Sự tích ngôi miếu con ma vú dài - Nông Huyền Sơn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Rạch Hồng chẻ đôi cái cù lao giữa sông Hậu Giang. Nó bắt đầu từ hướng bắc len lỏi vào những xóm nhà, luồn lách vào những khu vườn rậm rạp cây trái, chui sâu vào những bờ tre u tối rồi thoát ra sông Hậu ở hướng đông.

Nhờ dòng chảy chằng chịt như vậy, nó trở thành cầu nối thương mại giữa hai xóm dân cư. Xóm dân cư hướng bắc chuyên nghề trồng hàng bông. Xóm dân cư phía đông chuyên nghề bán hàng tạp hoá. Hàng ngày, dân xóm bắc chèo xuồng chở đồ hàng bông xuống xóm đông bán dạo. Và dân xóm đông chèo xuồng tạp hoá ngược lên xóm bắc ghé bến từng nhà mời mua.

Thế là khúc giữa rạch Hồng trở thành điểm tiếp giáp của 2 luồng xuồng ngược xuôi. Điểm tiếp giáp đó được tán tre hai bên bờ phủ kín khoảng trời trên không. Trưa nắng gắt, khúc sông đó cũng nhập nhoạng như trời chiều. Ngày mưa, khúc sông đó u ám mịt mù.

Vườn tre phủ kín khúc rạch đó của gia đình ông Hai.

Lúc xưa, người ta bơi xuồng chèo tay nên con rạch luôn lặng lờ. Khi người ta biết cách ráp máy cô le chạy xăng thành đuôi tôm, thỉnh thoảng con rạch dậy sóng. Cứ mỗi lần nghe tiếng máy đuôi tôm văng vẳng từ xa, mấy chiếc xuồng chèo tay vội vã tấp vô bờ chống mái dầm nhường luồng. Chờ cho chiếc đuôi tôm vụt qua cái vèo, sóng đuôi dài cả chục thước hết cơn dập dềnh, mấy chiếc chèo tay mới dám đi tiếp.

Đuôi tôm được lái bởi mấy ông già bà cả thì còn đỡ. Nếu một chú choai choai cầm lái thì nó bắn hết ga, lao vùn vụt trên mặt nước. Khi nó vụt ngang qua, xuồng chèo không vững tay dầm, lật ngang chìm nghỉm như chơi.

Xuồng máy đuôi tôm không chỉ là nỗi sợ hãi của xuồng chèo tay mà còn là nỗi ấm ức của dân đóng chà đáy ven bờ. Xuồng chạy như năm chèo dính câu ông Đình Tây thì cá tôm nào chịu nỗi.

Thế là có ai đó bí mật giăng bẫy đám xuồng đuôi tôm. Họ giăng ngang rạch một sợi dây thép. Sợi dây chìm dưới mặt nước khoảng nửa thước. Xuồng chèo thì lướt qua êm ru nhưng xuồng máy sẽ bị dính cánh quạt đuôi tôm.

Nếu giăng bẫy ở ven phần đất của mình sẽ bị nhà chức trách bắt bỏ tù nên những kẻ ác đó thường giăng bẫy ở khúc sông ven bờ nhà người khác.

Ông Hai là tín đồ Hoà Hảo, ăn chay niệm Phật, tu tại gia, mần việc thiện.

Biết kẻ ác thường hay giăng bẫy xuồng đuôi tôm nên mỗi sáng ông đều chèo xuồng dọc khúc sông kiểm tra. Thỉnh thoảng ông gỡ được vài cái bẫy ác nhơn như vậy.

Ấy vậy mà không tránh được cái chết của một bà chửa.

Hôm đó, đang ăn cơm trưa trong nhà, ông nghe tiếng xuồng đuôi tôm vẳng từ xa. Tiếng máy lớn dần.

Hình như người chạy xuồng đã kéo hết cò máy nên tiếng ga khét nồng, khản đặc. Khi tiếng máy vừa vút ngang vạt tre nhà ông thì một âm thanh khủng khiếp vang lên. Tiếng máy đuôi tôm bị dập tắt ngang.

Biết có chuyện chẳng lành, ông Hai bỏ dở bữa cơm chạy ra vườn tre ven bờ rạch. Một cảnh tượng hãi hùng diễn ra trước mắt ông.

Chiếc xuồng đuôi tôm cắm đầu giữa bụi tre trên bờ. Ván, gọng rã rời thành từng miếng. Cái máy đuôi tôm dính chặt nơi lưng chừng chòm tre.

Một người đàn ông nằm thoi thóp ven bờ nước. Nửa thân dưới chìm dưới nước, nửa thân trên bị bùn phủ kín. Cách đó khoảng chục thước, nửa thân trên người phụ nữ không mảnh vải, nằm lơ lửng trên bụi chồi cây gáo. Phần thân dưới không còn. Lòng, ruột xổ lòng thòng. Mái tóc dài rối tung, quấn loà xoà trên mấy nhánh cây non. Đôi mắt mở lớn, chớp chớp như ngạc nhiên trước những gì vừa xảy ra. Miệng thì ọc máu, ngáp ngáp như cố níu kéo hơi thở cuối cùng.

Ông Hai la làng hô hoán, gọi dân ở xóm ra cứu giúp người bị nạn.

Người đàn ông được dân xóm cứu tỉnh. Người phụ nữ chết trước khi được đưa khỏi chòm cây xuống đất.

Người vợ đau bụng đẻ. Người chồng mượn xuồng hàng xóm. Vì sợ vợ đẻ rớt nên người chồng chạy xuồng hết ga. Khi vướng dây bẫy đầu tiên, vợ anh bị xuồng quật xuống nước dính vào dây bẫy thứ hai. Thân xuồng quay ngang đập trúng nên đứt đôi thân người.

Thanh niên ở xóm nhảy xuống rạch mò mẫm gần 3 giờ mới tìm được phần còn lại của người vợ. Tội nghiệp đứa nhỏ chưa kịp chào đời đã vĩnh biệt cõi trần.

Lúc này là trào ông Thiệu. Cảnh sát ở quận vô xóm ăn kết cả tuần vẫn không tìm ra kẻ thủ ác.

Dân xóm bàng hoàng vụ tai nạn vài tháng rồi cũng dần quên nếu như ông Út Mót không kể câu chuyện kinh dị trong cữ cà phê khuya ở quán đầu xóm.

Út Mót là dân câu cắm.

Hàng đêm, ông chèo xuồng men theo con rạch Hồng cắm rải một trăm cần. Cách khoảng hai chục mét cắm một cần. Khi cắm đến cần cuối cùng, ông trở xuồng đi gỡ cần đầu tiên.

Đêm đó như mọi đêm, ông cắm xong bó cần thì trở xuồng gỡ câu. Thế nhưng gỡ từ cần đầu tiên cho đến cần cuối cùng vẫn không dính được con cá nào. Mồi thì mất, trơ lưỡi câu. Có những lưỡi câu còn dính mép cá. Đó là chuyện lạ.

Hỗng lẽ có kẻ xấu nào lén dở câu của ông?

Ông kiên nhẫn móc mồi, cắm lại hết bó cần câu rồi lên bờ, tắt đèn soi, đi ngược theo dòng rạch, rình rập đứa ăn trộm cá.

Khi men đến bờ tre, trong ánh sáng lờ mờ của con trăng lưỡi liềm, ông trông thấy một người cỡi trần thấp thoáng dưới mép rạch. Đúng là kẻ trộm cá rồi.

Ông nín thở bò nhẹ nhàng về phía kẻ trộm. Ông định trong bụng, nhìn cho rõ mặt kẻ đó là ai rồi xáng 1 hèo tre thật mạnh vô ống quyển để nó chừa cái tật ăn trên uống trốc mồ hôi công sức người khác. Khi còn cách độ mười sào tre, ông trở nên hoang mang vì loáng thoáng thấy kẻ trộm là một phụ nữ, tóc dài. Tấm thân để trần trắng bóc, cặp vú dài chắc đến nửa mét, lòng thòng, lắt lẻo. Nó ngâm người dưới nước, sải tay bơi trên mặt rạch nhanh như chớp, vừa xẹt chỗ này đã thấy xẹt chỗ kia. Lạ là nó bơi nhanh như vậy nhưng mặt nước không hề gợn sóng.

Ông Út Mót không còn ý định đánh kẻ trộm nữa nhưng ông định bụng sẽ bất ngờ rọi đèn nhận diện rồi hô tên nó lên cho nó nhục nhã với xóm giềng.

Ông mọp sát người xuống đất thủ sẵn công tác đèn soi, chờ con đàn bà tới gần.

Khi con đàn bà còn cách khoảng 2 sải tay, ông nhắm đèn vô mặt nó rồi bật công tắc. Ánh sáng vừa loá lên, ông Út thất kinh, quẳng đại cây đèn soi rồi co cẳng chạy tháo thân. Trong luồng sáng cây đèn, ông thấy rõ ràng, con đàn bà chỉ có nửa thân trên. Phần bụng lòng thòng lòng ruột.

Hồi nãy ông tưởng nó bơi dưới nước. Bây giờ ông mới nhận ra nó bay là là trên mặt nước. Hèn gì nước không gợn sóng.

Cái bản mặt nó thật kinh khủng. Hai con mắt bự bằng cái chén ăn cơm, trắng dã, không có tròng đen. Cái miệng thì răng mọc tua tủa, đỏ lòm. Cái lưỡi màu da trâu, dài cỡ hai gang tay, thè lè ra ngoài, cuốn gọn con cá rô. Khi ông bật đèn, nó liếc nhìn ông thật nhanh rồi vươn hai cánh tay nắm đọt một ngọn tre đang quằn xuống sát mặt nước, chuyền nhanh lên tán lá.

Ông Út Mót sợ muốn bể mật, chạy tuốt về nhà, leo lên giường trùm mền rồi nằm run đến sáng.

Đến trưa trờ trưa trật hôm sau ông mới dám trở ra rạch dong xuồng về bến nhà.

Nghe Út Mót kể, dân uống cà phê trong quán cóc cười rân. Họ biểu ổng xạo mà không có sách. Ổng tự ái đừng lên thề không bao giờ đặt chân đến cái quán này một lần nào nữa. Thề xong, ổng bỏ về.

Chuyện ông Út Mót gặp ma vú dài trở thành đề tài đàm tiếu ở quán cà phê cóc đầu xóm suốt mấy ngày. Không ai tin lời của ổng cả.

Nhạc chuyển đoạn

3 giờ khuya, bà Tư Tụi chèo xuồng tạp hoá đến khúc rạch ven bờ tre. Hàng chục năm nay, khuya nào bà cũng dong xuồng ngang đây để sáng sớm có mặt ở xóm đông.

Không cần bật đèn mũi, bà vẫn lái xuồng đi đúng luồng nhờ ánh trăng non treo trên bầu trời đêm trong veo. Nhưng lúc xuồng chui vào tán tre rậm, mọi thứ tối sầm.

Bà dừng chèo, dò dẫm bàn chân dưới lòng xuồng, lò mò lên mũi bật quẹt đá lấy lửa châm vào ngọn đèn dầu đặt trong hộp thiếc. Đó là chiếc đèn mũi của bà. Cái hộp thiếc treo nằm ngang, phần miệng hướng về phía trước, phả ánh sáng đèn, phần đáy cản ánh sáng dội ngược vô mắt.

Châm đèn mũi xong, bà đi ngược về phía lái ngồi xuống, chèo tiếp. Mới ngoái mái dầm vài cái, trong luồng sáng yếu của ánh đèn dầu, bà trong thấy một cái gì đó trăng trắng, đòng đưa trên tán tre.

Bà đã nghe chuyện ông Út Mót kể xạo về con ma vú dài, để hù nhát thiên hạ, nhằm độc quyền cắm câu ở đoạn rạch này. Bà đã góp lời chê cười tính ích kỷ của ông Út Mót. Hơn mười năm nay, đêm nào bà cũng chèo xuồng qua khúc rạch này mà có thấy ma cỏ gì đâu.

Vừa nghĩ tới đó, bà trông thấy cái bóng trăng trắng di chuyển. Luồng ánh sáng ngọn đèn mũi không đủ sức làn tới chỗ đó nên bà không thể nhìn rõ nó là cái gì. Nhưng cái kiểu đòng đưa của bóng trắng khiến bà liên tưởng nó là con khỉ hay con vượn gì đó. Cơ mà thời nay làm gì còn vượn, còn khỉ ở xứ này. Bà vung mái chèo lên trời, miệng hô hùi hùi để xem phản ứng của cái bóng trắng ra sao.

Nghe tiếng bà, cái bóng trắng không chuyền cành nữa. Nó ngoảnh nhìn về phía bà. Anh mắt nó giống như 2 bóng đèn màu xanh cứ cà chớp, cà chớp trong màn đêm đen. Bà ngoài mái dầm. Chiếc xuồng chậm rải tiến về phía cái bóng trắng.

Khi còn cách khoảng 3 sải tay, bà xụi lơ tay chân, đầu óc đông cứng. U là trời! Rõ ràng như ban ngày.

Đó là nửa phần trên của một người đàn bà không mặc áo. Hai cánh tay trần của nó đu tòn ten trên nhánh tre. Ở phần bụng lòi ra một nùi ruột phèo tim gan. Cặp vú dài cả nửa thước, lòng thòng dưới bụng. Một thằng bé đang bám vô đó, treo lủng lẳng.

Tóc con đàn bà đen thùi lùi, rối nùi, phủ xuống tới mặt nước. Mắt nó bự như hai cái chén ăn cơm. Cặp mắt màu trắng đục nhưng lại phát ra ánh sáng xanh, không có tia.

Cái miệng nó thì rộng chàng quạc, đỏ lòm.

Cái lưỡi thì đen như lưỡi trâu, dài mấy gang tay, cứ uốn éo, cong vẹo như rắn bị đập đầu.

Con đàn bà không có vẻ gì gây hấn với bà. Hình như nó muốn bày tỏ sự thân thiện bằng cách nở nụ cười với bà. Nó nhoẻn cái miệng đỏ lòm, nhe bộ răng lốm đốm đen, lốm đốm tím ra.

Trời ơi là trời! Tiếng cười của nó âm âm, vang vang bay lượn khắp đọt cây, ngọn cỏ, sà xuống mặt nước, vút lên lưng chừng trời rồi khoan vô lỗ tai bà. Cùng lúc, đứa con nít cất tiếng cười hăng hắc thành từng tràng dài.

Bà kinh hoảng gào một chuỗi âm thanh vô nghĩa rồi hồn xiêu, phách lạc.

Chiếc xuồng của bà không người chèo chống, trôi tự do theo luồng nước. Đến 8 giờ sáng, xuồng tấp vô bụi dứa dại mọc ven bến chợ. Người ở chợ phát hiện đã hô hào nhau kéo bà lên bờ xoa dầu lay gọi.

Bà Tư Tụi đã minh oan cho ông Út Mót.

Con ma vú dài xuất hiện trở thành tin tức đáng bàn luận nhất đối với dân cù lao. Khi lan đến tai ông Hai, chủ vườn tre, thì câu chuyện được nâng tầm kinh dị lên hàng trăm lần.

Ông Hai không quan tâm mức độ thổi phồng của câu chuyện. Bởi thuở trẻ ông đã từng vô núi Tà Lơn học phép hơn 3 năm. Học xong, ông về nhà đúng vào lúc thời cuộc rối ren, phải chạy tản cư nhiều chỗ nên không có dịp sử dụng. Tuy không hành nghề nhưng đẳng cấp phép thuật đạt đến trình độ đại sư thì tầm cỡ của con ma vú dài này không nhằm nhò gì cả.

Biết vậy nên bà con xóm đông, xóm tây, xóm chợ hùn tiền nhau mua bánh trái, gà vịt, đầu heo kéo đến nhà ông Hai, cầu thỉnh ông đứng ra làm phép trừ tà. Ông nói:

- Đó là chỗ trú ngụ của nó. Mấy người vô nhà nó rồi tự sợ hãi chứ nó có làm gì mấy người đâu mà đòi trừ tà nó? Để yên cho người ta trú ngụ, chờ ngày siêu thoát.

Vài người hỏi cắc cớ ông Hai:

- Vậy, khi nào nó siêu thoát?

Ông Hai vuốt chòm râu lưa thưa vài ba sợi:

- Khi nào kẻ giăng bẫy dưới rạch lộ diện trả quả, nó sẽ siêu thoát.

Í trời! Biết tới khi nào kẻ ác đó mới lộ diện? Trong khi chờ thằng đó lộ diện thì bà con xứ cù lao này chết đói vì không dám đi xuồng ngang khúc này.

Người ta nài nỉ mãi, ông Hai mới chịu xuống nước, cho phép xây cái miếu nhỏ ven bờ tre. Nhưng ông vẫn cự tuyệt đứng ra làm phép bắt vong người đàn bà chửa chết oan.

Thế là người ta cử người lên Long Xuyên cầu thỉnh pháp sư Sin ra tay cứu độ.

Không ai biết năng lực pháp sư Sin giỏi cỡ nào. Cứ hễ đánh hơi được nơi nào có xác chết là Sin mò tới. Không ai cầu, không ai thỉnh, Sin cũng nhào vô lăng xăng thể hiện.

Vụ tai nạn xuồng đuôi tôm chở đàn bà đẻ ở bờ tre rạch Hồng, Sin cũng mò tới kiếm ăn nhưng hôm đó gia đình lu bu ma chay nên không đếm xỉa đến Sin. Bây giờ có người cầu, pháp sư Sin mừng muốn rớt nước mắt.

Sin bảo dân xóm cù lao sắm sửa sẵn nhang đèn, thịt gà, thịt vịt, đầu heo, chờ đúng không giờ đêm mười bốn âm lịch, rạng sáng ngày mười lăm, Sin sẽ ra tay bắt nhốt vong linh con ma vú dài đem về nuôi, lấy sữa cho đám âm binh của Sin tẩm bổ.

Đúng hẹn, dân xóm mướn 1 chiếc trẹt gỗ, neo đúng nơi xảy ra tai nạn, chờ pháp sư Sin. Dân tò mò chèo xuồng tới, chen kín một khúc rạch.

Người dân bày sẵn bàn hương án trên trẹt. Bàn hương án chất đầy nhóc lễ vật. Cứ vài phút, tiếng trống báo hồn từ chiếc trẹt vang lên đì đùng, rún động bầu trời đêm rằm. Như lo lắng sợ hãi, bầy cú nấp đâu đó trong lùm bụi, lâu lâu lại nghiêm giọng kêu cú cú cú, khiến người gan dạ nhất cũng rợn da xương sống từng cơn.

Từ xa, chiếc xuồng của Sin xuất hiện. 6 đệ tử của Sin ngồi hai bên be xuồng còng lưng chèo. Một đệ tử ngồi lái, lâu lâu gõ vô chiêng tạo một tiếng beng run rẫy.

Sin đứng chống nạnh ở mũi xuồng, cố tạo dáng uy nghi, lẫm liệt với bộ áo thái ất có in hình bát quái, đầu trùm khăn đỏ, tay cầm phất trần, chân mang giày vải.

Vừa cặp mạn chiếc trẹt, Sin rùn người nhảy qua mà không báo trước cho đám đệ tử. Chiếc xuồng giật mình chao nghiêng rồi lật úp. Tội cho đám đệ tử loi ngoi lóp ngóp một hơi mới lật lai được chiếc xuồng.

Sin không bận tâm điều đó. Ông ta rùn chân trụ bộ, mắt trợn ngược, tay bắt ấn, miệng đọc thần chú hơn nửa giờ đồng hồ. Cứ dứt mỗi câu chú, ông ta xoè bàn tay chụp vào không khí nắm lấy thứ vô hình gì đó ném vô cái hủ đất đang kẹp dưới nách.

Dân xóm nín thở, im phăng phắc, há miệng, tròn mắt xem ông ta làm phép. Ếch nhái cũng không dám lên tiếng kêu ì ọp như mọi đêm. Chỉ có đám cú mất nết cứ cất tiếng hù người ta bất chợt.

Nếu đứng từ xa quan sát, đám cúng bắt ma rực sáng giữa màn trăng thượng tuần hư ảo, cùng với tiếng trống chiêng rời rạc, tiếng cú gọi sương cũng đủ làm người ta ớn óc.

Ông Hai đứng trong nhà nhìn ra mé rạch. Ông không ớn óc nhưng cứ thở dài thườn thượt.

Trời đang trong veo, bất chợt tối sầm bởi một đám mây che khuất ánh trăng tròn. Đoán trước, sắp có chuyện xảy ra, ông Hai bước nhanh vô nhà, tiến lại cạnh bàn thờ tổ, vươn tay chộp lấy cây gậy có hình thù kỳ quái. Cây gậy đó được tạo tác bằng lõi cây quỉ kiến sầu mọc ở núi Tà Lơn. Thời gian học đạo ở đó, sư phụ đã bắt ông dùng mũi dao gọt cau, chạm khắc một gốc cây to bằng thân người. Suốt 3 năm cần mẫn, ông mới biến gốc cây thành cây gậy trấn quỉ. Suốt bao nhiêu năm qua, cây gậy nằm phủ bụi trên bàn thờ tổ, chưa một lần được sử dụng tới.

Đêm nay ông cần đến nó.

Ngoài bờ tre, trăng khuất mây, do tán cây rậm nên mọi thứ trở nên tù mù. Những chiếc đèn dầu không đủ ánh sáng bao phủ khắp bờ tre. Pháp sư Sin đã bắt được hàng trăm sức lực của con ma vú nhốt vào hủ. Bây giờ đã đến giao đoạn bắt ma. Pháp sư hớp một ngụm máu gà phun lên con búp bê bằng nhựa để nhử mồi ma con. Ma con mò ra, thế nào ma mẹ cũng xuất đầu lộ diện để bảo vệ con. Ông dặn người phụ lễ cầm sẵn cái chày cá, khi con ma xuất hiện thì chụp chài lên đầu nó.

Khi phun máu đến ngụm thứ 3 thì mặt trăng lộ ra khỏi đám mây. Ánh trăng lại soi rọi vào bóng râm tàn tre.

Một thanh niên neo xuồng ngồi ở mũi, há miệng xem thầy Sin diệu võ dương oai từ nãy giờ. Cảm thấy hơi mõi lưng nên anh ta ngữa người, tựa vào người vợ ngồi phía sau. Người vợ vòng tay quấn lấy cổ anh ta. Anh ta cảm thấy cánh tay vợ lạnh ngắt. Liếc xuống nhìn, anh ta thấy cánh tay vợ không còn đen đúa như trước mà trắng xanh. Anh ta quờ tay ra sau ôm đầu vợ. Mái tóc vợ hôm nay sao bù xù, rối nùi và dài sọc. Anh ta ngoái cổ nhìn vợ thì trời đất ơi!

Một gương mặt gớm ghiếc đang kề sát mặt anh ta nở nụ cười. Cái lưỡi ngo ngoe như con rắn thò ra khỏi miệng, liếm láp mặt mũi anh ta. Cặp mắt nó to như cái chén ăn cơm, trắng dã. Anh ta la làng: Ma, ma, ma! Làng xóm ơi! Ma!

Vừa la hoảng, anh ta vừa nhảy ngược xuống rạch.

Tất cả mọi người nhìn về hướng phát ra tiếng la. Ai cũng trông thấy rõ con ma vú dài đang ôm con cho bú trên xuồng. Nó nhăn nhở nhìn mọi người cười khèn khẹc.

Pháp sư Sin vừa nhấp một ngụm máu gà, chưa kịp phun đã giật mình nuốt hết vô bụng. Người phụ lễ hết hồn đứng chết trân. Pháp sư Sin giất lấy tấm chài vung mạnh về phía con ma vú dài. Nó đưa cánh tay dài gạt tấm, chài sang một bên rồi bay là là lên ngọn tre. Nùi ruột của nó vướng vô cổ pháp sư Sin, kéo ông ta hổng chân lên, treo tòn teng. Bị nùi ruột siết cổ, pháp sư Sin giẩy giụa kêu cứu nhưng cuống họng bị nghẹt nên chỉ phát ra tiếng ót ót như ga bị cắt cổ.

Ai nấy đều chết trân. Những người chết nhát, muốn tháo chạy nhưng tay chân cứng đờ, bất lực, ngất xỉu tại chỗ. Những người can đảm thì chẳng biết làm gì. Mọi người đều bất động, trừ con ma vẫn cười khẹc khẹc, chuyền tay trên cành tre như vượn.

Bỗng mọi người nghe tiếng hét của ông Hai:

- Ma nữ! Thả người xuống!

Con ma vừa nhìn thấy cây gậy trấn yêu của ông Hai thì rùn mình từng cơn. Nó như tiêu tan sức lực, cánh tay buông lơi rồi rơi cái bịch xuống lòng trẹt. Pháp sư Sin bị nghẹt thở nằm một đống.

Ông Hai dí đầu gậy, ghìm mái tóc rối nùi của con ma xuống sàn trẹt.

Con ma vòng cánh tay che chở cho đứa con đang khóc oe oe, rồi cất giọng the thé, van xin:

- Ông Hai tha cho con. Con không làm gì hại ai cả. Tại mọi người thấy con gớm ghiếc nên sợ chứ con có doạ mọi người đâu.

Ông Hai hỏi lớn:

- Tại sao mày không siêu thoát?

Con ma khóc rống lên:

- Con nấn ná trần gian để tìm người gài bẫy hại con chết oan. Khi tìm ra, con sẽ đi.

Ông Hai quắc mắc, cất cao giọng:

- Hôm nay bà con có mật gần đủ. Mày tìm xem coi ai đã hại mày.

Con ma gào khóc:

- Làm sao con nhận biết được ai là kẻ hại con?

Ông Hai cất giọng sang sảng:

- Tao phủ linh phù rồi. Mày cứ bay trên đầu từng người. Đứa nào hãm hại mày, linh hồn nó thoát xác, mày kéo đi luôn.

Lúc này, dân xóm thấy ông Hai xuất hiện đã yên tâm phần nào, ngồi trên xuồng nhóng cổ xem cảnh trị ma.

Ông Hai nhìn về phía đám xuồng lúc nhúc, cất giọng hỏi lớn:

- Trong số bà con, ai lỡ dại làm chuyện thất đức, tự đứng lên nhận tội, tôi giải tội cho. Đừng để con ma kéo hồn xuống âm phủ kiện cáo, sẽ khó đầu thai.

Bến rạch lặng lờ không một tiếng động. Hầu như ai cũng bất động.

Bất chợt, người phụ lễ cho pháp sư Sin, quì sụp xuống chân ông Hai khóc rống lên:

- Ông Hai cứu con! Xin ông Hai giải nghiệp cho con. Con lỡ dại làm điều thất đức khiến người khác chết oan. Tôi lạy xin cô ma hãy tha thứ tội lỗi cho tôi.

Con ma vú dài gảo lên thống thiết:

- Mày đã giết đứa con trong bụng tao khi nó chưa kịp chào đời. Mày đã khiến tao chết không nguyên vẹn thân thể. Tao phải giết mày trả thù!

Ông Hai hét lanh lảnh:

- Này ma nữ! Trả thù oan oan tương báo không ích lời gì cả mà nghiệp chướng trở nên vô tận không lối thoát. Hãy bỏ oán thù, tao đưa đi siêu thoát. Còn thằng khốn nạn kia. Tội ác mày vô tận. Hãy chuộc tội bằng cách chay trường, hằng ngày cầu kinh siêu thoát cho ma nữ kia!

Thằng ác nhân, lạy ma nữ như cuốc đất:

- Tôi xin cô tha thứ cho tội lỗi. Tôi sẽ làm đúng như lời ông Hai dạy.

Ma nữ cất tiếng khóc ai oán não nùng như xé màn đêm. Đứa bé trong tay ma nữ thì cười lanh lảnh. Tiếng cười trẻ thơ trong vắt nhưng rờn rợn khiến tất cả những người có mặt đều rợn da gà. Tiếng khóc của mẹ hoà với tiếng cười của con từ từ bay lên tận áng mây trên trời cao, nhỏ dần, nhỏ dần.

Trong phút chốc, nửa thân trên ma nữ tan chảy thành thứ nước sền sệt. Pháp sư Sin tỉnh dậy, ngồi nhìn quanh, ngơ ngác hỏi:

- Ủa! sao tui ở đây? Chuyện gì xảy ra vậy?

Nhạc cắt

Hôm sau, dân xóm cất ven bờ tre một cái miễu nhỏ. Chiều nào kẻ ác nhân cũng chèo xuồng tới nhang khói cúng vái cho mẹ con người quá cố. Nghe đâu sau đó ông ấy vô chùa qui y.

Pháp sư Sin thì giải nghệ đi về Cà Mau làm nghề rình bắt trộm kiếm tiền thưởng.

Ông Hai sống thọ đến một trăm lẻ hai tuổi mới qui tiên. Con cháu ông bán đất về thành phố làm ăn.

Những chủ đất đời sau biến bờ tre thành bờ kè quán cà phê nhưng vẫn giữ lại cái miếu ma vú dài.

Con má vú dài đã siêu thoát rồi. Bây giờ vị nào ngồi trong miếu, không ai biết.

Họ chỉ biết rằng, ở xóm, ai cầu xin gì thì đến miếu khấn ma vú dài. Nếu thành tâm đều đạt được ý nguyện.

Ai sống bất nhân bất nghĩa đều bị ma vú dài bẻ trặc chân, lọi tay.

Tác giả Nông Huyền Sơn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#má#vudai