảm biến lên. Chỉ nói là “xong rồi” chứ không dám nói rõ vì người Trung Quốc biết được tiếng Việt mình, nhất là những người làm ở cảng này.

Nghe tiếng gọi, Nam vội vàng mở cửa sổ kéo sợi dây lên. Đang kéo thì một biên phòng đứng ở trên dòm thấy. Sao cái anh biên phòng này hôm nay lại ra phía mạn này đứng không biết, mọi khi vẫn nằm ngủ trong câu lạc bộ kia mà! Khi tàu cập cảng là có biên phòng xuống tàu giữ gìn an ninh. Chắc là hôm nay có PSC vào làm việc nên anh ta ra ngoài dạo lang thang. Thủy thủ trực ca Hán thấy biên phòng dòm xuống nên giả đò gọi biên phòng và chỉ chiếc tàu to đùng đang cập cảng phía trước. Biên phòng liếc nhìn chiếc tàu rồi sinh nghi nên chạy xuống tầng dưới. Hán cúi đầu xuống gọi to qua lổ cửa sổ cốt để cho Nam nghe:

- Lộ rồi!

Nghe vậy Nam đang kéo cảm biến hoảng quá, tiếp tục kéo lên thì sẽ bị bắt, chứng cứ rành rành không thể phi tang đi đâu được. Thấy chiếc kềm cắt còn ở trên bàn, Nam liền cầm lấy và cắt phựt một phát rồi cuộn dây lại xếp vào góc. Cất xong Nam giả vờ dọn dẹp và sắp xếp lại đồ đạc cho ngăn nắp. Biên phòng cũng vừa xuống, cũng may trong kho có nhiều dây điện nên không biết là thủy thủ đang làm gì. Biên phòng dòm dòm rồi đi lên. Có phải thả bom khủng bố đâu mà sợ! Cái đầu cảm biến đã chìm tận đáy mất rồi. 15m chứ có cạn đâu! Nước trong cảng Zhanjiang đen sì chứ có như nước sông Bạch Đằng đâu, làm sao mà thấy được!

Lúc ấy PSC cũng vừa ra. Biên phòng nói gì đó bằng tiếng Trung Quốc nghe như chiên-xào-tùng-xẻo, lủng la lủng lẳng gì đó. Một nhân viên PSC quay trở vào câu lạc bộ. Mọi người hết hồn. Nhưng không, anh ta lấy chiếc mũ để quên. Vừa lúc đó nhân viên hải quan lên tàu làm thủ tục xuất cảnh. Đội PSC đi về, mấy thủy thủ đứng ở hành lang mừng quá vẫy tay chào:

- Bye, bye! Họ cũng đáp lại:

- Thanks! Bye, bye!

Họ không đi bằng đường bộ nữa mà có ca nô đón. Phó ba Chiến đưa họ ra đến cầu thang hoa tiêu và biếu thêm hai cây thuốc ba số. Họ làm bộ không nhận. Hay là chê ít? Cuối cùng họ cũng lấy. Khi người PSC cuối cùng xuống khỏi cầu thang thì người trên tàu thở phào nhẹ nhõm. Mất cái đầu cảm biến thì về nước mua lại. Phải sửa chữa chứ dám lừa cả PSC nước ngoài thế này thì ớn lắm, đi biển sóng gió cũng không thót tim bằng.

TRƯƠNG ANH QUỐC         

Cướp biển

Chưa tối tàu đã bật đèn sáng trưng. Vòi rồng phun nước suốt đêm. Khi có cướp thì dùng vòi rồng ngăn chặn không cho cướp lên tàu. Mỗi lần tàu qua eo biển Malacca thì toàn bộ thuyền viên phải chia ca canh cướp.

Eo biển này giáp ranh với ba nước Singapore, Malyasia và Indonesia. Tàu bè qua lại giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương chủ yếu bằng con đường này. Đây là hải trình ngắn nhất. Tàu bè qua con đường này còn để nhận dầu và mua thực phẩm ở Singapore. Vì chất lượng dầu ở Singapore tốt, giá thấp hơn nhiều so với các nước khác. Thực phẩm ở Singapore ngon, đa dạng mà rẻ. Tàu đi hàng tháng trên biển nên phải để thực phẩm vào kho lạnh. Nhà cung cấp ở Singpore làm việc với tác phong rất công nghiệp, chính xác đến từng ngày. Thủ tục xuất nhập cảnh ở đây đơn giản, tàu bè tốn ít thời gian. Thời gian trên tàu tính bằng phút vì một ngày giá thuê tàu vài chục ngàn USD chứ có ít gì!

Đi trên eo biển Malacca, một bên là Malaysia, một bên là Indonesia. Những hòn đảo lớn nhỏ lúp xúp mặt nước. Đảo hoang vắng một cách bí hiểm. Cây cối vùng nhiệt đới hoang sơ rậm rạp. Khi qua lại eo biển này tàu luôn được nhận fax thông báo của chủ tàu, người thuê tàu, chủ hàng và khuyến cáo của nước sở tại. An ninh vùng giáp ranh không đảm bảo, khó có sự truy quét đồng bộ nên cướp thường hoành hành. Trên tàu lại không được trang bị súng nên khó chống cự. Chỉ có cách phòng.

Từ chiều tất cả các cửa đều đóng chặt và khóa bên trong. Buồng máy lái, buồng máy được hàn hai, ba chốt khóa. Theo thống kê cướp lên tàu thường tấn công vào buồng máy và buồng máy lái để khống chế máy móc, không cho tàu hoạt động. Do vậy chỉ chừa một cửa để đi duy nhất: cửa cánh gà buồng lái. Không ai được phép mở bất kỳ cửa nào để đi ra ngoài. Ban đêm, mọi người không được ra ngoài, trừ thủy thủ đi ca canh cướp. Hai người bên boong, một người bên máy. Một thủy thủ boong đứng phía ống khói canh đằng sau lái. Vì ra đa tàu bị ống khói che khuất không quét được nên cướp thường tấn công từ hướng này. Một thủy thủ canh bên mạn phải. Thợ máy canh bên mạn trái.

Mỗi người canh cướp đều cầm một gậy sắt. Khi đi qua vùng biển này lần đầu tiên thợ cả đã làm cho cả tàu mỗi người một gậy sắt. Người nào dùng được côn thì khỏi dùng gậy. Dân đi tàu hầu hết đều có ngón nghề này để tự vệ.

Hai đèn pha tìm kiếm trên nóc buồng lái cũng được dùng đến. Chúng quay vòng để dễ phát hiện khi có tàu nhỏ áp sát. Tàu bè qua lại eo biển Malacca tấp nập. Khi qua eo biển này thì được mở thêm các đèn mà lúc tàu hành trình không cho phép. Do vậy ban đêm cả eo biển sáng choang, đèn xanh đèn đỏ lấp loáng.

Trực cướp cứ luân phiên nhau đi ca. Mỗi ca 4 giờ. Trực từ 5 giờ chiều đến sáng hôm sau. Đầu đêm gió vùng xích đạo nóng ran người. Hơi muối biển mặn chát. Đi ca ngoài boong phải mang theo nước để uống chứ không được bỏ vị trí. Về sáng thì sương mù, gió lạnh ngắt. Canh cướp phải nhìn và nghe. Nhìn để phát hiện tàu lạ. Vì tàu cướp không bật đèn hành trình hay đèn tín hiệu gì. Trời tối phải căng mắt ra mà nhìn. Tai phải nghe. Nghe có tiếng tàu, canô lạ không. Không ngồi canh một chỗ mà phải dạo và quan sát. Khi có dấu hiệu nghi ngờ là dùng máy bộ đàm báo ngay cho sĩ quan đi ca trên buồng lái. Sĩ quan dùng ống nhòm để xác định lại cho chính xác. Có lúc mấy tàu đánh cá bé tí trôi lượn lờ trước mũi tàu hay tàu kéo xà lan lù lù, hụ còi mà không tránh làm thủy thủ cũng phát hoảng.

Vì sự an toàn cho thuyền viên và con tàu, thủy thủ đi ca canh cướp rất nghiêm. Thuyền trưởng có thể đi kiểm tra bất kỳ lúc nào. Người canh cướp không có mặt tại khu vực được phân công là bị kỷ luật. Giao nhận ca trước 15 phút. Khi có mặt người nhận thì người giao ca mới được rời khỏi vị trí. Không được bỏ vị trí đi gọi ca. Người nhận ca phải đi từ cửa cánh gà buồng lái xuống. Người giao ca cũng đi lên bằng con đường ấy.

Tàu qua khỏi eo Malacca an toàn nhưng đi vòng xuống phía nam của Indonesia nên phải canh cướp thêm mấy đêm nữa. Vào hải phận Indonesia không chỉ canh vào ban đêm mà còn phòng cướp vào ban ngày. Vùng biển Indonesia vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có một tàu chạy ngang nên canh cướp rất buồn. Khi Đẳng xuống nhận ca thì Hùng trêu:

- Chỗ của cậu phải là sau ống khói!

- Chỗ nào cũng thế thôi, ở đâu mà chả phải canh!

Hùng trêu Đẳng ở chỗ chức danh. OS (thủy thủ quản) phải ngồi canh ngoài mạn tàu. AB đứng sau cabin canh phía đuôi tàu. Nếu không canh thì AB (thủy thủ đi ca) được đi ca lái nhẹ nhàng hơn. Đáng lẽ Đẳng đã trở thành AB. Mới tuần trước có AB bị bệnh phải bay về nước. Trong lúc chưa có người thay thì một trong hai OS được thăng chức lên AB để đi ca lái (1).

Trước khi chọn, sĩ quan boong, máy và thủy thủ trưởng họp. Theo thứ tự Đẳng được lên AB. Danh sách được trình lên thuyền trưởng. Thủy thủ trưởng lại không ưa gì Đẳng lắm. Đẳng thẳng tính và hay cãi. Thấy chướng tai gai mắt là cãi. Làm xong việc thì nghỉ chứ không ăn cơm chúa múa cả ngày. Nhiều lần Đẳng không làm vừa ý thủy thủ trưởng.

Không học đại học như Đẳng, Hội chỉ học trung cấp. Đi tàu không xét nhiều về bằng cấp, có đủ chứng chỉ cần thiết là được. Đặc thù của ngành hàng hải là bậc lương được tính theo chức danh chứ không tính theo bằng cấp. Học cao thì có kiến thức và giỏi chứ chưa chắc khôn. Hội không giỏi nhưng khôn.

Những ngày chưa có quyết định chính thức của thuyền trưởng cho chức danh mới, Hội càng làm việc siêng năng và lễ phép một cách kỳ lạ. Ngoài giờ làm việc luôn đến phòng các sĩ quan trò chuyện. Hội hay lân la trên buồng lái để chuyện trò với thuyền trưởng. Thuyền trưởng là người nước ngoài nên khi có công việc gì mới thì có người gặp. Nay có người để tán gẫu, thuyền trưởng thích lắm. Người nước nào mà chẳng thích giãi bày tâm sự! Sẵn tàu đang ở cảng Ấn Độ, Hội đi bờ mua cả chục chai rượu về biếu cho sĩ quan mỗi người một chai. Thuyền trưởng hai chai.

Có rượu là thuyền trưởng uống chứ có biết ngon dở gì. Được rượu biếu là quí. Mấy chai rượu sắn giá chỉ vài chục rubi! Nhãn mác chữ ngoằn ngoèo như lò xo và màu mè thật đẹp nên ai cũng nghĩ là rượu quí. Sau này lúc vui máy ba đem ra uống, bị ngộ độc mém chết. Thứ rượu đó chỉ để nướng mực chứ uống gì! Tri kỷ biếu rượu dở cũng quí vì không phải là rượu mà là ở tấm lòng. Mua lòng người mà biếu rượu dỏm! Tức mình, ai cũng mang rượu đó liệng xuống biển hết.

Không lươn lẹo như Hội, Đẳng thẳng thắn nhưng thật thà. Thật thà là cha đứa dại. Đi tàu được thăng chức là một cơ hội tốt. Không chỉ tăng lương mà còn được công ty tin tưởng. Hùng chọc nhưng Đẳng không giận. Mấy khi Đẳng giận ai! Có gì thì nói thẳng trước mặt. Giận làm chi cho nặng bụng.

Ngồi hai bên mạn tàu thỉnh thoảng Hùng và Đẳng phải gọi cho nhau. Gọi để thông báo cho nhau chứ không được trò chuyện. Trò chuyện là mất tập trung. Thuyền trưởng trên buồng lái sẽ nhắc nhở. Khi mạn tàu có tàu lạ đi gần thì gọi để sang hỗ trợ cho nhau. Dùng đèn pin rọi vào phía có tàu lạ để ngầm bảo là đây đang sẵn sàng ứng chiến.

Tàu đã qua khỏi vùng biển nguy hiểm (vùng biển nguy hiểm được khuyến cáo trên hải đồ). Hai thủy thủ canh phía mạn thu dọn vòi rồng và đèn hai bên mạn tàu Hội đã bỏ vào buồng lái thỉnh thoảng mới ra xem chừng. Trời tờ mờ sáng, một chiếc canô cao tốc có gắn giảm thanh bất ngờ ập vào phía đuôi tàu. Hai tên cướp ném móc, thoăn thoắt leo lên tàu. Chúng lao lên cầu thang khống chế Hội. Tên tóc dài dí súng vào Hội. Hội đứng im cho tên đầu trọc trói gô hai tay ra sau lưng.

Trói xong, hai tên cướp đẩy Hội vào buồng lái. Chúng đạp cửa xông vào buồng lái. Trời sáng nên không chốt cửa bên trong nữa. Đại phó đang đi ca liền bấm còi báo động. Tên cướp chĩa súng về phía đại phó bóp cò. Đại phó né người, đạn trượt qua vai rồi xuyên qua tấm kính. Tấm kính vỡ toang, miếng rơi xuống mặt boong loảng xoảng. Đại đội phó đưa hai tay lên cao. Tên cướp nhảy tới trói tay đại đội phó lại.

Với kinh nghiệm của người đi biển lâu năm, cướp đã lên tàu khó chống cự nổi. An toàn sinh mạng là trên hết. Thứ đến là an toàn cho tàu. Bị trói nhưng đại phó vẫn không rời vị trí đi ca.

Cướp bỏ mặc đại phó. Chúng biết người đi ca không phải là thuyền trưởng. Cướp tìm thuyền trưởng. Tên đầu trọc vung mã tấu sáng loáng và trợn mắt quát: “Captain?” (1). Hội đưa mắt nhìn đại phó rồi run lẩy bẩy dẫn hai tên cướp xuống trước cửa phòng thuyền trưởng. Cửa phòng thuyền trưởng không khóa. Hai tên cướp nhảy vào. Thừa cơ Hội lén chạy mất.

Thuyền trưởng còn ngủ trong buồng trong. (Phòng thuyền trưởng có phòng khách và buồng ở). Cửa buồng khóa chặt. Tên cướp cầm mã tấu chém mạnh vào cửa buồng. Thuyền trưởng choàng dậy, mắt nhắm mắt mở mở cửa định quát đứa nào dám phá giấc ngủ của mình.

Thuyền trưởng vừa hé cửa, tên cầm mã tấu đạp mạnh. Tấm cửa bật vào làm thuyền trưởng lảo đảo. Tên cầm súng nhảy tới chĩa súng vào thuyền trưởng. Thuyền trưởng từ từ đưa hai tay ra phía sau đầu: “Don’t shoot me!”. Tên cầm mã tấu thét: “Money?”. Thuyền trưởng tần ngần. Tên cướp tóc dài bắn một phát chỉ thiên. Thuyền trưởng lóng cóng đi lại tủ lấy chìa khóa mở ngăn kéo. Ngăn kéo phía trên đựng chìa khóa ngăn kéo dưới. Đến ngăn kéo thứ tư, thuyền trưởng mới lấy được chìa khóa mở két đựng tiền.

Thuyền trưởng giữ nhiều tiền. Tiền để phát lương cho thuyền viên và tiền mua thực phẩm cho tàu trong nhiều tháng liền. Tiền dự trữ khi có việc phát sinh trên tàu. Giữ nhiều tiền nên thuyền trưởng để nhiều nơi và khóa kỹ. Thuyền trưởng lấy cọc tiền to nhất nhưng có mệnh giá thấp nhất. Tiền có mệnh giá cao thuyền trưởng đã cất hết từ trước rồi. Thuyền trưởng cũng lường trước khi tàu qua vùng biển nguy hiểm.

Tên tóc dài giật cọc tiền dày như cuốn từ điển cho vào túi. Tên cầm mã tấu ra lệnh cho thuyền trưởng đem tờ khai hải quan. An toàn sinh mạnh cho toàn tàu là trên hết, thuyền trưởng muốn cho bọn cướp rời khỏi tàu càng sớm càng tốt. Thuyền trưởng đem ra tờ khai hải quan mới nhất đưa cho bọn cướp, rồi thông báo cho toàn bộ thuyền viên mang tiền tập trung tại Câu lạc bộ.

Vì an toàn sinh mạng và an toàn cho tàu, thủy thủ tập trung nhanh chóng. Trời kêu thì dạ chứ còn cách nào khác, miễn cho bọn cướp rời tàu sớm là tốt rồi. Sống làm ra tiền chứ tiền đâu mua được mạng sống. Sinh mạng vô giá không bảo hiểm nào có thể đền bù được.

Bọn cướp bắt tất cả thuyền viên ngồi vào một góc, hai tay đặt lên đầu. Tên đầu trọc bước vào vung mã tấu chém một nhát vào chiếc tivi để thị uy, chiếc tivi vỡ tan tành. Mảnh vỡ rơi rào rào ra mặt thảm. Chém xong hắn còn giương cao mã tấu, mắt đỏ lườm lườm như mắt trâu điên. Tên tóc dài mắt láo liên, thủy thủy nào rục rịch là chĩa súng về chỗ đó. Thuyền trưởng xin lỗi thuyền viên vì bất đắc dĩ phải làm thế. Cầm tờ khai, thuyền trưởng đọc tên và số tiền. Đến tên ai người nấy mới được đứng lên, nộp xong lặng lẽ về ngồi lại chỗ cũ. Không khí thật ngột ngạt, đến cả mấy phút mới xong, rồi cướp cũng rút lui.

Tên cướp ép Đẳng mở cửa vì Đẳng ngồi gần cửa nhất. Tên cầm súng đi trước, tên cầm mã tấu đi sau. Chúng đi thụt lùi, vừa đi vừa canh chừng. Đẳng mở xong cửa câu lạc bộ rồi mở tiếp cửa ra ngoài boong, phải mở hai ba chốt khóa. Thấy lâu, tên tóc dài thúc gót vào hông Đẳng. Đẳng nén đau gắng sức mở.

Khi Đẳng ra ngoài kéo cửa để mở rộng thêm, tên cướp còn đạp một cái nữa làm Đẳng ngã chúi. Đẳng gượng đứng lên. Sự chịu đựng đã đến giới hạn. Bằng một thế võ bí truyền, bằng hết sức vì cơn tức bừng lên, Đẳng quật một phát. Tên cướp ngã oạch xuống sàn tàu. Nhanh như cắt Đẳng nhảy tới đá thật mạnh vào tay tên cướp khi hắn giương súng bóp cò. Khẩu súng rơi xuống sàn tàu. Súng cướp cò nổ. Đạn trúng vào chân tên đầu trọc đang vung mã tấu chém Đẳng. Đẳng xoay người né, trụ vững một chân rồi quét vào chân. Tên đầu trọc đổ nhào, tay buông mã tấu. Mã tấu phập vào vai tên tóc dài khi tên này đang lồm cồm bò dậy. Máu từ vai hắn phun xối xả như lợn bị chọc tiết.

Tên tóc dài nằm vật ra sàn. Bỗng nó cố sức rướn tới với lấy khẩu súng. Vừa lúc đó phó hai Hải từ bên trong phóng ra giẫm bàn tay nó lại. Bàn tay nó bẹp dí. Nó nằm yên không nhúc nhích. Phó hai cúi xuống chụp nhanh khẩu súng rồi mang đi, bỏ tên tóc dài nằm đó.

Khi phó hai đi rồi, tên cướp rút con găm ở thắt lưng phóng theo phó hai. Đẳng nhìn thấy liền bay tới ôm phó hai. Cả hai cùng ngã lăn xuống sàn. Lưỡi dao găm trượt qua lưng Đẳng, rướm máu.

Còn tên đầu trọc bị thương ở chân, hắn trườn tới cây mã tấu. Vừa chạm được cán thì bị Dũng từ trong nhảy ra nện một gót thật mạnh vào giữa mặt. Tên cướp ôm mặt thét rú lên. Toàn bộ thủy thủ xông ra dùng côn, gậy sắt mà đá, đấm, thụi vào đầu, vào mặt, vào bụng, vào lưng. Hai tên cướp lãnh một trận đòn nhừ tử.

Hai tên cướp bị trói chặt, nằm co ro trên sàn tàu, mặt mày bê bết máu, sưng húp. Hội còn nhảy lại đá thêm mấy cái nữa vào mặt cho bõ tức. Thuyền trưởng giật lại cọc tiền dày như cuốn từ điển. Thủy thủ lôi sền sệt chúng như kéo hai cái bao gạo xuống mặt boong dưới. Lúc lên tàu chúng hùng hổ bao nhiêu thì bây giờ bi thảm bấy nhiêu.

Không biết xử lý thế nào, để chúng trên tàu thì nguy hiểm, vứt xuống biển cũng nguy hiểm. Những tên cướp này xử theo luật rừng mới thích đáng. Nhưng nếu ném xuống biển, sẽ bị luật hàng hải quốc tế phạt. Và khi tàu quay lại khu vực này sẽ bị trả thù. Máy móc bây giờ hiện đại, đồng bọn chúng có thể nhận dạng được một cách chi tiết con tàu trong bán kính hàng trăm hải lý (1). Mà lúc đó đâu còn là đội thủy thủ này nữa, trả thù nhắm đội khác thì oan cho họ lắm. Suy nghĩ một lúc, thuyền trưởng cho người lấy hai chiếc can nhựa loại 20 lít. Vặn chặt nắp can, buộc mỗi tên vào một chiếc rồi đẩy xuống biển.

Chiếc canô chạy theo sau tàu một quảng để chờ đón đồng bọn mang chiến lợi phẩm về. Khi thấy có vật rơi xuống biển nó tăng tốc. Vớt đồng bọn xong nó đuổi theo tàu. Thuyền trưởng lấy súng ở chỗ phó hai bắn chỉ thiên ba phát. Nghe tiếng súng canô không đuổi theo nữa.

Mặt trời đã lên cao hơn cây cọc bít. Biển yên ả, những ngọn đảo hoang vắng bí hiểm. Mấy chú hải âu thong thả vỗ cánh. Chúng bay là là mặt nước. Đột nhiên chúng lao thẳng xuống nước, ngụp lặn trong nước, khi trồi lên mỏ ngậm một con cá trắng bạc đang cố sức vùng vẫy. Hải âu đậu trên mặt nước để nuốt cá. Nuốt xong chúng tắm nước xỉa lông mấy cái như để tự thưởng mình. Khi bay lên, chúng dùng hai chân chạy đà trên mặt nước một đoạn rồi mới bay được lên không.

Vẫn chưa đến giờ làm việc. Thủy thủ đứng ngoài boong xem hải âu bắt cá. Thuyền trưởng gọi tất cả thuyền viên tập trung tại câu lạc bộ. Mỗi người viết một bản kiểm điểm.

Cuối chuyến đó Đẳng bị thuyền trưởng sign off (2) do chống cự lại cướp.

(1) 1 hải lý bằng 1852m

(2) Đuổi việc (bị chấm dứt hợp đồng

TRƯƠNG ANH QUỐC

Đất lạ

Truyện ngắn của Trương Anh Quốc

05/02/2009

Tạnh mưa, trời dần dần quang đãng nhưng vẫn còn se lạnh. Xe cộ ù té chạy, chen chúc nhau. Những con chim sáo thôi tránh mưa, bay nhảy trên cành cây, bãi cỏ hót líu lo. Hai anh em cũng đón xe đi lên phố.

- Mình đi tới đâu đây anh?

- Anh cũng mới đến lần đầu như em thôi, cứ đi đại!

Hai anh em ra đường vẫy rồi leo lên xe bus. Chiếc xe bus cũ mèm, qua khúc đường xấu cứ xóc lên hụp xuống lộn cả ruột non. Con đường cảng xe tải nặng nối đuôi nhau thế kia, vào mùa mưa rồi đường sá nào chịu cho thấu! Xe bus chen nhau với xe tải, lúc vượt lên lúc dừng lại rước khách. Xe chật như nêm cối mà trạm nào cũng dừng, hay là có người phụ nữ này xinh?

Người phụ nữ tay cầm chiếc giỏ bước lên xe nhanh nhẹn. Ồ, xinh thiệt! Hai anh em trầm trồ. Sống mũi thẳng, nước da ngăm đen khỏe khoắn, đôi mắt sáng và mái tóc hơi xoăn xoăn lòng vòng trước trán. Hết chỗ ngồi, người phụ nữ đứng gần chỗ hai anh em Dương.

- Xin chào!

- Xin chào!

Người phụ nữ chào lại và cười thật tươi. Hàm răng đều trắng lóa, nước da ngăm đen làm cho hàm răng càng trắng hơn. Chà! Phụ nữ Philippines vui tính thật! Mùi nước hoa tỏa ra thơm dìu dịu. Hải bỗng trở nên hoạt bát hơn thường ngày:

- Cô đi đến đâu?

- Tôi đến chợ, còn các anh?

- Chúng tôi cũng... đến chợ.

Hải nói thế chứ biết chợ là chỗ nào đâu. Anh nhoẻn miệng cười. Người phụ nữ cũng cười đáp lại thật tươi.

- Các anh là thủy thủ à?

- Đúng rồi, sao cô biết?

- Nhìn là biết ngay mà.

Kỳ lạ thiệt! Thủy thủ có điểm gì đặc trưng? Hay là người nước ngoài đến đây toàn là thủy thủ nên cô ta đoán vậy? Cô nhìn vào mắt Hải lại cười:

- Chồng tôi cũng là thủy thủ mà.

Thì ra là vậy. Thủy thủ có mùi mặn của biển? Thủy thủ ăn nói to và vô duyên? Thủy thủ thế này, thủy thủ thế kia... Hàng chục câu hỏi trong đầu Hải, chẳng biết câu nào đúng.

Đi biển đã quen rồi cũng không nhớ mình đã đi được bao lâu, Hải liền nhẩm tính, nhưng mà đến ngày về nghỉ phép cũng còn lâu lắc. Hôm nay gặp người phụ nữ Phi này, Hải chợt thấy nhớ nhà quá chừng. Người phụ nữ này cũng có chồng đi biển, ở nhà một mình chắc buồn lắm. Những người vợ có chồng thủy thủ chịu nhiều thiệt thòi quá! Những việc cần đến bàn tay đàn ông, lúc đêm hôm tắt lửa tối đèn, lúc giông bão thì sao. Ở Philippines này mưa bão hầu như quanh năm, chắc người phụ nữ phải cứng cỏi lắm mới chịu được khi chồng vắng nhà biền biệt.

Mà đàn ông con trai Philippines đi biển đông nhất thế giới. Họ có hiệp hội những người làm việc trên biển. Họ coi thủy thủ là một nghề chứ có như người mình đâu. Người mình đi vài năm có vốn lận lưng rồi lên bờ tìm một nghề khác nhẹ nhàng hơn. Người Phi chọn nghề là đi suốt đời. Nhà nước Philippines khuyến khích xuất khẩu lao động. Xuất khẩu lao động, họ không tốn cơm, không tốn nước uống, không làm ảnh hưởng môi trường quốc gia họ mà lại mang đôla về. Đó là lãi ròng.

Không phải thủy thủ Việt không muốn gắn bó với biển mà lương thủy thủ mình không cao, chế độ chính sách không tốt. Hễ còn đi biển là còn lãnh lương, lãnh lương rồi đóng thuế thu nhập cá nhân, khi lên bờ thì lương dự trữ không đủ đổ xăng xe máy mà đâu có chính sách trợ cấp gì. Thủy thủ Phi đi biển sáu tháng là về còn thủy thủ mình đi ròng rã cả năm trời. Khi lên nghỉ việc là chờ dài cả cổ. Có người đi biển cả đời về không dư một đồng bạc cắc. Thủy thủ Phi ký hợp đồng tận gốc với chủ còn mình phải qua môi giới. Công ty môi giới chặt mấy chục phần trăm, lương đến tay người lao động còn là mấy. Ký lương là ký hai bảng; Một bảng đối phó với ITF và bảng lương thực lĩnh chỉ bằng phân nửa, nhưng người lao động biết ngửa cổ kêu ai.

Hải cứ suy nghĩ vu vơ cho đến khi xe dừng lại trước cổng một cái chợ. Người trên xe ùa xuống bước vào chợ. Anh em Hải còn chưa biết đi lối nào thì người phụ nữ xinh đẹp lúc nãy lại kế bên lúc nào chẳng hay:

- Có cùng đi chợ với tôi không?

- Có chứ! Hải gật gật đầu. Dương cũng gật gật đầu.

Đi để xem chợ, xem hoa ngày Tết thế nào, và, nếu có mua gì thì cũng không bị chém chặt. Người bán hàng trên chợ chém chặt khách lạ phải biết. Với lại được đi dạo chợ với người phụ nữ bản địa xinh đẹp thế này thì còn gì tuyệt bằng. Hải bước vội tới cầm dùm chiếc giỏ rồi bước sánh vai. Dương đi theo sau tủm tỉm cười.

Thấy dưa hấu bên sạp ngon quá, da xanh rì căng mọng, người ta bổ ra trưng đỏ tươi, mấy hạt bé tý đen tuyền càng làm cho dưa hấu đỏ thêm, Dương liền mua một quả thật to. Ôm đi một đoạn rồi định gởi nhưng lạ lắc không biết gởi đâu. Quay lại chỗ bán thì sợ lạc mất Hải, bỏ đi cũng tiếc. Thế là Dương đi chợ mà chẳng mua được gì ngoài trái dưa hấu! Dương rút ra được một kinh nghiệm: khi đi chợ không nên mua dưa hấu hay vật gì nặng trước.

Chợ thiệt đông, có lẽ người ta đi chợ mua sắm chuẩn bị Tết. Người phụ nữ cũng mua thiệt nhiều đồ. Nhất là củ hành. “Người Phi chúng tôi rất thích hành”, người phụ nữ nói. Đúng rồi, hành tỏi chống bệnh tật, ở đất nước chịu nhiều gió bão này phải ăn nhiều hành. Mua thịt cá, rau củ đến mua thêm gạo mắm muối. Cái giỏ căng cứng, Hải đi theo xách phát mệt, mồ hôi túa ra nhưng vẫn tươi cười, cười cho bớt mệt. Mua xong trời cũng đã sẩm tối. Cũng may trời tối chứ không người phụ nữ mua thêm nữa không biết sao mang cho hết! Thấy Hải vui tính, người phụ nữ rủ cùng về nhà nấu ăn tối. Đó cũng là cách trả công cho người đã nhiệt tình giúp mình cả buổi chiều. Hải gật đầu ngay mà không cần suy nghĩ. Hải thấy mình sao có số ăn uống. Từ khi còn nhỏ, đi đến đâu cũng gặp giỗ quảy hay tiệc tùng bất ngờ. Lần này sang Phi, vừa đi phố đã gặp người phụ nữ xinh đẹp lại được rủ về nhà nấu nướng. Thế thì còn gì hơn!

Người phụ nữ vẫy chiếc taxi, chất hết đồ lên sau cốp. Cả ba người cùng ngồi vào xe. Trước khi đóng cửa Hải nhìn thấy một tiệm bán nước ngọt liền nhảy xuống mua một thùng bia Heineken. Bia Heineken sản xuất công nghệ Philippines ngon gấp mấy lần bia sản xuất ở Hà Tây, bọt trắng và thơm phưng phức, khi uống đến đáy lon không có vị đăng đắng. Mỗi lần đến Phi hay Singapore thì ai nấy đều mua bia trữ trong phòng là vậy.

Người phụ nữ chỉ đường cho taxi chạy. Xe chạy theo một đường khác con đường đi lúc nãy.

- Sao không đi về nhà?

- Về nhà chứ đâu! Lúc chiều tôi lên nhà mẹ chơi rồi đi chợ luôn. Nhà ở phía này này.

Hải đâu biết phía nào ra phía nào đâu. Xe băng qua cánh đồng cỏ, lúc thì qua một đồi cọ xanh ngắt rồi đỗ xịch trước cửa một ngôi nhà mới xây xinh đẹp. Trước sân nhà có vuông cỏ xanh rì và mấy chậu hoa đang bắt đầu trổ hoa. Hải móc bóp trả tiền taxi, người phụ nữ ngăn lại nhưng Hải ra hiệu cho tài xế khỏi phải thối lại.

Hải và Dương phụ tài xế khiêng đồ đạc từ cốp xe xuống đất hết rồi bê vào nhà. Nhà vắng không có ai. Người phụ nữ mở cửa để Hải và Dương bê đồ vào nhà bếp. Có con chó kiểng lông trắng muốt chạy ra mừng mừng. Nó liếm liếm vào chân Hải. Ơ kìa, lạ lắc mà cũng mừng. Con chó thật hiền. Những nhà nuôi chó hiền thì cũng rất hiền và mến khách. Bên trong có mấy đôi dép trẻ con nhỏ xíu. Hải quay ra cũng là lúc đứa trẻ đi học về, có xe đưa đến tận nhà.

Đứa bé gái chừng bốn tuổi với hai bím tóc rất dễ thương tung tăng chạy lại ôm mẹ, chào bằng tiếng Philippines. Người mẹ bồng con lên hôn chùn chụt vào má và cũng nói bằng tiếng Phi. Người mẹ chỉ từng người, chắc là giới thiệu hai người khách là bạn của bố nó. Hải và Dương chẳng hiểu gì, cứ đứng nhìn rồi khẽ cười. Cười chứ có biết câu tiếng Phi nào đâu!

Người phụ nữ bật thêm đèn nhà bếp cho sáng nhưng cái bóng tuýp đã đen hai đầu cứ nhấp nháy. Dương hỏi có bóng mới để thay không. Người phụ nữ gật gật đầu rồi đi vào kho lấy ra một cái bóng mới. Dương bắc ghế thay bóng đèn, cả gian nhà sáng trưng. Người phụ nữ gật đầu cảm ơn lia lịa, bảo: “Không có đàn ông, nhà thế đấy!”.

Người phụ nữ trong bộ váy bông sặc sỡ xinh xắn vào bếp nấu ăn. Hai chân cô thon dài, da mịn, lông chân xếp lớp mềm mại. Hải cũng vào bếp phụ nấu ăn. Trên tàu, Hải là tay nấu ăn có tiếng. Dương thì phụ làm rau. Ba người cùng làm nên chẳng mấy chốc là xong món. Món trứng cá hồi chiên, khoai tây chiên, cơm gạo dẻo và canh chua cá bớp. Ở Phi mà ăn cơm gạo dẻo thế này là gia đình khá giả. Bốn người cùng ngồi vào ăn bữa cơm gia đình. Lâu lắm rồi Hải và Dương mới có bữa ăn gia đình thế này. Hải gắp thức ăn cho mẹ con đứa bé. Đứa bé gật đầu cảm ơn, mỉm cười rất dễ thương.

Trên kệ sát bàn ăn có rất nhiều rượu. Hải nhớ lại két bia mua lúc chiều bèn lại bóc hộp giấy mang lên mấy lon. Người phụ nữ ngăn lại, với tay lấy chai rượu vang. Trong bữa ăn chỉ uống rượu vang đỏ. Người phụ nữ bảo có đứa con nhỏ trong bàn không nên uống bia. Khi đứa con lên giường ngủ rồi, còn lại ba người mới mang chai rượu và bia ra uống cho đến khi ánh trăng rọi vào cửa sổ. Người phụ nữ chỉ cụng ly chứ uống không nhiều. Hải vui quá nên uống bao nhiêu cũng chẳng thấy say, nếu uống say chắc chủ nhà sẽ cho ngủ lại. Ngôi nhà rộng rãi, nhất định chủ nhà sẽ mời ngủ lại phòng khách. Phụ nữ Phi rất thoáng trong chuyện tình cảm. Ngày trước Hải cũng đi tàu chung với thủy thủ người Phi. Vợ họ ở nhà cặp kè với người khác. Họ xem tình dục cũng là nhu cầu như cơm ăn nước uống hàng ngày mà thôi.

Dương đã chuếnh choáng hơi men bèn ra ngoài một lát. Ánh trăng chiếu xuống khu vườn đầy cỏ sáng lấp lánh. Cỏ ướt đẫm sương đêm. Trăng đã gần đứng bóng, khuya rồi, mắt Dương cứ muốn díp lại. Dương vào tới bậc thềm, nghe bên trong im lặng nên dừng lại rồi ngồi xuống ngắm trăng. Hồi lâu, Hải ra ngoài gọi Dương vào dọn dẹp phụ một tay. Chẳng mấy chốc chén bát đã chất vào kệ ngăn nắp, bàn ghế sạch bóng, gọn gàng. Dương lấy dao đem trái dưa hấu ra bổ, người phụ nữ lấy chiếc đĩa ra đựng. Dưa hấu chấm muối ớt ngọt lịm.

- Dưa hấu này giải bia đấy!

- Vậy à? Ở nước chúng tôi khi say rượu bia thì ăn bưởi cho mau tỉnh. Quả bưởi tròn tròn như thế này nè...

- Khi nào có dịp ghé đây thì mua cho tôi một vài quả nhé!

Cả ba người cùng cười. Hai bên má người phụ nữ ửng hồng như dưa hấu thật xinh. Gái một con trông mòn con mắt! Hải nhìn say đắm, nghe tim mình đập nhanh và mạnh hơn.

Dương lại ghế salon ngồi, bật tivi xem. Chút xíu lăn quay ra ngủ lúc nào không hay. Hải không biết chút nữa chủ nhà sẽ mời khách ngủ ở đâu đây, có khi nào...? Hải nhìn xuống đôi chân thon dài. Một mảng săn chắc của người phụ nữ lộ ra sau váy, Hải nhích lại ngồi gần hơn một chút. Người phụ nữ liền đứng dậy:

- Rất cảm ơn các anh! Lâu rồi nhà tôi mới có tiếng đàn ông và không khí ấm áp thế này. Nhưng đã đến giờ đi ngủ, xin mời các anh về cho.

- Khuya thế này làm sao đi được! Hay là...

- Nhanh lên, không đi tôi gọi cảnh sát đấy!

Rất dứt khoát, người phụ nữ lại chỗ vách tường làm như nhấc máy điện thoại bàn. Hải lật đật bước lại bên ghế salon:

- Dậy! Ta phải đi về thôi!

Dương ngái ngủ ú ớ, không biết tại sao đang ngon giấc thế này lại bị đánh thức. Người phụ nữ mở cửa, hai người bước ra xong liền đóng cửa lại.

Hải sực nhớ là chưa hỏi tên của người phụ nữ. Quay lại nhìn, bên trong đèn đã tắt tối hù. Hai anh em lang thang ra đường, lầm lũi bước, vừa đi vừa ngoái đầu lại xem thử người phụ nữ có đổi ý, có gọi mình ở lại không. Nhưng không, cánh cửa vẫn đóng im ỉm. Không biết một buổi chiều hên hay xui. Cũng không dám trò chuyện to sợ đánh động chó hàng xóm sủa. Giờ này đâu còn taxi nữa, mà cũng đâu có số điện thoại của taxi. Đi lơ ngơ quá giờ giới nghiêm thế này cảnh sát tuần tra gặp là bắt gô cổ lại.

Đi một lúc thấy mệt hai anh em bèn ngồi phệt trên bãi cỏ vệ đường nghỉ chân. Trăng sáng rọi trên đồng cỏ ướt đẫm sương đêm long lanh, lạnh buốt.

Dị nhân

Máy trưởng Sanjiaya Gupta đi được vài tháng thì vợ sang.

Trước ngày vợ sang, ông sai Messman Ti dọn dẹp lau chùi phòng ở, phòng tắm gọn gang, sạch sẽ.

Máy trưởng rửa bộ tượng linga Shiva yoni bằng dầu thơm, rắc gạo nếp lên tượng, bày biện lại bàn thờ ngay ngắn, thắp nhiều hương trầm thơm để cho chân hương đầy ắp trong bình. Linga yoni tượng trưng cho sự tái tạo, thờ tượng là thờ thần Shiva.

Mấy bữa đầu lên dọn dẹp phòng Messman Ti thấy lạ, không biết sao Máy trưởng lại để chày cối đá lên bàn thờ làm ai cũng cười. Thờ tượng Linga yoni sẽ mang lại sự may mắn về đường con cái cũng như thoả mãn về đường tình dục đó chứ. Với Hindu giáo, người đàn ông sẽ chưa hoàn thiện nếu chưa cưới vợ và chưa sinh con đẻ cái. Tình dục là thiêng liêng, là thuận lẽ trời; hoạt động tình dục được tôn vinh thờ cúng, cũng giống với người Chăm pa mình đó thôi, ở khu tháp Mỹ Sơn có bộ linga yoni đá to như chày cối làng kìa!

Hôm vợ Máy trưởng lên tàu, trời mưa tầm tã. Tàu lại neo xa bờ, phải đi cano và leo thang dây mới lên được tàu. Máy trưởng bảo mưa là điềm tốt lành, cũng như làm nhà mới gặp mưa to là phát tài, giàu có. Máy trưởng đứng lên boong vịn lan can dòm xuống, miệng lập bà lập bập không thành câu, chắc ông ta xúc động khi thấy vợ trèo thang dây nên mới lắp nặng đến thế. Thuyền trưởng Benyti cũng ra boong cầm VHF chỉ huy cho AB Ya kéo túi xách mang vào trong cabin.

Vợ Máy trưởng tên Marata, tóc xoăn, người đẫy đà. Đôi vai, mông tròn lẳn, bắp tay bắp chân cũng tròn lẳn. Chính giữa trán có một nốt đỏ tròn tròn. Nốt bindi. Bindi này như thông báo với mọi người rằng đây là gái đã có chồng, cấm léng phéng.

Lần đầu tiên thuyền viên trẻ người Việt thấy phụ nữ đi trên tàu. Nhất là cái thằng Qua khờ, nó cứ len lén dòm hoài rồi hỏi thầm một mình. Tàu Việt Nam kiêng cữ phụ nữ, phụ nữ lên tàu mang điều xui xẻo. Sĩ quan Ấn Độ lại khác, họ được dắt vợ theo. Người Việt muốn được đi tàu phải có đầy đủ các chứng chỉ; nào là chứng chỉ bơi, chứng chỉ cứu sinh cứu hoả, an toàn tàu dầu, thôi thì một mớ. Không biết Marata có chứng chỉ nào không. Rồi đi trên tàu, khi khai thủ tục hải quan, Marata với chức danh gì? Đúng là cái thằng Qua khờ  rõ là dài hơi. Nó còn chạy lại xem thử crewlist. Supernumerary! Cái gì mà super? Super là hảo hạng còn numerate (Qua khờ nhớ nhầm sang chữ numerate) nghĩa là giỏi toán. Cái gì mà toán học siêu hạng! Nó lẩm bẩm sợ quên, chạy một mạch về tra từ điển; đây rồi supernumerary, supernumerary, à, chỉ là người dư thừa.

Hôm nay thuyền trưởng báo thêm một suất ăn Ấn. Đang nấu ăn Bếp trưởng, Bếp hai chọc Messman Ti:

- Chỉ có chú là sướng nhất, sáng sáng lên dọn dẹp phòng tha hồ mà ngắm vợ Máy trưởng nhá!

- Sướng nỗi gì! Một Máy trưởng thôi dọn dẹp giặt giũ đã khùng người rồi, lại thêm một người nữa!

- Ráng đi, Máy trưởng sẽ bo nhiều cho, lo gì chứ!

Bếp trưởng vừa nói vừa lo, thêm một người phải nấu thêm một phần, tiền ăn lại không được tăng. Vợ Máy trưởng có chê mình không biết nấu món Ấn hay không.

Buổi chiều vợ Máy trưởng xuống phụ bếp. Nốt bindi giữa trán biến đâu mất. Thì ra là vết son. Vết son rửa là sạch bong. Marata xoắn tay áo bày Bếp trưởng làm bánh Aloo Paratha, để lộ bắp tay trần tròn lẳn. Bếp trưởng cười khần khật, tít mắt. Lâu nay Bếp trưởng Hi cũng làm bánh rồi nhưng chỉ học qua sách vở, mà chỉ là sách tiếng Việt, tam sao thất bản, một món nấu ba lần khác nhau thành ra đến cả bảy món. Bây giờ được chính phụ nữ Ấn Độ trực tiếp hướng dẫn, nguyên bản. Bột mì Atta nhào thật nhuyễn trong thau nhỏ, dùng chày cán mỏng trên mặt thớt; khoai tây cũng tán nhuyễn làm nhân. Cuộn bột mỳ bao quanh nhân vo tròn thật đều tay; cán dẹt một lần nữa như thế này này. Miệng nói tay làm, Marata đưa bột rồi cái bánh cho Bếp trưởng Hi. Tay chạm tay, Hi sướng run người. Mấy tháng rồi không có phụ nữ, bây giờ cứ như điện giật, một luồng điện rất lạ.

Marata cho cái bánh tròn tròn như chiếc đĩa vào chảo không dính nướng cho đến khi vành ngoài sém giòn thì chín. Bánh chín không mềm không cứng, dai dai. Món bánh này chỉ ăn buổi tối. Buổi tối có thời gian ngồi nhâm nhi mà thưởng thức mới tận hưởng hết cái ngon của nó.

Bánh Aloo Paratha không thể ăn không mà phải ăn cùng với món Mutton masala. Marata dùng thịt cừu, quế, hồi, đinh hương, bột Masala, bột nghệ, bột ớt, hành tây, bột ngọt, cà chua trộn đều như tả pí lù cho vào nồi ninh nhừ cho đến khi sền sệt như nước sốt. Bếp trưởng Hi xé từng miếng bánh Aloo Paratha chấm với Mutton masala sền sệt ăn thử, khen ngon. Ngon quá. Marata cũng cười giòn, đôi mắt hấp háy, giọng đồng khàn như giọng ca sĩ :

- Mai tôi sẽ bày anh làm bánh Chapathi.

- Ok. Mai cô nhớ xuống sơm sớm nhé!

Bếp trưởng nghĩ đến cái chạm tay vào chiều mai, cười tít mắt.

Máy trưởng Sanjiaya đi ngoài hành lang ngang bếp thấy vợ cười đùa với Hi, ông giận ứ họng nhưng không dám vào gọi vợ về mà lên phòng gọi điện thoại xuống.

Tối đó Máy trưởng bảo với vợ :

- Tôi không thích mình xuống bếp nữa đâu…

- Chief Cook nhờ tôi dạy cho nấu ăn.

- Chief Cook nấu ngon lắm, không cần mình dạy đâu!

Giá như Bếp trưởng Hi nghe câu này chắc nhảy cẫng lên cả hai mét. Mọi ngày thằng Máy trưởng luôn chê Hi nấu dở òm dở òm, nấu thức ăn gì còn dở hơn cám cho lợn, lại còn đòi hỏi món này món nọ; làm như trên phố không bằng, thích gì là ra chợ mua nấy, trên biển chỉ nấu được những thứ trong kho.

5 giờ chiều, In đang đánh bóng bàn với Liu thì có chuông điện thoại. Liu bảo chắc La gọi chứ ai. Ai lên trước chơi bóng bàn trước là La không thích, cứ tìm cớ này nọ. In bốc máy. Không phải La mà là Máy trưởng:

- Có Battit Sahab ở đấy không?

- Tôi đây.

- Lên phòng Máy trưởng gấp!

- Có gì khôn? Quan trọng không? Tôi đang chơi bóng bàn!

- Chừng nào nghỉ, nửa tiếng nữa không?

- Một tiếng sau tôi mới nghỉ.

- Đúng một tiếng sau lên phòng Máy trưởng. Tôi chờ. Bây giờ là 5 giờ 2 phút!

Máy trưởng Sanjiaya nhấn mạnh từ « Máy trưởng » hơn mọi khi. In gác máy tiếp tục giao bóng. Liu hỏi sao Máy trưởng gọi mà không lên, In bảo bây giờ đã hết giờ làm việc, không có sự cố gọi lên phòng làm gì, khùng à. Làm việc phải có giờ giấc chứ. Mình làm thêm ổng có móc tiền túi ra trả cho mình không?

Đúng sáu giờ In đi lên, ngang qua phòng Máy trưởng, ông ta gọi:

- Vào đây luôn đi!

In bước vào. Máy trưởng đang ngồi bên bàn vi tính, tay cầm cuốn tài liệu. Vợ Máy trưởng cũng ngồi chéo mảy trên chiếc salon đằng kia đang đọc cuốn sách Hamlet, chân đong đưa. Máy trưởng cao giọng, không lắp một tí nào:

- Tôi đã chờ một tiếng đồng hồ rồi! Lần trước Đại phó Ramar bảo cậu kiểm tra công tắc khống chế đèn buồng bơm ngay cửa lối ra vào cabin. Có không?

- Không.

- Sao trong tài liệu có chữ “khoá” đây này?

- Đại phó Ramar chỉ hỏi công tắc không thôi. Tôi bật thử đèn, cũng không thấy khống chế.

- Có hay không?

Máy trưởng đưa cuốn tài liệu cho In, In liếc qua. Trong hồ sơ thì có, nhưng thực tế lại không đúng, hay là người Nga trước đó đã bỏ rơle thời gian mà đấu tắt đi rồi.

- Nếu như người ta hỏi là Máy trưởng thì tôi sẽ tìm kỹ càng. Đại phó chỉ là người sử dụng, đâu hiểu rõ về kỹ thuật. Có gì tôi sẽ tìm, nếu như có hư hỏng tôi sẽ sữa chữa.

- Tao chỉ hỏi có hay không?

Nhìn Máy trưởng, không phải ông ta hỏi để sửa chữa khắc phục mà để lên mặt, để chứng tỏ uy quyền của mình cho vợ biết rằng Máy trưởng trên tàu này oách lắm, hét sĩ quan, thợ máy chạy có cờ. Đằng kia, vợ Máy trưởng cầm cuốn sách vờ đọc, chốc chốc nhìn liếc về phía In, cái chân tréo mảy đong đưa.

- Không!

In ném cuốn tài liệu cái vèo ra cửa, các trang giấy va nhau roan roạt, mém rách. Bước qua cuốn tài liệu, bỏ về phòng đóng sầm cửa lại. Khoá chốt trong cái cắc. Mặc cho Máy trưởng chạy theo sau:

- Electric Officer! Electric Officer! Nghe tôi nói này!

Máy trưởng khẽ gõ cửa. In không mở mà cởi đồ bảo hộ vào phòng tắm, mở nước mạnh hơn mọi khi, vòi hoa sen phun rào rào bên ngoài hành lang cũng nghe thấy. Tắm xong lại nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ và rất chậm. Nãy giờ Máy trưởng Sanjiaya vẫn còn đứng đấy à? Hay là ai khác? In mở hé cửa. Chỉ chờ có thế, Máy trưởng lách người bước vào chỉ xuống chiếc salon:

- Cho tôi ngồi đây nhé! Electric Officer?

- Cứ tự nhiên!

- Chúng mình nói chuyện nhỏ với nhau nhé! Electric Officer?

- Ok. Đây là phòng của tôi, nếu ông lớn tiếng, mời ông ra khỏi phòng!

- Không. Chúng mình chỉ nói nhỏ với nhau thôi. Đại phó Ramar đã về rồi, quên ngay anh ta ði! Electric Engineer đọc lại giùm sơ đồ liên hệ giữa đèn và quạt buồng bơm dùm đi. Tôi biết Electric Officer làm được mà!

- Chuyện nhỏ. Ông về đi!

- Tôi về nhé! Chúc một buổi tối vui vẻ!

Bước ra Máy trưởng còn kéo cửa đóng lại nhẹ nhàng. Lịch sự gớm! In vừa tức vừa mắc cười. Cười một mình. Không phải là Athena, tên một vị thần Hi Lạp mà tên tàu là Arena mới đúng. Trên tàu, mạnh được yếu thua. In lấy bút dạ viết lên áo lên mũ bảo hộ của mình chữ Arena to tướng.

Điều kỳ lạ

Trời u ám, mặt biển phẳng lặng hơn mọi ngày, từng đàn chim biển mải miết bay về hướng đất liền. Hình như sắp có bão. Nhưng bão đâu sớm thế, mới đầu tháng năm kia mà!

Thế mà bão đến thật, nhưng bão ở xa, hình như loài chim biển có giác quan đặc biệt. Rồi tàu nhận thông tin dự báo thời tiết từ trạm Hồng Kông, bão sẽ đổ bộ vào vùng bờ biển Đông, cấp gió có thể mạnh đến cấp 9, giật trên cấp 9. Đối với tàu lớn thì chẳng lo gì, chỉ hơi lắc lư thôi. Mà đang chạy ở xa tâm bão, tàu lại trang bị máy móc thiết bị hiện đại, chạy trong vùng biển Đông nếu không nhận tin dự báo thời tiết của trạm Hồng Kông thì cũng nhận ở trạm Australia. Tàu sẽ ứng phó kịp thời khi bão đến, nếu bão có diễn biến phức tạp thì chạy vào vịnh để tránh bão vì tàu chạy cũng không xa bờ là mấy.

Đúng theo dự đoán, hơn một ngày sau bão mới đuổi kịp tàu và đã bị suy giảm thành áp thấp nhiệt đới. Sóng chỉ còn cấp 6 cấp 7, gió cứ thúc vào hông tàu nhưng không hề gì, chỉ có mưa là nhiều, mưa giăng kín trời. Trên đất liền sợ mưa to, mưa to gây lũ lụt chứ ở trên biển mênh mông thế này thì không sợ mưa. Mưa mấy cũng được, mưa cho mát. Nước mưa không làm cho biển dâng cao, mà nếu nước biển có dâng cao bao nhiêu thì tàu cũng cao bấy nhiêu.

Mưa nên trời tối nhanh hơn thường ngày, mới 4 giờ chiều mà đã đen thủi thùi thui. Phó hai Hùng phải dùng ống nhòm quan sát liên tục để tránh tàu phía trước, ra đa không bắt rõ được vì nhiễu biển nhiễu mưa. Anh quan sát lần cuối để chuẩn bị giao ca, thấy một vật gì nhấp nhô, trông giống một gốc cây dừa nước bị trôi. Mà giữa biển thế này làm gì có dừa nước trôi! Anh điều chỉnh tiêu cự ống kính để nhìn rõ hơn, một chiếc tàu cá bị chìm nhưng chưa chìm hẳn, một phần mũi còn nhô lên trên mặt nước.

Mấy chiếc tàu cá ấy mà! Tàu cá thường có tật là khi thấy tàu lớn chạy qua thì cắt mũi để lấy hên. Họ lấy hên là sẽ đánh được nhiều cá mà không biết rằng rất nguy hiểm cho tính mạng mình, chạy cắt mũi phải chạy thật nhanh, chạy nhanh thì máy móc dễ bị sự cố, nếu đang cắt mũi tàu lớn mà bị chết máy thì chết chắc! Lúc đó rủi chứ không phải may, rủi cho tàu lớn nữa. Người đi ca trên tàu lớn nhiều lần phải thót tim vì thấy tàu cá cứ lừ lừ, chờ tàu lớn đến là cắt mũi. Tàu lớn phải tránh tàu cá là vậy! Phó hai Hùng cũng đã gặp vài trường hợp như thế. Có lần tàu vào giữa đám lưới mà không hề thấy một tín hiệu phao, cờ hay đèn nào. Lần đó chân vịt bị quấn lưới phải dừng máy tàu và lặn xuống biển dùng dao mà cắt. Lặn xuống biển sâu lại không có trang thiết bị lặn, tức cả ngực, ù cả tai, chưa nói là nếu có cá mập thì tiêu xác như chơi. Sau lần ấy phó hai Hùng tự nhiên thấy ghét đám tàu cá. Trông thấy tàu cá đằng xa anh đã ấn còi cảnh báo. Tiếng còi hơi hụ thì người trên tàu cá phải long cả óc.

Anh đặt ống nhòm trở lại vị trí cũ rồi lại cầm lên ngắm. Tàu cá kia đã chéo mạn rồi, chút xíu nữa là nó sẽ tụt lại phía sau. Đại phó Tợi sẽ không biết và sẽ không bao giờ thấy chiếc tàu cá đó vì người đi ca chỉ quan sát phía trước và hai bên mạn, không cần quan sát phía sau, trời lại mưa gió thế này thì chiếc tàu cá sắp chìm cũng không hiển thị trên màn hình ra đa được. Anh ngần ngừ rồi báo với Đại phó dù rằng nếu không báo thì chẳng có ảnh hưởng gì hết. Vừa nghe Tợi đã cầm ống nhòm quan sát, đúng là chiếc tàu cá chuẩn bị chìm hết. Không thấy tàu cá treo cờ nên không biết là tàu nước nào. Trên tàu cá có người hay không mà không thấy tín hiệu cầu cứu? Đại phó cầm máy VHF và cả máy radio dò tìm trên các kênh để liên lạc thử, không có tín hiệu đáp lại. Đại phó báo cho thuyền trưởng.

Thuyền trưởng vội vàng lên buồng lái. Thuyền trưởng nhìn qua ống nhòm, chỉ thấy một vật đen đen nhấp nhoáng trong màn mưa dày đặc, ông ra lệnh cho đại phó giảm tốc độ tàu. Nếu quay tàu lại trong lúc sóng gió thế này cũng nguy hiểm vì tàu chạy không có hàng nên trọng tâm cao, rất dễ dàng lật úp. Mà không biết trên chiếc tàu cá ấy có người hay không nữa, hay chỉ là cái xác tàu bị trôi mà không có người, quay lại chỉ mất công và nguy hiểm thôi! Nhưng quay lại, thà không có người thì thôi chứ bỏ đi thế này lỡ có người thì sao! Thuyền trưởng suy nghĩ một lát rồi báo xuống buồng điều khiển máy để máy trưởng cho tàu stand by*. Máy nhất Đông nổ thêm máy phát điện, máy trưởng Hiểu lập tức cho tàu sẵn sàng ở chế độ điều động.

Thuyền trưởng cho tàu quay trở lại. Chỉ dám bẻ lái từ từ cho an toàn, tàu quay một vòng rộng mới trở lại phương cũ. Không biết có người hay không và nếu có thì họ có còn sống không? Ai cũng nôn nao, thủy thủ trên buồng lái cầm ống nhòm ra cánh gà dòm, nhìn không rõ lắm, hình như là có người. Thuyền trưởng đánh lệnh cho máy trưởng tăng tốc, chiếc tàu xé tan màn mưa lao về phía trước.

Trời đã tối hẳn, đèn tìm kiếm cứu nạn được bật lên. Đèn mạn và đèn ngoài boong tàu cũng được bật lên hết cho sáng. Chiếc tàu đã đến gần vị trí tàu cá chìm, thủy thủ căng mắt ra nhìn qua ống nhòm và đã nhìn thấy có hai người bu vào hai mảnh ván thuyền, đang bị nhồi dập dềnh trên sóng. Tàu từ từ giảm tốc, thuyền trưởng ra lệnh cho tất cả những người không đang đi ca đều sẵn sàng cứu người. Để duy trì ca trực ổn định nên nhiệm vụ của một số người tạm thời thay đổi theo bảng phân công nhiệm vụ thông thường. Và, ba hồi chuông báo động dài vang lên. Khi nghe chuông báo động cứu sinh thì tất cả mọi người đều sẵn sàng ứng cứu.

Bây giờ thì thực hành cứu người rơi xuống biển thiệt rồi chứ không phải thực tập như mọi khi nữa, mà cứu đến hai người lận! Tất cả các dụng cụ ứng cứu được đem ra, cái cán dùng tải thương xếp xó lâu nay cũng được mang ra để phòng khi người được cứu không còn đi được nữa. Thủy thủ mặc áo mưa chạy cả ra mặt boong. Máy hai Hoàng vừa đi ca máy xong, chưa kịp lên thay quần áo, không áo mưa cũng chạy ù ra mặt boong. Anh bếp trưởng, thằng Boy cũng sẵn sàng còn nhanh hơn khi thực tập cứu người rơi xuống biển mọi lần. Có người đùa là thực hành cứu người thật thế này thì thú vị quá! Cũng có người lo lắng, cứu mạng rồi có trả mạng không?

Bosun Duy Chính cùng thủy thủ Trình thoáng chốc đã chuẩn bị xong thang dây, hai chiếc thang dây dùng để đón hoa tiêu thường ngày đó. Thả thang xuống mặt nước. Thủy thủ Hiếu và Máy ba Triều thì cầm sẵn phao, khi tàu lại gần người thì ném phao xuống biển. Một đầu chiếc phao tròn có buột sợi dây, ném phao nhưng vẫn giữ một đầu sợi dây để còn kéo phao trở lại nữa. Khi phao rơi xuống biển thì cây đèn ở phao nổi lên và sáng nhấp nháy, người dưới biển thấy phao mà bơi lại. Thủy thủ soi đèn pin cho sáng thêm. Phao đã được ném xuống, cũng không xa với người đang bu tấm ván là mấy nhưng anh ta không dám bỏ ván mà bơi lại chiếc phao, có lẽ anh ta không dám mạo hiểm, bỏ tấm ván sẽ bị sóng nhồi xuống lòng biển? Sóng nhồi sâu thì sẽ ngạt thở thôi. Hay là anh ta không còn sức để bơi, mà làm sao bơi với sóng lớn như thế này, cầm cự với sóng cũng đã giỏi lắm rồi!

Thủy thủ ném thêm mấy chiếc phao nữa, có một chiếc rơi đúng tấm ván, anh ta đã bu được chiếc phao, Bosun kéo phao lại chiếc thang dây, sóng cứ đẩy ra, phải hai người kéo chiếc phao mới cập vào mạn tàu. Người đó nắm vào thang dây mà không tự leo lên được, có lẽ anh ta đuối sức mất rồi. Thấy vậy thằng Boy chạy về kho mang cái lưới dùng để cẩu thực phẩm mọi khi, chiếc lưới được buột bốn đầu móc dây rồi thả xuống. Ì ạch một hồi anh ta cũng vào được trong lưới. Thủy thủ hò nhau kéo lên, bình thường kéo đã nặng, khi có sóng gió thì kéo càng nặng hơn vì ai cũng mệt hết. Sóng gió thì đứng trên boong còn mệt huống chi là ở dưới biển!

Vớt được người ở gần xong thì tàu chạy đến vớt người ở xa hơn. Lần này có kinh nghiệm hơn nên vớt cũng nhanh hơn. Người được vớt sau già hơn và yếu hơn người được vớt trước. Có lẽ họ là hai cha con vì trông giống nhau lắm. Cả hai người đều được đưa vào phòng bệnh viện của tàu để phó ba Khoèo cấp cứu. Người khỏe hơn khi vào đến nơi cũng bị ngất, có lẽ bị ngâm nước lâu, khi lên khô thì cơ thể không thích nghi kịp nên mới như thế, giống như người quen ở biển thì lên đất liền sẽ bị say bờ. Vài người ở lại chăm sóc còn bao nhiêu ra trở lại ngoài boong.

Tàu lượn một vòng xem thử còn có người nào trên biển nữa không, không biết là trên tàu cá có bao nhiêu người, vì chiếc tàu đã vỡ rồi nên không biết nó lớn hay nhỏ để đoán được số người trên tàu. Hai người vừa cứu thì nằm mê man nên không hỏi được gì hết.

Tìm một hồi nữa cũng không thấy thêm người nào, thuyền trưởng cho quay tàu trở lại. Đang lúc quay tàu thì phát hiện thêm một người nữa. Tàu tiến lại gần, thủy thủ cũng đã thấm mệt vì sóng gió và mưa lạnh. Lần này có bao nhiêu phao thủy thủ ném xuống hết. Cuối cùng thì phao cũng rơi trúng người trên mặt nước. Đợi một lúc lâu nhưng sao không thấy người dưới biển bu vào phao. Không còn sức để bu hay đã chết mất rồi, cũng có thể lắm chứ. Mà vớt người chết có sao không? Tàu có kiêng cữ gì không? Trước nay trên tàu chưa ai gặp trường hợp này hết, chết rồi thì vớt lên để đâu? Thật khủng khiếp khi trên tàu có xác người!

Nhưng phải vớt lên mới biết được chứ. Hoàng không mặc áo mưa nên xung phong trèo xuống. Phải nối dây thừng vào dây an toàn cho dài và dòng xuống từ từ. Anh xuống nước và dùng một chiếc phao để bơi lại rồi kéo người dưới biển vào, thấy người còn mềm mềm, chắc là còn sống. Người gì mà yếu xỉu yếu xìu thế này, tóc lại để dài như Phôn-rô! Kéo nhanh cho kịp chứ không thì chết mất. Thủy thủ trên boong kéo dây phao cho Hoàng cập vào mạn. Cuối cùng thì người đó cũng nằm vào được trong lưới. Hoàng trèo từng bước lên thang dây, thở hổn hển. Tấm lưới cũng được kéo lên mặt boong, người nằm trong lưới như một con cá, thủy thủ rọi đèn pin vào sáng trưng, quần áo tả tơi, một phần trên ngực lộ ra trắng phau. Bị thương ở ngực à? Không, là phụ nữ! Ai đó kêu lên. Mọi người xúm lại xem. Đúng là phụ nữ, phụ nữ mà cũng đi biển!

Tàu cứu được phụ nữ, lần này thì có phụ nữ trên tàu rồi! Phụ nữ lên tàu là chuyện lạ. Tàu vào cảng vì an toàn và an ninh nghiêm ngặt, người thân lên tàu còn khó huống chi là phụ nữ. Khi tàu neo đậu lâu ngoài phao hay ngoài luồng thì cũng có mấy cô gái đi đò ra tàu, nhìn mấy cô trèo lên thang dây mà thấy tội nghiệp lắm rồi. Bây giờ có cô gái đi biển thì đáng thương quá, mặt mũi cao ráo sáng sủa thế này sao không chọn một việc nhẹ nhàng hơn? Mà tay chân mảnh khảnh, người mỏng thế kia sao chịu được sóng biển ở chiếc tàu cá bé tẻo tèo tẹo?

Cô gái đã bất tỉnh, người mềm nhũn. Hải đưa ngón tay lên mũi, không thấy cô gái thở một chút nào hết. Kê má vào nghe nhưng cũng không có thở chút nào hết, phải sơ cứu trên đường cán vào cabin của tàu. Hải ngại ngùng khi phải hô hấp nhân tạo cho cô gái. Triều có vợ rồi nên dạn miệng hơn, hít một hơi thật dài rồi bịt mũi cô gái, thổi ngạt vào miệng cô gái. Nhưng khi ấn thở thì Triều cũng ngập ngừng. Cái ngực áo rách ra thế kia, gió cứ thổi phành phạch. AB Thơ, người đầy lông lá, đang che mưa cho cô gái thấy nguy kịch quá, ngưng tim ngưng thở thì nguy hiểm lắm, liền dùng hai bàn tay ấn mạnh lên ngực cô gái để đẩy hơi ra. Thơ cầm hai tay mềm nhũn nâng lên rồi hạ xuống để cô gái mau thở được.

Cô gái được khiêng vào phòng khách và đắp chăn lại cho ấm nhưng còn bộ đồ ướt mèm thì khi nào mới khô? Khi ở dưới biển thì bộ đồ mỏng lét này cũng bảo vệ được lớp da và giữ nhiệt cho cơ thể còn khi lên khô rồi mà quần áo ướt mem thì lặm nước chết! Phải thay ra thì cơ thể cô gái mới mau ấm lại được. Nhưng làm sao thay đây? Quần áo thì lấy đại của thủy thủ trên tàu, bí quá thì lấy bộ đồ bảo hộ nhưng thay thì khó lắm! Cởi ra thì nhất định có người tò mò mà dòm. Tắt đèn thì đâu thấy đường đâu mà cởi, không thấy đường mà giám sát lỡ người thay làm bậy thì sao! Mạng sống là quý nhưng được cứu mà bị mang tiếng xấu thì cuộc sống sẽ có ý nghĩa gì nữa! Cô gái này đã lập gia đình chưa? Cô gái có quan hệ ra sao với hai người đàn ông đang ở phòng bệnh viện? Là vợ hay em gái của người trẻ kia? Cũng có thể là vợ vì con gái miền biển thường có chồng sớm. Họ cũng đang hôn mê nên không thể hỏi được, mà hỏi thì vô duyên quá! Cô gái này trông còn quá trẻ, dù già hay trẻ thì cũng phải giữ gìn cho người khác phái chứ!

Phải chi trên tàu có phụ nữ đi cùng thì hay hay biết mấy. Tại sao tàu lại không tuyển phụ nữ đi? Trên tàu thì mọi việc đều do đàn ông con trai làm hết, nhiều lúc cần thiết thế này mới thấy phụ nữ quan trọng biết chừng nào. Cuối cùng nhất trí cử hai người lớn tuổi nhất đã có gia đình, đặt cô gái nằm sấp, tắt đèn rồi cởi thật nhanh. Một người lấy tấm chăn trùm lại, sau đó phủ thêm một tấm chăn nữa cho mau ấm. Mọi người hồi hộp ngồi canh, chừng hơn tiếng sau là cô gái thở được và dần dần thở đều đặn. Da dẻ cô bớt tím ngắt và hồng hào trở lại, trông cô thật là đẹp. Không dám ngồi đông sợ hít hết ôxy và hơi người làm cho người yếu mệt thêm. Hai người thì không tin tưởng nên phải để ba người lại trông cô gái.

Thủy thủ từng nói với nhau rằng nếu có một cô gái lên tàu thì sẽ bị... đuổi chạy khắp tàu vì trên tàu không có phụ nữ, chỉ toàn đàn ông chán ngắt chán ngơ. Bây giờ cứu được cô gái, lại là một cô gái thiệt là đẹp, nhưng giờ này chẳng ai nghĩ bậy nữa mà cứ mong cho cô gái mau hồi phục và tàu vào đến bờ thật nhanh.

Vớt được người thì tàu không đi đúng theo hải trình nữa, thuyền trưởng Nhật cho tàu hướng thẳng vào bờ. Hai người đàn ông kia cũng chưa tỉnh hẳn, phải lấy đũa bếp cạy răng mà đổ nước cháo vào miệng. Cô gái thì yếu hơn nên đêm đó luôn có ba người ngồi trông.

Hơn một ngày thì thấy núi thấp thoáng phía chân trời, tàu đã liên lạc được với tàu hải quân khu vực ra nhận người. Phải dùng cẩu thực phẩm mà chuyển người xuống tàu hải quân. Ba người vẫn chưa tỉnh nên thủy thủ không thể biết được họ tên gì, ở đâu, mối quan hệ giữa họ như thế nào, nhất là quan hệ giữa chàng trai và cô gái. Biết là không thể gặp lại họ được nữa mà không hiểu tại sao ai cũng mong họ là anh em! Lạ thật!

TRƯƠNG ANH QUỐC

Điều kỳ lạ

Trời u ám, mặt biển phẳng lặng hơn mọi ngày, từng đàn chim biển mải miết bay về hướng đất liền. Hình như sắp có bão. Nhưng bão đâu sớm thế, mới đầu tháng năm kia mà!

Thế mà bão đến thật, nhưng bão ở xa, hình như loài chim biển có giác quan đặc biệt. Rồi tàu nhận thông tin dự báo thời tiết từ trạm Hồng Kông, bão sẽ đổ bộ vào vùng bờ biển Đông, cấp gió có thể mạnh đến cấp 9, giật trên cấp 9. Đối với tàu lớn thì chẳng lo gì, chỉ hơi lắc lư thôi. Mà đang chạy ở xa tâm bão, tàu lại trang bị máy móc thiết bị hiện đại, chạy trong vùng biển Đông nếu không nhận tin dự báo thời tiết của trạm Hồng Kông thì cũng nhận ở trạm Australia. Tàu sẽ ứng phó kịp thời khi bão đến, nếu bão có diễn biến phức tạp thì chạy vào vịnh để tránh bão vì tàu chạy cũng không xa bờ là mấy.

Đúng theo dự đoán, hơn một ngày sau bão mới đuổi kịp tàu và đã bị suy giảm thành áp thấp nhiệt đới. Sóng chỉ còn cấp 6 cấp 7, gió cứ thúc vào hông tàu nhưng không hề gì, chỉ có mưa là nhiều, mưa giăng kín trời. Trên đất liền sợ mưa to, mưa to gây lũ lụt chứ ở trên biển mênh mông thế này thì không sợ mưa. Mưa mấy cũng được, mưa cho mát. Nước mưa không làm cho biển dâng cao, mà nếu nước biển có dâng cao bao nhiêu thì tàu cũng cao bấy nhiêu.

Mưa nên trời tối nhanh hơn thường ngày, mới 4 giờ chiều mà đã đen thủi thùi thui. Phó hai Hùng phải dùng ống nhòm quan sát liên tục để tránh tàu phía trước, ra đa không bắt rõ được vì nhiễu biển nhiễu mưa. Anh quan sát lần cuối để chuẩn bị giao ca, thấy một vật gì nhấp nhô, trông giống một gốc cây dừa nước bị trôi. Mà giữa biển thế này làm gì có dừa nước trôi! Anh điều chỉnh tiêu cự ống kính để nhìn rõ hơn, một chiếc tàu cá bị chìm nhưng chưa chìm hẳn, một phần mũi còn nhô lên trên mặt nước.

Mấy chiếc tàu cá ấy mà! Tàu cá thường có tật là khi thấy tàu lớn chạy qua thì cắt mũi để lấy hên. Họ lấy hên là sẽ đánh được nhiều cá mà không biết rằng rất nguy hiểm cho tính mạng mình, chạy cắt mũi phải chạy thật nhanh, chạy nhanh thì máy móc dễ bị sự cố, nếu đang cắt mũi tàu lớn mà bị chết máy thì chết chắc! Lúc đó rủi chứ không phải may, rủi cho tàu lớn nữa. Người đi ca trên tàu lớn nhiều lần phải thót tim vì thấy tàu cá cứ lừ lừ, chờ tàu lớn đến là cắt mũi. Tàu lớn phải tránh tàu cá là vậy! Phó hai Hùng cũng đã gặp vài trường hợp như thế. Có lần tàu vào giữa đám lưới mà không hề thấy một tín hiệu phao, cờ hay đèn nào. Lần đó chân vịt bị quấn lưới phải dừng máy tàu và lặn xuống biển dùng dao mà cắt. Lặn xuống biển sâu lại không có trang thiết bị lặn, tức cả ngực, ù cả tai, chưa nói là nếu có cá mập thì tiêu xác như chơi. Sau lần ấy phó hai Hùng tự nhiên thấy ghét đám tàu cá. Trông thấy tàu cá đằng xa anh đã ấn còi cảnh báo. Tiếng còi hơi hụ thì người trên tàu cá phải long cả óc.

Anh đặt ống nhòm trở lại vị trí cũ rồi lại cầm lên ngắm. Tàu cá kia đã chéo mạn rồi, chút xíu nữa là nó sẽ tụt lại phía sau. Đại phó Tợi sẽ không biết và sẽ không bao giờ thấy chiếc tàu cá đó vì người đi ca chỉ quan sát phía trước và hai bên mạn, không cần quan sát phía sau, trời lại mưa gió thế này thì chiếc tàu cá sắp chìm cũng không hiển thị trên màn hình ra đa được. Anh ngần ngừ rồi báo với Đại phó dù rằng nếu không báo thì chẳng có ảnh hưởng gì hết. Vừa nghe Tợi đã cầm ống nhòm quan sát, đúng là chiếc tàu cá chuẩn bị chìm hết. Không thấy tàu cá treo cờ nên không biết là tàu nước nào. Trên tàu cá có người hay không mà không thấy tín hiệu cầu cứu? Đại phó cầm máy VHF và cả máy radio dò tìm trên các kênh để liên lạc thử, không có tín hiệu đáp lại. Đại phó báo cho thuyền trưởng.

Thuyền trưởng vội vàng lên buồng lái. Thuyền trưởng nhìn qua ống nhòm, chỉ thấy một vật đen đen nhấp nhoáng trong màn mưa dày đặc, ông ra lệnh cho đại phó giảm tốc độ tàu. Nếu quay tàu lại trong lúc sóng gió thế này cũng nguy hiểm vì tàu chạy không có hàng nên trọng tâm cao, rất dễ dàng lật úp. Mà không biết trên chiếc tàu cá ấy có người hay không nữa, hay chỉ là cái xác tàu bị trôi mà không có người, quay lại chỉ mất công và nguy hiểm thôi! Nhưng quay lại, thà không có người thì thôi chứ bỏ đi thế này lỡ có người thì sao! Thuyền trưởng suy nghĩ một lát rồi báo xuống buồng điều khiển máy để máy trưởng cho tàu stand by*. Máy nhất Đông nổ thêm máy phát điện, máy trưởng Hiểu lập tức cho tàu sẵn sàng ở chế độ điều động.

Thuyền trưởng cho tàu quay trở lại. Chỉ dám bẻ lái từ từ cho an toàn, tàu quay một vòng rộng mới trở lại phương cũ. Không biết có người hay không và nếu có thì họ có còn sống không? Ai cũng nôn nao, thủy thủ trên buồng lái cầm ống nhòm ra cánh gà dòm, nhìn không rõ lắm, hình như là có người. Thuyền trưởng đánh lệnh cho máy trưởng tăng tốc, chiếc tàu xé tan màn mưa lao về phía trước.

Trời đã tối hẳn, đèn tìm kiếm cứu nạn được bật lên. Đèn mạn và đèn ngoài boong tàu cũng được bật lên hết cho sáng. Chiếc tàu đã đến gần vị trí tàu cá chìm, thủy thủ căng mắt ra nhìn qua ống nhòm và đã nhìn thấy có hai người bu vào hai mảnh ván thuyền, đang bị nhồi dập dềnh trên sóng. Tàu từ từ giảm tốc, thuyền trưởng ra lệnh cho tất cả những người không đang đi ca đều sẵn sàng cứu người. Để duy trì ca trực ổn định nên nhiệm vụ của một số người tạm thời thay đổi theo bảng phân công nhiệm vụ thông thường. Và, ba hồi chuông báo động dài vang lên. Khi nghe chuông báo động cứu sinh thì tất cả mọi người đều sẵn sàng ứng cứu.

Bây giờ thì thực hành cứu người rơi xuống biển thiệt rồi chứ không phải thực tập như mọi khi nữa, mà cứu đến hai người lận! Tất cả các dụng cụ ứng cứu được đem ra, cái cán dùng tải thương xếp xó lâu nay cũng được mang ra để phòng khi người được cứu không còn đi được nữa. Thủy thủ mặc áo mưa chạy cả ra mặt boong. Máy hai Hoàng vừa đi ca máy xong, chưa kịp lên thay quần áo, không áo mưa cũng chạy ù ra mặt boong. Anh bếp trưởng, thằng Boy cũng sẵn sàng còn nhanh hơn khi thực tập cứu người rơi xuống biển mọi lần. Có người đùa là thực hành cứu người thật thế này thì thú vị quá! Cũng có người lo lắng, cứu mạng rồi có trả mạng không?

Bosun Duy Chính cùng thủy thủ Trình thoáng chốc đã chuẩn bị xong thang dây, hai chiếc thang dây dùng để đón hoa tiêu thường ngày đó. Thả thang xuống mặt nước. Thủy thủ Hiếu và Máy ba Triều thì cầm sẵn phao, khi tàu lại gần người thì ném phao xuống biển. Một đầu chiếc phao tròn có buột sợi dây, ném phao nhưng vẫn giữ một đầu sợi dây để còn kéo phao trở lại nữa. Khi phao rơi xuống biển thì cây đèn ở phao nổi lên và sáng nhấp nháy, người dưới biển thấy phao mà bơi lại. Thủy thủ soi đèn pin cho sáng thêm. Phao đã được ném xuống, cũng không xa với người đang bu tấm ván là mấy nhưng anh ta không dám bỏ ván mà bơi lại chiếc phao, có lẽ anh ta không dám mạo hiểm, bỏ tấm ván sẽ bị sóng nhồi xuống lòng biển? Sóng nhồi sâu thì sẽ ngạt thở thôi. Hay là anh ta không còn sức để bơi, mà làm sao bơi với sóng lớn như thế này, cầm cự với sóng cũng đã giỏi lắm rồi!

Thủy thủ ném thêm mấy chiếc phao nữa, có một chiếc rơi đúng tấm ván, anh ta đã bu được chiếc phao, Bosun kéo phao lại chiếc thang dây, sóng cứ đẩy ra, phải hai người kéo chiếc phao mới cập vào mạn tàu. Người đó nắm vào thang dây mà không tự leo lên được, có lẽ anh ta đuối sức mất rồi. Thấy vậy thằng Boy chạy về kho mang cái lưới dùng để cẩu thực phẩm mọi khi, chiếc lưới được buột bốn đầu móc dây rồi thả xuống. Ì ạch một hồi anh ta cũng vào được trong lưới. Thủy thủ hò nhau kéo lên, bình thường kéo đã nặng, khi có sóng gió thì kéo càng nặng hơn vì ai cũng mệt hết. Sóng gió thì đứng trên boong còn mệt huống chi là ở dưới biển!

Vớt được người ở gần xong thì tàu chạy đến vớt người ở xa hơn. Lần này có kinh nghiệm hơn nên vớt cũng nhanh hơn. Người được vớt sau già hơn và yếu hơn người được vớt trước. Có lẽ họ là hai cha con vì trông giống nhau lắm. Cả hai người đều được đưa vào phòng bệnh viện của tàu để phó ba Khoèo cấp cứu. Người khỏe hơn khi vào đến nơi cũng bị ngất, có lẽ bị ngâm nước lâu, khi lên khô thì cơ thể không thích nghi kịp nên mới như thế, giống như người quen ở biển thì lên đất liền sẽ bị say bờ. Vài người ở lại chăm sóc còn bao nhiêu ra trở lại ngoài boong.

Tàu lượn một vòng xem thử còn có người nào trên biển nữa không, không biết là trên tàu cá có bao nhiêu người, vì chiếc tàu đã vỡ rồi nên không biết nó lớn hay nhỏ để đoán được số người trên tàu. Hai người vừa cứu thì nằm mê man nên không hỏi được gì hết.

Tìm một hồi nữa cũng không thấy thêm người nào, thuyền trưởng cho quay tàu trở lại. Đang lúc quay tàu thì phát hiện thêm một người nữa. Tàu tiến lại gần, thủy thủ cũng đã thấm mệt vì sóng gió và mưa lạnh. Lần này có bao nhiêu phao thủy thủ ném xuống hết. Cuối cùng thì phao cũng rơi trúng người trên mặt nước. Đợi một lúc lâu nhưng sao không thấy người dưới biển bu vào phao. Không còn sức để bu hay đã chết mất rồi, cũng có thể lắm chứ. Mà vớt người chết có sao không? Tàu có kiêng cữ gì không? Trước nay trên tàu chưa ai gặp trường hợp này hết, chết rồi thì vớt lên để đâu? Thật khủng khiếp khi trên tàu có xác người!

Nhưng phải vớt lên mới biết được chứ. Hoàng không mặc áo mưa nên xung phong trèo xuống. Phải nối dây thừng vào dây an toàn cho dài và dòng xuống từ từ. Anh xuống nước và dùng một chiếc phao để bơi lại rồi kéo người dưới biển vào, thấy người còn mềm mềm, chắc là còn sống. Người gì mà yếu xỉu yếu xìu thế này, tóc lại để dài như Phôn-rô! Kéo nhanh cho kịp chứ không thì chết mất. Thủy thủ trên boong kéo dây phao cho Hoàng cập vào mạn. Cuối cùng thì người đó cũng nằm vào được trong lưới. Hoàng trèo từng bước lên thang dây, thở hổn hển. Tấm lưới cũng được kéo lên mặt boong, người nằm trong lưới như một con cá, thủy thủ rọi đèn pin vào sáng trưng, quần áo tả tơi, một phần trên ngực lộ ra trắng phau. Bị thương ở ngực à? Không, là phụ nữ! Ai đó kêu lên. Mọi người xúm lại xem. Đúng là phụ nữ, phụ nữ mà cũng đi biển!

Tàu cứu được phụ nữ, lần này thì có phụ nữ trên tàu rồi! Phụ nữ lên tàu là chuyện lạ. Tàu vào cảng vì an toàn và an ninh nghiêm ngặt, người thân lên tàu còn khó huống chi là phụ nữ. Khi tàu neo đậu lâu ngoài phao hay ngoài luồng thì cũng có mấy cô gái đi đò ra tàu, nhìn mấy cô trèo lên thang dây mà thấy tội nghiệp lắm rồi. Bây giờ có cô gái đi biển thì đáng thương quá, mặt mũi cao ráo sáng sủa thế này sao không chọn một việc nhẹ nhàng hơn? Mà tay chân mảnh khảnh, người mỏng thế kia sao chịu được sóng biển ở chiếc tàu cá bé tẻo tèo tẹo?

Cô gái đã bất tỉnh, người mềm nhũn. Hải đưa ngón tay lên mũi, không thấy cô gái thở một chút nào hết. Kê má vào nghe nhưng cũng không có thở chút nào hết, phải sơ cứu trên đường cán vào cabin của tàu. Hải ngại ngùng khi phải hô hấp nhân tạo cho cô gái. Triều có vợ rồi nên dạn miệng hơn, hít một hơi thật dài rồi bịt mũi cô gái, thổi ngạt vào miệng cô gái. Nhưng khi ấn thở thì Triều cũng ngập ngừng. Cái ngực áo rách ra thế kia, gió cứ thổi phành phạch. AB Thơ, người đầy lông lá, đang che mưa cho cô gái thấy nguy kịch quá, ngưng tim ngưng thở thì nguy hiểm lắm, liền dùng hai bàn tay ấn mạnh lên ngực cô gái để đẩy hơi ra. Thơ cầm hai tay mềm nhũn nâng lên rồi hạ xuống để cô gái mau thở được.

Cô gái được khiêng vào phòng khách và đắp chăn lại cho ấm nhưng còn bộ đồ ướt mèm thì khi nào mới khô? Khi ở dưới biển thì bộ đồ mỏng lét này cũng bảo vệ được lớp da và giữ nhiệt cho cơ thể còn khi lên khô rồi mà quần áo ướt mem thì lặm nước chết! Phải thay ra thì cơ thể cô gái mới mau ấm lại được. Nhưng làm sao thay đây? Quần áo thì lấy đại của thủy thủ trên tàu, bí quá thì lấy bộ đồ bảo hộ nhưng thay thì khó lắm! Cởi ra thì nhất định có người tò mò mà dòm. Tắt đèn thì đâu thấy đường đâu mà cởi, không thấy đường mà giám sát lỡ người thay làm bậy thì sao! Mạng sống là quý nhưng được cứu mà bị mang tiếng xấu thì cuộc sống sẽ có ý nghĩa gì nữa! Cô gái này đã lập gia đình chưa? Cô gái có quan hệ ra sao với hai người đàn ông đang ở phòng bệnh viện? Là vợ hay em gái của người trẻ kia? Cũng có thể là vợ vì con gái miền biển thường có chồng sớm. Họ cũng đang hôn mê nên không thể hỏi được, mà hỏi thì vô duyên quá! Cô gái này trông còn quá trẻ, dù già hay trẻ thì cũng phải giữ gìn cho người khác phái chứ!

Phải chi trên tàu có phụ nữ đi cùng thì hay hay biết mấy. Tại sao tàu lại không tuyển phụ nữ đi? Trên tàu thì mọi việc đều do đàn ông con trai làm hết, nhiều lúc cần thiết thế này mới thấy phụ nữ quan trọng biết chừng nào. Cuối cùng nhất trí cử hai người lớn tuổi nhất đã có gia đình, đặt cô gái nằm sấp, tắt đèn rồi cởi thật nhanh. Một người lấy tấm chăn trùm lại, sau đó phủ thêm một tấm chăn nữa cho mau ấm. Mọi người hồi hộp ngồi canh, chừng hơn tiếng sau là cô gái thở được và dần dần thở đều đặn. Da dẻ cô bớt tím ngắt và hồng hào trở lại, trông cô thật là đẹp. Không dám ngồi đông sợ hít hết ôxy và hơi người làm cho người yếu mệt thêm. Hai người thì không tin tưởng nên phải để ba người lại trông cô gái.

Thủy thủ từng nói với nhau rằng nếu có một cô gái lên tàu thì sẽ bị... đuổi chạy khắp tàu vì trên tàu không có phụ nữ, chỉ toàn đàn ông chán ngắt chán ngơ. Bây giờ cứu được cô gái, lại là một cô gái thiệt là đẹp, nhưng giờ này chẳng ai nghĩ bậy nữa mà cứ mong cho cô gái mau hồi phục và tàu vào đến bờ thật nhanh.

Vớt được người thì tàu không đi đúng theo hải trình nữa, thuyền trưởng Nhật cho tàu hướng thẳng vào bờ. Hai người đàn ông kia cũng chưa tỉnh hẳn, phải lấy đũa bếp cạy răng mà đổ nước cháo vào miệng. Cô gái thì yếu hơn nên đêm đó luôn có ba người ngồi trông.

Hơn một ngày thì thấy núi thấp thoáng phía chân trời, tàu đã liên lạc được với tàu hải quân khu vực ra nhận người. Phải dùng cẩu thực phẩm mà chuyển người xuống tàu hải quân. Ba người vẫn chưa tỉnh nên thủy thủ không thể biết được họ tên gì, ở đâu, mối quan hệ giữa họ như thế nào, nhất là quan hệ giữa chàng trai và cô gái. Biết là không thể gặp lại họ được nữa mà không hiểu tại sao ai cũng mong họ là anh em! Lạ thật!

TRƯƠNG ANH QUỐC

Gọi Điện

Tác giả: Trương Anh Quốc

Tàu lướt nhanh trên mặt biển lặng như tờ. Hai con nước rẽ sang hai bên sóng sánh. Biển xanh ngắt. Khi tàu hành trình trên sóng yên biển lặng thì thứ bảy và chủ nhật toàn bộ thuyền viên được nghỉ. Trừ sĩ quan boong là phải đi ca. Đi ca lái để canh chừng và phát hiện tàu bè khác. Tránh lưới cá và đâm va có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trên đại dương thì đặt ở chế độ lái tự động. Sĩ quan boong trực ca để theo dõi và chỉnh lại góc lái bị lệch so với hướng chuẩn.

Bộ phận lái thì khoẻ hơn. Máy móc làm việc hoàn toàn tự động. Một khi máy móc nào bất thường thì báo động. Lúc đó mới xử lý. Tuy không có người đi ca trực tiếp nhưng cũng chia người đi ca gián tiếp. Đi ca gián tiếp chỉ cần kiểm tra vài lần trong ngày, và xử lý kịp thời khi máy móc báo động. Còn sự cố thì mọi người đều ra tay. Ca gián tiếp thì luân phiên nhau theo tuần. Trực ca gián tiếp là một ngày đêm. Do vậy ai cũng có thời gian nghỉ ngơi.

Đi ca thì không được uống rượu bia. Theo quy định uống một đơn vị rượu thì phải ít nhất bốn giờ mới được đi ca. Cuối tuần đi ca gián tiếp nên sửa lại: uống bốn đơn vị rượu thì được đi ca sau... một giờ. Được nghỉ nên cứ uống thả ga. Không cấm uống. Chỉ cấm say. Mà say rượu còn dễ chịu hơn say sóng. Say rượu thì đóng cửa phòng nằm ngủ là xong chứ say sóng thì không tài nào ngủ được. Chèn mấy chiếc gối mà người vẫn còn lăn qua lăn lại. Khi đó phải dậy uống thật nhiều bia mới ngủ được. Bai có nhiều ích lợi thế đấy. Trời nóng thì giải khát. Trời lạnh uống vào cho ấm người.

Bia còn là cái cớ để tụ họp. Trên tàu mấy khi tập họp được đông đủ. Làm việc theo ca nên nhóm này rảnh thì nhóm kia bận. Ngay cả họp hành gì cũng vậy, phải có người thế ca, không ai được phép bỏ ca trực của mình. Cuối tuần thường liên hoan là vậy. Liên hoan cho vui vẻ, cho ngày tháng ngắn bớt một chút. Trên bờ, cuối tuần còn đi đây đi đó để thay đổi không khí. Ở trên tàu cuối tuần biết đi đâu. Uống vài ken cho đỡ nhớ nhà.

Gần mực thì bia, gần đèn thì thuốc. Bai thuốc trên tàu thì vô kể. Ra nước ngoài tàu mua được hàng miễn thuế. Trước lúc tàu nhận thực phẩm thì thuỷ thủ đặt rượu bia thuốc lá trước. Theo quy định, mỗi người chỉ được để trong phòng một cây thuốc lá, một két bia và một chai rượu. Còn bao nhiêu cứ gởi ở kho của tàu. Mua nhiều để dự trữ trên tàu chứ hàng tháng trên biển hết thì biết tìm đâu. Nhiều người nhịn đói chứ không nhịn được thuốc. Cứ đi lang thang như người mất hồn. Lang thang tìm tàn thuốc để hút. Có tàn thuốc công nhân vứt trên bô cẩu cao hàng chục mét, tàu lắc lư chứ cũng có người trèo lên mót. Hút thuốc cũng có phòng hút để phòng cháy nổ. Hút không đúng nơi quy định là bị thuyền trưởng phạt tại chổ 20USD. Phạt đến tháng trừ vào lương. Hút ở phòng hút, hút xong là dọn tàn ngay. Không có hút thì uống bia cho quên mùi khói.

Cuối tuần ngồi uống bia tâm sự cho vui. Bia nhiều chỉ thiếu sức uống mà thôi. Món nhậu thì khỏi sợ thiếu. Nhiều nào nhậu thì tổ bếp lo chuẩn bị nấu nướng từ trưa. Mỗi bữa mỗi món. Tất cả các món từ năm châu. Tàu nhận thực phẩm ở năm châu, thuỷ thủ được nếm của ngon vật lạ khắp năm châu bốn biển. Muốn món gì thì đặt. Nhà cung ứng thực phẩm nước ấy mang đến tận tàu. Mỗi lần nhận thực phẩm là đẩy xe đưa thực phẩm vào kho mệt nghỉ. Khi nhận thực phẩm, tất cả phải xoắn tay. Thuyền trưởng và máy trưởng cũng ra đẩy xe dù là giữa trưa nắng nóng hay lúc tối mùa đông lạnh giá cắt da.

- Chúc mừng cuối tuần!

- Chúc mừng sóng yên biển lặng!

- Chúc mừng tàu thuận buồm xuôi gío!

- Mừng đêm nay tăng ngày.

Thôi thì đủ lý do. Cung ly cụng lon có thiếu gì lý do! Uống để ăn ngon miệng. Uống cho máu lưu thông, tuần hoàn tốt. Chung quy lại là vui. Vui để uống. Uống để vui. Một mình có ai uống bao giờ đâu!

Chỉ mỗi lý do tăng ngày là uống mệt nghỉ rồi! Đêm nay còn ngày 27, ngày mai đã là ngày 1 rồi. Tháng Hai này chỉ có 27 ngày! Tàu đi từ Đông sang Tây, khi qua kinh tuyến 180 thì công thêm một ngày. Mười mấy người được biếu không một ngày! Chỉ có mấy người đi ca nhằm vào ca đổi giờ thì lỗ. Họ bị lỗ 24 tiếng đồng hồ đi ca. Mỗi ca của họ là 5 tiếng. Một ca bình thường chỉ 4 tiếng nhưng khi qua mỗi múi giờ thì tăng thêm một giờ. Đổi giờ thì đổi cố định ở ca 8-12. Nhưng nhiều lúc họ đi ca chỉ có 3 tiếng vì tàu đi từ Tây sang Đông. Nhưng dễ gì được cộng 24 giờ, có đi được vòng quanh trái đất mới được cộng như thế! Sướng quá đi chứ! Thôi cụng lon đi nào!

Khi liên hoan, tiêu chuẩn mỗi người hai lon bia. Hai lon là vừa. Trên tàu ăn uống có giờ giấc để phục vụ còn dọn dẹp. Muốn uống thêm thì lên phòng hay sang câu lạc bộ. Nhớ nhà thì uống cho đỡ nhớ. Ngà ngà thì càng nhớ hơn. Nhất là những người mới đi tàu. Gia đình ai mà không nhớ. Có người mới cưới được vài hôm đã phải đi rồi. Không chỉ nhớ gia đình mà còn nhớ người dưng. Trời sinh cái tính thương nhớ người dưng. Buồn cũng nhớ mà vui cũng nhớ. Thuỷ thủ lãng mạn. Tình cảm thuỷ thủ dạt dào. Giữa biển nếu bắt được sóng radio thì gọi điện về cho vơi đi nỗi nhớ.

Tàu đang ở Thái Bình Dương, thời tiết tốt nên hè nhau gọi điện. Có dịp là tranh thủ gọi. Liên lạc với gia đình đâu phải dễ. Không chỉ trên biển mà ngay cả trên bờ. Không phải đến cảng nào cũng gọi được. Có cảng có hộp điện thoại công cộng gần, chỉ cần mua cạc rồi gọi. Có cảng không có hộp điện thoại, phải đi thật xa mới có máy để gọi. Nhiều cảng phải đi taxi cả chục cây mới gọi điện được. Gọi điện nhiều thành thói quen. Gọi để giãi bày. Gọi để thoả mãn. Giống như thấy đứa trẻ là bồng là nựng vào má gọi là thương nó chứ chưa biết đứa trẻ ấy có thích như vậy hay không.

Nhưng đâu phải lúc nào cũng gọi điện được. Tàu đến những nước không cùng múi giờ với múi giờ ở nhà. Ở nhà giờ này phù hợp thì thuỷ thủ đang đi ca. Ngoài giờ đi ca thì ở nhà vào lúc nửa đêm. Khi gọi điện cũng phải cộng tới trừ lui cho phù hợp giờ. Gọi về mà phá giấc ngủ người khác cũng không nên. Rồi đi bờ thương đi chung taxi với nhau cho tiện. Chẳng lẻ cứ gọi điện hoài để người khác chờ. Nhiều khi có cạc mà không gọi điện được là vậy. Để rồi tàu chạy, thấy cứ như lỡ lỡ một việc gì.

Không gọi được ở bờ thì tìm cách gọi bằng sóng radio. Gọi bằng sóng radio thì thích hơn. Nhưng có những nới có sóng nhưng không gọi được. Tàu nằm trong lãnh thổ Australia thì không được gọi. Gọi sẽ bị nhiễu sóng cho các thiết bị hàng hải khác. Nhất là thông tin mà tàu phải cập nhật hàng ngày. Một số nước cấm gọi trong lãnh hỉa của họ vì an toàn quân sự và an ninh quốc gia. Gọi sẽ bị phạt nặng.

Thuyền trưởng Dong Jun San lại không cho gọi bằng sóng radio trên tàu vì sợ... hỏng máy. Người ít biết về máy móc thường sợ máy móc. Thuyền trưởng rất bảo thủ, luôn cho mình đúng. Trên tàu, thuyền trưởng gọi điện thoại cho ai, vừa nói xong là cúp máy, không biết người nghe đã nghe được hay chưa. Chưa bao giờ thuyền trưởng nghe ai nói một điều gì. Khi ngồi nhậu cùng có người phát hiện được: thuyền trưởng nhét chỉ vào kín hai lỗ tai nên không nghe ai là phải!

Thuyền trưởng ghi lệnh cấm. Người nào vi phạm là đuổi về nước. Cấm chứ vẫn có người lén gọi. Mỗi lần gọi là có người canh. Mà canh thuyền trưởng khó lắm. Thuyền trưởng không có giờ giấc nhất định. Có nhiều khi ba bốn giờ sáng cũng chưa ngủ, năm sáu giờ sáng đã dậy. Đi đứng bất thường, đang đi thẳng bất ngờ quẹo, chẳng ai biết đường nào mà lần. Được cái là khi thuyền trưởng đi rất dễ phát hiện. Đôi dép lê quai rộng thùng thình quẹt loẹt xoẹt. Thuyền trưởng đi từ đầu hành lang ở cuối hành lang đã nghe, đi trên mấy dãy cầu thang ở câu lạc bộ xem tivi cũng đã biết rồi.

Thuyền trưởng đi dép thì dễ biết chứ đi giày vải thì chịu. Nhưng thuyền trưởng lại có yếu huyệt: thích nhậu. Chiều chiều thuyền trưởng đi lòng vòng, thấy chổ nào có nhiều dép trước cửa phòng là gõ cửa. Gõ một cái là mở cửa bước vào luôn không đợi chủ nhà có đồng ý hay không. Mới đầu có thuyền trưởng, thuỷ thủ còn vui. Riết rồi thường. Nhậu thì không được nói chuyện công việc. Chỉ hàn huyên tâm sự. Hai nền văn hoá khác nhau nên khó mà hiểu hết. Thuyền trưởng uống vào thì nói nhiều và nói to. Ngôn ngữ trên tàu là tiếng Anh. Khi phát âm những từ âm “i” âm “s”, thuyền trưởng cứ nói đi nói lại, nước bọt bay như mưa. Khổ cho người ngồi gần.

Thuyền trưởng có một kiểu uống rất độc chiêu. Ngửa cổ lên rồi rót. Bia qua thẳng cổ rồi xuống bụng mà không qua miệng. Mùi bia không xộc qua mũi nên không biết say. Uống bia là để thưởng thức. Thuyền trưởng cứ uống ừng ực, có gạt tàn thuốc vào lon bia, uống cũng không biết gì. Có thuyền trưởng cuộc vui đâm ra mất tự nhiên. Dần dần uống ở phòng riêng thì địa điểm luôn đi dộng và bỏ dép vào trong hết.

Liên hoan chiều nay, sóng yên biển lặng nên uống thả ga. Uống xong bên nhà ăn rồi qua câu lạc bộ uống tiếp. Có người ngồi uống cùng, thuyền trưởng rất vui. Hôm nay uống để giữ chân không cho thuyền trưởng lên buồng lái.

Thuỷ thủ lên buồng lái rà sóng nối máy. Những người ngoài Bắc thì gọi về Hải Phòng radio. Những người trong Nam thì gọi Hồ Chí Minh radio. Gọi như thế sóng vừa tốt vừa rẻ tiền hơn. Viễn thông nước mình đắt thứ ba thế giới. Thuỷ thủ gọi Hải Phòng radio nhiều hơn vì tổng đài Hải Phòng phục vụ tận tình và chuyên nghiệp. Khách hàng là thượng đế. Chỉ cần một người làm đài trưởng. Đài trưởng thì giá cước được giảm một nửa. Cứ gọi vô tư, khi nào về thì đóng tiền lại cho đài trưởng. Giọng nhân viên Hải Phòng radio ngọt như mía lùi. Trước khi cho số bao giờ thuỷ thủ cũng tìm cách buông chuyện vài ba câu. Hồ Chí Minh radio thì không bằng. Phải đăng ký và đóng tiền với trạm trước mới được gọi. Mỗi người phải đăng ký các số máy gọi trước. Nhân viên tổng đài thường hay gắt gỏng. Câu nói cứ cụt đầu cụt đuôi.

Nhiều lúc tàu đi vào vùng biển Đông nhưng không gọi được. Nhiều lúc sóng gió nói khản cả giọng mà đầu dây bên kia chẳng nghe rõ. Mỗi lần như thế đời thuỷ thủ sao buồn quá. Quanh năm xa nhà không chăm sóc gia đình, gọi điện nói chuyện với người thân cũng tiếng được tiếng mất. Đi ngang qua Tổ Quốc mà không biết tin tức gì về đất nước mình. Mọi người chỉ ngóng tin nhau khi có tàu trong nước đi ngang qua. Đi tàu muốn biết tin tức thì phải lên bờ vào mạng. Mà đâu phải lúc nào cũng đi bờ. Đâu phải nơi nào cũng có dịch vụ internet.

Mấy người đã lên buồng lái. Đang ca của phó ba. Phó ba Lộc nối máy giúp.

- Hải Phòng radio, tàu X gọi...

- Hải Phòng radio xin nghe, tàu anh đang ở đâu đấy?

- Đang ở Ấn Độ Dương đó em!

- Anh nghe có rõ không? Anh phát ở tần số... và thu ở tần số...

Tiếng cô nhân viên tổng đài nghe ngọt như đường phèn. Sóng khá tốt nên giọng cô khá rõ. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Ưu tiên cho người có chuyện quan trọng trước. Thứ đến người lớn tuổi. Bác Cút vừa lớn tuổi vừa có chuyện cần. Trên tàu đặt bác tên ấy chứ bác có tên đẹp lắm. Lên tàu ai mà chẳng có tên mới. Có người chết danh luôn.

- Em ơi, cho anh số máy 031...

- Anh ơi, “Thanh” trong “thanh xuân”, chức danh bếp trưởng phải không ạ?

- Đúng rồi!

- Anh vui lòng chờ máy một lát... Anh ơi nói đi, có người nhà bắt máy rồi đấy!

- Alô...

Bác Cút nói về cái chân. Mấy ngày nay cái chân của bác không đỡ mà còn sưng thêm lên. Tại bác không chịu xoa bóp và xức thuốc đúng phương pháp. Bác bị té cầu thang. Bác tuổi cao, đi đứng chậm chạp. Gặp hôm sóng lớn, bác bước không kịp nên bị ngã trẹo cả chân. Bác gọi về để hỏi “thầy”. Bác mê tín lắm. Đi tàu mà cũng mê tín. Thầy bà ở nhà sao biết được chuyện người đi biển. Bác ấy kể thời thanh niên bác có tin quái gì đâu. Thế mà có lần tàu đi giữa biển êm. Thình lình gặp gió lốc xoáy như sóng thần. Cột nước cao hàng chục mét. Tàu tròng trành có nguy cơ lật. Mọi người đã mặc hết áo phao vào rồi. Có người lớn tuổi nhất trong đoàn sai lấy đĩa trái cây rồi thắp nhang khấn vái. Thế mà sóng tan. Dần dần biển êm trở lại. Chẳng biết thật hư thế nào nhưng mỗi người có một lòng tin. Phải tôn trọng lòng tin của người khác. Cầu sẽ được, có kiêng có lành.

Bác Cút hỏi chuyện vợ con qua quýt rồi bảo vợ sang... xem thầy. Nửa tiếng sau sẽ gọi lại.

Gọi điện sóng radio là gọi một chiều. Chỉ có người trên tàu gọi về. Khi nói thì không nghe được. Khi nghe thì không nói được. Người nói và nghe chưa quen thì cuộc nói chuyện cứ bị ngắt quãng vì sóng dội. Phải nói một câu thật dài rồi nghỉ cho người đầu dây bên kia nói lại. Nói phải xa xa ống nói. Còn nghe trên tàu thì như nghe radio. Do vậy một người nói chuyện là nghe cả buồng lái. Thuỷ thủ thì có gì đâu mà giấu. Thư từ còn đọc chung nữa là. Gọi điện tập thể là vậy.

Trong lúc bác Cút đợi người kêu thì Hà gọi về chúc mừng sinh nhật bạn gái. Cả mấy tháng không nói chuyện với phụ nữ Hà cứ run lập cập, câu nọ xọ câu kia. Anh chàng cứ líu lưỡi. Bạn gái kêu bận lúc khác gọi lại chứ “Sóng kém em nỏ nghe mô!”. Hà giận nên không nói được câu nào. Mấy khi gọi được điện. Đến ngày sinh nhật gọi được thì bận! Làm gì mà bận? Bận sao đi chơi tít ngoài Vũng Tàu. Có tiếng sóng biển rì rào trong điện thoại cầm tay còn gì! Thôi bị cắm sừng rồi!

Mà trách sao được con gái. Chờ đợi chi người đi biển. Với con gái một ngày vắng người yêu dài đằng đẵng. Người yêu lại xa cách hàng năm trời. Không người chăm sóc, không người tâm sự. con gái mà không trút được bầu tâm sự thì chóng già lắm! Con gái lại không thích chờ đợi. Chưa phải tình yêu đích thực mới không chờ đợi được thôi.

Hôm nay gọi mệt nghỉ. Có Vệ cầm náy bộ đàm đứng canh rồi. Có động tĩnh gì thì Vệ gọi ngay lên buồng lái cho mọi người tẩu tán. Thuyền trưởng đã có người chăm sóc kỹ. Có người bật bia cho thuyền trưởng. Đã đến lon thứ 9. Có người nghe thuyền trưởng nói chuyện. Nghe chỉ việc gật đầu. Lâu lâu đế một câu cho thuyển trưởng nói suốt. Bình thường ít có người nào kiên nhẫn nghe thuyền trưởng nói. Trừ khi bị thuyền trưởng giáo huấn và dạy ngoại ngữ. Thuyền trưởng còn mở lớp dạy cả vi tính dù rằng vi tính ông chỉ biết lõm bõm. Gõ chữ như mổ cò. Trước lúc dạy, thuyền trưởng học cấp tốc của phó hai. Các thiết bị thông tin hàng hải thuyền truởng còn học của phó hai nữa là! Có tinh thần là tốt rồi. Đi tàu đầu óc ai cũng phát triển chậm. Tàu lắc lư như đưa võng, đọc vài chữ đã thấy nhức mắt. Ngủ nhiều cũng chán, rãnh thì xem phim. Xem ca nhạc. Rôồ bài bạc. Bài bạc cũng đâu đánh công khai. Trên tàu cấm đánh bạc.

Đến chú Cách gọi. Đầu dây bên kia là một đứa trẻ. Chú: “Alô, ai đấy? Bé lớn hay bé nhỏ đấy?”. Tiếng bé gái hờn dỗi:

- Bố không còn nhớ con à? Chưa đầy năm mà bố đã quên con rồi à? Con giận bố đấy! Con là con gái của bố đây. Mà bố này, bố đừng gọi con là bé. Nhà ta chẳng có ai là bé cả. Chị con là Thanh Hương. Chị Thanh Hương đã học đến lớp ba. Con là Thanh Hoa. Con sẽ không giận bố nữa nếu như bố mua thật nhiều quà cho con. Mua quà giống như bạn của con trên lớp ấy. Bố biết không, con đã đi học rồi đấy. Để con kể cho bố nghe nhé!

Lớp con có 26 bạn. Cô giáo con trẻ đẹp và hiền như cô tiên trong truyện cổ tích mà bố kể cho con nghe ấy! Cô không la mắng ai bao giờ. Cô rất thương con nữa đó. Cô khen tóc con đen và dài. Tóc con bây giờ đen dài chứ không vàng hoe như hồi bố đi đâu nhé! Bố nhớ mua cho con chiếc lược bố nhé! Con thích cây lược bằng sừng màu xanh, màu xanh nước biển bố nhé!

Thế bố có nhớ ngày sinh nhật của con không? Sinh nhật con không có bố. Bố có biết năm nay con bao nhiêu tuổi không? Bố không nhớ có đúng không? Con tròn 5 tuổi đấy bố nhé! Sao bố không gọi điện chúc mừng sinh nhật con? Nhưng không sao, bố mua quà về bù cho con là được rồi.

Bố có còn nhớ con mèo nhà ta không. Con mèo mà bố xin ở nhà cô Ba về lúc trước ấy. Con mèo bắt chuột giỏi lắm đấy. Nó sinh được ba con đấy bố nhé. Ba chú mèo con rất dễ thương. Tối tối con bế ba chú mèo lên ngủ với con. Thế cho quen để sau này con còn ngủ với chúng chứ khi bố về con không được ngủ với mẹ nữa. Ba chú mèo con lại hay đùa giỡn với con chó Vàng lắm. Con Vàng thì dạo này nó mập thù lù. Đi lại núng na núng nính. Bố có biết vì sao không? Tại dạo này nó không phải đuổi gà ấy mà. Tội nghiệp cho con gà mái nhà ta. Nó đẻ mười bốn trứng. Ấp hai mốt ngày thì nở. Gà con vừa xuống ổ được có bốn ngày thì chết hết. Không phải chết vì nước đâu bố nhé. Hôm xuống gà chị Thanh Hương có xem mặt trăng. Đầu tháng xuống gà vào buổi mai đúng không bố? Gà nhà ta chết vì cúm gia cầm đấy bố. Bố đi xa chắc bố không biết dịch cúm gia cầm đâu. Gà vịt chết hàng loạt. Không chỉ mình nhà ta đâu. Bây giờ không ai dám ăn thịt gà vịt nữa. Bố cũng đừng ăn thịt gà vịt bố nhé!

Mà bố nè, bố về nhanh lên chứ mấy con đường trước cửa nhà ta bị đào tung lên mà không được lấp lại. Có mấy đội khác nhau đào đấy bố! Chị Thanh Hương bảo đó là điện, nước và bưu điện. Bố về bảo họ láng dầu lại như trước bố nhé!

Bố về nhanh kể chuyện cho con nghe chứ chị Thanh Hương ít cho con xem tivi lắm. Chị ấy chỉ cho con xem mỗi mười lăm phút hoạt hình thôi. Chị ấy bảo xem nhiều mẹ sẽ không trả đủ tiền điện. Khi nào bố về bố kể cho con nghe thật nhiều chuyện bố nhé! Chuyện về biển bố nhé! Còn bây giờ bố có thích nghe con đọc thơ không? Con sẽ đọc thơ cho bố nghe nhé!

Đứa bé đằng hắng lấy giọng rồi đọc:

Mùa thu lá rụng

Mùa đông rét về

Mùa hè nắng cháy

Mùa xuân nở hoa

Bố ở trên biển

Có ngắm được hoa?

Hay là tám hướng

Bốn phương chân trời?

Thèm bàn tay bố

Hơi ấm mùa đông

Quạt mo ngày hạ

Mùa thu cánh diều

Mùa xuân nở hoa...

Không phải thơ con mà là thơ của chị Thanh Hương làm đấy. bố nghe con đọc tiếp nhé:

Ra đi từ lúc tháng ba

Xuân qua thu đến đã già tháng năm

Nghìn trùng sóng biển xa xăm

Không tin tức biết hỏi thăm ai giờ?

Nhớ anh em tập làm thơ

Đêm không ngủ nghĩ vẩn vơ làm gì!

Còn xuân anh mãi ra đi

Đến khi xế bóng lấy gì bù anh?

Những đêm gió mát trăng thanh

Một mình em với trời xanh thức hoài...

Đêm khuya con thức giấc nghe mẹ đọc đấy. Mẹ đọc nhiều lắm nhưng con không có nhớ hết. Bố có thích nghe con hát không? Để con hát cho bố nghe nhé!

Đứa bé hát một mạch ba, bốn bài. Nào là Ngày đầu tiên đi học, Bắc kim thang, Con cò bé bé, Em đi chơi thuyền... giọng bé lảnh lót như tiếng chim hoạ mi hót. Vừa lúc đứa bé nghỉ lấy hơi, chú Cách nói nhanh như sợ con tranh phần:

- Con hát hay lắm! Lát nữa bố sẽ nghe con hát tiếp. Con để bố nói chuyện với mẹ một chút xíu nhé!

- Bố không thích nói chuyện với con nữa à? Mẹ thường đi làm, chị Thanh Hương đi học suốt. Chỉ có con ở nhà không biết trò chuyện với ai cả. Bố lại không thích trò chuyện với con. Con giận bố đấy! Bố nhớ là chút xíu nữa bố nghe con hát đấy nhé. Chỉ còn có ba bài nữa thôi. Bố nhớ nhé! Để con gọi mẹ cho bố nhé!

Vệ vào nhà ăn uống một cốc nước, khi trở ra thì không thấy thuyền trưởng đâu. Đôi dép lê quai rộng thùng thình của thuyền trưởng vẫn còn đó. Thuyền trưởng đi nhầm đôi dép của Giao. Giao nằm lăn quay trên ghế salon ngáy phò phò như thổi lò rèn. Vệ gọi thất thanh qua bộ đàm: “Không thấy thuyền trưởng đâu cả, coi chừng lên buồng lái đó!”. Chú Cách cúp máy cái rụp. Mọi người khẽ mở hai cánh cửa gà nhẹ nhàng lảng ra ngoài. Có người mở cửa chính đi xuống cầu thang. Ánh sáng lọt vào buồng lái. Thuyền trưởng đang đứng sát vách cũng nghe chuyện qua điện thoại. Mắt thuyền trưởng ươn ướt. Hình như thuyền trưởng khóc. Thuyền trưởng thích nghe tiếng trẻ con líu lo chứ có hiểu gì tiếng Việt đâu!

Taichung-Taiwan 23-02-2005

2. Lệnh cấm

Không biết từ “cấm” có từ bao giờ mà đi đâu ta cũng bắt gặp, đôi khi không ghi bằng chữ mà chỉ vẽ kí hiệu, người nào dù cố ý hay vô tình vượt qua sẽ bị coi là vi phạm. Cấm là quy định, có khi là luật đấy!

Trên tàu cũng có bao nhiêu là lệnh cấm, nào là cấm hút thuốc lá không đúng quy định, cấm gọi điện thoại ngoài boong; cấm mang dép ra ngoài mặt boong chính và một lệnh ai nghe cũng bật cười: cấm đứng ngoài boong …tè!

Hút thuốc, gọi điện ngoài boong sẽ gây cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng, hàng hoá và con tàu; ra boong mà không mang giày và đội mũ bảo vệ sẽ dễ bị tai nạn, còn tè thì ai cũng đoán ngược đoán xuôi. Có người nói, ai lại đứng ngoài boong giữa ban ngày ban mặt thế kia mà tè xuống biển coi sao được. Còn ban đêm không người nào nhìn thấy, có cho cũng chẳng ai dám ra ngoài boong để tè, ra đó rủi gió mạnh hay trơn trượt sấy chân rơi xuống biển. Rơi xuống biển có kêu cũng chẳng ai nghe, với lại phòng nào cũng có buồng tắm và toilet riêng, chưa kể mỗi tầng có thêm một toilet công cộng nữa.

Nếu không coi là luật mà cấm coi như không tôn trọng nhau. Bây giờ chữ cấm bị lạm dụng quá. Sao không là làm ơn, vui lòng,..có dễ chịu hơn không. Mức sống càng ngày càng cao càng dân chủ, con người càng lúc càng được nhiều quyền hơn mới đúng chứ. Do vậy cấm là cấm thế chứ lâu lâu vẫn có người tè lén. Tè trên biển rộng bao la xanh ngắt, nhìn trời, nhìn biển nhìn mây trắng bay; gió thổi mát rượi thì sướng gấp trăm ngàn lần quận công. Nếu bị bắt lần đầu phạt lao động công ích, ngoài giờ làm việc phải làm thêm, nào là vệ sinh toilet công cộng, nào là lau cầu thang mỗi ngày hai lần trong suốt một tuần. Lần thứ hai phạt tăng lên thành một tháng, lần thứ ba sẽ bị đuổi khỏi tàu.

Mấy ngày mới nhận tàu, việc còn dồn đống ra đó, mà việc nào cũng phải làm ngay. Thuyền trưởng, Đại phó và Máy trưởng bảo tàu sắp chạy sang Singapore rồi, chuyến này qua là hang Shell vetting (kiểm tra toàn bộ một cách kĩ càng, từ hồ sơ đến các thiết bị để cấp giấy chứng nhận) liền, vetting không qua khỏi là không được cấp giấy chứng nhận đi chở hàng cho hãng được. Công ty cũng có gởi điện bảo thế. Mục tiêu trước mắt là giải quyết mọi tồn đọng để con tàu sạch sẽ và hoạt động tốt, đảm bảo mọi yêu cầu đăng kiểm và PSC (Chính quyền cảng). Thuyền trưởng họp tàu, lên dây cót cho toàn bộ thuyền viên như thế.

Bộ phận boong làm cả ngày chưa đủ đến tối còn phải tranh thủ làm thêm. Bosun, thuỷ thủ lái và thuỷ thủ bảo quản thay phiên nhau phết sơn đổi tên tàu trên ống khói cao ngất; đu thang dây kẻ mớn nước và mớn tải ngoài mạn chơi vơi khi tàu vẫn chạy; marking (đánh dấu bằng sơn hoặc dan decal màu có sẵn) lại các lối đi, ống cáng cọc bít; gỡ các bảng hướng dẫn bằng tiếng Nga rồi đánh máy dán bằng tiếng Anh. Các sĩ quan boong ra soát các thiết bị hang hải, tu chỉnh hải đồ và thử các thiết bị cứu sinh cứu hoả trơn tru, an toàn.

Bộ phận máy và điện cũng vất vả không kém; các thiết bị hư hỏng phải sửa chữa lại cho kịp để tàu chạy được và còn thoả mãn yêu cầu khi có vetting; nhật kí kiểm tra định kì các thiết bị được cập nhật nhanh chóng đầy đủ nhất. In làm việc độc lập, không có người trợ giúp; hệ thống tự động lại nhiều, chưa kể các phần hư hỏng của người Nga chưa sửa để lại còn chưa hết thì các Sĩ quan máy và sĩ quan boong vận hành thiết bị không đúng lại xảy ra hỏng hóc thêm. Mọi máy móc thiết bị lại liên quan đến điện mới mệt chứ. Mà đâu chỉ làm trong giờ hành chính, bất kì lúc nào có sự cố cũng gọi đến Sĩ quan điện.Hở ra là kêu. Chẳng bao giờ In ngủ được thẳng giấc. Nhiều lúc tức mình quá, In quát: “Sao chúng mày đầu đất thế không biết”. Khuya, muốn ngủ một tí In phải gác kênh máy cho chuông khỏi réo, có việc gì thật sự quan trọng thì gọi loa công cộng; đêm khuya không gọi loa công cộng phá giấc ngủ mọi người phải chờ đến sáng hôm sau.

Tàu neo ngoài phao zero. Neo xa phòng ngừa ô nhiễm, muốn vào gần bờ phải tốn tiền hoa tiêu dẫn vào và chi phí neo đậu. Trước khi được nhận, tàu đã neo lâu rồi nên nước ngọt trong két đã cạn. Mấy ngày nay thuyền trưởng Benyti ra lệnh cắt nước ngọt không cho giặt bằng máy giặt; sang sớm chỉ mở đúng một giờ để đánh răng rửa mặt, chiều tối cũng mở nước đúng một tiếng, người nào bận hay đang làm dở việc lên trễ là khỏi tắm chờ đến hôm sau. Trong phòng người nào cũng có chai nước dự trữ nước để đánh răng rửa mặt. Tiết kiệm nước một cách tối đa chứ việc làm thì phải luôn đảm bảo.

Làm nhiều lại đổ mồ hôi nhiều, làm nhiều quần áo dễ bẩn nhưng không có nước giặt thì thật là gay. Thuyền trưởng Benyti nói anh em cố gắng, tại tàu dừng đó thôi, qua cơn bĩ cực có ngày thái lai, lúc tàu hành trình máy chưng cất tha hồ dùng nước. Tiết kiệm là tiết kiệm cho công ti chúng ta! Quần áo của tôi còn dồn đống hôi rình trong phòng cũng chưa giặt nè. Nghe thế cũng mát lòng. Khó khăn là khó khăn chung. Thuyền trưởng quả là khéo ăn nói. Đúng là người lãnh đạo có khác.

Thợ máy Ia đi ca 4-8, sáng sớm ra kho máy lái lén lên boong tè. Sớm thế này mọi người còn say ngủ hết, ra boong tè cho mát lại còn tiết kiệm được nước dội cầu với lại ra boong nhìn chút đất liền cho vui con mắt. Ở dưới máy thiếu nhiều ánh sang mặt trời, lâu ngày mắt yếu rồi mờ có ngày không hay. Núi Lớn, núi Nhỏ, phố xá thế kia mà chẳng được đi bờ. Ở trên bờ những ngày này người ta mua sắm đồ Tết nhộn nhịp. Công ty muốn tàu đậu xa để khỏi tốn chi phí thuê đò cho người đi bờ. Nếu đi tự túc, từ phao số zero vào bờ giá một triệu, từ phao đến tàu mỗi hải lý là 500 ngàn nữa. Đi đò vào ra thôi cũng mất mấy tiếng rồi. Việc lại nhiều, xa quá có ai mà đi cho được.

Ia vạch quần vừa ngắm bình minh vừa huýt sáo. Đi với mấy người lớn tuổi huýt sáo sẽ bị la, huýt sáo là không may mắn, huýt sáo là gọi gió bão về. Tàu bè kị nhất là gió bão. Lần này làm chung với người Ấn, có lẽ họ không mê tín đâu. Hôm ăn cá, khi ăn hết nửa con, máy hai Koramangar thò nĩa lật con cá Bosun Ip đưa đùa ngăn lại. Chú gắp đầu xương chỗ cái mang con cá gỡ lên gọn bang, cả bộ xương dính theo không sót một chíêc. Chú còn bảo : “Đừng lật, chỉ được làm như thế này thôi”. Koramangar trố mắt nhìn.

Mặt trời đang nhú lên khỏi mặt biển đỏ hỏn. Nghìn lớp mây trùng trùng đẩy mặt trời như cái lòng đỏ quả trứng khổng lồ. Mây tan dần và chuyển thành màu hồng, bừng sáng như một đoá hoa đang nở.

Ia chợt thấy có người lúi húi chỗ lan can bên góc sau trống dây tời. Một người trong họ nhìn thấy Ia và cười cười:

- Chào bạn!

- hê hê,…

Ia cười đáp lại. Mấy người đi tàu cá sao ở trên tàu mình làm gì? Hay là bán cá, bán buôn gì mà sớm thế! Mới đánh được tối qua hả, chắc là cá còn tươi lắm. Muốn bán hay đổi nữa đây? Mà mới đổi dầu bẩn hôm qua, hôm nay đổi nữa không ăn kịp bỏ kho lạnh mất ngon đi!

Ia tính chút xíu nữa lại coi thử cá mú gì có ngon không. Mà sao lạ vậy, hình như chúng đang gìong dây thừng thả cái gì đó xuống dưới. Ia quay mặt lại nhìn kĩ hơn một chút, lẩm bẩm: Cái gì giông giống thùng sơn, không biết ai bán lén sơn hay sao?”. “Hay là trộm?”. “Trộm sao dám trộm giữa ban ngày thế này. Có chủ mà dám trộm là cướp trên biển mới đúng chứ! Cướp giữa ban ngày là cướp ngày, lại cướp trên vbiển là cướp biển. Ui da, nếu thế Việt Nam mình cũng có cướp biển! Khiếp quá!”. Nghi nghi nhưng Ia không dám kêu, chỉ có một mình, lại đang tè dở làm sao mà chạy cho được, kêu lên rủi chúng chem cho một phát đứt cổ không có chỗ ăn cơm, hoặc chúng chẳng chem mà ném xuống biển rồi dìm nước no tử cũng nguy!...

...Ia ráng rặn cho nhanh rồi ba chân bốn cẳng chạy xuống buồng máy, vừa vào trong chốt cửa lại ngay sợ chúng chạy theo. Ia bấm máy gọi điện thoại lên câu lạc bộ. Chuông reo hoài mà chẳng có ai bắt máy, giờ này chắc ai cũng đang ngủ say, làm khuya mệt nên ai cũng dậy trễ là phải. Chẳng lẽ bấm paging (số gọi chung toàn tàu, loa công cộng. Bấm số này khi gọi khẩn cấp) để gọi. Gọi thế sẽ làm mọi người giật mình, và, người Ấn biết sẽ không tốt. Ia nghĩ phải chạy lên trên thôi. Nghĩ là làm. Vừa lên tới A Deck (tầng) thì gặp ngay AB(thuỷ thủ hạng nhất, thuỷ thủ trực ca) Đa đang đi gọi ca. Giao nhận ca trong cabin thế này chết là phải.

- Trộm đang vào kho sơn kìa.

- Hả?

Đa chạy ào xuống cầu thang, vọt ra sau lái, chỗ kho sơn. Chẳng còn mống người nào trên mặt boong, Đa thấy một người đang đu cù móc tòn teng như người nhện rời tàu. Chồm người qua lan can nhìn xuống phía dưới, một chiếc ghe núp lúp lúp sát hõm đuôi tàu, sát chỗ bánh lái. Chúng nổ máy nghe phành phạch vừa chạy vừa vẫy tay thấy mà ghét. Đa định ném cái máy bộ đàm cho bõ tức nhưng kịp dằn lại, ném rồi đến cả ngàn đô là ốm!

Đa chạy lại kho sơn. Cửa mở toang hoác. Hay là chiều qua không đóng cửa kho sơn. Không thể, nhớ là kho sơn đã được khoá rồi kia mà. Đa nhìn mép cửa, cái ổ khoá bị nạy ngoẹo sang một bên, nhìn vào bên trong thấy một khoảng trống hoang, mấy bữa lấy sơn, sơn còn chất kìn chỗ kia kìa.

Đóng cửa kho lại, Đa chạy một mạch lên phòng Bosun Ip. May quá hôm nay Bosun ngủ nhà chứ không đi ngủ lang. Mọi khi Bosun Ip sang phòng khác, khi thì phòng AB khi thì phòng OS nằm ghế salon nói chuyện một hồi rồi ngủ quên đến khi giật mình mới về phòng mình ngủ tiếp, còn ở phòng một mình mà bắt đầu ngủ thì không tài nào ngủ được; ai cũng bảo chú Ip ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà. Bosun Ip mắt nhắm mắt mở dụi dụi ghèn vừa hỏi:

- Gì thế mày?

- Trộm lên lấy sơn rồi bố!

- Cái gì?

- Trộm lên tàu lấy sơn!

- Lúc nào?

- Mới tức thời!

Bosun Ip lật đật tròng cái áo xỏ giày chạy xuống kho sơn kiểm tra một cách kĩ càng. Hơn chục thùng sơn đã bị mất, toàn là sơn tốt cả!

-Mẹ chúng nó! Trộm như rươi! Mẹ chúng nó!

Bosun lầm bẩm chửi, sai Đa lại mở kho Bosun lấy chiếc khoá mới khoá lại. Cả hai chú cháu đi lên, vừa đi vừa dặn: “Đừng nói chúng biết, chúng biết là ăn cám cả!”. Đa đi theo sau dạ ài.

Mọi người thức dậy ăn sang, Ia cũng lên ăn sang, hai tay đút vô túi quần, vừa đi cừa nhún nhún như đi ruộng lầy:

- Hê hê! Lúc nãy may không là tui bị chém chết rồi. Hê hê…

- Sao lại bị chém? - Mấy người hỏi đồng thanh.

- Trộm lên mà tui không biết, tưởng là mấy thằng đổi cá hôm qua! Hê hê…

- Trộm gì?

- Hê hê.

Ia cứ cười như ăn phải nấm cười. Bosun bỏ đũa đứng dậy nói như quát:

- Trộm sơn chứ trộm gì?

Mất sơn chú nuốt chẳng trôi. Ca của ai người đó chịu trách nhiệm nhưng Bosun phụ trách về đám thuỷ thủ, lại là người lớn tuổi và có uy tín, coi đám thuỷ thủ như con cháu cả. Thuỷ thủ đi ca không thực hiện nghiêm túc, không năng đi lại canh trộm mà lơ là, với lại mấy hôm nay làm việc mệt đứ đừ rồi đi ca làm sao tốt cho được. Hầu hết thuỷ thủ còn trẻ sức đâu bền được, lại không có thời gian nghỉ ngơi hợp lí. Con trâu con bò còn có thời gian nhai lại cỏ, mình làm việc không kịp nuốt cơm. Máy móc sắt thép còn hỏng huống chi là người bằng xương bằng thịt. Trước lúc lên Bosun đã dặn tất cả mọi người trong nhà ăn:

- Đừng có nói cho chúng biết đó nhé!

Người mình nói với nhau chứ nói cho Ấn làm gì. Nói tiếng Việt làm sao chúng biết được! Nếu biết, có mà thánh!

Bosun Ip lên buống lái nhận việc của Đại phó giao trong ngày. Hôm nay làm mấy trống tời dây, sơn lỉn neo trước mũi. May quá, làm trên mũi không để ý đến chuyện mất sơn. Bosun cùng đám AB Đa, OS Din và Qua khờ hì hục làm, bỗng tiếng gọi qua loa bộ đàm oang oang:

- Bosun!

- Yes sir!

Bosun giật nảy mình. Thuyền trưởng Benty gọi.

- Ba người làm trên mũi, còn hai người về làm ở manifold (đầu ống nối, nằm ở giữa tàu bên mạn trái và mạn phải). Đến chiều nay là phải xong đấy nhé!

- Yes sir! ...

Mặc dù Đại phó Devandranya Ramar đã phân công sáng nay tất cả lên mũi làm nhưng bây giờ thuyền trưởng Benyti phân lại. Phải làm theo lệnh của người có quyền cao nhất, có gì sau đó báo cáo lại với người đã phân công trước. Mà Thuyền trưởng nói oang oang trên VHF (Very high frequency- máy bộ đàm tần số cao) thế kia chắc Đại phó cũng đã nghe rồi. Con tàu dài cả ba trăm mét thế này, mỗi người đi làm đều mang theo một VHF để tiện lien lạc. Dù Đại phó có nghe nhưng Bosun vẫn phải báo cáo lại, nếu không chút nữa Đại phó hỏi thì cứng họng.

- Chief Mate (Đại phó). Thuyền trưởng bảo cho 2 người về làm ở manifold.

- Ok! Tôi đang ở sau lái, có việc gì cứ gọi.

Bosun dẫn Qua khờ về giữa tàu, tháo nắp ống nối dung cẩu nhấc ra ngoài, hút sạch dầu rồi tra mỡ. Trời nắng chang chang, đứng giữa boong hơi nóng bốc lên ngộp thở. nắng nóng mấy cũng không ớn bẳng bây giờ Ramar đang lọ mọ ở sau lái. Đại phó có táy máy kiểm tra kho sơn không?

- Bosun!

- Yes sir!

Bosun Ip lại giật nảy mình. Cái gì nữa đây? Còn nửa tiếng nữa mới đến giờ nghỉ trưa mà! Có phải Ramar đã phát hiện ra sơn bị mất? Thuyền trưởng có Masterkey (chìa khoá chúa) còn Đại phó có chìa khoá mở được các loại kho thông thường, kho sơn là chuyện nhỏ.

- Sắp xong việc chưa?

May quá! Đại phó chỉ hỏi tiến độ công việc chứ không hỏi đến sơn! Bosun trả lời như cái máy:

- Sắp!

Bosun cùng Qua khờ bảo nhau ráng làm trưa trưa một chút xíu cho xong việc luôn chứ làm lỡ dở chiều ra lại một lần nữa mất công lắm, trời lại nắng như thiêu như đốt thế kia. Nhưng thật ra là để nghỉ trễ khỏi gặp Thuyền trưởng và Đại phó, gặp là họ hỏi, không biết sao người Ấn cứ thích nói liên tu ti như cái máy khâu thế; hỏi không khéo mình nói lập bập rồi lộ hết. Nghỉ trễ chút mà chắc!

Buổi chiều về làm phía lái, phía lái gần cái kho sơn. Bosun luôn đứng quay lưng lại cái kho sơn mà ruột nóng ran. Mong cho Thuyền trưởng và Đại phó không ra sau lái, chiều nay họ nhức đầu sổ mũi cả mà ở quách trên phòng, hoặc nếu có ra sau lái thì cũng đừng mở cửa mà dòm vào kho sơn, có chi trong đó mà dòm. Tay chân Bosun mỏi rụng rời, nặng như đá đeo. Năm tiếng đồng hồ dài lê thê. Khi dọn dẹp đồ đạc cất vào kho rồi Bosun mới thở dài đánh ì một cái, thở xong nhẹ hẳn người.

Nước vòi sen ấm làm Bosun tỉnh hẳn, từng mạch máu như chạy rần rần dưới da. Vừa kì cọ vừa nghĩ mien man. Không thể giấu kim trong bọc mãi được! Vật tư phụ tùng có trong biên bản bàn giao, nếu mai mốt chúng phát hiện bị mất thì ăn nói làm sao? Chúng sẽ quy tội cho người Việt mình thong đồng với nhau bán thì chết! Chi bằng báo thật để chúng xử lí sao cũng được. Báo cáo để thuỷ thủ đi ca còn có trách nhiệm hơn chứ mai mốt mất thứ đắt tiền hơn nữa thì sao!

Chưa ăn cơm vội Bosun Ip lên thẳng buồng lái

- Chief Mate! Đêm qua trộm đã trèo lên lấy trộm sơn…

- Hả? sao không báo sớm?

- Chiều nay tôi kiểm tra chính xác là mất bao nhiêu rồi mới báo.

- Bao nhiêu thùng?

- Hơn 5 thùng.

- Tôi sẽ kiểm tra lại.

Devandranya gọi điện ngay cho Thuyền trưởng. Nghe tiếng chân bình bịch, Thuyền trưởng Benyti lên buồng lái trong tích tắc.

- Mất trộm sơn hả?

- Yes sir! Mất trộm sơn!

- Mất bao nhiêu thùng?

- Ngoài 5 thùng!

- Không sao! Nhưng từ nay dănj thuỷ thủ đi ca đêm cẩn thận nhé!

- Yes sir!

Bosun mừng quá chào thuyền trưởng cùng Đại phó đi xuống. Lỗi cũng đâu riêng mình AB đi ca, Sĩ quan trực cũng đi ca khi tàu neo nữa kia mà! Trúng ca 4-8 của Đại phó nên Ramar cũng chịu trách nhiệm, Thuyền trưởng biết thế nên mới dễ dãi đó chứ, không thì còn lâu!

Buổi tối Thuyền trưởng ra lệnh cho Bosun, AB và OS thả hết dây tời mũi lái xuống hầm, mang tất thảy trang thiết bị cứu sinh cứu hoả, phao bè ngoài mặt boong vào cất hết trong phòng tập thể dục, thứ gì nhẹ thì xách nặng thì dung xe đẩy hoặc khiêng; đến tận khuya mới xong, ù cả tai chai cả tay. ngủ không kịp tắm, mai còn phải dậy đi làm sớm nữa chứ có đâu được nghỉ.

Sáng sớm hôm sau thợ máy Ia cũng lượn lờ ra sau kho máy lái kiểm tra. Đôi chân cứ muốn bước cầu thang lên boong. Lên boong coi trời sang chưa, rủi có trộm nữa thì sao, biết đâu chúng lên bẻ khoá vào buồng máy rinh đồ. Trộm ở đây lì lắm, hở ra là chôm liền.

Hừng đông, gió biển mát rượi, sương sớm còn là là từng vạt trên mặt biển. Mấy con sứa như những chiếc khinh khí cầu đủ màu đỏ trắng hồng bơi dập dờn trong nước như trẩy hội thật đẹp. Đàn cá con nhảy bong nước lăn tăn. Chúng bị sứa nuốt hay xông vào cắn râu sứa mà cứ vờn nhau. Đứng một lúc là Ia lại thấy mắc tè, cảnh đẹp thế này tè hết ý! Không tè thì tiếc một lần lên boong. Nhìn trước nhìn sau không thấy ai bèn lại sát lan can, vạch quần. Nước đánh cầu vồng cần câu bắn ra xa khơi xuống mặt biển lổn rổn như mưa đá.

- Ê! Oiler (thợ máyt) Ia

Ia ngẩng mặt nhìn lên phía trên tiếng kêu, Ramar có cái đầu trọc lốc đang đứng trên cánh gà buồng lái chĩa máy ảnh xuống bấm lia lịa, đèn flash loé sáng. Ơ kìa! Tàu dầu thô mà sao chụp hình đèn flash bên ngoài? Nhưng mà Ia đang bị Đại phó bắt quả tang kia mà. Ia chạy. Chạy đâu cho thoát hả con, Chief Officer Devandranya đã kêu đích danh rồi. Giờ này chỉ có thợ máy đi ca chứ ai vô nữa, làm sao mà chật cho được.

Ngay trưa hôm đó trên bảng câu lạc bộ có thông báo: Oiler Ia dọn nhà vệ sinh một tuần. Thuyền trưởng Kirana Benyti kí tên. Ai cũng cười mà chọc:

- Ia, lớn cái đầu rồi mà còn tè bậy.

- Không tè bậy là đã mất cả kho sơn rồi

Chẳng nhằm nhò gì, có một tuần, lời chán. Ia đâu tè chỉ có 1 lần.

-Hết-

Ngồi chờ

Mới chiều mọi người đã xôn xao. Hôm nay có xe xuống cảng chở lên phố chơi. Họ hẹn rồi, chập tối là đến, bảo cứ chuẩn bị trước để khỏi mất công chờ. Mấy người mặc đồ sẵn ngồi coi tivi ở câu lạc bộ, chốc chốc lại ra ngoài xem thử có xe xuống rước chưa.

Đệ đang đi ca, nhìn mọi người chuẩn bị đi cũng thấy nôn nao. Đệ cũng muốn đi phố lắm nhưng không đi được vì 20 giờ mới hết ca. Xe chỉ đón có một lần thôi. Đệ đứng ngoài lan can thấy Đại miệng ngậm tăm đi ra, chắc là vừa ăn tối xong, liền hỏi:

- Anh Đại không đi phố chơi à?

- Đi sao được mà đi, tý nữa anh mày còn phải đi ca!

- Hay là anh trực cho em một tý. Em đi phố, mai em trực lại cho anh được không?

- Ừ, mày đi đi!

Nói rồi Đại vứt cây tăm xuống biển đi thay đồ bảo hộ lao động, mang giày rồi nhận ca sớm cho Đệ. Đệ mừng quá vụt chạy lên tắm táp sơ qua. Lúc ấy xe đã đến đậu bên dưới cầu thang. Có người gọi trên loa:

- Có ai đi bờ nữa không, nhanh lên, xe đang chờ!

Trong buồng tắm Đệ ớ lên một tiếng bảo chờ chút rồi ù té chạy về phòng thay đồ. Vội quá, Đệ chỉ kịp lấy cái bóp tiền.

Xuống cầu thang tàu, tất cả leo lên xe, ai nhanh chân thì ngồi phía trước. Đệ nhỏ con nên cũng được nhường ghế ngồi phía trước, cạnh tài xế. Ai không còn chỗ phía trước thì ngồi sát hai bên để nhìn phong cảnh. Trời còn sáng nên cũng còn nhìn rõ lắm. Những bãi cỏ xanh được cắt tỉa rất cẩn thận, những cây cau vua trồng thẳng tắp.

Trẻ em đang nô đùa và trượt patin trên những sân chơi và cầu trượt bê-tông. Đất đai Úc rộng mênh mông mà dân cư lại thưa thớt. Những công viên và khu vui chơi giải trí công cộng được xây dựng khắp nơi. Những chiếc sân bóng nhỏ cỏ xanh rì mà không có đứa trẻ nào chơi bóng. Đường rộng phẳng lì và vắng ngắt, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe đi ngược chiều. Xe tiến về phố, băng qua những công viên và vườn hoa với hàng ngàn loài hoa đang nở, chim chóc kêu chí chóe. Khung cảnh thật bình yên. Chợt thấy mấy người, lớn có bé có nằm vật vờ trên vệ cỏ, Đệ hỏi:

- Tài xế ơi, sao mấy người kia không về ngủ mà nằm trên bãi cỏ vậy?

- Họ là người bản địa đấy! Họ thích ở ngoài trời chứ không thích ở trong nhà dù rằng nhà nước có xây nhà và trợ cấp. Họ bắt đền người Anh đến chiếm đất đai tổ tiên, phá hủy cuộc sống hoang dã của họ...

Tài xế huyên thuyên kể. Những chủ nhân của nước Úc lại ra nông nỗi này. Họ không quen sống trong những ngôi nhà đúc vuông vức ngột ngạt nên lang thang khắp nơi. Họ không làm gì cả. Họ không thích nghi với cuộc sống công nghiệp. Đâu phải cuộc sống hiện đại bao giờ cũng có chiều hướng tích cực. Rồi họ có bị tuyệt chủng không, một câu hỏi buồn chợt thoáng trong đầu Đệ. Nếu họ bị tuyệt chủng là do họ không biết thích nghi hay nền văn minh dồn họ vào đường cùng?

Có tiếng còi bíp bíp, một chiếc xe từ phía sau vượt lên. Trong xe người lố nhố cùng với tiếng cười nói ồn ào. Tài xế bảo đó là nhóm thủy thủ châu Phi ở cảng phía bên kia, cũng lên Seamen Clup. Khi tàu cập cảng luôn có xe của Seamen Club xuống đón, thỉnh thoảng còn có xe của tòa thánh nữa, bất kể là thủy thủ nước nào cũng được đối xử như nhau. Họ rất quan tâm đến đời sống tinh thần thủy thủ, đó cũng là một cách quảng bá về đất nước của họ. Thủy thủ lên Seamen Clup để biết được những thông tin về ngành hàng hải, để mua đồ dùng cá nhân, mua quà lưu niệm và gặp bạn bè.

Xe đỗ xịch, êm ru. Tài xế nhảy xuống mở cửa và bảo mọi người cứ vào mua sắm thả ga đi. Mua sắm chứ, cũng sắp đến Tết rồi, không biết chuyến này tàu đi đâu, đi có dài ngày không, và, trước Tết có ghé được cảng nào nữa không. Nhiều lúc ghé được cảng nhưng thời gian cập cảng ngắn cũng không mua được gì cả.

Seamen Clup có rất nhiều trò chơi: bóng bàn, bi-a, cờ tướng cờ vua. Sách báo, truyện, kinh thánh thì lấy miễn phí. Đệ lấy một lúc mấy cuốn truyện tranh và truyện cười. Vài thủy thủ bắt cặp chơi bi-a. Mấy người bạn thủy thủ nước ngoài thấy thủy thủ Việt Nam liền rủ đánh vài xê bóng bàn. Họ bảo người Tàu, người Việt đánh bóng bàn hay lắm. Thế là hết đánh đơn rồi đánh đôi, người không chơi đứng bên ngoài cổ vũ rất rôm rả. Chơi xong thì mời nhau cốc bia. Người nào cũng uống rồi hỏi nhau quê quán, tên tàu và tàu đi những tuyến nào. Thủy thủy mà, gặp nhau là bạn bè cả, mấy khi được đi lên bờ mà gặp nhau đâu...

Đang vui chơi thì tài xế gọi lên xe. Gì mà về sớm thế, sao không để chơi tý nữa? Nhưng mà họ chở mình đi không như thế cũng là quý hóa rồi. Chỉ có một chuyến, ở lại là không có xe về. Tất cả cùng lên xe rồi tài xế chở đi. Sao tài xế không quay lại đường cũ mà chạy vòng vèo trong trung tâm thành phố thế này. Hóa ra tài xế không chở về mà chở đi xem sex show.

Trước rạp có hai vệ sĩ cao lớn và mập thù lù, mặc áo cánh sát nách, cánh tay to như cái phích nước xăm rồng rắn vằn vện xanh lè lè, nhìn là phát khiếp. Thủy thủ, từng người một mua vé vào trong. Không phải mua vé bằng giấy hay thẻ gì, khi đưa tiền thì người bảo vệ dùng cái mộc đóng lên bàn tay hay cánh tay. Cái con dấu đỏ chót như chiếc vé để qua cổng. Người nào đưa tiền thì người ấy được đóng dấu, người khác đóng tiền thay cũng không được, tránh phiền phức cãi cọ lôi thôi, mệt.

Đến lượt, Đệ hí hửng móc bóp chuẩn bị nộp tiền thì vệ sĩ đưa tay ngăn lại. Cánh tay hộ pháp nắm vai Đệ như nắm con nhái:

- Không được vào!

- Sao vậy?

- Bạn là trẻ vị thành niên!

- Cái gì? Tôi là thủy thủ kia mà!

- Có giấy tờ gì không?

- Tôi bỏ quên ở tàu rồi.

- Chưa có râu. Không được vào, ra chỗ khác chơi!

Lúc nãy vội đi, Đệ không mang theo hộ chiếu. Do ở Úc không cần giấy đi bờ, chứ có giấy đi bờ Đệ đã chứng minh được mình là thủy thủ rồi. Thủy thủ tức là đủ tuổi đi lao động, là không phải trẻ vị thành niên. Mấy người đi cùng quay lại nói giúp một tiếng, rằng chúng tôi là thủy thủ cùng làm chung trên tàu. Nhưng cũng chẳng ăn thua, hai bảo vệ cứ đứng như bức tượng.

Luật là luật. Không là không. Cảnh sát bắt ai chịu! Tại trông Đệ hơi bé con, người lại ốm, cái mặt non choẹt. Đệ lại không có một cọng râu nào mới chết chứ! Sao hôm nay lại hậu đậu như thế, không mang giấy tờ gì theo! Thôi đành ngồi ngoài chờ chứ biết làm gì hơn. Đệ nhìn mấy người bạn vén tấm màn nhung đỏ vào bên trong mà lòng buồn rười rượi. Ở tàu Đệ bé con nên rất được việc, chỗ nào chật hẹp cần chui đều nhờ đến Đệ. Ở phố thế này, có chui cũng chẳng được!

Bên trong tiếng nhạc xập xình. Khán giả vào chọn ghế ngồi, ngồi ở vị trí dễ nhìn nhất. Ai đi sớm ngồi phía trên sát với sàn biểu diễn. Có người ngồi chờ trước uống đã gần chục chai bia, chắc là đi từ chiều để xí chỗ. Người nào cũng gọi bia, chẳng lẽ vô đây ngồi xem chay. Uống bia xem mới đã. Bia được phục vụ mang ra tận bàn.

Những cô gái thân hình bốc lửa. Chân dài thượt, ngực thật nở, mông mẩy uốn éo theo điệu nhạc dần dần cởi bỏ xiêm y. Các cô biểu diễn trên sàn rồi đi xuống phía khán giả. Không chỉ có thanh niên mà nhiều ông cụ râu tóc bạc phơ cũng ngồi uống bia ừng ực và nhìn không chớp mắt. Khi mấy cô gái xuống từng bàn biểu diễn, khán giả móc tiền ra nhét vào áo ngực hay chiếc quần lót bé xíu của các cô. Mệnh giá tờ tiền càng lớn thì các cô đứng biểu diễn càng lâu. Mấy cụ mắt kém có thấy gì đâu nên cứ nhìn sát rạt và nhét vào những đồng tiền lớn nhất, các cô ôm cột ngả ngớn rồi vạch ra cho xem tí.

Có cả phụ nữ vào xem biểu diễn nữa. Phụ nữ cũng đi xem phụ nữ làm gì? À, biết đâu họ thuộc giới tính thứ ba thì sao! Tiếng huýt sáo, tiếng la ó cùng với tiếng nhạc sôi động. Các cô gái biểu diễn càng bốc, họ oằn oại như những con rắn gợi tình. Có cô hét lên rồi giật phắt chiếc áo ngực ném xuống dưới, khán giả tranh nhau, mỗi người được một mảnh.

Đệ ở bên ngoài dạo lòng vòng, cũng không dám đi đâu xa, không biết mấy giờ thì mọi người ra, đi xa sợ bị bỏ lại phố thì mệt. Nghe cũng hơi lâu lâu, Đệ lật mấy cuốn sách ra xem. Trời lạnh ngắt, bèn móc thuốc lá ra hút cho ấm. Cũng may, trong túi áo có sẵn bao thuốc chứ không thì cũng chẳng mua được, người bán sẽ cho rằng Đệ là trẻ vị thành niên như hai người vệ sĩ thù lù như hai con hà mã kia. Đệ mới bập bập được mấy hơi thì có chiếc xe cảnh sát đi ngang. Đệ dụi vội vàng điếu thuốc cho tắt.

Truyện ngắn của Trương Anh Quốc

Ngồi chờ

Mới chiều mọi người đã xôn xao. Hôm nay có xe xuống cảng chở lên phố chơi. Họ hẹn rồi, chập tối là đến, bảo cứ chuẩn bị trước để khỏi mất công chờ. Mấy người mặc đồ sẵn ngồi coi tivi ở câu lạc bộ, chốc chốc lại ra ngoài xem thử có xe xuống rước chưa.

Đệ đang đi ca, nhìn mọi người chuẩn bị đi cũng thấy nôn nao. Đệ cũng muốn đi phố lắm nhưng không đi được vì 20 giờ mới hết ca. Xe chỉ đón có một lần thôi. Đệ đứng ngoài lan can thấy Đại miệng ngậm tăm đi ra, chắc là vừa ăn tối xong, liền hỏi:

- Anh Đại không đi phố chơi à?

- Đi sao được mà đi, tý nữa anh mày còn phải đi ca!

- Hay là anh trực cho em một tý. Em đi phố, mai em trực lại cho anh được không?

- Ừ, mày đi đi!

Nói rồi Đại vứt cây tăm xuống biển đi thay đồ bảo hộ lao động, mang giày rồi nhận ca sớm cho Đệ. Đệ mừng quá vụt chạy lên tắm táp sơ qua. Lúc ấy xe đã đến đậu bên dưới cầu thang. Có người gọi trên loa:

- Có ai đi bờ nữa không, nhanh lên, xe đang chờ!

Trong buồng tắm Đệ ớ lên một tiếng bảo chờ chút rồi ù té chạy về phòng thay đồ. Vội quá, Đệ chỉ kịp lấy cái bóp tiền.

Xuống cầu thang tàu, tất cả leo lên xe, ai nhanh chân thì ngồi phía trước. Đệ nhỏ con nên cũng được nhường ghế ngồi phía trước, cạnh tài xế. Ai không còn chỗ phía trước thì ngồi sát hai bên để nhìn phong cảnh. Trời còn sáng nên cũng còn nhìn rõ lắm. Những bãi cỏ xanh được cắt tỉa rất cẩn thận, những cây cau vua trồng thẳng tắp.

Trẻ em đang nô đùa và trượt patin trên những sân chơi và cầu trượt bê-tông. Đất đai Úc rộng mênh mông mà dân cư lại thưa thớt. Những công viên và khu vui chơi giải trí công cộng được xây dựng khắp nơi. Những chiếc sân bóng nhỏ cỏ xanh rì mà không có đứa trẻ nào chơi bóng. Đường rộng phẳng lì và vắng ngắt, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe đi ngược chiều. Xe tiến về phố, băng qua những công viên và vườn hoa với hàng ngàn loài hoa đang nở, chim chóc kêu chí chóe. Khung cảnh thật bình yên. Chợt thấy mấy người, lớn có bé có nằm vật vờ trên vệ cỏ, Đệ hỏi:

- Tài xế ơi, sao mấy người kia không về ngủ mà nằm trên bãi cỏ vậy?

- Họ là người bản địa đấy! Họ thích ở ngoài trời chứ không thích ở trong nhà dù rằng nhà nước có xây nhà và trợ cấp. Họ bắt đền người Anh đến chiếm đất đai tổ tiên, phá hủy cuộc sống hoang dã của họ...

Tài xế huyên thuyên kể. Những chủ nhân của nước Úc lại ra nông nỗi này. Họ không quen sống trong những ngôi nhà đúc vuông vức ngột ngạt nên lang thang khắp nơi. Họ không làm gì cả. Họ không thích nghi với cuộc sống công nghiệp. Đâu phải cuộc sống hiện đại bao giờ cũng có chiều hướng tích cực. Rồi họ có bị tuyệt chủng không, một câu hỏi buồn chợt thoáng trong đầu Đệ. Nếu họ bị tuyệt chủng là do họ không biết thích nghi hay nền văn minh dồn họ vào đường cùng?

Có tiếng còi bíp bíp, một chiếc xe từ phía sau vượt lên. Trong xe người lố nhố cùng với tiếng cười nói ồn ào. Tài xế bảo đó là nhóm thủy thủ châu Phi ở cảng phía bên kia, cũng lên Seamen Clup. Khi tàu cập cảng luôn có xe của Seamen Club xuống đón, thỉnh thoảng còn có xe của tòa thánh nữa, bất kể là thủy thủ nước nào cũng được đối xử như nhau. Họ rất quan tâm đến đời sống tinh thần thủy thủ, đó cũng là một cách quảng bá về đất nước của họ. Thủy thủ lên Seamen Clup để biết được những thông tin về ngành hàng hải, để mua đồ dùng cá nhân, mua quà lưu niệm và gặp bạn bè.

Xe đỗ xịch, êm ru. Tài xế nhảy xuống mở cửa và bảo mọi người cứ vào mua sắm thả ga đi. Mua sắm chứ, cũng sắp đến Tết rồi, không biết chuyến này tàu đi đâu, đi có dài ngày không, và, trước Tết có ghé được cảng nào nữa không. Nhiều lúc ghé được cảng nhưng thời gian cập cảng ngắn cũng không mua được gì cả.

Seamen Clup có rất nhiều trò chơi: bóng bàn, bi-a, cờ tướng cờ vua. Sách báo, truyện, kinh thánh thì lấy miễn phí. Đệ lấy một lúc mấy cuốn truyện tranh và truyện cười. Vài thủy thủ bắt cặp chơi bi-a. Mấy người bạn thủy thủ nước ngoài thấy thủy thủ Việt Nam liền rủ đánh vài xê bóng bàn. Họ bảo người Tàu, người Việt đánh bóng bàn hay lắm. Thế là hết đánh đơn rồi đánh đôi, người không chơi đứng bên ngoài cổ vũ rất rôm rả. Chơi xong thì mời nhau cốc bia. Người nào cũng uống rồi hỏi nhau quê quán, tên tàu và tàu đi những tuyến nào. Thủy thủy mà, gặp nhau là bạn bè cả, mấy khi được đi lên bờ mà gặp nhau đâu...

Đang vui chơi thì tài xế gọi lên xe. Gì mà về sớm thế, sao không để chơi tý nữa? Nhưng mà họ chở mình đi không như thế cũng là quý hóa rồi. Chỉ có một chuyến, ở lại là không có xe về. Tất cả cùng lên xe rồi tài xế chở đi. Sao tài xế không quay lại đường cũ mà chạy vòng vèo trong trung tâm thành phố thế này. Hóa ra tài xế không chở về mà chở đi xem sex show.

Trước rạp có hai vệ sĩ cao lớn và mập thù lù, mặc áo cánh sát nách, cánh tay to như cái phích nước xăm rồng rắn vằn vện xanh lè lè, nhìn là phát khiếp. Thủy thủ, từng người một mua vé vào trong. Không phải mua vé bằng giấy hay thẻ gì, khi đưa tiền thì người bảo vệ dùng cái mộc đóng lên bàn tay hay cánh tay. Cái con dấu đỏ chót như chiếc vé để qua cổng. Người nào đưa tiền thì người ấy được đóng dấu, người khác đóng tiền thay cũng không được, tránh phiền phức cãi cọ lôi thôi, mệt.

Đến lượt, Đệ hí hửng móc bóp chuẩn bị nộp tiền thì vệ sĩ đưa tay ngăn lại. Cánh tay hộ pháp nắm vai Đệ như nắm con nhái:

- Không được vào!

- Sao vậy?

- Bạn là trẻ vị thành niên!

- Cái gì? Tôi là thủy thủ kia mà!

- Có giấy tờ gì không?

- Tôi bỏ quên ở tàu rồi.

- Chưa có râu. Không được vào, ra chỗ khác chơi!

Lúc nãy vội đi, Đệ không mang theo hộ chiếu. Do ở Úc không cần giấy đi bờ, chứ có giấy đi bờ Đệ đã chứng minh được mình là thủy thủ rồi. Thủy thủ tức là đủ tuổi đi lao động, là không phải trẻ vị thành niên. Mấy người đi cùng quay lại nói giúp một tiếng, rằng chúng tôi là thủy thủ cùng làm chung trên tàu. Nhưng cũng chẳng ăn thua, hai bảo vệ cứ đứng như bức tượng.

Luật là luật. Không là không. Cảnh sát bắt ai chịu! Tại trông Đệ hơi bé con, người lại ốm, cái mặt non choẹt. Đệ lại không có một cọng râu nào mới chết chứ! Sao hôm nay lại hậu đậu như thế, không mang giấy tờ gì theo! Thôi đành ngồi ngoài chờ chứ biết làm gì hơn. Đệ nhìn mấy người bạn vén tấm màn nhung đỏ vào bên trong mà lòng buồn rười rượi. Ở tàu Đệ bé con nên rất được việc, chỗ nào chật hẹp cần chui đều nhờ đến Đệ. Ở phố thế này, có chui cũng chẳng được!

Bên trong tiếng nhạc xập xình. Khán giả vào chọn ghế ngồi, ngồi ở vị trí dễ nhìn nhất. Ai đi sớm ngồi phía trên sát với sàn biểu diễn. Có người ngồi chờ trước uống đã gần chục chai bia, chắc là đi từ chiều để xí chỗ. Người nào cũng gọi bia, chẳng lẽ vô đây ngồi xem chay. Uống bia xem mới đã. Bia được phục vụ mang ra tận bàn.

Những cô gái thân hình bốc lửa. Chân dài thượt, ngực thật nở, mông mẩy uốn éo theo điệu nhạc dần dần cởi bỏ xiêm y. Các cô biểu diễn trên sàn rồi đi xuống phía khán giả. Không chỉ có thanh niên mà nhiều ông cụ râu tóc bạc phơ cũng ngồi uống bia ừng ực và nhìn không chớp mắt. Khi mấy cô gái xuống từng bàn biểu diễn, khán giả móc tiền ra nhét vào áo ngực hay chiếc quần lót bé xíu của các cô. Mệnh giá tờ tiền càng lớn thì các cô đứng biểu diễn càng lâu. Mấy cụ mắt kém có thấy gì đâu nên cứ nhìn sát rạt và nhét vào những đồng tiền lớn nhất, các cô ôm cột ngả ngớn rồi vạch ra cho xem tí.

Có cả phụ nữ vào xem biểu diễn nữa. Phụ nữ cũng đi xem phụ nữ làm gì? À, biết đâu họ thuộc giới tính thứ ba thì sao! Tiếng huýt sáo, tiếng la ó cùng với tiếng nhạc sôi động. Các cô gái biểu diễn càng bốc, họ oằn oại như những con rắn gợi tình. Có cô hét lên rồi giật phắt chiếc áo ngực ném xuống dưới, khán giả tranh nhau, mỗi người được một mảnh.

Đệ ở bên ngoài dạo lòng vòng, cũng không dám đi đâu xa, không biết mấy giờ thì mọi người ra, đi xa sợ bị bỏ lại phố thì mệt. Nghe cũng hơi lâu lâu, Đệ lật mấy cuốn sách ra xem. Trời lạnh ngắt, bèn móc thuốc lá ra hút cho ấm. Cũng may, trong túi áo có sẵn bao thuốc chứ không thì cũng chẳng mua được, người bán sẽ cho rằng Đệ là trẻ vị thành niên như hai người vệ sĩ thù lù như hai con hà mã kia. Đệ mới bập bập được mấy hơi thì có chiếc xe cảnh sát đi ngang. Đệ dụi vội vàng điếu thuốc cho tắt.

Truyện ngắn của Trương Anh Quốc

Tàu neo trên sông

Mấy người không phải trực ca kíp gì đã đón đò đi chơi ráo trọi. Còn lại chỉ có mấy mạng trong đó có tôi. Tôi ở lại cho có mặt vậy thôi, trực ca sĩ quan khi có sự cố gì mới xử lý còn không thì ngồi trên phòng cũng được.

Tôi mở máy tính lên viết, mới được mấy dòng thì nghe tiếng gõ cửa, tiếng gõ vừa dứt thì có một cô gái đẩy cửa bước vào. Tôi tưởng là người nhà của ai trên tàu đi lộn phòng.

- Cô tìm ai?

Cô gái không trả lời mà còn hỏi lại:

- Đi đâu hết mà vắng ngắt vậy anh? Anh ở lại có một mình à?

Câu hỏi bâng quơ, cô mở cửa xách đôi guốc bỏ vào bên trong rồi đóng cửa lại giống như cô đi trốn ai đó. Lên tàu mà mang guốc cao gót cho ngã trật bánh chè hay sao?

- Thì họ đi về nhà hay đi phố chơi chứ đi đâu!

Tôi tiếp tục gõ mười ngón tay lên bàn phím. Cô bước lại đứng sau lưng tôi.

- Anh đang viết gì vậy?

- Viết thư!

- Viết thư mà viết trên máy tính, sao không viết trên giấy? Cho em xem với nghen!

Cô gái áp ngực vào sau lưng tôi mát rượi, tôi nghe người dần dần nóng ran. Hai tay cô bóp nhẹ hai bả vai rồi xoa xoa xuống vồng ngực tôi. Tôi đang ở trần vì một mình trong phòng ở trần cho mát. Tôi để im, thử cô làm gì cho biết! Cô choàng qua người rồi cắn nhẹ vành tai, thổi nhẹ vào tai tôi phù phù, nhồn nhột. Hai tay cô vuốt ve vùng bụng tôi rồi nong dần xuống dưới.

- Ủng hộ cho em tiền đò đi anh!

- Ủng hộ gì chứ?

- Thì vui vẻ đó!

Vừa nói cô chen vào phía trước, ngồi xuống đùi tôi. Eo cô thật thon nhưng mông nở, lớp vải mềm trên đùi mát rười rượi. Lớp áo mỏng tang nhìn thấu cả thịt da. Nút áo cô đã mở tự lúc nào, chiếc áo dây trắng phau cũng tuột hờ, ngực cô to, căng tròn và trắng nõn.

- Đừng em! Em qua phòng chú Mùi ấy, phòng kế bên trái phòng này, anh đang viết thư cho người yêu!

- Người yêu anh không có biết đâu mà!

Cô gái áp ngực vào ngực tôi, đổ người về phía trước. Sợ ngã, tôi cũng ôm cô. Máu trong người tôi chạy rần rần xuống dưới rồi dồn ứ một chỗ, cứng ngắt. Tôi không còn chịu được nữa liền bế xốc cô lại chiếc giường nệm, hai tay cô ôm cổ, tôi thấy cô nhẹ như bông. Cô gái như cục bột, hấp dẫn quá! Tôi sẽ ghì cô đến ngạt thở, cho cục bột này nát thành tương mới thôi! Vừa đặt cô nằm xuống thì tôi nghe bên ngoài, trước cửa phòng tôi có tiếng la lớn:

- Tao à? Mày nhìn kỹ lại mặt tao xem! Có phải tao không?

Kèm theo là tiếng khóc phụ nữ. Tôi choàng đứng dậy. Lúc nãy tôi vội quá không khóa chốt cửa, rủi ai đó mở cửa phòng nhìn vào thấy tôi thế này thì chết! Cô gái cứ ôm tôi cứng ngắt.

- Chờ anh chút xíu, anh đi khóa cửa đã!

Nghe vậy cô gái mới chịu thả tay ra. Tôi chưa đóng chốt vội mà hé cửa tò mò xem thử chuyện gì. Thấy chú Năm đang sừng cồ với một cô gái áo hoa cải. Trời nắng nóng mà nhìn màu vàng khè có khác gì bò tót thấy màu đỏ. Chú Năm có tiếng là nóng tính, cái cổ chú ngắn củn và bè bè như rắn hổ mang. Mắt chú trợn ngược. Chú sấn tới. Hoảng quá tôi lao ra can, không thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.

- Đ. mẹ! Cái con này điên!

Cô gái cứ ngồi khóc mà không nói gì. Trông cô thật tội nghiệp. Ngay lúc đó tiếng còi báo động dưới buồng máy kêu inh ỏi, chú vừa chửi thề vừa chạy vội xuống dập báo động. Chú đang đi ca kia mà, chú còn bận bộ đồ bảo hộ lấm lem dầu mỡ. Thì ra chú đang chui đường ductkeel* từ buồng máy lên tận đầu mũi tàu gần hai trăm mét để mở van bơm nước dằn tàu. Đáng lẽ mấy van này mở từ trên boong nhưng hệ thống hỏng rồi nên thợ máy trực ca phải mở mỗi lúc cần bơm. Chú vừa quay về đến gần buồng máy thì nghe tiếng chuông điện thoại reo, reo hoài. Chú khom người đi vội cho kịp, trèo lên cầu thang trong đường hầm, mồ hôi vã ra ướt đẫm. Chú nghĩ là điện thoại của sĩ quan boong gọi xuống máy báo bơm nước dằn hay kế hoạch tàu chạy để chuẩn bị máy, không ngờ khi bắt máy chú nghe giọng phụ nữ. Giọng nữ nhưng gọi đúng tên chú và cần gặp chú gấp!

Cô gái áo hoa cải khóc thút thít. Đò chờ phía dưới mà cô chưa lấy được tiền. Lúc trưa được một người “ủng hộ” nhưng cô chưa lấy được tiền, cô lại tìm chưa ra người. Cô không nhớ kỹ mặt, mà nhớ mặt khách làm gì chứ! Mấy người ngồi ở câu lạc bộ nghe cô tả là cái người râu xoàm. Tàu có mấy người râu xoàm biết ai! Anh ấy chừng U.40. Mấy người râu xoàm tàu này cỡ U.40 cả! Người nào chịu chơi mà chơi chịu thế không biết! Mà đâu còn ai râu xoàm trên tàu, à, còn có chú Năm đang đi ca dưới máy. Hay là chú Năm? Thằng Kích láu cá vỗ đùi đánh đét.

- Chú ấy đang đi ca dưới máy em tìm không ra là phải, em gọi số 21 là gặp ngay ấy mà! Điện thoại trên vách tường kìa!

Cô gái nhấc điện thoại và gọi, chú Năm chạy lên tưởng có ai quen gặp mình. Vừa lên hai cầu thang còn nghe thằng Kích nói: Chú lên trả tiền chứ có con nhỏ chờ hoài ở trước phòng chú kìa!

Đúng là phòng của chú thật. Phòng chú là phòng đôi có hai người ở, chú và thằng Sứt. Cô gái vui vẻ ở phòng này, trên giường thằng Sứt nhưng với chú Dương. Hồi trưa Chú Dương ngồi uống bia với thằng Sứt thì thấy cô gái áo hoa cải lượn qua lượn lại. Chú Dương gọi vào uống bia rồi ngã giá, cô gái đồng ý. Ngặt nỗi giờ phòng chú lại có mấy thợ sửa chữa đang nghỉ trưa nhờ, không lẽ dẫn cô gái về phòng rồi cho mấy thợ ra ngoài.

- Sứt, mầy cho tao mượn phòng tí nhé!

Thằng Sứt gật đầu, biết ý cầm lon bia đi ra ngoài. Rồi bạn gọi đi bờ chơi luôn, nó đưa chìa khóa phòng cho chú Dương cầm. Chú Dương xong việc thì có thợ sữa chữa ngoài mũi tàu gọi gấp, chú chạy ra mà chưa kịp về phòng lấy tiền trả. Chú nói cô gái chờ chú xíu. Chú Dương bận, làm xong thì đám thợ nhờ ký nghiệm thu rồi dắt nhau đi nhậu quên phéng cô gái áo hoa cải đang chờ mình. Chú định chiều quay về cũng không muộn, mấy cô gái khi tàu nằm neo thì đón đò ra ở cả mấy ngày trời kia mà.

Tàu neo trên sông mấy cô gái đi đò lên tàu cải thiện. Cải thiện đời sống cho mình và tinh thần cho thủy thủ. Thủy thủ mà, ngày tháng cứ rong ruổi trên biển đương đầu với sóng gió, đâu được gặp vợ con, rồi thấy thèm phụ nữ, nhất là thủy thủ lớn tuổi. Tàu neo là có gái lên tàu. Ngày trước nghề tàu bè rủng rỉnh và có nhiều hàng ngoại mà ở mình không có, gái lên tàu đông hơn thủy thủ còn bây giờ mấy khi phụ nữ lên tàu nên quý lắm. Tàu cập cảng thì cảng vụ cấm phụ nữ, tàu neo thì đi đò, trèo cầu thang cực khổ, chưa kể sóng gió và phải “xin phép” biên phòng, nhất là mấy tàu chạy tuyến nước ngoài thế này. Các cô đã bỏ tàu từ lâu, nhà hàng khách sạn, quán bia đầy ra đó, lên bờ dễ kiếm sống hơn. Bây giờ lên tàu chỉ có gái già, các cô còn kiêm thêm việc bán mấy thứ đồ lặt vặt hay mua van đồng, vòng bi cũ...

Cô gái áo hoa cải khóc mãi. Cô khóc to dần rồi rống lên như cha chết. Thằng Kích láu cá chạy lên thấy vậy liền rút hai tờ năm chục đưa cho cô về đò, tại nó cô mới bị mắng. Nó bảo:

- Sáng mai em ra đây, muốn tìm bao nhiêu người râu xoàm cũng có!

Cô áo hoa cải xuống đò, đu tòn ten trên chiếc thang dây. Chiếc đò nổ giòn hướng về phía bờ sông rồi khuất hẳn. Không biết mai cô có ra tìm người râu xoàm nữa hay không?

Tôi quay về phòng. Cô áo hoa cà vẫn còn nằm trên giường, cô nhìn tôi cười cười. Cô gái như cục bột lọc nhưng lần này thì tôi thấy mất hứng. Tôi ngồi vào bàn viết, viết chuyện vừa xảy ra, viết cho nhanh chứ không chút nữa sẽ quên. Tôi kéo ngăn bàn lấy bóp rút một tờ. Cô gái không chịu lấy, cô cũng không đi mà nằm ệt đó, chắc là chiếc giường nệm êm quá! Hay là buồn ngủ quá? Cũng sợ cô đi, tôi dòm chừng, chút xíu sau thấy cô ngủ mất tiêu...

ANH QUỐC

3. Tết buồn

(Biển- Trương Anh Quốc)

Chưa có năm nào Tết buồn như năm nay. Nếu biết đi cận Tết thế này thì chẳng ai thèm đi rồi. Từ đầu tháng 11 công ty đã gọi điện để chuẩn bị, danh sách đã sẵn sàng vậy mà lần lữa mãi đến mấy ngày cuối năm mới khởi hành. Chẳng người nào có hứng thú để đi hết, đi như một trách nhiệm vậy.

Mấy ngày cuối năm nhưng tàu mới nhận, việc nhiều làm cho vỡ mặt. Tàu trên đường sang Singapore, Thuyền trưởng Benyti động viên, làm cho kịp chứ không qua PSC Singapore xuống tàu kiểm tra, sau đó là vetting, nếu phạm lỗi là mệt lắm, làm xong sẽ nghỉ ngơi xả hơi và biết đâu được đón tết ở Singapore đấy!

Nghe thuyền trưởng nói được đón tết ở Singapore ai nấy sướng rơn, thôi thì làm xong cho sớm, chắc thế. Năm hết Tết đến rồi, dứt điểm trong năm để sang năm mới khỏi lo. Chỉ còn có hơn hai ngày nữa là tới Singapore chứ mấy. Ở bờ những ngày này người ta cúng tất niên chỉ nhậu nhẹt, bia uống thoải mái còn ở đây lúc đi không mua thực phẩm kịp nên cũng không có bia, thành ra trên tàu người Việt nào cũng thèm bia lắm rồi. Mấy người Ấn Độ hầu hết theo đạo Hindu lại không thích rượu bia mấy. Không biết qua Singapore có được mua bia không nữa.

Nửa buổi, thả neo xong chỉ có mình Thuyền trưởng được đi bờ. Cuối năm bên Singapore nghỉ Tết, chẳng làm việc nên không có đò đi lại. Thuyền trưởng Benyti có việc gấp nên chỉ gọi đò đại lí đi có một mình.

30 tết cứ tưởng nghỉ sớm nhưng việc nhiều phải làm đến 6 giờ tối. Bữa cơm tất niên nhưng chẳng khá hơn ngày thường tí nào, chỉ cơm canh cá bình thường. Cá kho thịt mỡ. Nếu thịt mỡ với dua hành bánh chưng là có không khí Tết, đàng này thì chỉ có mỗi thịt mỡ. Ô hay, tết nhất mà thế này à? Thuỷ thủ Đa, thợ máy Liu ăn cơm trước để đi ca, cơm mới tám rưỡi nuốt chẳng vô phải chan canh chua. Gọi là canh chua chứ chỉ có rau bắp cải luộc với mấy lát cà chua lỏng bỏng, có ít me mới gọi là canh chua. Hai đứa trề môi lắc đầu. Có tâm trạng đâu mà nuốt chứ!Giờ này trên bờ người ta ăn chơi nhảy múa và chúc tụng nhau. Còn ở trên tàu tối cuối năm không có một giọt bia. Hai thuỷ thủ vừa ăn vừa chửi:

- Ngày Tết mà ăn như con c.

- Nhà bếp như con c..

Sao lại thế này không biết ? Sao tệ thế không biết ! Nhà bếp sao không nấu món gì dễ nhìn một chút, ngon một chút. Tết mà ăn uống thế này à ? Thì ra thuyền trưởng đi vắng Bếp trưởng Hi chưa xin được nên không dám nấu món ngon. Nấu món ngon là sẽ bị hết đồ ngon. Đây là lần đầu tiên đi tàu nên Hi chưa quen, với lại anh ta thấy người nước ngoài là sợ dúm dái, tay chân run như cầy sấy và miệng thì chit biết yes sir. Bếp trưởng sợ, bếp hai Ha không hiểu sao cũng không nấu món gì cho ra hồn, anh ta đã bao nhiêu năm chinh chiến trên biển rồi kia mà. Anh ta dư biết nhưng do lười biếng nên cứ : Xì ! Bày vẽ ra làm gì nhiều, mệt !

Mới tối, đèn đóm trên Singapore sáng nhấp nhánh. Pháo hoa bắn lên từng đợt từng đợt sáng bùng. Thuyền trưởng mải vui Tết hay sao mà giờ này chưa về. Tí nữa gió lên sóng lớn sao về cho được.

In thấy Đa và Liu gắp cá kho khô buồn hiu, tức quá không muốn ăn cơm mà vội vàng đi đánh máy in chữ. Phải làm cho có không khí Tết một chút chớ ! Phải cắt chữ dán. Dán chữ gì đây ? Chúc mừng năm mới, phải chọn màu đỏ cho nó nổi ! Ừ, phải cắt thêm chữ tiếng Anh nữa chứ không người Ấn tưởng mình hô hào kích động gì cũng không được. Thêm Happy new year cũng không bao lăm chữ, cắt nhanh không ấy mà.

In chọn tìm phông chữa vừa đẹp vửa cắt cho nhanh. Tic tắc là xong. Nhưng khi in, màu đỏ bị hết mực, chỉ ra được màu vàng. Trong cái khó ló cái khôn, hay là lấy băng rôn màu đỏ của công ty treo hôm trước làm lễ nhận tàu xếp bỏ kho làm nền, dán chữ vàng trên nền đỏ. Màu của ngôi sao với màu lá cờ không nổi sao được! In quyết định chọn chữ tiếng Việt màu vàng còn chữ tiếng anh màu xanh dương.

Mấy đứa cũng xúm lại cắt dán rất nhanh. Hàng chữ CHÚC MỪNG NĂM MỚI bằng tiếng Việt màu vàng thật nổi, hang chữ màu xanh dương cũng đẹp không kém. Lôi trong kho ra đèn nháy cây thông trang trí, cắt hoa xuân mai dán lên bốn vách tường câu lạc bộ. Vàng ươm, đỏ rực trông cũng có không khí xuân lắm. Mở nhạc xuân xập xình. Bài Happy new year trong điện thoại được đem lên máy vi tính chép ra đĩa, mở đầu đĩa cho nó hát to. Trên biển, xuân không về nếu không có nhạc xuân. Tết nhất do mình đặt ra, vui hay không cũng do mình cả. Giữa biển nếu vui thì vẫn có xuân như thường.

... Mọi người ăn mặc nghiêm chỉnh tụ tập lại câu lạc bộ, giá như có bia rượu chúc nhau thì còn gì bằng! Bếp hai Ha vào kho lục đâu được hai hộp bánh mứt còn từ Tết tây bèn mang ra. Anh phục vụ Ti lấy thêm mấy quả táo, quả lê, một chén gạo, một đĩa muối nữa là thành bàn thờ tươm tất. Thôi trên tàu có chi cúng nấy, cây nhà lá vườn, ông bà cũng đừng chấp trách chi con cháu tội nghiệp.

Ngồi nghe nhạc mà nhớ về những mùa xuân trước. “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai vàng trước ngõ, mà xuân này thì con vắng nhà…”nghe ứa cả nước mắt. Khi vui đỡ nhớ nhà, buồn lại nhớ hơn. Giá như buồn có chén rượu càng đỡ, đằng này… Cách bờ không xa là mấy, đằng kia là đất nước Singapore xinh đẹp. Tàu đến vào những ngày cận Tết nên shipchandler (người cung cấp thực phẩm cho tàu) không cấp hàng hoá cho tàu. Trên bờ người ta đang tưng bừng đón Tết. Hôm qua có người Sing xuống tàu nói hôm nay có bắn pháo hoa vào lúc giao thừa. Năm này ở mình giao thừa cũng bắn pháo hoa dữ lắm. Trước ngày đi đọc báo chí thấy nói thế.

Gần nửa đêm có tiếng ca nô xình xịch cập mạn tàu. Thuyền trưởng về! Thuyền trưởng Benyti về! Mọi người reo lên. Ông ta có mua gì về ăn Tết không. Mà ông ta có biết hôm nay là Tết cổ truyền của Việt Nam không? Có mua rượu bia rồi, Thuyền trưởng cầm hai chai rượu còn AB trực ca Ya bê hai thùng bia Heineken khệ nệ đi vô.

Thuyền trưởng về thẳng phòng mình, Ya cũng bê bia lên phòng Thuyền trưởng. Cũng như không, Thuyền trưởng mua để uống riêng chứ không phải cho người Việt đón Tết đâu mà mừng. Ừ, mình phải mời người ta, mời người ta mới biết chứ.

Cử thợ cả Tha lớn tuổi nhất lên mời. Thợ cả lên gõ cửa phòng Thuyền trưởng cốc cốc:

- Mời vào!

Chú Tha đẩy cửa vào. Thuyền trưởng Benyti đang tắm, chú Tha ngồi chờ cho Thuyền trưởng tắm xong mới xoa xoa hai tay:

- Hôm nay là Tết cổ truyền của chúng tôi, đúng vào lúc 23h mời Ngài xuống câu lạc bộ chung vui cùng chúng tôi.

- Sao lại 23h?

- Lúc đó Việt Nam đúng 0 giờ đó mà!

- À, à. Cám ơn lời mời tôi sẽ xuống ngay.

Nói rồi Thuyền trưởng thông báo trên loa công cộng mời tất cả thuyền viên xuống câu lạc bộ đón Tết. Thuyền trưởng bảo cho hai người lên bê hai thùng bia xuống còn mình cầm cả hai chai rượu. Vào câu lạc bộ, thấy bàn thờ khói hương nghi ngút Thuyền trưởng dặn:

- Thắp hương nhớ canh cẩn thận đấy nhé vì tàu chúng ta là tàu dầu thô.

- Thuyền trưởng khỏi lo, chúng tôi biết mà.

Thuyền trưởng bóc thùng bia lấy một lon đặt lên bàn. Đúng 23h Thuyền trưởng khui chai rượu rót một ly dầy lẩm bẩm như đọc thần chú rồi tưới khắp phòng cúng trời đất. Hơi rượu thơm phưng phức. Rót ly thứ hai thuyền trưởng mới cụng với mọi người, vừa cụng vừa bắt tay thật chặt. Rồi tất cả đồng thanh:

-Một,hai, ba, dô…

Ơ lạ chưa kìa, Thuyền trưởng cụng biết cụng ly hô bằng tiếng Việt. Người nào cũng tròn xoe mắt. Thấy thế Thuyền trưởng nâng ly một lần nữa, lần này Thuyền trưởng nhìn hàng chữ vàng trên nền đỏ chót đọc lơ lớ:

- Chuc mưng năm mơi!

Thôi rồi, Thuyền trưởng Benyti biết tiếng Việt rồi. Máy trưởng Gupta cũng ngạc nhiên:

- Ngài cũng biết tiếng Việt hả?

- Chỉ vài câu thôi. Năm trước tôi cũng đón Tết trên biển với thuỷ thủ người Việt mà.

- Thế bày tôi với đi, cụng ly thì nói thế nào ấy nhỉ?

Không đợi cho Thuyền trưởng trả lời, mấy người Việt đã dạy cho Máy trưởng câu cửa miệng khi cụng ly. Máy trưởng khoái chí quá nâng ly tập đếm: một, hai, ba… Đại phó Máy hai cũng nâng ly cụng mạnh, chắc là hôm nay phá lệ, dễ gì có rượu uống thế này.

Thuyền trưởng sai bếp trưởng làm thêm món gì nhậu chứ sao mồi ít quá. Chỉ chờ có thế Bếp trưởng Hi mới mở kho mang lên nào là xúc xích nào là khoai tây chiên sẵn trong bịch. Hi còn bật bếp xào thịt bò bới hành tây. Chút xíu là xong. Thơm phức.

Thôi thì rượu, bia, nhạc. Thuyền trưởng Benyti tâm lý quá. Không có thuyền trưởng Benyti thì giao thừa thật ảm đạm. Rượu bia vào, nhạc xập xình Thuyền trưởng ra khiêu vũ. Máy trưởng cũng ra nhảy, rồi tất cả cùng nhảy. Ai không nhảy được thì ngồi vỗ tay, không khí thật là vui nhộn. Thả ga đi, ngày mai là mồng một rồi. Đêm nay phải thức thật khuya, mai dậy trễ. Ngày đầu năm phải ngủ thẳng cẳng đến trưa để cả năm được an nhàn sung sướng.

In về phòng. Máy trưởng Gupta trông thấy In đi ngang qua cửa, ngoắc tay. Phòng In kế phòng Máy trưởng đau còn con đường nào khác nữa, hình như ông ngồi chờ In thì phải.

….- Vào đây!

Khuya lắc rồi mà ông ta chưa ngủ. Phải rồi, ban ngày ông ngủ bụp cả mắt ban đêm sao ngủ được nữa. Vào làm gì. Lì xì năm mới hả? Mấy năm trước, máy trưởng Hàn Quốc cứ Tết đến lì xì thuyền viên lấy hên, hên cho cả hai, lì xì tiền dollar và không quên tiền Won. Nếu máy trưởng lì xì năm mới chắc là tiền Rupi. Rupi In cũng có rồi nhưng tiền lì xì bao giờ cũng quý, chúng vô giá. Mà không cần lì xì đâu, mai cho nghỉ cả ngày là tốt rồi.

- Khuya rồi sao ông chưa ngủ?

- Không thấy tôi làm việc cả đêm lẫn ngày à?

In mỉm cười, ông chỉ báo cáo giấy tờ chứ có quái gì mà làm cả đêm lẫn ngày. Ban ngày ông ngủ li bì thì có. Thôi mình về ngủ chứ nói lằng nhằng mãi vô bổ. Nhưng nếu máy trưởng không gọi vào thì thôi, đã gọi vào phải nói với ông ta một tiếng.

- Mai là ngày đầu năm mới, cho tôi nghỉ nhé!

- Không được!

- Không được nguyên ngày thì một buổi nhé!

- Cũng không được, dù chỉ một tiếng đồng hồ!

- Sao lại không được? Ông không biết đấy thôi, ngày mai là Tết cổ truyền của chúng tôi. Không chỉ một ngày mà đến 3 ngày lận. Theo tục lệ của người Việt Nam chúng tôi thì ngày đầu năm không làm gì cả, nhất là vào buổi sáng.

- Tao chẳng biết Tết nhất gì hết! Tao ghét những ngày lễ Tết!

- Chứ đất ông không có ngày Tết à?

- Không có. Ấn Độ không có ngày Tết. Đối với tao ngày nào cũng vậy thôi. Mai tao làm việc thì mày cũng làm việc. Thế thôi!

Ông này cù lần quá rồi. Cãi với cối xay cùn bực mình quá. Chẳng lẽ nào ông ta không biết Ấn Độ là đất nước có nhiều lễ hội bậc nhất thế giới: có đến 15 ngày lễ hội lớn, nhỏ thì vô số, đếm mỏi miệng. Nhưng cãi với ông ta làm sao lại, mình là người Việt ông ta là người Ấn kia mà. Chẳng lẽ mình lại tuân theo sự bắt buộc vô lí của ông ta. Chẳng lẽ tàu đang neo thế này, chẳng có sự cố gì mà sáng mùng một tết lại phải đi làm?

- Nhưng đây là tàu của Việt Nam chúng tôi!

- Tao không cần biết. Tao là máy trưởng. Thế ở dưới tàu này mày biết phải làm việc theo lệnh của ai không?

- Nhưng mai là ngày đầu năm mới, tôi nghỉ làm.

- Mai mày phải đi làm. Sao 4 th Engineer, Fitter và các Oiler cũng là người Việt Nam mà họ không nghỉ tết? Mà mày là sĩ quan chứ không phải là lính. Nếu máy là lính mày nghỉ tao không nói gì. Sĩ quan làm việc mọi lúc mọi nơi…

- Mai tao nghỉ!

- Mai mày phải đi làm!

- Không bao giờ ! Đừng có mơ !

In bỏ về đóng ầm cửa, chốt khoá trong. Trước lúc leo lên giường gác kênh điện thoại. Mai là ngày Mồng 1 tết.

Đúng 8 giờ không thấy In đi làm, máy tư La gọi điện lên phòng. Cái thằng này hay ganh tị, thấy ai nghỉ làm sớm hay đi làm trễ một chút là phân bì. Đằng này, đã đến giờ chuẩn bị máy nên hắn nhắc máy bấm số hối hả. Máy cứ tút tút, không kết nối được. Máy tư lẩm bầm : cha ấy lại gác máy rồi bèn gọi lên buồng lái. Phó ba bấm loa công cộng, giọng Vishwana vang vang :

- Sĩ quan điện ở đâu về ngay ERC (buồng điều khiển máy), tàu chuẩn bị manoeuvring (điều động) !

In bật dậy, sao lại manơ đột xuất thế ? In đánh răng mặc vội bảo hộ xuống phòng điều khiển. Mấy phút nữa tàu kéo neo.

Buổi sáng ngày đầu năm không yên ả. Thì ra đêm qua dòng chày lớn tàu bị trôi neo. Trôi neo rất dễ đứt nỉn hay xảy ra va quẹt với các tàu đang neo khác, phải tìm một vị trí neo mới. Khi manơ, In phải có mặt tại buồng điều khiển máy. Đó là điều bắt buộc theo chức trách thuyền viên.

- Hết-

Thứ Năm, 08/02/2007, 06:04 (GMT+7)

Tết giữa trùng dương

Nâng chén đầu xuân - Ảnh: T.Q.A.

TT - Tôi là một thủy thủ. Những cái tết giữa trùng dương mênh mông bao giờ cũng làm chúng tôi thèm da diết hương vị quê nhà...

Đi chợ tết ở... trời tây

... Mùa đông. Những ngày tháng này trên đất liền người ta còn co ro huống hồ giữa đại dương hun hút sóng gió. Chúng tôi thường làm việc và tập tạ mỗi ngày để có sức chống chọi với cái lạnh.

Chuyến gần tết này tàu vận tải hàng hóa Ikan Salmon của chúng tôi đến cảng ở Brazil. Bếp trưởng lên bờ đặt thực phẩm. Đây là lần nhận thực phẩm cuối cùng trong năm, vì đến độ rằm tháng giêng tàu mới cập cảng kế tiếp. Thực phẩm vùng nhiệt đới Trung Mỹ nhiều chủng loại, rất tươi ngon, nhất là rau quả, cứ xanh ngăn ngắt. Ngoài thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày còn có thực phẩm thêm cho ngày tết. Hoa quả cũng vậy. Chuẩn bị cũng nhiều vì tiêu chuẩn cho ngày tết gấp đôi ngày thường.

Gần cả tháng nữa mới đến Tết nên bếp trưởng tính toán loại thực phẩm để đến tết mà vẫn còn tươi ngon. Tất nhiên đó là ngón nghề của anh ta sau khi chúng tôi đề đạt nguyện vọng. Những món không thể quên mua được là kẹo bánh, mứt, hạt dưa, dưa hành và cả... nhang. “Tết mà không có nhang thì coi như không phải tết!”, bếp trưởng nói vậy. Ờ đúng rồi. Lúc ở nhà cũng vậy, khói nhang phảng phất cảm giác gây như ông bà về vui vầy cùng con cháu.

Đón giao thừa trên ngọn sóng

Buổi chiều ngày cuối năm, chúng tôi lập bàn thờ Tổ quốc rồi bày mâm ngũ quả ở câu lạc bộ. Chẳng biết việc lập bàn thờ Tổ quốc đặt ra từ khi nào, do ai nhưng chúng tôi đều thấy ấm lòng. Ở đây, chúng tôi có một người thân chung nhất, đó là Tổ quốc mình. Ngoài mãng cầu, đu đủ và xoài còn có mấy loại trái cây lạ hoắc của xứ châu Mỹ nữa.

Đúng 17g, thuyền viên tập trung tại câu lạc bộ để mừng tất niên. Nhạc xuân được mở lên, bập bùng trong tiếng sóng vỗ mạn tàu. Không khí tết bỗng chốc tràn ngập. Thuyền trưởng thắp nhang lên bàn thờ trước tiên, sau đó thứ tự đến các thuyền viên theo cấp bậc từ cao đến thấp. Giờ khắc này cực kỳ thiêng liêng. Ai cũng lâm râm cầu nguyện cho con tàu, đất nước, gia đình và bản thân mình một năm mới gặp nhiều may mắn. Rồi tất cả chụp hình kỷ niệm chung với nhau.

Hết phần thủ tục trang nghiêm, anh em thủy thủ sóng gió chúng tôi vui như trẻ nhỏ khi thuyền trưởng lì xì năm mới cho toàn bộ thuyền viên. Vui mà muốn trào nước mắt vì nhớ không khí tết ở đất liền. Giờ này có những đứa nhỏ ngóng chờ cha về lì xì đây... Thuyền trưởng xong thì tới các thuyền viên lì xì cho nhau. Thuyền viên lớn tuổi lì xì cho thuyền viên nhỏ tuổi, thuyền viên cấp bậc lớn lì xì cho cấp bậc nhỏ hơn. Có nhiều người nhỏ tuổi nhưng cấp bậc lớn và ngược lại. Do vậy thuyền viên nào cũng được lì xì.

Cả tàu được chơi bài vui xuân (ngày thường trên tàu cấm). Người nào không chơi bài thì đánh cờ tướng hay ngồi uống bia, hát karaoke chờ đón giao thừa.

Giữa đại dương mênh mông đen kịt, thủy thủ chúng tôi cũng đón giao thừa trên lênh đênh ngọn sóng. Ai cũng liếc đồng hồ... Thèm một giọng nói Việt trên sóng radio nhưng làm sao mà có! Phó ba (thuyền phó cấp thứ ba) đi vừa hết ca đêm (24 giờ) thì ấn mấy hồi còi dài báo hiệu đã sang năm mới. Còi mũi, còi lái hụ vang, thủy thủ nào còn ngủ quên cũng phải giật mình. Thuyền trưởng lên buồng lái thắp nhang. Đại phó (một cấp quản lý) cầm đèn pin mang bánh trái ra mũi tàu, phó hai ra phía lái tàu thắp nhang cầu cho cả năm thuận buồm xuôi gió, công việc suôn sẻ an toàn. Máy trưởng lấy gạo xuống vãi khắp buồng máy, đem bia rót vào đầu máy chính, máy phát và các máy phụ khác cầu cho chúng làm việc không bị hỏng hóc hay sự cố bất ngờ.

Xong việc, tất cả thuyền viên tập trung tại câu lạc bộ vui chơi. Tắt hết đèn, chỉ bật đèn trang trí cho mờ mờ như trong quán bar, mở nhạc nhảy thật to rồi khiêu vũ. Nhảy mệt rồi ngồi lại kể chuyện tiếu lâm, chuyện vui từ những chuyến đi tàu trước. Kể chuyện cho quên đi nỗi buồn vì tết nhất mà phải xa gia đình, lênh đênh giữa trùng dương. Nhiều người mắt cứ đỏ hoe.

Quay heo cúng tết - Ảnh: T.Q.A.

Ngày đầu năm của chúng tôi

Sáng mồng một chẳng ai dậy sớm, một phần là đêm đã thức khuya đón giao thừa, phần vì ngày đầu năm không vội vàng chi để cả năm... vất vả. Ai cũng ngủ đến chín, mười giờ mới dậy. Dậy rồi xuống nhà ăn để ăn sáng. Sáng mồng một bếp trưởng chỉ dậy bật bếp điện nấu nước sôi pha trà chứ không nấu thức ăn, thủy thủ chỉ ăn bánh trái cho khỏe. Ăn sáng xong thủy thủ cùng nhau đến phòng từng người chúc mừng năm mới. Chủ phòng cảm ơn rồi mời nước trà như ở nhà vậy.

Chúc tết tất cả các phòng xong thì thủy thủ xuống lại câu lạc bộ tổ chức thi đấu bóng bàn và đấu cờ tướng. Trích tiền quĩ tàu treo giải thưởng. Ai cũng tham gia, dở hay gì cũng thi đấu hết. Lúc chơi thì chơi hết mình không phân biệt cấp bậc, tuổi tác, vui lắm. Làm thăm bốc đấu loại trực tiếp từ vòng đầu đến vòng chung kết, không chỉ đánh hay mà thủy thủ còn phải may mắn nữa, bốc thăm cố tránh được đối thủ mạnh để được... đánh tiếp.

Tết trên đại dương của chúng tôi ngắn hơn ngày thường, chỉ có ngày mồng một. Nhưng chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ. Giữa trùng khơi mênh mông với sóng gió và bão tố bất ngờ, chỉ cần một thời khắc ấm lòng như vậy nhưng người thủy thủ ăn sóng nói gió chúng tôi cũng đủ chia sẻ với nhau những điều sâu thẳm nhất của lòng mình. Tổ quốc và gia đình rất xa, nhưng nhiều lúc cứ cảm giác con sóng vỗ bên thân tàu là con sóng của đất nước mình.

Và dù là tết, chúng tôi vẫn tiếp tục hải trình tới những bến bờ mới.

Về bờ

Truyện ngắn của Trương Anh Quốc

 Giáp giữ kỹ tờ báo viết về một vụ chìm tàu. Khủng khiếp quá! Gần chục người chết, cũng chừng ấy người mất tích, trong đó có người quen từng đi tàu chung với Giáp. Chú Dung hiền lành và tốt bụng, người nào cũng quý mến, kính trọng chú. Tuy chức danh cao nhưng chú chưa bao giờ quát tháo hay rầy la cấp dưới, chú lại tận tình chỉ bảo từng li từng tí cho người nào chưa biết. Ở hiền sao chú ấy chẳng gặp được điều lành?

Vừa về nghỉ được một ngày, hôm sau Giáp mua nhang cùng hoa quả đến thắp nhang cho chú. Giáp tìm gần cả buổi sáng mới ra con hẻm vào nhà chú. Đường sá đào bới tùm lum, biển báo, biển cấm, lô cốt ngang dọc bít cả lối đi. Ngày trước gần con hẻm có tiệm bán tạp hóa, bây giờ đường đang làm bụi bặm nhà nào cũng đóng cửa tránh bụi chẳng biết đường nào mà lần. Mà con đường làm lại được đổ nền lên thật cao trông lạ hoắc, chắc là để chống ngập và triều cường khi mùa mưa sắp đến. Thành ra hai dãy nhà hai bên phải bắc cầu thang trèo lên đường trông như những căn hầm bí mật. Lỗi đâu phải do làm đường, mà ai biểu làm nhà trước khi làm đường!

Chưa hết mừng khi đi trúng con hẻm thì Giáp lại lo. Số nhà đã bị đổi khác xưa, Giáp lại làm mất số điện thoại của chú rồi. Nó rảo qua rảo lại mấy vòng rồi hỏi dò, chẳng ai biết chú hết. Hay là chú đã chuyển nhà đi nơi khác? Làm sao đây, chẳng lẽ mang đồ cúng về nhà? Giáp ghé quán cóc uống nước cho đỡ khát. Thật may, người bán quán biết và chỉ chú Dung vừa chuyển nhà cách đó chừng mấy con hẻm, nhà ở gần ngã ba đường có cánh cổng màu xanh nước biển.

Cánh cổng màu xanh nước biển! Nó mừng quá reo lên. Trời ơi, may quá! Nó kịp lấy tay che miệng lại. Sao đi viếng mà lại mừng thế này! Nó nhìn quanh, cũng may không có ai nhìn thấy. Chú vẫn thích màu xanh nước biển này mà. Ừ quên, chú mất rồi đâu có sơn được, chắc là người nhà cho sơn lại màu sơn chú thích mới thế này.

Đứng trước cổng hồi lâu cho định thần Giáp mới nhón chân lấy ngón trỏ bấm khẽ nút chuông. Không biết có người ở nhà không nữa. Tấm cửa kín quá. Nó đứng gần như áp tai vào cửa nghe ngóng. Có tiếng chân đi ra to dần to dần rồi tiếng mở căng cắc. Nó trố mắt nhìn để rơi cả bó nhang.

Ma! Không! Chân chú Dung mang dép nhựa tổ ong, loại dép mang không bao giờ bị trượt chân. Chẳng lẽ mình nhầm? Chẳng lẽ báo chí viết sai, truyền hình đưa tin không đúng? Mà đâu chỉ một tờ báo, một vài đài, sao lại nhầm lẫn được. Có khi nào là bóng ma của chú?

- Chào... chú!

Giáp vừa chào vừa cúi xuống lượm bó nhang đút vội vô bịch ni lông. Chú Dung trông thấy cười khà khà:

- Giấu gì thế cháu? Lâu ngày quá, sao cháu tìm được chỗ này? Dắt xe vào trong đi!

- Sao cháu đọc báo thấy…

- Khà khà. Nhiều người nhầm lắm rồi chứ có phải mình cháu đâu!

Chú pha trà Bắc thơm phức. Vừa uống trà chú Dung vừa hỏi chuyện sức khỏe, gia đình, lâu nay Giáp đi những đâu, có gặp bạn bè cùng đi lúc trước không?

- Chú có còn nhớ anh Đưng không?

- Khà khà. Thằng Út chứ gì?

- Dạ. Ảnh đi lại mấy tháng thì vợ ảnh bỏ nhà theo người khác, ảnh về lâu rồi mà cháu cũng chưa liên lạc được. Chú có biết nhà ảnh đâu không?

- Không biết nó còn ở chỗ cũ hay đã chuyển nhà mà có lần tới thấy đóng cửa! Tội nghiệp quá ha, khi nào có tin gì nhớ nhắn chú đến an ủi nó một tiếng. Khổ cho nó và thủy thủ tụi mình quá. Mà cũng thật bất hạnh cho vợ của họ, vò võ một mình ai mà chịu thấu.

- Chú nói thế làm cháu không dám lấy vợ quá.

- Số trời cả mà, chẳng thể nào lựa chọn được đâu cháu.

- Cháu cũng hy vọng thế, người tốt bao giờ cũng nhiều hơn…

Chú vào trong thay đồ. Hôm nay cô nhà về quê, mình chú ở nhà chưa nấu nướng gì, thôi thì chú cháu ra quán bờ sông ngồi cho mát. Cũng lâu rồi không được ngồi cụng ly với chú. Nay đi viếng chú mà lại được gặp chú thế này thì còn chi bằng.

Giáp đề máy, chú ngồi lên xe, chú chỉ ra đường lớn dông tuốt xuống gần cầu rẽ phải. Đâu phải cuối tuần mà quán đông và ồn ào dữ. Không còn chỗ tốt chú cháu đành ngồi gần lối đi. Gần lối đi vé số dạo cứ qua lại nằn nì. Gần lối đi chốc nữa đi toa lét cũng tiện chứ hề gì! Bây giờ thức ăn thừa mứa ăn uống lại khó khăn, ra bờ sông kiếm đĩa bông thiên lý, bầu bí hay tép, cá lia thia uống bia cho dễ trôi. Thời buổi ăn uống gì cũng sợ ngộ độc sợ ung thư, người ta ngại ăn thịt cá cao mỹ mà tìm về những thứ hoang dã tự nhiên, thức ăn cho gia súc gia cầm xưa kia nay bỗng trở thành đặc sản. Mà dàn tiếp viên trẻ đẹp hở rốn hở ngực mông mẩy thế kia thì không chỉ bờ sông mà bờ mương bờ ruộng cũng thích. Khi tiếp viên rót bia vào ly, bọt sủi lên rạo rạo như đàn ong ruồi bay qua, nhìn là muốn uống rồi.

- Cụng ly cái đi!

- Trăm phần trăm! Một hai ba…

Trong khi chờ món, nhai tạm đậu phộng còn nóng hổi. Không biết bổ ngang bổ dọc thế nào mà món khai vị của dân nhậu luôn là đậu phụng rang.

Chú vốn ít nói, có rượu bia vô chú trở nên hoạt bát hẳn. Nhất định hôm nay Giáp sẽ được nghe một câu chuyện thật li kỳ. Chuyện tàu chìm, chuyện tai nạn trên biển mà chú đánh vật với sóng gió của biển cả thế nào.

- ?- Chú nghỉ đã hơn năm nay rồi có đi nữa đâu!

- ?- Chứ sao lại không thật!

- ?Chú nhìn ra phía sông xa mặt buồn hiu hiu. Gió sông thổi vào mát rượi. Phía ngoài cửa sông tàu ghe đi lại tấp nập, tiếng còi hụ vang dài cả một khúc sông. Chú thở dài:

- Chú có lỗi. Tại chú, bác ấy mới bỏ lại mẹ già con thơ!

- Sao lại thế hở chú?

- Ban đầu chú không cho nhưng bác ấy cứ theo nài nỉ mãi. Chú nghĩ ai lại đem cần câu cơm cho mượn, không may bị mất thì làm sao. Bác ấy bảo mỗi tháng trả cho một vài “lít”, nếu không cần bác ấy mượn làm gì! Thôi thì bác ấy cần, mình ở nhà lại có chút ít để tiêu vặt, tiện cả đôi đường. Nghĩ cũng tội, tay nghề, kinh nghiệm bác ấy đâu thua kém ai, bác ấy đã quá tuổi thi cử, bây giờ muốn làm nhỏ tuổi phải về quê.

 - Khai nhỏ tuổi phải không, mà có khó không chú?

 - Cũng dễ. Phải làm đơn cớ mất. Nghĩ cũng kỳ cục, đã mất rồi còn phải làm đơn là mất ở đâu, lúc nào… Mà cũng chỉ khai sụt vài ba năm chứ đâu được nhiều. Mỗi lần làm là mỗi lần tốn kém. Rõ khổ! Nhiều người muốn về hưu non không được, lại không ít người đã quá tuổi nhưng còn khỏe muốn đi làm thêm dăm năm cũng chẳng xong. Lao động mà tính theo tuổi làm quái gì không biết, sao không dựa theo sức khỏe có hay hơn không. Bởi thế không ít người đi làm sử dụng bằng mua, mà chuyện mua bằng đâu phải là khó, chỉ tội bác ấy không quen biết. Nhiều đứa có dây nhợ, vừa ra trường, chưa đi làm ngày nào đã có bằng sĩ quan hẳn hoi. Tiến sĩ còn mua bằng huống chi là lao động phổ thông. Có tiền chúng mua bằng mặc kệ, ghét nỗi kiến thức rỗng nhưng chúng coi trời bằng vung, vạ lây cho những người đi chung. Đi chung với chúng có ngày chết chùm. Thế mà chết chùm thật!

Chú nâng cốc hớp một ngụm, quẹt bọt trắng dính bên mép.

- Bác ấy cũng vì miếng cơm manh áo mà phải bỏ mạng. Bác ấy chỉ đi cận hải chứ có đi xa xôi gì đâu. Vô phúc, tàu gặp tai nạn chỉ cách bờ có mấy hải lý…

- Sao gần thế mà không có tàu ghe nào ứng cứu hở chú?

- Có tàu của cảnh sát biển vừa mua về còn mới tinh nhưng không cứu được…

- Sao lạ vậy?

- Tại nó đang kéo… đuôi một tàu dầu đang làm hàng. Làm sao mà bỏ dở để đi cứu người cho được!

- Tàu dịch vụ dầu khí đâu cả rồi? Sao lại làm tréo cẳng ngỗng thế hở chú?

- Thế mới chết người chứ!

Sẵn lúc tiếp viên ngoe ngoẩy cái mông mẩy đi ngang rót vào hai ly đầy mắp. Chú lại giục:

- Chú cháu ta nâng cốc nào!

- Dôôô!

Chú dốc ngược chiếc cốc rồi đặt xuống bàn cái cộp. Có vẻ chú đã gật gà gật gù:

- Mà cũng lạ, nghe nói chuyến đó có một người lên bờ nhậu xỉn quá, tàu chạy rồi không ra kịp. Đúng là số đỏ như là được sinh lại lần thứ hai. Nhậu đôi khi cũng có lợi, có thể cứu được mạng sống của mình. Thoát chết, người ấy làm tiệc lớn ăn mừng ở nhà hàng mấy sao, ai ngờ tan tiệc về lại bị xe cán chết tươi. Lưới trời rộng quá…

Thấy chú cứ nói chuyện sa đà, Giáp giục:

- Thôi chú cháu mình về, bữa khác gặp tiếp được không chú?

- Cái thằng này, mày nói chú xỉn rồi hay sao? Về là về thế nào?

Chú lắc lư và mắt lòe nhòe. Có dấu hiệu chú đã nói lắp nhưng vẫn giục Giáp nâng cốc. Một tay chú cầm cốc, tay kia vịn vào mặt bàn rung rung.

- Hôm nay không say không về, không say là không về…

Chợt có người đàn ông to béo tóc xoăn liêu xiêu đi ngang qua bàn. Một mắt chú Dung nheo nheo một mắt tròn xoe. Mặt chú tái xanh, trán lấm tấm mồ hôi hột như đối mặt với một bóng ma. Chú dụi dụi mắt nhìn cho rõ. Người đàn ông to béo dừng lại nghiêng nghiêng nheo mắt dòm chú rồi đưa tay ra bắt. Chú rụt tay lại như vẫn còn sợ.

- Bác khỏe chứ? Người đàn ông hỏi.

- Trời đất! Thế này là thế nào? Chứ không phải bác Tư đã...

- Đi là đi thế nào được! Người ta nhầm cũng như với bác thôi. Hổm rày bận bịu quá em chưa đến gặp bác được, bác thông cảm cho. Gặp bác ở đây còn gì tốt bằng, cho em gởi nốt mấy tháng còn lại và xin đền bù thêm cho bác một ít…

- Cái gì? Bác đem bằng của tôi cho người khác mượn à?

- Em xin lỗi! Cái thằng kia cần gấp quá em không kịp đến xin ý kiến bác. Nếu chờ thì thằng ấy lấy bằng của người khác mất nên em liều sẽ nói lại với bác sau. Dễ gì có dịp tốt như thế! Nào ngờ…

- Ngộ nhỡ bị phát hiện thì sao?

- Phát hiện thế nào được! Người ta kiểm tra làm quái gì, cái nghề phá sơn lâm đâm hà bá này ai nghĩ là không có nổi cái bằng và dăm chứng chỉ để đi làm chứ! Bằng cấp bây giờ mua dễ ợt! Mà nếu có phát hiện cũng chả sao, bán thuốc Tây mở phòng mạch trực tiếp ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng bệnh nhân mà người ta mướn bằng làm hà rầm kia kìa, có sao đâu...

Giáp gãi gãi đầu. Thật thế kia à? Đúng là mình đi xa lâu ngày đâm lạc hậu. Ngồi trước hai người chết hụt, Giáp chợt nghĩ đến những chuyến đi sắp tới của mình. Mình đâu chọn được người đi cùng. Những người liên quan đến tính mạng của mình, biết người nào dùng bằng thật hay giả hả trời?

Chợt có tiếng kêu thất thanh:

- Cướp! Cướp!

Thấy một thanh niên chạy ngang, Giáp thò nhanh chân ra ngáng. Tên thanh niên ốm nhách ngã sóng soài trên sàn. Vài người trong quán xô lại đè chân kẹp cổ. Cô bán bánh tráng dạo chỉ vào mặt cái thằng ốm nhách:

- Cướp vé số của trẻ em hả mậy? Mẹ nó có chồng khác, cha nó bị chìm tàu chết, nó bỏ học đi bán vé số sống qua ngày mà mày cướp của nó hả mậy?

Chú Dung tiến lại gần cô bán bánh tráng hỏi nhỏ:

- Có phải cha đứa bé bị chìm tàu chết không chị?

- Ai nói láo làm chi!

- Có phải không bác Tư?

Bác Tư gật gật đầu không dám nhìn thẳng vào chú rồi cầm cọc vé số rút mấy tờ. Mọi người xúm lại, cọc vé số đứa bé sạch trơn trong chốc lát.

Đứa bé lủi thủi rời quán.

Chú Dung nheo nheo mắt, đứa bé có vẻ quen quen như là gặp đâu đó rồi thì phải.

Chú gọi tính tiền rồi hối Giáp chở mình chạy theo đằng sau… Sao mấy hẻm ngóc ngách này chú Dung thấy quen lắm! Giáp rà rà xe mãi cho đến lúc đứa bé nhảy chân sáo lên thềm móc chìa khóa mở cửa. Chú Dung tròn xoe mắt: là nhà thằng Út!

Bài bút ký đầy nước mắt (Trang Hạ dịch)

Những hiểu lầm vô tình nối tiếp, đã làm vấp những bước chân của hạnh phúc. Khi cái thòng lọng của số mệnh bắt ta trả giá, tất cả đã trở nên muộn màng.

1. Khi đưa mẹ chồng về đây an hưởng tuổi già, ai ngờ đó là gốc rễ sự chia ly của chúng tôi.

Sau khi kết hôn hai năm, chồng tôi bàn với tôi đón mẹ lên ở chung để chăm sóc bà những năm tuổi già. Chồng tôi mất cha từ ngày anh còn nhỏ, mẹ chồng tôi là chỗ dựa duy nhất, mẹ nuôi anh khôn lớn, cho anh học hết đại học.

"Khổ đau cay đắng" bốn chữ ấy vận đúng vào số phận mẹ chồng tôi! Tôi nhanh chóng gật đầu, liền đi thu dọn căn phòng có ban công hướng Nam, phòng có thể đón nắng, trồng chút hoa cỏ gì đó.

Chồng tôi đứng giữa căn phòng ngập tràn nắng, không nói câu nào, chỉ đột ngột bế bổng tôi lên quay khắp phòng, khi tôi giãy giụa cào cấu đòi xuống, anh nói: "Đi đón mẹ chúng ta thôi!".

Chồng tôi vóc dáng cao lớn, tôi thích nép đầu vào ngực anh, cảm giác anh có thể tóm lấy cả thânh hình mảnh mai bé nhỏ của tôi, nhét vào trong túi áo.

Mỗi khi chúng tôi cãi cọ và không chịu làm lành, anh thường nhấc bổng tôi lên đầu quay tròn, cho đến lúc tôi sợ hãi van xin anh thả xuống. Nỗi sợ hãi hạnh phúc ấy làm tôi mê mẩn.

Những thói quen ở nhà quê của mẹ chồng tôi mãi không thể thay đổi.

Tôi thích mua hoa tươi bày trong phòng khách, mẹ chồng tôi sau này không nhịn được bảo: "Bọn trẻ các con lãng phí quá, mua hoa làm chi? Nào có thể ăn được như cơm!"

Tôi cười: "Mẹ, trong nhà có hoa nở rộ, tâm trạng mọi người cũng vui vẻ".

Mẹ chồng tôi cúi đầu cằn nhằn, chồng tôi vội cười: "Mẹ, người thành phố quen thế rồi, dần dần mẹ sẽ quen thôi!"

Mẹ chồng tôi không nói gì nữa, nhưng mỗi lần thấy tôi mang hoa về, bà vẫn không nhịn được hỏi mua hoa mất bao nhiêu tiền, tôi nói, thì bà chép miệng. Có lần thấy tôi xách túi lớn túi nhỏ đi mua sắm về, bà hỏi cái này bao nhiêu tiền cái kia giá bao nhiêu, tôi cứ kể thật, thì bà chép miệng càng to hơn. Chồng tôi véo mũi tôi nói: "Đồ ngốc, em đừng nói cho mẹ biết giá thật có phải đỡ hơn không?"

Cuộc sống hạnh phúc đã lẳng lặng trỗi những âm điệu không êm đềm.

Mẹ chồng tôi ghét nhất là thấy chồng tôi dậy nấu bữa sáng, với bà, làm đàn ông mà phải vào bếp nấu nướng cho vợ, làm gì có chuyện ngược đời đó?

Trên bàn ăn sáng, mặt mẹ chồng tôi thường u ám, tôi giả vờ không nhận thấy. Mẹ chồng tôi bèn khua bát đũa canh cách, đấy là cách phản đối không lời của bà. Tôi là giáo viên dạy múa ở Cung thiếu niên, nhảy múa đã đủ mệt rồi, mỗi sáng ủ mình trong ổ chăn ấm áp, tôi không muốn phải hy sinh nốt sự hưởng thụ duy nhất đấy, vì thế tôi vờ câm điếc trước sự phản ứng của mẹ chồng. Còn mẹ chồng tôi thỉnh thoảng có giúp tôi làm việc nhà, thì chỉ làm tôi càng bận rộn thêm.

Ví như, bà gom tất thảy mọi túi nilông đựng đồ và đựng rác trong nhà lại, bảo chờ gom đủ rồi bán đồng nát một thể, vì thế trong nhà chỗ nào cũng toàn túi nilông dùng rồi; Bà tiếc rẻ không dùng nước rửa bát, để khỏi làm bà mất mặt, tôi đành phải lén lút rửa lại lần nữa. Có một buổi tối, mẹ chồng tôi bắt gặp tôi đang lén rửa lại bát, bà đập cửa phòng đánh "sầm" một cái, nằm trong phòng khóc ầm ĩ.

Chồng tôi khó xử, sau việc này, suốt đêm anh không nói với tôi câu nào, tôi nũng nịu, làm lành, anh cũng mặc kệ. Tôi giận dữ, hỏi anh: "Thế em rốt cục đã làm sai cái gì nào?"

Anh trừng mắt nhìn tôi nói: "Em không chịu nhường mẹ đi một chút, ăn bát chưa sạch thì cũng có chết đâu?"

Sau đó, cả một thời gian dài, mẹ chồng tôi không nói chuyện với tôi, không khí trong gia đình gượng gạo dần. Thời gian đó, chồng tôi cũng sống rất mệt mỏi, anh không biết nên làm vui lòng ai trước.

Mẹ chồng tôi không cho con trai nấu bữa sáng nữa, xung phong đảm nhận "trọng trách" nấu bữa sáng. Mẹ chồng tôi ngắm con trai ăn sáng vui vẻ, lại nhìn sang tôi, ánh mắt bà trách móc tôi làm không trọn trách nhiệm của người vợ. Để tránh bị khó xử, tôi đành ăn tạm gói sữa trên đường đi làm.

Lúc đi ngủ, chồng tôi hơi buồn trách, hỏi tôi: "Rodi, có phải em chê mẹ anh nấu cơm không sạch nên em không ăn ở nhà?". Lật mình, anh quay lưng về phía tôi lạnh lùng, mặc kệ tôi nước mắt tủi thân lăn tràn trề.

Cuối cùng, chồng tôi thở dài: "Rodi, thôi em cứ coi như là vì anh, em ở nhà ăn sáng được không?". Thế là tôi đành quay về ngồi ở bàn ăn ngần ngại mỗi sáng.

Sáng đó, tôi húp bát cháo do mẹ chồng nấu, đột nhiên lợm giọng, mọi thứ trong dạ dầy tống tháo hết ra ngoài, tôi cuống cuồng bịt chặt miệng không cho nó trào ra, nhưng không được, tôi vứt bát đũa (chú thích: người Trung Quốc ăn cháo bằng đũa, không dùng thìa như ở Việt Nam) nhảy bổ vào toa-lét, nôn oẹ hết.

Khi tôi hổn hển thở được, bình tâm lại, thấy mẹ chồng tôi đang khóc lóc than thân trách phận bằng tiếng pha rặt giọng nhà quê, chồng tôi đứng ở cửa toa-lét giận dữ nhìn tôi, tôi há miệng không nói được nên lời, tôi đâu có cố ý. Lần đầu tiên tôi và chồng tôi bắt đầu cãi nhau kịch liệt, ban đầu mẹ chồng tôi ngồi nhìn chúng tôi, rồi bà đứng dậy, thất thểu đi ra khỏi cửa. Chồng tôi hằn học nhìn tôi một cái rồi xuống nhà đuổi theo mẹ.

2. Đón chào sinh mệnh mới, nhưng mất đi tính mệnh bà!

Suốt ba ngày, chồng tôi không về nhà, cũng không gọi điện. Tôi đang giận, tôi nghĩ từ ngày mẹ chồng tôi lên đây, tôi đã cực nhục đủ rồi, còn muốn gì tôi nữa? Nhưng kỳ lạ làm sao, tôi vẫn cứ buồn nôn, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, thêm vào đó việc nhà rối ren, tâm trạng tôi cực kỳ tồi tệ. Sau đó, một đồng nghiệp bảo tôi: "Rodi, trông sắc mặt cậu xấu lắm, đi khám bác sĩ xem nào".

Kết quả khám của bác sĩ là tôi đã có thai. Tôi hiểu ra sáng hôm đó vì sao tôi nôn oẹ, trong cảm giác hạnh phúc có xen lẫn chút oán trách, chồng tôi và cả cả bà mẹ chồng đã từng sinh nở, vì sao họ không hề nghĩ đến lý do ấy? Ở cổng bệnh viện, tôi gặp chồng tôi. Mới chỉ ba hôm không gặp mặt, chồng tôi đã trở nên hốc hác. Tôi đáng lẽ định quay người đi thẳng, nhưng trông anh rất đáng thương, tôi không nén được gọi anh lại. Chồng tôi nghe tiếng thì nhìn thấy tôi, nhưng làm như không quen biết, trong mắt anh chỉ còn sự căm thù, ánh nhìn ấy làm tôi bị thương.

Tôi tự nói với mình, không được nhìn anh ấy, không được nhìn anh ấy, tôi đưa tay vẫy một chiếc taxi chạy qua.

Lúc đó tôi mong muốn làm sao được kêu lên với chồng tôi một tiếng: "Anh ơi, em sắp sinh cho anh một đứa con rồi!" và được anh bế bổng lên, quay tròn hạnh phúc, những cái tôi mơ ước nó không xảy ra, trên chiếc taxi, nước mắt tôi chầm chậm rơi xuống.

Vì sao một vụ cãi nhau đã làm tình yêu trở nên tồi tệ như thế này? Sau khi về nhà, tôi nằm trên giường nhớ chồng, nhớ đến sự căm thù trong mắt anh. Tôi ôm một góc chăn nằm khóc. Đêm đó, trong nhà có tiếng mở ngăn kéo. Bật đèn lên, tôi nhìn thấy gương mặt đầy nước mắt của chồng tôi. Anh ấy đang lấy tiền. Tôi lạnh lùng nhìn anh, không nói gì. Anh coi như không có tôi, cầm tiền và sổ tiết kiệm rồi đi. Có lẽ anh đã quyết định rời bỏ tôi thật sự. Thật là một người đàn ông khôn ngoan, tình và tiền rạch ròi thế. Tôi cười nhạt vài cái, nước mắt lại "ồn ào" lăn xuống.

Ngày hôm sau, tôi không đi làm. Tôi dọn lại toàn bộ suy nghĩ của mình, đi tìm chồng nói chuyện một lần cho rõ.

Đến công ty của chồng, thư ký hơi lạ lùng nhìn tôi, bảo: "Mẹ của tổng giám đốc Trần bị tai nạn xe cộ, đang trong viện."

Tôi há hốc mồm trợn mắt, chạy bổ tới bệnh viện, khi tìm được chồng tôi, mẹ chồng tôi đã mất rồi. Chồng tôi không nhìn tôi, mặt anh rắn lại.

Tôi nhìn gương mặt gầy gò trắng bệnh xanh tái lại của mẹ chồng, nước mắt tôi tuôn xuống ào ạt, trời ơi! Sao lại ra thế này? Cho đến tận lúc chôn cất bà, chồng tôi cũng không hề nói với tôi một câu, thậm chí mỗi ánh mắt đều mang một nỗi thù hận sâu sắc. Về vụ tai nạn xe, tôi phải hỏi người khác mới biết đại khái là, mẹ chồng tôi bỏ nhà đi mơ hồ ra phía bến xe, bà muốn về quê, chồng tôi càng theo bà càng đi nhanh, khi qua đường, một chiếc xe bus đã đâm thẳng vào bà...

Cuối cùng tôi đã hiểu sự căm ghét của chồng, nếu buổi sáng hôm đó tôi không nôn, nếu chúng tôi không cãi nhau, nếu như... trong tim anh ấy, tôi chính là người gián tiếp gây ra cái chết của mẹ anh.

Chồng tôi im lặng dọn đồ vào ở phòng mẹ, mỗi tối anh về nhà nồng nặc hơi rượu. Và tôi bị lòng tự trọng đáng thương lẫn sự ân hận dồn nén tới không thể thở được, muốn giải thích cho anh, muốn nói với anh rằng chúng ta sắp có con rồi, nhưng nhìn vào đôi mắt lạnh lùng của anh, tôi lại nuốt hết đi những lời định nói. Thà anh đánh tôi một trận hoặc chửi bới tôi một trận còn hơn, cho dù tất cả đã xảy ra không phải do tôi cố ý.

Ngày lại ngày cứ thế trôi đi trùng lặp, chồng tôi về nhà ngày càng muộn. Tôi cố chấp, coi anh còn hơn kẻ lạ. Tôi là cái thòng lọng thắt trong trái tim chồng tôi.

Một lần, tôi đi qua một tiệm ăn châu Âu, xuyên qua lớp cửa kính trong suốt kéo dài từ trần nhà xuống sát mặt đất, tôi nhìn thấy chồng tôi ngồi đối diện trước một cô gái trẻ, anh nhè nhẹ vuốt tóc cô gái, tôi đã hiểu ra tất cả.

Ban đầu tôi sững sờ, rồi tôi bước vào tiệm ăn, đứng trước mặt chồng, nhìn anh trân trối, mắt khô cạn. Tôi chẳng còn muốn nói gì, cũng không thể nào nói gì. Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi, đứng lên định bỏ đi, chồng tôi đưa tay ấn cô ngồi xuống, và, anh cũng trân trối nhìn tôi, không hề thua kém. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng trái tim tôi đang đập thoi thóp, đập thoi thóp từng nhịp một từng nhịp một cho tới tận ranh giới tái xanh của cái chết. Kẻ thua cuộc là tôi, nếu tôi cứ đứng thế này mãi, tôi và đứa bé trong bụng tôi sẽ cùng ngã.

Đêm đó, chồng tôi không về nhà, anh dùng cách đó để nói cho tôi biết: Cùng với cái chết của mẹ chồng tôi, tình yêu của chúng tôi cũng đã chết rồi.

Chồng tôi không quay về nữa. Có hôm, tôi đi làm về, thấy tủ quần áo bị động vào, chồng tôi quay về lấy vài thứ đồ của anh. Tôi không muốn gọi điện cho chồng tôi, ngay cả ý nghĩ ban đầu là giải thích mọi chuyện cho anh, giờ cũng đã biến mất hoàn toàn.

Tôi một mình sống, một mình đi bệnh viện khám thai, mỗi lần thấy những người chồng thận trọng dìu vợ đi viện khám thai, trái tim tôi như vỡ tan ra. Đồng nghiệp lấp lửng xui tôi nạo thai đi cho xong, nhưng tôi kiên quyết nói không, tôi điên cuồng muốn được đẻ đứa con này ra, coi như một cách bù đắp cho cái chết của mẹ chồng tôi. Khi tôi đi làm về, chồng tôi đang ngồi trong phòng khách, khói thuốc mù mịt khắp phòng, trên bàn nước đặt một tờ giấy. Không cần liếc qua, tôi đã biết tờ giấy viết gì.

Trong hai tháng chồng tôi không về nhà, tôi đã dần dần học được cách bình tĩnh. Tôi nhìn anh, gỡ mũ xuống, bảo: "Anh chờ chút, tôi ký!". Chồng tôi cứ nhìn tôi, ánh mắt anh bối rối, như tôi.

Tôi vừa cởi cúc áo khoác vừa tự dặn mình: "Không khóc, không khóc...". Mắt rất đau, nhưng tôi không cho phép nước mắt được lăn ra. Treo xong áo khoác, cái nhìn của chồng tôi gắn chặt vào cái bụng đã nổi lên của tôi. Tôi mỉm cười, đi tới, kéo tờ giấy lại, không hề nhìn, ký lên đó cái tên tôi, đẩy lại phía anh.

"Rodi, em có thai à?"

Từ sau khi mẹ chồng gặp tai nạn, đây là câu đầu tiên anh nói với tôi. Tôi không cầm được nước mắt nữa, lệ "tới tấp" giàn xuống má.

Tôi đáp: "Vâng, nhưng không sao đâu, anh có thể đi được rồi!". Chồng tôi không đi, trong bóng tối, chúng tôi nhìn nhau. Chồng tôi nằm ôm lấy lấy người tôi, nước mắt thấm ướt chăn. Nhưng trong tim tôi, rất nhiều thứ đã mất về nơi quá xa xôi, xa tới mức dù tôi có chạy đuổi theo cũng không thể với lại.

Không biết chồng tôi đã nói "Anh xin lỗi Em!" với tôi bao nhiêu lần rồi, tôi cũng đã từng tưởng rằng tôi sẽ tha thứ, nhưng tôi không tài nào làm được, trong tiệm ăn châu Âu hôm đó, trước mặt người con gái trẻ ấy, ánh mắt lạnh lẽo chồng tôi nhìn tôi, cả đời này, tôi không thể nào quên nổi. Chúng tôi đã cùng rạch lên tim nhau những vết đớn đau. Do tôi, là vô ý; Còn anh, là bởi cố tình.

3. Mong ước hoá giải những ân hận cũ, nhưng quá khứ không bao giờ trở lại!

Trừ những lúc ấm áp khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với chồng, trái tim tôi lạnh giá như băng, không ăn bất cứ thứ gì anh mua, không cần ở anh bất cứ món quà gì, không nói chuyện với anh. Bắt đầu từ lúc ký vào tờ giấy kia, hôn nhân cũng như tình yêu đã biến mất khỏi đời tôi. Có hôm chồng tôi thử quay về phòng ngủ, anh vào, tôi ra phòng khách, anh chỉ còn cách quay về ngủ ở phòng mẹ.

Trong đêm thâu, đôi khi từ phòng anh vẳng tới tiếng rên khe khẽ, tôi im lặng mặc kệ. Đây là trò anh thường bày ra, ngày xưa chỉ cần tôi giận anh, anh sẽ giả vờ đau đầu, tôi sẽ lo lắng chạy đến, ngoan ngoãn đầu hàng chồng, quan tâm xem anh bị làm sao, anh sẽ vươn một tay ra tóm lấy tôi cười ha hả. Anh đã quên rồi, tôi lo lắng là bởi tôi yêu anh, còn bây giờ, giữa chúng tôi còn lại gì đâu?

Chồng tôi dùng những tiếng rên ngắt quãng để đón ngày đứa bé chào đời. Dường như ngày nào anh cũng mua gì đó cho con, các đồ dùng của trẻ sơ sinh, đồ dùng của trẻ em, ngay cả sách thiếu nhi, từng bọc từng bọc, sắp chất đầy gian phòng anh. Tôi biết chồng tôi dùng cách đó để cảm động tôi, nhưng tôi không còn cảm thấy gì nữa. Anh đành giam mình trong phòng, gõ máy tính "lạch cà lạch cạch", có lẽ anh đang yêu đương trên mạng, nhưng việc đó đối với tôi không có ý nghĩa gì.

Đêm cuối mùa xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi gào lên, chồng tôi nhảy bổ sang, như thể anh chưa hề thay quần áo đi ngủ, vì đang chờ đón giây phút này tới. Anh cõng tôi chạy xuống nhà, bắt xe, suốt dọc đường nắm chặt bàn tay tôi, liên tục lau mồ hôi trên trán tôi. Đến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy vào phòng phụ sản. Nằm trên cái lưng gầy guộc và ấp áp, một ý nghĩ hiện ra trong đầu tôi: "Cả cuộc đời này, còn ai có thể yêu tôi như anh nữa không?"

Anh đẩy cửa phòng phụ sản, nhìn theo tôi đi vào, tôi cố nén cơn đau nhìn lại anh một cái nhìn ấm áp.

Từ phòng đẻ ra, chồng tôi nhìn tôi và đứa bé, anh cười mắt rưng rưng. Tôi vuốt bàn tay anh. Chồng tôi nhìn tôi, mỉm cười, rồi, anh chậm rãi và mệt mỏi ngã dụi xuống. Tôi gào tên anh... Chồng tôi mỉm cười, nhưng không thể mở được đôi mắt mệt mỏi... Tôi đã tưởng có những giọt nước mắt tôi không thể nào chảy vì chồng nữa, nhưng sự thực lại khác, chưa bao giờ có nỗi đau đớn mạnh mẽ thế xé nát thân thể tôi.

Bác sĩ nói, phát hiện chồng tôi ung thư gan đã vào giai đoạn cuối cùng, anh gắng gượng cho đến giờ kể cũng đã là kỳ tích. Tôi hỏi bác sĩ phát hiện ung thư khi nào? Bác sĩ nói năm tháng trước, rồi an ủi tôi: "Phải chuẩn bị hậu sự đi!"

Tôi mặc kệ sự can ngăn của y tá, về nhà, vào phòng chồng tôi bật máy tính, tim tôi phút chốc bị bóp nghẹt. Bệnh ung thư gan của chồng tôi đã phát hiện từ năm tháng trước, những tiếng rên rỉ của anh là thật, vậy mà tôi nghĩ đó là...

Có hai trăm nghìn chữ trong máy tính, là lời dặn dò chồng tôi gửi lại cho con chúng tôi:

"Con ạ, vì con, bố đã kiên trì, phải chờ được đến lúc nhìn thấy con bố mới được gục ngã, đó là khao khát lớn nhất của bố... Bố biết, cả cuộc đời con sẽ có rất nhiều niềm vui hoặc gặp nhiều thử thách, giá như bố được đi cùng con suốt cả chặng đường con trưởng thành, thì vui sướng biết bao, nhưng bố không thể. Bố viết lại trên máy tính, viết những vấn đề mà con có thể sẽ gặp phải trong đời, bao giờ con gặp phải những khó khăn đó, con có thể tham khảo ý kiến của bố... Con ơi, viết xong hơn 200 nghìn chữ, bố cảm thấy như đã đi cùng con cả một đoạn đời con lớn. Thật đấy, bố rất mừng. Con phải yêu mẹ con, mẹ rất khổ, mẹ là người yêu con nhất, cũng là người bố yêu nhất..."

Từ khi đứa trẻ đi học mẫu giáo, rồi học Tiểu học, Trung học, lên Đại học, cho đến lúc tìm việc, yêu đương, anh đều viết hết.

Chồng tôi cũng viết cho tôi một bức thư:

"Em yêu dấu, cưới em làm vợ là hạnh phúc lớn nhất đời anh, tha thứ cho những gì anh làm tổn thương em, tha thứ cho việc anh giấu em bệnh tình, vì anh muốn em giữ gìn sức khoẻ và tâm lý chờ đón đứa con ra đời... Em yêu dấu, nếu em đang khóc, tức là em đã tha thứ cho anh rồi, anh sẽ cười, cảm ơn em đã luôn yêu anh... Những quà tặng này, anh sợ anh không có cơ hội tự tay tặng cho con nữa, em giúp anh mỗi năm tặng con vài món quà, trên các gói quà anh đều đã ghi sẵn ngày sẽ tặng quà rồi..."

Quay lại bệnh viện, chồng tôi vẫn đang hôn mê. Tôi bế con tới, đặt nó bên anh, tôi nói: "Anh mở mắt cười một cái nào, Em muốn con mình ghi nhớ khoảnh khắc ấm áp nằm trong lòng bố..."

Chồng tôi khó khăn mở mắt, khẽ mỉm cười. Thằng bé vẫn nằm trong lòng bố, ngọ nguậy đôi tay hồng hào bé tí xíu. Tôi ấn nút chụp máy ảnh "lách tách", để mặc nước mắt chảy dọc má...

Hết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#trang#van