Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




              Thầy dạy chữ đầu tiên của tôi tên Huệ, không chỉ dạy một mình tôi, y còn dạy tất cả trẻ em trong thôn nhỏ này. Sau ngày hôm đó, khi biết tin tôi có thể đi học tại trang viên nhà họ Đường, những bà thím rủ rỉ tai nhau và Hạo Nhiên, một người từng được y cho chữ không khỏi thán phục đôi tay tài hoa của thầy Huệ. Bốn chữ Hán nho nhỏ y viết bên dưới chữ Hỉ đỏ đã khiến nhà họ Đinh nở mày nở mặt khi họ nhà gái có một người hay chữ. Từ đó sân nhà họ Đường tấp nập hơn bao giờ hết, có cả thảy bảy gia đình đến nhờ thầy Huệ dạy chữ và tất nhiên mỗi người đều mang theo một chiếc giỏ phủ vải đỏ giống như nhà tôi. Y không từ chối, chỉ nhàn nhạt buông một lời đồng ý. Tựa như y không hề hứng thú với việc dạy học.

                Tôi mang sách bút đi học mỗi ngày, lớp học của chúng tôi là cái lán nhỏ góc sân của trang viên nhà họ Đường. Con đường đến với con chữ cũng chông gai không kém khi những ngày mưa to bão bùng, bọn tôi chẳng thể đến lớp hay khi tuyết phủ kín con đường, chúng tôi buộc phải ở nhà. Tôi không biết bạn cùng trang lứa ra sao nhưng cá nhân tôi đặc biệt thích đến 'trường' bởi bố mẹ nói rằng, chỉ cần tôi biết chữ, tôi sẽ bay như một cánh chim trời thoát khỏi thôn làng nghèo túng này. Tôi luôn tự hỏi sau những ngọn núi có gì, điểm cuối con sông tôi thường múc nước là ở đâu và thầy Huệ đọc gì mỗi ngày mà chăm chú thế.

                Thầy Huệ rất tận tâm với chúng tôi, trái ngược với vẻ phớt lờ khi những phụ huynh đến xin học. Sức khoẻ của y không tốt nên chỉ cần nói nhiều một chút, cổ họng y sẽ phát ra những tiếng khò khè. Những lúc như vậy, Túc Na sẽ bưng lên một chén trà nhưng tôi chưa bao giờ thấy y uống chúng trước mặt gã. Và thi thoảng khi tôi đã viết xong bài, ngẩng mặt lên thấy thầy giáo của tôi nhìn chén trà nóng hổi bằng một biểu cảm kinh hãi, hận rằng không thể hất đổ nó xuống nền nhà.

                Chúng tôi đều tò mò về quan hệ của hai người nhưng chẳng ai dám hỏi. Tôi đoán thầy Huệ là chủ nhà và Túc Na là hầu cận của y nhưng tại sao ghét một người hầu đến vậy lại chẳng thể đuổi quách đi cho xong sau đó thuê một người khác. Những điều ấy khiến chúng tôi lúng túng không thôi và tôi nghĩ rằng những người lớn trong thôn của chúng tôi cũng vậy.

                Thầy Huệ chưa từng bước chân khỏi ngưỡng cửa, tôi đoán con đường làng lầy lội sẽ khiến bộ quần áo thầy vướng bẩn. Y trân quý những bộ trang phục của mình nhưng nếu tôi có những miếng vải lụa đắt tiền thêu hoa như vậy, tôi cũng sẽ nâng niu nó hệt như y. Thầy tôi luôn ngồi trên một chiếc bàn gỗ, ít khi di chuyển xuống chỗ những học sinh của mình, có lẽ thầy sợ rằng trong một giây bất cẩn, nghiên mực nhỏ của chúng tôi sẽ đổ vào chiếc áo lụa của thầy.


                Thầy Huệ tận tâm với chúng tôi còn Túc Na tận tâm với thầy. Những buổi học của chúng tôi thường kéo dài đến khi vãn chợ, đó cũng là lúc Túc Na trở về. Chúng tôi đã quen với những bước chân giậm mạnh trên nền đất hay những câu hỏi sang sảng khi gã từ chợ trở về. Mỗi lần như vậy trong cái giỏ sau lưng gã đều chứa đựng một thứ gì đó dành cho y, có lúc là những chiếc bánh quế hoa hay vài quả táo, quả lê, một lần khác gã mang về một xiên kẹo hồ lô. Y chưa bao giờ ăn chúng trước mặt chúng tôi và tôi thắc mắc rằng khi chúng tôi tan học, chỉ còn mình thầy và gã, liệu rằng y có ăn thử những món quà vặt gã cất công mang về? Tôi thật chẳng hay biết nhưng vất đi một xiên kẹo hồ lô, quả thật là một điều phí phạm.


               Mùa đông sắp đến, những ngày này, kỳ lạ thay tôi không thấy sự xuất hiện của người mặt quỷ. Kể cả trong chợ hay sau những buổi học, tôi không biết gã đã đi đâu và chắc chắn thầy sẽ không giải thích cho sự vắng mặt này. Hai ngày, ba ngày rồi một tuần, khí lạnh tràn xuống thôn, nuốt chửng những nếp nhà tiêu điều trong băng giá. Mẹ đã chuẩn bị áo lông cho chúng tôi và bố cũng chất đầy nhà kho bằng củi khô đốn được trên rừng. Chúng tôi đều sợ mùa đông hơn mùa bão bởi lương thực mùa này khó kiếm, người già vượt qua một mùa đông lạnh cũng thầm cảm tạ trời đất. Thầy Huệ của chúng tôi không phô bày sự lo lắng đối với sự vắng mặt dài ngày của gã nhưng tôi biết rằng hẳn y mong chờ gã trở về bởi mỗi lần cửa lớn hứng chịu một gió lạnh, rung lên bất thường như người gõ cửa đều khiến y hướng về phía phát ra tiếng động, gương mặt toát lên một vẻ mong chờ. Nhưng sau khi nhận ra đó chỉ là sự vô tình của một cơn gió lạnh, khuôn mặt y thoáng một vẻ thất vọng.


                 Những ngày này thầy Huệ khoác tấm da hổ nhiều hơn bởi gió lạnh cũng khắc nghiệt hơn dạo trước. Đôi lúc một cơn gió lạnh khiến lá phổi chúng tôi rung lên và cổ họng thầy cũng bật ra những tiếng ho húng hắng. Thầy vẫn ngồi trên chiếc bàn đặt đầu cái lán, chăm chú nhìn chúng tôi luyện từng con chữ. Một số đứa chúng tôi sợ thầy hơn cả mẹ, thầy chưa bao giờ đánh nhưng khuôn mặt nghiêm nghị mỗi buổi đứng lớp đều khiến chúng tôi nép mình run rẩy khi biết mình vừa viết sai một con chữ. Và cứ để y nhíu mày khi chấm bài xem, cả đêm hôm ấy tất cả chúng tôi đều không thể ngủ bởi lo lắng rằng ngày hôm sau đi học, bài viết khiến thầy khó chịu chính là bài của bản thân. Y toát ra một thứ khí chất vương tôn quý tộc, thần thái đứng trên vạn người đứng dưới một người, khiến dân đen chúng tôi hoàn toàn nép vế.


                      Túc Na trở về sau hai tuần vắng mặt, lần này thì cửa rung lên rõ rệt chứ nào phải cơn gió lạc nào khác. Cái giỏ sau lưng gã chất đầy lương thực và thầy Huệ chưa từng rời mắt khỏi bóng lưng vững chãi ấy ngay khoảnh khắc gã bước qua ngưỡng cửa. Có vẻ như y muốn kiểm chứng rằng bóng dáng lầm lỳ trước mặt liệu có phải người từng dâng trà cho y mỗi ngày hay không? Thầy Huệ lại húng hắng ho vài tiếng và trong giây phút ấy tôi thấy rằng bước chân hừng hực của gã dừng lại vài giây nhưng sau cùng vẫn lầm lũi đeo theo chiếc giỏ tiến vào nhà kho. Một cơn gió lạnh lại lần nữa quét qua chiếc lán sơ sài của chúng tôi, lần này y ho dữ dội, đến nỗi vài đứa phải ngừng bút để ngóng xem liệu thầy có ổn không. Y ra hiệu cho chúng tôi viết tiếp, mặc cho lá phổi của y như muốn rụng ra khỏi đợt ho ấy. Mặt y đỏ lên và tấm da hổ cũng theo đó mà cuộn lại trước ngực.


                     Đương lúc hô hấp khó khăn, Túc Na trở ra từ gian bếp, như thường lệ bưng theo một chén trà nóng. Gã đặt trước mặt y, tôi biết rằng thầy tôi sẽ không uống nhưng lần này Túc Na chẳng rời đi như những lần khác. Gã cho chúng tôi tan học bởi sức khỏe của y không được tốt trong ngày hôm nay. Những đứa trẻ ùa ra con đường đất bằng đôi chân trần hay trên những đôi giày mục nát, bọn tôi đều muốn trở về nhà nhất là khi đã ngồi vài tiếng dưới tiết trời buốt giá. Nhưng tôi chưa thể trở về, tôi nhận ra mình quên nghiên mực trên lớp, toan mở cửa trở lại với chiếc bàn thân thuộc thì giọng nói của gã đã khiến tôi dừng chân, cứ vậy trân trân nơi ngưỡng cửa.

''Uống đi, không có độc''

''Ngươi thấy áy náy sao, ước gì lần trước cũng cảnh báo ta như vậy''

''...Ta sẽ uống cho ngươi xem, nó tốt cho ngươi, để dứt cơn ho này''

''Là ai, là ai dồn ta đến bước đường này, là ai khiến thân thể ta tiều tụy và rã rời như thế này? Nếu ngươi cảm thấy thương xót, nếu ngươi thực sự yêu ta như ngươi vẫn từng nói thì hà cớ gì đâm ta một nhát chí mạng đến thế. Ta muốn trở về nhà, về với Cảnh Dương Cung''

''Nhà? Cảnh Dương Cung của ngươi? điện hạ của tôi ơi, phải chăng người đã quên rồi sao? Làm gì còn cái thứ gọi là Cảnh Dương Cung của người?"

Thầy Huệ vùng lên, đánh đổ ly thuốc nóng hổi trên bàn. Nước nóng vương lên bàn tay gã, nhuộm màu mảng thịt hồng. Nhưng trong đôi mắt đỏ ngầu của gã chẳng vương một tia đau đớn, tức giận trùm lấy đôi đồng tử màu máu. Tôi thấy bàn tay rắn chắc gã đấm mạnh xuống bàn, nghiên mực của thầy cũng theo đó vương vãi khắp nơi. Y gục mặt xuống bàn nghẹn ngào trong từng cơn nức nở, hô hấp đình trệ khó khăn khiến những tiếng ấm ức trong cuống họng hoà cùng tiếng thở đứt quãng. Người lớn chỉ bi thương như vậy khi trong nhà có người mất.

Tôi nghĩ rằng nỗi đau chất chứa trong lòng thầy cũng đau đớn như mất đi một ai đó.

Tôi cứ nghĩ Túc Na sẽ ở lỳ trong phòng của gã cho đến khi trời tối nhưng có vẻ như tôi đã nhầm. Bàn tay vẫn phồng lên vì vết bỏng khi nãy lại cẩn thận dâng lên một ly thuốc mới, lần này gã còn mang theo một chiếc khăn lông thỏ trắng ngần. Có lẽ thứ này đã khiến gã dành nhiều ngày trên núi rừng hoang vu. Bàn tay không bị thương khẽ nâng gương mặt người nọ, thấm khô những giọt nước mắt. Cẩn trọng quàng vào chiếc cổ mảnh dẻ một tầm khăn choàng mà gã đã nhờ người thêu dệt từ nhiều tấm lông thỏ ghép lại với nhau. Sầu bi cùng đau khổ đã rút cạn sinh lực của y, tôi biết rằng Túc Na đang nén lại cơn đau nơi bàn tay mình để nhẫn lại từng giây, kiên nhẫn từng phút múc từng thìa thuốc nóng, đổ vào miệng y như một đứa trẻ biếng ăn.

"T-ta xin lỗi"

Thầy Huệ cuối cùng cũng dịu lại sau khi nhận lời xin lỗi ấy, những tiếng ho khắc nghiệt không còn dày vò cơ thể của y nữa. Tiếng khóc nức nở cũng nhỏ dần rồi biến mất. Trời mỗi lúc một lạnh thêm, khi tiếng thở đều đều của y thế chỗ cho những hành động nổi loạn khi nãy, cũng là lúc tôi biết rằng y đã chìm sâu vào cơn mộng mị. Trên tấm lưng rộng, Túc Na cõng y về căn buồng phủ một màu tăm tối mà tôi luôn ái ngại mỗi khi nhìn vào tò mò. Đèn lồng treo trên dãy hành lang rung lên sau vài đợt gió, tôi khẽ mở cửa nhún chân vào khoảng sân. Thận trọng bước nhẹ vào trong lán, vớ lấy chiếc nghiên mực rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà cùng với một bụng chất đầy trăn trở.

**********************

Chúng tôi đã không đến trường trong suốt mùa đông khắc nghiệt nhưng bọn trẻ con có một thú vui đó là luôn bén mảng đến mép sông để rồi đùa nghịch trên mặt băng dày và mỗi lần như vậy tôi đều đi qua nhà của thầy - 'trường' của chúng tôi. Bởi áy náy vì không thể đến lớp nhưng vẫn có thời gian dạo chơi, khi lướt qua cánh cổng gỗ đó tôi đều cố gắng đi thật nhanh, thầm khấn trời đất rằng thầy không trông thấy sự xuất hiện của tôi. Một lần hai lần rồi ba lần, tôi đã chuyên nghiệp hơn. Tôi thấy mình như một kẻ bội bạc khi ham vui theo chúng bạn nhưng chẳng muốn đuổi theo con chữ.

Bức tường ôm trọn trang viên nứt ra một lỗ nhỏ, từ chỗ chúng tôi nô đùa, thấp thoáng cũng nhìn vào được bên trong. Nơi những chiếc lồng đèn nối liền một dải. Có một chiếc ghế tựa, thi thoảng thầy Huệ sẽ ngả lưng trên ấy với tấm da hổ phủ kín người và chiếc khăn lông thỏ ấm áp vắt ngang cổ. Bên cạnh, trong một chiếc chậu đồng nhen nhúm vài nhóm lửa, mặc dù với từng ấy trang phục cho dù tuyết có dày hơn y cũng đủ ấm trong đống quần áo ấy nhưng Túc Na vẫn giữ ngọn lửa đỏ như lo sợ rằng chỉ cần một lần bất cẩn khiến hơi ấm tắt, gió lạnh sẽ nhanh chóng tiến tới xâm lấn lá phổi y, bắt cổ họng tuôn ra những tiếng ho nặng trịch. Đôi lúc qua lỗ nhỏ ấy tôi thấy gã đứng sau y, cầm trên tay một chiếc lược ngà nhẹ nhàng chải gọn làn tóc rối. Một lần khác khi tấm da hổ vô tình buông thõng trượt khỏi bờ vai còn y thì say ngủ, gã tiến lại gần, im lìm và lặng lẽ chỉnh lại lớp da xộc xệch, xong xuôi quay ngược trở về bên cái chậu đồng lửa đỏ tí tách. Gã ngồi quay lưng lại với tôi nên tôi không rõ thứ biểu cảm trên gương mặt mà tôi cho rằng giống quỷ ấy nhưng đôi đồng tử của tôi chưa từng bắt gặp một cử chỉ nhăn nhó hay một cái nhíu mày khó chịu khi hắn đảm đương tất cả những công việc mang vài phần nhỏ nhặt ấy.

Tuyết tan, xuân tới, cánh én chao nghiêng trên vòm trời vòi vọi. Con đường đất trước đây phủ một màu trắng xoá giờ đây lầy lội trong những vũng nước nhỏ, nếu không cẩn thận, bùn sẽ bắn lên người. Mưa bụi giăng kín trời báo hiệu một năm mới đã đến. Bố mẹ tôi trang hoàng nhà cửa bằng những tờ giấy đỏ và quét vôi trắng xoá. Chúng tôi theo mẹ lên chợ lớn, phiên chợ một năm mới lên một lần vào dịp cuối năm hòng sắm thêm đồ đạc. Chúng tôi sẽ có quần áo mới và diện chúng suốt những ngày đầu năm. Mẹ nói rằng sẽ mua thứ gì đó cho thầy Huệ nhưng tôi chẳng nghĩ ra thầy cần gì bởi cái gì y cũng có, nếu y không có Túc Na sẽ kiếm ra bằng được. Mẹ nghĩ tôi nói cũng đúng, vậy là thay vì mua một món quà tặng, mẹ bảo bố sang mời hai người ăn cơm.

Túc Na đương nhiên sẽ nhận lời nhưng còn thầy thì tôi không chắc bởi chưa bao giờ tôi thấy y bước chân khỏi ngưỡng cửa nhà họ Đường, đôi giày thêu sạch sẽ cùng tấm áo lụa với những đường chỉ vàng óng ánh của y không dành cho những vũng bùn lầy lội. Bố tôi muốn nán lại thêm vài phút mong chờ nhận được câu trả lời từ thầy Huệ nhưng giống như lần đầu tiên bố tôi ngỏ lời xin học, vẻ hứng thú không toát lên đôi lông mày ấy. Biểu cảm y lúc này hệt như mặt băng buốt giá mà chúng tôi vẫn nô đùa dạo trước. Tôi không biết trên cõi đời này điều gì có thể khiến thầy hứng thú và điều gì có thể khiến thầy mỉm cười. Có thứ gì đó đã cướp đi niềm hứng khởi, hân hoan của y để rồi trả lại một thân xác rỗng tuếch cứ vậy sống cho qua ngày.

"Chúng tôi sẽ đến"


Gã đáp lại vẻ mong chờ của bố tôi nhưng trong câu từ chơi vơi ấy, sự không chắc chắn quấn lấy những con chữ. Có lẽ Túc Na cũng chẳng biết người bạn chung nhà có đồng ý hay không, chỉ là gã không muốn dập tắt sự háo hức đang toát lên trên khuôn mặt người đàn ông đứng tuổi.

Mẹ tôi đã nấu rất nhiều món ngon, năm nay được mùa, ông trời đã ưu ái những thửa ruộng nơi vùng quê hẻo lánh này. Mùi thịt khâu nhục tuôn ra từ căn bếp, ngự trên những đoá hoa đào rồi liệng quanh cánh mũi tôi. Trong nhà toả ra một mùi hương hỗn độn của giấy mới, đồ ăn và hoa tươi. Hai ngọn nến to ngự trên ban thờ le lói cháy. Bố bảo tôi đóng cửa sổ cho đỡ lạnh còn ông khom người lau sạch những chiếc ghế gỗ. Thầy và Túc Na là hai vị khách quý đầu tiên ghé thăm nhà chúng tôi trong năm mới, nói là xông đất cũng không sai. Chúng tôi cứ ra vào tấp nập, hết xuống bếp lại lên nhà, chỉnh lại những chậu cây hay treo lên những câu đối. Món ăn tất thảy đã xong xuôi, mẹ tôi bày kín chiếc bàn con vuông vúc. Bố tôi trèo lên gác lấy một bộ bát mới, trịnh trọng lấy ra hai chiếc bát sứ trắng tinh dành cho thầy và Túc Na, còn chúng tôi yên vị với những chiếc bát mẻ.

Cả nhà bốn người chúng tôi quây quần quanh bàn, chừa lại hai chiếc ghế nơi kín gió nhất bàn cho hai vị khách đặc biệt. Tôi chăm chăm nhìn vào bát thịt trên bàn, mùi húng lìu toả ra xộc lên cánh mũi nhưng món này để nguội mất ngon, vậy là cả bốn người chúng tôi cứ ngóng ra cánh cửa gỗ mun đen kịt một màu, con chó phủ phục dưới chân ìm lìm nghe ngóng động tĩnh. Bụng tôi reo lên cồn cào còn đồ thì mỗi lúc một nguội, bố tôi sốt ruột cứ vo vo vạt áo, sợ rằng người không tới. Nến đã cháy một nửa, còn tôi và chị của mình chống cằm bằng những đôi đũa.

Bất chợt, con chó nhà tôi vểnh tai lên, sủa những tiếng dũng mãnh về phía cửa. Những tiếng gầm gừ như xua tan nỗi rối bời của bố, sự khó xử của mẹ và cơn đói của chúng tôi. Từ ngoài cửa, thân hình lực lưỡng của gã trong lớp ảo mong tang, đôi chân đi đôi ủng lông chống trượt, đầu đôi một chiếc mũ da che đi đôi tai vểnh. Túc Na bước qua cửa nhà chúng tôi, gọi to tên của bố, bắp tay rắn chắc gồng lên vì món đồ nắm trong tay. Gã xách theo một chiếc giỏ mà trong ấy tôi thấy lộ ra vài đôi tai lông vểnh lên. Có cả thảy sáu con thỏ rừng trong giỏ mây, bảo sao tay gã nặng trĩu. Cả bố và mẹ tôi cùng chạy ra đón nhưng bước đến những viên gạch lát sân, gã đứng sững lại, cúi người. Thầy Huệ trên lưng gã nho nhã bước xuống bậc thềm. Trong tấm da hổ cùng lớp y phục trắng muốt, y giống như vị hảo hán trong những bức liên hoàn hoạ của tôi. Tất cả chúng tôi đều sững người, bố không thể tin vào mắt mình, ông lau sạch bàn tay dính bụi, mở to cửa chính sao cho lối y vào nhà thông thoáng nhất có thể. Mẹ tôi chạy lại đỡ lấy chiếc làn trong tay gã, không ngừng cảm ơn rối rít sau đó trách gã đã khách sáo quá rồi.

Túc Na đỡ lấy tay thầy Huệ, chậm rãi từng bước dìu y qua bậc cửa gỗ. Y không từ chối nhưng cũng chẳng lấy đó làm điều niềm nở, giống như đó là nghĩa vụ của gã. Đôi giày thêu không vướng một giọt bùn bước qua cánh cửa nhà chúng tôi, y nhìn quanh căn nhà một hồi rồi cuối cùng đôi đồng tử dừng lại trên chiếc bàn ăn, nơi bốn người nhà tôi đã yên vị một chỗ. Biểu cảm vẫn như thường ngày, không thích thú, chẳng vui mừng, tất cả gói gọn trong đôi đồng tử man mác buồn và lấp loáng nước mắt. Bố tôi kéo chiếc ghế gỗ, cung kính cúi người mời y tiến lại dùng bữa. Trái ngược với vẻ năng động của Túc Na, y chỉ chầm chậm trở lại chỗ ngồi, lặng nhìn một hồi lâu tất thảy đồ đạc trên bàn ăn.

Bố tôi rót ba ly rượu nhưng y không uống với lý do sức khoẻ không cho phép, là một người đi cùng, không muốn thất lễ với chủ nhà, Túc Na nhận phần rượu ấy về phía mình. Tửu lượng của gã rất khá, khi bố tôi đã ngà ngà say và đầu óc chuếch choáng, gã vẫn chẳng hề gì, tựa như chỉ vừa giải khát bằng chút men say. Thầy tôi vẫn chưa động đũa từ khi ngồi vào bàn ăn, y cứ nhìn chằm chằm vào món thịt của mẹ tôi. Thấy vậy, người phụ nữ trung niên trong gia đình biết ý, gắp cho y một miếng thật to. Thầy Huệ lịch sự cúi đầu, lời cảm tạ bật ra khỏi khuôn miệng có chút ngượng ngùng, giống như thầy chưa từng cảm ơn ai đó trong suốt cuộc đời của mình.

"Thầy Huệ ăn nhiều một chút"

Mẹ tôi trước một người đàn ông sở hữu cổ tay gầy nhẳng đã không chịu nổi cất lên một câu khuyên nhủ. Y không nói gì, chỉ từ từ gắp lên miếng thịt của mẹ, từ tốn cho vào miệng. Thầy không giống như chúng tôi, khi ăn không phát ra những tiếng chóp chép, cũng chẳng phồng miệng nhét cả một miếng to. Giống như một chú mèo, thầy ăn rất ít, chỉ đủ khoang miệng của mình.

Tôi thấy thứ gì đó chảy ra từ đôi mắt lấp loáng của thầy, chúng như giọt châu sa lăn dài trên nước da nhợt nhạt. Tất cả chúng tôi đều bất ngờ, Túc Na cũng vậy. Nhưng sau cùng khi nhìn thức ăn trên mâm và món ăn thầy vừa cho vào miệng, gã chợt hiểu ra một điều gì đó. Gã lấy trong túi một chiếc khăn tay, thấm đi những giọt lệ đang tuôn ra khoé mắt thầy. Bố tôi, người ngà ngà say, tò mò bật ra một câu hỏi.

"Ây dô, thầy Huệ chúng tôi đã làm gì thất lễ để khiến thầy rơi lệ"

"....Không không, các người không làm gì cả, chỉ là ăn món này khiến ta nhớ đến nhà cũ của mình"

Tôi thấy khoé miệng gã nhếch lên một chút, Túc Na khẽ lắc đầu và rồi như muốn xua đi bầu không khí trầm mặc trong bữa cơm. Gã đẩy chiếc ly về phía tôi, với rượu dâng lên lưng chừng, thủng thẳng buông một lời mời.

"Nào Tiểu Á, năm mới tuổi mới, chứng tỏ mình là một nam tử hán đi"

Tôi quay lại nhìn bố rồi lại nhìn mẹ. Thoáng thấy nét cười trên gương mặt mẹ tôi và cái gật gù chấp thuận của bố. Tôi đón lấy ly rượu từ gã, uống một hơi cạn sạch. Chất cồn chảy trong cổ họng tôi bỏng rát, tôi cảm nhận đường đi của nó thấm đến từng vách ruột. Nội tạng tôi nóng ran như lửa đốt và trong khoảnh khắc đần độn ấy, tôi vồ lấy bát canh trên bàn, vục đầu uống như một lão trư. Tôi nghe thấy tiếng cười rôm rả bên tai, từ bố tôi, mẹ tôi cùng chị gái. Trong không khí vui vẻ ngày đầu xuân năm mới ấy, cuối cùng thì lần đầu tiên suốt nửa năm biết y, tôi trông thấy nét vui cười trên khuôn mặt phủ một màu sầu bi ấy.

Ngày 1-1 năm Quang Tự thứ 32, thầy tôi bên cạnh Túc Na khẽ vẽ lên môi một nụ cười.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro