Bài 1: HIỆN TƯỢNG FATIMA, CỘNG SẢN, VÀ HỒI GIÁO

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Số báo Time, phát hành ngày 30/12/1991, Richard N. Ostling – một ký giả kỳ cựu chuyên về mục tôn giáo – đăng tải một bài viết nhan đề, "Hand-maid or Feminist?". Trong bài viết này, ông nhận định: "Trong số những phụ nữ đã từng sống ở trần gian, Mẹ của Đức Giêsu là người được mừng lễ nhiều nhất, được kính trọng nhất, được miêu tả nhất, được vinh dự nhất trong việc đặt tên cho các bé sơ sinh và cho những ngôi thánh đường. Ngay cả bộ kinh Koran của đạo Hồi cũng ca ngợi lòng khiết tịnh và đức tin của bà. Theo tín điều của giáo hội Công giáo Rôma, Đức Mẹ được nhìn nhận không chỉ là Mẹ Thiên Chúa mà còn, theo những Giáo Hoàng đương thời, là Nữ Vương Vũ trụ, Nữ Vương Thiên Đàng, Hạt Giống Khôn Ngoan và thậm chí là Hôn Thê của Chúa Thánh Linh."

Phụ nữ nào mà mang nhiều tước hiệu đến thế? Bà là ai? Thưa là Đức Maria, và câu chuyện bắt đầu từ hơn 2000 năm trước.

Năm 6 trước Công nguyên, tại làng Nadarét thuộc xứ Galilê có cô gái tên là Maria, con ông Gioakim và bà Anna. Cô là người nết na, đạo hạnh. Theo tục lệ Do-thái, năm 14 tuổi, cô đính hôn với chàng trai tên Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Theo thánh sử Luca, ngài thuật lại câu chuyện như sau:

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được". Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà. (Lc 1,26-38)

Trong bản văn Hi-lạp, sự kiện truyền tin được miêu tả thật ra không có từ "xin vâng", nhưng chỉ có câu trả lời của Đức Mẹ: "Tôi đây là nữ từ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói", hay dịch sát hơn: "Tôi đây là nữ tì của Chúa, hãy xảy ra cho tôi theo như lời Sứ Thần". Ngoài ra, "Xin Vâng" còn được đọc theo tiếng La-tinh là "Fiat" ; nhưng thực ra, "Fiat" có nghĩa là "ước gì xẩy ra", hoặc "hãy xẩy ra", cho tôi theo như lời của ngài. Vì thế, chúng ta vẫn cứ tiếp tục nói Đức Mẹ thưa "Xin Vâng", nhưng phải hiểu tiếng "Xin Vâng" của Mẹ là cả một câu trả lời khá dài và đầy ý nghĩa.

Sự kiện này được mừng vào ngày 25 tháng 3 hằng năm. Đó là lễ Truyền tin, đúng 9 tháng trước khi bé Giêsu ra đời. Không có sự kiện Truyền tin thì cũng chẳng có Chúa Hài đồng Giêsu. Không có sự đồng ý của cô thôn nữ Maria thì cũng chẳng có ơn cứu chuộc. Nhưng mọi việc đã xảy ra đúng theo ý muốn của Thiên Chúa. Ngay khi Đức Maria xin vâng, Đức Giêsu nhập thể và thực hiện sứ mệnh cứu chuộc nhân loại. Hơn 33 năm sau, sau khi hoàn thành sứ mạng cứu chuộc mà Đức Chúa Cha giao phó, Đức Giêsu sống lại, về trời và giao Đức Mẹ lại cho người môn đệ mà Ngài yêu thương nhất là thánh Gioan. Mẹ Maria sống thêm một thời gian nữa rồi từ trần. Hồn và xác của Người cũng được Thiên Chúa đưa về trời. Đây là một trong 4 tín điều mà người công giáo phải tin về Mẹ Maria: (1) Mẹ Thiên Chúa, (2) Mẹ Vô Nhiễm Thai, (3) Mẹ Đồng Trinh trọn đời, và (4) Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Từ đó trên thế giới có hiện tượng Đức Mẹ hiện ra. Hiện ra với các Thánh, và hiện ra với những kẻ dân dã, nghèo hèn và thấp kém trong xã hội.

Thật ra, không đợi Đức Mẹ chết, về trời rồi Người mới hiện ra với nhân loại. Hiện tượng Mẹ hiện ra đầu tiên được ghi nhận vào năm 40 Công Nguyên bên bờ sông Ebro vùng Saragossa (nay thuộc thành phố Zaragoza) của Tây-ban-nha. Theo tương truyền, thánh Giacôbê (con ông Zêbêđê) rao giảng cho dân ngoại nhưng họ cứng lòng tin làm ông nản lòng. Đức Mẹ hiện ra (đứng trên một cột trụ bằng ngọc thạch) nâng đỡ và khuyến khích ông tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng. Điều đáng nói là vào năm đó Đức Mẹ vẫn còn sống tại Giêrusalem. Hiện tượng "phân thân" đầu tiên được ghi nhận trong giáo hội. Hiện nay, một ngôi thánh đường nguy nga đứng sừng sững tại nơi Đức Mẹ hiện ra và mang tên Đức Mẹ Cột Trụ (Our Lady of the Pillar, Nuestra Señora del Pilar). Cần nói thêm là Đức Mẹ hiện ra tại Lavang, Quảng Trị – giống như trường hợp Đức Mẹ Cột Trụ – cũng được Giáo hội thừa nhận vì phù hợp với truyền thống của đức tin.

Hiện ra, hiểu theo đức tin của một giáo hữu, là một hiện tượng hiếm hoi. Người được thị kiến hiện tượng Mẹ hiện ra phải là một người mộ đạo, có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt. Họ là những người được tuyển chọn để làm chứng cho một sự kiện bất thường, nhằm rao truyền một sứ điệp nào đó. Linh mục René Laurentin, một nhà thần học chuyên về Maria học, soạn cuốn "Mary in Faith and Life in the New Age of the Church", trong đó có một định nghĩa rất đúng đắn về sự hiện ra. Theo ngài, "Sự biểu hiện, được cảm nhận qua một chủ thể, của một bản thể, sự thị kiến của bản thể ở nơi này và trong thời điểm này là điều không thể giải thích theo quá trình bình thường của các sự kiện."

Chủ thể là người được thị kiến. Bản thể có thể là Đức Mẹ hoặc Đức Giêsu, hay một vị Thánh nào đó; nghĩa là một người mà chủ thể đã biết trong trí. Theo định nghĩa trên, sự hiện ra bao gồm xúc giác (cảm nhận) và thị giác (thấy) và điều quan trọng nhất là 'bất thường và không thể giải thích theo định luật tự nhiên' (unusual and inexplicable); và chính đặc tính này đã gây một tác động về tâm linh nơi chủ thể. Như thế, sự hiện ra (apparition) hoàn toàn khác với sự xuất hiện (appearance), mặc dù vẫn 'sự xuất hiện' vẫn bao gồm thị giác và có thể cả xúc giác nhưng lại không gây ra một sự tác động nào về tâm linh.

Công đồng Lateran (1512-17) xác quyết việc nói tiên tri và những mạc khải phải được sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng. Tuy nhiên, công đồng Trentô (1545‐63) lại cho phép giám mục địa phương tự mở cuộc điều tra và quyết định có nên chấp thuận hiện tượng hiện ra hay không trước khi giáo dân được tôn kính công khai. Như thế, có bốn trường hợp cho những hiện tượng Đức Mẹ hiện ra:

không được giáo hội công nhậnđược thừa nhận bởi truyền thống đức tinđược Tòa thánh Vatican công nhận, vàđược giám mục địa phương nhìn nhận

Theo công trình nghiên cứu của Michael O'Neill và thuờng xuyên được cập nhật trên trang "The Miracle Hunter," trong 19 thế kỷ – từ năm 40 Công Nguyên đến đầu thế kỷ 20 – người ta ghi nhận khoảng 230 lần Đức Mẹ hiện ra. Nhưng chỉ riêng trong thế kỷ 20 (1900-1999), số lần Đức Mẹ hiện ra tăng vọt lên khoảng 470 lần, nghĩa là gấp đôi. Theo thiển ý, sở dĩ sự kiện hiện ra được báo chí ghi nhận tăng vọt vì phương tiện truyền thông trong thế kỷ 20 cải tiến vượt bậc nên tin tức loan truyền hiệu quả hơn, và vì tình hình chính trị phức tạp và hỗn loạn hơn; bao gồm 2 Thế chiến, và nhiều cuộc cách mạng nổ bùng do sự xung đột giữa khối cộng sản và khối các nước tư bản (sẽ giải thích ở phần sau). Tuy có hàng trăm sự kiện xảy ra nhưng Giáo hội Công giáo hết sức nghiêm nhặt khi thừa nhận một hiện tượng Đức Mẹ hiện ra. Đó là kết quả sau một thời gian dài điều tra, trước hết phải được giám mục sở tại thừa nhận, rồi một tiểu ban do Giáo hoàng chỉ định đặc trách công việc điều tra, cuối cùng Tòa Thánh mới lên tiếng thừa nhận hay phủ nhận hiện tượng đó. Như hiện tượng Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje (Nam Tư, nay là Bosnia-Herzegovina) với 6 trẻ vào tháng 6/1981 và mãi đến nay vẫn còn nằm trong vòng điều tra. Từ 2010, Đức Giáo hoàng Bênêđictô chính thức bổ nhiệm một ủy ban điều tra. Theo National Catholic Register, vào đầu năm 2017, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ủy nhiệm cho Đức Tổng Giám mục Henryk Hoser thuộc địa phận Warsaw-Prague, Ba Lan, đúc kết cuộc điều tra, và Tòa thánh sẽ có phán quyết về hiện tượng này vào cuối năm nay.

Tính đến năm 2017, Tòa thánh Vatican chỉ mới công nhận 16 hiện tượng Đức Mẹ hiện ra, bao gồm: (1) Mexicô, năm 1531 với tước hiệu Đức Mẹ Guadalupe; (2) Lejask, Ba Lan, năm 1578; (3) Siluva, Lithuania, năm 1608 với tước hiệu Đức Mẹ Siluva; (4) Laus, Pháp, năm 1664, với tước hiệu Đức Mẹ Laus; (5) Rue du Bac, Paris, Pháp, năm 1830 với tước hiệu Đức Mẹ Mề Đay Huyền Nhiệm (hay là Đức Mẹ Ban Ơn); (6) Rôma, Ý, năm 1842 với tước hiệu Đức Mẹ Zion; (7) La Salette, France, năm 1846 với tước hiệu Đức Mẹ Salette; (8) Lộ-Đức, Pháp, năm 1858 với tước hiệu Đức Mẹ Lộ-Đức; (9) Filippsdorf, Tiệp khắc, năm1866 với tước hiệu Đức Mẹ Phù hộ Các Giáo hữu; (10) Pontmain, Pháp, năm 1871 với tước hiệu Đức Mẹ Hy Vọng; (11) Gietrzwald, Ba Lan, năm 1877 với tước hiệu Đức Mẹ Gietrzwald; (12) Knock, Ái-nhĩ-lan, năm 1879 với tước hiệu Đức Mẹ Knock; (13) Fatima, Bồ-đào-nha, năm 1917 với tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi; (14) Beauraing, Bỉ, năm 1932 với tước hiệu Đức Mẹ Trái Tim Vàng; (15) Banneux, Bỉ, năm 1933 với tước hiệu Trinh Nữ của Người Nghèo; (16) Kibeho, Rwanda, năm 1981 với tước hiệu Mẹ Thế Giới.

Cần nói thêm là hiện tượng Đức Mẹ hiện ra với cô Adele Brise (sau là nữ tu dòng Phanxicô) năm 1859 – một năm sau Đức Mẹ Lộ-đức – tại Champion, Wisconsin, USA với tước hiệu Đức Mẹ Hảo Hựu (Good Help) đã được giám mục địa phương thừa nhận vào ngày 8 tháng 12, 2010. Tính đến năm 2017, đây là hiện tượng Đức Mẹ hiện ra duy nhất được giáo quyền thừa nhận tại Hoa kỳ.

Bất cứ lần nào hiện ra, Đức Mẹ đều nhắn nhủ những điểm chung nhất như: (1) ăn năn, cầu nguyện, hãm mình và (2) siêng năng lần hạt để đền tội. Thật ra, lời khuyên của Đức Mẹ không hề vượt quá những điều giáo dân đã hiểu biết từ lúc học bổn vỡ lòng. Đời sống đạo cũng giống như sự học, chèo thuyền trên dòng nước ngược. Nếu không chuyên cần, lơ là việc đạo, là lúc con thuyền đời sống tâm linh của chúng ta bị dòng nước kéo ngược xuống hạ nguồn. Những việc ăn năn, cầu nguyện, hãm mình, đền tội, lần hạt là những phương cách hữu hiệu giúp giáo hữu đủ sức chèo ngược dòng để tiến lên thượng nguồn.

Một điểm đáng chú ý là một vài lần hiện ra của Đức Mẹ đều liên quan đến một biến cố chính trị sửa soạn sắp xảy đến. Lời Mẹ nhắn nhủ trong những lần hiện ra này đều nhắc nhở cho thế giới biết cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đã gần kề và chính biến cố chính trị này có tác dụng như một lời răn đe, tai họa sẽ giáng xuống trên nhân loại nếu thế giới không biết cải thiện đời sống. Như:

– Lần hiện ra tại Mexico năm 1531 liên quan đến đế quốc Tây-ban-nha vừa xâm chiếm lãnh thổ Aztec nhằm ngăn ngừa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đối với các thổ dân,

– Lần hiện ra tại La Salette năm 1846 liên quan đến cuộc cách mạng vũ bão (1848) nhằm lật đổ chế độ quân chủ lập hiến tại Âu châu,

– Lần hiện ra tại Fatima năm 1917 liên quan đến thể chế cộng sản sắp được thành hình đầu tiên tại Nga, và cũng là đầu tiên trên thế giới,

– Lần hiện ra tại Medjugorje năm 1981 liên quan đến cuộc chiến (1992-1995) giữa các sắc tộc Serbs, Croats, và Slovenes thuộc Nam-tư cũ gây ra sự diệt chủng tàn khốc tại Bosnia,

– Lần hiện ra tại Kibeho năm 1981 liên quan đến đến cuộc nội chiến (1990-1994) giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi gây ra sự diệt chủng tàn bạo không kém tại Rwanda.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (1917-2017), và vì sứ điệp của Mẹ có liên quan đến chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa vô thần hoành hành và gieo rắc lầm lạc trong suốt thế kỷ 20, chúng ta tìm hiểu hiện tượng này để thấy bàn tay của Mẹ đã nâng đỡ và cứu giúp nhân loại kỳ diệu thế nào.

1. HIỆN TƯỢNG FATIMA – ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Hãy điểm sơ lược lịch sử của nước Bồ-đào-nha (xin gọi tắt là Bồ) để hiểu tại sao Mẹ Maria lại chọn quốc gia này để nhắn nhủ với nhân loại. Gần 2000 năm trước, thánh Giacôbê Tông đồ băng ngang Bồ để đến truyền giáo tại Tây-ban-nha. Đó là thời điểm đầu tiên dân Bồ biết Tin Mừng. Vào thế kỷ thứ 8, quân Hồi (Moors) xâm chiếm lãnh thổ và dân Bồ chống trả mãnh liệt. Cuộc chiến kéo dài, dai dẳng và Bồ thắng vẻ vang quân Hồi vào năm 1100 và tuyên bố độc lập vào năm 1143. Vua đầu tiên của Bồ, Afonso I, dâng lễ tạ ơn Trinh nữ Maria và để đánh dấu ngày lễ trọng đại này, vua cho xây một tu viện mang tên Santa Maria de Alcobaça.

Khi Tây-ban-nha xâm chiếm Bồ, giáo dân cậy nhờ vào Đức Trinh nữ Maria để chống trả. Năm 1385, Bồ đẩy lui quân Tây-ban-nha, giữ gìn nguyên vẹn bờ cõi. Đễ tạ ơn, vua Gioan I xây một ngôi thánh đường nguy nga tại Batalha, mang tên Thánh Maria Chiến Thắng. Qua bao nhiêu thăng trầm suốt lịch sử giữ nước, lúc nào dân Bồ cũng tin tưởng vào sự che chở và bảo vệ của Đức Mẹ. Vì thế, Bồ còn mang tên Đất của Thánh Nữ Maria.

Riêng vùng đất Fatima lại mang một sắc thái đặc biệt hơn, vì liên quan đến Hồi giáo (sẽ đề cập ở phần sau). Chúng ta có thể nói, sự chọn lựa của Mẹ Maria khi hiện ra tại Fatima (Hồi) trên mảnh đất Bồ (yêu mến Mẹ không kém giáo dân Việt) mang một ý nghĩa đặc biệt cho tương lai của nhân loại.

Làng Fatima, nằm lọt giữa lòng nước Bồ, cách thủ đô Lisbon khoảng 128km về phía bắc. Fatima là một họ đạo nhỏ thuộc địa phận Leiria. Người dân ở đây đa số mù chữ, chỉ khoảng 10% biết đọc và viết. Nghề chính của dân chúng là trồng trọt ngũ cốc, ôliu, chăn cừu... nên hầu hết gia đình nào cũng nghèo. Cũng vì nghèo nên ngay từ nhỏ, trẻ em làng Fatima phải phụ giúp cha mẹ chăn nuôi gia súc hoặc dẫn đàn cừu đến các đồng cỏ quanh vùng. Khi Thế chiến I xảy ra, khá nhiều dân làng tìm cách di dân sang Hoa kỳ, Ba tây và các nước châu Mỹ nhưng hai gia đình dos Santos và Marto vẫn ở lại xóm Aljustrel bám ruộng vườn để nuôi con cái. Hai gia đình này có liên hệ họ hàng: ông dos Santos lập gia đình với bà Maria Rosa, và người em gái của ông – Olimpia Jesus dos Santos – kết hôn với ông Manuel Marto.

Điều đặc biệt là bà Maria Rosa lại biết đọc, một điều hiếm có vào thời đấy. Nhờ biết đọc, bà dạy giáo lý cho đứa con gái là Lucia dos Santos và cả con cái hàng xóm. Mỗi chiều, bà còn đọc Thánh kinh cho các con, và nhiều sách đạo khác. Nhờ đó mà Lucia được rước lễ lần đầu lúc 6 tuổi, sớm hơn các trẻ em khác trong xóm. Bà còn đặc biệt khuyên các con năng lần hạt kính Đức Mẹ. Vì thế, người ta không lạ gì khi Lucia dos Santos (sinh 1907), Francisco Marto (sinh 1908), và Jacinta Marto (sinh 1910) đều có thói quen lần hạt hằng ngày. Trong người ba em đều có xâu chuỗi nhất là khi lùa đàn cừu đến những cánh đồng trong thung lũng vào mỗi sáng và khi rảnh rỗi là ba em quỳ gối lần hạt.

Cần nhắc đến tình hình chính trị tại Bồ vào thời điểm này. Thế chiến I (1914-1918) đã kéo dài 3 năm, và Bồ lâm vào tình trạng bi đát như những nước khác. Năm đó, cả Âu-châu lâm vào tình trạng khan hiếm hàng hóa, thất nghiệp nặng nề, phong trào chống đối giáo hội bùng nổ, và giặc giã, chiến tranh, chết chóc là tai ương con người phải đối diện hàng ngày. Bồ-đào-nha không những rơi vào tình trạng hỗn mang chung mà còn bị sự chống đối của dân chúng vì tham gia Thế Chiến I. Chính phủ Bồ bắt tay với Pháp chống Đức một phần ảnh hưởng luồng gió dân chủ từ cuộc cách mạng Pháp 1789, cũng như trào lưu dân chủ hóa lan rộng khắp Âu-châu; nhưng quan trọng nhất là chống chủ nghĩa bành trướng Đức để bảo vệ những nước thuộc địa của Bồ ở Phi-châu.

Vũ khí thô sơ và quân đội thiếu huấn luyện dẫn đến sự thảm bại tại La Lys vì không sao đương đầu với đội quân Đức được trang bị với vũ khí tân tiến và thuần thục. Trận chiến La Lys, còn gọi là Chiến dịch Georgette, quân đội Bồ bị 4 sư đoàn Đức đánh bại; kết quả là 7425 lính Bồ bị thảm sát. Những người lính sống sót lếch thếch trở về quê hương với những câu chuyện thương tâm đầy kinh hoàng của cuộc chiến khiến lòng dân càng thêm lo âu và tuyệt vọng.

Sự hỗn loạn nội bộ bắt đầu từ đầu thế kỷ 20. Những thế lực bảo vệ Bồ từ trước như hoàng gia, quân đội, cựu quý tộc, và ngay cả Giáo hội La-mã... tất cả đều bị chống đối và bị kết án. Lòng dân sôi sục và âm ỉ mãi đến năm 1910 thì vua Manuel bị lật đổ, mở đường cho sự thành lập nền cộng hòa đầu tiên của Bồ. Ngay sau khi nắm quyền lực, chính quyền cộng hòa (First Republic) bắt đầu mở chiến dịch chống đối Giáo hội Công giáo một cách công khai. Việc đầu tiên Thủ tướng Afonso Costa ra lệnh là tách rời giáo hội ra khỏi chính phủ, và đặt giáo hội dưới quyền kiểm soát của chính phủ. Chương trình thần học tại Đại học Coimbra phải chấm dứt, các chủng viện bị đóng cửa, những ngày lễ quốc gia trùng với lễ lớn của giáo hội trước đây cũng bị bãi bỏ. Afonso Costa dấy lên một phong trào chống giáo hội, cổ võ chủ nghĩa vô thần. Một nhân vật trong chính quyền Costa tự hào khoe, "chỉ cần 2 thế hệ, đạo Công giáo sẽ bị tiêu diệt trên đất Bồ." Bồ rơi vào một tình trạng tuột dốc về kinh tế và sa sút nghiêm trọng về tâm linh.

Trong giai đoạn hỗn mang đó, Đức Mẹ đã chọn Fatima, và chọn 3 em Lucia, Phanxicô, và Jacinta để rao truyền sứ điệp của Mẹ.

Đó là ngày 13/5/1917, Đức Mẹ hiện ra lần đầu với 3 trẻ trên ngọn đồi gần Cova de Iria, và liên tiếp hiện ra 5 lần nữa, kéo dài mãi đến ngày 13/10/1917 mới chấm dứt bằng phép lạ "mặt trời nhảy múa."

Sứ điệp Mẹ luôn nhắc nhở là "ăn năn, cầu nguyện, và năng lần hạt Mân Côi" để đền tội cho chính mình và những người khác. Đó là sứ điệp chung mà bất cứ lần hiện ra nào Đức Mẹ đều khuyên răn. Nhưng tại Fatima, vào ngày 13 tháng 7 năm 1917, Đức Mẹ tiết lộ thêm ba bí mật và những bí mật này đã ảnh hưởng đến sự sống còn của nhân loại, đặc biệt trong thế kỷ 20.

Bí Mật thứ nhất là giải thích về những hậu quả về tội lỗi con người phạm. Đức Mẹ cho 3 trẻ thị kiến Hỏa Ngục, mà sau này chị Lucia mô tả là, "Ðức Mẹ cho chúng con thấy một biển lửa lớn dường như ở dưới mặt đất. Nhào lặn trong biển lửa này là các quỉ dữ và các linh hồn mang hình dạng con người, giống như những cục than hồng đang cháy trong suốt, tất cả đều đen đủi hay mầu đồng đánh bóng, đang vật vờ trôi nổi giữa vùng hỏa hoạn, lúc thì bị tung lên không trung do những ngọn lửa hồng phát ra tự chính bản thân họ cùng với những đám khói khổng lồ, lúc thì té xuống tứ phía như những đốm lửa trong một biển lửa vĩ đại, không trọng lượng cũng chẳng thăng bằng, và giữa những tiếng la hét và rên siết của đau đớn và tuyệt vọng làm chúng con kinh hoàng và khiến chúng con run rẩy vì sợ hãi. Quỉ dữ có thể phân biệt ra được vì hình thù chúng gây kinh hãi và ghê tởm, giống như những con vật khủng khiếp và chưa bao giờ thấy, tất cả đều đen thui và trong suốt." Ðức Mẹ cũng loan báo trước là Thế Chiến II sẽ xảy ra, "...chiến tranh sắp chấm dứt (ý nói Thế Chiến I), nhưng nếu người ta không thôi xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến khốc liệt hơn sẽ bùng nổ trong đời Đức Piô XI." Biến cố nầy được loan báo trước bởi dấu hiệu "một đêm tối có chiếu tỏa một ánh sáng lạ", mà sau nầy được hiểu như ám chỉ đêm 24 sáng 25 tháng giêng năm 1938, khoảng 1 tháng trước khi Áo Quốc bị Quân Ðội Ðức Quốc Xã xâm chiếm.

Bí Mật thứ hai là điều mà Ðức Mẹ Fatima yêu cầu phải làm để tránh những sự dữ nầy. Nữ Tu Lucia giải thích là Ðức Mẹ muốn dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, và những người công giáo rước lễ mỗi ngày thứ bảy. "Nếu người ta vâng nghe những yêu cầu của Ta, thì nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ có hòa bình. Nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc những lầm lạc của mình khắp nơi, khơi dậy chiến tranh và bách hại chống Giáo Hội... và Ðức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ và nhiều quốc gia sẽ bị hủy diệt. Nhưng cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ thắng."

Bí mật thứ ba liên quan đến Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mà chúng ta không đề cập trong khuôn khổ của bài viết này. Trọng tâm của bài viết này là BÍ MẬT THỨ HAI mà Mẹ Maria tiết lộ với chị Lucia như trên, và chị thuật lại trong cuốn hồi ký sau này. Tháng 7 năm 2017, khi Đức Mẹ nói với chị về bí mật thứ hai, Lucia mới 10 tuổi đầu, và với đầu óc non nớt, Lucia cứ ngỡ "Russia" là tên một phụ nữ xấu xa nào đó mà Đức Mẹ nhờ chị cầu nguyện.

Đức Mẹ báo trước cuộc cách mạng vô thần sắp bùng nổ tại Nga.

Lần hiện ra cuối cùng vào ngày 13/10/1917 với phép lạ cả thể khiến mặt trời nhảy múa với sự chứng kiến của hơn 70 ngàn người, và không ai ngờ sau đó vài tuần, đảng cộng sản Bolshevik gồm 7 đảng viên đầu não – Lênin, Zinoviev, Kamenev, Trotsky, Stalin, Sokolnikov, và Bubnov – lật đổ chế độ Sa-hoàng dễ dàng. Sự lầm lạc của nước Nga mà Đức Mẹ hé lộ cho 3 trẻ chính là chủ nghĩa cộng sản vô thần được thiết lập tại Nga và nó bắt đầu gieo rắc thuyết vô thần trên toàn thế giới.

2. FATIMA VÀ CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN

Mỗi khi nghĩ đến bí mật thứ hai Đức Mẹ tiết lộ, tôi không khỏi bàng hoàng, nhất là sau ngày 30/4, khi cả miền Nam bị nhuộm đỏ bằng chủ nghĩa vô thần. Cả một lời khuyến cáo rõ ràng đến thế mà hầu như nhân loại quay lưng lại lời khẩn cầu dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Mẹ. Không riêng gì tôi, mà rất nhiều người công giáo khác, chẳng quan tâm gì đến một sự thật kinh hoàng về một chủ nghĩa lầm lạc của nước Nga. Mãi sau này, khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ toàn diện – từ tư tưởng đến vật chất – tôi mới thật sự thấm thía lời nói của Đức Trinh Nữ Maria.

Vào tháng 7/2017, Nga vẫn còn theo chế độ quân chủ như bao quốc gia khác tại Âu châu. Thế giới chưa hề biết đến chủ nghĩa cộng sản vì lẽ chưa một nước nào áp dụng thể chế này cả. Đúng ra, Marx (ông tổ chủ nghĩa vô thần) đã viết Tuyên ngôn Cộng sản (Communist Manifesto) vào năm 1848, với khẩu hiệu, "Vô sản các nước, đoàn kết lại." Riêng chương II (Vô sản & Cộng sản), Marx nhấn mạnh, "Chủ nghĩa cộng sản bãi bỏ các chân lý vĩnh cửu, bãi bỏ mọi tôn giáo, và tất cả đạo đức." Bản tuyên ngôn nhấn mạnh vào sự phủ nhận tôn giáo, chân lý, và đạo đức. Trong luận án tiến sĩ triết học (1841), Marx hết lòng ca ngợi Prometheus, một nhân vật trong thần thoại Hy-lạp với câu nói bất hủ: "Tôi ghét tất cả thần thánh." Mark muốn đảo lộn trật tự xã hội vốn lấy niềm tin tôn giáo làm gốc.

Ta có thể nói thẳng rằng, lõi cốt của chủ nghĩa cộng sản là cổ võ bạo lực đấu tranh và triệt bỏ tôn giáo; một trong ba chủ trương tam vô của cộng sản: vô gia đình, vô tổ quốc, và vô tôn giáo. Marx xem tôn giáo như một loại thuốc phiện, có tác dụng ru ngủ quần chúng, làm bạc nhược tâm trí và thể xác, mất nhuệ khí đấu tranh. Theo Marx, xã hội luôn có mâu thuẫn nội tại và chính mâu thuẫn này tạo ra sự đấu tranh để tiến đến một xã hội khác hoàn thiện hơn. Tôn giáo tin vào đời sau, và xem cuộc sống tại trần gian này chỉ là tạm bợ. Với niềm tin vào đời sau, quần chúng sẽ ù lì, không chịu đấu tranh, chỉ vì không ai muốn xả thân cho một xã hội tạm bợ ở trần gian. Marx cho rằng phải xây dựng một xã hội không còn giai cấp, trong đó mọi người làm theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. Một thiên đường hạ giới (utopia), và xã hội cộng sản chính là đích điểm, là một xã hội mẫu mực và hoàn thiện của nhân loại. Với Marx, thiên đàng không phải ở đời sau, thiên đàng ở ngay chính cuộc đời này.

Nhưng nội dung bản Tuyên ngôn Cộng sản, gồm 4 chương và gần 12 nghìn chữ, chính thức tuyên chiến với chủ nghĩa tư bản với những lời lẽ kích động đấu tranh, đầy dẫy hận thù cũng chỉ là một mớ lý thuyết, ít người biết đến. Giới trí thức truyền miệng nhau về một tư tưởng duy vật, còn giới trung lưu, và đám dân đen thì hoàn toàn mù tịt. Thế mà mấy mươi năm sau chủ nghĩa vô thần này lại được giới lao động ở các nước nghèo nhiệt tình ủng hộ.

Đó là nhờ công của Lênin, một triết gia Nga, một người ghét Thiên chúa giáo cùng cực mặc dù cha mẹ ông là người sùng đạo. Lênin có lần khoe trước các đồng chí của ông rằng thời niên thiếu, ông đã bứt đứt cây thánh giá treo ở cổ và ném vào đống rác. Lá thư Lênin gửi cho Maxim Gorki vào tháng 11/1913 càng thấy rõ sự thù ghét tôn giáo (đến khó hiểu) của ông, "Bất kỳ ý tưởng tôn giáo nào, bất kỳ ý tưởng liên quan đến bất cứ Thượng đế nào, ngay cả chỉ cần một ý tưởng thoáng qua dính líu đến Thiên Chúa thôi đã là sự ô nhục khủng khiếp nhất... một ô nhục nguy hiểm nhất, một loại nhiễm trùng đáng xấu hổ nhất." Theo học giả James Thrower, nhiễm trùng vào thời đó được hiểu là bệnh phong tình.

Lênin lấy duy vật biện chứng của Marx-Engel làm bàn đạp, trộn thêm sức mạnh của bạo lực, và đem áp dụng chủ nghĩa vô thần tại nước Nga sau ngày cách mạng 24/10/1917 (lịch Julian) thành công. Đảng Bolshevik của Lênin nắm toàn quyền vận mệnh của gần 185 triệu dân. Nga là quốc gia đầu tiên theo chủ thuyết vô thần và Lênin bắt đầu kế hoạch tiêu diệt tôn giáo một cách có hệ thống, tinh vi và dã man nhất trong lịch sử nhân loại.

Vừa nắm chính quyền, đảng vô thần Bolshevik trưng thu tất cả tài sản của Giáo hội Chính thống Nga bao gồm đất đai, nhà cửa, văn phòng, tu viện, trường học... tài sản mà Giáo hội giữ gìn qua nhiều thế kỷ. Nhà thờ Tổng lãnh Thiên thần Micae, ngôi nhà thờ cổ đẹp nguy nga lộng lẫy nằm chếch phía tây nam Moscow, bị tịch thu làm vựa chứa nông phẩm. Khoảng 657 ngôi nhà thờ tại Moscow duy trì việc phụng tự ngay trước cuộc cách mạng 1917, theo thống kê của nhà nước cộng sản, chỉ còn 100 đến 150 nhà thờ mở cửa vào năm 1976 (trong số đó chỉ còn 46 nhà thờ có giáo dân), số còn lại bị nhà nước phá hủy, san bằng, hoặc bị tịch thu. Giáo hội Chính thống Nga bị bách hại nặng nề; với hơn 40 nghìn nhà thờ và 150 nghìn linh mục, giám mục, thầy dòng, viện phụ... thế mà trong vài năm đầu tiên, Lênin ra lệnh bắn chết khoảng 14 đến 20 nghìn vị tư tế, và những tu sĩ nào tỏ thái độ chống đối đều bị gửi đi trại trừng giới Siberia với án lao động khổ sai và chết dần chết mòn ở đó; riêng các nữ tu đều bị nhốt chung với thành phần đĩ điếm một cách cố ý. Mục sư Richard Wurmbrand – người bị giam giữ nhiều năm trong nhà tù Romania – điều trần trước Thượng viện Hoa kỳ năm 1966, "Kinh thánh nói đến hỏa ngục, những vần thơ của Dante cũng miêu tả sự đau đớn của tội nhân trong hỏa ngục... xem ra chẳng thấm thía gì so với sự tra tấn và hành hạ dã man trong nhà tù cộng sản đối với các tù nhân tôn giáo." Lênin ban hành nhiều điều luật khác, như cấm học kinh, học bổn đối với thanh thiếu niên, và trẻ em được dạy phải tố cáo cha mẹ nếu nghe nói bất cứ điều gì liên quan đến tôn giáo; cấm rửa tội, cấm làm lễ cưới, cấm cử hành tang lễ. Riêng Giáo hội Công giáo thì hoàn toàn bị tiêu diệt. Theo học giả Gerhard Simon, tính đến thập niên 70, đạo Công giáo tại Nga không còn một tu viện, nhà dòng, trường học, hoặc cơ sở từ thiện nào.

Chủ nghĩa cộng sản bắt bớ, trấn áp, tù đày, và giết chết các chức sắc trong mọi giáo hội, bất kể tôn giáo nào: Tin lành, Thệ phản, Công giáo, Do-thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo. Bất cứ lãnh tụ cộng sản nào – Joseph Stalin, Fidel Castro, Mao Tse-tung, Hồ chí Minh, Pol Pot – đều đặt chính sách triệt tiêu tôn giáo lên hàng đầu, như Mao có lần nói với Đức Lạtma, "Tôn giáo là thuốc độc." Nhà nước cộng sản luôn xem tôn giáo là kẻ thù hàng đầu và tìm mọi cách để tiêu diệt.

Tính đến năm 1980, chủ nghĩa cộng sản vô thần lan rộng khắp bốn châu (trừ Úc châu) như trận cuồng phong thổi bật tận gốc rễ mọi giá trị tôn giáo. Khối cộng sản vô thần chiếm 1.5 tỉ dân, hơn 1/3 dân số trên thế giới vào thời điểm đó, gồm các nước thuộc khối Sô-viết ở Âu châu; các nước Đông dương (Việt nam, Cambodia, Lào), Afgannistan, Bắc Hàn, Mongolia, và Trung cộng thuộc Á châu; các nước Cuba, El Salvador, Nicaragua, Honduras, Guatemala, Grenada, Yemen thuộc Trung, Nam Mỹ châu; và các nước Ethiopia, Angola, Benin, Mozambique, Somalia, Congo thuộc Phi châu. Nga sản xuất chủ nghĩa vô thần sang các nước chậm tiến dưới nhãn hiệu tranh đấu quyền lợi cho người nghèo là một hấp lực khó cưỡng đối với những chính quyền thiển cận, loay hoay không biết đi hướng nào để xây dựng đất nước. Sau khi miền Nam Việt nam lọt vào tay cộng sản, như một phản ứng dây chuyền, các nước ở châu Phi, và châu Mỹ lần lượt bị nhuộm đỏ. Thế giới tự do hầu như co rúm lại trước sức mạnh của con rồng đỏ của chủ nghĩa vô thần, và hình như không một thế lực hoặc thần lực nào đủ sức ngăn chặn sức mạnh khủng khiếp của Satan.

Thế mà không ai ngờ vào một ngày cuối năm 1991, cả một hệ thống tư tưởng, cả một hệ thống triết học, cả một hệ thống ý thức hệ, cả một cấu trúc xã hội từ hạ tầng đến thượng tầng... lại sụp đổ hoàn toàn. Chủ nghĩa cộng sản vô thần bị phá sản toàn bộ. Nếu Lênin lật đổ Sa-hoàng để áp đặt chủ nghĩa vô thần lên nước Nga không tốn một giọt máu thì cuộc cách mạng giải thể toàn bộ chế độ vô thần này cũng chẳng đổ một giọt máu nào, ngoại trừ Rumani. Nó chết tức tưởi như chưa từng hiện hữu. Nó tan thành bụi, chẳng gây một âm vang nào. Nó sụp đổ âm thầm, lặng lẽ, không một tiếng kèn ai oán tiễn đưa đến mộ huyệt, cũng chẳng có một giọt nước mắt tiếc thương nào. Nếu có, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc vì thoát được cơn đại họa, và được hít thở bầu khí tự do, trong đó quyền tự do tôn giáo và các quyền làm người khác được tôn trọng.

Tất cả đều nhờ vào sự dâng hiến nước Nga cho Đức Mẹ, theo đúng yêu cầu của Mẹ vào tháng 7 năm 1917.

3. DÂNG HIẾN NƯỚC NGA CHO TRÁI TIM MẸ

Thử điểm lại diễn tiến việc dâng hiến nước Nga cho Mẹ theo đúng lời yêu cầu của Mẹ Maria vào năm 1917, trước khi Nga áp dụng chủ nghĩa cộng sản vô thần.

– 13/7/1917: Đức Mẹ yêu cầu yêu cầu phải dâng hiến nước Nga cho Mẹ,

– 13/6/1929: chị Lucia chuyển đến một nhà dòng kín khác tại thành phố Tuy, Tây-ban-nha (1926). Chị mặc áo dòng và khấn lần đầu vào tháng 10, 1928. Tại đây, Đức Mẹ lại hiện ra với sơ và lập lại lời yêu cầu, "Thời điểm đã đến, Thiên Chúa yêu cầu Đức Thánh Cha hiệp nhất với tất cả các giám mục trên thế giới, thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, và Mẹ hứa sẽ cứu vớt nước Nga bằng phương cách này." Năm 1917, Đức Mẹ chỉ nói chung chung, nhưng tại Tuy, Mẹ nói rõ Thiên Chúa yêu cầu Đức Thánh cha và các Giám mục... đặt trách nhiệm mưu cầu hòa bình thế giới lên vai Đức Thánh Cha,

– 1922-1939: yêu cầu của Mẹ được chuyển lên Đức Piô XI

– 1938: hàng Giám mục Bồ xin Đức Thánh cha Piô XI dâng hiến Thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ,

– tháng 6/1940: yêu cầu được chuyển đến Đức Thánh cha Piô XII từ Giám mục Macau, qua linh mục Gonzaga de Fonseca. Lần yêu cầu này nói rõ dâng hiến nước Nga (không phải Thế giới) cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ,

– tháng 12/1940: Chị Lucia viết thư cho Đức Thánh cha Piô XII, trong thư nói Thiên Chúa mong mỏi Ngài "dâng hiến Thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria, đặc biệt dâng hiến nước Nga, với chỉ thị tất cả giám mục trên toàn thế giới cùng hiệp dâng thánh hiến với Ngài"

– 31/10/1942: Đức Thánh cha Piô XII dâng hiến Thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ,

– 7/7/1952: Đức Thánh cha Piô XII dâng hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ, cao điểm của chiến tranh Triều Tiên, nhưng lại không có sự tham gia của các Giám mục,

– 21/11/1964: Đức Thánh cha Phaolô VI lập lại lời Thánh hiến, với sự hiện diện của các Nghị phụ nhưng các ngài không tham gia việc thánh hiến, dâng nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ,

– 13/5/1982: Đức Thánh cha Gioan Phaolô II mời tất cả các Giám mục trên khắp năm châu hiệp nhất với Ngài dâng hiến thế giới và nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Mẹ. Khá nhiều Giám mục không nhận được lời yêu cầu hiệp nhất khi Ngài viếng Fatima thực hiện việc dâng hiến. Sau đó sơ Lucia cho biết việc dâng hiến không thành vì không làm đúng theo yêu cầu của Mẹ Maria,

– 10/1983: Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, tại Hội nghị Giám mục, lập lại lời Thánh hiến,

– 25/3/1984: tại công trường Thánh Phêrô, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, "hiệp nhất với tất cả các giáo xứ trong Giáo hội với sự liên kết đặc thù trong một thân thể và một đoàn thể," dâng hiến "toàn thế giới, đặc biệt những kẻ đang ở trong tình trạng khiến Mẹ động lòng thương xót." Cả Đức Thánh cha và sơ Lucia không chắc chắn việc thánh hiến được làm đúng theo yêu cầu không, nhưng chẳng bao lâu sau đó sơ báo cho tòa Khâm sứ tại Bồ biết rằng việc Thánh hiến đã hoàn thành đúng theo đúng yêu cầu,

– 13/5/1984: một trong những dịp khách hành hương đổ về Fatima đông đảo nhất để cầu nguyện cho hòa bình,

– 13/5/1984: cùng một ngày, kho đạn tại vùng ngoại ô Severomorsk thuộc căn cứ Hải quân Nga, đột ngột bốc cháy và phát nổ, tiêu hủy 900 hỏa tiễn và thủy lôi, khoảng 2/3 đạn dược dự trữ của hạm đội Northern. Vụ nổ tiêu hủy các cơ sở bảo trì hỏa tiễn, đồng thời giết chết hàng trăm khoa học gia và nhân viên,

– tháng 12/1984: Bộ trưởng Quốc phòng Sôviết, Thống chế Dmitri F. Ustinov, bộ não của kế hoạch tấn công miền Tây Âu, đột ngột chết. Cái chết của ông chứa nhiều bí ẩn,

– 10/3/1985: Tổng bí thư (TBT) Konstantin Chernenko chết,

– 11/3/1985: Mikhail Gorbachev nhậm chức Tổng bí thư,

– 26/4/1986: lò nguyên tử Chernobyl phát nổ,

– 12/5/1988: vụ nổ phá hủy cơ sở duy nhất chế tạo động cơ vận chuyển hỏa tiễn hủy diệt tầm xa SS-20 (Nga là nước vô thần nhưng lại đặt tên cho hỏa tiễn này là Satan); một hỏa tiễn có thể mang theo 10 đầu đạn nguyên tử,

– 29/8/1989: sơ Lucia xác quyết qua thư từ rằng việc dâng hiến đã hoàn tất, và "Thiên Chúa sẽ giữ lời hứa,"

– 9/11/1989: bức tường Bá linh sụp đổ,

– tháng 11 và 12/1989: cuộc cách mạng ôn hòa – bãi bỏ chủ nghĩa cộng sản vô thần – xảy ra tại Czechoslovakia, Romania, Bulgaria, và Albania,

– 1990: Đông và Tây Đức thống nhất

– 25/12/1991: giải thể Cộng hòa Liên bang Sô-viết, sau gần ba phần tư thế kỷ gieo rắc sự lầm lạc.

Nhìn lại diễn tiến của việc Thánh hiến nước Nga – nơi phát xuất chủ nghĩa vô thần – ai cũng ngạc nhiên tại sao một yêu cầu của Mẹ Maria phải đợi đến gần 70 năm sau mới thực thiện một cách đúng đắn. Theo thiển ý, đó là vì (1) tầm vóc rộng lớn của sự hiệp thông, cần tất cả các giám mục trên toàn thế giới một lòng hiệp ý cầu nguyện; (2) sự lẫn lộn giữa việc dâng hiến Thế Giới và dâng hiến nước Nga; (3) một vài cản trở tế nhị khi dâng hiến nước Nga.

Nhưng câu hỏi quan trọng nhất vẫn là, "tại sao chị Lucia phải đợi đến năm 1941 mới tiết lộ hai bí mật qua cuốn hồi ký do chính tay chị viết?"; trong đó bí mật thứ hai nói rõ yêu cầu của Mẹ Maria dâng hiến nước Nga cho Trái tim Mẹ.

Đúng ra – sau khi Đức Mẹ và Chúa Giêsu hiện ra với riêng chị (theo hồi ký của chị) trong tu viện năm 1925, với trái tim Mẹ rướm máu vì hai vòng gai quấn quanh và than thở về sự đau khổ của Mẹ phải gánh chịu vì sự vô ơn bạc nghĩa của loài người – chị bắt đầu thôi thúc mọi người làm việc đền tạ bằng cách xưng tội, rước lễ, lần chuỗi, tham dự thánh lễ, và suy niệm 15 phút trong 5 thứ Bảy liên tiếp. Ngay sau khi nghe Mẹ than thở, chị thổ lộ ngay cha linh hướng Lino và Mẹ Bề trên Maria das Dores Magalhaes. Lần đó, chị chẳng nói gì đến việc dâng hiến nước Nga cho Đức Trinh nữ và phải đợi đến năm 1929, lúc ở dòng kín tại Tuy, chị mới thật sự nhắc đến sự dâng hiến.

Những bí mật này chị Lucia đã biết từ năm 10 tuổi, vào ngày 13/7/1917 nhưng lại giữ kín cho đến năm 1929 mới thổ lộ lần đầu. Một sự thật là Lucia mù chữ, mặc dù bà mẹ Maria Rosa biết đọc nhưng lại không dạy chữ cho con cái, nên chị phải mất thời gian để học đọc và viết. Hơn nữa, hiện tượng Fatima vẫn còn xôn xao, chưa được Giáo hội thừa nhận. Chị Lucia chỉ là một nữ tu bình thường, chẳng là gì để Vatican chú ý đến. Mãi đến năm 1930, sau khi Giáo hội nhìn nhận hiện tượng Fatima, yêu cầu của Mẹ Maria (qua chị) mới được các chức sắc trong Tòa thánh lắng nghe. Theo linh mục Luigi Bianchi, người may mắn được tiếp xúc với chị Lucia năm 2001, chữ "thánh hiến, consecration" bị hiểu lầm như lúc linh mục đọc lời nguyện hóa bánh và rượu thành Mình và Máu Thánh Chúa trong thánh lễ, và điều này chỉ dành riêng cho Đức Giêsu dâng hiến lên Đức Chúa Cha mà thôi. Theo tín lý, Giáo hội kính Đức Mẹ chứ không thể thánh hiến lên Mẹ một điều gì. Cũng theo linh mục Bianchi, mãi đến năm 1931 này khi chị Lucia thêm lời khuyến cáo của Đức Giêsu, "...nếu không hoàn thành việc thánh hiến, nhân loại sẽ hối tiếc như trường hợp của Vua nước Pháp." Lời khuyến cáo nghiêm trọng làm Vatican nghĩ đến vua Louis XVI, thất bại trong việc dâng hiến nước Pháp cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, bị cuộc Cách mạng Pháp lật đổ và bị xử trảm năm 1793.

Lần hiện ra trong tu viện tại Tuy năm 1929, Đức Mẹ gọi đích danh Đức Thánh cha và tất cả các Giám mục trên thế giới cho việc thánh hiến. Ngay sau khi nhận được mệnh lệnh này, sơ Lucia báo tin ngay cho cha linh hướng Bernardo Goncalves. Linh mục Goncalves báo lên Giám mục địa phận Leiria, và ngài tìm cách chuyển lên Vatican. Năm tháng trôi qua, lời yêu cầu của Mẹ Maria chẳng một ai đoái hoài. Đến năm 1935, chị Lucia lại yêu cầu linh mục Goncalves chuyển lời của Mẹ một lần nữa, nhưng cũng chìm vào quên lãng. Một phần do hệ thống hành chánh Vatican rườm rà, phần nữa do các chức sắc tại Tòa thánh xem việc dâng hiến không bức thiết lắm vì nước Nga vào những năm đó vẫn còn ẩn mình trong bóng tối, các tội ác chưa được phơi bày, và chủ nghĩa vô thần hầu như nằm yên tại nước Nga, chưa lan truyền sang các nước lân cận. Cả một thời gian dài trong thời Đức Piô XI (1922-1939), việc dâng hiến chưa bao giờ được lưu ý đến. Mãi đến năm 1940 khi chị Lucia viết thư gửi thẳng cho Đức Piô XII (1939-1958) nói rõ yêu cầu của Đức Trinh nữ Maria, Vatican thực sự mới chú ý đến việc dâng hiến.

Cuối cùng, ngày 31/10/1942 – giữa lúc cao điểm của Thế Chiến II – việc dâng hiến nước Nga mới được thực hiện lần đầu tiên.

Sau hơn 25 năm (1917-1942) kể từ khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Vatican mới cảm nhận được sự bức thiết của việc dâng hiến. Có lẽ vì vậy mà Đức Piô XII lại dâng hiến thế giới thêm một lần nữa vào ngày lễ kính Mẹ Vô Nhiễm Thai, 8 tháng 12, cùng năm. Hai lần dâng hiến chỉ cách nhau hơn tháng.

Nhưng điểm trớ trêu là cả hai lần dâng hiến, Đức Thánh cha lại dâng hiến thế giới chứ không dâng hiến nước Nga. Một phần cũng vì Nga đang là đồng minh chống Phát-xít mà Vatican không muốn gọi đích danh, gần như sợ mích lòng. Một điểm đáng ghi nhận là vì Đức Thánh cha dâng hiến thế giới nên Đức Mẹ báo cho chị Lucia biết là Thiên Chúa sẽ rút ngắn thời gian chiến tranh. Trong hồi ký chiến tranh gồm 6 tập (Memoirs of the Second World War, đoạt giải Nobel 1953) của Thủ tướng Winston Churchill, ông kể lại ngay từ đầu năm 1943 (gần như ngay sau khi Đức Thánh cha dâng hiến), trận chiến nghiêng hẳn về quân đội đồng minh, thắng Phát-xít hầu hết các trận đánh; trong khi từ 1940-1942, phe đồng minh lại thua hầu hết các trận chiến trên khắp các chiến trường.

Tháng 7 năm 1946, giáo sư William Thomas Walsh, nhà sử học kiêm học giả, xuất bản cuốn Our Lady of Fatima, trong đó ông thuật lại cuộc phỏng vấn với chị Lucia. Ông viết, "chị Lucia khẳng định thêm một lần nữa là Mẹ Maria yêu cầu Đức Thánh cha và các Giám mục trên toàn thế giới dâng hiến nước Nga cho Mẹ." Nhưng việc thánh hiến lại gặp một trở ngại khác, nặng nề hơn.

Đó là cuộc triệu họp của Công đồng Vatican II.

Khi Đức Giáo hoàng Gioan XXIII kế vị, ngài mong muốn cải cách nên kêu gọi họp Công đồng Vatican II. Để mời cho được 2 quan sát viên thuộc Giáo hội Chính thống Nga, Vatican chính thức đồng ý không được kết án Sôviết Nga hoặc chủ nghĩa cộng sản trong suốt thời gian họp Công đồng. Từ đó Vatican (cụ thể là GH Gioan XXII và Phaolô VI) đề ra chính sách "Ostpolitik; chính sách Đông phương," nghĩa là không được gọi đích danh nước Nga để chỉ trích, phản đối chế độ vô thần bách hại giáo dân. Vì thế, việc dâng hiến nước Nga, kêu đích danh nước Nga, lại càng tế nhị hơn. Một kiểu "political correctness" thời bấy giờ. Hậu quả là suốt 2 thập niên (1960-1980), việc dâng hiến nước Nga trở nên thứ yếu, không đáng quan tâm. Mãi đến khi Hồng y Karol Józef Wojtyła, đến từ nước cộng sản Ba Lan, nhậm chức Giáo hoàng với danh hiệu Gioan Phaolô II, việc thánh hiến nước Nga mới được khơi mào sống dậy.

Đức Thánh cha Gioan Phaolô II bị ám sát vào ngày 13/5/1981, trùng với ngày Mẹ Maria hiện ra tại Fatima 64 năm trước. Đúng một năm sau, 13/5/1982, Đức Thánh cha viếng thánh địa Fatima, tạ ơn Đức Mẹ đã cứu sống Ngài, đồng thời dâng hiến nước Nga cho Trái tim Mẹ Maria nhưng lại không có sự tham gia của tất cả các Giám mục. Cho đến ngày 25/3/1984, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II mới thực hiện việc thánh hiến nước Nga, cùng với các Giám mục trên toàn thế giới một cách đúng đắn. Tuy vậy, trong lời nguyện Ngài cũng chẳng dám gọi đích danh Sôviết Nga, mà chỉ nói khéo "đặc biệt những kẻ đang ở trong tình trạng khiến Mẹ động lòng thương xót," chính vì ảnh hưởng của chính sách Đông phương của Vatican.

Dù sao đi nữa, lời cầu nguyện của Đức Thánh cha và các Giám mục đã được Mẹ nhậm lời và khối cộng sản vô thần Nga bị giải thể vào năm 1991, sau gần ¾ thế kỷ hoành hành và gieo rắc sự lầm lạc trên toàn thế giới. Đây là niềm tin vào lời hứa của Mẹ Maria, nhưng Thiên Chúa vẫn dùng bàn tay con người để đi đến mục đích tối hậu. Bàn tay con người góp sức vào việc giải thể chế độ cộng sản thế nào, chúng ta đi vào chi tiết sau.

Tác giả SƠN NGHỊ

Tài liệu tham khảo:

David McLellan, Maxism and Religion: A Description and Assessment of theMarxist Critique of Christianity (London, The MacMillan Press LTD, 1987)John de Marchi, I.M.C., The True Story of Fatima (Imprimatur 1947 and 2009)Matthew J. Ouimet, The Rise and Fall of the Brezhnev Doctrine in Soviet Foreign Policy (Chaped Hill and London, The University of North Carolina Press, 2003)George Weigel, Witness To Hope (New York, PerfectBound of HarperCollins Publishers, Inc., 2005)Archie Brown, The Gorbachev Factor (New York, Oxford University Press Inc., 1996)Arcbishop Fulton Sheen, The World's First Love (New York, McGraw-Hill Book Company Inc., 1952)

Time Subscription, http://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,974548,00.html

Time Subscription, http://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,159069,00.html

Source: https://tuongtri.com/2017/10/08/hien-tuong-fatima-cong-san-va-hoi-giao

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro