Ba ngàn một mớ bòng bong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- "Huyền ơi, xuống phụ ông nội gói bánh đi con."

-"Vâng. Con xuống liền đây. Ba phút, ba phút thôi."

Huyền là cháu gái út trong một đại gia đình đông đúc, có ông Cả, bà Củ, bác Chiến, bác Thắng, bác Lợi, chú Nam, bác gái Giang, bác gái Nụ, thím Bình, anh Tôm, anh Tép, chị Nhím, chị Mít, chị Hạnh Nhân, và hai đứa em kháu khỉnh còn trong nôi tu sữa Đậu và Đỗ. 

Năm nào ông cũng hái lá dong, đong gạo, đong đỗ, ướp thịt lợn từ hai bảy hai bảy Tết để kịp con cháu về thắp hương các cụ. Năm nay cũng không ngoại lệ. Con bé con treo gọn mấy bộ váy áo mới vào tủ, buộc lọn tóc lên cao xúng xắng chạy xuống bếp phụ ông gói bánh.

Huyền thích nhất cùng ông làm mấy việc tỉ mẩn, đòi hỏi nhiều sự tập trung, cầu kỳ như thế này. Vì trong khi làm, ông sẽ tận tình chỉ dạy cho nó nhiều điều mới lạ, thú vị hơn. Ví dụ như nó sẽ hỏi ông tại sao lại phải dùng gạo nếp chứ không dùng gạo tẻ. Tại sao phải dùng thịt lợn chứ không được dùng thịt gà, thịt vịt. Theo nó thấy thì thịt gà ngon hơn nhiều so với thịt lợn, cứ đến tết là nhà nào cũng ăn thịt gà nhiều ơi là nhiều. Rồi nó hỏi tại sao phải dùng lá dong gói bánh, ông dùng lá chuối có được không. Vân vân và vân mây. 

Lắm khi được ông đèo ra đồng nhổ lạc cùng ông bà, nó lại hỏi sao lại gọi củ lạc là củ lạc, con gọi là quả lạc có được không. Sao cạnh ruộng lạc nhà mình không có châu chấu nhiều như ruộng lạc nhà bà Hời. Sao sao trăng trăng và mây mây.

Dường như những câu hỏi của nó chẳng bao giờ có kết thúc. Người làng hay trêu ông có đứa cháu như đeo cái loa bên tai, nheo nhéo suốt ngày. Nó nghe được thì buồn lắm, mà nó không dám mách ông, nó sợ ông không chơi với nó thật thì nó còn buồn hơn nữa ấy. 

- "Hâm. Ông chẳng ghét Huyền bao giờ đâu. Ông quý em Huyền nhất nhà đó. Năm nào ông chả để dành cho em bao nhiêu là bánh đậu xanh. Chị với Mít được ông cho mỗi một viên bánh thui á."

Chị Nhím đã nói thế thì Huyền đành tin vậy. Biết đâu được í, chị nói chuẩn thế cơ mà. Ông dạy nó biết bao nhiêu là thứ, nào là gói bánh chưng là tập tục truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam ta, có từ thời Hùng Vương dựng nước cơ. Bánh chưng phải gói bằng gạo nếp thì ăn mới dẻo, mới thơm lừng nức mũi nè. Nhân bánh thì phải gói bằng thịt lợn mới đúng chuẩn, thịt lợn phải ướp muối tiêu vừa phải, không được nhiều nạc quá không thì bánh sẽ bị khô. Nhưng mà nó thích ăn bánh nào nhiều thịt ấy, nên lúc nào ông cũng gói riêng cho nó hai, ba cái bánh nhỏ nhỏ nhiều đỗ, nhiều thịt thơm thơm béo ngậy, ăn thích ơi là thích. Rồi đến củ lạc mọc dưới đất nên người ta gọi là củ. Nhưng mà ông không trả lời được tại sao củ lạc không mọc trên cây như quả đỗ tương. Ông bảo khó quá, nó ra hỏi bà chứ ông chịu. Nó ra hỏi bà thì bà chỉ cần cho nó miếng bánh xốp là quên hết trời đất, ngồi vân vê ngắm nghía, tách từng nếp bánh ra thưởng thức cái vị ngòn ngọt, giòn tan của từng nếp bánh. 

--------

Hai năm trước, con trai thứ tư của ông Cả đang đi bộ đội, nhờ ông bà chăm vợ bầu ở nhà. Khiếp cái Thắm nó chửa mà người nó gầy, nó xác xơ như xơ mướp. 

Hai ông bà thương con dâu ốm nghén nặng, cứ ăn vào là nôn, mà mắt nó cứ buồn rười rượi. Chăm thì chăm cơm chăm cháo, chăm chuyện, chăm trò chứ quản làm sao được nó nhớ chồng nó. 

Bộ đội là thế, "vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Con trai ông bà từ nhỏ đã nuôi ý chí quyết gia nhập quân đội, cống hiến tuổi trẻ cho đất nước, ông bà nào cản nổi. Chỉ thương con dâu, mới cưới được dăm hôm đã phải xa chồng. Nhiều đêm nghe nó khóc rấm rứt ở buồng bên mà bà Củ xót hết cả ruột, đang ngủ lại lật chăn lật đật chạy sang. Mười lần thì đến chín lần bà thấy con dâu ôm thư của con trai bà ngồi khóc. Nó bảo con nhớ chồng con, con biết bố mẹ thương con, con biết anh đi công tác một thời gian anh lại về nhưng con vẫn buồn lắm, con buồn con khóc chứ chẳng biết phải làm sao, không khóc ra được chắc con dồn nén nhiều con chết mất. Bà cũng chỉ biết thở dài, ở bên động viên nó phải ăn uống nhiều cho có sức rồi còn nuôi con, có sức mà đợi thằng Việt nó về còn đánh cho nó một trận cái tội để vợ chửa ốm ở nhà không chăm. 

---------

Đêm hôm ấy mưa tầm tã, ông Cả che ô, vội vã đi qua đi lại trước chiếc cổng bằng tre cũ kỹ, lòng như lửa đốt. Điện đánh đi, vẫn không thấy hồi âm. 

Hòa vào tiếng mưa, tiếng chị Thắm khó khăn gọi tên chồng trong tiếng khóc, tiếng bà đỡ thúc dục, thậm chí quát mắng chị, cả tiếng bà Củ run run khích lệ, động viên con dâu. 

Tất cả đang chuẩn bị cho sự ra đời của đứa con đầu lòng của người lính xứ Đoài và cô giáo trẻ miền Lục Ngạn. 

Mưa vẫn rơi. Vẫn không thấy điện về.

Đến gần sáng thì đứa bé ương bướng mới chịu tha cho mẹ nó mà chui ra. 

------------

Thấm thoát đến thu, Huyền, tên con bé là do bố nó đánh điện về. Huyền là huyền diệu, là phép màu xinh đẹp tinh túy nhất ban tặng cho gia đình nó, là tượng trưng cho tình yêu sâu sắc, thủy chung của bố mẹ nó dành cho nhau. 

Anh Việt đáng ra được nghỉ phép đúng tuần sinh của chị Thắm, nhưng trên bản báo tin có vụ sạt đồi lớn, ba nhà sàn dưới chân đồi bị vùi lấp hết cả. Việc xảy ra giữa đêm nên người trong nhà không kịp chạy ra. Tình thế nguy cấp, đơn vị huy động toàn lực lượng giải cứu người dân. Đó là lý do anh không thể giữ lời hứa trở về khi mẹ nó trở dạ sinh con.

Đổi lại, ...

Anh hứa với chị, nhất định một tháng sau sẽ về thăm hai mẹ con.

-------

Đợt đó hàng tạp hóa mới lắp được cái điện thoại bàn, thỉnh thoảng chị lại gọi cho anh, tâm sự tỉ tê chuyện ở nhà, chuyện con cái, và cả những nỗi nhớ mong. Anh bảo anh sắp được về rồi. 

Càng gần ngày anh về thì số lần anh chị nói chuyện càng giảm. Vì anh bận giúp người dân kéo điện về bản, chị bận ra đồng cắt cỏ, bón phân.

Hai tuần trước lúc anh về, chị ra chợ sắm một bộ quần áo mới. Tiếng hỏi thăm xa gần nhuộm hồng đôi má gầy tần tảo. 

-------------

Ông Cả không thể nào quên được cái buổi chiều hôm ấy. Ông vừa đi đánh dậm về đến cổng thì đã nghe tiếng khóc bà Củ đứt thành từng quãng ở trong nhà. Ông chạy vội và thì thấy bà Củ nằm vật dưới đất, miệng rên rỉ gọi tên thằng Tư. 

-----

Ông nghe như có đứa lấy búa đập mạnh vào sau gáy ông, lấy dao cứa vào trái tim ông. 

------

Mê man tỉnh dậy, bà Củ thấy con dâu nhợt nhạt bê bát cháo đến cho mình, giọng khản đặc nhắc mình ăn mau cho chóng khỏe còn làm ma chay cho chồng nó. 

Hơi thở như bị ai rút cạn, bà đau đớn đưa mắt nhìn con dâu. Nhưng đáp lại chỉ là cái nhìn thờ ơ, mấy câu nhắc nhở cứng ngắc.

Sao nó có thể bình thản như thế trong khi chồng nó vừa mất, đứa con trai quý giá của bà vừa mất mà vợ nó, mang tiếng yêu chồng, phát điên phát dại vì nhớ chồng mà chồng mất không mảy may lấy một lời hỏi thăm. Lại còn nhắc bà mau khỏe để lo ma chay cho con trai bà. Bà thương con, bà chửi rủa, bà đay nghiến con Thắm, bà gọi nó là cái thứ sát phu, tại nó mà con bà mất, tại nó mà cháu bà không được gặp cha.

------

Hứa hẹn để làm gì. Tôi làm vợ mình có mấy thời gian. [...]

------

Mình yên tâm, tôi sẽ lo hậu sự cho mình thật chu đáo. Rồi chăm con, thay mình phụng dưỡng cha mẹ. [...]

------

Mình ơi. Tôi mệt quá. Cho tôi theo mình nhé. 

-------

- "Bà ơi, thím Thắm ốm rồi. Em bé khóc mãi, con lay hoài mà thím không chịu tỉnh..."

------

-"Ông ơi, ông gói nhiều bánh đẹp cho bố mẹ con nữa nhé. Bà bảo bố thích ăn nhiều thịt mỡ, mẹ con thích ăn nhiều đỗ nha ông nha."

-"Ừ."

------

-"Con mừng tuổi ông bà ạ."

-"Ba ngàn thì ông bà mua được gì hả con."

-"Con định mừng ông bà nhiều hơn chứ bộ. Nhưng bác bảo con mừng cho các bác nữa nên mới ít vậy á."

Nó phụng phịu phân bua. Ông bà bảo tiền mừng bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là tấm lòng thôi ấy. Thế nên tiền lộc may mắn lúc đi chùa đầu năm được bao nhiêu nó chia đều cho mọi người hết rồi. Ông bà cười hiền xoa đầu nó rồi mà các bác cứ trêu ấy. Mếu máo, nó chạy lại một tay ôm ông, một tay ôm bà, rúc mái tóc xoăn tít vào lòng bà.

-"Ba ngàn mua được một mớ bòng bong. Xinh ơi là xinh. Yêu ơi là yêu. Nhỉ bà nhỉ?"




Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro