Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Bây giờ thì hắn đã là một ông chủ. Ông chủ nghề mộc của ba mươi ba người hoặc đang ở tù, hoặc sắp hết hạn, hoặc là con cháu của bạn tù. Ông chủ đã được tự do nhưng vẫn mặc áo tù. Các kiểu áo, khi thì kẻ sọc từa tựa sắc áo của đội tuyển bóng đá Áchentina, khi thì màu cỏ úa, khi thì đen và cuối cùng là màu tím thâm giống màu hoa của các cô cậu mới lớn ép vào sổ lưu niệm hẹn hò sự chung thủy. Tất cả vẫn còn nguyên, chỉ khác: Vải tốt hơn và do hắn tự may chứ không phải nhà tù phát. Hắn "nghiện" áo tù như "nghiện" những con người suốt cả đời không lúc nào rời khỏi tâm trí hắn: một người cha và những đứa con.

Vào thời sinh nở có kế hoạch, gia đình hắn nhất định là đối tượng phải đấu tranh, góp ý. Nhưng thời bấy giờ có nhiều người thèm khát cảnh giàu có, lắm vợ đông con như cha hắn. Bà cả: năm con sống, ba con chết. Bà hai: bốn sống, ba chết. Một người vợ ba không giá thú mà sau này người ta gọi cái tên hết sức nhố nhăng là "bồ" cũng có một con sống, hai chết. Hắn là thứ ba nhưng kể người sống thì hắn là con cả của bà hai. Mẹ hắn nguyên là người ở nên sống với bà cả vừa là em, vừa như con hầu. Ấy là nghe mẹ hắn kể thế. Khi hắn ra đời bà cả đã mất. Các anh con bà cả coi hắn vừa như em vừa như con. Duy có anh út, anh Ý như một sự thêm thắt của cha dành cho bà cả. Anh Ý cách xa các anh lớn hàng chục tuổi và hơn hắn có hai tuổi. Cha hắn là người cao to, hồng hào không có râu nên rất khó đoán tuổi và không biết lúc nào đang vui hay buồn, vì rất ít khi ông nói, cười với vợ con. Còn với bạn bè và người cùng phố, cùng sở làm việc thì người ta bảo ông là người rất nghiêm chỉnh và họ gọi ông là ông "biết trước".

Hắn không biết cha mình làm gì, chỉ thấy nói ông làm bàn giấy ở trong Cảng từ thời Pháp và khi ta tiếp quản ông vẫn là cán bộ bàn giấy ở đấy. Cho đến mấy chục năm sau này ăn bờ, ở bụi, ra vào nhà tù như ra vào chợ Sắt hắn không thể hiểu nổi cuộc đời hắn bắt đầu từ đâu? Vào lúc nào? Có phải từ cái gia đình giàu có đã phá sản và từ người cha nghiêm ngặt đã thất thế?

Một ngôi nhà hai tầng cửa chớp xanh, khung cửa kính, màu vàng, gạch nghiêng màu đỏ viền quanh, không hề bám bụi bẩn và xây sát. Cha và các anh con mẹ cả ở trên tầng hai, mỗi người riêng một phòng. Người chơi ghi ta, người tập pianô, người vẽ tranh, người đánh tenít... Anh nào cùng nói tiếng tây xì xèo như rán mỡ và nhanh như gió. Mấy mẹ con hắn ở tầng dưới nhưng vẫn có một nửa phía ngoài là nơi tiếp khách. Ở cùng một nhà nhưng tầng trên, tầng dưới như hai nước khác nhau. Người tầng trên đi về lặng lẽ như ma, lại chỉ thấy xì xèo như người ở bên tây mới sang. Còn tầng dưới, tầng của nước "ta" thì cười đùa, khóc mếu, cãi cọ, cấu véo nhau, chí choé suốt ngày. Thỉnh thoảng lại giật thốt người nghe tầng trên quát xuống: "Có để cho ai yên không?" hoặc: "Cả lũ mất dạy". "Không còn biết thế nào là tự trọng" hoặc "Có định phá cái nhà này ra thì bảo?". "Đúng là dân nhà quê".

Những lúc ấy mẹ lại nghiến răng xỉa ngón tay vào trán tên "thủ phạm" nói rin rít mà rất nhỏ, đe dọa một cách vụng trộm:

— Tôi lạy các bố. Giết tôi đi, đừng làm tôi nhục nhã ê chề với người ta.

Cả hai thằng nín thở đứng gục mặt nhận tội và thương mẹ. Nhưng tất cả đều quên nỗi sợ hãi rất nhanh, chỉ vài ngày sau lại không nhớ lúc nào tầng trên có người. Cũng may, mỗi buổi tối vào lúc ăn cơm lại có thể phần nào làm nhẹ vơi nỗi tức giận của tầng trên. Cả nhà chỉ ăn chung một bữa tối. Giúp mẹ dọn cơm xong, thằng nhớn, tức là hắn lên đứng ngoài cửa từng phòng khoanh hai tay trước ngực: "Con mời cậu đi xơi cơm ạ", "Con mời anh đi xơi cơm ạ." (Trừ anh út còn khi vắng bố hắn phải xưng con với tất cả các anh).

Cậu và các anh ngồi vào mâm, hai đứa trẻ nhà dưới lại đồng loạt khoanh tay mời: "Con mời cậu xơi cơm. Em mời các anh xơi cơm ạ". Chữ "anh" là dùng cho những anh ở tầng trên, còn mẹ và thằng anh ở tầng dưới đều biết rằng không ai đáng được mời và cũng chẳng ai phải mời ai. Mẹ tuy đẻ ra con nhưng mẹ lại là con ở. Chúng tuy là con nhưng là con của ông chủ. Cả khi lên gác, cả lúc quanh mâm cơm, cả khi trông thấy người tầng trên đi về, mẹ và các con tầng dưới đều phải kính cẩn mời chào. Nhưng không bao giờ được nghe một tiếng nói, một cái phẩy tay hoặc một cái nhìn đáp lại. Vậy mà không chào, mời, lập tức được "đáp" lại ngay. Đấy là khi tất cả đã ngồi vào mâm, mẹ và lũ trẻ mời xong còn chưa dám cầm đũa thì cậu vừa và cơm vừa nói mà không cần nhìn vào kẻ phạm tội. Chẳng hạn:

— Núi – tên hắn, hoặc Sông – thằng em kế hắn – đứng dậy.

Cậu lại tiếp tục ăn và giọng hạ xuống như không hề có chuyện gì xảy ra: "Vào tường khoanh tay lại". Rất nhẹ nhàng, nhưng "phạm" – theo cách gọi của hắn những năm sau này – biết tội lỗi của mình bỏ đũa xuống mâm đi vào tường, ngoảnh mặt ra bàn ăn, cúi gằm xuống cho đến khi nào cậu cảm thấy cần tha thì tha. Có khi ăn được một bát, có khi là nửa bữa, có khi đã ăn xong cậu lại quên đi, lững thững lên gác không biết rằng đã có kẻ bị phạt. "Phạm" cứ phải đứng đấy đợi mẹ lựa khi nào thuận mới dám xin cậu.

Mỗi lần có kẻ phạm tội, mẹ nhai cơm trông như nhai rác trong miệng. Không chan canh, không gắp thức ăn, miếng cơm khô và vào miệng, mẹ nuốt nó bằng nước mắt của mình. Cũng có lúc nước mắt lại chảy ra ngoài, miếng cơm mắc ở cổ mẹ như nghẹn, lấy vạt áo lau nước mắt. Một tiếng "rầm" xuống bàn cùng với tiếng quát: "Còn muốn bênh hả?" Bát đũa trong mâm nẩy lên. Cả mấy mẹ con cũng nẩy lên, run bần bật. Các anh tầng trên cau mày, lặng lẽ ăn, lặng lẽ đứng dậy, lặng lẽ ném vào mẹ con hắn những cái nhìn khinh bỉ rồi lên gác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro