dội

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

vào độ những năm 1976 - 1977 khi đất nước đã thống nhất, ngoài hầu hết lính đã được trở về gia đình, còn nhiều bộ phận khác được chỉ định ở lại trực sẵn và đợi lệnh, một số khác đã hy sinh nhưng chưa thể báo được cho gia quyến. tiếng chuông xe đạp xé tan cái bầu không khí làng quê thường mang hai ý nghĩa. hoặc là một lá thư từ nơi đơn vị đóng quân báo rằng bản thân vẫn ổn, chờ ngày đoàn tụ. hoặc là một tờ giấy vàng thậm chí rách mép vì quá trình vận chuyển, trên giấy chỉ gồm ba chữ được in bằng loại mực rẻ tiền mờ loè, "giấy báo tử".

và thế là mỗi khi màn chiều buông xuống, người thân ở hậu phương mà đa số là các bà các mẹ lại rủ nhau đứng ở gốc cây đa đầu làng, nhẩn nha giúp nhau tết những lọn tóc đen tuyền mềm như suối, rồi lại vẩn vơ mấy câu hát xoan, chầu văn. chẳng phải là thú vui văn nghệ như mỗi lần họp hợp tác xã, chỉ là họ đang muốn át đi sự hồi hộp nơm nớp khi chờ một lá thư, hoặc là một tin mừng, hoặc là một tin xé ruột xé gan.

thôi nhiên thuân phanh từ từ chiếc xe đạp cũ kĩ của mình khi tới gần đám phụ nữ trong làng. chiếc xe này đã theo anh từ cái dạo còn đi thồ gạo nuôi cán bộ đỡ đần cho u, rồi lại xếp xó khi anh khoác balo ra chiến trường. giờ đây nó trở thành phương tiện giúp anh lên huyện nhận thư để đến chiều lại lóc cóc men theo con đường bé xíu về báo tin cho làng mình. so với đồng đội thì nhiên thuân vẫn còn may mắn chán khi chỉ bị bắn hai phát vào chân khiến mỗi khi trái gió trở trời lại thấy đau nhức đến váng người. ít ra, thân xác này của anh vẫn còn có thể lê lết sau bao năm chinh chiến ngoài kia để về đến quê cha đất tổ. không mong gì nhiều khi sức lực hạn hẹp chẳng đủ để làm nông, anh chọn công việc đưa thư, mỗi tháng dăm ba tem phiếu đủ gạo đủ thịt đủ mắm muối để sống đến hết đời.

suy cho cùng thì ấy vẫn là một người đàn ông ngoài ba mươi, dù sương nắng đã thấm đẫm tới mức chai lì từ mái tóc, làn da đến dáng vẻ nhưng vẫn không át được vẻ cương trực của một người lính. thôi nhiên thuân được nhiều người yêu quý, già trẻ gái trai đều như thế, đương nhiên không loại trừ việc trở thành đối tượng cho vài cô thiếu nữ lỡ dở tuổi xuân thì vì người yêu đã hy sinh ngoài chiến trường. dẫu vậy, nhiên thuân chưa từng một lần tính tới chuyện lấy vợ, là bởi anh còn đang chờ, chờ đến ngày chính bản thân nhận được một lá thư từ người mình yêu.

"nhiên thuân, chờ em nhé, em sẽ trở về."

trận chiến mậu thân 1968 anh và người yêu mỗi người một hướng. đơn vị chia làm hai nửa, một bên ở lại chờ lệnh tấn công, nửa kia trở về miền bắc để bảo vệ mảnh đất chủ quyền. lệnh trên ban xuống không thể không tuân theo, thôi nhiên thuân đành tiễn biệt người yêu trở về phương bắc. hai người trao nhau những cái hôn vội vã dưới tiếng bom dội vang. thời chiến chẳng thể có liên lạc với nhau, họ chỉ kịp đưa cho người kia lọ penicillin bé xíu nhét vừa mảnh giấy ghi thông tin bản thân ở bên trong phòng khi tử trận có thể báo về cho gia đình. lọ thủy tinh cũ mèm, mảnh giấy cũng đã ngả về màu thời gian, thậm chí có những lúc vành thủy tinh mong manh muốn vụn vỡ hết đi rồi nhưng nó vẫn luôn được anh giữ bên mình. chỉ là khác cái tên, họ đã cùng ghi một địa chỉ, và để tên người kia là người thân.

trận đánh phá bom b52 trên bầu trời hà nội năm 1972, thôi nhiên thuân bị trọng thương nặng đến mức tưởng chừng sẽ phải hi sinh. khi ấy, anh vẫn nhớ hình bóng của người kia và ước hẹn cùng nhau quay lại đột ngột hiện lên trong tâm thức như tiếp thêm sức mạnh giúp anh gắng gượng sống dậy. dù may mắn thoát chết nhưng nhiên thuân buộc phải trở về sở chỉ huy, kết thúc cuộc đời người lính. ở cái thời loạn lạc này người ta chẳng có gì ngoài một niềm tin son sắt, và nhiên thuân cũng thế, anh tin vào cái ngày mình sẽ được ôm trọn người yêu vào lòng nhất định sẽ đến thôi, không sớm thì muộn. có thể khi ấy cả hai chẳng còn lành lặn, nhưng tâm hồn và tình yêu cháy bỏng thì chưa từng tàn phế.

có điều, nhiên thuân đã chờ được thêm mười năm, chờ đến khi đất nước chuyển từ thời tem phiếu sang thời mở cửa, chờ đến lúc hoa tàn lá rụng mà người kia vẫn bật vô âm tín. anh thậm chí đã từng ước rằng ít nhất mình nhận được một tờ giấy báo tử, ít nhất là vẫn còn chút tin tức, thế nhưng ngần ấy năm giao thư, chưa khi nào trên dòng địa chỉ gửi đến có tên mình. nhiên thuân vẫn luôn lầm lũi, giữ kín trong tim và nuôi hi vọng mong manh chờ người ấy xuất hiện.

thêm bảy năm ngóng trông, thôi nhiên thuân vẫn chưa bỏ được thói quen mân mê lọ thủy tinh bé bé kia, mở lại cuốn sổ cũ mèm cùng những trang nhật ký viết bằng thứ chì nguệch ngoạc ở nơi căn hầm tối tăm. chiến tranh đi qua để lại cho anh không chỉ những thương tật cơ thể mà còn khảm vào tâm trí hàng chục hồi ức kinh hoàng, về những người đồng đội đã nằm xuống ở vũng bùn lầy pha máu tanh tưởi, về những đêm bom dội trên mái hầm cùng mấy toán lính bặm trợn lùng sục khắp nơi. cái ám ảnh về một thời đạn dược đổi lấy hòa bình chắc chắn luôn vẩn vương phá vỡ cái đời bình của mọi người lính. khi ấy, thanh niên trai tráng người ta cứ luôn hoài niệm về những khi nếm mật nằm gai, cùng cười, cùng khóc với đồng đội. còn riêng nhiên thuân lại ôm một nỗi lòng khác xa xôi hơn, về những đêm thủ thỉ với người yêu, về những cái hôn vội, những cái chạm tay, những cái ôm vỗ về và những mơ tưởng về một mái nhà tranh, ngày ngày chạy quanh xóm làm việc vặt gom góp để xây tổ ấm. đến khi thực sự hòa bình rồi, anh có tất cả, chỉ không có người anh yêu bên cạnh.

thế rồi sau hơn ba mươi năm xa cách, người ấy trở về như một định mệnh đã an bài, nhưng không còn là để tìm nhiên thuân, giờ đây chính hắn cũng không nhớ bản thân là ai nữa. bước từng bước nặng nhọc kế bên hắn là một người phụ nữ khác trẻ trung, nhu mì và ân cần.

"ba có nhớ không? đây là quê của ba đó."

người được gọi buồn bã lắc đầu. trận chiến cuối cùng đã khiến hắn bị thương nặng ở vùng đầu dẫn đến việc mất trí nhớ và chẳng thể tìm được đường trở về quê cũ. hắn nhận nuôi phượng an khi nhìn thấy con bé lếch thếch trên đường sài gòn sau giải phóng do lạc bố mẹ. hai ba con dắt díu nhau về vùng sông nước miền tây, làm vườn, nuôi một mẻ cá sống qua ngày. con bé lớn lên xinh đẹp và giỏi giang với ý nguyện luôn muốn thay ba nó tìm về quê cha đất tổ. trong cái hòm rỉ sắt được cất trên nóc tủ gỗ cọt kẹt chứa đầy những kỷ vật mà mỗi lần mở ra là một lần nhắc nhớ người đàn ông trung niên đang ươm từng mầm cây ngoài kia từng là một người lính thực thụ, một kẻ vào sinh ra tử, để rồi bây giờ chật vật trở về với mảnh đời khó khăn, chật vật khi nhắc đến hai chữ "tương lai" cho con gái. nơi ấy, trong tấm áo xanh của người lính vẫn còn nguyên những mảnh vá chằng vá đụp là một lọ thủy tinh vẩn những vết đen cùng mảnh giấy vàng vọt. phải đập vỡ ra để tránh thứ bên trong bị mủn do thời gian, hai ba con cuối cùng cũng biết được chút manh mối về nơi chốn cũ. phượng an của tuổi ba mươi đã có được công việc ổn định, một tấm chồng hạnh phúc, mang theo tất cả hành trang để cùng với ba nuôi đi tìm người có cái tên "thuân" ở phương bắc xa xôi.

không dám nói với con nhưng hắn luôn cảm nhận được những cơn đau nhói mỗi khoảnh khắc nhắc tới cái tên thân thương đó, cùng nỗi bồi hồi mà lâu lắm rồi hắn không còn cảm nhận được. hoàn toàn mù mờ về quá khứ của mình, nhưng giờ đây tâm hồn hắn lại được tưới mát khi chìm vào vẻ yên bình của ruộng lúa vàng ươm, của những gợn mây trắng không che nổi tia nắng ấm áp sưởi ấm bầu không khí lạnh khô ngày đông tàn.

phượng an hỏi thăm người trong xóm về cái tên còn sót lại trong mớ giấy tìm được.

"thôi nhiên thuân, chắc ý cô là như vậy. người đưa thư của vùng này."

người chỉ đường tốt bụng dẫn hai ba con vào đến tận nơi, một gian nhà thoáng mát, một vườn rau bé xinh, góc kia là đôi gà, và hai chiếc xe đạp, một cái sơn mới và cả chiếc cũ kĩ được cất gọn một góc, có lẽ người chủ cố tình giữ làm kỉ vật.

"chào bác, bác là thôi nhiên thuân ạ?"

"chào cô, là tôi. nhưng cô là..."

có tiếng người từ phía cổng vọng tới, gọi cô con gái ra dìu mình vào nhà. như có một linh cảm mạnh mẽ nào đó, dù trải qua bao nhiêu tang thương đau đớn rồi nhưng chưa giây nào thôi nhiên thuân lại run rẩy tới mức ngã khuỵu xuống nền bê tông như ngay lúc này. kia rồi, người mà mình đã chờ đợi suốt gần ba mươi năm giờ đây đang đứng trước mặt mình hoàn toàn là thật. mái tóc đã bạc mất một nửa, nếp nhăn hằn trên khuôn mặt sắc cạnh trên làn da đã đậm màu đi vì nắng gió miền tây, nhưng chừng ấy không che nổi ánh mắt quen thuộc mà ở nơi đáy sâu vẫn còn chất chứa một ngọn lửa hừng hực, của thanh xuân, hoặc là của một xúc cảm mãnh liệt khi gặp lại người xưa.

"phải em không, phải không?"

thôi nhiên thuân không đủ bình tĩnh đứng dậy, lê lết dưới sàn bụi bặm tiến tới gần người kia, miệng lắp bắp câu chữ lộn xộn.

"tú bân, tú bân, tú bân..."

bao nhiêu lần gọi bây giờ cũng chẳng đủ cho ngần ấy năm xa cách. ngần ấy năm mà tình cảm vẫn cứ vẹn nguyên, tròn trịa như cái thời thanh thiếu niên xanh trẻ. kẻ được gọi nhìn thấy bóng dáng nhiên thuân thì phản ứng như ngấm phải một liều morphin vô cùng nặng, đầu đau như búa bổ, choáng váng nửa tỉnh nửa mê, chân đứng không vững nên loạng choạng ngã xuống và ngất xỉu.

phải mất hơn một canh giờ chưa tính thời gian được đưa lên bệnh xá, thôi tú bân mới dần tỉnh lại. bên cạnh là sợi dây truyền nước dài ngoằng và gương mặt phượng an đầy lo lắng. trong lòng thôi tú bân nhộn nhạo như kẻ vừa trải qua chuyến hải trình dài ngày, chủ yếu là tìm kiếm một bóng dáng. cú sốc khi nãy khiến hắn nhớ ra, hắn nhớ đến người với cái tên thôi nhiên thuân kia là người đã cùng hắn hứa hẹn trăm điều, rốt cuộc điều quan trọng nhất cũng chỉ là sống sót trở về giữa mưa bom bão đạn. hắn nhớ đã cùng anh trèo đèo lội suối, những đêm không ngủ hành quân dọc đường trường sơn, những đêm chung nhau một tấm áo ở nơi rừng già, những cuộc đột kích, những viên đạn bắn ra liên thanh, những phút lặng người nhìn đồng đội nằm lại nơi đất mẹ, hắn nhớ hết, hắn đã nhớ lại tất cả rồi. tuổi trẻ của hắn, của anh để dành nơi chiến trường, và một phần máu thịt của họ cũng đang thấm đẫm ở một góc lá cờ đỏ trên mái nhà xa xa.

"ba, ba tỉnh rồi, ba ơi!"

phượng an rối rít gọi y tá trạm xá, nhưng hình bóng mà hắn tìm kiếm thì cứ mãi lấp ló phía bên ngoài.

"nhiên... nhiên thuân."

bao năm rồi cái tên ấy mới lại lần nữa vang lên, đầu lưỡi dù đắng chát nhưng hắn như muốn dồn tất cả trìu mền dành dụm lại để mà gọi. nhận được cái gật đầu của y tá, phượng an lặng lẽ đi theo ra ngoài, nhường lại phòng bệnh trắng một màu cho hai người đàn ông luống tuổi.

lặng im mất năm phút khi thôi tú bân nắm lấy tay mình, thôi nhiên thuân cuối cùng cũng vớt lại được chút dũng khí, cười nhạt.

"lâu quá rồi!"

"phải, lâu quá rồi nhỉ?"

mân mê đôi bàn tay đen đúa và đầy chai sạn của người yêu, thôi tú bân bỗng nhớ về ngày xưa, những đêm bình yên dưới ánh trăng sáng vằng vặc, đôi bàn tay ấy đã giúp mọi người trong tiểu đội vá lại từng manh áo màu rừng xanh. mỗi lần như vậy các anh em lại được dịp trêu cặp tình nhân, một kẻ si tình ngắm một người vừa tay vá áo vừa mặt đỏ lên, những giây phút ấy như liều thuốc tinh thần khiến họ vực dậy sau những gian truân phải trải qua suốt tháng ngày trôi dài dằng dặc.

"ba mươi năm nay... anh vẫn luôn chờ một lá thư."

"xin lỗi, xin lỗi thôi nhiên thuân. em đã không thể giữ lời với anh. em..."

thôi nhiên thuân cười nhẹ nhõm, xua tay.

"anh nghe phượng an kể chuyện rồi, chẳng sao cả, em còn sống là tốt rồi. giờ lại còn trở về thăm anh, thế là mãn nguyện."

"nhiên thuân, kể em nghe đi, ba mươi năm qua, kể em nghe đi."

hôm ấy, dưới ánh chiều tà và cả khi những ánh trăng rọi sáng căn phòng khiến tâm tình con người nhẹ bâng, cái khoảnh khắc mất mát rồi tìm được nhau hóa ra lại là một loại hạnh phúc theo một cách thật đặc biệt. tuổi đôi mươi như được mang trở lại, chuyện xưa ùa về, chuyện nay được kể ra và tất cả đều tràn ngập những tiếng cười. suốt quá trình ấy, nhiên thuân và tú bân chẳng quên trao nhau ánh nhìn chan chứa và đôi bàn tay đan chặt.

"mình già rồi anh nhỉ?"

"đã hơn ba mươi năm từ ngày đó rồi, ai cũng thay đổi. em còn có phượng an nữa kìa."

không nói trực tiếp nhưng hắn hiểu anh mặc cảm và chạnh lòng lắm, có điều tú bân chỉ xoa lưng anh an ủi, rồi thì thầm chân thật.

"phượng an là con gái nuôi của em, con bé là đứa trẻ tuyệt vời nhất mà em may mắn có được."

"à... con bé ngoan quá!"

"nhiên thuân, đừng nghĩ ngợi gì cả."

thôi nhiên thuân im lặng thay cho câu trả lời nhưng tiếng thở nặng nề đã không còn nữa. thôi tú bân ngừng mân mê bàn tay anh, thay vào đó hắn ôm lấy gương mặt đã xa cách cả đời người, thủ thì câu chữ nhẹ tênh, một lời chẳng chút lãng mạn nhưng đầy chân thành.

"mình về nhà nhé? nhà của chúng ta ấy?"

lời hứa "về nhà" chưa kịp thực hiện bởi vì tú bân cần trở về ngôi nhà cũ để thu xếp đồ đạc. giờ đây tú bân đã sẵn sàng để quay lại nơi có nhiên thuân luôn đợi chờ. tàu lửa chầm chậm rời ga, bắt đầu hành trình trên một dải đất thống nhất, cũng là chuyến tàu mang đến cho người ta cái niềm hy vọng được sống bên nhau đến cuối đời.

thế nhưng, duyên kiếp này đã được dùng hết cho những tháng năm rực rỡ của đời người, họ buộc phải tuân theo số mệnh sắp đặt. chuyến tàu chệch bánh, chẳng còn ai sống sót.

trời đổ mưa xối xả, lòng dạ thôi nhiên thuân bồn chồn trong căn nhà, phóng tầm mắt nhìn màn mưa trắng xóa. đêm ấy, trên chiếc giường đơn chiếc, anh cứ thế mà ra đi thanh thản. cuộc đời của nhiên thuân đã chất chứa đủ đau buồn rồi nên có lẽ, cái chết nhẹ nhàng chính là sự bù đắp cuối cùng mà cuộc đời dành cho anh.

chuyến hành trình đi tìm đồng đội nằm lại nơi chiến trường của thôi nhiên thuân đã gặp lại một hình bóng, một người khiến anh mỉm cười.

"lần này mình về nhà thật rồi."

----------
một shot mình từng viết trên blog cá nhân, chỉ là mình nghĩ nó xứng đáng được đăng tải riêng ở đây!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro