Chương 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Đó là lần đầu tiên trong những năm biết thầy, có một thứ đã khiến thầy tôi chẳng thể giải đáp. Sự xuất hiện của một con chim sắt bay trên đầu chúng tôi, cất lên những tiếng ù ù chói tai, những người nông dân đều ngước đôi mắt đen như mực lên bầu trời mùa hạ nắng oi ả. Bầu trời xanh và cao thăm thẳm, con chim sắt cứ thế lượn trên đầu chúng tôi, rồi bất chợt từ cái đuôi vót ngược, nó đẻ ra một quả trứng sắt. Quả trứng không nở ra thêm những con chim sắt con, nó túa ra những quả cầu lửa cùng tiếng nổ ầm vang, thiêu cháy đồng ruộng cùng làng mạc của chúng tôi. Thầy tôi không biết thứ sinh vật đáng sợ ấy đến từ đâu nhưng có một điều chắc chắn rằng, võ công của Túc Na có cao cường đến đâu cũng chẳng thể hạ gục con chim quái đản ấy.

Năm ấy vì sự tàn phá của bom đạn, tất cả chúng tôi đều rơi vào cảnh túng thiếu. Đứa nào đứa ấy gầy nhẳng, đen như củ thục, lúc đi học luôn mang theo một cái nồi gang, để nhỡ như nếu gặp con chim đẻ trứng lửa, cũng có thứ để bảo vệ cái đầu. Vài tháng sau đó, chiến tranh ác liệt quá, chúng tôi không thể đến lớp nữa, cứ vậy qua ngày mà nấp trong những hầm trú ẩn. Thầy tôi cũng hoang mang chẳng biết ngoài kia điều gì đang diễn ra, người ta sợ ra ngoài nên không còn những lời đàm tiếu, những câu chuyện kể từ đằng sau những dãy núi hay khởi nguồn của những con sông.

Cho đến một hôm, có một anh lính khoác trên mình bộ quần áo xanh, cầm theo một tập giấy, dán khắp thôn làng của chúng tôi. Chúng tôi đều ùa ra để đọc những tờ giấy dán, nhưng trên hết là để nghe ngóng điều gì đang diễn ra ngoài kia mà hỗn loạn đến vậy vì anh lính là người duy nhất biết điều gì đang diễn ra. Thầy tôi và Túc Na cũng ở trong đám đông ấy. Chiến tranh đang xảy ra và chính phủ đang phát động lệnh chiêu quân. Nam nhân trên 18 tuổi khuyến khích nhập ngũ chống Nhật.

"Tại sao ở đây lại ghi Trung Hoa Dân Quốc? Rõ ràng tên nước ta là Trung Hoa Đại Thanh Quốc?"

Thầy tôi cất một tiếng hỏi khi đọc những dòng chữ trên tờ lệnh chiêu quân, những câu từ ấy không hề viết sai, chỉ là kiến thức của thầy tôi đã không còn phù hợp với thời đại.

"Người anh em không biết gì sao, hoàng đế là một tên bán nước. Nhà Thanh đã sụp đổ rồi, giờ lên nắm quyền là Quốc Dân Đảng, không còn vị vua nào nữa đâu"

"Ngươi nói sao?"

"Ta nói nhà Thanh sụp đổ rồi, Tử Cấm Thành giờ là cung điện của bọn Nhật rồi"

Hoàng đế của chúng tôi chỉ mới trị vì được ba năm. Chẳng thể ngờ vị thiên tử mà chúng tôi một lòng tôn thờ lại là tên phản quốc, chúng tôi chưa từng nghĩ một ngày nào đó cung điện uy nghi lại là chốn dung thân cho những tên xâm lược. Tôi thấy mặt thầy biến sắc trước những điều mình vừa nghe, bàn tay run run nắm lấy nắm chặt miếng ngọc bội trong tay. Thầy tôi lấy tay ôm chặt lồng ngực, có điều gì đó đau đớn xé lòng đang diễn ra trong sâu thẳm tâm can. Hốc mắt y đỏ hoe trực tràn dòng lệ nóng hổi, hô hấp gấp gáp cực nhọc. Có lẽ thầy tôi đã quá xúc động.

Cảm thấy bản thân y không ổn, Túc Na đứng cạnh cũng không quên nhiệm vụ của mình. Có lẽ gã cũng bàng hoàng với những thông tin vừa nhận được nhưng lúc này thầy Huệ quan trọng hơn cả, gã kéo thầy tách khỏi đám đông, tấm lưng rộng lại một lần nữa gánh trên vai thế giới, chầm chậm đi từng bước trên con đường đất, trở về ngôi nhà cuối thôn. Tôi cứ nhìn hai chiếc bóng hoà vào làm một ấy cho đến khi chúng chỉ còn là những chấm nhỏ, khuất sau những bức tường đất đang tróc ra loang lổ.

Tôi không biết đã có chuyện gì xảy ra trong buổi chiều ngày hôm ấy nhưng tối đó, thầy đã gõ cửa nhà tôi, thầy chỉ đi một mình bằng đôi giày thêu của y, suốt đoạn đường đất và mặc cho nó lấm bẩn. Thầy mang theo một chiếc đèn lồng, trong ánh sáng hiu hắt ấy, tôi thấy mắt thầy sưng lên, đỏ hoe ầng ậc nước. Tôi muốn hỏi chuyện gì đã xảy ra nhưng thầy không còn sức để trả lời chúng tôi nữa, giọng thầy lạc đi và phát ra những âm thanh khò khè như một chú mèo hoang. Thầy muốn mượn mẹ tôi một ít hồ dán. Thứ đó đã cạn kiệt trong ngôi nhà của thầy. Sau khi có được thứ mình cần, y hỏi mẹ tôi rằng liệu thứ này có dán được ngọc phỉ thuý thuỷ chủng hay không? Mẹ tôi không thể trả lời, bởi chúng tôi chưa từng làm vỡ vật giá trị đến vậy.

Phỉ thuý thuỷ chủng là viên ngọc xanh nhạt trạm chổ tinh xảo thầy tôi hay đeo bên mình. Những ngày đầu khi còn chưa đi học, tôi thường thấy thầy đứng dưới nắng, nâng niu nó nó trên tay sao cho những vạt nắng xuyên qua sắc xanh nhạt ấy. Có lẽ nó còn quý hơn những bộ áo lụa, cái nghiên ngọc của thầy. Tôi không thể tưởng tượng một ngày nào đó thầy làm vỡ nó. Nhưng có lẽ thầy tôi không phải một người bất cẩn đến vậy. Thầy cầm lọ hồ trên tay, một tay xách chiếc đèn lồng, cúi chào mẹ tôi rồi lầm lũi tiến vào màn đêm u ám ấy. Mẹ tôi lo lắng siết bao khi ngoài kia nhân gian hỗn loạn còn thầy tôi lại chẳng quen đường. Vậy là mẹ sai tôi đi cùng, tiền thầy về đến tận cửa. Nhưng tôi chỉ tiễn thầy nửa đoạn đường bởi Túc Na đã chạy đến nơi, mồ hôi nhễ nhại, gã thấy thầy tôi quay ngược trở lại thì mừng lắm nhưng nhác trông thấy thứ trên bàn tay y, gã lại chẳng vui.

"Ngươi muốn làm gì?"

"Ta muốn dán nó lại"

"Huệ, ngươi còn cố chấp đến bao giờ?"

"Nghiệt chủng nhà ngươi đã khiến nó vỡ, bây giờ còn không để ta cơ hội hàn gắn sao?"

"Sao ngươi cho miếng ngọc vô tri ấy một cơ hội trở lại còn ta thì không? Huệ, nói đi ta phải làm gì?"

Giọng gã run run như sắp khóc, lần này không còn nỗi niềm tức giận nào nữa, giọng điệu bất lực nhuốm lấy dây thanh quản của gã, để rồi từng từ ngữ phát não nề đến bi ai. Thầy tôi vẫn nắm trong chặt lọ hồ dán, như lo sợ rằng chỉ cần một giây bất cẩn, gã đàn ông trước mặt sẽ tước nó khỏi tay thầy. Nhưng có vẻ như trái ngược với suy nghĩ của thầy, Túc Na chỉ nhẹ nhàng tước lấy lồng đèn từ tay y, rồi dịu dàng nắm chặt bàn tay ấy. Thầy tôi vùng ra, giãy giụa nhưng một người mang trong mình nhiều bệnh chẳng thể đọ lại với người sức dài vai rộng này. Thấy thầy tôi tỏ ý không vừa lòng, gã quay lại nhìn thẳng vào mắt thầy tôi, thốt ra một câu khiến tôi lạnh sống lưng.

"Ta cầu xin ngươi, chỉ một lần cuối cùng này thôi, xin hãy để ta nắm lấy tay ngươi"

Giọng gã khẩn khoản van nài, chính sự bất thường ấy đã lay động tâm trí của thầy tôi để rồi thầy thôi không còn chống cự, ngoan ngoãn nắm lấy tay hắn, rảo bước trên con đường thân thuộc, cùng nhau trở về nhà.

Tôi đã bị câu nói ấy ám ảnh, khi tôi kể cho mẹ và bố của mình, ai cũng trằn trọc trong đêm không sao ấy. Chúng tôi sợ rằng Túc Na sẽ làm liều, chúng tôi sợ rằng sẽ mất gã mãi mãi....

Và đúng thật chúng tôi đã mất gã nhưng không phải vĩnh viễn, chỉ là trong suốt mười lăm năm. Ngày hôm sau, khi gà còn chưa gáy, gã gõ cửa nhà tôi, mang theo một vò rượu ngon, vài cân thuốc quý cùng mấy chú thỏ rừng. Gã nói rằng gã muốn uống một bữa với bố tôi trước khi lên đường. Bố tôi dụi mắt xoa tai, hỏi rằng gã muốn đi đâu. Gã hùng hổ đáp rằng, gã sẽ đi lính. Theo lệnh chiêu quân của chính phủ, quét sạch giặc Nhật khỏi bờ cõi Trung Hoa. Gã muốn chia tay với tất cả mọi người trong thôn nhưng thời gian không cho phép, vậy nên gã chạy đến nhà tôi bởi gia đình tôi giống như tri kỉ của gã.

Mẹ tôi cũng thức dậy ngay sau đó, nghe tin Túc Na sẽ lên đường nhập ngũ, bà làm vài món ngon rồi bày lên mặt bàn chỉ chờ bố và gã rót rượu. Rạng sáng, bầu trời phủ một màu phơn phớt hồng nhưng vẫn chưa đủ sáng để tắt nến nên ánh sáng hiu hắt từ ngọn nến cháy dở hắt lên khuôn mặt tưởng chừng hân hoan nhưng ẩn sâu trong con ngươi đỏ thẫm nhuốm một màu bi ai. Năm năm không ngắn cũng chẳng dài nhưng đủ để bố tôi nói đủ thứ chuyện cùng gã, lần này gã chẳng muốn giấu diếm điều gì nhờ tài nói của mình. Bố tôi hỏi gì gã đáp ấy, vậy là khi men say khiến đầu óc bố tôi choáng váng, ông bật ra một câu hỏi khiến nụ cười trên môi gã tắt ngúm.

"Nam tử hán đại trượng phu, thách cậu kể về cuộc đời của mình trước khi đến đây đấy?"

Mẹ tôi đã cảm thấy điều gì đó sai sai khi nét bần thần nhanh chóng án ngữ khuôn mặt gã, một điều gì đó nặng nề, chết chóc và đau đớn. Mẹ tôi toan đỡ lời cho bố tôi nhưng rất nhanh chóng vẻ hân hoan đã trở lại trên khuôn mặt người đàn ông ấy như muốn nói rằng gã sẵn sàng trải lòng tất cả mọi thứ trong hết đêm nay.

"Tôi ấy hả, trước đây tôi là cận vệ trong Tử Cấm Thành"

"Cận vệ, cận vệ của ai thế?"

"Của một vị hoàng tử, người thứ bảy, tôi không tiện nói tên ngài ở đây, dù sao thì ngài ấy cũng đã chết rồi"

Không gian tĩnh mịch phủ lên bàn nhậu của bố tôi, mẹ tôi đủ tỉnh táo để thấu hiểu mọi từ gã nói ra nhưng bố tôi thì không, đầu óc ông ngập tràn trong men rượu nên bố tôi chỉ nghĩ rằng mình đang nghe một câu chuyện cổ tích. Ông xụ mặt xuống tỏ lòng tiếc thương nhưng bố tôi chưa muốn dừng ở đó, chất cồn của gã mang tới có uy lực khiến người ta trở thành một trò cười. Vậy là từ trong khuôn miệng méo xệch của bố tôi, ông cất giọng dò hỏi:

"Tại sao ngài ấy lại chết? Ai đã giết ngài ấy?"

"Ngài ấy được ban cho một chén thuốc độc. Còn ai khiến ngài ấy được ban một chén thuốc độc thì người đó chính là tôi. Tôi đã phản bội chủ tử của mình"

Bố tôi không còn hỏi nữa, bằng một giọng đều đều gã kể lại câu chuyện cuộc đời sóng gió trước kia của gã. Mẹ tôi im lặng lắng nghe còn bố tôi thi thoảng bật ra những tiếc nấc từ cổ họng. Túc Na là người thái hậu đã một tay nuôi nấng suốt mười tám năm, thời điểm ấy khi gã nhận thức được vạn vật xung quanh đã chẳng cảm nhận hơi ấm từ hai chữ gia đình. Thứ vây quanh gã mỗi ngày là binh khí, những thế võ công, những bài tập khắc nghiệt và những lời giáo huấn từ thái hậu. Tàn nhẫn nuôi gã lớn và chết chóc chính là tương lai của gã.

Tử Cấm Thành là nơi của thiên tử, nhưng không ai biết rằng bên ngoài vẻ hào nhoáng ấy trong hậu cung hay chính bên dưới đại điện. Có những cuộc chiến ngầm luôn diễn ra trong từng khoảnh khắc, khi bước qua cổng thành ấy, ai ai cũng mong muốn thứ gọi là quyền lực, thứ gọi là dinh cơ. Vậy là một vị quân vương để bước đến long ngai, có biết bao sinh mạng mà ngài chẳng hề hay biết đã dựng lên nấc thang đưa ngài đến ngai vàng thống lĩnh thiên hạ. Tiên đế năm đó đã gần đất xa trời nhưng vẫn chưa muốn lập thái tử, những đứa con của người ai cũng khôn lớn hết thảy, thành ra cuộc chiến giành ngôi báu khốc liệt hơn bao giờ hết. Thái hậu không thể làm ngơ trước cuộc đấu đá ấy, vậy là người cần đến gã, con cờ người đã nuôi dưỡng suốt 18 năm.

Gã trở thành cận vệ của hoàng tử thứ bảy, với nhiệm vụ rằng phò tá ngài để hoàng tử thuận tiện nắm lấy cái danh thái tử. Gã không hiểu vì sao lại là thất hoàng tử nhưng rồi sau vài lần tiếp xúc, gã chợt nhận ra tại sao thái hậu chọn người này bởi tất cả anh em xung quanh hoàng tử đều đề phòng lẫn nhau nhưng mối lo nghĩ ấy nhanh chóng gỡ bỏ khi một trong số bọn họ có chút không gian riêng tư cùng vị hoàng tử trẻ này. Họ nói chuyện, chơi đùa cùng nhau như những người anh em bình dị khác, mọi lo toan, vướng bận như vất ra sau đầu. Hoàng tử rất đỗi ngây thơ nhưng không phải vì thế mà ngài kém cạnh cận vệ của mình, ngài cũng có thể vung kiếm, bắn cung cùng đánh võ. Ngài chẳng thua kém một ai. Với vai trò một cận vệ nhưng gã giống một người bầu bạn hơn.

Ngài không màng ngôi báu, đó là lý do những người anh em của ngài buông bỏ sự đề phòng khi bên cạnh ngài. Nhưng điều ấy cần phải thay đổi bởi hoàng tử thứ bảy không thể làm thái tử, toàn bộ kế hoạch đều đổ bể. Vậy gã, trong vai trò một người bầu bạn luôn sánh bước bên ngài, đã rỉ tai bộ óc non nớt ấy biết thế nào là quyền lực, thế nào là sự vĩ đại của một vị vua và thế nào nếu ngài sống cuộc sống đầy buồn tẻ của một vương gia. Túc Na đã bóp nát sự ngây thơ trong đôi mắt của hoàng tử nhỏ, mưa dầm thấm lâu, sau một thời gian, hoàng tử cũng giống như những người anh của mình nhưng rốt cuộc y vẫn giữ được lợi thế bởi vẻ ngoài non nớt.

Hoàng tử của gã, ngoài tinh thông võ nghệ còn học cao hiểu rộng, nói một biết mười. Trong cung của hoàng tử có một cây bạch quả, mỗi mùa thu đến, ngài thường nhặt những chiếc lá vàng óng xếp thành một bó to trông đến là thích mắt. Thấm thoắt hoàng tử cũng chập chững hai mươi, sinh thần năm đó được bệ hạ đặc biệt trao tặng một bộ y phục, một cái nghiên ngọc cho hoàng tử luyện thư pháp, cùng một viên ngọc phỉ thuý mà trên đó khắc tên người. Ngài trân quý những món bảo vật ấy nhưng vẫn không quên công dụng của nó, mỗi ngày đều lấy ra sử dụng chứ chẳng hề mang trưng bày như những người anh em của ngài. Mỗi dịp thanh minh, ngự trù đều dâng lên ngài một đĩa oản đậu hoàng, những miếng bánh vàng óng chồng lên nhau như những thỏi vàng trông đến là thích mắt. Ngài có thể kiêu ngạo, có thể nho nhã, có thể cao quý nhưng đối diện với oản đậu hoàng, ngài đơn giản chỉ là thiếu niên mới lớn mà thôi.

Bởi tính tình ôn nhu, vẻ ngoài non nớt, dường như ngài đã bị đẩy ra ngoài khỏi cuộc chiến quyền lực. Gã nói rằng vậy cũng tốt, ấy chính là ưu điểm của thất hoàng tử . Những năm đầu của cuộc chiến, ngài đứng ngoài nhìn những người anh em của mình xâu xé lẫn nhau, tổn thương nhau rồi cuối cùng kết liễu lẫn nhau. Khi cuộc chiến gần đi đến hồi kết, chỉ còn vai ba người anh em, đó cũng là lúc ngài lâm trận. Bằng toan tính nhơ bẩn nhất, hèn hạ nhất, tàn độc nhất, ngài không ngại xuống tay với những anh em của mình. Tất nhiên ngài không làm điều đó một mình, với sự giúp sức của gã. Việc giết những người chung dòng máu dễ như trở bàn tay, còn đơn giản hơn cả bóp chết một con chim. Ngẫm lại thì chính gã là người vấy bẩn ngài, nếu không có sự xuất hiện của gã, chắc chắn tâm trí ngây dại của hoàng tử chẳng lấp đầy bởi những toan tính. Tử Cấm Thành chết chóc nhuốm một màu máu đỏ và tang tóc. Hoàng tử của gã vĩnh viễn mất đi vẻ ngây thơ...

Gã tưởng rằng mọi việc đến vậy sẽ xong xuôi, cái bây giờ gã cần chỉ còn là thời gian, hoàng tử được sắc phong thái tử đếm trong ngày một ngày hai. Vậy là những ngày đếm ngược ấy gã ung dung chiều chuộng chủ tử của mình nhưng gã cảm thấy ngài đã thay đổi, ngài thường lặng nhìn bàn tay của mình rồi trút ra một tiếng thở dài đến là não nề. Những lúc ấy gã thường dùng bàn tay to lớn chai sạn của mình nắm lấy đôi tay trắng trẻo của hoàng tử. Gã biết rằng hai người từ lâu đã có thứ tình cảm không nên có, giữa chủ nhân và cận vệ, giữa dòng máu rồng phượng và loại tạp chủng tầm thường. Hoàng tử của gã có thể kiêu ngạo với tất cả những nô tì dưới trướng nhưng chưa từng coi thường gã. Một ngày nọ, khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến lễ sắc phong thái tử, hoàng tử đứng ngồi không yên và chính gã cũng vậy. Cung Thái Hậu cho gọi gã, Túc Na không biết đã đi cùng ngài đến bước đường này, còn điều gì thái hậu cần nhờ vả? Gã ước rằng hôm đó gã đừng tới, gã ước rằng gã chưa từng là đứa trẻ được nuôi nấng bởi thái hậu

"Túc Na, kế hoạch thay đổi, chúng ta không muốn hắn là thái tử. Đại Đồng du học phương xa sẽ trở về vào ngày mai. Vậy nên ngươi biết phải làm gì rồi phải không? Nếu ngươi tự mình tố giác hắn trước mặt hoàng thượng, bản cung sẽ chừa cho ngươi một con đường sống, còn nếu ngươi nhất quyết chối từ, thì hai ngươi hãy hẹn gặp nhau dưới hoàng tuyền"

Tử Cấm Thành luôn sơn đỏ những bức tường, gã chợt nghĩ liệu đây có phải màu máu những người đã từng ngã xuống trong cuộc chiến lớn nhỏ, âm thầm nơi tẩm cung. Nặng lòng trở về Cảnh Dương Cung, nơi hoàng tử của gã đang ngồi yên lặng dưới tán cây bạch quả, trong tay cầm một quyển sách, lim dim đôi mắt, chắc ngài đã rất buồn ngủ. Nhác thấy gã trở về, đồng tử của ngài sáng ngời. Hôm đó ngài đã hàn huyên cùng gã cho tới sáng, ngài nói những dự định của ngài khi lên ngôi hoàng đế, ngài nói sẽ ban cho gã chức tể tướng ngày ngày sống trong nhung lụa, ngài còn nói sẽ trị vì Trung Hoa quốc thái dân an. Gã im lặng chẳng đáp bởi lòng gã rối như tơ vò.

"Hoàng tử của tôi đã thấm mệt, ta bảo ngài đã muộn, xin hãy nghỉ ngơi. Ngài không biết rằng đó là giấc ngủ cuối cùng của ngài trên chiếc giường nơi Cảnh Dương Cung. Bởi một mai, phú quý, danh vọng sẽ chẳng bên ngài nữa. Tôi vẫn nhớ ánh mắt của ngài ngày hôm ấy, ngài sửng sốt đến nỗi nước mắt chẳng muốn tuôn rơi nơi đồng tử. Ngài cứ nhìn tôi như vậy, ánh nhìn ấy còn đau đớn vạn lần nhục hình chốn nhà giam. Ngài hỏi tôi vì sao lại làm thế với ngài; ngài hỏi tôi rằng ngài đã đắc tội gì với tôi, phải chăng ngài đối xử với tôi tệ bạc; ngài còn hỏi trong một khoảnh khắc những năm tháng ấy tôi đã từng thuộc về ngài hay chưa hay vẫn chỉ là tay sai của một người khác? Đau đớn khiến tôi không thể cất lời, tôi luôn muốn làm trong chữ hiếu với thái hậu vậy nên hạnh phúc riêng mình với tôi là một điều xa xỉ. Nhất là khi hạnh phúc ấy tôi đặt lên chủ tử của mình, người thái hậu chỉ coi như một con cờ chính trị"

"Hôm đó ngài mặc áo lụa, toàn thân trắng muốt như ngọc, với sự giúp sức của thái hậu, hình phạt cho tôi là giáng cấp xuống thứ dân, còn hoàng tử được ban cho một chén thuốc độc. Nhưng chính tay ta là người dâng nó trước mặt ngài. Bát thuốc đắng phủ trên mặt phủ một màu đen đúa. Thuốc độc đi đến đâu biết đến đó, toàn thân đau nhức còn ruột gan như thiêu đốt trên cả ngàn ngọn lửa. Hoàng tử đến giây phút cuối cùng vẫn nho nhã và điềm đạm, chẳng hề run sợ. Có lẽ tâm can ngài đã chết lặng ngay giây phút biết tôi là một kẻ phản bội. Và ông biết, khi người ta chết trong tim, thân thể giống như một cái xác rỗng vô hồn, người ta đếm từng ngày trôi qua để xem còn bao nhiêu ngày sẽ được an táng"

"Trước mặt tôi, hoàng tử uống chén thuốc độc ấy, chẳng bao lâu ngài khuỵ xuống bên dưới cây bạch đàn, nơi chúng tôi vẫn thường hàn huyên, đánh cờ thâu đêm suốt sáng. Tôi rời khỏi Tử Cấm Thành, thề nguyền rằng sẽ không bao giờ quay trở lại. Tôi ném lại nhân tính chết chóc của mình, chôn vùi quá khứ đau thương của tôi dưới những chân tường thắm màu sắc đỏ. Để đến tận đây, nơi người ta chẳng biết tôi là ai và cuối cùng thì tôi cũng sống một cuộc đời cho riêng mình. Không còn tranh đấu cũng chẳng còn nhẫn tâm...."

Chúng tôi đều biết rằng, câu chuyện vẫn còn nhiều uẩn khúc, còn một phần khác mà có lẽ gã không muốn kể. Về người bạn vẫn sống bên dưới mái nhà cùng gã, người có cơ thể yếu đuối, cử chỉ nhã nhặn, học cao hiểu rộng, điềm đạm nho nhã. Bố tôi chỉ trút một tiếng thở dài, cuộc đời của một người còn có thể bi tráng đến vậy, ông nhìn sang mẹ tôi và rồi có lẽ ông cảm thấy may mắn siết bao khi mang thân phận dân đen hèn mọn. Có thể chúng tôi không có cuộc sống no đủ hay sung túc nhưng ít ra chúng tôi có thể thành hôn với người mình trao cả tấm chân tình, cùng nhau nuôi dạy con cái, cùng đói cùng no, cùng vui cùng buồn và cuối cùng khi tuổi già gõ cửa, chúng tôi an yên trước hoàng hôn lụi tàn. Túc Na chăm chú vào ly rượu của gã sau đó lại nhìn chữ Hỉ trên tường nhà tôi. Gã tặc lưỡi một cái, người thầy sống cùng hắn dưới một mái nhà có thể viết hàng vạn chữ Hỉ nhưng cả đời này sẽ không bao giờ viết giấy đỏ cho bản thân y và gã.

Chúng tôi cứ ngồi như vậy cho đến khi mặt trời lên, con gà cất o o tiếng gáy. Túc Na sẽ lên đường trong ngày hôm nay, ngay sau khi uống cạn bình rượu cùng ông bạn già - bố tôi. Nhưng có một điều chúng tôi không ngờ rằng, trong giây phút gã từ giã mọi người, chuẩn bị bước ra khỏi cửa thì bất ngờ đã ghé thăm gã. Tôi không biết thầy đã đứng ngoài cửa bao lâu nhưng thoáng thấy chân thầy tôi run lên, có lẽ thầy đã rút hết sức bình sinh mà chạy đến đây. Gã chỉ nhàn nhạt nhìn thầy tôi, có lẽ gã muốn rời khỏi đây trước khi thầy tôi tỉnh giấc, không một lời từ biệt.

"Ngươi định đi đâu?"

"Nhập ngũ"

"Chưa có sự cho phép của ta, ngươi muốn làm gì?"

"Đây là Trung Hoa Dân Quốc, không còn là Trung Hoa Đại Thanh Quốc, Tử Cấm Thành, Cảnh Dương Cung đã là dĩ vãng rồi thầy Huệ à. Nào uống với tôi một ly cuối cùng, chúc tôi lên đường bình an nào"

"Ngươi sẽ trở về phải không?"

"Tôi không biết, tuỳ vào vận nước. Thầy sẽ đợi tôi trở về sao?"


Sự im lặng bao trùm lấy nếp nhà, thầy Huệ của tôi chỉ cúi đầu nhìn vào vò rượu chứ nhất quyết không trả lời câu hỏi của gã. Có lẽ Túc Na cũng phần nào đoán được nên gã chỉ nhếch môi vẽ lên một nụ cười nửa miệng. Chén rượu trên tay gã sóng sánh, men say vương đầy trên mặt bàn, gã đưa cho thầy tôi ly rượu như một lời thỉnh cầu cuối cùng với vai trò một gia nhân đã đi theo thầy bấy lâu nay. Thầy tôi đón lấy, không do dự mà uống cạn một hơi. Trước đây thầy luôn đắn đo mỗi khi nhận những ly nước từ gã nhưng có vẻ như hôm nay đã là một ngoại lệ.

"Ngươi có mong muốn gì trước khi đi không?"

"Ta ước chén rượu ngươi vừa uống với ta chính là ly rượu giao bôi...Ta nói đùa thôi, ngươi đừng để bụng"

Nhưng gã chẳng cười và thầy tôi cũng vậy, khá phũ phàng khi áp lên nó định nghĩa một câu đùa nhưng chẳng hề buồn cười. Thầy tôi nhìn gã một lúc như muốn thu hết những đường nét trên khuôn mặt đặt sâu vào ánh mắt, nơi hộc tủ ký ức mở ra chôn vùi nó một lần và mãi mãi. Chuyến đi này lành ít dữ nhiều, biết đâu đây lại là lần cuối chúng ta nhìn thấy nhau. Và quả thật, đó là lần cuối thầy tôi nhìn thấy gã. Người gia nhân mang tên Túc Na, ngày ngày cần mẫn lên núi hái thuốc; mỗi khi có việc đều cõng thầy tôi đi trên con đường đất, cốt để đôi giày thêu của thầy chẳng lấm bẩn; người năm năm qua đều vượt trùng xa trăm dặm để đến Bắc Kinh mua cho thầy những chiếc bánh oản đậu hoàng vàng óng mỗi dịp thanh minh và cũng là người luôn khẩn cầu thầy một lần nắm tay....

Có lẽ tôi nghĩ rằng, nếu thầy biết đó là lần cuối, thầy sẽ nói với gã nhiều điều hơn một lời từ biệt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro