Chương 19+20+21

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hắn bế con xuống ga Bắc Giang khoảng tám giờ tối. Những ngọn đèn đỏ quạch treo giữa mưa bụi giăng mờ như đẩy thị xã lùi ra thành xa xôi, cách trở chứ không phải ngay trước mặt hắn, trước cửa ga, bước hai chục bước đã vào phố chính, đã là trung tâm thị xã. Trời đã vào đông và mưa dầm nhưng cái chính là những năm tháng này không ai buôn bán gì ngoài mấy cửa hàng mậu dịch hết giờ đóng cửa cũng thủng thẳng, uể oải như lúc mở cửa và làm việc. Ngoài những ông bà chủ làm "thống soái" ấy, lác đác có vài quán nước chè ru rú ngồi dưới gốc cây bên ngọn đèn dầu không bao giờ khêu to, có dăm bảy đứa bụi đời và gái hư ế ẩm, ăn uống chịu lưu cữu, nếu chưa đi "xới" khác bao giờ cũng sòng phẳng. Hắn ngồi xuống ghế bên cạnh chõng nước gần cửa ga, xin nước sôi pha sữa cho con. Một cô gái làng chơi, chắc đã từng nuôi con, đỡ lấy đứa bé hộ hắn. Hắn hỏi:

— Em cho cháu bú được không?

— Đếch còn sữa.

Pha sữa cho con xong, chờ nguội, hắn lôi trong làn nhựa ra những xoong quấy bột, chai lọ, ca cốc, chén thìa, dao, cam, chanh, tã lót khô và ướt, giặt và chưa giặt bốc lên mùi chua chua, khăn khẳn khiến cả cô gái bụi đời và người chủ quán đều nhăn mặt bịt mũi, bảo hắn: "Vứt mẹ nó ra đằng kia". Hắn thong thả đặt xuống đất những tả lót bẩn, lấy cái sạch thay cho con. Cả người chủ quán và cô gái kia cùng nhau pha nước ấm dội rửa cho cháu bé và quấn tã mới gọn ghẽ rồi cho cháu bú chai. Hắn mang tã ra vòi nước công cộng vò. Giá bỏ sự thô tục và nhem nhếch đi, cử chỉ của ba người cứ như là bà ngoại với bố mẹ cháu đang chằm vặp cháu trong một gia đình yên ấm. Con gái hắn ăn xong, được bón thêm mấy thìa cam. Hắn cũng "giải quyết" xong chiếc bánh mì với cái kẹo lạc, một chén nước. Vị chi là đồng mốt nhưng chủ quán chỉ lấy gọn một đồng. Hắn cám ơn hai người rồi bế con, xách làn, trùm áo mưa đi. Hai người đàn bà nhìn theo cái chấm đen cui cũi chìm dần vào mưa bụi, lắc đầu bảo nhau: "Cũng là cảnh vật vờ. Tội nghiệp con bé".

Đi ngần hết đường Nguyễn Văn Cừ hắn rẽ trái, rồi đi thẳng, rồi lại rẽ nữa, đến một ngôi nhà hai tầng có tường bao và cổng sắt, hắn bấm chuông. Điện bật sáng, chó cắn. Một người đàn bà thò đầu ra cửa sổ hỏi. Hắn đáp:

— Con đây mợ ơi.

— Con nào?

— Con là chồng Mai đây mà.

— Làm sao?

— Nhà con sinh cháu được mấy tháng, không biết bỏ đi đâu.

— Anh định đến đây tìm à?

— Vâng, con xem nhà con có ở đây với mợ không?

— Đã từ lâu, nhà tôi coi như không có nó nữa rồi.

— Mợ ơi, con xin mợ cho con gửi cháu ở đây ít ngày, con đi tìm nhà con.

— Thôi. Anh thông cảm. Tôi không nhận được đâu.

— Con xin mợ. Mợ thương cháu.

— Con đẻ còn chẳng ăn ai, huống hồ là cháu ngoại rơi vãi đầu đường xó chợ.

— Mợ ơi con chỉ xin...

Cửa sổ đóng. Đèn tắt. Con chó sủa dóng một để nghe hết đoạn đối thoại rồi nó lại xồ lên, bắc chân lên cửa sắt như muốn chồm ra ngoài. Hắn bế con lội bùn quay lại. Quán nước lúc nãy đã dọn đi. Đêm đó hắn ôm con ngồi tựa vào tường của cửa hàng bán lẻ thuộc Công ty cấp I cạnh khách sạn lớn nhất thị xã không rõ tên là gì, đối diện với tòa án tỉnh.

Sáng hôm sau xin nước sôi pha sữa cho con uống xong hắn đi tìm gặp mấy ông bạn "cố tri" để dò tin tức vợ hắn xem ở hướng nào, để hắn còn hy vọng. Nếu không tìm được, ít ra hắn cũng còn biết đường mà liệu. Mãi đến gần tối mới gặp được một thằng "đàn em" đã bỏ nghề ăn cắp đi vác hàng lậu qua biên giới. Nó cho hắn biết vợ hắn cùng thằng Hưng Sẹo từ Lạng Sơn đã trở về đây. Chúng nó ở trong một cái thuyền con có mui nằm ở dưới sông Thương. Để chắc chắn, thằng em dặn lại:

— Cứ thử xem thế nào? Đã về đây thì đúng rồi. Nhưng có ở dưới thuyền không? Mà ở thì còn ở đây hay lại đi thì em không thể biết. Anh cứ tìm thử, nếu không thấy, lên Lạng Sơn, cùng lắm là ra Móng Cái.

Hắn tìm gặp một đứa con gái khác cũng nói như thế và cũng không hiểu là còn ở đây hay đã đi rồi. Vì một ngày với "ngành" của hắn là rất dài và rất xa. Biết tìm đâu ra nó? Trước mắt hãy thay tã cho con, cho con ăn. Mình cũng nhá cái bánh mì đã, rồi mới đi được.

Vẫn lại sông Thương. Nhưng đêm nay mờ mịt hai bờ mưa bụi. Những ngọn gió không còn khô ráo và se lạnh như buổi chiều hơn một năm về trước. Nó quất vào người như roi quất lạnh tái tê. Cỏ cũng không còn như kim đâm dưới hai bàn chân không. Hắn chùm áo mưa ngang vai cốt che kín cho con nằm áp giữa hai cánh tay hắn, áp vào ngực. Nó ngủ trong tiếng gọi vợ như ru của hắn. Ấy là lúc đầu tiên đi bên những chiếc thuyền con bịt kín cả hai mui dập dềnh bên lợi nước. Hắn cất tiếng gọi nho nhỏ, vừa đủ cho người trong thuyền nghe:

— Mai. Mai ơi. Mai, Mai ơi. Anh bế con đi tìm em đây. Mai ơi. Có ai tên là Mai không? Có ai biết Mai đã lấy chồng ở hải Phòng vừa sinh con không? Mai ơi. Em có nghe thấy tiếng anh gọi em về với con không, Mai ơi. Các ông các bà ơi, trong thuyền có ai tên là Mai không? Có ai biết người tên là Mai ở đâu không? Mai. Mai ơi! Anh là Núi bế con đi tìm em đây mà. Mai ơi. Có nghe thấy anh gọi em không? Về cho con bú hộ anh, Mai ơi. Em cho con bú hộ anh. Con khóc chết mất. Mai ơi. Mai ơi, về cho con bú hộ anh. Anh không nuôi được con. Con khát sữa không chịu được, Mai ơi...

Nhưng sóng thì vẫn rào rạt. Những con thuyền vẫn dập dềnh. Bờ sông vẫn dài thăm thẳm mù mịt trong mưa phùn giá lạnh. Không ai trả lời. Không ai hỏi han. Không ai để ý. Tất cả như dửng dưng. Tất cả như sợ sệt. Tất cả như xa lạ giữa đêm tối mênh mông. Mỗi lúc sau hắn lại gọi to lên, nhưng vẫn không ai nghe được. Hắn ôm chặt con vào lòng gào lên như người gọi đò.

Nhưng vẫn là vô vọng. Lại đi. Bỗng có ánh đèn pin loang loáng và tiếng quát: "Đứng lại".

Một anh công an và một anh dân phòng đi đến. Chiếu thẳng đèn pin vào bộ mặt sương gió và bụi bặm của hắn, anh công an quát:

— Cái gì trước ngực?

— Con... con em ạ.

Anh soi đèn tận phía trong áo mưa thấy cả đứa con hắn, cả cái làn nhựa xách ở tay, anh ngạc nhiên hỏi:

— Tại sao đêm hôm mưa gió lại bế đứa con đỏ hỏn như thế này ra đây?

— Em đi tìm mẹ cháu.

— Nó đi đâu?

— Nó đi theo giai.

— Ối giời ơi! – Mặt anh nhăn lại nửa như cười, nửa như cáu:

— Đến nước ấy còn đi tìm.

— Loại ấy quên mẹ nó đi. – Anh dân phòng nói. Anh công an tiếp:

— Mình không tin như thế.

Hắn kể lại vắn tắt từ hôm vợ hắn đột ngột bỏ đi. Anh công an hỏi lại:

— Cậu có tin là khi gặp cô ta, cô ta trở lại nuôi con?

— Em không tin, nhưng tự nhiên lại cứ đi tìm, em phải đi tìm mẹ cho cháu.

Anh công an đứng yên không nói gì. Anh lặng lẽ cởi chiếc mũ mưa trùm lên mũ cát đưa cho hắn để hắn chụp lên đầu kẻo mưa rỏ xuống mặt thấm xuống chỗ con bé. Rồi anh hỏi:

— Bây giờ cậu định đi đâu?

— Em cũng không biết.

— Định không ngủ à?

— Có.

— Ngủ đâu?

— Em cũng không biết. Có khi lại về chỗ tối qua.

— Tối qua ở đâu?

— Ở hiên cửa hàng trên thị xã.

— Theo mình lại nên quay về thị xã.

— Em cũng định thế, nhưng chưa biết quay lại chỗ nào.

— Đi về mình kiếm chỗ ngủ tạm đêm nay để con bé khỏi chết rét rồi mai tính sau.

Đêm ấy hắn ngủ trong nhà ông tổ trường dân phòng vốn là bộ đội phục viên. Hai bố con hắn nằm trên chiếc giường một có màn, gối, chăn chiếu đàng hoàng. Không hiểu, con hắn cũng thương hắn hay sao, cả đêm hai bố con ngủ một giấc dài êm ả và say sưa như chết. Sáng ra, hắn như sống lại, khỏe khoắn như chưa bao giờ được một giấc ngon như thế, khiến hắn khỏe khoắn, khoan khoái và vô tư hẳn lên. Con dâu ông tổ trưởng cho con hắn bú nhờ rồi cả cô và mẹ chồng giặt giũ tã lót sấy trên bếp than, đánh rửa xoong thìa, chai lọ, cốc chén và tráng nước sôi, xếp lại gọn gàng trong làn cho hắn. Gia đình mời hắn ăn mì nấu với rau cải có mỡ xào. Hắn cũng được ăn một bữa ăn ngon chưa từng thấy. Anh công an và anh dân phòng tối hôm qua lại đến. Bà con xung quanh cũng đến. Người cho năm ba đồng, người bộ quần áo cũ cho bố, tã lót khăn tay cho con. Tất cả được hai ba đồng và một ba lô con cóc cũ đựng đầy quần áo, tã lót, hắn khoác lên lưng. Ai cũng khuyên hắn không thèm để ý đến con mẹ nó. Loại người như thế nghĩ đến chỉ thêm tởm mình ra. Về quê còn có anh em nội ngoại, bà con xóm giềng. Mà vẫn còn bố, còn anh và ba đứa em nữa sợ gì phải nuôi con một mình. Một bà bế con hắn nói:

— Nhẻ. Vất cái con mẹ rác rưởi bụi đời của cháu bà đi nhé. Cháu bà còm cõi, nhưng nhớn lên xinh xẻo, không thèm chơi với con mẹ lừa lọc trộm cắp, trốn chúa lộn chồng đấy nhẻ.

Có người lại bảo:

— Hay là đem cho cháu đi. Về nhà tìm cô khác rồi đẻ một vài đứa, khó gì.

Nhưng hắn không nghe. Hai bố con hắn cám ơn mọi người rồi ngồi lên ca bin chiếc xe tải về Hải Phòng do anh công an nhờ hộ.

Xe về đến vườn hoa bến xe thị xã Bắc Ninh, nơi có lần hắn "làm ăn" và trở thành "đàn anh", chợt hắn trông thấy mấy đứa đàn em và chúng cùng phát hiện ra hắn. Không biết nghĩ thế nào hắn lại nói với lái xe là thằng em hắn đang đi tìm hắn, hắn xin xuống đây để về nhà bà cô ít hôm.

Qua "đàn em" hắn biết đích xác con vợ hắn và thằng Hưng Sẹo vẫn ở thị xã Bắc Giang. Hắn quyết chí cùng hai thằng đàn em lên Bắc Giang "nói chuyện" với vợ hắn.

Phải nói, hắn có bộ mặt thồn thộn rất dễ để người ta tin và thương. Khi hắn quyết định không thể tha con lặn lội đêm hôm sương gió, lần mò tìm vợ thì có người mách hắn đem con gửi nhà chùa, vừa an toàn, vừa được trông nom chu tất. Ở đấy vẫn thường có các chú tiểu, sư bác sẵn lòng cưu mang nuôi nấng những đứa trẻ không cha, không mẹ. Hắn "trình bày hoàn cảnh" xong nói ngay:

— Lạy phật, con cũng chỉ xin gửi nhà chùa cho cháu ở một thời gian ngắn. Mọi khoản tiền ăn và phí tổn con xin chịu. Trước mắt, con gửi nhà chùa một trăm đồng để mua đường sữa và các thứ cho cháu. Khi tìm được mẹ cháu, chúng con xin quy lậy ơn đức nhà chùa.

— Mô phật. Nghĩ cảnh ngộ nhà ông mà thương tâm. Bản chùa chúng tôi nuôi nấng giúp một thời gian, ngoài tiền đường sữa cho cháu, cửa phật không cho kẻ làm phúc lấy công. Mong ông tận tâm đi tìm mẹ cho cháu để cháu khỏi thiếu tình mẫu tử.

Hắn cám ơn rồi dặn dò khi không có hắn, xin nhà chùa không giao con cho bất cứ ai, kể cả người nhận là mẹ cháu. Nếu có kẻ đe dọa thì nhà chùa cũng bình tâm mà báo cho "người nhà" hắn làm nghề bơm xe đạp, xe máy ở trước cổng chùa. Người ấy chính là "đàn em" của hắn, đã lấy vợ, đẻ con và xin đất làm được túp lều kê vừa chiếc giường đôi ở trước cửa chùa. Cả vùng này ai cũng biết tiếng anh ta, nên không ai "dám dây" bất cứ chuyện gì. Anh ta vừa cho hắn mượn năm mươi đồng để hắn có đủ một trăm đồng gửi nhà chùa, dù nhà chùa không yêu cầu hắn phải làm như thế. Hắn vừa đi ăn cắp nuôi con, nuôi thằng đệ tử đi theo, vừa đi tìm vợ hắn. Chưa đầy nửa tháng sau khu vực Bắc Ninh, Kép, Đồng Mỏ, thị xã Lạng Sơn (trừ thị xã Bắc Giang vì hắn rất sợ gặp lại anh công an và bà con khu phố mà bố con hắn được đùm bọc đêm đi tìm vợ ở sông Thương). Tất cả đều nháo nhác sự xuất hiện của bọn móc túi, cắt bọc, bê bom rất thiện nghệ. Nhưng ngoài mấy tên ăn cắp vặt đã bắt được, không ai biết hắn, kể cả lực lượng săn bắt cướp cũng chưa từng gặp mặt, phát hiện ra hắn, tên trùm của những thủ đoạn này. Khoảng một tháng sau lại thấy im. Đấy là khi hắn đã nhìn thấy con vợ hắn và thằng Hưng Sẹo trong một "vòm" gần chân dốc "Sài Hồ" về phía Hà Nội. Hắn cho thằng đàn em bám sát rồi quay về Bắc Ninh thanh toán nợ nần với bạn bè, vào chùa xin con. Hắn gửi nhà chùa một trăm đồng nữa nhưng nhà chùa không nhận. Chỉ mừng cho hắn là đã tìm được mẹ cho cháu bé.

Hàng chục năm sau này, hắn bảo chính hắn cũng không thể hiểu vì sao hắn lại thiết tha đi tìm vợ hắn cho con hắn đến phát cuồng lên như thế. Hai hôm sau, hắn bế con lên chân dốc Sài Hồ. Thằng đàn em bảo chúng vẫn ở đấy, hiện giờ (giữa trưa) đã ở trong lều cạnh suối. Đứng ở bụi lau chỗ hắn đang đứng nhìn xuống rất gần, có thể trông thấy bọn kia đang ăn mía, thằng Hưng Sẹo cầm con dao phay dọc mía, chặt ra từng đẫm đưa cho sau bẩy đứa vừa đàn ông, vừa đàn bà. Thằng đàn em bảo đừng xuống, nguy hiểm lắm. Đợi lúc chúng đi lên, tản ra, bất ngờ gặp riêng thằng Hưng Sẹo mới được. Hắn bảo thằng đàn em bế con cho hắn. Thấy có chuyện gì thì phải kêu và ứng cứu. Hắn quành ra chỗ khác, cách chừng năm chục mét đi dọc theo đường mòn bọn kia vẫn đi. Khi hắn chỉ còn cách chúng dăm bẩy mét, vợ hắn và một vài đứa quen khác nhận ra hắn. Vợ hắn nói gì đấy với thằng Hưng. Tất cả bọn chúng lặng đi, lấy lại tư thế ngồi, thủ thế. Hắn cười cười:

— Chào các chiến hữu.

Mấy đứa biết mặt hắn, kể cả con trai và con gái đều đáp lại:

— Chúng em chào đại ca.

Hắn thấy vợ hắn ngồi bên Hưng Sẹo. Đúng là nó. Đứng trên kia nhìn thấy vợ hắn đang nằm ngả đầu vào lòng nó. Đến đây hắn nhìn rõ vết sẹo ngang mồm như thằng đàn em tả, hắn biết đích thực là nó rồi.

Với "chiến công": ba lần ra vào nhà tù, hết hàng chục năm và địa bàn "hoạt động" này là của hắn nên hắn đáng mặt được kiêng nể. Hắn hỏi vợ:

— Tao nghe nói, mày mới có chồng. Đâu? Cho tao xem mặt.

— Chồng tao đi Cao Lộc đến tết mới về.

— Tao nghe chúng nó nói: Chồng mày ở đây.

— Thế thì mày đi hỏi chúng nó ấy.

Hắn ngồi xuống bên cạnh Hưng Sẹo nói nhỏ:

— Tôi muốn gặp ông nói chuyện.

Thằng kia biến hẳn sắc mặt bảo:

— Nói gì, ông cứ nói đi.

— Ra ngoài kia.

— Ông cứ nói. Tôi đ. đi đâu cả.

— Đứng ngay ở ngoài cửa kia thôi. Nếu ông ngại, cho vệ sĩ đứng canh. Tôi nói chuyện. Không làm gì khác. Quân tử đàng hoàng.

Con vợ hắn tự nhiên "giấu đầu hở đuôi".

— Không phải đi đâu cả. Nói gì thì nói. Sợ đ. gì mà phải thì thụt.

Hắn nghiêm mặt:

— Tao không hỏi đến mày. Đừng chọc tiết tao.

— Được, đứng ra cửa thì đứng. Tôi sợ đếch gì.

Ra đến cửa, vừa ở cự ly nói nhỏ đủ hai người nghe hắn bảo với đối thủ của mình:

— Tôi muốn tình cảm với ông. Con tôi mới được mấy tháng còn đỏ hon hỏn. Ông hãy nhường lại con Mai cho tôi một thời gian, để nó kết hợp với tôi, nuôi con tôi ăn được bột, độ ba bốn tháng nữa, tôi trả lại ông. Tôi mong ông đừng từ chối tôi.

— Tôi đ. phải là thằng tranh vợ, cướp chồng của ông, đúng không? Thích thì tình cảm với nhau. Còn không thích nhá. Kể cả cưới xin đàng hoàng nhá. Cũng đ. là cái gì nhá. Ông đã nói thế thì tôi để nó cho ông xử. Ông với nó làm việc sao cũng xong nhá. Đẹp chưa? Thế là ông khôn đấy. Nếu không, đừng hòng với thằng Hưng Sẹo này nhá.

Nó nói lảm nhảm gì nữa, hắn không cần để ý. Hắn gọi thằng đàn em:

— Bế cháu xuống đây. Mẹ cháu đây rồi.

Khi hắn bế lấy con đưa cho vợ hắn, vợ hắn quay ngoắt người đi, hai tay thu lại, không đỡ con. Hắn như sững sờ trong một giây rồi bế con đứng lên hỏi:

— Có về Hải Phòng nuôi con không?

— Không. Mày nuôi được thì nuôi. Không nuôi vứt lại. Tao đem bán cho Trung Quốc.

Hắn cười lạt:

— Đang đánh nhau này ai nó mua.

— Đánh nhau, nó vẫn đánh nhau. Mua người, mua của quý nó vẫn có đường. Mày không cần biết.

Mặt hắn đanh lại:

— Tao nói thật cho mày biết nhá. Hơn một tháng nay, tao như một thằng điên, lồng lộn khắp nơi đi tìm mày cho con tao. Nhưng đến bây giờ tao đưa con cho mày, mày quay mặt đi, không cần con, thì dù mày có quỳ xuống lạy tao để được nuôi con, tao cũng không thể nhận mày. Thôi, tao mang con tao về Hải Phòng. Tao chúc mày hạnh phúc. Nhưng tao chắc đời mày cũng không còn bao lâu nữa đâu.

Hắn mới đưa được con về đến thị xã Bắc Ninh, đứa bé đã đi ỉa chảy. Lúc đầu hắn không biết. Quấn con trong mấy chiếc tã và một chiếc chăn chiên con, thấm ẩm được ra ngoài thì con đã bị hàng chục lần. Thấy con đói và khát nước, hắn cứ pha sữa, vắt vài giọt chanh cho con uống. Rồi nước sôi nguội đổ vào chai, con tu bao nhiêu cũng hết. Mỗi khi rút đầu vú cao su ra khỏi miệng, nó đớp đớp theo và khóc tím người lại. Nào hắn có ngờ con uống vào đến đâu, chảy ra đến đấy, cứ tuồn tuột như một cái ống thông. Khi giở tã ra, từ nửa người con trở xuống nhoe nhoét chỗ thì tí phân vàng khăn khẳn, chỗ còn nguyên sữa đã kết tủa sau khi đã vắt chanh bốc lên mùi chua chua. Rửa ráy xong cho con, chưa quấn tã xong, nó lại đi tiếp. Uống Ganiđan, coloxit không khỏi. Uống viên rửa bằng liều của người lớn. Không khỏi. Bao nhiêu loại thuốc tây, thuốc ta, ai mách, ai cho, ai mua hộ uống vào cũng đều không khỏi. Uống cả thèn đen, cây cỏ sữa, búp ổi rang vàng hạ thổ sắc đặc. Cũng không khỏi. Từ ngày thứ ba trở đi con chỉ được uống nước gạo rang mà vẫn không cầm. Hai mắt nó sâu hoắm, người sốt nóng như rang, miệng khô nẻ không còn đủ sức động đậy "đớp đớp" mỗi khi bố cho uống nước. Đã mấy đêm thức trắng trông con, con cứ lả dần trên cánh tay hắn, hắn nhìn vào khuôn mặt bệch ra của con, hắn vội ghì lấy con nói như con hắn đã có thể nghe được những lời của hắn:

— Con ơi, đi về Hải Phòng với bố. Con sống bố nuôi. Con chết bố chôn ở nhà. Con ơi, con ơi.

Đêm thứ bẩy kể từ khi con mắc bệnh, hắn ôm con đi nhờ xe về cầu Chui rồi lại nhờ xe khác về đến Hải Phòng.

Có thể, phải có một người rất am tường bệnh tật của trẻ con để mách bảo hắn chữa chạy! Có thể, phải có một người sẵn lòng chia sẻ nỗi hoảng sợ với hắn về đứa con của hắn! Không hiểu sự run rủi nào khiến khi chiếc xe tải dừng lại gần ngã tư An Dương thì hắn nghĩ ngay đến bà tổ trưởng nước sôi. Sáng nào bà cũng dậy lúc 4 giờ. Thông các lô, để các nồi nước sôi bùng lên, múc vào vài ba chục cái phích và các thùng nước của cơ quan, nhà trẻ, trường học... Vừa đúng 5 giờ, là cái giờ các ông chủ dậy sớm có thể lấy nước sôi về pha trà, rửa mặt, pha sữa, cà phê, cần thì dùng nó làm nước tắm. Bố con hắn xuất hiện lúc các nồi nước sắp sôi. Bà tưởng hắn tìm thấy vợ đã định nói câu chúc mừng rỡ để chúc tụng hắn. Nhưng hắn chìa ngay đứa con ra trước mặt và kể lại "đầu đuôi". Bà bảo:

— Không kể lể gì nữa. Trông con bé thế này việc gì phải kể. Trời ơi. Nhanh lên. Có nhanh lên thì may ra mới cứu được cháu. Kiệt nước quá rồi.

Bà giao cho hai bà nhân viên lo việc ở nhà. Hắn lấy xe đạp lai bà bế cháu ngồi phía sau xuống "Nhi Đức" cấp cứu. Đến cửa bệnh viện bà để mặc cho hắn đứng đấy, bà bế cháu chạy vào cổng không cần biết đến ai, khiến người bảo vệ phải chạy theo quát bà là vô nguyên tắc.

— Bác ơi, cháu nó sắp chết rồi, phải cứu đã. Tôi xin lỗi bác.

Chưa đến giờ làm việc. Bác sĩ trực cấp cứu không dám quyết định truyền trong lúc nhiệt độ của cháu lên tới 41 độ. Họ không truyền nhưng lại không ngớt lời sỉ vả bà lão vô trách nhiệm với con cháu. Tại sao lại để đứa cháu đến tình trạng này mới đem đi cấp cứu? Bà không nói gì. Nếu thanh minh đây là đứa trẻ của bố mẹ nó đều là kẻ bụi đời, liệu bệnh viện có cứu cho cháu không? Thấy bà im lặng họ càng trút tất cả mọi sự cáu kỉnh, mọi bực bội lên đầu bà. Hỏi đến giấy tờ, hộ khẩu, sổ y bạ của cháu bé, cũng không có gì. Bà phải đem giấy chứng minh thư, giấy giới thiệu bà là tổ trưởng dân phố đi gặp đơn vị phòng không từ vài ba năm trước rồi kể thành tích phục vụ nước sôi cho các đơn vị bảo vệ Cầu Niệm cạnh bệnh viện Nhi Đức từ mười mấy năm trước để mong được thông cảm cho sự "cuống quýt" của bà.

— Thôi cứ cứu cháu đã, rồi chúng tôi xin trình bày sau. Lạy các bác, bằng cách nào các bác cứ cứu lấy cháu đã.

Khi hắn gửi xe đạp vào tìm chỗ hai bà cháu thì thấy người ta đang quát nạt, mắng mỏ bà như mắng một đứa trẻ. Mấy ông bác sĩ này quen với cái chết nhiều hơn là thân thiết với người sống, nên họ không mấy xúc động trước cái chết và lời van xin của người sống. Người ta cứ để bà ôm đứa bé chờ hơn một giờ sau, tức là đợi đến giờ "hành chính" trong một tâm trạng đau đớn của bà: "Cháu nó chết mất". Có lúc, bà đã nói buột nỗi đau đớn đấy ra:

— Xin các bác cứu nhanh, không cháu nó chết mất.

— Chết thì thôi. Ai bảo các bà đưa đến chậm.

"Đã chậm sao bác sĩ không cứu cháu ngay". Bà nghĩ thé, nhưng không dám nói ra mà chỉ van nài:

— Thôi xin bác sĩ cứu giúp cho cháu.

— Nhiệt độ cao không truyền được bà nhé.

Trong khi cháu bé thở gấp và nóng như hòn than, môi nứt ra mà bà chỉ dám cho cháu mút mút cái vú cao su nhúng vào nước. Nó như muốn nhai lấy, mà sức nó không thể nhai được.

Đến giờ "hành chính" bác sĩ bệnh viện trưởng cau mặt lại hỏi bác sĩ trực ở trong phòng:

— Ca này đến lâu chưa?

— Báo cáo, mới.

— Sao không cho truyền ngay?

— Báo cáo nhiệt độ cao.

— Hạ xuống mà truyền chứ.

— Nguy hiểm lắm ạ.

— Để tử vong thì đỡ nguy hiểm hơn à?

Ông cho lấy đá chườm và làm các biện pháp hạ nhiệt độ, đồng thời tiến hành truyền cho cháu và trao cho chủ nhiệm khoa, trực tiếp theo dõi tiến triển của ca này.

Mười một ngày bố con hắn nằm trong bệnh viện. Ngoài ba đứa em đưa cơm nước, các bà trong tổ nước sôi, bà con cùng ngõ lần lượt đến thăm. Người cho sữa, cho đường, người cho gạo, cho tiền... Nhìn thấy ai hắn cũng rơm rớm nước mắt cám ơn các ông , các bà. Ai cũng khuyên hắn ra viện tu tỉnh làm ăn mà nuôi con. Hắn đều hứa hẹn sẽ làm như thế. Nhưng rồi hắn vẫn ăn cắp tình thương yêu đùm bọc, ăn cắp lòng tin của mọi người. Hắn biết, hắn tiếp tục đi trộm cắp là phụ lòng bà con, nhưng hắn làm được gì khi không có việc gì để làm. Bốc vác hay đi gánh nước, bổ củi, nắm than thuê? Để con đang phải tiếp tục điều trị "tại gia" cho ai. Đi làm có đủ tiền thuê người trông con? Đạp xích lô hay đi buôn bán? Tiền lấy ở đâu ra? Còn gần một trăm đồng em gái mượn hộ để chi tiêu những ngày hai bố con ôm nhau nằm viện chưa trả được! Rồi lại phải mua xương ống về ninh với gạo, cà rốt, khoai tây, bắp cải, đỗ xanh vắt lấy nước hòa với sữa bồi dưỡng cho con, mỗi ngày tiêu hết hàng chục đồng. Lấy ở đâu? Bà con bán hàng ai cũng nguyền rủa con vợ hắn, thương cảnh hắn "gà trống nuôi con" mà lại là đứa con quặt quẹo. Ai cũng cho hắn chịu. Mỗi sang ra, chờ có người mở hàng xong là hắn đi "nhặt" bắp cải, cà rốt, xương ống, sữa, gạo... ở các bà bán hàng một cách tự nhiên. Rồi cả hắn và người bán đều nhẩm món nợ mỗi ngày cộng them nhiều lên. Giao hẹn với nhau xong, hắn xách các thứ ở tay, bế con ở vai về nhà nấu nướng, pha chế thức ăn cho con. Khoảng mười, mười một giờ trưa hắn bế con đi. Dưới con mắt của bà tổ trưởng và các cán bộ phường thì hắn đi ăn xin. Nhưng các bà bán hàng thì biết chắc là hắn đi ăn cắp. Chỉ có đi ăn cắp mới có tiền trả các món nợ của các bà. Biết vậy mà không ai ghét bỏ, không ai mách bảo với công an, chính quyền để ngăn chặn. Đơn giản là hắn đi ăn cắp của người khác chứ không ăn cắp của mình. Hắn lại có tiền để trả nợ và lại mua tiếp hàng để nuôi con. Tố cáo làm gì, ghét bỏ hắn làm gì! Các bà bảo: hắn phải trộm cắp nuôi con thế cũng là cực lắm. Nhưng hắn lại thấy nhờ có đứa con hắn, hắn ăn cắp được dễ dàng từ chợ Sắt đến bến Bính, từ chợ Cố Đạo, cửa ga đến chợ Lạc Viên, từ các cửa hàng bách hóa, hàng gạo, hàng thịt đến các xó xỉnh ở phía Cầu Rào. Chỗ nào gặp người quen hắn ngửa cái mũ mềm bộ đội vẫn đội trên đầu ra xin. Nếu không, hắn bế con bằng cánh tay chen vào chỗ đông, còn bàn tay thì một giơ chiếc làn đầy tã lót, chai lọ, vú sữa lên, bàn tay dưới móc túi hoặc dùng dao lam rạch túi khoác. Ngày nào cũng gần trưa đi, tám chin giờ tối về. Có hôm sớm hơn, thậm chí chỉ cần lấy được dăm bảy chục "đủ chi tiêu" trong một ngày là hắn bế con về. Thấy hắn hiền lành, lại không ai gặp hắn trộm cắp, cho nên nhiều bà con trong tổ nước sôi bảo độ này hắn tiến bộ hẳn lên. Nhưng đã có lần ở chợ Lạc Viên người ta đã túm chặt lấy cái tay rạch túi của hắn, hô hoán lên, xung quanh xô lại đánh hắn gãy một chiếc răng hàm nhưng hắn vẫn cố gục xuống lấy đầu che một bên, chiếc làn che một bên cho con hắn được an toàn. Một lần khác, ở cửa hàng ăn Hồng Bàng hắn đặt con vào làn trên một cái bàn ở góc nhà, rồi chen mua bia. Hắn móc túi. Người ta phát hiện, túm lấy hắn nhưng hắn giật tay chạy vọt được ra ngoài và "mất tích". Khi khách đang còn nháo nhác, hắn lại quay vào. Hắn sợ con hắn khóc hoặc ai bế mất nên hắn không thể bỏ đi được. Người ta nhận ra hắn. Đáng nhẽ phải chạy, thì hắn lại vội vàng nhảy vào góc nhà ôm lấy con để người ta xô lại đấm, đạp làm hắn ngã sấp mặt xuống sàn nhà mà con hắn thì vẫn được giữ trên tay. Có một người kêu thốt lên:

— Thôi thôi, bẹp đứa bé con bây giờ.

Đến khi con hắn lẫm chẫm biết đi thì bà tổ trưởng nước sôi buồn hẳn. Bà đã biết hắn đi ăn cắp. Không nỡ phê phán mà cũng không muốn gặp mặt. Cũng như những người bán hàng ở chợ Sắt, chợ Ga đều làm ngơ mỗi khi hắn bế con đến. Anh công an ở chợ Sắt cũng ngoảnh mặt đi "không trông thấy" hắn như trọng tài trong một trận bóng "không trông thấy" cầu thủ phạm lỗi phạt đền. Một hôm anh công an khu vực cùng công an chợ Sắt đến nhà hắn vào buổi tối. Anh công an chợ Sắt hỏi:

— Hôm qua mày lấy tiền của bà bán cá khô phải không?

— Vâng.

— Bao nhiêu

— Bẩy trăm năm mươi đồng.

— Để đâu rồi?

— Em mua sữa và quần áo cho cháu hết rồi. Anh nói với bà ấy cho em chịu.

— Sao mày không đi làm mà kiếm ăn? – Anh công anh chợ Sắt hỏi xong, anh công an khu vực bảo:

— Hay cậu đi thuê xích lô đạp, mình liên hệ xin miễn thuế cho.

Hắn xin:

— Cho em đợi một vài năm nữa cháu cứng cáp lên đã.

— Trông con mày thế, bắt mày không nỡ. Mà để mày cứ thế này không thể được. Tao đau đầu quá. Hay mày đi chỗ khác đi – Anh công an chợ Sắt nói. Anh công an khu vực ngồi im.

Nhưng quanh Hải Phòng chỗ nào chẳng có người quen, kể cả công an lẫn người dân, người buôn bán. Hắn không nỡ. Đành bế con đi Hà Bắc, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội. Dù có đi đâu và làm bất cứ việc gì, bốn năm sau dắt đứa con gái hơn năm tuổi trở về thì hắn vẫn là thằng ăn cắp trong trí nhớ của mọi người. Hai thằng em trai hắn cũng lang bạt: "Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường". Vừa đi làm hợp đồng hết cửa hàng này, ra cửa hàng khác, vừa đi ăn cắp theo nghề thằng anh. Tuy chưa thằng nào có án nhưng có chiều còn hung dữ, táo tợn hơn. Mọi người nhìn hắn với cái nhìn nhanh, nhạt cốt "vui vẻ" để nó đừng dây đến mình, rồi phải dè chừng, tránh nó ra. Mà không tránh được thì phải lo giữ thân, phải cẩn thận. Ba anh em hắn là ba đối tượng ai cũng phải để mắt tới. Gian phòng của hắn cũng thành "đối tượng" hai tư trên hai tư. Bất cứ lúc nào có động tĩnh gì: tiếng chó sủa, tiếng bước chân chạy, tiếng trẻ con đùa kêu ré lên, tiếng thùng gánh nước va vào nhau thì cử chỉ đầu tiên của bà con ở xóm, ở tổ là nhìn vào cái cửa chính màu xanh nham nhở và cái cửa sổ bằng gỗ thùng để mộc ấy khép hay mở, có ai ra vào, đi đứng gì ở chỗ ấy? Anh công an hộ tịch cũng đi lại "thăm nom" anh em hắn luôn và quy định: "Đi khỏi nhà quá hai tư tiếng đồng hồ phải trình báo". Thế thì hắn mất tự do quá. Hắn cũng có quyền làm một thằng người như mọi người khác chứ. Bà tổ trưởng nước sôi tuy bỏ nghề và thôi không làm tổ trưởng dân phố nữa, nhưng bà vẫn có chân trong ban quản trị của mười chín hộ trong số nhà của hắn. Bà bảo:

— Cô cứ ý kiến thế này. Cháu có giận cô cũng nói. Cháu chỉ lo mất tự do của cháu, cháu không lo người khác mất tự do à?

— Cháu làm gì ai cơ chứ?

— Cháu đã làm được gì để bà con dân phố tin là cháu "không làm gì ai". Từ hôm cháu mang con về, nói thật là, ngay cả cô cũng nơm nớp không yên. Hai em cháu ở nhà đàn đúm với đám xích lô, bốc vác, mọi người đã thấy ngại, lại thêm cháu về, người ta có ý hoảng đấy.

— Ai cũng coi cháu như kẻ giết người không bằng.

— Cháu không là kẻ giết người, nhưng cháu cũng chưa phải là người không thể làm việc đó.

— Thế thì cứ giết bố con cháu đi cho rảnh mắt mọi người.

— Cháu đã nói vậy, buộc lòng cô phải nói thế này. Cháu bạc lắm. Kể cả những ngày bố con cháu khốn đốn và ai cũng biết cháu còn làm việc khuất tất, có ai ruồng bỏ, sỉ nhục cháu, bỏ mặc bố con cháu không? Bây giờ cháu lại nỡ nói bà con khối phố như thế.

— Cháu xin lỗi cô. Không bao giờ cháu quên được ơn cô và các bác, các cô trong tổ dân phố.

— Không ai cần cháu phải ơn huệ làm gì.

— Nhưng cháu thấy như ai cũng được phổ biến phải đề phòng, cảnh giác với cháu.

— Thành phố mấy năm nay người ta gọi là "bung ra" cách làm ăn mới. Bung đây không phải là bung bét tóe loe, vung vãi rồi ai muốn làm gì thì làm đâu. Người ta bung ra là để cho việc làm ăn, buôn bán không phải tù túng phạm vi trong mấy thứ tem phiếu ở trong mấy cửa hàng mậu dịch. Ai muốn buôn bán ngược xuôi, ai muốn mở cửa hàng cửa hiệu, xí nghiệp sản xuất dịch vụ kinh doanh... gọi là đủ năm thành phần kinh tế. "Bung ra" nhưng nó lại quy củ nề nếp không tọa tệch nhơm nham như ngày xưa. Thật lòng, cô cũng không hiểu hết nó bung ra như thế nào. Nhưng cháu cứ xem đấy: Bây giờ muốn ăn cái gì, muốn tiêu cái gì, muốn mua sắm cái gì cũng dễ dàng, cũng nhàn hạ. Cháu cứ trông cái sông Lấp đấy. Ngày xưa hôi thối rác rưởi bẩn thỉu là thế, bây giờ vuông vức bốn bề xây kè đá, cây cối xanh tươi, dưới sông thì nước trong veo cứ gọi là soi gương cũng được. Rồi các con đường Cầu Rào, Cầu Niệm, Bến Bính, Xi măng mở ra quang lòa, xe cộ đi lại không phải kẹt tắc như cái cổ họng chết nghẹn nữa. Thành phố người ta làm sạch đẹp, gọn ghẽ thì con người cũng phải sạch sẽ, gọn ghẽ lại, chứ ai người ta phổ biến đề phòng với riêng cháu.

— Thế thì nạn trộm cắp?

— Chả đời thuở nào hết được nạn trộm cắp. Nhưng...

— Cháu thấy nó còn trắng trợn, liều lĩnh hơn rất nhiều. Càng lắm người giàu, càng nhiều thằng ăn cắp trắng trợn.

— Nhưng... cô chưa thấy ai đi ăn trộm, ăn cắp về làm giàu!

— Nó đỡ chết đói trong lúc không có công ăn việc làm.

— Đỡ chết được một đời. Lại giết chết vài ba đời sau. Cô nói chú đừng buồn. Không hiểu cháu nghĩ thế nào nếu mai kia, mà cũng chả đợi đến mai kia. Bây giờ đã khối người ta gọi con cháu là con thằng ăn cắp. Đã quyết đi ăn cắp thì đẻ con ra làm gì. Mà đã đẻ con ra, sao lại nỡ làm nhục nhã cả đời nó. Ngay cả đến con nó sau này cũng đã chắc không có người bảo là: Thằng ông mày là kẻ ăn cắp, chứ là cái thá gì.

— Thằng đi ăn cắp thì con cháu nó chịu nhục. Còn bố thằng ăn cắp thì vẫn là người nghiêm chỉnh, đứng đắn. Cháu muốn nói đến ông cụ sinh ra cháu phải không?

— Tại sao ai cũng bảo cháu phải có trách nhiệm với con cháu mà không ai đả động gì đến trách nhiệm làm cha của cha cháu.

— Không có cha mẹ nào lại mong con mình làm càn, làm bậy. Ông cụ cũng phải đau lòng lắm. Nhưng cơ bản là cháu đã lớn rồi, cháu phải tự lo liệu lấy cho cháu và con cháu.

— Cô bảo cháu bây giờ phải làm gì ạ?

— Cô cũng định hỏi cháu thế.

— Cô ơi. Cháu cũng không thể như thế này mãi. Cháu chỉ xin cô nói với bà con hộ cháu. Dù có chết đói nhăn răng, cháu cũng không tơ hào của xóm, của phường cái bát mẻ.

— Ai cũng lo và mong cho cháu thành người, đâu chỉ là chuyện đề phòng cháu trộm cắp của người ta.

Đấy là lần cuối cùng hắn ngồi nói chuyện với bà tổ trưởng "nước sôi" kiêm tổ trưởng dân phố. Mãi gần bảy năm sau trong nhà tù, hắn xem ti vi "quảng cáo" tin buồn hắn mới thần người ra nghe tin bà đã mất hồi... Lễ viếng hồi... Tang lễ hồi... Tự nhiên nước mắt hắn không sao kìm lại nổi. Hắn nhờ ban quản giáo đi đánh hộ bức điện hoa. Đấy là vòng hoa duy nhất viếng bà tổ trưởng do bưu điện mang đến với dòng chữ: "Bố con cháu Phạm Quang Núi đau đớn vĩnh biệt bà". Nó cũng là vòng hoa duy nhất mà các con cháu bà cùng bà con ở khu tập thể không hiểu chủ nhân nó là ai hoặc họ hàng, quan hệ công tác với bà như thế nào! Còn bà? Sau lần nói chuyện với hắn, bà dọn từ An Dương xuống khu tập thể mới. Chính bà cũng không biết hắn còn đi ăn cắp hay đã kiếm được việc làm? Bố con hắn sống ra sao. Còn hắn? Trước đây ỷ vào phải trông con bé con ốm, không đi gánh nước thuê, bổ củi, bốc vác hoặc làm bất cứ việc gì khác. Đến bây giờ con gần sáu tuổi hắn vẫn không làm được những việc đó. Đơn giản là nó nặng nhọc, vất vả nên hắn không quen. Mà lại ít tiền. Làm hùng hục cả tháng có khi không bằng chớp mắt một cái, đã có số tiền gấp hai ba chục lần như thế. Mà cứ ăn cắp mãi cũng không thể tránh được đòn hội chợ và tù tội. Đạp xích lô cũng vất vả. Cũng lại phải có tiền mới mua được xe. Tốt nhất là ăn cắp một vài lần kiếm đồng vốn đi buôn. Chỉ cần có vốn là bỏ nghề ăn cắp. Có vốn rồi, mua những đồ không thể thiu mốc, hỏng thối, sợ gì lỗ.

Trong biên bản hỏi cung và hồ sơ vụ án không ai ghi chép những nguyên nhân do hắn trình bày nhưng chính sự tính toán kỳ quái ấy dẫn đến quyết định lúc bốn giờ chiều mười ba tháng bảy năm 1987, hắn gửi con bà hàng xóm rồi đi chợ Sắt. Hắn lấy cắp một túi tiền được một trăm hai mươi chín ngàn đồng trị giá xấp xỉ ba chỉ vàng. Lấy rất nhanh. Dắt vào bụng rồi lững thững về. Đi đủng đỉnh như đi dạo chơi bên bờ sông Lấp gợn sóng lăn tăn và những chùm hoa phượng vĩ cuối mùa đỏ như những bó đuốc đốt trên đầu những đôi trai gái đang đứng bên bờ sông như đứng cạnh bể bơi dài tít tắp từ chân cầu Carông cũ đến tận nhà Triển lãm thành phố.

"Dạo chơi" về đón con ở nhà bà hàng xóm ra, trông thấy anh công an chợ Sắt đạp xe đến, hắn chột dạ nghĩ: "Có chuyện rồi". Anh công an tuy không phải người quen cũ nhưng nói năng với hắn như hai người đã hiểu rất tường tận công việc của nhau:

— Tiền để ở đâu rồi?

— Vẫn ở trong người ngày. Sao anh biết em lấy.

— Bà con bảo: Thằng "bế con" ngày trước nó lại về đây rồi. Nó vừa vào chợ.

— Không ngờ họ nhớ em dai đến thế.

— Đem con về rồi lên đồn.

— Có hai bố con. Em đưa cháu đi luôn. Nhưng để em đến trả bà ta, việc gì phải lên đồn.

— Không được. Bà ta đợi cậu ở trên đồn. Với lại, còn phải làm biên bản.

Về đến đồn, anh công an chợ Sắt giao cho người côn an trực rồi đi. Không thấy người đàn bà bị mất cắp. Trong phòng chỉ có hai anh công an và hai bố con hắn. Anh công an bảo cháu bé ra ngồi ngoài vỉa hẻ chờ. Hắn xin phép cho cháu ngồi lại đây cho mát.

— Nó quen việc làm của anh rồi à?

— Không ạ. Nhưng việc này tôi có bàn với cháu.

— Bàn thế nào?

— Là bảo cháu: bố phải đi xoay ít tiền để bố con mình buôn bán nuôi nhau.

— Thôi viết đi. Cứ kể trình tự việc làm của anh. Không cần viết câu vừa nói.

Viết xong tờ khai, anh công an đọc xong bảo: "Được. Thật thà". Việc tiếp theo là, hắn nộp lại tiền ăn cắp và anh công an viết giấy biên nhận cho hắn. Hai bố con dắt nhau về. Đói và buồn. Mới khởi đầu đã thất bại. "Thôi được, thua keo này". Đứa con gái hỏi hắn:

— Bố ơi, sao người ta đưa tiền cho mình rồi, lại phải trả lại người ta hả bố.

— Người ta lấy thì phải trả.

— Thế không có tiền đi buôn hả bố.

— Không.

— Ứ ừ... Thế lại nhịn đói à?

— Nhịn.

— Bố ơi, con đói lắm – Tự nhiên con bé khóc òa lên – Đi từ chiều đến tối mịt rồi, không được ăn gì.

— Mày có câm không?

Con bé im bặt. Nhưng nước mắt nó vẫn chảy và "ấc ấc", nó phải lấy tay bịt lấy miệng. Hắn thấy tội nghiệp con, liền dỗ bằng cái giọng của hắn:

— Bảo cố lên vài bước qua đường tàu rồi ăn. Chưa chi đã lèo nhèo, ai chịu được. Có đi được không, hay để cõng?

— Con đi được.

Ngỡ tưởng thế là xong. Không ngờ một tuần sau, hắn bị gọi ra tòa án quận. Phiên tòa chỉ có ông chánh án, hai thẩm phán, một người thư ký và hai bố con hắn. Đến cuối buổi lúc hắn ký xong vào bản ản mới có thêm bà mất tiền đến nhận đủ một trăm hai mươi chín ngàn đồng. Không có ai xem. Tòa cũng không hỏi nhiều. Căn cứ trên lời khai của hắn tuần trước ở đồn công an, cô thư ký phiên tòa: "Thể theo" "Căn cứ"... gì đấy. Sau hơn một tiếng đồng hồ cô đọc tội trạng của hắn. Ông chánh án hỏi:

— Anh có ý kiến gì không?

— Không ạ.

— Ký vào.

Hắn ký và nhận án hai mươi lăm tháng tù treo. Mười tháng thử thách.

Thế là... Xong lần thứ nhất chuyện ăn cắp lấy tiền đi buôn của hắn. Nhưng lại có người thẩm phán khác hỏi hắn:

— Anh thi hành án được bao lâu lại có hành động phạm tội để có mặt trong phiên tòa hôm nay.

— Thưa, được hai tháng mười lăm ngày.

— Anh có hiểu hành động như thế sẽ làm mức án tăng nặng rất nhiều so với bình thường?

— Dạ. Tôi hiểu.

— Đã hiểu vẫn cố tình phạm tội?

— Thưa. Tôi vẫn rất thèm có tiền để đi buôn.

— Buôn bằng tiền của người khác? Yêu cầu anh giải thích.

— Dạ. Thưa tòa. Nếu buôn được, có tiền tôi sẽ trả nợ người bị tôi ăn cắp. Tự nhiên một vài năm sau người ta thấy có kẻ mang tiền đến trả cả vốn lẫn lãi. Kẻ đó nói là cháu đã ăn cắp của bà hồi... ngày... tháng... năm... ở... Bây giờ cháu làm ăn được, cháu đem trả lại bà. Cháu xin lỗi và cám ơn bà đã cứu bố con cháu. Cháu chúc bà mạnh khỏe, may mắn. Chắc người ta không nỡ lu loa, tố cáo tôi.

Nghe hắn nói như kẻ tâm thần, hoặc đang nằm mê, hoặc đấy là sự quanh co lấp liếm nhằm lẩn tránh trách nhiệm. Người thẩm vấn không chấp nhận tình tiết này. Nhưng ông vẫn cho hắn nói tiếp về diễn biến sự việc. Nghe hắn kể, người dân thành phố có mặt ở phiên tòa nhớ đến một ngày đầu tháng mười năm 1987, lần đầu tiên gió heo may thổi hiu hắt trên tầng lá bàng già khô. Lác đã những cuộng lá bứt khỏi cành chao nghiêng xuống lòng vỉa hè còn lệt xệt cuốn theo gió đến sát chân tường mới dừng lại. Ở bờ sông Lấp phía bên kia, phía đường Nguyễn Đức Cảnh, những tán lá cây phượng vĩ vung ra những lá nhỏ vàng ươm như rắc xuống lòng sông Lấp lăn tăn cái màu vàng cuối cùng vĩnh biệt mùa thu để bước sang một mùa đông mới, khắc nghiệt và lạnh giá. Từ sáng tinh mơ của cái ngày hiu hắt ấy, hắn đã gửi con cho một người mợ để đem về quê ngoại: "Nín đi. Ngoan. Về với các ông các bà. Nhất định bố về đón con". Đấy là chi tiết rất có giá trị cho công tác điều tra nếu như họ không vô tình bỏ qua nó. Gửi con đi rồi, hắn rảnh tay hành nghề. Nhưng cũng phải trừ chợ Sắt "địa bàn" quen thuộc và phải bốn ngày sau hắn mới "cắt bọc, bê bom" được một túi du lịch ngoại của chị kế toán công ty phục vụ kinh doanh tổng hợp có chồng đi nước ngoài. Hắn nẫng lấy túi lúc trời nhá nhem tối, lúc chị vừa bước xuống xe đạp xếp hàng mua vé qua phà Bính. Hắn xách túi tiền điềm nhiên đi quay lại. Đến trước cửa nhà ngân hàng thành phố, bên một gốc cây tối, không ai để ý. Hắn nhanh chóng kiểm soát chiếc túi. Có rất nhiều thứ nhưng hắn chỉ lấy trọn năm bọc tiền là nằm trăm ngàn, sau lại kéo khóa cẩn thận, để nó ở gốc cây như ai đó bỏ quên rồi ra đầu đường Hoàng Văn Thụ gọi xích lô ra ga lên tàu đi Hà Nội. Người chủ của chiếc túi lên đến bến phà bên kia mới biết bị mất cắp. Chị cuống quýt dẫy nẩy như người dẫm phải đinh nhưng cứ phải chờ xe, chờ người lên đầy phà mới quay về. Có lẽ đến lúc tàu Hải Phòng – Hà Nội bắt đầu chuyển bánh chị mới làm thủ tục khai báo xong. Khi anh công an bảo: "Chị cứ yên tâm..." thì chị ứa nước mắt quay ra hớt hải đạp xe đến nhà bạn bè để cùng nhau đi kiếm, đi nhờ cậy chỗ quen thuộc giúp chị. Có đến mấy chục người cả công an, bảo vệ, các tổ dân phòng và bạn bè đi tìm dấu vết chiếc túi. Nhưng không ai nghĩ đến cái gốc cây nếu đứng từ phía nhà ngân hàng nhìn ra vườn hoa ở phía bên phải, ngay cạnh đường, ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng lại không ai tìm thấy. Mãi mười giờ sáng hôm sau một ông già đạp xích lô mới báo cho công an biết có một chiếc túi rất khả nghi ở gốc cây, ông đã nhìn thấy từ sáng. Chị nhận được túi của mình ở đồn công an lúc hai giờ chiều. Nếu theo cách tính chi ly của nghề kế toán thì chị đã mừng được đến bốn phần năm, tức là tám mươi phần trăm. Bao nhiêu giấy tờ, sổ sách, thư từ không thể công bố đều còn nguyên vẹn. Năm trăm ngàn đáng giá một cây vàng, cũng là sót nhưng với gia tài một biệt thự hai tầng có vườn cây ở cách bến Bính quãng chừng nửa cây số, chồng lại đang ở Đông Âu và với nghề kế toán của mình, chị chẳng làm ai, kể cả các anh công an cũng không mấy xúc động trước vụ mất cắp "hai mươi phần trăm" của chị. Tuy nhiên, với người làm trật tự xã hội, vụ mất mát thiếu hụt không phẩy một phần trăm cũng là dấu hiệu cần phải xem xét, theo dõi và cảnh giác với nó như bác sĩ cảnh giác với vi trùng trong rổ rau sống bên cạnh nồi riêu cua màu mỡ vàng vậy. Ngay nửa đêm hôm đó theo mức độ trình bầy của chị, người ta đã cho rà soát lại toàn bộ đối tượng và nhận ngay ra sự vắng mặt của bố con hắn. Hắn đã tính toán khôn ngoan "trừ chợ Sắt ra" nhưng lại không biết bến Bính vẫn là của thành phố này. Chỉ cần động một cái, ở bất cứ chỗ nào trong thành phố xảy ra chuyện gì, việc trước tiên hắn nằm ngay trong diện người ta phải "ưu tiên" để ý đến. Mười hai giờ đêm ấy hắn vẫn chưa về nhà, hai chiến sĩ trinh sát ngoại tuyến được cử về quê ngoại của hắn, cùng việc đi Hà Bắc là những nơi có nhiều khả năng lẩn trốn của hắn. Đến tờ mờ sáng biết chắc chắn hắn không về đấy, hai chiến sĩ trở về Hải Phòng, họ vô tình không để ý đến đứa con của hắn đang sống ở quê. Vì thế, không biết lời hứa của hắn với con: "Nhất định bố sẽ về đón con".

Lúc mười giờ hôm sau tìm thấy túi, hai trinh sát tối qua lại tình nguyện đi Bắc Giang. Nhưng như đã nói ở trên kia, mức độ sự việc còn lại không đến mức thành phố phải cử người đi mọi nơi tìm cho ra thủ phạm. Tuy nhiên, tên hắn và con số năm trăm ngàn vẫn nằm trong "bộ nhớ" của các chiến sĩ công an thành phố cho đến...

Lên Hà Nội. Hắn bảo: Rượu bia, chè thuốc, cà phê hắn không nghiện gì. Chỉ nghiện mỗi gái. Nhưng có đồng tiền lại không thiết đến nó. Tu chí làm ăn nuôi con đã. Nghe ngóng, dò hỏi về quê, một tuần không thấy động tĩnh gì, hắn mua ba bao tải quần áo cũ sau này gọi là quần áo siđa, chè Thái, măng, thuốc lá Bông Sen, mì tôm, đường, sữa, cá khô có đến mấy chục bọc nhét vào ba bao tải và chiếc balô con cóc trên lưng với ba túi xách ở tay. Xuống ga, thuê xích lô chở về chợ Đồi cách nhà cậu mợ hơn một cây số, chỗ chiếu phim ngày xưa, Hiền rủ hắn đi xem. Rải áo mưa ra giữa chợ bày đủ "thập cẩm" lên đấy ngồi bán. Phải nói, hắn là người bán hàng có duyên. Chỉ dăm ngày sau đã hết bay, lãi bạc trăm, hắn lại đi Hà Nội lấy hàng. Hơn một tháng sau thì hai ông cậu họ xin cho hai đứa theo "hầu hạ" hắn. Hắn béo, đỏ ra. Con gái đi học lớp mẫu giáo. Tết hắn gửi về cho em gái một trăm đồng nói là anh đang buôn bán ở biên giới Lạng Sơn gửi về (tốt nhất là không nên nói gì với ai). Hai thằng em trai thì thằng út được chị Biển nhờ người giúp, chạy đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô. Thằng kia, theo người ra Đồ Sơn trốn đi Hồng Kông không biết sống chết ra sao. Thôi cũng là cái số. Biết thế nào. Bố con hắn được ăn một cái tết đàng hoàng, trong niềm hãnh diện nhưng mà buồn. Nỗi buồn giăng như mưa phùn mờ mịt dâng lên trước mặt hắn từ phiên chợ 23 tết, ngày ông Táo lên trời. Trong chen chúc, xô đẩy, người mua, người bán, người đi lại, hắn vẫn thoáng thấy bóng cô Hồng. Lập tức, bỏ đống hàng cho các em, hắn xô đi, chen lấn đuổi theo cô. Hắn gọi. Cô như không nghe thấy. Hắn dấn lên, nhưng mỗi lúc hắn càng xa cô hơn. Cô có nhận ra hắn không? Thực ra, cô có biết hắn về đây, ngồi chỗ này hàng tháng nay rồi? Cô không thể gặp lại hắn? Không muốn gặp thì dẫn diệu qua mặt hắn làm gì? Thế mới là đàn bà. Trong ý nghĩ nông cạn của mình bao giờ họ cũng muốn làm rối tinh rối mù lên để cho những thằng đàn ông nóng nẩy bộp chộp không biết đường nào mà lần và nếu nhậy bén một cách hấp tấp chiều theo ý họ, bao giờ cũng phạm sai lầm. Nó giống như họ muốn anh múc cho họ một gáo nước rửa chân ở vũng nước trong trước mặt thì bao giờ họ cũng quấy đục vũng nước ấy lên với một niềm thích thú hồn nhiên và hãnh diện một cách ngu xuẩn, khuấy đục lên rồi mà lại nũng nịu: múc nước cho em đi. Anh chả yêu em gì cả. Kẻ có tư chất đàn ông phải biết lạnh nhạt, vuốt ve trong một trạng thái bình thản không mảy may xúc động và phải biết quyết đoán phía trong những lời nói, cử chỉ âu yếm một cách giả dối, để đợi đến lúc nước trong, thì chỉ cần vớt lên vài giọt cũng làm cảm động cả một đời người con gái. Còn anh thành thật "rút ruột rút gan" xăng xái làm thỏa mãn đòi hỏi vô cùng của đàn bà thì bao giờ cũng đem lại kết quả là con số không, hoặc ít ra cũng xoắn vặn đời anh như một con số tám.

Đúng là như thế. Cái hình ảnh lúc này như một "chứng cớ" thật. Khi hắn đi nhanh thì khoảng cách giữa cô và hắn xa ra. Còn khi hắn gần như chán nản muốn quay lại, khoảng cách hai người lại ngắn hơn. Và, cuối cùng hắn cũng gặp được cô. Như là bất ngờ, cô reo lên:

— Núi hả? Về đây lâu chưa? Có khỏe không?

Giá như cô sầm mặt lại và lăng nhục hắn, kẻ sở khanh, một thằng lưu manh hèn nhát thì hắn còn thấy một cái gì đấy, sự day dứt, đau đớn ê chề, một cái gì đấy vẫn còn giằng níu giữa hai người. Sự vồn vã của cô ngay tức khắc dập tắt sự hồi hộp đang bừng bừng dâng lên chín đỏ hai vành tai hắn, người hắn lại lạnh đi. Cô bảo:

— Tối rỗi đến Hồng chơi: Vẫn ở nhà cũ đấy. Hồng có việc rất muốn nói với Núi.

Cô đi rồi. Hắn vẫn đứng ngẩn ngơ. Việc gì đấy. Hắn lại thấp thỏm chờ cho đến tối. Trong khoảng thời gian từ trưa đến tối là vô cùng dài, hắn đã dò hỏi người làng cô, biết được cô đã có chồng. Lấy được hơn một năm nay. Chồng cô là một công nhân ngoài mỏ Tràng Bạch đã về hưu, hơn cô khoảng hai mươi hay hai nhăm gì đó. Sau khi bà vợ chết, ông đã nuôi bốn đứa con, dựng vợ gả chồng cho chúng xong xuôi ông mới về hưu và lấy vợ. Ngày ngày ông ở nhà trông vườn, nuôi mấy con lợn và cơm nước cho vợ đi chợ, con gái vợ đi học. Nghĩ đến cảnh vợ chồng cô và lời cô dặn: "Có việc rất muốn nói" trong người hắn lại nhen lên những ý nghĩ đen tối về mối quan hệ tình cảm giữa hai người. Điều đó đối với cô cũng rất có thể xảy ra. Sự tan nát cuộc đời hắn trong suốt sáu năm qua đã xoa dịu nỗi đau đớn mất mát của cô. Những khinh bỉ tởm lợm của cô đối với hắn cũng được xóa mờ đi. Cũng đã đôi ba lần cô nghĩ đến hắn, nghĩ đến sự cứu vớt cuộc đời trộm cắp tù tội của hắn. Nhưng không đời nào cô lại chủ động điều đó. Hơn nữa, hắn với con vợ mất dạy của hắn ra sao. Biết đâu lúc nào đó vì đứa con, cũng có thể vì một thủ đoạn nào đó, nó lại dẫn xác về với hắn? Hắn lại là kẻ nhu nhược rất hèn chứ có mạnh mẽ gì mà dựa dẫm. Cuộc đời cô cũng đã hết nước mắt khóc cho nỗi đắng cay rồi! Sự gá thành vợ chồng với ông già cốt để cho yên ổn như đũa có đôi, để khỏi mệt mỏi mỗi khi cả làng quan tâm giúp cho cô "đi bước nữa". Thật lòng mà nói, trong hoàn cảnh của cô, nếu gặp hắn ở Hải Phòng hoặc ở bất cứ một nơi nào khác, trong một điều kiện nào đó chắc chắn hắn với cô không thể nào tránh được "khuyết điểm". Nhưng đêm nay, ở nhà mình cô thực sự là người vợ kiểu mẫu trong sự tần tảo thủy chung vun đắp gia đình đầm ấm.

— Em giới thiệu với anh: Đây là Núi, người yêu cũ của Hiền bạn em. Anh biết chuyện của họ rồi đấy.

— Mình thấy các cậu kém quá – Người chồng của cô nói: – Các cụ già phong kiến không phải lối đã đánh, các cậu có đoàn thể, chính quyền, luật hôn nhân và mọi thứ ở quanh mình lại chịu ngậm đắng nuốt cay mà chia lìa nhau.

— Ngày ấy nó khác anh ơi. Ngay bây giờ tuy có "thoáng" hơn nhưng họ hàng, "dây mơ rễ má" ở vùng này vẫn khó lấy nhau lắm, ông anh không nói giỏi được đâu.

— Vẫn là do mình hết. Mình quyết định tất.

— Vâng, anh của em giỏi rồi. Thôi, đi pha nước hộ em mời khách đi. Em hỏi Núi chuyện riêng một tí – Nói là chuyện riêng nhưng khi chồng cô chưa kịp quay đi lấy nước pha trà cô đã hỏi: – Ông có biết hoàn cảnh của mẹ con Hiền hiện nay không?

— Từ sáu năm nay – Hắn nhìn cô như muốn nói: "Từ ngày chúng mình sống với nhau, em nói với anh, rồi từ đấy anh có biết gì nữa đâu." – Nhưng cô nghiêm mặt lại đỡ cho hắn:

— Không biết tin tức gì từ sau năm nay chứ gì?

— Không.

— Ông cụ mất, bà cụ lòa ngồi một chỗ cũng không biết?

— Có nghe ai nói gì đâu.

— Vô trách nhiệm quá.

— Người chồng pha nước, mời hắn xong, ý tứ đi ra ngoài. Cô hỏi hắn giọng nhỏ lại:

— Ông có biết gì thằng con trai của ông không?

— Mình có thằng con trai?

— Đừng giả vờ nữa.

— Thật lòng. Mình không hề biết gì.

— Vẫn cố tình chối hả?

— Mình thề... với Hồng...

— Thôi, đừng thề bồi nữa. thế, khi Hiền nó "bị" nó nói với ông, ông còn nhớ không!

— À có. Chuyện ấy mình biết.

— Đồ khỉ gió nhà anh. Thế có chửa rồi, không đẻ để làm gì?

— Trước đây Hồng nói... Hiền đi lấy chồng.

— Thì lấy chứ sao. Nhưng mới hơn năm tháng đẻ con nó không nhận. Van lậy mãi nó mới đồng ý đứng tên khai sinh là bố đẻ của thằng bé với điều kiện cả hai người cùng ký tên xin ly hôn. Nhưng ngày ấy bà cụ mang con gái và cháu ngoại về ở với ông em giai ở lâm trường gì đấy tận phía tây Quảng Bình. Mẹ cũng ngậm đắng nuốt cay cùng chịu nỗi đau đớn tủi hổ với con gái. Một năm sau Hiền xin đi làm kế toán cho lâm trường. Cụ vẫn ở lại trông con cho nó. Bà trông cháu đến khi nó đi lên huyện học lớp bẩy mới về ngoài này. Ngần ấy năm giời không hé rang nói với ai nửa lời, trừ Hồng. Cụ bảo con Hiền nó dặn: Mẹ nói tất cả với con Hồng để nó hiểu cho con và có điều kiện nó xem anh Núi như thế nào. Nhưng mẹ cũng bảo Hồng nó không được nói cho ai biết, trừ khi Núi muốn biết sự thật về Hiền.

— Hiện giờ... Hiền...

— Nó vẫn ở vậy nuôi con. Thằng bé học rất giỏi. Nghe đâu nó đang học ở trường đại học Thương mại hay kinh tế gì đấy ở Hà Nội. Nghe cụ nói, thằng cháu nó về thăm bà. Nó bảo nó ra trường kiếm việc làm ở miền Bắc, mẹ nó sẽ xin về hưu ở với nó.

— Liệu bây giờ tôi đến thăm cụ?

— Đến đi. Cụ không giận nữa đâu. Cụ bảo em trai cụ và bao nhiêu người mắng hai mẹ con cụ về chuyện ra đi mù quáng, theo một phong tục dở hơi, không phải lối.

— Thế thì tôi xin ở đấy trông nom cụ.

— Bậy. Nói thế, nhưng cụ vẫn phải dấu mọi người trong làng, không thể phô chiềng ra cho cả làng, cả tổng nghe chuyện này được đâu. Vì thử mai kia anh chị có muốn về với nhau thì cũng mang nhau về Hải Phòng mà ở chứ không ở đây được, hiểu không?

Liệu có bao giờ được như thế không? Hắn lại có Hiền? Lại có thêm một thằng con trai? Cả hai mẹ con cô, cả hai bố con hắn, cả bốn người mang nhau về Hải Phòng sống trong một căn hộ mười sáu mét vuông lúc này đang bỏ không? Ôi chao, chuyện ấy nó xa xăm, mờ mịt và buốt lạnh như lúc bước ra khỏi cửa nhà Hồng. Hắn đi liêu xiêu trong mưa phùn và gió bấc thổi hun hút vào tận nỗi tái tê của hắn. Dù hắn có biếu cụ được một trăm đồng với chiếc áo bông và cụ an ủi hắn: "Thôi cũng là cái số kiếp..." thì ba ngày tết và cái tuần lễ tiếp theo hắn vẫn bâng khuâng trong một hy vọng như là hão huyền, như là trong cơn mê. Hắn tin là con người ta có số. Nhưng số hắn rồi sẽ đi đến đâu? Có số nào cứ trộm cắp, tù đầy hết cả một cuộc đời không. Nếu có, cái số kiếp ấy thì hắn đang cố cưỡng lại nó. Đã sang tháng ba. Vẫn chưa nghĩ được cách nào và phải làm những gì để hiểu được Hiền và con có cho phép hắn gặp? Thôi, hãy tạm xếp lại. Công việc ấy còn phải lo cả tháng, cả năm, cả nửa đời người còn lại của hắn. Trước mắt, muốn hay không vẫn phải tính đến lời lãi, đắt rẻ của từng ngày, từng buổi. Thấy êm êm, hắn đã dự định từ hồi ra giêng là sẽ quay trở về Hải Phòng. Cũng không biết có phải từ gợi ý của Hồng "Hai người mang nhau về Hải Phòng mà ở" để hắn quyết định chuyến này về Hải Phòng mua hàng? Về để xem nhà cửa thế nào! Về để gặp lại bà con bảo rằng: "Cháu đang làm lại cuộc đời đây". Thôi không đi, ngày mai. Ngày mười bẩy ta xấu lắm. Đã nhẩm tính thế. Không hiểu sao lại cứ đi. Rồi tự nhiên hôm trước lại mang về cho con rất nhiều thứ, đường, sữa, bánh quy, quần áo và nói gở "Nếu bố không về, con ngoan, chịu khó học nhé". "Sao bố lại không về?" – "À à...bố quên. Nếu hàng nhiều bố chưa về kịp ngày mai..."

Ba anh em vẫn ba đòn gánh buộc bao tải ở đầu đi về phố Phạm Hồng Thái. Gặp bao nhiêu người. Gặp bao nhiêu người. Ai cũng mừng "Thôi làm lấy mà ăn cháu ạ". Nhiều bè bạn hẹn: Cứ ra đây mà lấy hàng, thiếu tiền bác cho chịu. Cố tu chí mà nuôi con.

Mua kẹo bánh, quần áo, mì tôm và hàng chục mặt hàng khác xong, đóng vào bao tải để hai thằng em trông, hắn vào chợ sắt mua cá khô. Tự nhiên có tiếng gọi rất to:

— Núi! Núi!

Hắn giật mình quay lại thấy hai người mặc quần áo thường, đút tay vào túi quần. "Các ông ấy còn nhớ món nợ của mình đây".

— Biến đâu mà lâu thế?

— Em về quê.

— Món tiền bến Bính tiêu hết chưa?

— Em dùng nó để mua hàng. Em có sổ em cho nợ và người ta nợ em đây.

Một anh công an cầm sổ xem rồi nói:

— Mày dùng số tiền ấy để thay đổi cuộc đời thế là mày có chí đấy. Nhưng luật pháp là luật pháp. Ai cũng phải theo nó, chứ nó không theo cảnh ngộ của từng người. Trong tất cả những lần "nợ" của mày cộng lại là triệu sáu đúng không .

— Cũng vào khoảng ấy.

— Bây giờ đã giả được hết chưa?

— Nếu bán tất cả vốn, lẫn lãi khả năng của em trả được một triệu. Cho em xin sáu trăm.

— Không ai người ta cho đâu.

— Thì em xin khất, chạy giả dần vậy.

— Thôi được. Cứ về đồn rồi mày trình bày.

Hắn dặn hai thằng em mang hàng về và vay mượn một triệu lên giả nợ cho hắn. Về đến đồn, hắn nhờ anh công an nhắn giúp em gái hắn. Khoảng chín giờ tối em gái hắn đến khóc lóc, kể lể tưởng anh đã đi làm ăn chân chính. Hắn phải cau mặt mắng em:

— Đã biết đầu đuôi thế nào mà làm ầm lên. Đây là nợ cũ từ trước, đâu phải hôm nay anh sai phạm.

Hắn kể cho em nghe những khả năng có thể xin, có thể chịu, lại có thể phải trả hết ngay lập tức. Em có chạy vạy độ sáu trăm gì đấy. Cô em chỉ ậm ừ vâng dạ chứ không dám nói là bạn bè nhà giáo của cô vay nhau đến vào ba chục đã khó, lấy đâu ra dăm sáu trăm ngàn lúc này. Anh công an trực xui anh em hắn:

— Trường hợp của cậu, nếu có ai đó trong gia đình làm đơn trình bày, có phường xóm chứng nhận và đề nghị thêm để cấp trên xem xét, may ra được giảm ít nhiều.

Hắn rối rít cảm ơn anh công an rồi bảo em về viết đơn xin nhận thực của tổ dân phố và phường.

Cô em về không làm đơn mà tìm đến cha. Cô biết cha mình chơi với bố vợ ông viện trưởng Viện kiểm sát quận, có thể giúp việc này là hiệu quả nhất.

Gặp cha, cô rất mừng vì chưa lần nào cô chứng kiến cha quan tâm đến anh mình như thế này. Ông nghe rất chăm chú, hỏi cặn kẽ, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ trong suốt sau bẩy tháng qua anh cô đi những đâu, làm gì. Cuối cũng ông nói, giọng nói của ông vẫn đều đều:

— Để cậu gặp trực tiếp ông Viện trưởng viện kiểm sát.

— Cậu ơi, cậu cũng chỉ có ý kiến giúp anh con một lần này nữa thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro