Muốn cùng Trường Sơn bàn chuyện yêu đương.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[1]
Phủ quan Lễ bộ Thượng thư và phủ quan Tể tướng nằm ở đối diện nhau, người bên ngoài nhìn vào sự sắp xếp này thì tưởng là triều đình làm vậy để các quan dễ trao đổi việc nội bộ, chuyên chính phục vụ cho vua. Nhưng chỉ những ai làm việc chung với hai vị quan này mới biết thật ra họ ghét nhau như chó với mèo, tính tình lại còn thích ganh đua nhau. Hoàng đế lợi dụng điểm này cho xây hai phủ cạnh nhau, bắt hai ông già suốt ngày chí choé từ lúc thượng triều cho đến lúc bãi triều đó liên tục phải nhìn thấy người kia rồi ganh đua phấn đấu nhau mà ôm hết việc về mình, vừa giúp đất nước phát triển mà vừa giúp hai ông lão bạc đầu có cái thú tiêu khiển tuổi già.

[2]
Tể tướng có đứa cháu nội năm nay lên tám, từ thuở biết đứng đã được dạy cho võ nghệ nên hiếu động và rất ham chơi bời. Cậu là con út trong nhà, là cháu đích tôn của Tể tướng nên được ông nội cưng chiều hết mực. Cậu muốn gì cũng mua cho cậu, cậu muốn đi chơi ở đâu cũng thả cho cậu đi, từ nhỏ tới giờ chưa từng tiếc một cái gì cho cậu. Nhưng cậu út không phải dạng được chiều mà sinh hư, cậu rất lanh lợi hiểu chuyện lại vui vẻ hoà đồng với người xung quanh, ai gặp cũng quý, ai thấy cũng thích. Duy có một người là cậu út không chơi chung được, ấy là cậu hai Sơn, cháu ngoại ông Thượng thư.

Cậu hai Sơn trước giờ sống cùng cha mẹ ở quê, năm ấy cậu tám tuổi mới theo gia đình lên kinh sống cùng ông ngoại. Cậu không quen cuộc sống ở kinh thành nhộn nhịp ồn ã, rất đông những người đến thăm hỏi mỗi ngày và tìm cách làm thân với cậu vì mục đích khác nhau. Vậy là cậu suốt ngày chỉ ở trong phủ, quanh quẩn tại cái mảnh vườn con con ông ngoại làm cho cậu, đọc sách trồng cây, ngắm mây ngắm nước.
Bữa ấy cậu hai Sơn vừa được mua cho một bầy cá vàng để thả vào cái hòn non bộ trong vườn, đang say sưa cẩn thận chuẩn bị thả cá thì bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống một quả cầu mây to. Quả cầu không biết được nhồi nhét thêm cái gì bên trong mà khi đập xuống mặt nước trong hòn non bộ kêu đến ầm một cái, nước văng lên tứ phía làm ướt hết bộ áo lụa quý và gương mặt trắng trẻo của cậu hai Sơn.
Con cá vàng trong tay bị thả rớt xuống thảm cỏ, nhảy đành đạch trên nền đất. Cậu hai ngơ ngác nhìn quả cầu mây tinh xảo nổi lềnh bềnh trên mặt nước kia, ngẩn tò te không hiểu chuyện gì vừa xảy đến.

[3]
Vừa lúc gia nhân nghe tiếng động lạ hốt hoảng chạy tới xem cậu hai Sơn xảy ra chuyện gì thì trên bờ tường nhà cậu cũng có thêm một người ghé thăm. Ấy là cậu út Thạch cháu ông Tể tướng, lò dò trèo lên bờ tường phủ Thượng thư, hình như là muốn lẻn sang lấy quả cầu mây về.
Cậu út còn chưa trèo được sang bên này, chân còn đang vắt vẻo trên bờ tường đã nhìn thấy cậu hai Sơn đưa mắt gườm mình. Con mắt cậu hai sắc bén lại sáng quắc như mắt mèo, mới hơi liếc một cái thôi là đã khiến người khác đã rét run rồi chứ đừng bảo đến cậu lườm người khác. Cậu hai Sơn được gia nhân lau mặt lau áo cho còn con mắt thì cứ quắc lên lườm cậu út Thạch làm cho cậu cứ đắn đo mãi, vắt vẻo trên tường không biết có nên trèo qua tiếp không hay đi về.

"Đằng ấy ơi...cho tôi xin lại quả cầu với..."
Cậu út Thạch thường ngày mạnh dạn gặp ai cũng nói nói cười cười, lần đầu tiên người ta thấy cậu có vẻ ngượng ngùng như vậy. Cậu nói mà mắt còn không dám nhìn thẳng cậu hai Sơn, còn cậu hai thì cứ trừng trừng cậu. Lát sau, cậu hai Sơn mới nhẹ nhàng lên tiếng:
"Người đâu, mang trả lại cầu mây. Nhân tiện thả chó, đuổi thạch sùng."
Gia nhân ái ngại liếc mắt nhìn nhau. Biết người kia là cháu quan Tể tướng nên chẳng dám đắc tội. Nhưng mà cậu hai Sơn cũng là tổ tông nhà họ, thuận cậu thì sống chống cậu thì chết. Gia nhân đắn đo thì thầm to nhỏ với nhau mấy hồi cũng chưa dám làm gì. Cuối cùng cậu hai chờ không nổi người hầu nhà mình nữa, cậu chạy lại hòn non bộ nhặt quả cầu mây ướt sũng lên, cất cao giọng gọi:
"Mực ơi!"

Nhà cậu hai Sơn có nuôi con chó rất to, toàn thân đen tuyền uy dũng. Con chó này là "quà" mà con trai quan Tể tướng xuất chinh bắt được đem về, "biếu" cho ông cụ Thượng thư dịp mừng thọ, nuôi giữ cửa giữ nhà. Con chó này to ngang con sói, vừa nghe tiếng cậu hai gọi là xồ ra, lao nhanh vun vút như cơn lốc đen, thiếu điều muốn đổ xô vào người cậu. Cậu hai Sơn nhanh nhẹn ném quả cầu mây ra chỗ bức tường cậu út Thạch còn đang bám vắt vẻo, con chó thấy thế cũng lập tức lao theo muốn bắt quả cầu mây mang về cho cậu.
Cậu út Thạch nhìn thấy con chó to dữ quá liền hốt hoảng, bám tường chẳng vững nữa ngã ngược về sau, mất hút bóng hình khi mà quả cầu mây của mình còn chưa kịp lấy lại.

"Mực, về đây!"
Cậu hai Sơn trông thấy vậy liền gọi con chó lại, nó còn chưa bắt được cầu mây nhưng nghe lời chủ nên đành tiu nghỉu cắp đuôi chạy về. Hú vía cậu út Thạch một phen, may mà nó không lao qua tường đuổi theo cậu.
Cậu út ngã dưới đất, xung quanh là đám bạn chơi chung hốt hoảng xúm lại hỏi thăm cậu có đau không, có bị thương chỗ nào không. Cậu út Thạch nằm im không nhúc nhích, quả cầu mây ướt sũng rơi lên người, mắt cậu tròn xoe, cái mặt thì ngẩn tò te như bị ai lấy cắp nửa phần hồn vậy.

Không biết cậu có nhớ nhầm hay không nhưng lúc ấy, đứa bé thả chó đuổi cậu bên kia bức tường thấy cậu ngã trên môi đã nở rộ một nụ cười. Cậu ta cười đẹp lắm, cậu út Thạch nhớ hoài không thôi.

[4]
Quan Thượng thư biết chuyện cháu ngoại thả chó đuổi cháu đích tôn ông Tể tướng thì sung sướng lắm, sáng sáng ông cụ cứ ra chỗ bức tường hôm nào cậu út Thạch bị ngã, nói bóng nói gió cháu nhà kia. Vừa hay chỗ ấy cũng là chỗ Tể tướng ra tập võ mỗi sáng, ngày nào cũng phải nghe thấy mấy câu này nên cụ ức lắm. Ông cụ thề với trời đất rằng phải làm cho cháu mình thật giỏi giang, sớm ngày sang bên kia dỡ luôn cái nóc phủ Thượng thư về làm mái cho gian bếp nhà mình.

Thế là từ ấy hai ông lão đầu bạc không còn ganh đua nhau ra mặt nữa, họ đều ngấm ngầm bồi dưỡng, dạy dỗ cháu mình thành tài để bọn nhỏ thi đấu với nhau.

Cậu hai Sơn chăm chỉ đọc sách, trên thông tinh văn dưới tường địa lý, sách Thánh Hiền, Tam Tự Kinh, chưa quyển nào cậu chưa đọc qua, chưa nghiền ngẫm nghiên cứu kĩ từng con chữ thiếu điều hận không thể nghiền nhỏ bọn chúng thành bột nuốt vào bụng. Cũng vì thế mà cậu rất thông minh lanh lợi, miệng lưỡi xưa giờ chẳng thua một ai. Người bị cậu nói cho cũng chỉ biết im ỉm lắng nghe, không dám cãi lời. Phần ít là vì cậu hai Sơn nói vừa hay, vừa nhanh lại vừa nhiều, phần còn lại là vì cậu hai có ông ngoại làm Thượng thư, đố ai mà dám chống lại cậu. Bình thường cậu chỉ có ra ngoài đúng một lần trong ngày, đó là đi đến trường tư học chữ, sau đó lập tức trở về nhà và lại học riêng từ đó cho tới khuya. Cậu hai Sơn ít bạn bè, thậm chí là một người bạn đúng nghĩa để chơi chung cũng không có. Ngoại trừ thi thoảng gặp mặt thi đấu với cậu út Thạch vì hai ông cụ già bắt phải làm vậy, hình như người ta chưa từng nhìn thấy cậu đi chơi với ai bao giờ.

Cậu út Thạch thì tính tình hào sảng lại phong lưu, thích kết bạn bốn phương, thích nô đùa và thường chẳng bao giờ chịu ở yên một chỗ. Mới mười tuổi đã biết leo tường trốn nhà đi bắt chim bắt cá, báo hại gia nhân phải đi tìm ngược tìm xuôi, một ngày không biết làm như vậy bao nhiêu lần. Cậu út Thạch chơi với ai cũng được, bạn bè đông vô kể, từ đám con quan tới người bình thường, ai cũng đều là bạn của cậu. Nhưng duy có cậu hai Sơn cháu ông Thượng thư, dù cậu út có ngày nào cũng leo tường sang hóng hớt cũng không thể nào gọi cậu ra ngoài.
Nếu như năm tám tuổi cậu út Thạch trèo qua nhà cậu hai Sơn xin lại quả cầu mây bị con chó doạ cho ngã dập mông thì năm mười tuổi cậu vẫn bị con Mực ấy doạ, chỉ khác cái là bây giờ cậu không còn ngã như năm đó nữa. Cậu út Thạch năm mười tuổi thấy bóng con chó là đã tự động nhảy khỏi tường, mất hút hình dạng trước khi nó kịp xồ ra.
Những lúc như vậy, cậu hai Sơn ở bên này bức tường đều luôn dừng đọc sách, liếc mắt nhìn theo với thái độ như thể đã thấy một thằng ngốc cố chấp điên khùng.

[5]
Mưa dầm thấm đất, cậu út Thạch kiên trì leo tường nhà cậu hai Sơn hai năm, sang đến năm thứ ba, cậu hai mới cho cậu út bước chân sang sân nhà mình.
Cũng may lúc ấy ông Thượng thư đi vắng, người lớn lại không quản chuyện bọn trẻ con chơi gì với nhau nên cậu út Thạch mới có cơ hội hiên ngang đường hoàng đi vào cái đình con con cậu hai Sơn thường ngồi đọc sách.
Cậu hai nhìn cậu út phủi phủi bụi trên quần áo, mặt mũi rạng rỡ như vừa đạt được một thành tựu to lớn nào đó thì lấy làm buồn cười lắm. Cậu bật ra thành tiếng, ngón tay đặt hờ che miệng bảo cậu út Thạch có cổng chính không đi, sao lại cứ thích trèo tường sang bên đây.
Cậu út Thạch lấm la lấm lét nhìn quanh, phát hiện không có bóng dáng con chó to hay quan Thượng thư mới trả lời cậu hai rằng ông cụ ở nhà cấm tiệt mình sang đây chơi, thi đấu với nhau thì được nhưng không được phép làm bạn với cậu hai Sơn. Sợ sau này cậu út lại cứ khư khư trong nhà như cậu hai thì khổ.

Mà ông cụ bên này cũng thế, cấm cháu mình chơi với cháu nhà kia dù hai đứa nhỏ cách nhau có mấy bước chân, giữ vững quan niệm yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng, mình ghét ông già bên ấy, cháu mình cũng không được chơi với cháu nhà bên ấy.

Vậy nhưng hai cậu lại lén gặp mặt nhau. Từ một lần năm mười tuổi cậu út Thạch được cậu hai Sơn cho phép leo sang vườn nhà mình, hai cậu thành bạn, chơi với nhau đến tận năm năm.
Chỉ cần ông Tể tướng và ông Thượng thư vắng nhà là cậu út Thạch lại tranh thủ buộc vạt áo giắt vào trong quần, tháo guốc ném sang trước, bản thân trèo sang sau ghé thăm cái hòn non bộ, cái đình con con của cậu hai Sơn.

Năm cậu út Thạch mười tuổi, điều cậu muốn làm nhất chính là muốn cùng cậu hai Sơn gặp gỡ nói chuyện, trở thành bạn bè.

Chuyện hai cậu chơi với nhau trời biết, đất biết, gia nhân và cha mẹ hai bên đều biết, duy có hai ông cụ là chẳng biết gì, cứ nghĩ mấy đứa nhỏ ghét nhau như chó với mèo sẽ chẳng bao giờ nhìn lấy mặt nhau.
Hai ông cụ đâu biết sau lưng hai ông, sớm tinh mơ cậu út Thạch đã dậy luyện võ, tranh thủ chờ cậu hai Sơn dậy là tót ra ngay đầu đường, cùng cậu đi học ở Quốc Tử Giám. Người nhà cậu hai giấu ông Thượng thư chuyện này, sáng ra đưa cậu đến đầu đường lớn là giao cậu hai vào tay cậu út, để hai cậu dắt nhau đi học. Hai cậu đi trước, người nhà đi sau, đến cổng Quốc Tử Giám thì gia nhân quay về bẩm ông cụ hôm nay cậu hai đi học sớm hơn cậu út nhà bên.
Thượng thư vốn dĩ chỉ cần hơn được Tể tướng ở một khoản thôi đã thích chí lắm rồi, đã vậy suốt ngày còn nghe tin cháu mình dậy sớm đi học sớm hơn cháu nhà kia thì vui lắm. Ông cụ vuốt râu cười khà khà, tự đắc cậu hai Sơn thông minh chăm chỉ, đâu như cháu nhà kia thịt bắp vai u, đã vậy mặt trời lên bằng con sào mới chịu dậy đi học.
Ông cụ nào biết ngày nào cũng là cậu út Thạch dậy sớm ra đầu đường chờ cậu hai Sơn đi học chung đâu?

[6]
Ở Quốc Tử Giám hai cậu đều nổi tiếng, người võ luyện, kẻ văn ôn, trên trời dưới đất thông tường vạn sự. Bài tập khó không giải được hay việc gì thắc mắc thì cứ đến hỏi cậu hai Sơn, muốn nâng cao sức khoẻ, rèn luyện thân thể hay gặp chuyện bất bình mà bản thân khó lòng giải quyết được cứ đến tìm cậu út Thạch. Hai cậu nhất định sẽ giúp đỡ tận tình không nề hà gì cả. Cũng vì vậy mà hai cậu được nhiều người yêu quý và đồng thời cũng có nhiều người không thích hai cậu.

"Này! Thấy bảo là cậu Thạch với cậu Sơn giận nhau chuyện gì à? Mấy bữa nay thấy hai cậu tỏ thái độ ghét nhau ra mặt."
Giờ nghỉ trưa, đám học sinh Quốc Tử Giám túm tụm lại với nhau xì xào to nhỏ chuyện của hai cậu. Số là dạo gần đây chả biết đứa nào đâm bị thóc chọc bị gạo làm cậu Sơn cậu Thạch gây gổ một trận với nhau, cãi vã um trời lên rồi từ đấy không nhìn mặt nhau nữa.
Cậu Thạch sáng sớm chả thấy đến cùng cậu Sơn, trong giờ học hay ngoài giờ học cũng thế, hễ nhìn thấy mặt cậu Sơn hay vô tình chạm mắt thôi là cái mặt cậu xị ra ngay, méo xệch quay đi chỗ khác. Cậu Sơn lại càng không thèm để ý đến cậu Thạch, tỏ thái độ lạnh lùng chẳng quản cậu giận dỗi điều chi, lại tiếp tục thói quen ngày cắp sách đến trường đêm về chong đèn học. Người ta có hỏi hai cậu chuyện gì xảy ra, hai cậu đáp lại cụt lủn rằng đi mà hỏi đứa kia ấy, thành ra đâu ai hiểu chuyện gì đâu. Chỉ biết...hai cậu mà giận nhau, đám học trò bọn họ chỉ có khổ.

Ấy là bởi vì cả cậu Thạch lẫn cậu Sơn đều học rất giỏi, trong lớp cũng có nhiều mối quan hệ và có hẳn cả hai phe đối lập thể hiện rõ thái độ thích người này không thích người kia, cứ như ông Tể tướng và ông Thượng thư đứng sau chia bè chỉ đạo vậy. Hai cậu xưa giờ thân thiết nên hai phe không xảy ra mâu thuẫn to tát, nhưng bây giờ hai cậu giận nhau rồi, hai bên cũng không còn cớ gì để kiêng nể phe kia nữa, suốt ngày chí choé cãi nhau rất ầm ĩ. Người trong cuộc lấy đó làm phiền lòng.

Học sinh nọ vừa tò mò chuyện gì xảy ra giữa hai cậu xong, đã thấy cậu Sơn đi cùng một người nữa ngang qua chỗ họ, nói chuyện cười đùa vô cùng thân thiết. Cũng ngay lúc ấy cậu Thạch và nhóm bạn của cậu lướt qua, một người trong số đó còn cố tình huých mạnh vào vai cậu Sơn. Cậu Thạch có thấy nhưng cậu vờ như không biết gì, khoác vai người kia đi thẳng. Còn cậu Sơn dừng lại một lát, vừa phủi vai vừa lẩm bẩm như đang chửi người kia.
"Ầy..."
Đám học sinh nhìn thấy cảnh ấy mà thở dài.
Trước kia hai cậu thân thiết với nhau bao nhiêu thì bây giờ lạnh nhạt xa cách bấy nhiêu. Bầu không khí lúc nào cũng căng thẳng, e là quan hệ đã rạn nứt đến độ không thể cứu vãn được.

"Mà chuyện của hai cậu nghe khó chịu lắm chứ. Người này không chịu xin lỗi người kia, thành thử mới giận nhau lâu như thế."
Một học sinh khác, chơi rất thân với cậu Thạch bảo. Thấy cậu ta có vẻ như là người biết rõ nhất mọi chuyện nên ai cũng xúm vào hỏi han, muốn biết rốt cuộc vì sao cậu Thạch với cậu Sơn từ gắn bó thân thiết như hình với bóng lại trở thành giận nhau gay gắt dai dẳng như thế.

Mọi chuyện bắt đầu kể từ ngày cậu Phúc đến Quốc Tử Giám học. Không biết rằng cậu Phúc với cậu Sơn có quan hệ thân thiết với nhau tới cỡ nào nhưng bắt đầu từ hôm cậu Phúc đến, cậu Thạch tự nhiên bị...ra rìa.
Sáng sớm không còn thấy cậu Sơn cùng cậu Thạch đi học, giờ đây mỗi người một ngả, cậu Sơn cậu Phúc suốt ngày tay trong tay thân thiết với nhau còn hơn là thanh mai trúc mã. Đi đâu cũng dính lấy nhau, nói chuyện vui vẻ ríu rít như đôi chim sẻ vậy. Lắm khi người ta còn đùa cậu Sơn với cậu Phúc như vậy chẳng khác nào một cặp uyên ương cả.
Cậu Thạch lạc lõng bơ vơ không thể xen vào mối quan hệ giữa họ, đôi khi muốn nói chuyện với cậu Sơn nhưng cậu lại bận đi cùng cậu Phúc, tự nhiên biến thành người thừa dù trước đó cậu đã từng là bạn thân duy nhất của cậu Sơn. Cứ thế, hai người ngày càng ít nói chuyện, gặp mặt nhau.

Nhưng chỉ với chuyện đó thì nào dẫn đến việc hai con người chơi với nhau suốt năm năm quay ra cãi nhau um tỏi.
Mọi chuyện trở nên căng thẳng, leo thang và cuối cùng trở thành bùng nổ khi hôm ấy một người bạn của cậu Thạch phải ở lại dọn lớp do bị thầy phạt. Người này thân với cháu trai ông Tể tướng và ghét cháu ông Thượng thư, vẫn là vì ghen tị cậu Sơn trên thông thiên văn dưới tường địa lí. Hắn thấy trên bàn cậu còn một quyển sách ngoài bìa không đề gì, thay vì mang đồ đến trả cho nguyên chủ lại ác ý ném thẳng vào cái lò đốt lá khô sau lớp học. Mùa hanh khô, lửa cháy vừa nhanh vừa đượm, chẳng mấy chốc đã thiêu sạch quyển sách của cậu Sơn. Vừa lúc ấy cậu chạy về lớp tìm sách thấy cảnh này nên cãi nhau một trận rất to với người kia.

Cậu Thạch đã định bênh cậu Sơn nhưng không hiểu sao khi thấy cậu Phúc cũng chạy đến khuyên can thì cậu lại thôi, quay ra bênh bạn mình. Hai bên cãi qua cãi lại một hồi, cậu Thạch trong lúc vạ miệng đã nói một câu không hay:
"Chỉ là quyển sách thôi mà! Có gì tôi mua lại trả cho Trường Sơn là được rồi đúng không?"
Cậu Sơn nghe thế sầm mặt hẳn, chỉ bỏ lại duy nhất một câu:
"Vạn lượng khó cầu."
Rồi kéo cậu Phúc đi mất biệt. Từ ấy hai người đã xa cách lại càng thêm rạn vỡ, không gì cứu vãn được.

Nghe kể lại đầu đuôi ngọn ngành sự việc xong, học sinh ban đầu hỏi chuyện ngạc nhiên hỏi:
"Tôi nghe thấy bảo cậu Phúc là anh em gì đó của cậu Sơn cơ mà?"
"Thì đấy, là em, nhưng không phải em ruột."
Người bên cạnh còn bí mật kể thêm rằng cậu Sơn thương cậu Phúc như em út ở trong nhà, hai người lại ít khi gặp mặt nhau nên có dịp là thân thiết không muốn tách rời. Bởi vì sang năm, cậu Phúc sẽ đi vùng khác thành gia lập thất dựng vợ gả chồng nên cậu Sơn muốn tranh thủ thời gian bên cạnh đứa em. Cậu còn đặc biệt chép tặng cậu Phúc một quyển thơ cổ quy tụ tất cả những thi phẩm xuất sắc của nước mình và nước ngoài để làm quà cưới. Mà cũng chính quyển thơ ấy là quyển bị bạn cậu Thạch đốt thành tro.

Ài...thảo nào mà cậu Sơn giận đến thế. Công sức cậu sưu tầm, chọn lọc rồi chép tặng cốt là để làm quà cưới cho em mình, không may mắn lọt vào tay kẻ vô tâm rồi cuối cùng tan thành mây khói. Đã vậy cậu Thạch còn không biết đầu đuôi câu chuyện mà đổ thêm dầu vào lửa, thành thử làm cho cậu Sơn giận càng lâu càng khủng khiếp hơn.
Mấy người học trò đang xì xào bàn tán với nhau đột nhiên nghe được tiếng người đằng sau. Quay lại, không biết cậu Thạch đứng đó từ bao giờ, có vẻ như vừa rồi đã nghe xong toàn bộ câu chuyện những người kia kể. Mặt cậu nhìn ngơ ngác, bàng hoàng, tâm trạng vô cùng kích động lắp bắp hỏi:
"Cậu...cậu nói có thật không? Chuyện cậu...kể...a...ấy..."
"Là...là thật mà."
Học trò kia nhìn mặt cậu Thạch cũng đoán được cậu đang cảm thấy tội lỗi và hối hận đến nhường nào, lí nhí xác nhận đáp án cho cậu biết.

Nghe xong, cậu Thạch lập tức quay người chạy vụt đi, một đám học trò ngơ ngác nhìn theo bóng dáng cậu khuất dần trên hành lang học viện, lẩm bẩm hỏi nhau:
"Cậu lại bị sao thế nhỉ?"

[7]
Tưởng là đã nói chuyện làm lành với nhau từ bữa đó nhưng hai cậu vẫn giận nhau hết mùa thu, lan sang cả mùa đông năm ấy. Rồi đông đi qua, xuân về.
Tháng Giêng, hoa đào nở. Trong vườn ở Quốc Tử Giám có mấy gốc đào cổ chẳng biết có tự bao giờ, chỉ biết đến độ tháng Giêng, trên những cành cây vươn ra, đan cài vào nhau như những bàn tay ma ấy đều chậm rãi từng chút và cuối cùng là đồng loạt bung ra hàng trăm đoá hoa có hồng có đỏ, rực một góc trời riêng màu gò má của người thiếu nữ trước mặt ý trung nhân.
Học sinh Quốc Tử Giám trong dạo ấy rất hay kéo nhau ra vườn đào ngắm cảnh, mở hội thi phú, giao lưu với nhau buổi cuối trước khi về nhà đón Tết, thành thử lúc nào trong vườn cũng nao nức như mở hội xuân.

Hôm ấy là buổi cuối rồi, học sinh về hết cả, Quốc Tử Giám vắng tong teo chỉ còn vài người ở lại dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ. Trong cái đình con giữa vườn đào, cậu hai vẫn ngồi đó cần mẫn nghiền mực chép sách, nét chữ thon mảnh đẹp đẽ hiện lên trên trang giấy ngà ngà, thi thoảng có cánh hoa đào nhẹ theo gió bay vào bên trong, đậu xuống nghiên mực, trôi lờ lờ như con thuyền be bé giữa mặt sông đen.
Qua bữa nay cậu Phúc về quê rồi tính chuyện dựng vợ gả chồng, cậu Sơn tận dụng chút thời gian cuối, cẩn thận chép lại toàn bộ quyển thơ đã bị đốt sạch kia.

Thực ra mà nói trong lòng cậu đã nguôi ngoai không còn giận cậu Thạch từ lâu. Cậu cũng biết chuyện lần ấy là do kẻ xấu cố tình hãm hại mà, chỉ là nhất thời nóng giận, cậu đã khiến cho tình hình mối quan hệ của cả hai trở nên tồi tệ hơn.
Mùa thu đi qua, đông về. Suốt khoảng thời gian đó bóng hình Sơn Thạch dường như chỉ còn là một mảng hoài niệm mang nhiều sự thổn thức, hối hận và bức bối chôn sâu trong cõi lòng ngổn ngang của cậu hai. Cậu kiếm tìm những thứ làm vơi bớt đi thì giờ quý giá của cậu, xoá nhoà hình bóng người chờ cậu mỗi sáng ở đầu đường, vui vẻ thi đua cùng cậu trên lớp học. Nhiều khi ngồi một mình mà chẳng có chuyện gì làm, Trường Sơn tự nhiên cảm thấy muốn đi ra đường, chạy vào nao nức đông vui ngoài kia để kiếm cho ra vị ngon cái bánh do chấm mật cậu Thạch mua để dành hai đứa học xong sẽ ăn.
Nhưng mà không hiệu quả.
Cậu vẫn nhớ người kia, thấy tiếc nuối ân hận vô cùng vì cái bản tính kiêu ngạo trời sinh đã tóm chặt lấy cổ cậu dựng đứng lên, không cho phép cậu cúi đầu xin lỗi Sơn Thạch. Vậy là hai người giận nhau đến cả nửa năm.

Xuân về rồi, hoa đào nở, Tết đã kéo đến trên từng góc phố, treo trên cửa mỗi nhà. Vào dịp này cậu Sơn mới có nhiều chuyện để làm, mới có thể vơi đi bớt nỗi phiền lòng khó ai thấu hiểu của cậu.
Qua Tết năm nay, cậu Phúc lập gia đình rồi, mấy món quà cưới cậu cũng đã chuẩn bị xong từ lâu, chỉ còn quyển thơ này thiếu một bài do tự cậu sáng tác là còn đang chép dở. Cậu định bụng ở lại vườn đào chép nốt cho xong rồi mới về quê ngoại đón Tết.

Xong rồi.
Nét chữ cuối cùng đã khô trên trang giấy trắng ngà như một gốc tre đã quá tuổi, cậu Sơn gác lại bút nghiên, thu dọn tất cả vào cái túi cậu dùng để đựng những thứ ấy, sớm trở về nhà.
Bất ngờ rằng khi quay đầu lại, cậu đã thấy nép mình giữa tán hoa đào còn lấm tấm màu của một vài chiếc lá chưa rụng sạch một thân ảnh áo trắng như tuyết. Ngẩng đầu lên nhìn kĩ hơn, hoá ra là Sơn Thạch, không biết đã ngồi đó từ lúc nào.
Đột ngột gặp lại nhau ở thời khắc riêng tư thế này sau không biết bao nhiêu ngày chẳng hề nhòm ngó nói chuyện với nhau thật sự vô cùng mất tự nhiên, Trường Sơn im lặng không nói gì và cũng chẳng biết phải nói sao. Sơn Thạch lại càng không có động tĩnh, ngồi trên cành cây chăm chú nhìn xuống cậu bằng ánh mắt nóng cháy như thể đã hạ một quyết tâm cao độ to lớn nào đó.

Đoạn, khi Trường Sơn định bỏ đi vì nghĩ  rằng Sơn Thạch chỉ muốn ngồi đó mà thôi, đứa trẻ năm nào leo tường nhà cậu hai đã bất ngờ nhảy xuống, trong tay còn cầm theo một nhành hoa đào mới hái, ngượng ngùng đưa ra trước mặt cậu hai. Cái đầu rối xù còn vương lại một ít cánh hoa đào cúi gằm xuống, bàn tay đưa về phía trước, những ngón tay run rẩy làm nhành hoa yếu mềm rung rinh.
"Tặng...tặng Trường Sơn cành hoa về chơi Tết....chuyện khi trước, cho tôi xin lỗi Sơn..."
Cậu hai thật sự suýt nữa đã không nhịn được mà phì cười. Nhành đào chỉ dài cỡ một bắp tay người, cành lá khẳng khiu vùi mình trong sắc hồng phớt xinh xắn của vô số đoá hoa ấy làm sao mà đủ chơi Tết được? Nhưng Trường Sơn đã nhịn xuống và dặn lòng mình không được cười, cũng cầm lấy cành hoa đưa lên trước mắt ngắm nghía. Đoạn, cậu vờ lạnh lùng bảo:
"Quốc Tử Giám cấm hái hoa bẻ cành. Cậu làm vậy không sợ bị thầy phạt à?"

"Không sợ."
Sơn Thạch thẳng thắn trả lời ngay:
"Đào này tôi bẻ ở nhà mang đến tặng Sơn, không phải của trường. Không cần sợ."
Đào bẻ ở nhà, là đào của ông Tể tướng.
Lần này thì Trường Sơn không nhịn nổi nữa mà phải bật thành tiếng cười, cậu hai đưa ống tay áo lên trước che nửa khuôn miệng cong cong, nhành hoa đào theo đó cũng lấp đi một phần dung mạo anh tuấn khiến Sơn Thạch nhìn vào vừa tiếc nuối vừa ngơ ngẩn.
"Không sợ bị ông nội cậu đánh sao?"
Dám mang đào nhà đi tặng cháu của kẻ thù, gan cũng phải to bằng trời rồi. Sơn Thạch biết vậy nhưng vẫn đi bẻ đào của ông nội tặng cậu thế này, chứng tỏ từ lâu địa vị tôn quý của người ông Tể tướng trong lòng cậu ta đã giảm xuống.
Sơn Thạch cúi thấp đầu, ngại, hoặc là có một khúc mắc gì đó nằm chắn ngang trong lòng khiến cậu út nhà Tể tướng không dám nhìn thẳng vào mặt Trường Sơn. Cậu lặp lại lời mình ban nãy bằng giọng rất nhỏ nhẹ:
"Tôi xin lỗi Sơn...lúc ấy tôi lại đi bênh vực kẻ có tội."
"Không sao, chuyện từ bao giờ rồi tôi cũng không để bụng nữa."
"Thật sao?"
"Thật."

Những lời ấy làm sắc mặt cậu Thạch sáng bừng lên như đứa trẻ ngoan nhận được kẹo ngọt.
Tình bạn tưởng chừng đứt gánh giữa đường bởi một hiểu lầm giữa đôi bên hoá ra vẫn đang luôn được duy trì trong thầm lặng bởi cả hai mà không ai hay biết. Qua một mùa đông giá rét, nó lại như những mầm xanh nảy nở lên vươn mình đón cái nắng dịu dàng của mùa xuân ấm áp. Sơn Thạch không thể kiềm chế nổi niềm vui lan toả trong lòng mình dâng lên như sóng lũ, khoé môi cứ mãi nhấc lên thành nụ cười, người ngoài nhìn vào mà ngơ ngẩn.

Bên cạnh nhành hoa đào be bé xinh xinh kia, cậu Thạch còn mua thêm một phần bánh do chấm mật, hai người cùng ngồi trong cái đình con ăn bánh nói chuyện, bầu không khí ngượng ngùng cũng chuyển dần sang thoải mái hơn, lại khăng khít và gắn bó không khác gì ngày trước.
Năm này cậu Sơn về quê ngoại đón Tết cốt còn vì việc cậu Phúc kết hôn, cậu ở lại dự xong đám cưới rồi mới về đi học tiếp. Cậu muốn qua năm có thể thi đỗ Trạng nguyên, chứng minh cho những kẻ ganh ghét cậu thấy rằng cậu giỏi là sự thật, không phải nhờ người ông làm Thượng thư nâng đỡ cho.
Mà cậu Thạch cũng có lý tưởng của riêng mình.
Con tim mang tang bồng, chí làm trai thôi thúc kẻ thiếu niên khảng khái ngông cuồng lên đường lập nên nghiệp lớn. Qua năm cậu tự nguyện tòng quân, mong ngày hiển vinh trở về rạng danh tiên tổ, khẳng định dòng máu chiến binh chảy trong huyết quản và những năm tháng xông pha nơi chiến trường trận mạc của cậu là chưa từng hoài phí.

Điều đó cũng có nghĩa là, mùa xuân năm nay họ trở lại làm bạn, cũng là lần cuối họ gặp nhau.
Sau này mỗi người một ngả, ai biết được còn có mấy hồi đoàn viên? Người ra chiến trường khi trở về có lẽ đã trở thành thây chết bọc trong da ngựa, mà kẻ ở lại rồi cũng phải lập thất thành gia, có lẽ bọn họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa. Nghĩ tới chuyện này, Sơn Thạch đột nhiên trầm đi hẳn, cậu út nổi tiếng vui vẻ hoà đồng hiếm khi nào lộ ra dáng vẻ do dự suy tư. Liếc mắt nhìn cũng biết được người kia có tâm sự vì đôi bên đã thân quen từ lâu, cậu Sơn nhẹ giọng lên tiếng bảo:
"Trong lòng còn chuyện gì khó nói cứ thành thật chia sẻ. Chúng ta là bạn, không cần phải ngại."

[8]
Quả thực trong lòng Sơn Thạch có một chuyện rất khó để nói ra ngoài miệng, đã cất trong tim từ lâu. Chuyện ấy cậu không dám nói, để trong lòng ủ như một mẻ rượu ngon, mùi hương ngày càng nồng đượm, thơm ngọt, sâu lắng. Nhưng cũng đồng thời là đắng cay, chỉ khi nào mà nuốt được hết những cái cay nồng đắng chát ấy thì mới có thể nếm được vị ngọt say như mật ấm ở sâu tận cùng, tuy nhiên làm sao mà cậu nuốt được? Khi mà thứ rượu ấy phải có hai người thực sự thấu hiểu, yêu thương và sẵn sàng san sẻ mọi điều không che giấu với đối phương cùng nhau nghiêng vò rót loại ma thủy ấy ra chén, cùng nhau tay đan tay, nghiêng đầu uống cạn chén say.

Sơn Thạch quả thực không dám nói, không dám mở cái vò ủ đã lâu ấy ra cho Trường Sơn xem. Nhưng không mở, không cho đối phương biết, cậu e rằng sau này sẽ không còn cơ hội để nói ra nữa. Cậu hai tay cầm cành đào che ngang gương mặt, ánh mắt chăm chú nhìn cậu út Thạch đang suy nghĩ đắn đo, dù là một chuyển động nhỏ nhất cậu cũng không hề bỏ lỡ. Mất một lúc lâu sau, tựa như đã hạ được quyết tâm rồi, mày kiếm của đối phương nhíu lại, gương mặt anh tuấn hiện rõ sự nghiêm túc, căng thẳng cho thấy điều Sơn Thạch sắp nói ra là một chuyện vô cùng hệ trọng.

"Lê Trường Sơn!"
Cậu hai bị gọi thẳng cả tên lẫn họ, giống như một con mèo đang nằm lười biếng phơi nắng trên mái nhà bất ngờ bị con chim bay ngang đánh động, giật mình thon thót, cành đào hơi rung rinh, cánh hoa nhẹ rơi rụng xuống vạt áo tối màu của cậu.
Nóng cháy, rực rỡ như than hồng, một ánh mắt chẳng khác nào ngọn lửa thiêu đốt Trường Sơn. Đó là thứ cảm xúc cậu chưa bao giờ thấy hiện diện ở người kia, thật lạ lẫm và mãnh liệt vô cùng. Thoáng chốc Trường Sơn sinh ra ảo tưởng rằng cậu đang đối mặt với một con dã lang hung ác chứ không phải người bạn đã chơi cùng mình mấy năm trời, ngày ngày nói cười vui vẻ. Cậu bây giờ thấy có hơi lo ngại cho Sơn Thạch, hoang mang chẳng biết đối phương muốn làm gì, nói gì.
Chẳng lẽ đã làm hoà với nhau rồi, nhưng chuyện từ mùa thu năm trước vẫn chưa nguôi ngoai được?

[9]
"Năm tám tuổi, điều tôi nhớ mãi không quên, muốn thấy lại một lần là nụ cười của Trường Sơn..."
Sơn Thạch nói rất chậm rãi và từ tốn, tuy nhiên nếu tách lẻ từng từ, cậu hai còn có thể hiểu nghĩa của chúng, nhưng khi hợp lại thành câu, cậu lại không hiểu cậu ấy nói vậy nghĩa là gì. Vì vậy Trường Sơn chỉ biết ngồi im mà lắng nghe, cố gắng thử xem bản thân có thể thấu hiểu được chút nào tiếng lòng dữ dội vang vọng như chuông ngân nhưng một khi chạm đến cậu sẽ lại trở nên thanh thoát trong trẻo kia không.
"Năm lên mười, cái lần bước được chân sang vườn của nhà Sơn, tôi đã rất vui mừng và cảm thấy nỗ lực kiên trì leo tường nhà cậu của tôi hai năm đã được đền đáp. Lúc ấy tôi vui biết nhường nào..."
"Lúc ấy, tôi muốn làm bạn, nói chuyện, cười đùa, vui chơi, rong ruổi với Sơn."

Và cuối cùng là năm mười lăm tuổi. Giọng của Sơn Thạch có phần nhỏ đi nhưng rất nhanh đã hồi phục lại như trước. Giống như đã lấy hết dũng khí cả đời này của mình ra, giống như đã moi móc hết tâm can, tự xé toạc lồng ngực mình để người ngoài có thể dễ dàng nhìn thấy một trái tim đẫm máu còn đang đập thình thịch, và đập mỗi lúc một nhanh một mạnh hơn, đập cho tới khi vỡ tung thành hàng trăm ngàn mảnh nhỏ. Sơn Thạch nói rất rõ ràng như chỉ sợ người kia nghe không rõ sẽ hiểu lầm mất:
"Năm mười lăm tuổi, tôi muốn cùng Trường Sơn nói chuyện yêu đương."
Nói vừa to vừa rõ, gần như là thét vào mặt cậu hai, cậu nghe không sót một lời nào. Và cậu ngơ ngác, gương mặt chuyển tím chuyển đỏ vì không biết phải thể hiện ra loại cảm xúc nào, xấu hổ hay giận dữ. Mặt cậu hai Sơn cuối cùng chuyển về trắng bệch, nhưng hai vành tai đỏ lên gay gắt như có ai hắt nhầm mực chu sa lên.

[10]
Bình thường cậu hai nổi tiếng với cái miệng cay nghiệt gay gắt, xét về khoản nói hiếm có ai vượt qua được cậu và ít có người làm cậu im lặng lâu như thế. Nhưng mà bây giờ, Trường Sơn như hoá đá rồi, một lời cũng không thoát ra được khỏi kẽ môi, ngồi im đó không cách nào cử động và chẳng khác gì một pho tượng vô thần.
Cũng như vậy, cậu út nhà Tể tướng nổi tiếng là người biết quan tâm đến người khác, đột nhiên thấy ai đó ngây ra, Sơn Thạch sẽ sốt sắng lên ngay hỏi người ấy bị sao rồi, có cần cậu chạy đi tìm thầy lang tới xem bệnh cho hay không. Nhưng khi đối mặt với Trường Sơn trong tình huống khó xử như thế này, cậu bình tĩnh một cách kì lạ. Bình tĩnh như thể cả cuộc đời này sẽ không bao giờ cậu phải lôi cái sự điềm đạm kiên nhẫn đó ra sử dụng thêm một lần nào nữa.

Cậu Thạch đã lường trước được tình huống đối phương không thể chấp nhận chuyện này, vậy nên cũng không lạ lùng gì khi cậu lại có thể bình tĩnh như thế. Cậu biết Trường Sơn ngây ra đó là vì những lời ngông cuồng của mình. Ấy là một lẽ hiển nhiên bởi có mấy ai dễ dàng nghe được một lời tỏ tình từ người bạn thân cùng mình võ luyện văn ôn qua bao nhiêu năm tháng đâu? Nữ tử bình thường hẳn là có thể bởi đó là do tình duyên trai gái giữa những người nhà sát vách nhau, ngày ngày đợi nhau đi học, dắt tay nhau về dễ dàng làm cho thứ tình cảm như nước mùa xuân ấy dâng lên trong lòng một cảm giác dịu êm khó tả, gọi là tình yêu. Và một đôi trai gái tỏ tình cho nhau biết đã là một điều bình thường, một lẽ tự nhiên khó gì đảo lộn được.

Nhưng giữa Sơn Thạch và Trường Sơn, tình yêu trở thành điều dị thường, bởi vì cả hai người các cậu đều là những thiếu niên, mai này sẽ trở thành những người đàn ông khoẻ mạnh. Chuyện cậu út tỏ tình cậu hai vì thế mà trở thành hoang đường đến mức người ta mà nghe thấy sẽ cho rằng đây là chuyện mà kẻ điên bịa ra để kể cho thiên hạ. Và nào có ai lại chấp nhận được tình cảm từ một người đàn ông? Chắc chắn Trường Sơn không phải người đó. Cậu hai cũng có thể sẽ sinh ra sự ghê tởm, coi cậu út nhà bên là kẻ điên rồ bệnh hoạn bị cái thói ngông cuồng và tình cảm bồng bột nhất thời chi phối, che mờ lí trí mới dẫn đến phát sinh những lời kì quái rất khó để chấp nhận như vậy.

[11]
Tuy nhiên trong chuyện này, Sơn Thạch đã vô cùng nghiêm túc và không có sự nhầm lẫn nào về mặt tình cảm của mình. Đó là bởi, cậu út thực chất đã thầm nhớ trộm thương cậu hai chỉ bằng cái nụ cười thoáng qua như sao băng vụt ngang tầm mắt vào cái hôm cậu ngã khỏi bức tường nhiều năm về trước. Nếu không phải lỡ ôm tương tư với nụ cười đẹp đẽ hôm nao, có lẽ cậu út sẽ chẳng bao giờ kiên trì leo tường nhà cậu hai đến thế.

Rồi từ yêu thích nụ cười cho đến yêu dáng hình đứa bé thư sinh vận áo the xanh xám, tay cầm quyển sách, tay để sau lưng vừa đi vừa đọc trong vườn.
Thích cái cách cậu hai biết cậu út hôm nào cũng ở đó nhưng lờ đi, thi thoảng phát hiện ra ông cụ nhà mình đang trên đường tới mới cất giọng giả vờ gọi to con chó đen ra, thực chất là để báo cho cậu út biết ông Thượng thư về rồi, cậu út cũng nhanh về đi kẻo bị phát hiện.
Cậu út thích cái cách cậu hai giả vờ lạnh lùng với mình nhưng luôn nhạy cảm, chú ý và quan tâm đến cậu, yêu chết đi được cái giọng cằn nhằn, ngón tay trăng trắng thon thon dí vào trán mình mỗi khi cậu chẳng học hành được cái gì đàng hoàng hết.

Cậu út biết yêu sớm lắm, mới nứt mắt tí tuổi đầu đã biết yêu, biết bắt chước người lớn dấm dấm dúi dúi mang bánh nếp, mang kẹo lạc kẹo vừng, mang đào nho lê táo sang nhà cho cậu hai ăn. Và cậu cũng biết giấu không để ai hay trong lòng mình đã có hình bóng để tương tư, để đêm về ôm chặt lấy đi vào trong giấc ngủ.
Cậu hai không biết cậu út nhà bên thích mình theo kiểu trai gái yêu nhau, chỉ vô tư nghĩ rằng trẻ con hiếu động quấn người, cậu út bên ấy xem mình như anh em thân thiết trong nhà, yêu thích mình như ruột thịt. Cậu hai cũng không biết bản thân ghét hay yêu cậu út, người gì đâu mà lắm lúc rất phiền, có khi lại đặc biệt chú ý quan tâm đến cảm xúc cảm giác của cậu. Cậu đối xử với cậu út Thạch như người em nhỏ trong nhà, không ít lần làm cho cậu những món đồ chơi nhỏ. Và vì cậu hai Sơn cứ quan tâm săn sóc, dịu dàng ân cần lúc có lúc không nhưng kiên trì kéo dài suốt mấy năm như vậy, cậu út Thạch mới càng yêu cậu nhiều hơn.

Bất ngờ cậu Sơn đứng dậy, chẳng nói chẳng rằng luống cuống cầm lấy túi đồ nhỏ của mình chạy vụt đi. Có lẽ cậu giận cậu Thạch thật rồi, không muốn nhìn thấy cậu ấy nữa. Tình bạn đứt gánh giữa đường cuối cùng trở thành đứt thật, cả đời này xem chừng cũng chẳng thể nối lại với nhau.
Biết là thế, nhưng Sơn Thạch vẫn bình tĩnh vô cùng, dù sao thì cậu cũng đã lường trước được những gì sẽ xảy ra sau khi mình nói hết những lời tâm tình ủ kín trong lòng cho đối phương nghe. Không cần được đáp lại, không cần được nhớ đến, không cần được xem trọng hay gọi tên nữa rồi. Với Sơn Thạch ấy mà, chỉ cần nói được ra những lời kia là đã mãn nguyện, đã buông bỏ được hết gánh nặng trong lòng. Sau này ra chiến trận sẽ có thể tập trung chiến đấu, mà lỡ như không thể trở về, cả đời cũng chưa từng hối hận.

Ngỏ được lời yêu với Trường Sơn, giống như là đã hoàn thành tâm nguyện cả đời này của Sơn Thạch vậy.

[12]
Ngày mà Sơn Thạch lên đường thoả chí làm trai, người người nhà nhà bạn bè gần xa thân bằng cố hữu đều đến chật kín cả phủ Thừa tướng tiễn cậu ra trận. Thiếu niên mặc giáp bạc sáng loáng, tóc cạo gọn gàng để thích nghi với nắng gió sa trường, đứng giữa một dàn người đông đảo tới đưa mình lên đường, tay nắm chặt tay từng người khảng khái hô vang:
"Lần này ra đi một trận thành danh!
Không lập được công lớn, không trở về!"
Xung quanh theo đó mà cũng trở nên ồn ào náo nhiệt hơn.

Buổi tiệc chia tay tiễn Sơn Thạch lên đường người đến đông như trẩy hội, Tể tướng mời hẳn nhạc công trong cung tới biểu diễn, những khúc nhạc hùng tráng như để cổ vũ, tăng thêm dũng khí cho thiếu niên. Trong phủ mở tiệc ăn uống no say một buổi, kẻ hầu người hạ cứ hết vào lại ra, mang vô số thứ quà cất đi và bưng đồ ăn, rượu ngon ra tiếp khách. Bầu không khí phải nói là vô cùng náo nhiệt, đông vui.
Giữa vô số những con người ấy, phủ Thượng thư với tư cách là hàng xóm vách nhà tựa nhau cũng cử người con trai trưởng mang một phần quà sang tặng cho cậu út cùng lời chúc cậu sớm ngày thành danh trở về.

Đó là món quà mà Sơn Thạch vội vàng mở ra nhất, cuối cùng, dù đã thừa biết sẽ chẳng có thứ mình cần nhưng vẫn không khỏi tiếc nuối. Trường Sơn không gửi gì cho cậu, cũng chẳng đến tiễn cậu đi. Có lẽ người ta ghét, người ta không bao giờ muốn gặp lại cậu nữa rồi.
Giữa một ngày trọng đại như thế, một ngày mang ý nghĩa thay đổi cả cuộc đời cậu, người mà cậu coi như nửa cái mạng mình lại chẳng thấy bóng dáng đâu.

Cậu út Thạch năm đó bây giờ đã trở thành thiếu niên Sơn Thạch khao khát bước chân ra chiến trường cho thoả chí trai tang bồng, lại trở thành người duy nhất cô đơn, lạc lõng giữa biển người mênh mông lúc này cậu đang vùng vẫy.
Chán nản, cậu lại nhớ cái góc tường ngày nhỏ vẫn trèo. Vậy là Sơn Thạch mò ra đó, bây giờ cậu đã đủ cao lớn để có thể nhảy qua bức tường nhà mình một cách dễ dàng. Ra tới ngõ, đối diện chính là tường nhà Trường Sơn, chỗ này, nhảy qua sẽ tới mảnh vườn có cái hòn non bộ con con, có cái đình nhỏ mái ngói cong vút cậu hai hay ngồi đọc sách ngâm thơ.

Một chút khao khát nhỏ nhoi được vượt tường tìm bóng người thương dâng lên trong lòng Sơn Thạch, nhưng nhớ đến đối phương ghét mình rồi, lại thôi, xoay người định quay về nhà.
Nhưng bất chợt lúc ấy, phía sau bức tường trắng truyền đến những nốt âm ngân vang trong trẻo của đàn tỳ bà.
Bởi vì có một người mẹ dịu dàng tinh thông nhạc cụ, cậu chỉ cần nghe sơ qua cũng đã biết được ai ở phía đằng kia đang chơi loại đàn nào, có thành thạo hay không. Sơn Thạch dễ dàng nhận ra người đó hẳn là mới tập đàn cách đây không lâu, vẫn còn chút vụng về xen giữa những thanh âm tưởng chừng đã hoàn mĩ, chẳng phải là hay nhất, nhưng không hề khó nghe. Ai đó bên kia bức tường đàn một bài ca tiễn người ra trận, tiếng đàn tỳ bà độc tấu thấm đậm dáng vẻ đìu hiu cô quạnh của khung cảnh thời khắc chia ly cùng sự tiếc nuối, hoài nhớ mong của kẻ ở lại.

Sơn Thạch muốn xem thử người đang gảy đàn là ai, cuối cùng đánh bạo nhảy lên bức tường, thân thủ nhanh nhẹn không hề phát ra dù chỉ là một tiếng động.
Phải chăng không nhảy lên, không biết đến, bước qua cái ranh giới cuối cùng ấy rồi, cậu lại ngẩn ngơ, lại như trở về tháng ngày thơ trẻ tại bức tường này tương tư bóng hình một người đọc sách làm thơ. Cảnh vật hôm nay vẫn chẳng khác nào những gì từng hằn in trong ký ức Sơn Thạch, cũng vẫn mái đình, hòn non bộ, thảm cỏ xanh và một cây lê rũ cành mềm mại. Khác ở chỗ, đứa trẻ năm nào được một đứa trẻ khác chọn làm ý trung nhân nay đã lớn, ngồi xoay lưng lại phía bức tường, ôm đàn tỳ bà trong lòng, dịu dàng tấu lên khúc tiễn biệt vừa đau xót vừa tràn đầy yêu thương.
Trường Sơn tấu khúc này là vì ai? Vì ai mà thư sinh ôm đàn thổn thức? Vì ai, khoác lên áo tím như người thiếu phụ đợi chồng viễn chinh, nức nở trong cô quạnh cùng những âm thanh còn lẫn chút vụng về, đứt gãy?

Sơn Thạch không biết, nhưng cậu có thể từ một bóng lưng đó mà ôm mộng tưởng rằng khúc nhạc này Trường Sơn tấu lên là lời tạm biệt trước lúc cậu đi xa.

Cậu hai gảy đàn bằng tay không, chỉ dừng lại khi ngón tay đã ửng đỏ, trầy trật đến độ sắp bị dây đàn cứa cho chảy máu mới chịu dừng lại.
Trường Sơn bắt đầu tập đàn tỳ bà chỉ mới mấy ngày từ lúc về quê ăn Tết cho đến khi trở lại kinh đô và nghe tin Sơn Thạch sắp tòng chinh đánh giặc. Cậu không biết vì lẽ gì lại muốn tập đàn, vì lẽ gì mà khúc nhạc đầu tiên lại chọn khúc tiễn biệt phu quân chinh phạt viễn xứ để học. Trường Sơn học đàn không phải để tấu cho ai nghe hết mà chỉ là tự nhiên muốn học, rồi muốn đánh thành thạo khúc nhạc kia, tự đàn cho mình nghe thôi.

Cậu hai đàn xong rồi, huyên náo sát vách nhà vẫn còn chưa vơi bớt. Cậu bất giác đưa ánh mắt nhìn ra phía bức tường bởi vì trong người vừa có gì xê dịch thay đổi, cậu vừa cảm nhận được một sự hiện diện kì lạ chung quanh mình.
Không có bóng người nào cả, chỉ có một nhành hoa đào be bé xinh xinh đặt trên bức tường, tươi nguyên vì vừa mới được bẻ xuống.


[13]
Cậu út Thạch xuất chinh tròn một năm, lập được chiến công đại thắng phá tan thế giặc mạnh ở mạn biên giới phía Bắc nước ta, được triều đình trọng thưởng phong tướng, trở thành tướng quân trẻ nhất thuở bấy giờ.
Người ta khi đó không thể gọi cậu là cậu út nữa mà phải gọi là Sơn Thạch tướng quân, núi có thể dời đem lấp bể, sông sâu có thể đào dẫn nước cứu dân, danh tiếng đã vang xa đến bách gia bá tánh.

Ba năm nữa, cháu trai Thượng thư đỗ Trạng nguyên, mười chín tuổi được đặc cách làm việc trong Nội các nhờ vào tài trí hơn người lại vừa có tài thao lược, am hiểu bày binh bố trận lại vừa tinh thông thiên văn, sử địa, biết xem sao đoán thời tiết, biết nhìn mặt mà đoán bệnh trong lòng.
Có thể nói rằng Trạng nguyên Lê Trường Sơn của năm đó danh tiếng ngút trời, ai ai cũng đều phải nể phục, là tấm gương sáng để nhiều người noi theo. Và trên hết, cậu hai năm ấy đã trở thành một phiên bản nhỏ hơn của ông ngoại mình, đứng trên cương vị đối đầu gián tiếp với Sơn Thạch tướng quân, thi đua nhau lập công dựng xây đất nước.

Vậy là cậu Thạch ra chiến trường đã ngót nghét bốn năm.
Đầu mùa đông năm ấy, tướng quân gửi từ chiến trường về một rương gỗ lớn chứa mấy món quà hắn chọn được từ vùng đất nơi mình đóng quân. Trong rương có cả quà cho nhà hắn, cả cho nhà Thượng thư, và đặc biệt nhất là một chiếc hộp nho nhỏ nằm gọn trong góc rương, mở ra sẽ nhìn thấy chuỗi ngọc bội nhỏ để cài vào khuy áo tấc, bảo là quà dành cho Trạng nguyên, năm y đề tên lên bảng vàng vẫn chưa có dịp tặng.
Sơn Thạch gửi những thứ ấy kèm theo một bức thư, nói rằng đợi hết năm nay xem thế giặc như nào, nếu giặc không có động tĩnh, hắn sẽ tranh thủ thời gian trở về thăm gia đình.

[14]
Mật thám gửi tin báo từ biên giới về triều đình, trong bản tấu báo lại rằng thế giặc án binh bất động, không có dấu hiệu sẽ mở cuộc xâm lược nào với nước ta, còn cho thấy tình hình mùa đông năm nay hẳn sẽ không xảy ra binh biến, nói chung tình hình mọi chuyện đều ổn.

Thế nhưng tân Trạng nguyên chỉ mới nghe được người trong Nội các truyền tai nhau năm nay không có thêm cuộc chiến nào xảy ra đã lập tức xanh mặt, vội vàng đi làm một bản tấu khác dâng vua.
Trong ấy y nói rõ nhất định cuối năm sẽ xảy ra binh biến, đó là bởi triều đình chuẩn bị thọ điển cho Thái hậu, nhân lực hầu hết sẽ tập trung về kinh đô khiến cho lực lượng tại các địa phương mỏng đi rất nhiều. Mà dịp gần đây mạn sông Như Nguyệt vùng Bắc Ninh lại có dấu hiệu rục rịch của quân phiến loạn bất mãn với thời cuộc muốn lật đổ triều đình, e rằng chúng sẽ câu kết với giặc ngoài, nhân lúc ta lơi là cảnh giác mà tấn công. Còn chưa kể trời đang nổi lên giông bão, loạn lần này chính là hoạ lòng trong hoạ.
Bản tấu này do Trường Sơn dâng lên khiến cho triều đình vô cùng hoang mang, ấy là bởi nội dung của nó khác xa với những dự đoán mà mật thám gửi về. Một vài viên quan không tin tưởng và cho rằng một văn quan như y thì biết gì về binh biến chiến tranh mà đòi trình với tấu.

Tuy nhiên Tể tướng lại ủng hộ ý kiến của Trường Sơn. Là người đứng trên tất cả võ quan, lo việc quân binh của cả một quốc gia, dân tộc, ông rất nhạy cảm với những vấn đề như thế này. Chỉ mới hơi có dấu hiệu của một trận loạn lạc can qua, ông cũng đã sẵn sàng tất cả mọi phương án để ứng phó, gắng hết sức làm sao dẹp được nạn chiến tranh trước khi nó kịp nổ ra, bảo vệ sự bình yên cho đất nước.
Chính bản thân ông cũng thấy rằng việc quân phiến loạn nổi lên ở Bắc Ninh là một dấu hiệu cho thấy rằng sẽ có điều không ổn xảy ra.

Và dưới cái tầm nhìn xa trông rộng của vị Tể tướng công thần khai quốc, triều đình cũng bắt đầu xét đến khả năng vào đợt cuối năm sẽ xảy ra nạn can qua ở nơi có quân phiến loạn.
Vì là người đã dự đoán về cuộc binh biến loạn lạc có thể sẽ kéo tới, Trạng nguyên quanh năm chỉ làm việc trong chốn cung đình được cử đến ngay địa phương ấy, phụ trách việc di dân, cứu trợ đồng bào nếu có nạn chiến loạn xảy ra.

[15]
Năm ấy mưa nhiều, nước sông Như Nguyệt dâng cao, tình hình vô cùng khốn khó cho người dân ta, lại còn nghe tin trời có bão lớn. Mà cũng trùng lúc ấy, y như những gì Trạng nguyên và Tể tướng dự đoán, nạn can qua thật sự xảy ra. Quân phiến loạn câu kết với thế giặc bất chấp mùa nước nổi, đưa thuyền lớn qua sông, định sẽ phá vỡ phòng tuyến sông Như Nguyệt và vùng Bắc Ninh, sau đó sẽ đánh sang các vùng lân cận, dần dần chiếm hết toàn bộ miền Bắc.

Thế giặc nguy nan, quân ta lực lượng mỏng, một nửa lo sơ tán người dân nửa còn lại đối phó với thời tiết thất thường và kẻ địch đang chờ lúc tấn công, tình hình vô cùng cấp bách. Giữa lúc ấy lại nhận được tin dữ, nước sông Như Nguyệt dâng cao rất có thể sẽ làm vỡ đê, trong đêm tối sóng cuộn nước trào, e rằng Bắc Ninh trận này khó giữ.

Vó ngựa vượt trăm ngàn dặm trường chinh chạy đến tháp cao nơi Trạng nguyên áo tím mắt mãi dõi trông về phòng tuyến lửa rực cháy bến sông Như Nguyệt, báo rằng Thạch tướng quân bất chấp lũ dâng sẽ sớm dẫn quân tới chi viện, bảo Trạng nguyên mau chóng di dân đến nơi an toàn.

Mưa rền gió dữ, sóng nước dâng cao, địch liều mạng dùng thuyền lớn chở quân sang bên này, định sẽ phá đổ phòng tuyến sông Như Nguyệt trước để mở đường chờ cho đợt tiến công tiếp theo.
Trường Sơn nhất định không chịu rời khỏi tháp canh, ra lệnh cho tùy tùng và cấp dưới đi sơ tán cùng dân chúng cho bằng hết, dân phu lính tráng ai còn đủ sức tiếp tục đi kè đập đắp đê, phòng trường hợp lũ dâng đê vỡ, toàn bộ vùng này sẽ biến thành biển nước mênh mông. Bản thân y phải ở lại chờ nhìn thấy bóng dáng Sơn Thạch tướng quân. Chỉ sợ rằng nước dâng mưa lớn, tất cả sẽ hội tụ thành tình huống bất lợi không cho phép hắn đưa thuyền tiếp cận khu này, tới khi đó e là tự y phải chỉ huy quân ta tiếp tục chiến đấu trong cái cam go khốc liệt của mưa giông.

Trong gió rít mưa gào, một tiếng tù và thật dài, thật khoẻ, thật vang xuyên qua màn vân vũ điên cuồng, giữa đêm tối, giữa sóng cuộn chợt hiện ra mấy chiếc thuyền lớn.
Mắt của Trường Sơn rất tinh tường, dù nhìn xuyên ma một màn mưa gió vẫn có thể thấy được lá cờ vẽ rồng cuộn đặc trưng của nước Nam, lúc ấy y biết rằng quân tiếp viện đã đến.
Mà từ đằng xa, Sơn Thạch nhìn lên tháp canh cũng có thể thấy bóng người áo tím dõi mắt về nơi hắn, gió thổi rất mạnh làm cho bóng người ấy có vẻ xiêu liêu nghiêng ngả như sẽ đổ xuống bất cứ lúc nào.

[16]
Hề gì sóng lớn lũ dâng? Hề gì đao kiếm vô tình? Hề gì vất vả gian lao nếu bóng người thương mấy năm cách trở đã gần trong gang tấc.

Tay không bắt gấu, một địch ngàn quân, kinh qua trăm trận, bách chiến bách thắng. Sơn Thạch tướng quân trước kia dùng một trận đánh mà tạo nên uy danh vang khắp non sông.
Lần trước mang về khải hoàn từ chỗ thập tử nhất sinh, quân ta còn có mấy trăm mà thế địch lại mạnh như sóng lũ. Lần này, hắn không tin mình lại thua cuộc trước đợt nước dâng, lưa thưa vài chiếc thuyền chở đám lính quèn của quân địch sang hợp với lũ phiến loạn bên này.

Con thuyền cập bến chòng chành, tướng quân đạp lên đầu rồng, trong mưa gió bão bùng vần vũ vẫn có tâm trạng trêu đùa Trạng nguyên đang nhìn ra sóng lũ:
"Này, đứng ở chỗ chông chênh như thế có sợ bị gió thổi bay đi không? Ra đây vịn vào anh kẻo ngã này!"
Không biết hắn có còn nhớ năm xưa quan hệ thân thiết của họ đã đứt gánh giữa đường, mỗi người một ngả hay không nhưng dựa vào cách nói chuyện này thì hình như Sơn Thạch định chơi trò bỏ quên quá khứ, làm lại từ đầu với Trường Sơn thì phải.

Trạng nguyên gào qua gió bão:
"Không muốn đến chi viện thì quay về đi! Tự ta lo liệu được."
Quân sĩ sau lưng Sơn Thạch toát mồ hôi khi nghe thấy hắn cười đáp lại người kia, tự hỏi có phải chỉ huy bị nước mưa ngấm vào đầu nên hoá điên rồi hay không. Tướng quân chỉ cười vang trong chốc lát, một khoảnh khắc sau đó đã trở lại dáng vẻ nghiêm túc lạnh lùng, là người đàn ông có thể dựa dẫm.
"Chia quân, một nửa kè đập đắp đê ngăn nước sông Như Nguyệt tràn vào phá hỏng đất đai nhà cửa hoa màu của dân, nửa còn lại theo ta, đạp lên sóng dữ, phá thế giặc!"
Toàn quân lập tức hô vang như sấm rền, nhanh chóng đưa thuyền cập vào mé sông, nửa số binh đi xem tình hình đê điều, nửa còn lại cấp tốc xông pha trên thủy trận.

Đều là những gã trai say cái thời loạn chí lớn mênh mông, lại được trui rèn qua chiến trường đao kiếm vô tình, hỗn loạn, kẻ nào kẻ nấy đều khỏe mạnh gấp nhiều lần lính tráng dân phu sống trong yên bình đã quen. Chẳng mấy chốc, bờ đê sắp bục cả ra ngoài đã bị mấy chục bao đất các gã khuân lên lấp lại, không cho phép một đường nước nào rỉ qua. Mưa rền gió dữ hoà trong quyết tâm của những con người sẵn sàng dùng cả thân mình lấp gọn mọi lỗ hổng trên bờ đê, hoà trong tiếng hô hoán, kêu gào nhau, hoà trong cả âm thanh phá tan cả màn mưa của Trường Sơn.
Đó là lần đầu tiên người ta nhìn thấy một Trạng nguyên xắn quần lội nước, quyết giữ cho được mảnh đất nơi an cư lạc nghiệp của biết bao người dân ven sông Như Nguyệt.
Vừa nãy khi chỉ mới thấy Sơn Thạch dẫn quân lên đất thôi, y đã vội xoay người chạy về phía đê xem tình hình, giao lại chiến loạn nguy nan cho hắn.

Ngay lúc này khi một người đang chỉ huy chống giặc, giết bọn phiến loạn trả lại tự do yên bình cho nhân dân. Cũng có một người đồng thời dầm mưa đội gió, quyết không để nước sông lên làm vỡ bờ đê, phá hoại hoa màu của cải dân chúng bao đời tích lũy.
Mấy anh lính từ biên ải trận mạc trở về trợn mắt nhìn Trạng nguyên áo tím có vẻ như gió thổi là bay mà lại có thể bình tĩnh cắm chắc hai chân xuống sình lầy, tiếng quát át tiếng mưa, chỉ đạo dân phu lấp đất, kè đê chống lũ. Tự nhiên họ lại thấy người này có cốt khí rất giống với tướng quân nhà mình, nhìn từ góc nào thấy cũng giống nhau.

[17]
Rạng sáng, mưa tạnh, gió cũng ngừng rít gào, những tia sáng đầu tiên bắt đầu loé ra sau màn mây mù dày đặc. Tin báo về quân ta toàn thắng bởi kẻ địch muốn tổn thương ta 1000 lần cũng đã tự hại bản thân 800. Hơn hết đêm qua chúng chỉ muốn hi sinh mấy tốp lính có ý định đào ngũ bằng cách cử đám ấy sang bên này phá đê phòng hộ, để nước sông Như Nguyệt dâng lên gây thiệt gại lớn cho bên ta. Cũng may trước đó khi Trạng nguyên mới tới xem xét tình hình địa thế ven sông đã sai dân phu lính tráng chuẩn bị từ trước, nếu đêm ấy đê vỡ, còn có phương án chống đỡ lâu dài.

Người dân tấm tắc khen Trạng nguyên tuổi trẻ tài cao, nhìn xa trông rộng, cứ như tiên tri thấy trước được tương lai cứu họ qua cơn đại nạn này. Từ chỗ di tản ùa về, dù bốn bề đều ngập trong biển nước nhưng dường như không có thiệt hại nặng nề nào về người, ai nấy đều vui mừng khôn xiết.
Nhưng khen Trường Sơn thì cũng đồng thời phải khen Sơn Thạch tướng quân đã đến cứu viện kịp thời. Nếu không có hắn, e là đêm qua đê vỡ sóng dâng, người và của đều chìm vào bùn lầy hết cả, nguyên vùng Bắc Ninh e là khó giữ sau mưa giông. Nhớ đến dáng vẻ oai dũng của bậc nam nhi đại trượng phu xé trời rạch đất, trong đêm tối bão bùng  vẫn hiên ngang anh dũng như thể không gì lay chuyển được ấy, ai cũng phải công nhận rằng triều đình hiện thời phải vô cùng có phước mới sở hữu được một vị tướng quân như vậy.

Trời sáng tỏ thì giặc cũng tan, quân phiến loạn và những kẻ nhân lúc dân ta gặp thiên tai mà thừa nước đục thả câu đều bị giải đến trước mặt mấy chục mấy trăm hộ gia đình sống ven sông Như Nguyệt.
Tướng quân đưa tay vuốt mặt, cười lớn bảo:
"Thế là đã xong nhé! Còn lại, giao hết cho bà con xử lý đấy!"
Dân thì nóng mắt lắm rồi, chỉ muốn lo vào đánh cho mỗi kẻ một trận nhừ tử. Nhưng bây giờ thì ai mà còn hơi sức đánh nhau nữa? Cả một đêm gồng mình ngăn đê vỡ, chạy loạn, ai nấy đều mệt mõi, tay chân bủn rủn như rã cả ra. Thành thử bà con chỉ còn biết dùng ánh mắt căm phẫn nhìn vào bọn hại dân hại nước mà không thể làm gì hơn.

Đương lúc cơn giận của họ đang lên cao ngút trời mà chưa biết làm sao để hả, Trạng nguyên lạch bạch lội bùn đi tới. Áo lụa buộc bên hông, quần kéo cao qua gối, cả người đều lấm lem như một con mèo vớt ra từ vũng sình, chỉ có một đôi mắt là đặc biệt sáng trong, như có ánh sao sa từ đâu lạc lối rồi mắc kẹt tại nơi đó. Tuy nhiên, Sơn Thạch nhìn vào ánh mắt ấy chỉ thấy sự toan tính nguy hiểm từ người kia. Hắn bỗng rùng mình, ánh mắt này đã từng xuất hiện vào cái lần Trường Sơn thả chó doạ hắn.

"Trên đê có đoạn bị hở ra, e là chẳng mấy chốc nữa nước sẽ tràn vào."
Trạng nguyên túm áo nói một cách thản nhiên, bất chấp cái lời nói ra không khác nào một tia sét đánh ngang tai những người đã dành cả đêm oằn mình chống chọi không cho đê vỡ. Nhưng chưa kịp để bất kì ai hoảng loạn, y đã bình tĩnh bồi thêm vào:
"Thiết nghĩ bây giờ ai cũng mệt rồi, không có sức đi khuân đất đắp đê nữa. Hay là thế này, chúng ta mang bọn hại dân hại nước này ra lấp vào lỗ hở, tạm thời ngăn đê vỡ. Mọi người xem có được không?"

Bà con nghe vậy vui mừng khôn xiết, dân phu lính tráng thì tròn mắt nhìn Trạng nguyên hết chuyện để làm lại tiếp tục ngó ra đống sình lầy phía trước, lội lội lội, không chịu đi lên chỗ sạch sẽ khô ráo hơn, thầm kháo nhau hình như ngài lại đi thị sát thêm một vòng đê nữa.
Sơn Thạch nhìn Trường Sơn lội bùn, đứng ở nơi khô ráo cũng tháo giày, cởi giáp bỏ lại trên mặt đất. Áo giắt cạp quần, quần lại xắn lên đến gối, ướt như con chuột dầm mưa từ đêm qua vẫn màu màu mè mè tỏ ra quan trọng sự sạch sẽ, đạp xuống sình bùn.
"Nghe thấy Trạng nguyên bảo gì không? Mang đám người này ra chặn đê vỡ!"
Hắn xung phong hăng hái túm cổ một tên phiến loạn đang khóc tu tu lội phăng phăng trên bùn như đi trên đất, đuổi theo bóng người áo tím xiêu vẹo giữa sình non.

[18]
Mưa giông bão gió cuốn phăng đi nhiều thứ, còn vô tình làm lạc cả chuỗi ngọc bội nhỏ Trường Sơn treo trên khuy áo tấc của mình. Giữa mênh mông triền đê, bên kia là sóng lũ, bên này là sình bùn, có muốn tìm cũng khó lòng mà tìm nổi.
Làm sao bây giờ?
Y cắn cắn môi, đôi mày ưu tư nhăn cả lại. Vật ấy đối với y có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là minh chứng cho thấy y đã chấp nhận mở rộng lòng mình để đón một điều xưa nay chưa từng có. Là thứ chìa khoá mở ra một con người khác của Trường Sơn. Bây giờ mất đi rồi, y cảm thấy như nửa hồn mình cũng vừa thoát xác vậy.

Trạng nguyên bất mãn đạp đạp bùn lầy ướt lún dưới chân, cũng vì vậy mà suýt nữa đứng không vững mà ngã mất. Y đang buồn bực, đang rất khó chịu trong lòng, vật kia rơi đi đâu mất rồi?
"Đang tìm thứ này sao?"
Có người đã đến sau lưng Trường Sơn từ bao giờ, cất lên tiếng gọi dịu dàng, giọng hơi khàn vì đêm qua gào thi với gió, so tài gầm thét cùng với mưa. Y buồn bực quay lại nhìn, thấy Sơn Thạch đứng rất gần mình, tay chìa ra, trên lòng bàn tay đầy bùn bẩn là một ngọc bội đã bị áo một lớp sình nâu, nhưng hình dáng thì đúng là ngọc bội mà Trường Sơn đang tìm kiếm.

Y không ngần ngại vươn tay cầm lấy vật kia, những đầu ngón tay dầm mưa rất lạnh, cách một lớp bùn Sơn Thạch vẫn có thể cảm thấy được.
Tim hắn đột nhiên run lên.
Thật ra hắn không hề trông mong Trường Sơn sẽ gìn giữ ngọc bội hắn tặng, thậm chí còn nghĩ y sẽ vứt bỏ nó đi. Và có lẽ Trường Sơn cũng không hề phát hiện ra bức thư đi kèm trong hộp gỗ, trong thư Sơn Thạch nói rằng mong y có thể quên đi những lời hắn nói ở vườn đào khi trước, xin y hãy cho hắn được tiếp tục làm bạn của y.
Nhưng không ngờ Trường Sơn không biết đến bức thư ấy, hoặc là đã vứt bỏ, mấy năm ở ngoài biên thùy, Sơn Thạch đã nghĩ rằng họ chấm dứt thật rồi. Hắn đâu biết y thật sự chưa từng đọc lá thư kia, tuy nhiên ngọc bội hắn tặng, y lại giữ vô cùng cẩn thận, vẫn luôn đeo bên mình.

Sơn Thạch nghe một tùy tùng của y kể lại rằng bình thường vẫn thấy Trạng nguyên đeo trên nút áo một ngọc bội nhỏ, nhưng có lẽ mưa to gió lớn thổi nó rơi mất rồi, hẳn là Trường Sơn lội bùn mãi không chịu lên bờ cũng là vì vật ấy.
Thấy vậy hắn cũng thử lội bùn xuống tìm, tuy rằng không hề hi vọng sẽ tìm được nó nhưng dường như đã được thiên ý an bài, Thạch tướng quân đi được dăm ba bước, chân đã đạp phải vật gì đó dưới bùn lầy. Kéo lên xem thử thì quả nhiên chính là ngọc bội bị rơi trên áo của Trường Sơn, hắn đã làm vật này tặng y, làm sao có thể quên hình dáng của nó được.

"Cảm ơn."
Trường Sơn không hề ngại ngọc bội áo đầy bùn nâu, ôm trọn nó bằng một bàn tay mình. Y nói, mắt không rời đồ vật ướt đẫm bẩn thỉu kia.
Hai người im lặng đứng giữa bùn lầy rất lâu, cho đến khi có một cơn gió thổi qua làm hơi lạnh từ hai bộ quần áo ướt sũng sau đêm mưa phả vào da thịt thì mới giật mình run rẩy, kéo nhau về nơi khô ráo hơn.
Vừa đi, Sơn Thạch vừa cúi đầu như đang cân nhắc chuyện gì đó thật kĩ. Đoạn, hắn nói, giọng rất nhỏ:
"Chuyện ở vườn đào..."
Mà trùng hợp thay, Trường Sơn khi ấy cũng lên tiếng:
"Chuyện hôm đó ở vườn đào..."
Hai người thoáng giật mình rồi im lặng, bầu không khí ngượng ngùng khó xử bắt đầu bao trùm tất cả.

"Sơn nói trước đi."
"Ngươi nói trước."
Hai người lại đồng thời lên tiếng, sau nhiều sự trùng hợp như thế, họ đi đến quyết định sẽ nói cùng lúc với nhau.
"Chuyện hôm đó tôi nói với Sơn ở vườn đào...hi vọng Sơn có thể quên đi, coi như tôi nói nhăng nói cuội. Tôi...muốn làm bạn với Sơn thôi..."
"Chuyện hôm đó ta nghĩ kĩ rồi, ta cùng ngươi bàn chuyện yêu đương."
"A."
"Hả?"
Hai gương mặt cùng đồng thời nghệt ra dù thực tế Trường Sơn nói xong trước còn Sơn Thạch dứt lời sau.
Ngay lập tức, gương mặt Trạng nguyên nhăn lại, vành tai hơi đỏ lên còn đôi mắt thì biểu đạt một sự thất vọng ngập tràn chực trào ra như hồng thủy.
"Nói cái gì vậy..."
Y lí nhí, rồi đột nhiên giận dỗi điều gì, xách áo toan bỏ đi.

Nhưng Thạch tướng quân đã vội giữ y trở lại, thật ra là kéo y vào một cái ôm rất chặt, dùng cả vòng tay để giam hãm Trường Sơn.
Không nén nổi vui sướng và hạnh phúc, gần như là vỡ oà trong xúc cảm mãnh liệt tràn về như nước mùa xuân, hắn bảo:
"Không gì đâu. Tôi bảo, tôi muốn nói chuyện yêu đương với Trường Sơn."
Hai người đứng giữa đồng ruộng đầy bùn lầy ôm chặt cứng lấy nhau, người này vui vẻ bao nhiêu thì người kia cọc cằn khó chịu bấy nhiêu. Trạng nguyên gào lên:
"Bỏ ra! Gãy đôi người ta ra bây giờ!"
Tiếng kêu vang thấu trời xanh.

Từ bên kia của cánh đồng, quân sĩ theo Sơn Thạch xông pha trận mạc ngồi túm tụm với nhau ngó sang, mặt anh nào anh đấy nghệt hẳn ra.
"Ơ thế là tướng quân nhà mình bảo phu nhân không phải phụ nữ là thật à?"
"Thì chả, mi tưởng ngài đùa chắc."
"Ghê gớm thật đấy, Trạng nguyên là cháu ông Thượng thư, ông Thượng thư lại có thù với ông Tể tướng nhà tướng quân. Kì này...xem ra khó cho Thạch đại nhân rồi."
"Chả có gì là khó cả, Thuận tướng quân còn cưới được cậu Phúc em Trạng nguyên, mà Trạng nguyên nổi tiếng khó còn gì? Thạch tướng quân cứ học cái trò vượt tường cướp hoa là được."

Thật ra Sơn Thạch đã vượt qua bức tường từ rất lâu rồi, nhưng mà hắn chưa bao giờ cướp được hoa để trong vườn của phủ Thượng thư. Chỉ có bóng hoa chủ động vượt khỏi bức tường đi tìm hắn, hắn mới có cơ hội mang hoa về nhà mình thôi.

[19]
Lần này đi dẹp quân phiến loạn, ứng phó thiên tai có cả công của Tướng quân lẫn Trạng nguyên.
Triều đình trọng thưởng, cho phép Trường Sơn một đường thăng tiến, giữ một chức quan xứng đáng với năng lực của y trong triều. Còn về phần tướng quân, vì mối quan hệ họ hàng dây mơ rễ má giữa Tể tướng và vua, Hoàng đế có phần phân vân không biết phải ban thưởng gì cho Sơn Thạch cả. Thế là trong buổi thượng triều hôm ấy trước sự có mặt của đông đủ quần thần, khi hắn và Trường Sơn cùng đang quỳ trước ngai rồng để chờ quyết định của vua, Hoàng đế đã hỏi:
"Tướng quân khanh tuổi trẻ tài cao, lập nên nhiều công lớn giúp đỡ cho sự nghiệp trị quốc của trẫm. Để xứng đáng với công lao của mình, khanh muốn trẫm ban thưởng cho thứ gì?"
"Trẫm nhất định sẽ đáp ứng cho ngươi."

Vậy là trước mặt của rất nhiều con người, bao gồm cả ông nội của mình và ông ngoại của ái nhân đang đưa mắt gườm nhau trong thầm lặng, Thạch tướng quân cười toe toét, đoạn, cầm lấy bàn tay đang buông thõng phủ phục trên nền đất của Trường Sơn đưa lên cao, dõng dạc tuyên bố:
"Thần muốn được ban thưởng cho người này!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro