Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cha hắn vừa như một cái đồng hồ, lại vừa như không. Giống ở chỗ: Năm giờ sáng dậy, tập thể dục, đánh răng, tắm, pha một ly cà phê uống, hút một điếu Bástô, thay quần áo, xách cặp ra khỏi cửa. Bước một chân xuống đường: Đồng hồ đánh sáu tiếng chuông. Ông đi bộ. Đi rất khoan thai và đều đặn, bất kể là trời mưa hay nắng. Nắng đội mũ phớt, mưa che ô.

Chiều. Ông bước vào cửa: Đồng hồ đánh một tiếng chuông báo năm giờ rưỡi. Thay quần áo. Tắm. Chải tóc xong ngồi vào salông hút một điếu Bástô. Đồng hồ đánh sáu tiếng, ông vào bàn ăn. Sáu rưỡi đọc báo. Bẩy giờ: Vào phòng anh Ý dạy tiếng tây. Tám giờ rưỡi về phòng đánh răng, đi bách bộ. Chín giờ kém mười lăm nghe rađiô. Chín giờ ba mươi buông màn, tắt đèn, ngủ. Cái chu trình sống của ông không hề sai lệch một phút. Nó đều đặn chính xác như chiếc đồng hồ quả lắc trên tường trong phòng của ông. Nhưng ông khác nó ở chỗ từng nửa giờ có đánh chuông và nghe tiếng tích tắc từng giây, còn ông, ngoài giờ dạy cho anh Ý hoặc những lúc buộc phải quát lác, gọi hỏi, có khi cả tuần ông không nói một câu gì. Không ai đoán biết trong những ngày tháng ấy tâm trí ông để vào đâu? Những thăng trầm trong chức tước, lương bổng? Tính toán chi tiêu nuôi  vợ đẻ, con thơ? Những nhớ thương, buồn, trước một gia cảnh đã bị cắt chia. Thằng cả, thằng hai đi với sở Tây vào Nam, thằng tư làm thông ngôn cho lính lê dương cũng vào Nam. Thằng ba theo vợ lên tận Mộc Châu làm kỹ sư nông trường nuôi bò sữa. Bốn người con lớn thì ba người ra đi không một lời từ biệt, không biết tung tích sống chết, sướng khổ ra sao! Nghe đâu ông phải làm tờ khai và nhờ người xác nhận. Thế là một gia đình tan nát một nửa. Cái tầng trên, một thời êm đềm sang trọng đã tự giải tán, một phần xuồng tầng dưới, hai phần đi biệt tăm. Ông hiến toàn bộ tầng trên và phòng lớn ở tầng dưới cho Nhà nước. Phòng ấy đã được thưng cót làm đôi để chia cho hai gia đình cán bộ mới vào tiếp quản. Có thể ông lo nghĩ buồn rầu về tất cả những cái đó. Cũng có thể ông chả nghĩ đến ai, lo loan việc gì. Được mấy tháng yên sóng, lặng gió đến bây giờ ông lại lặng ngắt như một người hàng xóm ngặt nghèo. Mục đích của ông là phía trước. Phía trước của ông là anh Ý. Phía trước của anh Ý là học, học giỏi, học cao. Dường như ông có hai loại con, trước mắt là thế. Một loại là kết quả của sự tương hỗ cân bằng của cha và mẹ được tính đếm cân đo kể cả khi tình yêu đã thành lửa. Một loại, do đòi hỏi nhất thời, hoàn cảnh nhất thời, tình huống và điều kiện nhất thời mà sau đó buộc phải trở thành vợ chồng. Trường hợp mẹ hắn là một ví dụ. Trong khi bà cả đẻ cậu út đang phải kiêng cữ thì sự dư thừa trong cơ thể ông không thể kìm hãm trước con ở mười chín tuổi có đôi mắt như đốt cháy người khác. Cả bộ ngực như vút lên. Cả đôi môi đang thời bừng dậy rừng rực đốt hết sự lạnh lùng của ông. Rồi... đến khi "nguy hiểm" đang đầy lên trong cơ thể của cô, ông cho cô hai mươi đồng để về quê. Bà cả sợ bẽ mặt, mất hết danh giá và nghĩ tội nghiệp cô. Bà nhất quyết cưới cô làm vợ hai cho ông. Ăn ở với nhau đến lúc nhàm chán ông mới thấy nó cách biệt quá. Húp nước canh thì thùm thùm như lội nước. Chân rửa chưa khô đã xéo lên chăn đệm. Tay nấu bếp chưa rửa đã vạch áo cho con bú... Tình cảm trong người ông bỗng chết lặng đi. Thành ra, cái "danh giá" của người có học thức cao sang ông phải giữ, để riêng ra, ông để nó ở trên tầng trên, còn cái hạ đẳng tầm thường, lúc "cần đến" vào giữa đêm tối vắng vẻ không ai nhìn thấy ông mới ban xuống. Khốn khổ cho đám đàn bà, càng ngu càng nhạy bén làm ra kết quả mà ông ban phát. Mụ đẻ ra, không bỏ đi được. Không thêm được gì cho cái gia đình bề thế của ông, ông đành phải chấp nhận. Ông coi chúng là những đứa con loại hai. Cho nó cái để tồn tại chứ không hy vọng gì nó. Nó có tương lai gì mà vọng.

Nhiều năm sau này hắn nói với ban quản giáo rằng:

— Thưa ban, con biết bố con không quý anh em con bằng các anh con mẹ cả. Nhưng công bằng mà nói, chúng con cũng được chút ảnh hưởng.

— Và cũng nhiều lúc ông ấy lo toan cho các cậu, đối xử tuy nghiêm khắc nhưng cũng có trách nhiệm với các cậu?

— Dạ, thưa ban, năm 1958 mẹ con được vào làm phụ động của Công ty phục vụ ăn uống. Một năm sau được vào biên chế và cuối năm thành chiến sĩ thi đua. Anh Ý là học sinh giỏi. Con cũng giỏi. Thế là bố con mát mặt. Gia đình con được êm ấm.

Có thể cuộc đời của hắn bắt đầu từ đấy chăng?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro