CHƯƠNG 6. Làm nông hay không làm nông

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Trước kia, mọi dân tộc trên trái đất đều sống bằng săn bắt hái lượm. Vậy thì bởi lý do gì một số dân tộc đã chuyển sang sản xuất lương thực? Cứ cho là họ có ắt phải vài lý do để làm như vậy, song tại sao họ lại làm vậy vào khoảng 8.500 năm tr.CN ở các môi trường ven Địa Trung Hải của vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, chỉ 3.000 năm sau đó mới làm vậy ở các môi trường tương tự về khí hậu và cấu trúc ở tây nam châu Âu, và chẳng bao giờ làm vậy ở các môi trường tương tự như môi trường Địa Trung Hải ở California, tây nam Australia và vùng Cape ở Nam Phi mà phải đợi tới khi du nhập sản xuất lương thực từ nơi khác? Và thậm chí tại sao dân vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu phải đợi mãi tới 8.500 năm tr.CN mới chuyển sang sản xuất lương thực chứ không làm vậy vào khoảng 18.500 hay 28.500 năm tr.CN?

Từ điểm nhìn hiện đại của chúng ta, tất cả các câu hỏi đó thoạt nghe có vẻ xuẩn ngốc, bởi những nhược điểm của lối sống săn bắt hái lượm hình như là quá hiển nhiên. Các nhà khoa học thường dẫn một cụm từ của Thomas Hobbes để mô tả lối sống săn bắt hái lượm là "bẩn thỉu, tàn bạo và ngắn ngủi". Những người săn bắt hái lượm dường như luôn phải làm quần quật, luôn bị quay cuồng bởi nhu cầu cái ăn hằng ngày, thường xuyên bữa đói bữa no, không có những tiện nghi vật chất sơ đẳng như giường êm, quần áo ấm và thường chết yểu.

Trên thực tế, chỉ đối với những công dân no đủ của Thế giới Thứ nhất ngày nay, những người không phải tự nuôi trồng lương thực cho mình, thì sản xuất lương thực (nhờ kỹ thuật canh tác từ xa) mới có nghĩa là ít phải làm việc tay chân hơn, tiện nghi hơn, không phải lo ăn từng bữa và sống lâu hơn. Còn thì hầu hết các nhà nông và người chăn nuôi hiện đại, vốn chiếm đại đa số những người sản xuất lương thực trên thế giới, vị tất đã có nhiều lợi thế hơn so với những người săn bắt hái lượm. Các nghiên cứu về quỹ thời gian cho thấy, có khi nhà nông và người chăn nuôi phải dành nhiều thời gian hơn trong ngày để làm việc chứ không phải ít hơn so với người săn bắt hái lượm. Các nhà khảo cổ đã chứng minh rằng các nhà nông đầu tiên ở nhiều khu vực vốn dĩ nhỏ con hơn và thiếu ăn hơn, mắc nhiều bệnh nặng hơn và thường chết yểu hơn so với những người săn bắt hái lượm mà họ đã giành chỗ. Giá như những người làm nông đầu tiên ấy có thể tiên đoán các hậu quả của việc chuyển sang sản xuất lương thực thì có khi họ đã chẳng chuyển sang làm gì cho khổ. Thế thì tại sao, dù không thể lường trước kết quả, họ vẫn chọn làm như vậy?

Trên thực tế, có nhiều trường hợp những người săn bắt hái lượm, tuy đã nhìn thấy các dân tộc láng giềng chuyển sang sản xuất lương thực, vẫn từ chối nhận những phúc lợi được cho là sẽ có được nhờ nó và vẫn cứ làm dân săn bắt hái lượm. Chẳng hạn, những người săn bắt hái lượm bản địa ở đông bắc Australia từng buôn bán suốt hàng ngàn năm với các nông dân ở các đảo Eo biển Torres, giữa Australia và New Guinea. Những người săn bắt hái lượm châu Mỹ bản địa từng trao đổi với các nông dân châu Mỹ bản địa ở thung lũng sông Colorado. Ngoài ra, những người chăn nuôi Khoi ở phía tây Sông Cá (Fish River) ở Nam Mỹ vẫn trao đổi với những nông dân Bantu ở phía đông Sông Cá, nhưng bản thân họ vẫn không cần tự chuyển sang làm nông. Tại sao?

Lại có những người săn bắt hái lượm khác nữa do giao tiếp với những người làm nông mà rốt cuộc cũng chuyển sang làm nông, nhưng chỉ sau một khoảng thời gian lần lữa mà đối với chúng ta là kéo dài một cách bất thường. Chẳng hạn, mãi sau 1.300 năm kể từ khi các dân tộc thuộc văn hóa Linearbandkeramik truyền bá sản xuất lương thực đến các miền nội địa Đức chỉ cách đó 125 dặm (khoảng 200 km) về phía nam thì các dân tộc miền duyên hải bắc Đức mới chịu chuyển sang sản xuất lương thực. Tại sao các dân Đức miền duyên hải đó phải đợi lâu đến vậy, và điều gì đã khiến họ rốt cuộc cũng đổi ý?

Trước khi trả lời những câu hỏi đó, ta phải loại trừ vài quan niệm sai lầm về nguồn gốc của sản xuất lương thực, sau đó mới đặt lại câu hỏi. Trên thực tế, không phải người ta khám phá ra sản xuất lương thực, cũng chẳng phải người ta phát minh ra sản xuất lương thực như có thể ban đầu ta nghĩ. Thậm chí người ta thường không lựa chọn một cách có ý thức giữa sản xuất lương thực với săn bắt hái lượm. Đặc biệt, ở từng khu vực trên thế giới, những người đầu tiên chuyển sang sản xuất lương thực rõ ràng là đã không làm việc đó như một lựa chọn có ý thức hoặc cố gắng vươn tới việc trồng trọt như một mục đích có ý thức, bởi họ đã thấy ai làm nông nghiệp bao giờ đâu, nên làm sao họ biết làm nông nghiệp nghĩa là thế nào. Thay vì thế, như ta sẽ thấy, sản xuất lương thực đã tiến hóa như một sản phẩm phụ của những quyết định người ta đưa ra mà không biết đến hậu quả. Vì vậy, câu hỏi mà ta phải đặt ra là, tại sao sản xuất lương thực đã tiến hóa, tại sao nó tiến hóa ở một số vùng này chứ không ở những vùng khác, tại sao nó tiến hóa ở mỗi nơi một lúc khác nhau, và tại sao nó đã không tiến hóa vào một thời điểm muộn hơn hoặc sớm hơn.

Một cách hiểu sai lầm khác là nhất thiết phải có một sự khác biệt rạch ròi giữa những người săn bắt hái lượm du cư và những người sản xuất lương thực định cư. Trên thực tế, mặc dù ta thường suy ra một sự tương phản như vậy, song những người săn bắt hái lượm ở một số vùng năng sản, trong đó có bờ biển tây bắc Thái Bình Dương của Bắc Mỹ và có thể cả vùng đông nam Australia, đã chuyển sang định cư nhưng đã chẳng bao giờ trở thành dân sản xuất lương thực. Những người săn bắt hái lượm khác, ở Palestine, miền duyên hải Peru và Nhật Bản, chuyển sang định cư trước rồi mãi rất lâu sau đó mới tiếp thu sản xuất lương thực. Cách đây 15.000 năm các nhóm định cư có thể đã chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều trong số những người săn bắt hái lượm - khi tất cả các khu vực có thể sinh sống trên thế giới (bao gồm hầu hết các vùng năng sản nhất) đều là nơi do những người săn bắt hái lượm sinh sống, so với ngày nay khi vài nhóm săn bắt hái lượm ít ỏi còn lại chỉ sống ở những vùng không năng sản nơi lối sống du cư là lựa chọn duy nhất.

Ngược lại, có nhiều nhóm sản xuất lương thực nhưng lại du cư. Một số dân du canh hiện đại ở vùng Đồng bằng hồ (Lakes Plains) của New Zealand thường phát quang trong rừng rậm, trồng chuối và đu đủ, sau đó đi chỗ khác trong vài tháng để lại sống bằng săn bắt hái lượm, sau đó quay về kiểm tra xem mùa màng thế nào, nếu thấy cây mình trồng đang mọc thì làm cỏ khu vườn, lại ra đi săn mồi, vài tháng sau lại quay về kiểm tra, định cư một thời gian để thu hoạch rồi ăn chỗ lương thực đó nếu vườn của họ có cho hoa lợi. Người Anh-điêng Apache ở vùng Tây Nam Hoa Kỳ vào mùa hè định cư ở các vùng cao về phía bắc, đến mùa đông thì chuyển về phía nam và đến các vùng thấp hơn để lang thang tìm thức ăn hoang dã. Nhiều dân tộc chăn nuôi ở châu Phi và châu Á chuyển chỗ ở dọc những con đường quen thuộc theo mùa, tận dụng những thay đổi thời tiết có thể tiên đoán được để cho gia súc ăn cỏ. Như vậy, việc chuyển từ săn bắt hái lượm sang sản xuất lương thực không phải bao giờ cũng trùng hợp với chuyển từ sống du cư sang sống định cư.

Lại nữa, người ta thường cho rằng có một sự khác biệt rạch ròi giữa những người sản xuất lương thực vốn được cho là tích cực khai thác mảnh đất của mình với những người săn bắt hái lượm vốn được cho là chỉ đơn thuần thu nhặt những gì mà cây hoang dại sinh ra. Thật ra, cái ranh giới này thường bị xóa nhòa. Trên thực tế, một số dân tộc săn bắt hái lượm vẫn xử lý đất đai của mình một cách tích cực. Chẳng hạn, các dân tộc New Guinea chưa bao giờ tự mình thuần hóa cây cọ sago hay dứa dại nhưng vẫn nâng cao được năng suất các loại cây dại ăn được này bằng cách chặt bỏ các loại cây cạnh tranh xung quanh, giữ sạch kênh mương trong các đồng lầy có cây sago mọc, và kích thích sức tăng trưởng của các chồi sago mới bằng cách chặt bớt các cây sago trưởng thành. Người châu Úc bản địa vốn chưa bao giờ đạt đến trình độ trồng cây khoai lang và các cây có hạt nhưng cũng đã biết và thực hiện một số yếu tố của nghề nông. Họ xử lý đất bằng cách đốt, nhằm khuyến khích các cây có mầm ăn được đâm chồi sau đám cháy. Khi thu hoạch khoai lang dại, họ cắt lấy hầu hết phần thân củ ăn được song cũng cắt bỏ cuống và ngọn trong đất để thân củ có thể mọc lại. Nhờ họ xới đất để lấy củ mà đất tơi ra, thông khí, tạo điều kiện cho mầm mọc lại. Họ chỉ cần làm thêm mỗi việc mang cuống cùng với phần thân củ còn lại về nhà và cắt theo cách tương tự trong đất ở vườn nhà mình là hoàn toàn trùng khớp với định nghĩa về nhà nông.

Từ những nét sơ khai của sản xuất lương thực mà những người săn bắt hái lượm đã tiến hành, sản xuất lương thực đã phát triển dần từng bước. Không phải tất cả các kỹ thuật cần thiết đều được phát triển trong một thời gian ngắn, cũng không phải mọi cây dại và thú hoang mà cuối cùng được thuần hóa ở một vùng nào đó đều đã được thuần hóa cùng một lúc. Ngay cả trường hợp sản xuất lương thực đã phát triển độc lập từ lối sống săn bắt hái lượm một cách nhanh chóng nhất thì cũng phải mất hàng ngàn năm người ta mới từ chỗ hoàn toàn lệ thuộc vào lương thực hoang dã chuyển sang chế độ ăn uống có rất ít lương thực hoang dã. Ở các giai đoạn sớm của sản xuất lương thực, người ta cùng một lúc vừa thu thập lương thực hoang vừa canh tác cây trồng, và tùy từng thời điểm, những loại hình hái lượm khác nhau ngày càng mất phần quan trọng khi người ta ngày càng lệ thuộc vào cây trồng.

Lý do sâu xa vì sao sự chuyển tiếp này lại diễn ra từng bước nhỏ giọt là bởi các hệ thống sản xuất lương thực đã tiến hóa như hệ quả của sự tích lũy dần nhiều quyết định khác nhau về việc phân bổ thời gian và công sức. Con người, cũng như con vật, khi tìm kiếm thức ăn, chỉ có một lượng thời gian và sức lực có hạn mà họ có thể sử dụng theo nhiều cách. Ta có thể hình dung một nhà nông vào thuở phôi thai buổi sáng thức dậy tự hỏi: Hôm nay mình sẽ làm gì đây: cuốc vườn (có thể đoán trước là sẽ cho nhiều rau củ nhưng phải đợi vài tháng nữa), bắt sò (có thể cho một bữa ăn kha khá trong hôm nay) hay đi săn hươu (có thể cho nhiều thịt ngày hôm nay nhưng cũng có thể chẳng được gì, mà khả năng không có gì lại nhiều hơn)? Khi tìm kiếm thức ăn, cả người lẫn thú - dù chỉ một cách vô thức - đều thường xuyên sắp xếp những việc có thể làm theo thứ tự ưu tiên làm việc gì ít mất sức hơn và dựa vào đó mà quyết định sẽ làm gì. Trước hết họ tập trung vào những loại thức ăn mình thích nhất hoặc những loại thức ăn mà việc tìm kiếm ít mất sức hơn nhưng hiệu quả cao hơn. Chỉ khi nào không có những thứ đó, họ mới chuyển sang những thức ăn khác mà mình ít thích hơn.

Khi ra những quyết định đó, người ta phải cân nhắc nhiều thứ. Người ta tìm thức ăn để thỏa mãn cơn đói và làm đầy bụng. Họ cũng cần những loại thức ăn cụ thể như thức ăn giàu protein, chất béo, muối, quả ngọt và những thức ăn đơn giản là ngon. Nếu mọi thứ khác đều tương đương như nhau, người ta sẽ tìm cách gia tăng đến mức tối đa lượng calori, protein hay những loại thức ăn cụ thể bằng cách tìm kiếm sao cho có được số lượng lớn nhất, một cách chắc ăn nhất mà lại ít tốn thời gian và công sức nhất. Cũng vậy, họ tìm cách nào bảo đảm cho khả năng bị đói là nhỏ nhất: lượng thức ăn vừa phải nhưng ổn định thì vẫn hơn là một lối sống bấp bênh, có thể kiếm được thức ăn nhiều và nhanh nhưng cũng có nhiều khả năng chết đói. Người ta có giả định rằng chức năng của những khu vườn đầu tiên cách đây 11.000 năm là cung cấp nguồn thức ăn dự trữ đáng tin cậy phòng khi không tìm được nguồn lương thực hoang dã.

Ngược lại, các thợ săn nam giới có xu hướng quyết định mình sẽ làm gì xuất phát từ những suy tính về vấn đề uy tín: chẳng hạn, họ thích ngày nào cũng đi săn hươu cao cổ, mỗi tháng hạ được một con hươu cao cổ đem về và do đó được kể vào hàng thợ săn cự phách, chứ không ưng mỗi tháng mang về nhà lượng lương thực gấp đôi trọng lượng một con hươu cao cổ bằng cách hạ mình ngày ngày đi thu hạt. Người ta cũng được dẫn dắt bởi những sở thích văn hóa dường như có tính võ đoán, chẳng hạn có dân tộc xem cá là món cao lương mỹ vị trong khi dân tộc khác coi cá là đồ cấm kỵ. Cuối cùng, việc ưu tiên chọn cách nào còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi những giá trị tương đối mà người ta gán cho những lối sống khác nhau - như ta vẫn thấy ngày nay. Chẳng hạn, ở miền Tây Hoa Kỳ vào thế kỷ XIX, những người chăn bò, chăn cừu và nông dân thảy đều khinh miệt lẫn nhau. Tương tự, trong suốt lịch sử loài người, người làm nông có xu hướng khinh miệt người săn bắt hái lượm, coi họ là man di, trong khi người săn bắt hái lượm khinh miệt người làm nông, coi họ là dốt nát, còn người chăn nuôi thì khinh miệt cả hai. Cả ba nhân tố này đều góp phần ảnh hưởng đến quyết định của con người trong việc làm cách nào để có cái ăn.

Như ta đã nhận thấy, những nhà nông đầu tiên trên mỗi lục địa đã không lựa chọn làm nông nghiệp một cách hữu thức, bởi không hề có nhà nông nào khác ở ngay bên cạnh cho họ quan sát cả. Tuy nhiên, một khi sản xuất lương thực đã phát sinh ở một phần của lục địa, những người săn bắt hái lượm lân cận có thể nhìn thấy kết quả để rồi quyết định mình có chuyển sang sản xuất lương thực hay không một cách hữu thức. Trong một số trường hợp, những người săn bắt hái lượm tiếp thu hệ thống sản xuất lương thực từ dân tộc láng giềng một cách "trọn gói", trong vài trường hợp khác họ chỉ tiếp thu vài yếu tố của nó, trong vài trường hợp khác nữa họ hoàn toàn khước từ sản xuất lương thực mà vẫn theo lối sống săn bắt hái lượm.

Chẳng hạn, những người săn bắt hái lượm ở một số vùng Đông Nam Âu đã nhanh chóng tiếp thu các cây ngũ cốc, cây cho đậu và gia súc của Tây Nam Á một cách "trọn gói" vào khoảng 6.000 năm tr.CN. Cả ba nhân tố này cũng nhanh chóng bành trướng qua Trung Âu vào các thế kỷ trước 5.000 năm tr.CN. Việc tiếp thu sản xuất lương thực đã có thể diễn ra nhanh chóng và trọn gói ở Đông Nam Âu và Trung Âu là bởi lối sống săn bắt hái lượm ở đó không cho năng suất cao bằng nên không có tính cạnh tranh bằng. Ngược lại, sản xuất lương thực chỉ được tiếp thu từng phần một ở Tây Nam Âu (miền Nam Pháp, Tây Ban Nha và Ý), ở đó cừu được du nhập đầu tiên, sau đó đến ngũ cốc. Việc tiếp thu sản xuất lương thực một cách triệt để từ nội địa châu Á cũng diễn ra rất chậm chạp và từng phần ở Nhật Bản, có lẽ vì lối sống săn bắt hái lượm ở đó dựa trên hải sản và các cây trồng địa phương vốn cho năng suất rất cao.

Cũng như lối sống săn bắt hái lượm có thể được đổi từng phần để lấy lối sống sản xuất lương thực, một hệ thống sản xuất lương thực cũng có thể được đổi từng phần để lấy lối sống săn bắt hái lượm. Chẳng hạn, vào khoảng 2.500 năm tr.CN người Anh-điêng ở miền đông Hoa Kỳ đã thuần hóa các loài cây bản địa nhưng đã có trao đổi với những người Anh-điêng Mexico vốn đã phát triển một hệ thống cây trồng có năng suất cao hơn dựa trên bộ ba gồm ngô, bí và đậu. Người Anh-điêng miền đông Hoa Kỳ đã tiếp thu các cây trồng Mexico, nhiều người trong số họ từ bỏ nhiều loại cây bản địa mà mình đã thuần hóa, một cách từng phần; bí được thuần hóa độc lập, ngô được du nhập từ Mexico vào khoảng năm 200 nhưng vẫn là một cây trồng thứ yếu mãi đến khoảng năm 900, còn đậu được du nhập sau đó chừng một, hai thế kỷ. Thậm chí có trường hợp người ta từ bỏ các hệ thống sản xuất lương thực để chọn lối sống săn bắt hái lượm. Chẳng hạn, vào khoảng 3.000 năm tr.CN, những người săn bắt hái lượm ở miền Nam Thụy Điển đã tiếp thu nghề nông dựa trên các cây trồng Tây Nam Á, nhưng đến khoảng 2.700 năm tr.CN lại từ bỏ để quay về lối sống săn bắt hái lượm trong vòng 400 năm trước khi lại chuyển sang nghề nông một lần nữa.

Những gì vừa xét trên đây cho thấy rõ, ta không nên giả định rằng quyết định tiếp thu nghề nông là một quyết định xuất phát từ chỗ chẳng có gì, làm như trước đó người ta chẳng có cách nào để tự nuôi mình cả. Thay vào đó, ta phải xem sản xuất lương thực và săn bắt hái lượm là những sách lược thay thế tranh đua với nhau. Những nền kinh tế hỗn hợp mà trong đó người ta bổ sung một số cây trồng hay vật nuôi vào lối sống săn bắt hái lượm cũng cạnh tranh với cả hai loại hình kinh tế "thuần túy" đó, cũng như với các nền kinh tế hỗn hợp có tỷ trọng sản xuất lương thực cao hơn hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, trong 10.000 năm qua, chiếm ưu thế vẫn là xu hướng chuyển từ săn bắt hái lượm sang sản xuất lương thực. Từ đó ta phải đặt câu hỏi: Đâu là những nhân tố khiến cho ưu thế cạnh tranh lệch khỏi săn bắt hái lượm mà nghiêng về sản xuất lương thực?

Câu hỏi đó vẫn đang tiếp tục được các nhà khảo cổ và nhân loại học tranh luận. Một lý do khiến cho nó vẫn chưa có lời giải đáp, ấy là cũng có thể ở mỗi vùng trên thế giới lại có những nhân tố khác nhau đóng vai trò quyết định. Một lý do nữa là cái khó khi phải gỡ rối để xem đâu là nhân đâu là quả trong việc phát sinh nền sản xuất lương thực. Tuy nhiên, ta vẫn có thể xác định năm nhân tố chính góp phần vào việc này; mọi tranh cãi đều chủ yếu xoay quanh tầm quan trọng tương đối của năm nhân tố đó.

Một nhân tố là sự suy giảm nguồn lương thực hoang dã. Lối sống săn bắt hái lượm ngày càng trở nên kém hiệu quả hơn trong 13.000 năm qua bởi những nguồn lương thực mà người săn bắt hái lượm dựa vào (đặc biệt là thú vật) ngày càng ít hơn, thậm chí còn biến mất. Như ta đã thấy trong Chương 1, hầu hết các loài hữu nhũ lớn đã tuyệt chủng ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ vào cuối Kỷ Pleitoxen, một số loài cũng tuyệt chủng ở Âu-Á và châu Phi, hoặc vì khí hậu thay đổi hoặc vì số người săn thú đông dần lên và kỹ năng săn thú của họ được nâng cao dần. Phải chăng việc thú vật tuyệt chủng đã thúc đẩy người châu Mỹ bản địa, người Âu-Á và người châu Phi - dù sau khi lần lữa rất lâu - rốt cuộc cũng chuyển sang sản xuất lương thực, điều đó có thể còn cần tranh cãi, song có những trường hợp hoàn toàn không thể tranh cãi gì thêm đã xảy ra trên các hòn đảo vào những thời gian gần đây. Chỉ sau khi những người di cư Polynesia đầu tiên đã tiêu diệt hết loài moa và giết gần hết hải cẩu ở New Zealand, lại cũng tiêu diệt hay giết gần hết các loài chim biển và chim đất liền trên các hòn đảo Polynesia khác, họ mới bắt đầu đẩy mạnh sản xuất lương thực. Chẳng hạn, mặc dù những người Polynesia đã di cư sang Đảo Phục Sinh vào khoảng năm 500 có mang theo gà, nhưng mãi đến khi các loài chim hoang dã và cá heo không còn sẵn để làm thức ăn nữa thì gà mới trở thành thực phẩm chính. Cũng vậy, người ta cũng cho rằng một nhân tố góp phần vào việc phát sinh sản xuất lương thực ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu là do sự suy giảm số lượng linh dương hoang dã từng là nguồn cung cấp thịt chính cho những người săn bắt hái lượm ở vùng đó.

Một nhân tố thứ hai là, cũng như việc suy giảm thú săn đã khiến cho nghề săn bắt hái lượm trở nên kém hiệu quả, việc gia tăng số loài cây dại có thể thuần hóa đã đặt những bước dẫn đến việc thuần hóa cây trồng ngày càng hiệu quả hơn. Chẳng hạn, sự thay đổi khí hậu vào cuối Kỷ Pleitoxen ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu đã mở rộng địa giới các môi trường với những loài ngũ cốc hoang mà từ đó người ta có thể gặt hái những mùa bội thu trong một thời gian ngắn. Những vụ thu hoạch ngũ cốc hoang đó là tiền thân cho việc thuần hóa những loài cây trồng sớm nhất, những cây ngũ cốc lúa mì và lúa mạch ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu.

Lại còn một nhân tố khác làm cán cân nghiêng từ săn bắt hái lượm sang sản xuất lương thực, ấy là người ta ngày càng tích lũy được những cải tiến kỹ thuật trong việc thu hoạch, xử lý và lưu trữ lương thực hoang - những kỹ thuật mà rốt cuộc thì sản xuất lương thực cũng phải cần tới. Dẫu có thu hoạch được một tấn hạt lúa mì đi nữa, các nông dân tương lai nào được lợi gì nếu trước hết họ chưa biết cách gặt, đập và lưu trữ chúng? Các phương pháp, dụng cụ và tiện ích cần thiết xuất hiện nhanh chóng ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu sau năm 11.000 tr.CN đã được phát minh nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý và lưu trữ lượng ngũ cốc hoang dã vốn trở nên dồi dào vào thời gian đó.

Các phát minh này bao gồm: liềm có lưỡi bằng đá lửa gắn vào cán bằng gỗ hoặc xương để thu hoạch hạt hoang; giỏ để đựng hạt trẩy từ sườn đồi mang về nhà; chày và cối hoặc thớt để giã hạt bỏ vỏ; kỹ thuật rang hạt sao cho có thể lưu trữ lâu mà hạt không nảy mầm; và các hố lưu trữ ngầm dưới đất, một số được trát vữa để không thấm nước. Bằng chứng về tất cả các kỹ thuật này có rất nhiều tại các di chỉ săn bắt hái lượm ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu vào sau năm 11.000 tr.CN. Tất cả các kỹ thuật này, dù đã được phát triển nhằm mục đích khai thác ngũ cốc hoang, là điều kiện tiên quyết cho việc trồng ngũ cốc làm cây trồng. Các phát triển lũy tiến này là những bước vô thức đầu tiên trên con đường thuần hóa cây trồng.

Nhân tố thứ tư là mối liên hệ hai chiều giữa sự gia tăng mật độ dân số loài người với việc phát sinh sản xuất lương thực. Ở mọi vùng của thế giới nơi có đủ bằng chứng, các nhà khảo cổ đều tìm thấy bằng chứng cho thấy mật độ dân cư tăng đi liền với sự xuất hiện sản xuất lương thực. Đâu là nhân đâu là quả? Đây là một câu hỏi từng gây tranh cãi lâu nay kiểu như câu hỏi "trứng có trước hay gà có trước": có phải sự gia tăng mật độ dân số loài người buộc người ta phải chuyển sang sản xuất lương thực, hay nhờ có sản xuất lương thực mà người ta mới có thể gia tăng mật độ dân số?

Về nguyên tắc, người ta có thể cho rằng chuỗi nhân quả vận hành theo cả hai chiều. Như tôi đã bàn trước đây, sản xuất lương thực có xu hướng dẫn tới mật độ dân số tăng bởi nó mang lại lượng calori ăn được trên mỗi hécta đất cao hơn so với săn bắt hái lượm. Mặt khác, mật độ dân số loài người dù gì cũng đã tăng dần dần trong suốt cuối Kỷ Pleitoxen nhờ những cải tiến trong kỹ thuật thu hoạch và xử lý lương thực hoang dã. Do mật độ dân số tăng, sản xuất lương thực ngày càng được chuộng hơn bởi nó mang lại lượng lương thực nhiều hơn đủ để nuôi toàn bộ dân số đó.

Nghĩa là, việc chuyển sang sản xuất lương thực tiêu biểu cho cái là quá trình tự xúc tác (autocatalytic process), nghĩa là một quá trình tự nó làm xúc tác cho chính nó trong một chu trình hoàn lưu tích cực, càng lúc càng nhanh hơn một khi nó đã khởi động. Mật độ dân số tăng dần buộc người ta phải [tìm cách làm sao] kiếm được nhiều lương thực hơn, đền bù cho những ai đã tiến hành những bước vô tình dẫn đến sản xuất lương thực. Khi đã bắt đầu sản xuất lương thực và chuyển sang định cư, người ta có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai lần sinh và sinh sản càng nhiều người hơn, thế là lại cần càng nhiều lương thực hơn nữa. Mối liên hệ hai chiều này giữa sản xuất lương thực và mật độ dân số giải thích điều nghịch lý rằng sản xuất lương thực, tuy làm tăng lượng calori ăn được trên mỗi hécta, lại khiến những người sản xuất lương thực bị thiếu ăn hơn so với những người săn bắt hái lượm vốn đã thua họ [trong cuộc cạnh tranh này]. Nghịch lý đó nảy sinh là bởi mật độ dân số loài người tăng nhanh hơn một chút so với số lương thực mà loài người làm ra được.

Bốn nhân tố đó hợp lại giúp ta hiểu được vì sao cuộc chuyển tiếp sang sản xuất lương thực ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu đã khởi đầu vào khoảng 8.500 năm tr.CN chứ không phải vào khoảng 18.500 hay 28.500 năm tr.CN. Vào hai thời điểm sớm hơn này, lối sống săn bắt hái lượm vẫn còn hiệu quả hơn nhiều so với sản xuất lương thực sơ khai bởi các loài hữu nhũ hoang dã vẫn còn dồi dào, ngũ cốc hoang dại hãy còn chưa dồi dào, người ta chưa có được những phát minh cần thiết để thu hoạch, xử lý và lưu trữ ngũ cốc một cách hữu hiệu; và mật độ dân số loài người chưa đủ cao nên cũng chưa cần thiết phải khai thác được nhiều calori hơn trên mỗi hécta.

Nhân tố cuối cùng trong việc chuyển tiếp này có ý nghĩa quyết định tại những vùng giáp ranh về địa lý giữa những người săn bắt hái lượm và những người sản xuất lương thực. Nhờ mật độ dân số cao hơn nhiều nên dù chỉ bằng số lượng áp đảo mà thôi những người sản xuất lương thực cũng có thể xua đuổi hoặc giết chết những người săn bắt hái lượm, ấy là chưa kể đến những lợi thế khác nhờ sản xuất lương thực mà có được (như kỹ thuật, vi trùng và binh lính chuyên nghiệp). Ở những khu vực nơi chỉ có các nhóm săn bắt hái lượm mà thôi, nhóm nào đã chuyển sang sản xuất lương thực sẽ sống sót còn nhóm nào chưa chuyển thì không.

Hệ quả là, ở hầu hết những vùng nào thích hợp cho sản xuất lương thực trên thế giới, những người săn bắt hái lượm gặp một trong hai số phận: hoặc họ bị thay thế bởi những người sản xuất lương thực láng giềng, hoặc sống sót được chỉ nhờ bản thân họ đã tiếp thu sản xuất lương thực. Ở đâu những người săn bắt hái lượm vốn đã đông đúc hoặc điều kiện địa lý ngăn không cho những người sản xuất lương thực di cư đến, những người săn bắt hái lượm bản địa có đủ thì giờ để tiếp thu nghề nông vào thời tiền sử, trở thành nhà nông và nhờ đó mà sống sót. Điều này có thể đã xảy ra ở miền Tây Nam Hoa Kỳ, phía tây Địa Trung Hải, trên bờ Đại Tây Dương của châu Âu và một số vùng của Nhật Bản. Tuy nhiên, ở Indonesia, Đông Nam Á nhiệt đới, hầu hết châu Phi hạ xích đạo và có thể ở một số phần của châu Âu, những người săn bắt hái lượm đã bị thay thế bởi những người làm nông vào thời tiền sử, trong khi một sự thay thế tương tự đã xảy ra vào thời hiện đại ở Australia và hầu hết miền tây Hoa Kỳ.

Chỉ ở nơi nào có những rào cản đặc biệt mạnh mẽ về địa lý hay sinh thái khiến cho việc nhập cư của những người sản xuất lương thực hay việc truyền bá các kỹ thuật sản xuất lương thực có thể áp dụng cho địa phương trở nên rất khó khăn, những người săn bắt hái lượm bản địa mới có thể sống sót đến tận thời hiện đại ở những khu vốn thích hợp cho sản xuất lương thực. Ba ví dụ nổi bật cho việc này là những người săn bắt hái lượm người châu Mỹ bản địa vẫn tồn tại dai dẳng ở California, bị ngăn cách với những nhà nông châu Mỹ bản địa bởi sa mạc; những người săn bắt hái lượm Khoisan ở miền Cape của Nam Phi, ở một vùng có khí hậu Địa Trung Hải vốn không thích hợp với những cây trồng xích đạo của các nhà nông Bantu láng giềng; và những người săn bắt hái lượm sống ở khắp lục địa Australia, bị ngăn cách khỏi những người sản xuất lương thực Indonesia và New Guinea bởi những biển nông. Số ít các dân tộc vẫn theo lối sống săn bắt hái lượm mãi đến thế kỷ XX đã thoát khỏi số phận bị những người sản xuất lương thực giành chỗ chỉ là nhờ họ sống ở những khu vực vốn dĩ không thích hợp cho sản xuất lương thực, đặc biệt là sa mạc và vùng Bắc cực. Trong vòng một thập niên nữa, ngay cả các dân tộc này rồi cũng sẽ bị quyến rũ bởi sự hấp dẫn của văn minh, sẽ buộc phải định cư dưới sức ép của chính quyền hoặc các nhà truyền giáo, hoặc sẽ làm mồi cho vi trùng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro