su tich cu mai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sự tích củ mài

Xưa có một gia đình rất đông con, đông đến nỗi bố mẹ không nhớ hết được tên từng đứa. Người chồng tên Đang, người vợ tên Phang. Tuy đông con như thế, nhưng hai vợ chồng nhờ phát được nhiều nương và vỡ được nhiều ruộng, nên đời sống không đến nỗi túng thiếu.

Gặp năm trời hạn mất mùa, bao nhiêu lúa giống của hai vợ chồng để dành cho mùa sau đều bị bọn lang đạo cướp hết. Hai vợ chồng phải vào rừng tìm rêu đá, lá cây về cho các con ăn, nhưng kiếm bao nhiêu cũng không đủ; suốt ngày lũ con cứ gọi bố mẹ. Và kêu:

- Đói lắm, bố mẹ ơi !

Hai vợ chồng thưong con, biết rằng rêu đá, lá cây không phải là món ăn có thể thay cơm gạo lâu dài được, hai người cố đi xin người làng, kẻ cho một nắm, người vài bông lúa giống, và giấu các con, lên rừng phát rẫy tìa lúa trái mùa.

Ở nhà, đàn con đói quá, kéo nhau ra rừng tự kiếm cái gì ăn cho đỡ đói, nhưng đến đêm chúng lại về kêu đói suốt đêm:

- Đói lắm, bố mẹ ơi !

Trong rừng khuya, nghe tiếng đàn con vọng tới, hai vờ chồng lòng đau như cắt. Hai vờ chồng thay nhau nói vọng về cho các con yên lòng:

- Các con ơi! Lúa đang nãy mầm.

Khi lúa đã ken xanh, họ lại gọi vọng về:

- Các con ơi! Lúa đã lên xanh.

Đến ngày lúa chín, thì hai vợ chồng kiệt sức nhưng khi nghe tiếng đàn con kêu đói thì hai người lại cố gắng nói to lên cho các con nghe:

- Các con ơi! Lúa đang chín...

Và khi mẻ gạo đầu tiên vừa giã xong thì hai vợ chồng liền đồ ngay một chõ xôi lớn, chia ra từng nắm một, rồi đem ngay xôi về nhà cho các con. Nhưng khi đến nhà thì họ không thấy bóng một đứa nào. Trong khi ấy, thì từ rừng sâu lại vọng ra những tiếng:L

- Đói lắm, bố mẹ ơi!

Tủi cực quá, hai vợ chồng gượng khiêng rá xôi vào rừng, nhưng không gặp đứa con nào cả. Trong khi ấy thì rừng cây trước mặt, sau lưng, bên trái, bên phải vẫn vọng ra tiếng kêu xé ruột:

- Đói lắm, bố mẹ ơi!

Lúc này thì sức hai người đã kiệt. Họ không thể theo tiếng vọng của rừng núi mà đi tìm con được nữa. Hai người đặt rá xôi xuống và cố sức gọi:

- Các con ơi! Ra đây với bố mẹ mà ăn xôi.

Tiếng gọi vừa dứt, thì một đàn chim từ các ngả bay đến đậu đầy cả khu rừng. Chim hót:

- Bang! Bang! Bang! Bang! Chúng con ăn quả đã quen; còn xôi xin nhường bố mẹ!

Bấy giờ hai vợ chồng mới biết đàn con của mình vì đói quá nên hóa chim mất rồi. Già yếu, đói khổ, lại thương xót đàn con đã hoá chim, hai vợ chồng gục đầu vào rá xôi mà chết.

Thấy bố mẹ chết thảm quá, đàn chim kêu vang cả khu rừng , rồi chúng lấy những nắm xôi đắp mộ cho bố mẹ.

Về sau, chổ mộ hai vợ chồng Đang, Phang mọc lên một cây rất lạ: Trên là cây, dưới là củ. Củ có màu trắng và khi luộc chín thì thơm dẻo như xôi. Đó là củ mài. Người ta nói rằng vợ chồng nghèo khổ ấy đã hoá ra củ mài đề cứu những con người cùng cảnh ngộ như mình. Còn lũ con của họ thì hoá thành chim "đang bang" thường kêu vang cả núi rừng vào mùa lúa chín, để nhắc lại cảnh khổ cực của bố mẹ ngày xưa.

Chồng xấu, chồng đẹp

Truyện cổ dân tộc Dao

Chuyện cổ của người Dao kể rằng, xưa kia có một ông vua sinh được ba người con gái xinh đẹp. Có nhiều quan võ đến xin làm rễ. Nhưng người nào cũng không được các cô ưng thuận. Một hôm vua gọi ba người con gái lại và phán rằng:

-Trong triều, quan tài tướng giỏi có nhiều nhưng ai hỏi các con cũng không chịu lấy. Từ nay cha để các con tùy ý kén chọn, thuận ai thì lấy người ấy làm chồng.

Ba cô vâng lời, mỗi người đóng một cái mảng, chở xuôi theo dòng sông, đi kén chồng.

Nàng Cả đi được một quãng thì gặp một chàng trai đứng ở bờ sông, vẫy tay gọi mình:

- Nàng chở máng kia ơi, ghé vào cho tôi sang nhờ với!

Thấy người ấy đen đủi, đen thui, xấu xí. nàng Cả bĩu môi:

- Ôi chao! Xấu xí thế, ai thèm chở.

Nói đoạn, đi thẳng.

Nàng Hai chở máng tới nơi, chàng trai lại gọi:

- Nàng chở máng kia ơi, ghé vào cho tôi sang nhờ với!

Nàng Hai nhăn mặt:

- Xấu xí thế, ai thèm chở.

Đến lượt nàng Ba. Mảng vừa trôi tới, chàng trai cũng cất tiếng xin chở giùm. Nàng Ba vui vẻ ghé mảng vào bờ, mời người đó lên. Chàng trai vừa bước lên mảng, bổng biến thành con cọp vằn ngồi chiễm chệ đằng trước. Nàng Ba vẫn vui vẻ. Nhưng nàng ra sức khỏa nước nhưng thuyền vẫn đứng yên, không nhúc nhích.

Nàng Cả và nàng Hai xuôi mảng, mỗi nàng tìm được một người chồng xinh đẹp, thích lắm, ngược sông trở về. Tới chổ cũ, hai nàng thấy em mình loay hoay giữa dòng, trên mảnh lại có con cọp ngồi chồm chổm, bèn chế nhạo:

- Chồng người không lấy, quanh quẩn ở đây lấy chồng cọp à?

Hai người chị vừa nói, vừa gắng hết sức chở chồng đẹp về nhà. Tiếng nói vừa dứt, thì mảng của nàng Ba tự nhiên rời bến, bơi vượt lên trên, lướt vun vút như có cánh bay.

Về đến nhà hai người chị vào cung tâu với vua cha:

- Hai chúng con xuôi mảng, kén được chồng đẹp, còn em Ba ngại đi xa, nên lấy ngay phải chồng cọp rồi!

Vua nói:

- Cha đã cho các con tự ý đi tìm chồng, ưng thuận ai thì lấy người ấy. Nay nàng Ba đã lấy phải cọp, thi cọp cũng là chồng.

Hai nàng cười lui ra.

Một hôm, vua gọi ba rễ vào bảo:

- Trâu, ngựa, bò, lợn ta thả ở trong rừng. Rể nào lùa được chúng vào chuồng mình, rể đó là người làm ăn giỏi, ta sẽ thưởng cho số gia súc đó.

Hai chàng rể xinh đẹp sai gia nhân vào rừng làm mỗi người một cái chuồng thật đẹp rồi đi vào rừng. Hai chàng ngợp mắt trước đàn gia súc của nhà vua, nhưnh không biết cách nào lùa chúng vào về chuồng mình. Họ vác gậy hò hét, rượt đuổi. Nhưng hai chàng đuổi ở đầu núi này, thì đàn gia súc chạy sang núi nọ, toát mồ hôi mà vẫn không lùa chúng về được.

Trong khi đó rể Cọp, hì hục vác gỗ to cọc lớnm quây một vùng đất rộng làm chuồng. Hàng rào của chàng tuy xấu nhưng chắc chắnm bên trong lại rộng. Chiều tối, khi hai người anh đã mệt lữ, Cọp mới lững thững bước đi vào rừng. Lạ thay, vừa trông thấy cọp, tất cả trâu, bò, ngựa, lợn của nhà vua ngoan ngoãn theo chàng về nhà.

Thấy vậy, hai chàng rể chạy về tâu vua:

- Hai chúng con có chuồng đẹp, chẳng biết sao đàn gia súc không một con nào chạy vào đó cả. Trâu, bò, ngựa, lợn đi vào chuồng xấu xí trơ trọi của em rể Cọp hết rồi.

Nàng Cả, nàng Hai tức tối:

- Trâu, bò, ngựa, lợn không được thì thôi, chồng đẹp mới quý!

Vui nói:

- Rể Cọp làm ăn giỏi xứng đáng lấy được nàng Ba.

Từ đó, vua rất quý Cọp.

Đến ngày sinh của vua cha, rể cọp bảo vợ:

- Hôm nay là ngày sinh của vua cha, để tôi đi lấy ít cá về làm cơm cho cha ăn.

Hai chàng rể người thấy Cọp đi lấy cá cũng đi theo. Ra đến suối, cả ba chung nhau một cái chài. Hai người anh tranh lấy chài, đòi quăng chài trước. Nhưng họ sợ ướt quần áo đẹp, chỉ lội quanh quẩn ở chổ nước nông nên không được lấy một con cá nhỏ. Họ bèn đưa chài cho Cọp và bảo:

- Chú Cọp làm ăn giỏi, hãy quăng thừ xem có được nhiều cá không?

Cọp xách chài lội ra chỗ vực sâu, lấy cành cây vỗ vỗ vào mặt nước dồn cá vào một chỗ rồi quăng tỏa chài xuống đó. Một lát, Cọp kéo chài lên, bắt được vô khối cá. Cọp quăng liền mấy tay chài, được một mẻ cá đầym gánh về cho vợm dặn:

- Mình đem cá này làm cơm mời vua cha. Tôi có việc đi vài ba ngày. Khi nào thấy mưa to gió lớn là tôi về đấy.

Nói xong, rể Cọp chạy ra bờ sông, nhảy tùm xuống nước biến mất.

Hai chàng rể kia thấy vậym hớt hải chạy về báo với vua cha:

- Rể Cọp ngã xuống sông chết rồi.

Vua thương tiếc cọp lắm.

Còn rể Cọp, sau khi xuống nước , chàng trút lốt da trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, mặc quần áo đẹp, lên ngựa về nhà.

Lúc ấy, trời mưa to gió lớn, sấm chơp đùng đùng. Mọi người thấy một chàng trai da trắng, cưỡi con ngựa từ xa đi lài. Biết là chồng mình, nàng Ba vui mừng chạy ra đón. Bấy giờ mọi người biết đó là Cọp, vô cùng kinh ngạc. Ai cũng trầm trồ ngắm nghía. Riêng hai người chị vừa tức vừa xấu hổ.

Chàng Cọp đón vợ về nhà. Khi hai vợ chồng vừa đến nơi, căn nhà bỗng biến thành một toà nhà nguy nga tráng lệ, xung quanh có vườn, có ao, co nương, co ruộng. Hai vợ chồng Cọp ở khi nhà ấy, ngày ngày cùng nhau làm rương phát rẫy, sống cuộc đời đầm ấm, hạnh phúc. Họ nuôi được nhiều trâu, bò, ngựa, lợn. Đến mùa thì thóc lúa đầy vựa, đầy bồ.

Còn hai cô chị, tuy lấy chồng đẹp nhưng lại là những anh chàng lười nhác, chẳng làm được tích sự gì.

Em yeu nu la suong nhat moi co nguoi yeu vua dep vua gioi nhu tui,dung k?

Bà Chúa Ngọc

Ngày xưa, ở xã Đại An gần cù lao Huân tỉnh Khánh Hòa có một đôi vợ chồng già không có con cáị Ông bà ở trong một căn nhà lá dựng bên vách núi, làm nghề trồng dưạ Năm ấy, đến độ dưa chín, sáng nào ra ruộng thăm, ông bà cũng thấy dưa bị hái trộm. Lạ một điều, chỉ có một quả dưa lớn nhất đẹp nhất là bị hái, nhưng kẻ trộm không ăn mà cũng chẳng mang đị Quả dưa còn nằm ở một chỗ trống, nhưng bưng lên đã thấy bị nẫụ

Thấy sự lạ, hai ông bà bèn bàn nhau cất công để ý rình. Rồi một đêm trăng sáng, họ đến nấp vào một bụi cây cạnh ruộng. Gần đến nửa đêm, bỗng đâu có cô gái trạc độ mười ba mười bốn tuổi tự nhiên hiện ra ở giữa ruộng dưạ Cô gái rón rén đi, nhìn ngắm từng quả dưa một, rồi sau đó, hình như đã chọn được quả ưng ý nhất thì cúi xuống hái lên. Cô ngắm đi ngắm lại mãi, rồi tìm ra một chỗ trống, tung quả dưa từ tay bên này sang tay bên kia, và cứ như thế, một lúc lâu, sau lại ôm lấy quả dưa mà ngắm nghía mãi không biết chán...

Đúng lúc ấy, từ chỗ nấp, hai ông bà chạy ùa cả ra, nắm ngay lấy tay cô gáị Còn cô gái, tuy không chạy trốn kịp nhưng cũng chẳng tỏ ra có chút gì sợ hãị Cô trả cho họ quả dưa, và khi được hỏi thì cô lễ phép trả lời: Cô là con nhà nghèo không còn cả cha lẫn mẹ, nhà cô ở cách đây rất xa và cô cũng chẳng nhớ được quê mình ở đâu nữa...

Thấy cô gái dễ thương, lại nghĩ mình không có con cái, nên ông bà bàn nhau nhận cô về làm con nuôi, rồi cả hai cùng nói với cô gái...

Còn cô gái, thấy cử chỉ, lời lẽ của hai ông bà đều chân thành thì cô im lặng lắng nghe và suy nghĩ, rồi sau đó nhận lờị

Cô theo họ về nhà. Sáng hôm sau, hai ông bà sửa lễ gia tiên, rồi hai bên chính thức nhận nhau là bố mẹ và con cáị Từ đấy trong ngôi nhà của họ, không khí vui vẻ đầm ấm hẳn lên. Hai ông bà hết lòng yêu thương chăm sóc cô, còn cô thì cũng rất mực yêu thương kính trọng bố mẹ.

Một hôm trời đổ cơn mưa lớn, nước lũ ở thượng nguồn tràn về mênh mang, khiến mọi người đều ở trong nhà không ai đi làm được cả. Bố mẹ cô, lẽ dĩ nhiên là rất lo lắng, mong sao cho nước mau cạn để cây cối khỏi bị chết úng, thì cô, do tính tình còn trẻ dại, lại thích nô đùạ Rồi cô xuống bên mé nước cậy đá lên, xếp chúng thành một hòn núi giả, lại đi tìm những cành lá gẫy cắm vào xung quanh, để chơi...

Thấy vậy, ông bà bực quá, nghĩ rằng con cái chẳng hiểu được lòng bố mẹ, bèn lên tiếng trách cứ rồi la mắng. Nào ngờ, cô gái thấy tủi thân quá, bèn lủi ra đầu hồi nhà, đứng khóc một mình. Một lúc lâu sau, nhân lúc bố mẹ không ai để ý, cô lại lén ra khỏi nhà, rồi men theo những dải đất cao, đi ra phía bờ biển. Cũng lúc ấy, dập dềnh bên mé nước có một cây gỗ kỳ nam, không biết trôi từ đâu đến. Cô gái còn khóc hồi nữa, rồi nhìn quanh nhìn quẩn, thấy mình hoàn toàn lẻ loi, cô đơn, cô bèn nhảy luôn lên cây gỗ, và một điều kỳ lạ xảy ra: Cô gái đã nhập thân vào cây gỗ. Cây gỗ dập dềnh ở đấy một lúc nữa, như có điều gì còn ghi nhớ và lưu luyến, rồi sau đó, theo sóng biển, trôi mãi lên phương Bắc...

Ông bà bố mẹ nuôi cô gái đang bận việc chẻ củi và may vá trong nhà, tưởng con khóc rồi chơi ở ngoài đầu hồi, nên cũng không để ý. Đến mãi sau, khi lên tiếng gọi thì chẳng thấy con đâu! Hai ông bà bèn nháo nhào đi tìm nhưng khắp chốn cùng nơi, cũng vẫn tuyệt âm vô tín. Nước lụt mênh mang như thế, lại đang cuộn chảy mãi ra biển, họ cho là con gái xảy chân đã trôi ra biển mất rồị Thế là ông bà gào thét, khóc than thảm thiết, sau đó làm lễ cúng chay cho con, và từ đấy trở đi, sống âm thầm, rầu rĩ cho đến cuối đời...

Còn cây gỗ kỳ nam, sau một hồi dập dềnh rồi trôi lên phương Bắc, và cứ thế trôi mãi... trôi mãi... Đến khi sóng lặng gió yên thì đã trôi được cả ngàn dặm đường và dạt vào bờ...

Một buổi sáng dân địa phương nọ ra bờ biển, vô cùng ngạc nhiên thấy có cây gỗ lạ rất đẹp trôi từ đâu đến. Họ bảo nhau mang thừng chão ra buộc vào rồi cùng kéo lên bờ, nhưng hàng trăm người xúm vào mà cây vẫn không nhúc nhích. Họ bèn đóng cọc ghim lại để tìm kế sách khác, và cũng từ đấy, dường như ngay tức khắc, tiếng đồn về cây gỗ kỳ lạ đã lan ra khắp cả vùng.

Hoàng tử ở phương Bắc bấy giờ vào tuổi kén vợ, đang đi chu du khắp chốn cùng nơi để tìm cho ra một người ưng ý. Khi đến vùng này, nghe chuyện cây gỗ kỳ lạ, chàng cũng tò mò tìm đến. Thấy cây gỗ đẹp thì có đẹp nhưng cũng không lớn lắm mà sao cả trăm người kéo không được thì chàng lấy làm lạ lắm. Cũng vẫn là tò mò, chàng xắn tay áo lên, bảo mọi người cho mình kéo thử một cái xem saọ

Chiều ý Hoàng tử, mọi người lui cả rạ Nhưng thật vô cùng bất ngờ, khi hoàng tử vừa cầm thừng co tay lại thì cây gỗ cũng lập tức chuyển động, rồi dần dần, theo sức kéo mà tiến vào bờ. Đến khi chạm đất, Hoàng tử kéo mạnh một cái nữa thì cây hoàn toàn đã nằm trên bãi biển.

Mọi người vô cùng phấn khởi, vỗ tay reo hò không ngớt. Xong xuôi, sau khi hỏi ý kiến dân làng, Hoàng tử cho quân lính đem cây gỗ về Kinh đô.

Về phía dân làng, tuy cũng có người còn tiếc rẻ, nhưng đa phần cho rằng, đưa cây gỗ về kinh là hợp lý hơn cả vì như vậy tất cả bàn dân thiên hạ sẽ đều được chiêm ngưỡng. Còn về phía Hoàng tử thì cũng chẳng có vui mừng nào hơn, chàng cho là có duyên cớ, bèn không tiếp tục đi tìm vợ nữa, mà cùng quân lính trở về kinh, cùng với cây gỗ.

Khỏi phải nói, khi về đến Kinh đô thì mọi người, mọi nơi nghe tiếng, nao nức tìm đến xem đông như thế nàọ Nhưng rồi sự kiện ấy cũng mau chóng qua đi bởi lẽ mọi người nhìn mãi rồi cũng chán, vì cây đẹp thì có đẹp nhưng chẳng thấy có biểu hiện gì là lạ lùng cả. Mà dân chúng cần là cần sự lạ lùng, xưa nay chưa từng có, chứ không phải là một cái cây đẹp.

Chỉ riêng có Hoàng tử, do chính tay mình đã chứng kiến và thực hiện được một điều kỳ diệu, nên còn giữ mãi trong lòng sự vui mừng và niềm mong đợị Khi mọi người đã xem chán xem chê, đến mức không còn ai thiết xem nữa, thì Hoàng tử mới sai quân lính đem cây về trước Đông cung để hàng ngày được nhìn ngắm và gần gũi với câỵ

Cây quả là đã có tình ý với Hoàng tử thật. Từ đó trở đi, mỗi đêm trăng sáng, Hoàng tử bỗng thấy trong thân gỗ bước ra một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, và cùng lúc, là mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra theo mỗi bước chân của nàng.

Mê mẩn trước người đẹp, Hoàng tử vội vàng chạy tới, nhưng lần nào cũng vậy, hễ cứ giáp mặt, là người con gái lại biến ngay vào trong thân gỗ.

Sau vài lần như thế, Hoàng tử đã nghĩ ra được một cách, cũng khá đơn giản chứ chẳng có gì ghê gớm lắm. Chàng cho mấy người lính hầu đứng nấp ở xung quanh, còn tự mình cũng nấp saÜn ở gần đấỵ Khi cô gái vừa xuất hiện thì Hoàng tử đã bước ra nắm chặt lấy tay nàng, và mấy người lính cũng lập tức khiêng cây gỗ đem dấu biến đị Hoàng tử bảo cô gái hãy vui lòng vì chàng mà ở lạị Cô gái e lệ cúi đầụ Thế rồi, ngay lúc đó chàng dẫn nàng đến trình với đức vua cha và hoàng hậu, kể lại hết đầu đuôi ngọn ngành, và xin cha mẹ hãy tác thành cho họ.

Nhà vua lắng nghe, rồi nói: "Được. Để xem", xong cho gọi thị nữ đưa nàng về phòng riêng, còn Hoàng tử thì trở về Đông cung.

Sáng hôm sau thiết triều, nhà vua cho triệu quan Thái bốc lại để bói xem điều lành điều gở thế nàọ Sau khi nghe tấu trình là quẻ đại phúc, nhà vua cả mừng rồi ngay sau đó, cho cử đại lễ để hoàng tử sánh duyên cùng cô gáị

Từ đó, cuộc sum vầy của đôi trai gái diễn ra thật vô cùng êm ả, hạnh phúc. Ba năm sau, họ sinh được một gái và một traị

Tưởng rằng cuộc tình duyên ấy sẽ mặn nồng mãi mãi đến lúc đầu bạc răng long. Nào ngờ Hoàng tử cũng là kẻ bạc tình, chỉ chung thủy được có mấy năm đầụ Khi vợ đã có con thì chàng ta đâm ra hay chơi bời chứ chẳng quan tâm được như trước. Nay rượu, mai cờ bạc, rồi đi dong duổi khắp nơi, không chú ý gì đến việc dạy dỗ con cáị Nàng đã nhiều lần khuyên can nhưng chàng vẫn chứng nào tật ấy, làm nàng rất chán nản. Vì vậy, ở trong hoàng cung, sống giữa nhung lụa, kẻ hầu người hạ không thiếu, mà nàng cảm thấy bơ vơ, rồi buồn tủi xót xa, chỉ muốn tìm cách bỏ đi, không chút luyến tiếc. Bởi vì con người ta vốn là vậy, nên dẫu là thần thánh, thì khi tình yêu đã hết, tất cả sẽ chỉ là vô nghĩạ

Thế rồi một hôm, nhân khi Hoàng tử bỏ đi chơi lâu ngày, nàng tìm thấy cây kỳ nam mà khi trước bọn lính đã đem dấu biệt. Nàng gọi hai con đến rồi đọc một câu thần chú, thế là cả ba mẹ con cùng nhập vào cây kỳ nam. Cây kỳ nam tự chuyển động rời khỏi hoàng cung rồi lăn xuống sông. Từ sông, kỳ nam dòng nước trôi ra biển. Biển lúc ấy bỗng nhiên nổi luồng gió tráị Và theo chiều gió, cây kỳ nam trôi mãi, trôi mãi... Cuối cùng trở lại biển phương Nam.

Đến đúng trước cù lao Huân thì gió lặng và cây kỳ nam dừng lạị Cây trôi vào sát mép nước. Từ thân cây, cả ba mẹ con bỗng chốc hiện ra, bước lên bờ, rồi trở về nhà cũ. Cả hai ông bà cha mẹ nuôi lúc ấy đều đã mất. Nhà vắng vẻ tiêu điềụ Ba mẹ con bắt tay ngay vào việc dọn dẹp sửa sang cửa nhà, lập bàn thờ cha mẹ, ông bà tổ tiên, rồi cùng làm ăn sinh sống với dân làng. Từ đấy trở đi, quê hương, vùng cù lao Huân mỗi ngày một thêm ấm no, trù phú. Thế rồi đến một hôm, giữa lúc trời quang mây tạnh, trước sự chứng kiến và ngạc nhiên của mọi người, cả ba mẹ con cùng bay vút lên trời...

Ở phương Bắc, Hoàng tử đi chơi về thấy vợ con mất tích. Tìm cây kỳ nam ngày trước thì cũng chẳng thấy đâụ Chàng hối hận vô cùng, lòng tự nhủ lòng sẽ tìm ra bằng được ba mẹ con, dẫu có phải đi xuống tận địa ngục.

Khi xưa, lúc ở bờ biển chàng có nghe dân chúng nói cây gỗ này trôi từ biển phương Nam lạị Thế là Hoàng tử vào từ biệt vua cha và hoàng hậu, rồi cùng một số gia nhân, binh lính và thủy thủ xuống thuyền, dong buồm vượt biển hướng về phương Nam.

Khi thuyền vừa đúng đến cửa Đại An thì bỗng đâu một trận cuồng phong dữ dội nổi lên. Thuyền đắm, cả Hoàng tử cùng gia nhân thủy thủ đều chìm sâu xuống đáy nước. Nhưng khi cơn bão tan thì tự nhiên biển ở chỗ ấy cũng nổi lên một mô đá nhỏ, vượt cao khỏi mặt nước. Trên mặt mô đá có những hình thù ngoằn ngoèo tựa như những hàng chữ nổị Từ bao đời nay, đã có nhiều người hay chữ và kiến thức uyên bác đi thuyền tới đó, nhưng chưa ai đọc được đấy là những chữ gì. Và có lẽ như thế nên có thể cho rằng, những điều bí mật của thiên cơ, chắc còn lâu người ở dưới trần gian mới có thể hiểu thấu được hết.

Ba mẹ con nàng tiên đã về trời, nhưng từ đó đến nay vẫn thường hiển linh ở các nơi gần xa quanh vùng cửa Đại An, vùng cù lao Huân, cù lao Yến. Vì vậy dân đi biển, đi đánh cá, đi tìm tổ yến vẫn thường bày lễ vật, thắp hương rồi hướng mặt lên trời cao cầu xin sự che chở, phù hộ độ trì của nàng tiên, mà từ đó trở đi được kính cẩn tôn xưng là bà chúa Ngọc.

Bà chúa Ngọc còn được gọi là bà chúa tiên hay Thánh mẫu Thiên Ya na, theo cách gọi của người Chăm pa, một dân tộc đã định cư lâu dài ở vùng đất nàỵ Từ Huế đến Nha Trang ở đâu cũng có điện thờ bà chúa Ngọc. Triều Nguyễn có sắc thượng phong cho bà là "Hồng Nhân phổ tế linh ứng Thượng đẳng thần".

Tại Nha Trang có tháp lớn cao sáu trượng để thờ bà chúa Ngọc. Lại có cả những tháp nhỏ xung quanh để thờ Hoàng tử, hai người con và hai ông bà bố mẹ nuôị Bia đặt trong tháp lớn do chính tay quan đại thần Phan Thanh Giản thời Tự Đức soạn.

Trước kia, hàng năm triều Nguyễn đều ủy thác cho bộ Lễ về đây làm lễ quốc tế.

Lưỡi dao thần

Phạm Xuân Thông kể

Xưa kia, có một em bé ở đợ chăn trâu cho nhà giàu. Đàn trâu nhà này đông lắm, không ai chịu cho em chăn chung. Quanh năm em phải một mình chăn riêng đàn trâu, giữa chốn rừng hoang, đồng vắng. Chẳng có ai trò chuyện. Đến bữa, tuy nắm cơm của mình đã ít ỏi, em cũng bẻ đôi, lấy một nửa vãi ra cho lũ chim ăn cho vui.

Một hôm em bé ngồi trong bóng cây trú nắng, gió cũng thổi mát quá, em ngủ quên, đến lúc thức dậy, thì đàn trầu đã đi mất. Em tìm khắp cánh đồng mà chẳng thấy. Lo mất trâu, sợ chủ đánh, em liền theo bờ sông ngược lên, đi tìm. Đến chỗ con sông khúc, nước xoáy tròn như chong chóng, hai bên bờ có nhiều cây lạ, hoa thơm, cỏ non tươi tốt, thì gặp đàn trâu. Đúng trưa, mặt trời đỏ rực như một chậu lửa. Nóng quá, em xuống sông tắm. Có một con rùa nước chỉ bằng quả trứng, bị hòn đá to đè lên một chân. Con rùa quẫy mài mà không sao rút chân ra được. Em bé thương con rùa, đến vần hòn đá cứu sống nó. Từ đó trở đi, hôm nào em cũng đuổi trâu đến đấy. Vì cây cỏ chỗ này tươi tốt bốn mùa.

Ngày tháng trôi qua, đàn trâu đã trông gấp đôi. Em bé cũng đã trở thành một chàng trai khoẻ mạnh. Một hôm chàng trai đang ngồi dưới bóng cây, vãi cơm cho chim ăn, bỗng nghe gió thổi ào ào, cỏ cây bốn bên ngã rạp. Chàng nhìn lên trời, thấy ba chị em cô tiên vạch mây bay xuống. Ba cô tiên đáp xuống chỗ xoáy nước cởi áo để bên bờ, rồi cùng lội ra tắm. Ba cô đều đẹp, nhưng cô út xinh nhất. Chàng chăn trâu muốn lấy cô này làm vợ, liền lẻn ra lấy bộ xiêm áo của cô rồi vào bụi ngồi. Mặt trời đã đứng bóng. Các cô tiên sắp sửa về cõi tiên, nhưng cô tiên út bị mất xiêm áo, ngồi trong bụi cây, cô tiên cả vỗ tay ba cái. Chiếc áo liền bay vụt ra, còn chàng chăn trâu thì nằm lăn ra chết. Từ hôm ấy trở đi, khi mặt trời tròn bóng, ba cô tiên đều xuống đây tắm. Còn xác chàng chăn trâu thì đã thối rửa, hoá bọ, hoá giòi. Có một con giòi rẽ đám, bỏ ra, rơi xuống sông, gặp con rùa bị đá đè, được chàng chăn trâu cứu dăm năm về trước, cũng đang luẩn quẩn ở đây.

Con rùa này là con vị Thủy thần, khi đi chơi, bị mắc cạn, nhờ ơn cứu sống, con rùa chờ dịp đáp đền. Hôm nay, con rùa biết chàng chăn trâu bị chết, nên đến đây cứu. Trông thấy con giòi rơi, rùa đến ngửi hơi, biết là chàng chăn trâu đang chết ở đây. Rùa bò lên bờ, tìm được. Nó nhỏ vào cái thây chết ba giọt nước bọt. Chàng chăn trâu sống lại, ngồi thẳng lên, người khoẻ mạnh gấp mấy lần trước kia. Rùa bảo chàng:

- Ơn người, ta đã đền rồi! Nay ta bảo cho thêm một cây thuốc sống. Giữ cây thuốc sống này bên mình, người sẽ sống mãi. Có ai chết, lấy cây thuốc này chỉ vào người chết sẽ sống lại.

Nói xong, rùa biến mất. Chàng chăn trâu chưa hết ngơ ngác bàng hoàng, đã thấy cây thuốc trước mắt. Cây thuốc chỉ bằng que tăm, xanh như lá mạ, hai đầu bằng nhau, chẳng biết đâu là gốc đâu là ngọn. Chàng xé vải áo cài cây thuốc vào. Ba cô tiên lại vạch mây bay xuống. Tưởng không còn ai, cả ba cô vứt bừa khăn áo trên bờ, chạy ùa xuống nước. Có cây thuốc sống chàng trai chẳng sợ chết nữa, đi thẳng đến lấy chiếc áo của cô thứ ba cắp vào nách, đứng nhìn. Ba cô tiến trông thấy, chạy ùa lên bờ, vỗ tay, hoá phép. Chàng vẫn đứng trơ trơ. Hai cô chị sợ quá, vội vàng tranh lấy áo mặc, bay về trời. Còn cô thứ ba ở lại, làm vợ chàng chăn trâu.

Lấy được người vợ xinh đẹp, nhưng chàng chăn trâu vẫn sống trong cảng nghèo nàn. Tuy vậy, vợ chồng ăn ở hoà thuận. Sau một năm, hai người đã sinh một đứa con trai. Một hôm, vào giữa mùa cây, chàng đuổi trâu đi chăn. Vợ chàng ở nhà, trút bồ thóc ra phơi. Trông thấy chiếc áo tiên chiếc áo tiên chồng giấu dưới đáy bồ, cô vợ đem ra ướm thử. Đi đã lâu, cô tiên nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ cả làng tiên, nên bay vút lên trời. Khi đuổi trâu về, thấy nhà vắng, con khóc, bếp không có lửa, chàng chạy vào tìm chiếc áo tiên, thì chiếc áo đã mất. Biết vợ đã về trời, chàng đứng ngồi không yên. Thương xót, khóc kể... Chàng bế con đi tìm vợ, không biết bao giờ mới trở lại nhà cũ cảnh xưa. Trước khi đi, chàng bế con đến thăm lại chỗ xoáy nước. Con rùa lại chờ chàng ở đó. Rùa cho chàng thêm hai viên thuốc, một thanh đao, và dặn:

- Thuốc phải uống ngay mỗi người một viên. Còn thanh đao thì chớ để mất. Bao giờ gặp tai biến, đao sẽ tự giải nguy.

Chàng chăn trâu cho con uống một viên thuốc. Đứa bé mới biết ngồi, bỗng to lớn khoẻ mạnh hơn cha. Chàng uống luôn viên thuốc còn lại. Người chàng cũng cao hơn, khoẻ hơn trước kia năm bảy lần, đủ sức đi cùng trời cuối đất. Chàng liền đeo vào lưng, cầm cây thuốc sống trong tay, đưa con đi thẳng về hướng mặt trời mọc.

Đi được ba tháng, cha con chàng gặp một con rác. Con rác cao như bụi tre, chân to bằng chân cột đình. Rác thích ăn lươn sống. bắt hai cha con chàng đi tìm lươn cho nó ăn. Nó bảo:

- Nếu cha con mày trốn, tao sẽ cắt đứt đầu. Trong vòm trời này, chỗ nào tao bay cũng đến, trốn đâu tao cũng tìm được.

Có cây thuốc sống trong mình, hai cha con chàng không sợ chết, nhưng biết không làm sao trốn khỏi đôi cánh to như mái đình của con rác, nên phải chịu nghe nó để lần hồi tìm kế thoát thân. Ngày ngày, hai cha con chàng chăn trâu phải ra đồng, bắt cho nó mấy giỏ lươn. Đến mùa mưa bão, nước ngập trắng đồng, không còn chỗ bắt lươn. Con rác đói, nuốt người bố vào bụng nó, mà không bị trầy da, rách thịt. Có sẵn cây thuốc sống trong người, chẳng biết ngạt, biết đau, chàng cựa quậy, cào xé trong ruột con rác. Bị đau, nó vùng vẫy, lăn lộn, giẫm quang một vùng cây rậm rạp. Cuối cùng, con rác phải chịu thua. Nó bảo:

- Tao không bắt mày đi tìm lươn nữa! Cha con mày muốn đi đâu thì đi...

- Mày chẳng làm sao hại được tao. Mày không thả tao cũng chả cần!

Chàng chui lên cổ con rác nói vọng ra những lời đó, rồi cào cấu mạnh hơn.

Con rác nài nỉ:

- Tao cho hai cha con mày hai cái lông của tao, nó rất cần cho những người đi biển.

Để con rác sống e cản trở đường đi, chàng rút dao cắt đứt ruột nó, rạch bụng chui ra, nhổ hai cái lông cánh, rồi đưa con đi tiếp về phía chân trời. Cha con chàng đi chẳng bao lâu đã hết đất, đến biển. Biển rộng mênh mông, nước xanh ngắt, sóng đập ào ào. Xung quanh vắng lặng, chẳng có người qua lại cũng chẳng có thuyền bè ngược xuôi. Hai cha con chàng đem thanh dao vào rừng đẵn một cây to, khoét ruột làm một chiếc thuyền. Người con lấy nước trầu của cha đang ăn sơn lên thành chiếc thuyền màu đỏ. Lại lấy hai cái lông của con rác cắm đứng lên, đợi gió. Hai cái lông to xoè rộng như hai cánh buồm. Chờ đến ngày nổi gió, hai cha con chàng đẩy thuyền ra biển. Gió mạnh, thuyền rẻ sóng chạy băng băng, nhanh hơn ngựa hay chạy trên đất liền. Mặc cho gió đổi hướng, con thuyền vẫn chạy theo ý định của hai cha con. Chạy qua bên kia biển, con thuyền gếch mũi lên không. Gió lại thổi mạnh. Chiếc thuyền bay bổng lên trời, bay thẳng đến động tiên. Tiên cha đang ngồi xem sách thấy thuyền lao vút đến, liền hỏi các con:

- Đứa nào xuống trần mắc nợ, để người trần lên quấy thiên cung?

Cô tiên thứ ba thú tội "Trót để nhớ thương cho một người chăn trâu nghèo khổ". Tiên cha nổi giận, truyền trói cô tiên ấy lại, rồi giục quân ra chặn đánh, không cho hai cha con chàng chăn trâu vào làng tiên.

Quân tiên đổ ra đông như một bầy ong, vây chặt chiếc thuyền. Anh chăn trâu xưa nay chưa hề biết chuyện cung kiếm, cũng như chưa bao giờ thấy quân hùng tướng mạnh, nay gặp quân nhà trời, người anh run cầm cập, một tay cầm dao, một tay ôm chặt "cây sống" vào người. Người con trai cũng chưa biết đánh chác ra sao, nên cứ cầm thanh dao nhìn qua, nhìn lại. Bỗng không biết từ đâu, có tiếng nói vọng đến tai anh: "Bao giờ quân nó đến gần, lật lưỡi dao lên, chúng nó sẽ đứt cổ, thủng bụng".

Anh vững dạ, cầm chắc thanh đao, mắt lăm lăm nhìn quân tiên tràn tới. Khi quân tiên còn cách mình ba bước, anh lật lưỡi dao lên. Tiên cha lại giục quân ra thêm. Nhưng quân tiên ra thêm bao nhiêu, cũng đều bị lưỡi dao thần giết chết.

Hai cha con chàng đi thẳng vào thiên cung. Quân tiên sợ trốn hết, chỉ còn cô tiên bị trói đứng đó. Chàng tiến đến cởi dây. Vợ chồng, mẹ con gặp nhau, vừa mừng vừa tủi. Cô dẫn con và chồng đến xin lỗi cha. Tiên cha hết phép hết quân nên phải bằng lòng để cho cô tiên út trở về trần gian. Chàng chăn trâu đưa vợ con trở lại chỗ chiếc thuyền. Chiếc thuyền bay thẳng một mạch từ thiên cung về biển, rồi từ biển vào đất liền, ngược theo một con sông trở về làng cũ.

nguoi ta gap dc tien nu,sao tui lai gap em yeu nu vay ne,toi nghiep tui wa,hic

Chó Thần

Ngày xưa, ở một phủ nọ miền thượng du, có vị lão quan họ Lê được dân chúng kính yêu như cha già, vì trong bao nhiêu năm cai trị vùng này, cụ đối xử với dân như con cháu trong nhà, không một việc oan ức nào mà chẳng được cụ xét đến.

Vị tri phủ già họ Lê có một con chó rất khôn ngoan, được cụ thương mến như con. Việc quan xong, mỗi đêm cụ nằm ngủ trên sập hút thuốc phiện, con vật trung thành nằm cạnh dưới chân, ngước nhìn chủ đầy vẻ trìu mến, đôi mắt thông minh ý nghĩa tưởng chừng như không là của loài bốn chân. Thỉnh thoảng ông quan già ngừng tay vuốt ve con vật thân yêu rồi bốn mắt nhìn nhau như trao đổi cảm tình không phải nói ra thành lời.

Một đêm, vị lão quan nằm luôn ở sập không dậy nữa. Dân chúng trong vùng thương tiếc khóc đưa không khác nào cha chết. Chôn xong, mọi người ra về, trên ngôi mả mới, con chó trung thành còn nán lại rên rỉ, ứa nước mắt, từng lúc kêu lên áo não.

Người con trai cụ Lê là cậu cả Tông, bấy lâu nhờ sự dạy bảo của cha học hành xuất sắc, được bổ nhậm nối nghiệp người đã khuất. Song Lê Tông tính nết lại khác hẳn cụ phủ, trong việc cai trị thường tỏ ra khắc nghiệt, tham lam, tàn bạo. Đối với cụ phủ Lê trước kia, dân có cảm tình bao nhiêu, thì ngày nay đối với cậu cả Tông, họ lại oán ghét bấy nhiêu.

Cả Tông chỉ bắt chước cha ở một điểm là hút thuốc phiện, hút ngay tối hôm hạ huyệt cụ phủ Lê. Dân chúng phải lo cung cấp đủ số thuốc phiện cho vị tân quan, và lỡ người nào đem nộp thứ thuốc không được ngon là bị nọc ra đánh ngay trước phủ đường.

Một đêm Tông hút nhiều hơn lệ thường, đang nằm mơ màng bên ngọn đèn dầu lạc, bỗng nghe có tiếng động nhẹ rồi thấy con chó nhảy lên sập gụ, nằm dài phía dưới mâm đèn á phiện. Tông muốn quát lên đuổi nó đi, song đã quá say, chỉ lầm bầm mấy tiếng: "Cút đi, đồ khốn kiếp"!

Đôi mắt thông minh của con vật chăm chú nhìn lại khiến Tông khó chịu, ấp úng: "Đồ khốn kiếp"! Rồi im bặt, kinh ngạc, hoảng sợ khi thấy con chó lên tiếng: "Sao cậu lại rủa tôi, đuổi tôi đi? Tôi làm gì hại cho cậu"?

Qua phút hãi hùng, Tông trấn tĩnh lại, nhận thấy sự buồn cười nghe con chó biết nói, mới bảo nó: "Này, mày là loài chó, làm sao biết nói được thế kia"? Rồi Tông không nhịn được cười sặc sụa lên một hồi. Con chó lại nói: "Cậu lầm rồi, cậu tưởng tôi chỉ là chó, thật ra tôi chính là thần".

- Thần! Thần... chó!

Tông muốn cười phá lên, song đã say đờ đẫn, nên chỉ mở hé hai mắt cười gằn.

- Cậu không tin lời tôi nói à?

Tông lại cười rồi đáp:

- Tao không tin thần thánh gì cả.

- Rồi một ngày kia cậu bắt buộc phải tin, mà ngày đó cũng không xa đâu.

- Ngày đó mà có, là bao giờ mày làm được cho tao thôi chức quan lớn, đóng khố trong rừng đi xin ăn.

Con chó không trả lời ngay, cậu cả Tông không để ý đến nữa, tiếp tục nướng thuốc hút. Trong khi cả Tông ro ro kéo thuốc phiện, con chó lên tiếng kể lại bao nhiêu tội lỗi của con chủ rồi trách: "Cậu hãy nên hối cải đi, theo gương của cụ ngày trước, kẻo tủi cho vong linh người đã khuất". Tông chán nghe con vật khuyên răn, nhấc đầu lên bảo: "Tao đã chán tai nghe mày nói rồi, thôi mày đi đi". Giọng con chó trở nên nghiêm nghị: "Cậu đã muốn thế thì mặc cậu. Tôi đi đây, song chẳng mấy chốc đâu cậu lại phải gặp tôi. Cậu hãy nhớ lấy những lời cậu vừa nói: "Bao giờ thôi chức quan lớn, đóng khố trong rừng đi ăn xin". Nói xong con chó nhảy xuống đất.

Tông ngủ thiếp đi, chập chờn trong ác mộng, đến lúc tỉnh dậy, đầu óc căng lên như búa bổ. Viên quan trẻ tuổi càng ngày càng gắt gao, nha lại được lệnh bắt bớ đòi ăn hối lộ người giàu, hành hạ đánh đập dân nghèo. Con chó không thấy trở lại nữa, Tông cũng quên hẳn đêm gặp gỡ con vật trong thành của cha già.

Một buổi chiều trời giông, mây đen vần vũ, có một sứ giả cùng một toán lính đến trước phủ đường. Người cầm đầu vừa xuống ngựa, ra lệnh báo tin cho quan phủ hay. Quan phủ Tông thường ngày vẫn cấm quân hầu không được đánh thức trong lúc mình đang giấc, nên người nhà chần chờ không dám gọi. Khách lạ lớn tiếng ra lệnh một lần nữa, tên lính hầu cận mới rón rén vào phòng quan phủ run sợ, tâu bẩm. Phủ Tông đang ngái ngủ gắt mắng ầm ỹ lên, nhưng đến khi nghe thấy tiếng khách, liền vội vã phóc dậy khoác áo ra khúm núm tiếp đón. Vì khách kia chính là sứ giả của triều đình đến báo tin nhà vua sắp ngự qua đây nay mai.

Thế là những ngày sau đó, dân chúng sở tại phải khốn đốn trăm chiều, vì quan phủ cho thuộc hạ bắt buộc mọi người phải dẹp bỏ hết công việc để sửa soạn tưng bừng bày hương án trên đường đón tiếp hoàng đế. Nha lại lính tráng được dịp tha hồ làm tình, làm tội dân, hạch xách, quấy nhiễu đủ điều. Lính phủ phải ê tay vì đánh đập, thúc hối dân làm việc quan.

Tới ngày vua ngự đến, phủ Tông vận trào phục lộng lẫy, ngồi cáng che lọng có lính hầu khiêng đi nghênh đón. Khi thấy bóng kiệu nhà vua xa xa, phủ Tông đã xuống cáng, vòng tay đứng chờ cạnh hương án khói trầm nghi ngút. Bỗng từ bụi cây bên đường một con chó phóng ra, chồm lên người phủ Tông mà cắn xé rách nát cả triều phục. Lính hầu hốt hoảng không kịp ra tay, con chó đã chạy mất biến.

Phủ Tông chưa kịp hoàn hồn thì xa giá đã đến. Trông thấy viên phủ áo quần tả tơi, gần như trần truồng, vua nổi giận đùng đùng, xuống lệnh nghiêm trị tức khắc viên quan phạm thượng, dám tiếp đón hoàng đế một cách khiếm lễ, khi quân như vậy.

Phủ Tông rập đầu van lạy kêu ca về tai nạn bất ngờ vừa xảy ra, song chẳng được đoái hoài đến. Nhà vua đã hay biết lối trị dân độc ác của viên phủ tham ô, bèn nhân dịp này mà ra oai thiên tử. Vị quan cận thần được lệnh vua truyền lột hết chức của Tông, giáng làm thường dân và xử trảm ngay tại trước phủ đường về tội khi quân.

Tông bị trói chặt dẫn về đến trước dinh phủ, đã biến thành pháp trường. Trong khi đao phủ đang sửa soạn, một bô lão sở tại đến xin ra mắt vua, tâu xin nhà vua nên nghĩ đến vong linh vị lão quan hiền đức họ Lê thân sinh ra Tông mà tha tội chết cho đứa con bất hạnh. Vua chuẩn y lời thỉnh cầu thành khẩn. Tông thoát chết, lạy tạ nhà vua, lầm lũi kiếm đường lẩn tránh mọi người.

Tông men vào rừng gần đấy, vừa đi vừa chạy, cho đến khi khuất hẳn giữa ngàn cây, không còn thấy bóng người nào, mới vật mình xuống chân một gốc cây mà khóc mùi, hận tủi, nhục nhã. Tông chua xót, mệt mỏi lịm người đi. Đến lúc bừng tỉnh, thấy trời đã xế chiều, trong bụng đói khát cồn cào, lồm cồm đứng lên, thất thểu tìm đến một giòng suối uống nước và kiếm trái cây rừng đỡ dạ. Tông quanh quất ở trong rừng ngày này sang ngày khác, ăn trái rừng, uống nước suối, tránh các lối mòn, sợ người trông thấy cảnh mình điêu vong. Đói lạnh, thú dữ, nhọc nhằn giữa rừng sâu, Tông cắn răng chịu đựng, không muốn trở lại với loài người, vì lòng kiêu hãnh đã bị tổn thương.

Một hôm, Tông đi đến một cánh rừng thưa, trông thấy một túp lều tồi tàn ở gần bờ suối. Sức người đã kiệt, bụng đói thèm cơm khiến Tông không còn giữ kiêu hãnh được nữa. Tông lê gót về phía túp lều, trông như là một chốn Cực Lạc đối với anh lúc bấy giờ. Trước khi đến cửa lều, thấy nước trong ở một con suối, Tông dừng là.i đưa hai tay vốc uống, và nước lên mặt cho tỉnh táo.

Tông kinh hoảng khi nhận thấy gương nước phản chiếu hình ảnh của mình: khuôn mặt hốc hác tiều tụy, thân hình sạm đen, da bọc lấy xương, áo quần tả tơi, bẩn thỉu. Anh đập tan gương nước, như muốn xóa đuổi hình ảnh ghê rợn của mình rồi toan cắm đầu chạy trốn, nhưng đã đuối sức, mất cả thẹn thuồng, lê người vào túp lều tranh.

Cánh cửa mở, Tông thấy hiện ra một người con gái trạc chừng mười lăm tuổi, áo quần nâu thô rách, nhưng trông rất dịu hiền, xinh đẹp. Cô gái thoạt tiên trông không khỏi kinh sợ khi thấy người lạ mặt, nhưng trông lại vẻ tiều tụy, gầy yếu của con người tuấn tú, không thể là kẻ trộm cướp được, nên yên lòng ngay. Một người đàn ông lực lưỡng bước tới sau lưng cô gái lên tiếng hỏi han.

Đấy là một gia đình tiều phu, sống ở ven rừng, lam lũ mà an vui với cuộc sống riêng biệt. Họ mời Tông vào nhà, gặp bữa mời cùng ăn. Chưa bao giờ Tông ăn được ngon miệng đến thế, và cơm đỏ trộn sắn dọn trong chén đá với muối vừng, cà muối, thức ăn thường ngày của nhà này, anh thấy quý trọng gấp bội các món cao lương mỹ vị bày ở đĩa sứ, chén bạc thời làm quan. Người tiều phu không khỏi mỉm cười thích thú khi thấy khách không chê bữa cơm đạm bạc, ăn hết bốn bát đầy có ngọn. Chủ nhà rót mời Tông một chén rượu rừng, anh uống vào tưởng chừng như đã nhấp tiên tửu, thấy cả cuộc đời cao sang vừa qua, chưa bao giờ được ăn uống ngon lành như vậy.

Sau đó Tông lễ phép hết lời cám ơn chủ nhà, rồi chào ra đi. Người tiều phu thấy Tông yếu mệt, bảo anh nghỉ lại đến mai hẵng đi.

Tối hôm ấy, Tông nằm ngủ trên một mảnh chiếu cũ, nhưng cảm thấy khoan khoái nhất đời. Sự nhọc nhằn, thiếu thốn dồn dập trong bao nhiêu hôm tụ lại thành một cơn sốt kịch liệt, sáng hôm sau Tông không gắng gượng ngồi dậy nổi. Trong liền mấy hôm, Tông mê man li bì, nhờ vợ người tiều phu đi kiếm thuốc lá ở rừng về sắc cho uống mới hạ dần cơn bệnh. Khi Tông đã bình phục, người tiều phu mới nói rằng: "Tôi không rõ là anh ở đâu đến, định đi đâu, nhưng nếu anh không chê nhà này, còn có chỗ đụt mưa tránh nắng hơn là lang thang ngoài trời thì mời anh ở lại đây với chúng tôi. Củi rừng không thiếu, miễn là anh chịu khó làm với chúng tôi".

Tông ngần ngại, ngẩng đầu lên bỗng gặp đôi mắt đen lánh, trong sáng của người con gái đang chăm chú nhìn mình, thắc mắc chờ đợi.

- Tôi ở lại.

Tông chỉ biết nói thế và từ hôm đó, anh bắt đầu chia xẻ đời sống của người tiều phu, những nặng nhọc và vui thú của gia đình nghèo hèn này. Chẳng bao lâu anh học được nhiều điều hay trong lúc đem sức cần lao ra để đổi lấy sự sống, mà suốt quãng đời nghiên bút, kinh sử anh đã không hề biết đến.

Ban ngày vào rừng đốn củi, tối lại Tông còn dạy cho người con gái học dưới ngọn đèn nhựa trám mờ khói. Anh không nề hà một sự khó nhọc nào để giúp đỡ chung quanh, vui vẻ nhận lấy sự tiến bộ mau chóng của cô học trò ngây thơ. Cô gái không dấu được thích thú mỗi lúc gần người trai lạ bí mật, chẳng hề nhắc nhở đến quá khứ, có khi thẫn thờ xa vắng tận đâu.

Hai năm êm đềm trôi qua, Tông hầu như quên hẳn con người quyền quý của mình ngày trước. Cô gái tiều phu bây giờ đã trở nên một thiếu nữ xinh đẹp mà lớp quần áo nâu sồng không làm giảm vẻ tươi sáng của tuổi dậy thì. Vẻ trong trẻo, đằm thắm của cô gái thuần phác đã biến đổi hẳn tính nết độc ác, ích kỷ, kiêu ngạo của Tông trước kia. Anh đã thành ra một người bình thường như mọi người, hàng ngày làm lụng vất vả, nhưng trong lòng êm ả, nhẹ nhàng. Tông bắt đầu hưởng hạnh phúc mà cả quãng đời nhung lụa ở phủ đường không được biết đến, là tình yêu.

Một hôm, Tông vừa hạ xong một thân cây lớn, đang vuốt mồ hôi trán, thì nghe co tiếng kêu rên ở gần, ngoảnh lại trông thấy một con chó đang ngước mắt nhìn anh một cách thảm thương. Con chó đã già lắm, gầy yếu, trông như sắp chết. Tông ngồi xuống đưa tay vuốt ve lên mình con vật, nó đưa mắt nhìn tỏ ý cám ơn. Sẵn mo cơm và cá khô gói theo ăn trưa, Tông lấy một phần cho nó. Con chó chỉ ăn một lúc là sạch nhẵn. Tông im lặng nhìn nó, bỗng sực nhớ lại hình ảnh của mình hai năm trước đây, cũng đến chốn này kiệt sức như con vật đáng thương hiện thời.

Khi Tông vác rìu trở về lều, con chó lẽo đẽo theo sau chân. Đêm đến, mọi người trong nhà lần lượt yên ngủ, Tông đang nằm thao thức, bỗng nghe có tiếng động nhẹ, đoán chừng là con chó đến nằm ở cạnh chân. Tông vỗ về con vật liếm tay mình, rồi trong đêm tối yên lặng bỗng nghe tiếng nó nói: "Anh không nhận ra tôi sao? Chính là tôi đã đưa anh đến đây mà! Anh có nhớ những lời mà anh đã nói với tôi là "nếu anh thôi chức quan lớn, đóng khố trong rừng đi ăn xin"?

Con chó im một lúc lâu rồi lại nói: "Bây giờ anah tin là có thần linh không"? Tông thầm đáp: "Ta tin ở mi và cầu xin vong hồn cha tha tội cho con".

- Anh có sẵn lòng nghe lời tôi không?

- Nói đi cho ta nghe.

* * *

Hôm sau, đã tối mịt rồi mà chưa thấy Tông trở về. Trọn đêm cũng không thấy đâu. Người con gái thao thức, đợi chờ, khóc thầm. Sáng tinh sương nàng đã cùng cha đi vào rưng, đến chỗ Tông thường đẵn củi, thấy bầu nước và rượu ở gốc cây. Nhìn lên lưng thân cây vừa lột một miếng vỏ lớn, nàng đọc thấy những chữ của Tông đã dùng lưỡi dao sắc cạnh ghi lại rằng: "Tông có việc phải đi, luôn luôn nhớ đến nàng và hẹn sẽ trở lạị"

Trong khi cô gái buồn rầu trở về túp lều giữa rừng thì Tông đã đi xa, theo sau con chó, cũng không tìm hỏi nó đưa mình đi đến đâu.

Tới một ngôi làng, vào buổi phiên chợ đông, con chó làm nhiều trò xảo thuật theo lời bảo của Tông, khiến nhiều người tò mò xúm lại xem, bỏ tiền ra thưởng. Các nhà buôn giàu có tranh nhau mời mọc thày trò con chó kỳ tài về nhà khoản đãi.

Từ làng này qua xã khác, từ huyện nọ đến tỉnh kia, Tông cùng con chó đi đến đâu cũng được thán phục, tặng quà biếu tiền. Hai thày trò sống một cách đầy đủ, phong lưu dọc theo đường gió bụi.

Từ mạn ngược về đường xuôi, người và vật đi, đi mãi. Cái túi vải đeo bên mình Tông đã bắt đầu rủng rỉnh tiền, và mỗi ngày một nặng thêm. Tông chưa hề hỏi con chó là rồi sẽ đi đến đâu. Con chó cũng không nói nữa, và trông cũng chẳng khác gì đồng loại nó, ngoài ra tài múa nhảy và sự thông minh tỏ ra hiểu biết lời nói của người ta.

Một buổi chiều vào lúc trâu bò về chuồng, Tông và con chó đi đến kinh thành. Qua cửa thành đô, Tông hồi tưởng lại năm nào mình vác lều chiếu đi thi, và ngày tên ghi bảng vàng, kết quả bao nhiêu năm khó nhọc dùi mài kinh sử.

Tại kinh đô chẳng mấy chốc tiếng tăm của thày trò Tông đồn đãi khắp mọi nhà. Ngoài các trò múa nhảy tài tình theo lời sai bảo của chủ, con chó còn làm cho mọi người kinh ngạc về sự nhận xét không bao giờ sai. Đàn ông hoặc đàn bà có vợ chồng hay chưa, con cái nhiều hay ít, làm chức nghiệp gì, bao nhiêu tuổi, giàu hay nghèo, con chó đều trả lời đích xác theo ước lệ đã định trước. Thiên hạ truyền miệng đi là chó thần, tiếng đồn đến tai vua. Vua cũng muốn biết qua tài diệu kỳ của con chó, thử xem lời đồn của bá tính có quá đáng chăng.

Có lệnh vua vời vào trước sân rồng để biểu diễn. Tông không khỏi làm cho vua ngạc nhiên thấy một kẻ thường dân ra mắt vua đúng với nghi lễ triều đình. Vua không nhận ra Tông là viên tri phủ đã bị thải hồi. Con chó bắt đầu múa nhảy, vua cười chảy cả nước mắt khi thấy nó chỉ đúng phẩm tước của bá quan theo từng hồi tiếng sủa. Trò cuối cùng là chó làm thơ. Tông xin giấy trắng trải lên sân rồng, buộc bút vào chân chó. Sau khi chấm bút lông vào nghiên mực, chó gật gù suy nghĩ rồi thảo luôn một bài luật thi dâng tặng vua. Chữ viết như rồng bay phượng múa, lời thơ trang nhã, bóng bảy khác thường.

Thị vệ dâng vua ngự lãm, vua sửng sốt thấy chưa có một thi sĩ hữu danh nào đương thời có thể làm được hay hơn bài thơ của con vật bốn chân kia. Trong lúc hào hứng, vua truyền cho Tông cùng con chó từ đây được ở luôn tại viện trong cung nội và được lương bổng nhà vua ban cho.

Tông hết lời cảm tạ ơn vua rồi tâu: "Bệ hạ chỉ mới thấy vài trò tiểu xảo đó thôi, con vật trung thành của thần còn biết được nhiều điều lạ hơn nữa". Thấy vua càng ngạc nhiên tò mò hơn nữa, Tông bèn thưa: "Nếu bệ hạ muốn chứng kiến thực hư, thần xin bệ hạ cho triệu họp đông đủ văn võ bá quan triều đình lại ở sân rồng".

Vua nóng lòng muốn xem trò mới lạ, liền chuẩn y ngay đề nghị của Tông và truyền cho khắp triều thần ngày mai phải có mặt. Tông lại xin được hội kiến riêng trong chốc lát với một mình vua trước khi bắt đầu trình diễn các trò phi thường. Lời yêu cầu tuy táo bạo song cũng được chấp thuận trong khi vua đang cao hứng.

Ngày mai lại, trước giờ vua lâm triều, bá quan văn võ tề tựu đông đủ trước sân rồng. Tông và con chó được đưa vào gặp riêng vua ở cấm điện. Vua ra lệnh cho thị vệ tả hữu lui ra, Tông mới thưa rằng: "Tâu bệ hạ, con chó của thần ngoài sự thông minh xuất chúng khác hẳn đồng loại nó, còn có kỳ tài đoán biết được những ý nghĩ thầm kín, những hành động bí mật của người ta mà ngỏ riêng cho thần hiểu, và lại có nhiều ý kiến khôn ngoan thần tình. Nếu bệ hạ cho phép, nó sẽ kể rõ về mỗi vị thượng quan ở triều phục vụ bệ hạ ra sao".

Vua nghe nói hết sức ngạc nhiên, hỏi Tông làm cách nào. Tông đáp: "Bệ hạ cho thị vệ xướng danh và chức phẩm của mỗi quan triều rồi cho phép con chó của thần được đến gần để nhận xét, đánh hơi từng vị, rồi sau đó, cho nó gặp riêng thần một lúc để thần được nghe báo cáo của nó mà tâu lại cùng bệ hạ".

Vua lâm triều, phán cho thi hành theo lời đề nghị của Tông. Con chó lần lượt đi qua trước các hàng thượng thư, quan lại triều đình, theo tiếng loa của thị vệ báo danh trước mỗi vị. Các quan bối rối thầm nghĩ là vua định bày trò đùa gì đây, khi thấy con chó dừng lại trước từng người, đứng trên hai chân sau, giương hai mắt ra nhìn xét, đưa mũi đánh hơi quần áo.

Sau đó, Tông và con chó được đưa vào một phòng riêng giữa bốn vách tường kín mít. Con chó nói qua cho Tông hay sự tình để tâu lại, rồi hai thày trò được đưa đến bệ kiến riêng vua.

Sau khi tâu lại những nhận xét của con chó về các quan, nhất nhất đều đúng với sự thực, Tông báo cho vua hay một sự khám phá quan trọng: "Tâu bệ hạ, hiện đang có một cuộc âm mưu tiếm vị, khuynh đảo bệ hạ cùng các quan trung thành với đương triều. Kẻ cầm đầu cuộc phản loạn này không ai khác hơn là quan thượng thư bộ Hình, người đã thọ lãnh ân tứ của bệ hạ nhiều hơn ai hết".

Vua lặng đi vì kinh ngạc, hãi hùng, Tông kể luôn danh sách của nội bọn mưu phản và kế hoạch của chúng đã trù liệu, rồi phục mình trước ngai vàng tâu rằng: "Thần cúi xin bệ hạ cho mật xét lại để xem thực trạng có đúng thế không. Nếu con chó của thần biết sai và thần tâu man để làm rộn đến bề trên, thì thần xin chịu tử hình về tội khi quân. Ví bằng đúng sự thực..."

Vua đang trầm ngâm suy nghĩ bỗng ngước đầu lên bảo: "Nếu sự thực quả như lời khanh tâu, trẫm sẽ không bao giờ quên công ơn thày trò khanh đâu. Bây giờ trẫm muốn cho khanh cùng con vật trung thành ở riêng một nơi tại cung cấm, không phải thiếu một thứ gì, đợi cho đến khi trẫm xét rõ lời khanh nói có đúng không".

Theo lệnh vua, Tông được đưa đến một cung riêng, có sẵn người hầu hạ và quân sĩ tuốt gươm trần canh gác bên ngoài. Ba hôm sau một vị cận thần đến mời Tông đi. Qua dẫy cung điện sơn son thếp vàng, Tông theo chân vị quan triều đi vào giữa chánh điện, trông thấy vua đang ngồi trầm tư trên ngai rồng. Tông toan quỳ xuống thi lễ thì vua đã bước xuống ngai đỡ dậy mà bảo rằng: "Trẫm cho phép khanh từ đây là thần dân duy nhất được miễn quỳ lạy trẫm, để ghi nhớ công khanh đã giúp trẫm giữ vẹn long thể và ngôi báu, giúp giang sơn khỏi nạn binh đao. Tất cả những lời khanh tâu đều được chứng nghiệp chính xác. Lũ loạn thần bị bắt đều đã thú tội. Chúng sẽ được xử theo phép nước".

Vua không dấu nổi kinh hoàng vừa khám phá ra âm mưu thí vua của đám gian thần, xúc động nói với Tông: "Trẫm không biết khanh là ai, ở đâu đến, nhưng từ đây trẫm muốn khanh ở bên mình trẫm, với chức Quốc Sư, tước quan nhất phẩm triều đình của trẫm ban cho khanh. Trẫm lại cho khanh được phép ra vào trong cung cấm, muốn gặp trẫm bất cứ lúc nào cũng được, và khanh chỉ ở dưới quyền của trẫm thôi".

Vua dành riêng cho Tông một dinh thự lớn, ban cho bao nhiều vàng bạc, châu báu, gấm vóc, và mỗi khi quyết định việc gì quan trọng cũng đều hỏi ý kiến vị quốc sư. Sống trong cảnh quyền thế, nhung lụa, Tông cũng không thấy gì là sung sướng, người ta không bao giờ thấy Tông cười. Một hôm, vua thân mật hỏi chuyện nguyên nhân sự buồn bã của vị Thượng Khanh, Tông mới thành thật tâu rằng mặc dầu được hưởng bao nhiêu đặc ân của vua ban cho, không bao giờ tông thấy lòng vui thú giữa chốn cung vàng điện ngọc, và xin phép vua được trở về quê nhà thăm phần mộ cha già. Vua không muốn rời xa ân nhân, song cũng đành phải nghe theo lời thỉnh cầu của Tông.

Mấy hôm sau, trên đường về quê, Tông không còn phải là kẻ dắt chó làm trò nữa, mà oai vệ ngồi trên con tuấn mã vua ban cho, đi giữa đoàn lính tráng cờ lọng uy nghi theo hầu. Về đến đầu làng, chỗ ba năm trước đây Tông quỳ rước vua bị con chó cắn xé áo mũ gây ra bao nhiêu nông nỗi, Tông xúc động xuống ngựa bảo đoàn tùy tùng dừng lại. Anh đi lại tảng đá bên đường, ngồi ôm đầu suy nghĩ. Đến lúc ngẩng đầu lên, Tông không khỏi ngạc nhiên thấy một dám rước trọng thể do viên tri phủ sở tại dẫn đầu đi đón, Tông lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe vị quan đã thay mình ba năm trước đây phụng đọc chiếu vua bổ nhậm Tông cai trị vùng này.

Dân chúng hay tin vị Quốc Sư thân cận của hoàng đế đến hạt mình, già trẻ lớn bé rủ nhau đi xem đầy đường, tiếng chào mừng dậy đất khi thấy Tông ngồi trên mình ngựa hiện ra. Tiếng ồn ào bỗng im bặt khi người ta nhận rõ vị thượng quan nhất phẩm triều đình chính là viên phủ độc ác trước đây đã làm cho tất cả dân chúng trong vùng khiếp sợ. Tông mỉm cười nhảy xuống ngựa, cho gọi các bô lão đến mà nói rằng: "Xin các cụ yên tâm và bảo con em hãy yên lòng. Người trở về hôm nay không phải là người mà dân đã xua đuổi trước đây. Xin bà con biết cho rằng con trai của cụ phủ Lê ngày trước sẽ cố gắng được xứng đáng với danh tiếng của ông cha. Có một điều tôi muốn cho tất cả rõ: con chó ở bên cạnh tôi đây, là bạn trung thành của thày tôi trước kia, đã giúp cho tôi được như ngày nay, phải được mọi người trọng vọng cũng ngang bằng tôi. Tôi đã hối cải về những sự lầm lỗi ngày trước, bây giờ tôi còn sống là để mà làm việc giúp dân".

Tông giữ đúng lời hứa, dân chúng trong vùng lại được sống yên lành với một vị quan cai trị công bình, nhân đức. Con chó vẫn ở bên cạnh Tông, yên lặng không hề nói nữa. Một tối bất ngờ nó lại lên tiếng bảo Tông: "Anh đã nghĩ tới việc lấy vợ để sinh con nối dõi giòng họ chưa"? Tông mỉm cười đáp: "Đã, nhưng lần này tôi không nghe ai đâu, tôi tự ý quyết định lấy một mình thôi". Con chó không nói gì nữa, sằng sặc trong miệng như cười.

Ngày hôm sau, Tông sửa soạn ra đi, theo sau một đoàn người ngựa chuyên chở nhiều lễ vật. Mặc dù Tông không nói trước là đi đâu, song con chó đã đoán biết trước, chạy đi đầu dẫn đường. Băng rừng, lội suối, đến gần chiều tối đoàn người ngựa tới trước túp lều của người tiều phu mà Tông đã sống qua hai năm trời lao lực.

Cô gái sợ hãi thấy một toán quân đến trước nhà mình, chạy trốn vào trong. Cả nhà vừa sợ, vừa mừng khi thấy lại Tông áo mũ xênh xang ra mắt.

Lễ cưới của tri phủ Tông với con gái người tiều phu cử hành lớn lao. Tất cả dân nghèo trong vùng đều được mời đến ăn uống linh đình luôn ba hôm liền. Vua phái sứ mang tặng vật quý giá đến mừng. Sau đó, Tông mời cha mẹ vợ về dinh ở, song ông bà nhất quyết không bỏ chốn rừng núi đã quen thuộc.

Mấy tháng sau, Tông được tin mừng là vợ đã có thai, cùng với tin buồn là con chó già nằm ngủ luôn không dậy nữa. Đám táng con chó được cử hành rất trọng thể, vợ chồng Tông mặc tang phục đi sau linh cửa, cùng với đủ mặt dân chúng trong vùng theo đưa.

Mộ con vật có nghĩa được xây cất lớn lao, có bia ghi chép công trạng, còn lưu truyền đến ngày nay. Qua bao nhiêu đời, câu chuyên con chó thần vẫn còn nhắc nhở trên cửa miệng dân chúng miền thượng du.

Nàng Cu Pên

Ngày xửa, ngày xưa ở trên một vùng núi cao phía bắc dãy Trường Sơn có chàng Đào Lu dũng mãnh, tuấn tú và nàng Cu Pên xinh đẹp thùy mị nết na. Hai người ở cách nhau một ngọn đèo cao quanh năm mây phủ, không một dấu chân người. Ngọn gió thổi qua ngọn đèo cao luôn kể cho họ nghe về nhau, nhưng không được thấy mặt nhau, vì thế ngày đêm họ ao ước được gặp nhau và mong sao sẽ nên vợ nên chồng.

Ao ước mãi không được, chàng Đào Lu bèn giắt tên nỏ, xách gươm đi tìm nàng Cu Pên. Chính khi ấy, nàng Cu Pên cũng mặc váy đẹp nhất, đeo gùi chứa đầy lương khô, tay mang dao rừng lên đường đi tìm chàng Đào Lu.

Họ phạt cây mở lối, vượt qua ngọn đèo chưa bao giờ có dấu chân người để tìm nhau. Đào Lu khỏe hơn, dũng mãnh hơn, nên đi nhanh hơn, đã vượt qua được ngọn đèo và tiến về phía quê hương Cu Pên. Vô tình hai người gặp nhau bên bờ một dòng suối lớn. Tuy không ai biết ai nhưng vừa gặp nhau cả hai đã bàng hoàng e thẹn. Chàng hỏi:

- Ta đi tìm nàng Cu Pên nên rạch rừng đi lối này, tại sao lại gặp nàng ở đây?

Nàng nói:

- Em chính là Cu Pên, em cũng phát rừng mở lối đi tìm chàng Đào Lu, phải chăng chàng chính là Đào Lu?

Hai người nhận ra nhau, tay cầm tay, mặt nhìn mặt, nghẹn ngào sung sướng.

Vừa lúc đó có một chiếc thuyền của tên chúa từ xa tới. Thấy nàng Cu Pên xinh đẹp, tên chúa sai quân lên mời nàng xuống thuyền ăn với hắn miếng trầu. Nàng Cu Pên tưởng chúng thực tình, vừa bước xuống thuyền tên chúa liền sai rút ván chèo thuyền chạy như bay. Đào Lu đuổi theo bắn tên phóng lao nhưng không kịp. Chàng chỉ biết nhìn theo con thuyền đã cướp Cu Pên mà khóc.

Thuyền trôi hết suối đến sông. Nàng Cu Pên không khóc nữa, vì biết có khóc cũng không thoát khỏi tay lũ người ác. Phải nghĩ ra một kế gì mới mong thoát nạn về với Đào Lu. Nhìn thấy giống cây Gơ rên mọc bên dòng sông nàng Cu Pên tự nhủ: Cái cây Gơ rên lá xanh quả chín vàng giống quả xoài rừng thơm ngon này sẽ cứu ta đây. Nàng nói:

- Ai muốn cưới ta thì hái cho ta một quả Gơ rên chín nhất.

Nghe Cu Pên nói vậy, tất cả binh lính quan quân của chúa ác đều tranh táp thuyền vào bờ và tranh nhau leo lên cây như một lũ khỉ. Cả tên chúa ác cũng leo lên. Thấy vậy nàng Cu Pên nói thêm:

- Không kể quan quân, không kể chúa và nô lệ, hễ ai ngắt được quả Gơ rên chín nhất thì được nắm tay ta và được ăn đời ở kiếp với ta.

Nghe thấy thế bọn giặc rút kiếm chém nhau để giành bằng được quả chín nhất hòng được kết duyên cùng nàng Cu Pên xinh đẹp. Nhân cơ hội ấy nàng Cu Pên cướp lấy tay lái thuyền, cho thuyền lách bến trôi theo dòng sông cuồn cuộn chảy.

Thuyền trôi trong đêm thâu, một mình nàng Cu Pên ôm mặt khóc. Tiếng khóc của nàng vẳng đến tận trời. Trời động lòng thương sai hai người con trai xuống hạ giới xem ai khóc. Hai chàng trai bay xuống con thuyền trôi vô định, thấy một cô gái khóc, tưởng nàng khóc vì những người cùng đi đã chết dưới gốc cây Gơ rên. Hai chàng bèn biến thành hai con vượn, nhẩy nhót reo hù trên cây Gơ rên. Một con giả vờ ngã từ trên ngọn cây xuống chết. Con kia bèn cắn vỏ cây Gơ rên nhai, lấy nước phun vào con vượn chết. Lập tức con vượn kia sống dậy khoẻ mạnh như thường, rồi hai con cùng biến mất. Nàng Cu Pên đoán biết vượn bầy cách cứu người bèn bỏ thuyền leo lên cây bóc vỏ cây quý chất đầy thuyền, rồi lấy xà tích của chúa ác mặc vào giả làm đàn ông, nhổ sào thuyền trôi theo dòng.

Thuyền đến làng kia. Cu Pên chợt nghe tiếng khóc của dân làng đang làm lễ chôn cất một cô gái vừa mới chết. Cu Pên bảo họ:

- Dân làng đừng khóc nữa, tôi có phép làm cô gái xinh đẹp này sống lại.

Dứt lời, Cu Pên nhai vỏ cây thần phun vào mặt cô gái, lập tức cô gái hồng hào đôi má và chớp chớp mắt tỉnh dậy. Dân làng vui mừng cố giữ người thầy thuốc nhân hậu tài ba ở lại.

Ở với dân làng nhưng Cu Pên không nguôi nhớ người mình yêu. Một hôm nàng lập một cái chòi cao giữa ngã ba đường, đặt cái lược mà Đào Lu tặng nàng lúc gặp nhau lên chòi rồi bảo dân làng rằng:

- Nếu có ai cầm cái lược này mà khóc thì giữ lại mang đến cho tôi ngay.

Sau vài tuần trăng, quả thật có một chàng trai dừng lại bên chòi uống nước, trông thấy cái lược ngà liền cầm lấy ngắm nghía rồi than khóc. Dân làng bèn giữ lại và đem đến cho vị thần y của làng mình, nhưng vừa đến nơi, dân làng lạ quá, vị thầy thuốc đã biến thành con gái từ lúc nào. Nàng chạy ra và reo lên:

- Chàng Đào Lu, em biết thế nào chàng cũng tìm ra.

Chàng nắm tay Cu Pên mà nói rằng:

- Ta đi cùng trời cuối đất tìm nàng vì tin là nàng đang chờ ta.

Dân làng biết tình yêu của hai người đều cảm động rơi nước mắt. Họ chúc cho hai người gắn bó đời đời trong tình yêu thắm thiết.

Hai người dẫn nhau về làng xưa ra mắt xin bố mẹ được làm lễ thành hôn. Nhưng bố mẹ nàng Cu Pên giầu có không bằng lòng cho con gái lấy chàng Đào Lu nghèo khó. Cu Pên khóc mấy đêm liền xin cha mẹ thương cho mối tình của mình nhưng cha mẹ nàng một mực không ưng. Buồn quá nàng ra gốc dừa và khóc rằng:

- Dừa ơi, dừa rủ lá xuống đây che cho thân ta.

Lá dừa rủ xuống, nàng Cu Pên nhân hậu và xinh đẹp nhắm mắt xuôi tay chết. Cha mẹ nàng vô cùng hối hận nhưng đã quá muộn. Họ làm lễ cúng linh đình, một con trâu, một cái chiêng và một cái gùi, chôn nàng theo nghi lễ sang trọng.

Từ phía núi bên kia hay tin nàng Cu Pên không thắng nổi cha mẹ đã tự tìm đến cái chết, chàng Đào Lu cũng tìm đến cây dừa mà khóc rằng:

- Dừa ơi hãy rủ lá xuống đưa ta đi theo người yêu của ta.

Chàng Đào Lu chết theo người yêu. Hồn chàng bay qua suối sâu, bay trên núi xanh vào làng mây trắng. Vừa đi chàng vừa gọi:

- Ơ làng mây trắng ơi, có thấy nàng Cu Pên xinh đẹp đeo gùi đi qua đây không? Ơ làng mây vàng ơi có thấy nàng Cu Pên nết na đeo chiêng đi qua đây không? Ơ làng mây xanh ơi, có thấy nàng Cu Pên chung tình dắt trâu đi qua đây không?...

Dân làng mây trắng, mây vàng, mây xanh đều đồng thanh trả lời chàng Đào Lu rằng:

- Nàng Cu Pên chờ chàng ở đây không được, vì nàng đã làm lễ gội đầu cho hồn nàng lên làng trời... còn chàng chàng chưa làm lễ gội đầu làm sao chàng vào cửa trời để gặp nàng Cu Pên xinh đẹp, nết na, chung tình.

Vừa lúc ấy nàng Cu Pên từ trên làng trời gọi xuống rằng:

- Em vẫn đợi chàng ở làng trời, chàng về bảo với mẹ cha làm lễ gội đầu cho hồn chàng, chàng lên đây ở với em mãi mãi.

Hồn chàng Đào Lu lại vọng xuống trần gian xin cha mẹ làm lễ gội đầu. Nhà cha mẹ chàng nghèo không có trâu, không có chiêng để làm lễ. Cuối cùng hai ông bà già chỉ còn cách đan một cái gùi thật đẹp. Lệ trời không khe khắt như lệ trần gian, cái gùi đẹp cũng đủ làm lễ cho Đào Lu rồi, thế là Đào Lu được đi qua cửa nhà trời. Mãi đến lúc này, sau khi đã đi qua cửa nhà trời, nàng Cu Pên và chàng Đào Lu mới có thể sống đời đời bên nhau, gắn bó không gì có thể chia cắt được.

Chàng Na Á

Ngày xưa có một chàng trai tên là Na Á. Anh mồ côi cha từ sớm, ở với mẹ già. Nhà Na Á nghèo, anh phải làm nghề đánh cá để nuôi thân, nuôi mẹ. Anh thẳng tính, không kiêng nể một ai, cũng chẳng sợ trời phật. Thấy anh thật thà, lại hay lam hay làm, người trong vùng ai cũng yêu mến. Cảm lòng tốt của anh, Táo Quân thường hóa thành một ông già làm bạn với anh. Còn anh cũng rất yêu quý Táo Quân. Táo Quân bảo gì, anh cũng nghe và thường tìm cách mách cho mọi người làm theo. Nhờ vậy, bà con trong vùng tránh được nhiều tai nạn. Trong vùng có một cô gái đẹp người, tốt nết vẫn thầm yêu anh. Một hôm, nhân lúc trò chuyện, Táo Quân ướm hỏi anh:

- Na Á này, anh có muốn lấy vợ không?

Na Á thành thật đáp:

- Thưa cụ, cháu nghèo thế này thì ai lấy ạ!

Táo Quân nói:

- Thôi anh cứ muốn có vợ là được. Mọi việc cứ mặc lão lo liệu.

Ít lâu sau cô gái nọ trở thành vợ Na Á. Hai vợ chồng sống với nhau rất hòa thuận, tiếng khen khắp gần xa. Cả hai vợ chồng Na Á đều chăm chỉ làm lụng, trong nhà dần dần có cái ăn cái để. Mỗi lần ai khen Na Á tốt số thì anh thường bảo: "Số mệnh gì đâu. Âu cũng là nhờ hai bàn tay".

Không ngờ câu nói ấy của Na Á lọt đến tai Ngọc Hoàng. Đã từ lâu Ngọc Hoàng ghét Na Á vì tội bất kính, nay lại nghe anh coi thường cả số mệnh thì nổi giận. Ngọc Hoàng liền sai Thiên Lôi lập tức xuống đánh Na Á.

Lệ thường hễ nhà nào sắp xảy ra chuyện gì thì Táo Quân được biết trước. Táo Quân tìm Na Á, bảo:

- Này Na Á! Tối nay Thiên Lôi xuống đánh anh đấy!

Na Á hỏi:

- Biết lúc nào Thiên Lôi xuống, hở cụ?

Táo Quân bảo:

- Tối nay, khi nào có mưa to gió lớn, sấm chớp nổi lên là lúc Thiên Lôi xuống đấy! Thiên Lôi xuống thế nào cũng phải đứng trên nóc nhà. Vậy anh có cách gì làm cho Thiên Lôi trượt chân ngã thì sẽ không việc gì.

Na Á suy nghĩ mãi. Cuối cùng anh nghĩ ra một kế. Anh lấy lá chuối lợp lên mái nhà. Anh lại hái thật nhiều rau đay và rau mồng tơi giã nhỏ, nấu thành một thứ hồ sền sệt, trơn nhầy nhẫy. Anh đem phết thứ hồ ấy lên lá chuối trên nóc nhà. Tối đến, anh cầm sẵn đòn ống, ngồi ở góc nhà đợi Thiên Lôi.

Trời mỗi lúc một tối. Đến nửa đêm thì mưa to, gió lớn nổi lên. Sấm chớp nổ vang trời. Thiên Lôi hung hăng rẽ mây bay xuống. Nhà Na Á đây rồi! Thiên Lôi nhảy thẳng xuống nóc nhà để đánh Na Á. Huỵch! Thiên Lôi vừa đặt chân xuống nóc nhà thì giẫm phải lá chuối phết hồ, bị trượt chân, ngã lăn quay xuống sân, đánh rơi cả lưỡi tầm sét. Thiên Lôi chưa kịp hoàn hồn thì bỗng: "Phịch! Phịch! Phịch!" và Thiên Lôi bị đòn ống nện vào lưng! Hắn kêu: "Cứu với! Cứu với!". Tiếng Thiên Lôi kêu cứu hỗn loạn trong tiếng sấm ầm ỳ... Vất vả lắm Thiên Lôi mới thoát được trận đòn, tơi tả bay về trời.

Nghe tiếng sấm sét, Ngọc Hoàng khấp khởi mừng thầm, tưởng Thiên Lôi đã đánh chết Na Á. Giữa lúc đó, Thiên Lôi mặt mày sưng húp, áo quần rách bươm, bước vào. Thiên Lôi kể hết mọi nỗi cho Ngọc Hoàng nghe. Ngọc Hoàng vô cùng kinh sợ, tức tốc ra lệnh cho Diêm Vương phải trừ ngay Na Á.

Diêm Vương vốn căm ghét Na Á từ lâu, bây giờ được lệnh Ngọc Hoàng, Diêm Vương lấy làm mừng lắm. Diêm vương vội hội họp các tướng độc ác nhất để bàn mưu giết Na Á.

Quận Rết là viên tướng giỏi nhất của Diêm Vương tình nguyện một mình đi trị tội Na Á. Rết vốn thân hình nhỏ bé, dễ luồn lỏi. Rết leo giường, chui vào gối, định ban đêm sẽ bò ra cắn cổ Na Á.

Táo Quân dò biết việc này vội mách cho Na Á biết, Na Á mỉm cười bảo ông vua bếp:

- Cụ đừng lo! Cháu đã có cách.

Tối đến, trước khi đi ngủ, anh đem nhúng chiếc gối vào nước sôi. Thế là quận Rết chết chín nhừ.

Diêm Vương đợi mãi không thấy Rết về, lấy làm lo, liền sai quận Rắn lên hợp sức với quận Rết. Rắn vâng lệnh đi ngay. Rắn ta chui vào đống rạ đầu hè, chờ ban đêm sẽ bò ra cắn chết Na Á.

Táo Quân lại tin cho Na Á biết. Ông bảo:

- Quận Rắn độc lắm đấy, anh phải cẩn thận mới được!

Na Á cười bảo:

- Cụ đừng lo! Cháu đã có cách.

Tối đến, Na Á vác gậy ra đống rạ. Quận Rắn đang rúc trong đống rạ ngủ say thì bị Na Á đập cho mấy gậy giập đầu.

Thấy hai tướng giỏi đi mất không trở về, Diêm Vương lại càng lo, sai quận Cú là viên tướng miệng lưỡi độc địa đi dò la tin tức. Quận Cú vâng lệnh đi ngay. Cú đi một lúc, vội quay về báo với Diêm Vương: "Hai tướng đã bị Na Á giết cả". Diêm Vương kinh sợ, liền sai Cú đi báo thù.

Cú bay đến nhà Na Á. Lúc này, Táo Quân và Na Á đi vắng. Cú bay thẳng vào cửa sổ, thấy vợ Na Á đang nằm ngủ trên giường. Cú vươn cổ nhìn vào và kêu luôn ba tiếng. Vợ Na Á bỗng giật mình, rồi tắt thở. Giết xong người phụ nữ, Cú bay vào rừng xanh, đợi dịp trở lại giết luôn cả người chồng là Na Á.

Đi làm về, thấy vợ mình bỗng dưng lăn ra chết, Na Á thương xót vô cùng, vội chạy đi hỏi Táo Quân. Táo Quân bảo:

- Việc này là do quận Cú đây! Anh phải bắt cho được Cú thì mới có cách cứu vợ anh.

Na Á suy nghĩ rồi nói:

- Cháu có kế này nhưng phải nhờ tay cụ. Chiều nay, mời cụ trở lại đây.

Na Á chặt tre đan một cái lồng hình cái nơm nhưng có đáy. Anh đem quét sơn xanh đỏ cái lồng, trông rất đẹp. Anh đưa lồng cho Táo Quân và bảo:

- Quận Cú là giống chim, ắt thích ở lồng. Cụ giả đem biếu hắn cái lồng này. Chờ khi hắn chui vào thì cụ đóng ngay cửa lại, rồi xách lồng về đây cho cháu.

Táo Quân cầm lồng đi thẳng đến rừng xanh, núi đỏ. Quả như lời Na Á nói. Thấy Táo Quân xách lồng son đến, quận Cú mừng khấp khởi. Qua vài câu chuyện, Cú ngỏ ý xin cái lồng. Táo Quân bảo:

- Tôi định đem đến biếu anh. Nhưng không hiểu anh có ưng ý không. Anh thử chui vào xem có vừa không đã.

Cú ta tối mắt về cái lồng sơn xanh đỏ, liền chui tọt vào. Táo Quân đóng sập cửa lại. Cú ngơ ngác bảo:

- Ông định nhốt tôi lại à?

Táo Quân hỏi:

- Mày dùng cách gì mà giết được vợ Na Á?

Quận Cú đành phải thú tội:

- Tôi chỉ cần kêu ba tiếng thì có người phải chết.

Táo Quân lại hỏi:

- Tại sao mày chỉ kêu có ba tiếng mà chết người được?

Quận Cú nói:

- Việc này không thể nói cho ngài biết được.

Táo Quân tức giận bảo:

- Mày không nói thì tao sẽ giao mày cho Na Á giết thịt.

Vừa nói Táo Quân vừa lắc mạnh cái lồng làm cho Cú tối tăm cả mặt mũi.

Cú đành nói thật:

- Tôi có hai lưỡi. Một lưỡi đen kêu lên thì chết người. Còn kêu bằng lưỡi đỏ thì người chết sẽ sống lại.

Táo Quân bảo:

- Cho tao xem cái lưỡi đen của mày!

Cú thè lưỡi đen ra cho Táo Quân xem. Táo quân rút dao cắt phăng cái lưỡi độc ấy đi. Quận Cú mất lưỡi độc rồi, Táo Quân xách ngay lồng Cú về cho Na Á. Na Á xách dao đến, bảo Cú:

- Kêu ba tiếng ngay, nếu không tao sẽ giết chết!

Cú buộc lòng phải kêu lên ba tiếng. Cú vừa dứt tiếng kêu thì vợ Na Á từ từ mở mắt. Chị sống lại, khỏe mạnh như xưa. Xong việc, Na Á mở cửa lồng cho Cú bay ra. Cú vội bay về báo cho Diêm Vương biết mọi việc xảy ra. Diêm Vương run sợ, vội làm sớ tâu lên Ngọc Hoàng.

Được tin, Ngọc Hoàng lo toát mồ hôi, liền xuống lệnh cho Long Vương đem tất cả các loài thủy tộc dâng nước lên thật mau để dìm chết Na Á.

Táo Quân vội báo tin dữ này cho Na Á biết. Cụ bảo Na Á:

- Phen này thì nguy mất, anh ạ.

Na Á ung dung nói:

- Cụ đừng lo! Nước dâng lên thì cháu sẽ lên đánh trời.

Thế rồi Na Á bảo dân làng mỗi người đóng một chiếc bè lớn, sắm sửa thật nhiều lương khô, trên bè cắm thật nhiều bông lau làm cờ. Khi nào nước lụt thì kéo nhau lên bè. Hễ nước dâng lên thì cứ đánh trống, reo hò thật khỏe vào.

Mọi người nghe theo lời Na Á. Anh cũng tự mình đóng một chiếc bè. Bè làm vừa xong thì nước lụt tràn đến. Na Á và dân làng cứ mỗi nhà một bè, sẵn sàng chống lụt. Nước càng lên. Na Á càng thúc trống, bảo mọi người hò hét cho thật ầm ĩ.

Nước lên mỗi lúc một cao, ngập cả ruộng vườn đồi núi. Trâu bò, gà vịt đều bị cuốn theo dòng nước. Na Á và mọi người không chút sợ hãi, vừa đánh trống vừa reo hò. Mưa càng to, gió càng lớn thì những bông lau trên các bè càng lung lay mạnh. Na Á thét lớn: "Nước lên nữa đi! Mau mau đưa ta đến cổng trời để ta phá Thiên đình".

Nước dâng lên gần đến nhà trời. Ngọc Hoàng nghe tiếng hò hét ầm ĩ, liền sai một tướng nhà trời ra xem. Viên tướng đi một lúc, vội chạy về báo:

- Nguy to! Nguy to! Na Á kéo quân định phá Thiên đình!

Ngọc Hoàng hoảng sợ, vội ra lệnh cho Long Vương lập tức rút nước xuống. Ngọc Hoàng lại tức tốc triệu các thiên thần về trời, mặc cho Na Á muốn làm gì thì làm ở trần gian.

Từ đó, hễ khi nào lau trổ bông thì trời không còn sấm sét nữa, mực nước các sông cũng đều rút thấp. Người già bảo đó là vì Ngọc Hoàng, Thiên Lôi và Long Vương sợ Na Á lại kéo quân lên phá Thiên đình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tích