CHƯƠNG 8. Táo hay người Anh-Điêng?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chúng ta vừa thấy các dân tộc ở một số khu vực đã bắt đầu trồng các loài cây dại, một bước đi có những hệ quả to lớn không ngờ đối với lối sống của họ và vị trí của hậu duệ họ trong lịch sử. Giờ ta hãy quay lại những câu hỏi của chúng ta: Tại sao nông nghiệp đã không hề phát sinh độc lập ở một số khu vực màu mỡ và thích hợp nhất cho việc đó như California, châu Âu, Australia ôn đới và châu Phi hạ xích đạo? Trong các khu vực nơi mà nông nghiệp đã phát sinh độc lập, tại sao ở một số khu vực nó đã phát triển sớm hơn nhiều so với ở những khu vực khác?

Có hai cách giải thích trái ngược nhau: hoặc vấn đề nằm ở bản thân các dân tộc bản địa, hoặc vấn đề nằm ở các loài cây dại có ở khu vực đó. Một mặt, có lẽ hầu như bất cứ khu vực nào trên thế giới mang khí hậu ôn đới hay nhiệt đới và có nước tưới đầy đủ thì đều có đủ những loài cây dại thích hợp cho việc thuần hóa. Trong trường hợp đó, nguyên nhân khiến cho nông nghiệp đã không phát triển ở một vài khu vực trong số này ắt phải nằm ở đặc tính văn hóa của các dân tộc sinh sống ở đó. Mặt khác, có thể ít nhất là một số người ở các khu vực lớn trên thế giới vốn mang đầu óc cởi mở nên đã sẵn sàng thử nghiệm, nhờ vậy mà dẫn đến việc thuần hóa. Nếu quả đúng vậy thì chỉ vì thiếu những loài cây dại thích hợp mà nền sản xuất lương thực đã không tiến hóa ở một vài khu vực.

Như ta sẽ thấy ở chương sau, câu hỏi tương tự đối với việc thuần hóa các loài hữu nhũ lớn tỏ ra dễ lý giải hơn, bởi số loài hữu nhũ lớn ít hơn nhiều so với số loài cây. Thế giới chỉ có chừng 148 loài hữu nhũ lớn sống trên đất liền ăn cỏ hoặc ăn tạp, những loài hữu nhũ đủ lớn để có thể coi là ứng viên cho việc thuần hóa. Chỉ có một vài nhân tố quyết định liệu một loài hữu nhũ có thích hợp để thuần hóa hay không. Vì vậy, không khó để khảo sát các loài hữu nhũ hiện hữu ở một vùng và kiểm chứng xem có phải ở một vài khu vực người ta đã không thuần hóa các loài hữu nhũ lớn là do thiếu những loài hoang dã thích hợp hay là bởi những vấn đề nằm ở chính con người.

Cách làm đó sẽ khó áp dụng hơn nhiều đối với cây trồng, đơn giản vì có quá nhiều - những 200.000 - loài cây dại có hoa, những loài cây thống trị toàn bộ cây cỏ trên đất liền và cung cấp hầu như mọi thứ cây trồng của chúng ta. Chúng ta không thể mong đủ sức khảo sát toàn bộ các loài cây dại dù chỉ ở một vùng khu biệt như California đặng đánh giá xem bao nhiêu loài trong số đó có thể thuần hóa được. Nhưng ta sẽ xem làm cách nào giải quyết được vấn đề đó.

Khi nghe nói có quá nhiều loài cây nở hoa đến vậy, phản ứng đầu tiên của người ta ắt sẽ là: hẳn rồi, với ngần ấy loài cây dại trên Trái đất thì bất cứ khu vực nào mà khí hậu đủ ôn hòa thì ắt phải thừa đủ những loài có thể thuần hóa thành cây trồng chứ.

Nhưng ta hãy nhớ lại rằng đại đa số các loài cây dại là không thích hợp, vì những lý do hiển nhiên: chúng có nhiều gỗ, chúng cho ra quả không ăn được, lá và rễ của chúng cũng không ăn được. Trong số 200.000 loài cây dại, chỉ có vài ngàn là con người có thể ăn được, trong số đó chỉ vài trăm loài đã được ít nhiều thuần hóa. Thậm chí trong số vài trăm loài đó, hầu hết chỉ cung cấp những phần bổ sung nhỏ nhoi vào thực đơn của chúng ta và bản thân chúng hẳn không đủ để hỗ trợ cho việc phát sinh các nền văn minh. Chỉ có vỏn vẹn một tá loài chiếm tới trên 80% sản lượng hàng năm của toàn bộ cây trồng trên thế giới hiện nay. Một tá loài "chủ lực" đó là các cây ngũ cốc lúa mì, ngô, lúa gạo, lúa mạch và lúa miến; cây đậu nành; thân hoặc rễ của cây khoai tây, sắn và khoai lang; cây mía và củ cải đường cung cấp nguyên liệu làm đường; và quả chuối. Riêng các cây ngũ cốc đã chiếm hơn một nửa lượng calori mà dân số toàn thế giới tiêu thụ. Với quá ít loài cây trồng chính trên thế giới như vậy, tất cả đều đã được thuần hóa cách đây hàng ngàn năm, chẳng có gì lạ rằng nhiều khu vực trên thế giới không có loài cây dại bản địa nào có tiềm năng đặc sắc. Trong thời hiện đại chúng ta đã không thể nào thuần hóa thêm dù chỉ một loại cây lương thực chính mới, điều đó cho thấy các dân tộc cổ đại có lẽ đã thử nghiệm hầu hết các loài cây dại có ích và những loại nào đáng được thuần hóa thì họ đã thuần hóa cả rồi.

Thế nhưng vẫn khó lòng giải thích được một số trường hợp thuần hóa thất bại các loài cây dại trên thế giới. Trường hợp hiển nhiên nhất là những loài cây được thuần hóa ở khu vực này nhưng ở khu vực khác thì không. Ta có thể biết chắc rằng quả thực người ta có thể phát triển loài cây dại đó thành cây trồng có ích, nên phải đặt câu hỏi tại sao các loài cây dại đó đã không được thuần hóa ở một số khu vực khác.

Một ví dụ tiêu biểu làm ta bối rối là ở châu Phi. Cây ngũ cốc quan trọng là lúa miến đã được thuần hóa ở vùng Sahel của châu Phi, ngay phía nam Sahara. Đầu tiên nó là một cây dại mãi ở Nam Phi, thế nhưng ở Nam Phi người ta đã chẳng trồng cả cây này lẫn bất cứ cây nào khác cho mãi tới khi các nông dân Bantu từ bắc xích đạo châu Phi tràn xuống mang theo toàn bộ cây trồng của họ cách đây 2.000 năm. Tại sao các dân tộc bản địa Nam Phi đã không tự mình thuần hóa cây lúa miến?

Cũng khó hiểu không kém là việc người ta đã không thuần hóa được cây lanh ở ngay cội nguồn hoang dã của chúng tại châu Âu và Bắc Phi, hoặc lúa mì einkorn đã không được thuần hóa ở ngay quê hương nó là phía nam bán đảo Balkans. Bởi hai loài cây này nằm trong số tám loài cây trồng đầu tiên của vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, nên ắt hẳn chúng đã nằm trong số những cây dễ thuần hóa nhất trong tất cả các loài cây dại. Người ta đã tiếp thu và trồng các loài cây đó ở chính các khu vực vốn là quê hương hoang dã của chúng ngoài Lưỡi liềm Phì nhiêu ngay sau khi chúng được mang từ Lưỡi liềm Phì nhiêu tới cùng kỹ thuật sản xuất lương thực và mọi loài cây trồng khác. Tại sao các dân tộc ở những vùng xa xôi đó đã không tự mình trồng các loài cây đó trước đi?

Tương tự, bốn loài cây ăn trái được thuần hóa sớm nhất ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu đều có nguồn gốc ở mãi xa ngoài vùng bờ đông Địa Trung Hải nơi chắc hẳn chúng đã được thuần hóa lần đầu tiên: cây ôliu, nho và vả xuất hiện ở phía tây Italia, Tây Ban Nha và Tây Bắc Phi, trong khi chà là trải dài ra toàn bộ Bắc Phi và Arập. Bốn loài này chắc chắn là những loài dễ thuần hóa nhất trong tất cả các loài cây ăn trái hoang dã. Tại sao các dân tộc bên ngoài vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu [vốn là nơi phát nguyên của chúng, ND] đã không thể tự thuần hóa chúng mà chỉ bắt đầu trồng sau khi chúng đã được thuần hóa ở vùng đông Địa Trung Hải rồi thì được du nhập như một loại cây trồng?

Những ví dụ nổi bật khác là các loài cây dại đã không được thuần hóa ở các khu vực nơi sản xuất lương thực đã không bao giờ xuất hiện một cách tự phát, cho dù các loài cây dại đó có những họ hàng gần gũi đã được thuần hóa ở nơi khác. Chẳng hạn, cây ôliu Olea europea đã được thuần hóa ở miền đông Địa Trung Hải. Có khoảng 40 loài ôliu khác ở châu Phi nhiệt đới và Nam Phi, Nam Á và Đông Australia, một số trong đó có liên quan gần gũi với Olea europea, nhưng chẳng một loài nào trong đó từng được thuần hóa. Tương tự, trong khi một loài táo dại và một loài nho dại đã được thuần hóa ở Âu-Á, còn có nhiều loài táo dại và nho dại khác ở Bắc Mỹ, một số trong đó vào thời hiện đại đã được lai ghép với các cây trồng phát sinh từ các loài cây dại Âu-Á có họ hàng với chúng nhằm cải thiện các giống này. Nếu vậy thì tại sao người châu Mỹ bản địa đã không tự mình thuần hóa những loài táo và nho dại rõ ràng là có ích kia?

Ta có thể tìm ra thêm nhiều ví dụ như vậy nữa. Nhưng có một khuyết điểm chết người trong cách lập luận này: thuần hóa cây trồng không đơn giản là chuyện những người săn bắt hái lượm thuần hóa một loài cây duy nhất rồi vẫn tiếp tục lối sống du cư của mình mà không thay đổi. Cứ giả thiết rằng táo dại Bắc Mỹ thực sự đã tiến hóa thành một loại cây trồng tuyệt diệu nếu như những người săn bắt hái lượm Anh-điêng đã chuyển sang định cư mà trồng nó. Thế nhưng, những người săn bắt hái lượm du cư sẽ chẳng vứt bỏ lối sống truyền thống, định cư thành làng mạc và bắt đầu chăm sóc vườn táo trừ phi còn có nhiều loại cây dại và thú hoang có thể thuần hóa khác đủ để khiến cho lối sống sản xuất lương thực định cư trở nên đáng chọn hơn lối sống săn bắt hái lượm.

Nói ngắn gọn, làm cách nào lượng giá được tiềm năng thuần hóa của toàn bộ hệ thực vật ở một khu vực? Đối với những người châu Mỹ bản địa đã không thuần hóa được cây táo dại Bắc Mỹ, vấn đề nằm ở bản thân những người Anh-điêng hay nằm ở loài táo nọ?

Để trả lời câu hỏi này, giờ ta sẽ so sánh ba khu vực nằm ở hai cực đối lập trong số các trung tâm thuần hóa độc lập. Như ta đã thấy, một trong các khu vực này, vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, có lẽ là trung tâm sản xuất lương thực sớm nhất trên thế giới, là nơi phát nguyên một số loại cây trồng chính và hầu như tất cả các loài vật thuần hóa chính của thế giới ngày nay. Hai khu vực khác, New Guinea và phía đông Hoa Kỳ, cũng đã thuần hóa các loại cây bản địa, nhưng các cây trồng này quá ít về chủng loại, chỉ một trong số đó đạt được tầm quan trọng ở quy mô thế giới, và lượng lương thực do các loại cây này cung cấp đã không thể hỗ trợ cho công nghệ và tổ chức chính trị của loài người có thể phát triển rộng hơn như ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu. Dưới ánh sáng của phép so sánh này, ta sẽ hỏi: Phải chăng hệ thực vật và môi trường của vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu có lợi thế rõ ràng so với của New Guinea và miền đông Hoa Kỳ?

Một trong các sự kiện trung tâm trong lịch sử loài người là tầm quan trọng từ xa xưa của khu vực Tây Nam Á, được gọi là Lưỡi liềm Phì nhiêu (do các vùng cao của nó có hình dáng như lưỡi liềm, xem Hình 8.1). Vùng này hình như là nơi đã diễn ra sớm nhất một loạt những phát triển bao gồm các thành phố, chữ viết, đế quốc, và cái mà ta gọi là nền văn minh (dù tốt dù xấu đi chăng nữa). Đến lượt mình những tiến triển này nảy sinh từ mật độ dân số cao, thặng dư lương thực và khả năng nuôi sống các chuyên gia không làm nông nghiệp nhờ có nền sản xuất lương thực dưới dạng canh tác cây trồng và chăn nuôi gia súc. Sản xuất lương thực là cách tân đầu tiên trong những cách tân quan trọng đã xuất hiện ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu. Vì thế, mọi nỗ lực hòng thấu hiểu cội nguồn của thế giới hiện đại đều phải gắn liền với câu hỏi: Tại sao các cây trồng và vật nuôi của Lưỡi liềm Phì nhiêu lại cho vùng này có một lợi thế ban đầu mạnh mẽ đến vậy.

May thay, trong các khu vực trên thế giới, Lưỡi liềm Phì nhiêu là khu vực được người ta nghiên cứu sâu rộng nhất và hiểu rõ nhất về sự phát sinh nông nghiệp. Đối với hầu hết các loại cây trồng đã được thuần hóa tại Lưỡi liềm Phì nhiêu hay gần đó, người ta đã xác định được loài cây dại tổ tiên; quan hệ gần gũi của nó với loại cây trồng đó đã được chứng minh bằng các nghiên cứu di truyền và nhiễm sắc thể; khu vực địa lý nơi nó mọc hoang người ta cũng đã biết; những biến đổi của nó trong quá trình thuần hóa đã được người ta xác định và hiểu rõ đến cấp độ từng gen một; những thay đổi đó có thể quan sát trong những tầng kế tiếp nhau tại các di chỉ khảo cổ; vị trí và thời điểm gần đúng của việc thuần hóa người ta cũng biết. Tôi không phủ nhận rằng các khu vực khác, đặc biệt là Trung Hoa, cũng có lợi thế để được xem là một khu vực thuần hóa sớm, nhưng đối với vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu các lợi thế ấy cùng những tiến triển của cây trồng từ đó mà ra có thể được xác định một cách chi tiết hơn nhiều.

Hình 8.1: Vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, bao gồm các địa điểm sản xuất lương thực từ trước 7.000 năm tr.CN

Một lợi thế của Lưỡi liềm Phì nhiêu là nó nằm giữa một vùng có khí hậu gọi là khí hậu Địa Trung Hải với đặc trưng là mùa đông dịu, ẩm, mùa hè dài, nóng và khô. Khí hậu ấy hợp với những loài cây có khả năng sống qua mùa khô kéo dài và mọc nhanh trở lại khi mùa mưa đến. Nhiều loài cây của Lưỡi liềm Phì nhiêu, nhất là các loài ngũ cốc và đậu, đã thích nghi theo cách khiến cho chúng hữu ích đối với con người: chúng là cây sống một năm, nghĩa là bản thân cây khô đi rồi chết vào mùa khô.

Trong cuộc đời dài vỏn vẹn một năm đó, các loài cây một năm không tránh khỏi chỉ là những loài cỏ nhỏ. Bù lại, nhiều loài dồn hầu hết năng lượng vào việc tạo ra những hạt to, các hạt này ngủ yên suốt mùa khô, đến khi mưa trở lại thì chúng đã sẵn sàng để nảy mầm. Vì vậy các loài cây một năm chẳng cần phí nhiều năng lượng để tạo ra lớp gỗ hay thân sợi không ăn được như các loài cây thân mộc và cây bụi. Nhưng nhiều loại hạt lớn kia, đặc biệt là các loại hạt ngũ cốc và hạt đậu sống một năm, con người lại ăn được. Chúng bao gồm 6 trong số 12 loại ngũ cốc chính của thế giới hiện đại. Ngược lại, nếu bạn sống gần rừng và nhìn ra cửa sổ, thì những loài cây mà bạn thấy thường là cây thân mộc và cây bụi, thân của hầu hết các cây trong số đó bạn không ăn được, và hầu hết các cây này dành rất ít năng lượng cho việc tạo ra hạt ăn được. Dĩ nhiên một số cây rừng tại các khu vực có khí hậu ẩm ướt cũng cho những hạt to ăn được, song các hạt này lại không được thích nghi để sống nổi qua mùa khô kéo dài nên con người cũng không thể lưu trữ chúng lâu dài.

Lợi thế thứ hai của hệ thực vật Lưỡi liềm Phì nhiêu là các loài cây dại tổ tiên của nhiều cây trồng Lưỡi liềm Phì nhiêu vốn đã dồi dào và có năng suất cao, lại mọc sum suê thành từng cụm khiến những người săn bắt hái lượm không thể nào không nhận ra giá trị của chúng. Các nghiên cứu thực nghiệm mà trong đó các nhà thực vật học thu hoạch hạt từ những cụm cây ngũ cốc mọc hoang đó - cũng như những người săn bắt hái lượm hẳn đã làm cách đây hơn 10.000 năm - cho thấy vào thời đó người ta đã có thể thu hoạch vụ mùa hằng năm lên tới gần một tấn hạt trên một hécta, cung cấp tới 50 Kcal năng lượng lương thực cho mỗi kilocalo đã tiêu thụ vào lao động. Bằng cách thu hoạch với số lượng lớn hạt ngũ cốc mọc hoang trong một thời gian ngắn khi hạt chín rồi đem về lưu trữ làm lương thực cho thời gian còn lại trong năm, một số dân tộc săn bắt hái lượm của vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu đã có thể sống định cư thành làng mạc ngay cả khi họ chưa bắt đầu trồng trọt.

Do các cây ngũ cốc Lưỡi liềm Phì nhiêu vốn đã có năng suất cao từ khi mọc hoang, nên người ta chỉ phải tiến hành thêm một ít thay đổi ở chúng khi đem trồng. Như ta đã đề cập trong chương trước, những thay đổi chủ yếu - sự phá vỡ cơ chế phát tán hạt tự nhiên và cơ chế kìm hãm việc nảy mầm - đã tiến hóa một cách tự động và nhanh chóng ngay khi con người bắt đầu gieo hạt ngoài đồng. Tổ tiên hoang dã của lúa mì và lúa mạch ngày nay trông giống bản thân các loại cây trồng này đến nỗi người ta chưa bao giờ phải hoài nghi về chuyện cây nào là tổ tiên đích thực. Nhờ dễ thuần hóa nên các loài cây sống một năm có hạt to là những loài cây trồng đầu tiên - hoặc nằm trong số những cây trồng đầu tiên - được phát triển không chỉ ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu mà cả ở Trung Hoa và vùng Sahel.

Ta hãy so sánh sự tiến hóa nhanh chóng này của lúa mì và lúa mạch với lịch sử cây ngô, cây ngũ cốc hàng đầu của Tân Thế giới. Tổ tiên của ngô có thể là một loài cây dại gọi là teosinte, trông khác với ngô về hạt và cấu trúc hoa đến nỗi có thật nó là tổ tiên của ngô hay không cũng đã là đề tài tranh cãi gay gắt giữa các nhà thực vật học suốt một thời gian dài. Những người săn bắt hái lượm hẳn đã không có ấn tượng gì về giá trị thực phẩm của teosinte: khi mọc hoang nó có năng suất thấp hơn tổ tiên cây lúa mì, nó cho ít hạt hơn nhiều so với cây ngô mà từ nó phát triển thành, hạt của nó lại còn bọc trong hàng lớp vỏ cứng không ăn được. Để trở thành một cây trồng có ích, teosinte đã phải trải qua những thay đổi triệt để về cơ chế sinh sản, nhằm nâng cao phần đầu tư vào hạt [để cho nhiều hạt hơn - ND] và loại bỏ lớp vỏ cứng như đá bọc ngoài hạt đi. Các nhà khảo cổ vẫn đang tranh luận sôi nổi xem tại sao người ta đã phải mất tới nhiều thế kỷ hay thậm chí nhiều thiên niên kỷ phát triển cây trồng ở châu Mỹ để những lõi ngô cổ đại có thể tiến hóa từ kích thước nhỏ xíu thành bằng ngón tay cái của người, nhưng dường như có một điều khá rõ: phải mất thêm vài ngàn năm nữa chúng mới đạt tới kích thước như hiện nay. Sự tương phản đó giữa những phẩm chất nhìn thấy được của lúa mì và lúa mạch với những khó khăn do cây teosinte gây ra có thể đã là một nhân tố quan trọng dẫn đến sự phát triển khác nhau đến vậy giữa các xã hội loài người ở Tân Thế giới và ở Âu-Á.

Một lợi thế thứ ba của hệ thực vật vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu là nó bao gồm một bột phận lớn những loài "bán lưỡng tính" (tạm dịch từ "hermaphroditic selfer" - ND), nghĩa là những loài cây thường tự mình thụ phấn nhưng thỉnh thoảng cũng thụ phấn chéo. Hãy nhớ lại rằng hầu hết cây dại đều hoặc là những loài lưỡng tính thụ phấn chéo, hoặc bao gồm cá thể đực và cá thể cái và hai cá thể này luôn luôn phải cần đến nhau mới có thể thụ phấn. Những cơ chế sinh sản này đã khiến những nhà nông cổ đại ngán ngẩm bởi vì ngay khi họ xác định được một cây biến dị có thể cho năng suất cao thì con của nó có thể lại giao phối chéo với những cá thể cây khác và đánh mất lợi thế di truyền của mình. Hệ quả là, hầu hết cây trồng đều thuộc số ít những loài cây dại hoặc vốn là cây lưỡng tính tự thụ phấn hoặc sinh sản phi giới tính bằng cách sinh dưỡng (chẳng hạn bằng rễ, vốn là bản sao di truyền của cây bố mẹ). Như vậy, đa số các cây bán lưỡng tính trong hệ thực vật Lưỡi liềm Phì nhiêu đã hỗ trợ những nhà nông đầu tiên, bởi điều đó có nghĩa là một tỷ lệ lớn các loài thực vật hoang đã có sẵn cơ chế sinh sản thuận lợi cho con người.

Cây bán lưỡng tính cũng thuận lợi cho các nhà nông cổ đại ở chỗ đôi khi chúng lại trở thành thụ phấn chéo, tạo ra những giống mới mà người ta có thể chọn lựa. Sự thụ phấn chéo này xảy ra không chỉ giữa các cá thể cùng loài mà cả giữa các loài có họ hàng với nhau để cho ra những cá thể lai giữa các loài. Một giống lai như vậy trong số các cây bán lưỡng tính của Lưỡi liềm Phì nhiêu, cây lúa mì, đã trở thành loại cây trồng có giá trị nhất trên thế giới ngày nay.

Trong số tám loại cây trồng quan trọng đầu tiên đã được thuần hóa ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, tất cả là cây bán lưỡng tính. Trong ba loài ngũ cốc bán lưỡng tính trong số đó - lúa mì einkorn, lúa mì emmer và lúa mạch - các cây lúa mì còn có một lợi thế nữa là hàm lượng protein cao, tới 8-14%. Ngược lại, các cây ngũ cốc quan trọng nhất ở Đông Á và Tân Thế giới - lần lượt là lúa gạo và ngô - có hàm lượng protein thấp hơn, từ đó nảy sinh những vấn đề quan trọng về dinh dưỡng.

Đó là một số lợi thế mà hệ thực vật của vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu cung hiến cho các nhà nông đầu tiên: nó bao gồm một tỷ lệ cao bất thường những loài cây dại thích hợp cho thuần hóa. Tuy nhiên, vùng khí hậu Địa Trung Hải của Lưỡi liềm Phì nhiêu trải rộng về phía tây qua phần lớn Nam Âu và Tây Bắc Phi. Cũng có cả những vùng với khí hậu tương tự như Địa Trung Hải ở những phần khác trên thế giới: California, Chile, tây nam Australia và Nam Phi (Hình 8.2). Thế nhưng, những vùng khí hậu Địa Trung Hải khác không những không cạnh tranh nổi với Lưỡi liềm Phì nhiêu trong việc trở thành nơi phát nguyên đầu tiên của sản xuất lương thực, các vùng đó thậm chí còn chẳng bao giờ sinh ra nổi một nền nông nghiệp bản địa. Cái vùng khí hậu Địa Trung Hải ở miền tây lục địa Âu-Á đó đã có lợi thế đặc biệt nào vậy?

Thì ra là vùng ấy, đặc biệt là ở chính khu vực Lưỡi liềm Phì nhiêu kia, có ít nhất năm lợi thế so với các vùng có khí hậu Địa Trung Hải khác. Trước hết, phía tây Âu-Á có vùng khí hậu Địa Trung Hải rộng lớn nhất so với mọi vùng khác trên thế giới. Hệ quả là nó có độ đa dạng cao nhất về các loài cây và động vật hoang dã, cao hơn so với các vùng khí hậu Địa Trung Hải tương đối nhỏ như tây nam Australia và Chile. Thứ hai, trong số các vùng khí hậu Địa Trung Hải, miền tây Âu-Á có sự biến động khí hậu lớn nhất từ mùa này qua mùa khác, từ năm này qua năm khác. Sự biến động này khiến cho, trong hệ thực vật của vùng, những loài cây sống một năm chiếm tỷ lệ đặc biệt cao. Sự kết hợp giữa hai nhân tố này - sự đa dạng loài và tỷ lệ cao các loài cây sống một năm - khiến cho vùng khí hậu Địa Trung Hải phía tây Âu-Á là vùng có sự đa dạng cao nhất về các loài cây một năm.

Hình 8.2: Các vùng khí hậu Địa Trung Hải trên thế giới

Tầm quan trọng của sự phong phú về thực vật đó đối với con người được minh họa bởi các nghiên cứu của Mark Blumler về sự phân bố các loài cỏ dại. Trong số hàng ngàn loài cỏ dại trên thế giới, Blumler đã phân loại 56 loài có hạt to nhất, "tinh hoa" của các loài cây trong thiên nhiên: ấy là các loài cỏ có hạt nặng hơn ít nhất 10 lần so với các loài cỏ trung bình (xem Bảng 8.1). Hầu như tất cả các loài này đều là cây bản địa ở các vùng khí hậu Địa Trung Hải hoặc các môi trường khô ráo theo mùa khác. Hơn nữa, chúng tập trung hầu hết ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu hoặc các bộ phận khác của vùng khí hậu Địa Trung Hải ở phía tây Âu-Á, khiến cho các nhà nông sơ khai có thể tha hồ lựa chọn: khoảng 32 trong số 56 loài cỏ dại có giá trị trên thế giới! Đặc biệt, lúa mạch và lúa mì emmer, hai loại cây trồng quan trọng đầu tiên của vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, đứng thứ 3 và thứ 13 về kích thước hạt trong số 56 loài hàng đầu này. Ngược lại, vùng khí hậu Địa Trung Hải ở Chile chỉ đóng góp hai trong số các loài trên, California và Nam Phi mỗi vùng chỉ có một còn tây nam Australia thì chẳng có loài nào. Nội một điều đó cũng đã lý giải được khá nhiều điều về tiến trình của lịch sử loài người.

Lợi thế thứ ba của vùng khí hậu Địa Trung Hải thuộc Lưỡi liềm Phì nhiêu là nó có nhiều độ cao và địa hình khác nhau trong một cự ly ngắn. Nhờ có nhiều độ cao khác nhau, từ điểm thấp nhất trên Trái đất (Biển Chết) đến các ngọn núi cao 18.000 bộ (khoảng 5.500 m - ND) gần Teheran nên vùng này cũng có nhiều môi trường khác nhau tương ứng, từ đó có sự đa dạng cao về các loài cây dại có khả năng làm tổ tiên cho cây trồng. Những ngọn núi này nằm gần những vùng đất thấp thoai thoải có sông, những bình nguyên ngập nước và các sa mạc thích hợp cho nông nghiệp tưới tiêu. Ngược lại, các vùng Địa Trung Hải ở tây nam Australia và, ở mức độ thấp hơn là Nam Phi và Tây Âu, có sự đa dạng thấp hơn về độ cao, địa hình và môi trường sống.

Bảng 8.1. Sự phân bố các loài thân thảo có hạt lớn trên thế giới

Khu vực

Số lượng loài

Tây Phi, châu Âu, Bắc Phi

33

+ Vùng Địa Trung Hải

32

+ Anh

1

Đông Á

6

Châu Phi hạ Sahara

4

Châu Mỹ

11

+ Bắc Mỹ

4

+ Trung Mỹ

5

+ Nam Mỹ

2

Bắc Australia

2

Cộng:

56

Bảng 12.1 trong luận văn tiến sĩ của Mark Blumler, "Trọng lượng hạt và môi trường trong các vùng đất mọc cây thân thảo thuộc loại hình Địa Trung Hải ở California và Israel" (Đại học California, Berkeley, 1992) liệt kê 56 loài cây thân thảo có hạt nặng nhất (ngoại trừ tre) mà người ta hiện có dữ liệu. Trọng lượng hạt ở các loài này thay đổi từ 10 mg đến trên 40 mg, lớn hơn khoảng 10 lần so với trị số trung bình của tất cả các loài thân thảo trên thế giới. 56 loài này gộp lại chưa bằng 1% tổng số các loài thân thảo trên thế giới. Bảng này cho thấy các loài thân thảo quý giá này đại đa số tập trung ở vùng Địa Trung Hải thuộc phía tây lục địa Âu-Á.

Sự đa dạng về độ cao của Lưỡi liềm Phì nhiêu khiến cho mùa thu hoạch không đồng nhất: cây trồng ở nơi cao hơn cho hạt muộn hơn một chút so với cây trồng ở nơi thấp hơn. Hệ quả là, những người săn bắt hái lượm có thể leo lên triền núi để thu hoạch hạt khi hạt chín chứ không bị "ngợp" do vụ mùa cần thu hoạch tập trung vào cùng một thời điểm ở cùng một độ cao bởi toàn bộ hạt chín cùng một lúc. Khi người ta bắt đầu biết trồng trọt, các nông dân đầu tiên chỉ việc đem hạt các cây ngũ cốc hoang - vốn mọc trên các sườn đồi và phụ thuộc vào mưa khi có khi không - trồng vào các thung lũng ẩm ướt để hạt có thể cầm chắc mọc được mà không quá lệ thuộc vào mưa.

Sự đa dạng sinh học của Lưỡi liềm Phì nhiêu trong những cự ly nhỏ còn mang lại một lợi thế thứ tư, ấy là sự phong phú không chỉ của các loài cây có giá trị mà cả các loài thú lớn được thuần hóa. Như ta sẽ thấy, ở các vùng khí hậu Địa Trung Hải tại California, Chile, tây nam Australia và Nam Phi chỉ có ít hoặc không hề có loài hữu nhũ lớn nào thích hợp cho thuần hóa. Ngược lại, bốn loài hữu nhũ lớn - dê, cừu, lợn và bò - đã được thuần hóa từ rất sớm ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, có thể là sớm hơn bất cứ loài vật nào khác trừ chó vốn đã được thuần hóa ở những nơi khác trên thế giới. Các loài này đến nay vẫn là bốn trong số năm loài hữu nhũ được thuần hóa quan trọng nhất của thế giới (Chương 9). Nhưng tổ tiên hoang dã của chúng từng phổ biến nhất ở những vùng khác nhau chút ít của Lưỡi liềm Phì nhiêu, hệ quả là bốn loài này được thuần hóa ở bốn nơi khác nhau: cừu có lẽ được thuần hóa ở vùng trung tâm, dê hoặc ở phần phía đông nơi cao độ lớn hơn (vùng núi Zagros của Iran) hoặc phần tây nam (vùng Levant), lợn ở phần bắc-trung, còn bò thì ở phần phía tây kể cả Anatolia. Tuy nhiên, mặc dù những khu vực nơi có nhiều bốn loài hoang dã này là khác nhau như vậy, nhưng cả bốn đều sống khá gần nhau đủ để có thể được chuyển từ phần này của Lưỡi liềm Phì nhiêu sang phần nọ sau khi chúng được thuần hóa, hệ quả là toàn bộ Lưỡi liềm Phì nhiêu rốt cuộc đều có cả bốn loài.

Nền nông nghiệp được khởi đầu ở Lưỡi liềm Phì nhiêu từ việc thuần hóa từ sớm tám loài cây trồng được mệnh danh là "cây trồng sáng lập" (bởi chúng đã sáng lập nền nông nghiệp trong khu vực này và có thể cả trên toàn thế giới). Tám loài sáng lập này là các cây ngũ cốc gồm lúa mì emmer, lúa mì einkorn và lúa mạch; các loài họ đậu gồm đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu chickpea và đậu tằm, và cây cho sợi là cây lanh. Trong tám loài này, chỉ hai loài là cây lanh và lúa mạch có mọc trong tự nhiên ở nhiều khu vực ngoài Lưỡi liềm Phì nhiêu và Anatolia. Hai trong các loài sáng lập này có phạm vi mọc rất hạn chế trong tự nhiên, như chickpea chỉ mọc ở tây nam Thổ Nhĩ Kỳ còn lúa mì emmer chỉ bó hẹp ở chính vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu. Như vậy, nông nghiệp có thể phát sinh ở Lưỡi liềm Phì nhiêu từ việc thuần hóa các loài cây dại có sẵn trong khu vực chứ không phải đợi đến khi du nhập các loại cây trồng xuất thân từ những loài cây dại ở nơi khác. Ngược lại, hai trong số các loài sáng lập này không thể được thuần hóa ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới ngoại trừ Lưỡi liềm Phì nhiêu bởi ngay trong tự nhiên chúng cũng chẳng mọc ở nơi nào khác.

Nhờ có sẵn các loài cây dại và thú hoang thích hợp, các dân tộc cổ xưa của vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu đã có thể nhanh chóng có được một hành trang sinh học mạnh mẽ và cân đối để có thể tiến hành sản xuất lương thực thâm canh. Tập hợp này bao gồm ba loài ngũ cốc làm nguồn chính cung cấp cácbon hydrat, bốn loài đậu chứa 20-25% protein và bốn loài gia súc làm nguồn cung cấp protein chính, ngoài ra còn có hàm lượng protein dồi dào của lúa mì, và cây lanh làm nguồn cung cấp sợi và dầu (được gọi là dầu hạt lanh; hạt lanh chứa khoảng 40% dầu). Rốt cuộc, hàng ngàn năm sau khi con người bắt đầu thuần hóa thú vật và tiến hành sản xuất lương thực, các loài vật cũng bắt đầu được sử dụng để lấy sữa, len, làm vật kéo cày và vận chuyển. Như vậy, các cây trồng và vật nuôi của các nông dân đầu tiên ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu đã đáp ứng được các nhu cầu kinh tế cơ bản của con người: cácbon hydrat, protein, chất béo, quần áo, sức kéo và vận chuyển.

Lợi thế cuối cùng để sản xuất lương thực ra đời sớm ở Lưỡi liềm Phì nhiêu, ấy là tại vùng này sản xuất lương thực ít phải cạnh tranh hơn với lối sống săn bắt hái lượm so với ở một số vùng khác kể cả phía tây Địa Trung Hải. Tây Nam Á ít có sông lớn và chỉ có một bờ biển ngắn nên tài nguyên biển tương đối nghèo nàn (dưới dạng cá và sò ốc sông và ven biển). Một trong các loài hữu nhũ quan trọng bị săn để lấy thịt, loài linh dương, ban đầu từng sống thành từng đàn rất lớn nhưng vì bị loài người ngày càng đông săn bắn quá mức nên chỉ còn lại rất ít ỏi. Vì vậy lối sống sản xuất lương thực đã nhanh chóng trở nên ưu việt so với lối sống săn bắt hái lượm. Các làng mạc định cư dựa trên ngũ cốc đã hiện diện từ trước khi nền sản xuất lương thực phát sinh, khiến những người săn bắt hái lượm đó cũng chuyển sang trồng trọt và chăn nuôi. Ở Lưỡi liềm Phì nhiêu, việc chuyển tiếp từ săn bắt hái lượm sang sản xuất lương thực diễn ra tương đối nhanh: đến mãi 9.000 năm tr.CN người ta vẫn chưa có loại cây trồng hay vật nuôi nào mà vẫn lệ thuộc hoàn toàn vào lương thực hoang dã, nhưng đến 6.000 năm tr.CN một số xã hội ở đây đã hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào cây trồng và vật nuôi.

Tình hình ở Trung Mỹ tương phản mạnh mẽ với Lưỡi liềm Phì nhiêu: khu vực này chỉ cung cấp hai loài vật có thể thuần hóa (gà tây và chó), thịt hai loài này có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn nhiều so với bò, cừu, dê và lợn; còn ngô, loài cây cho hạt chính của Trung Mỹ, thì như tôi đã nói, khó thuần hóa và hẳn cũng phát triển chậm. Hệ quả là việc thuần hóa hẳn chỉ bắt đầu ở Trung Mỹ không sớm hơn khoảng 3.500 năm tr.CN (niên đại này vẫn chưa có gì chắc chắn); những phát triển đầu tiên đó đã được tiến hành bởi những người vốn vẫn đang là dân săn bắt hái lượm du cư; và mãi đến khoảng 1.500 tr.CN làng mạc định cư mới xuất hiện ở vùng này.

Trong phần bàn đến các lợi thế của Lưỡi liềm Phì nhiêu để sản xuất lương thực có thể sớm phát sinh, ta chưa nhắc đến những lợi thế mà người ta cho rằng nằm ở bản thân các dân tộc Lưỡi liềm Phì nhiêu. Sự thực là, tôi không biết có ai lại nghiêm túc đề xuất ý tưởng rằng những dân tộc sống ở khu vực này có những đặc tính sinh học khác biệt [và chính các đặc tính này đã] góp phần vào việc họ có hành trang sản xuất lương thực hùng hậu đến thế. Thay vì vậy, chúng ta đã thấy rằng những đặc tính khác biệt của khí hậu, môi trường, cây dại và thú hoang dã ở Lưỡi liềm Phì nhiêu chính là lời giải thích đầy thuyết phục cho điều đó.

Nền sản xuất lương thực phát sinh độc lập ở New Guinea và miền đông Hoa Kỳ kém tiềm năng hơn rất nhiều (chỉ có một ít loài cây trồng và vật nuôi kém giá trị, ND), vậy thì có phải nguyên nhân nằm ở bản thân các dân tộc sống tại các vùng đó không? Tuy nhiên, trước khi quay lại các khu vực đó, ta cần phải xét hai câu hỏi liên quan nảy sinh đối với bất cứ khu vực nào trên thế giới nơi sản xuất lương thực đã không bao giờ phát triển hoặc nếu có thì cũng với một hành trang yếu kém hơn nhiều. Trước hết, liệu những người săn bắt hái lượm và nông dân sơ khai có thực sự biết rõ tất cả các loài cây dại có sẵn nơi mình sống và công dụng của chúng không, hay liệu họ đã không biết mà bỏ qua một số loài vốn có thể là tổ tiên của những loại cây trồng có giá trị? Thứ hai, nếu họ biết rõ các loài cây dại và thú hoang bản địa, liệu họ có tận dụng cái tri thức đó để thuần hóa những loài hữu ích nhất sẵn có không, hay những nhân tố văn hóa đã khiến họ không làm vậy?

Về vấn đề thứ nhất, có cả một ngành khoa học gọi là sinh-dân tộc học (ethnobiology) chuyên nghiên cứu tri thức của các dân tộc về các loài cây dại và thú hoang trong môi trường của mình. Các nghiên cứu này đặc biệt tập trung vào một số ít các dân tộc vẫn còn theo lối sống săn bắt hái lượm trên thế giới, cũng như các dân tộc tuy làm nông nhưng vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào lương thực hoang dã và các sản phẩm tự nhiên. Nhìn chung, các nghiên cứu này thường chỉ ra rằng những người này là những cuốn bách khoa từ điển sống về lịch sử tự nhiên, họ có từ riêng (trong ngôn ngữ bản địa của mình) để gọi từng loài một trong số hàng ngàn hay hơn nữa các loài cây và thú, họ hiểu biết chi li tường tận về đặc tính sinh học, sự phân bố và công dụng tiềm tàng của các loài đó. Do các dân tộc ngày càng lệ thuộc vào cây trồng và vật nuôi thuần hóa, nên cái tri thức truyền thống này dần dần mất đi giá trị và bị mai một, cho đến khi người ta biến thành một kẻ hiện đại chỉ biết mua hàng siêu thị mà ngay chuyện cây lúa dại khác cây đậu dại thế nào cũng không phân biệt nổi.

Sau đây là một ví dụ điển hình. Trong 33 năm qua, khi tiến hành nghiên cứu sinh học ở New Guinea, tôi vẫn thường dành thời gian nghiên cứu thực địa cùng những người bạn đồng hành New Guinea vốn vẫn còn sử dụng rộng rãi các loài cây dại và thú hoang. Một hôm nọ, khi tôi cùng các bạn đồng hành thuộc bộ lạc Foré đang bị đói trong rừng rậm bởi một bộ lạc khác đang phong tỏa đường trở về căn cứ tiếp tế của chúng tôi, một người Foré trở về trại mang theo một ba lô ních đầy nấm mà anh ta đã tìm được rồi bắt tay nướng nấm. Rốt cuộc cũng được ăn tối! Nhưng khi đó tôi lại đâm lo ngay ngáy: nhỡ ra nấm độc thì sao?

Tôi kiên nhẫn giải thích với các bạn đồng hành người Foré của tôi, rằng tôi đã đọc trong sách rằng có một số loài nấm độc, rằng tôi nghe nói thậm chí cả một nhà sưu tập nấm người Mỹ đã chết vì rất khó phân biệt nấm lành với nấm độc, và rằng mặc dù chúng ta đang đói thì cũng không đáng liều mạng như vậy. Nghe đến đó các bạn tôi liền nổi xung, bảo tôi im đi mà lắng nghe họ giải thích đôi điều cho tôi thủng ra. Sau khi đã quay họ suốt cả năm trời về tên của hàng trăm loài cây cối cùng chim chóc, tại sao tôi còn dám xúc phạm họ khi cho rằng họ không biết đặt tên riêng cho từng loài nấm một? Chỉ có người Mỹ mới ngu dại đến mức lẫn lộn nấm độc với nấm lành mà thôi. Họ cứ thế giảng cho tôi nghe về 29 loài nấm ăn được, tên của mỗi loài trong ngôn ngữ Foré, và có thể tìm ra từng loài ở đâu trong rừng. Loài này tên là tánti, mọc trên cây, rất ngon và hoàn toàn ăn được.

Bất cứ lúc nào tôi mang những người New Guinea cùng tôi đến những vùng khác trên hòn đảo, họ thường xuyên nói về những loài cây và thú địa phương với những người New Guinea khác mà họ gặp, và họ thu nhặt những loài cây có thể có ích đặng mang về nhà trồng thử. Kinh nghiệm của tôi với người New Guinea cũng tương đương với kinh nghiệm của các nhà sinh-dân tộc học khi nghiên cứu các dân tộc truyền thống khác ở những nơi khác. Tuy nhiên, tất cả các dân tộc đó ít nhất cũng phần nào có sản xuất lương thực, hoặc là tàn dư của những xã hội săn bắt hái lượm trước kia mà nay đã một phần chuyển qua nông nghiệp. Tri thức về các loài hoang dã [ở loài người] thậm chí hẳn đã từng chi tiết hơn nhiều trước khi phát sinh nền sản xuất lương thực, khi tất cả mọi người trên Trái đất vẫn còn phải dựa hoàn toàn vào các loài hoang dã để có cái ăn. Những nhà nông đầu tiên là kẻ thừa kế tri thức đó, cái tri thức tích lũy qua hàng vạn năm quan sát tự nhiên bởi những con người tuy hiện đại về mặt sinh học nhưng sống một cách phụ thuộc mật thiết vào thế giới tự nhiên. Vì vậy thật khó mà có chuyện có một loài hoang dã mang giá trị tiềm tàng nào mà các nhà nông đầu tiên lại đã bỏ qua.

Câu hỏi liên quan khác là liệu những người săn bắt hái lượm và nông dân cổ đại có cùng vận dụng tri thức sinh-dân tộc học của mình một cách như nhau trong việc chọn các loài cây hoang để thu hoạch và cuối cùng là để trồng? Có một thử nghiệm ở di chỉ khảo cổ tại triền Thung lũng Euphrates ở Syria, gọi là Tell Abu Hureyra. Trong khoảng từ 10.000 năm đến 9.000 năm tr.CN, những người sống ở đó có thể đã định cư quanh năm thành làng mạc, nhưng họ vẫn là những người săn bắt hái lượm; phải đến thiên niên kỷ sau đó họ mới bắt đầu trồng trọt. Các nhà khảo cổ Gordon Hillman, Susan Colledge và David Harris đã khai quật được số lượng lớn các loài cây bị đốt thành than ở di chỉ này, hẳn là rác còn lại của những loài cây dại được cư dân từng sống ở di chỉ này thu thập từ nơi khác mang về. Các nhà khoa học đã phân tích trên 700 mẫu vật, mỗi mẫu chứa trung bình trên 500 hạt giống có thể nhận diện được thuộc trên 70 loài cây. Thì ra các dân làng xưa kia vẫn thường thu hoạch rất nhiều (157 loài!) cây khác nhau mà ta có thể nhận diện qua các hạt bị đốt thành than, ấy là chưa kể những loài cây khác mà ngày nay không thể nhận diện được.

Có phải những dân làng ngây thơ đó đã mang bất cứ loài cây có hạt nào tìm được về nhà, tự đầu độc mình bằng hầu hết các loài trong số đó và chỉ một ít loài trong số đó là ăn được? Không, họ không ngu đến thế. Thoạt nghe 157 loài thì ngỡ như họ đã bạ gì nhặt nấy không phân biệt, nhưng thật ra nhiều loài khác mọc hoang trong tự nhiên đã không có mặt trong các tàn tích bị đốt thành than kia. 157 loài được chọn có thể chia làm ba loại. Nhiều loại có hạt không độc và có thể ăn ngay. Những loài khác như cây đậu và thành viên của họ mù tạc thì hạt có chất độc, nhưng loại bỏ chất độc này ra cũng dễ, hạt còn lại vẫn ăn được. Một số hạt thuộc các loài thường được dùng để lấy chất nhuộm hay làm thuốc. Nhiều loài cây dại không có mặt trong 157 loài được chọn này là những loài hoặc không có ích gì hoặc có hại cho người, trong đó có tất cả các loài có hạt độc nhất trong môi trường.

Như vậy, những người săn bắt hái lượm ở Tell Abu Hureyra đã không phí thì giờ và không tự làm hại mình bằng cách thu thập đủ thứ cây dại mà không hề phân biệt. Thay vì vậy, rõ ràng họ biết rõ các loài cây dại chẳng kém gì những người New Guinea hiện đại, và họ đã dùng tri thức đó để chọn đem về nhà chỉ những loài cây có hạt hữu ích nhất mà thôi. Nhưng các hạt được thu thập này hẳn đã là chất liệu cho những bước vô thức đầu tiên đi đến chỗ thuần hóa các loài cây.

Một ví dụ khác của tôi về việc các dân tộc cổ đại ắt đã dùng tri thức sinh-dân tộc học của mình một cách có hiệu quả, ấy là Thung lũng Jordan vào thiên niên kỷ thứ chín tr.CN, thời kỳ các loại cây trồng sớm nhất được canh tác ở đó. Các loài ngũ cốc được thuần hóa sớm nhất của khu vực này là lúa mạch và lúa mì emmer mà đến ngày nay vẫn nằm trong số những cây trồng có năng suất cao nhất trên thế giới. Nhưng, cũng như ở Tell Abu Hureyra, hàng trăm loài cây dại có hạt ắt cũng đã mọc ở đó, và một trăm loài hoặc hơn hẳn là ăn được và từng được con người thu hoạch từ trước khi việc thuần hóa cây trồng bắt đầu. Vậy lúa mạch và lúa mì emmer có gì đặc biệt để trở thành những loài cây đầu tiên được thuần hóa? Có phải những nhà nông đầu tiên ở Thung lũng Jordan là những tay ngu dốt không hề biết mình đang làm gì? Hay lúa mạch và lúa mì emmer quả thật là những cây ngũ cốc dại tốt nhất mọc trong vùng mà họ có thể chọn được?

Hai nhà khoa học Israel, Ofer Bar-Yosef và Mordechai Kislev, đã giải quyết vấn đề này bằng cách khảo sát những loài cỏ dại vẫn còn mọc hoang ở thung lũng đó ngày nay. Bỏ qua một bên các loài có hạt quá nhỏ hoặc không ăn được, họ chọn ra 23 loài cỏ dại có hạt lớn nhất và ăn được nhất. Chẳng có gì lạ rằng lúa mạch và lúa mì emmer có tên trong danh sách 23 loài đó.

Nhưng bảo rằng 21 loài còn lại hẳn cũng có ích như vậy thì không đúng. Trong 23 loài, lúa mạch và lúa mì emmer tỏ ra là tốt nhất theo nhiều tiêu chí. Lúa mì emmer có hạt to nhất, lúa mạch có hạt to nhì. Ngoài hoang dã, lúa mạch là một trong bốn loài mọc dồi dào nhất trong 23 loài, lúa mì emmer thì có độ dồi dào trung bình. Lúa mạch có thêm lợi thế nữa là hệ di truyền và hình thái của nó cho phép nhanh chóng phát triển những biến đổi có ích cho con người ở cơ chế phát tán hạt và cơ chế ngăn chặn nảy mầm mà ta đã bàn ở chương trước. Bù lại, lúa mì emmer lại có những phẩm chất khác: loài này có thể thu hoạch hữu hiệu hơn lúa mạch, nó lại chẳng giống loài ngũ cốc nào khác ở chỗ hạt không dính vào vỏ. Còn về 21 loài kia, nhược điểm của chúng là hạt nhỏ, trong nhiều trường hợp là ít ỏi hơn, trong một số trường hợp do chúng là cây nhiều năm chứ không phải cây một năm, hậu quả là nếu được thuần hóa chúng sẽ biến đổi rất chậm.

Vậy là, những nhà nông đầu tiên ở Thung lũng Jordan đã chọn chính 2 loài tốt nhất trong số 23 loài cỏ dại có sẵn trong vùng. Dĩ nhiên, các thay đổi tiến hóa (do được trồng) ở cơ chế phát tán hạt và ngăn chặn nảy mầm hẳn là những hệ quả không thể tiên liệu được của những gì các nhà nông đầu tiên đó đã làm. Nhưng việc họ ngay từ đầu đã chọn thu hoạch lúa mạch và lúa mì emmer chứ không phải loài ngũ cốc nào khác mang về nhà trồng cho thấy rằng hẳn là họ làm vậy một cách có ý thức, dựa trên những tiêu chí dễ dàng nhận thấy là kích thước hạt, ăn được và năng suất cao.

Ví dụ này về thung lũng Jordan, giống như ví dụ về Tell Abu Hureyra, cho thấy các nhà nông đầu tiên đã dùng tri thức chi tiết về các loài bản địa sao cho có lợi cho mình. Biết rõ các loài cây bản địa hơn hầu hết các nhà thực vật học chuyên nghiệp hiện đại, chắc hẳn họ hầu như đã chẳng hề bỏ sót không trồng bất cứ loài cây dại có ích nào tương đối thích hợp cho việc thuần hóa.

Giờ ta có thể khảo sát xem các nông dân bản địa, ở hai phần của thế giới (New Guinea và miền đông Hoa Kỳ), vốn đã có những hệ thống sản xuất lương thực nảy sinh tự phát nhưng rõ ràng còn khiếm khuyết so với hệ tương tự của Lưỡi liềm Phì nhiêu, đã làm gì khi có các loại cây trồng năng sản hơn du nhập từ nơi khác đến. Nếu những loại cây trồng đó không được họ tiếp thu vì những lý do văn hóa hay lý do gì khác, chúng ta vẫn sẽ còn đó một tồn nghi lớn. Mặc cho tất cả những lập luận của chúng ta từ trước đến giờ, ta vẫn cứ phải đặt nghi vấn rằng hệ thực vật hoang dã bản địa vẫn có một loại cây dại lẽ ra có thể là tổ tiên cho một cây trồng có giá trị, nhưng các nông dân bản địa đã không khai thác được nó vì những nhân tố văn hóa tương tự. Hai ví dụ này cũng sẽ minh họa chi tiết một sự kiện trọng yếu trong lịch sử: rằng những loại cây từ những phần khác nhau trên thế giới không hẳn là đều năng sản như nhau.

New Guinea, hòn đảo lớn nhất thế giới sau Greenland, nằm ngay ở phía bắc Australia và gần xích đạo. Bởi vị trí ở vùng nhiệt đới và sự đa dạng cao về địa hình và môi trường sống, New Guinea phong phú cả các loài cây cỏ lẫn động vật, tuy không phong phú bằng các khu vực nhiệt đới ở lục địa bởi đây là một hòn đảo. Người ta đã sinh sống ở New Guinea ít nhất là 40.000 năm nay, lâu hơn nhiều so với ở châu Mỹ và cũng lâu hơn chút ít so với những người hiện đại theo nghĩa giải phẫu học từng sống ở Tây Âu. Như vậy người New Guinea đã có khối cơ hội để hiểu biết tường tận hệ thực vật và động vật ở nơi mình sống. Liệu họ có cảm thấy cần áp dụng tri thức đó vào việc phát triển nền sản xuất lương thực hay không?

Tôi đã nhắc rằng để người ta tiếp thu sản xuất lương thực, [trước hết phải] diễn ra sự cạnh tranh giữa lối sống sản xuất lương thực với lối sống săn bắt hái lượm. Lối sống săn bắt hái lượm ở New Guinea không hữu hiệu đến mức khiến người ta mất đi động lực phát triển nền sản xuất lương thực. Đặc biệt, những thợ săn New Guinea hiện đại còn phải chịu một bất lợi lớn là sự khan hiếm thú săn: không có con thú đất liền bản địa nào lớn hơn loài chim không biết bay nặng 100 cân Anh (con cassowary) và con kanguru nặng 50 cân Anh. Những người New Guinea sống ở vùng đất thấp ven biển có thể kiếm được nhiều cá và sò ốc, một số người dân vùng đất thấp trong nội địa đến nay vẫn còn săn bắt hái lượm, sống được chủ yếu nhờ cây cọ sago mọc hoang. Nhưng không một dân tộc nào còn sống theo lối săn bắt hái lượm trên vùng cao ở New Guinea; thay vì vậy tất cả người dân vùng cao New Guinea ngày nay đều làm nông, chỉ dùng lương thực hoang dã để bổ sung thêm vào thực đơn hằng ngày. Khi dân vùng cao vào rừng để đi săn, họ vẫn mang theo rau trồng ở nhà để ăn. Nếu chẳng may hết cái ăn dự trữ đó thì ngay cả họ cũng sẽ chết đói dù họ biết rõ từng li từng tí các lương thực hoang dã có trong vùng. Bởi lối sống săn bắt hái lượm không còn đứng vững được ở phần lớn New Guinea hiện nay, nên chẳng có gì lạ rằng tất cả dân vùng cao và hầu hết dân vùng thấp New Guinea ngày nay là những nhà nông định cư có những hệ thống sản xuất lương thực tinh vi. Những khu đất rộng trước kia là rừng trên vùng cao đã được các nông dân New Guinea truyền thống chuyển thành những hệ thống đồng ruộng có hàng rào, được tưới tiêu, thâm canh hầu nuôi sống những cộng đồng dân cư đông đúc.

Bằng chứng khảo cổ cho thấy nguồn gốc của nền nông nghiệp New Guinea là rất cổ, niên đại khoảng 7.000 năm tr.CN. Vào các niên đại sớm đó, toàn bộ đất liền quanh New Guinea hãy còn do những người săn bắt hái lượm sinh sống, cho nên nền nông nghiệp cổ này ắt đã được phát triển một cách độc lập ở New Guinea. Tuy người ta chưa phục hồi được di tích chắc chắn về cây trồng ở các cánh đồng cổ đại đó, nhưng ắt hẳn các loài cây đó bao gồm cũng một số loại cây trồng vẫn được trồng ở New Guinea vào thời điểm người châu Âu đến chiếm làm thuộc địa và ngày nay ta biết là đã được thuần hóa tại New Guinea từ các loài cây hoang bản địa. Đứng hàng đầu trong số các cây trồng được thuần hóa tại New Guinea là loại cây trồng hàng đầu thế giới ngày nay, cây mía, mà sản lượng hằng năm hiện nay gần như tương đương sản lượng của cây trồng thứ hai (lúa mì) và thứ ba (ngô) cộng lại. Những cây trồng khác rõ ràng có nguồn gốc New Guinea là một nhóm cây chuối gọi là chuối Australimusa, cây phỉ Canarium indicum và cây khoai sọ đầm lầy khổng lồ cũng như nhiều loại thân, rễ cỏ ăn được và rau xanh. Cây bánh mì và khoai lang cũng như khoai sọ (thường) cũng có thể đã được thuần hóa ở New Guinea, mặc dù kết luận này chưa chắc chắn vì các loài cây dại tổ tiên của chúng không chỉ mọc ở New Guinea mà phân bố từ New Guinea đến Đông Nam Á. Hiện ta thiếu bằng chứng khả dĩ giải đáp câu hỏi liệu chúng có được thuần hóa ở Đông Nam Á như người ta vẫn nghĩ không, hay chúng cũng được thuần hóa một cách độc lập ở New Guinea, thậm chí chỉ ở New Guinea mà thôi.

Tuy nhiên, hóa ra rằng vùng sinh vật của New Guinea cũng có ba hạn chế nghiêm trọng. Thứ nhất, không một loài ngũ cốc nào đã được thuần hóa ở New Guinea, trong khi một số loài ngũ cốc vô cùng trọng yếu đã được thuần hóa ở Lưỡi liềm Phì nhiêu, vùng Sahel và Trung Hoa. New Guinea, bằng việc chỉ tập trung vào các cây cho rễ và thân, lại đẩy tới mức cực đoan một xu hướng thường gặp nơi các hệ thống nông nghiệp ở các vùng nhiệt đới ẩm khác (vùng Amazon, Tây Phi nhiệt đới và Đông Nam Á), nơi mà nông dân cũng nặng về các loại cây trồng cho rễ nhưng đồng thời cũng cố trồng được ít nhất hai loại ngũ cốc (lúa gạo châu Á và một cây ngũ cốc có hạt khổng lồ ở châu Á gọi là "nước mắt của Job"). Một lý do khả dĩ khiến tại sao New Guinea không trồng ngũ cốc là sự thiếu hụt thấy rõ các loài cây hoang khả dĩ làm vật liệu: trong số 56 loài cây dại thân thảo có hạt lớn nhất trên thế giới, không một loài nào mọc ở New Guinea cả.

Thứ hai, hệ động vật ở New Guinea không có loài thú lớn nào có thể thuần hóa được. Những loài gia súc duy nhất ở New Guinea, lợn và chó, đến từ Đông Nam Á qua ngả Indonesia trong vòng mấy ngàn năm trở lại đây. Hệ quả là, trong khi dân vùng thấp ở New Guinea lấy protein từ cá mà họ bắt được, thì dân vùng cao New Guinea lại thiếu protein trầm trọng bởi các cây trồng cung cấp hầu hết calori cho họ (khoai sọ và khoai lang) vốn nghèo protein. Khoai sọ chẳng hạn, chỉ có 1% protein, ít hơn nhiều thậm chí so với gạo trắng, và thấp hơn nhiều so với lúa mì và đậu của vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu (lần lượt là 8-14% và 20-25% protein).

Trẻ em trên các vùng cao New Guinea bị bụng ỏng, nét đặc trưng cho chế độ ăn uống nhiều về số lượng nhưng thiếu protein. Người già người trẻ ở New Guinea thường xuyên ăn chuột, nhện, ếch và các con vật nhỏ khác, những thứ mà những dân tộc ở các vùng khác có khả năng nuôi gia súc lớn hoặc săn được con mồi lớn chẳng bao giờ động đến. Thiếu protein có lẽ cũng là lý do tối hậu khiến tại sao tục ăn thịt người lại phổ biến ở các xã hội vùng cao truyền thống tại New Guinea.

Cuối cùng, ở các thời trước, những cây trồng lấy rễ có sẵn ở New Guinea vốn cũng hạn chế về hàm lượng calori như protein bởi chúng không mọc tốt lắm ở những vùng cao nơi nhiều người New Guinea sinh sống ngày nay. Tuy nhiên, nhiều thế kỷ trước đây, cây khoai lang, một cây trồng lấy rễ có nguồn gốc tận Nam Mỹ, đã đến New Guinea có lẽ theo ngả Philippines nơi người Tây Ban Nha đã mang nó đến. So với khoai sọ và các loại cây trồng lấy rễ có lẽ xưa hơn của New Guinea, khoai lang có thể trồng ở nơi cao hơn, mọc nhanh hơn, năng suất cao hơn tính trên mỗi hécta canh tác và giờ công. Hệ quả của việc du nhập cây khoai lang là dân số vùng cao tăng vọt. Nghĩa là, thậm chí dù người ta đã làm nông nghiệp ở vùng cao New Guinea từ nhiều ngàn năm trước khi cây khoai lang được du nhập, song các loại cây trồng địa phương đã khiến mật độ dân số và độ cao sinh sống của họ bị hạn chế.

Nói ngắn gọn, New Guinea là một trường hợp trái ngược với Lưỡi liềm Phì nhiêu và có thể chỉ ra nhiều điều cho chúng ta. Cũng như những người săn bắt hái lượm ở Lưỡi liềm Phì nhiêu, những người săn bắt hái lượm ở New Guinea đã phát triển sản xuất lương thực một cách độc lập. Tuy nhiên, sản xuất lương thực bản địa của họ bị hạn chế vì khu vực của họ không có những loài ngũ cốc, cây họ đậu và loài thú có thể thuần hóa, vì tình trạng thiếu protein ở vùng cao, và bởi không có nhiều những loài cây bản địa trồng lấy rễ ở vùng thấp. Thế nhưng bản thân người New Guinea biết rõ về các loài cây dại và thú hoang ở nơi mình sống chẳng kém bất cứ dân tộc nào khác trên Trái đất ngày nay. Họ hẳn đã có thể đã phát hiện và thử nghiệm bất cứ loài cây dại nào đáng được thuần hóa. Họ hoàn toàn có khả năng nhận biết đâu là những giống cây hữu ích có thể bổ sung vào danh mục cây trồng của mình, như ta đã thấy qua việc họ hồ hởi tiếp thu cây khoai lang khi nó được du nhập từ nơi khác đến. Cũng một bài học đó vẫn đúng ở New Guinea tận ngày nay, bởi vì những bộ lạc nào có lợi thế tiếp xúc với các cây trồng và vật nuôi mới được du nhập (hoặc do những nhân tố văn hóa mà sẵn sàng tiếp thu chúng) thì đang phát triển, trong khi những bộ lạc nào không có lợi thế đó hay sự sẵn sàng tiếp thu đó thì mai một. Như vậy, sự hạn chế của nền sản xuất lương thực bản địa tại New Guinea chẳng có gì liên quan tới bản thân các dân tộc New Guinea, mà hoàn toàn là do vùng sinh vật và môi trường của New Guinea.

Một ví dụ khác về việc nền nông nghiệp bản địa có thể bị hạn chế bởi bản thân hệ thực vật bản địa, ấy là vùng phía tây Hoa Kỳ. Cũng như New Guinea, vùng này thuận lợi để người ta có thể thuần hóa một cách độc lập các loài cây dại bản địa. Tuy nhiên, về những phát triển đầu tiên của sản xuất lương thực tại miền đông Hoa Kỳ, chúng ta biết rõ hơn nhiều so với ở New Guinea: người ta đã xác định được các giống cây mà những nông dân đầu tiên ở khu vực này đã trồng, niên đại và trình tự thuần hóa các loài cây này người ta cũng đã biết. Từ lâu trước khi các loại cây trồng bắt đầu từ nơi khác đến, người châu Mỹ bản địa đã định cư ở các thung lũng sông tại miền tây Hoa Kỳ và phát triển nền sản xuất lương thực thâm canh dựa trên các loài cây bản địa. Từ đó họ có khả năng tận dụng các loài cây dại hứa hẹn nhất. Họ đã thực sự canh tác những loại cây nào, và hành trang cây trồng bản địa của họ rốt cuộc là thế nào nếu so sánh với hành trang của vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu gồm những loại cây trồng sáng lập?

Hóa ra các loại cây trồng sáng lập của miền đông Hoa Kỳ là bốn loại cây trồng được thuần hóa vào khoảng 2.500-1.500 năm tr.CN, muộn hơn hẳn 6.000 năm sau khi lúa mì và lúa mạch được thuần hóa ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu. Một loài bí bản địa cho quả nhỏ cũng như hạt ăn được. Ba loài sáng lập khác được trồng chỉ vì cho hạt ăn được (hướng dương, một loài cây có họ hàng với hoa cúc gọi là sumpweed, và một cây có họ xa với rau bina gọi là goosefoot).

Nhưng bốn loại cây trồng cho hạt và một cây cho quả thì còn xa mới là đủ để có một hành trang sản xuất lương thực toàn diện. Trong suốt 2.000 năm, bốn loại cây trồng sáng lập đó chỉ cung cấp một phần bổ sung nhỏ nhoi vào khẩu phần ăn của con người bên cạnh lương thực hoang dã đặc biệt là các loài thú hữu nhũ và chim nước lớn, cá, sò ốc và quả hạch. Nghề nông vẫn không cung cấp một phần quan trọng cho thực đơn của họ cho mãi tới giai đoạn 500-200 tr.CN, sau khi ba loài cây cho hạt khác (knotweed, maygrass và lúa mạch nhỏ) được đưa vào trồng.

Một nhà dinh dưỡng hiện đại hẳn sẽ hoan nghênh bảy loài cây trồng đó của miền đông Hoa Kỳ. Tất cả đều có hàm lượng protein cao - 17 đến 32% so với 8-14% của lúa mì, 9% của ngô, và thậm chí còn thấp hơn đối với lúa mạch và gạo trắng. Hai loài trong số đó, hướng dương và sumpweed, còn chứa nhiều dầu (45-47%). Đặc biệt, sumpweed hẳn có thể là loài cây trong mơ của nhà dinh dưỡng, với hàm lượng protein lên tới 32% và dầu 45%. Thế tại sao đến ngày nay chúng ta không còn ăn những thứ lương thực trong mơ ấy nữa?

Than ôi, tuy về giá trị dinh dưỡng thì chúng có ưu thế vượt trội là vậy, song hầu hết các loài cây trồng miền đông Hoa Kỳ đó lại có những bất lợi nghiêm trọng ở những khía cạnh khác. Goosefoot, knotweed, lúa mạch nhỏ và maygrass đều có hạt nhỏ xíu, khối lượng chỉ bằng một phần mười so với hạt lúa mì và lúa mạch. Còn tệ hơn thế, sumpweed là một loài chuyên thụ phấn bằng gió có họ hàng với cỏ ambrosi (ragweed), loài cây vốn khét tiếng là nguyên nhân gây ra bệnh sốt mùa hè. Cũng như cỏ ambrosi, hạt phấn của sumpweed có thể gây bệnh sốt mùa hè nếu cây mọc thành những cụm lớn sum suê. Nếu điều ấy chưa đủ làm bạn nguội đi nhiệt huyết muốn trở thành nhà nông chuyên trồng cây sumpweed thì hãy coi chừng: nó có mùi rất gắt mà một số người không chịu nổi, khi thu hoạch và xử lý nó thì lại còn có thể bị kích thích da.

Các cây trồng Mexico rốt cuộc cũng bắt đầu đến được miền đông Hoa Kỳ theo những con đường mậu dịch sau năm 1. Ngô đến miền này vào khoảng năm 200, nhưng trong suốt nhiều thế kỷ vai trò của nó vẫn rất thứ yếu. Cuối cùng, khoảng năm 900 xuất hiện một giống ngô khác thích hợp với mùa hè ngắn của Bắc Mỹ, đến khi đậu được du nhập vào khoảng năm 1.100 thì đã hình thành đầy đủ bộ ba cây trồng Mexico gồm ngô, đậu và bí. Nghề nông ở miền đông Hoa Kỳ bắt đầu được thâm canh mạnh, và những tù trưởng quốc đông dân bắt đầu phát triển dọc theo sông Mississippi và các phụ lưu của nó. Ở một số khu vực, các loài cây trồng bản địa có từ trước vẫn tiếp tục tồn tại bên cạnh bộ ba cây trồng Mexico năng sản hơn nhiều, nhưng ở các khu vực khác thì chúng bị bộ ba này chiếm chỗ hoàn toàn. Không một người châu Âu nào từng thấy sumpweed mọc trong vườn tược của người Anh-điêng bởi đến khi người châu Âu bắt đầu chiếm châu Mỹ làm thuộc địa vào năm 1492 thì nó đã biến mất với tư cách cây trồng. Trong tất cả các loài cây trồng cổ đại đặc sản của miền đông Hoa Kỳ, chỉ có hai loài (hướng dương và bí miền đông) là cạnh tranh nổi với các cây trồng được thuần hóa ở nơi khác và vẫn được trồng đến ngày nay. Những quả bí sồi và bí mùa hè (summer squash) đều ra đời từ những quả bí châu Mỹ đã được thuần hóa từ hàng ngàn năm trước.

Như vậy, cũng như trường hợp New Guinea, trường hợp miền đông Hoa Kỳ có thể nói cho ta nhiều điều. Cứ theo suy diễn thì vùng này ắt phải là một vùng thích hợp để có thể có một nền nông nghiệp bản địa năng suất cao. Vùng này có đất đai màu mỡ, lượng mưa vừa phải đều đặn và khí hậu thích hợp giúp duy trì một nền nông nghiệp trù phú như ngày nay. Hệ thực vật vùng này rất phong phú các loài, trong đó có những loài cây dại có quả hạch (cây sồi và cây mại châu). Người châu Mỹ bản địa đã phát triển được một nền nông nghiệp dựa trên các cây trồng bản địa, nhờ vậy đã có thể sinh sống thành làng, thậm chí còn phát triển được một nền văn hóa phồn thịnh (văn hóa Hopewell từng tập trung ở khu vực ngày nay là Ohio) vào khoảng 200 năm tr.CN đến năm 400. Vì vậy suốt nhiều ngàn năm họ đã có khả năng khai thác những loài cây dại hữu ích nhất làm cây trồng tiềm năng dù các loài đó là gì đi nữa.

Tuy nhiên, thời kỳ hưng thịnh Hopewell chỉ nổi lên gần 9.000 năm sau khi các làng mạc đã xuất hiện ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu. Lại nữa, mãi đến sau năm 900 thì sự hình thành bộ ba cây trồng Mexico mới kích thích một sự bùng nổ dân số, cái gọi là thời hưng thịnh Mississippi vốn đã làm phát sinh những đô thị lớn nhất và xã hội phức tạp nhất mà người châu Mỹ bản địa phía bắc Mexico từng đạt tới. Nhưng sự bùng nổ đó xuất hiện quá muộn, khiến người châu Mỹ bản địa ở Hoa Kỳ ngày nay không kịp chuẩn bị đối phó với thảm họa thực dân hóa khi người châu Âu xuất hiện. Nền sản xuất lương thực chỉ dựa trên các cây trồng miền đông Hoa Kỳ đã không đủ để kích thích sự bùng nổ đó, vì những lý do không khó chỉ ra. Những cây ngũ cốc có sẵn ở khu vực này còn xa mới hữu ích như lúa mì và lúa mạch. Người châu Mỹ bản địa miền đông Hoa Kỳ đã không thuần hóa được loài cây họ đậu, cây lấy sợi, cây ăn trái hay cây quả hạch nào. Họ không có loài thú thuần hóa nào ngoại trừ chó mà ngay cả loài này hẳn cũng đã được thuần hóa tại nơi khác ở châu Mỹ.

Cũng rõ một điều rằng người châu Mỹ bản địa ở miền đông Hoa Kỳ đã không bỏ qua những loài cây trồng có tiềm năng trong số các loài cây dại ở quanh họ. Ngay cả các nhà nhân giống ở thế kỷ XX, được trang bị bao nhiêu là sức mạnh khoa học hiện đại, vẫn chẳng thành công bao lăm trong việc khai thác các loài cây dại Bắc Mỹ. Phải, chúng ta đã thuần hóa được đậu pecan, một loài quả hạch, và việt quất, một loài cây ăn trái, ta cũng đã cải thiện được vài cây ăn trái của lục địa Âu-Á (táo, mận, nho, mâm xôi, mâm xôi đen và dâu) bằng cách lai ghép với các loài cây dại Bắc Mỹ có họ hàng với chúng. Tuy nhiên, dăm thành công nhỏ nhoi đó chẳng làm thay đổi thói quen thực phẩm của chúng ta là bao so với ngô đã làm thay đổi thói quen thực phẩm của người châu Mỹ bản địa miền đông Hoa Kỳ từ sau năm 900.

Các nhà nông hiểu biết nhất về các loài cây trồng bản địa miền đông Hoa Kỳ, tức là bản thân những người châu Mỹ bản địa sống ở vùng đó, đã tính sổ các loài đó bằng cách loại bỏ hoặc đâm coi nhẹ chúng từ khi bộ ba cây trồng Mexico xuất hiện. Hệ quả đó cũng cho thấy rằng người châu Mỹ bản địa không hề bị trói buộc bởi tính bảo thủ văn hóa, mà hoàn toàn có khả năng đánh giá đúng một loại cây trồng tốt khi họ gặp. Vậy là, cũng như ở New Guinea, những hạn chế đối với nền sản xuất lương thực bản địa ở miền đông Hoa Kỳ không phải là vì bản thân các dân tộc châu Mỹ bản địa, mà tùy thuộc hoàn toàn vào vùng sinh vật và môi trường của châu Mỹ.

Đến nay ta đã xét các ví dụ về ba khu vực tương phản nhau, ở tất cả các khu vực đó sản xuất lương thực đã phát sinh một cách độc lập. Ở một cực là Lưỡi liềm Phì nhiêu; ở cực đối lập là New Guinea và miền đông Hoa Kỳ. Các dân tộc ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu thuần hóa các loài cây bản địa sớm hơn nhiều. Họ thuần hóa được nhiều loài hơn gấp bội, thuần hóa được những loài năng sản hơn gấp bội hoặc có giá trị hơn gấp bội, thuần hóa một loạt cây trồng đa dạng hơn gấp bội, phát triển sản xuất lương thực thâm canh và dân số tăng nhanh chóng, hệ quả là họ tiến vào thế giới hiện đại với một nền công nghệ tiên tiến hơn, tổ chức chính trị phức tạp hơn, và những căn bệnh có tính truyền nhiễm hơn có thể lây lan cho các dân tộc khác.

Ta thấy rằng những khác biệt đó giữa vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, New Guinea và miền đông Hoa Kỳ phát sinh trực tiếp từ những khác biệt giữa số loài cây và loài thú hoang dã có thể thuần hóa được ở mỗi nơi, chứ không phải từ những hạn chế của bản thân các dân tộc. Khi có những loài cây trồng năng sản hơn được du nhập từ nơi khác tới (khoai lang ở New Guinea, bộ ba cây trồng Mexico ở miền đông Hoa Kỳ), người dân địa phương đã nhanh chóng tận dụng chúng ngay, qua đó tăng cường sản xuất lương thực và gia tăng dân số. Xa hơn thế, tôi cho rằng các khu vực trên thế giới nơi mà sản xuất lương thực hoàn toàn chưa hề phát sinh độc lập - California, Australia, đồng bằng pampas ở Argentina, Đông Âu, v.v. - hẳn còn có ít loài cây và thú có thể thuần hóa hơn cả New Guinea và miền đông Hoa Kỳ, những nơi mà chí ít cũng đã phát sinh một nền sản xuất lương thực dù hạn chế. Thật ra, công trình nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu của Mark Blumler về các loài cỏ dại bản địa có hạt lớn đã được nhắc tới trong chương này, cùng với nghiên cứu toàn cầu về các loài hữu nhũ lớn bản địa (sẽ được trình bày ở chương sau), đều nhất trí chỉ ra rằng tất cả các khu vực nơi không hề có sản xuất lương thực bản địa hoặc chỉ có sản xuất lương thực ở mức hạn chế đều là những nơi thiếu các loài hoang dã có thể thuần hóa thành cây trồng ngũ cốc và vật nuôi.

Hãy nhớ lại rằng sản xuất lương thực phát sinh từ chỗ cạnh tranh giữa lối sống sản xuất lương thực với lối sống săn bắt hái lượm. Vì vậy, người ta có thể tự hỏi liệu có phải tất cả các trường hợp sản xuất lương thực phát sinh muộn hoặc không hề phát sinh hẳn đều là do nguồn lương thực hoang dã có thể săn bắt và hái lượm ở các vùng đó là cực kỳ phong phú, chứ không phải vì ở đó có lắm loài thích hợp để thuần hóa. Trên thực tế, hầu hết các vùng nơi sản xuất lương thực bản địa phát sinh muộn hoặc không hề phát sinh thì đều có nguồn lương thực hoang dã hết sức nghèo nàn chứ không phải là phong phú cho những người săn bắt hái lượm, bởi hầu hết các loài hữu nhũ lớn của Australia và châu Mỹ (nhưng không phải của lục địa Âu-Á và châu Phi) đã bị tuyệt chủng vào cuối thời kỳ Băng hà. Ở các khu vực đó, lối sống sản xuất lương thực hẳn đã ít phải cạnh tranh với lối sống săn bắt hái lượm hơn là ở vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu. Vì vậy, chúng ta không thể quy việc các vùng đó không có nền sản xuất lương thực hoặc chỉ có ở mức hạn chế là do ở đó dồi dào thực phẩm săn bắt hái lượm.

Để tránh hiểu sai những kết luận trên, chúng ta nên kết thúc chương này bằng những lời cảnh báo đối với hai quan điểm cường điệu: một quan điểm cho rằng người ta luôn luôn sẵn sàng đón nhận các loài cây trồng và vật nuôi tốt hơn, quan điểm thứ hai cho rằng tùy theo một khu vực có sẵn những loài cây dại và thú hoang nào mà sản xuất lương thực ở khu vực đó có bị hạn chế hay không. Cả hai quan điểm đó đều không hoàn toàn đúng.

Chúng ta đã đề cập nhiều ví dụ về việc người dân địa phương đón nhận những cây trồng năng sản hơn vốn đã được thuần hóa ở nơi khác. Kết luận chung của chúng ta là: các dân tộc vốn dĩ có khả năng nhận biết những loài cây nào có ích, đã vậy thì ắt họ phải nhận biết được còn giỏi hơn thế những loài cây bản địa nào thích hợp để thuần hóa nếu như có các loài cây ấy [ở địa bàn sinh sống của họ], và họ không bị ngăn cản làm vậy bởi tính bảo thủ văn hóa hoặc những điều cấm kỵ. Nhưng ta cần phải thêm một cụm từ hạn định quan trọng vào câu này: "về lâu dài và ở những khu vực rộng lớn". Bất cứ ai hiểu biết về các xã hội loài người đều có thể kể ra vô số thí dụ về các xã hội từng khước từ những loài cây trồng, gia súc và những cách tân khác dù chúng có năng suất cao đi nữa.

Lẽ tự nhiên, tôi không tán thành ý kiến rõ ràng là sai lầm rằng xã hội nào cũng sẽ mau mắn chộp lấy bất kỳ sự cách tân nào khả dĩ có ích cho nó. Sự thật là, ở mức độ toàn bộ các châu lục và các khu vực rộng lớn nơi có hàng trăm xã hội cạnh tranh với nhau, một số xã hội sẽ cởi mở hơn với cách tân, một số xã hội khác thì bảo thủ hơn. Những xã hội nào chịu tiếp nhận các cây trồng, vật nuôi hay công nghệ mới thì có thể sẽ nhờ đó mà tự nuôi mình tốt hơn, sinh sôi nảy nở, chiếm chỗ, chinh phục hoặc tiêu diệt những xã hội khước từ đổi mới. Đó là một hiện tượng quan trọng; và các biểu hiện của nó không chỉ bó hẹp ở việc tiếp thu những cây trồng mới mà còn xa hơn nhiều, ta sẽ quay lại vấn đề này ở Chương 13.

Cảnh báo thứ hai của tôi liên quan đến quan điểm rằng sự phát sinh sản xuất lương thực có thể bị hạn chế bởi số loài hoang dã có sẵn trong từng khu vực. Tôi không nói rằng sản xuất lương thực sẽ không bao giờ có thể phát sinh, dù trong bao lâu đi nữa, ở tất cả các khu vực nào mà sản xuất lương thực quả thật đã không phát sinh độc lập cho đến thời hiện đại. Những người châu Âu ngày nay, khi nhận thấy người châu Úc bản địa bước vào thế giới hiện đại như những người săn bắt hái lượm thời đồ đá, vẫn cho rằng [nếu không có thế giới hiện đại thì] người châu Úc bản địa sẽ đời đời kiếp kiếp như thế mãi.

Để thấy rõ ý tưởng này sai lầm đến đâu, hãy hình dung một vị khách từ hành tinh khác đáp xuống Trái đất vào năm 3.000 tr.CN. Nhà thám hiểm không gian sẽ quan sát thấy không hề có sản xuất lương thực ở miền đông Hoa Kỳ, bởi sản xuất lương thực mãi đến khoảng 2.500 năm tr.CN mới bắt đầu phát sinh ở đó. Giá như vị khách vũ trụ từ năm 3.000 tr.CN rút ra kết luận rằng vì thiếu các loài cây dại và thú hoang thích hợp để thuần hóa ở miền đông Hoa Kỳ nên sản xuất lương thực sẽ mãi mãi không bao giờ xuất hiện ở vùng đó được, thì các sự kiện ở thiên niên kỷ sau đó sẽ chứng minh rằng vị khách đó sai. Ngay cả một vị khách đến thăm vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu vào năm 9.500 tr.CN chứ không phải 8.500 tr.CN cũng sẽ lầm tưởng rằng Lưỡi liềm Phì nhiêu sẽ vĩnh viễn không thích hợp cho sản xuất lương thực.

Như vậy có nghĩa: luận điểm của tôi không phải là California, Australia, Tây Âu và tất cả các khu vực khác sở dĩ không có nền sản xuất lương thực bản địa là do thiếu những loài có thể thuần hóa và ở đó sẽ mãi mãi chỉ những người săn bắt hái lượm mới sinh sống được nếu như không có những loài thuần hóa từ nơi khác được du nhập vào hoặc không có những dân tộc phương xa di cư tới. Thay vì vậy, tôi lưu ý rằng các khu vực trên thế giới khác xa nhau ở [chủng loại] các loài có thể thuần hóa được, rằng, tương ứng với điều đó, các khu vực cũng khác nhau ở niên đại phát sinh sản xuất lương thực, và sản xuất lương thực ở một số vùng trù phú đã không phát sinh độc lập cho mãi tới thời hiện đại.

Australia, vốn được coi là châu lục "lạc hậu" nhất, minh họa rõ điểm này. Ở đông nam Australia, phần có nhiều sông và thích hợp nhất cho sản xuất lương thực, các xã hội châu Úc bản địa hình như đã tiến hóa theo một quỹ đạo mà cuối cùng sẽ dẫn đến nền sản xuất lương thực bản địa. Họ đã xây dựng những làng mạc mùa đông. Họ đã bắt đầu xử lý môi trường một cách sâu sắc nhằm sản xuất cá bằng cách bện bẫy cá, lưới đánh cá, thậm chí xây cả những con kênh dài. Giá như người châu Âu không thuộc địa hóa Australia vào năm 1788 và làm thui chột cái quỹ đạo tiến hóa đó thì trong vòng vài ngàn năm nữa người châu Úc bản địa hẳn đã trở thành những người sản xuất lương thực, nuôi cá đã thuần hóa ở trong ao, trồng khoai lang và các loài cỏ bản địa có hạt nhỏ đã được thuần hóa.

Dưới ánh sáng đó, giờ đây ta có thể trả lời câu hỏi hàm ẩn trong nhan đề của chương này. Tôi đã hỏi liệu nguyên nhân khiến người Anh-điêng Bắc Mỹ không thuần hóa được loài táo dại Bắc Mỹ là do bản thân những người Anh-điêng hay là do loài táo.

Khi hỏi vậy, tôi không hàm ý rằng táo chẳng bao giờ có thể thuần hóa ở Bắc Mỹ được. Hãy nhớ lại rằng, trong lịch sử, táo nằm trong số những loài cây ăn trái khó trồng nhất và là một trong những loài cây chính được thuần hóa muộn nhất ở Âu-Á, bởi để nhân giống nó thì phải có kỹ thuật ghép. Chẳng có bằng chứng nào cho thấy táo đã được trồng trên quy mô lớn ngay cả ở Lưỡi liềm Phì nhiêu, châu Âu thì cho mãi tới thời Hy Lạp cổ, [nghĩa là] 8.000 năm sau khi sản xuất lương thực đã khởi đầu ở lục địa Âu-Á. Giá như người châu Mỹ bản địa đã tiến triển với cùng tốc độ [như lục địa Âu-Á] trong việc phát minh hoặc tiếp thu kỹ thuật ghép cây thì ngay cả họ rốt cuộc cũng sẽ thuần hóa được cây táo vào khoảng năm 5.500, [nghĩa là] chừng 8.000 năm sau khi sản xuất lương thực bắt đầu ở Bắc Mỹ vào khoảng 2.500 năm tr.CN.

Như vậy, nguyên nhân khiến người châu Mỹ bản địa không thuần hóa được táo Bắc Mỹ vào thời điểm người châu Âu đến châu Mỹ không phải là ở bản thân con người cũng chẳng phải ở loài táo. Về những điều kiện tiên quyết về sinh học để có thể thuần hóa loài táo, các nông dân Anh-điêng Bắc Mỹ cũng giống như các nông dân Âu-Á, còn táo dại Bắc Mỹ cũng chẳng khác gì táo dại Âu-Á. Quả thực, một số giống táo bán ngoài siêu thị ngày nay mà bạn hẳn đang vừa gặm vừa đọc chương này chỉ được phát triển gần đây bằng cách giao phối chéo táo Âu-Á với táo Bắc Mỹ. Thay vì vậy, nguyên nhân khiến người Anh-điêng Bắc Mỹ không thuần hóa được táo là nằm ở toàn bộ danh mục các loài cây dại và thú hoang có sẵn cho người châu Mỹ bản địa. Chính vì trong danh mục đó số lượng các loài có thể thuần hóa được là ít ỏi cho nên sản xuất lương thực mới phát sinh ở Bắc Mỹ một cách muộn màng.


Các loài vật thuần hóa được thảy đều giống nhau; nhưng mỗi loài vật không thuần hóa được thì đều không thuần hóa được theo một cách riêng.

Nếu bạn cảm thấy mình đã đọc câu gì đó giông giống thế này ở đâu rồi thì bạn đúng đấy. Chỉ cần thay đổi chút ít thôi, thế là ta đã có câu đầu nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết vĩ đại Anna Karenina của Tolstoy. "Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình bất hạnh đều bất hạnh theo một cách riêng". Bằng câu đó Tolstoy muốn nói rằng, để được hạnh phúc, một cuộc hôn nhân phải thành công ở nhiều phương diện: sự hấp dẫn tính dục, thỏa thuận về tiền nong, giáo dục con cái, tôn giáo, cha mẹ hai bên và các vấn đề đạo đức cốt yếu. Chỉ cần một trong các phương diện hệ trọng đó mà trục trặc là hôn nhân sẽ có nguy cơ tan vỡ dù nó có tất cả các thành tố cần thiết khác để có hạnh phúc.

Nguyên lý này có thể mở rộng nhằm thấu hiểu rất nhiều điều khác nữa về cuộc sống chứ không chỉ hôn nhân. Chúng ta hay tìm những lập luận dễ dàng, chỉ dựa trên một nhân tố để lý giải sự thành công. Tuy nhiên, đối với hầu hết những điều hệ trọng, thành công thực tế phụ thuộc vào việc tránh được những nguyên nhân riêng biệt có thể khiến ta thất bại. Nguyên lý Anna Karenina lý giải một đặc tính của việc thuần hóa loài vật vốn có những hệ quả nặng nề đối với lịch sử loài người. Cụ thể là, có quá nhiều loài hữu nhũ lớn thoạt trông có vẻ như thuần hóa được, như ngựa vằn và lợn cỏ peccary, lại chưa bao giờ được thuần hóa, và hầu như tất cả các loài vật được thuần hóa thành công đều là ở lục địa Âu-Á. Đã đề cập ở hai chương trước về việc tại sao nhiều loài cây dại có vẻ thích hợp để thuần hóa lại chẳng bao giờ được thuần hóa, giờ chúng ta sẽ giải quyết câu hỏi tương tự đối với các loài gia súc hữu nhũ. Câu hỏi trước đây của chúng ta về táo và người Anh-điêng trở thành câu hỏi về ngựa vằn và người châu Phi.

Ở chương 4 chúng ta đã nhớ lại rằng các loài gia súc hữu nhũ lớn, bằng nhiều cách, đã có tầm quan trọng cốt tử đối với các xã hội loài người có sở hữu chúng. Đáng chú ý nhất là, chúng cung cấp thịt, sản phẩm từ sữa, phân bón, phương tiện vận chuyển trên bộ, da thuộc, kéo xe tấn công trong quân sự, kéo cày, cho len, cũng như mang những vi trùng có khả năng giết chết những ai chưa từng gặp các vi trùng đó.

Ngoài ra, dĩ nhiên, các loài gia súc hữu nhũ nhỏ, gia cầm và côn trùng thuần hóa cũng có ích cho con người. Nhiều loài chim được thuần hóa để cho thịt, trứng và lông; gà ở Trung Hoa, nhiều giống vịt và ngỗng ở nhiều phần của Âu-Á, gà tây ở Trung Mỹ, gà guinea ở châu Phi và vịt Muscovy ở Nam Mỹ. Sói được thuần hóa ở Âu-Á và Bắc Mỹ để trở thành chó nhà làm bạn đi săn, lính gác, thú cưng và - ở một số xã hội - thức ăn của chúng ta. Các loài gặm nhấm và nhiều loài hữu nhũ nhỏ khác được thuần hóa để làm thức ăn gồm có thỏ ở châu Âu, chuột Ghinê ở vùng Andes, một loài chuột khổng lồ ở Tây Phi, và có thể một loài gặm nhấm gọi là hutia ở các đảo Caribê. Chồn sương được thuần hóa ở châu Âu để săn thỏ, mèo thì được thuần hóa ở Bắc Phi và Tây Nam Á để săn các loài gặm nhấm nhỏ có hại. Các loài hữu nhũ nhỏ được thuần hóa gần đây, vào thế kỷ XIX và XX, gồm có chồn, chồn vizon và sóc sinsin để lấy lông và chuột đồng làm thú cưng. Thậm chí một số loài côn trùng cũng được thuần hóa, đáng chú ý là ong cho mật ở Âu-Á và tằm cho lụa ở Trung Hoa.

Nhiều loài vật nhỏ đó cho con người thức ăn, quần áo hoặc hơi ấm. Nhưng không một loài nào trong đó kéo cày hoặc kéo xe, không một loài nào làm phương tiện cho người cưỡi - không một loài nào ngoại trừ chó kéo xe trượt tuyết - hoặc trở thành phương tiện chiến tranh, và không một loài nào trong số đó có tầm quan trọng ngang với các loài hữu nhũ lớn về phương diện cung cấp thực phẩm. Vì vậy phần còn lại của chương này sẽ chỉ nói về các loài hữu nhũ lớn.

Tầm quan trọng của các loài hữu nhũ được thuần hóa chỉ gói gọn trong một vài loài ăn cỏ lớn sống trên đất liền, số lượng các loài này ít ỏi đến kỳ lạ. (Chỉ những loài ăn cỏ trên mặt đất mới được thuần hóa mà thôi, vì lý do hiển nhiên rằng nếu là loài hữu nhũ sống dưới nước thì sẽ khó nuôi và khó phối giống chừng nào chưa có những cơ sở hiện đại kiểu Thế giới Biển). Nếu định nghĩa "lớn" là "nặng trên 45 kilôgam" thì chỉ có 14 loài như vậy đã được thuần hóa trước thế kỷ 20 (xem danh sách ở Bảng 9.1). Trong Mười Bốn Loài Tiên Tổ đó, 9 loài ("Chín Loài Tiên Tổ Thứ Yếu" ở Bảng 9.1) chỉ trở thành gia súc quan trọng ở một số khu vực hạn chế trên thế giới: lạc đà Arập, lạc đà châu Á, lạc đà châu Mỹ (llama và alpaca, vốn là hai giống khác nhau của cùng một loài tổ tiên), lừa, tuần lộc, trâu, bò yak, bò banteng và con minh. Chỉ có 5 loài đã trở nên phổ biến và quan trọng trên khắp thế giới. Năm Loài Tiên Tổ Chính được thuần hóa đó là bò, cừu, dê, lợn và ngựa.

Thoạt nhìn thì danh sách này dường như đã bỏ sót nhiều cái tên đáng kể. Thế còn những con voi châu Phi mà quân đội của Hannibal đã dùng để vượt dãy Alpes thì sao? Thế còn những con voi châu Á mà ngày nay vẫn được dùng trong công việc ở Đông Nam Á? Không, tôi không quên chúng đâu, nhưng ở đây có một khác biệt quan trọng. Người ta thuần dưỡng được voi, nhưng chưa bao giờ thuần hóa chúng thành gia súc được. Những con voi của Hannibal từng là, và voi châu Á hiện nay vẫn là, những con voi rừng bị bắt và thuần dưỡng; nhưng chúng không giao phối sau khi đã bị bắt. Ngược lại, "gia súc" được định nghĩa là một con vật được phối giống có chọn lọc sau khi đã bị con người bắt và do đó đã có sự điều chỉnh [về di truyền - ND] so với tổ tiên hoang dã của nó, để sử dụng bởi con người, kẻ kiểm soát sự sinh sản của con vật và cung cấp thức ăn cho nó.

Thế nghĩa là, sự thuần hóa bao gồm việc biến một con vật hoang dã thành một loài có ích hơn cho con người. Những loài thực sự được thuần hóa khác với các tổ tiên hoang dã ở nhiều phương diện. Những khác biệt này nảy sinh từ hai quá trình: con người lựa chọn những cá thể có ích cho con người hơn so với các cá thể khác cùng loài ấy, và phản xạ tiến hóa tự động ở loài vật trước lực của chọn lọc tự nhiên trong môi trường con người mà vốn dĩ khác với chọn lọc tự nhiên trong môi trường hoang dã. Ta đã thấy ở Chương 7 rằng các điều vừa nói trên cũng đúng với sự thuần hóa các loài cây.

Các loài thú thuần hóa đã tách khỏi tổ tiên hoang dã của chúng theo những cách sau đây. Nhiều loài thay đổi về kích thước: bò, lợn và cừu trở nên nhỏ hơn khi được thuần hóa, trong khi chuột ghinê thì lại to ra. Cừu và lạc đà alpaca được chọn để cho len nên lông ít đi hoặc mất hẳn lông, trong khi bò được chọn vì cho nhiều sữa. Một số loài thú thuần hóa có não nhỏ hơn và các cơ quan cảm thụ ít phát triển hơn so với tổ tiên hoang dã, bởi chúng không còn cần não to hơn và cơ quan cảm thụ phát triển hơn mà tổ tiên chúng cần để có thể trốn thoát những thú săn mồi hoang dã.

Để nhận thức đầy đủ những sự thay đổi đã phát triển [ở các loài vật này] do sự thuần hóa, ta chỉ cần xét loài sói, tổ tiên hoang dã của chó nhà, với nhiều giống chó khác nhau. Một số loài chó to hơn nhiều so với sói (Great Danes), trong khi các loài khác lại nhỏ hơn nhiều (chó Bắc Kinh). Một số loài thon thả hơn, được gây giống để đua (chó đua), trong khi những loài khác chân ngắn hơn và để chạy đua thì vô dụng (giống chó chồn - dachshund). Chúng khác nhau rất nhiều về hình dáng lông và màu lông, một số loài thậm chí không có lông. Người Polynesia và người Aztec đã phát triển được những nòi chó đặc biệt chỉ dùng để ăn thịt. Cứ thử so sánh chó chồn với sói, nếu không biết trước thì ta chẳng thể nào ngờ rằng chó chồn đã xuất thân từ sói.

Bảng 9.1. Mười Bốn Loài Tiên Tổ của các loài gia súc hữu nhũ ăn cỏ

Năm Loài Chính

1. Cừu. Tổ tiên hoang dã: loài cừu mouflon châu Âu ở Tây Á và Trung Á. Hiện phổ biến khắp thế giới.

2. Dê. Tổ tiên hoang dã: loài dê bezoar ở Tây Á. Hiện phổ biến khắp thế giới.

3. Bò. Tổ tiên hoang dã: loài bò cổ đại aurochs nay đã tuyệt chủng, trước đây phân bố khắp lục địa Âu-Á và Bắc Phi. Hiện phổ biến khắp thế giới.

4. Lợn. Tổ tiên hoang dã: loài lợn rừng, phân bố khắp lục địa Âu-Á và Bắc Phi. Hiện phổ biến khắp thế giới. Thực ra là loài ăn tạp (thường ăn cả thức ăn động vật lẫn thức ăn thực vật), trong khi 13 loài còn lại trong Mười Bốn Loài Tiên Tổ đều chỉ ăn cỏ.

5. Ngựa. Tổ tiên hoang dã: loài ngựa hoang ở miền nam nước Nga nay đã tuyệt chủng; một phân loài khác của loài này vẫn còn sống sót ngoài hoang dã đến tận thời hiện đại, đó là ngựa Przewalski ở Mông Cổ. Hiện phổ biến khắp thế giới.

Chín Loài Thứ Yếu

1. Lạc đà Arập (một bướu). Tổ tiên hoang dã: nay đã tuyệt chủng, trước kia sống ở Arập và các khu vực lân cận. Chủ yếu vẫn giới hạn ở Arập và Bắc Phi, tuy có sống trong hoang dã ở Australia.

2. Lạc đà Bactrian (hai bướu). Tổ tiên hoang dã: nay đã tuyệt chủng, trước kia sống ở Trung Á. Chủ yếu vẫn giới hạn ở Trung Á.

3. Lạc đà châu Mỹ (llama và alpaca). Hình như đây là hai giống khác nhau thấy rõ của cùng một loài chứ không phải hai loài riêng biệt. Tổ tiên hoang dã: loài guanaco ở vùng Andes. Chủ yếu vẫn giới hạn ở vùng Trung Mỹ, mặc dù một số được phối giống làm vật chuyên chở ở Bắc Mỹ.

4. Lừa. Tổ tiên hoang dã: loài lừa hoang châu Phi ở Bắc Phi, có lẽ trước kia còn sinh sống cả ở vùng Tây Nam Á lân cận. Trước kia được nuôi làm gia súc chỉ ở Bắc Phi và phía tây lục địa Âu-Á, nay cũng được sử dụng ở các nơi khác.

5. Tuần lộc. Tổ tiên hoang dã: loài tuần lộc bắc Âu-Á. Chủ yếu vẫn chỉ được nuôi làm gia súc ở khu vực đó, tuy hiện nay một số cũng được sử dụng ở Alaska.

6. Trâu. Tổ tiên hoang dã sinh sống ở Đông Nam Á. Vẫn được dùng làm gia súc chủ yếu chỉ ở khu vực đó, mặc dù hiện nay cũng được sử dụng nhiều ở Brazil và nhiều con khác đã thoát ra ngoài hoang dã ở Australia và những nơi khác.

7. Bò yak. Tổ tiên hoang dã: bò yak hoang ở vùng Himalaya và cao nguyên Tây Tạng. Chủ yếu vẫn chỉ giới hạn ở khu vực đó.

8. Bò Bali. Tổ tiên hoang dã: bò banteng (một loài họ hàng với aurochs) ở Đông Nam Á. Chủ yếu vẫn chỉ giới hạn ở khu vực đó.

9. Bò mithan. Tổ tiên hoang dã: con minh (gaur, một loài bò rừng khác có họ hàng với aurochs) ở Ấn Độ và Miến Điện. Chủ yếu vẫn chỉ giới hạn ở khu vực đó.

Tổ tiên hoang dã của Mười Bốn Loài Tiên Tổ được phân bố không đồng đều trên trái đất. Nam Mỹ chỉ có một trong mười bốn vị tổ này, từ đó sinh ra hai giống lạc đà châu Mỹ (llama và alpaca). Bắc Mỹ, Australia và châu Phi hạ Sahara không có một loài nào. Thật đáng ngạc nhiên rằng châu Phi hạ Sahara không có loài hữu nhũ bản địa nào là tổ tiên của gia súc ngày nay, bởi một lý do chính để ngày nay khách du lịch đến thăm châu Phi là để nhìn thấy những loài hữu nhũ hoang dã phong phú đa dạng ở đó. Ngược lại, tổ tiên hoang dã của 13 trong số Mười Bốn Loài Tiên Tổ (kể cả toàn bộ Năm Loài Tiên Tổ Chính) đều chỉ ở lục địa Âu-Á. (Như đã đề cập ở một chỗ khác trong sách này, trong một số trường hợp, tôi dùng thuật ngữ "Âu-Á" để chỉ cả Bắc Phi, vốn về mặt địa sinh học và trên nhiều khía cạnh của văn hóa nhân loại là gần gũi với Âu-Á hơn là châu Phi hạ Sahara).

Dĩ nhiên không phải tất cả 13 loài tổ tiên hoang dã này đều có mặt cùng một lúc ở toàn bộ lục địa Âu-Á. Không một khu vực nào có toàn bộ 13 loài, một số trong các loài này chỉ có ở riêng một vùng chẳng hạn như bò yak, chỉ sống ngoài hoang dã tại Tây Tạng và các vùng cao nguyên lân cận. Tuy nhiên, nhiều phần của Âu-Á quả thật từng có một vài loài trong 13 loài đó cùng một lúc, chẳng hạn, bảy trong các loài tổ tiên hoang dã này đã cùng có mặt ở Tây Nam Á.

Sự phân bố rất không đồng đều các loài tổ tiên hoang dã này giữa các châu lục đã trở thành một nguyên nhân quan trọng khiến tại sao người Âu-Á chứ không phải người của các châu lục khác đã là những người có súng, vi trùng và thép. Làm sao lý giải được sự tập trung của Mười Bốn Loài Tiên Tổ ở lục địa Âu-Á đây?

Có một nguyên nhân khá đơn giản. Âu-Á có nhiều loài hữu nhũ hoang dã trên đất liền nhất, dù đấy có là tổ tiên của một loài gia súc hay không. Ta hãy định nghĩa "ứng viên để thuần hóa" là bất cứ loài hữu nhũ nào sống trên đất liền, ăn cỏ hoặc ăn tạp (nhưng không phải ăn thịt là chính), cân nặng trung bình trên 100 cân Anh (45 kg). Bảng 9.2 cho thấy Âu-Á có nhiều ứng viên nhất, 73 loài, cũng như có số lượng loài nhiều nhất trong nhiều nhóm cây cối và động vật khác. Đó là do Âu-Á là lục địa lớn nhất trên thế giới, cũng lại rất đa dạng về sinh thái, với những môi trường sống khác nhau từ rừng nhiệt đới nhiều mưa cho tới rừng ôn đới, sa mạc, đầm lầy cho tới lãnh nguyên mênh mông. Châu Phi hạ Sahara có ít ứng viên hơn, 51 loài, cũng như có số lượng loài ít hơn trong hầu hết các nhóm cây cối và động vật khác, bởi vì nó nhỏ hơn và kém đa dạng về sinh thái hơn so với Âu-Á. Châu Phi ít có các khu vực rừng mưa nhiệt đới hơn Đông Nam Á, và hoàn toàn không có hệ môi trường ôn đới nào ngoài vĩ tuyến 37. Như tôi đã đề cập ở Chương 1, châu Mỹ trước kia hẳn đã có số lượng ứng viên tương đương châu Phi, song hầu hết các loài hữu nhũ hoang dã lớn ở châu Mỹ (kể cả ngựa châu Mỹ, hầu hết loài lạc đà và các loài khác lẽ ra đã có thể được thuần hóa nếu chúng còn sống sót) đã bị tuyệt chủng từ khoảng 13.000 năm trước. Australia, lục địa nhỏ nhất và tách biệt nhất, luôn luôn có số loài hữu nhũ hoang dã lớn ít hơn nhiều so với Âu-Á, châu Phi hay châu Mỹ. Cũng như châu Mỹ, tại Australia hầu hết số loài ứng viên ít ỏi ngoại trừ kanguru đỏ đã tuyệt chủng vào khoảng thời gian khi con người di cư sang lục địa này lần đầu tiên.

Bảng 9.2. Các loài hữu nhũ ứng viên cho việc thuần hóa

Châu lục

Âu-Á

Châu Phi hạ Sahara

Châu Mỹ

Châu Úc

Ứng viên

72

51

24

1

Các ứng viên được thuần hóa

13

0

1

0

Tỷ lệ ứng viên được thuần hóa

18%

0%

4%

0%

"Ứng viên" được định nghĩa là một loài hữu nhũ hoang dã sống trên đất liền, ăn cỏ hoặc ăn tạp, nặng trung bình trên 100 cân Anh (khoảng 45 kg).

Như vậy, việc tại sao Âu-Á đã là nơi chủ yếu có các loài hữu nhũ lớn được thuần hóa có thể lý giải một phần như sau: trước tiên, đó là châu lục nơi có hầu hết các loài hữu nhũ hoang dã lớn [đủ tiêu chuẩn là] ứng viên, và châu lục này có số loài bị tuyệt chủng ít nhất trong 40.000 năm qua. Song những con số ở Bảng 9.2 cảnh báo chúng ta rằng lý giải như vậy vẫn chưa đủ. Quả đúng là tỷ lệ ứng viên đã thực sự được thuần hóa cũng cao nhất ở Âu-Á (18%) và đặc biệt thấp ở châu Phi hạ Sahara (trong số 51 ứng viên không một loài nào được thuần hóa cả!). Đặc biệt đáng ngạc nhiên là số loài hữu nhũ chưa bao giờ được thuần hóa ở châu Phi và châu Mỹ rất cao mặc dù chúng có những họ hàng gần gũi hoặc loài tương đồng ở Âu-Á mà các loài đó thì đã được thuần hóa. Tại sao ngựa Âu-Á thì được thuần hóa nhưng ngựa vằn châu Phi lại không? Tại sao lợn Âu-Á được thuần hóa chứ không phải lợn cỏ pecari châu Mỹ hay ba loài lợn rừng thứ thiệt của châu Phi? Tại sao chính năm loài có guốc hoang dã của Âu-Á (bò hoang auroch, trâu, bò yak, con minh và bò banteng) [là tổ tiên của gia súc có guốc ngày nay] chứ không phải trâu châu Phi hay bò bison châu Mỹ? Tại sao chính cừu mouflon [là tổ tiên của cừu nuôi ngày nay] chứ không phải cừu sừng lớn của Bắc Mỹ?

Có phải tất cả các dân tộc ở châu Phi, châu Mỹ và Australia, mặc dù khác biệt nhau là vậy, vẫn có chung một số trở ngại về văn hóa khiến họ không thuần hóa được các loài trong khi các dân tộc ở Âu-Á thì không có những trở ngại đó? Chẳng hạn, có phải vì châu Phi có lắm loài hữu nhũ lớn hoang dã có thể săn bắn được nên người châu Phi chẳng cần mất công thuần hóa gia súc làm gì cho mệt?

Lời đáp cho câu hỏi đó rất rõ ràng dứt khoát: Không! Cách lập luận trên bị bác bỏ bởi năm loại bằng chứng: các dân tộc ở ngoài Âu-Á đã nhanh chóng tiếp thu các loài thú đã thuần hóa của Âu-Á; con người ở bất cứ đâu trên thế giới cũng có xu hướng thích nuôi thú trong nhà; Mười Bốn Loài Tiên Tổ đã được thuần hóa nhanh chóng; một vài loài trong số đó về sau cũng được thuần hóa một cách độc lập ở những khu vực khác; và ngày nay, dù đã rất nỗ lực, người ta vẫn chẳng thành công được là bao trong việc thuần hóa thêm những loài mới.

Trước hết, khi Năm Loài Gia Súc Tổ Tiên Chính của Âu-Á được du nhập đến châu Phi hạ Sahara, chúng đã được tiếp thu bởi những dân tộc châu Phi khác nhau nhất bất cứ khi nào điều kiện cho phép. Nhờ vậy những người chăn nuôi châu Phi đó đã có được một lợi thế to lớn so với những người săn bắt hái lượm châu Phi khác và nhanh chóng giành chỗ những người này. Đặc biệt, các nông dân Bantu sau khi tiếp thu bò và cừu đã bành trướng ra khỏi quê cha đất tổ của mình ở Tây Phi, trong một thời gian ngắn đã giành chỗ của những người săn bắt hái lượm ở hầu hết phần còn lại của châu Phi hạ Sahara. Ngay cả dù không tiếp thu cây trồng, những người Khoisan vốn tiếp thu bò và cừu khoảng 2.000 năm trước cũng đã giành chỗ những người săn bắt hái lượm Khoisan trên hầu hết phía nam châu Phi. Việc du nhập ngựa nuôi ở Tây Phi đã làm thay đổi hình thái chiến tranh ở đó, biến khu vực này thành một loạt các vương quốc chuyên sử dụng kỵ binh. Nhân tố duy nhất khiến ngựa đã không thể bành trướng ra ngoài Tây Phi là căn bệnh trùng mũi khoan do ruồi tsetse làm lây nhiễm.

Cũng một mẫu hình như vậy lặp đi lặp lại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, mỗi khi những người vốn thiếu những loài hữu nhũ bản địa thích hợp để thuần hóa rốt cuộc cũng có cơ hội tiếp thu các loài gia súc của Âu-Á. Ngựa châu Âu đã được người châu Mỹ bản địa hồ hởi đón nhận ở cả Bắc Mỹ lẫn Nam Mỹ chỉ trong vòng một thế kỷ sau khi ngựa [xổng chuồng] thoát khỏi nơi định cư của người châu Âu. Chẳng hạn, đến thế kỷ XIX những người Anh-điêng vùng Đồng bằng Lớn ở Bắc Mỹ đã lừng danh là những chiến binh cưỡi ngựa kỳ tài và những tay săn bò bison thiện nghệ, nhưng kỳ thực mãi đến cuối thế kỷ XVII họ mới tiếp thu loài ngựa. Tương tự, cừu được tiếp thu từ người Tây Ban Nha đã làm biến đổi các xã hội của người Anh-điêng Navajo và dẫn đến, bên cạnh nhiều điều khác, việc người Navajo trở nên lừng tiếng với những tấm thảm len đan đẹp đẽ. Chỉ trong vòng một thập niên sau khi người châu Âu di cư đến Tasmania mang theo chó, những người Tasmania bản địa, vốn trước đó chưa hề nhìn thấy chó, đã bắt đầu nuôi chó với số lượng lớn để dùng làm chó săn. Như vậy, trong số hàng ngàn dân tộc bản địa rất đa dạng về văn hóa của Australia, châu Mỹ và châu Phi, không hề có một thứ cấm kỵ văn hóa phổ quát nào ngăn không cho người ta tiếp thu các loài thú đã thuần hóa.

Không nghi ngờ gì nữa, nếu như một số loài hữu nhũ hoang dã của các châu lục đó có thể thuần hóa được thì một số dân tộc Australia, châu Mỹ và châu Phi hẳn đã thuần hóa chúng và gặt hái được nhiều lợi thế từ chúng cũng như họ đã hưởng lợi từ các loài gia súc Âu-Á mà ngay sau khi gặp được là họ lập tức tiếp thu. Chẳng hạn, ta hãy xét tất cả các dân tộc ở châu Phi hạ Sahara trong khu vực có ngựa vằn hoang và trâu rừng sinh sống. Tại sao ít nhất một trong các bộ lạc săn bắt hái lượm châu Phi đó đã không thuần hóa những con ngựa vằn và trâu rừng kia đặng nhờ đó thống trị được các dân tộc châu Phi khác chứ không phải đợi đến khi ngựa và gia súc móng guốc từ Âu-Á đến? Tất cả các nhân tố này cho thấy, nguyên nhân khiến các châu lục khác đã không thuần hóa được các loài thú hữu nhũ lớn bản địa như Âu-Á là vì ở các khu vực đó thiếu bản thân các loài hữu nhũ hoang dã thích hợp, chứ không phải vì [những lực cản nào đấy ở] bản thân các dân tộc bản địa.

Loại bằng chứng thứ hai để bác bỏ cùng một luận điểm này liên quan đến [tập quán] nuôi thú nhà. Nuôi những con vật hoang làm thú nhà và dạy dỗ chúng là một giai đoạn sơ khởi của việc thuần hóa thú. Song người ta ghi nhận được rằng thú nuôi đã tồn tại ở hầu hết các xã hội loài người trên mọi châu lục. Sự đa dạng của các loài vật được thuần dưỡng bằng cách này lớn hơn nhiều so với sự đa dạng của các loài rốt cuộc đã thực sự được thuần hóa, trong đó có đôi loài mà chẳng mấy khi ta có thể hình dung lại trở thành thú nuôi trong nhà được.

Chẳng hạn, ở các làng tại New Guinea nơi tôi làm việc, tôi thường gặp người ta nuôi những con như chuột túi (kanguru), thú có túi (possum) và các loài chim từ chim bắt ruồi cho tới chim ưng biển. Hầu hết những con vật đó cuối cùng đều bị họ ăn thịt, nhưng một vài con vẫn được nuôi làm thú cưng trong nhà. Thậm chí người New Guinea còn thường xuyên bắt con non của loài đà điểu đầu mèo (cassowary, một loài chim không biết bay to như đà điểu) đem về nuôi cho lớn để ăn thịt như một món cao lương mỹ vị, mặc dù những con đà điểu đầu mèo trưởng thành cực kỳ nguy hiểm, thỉnh thoảng vẫn mổ lòi ruột dân làng. Một số dân tộc châu Á nuôi chim ưng để dùng trong nghề săn bắn, mặc dù người ta vẫn biết đôi khi những con thú nhà mạnh mẽ này giết chết người điều khiển chúng. Người Ai Cập và người Assyria cổ đại cũng như người Ấn Độ ngày nay thuần dưỡng báo dùng để đi săn. Những bức tranh của người Ai Cập cổ đại vẽ cho thấy họ còn thuần hóa cả (cũng chẳng lấy gì làm lạ lắm) những loài thú hữu nhũ có móng như linh dương và linh dương sừng cong, những loài chim như sếu, nhưng đáng ngạc nhiên hơn, họ còn thuần dưỡng cả hươu cao cổ (vốn có thể nguy hiểm) và kỳ lạ nhất là cả loài linh cẩu. Voi châu Phi được thuần dưỡng từ thời La Mã cổ đại dù rõ ràng là nguy hiểm, còn voi châu Á thì vẫn được thuần dưỡng đến ngày nay. Có lẽ loài thú nuôi khó ngờ nhất là gấu nâu châu Âu (cùng loài với gấu xám châu Mỹ) mà người Ainu ở Nhật Bản thường xuyên bắt từ khi còn nhỏ, thuần dưỡng và nuôi để giết ăn thịt trong một nghi thức tế lễ.

Như vậy, nhiều loài thú hoang dã đã đạt tới giai đoạn đầu tiên trong chuỗi quan hệ giữa thú và người dẫn đến sự thuần hóa, nhưng chỉ một ít loài đi được đến cuối chuỗi quan hệ đó để trở thành thú nuôi thực sự. Hơn một thế kỷ trước, nhà khoa học người Anh Francis Galton đã tóm lược sự khác biệt này một cách súc tích như sau: "Có vẻ như mọi loài thú hoang dã đều từng có cơ hội được thuần hóa, rằng chỉ một ít... đã được thuần hóa từ lâu, nhưng phần lớn còn lại, vốn đôi khi bị khiếm khuyết chỉ ở một chi tiết nhỏ, đành cam phận là thú hoang mãi mãi."

Niên đại thuần hóa cho ta một bằng chứng thứ ba xác nhận quan điểm của Galton rằng các dân tộc chăn nuôi đầu tiên đã nhanh chóng thuần hóa tất cả các loài hữu nhũ lớn thích hợp để thuần hóa. Tất cả các loài mà niên đại thuần hóa được xác minh bởi bằng chứng khảo cổ đều được thuần hóa trong vòng mấy ngàn năm đầu tiên của các xã hội trồng trọt-chăn nuôi định cư xuất hiện sau khi Thời kỳ Băng hà cuối cùng kết thúc. Như được tóm tắt trong Bảng 9.3, kỷ nguyên thuần hóa các loài hữu nhũ lớn khởi đầu với cừu, dê, lợn và kết thúc bằng lạc đà. Từ năm 2.500 tr.CN. không có thêm loài quan trọng nào được thuần hóa nữa.

Dĩ nhiên, đúng là một số loài hữu nhũ nhỏ đã được thuần hóa lần đầu tiên muộn hơn nhiều so với 2.500 năm tr.CN. Chẳng hạn, thỏ mãi đến thời Trung Cổ mới được thuần hóa để lấy thịt, chuột để phục vụ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thì mãi đến thế kỷ XX mới được thuần hóa, còn chuột đồng thì mãi đến thập niên 1930 mới được thuần hóa làm thú cảnh. Việc người ta không ngừng phát triển công cuộc thuần hóa các loài hữu nhũ nhỏ cũng chẳng có gì lạ bởi có tới hàng ngàn loài hoang dã làm ứng viên, và bởi chúng có quá ít giá trị đối với các xã hội xưa kia nên người ta chẳng bõ công nuôi. Nhưng việc thuần hóa các loài hữu nhũ lớn hầu như đã chấm dứt từ 4.500 năm trước. Đến khi đó, ắt hẳn tất cả các loài trong số 148 loài hữu nhũ lớn có thể làm ứng viên thuần hóa đều đã được thử nghiệm không biết bao nhiêu lần, rốt cuộc chỉ một số ít loài qua được thử nghiệm, và chẳng còn sót lại loài nào có thể thuần hóa mà lại chưa được thuần hóa.

Lại còn một loại bằng chứng thứ tư chứng minh tại sao một số loài hữu nhũ thích hợp cho việc thuần hóa hơn nhiều so với các loài khác, ấy là việc nhiều khu vực khác nhau đã thuần hóa cùng một loài tại những thời điểm khác nhau và độc lập với nhau. Gần đây, bằng chứng di truyền dựa trên các phân đoạn của vật chất di truyền - được gọi là DNA ti thể - đã xác nhận rằng, đúng như người ta chờ đợi bấy lâu nay, bò có bướu ở Ấn Độ và bò không bướu châu Âu đều xuất phát từ hai quần thể riêng biệt của một loài bò tổ tiên hoang dã vốn tách khỏi nhau từ hàng ngàn năm trước. Nghĩa là, người Ấn Độ đã thuần hóa phân loài bò hoang tại Ấn Độ, người Tây Nam Á đã thuần hóa một cách độc lập các phân loài bò hoang riêng ở khu vực mình, và người Bắc Phi hẳn cũng đã thuần hóa một cách độc lập các phân loài bò hoang Bắc Phi.

Tương tự, sói cũng đã được thuần hóa một cách độc lập để thành chó ở châu Mỹ và có thể ở một số khu vực khác nhau của lục địa Âu-Á trong đó có Trung Hoa và Tây Nam Á. Lợn ngày nay có nguồn gốc từ việc thuần hóa độc lập ở Trung Hoa, miền tây Âu-Á và có thể ở cả một số khu vực khác. Các ví dụ này một lần nữa nhấn mạnh rằng, cũng một số loài ít ỏi đó, những loài thích hợp cho việc thuần hóa, đã thu hút sự chú ý của nhiều xã hội loài người khác nhau.

Bảng 9.3: Niên đại gần đúng của bằng chứng sớm nhất đã xác minh được về sự thuần hóa các loài hữu nhũ lớn

Loài

Niên đại (tr.CN)

Địa điểm

Chó

10.000

Tây Nam Á, Trung Hoa, Bắc Mỹ

Cừu

8.000

Tây Nam Á

8.000

Tây Nam Á

Lợn

8.000

Trung Hoa, Tây Nam Á

6.000

Tây Nam Á, Ấn Độ, (?) Bắc Phi

Ngựa

4.000

Ukraina

Lừa

4.000

Ai Cập

Trâu

4.000

Trung Hoa?

Llama/alpaca

3.500

Andes

Lạc đà Bactrian

2.500

Trung Á

Lạc đà Arập

2.500

Arập

Đối với bốn loài hữu nhũ lớn được thuần hóa khác - tuần lộc, bò yak, con minh và bò banteng - thì hãy còn ít bằng chứng về niên đại thuần hóa. Niên đại và địa điểm thuần hóa trình bày trên đây chỉ là những niên đại và địa điểm sớm nhất đã được xác minh cho đến nay; việc thuần hóa có thể đã bắt đầu sớm hơn và ở một nơi khác.

Việc những nỗ lực thuần hóa ngày nay không đưa lại kết quả cho ta thêm một loại bằng chứng cuối cùng để thấy rằng, sở dĩ ngày xưa người ta không thuần hóa được số lớn loài hoang dã còn lại là do những khiếm khuyết ở bản thân các loài đó, chứ không phải do khiếm khuyết ở những con người cổ đại. Người châu Âu ngày nay là kẻ thừa kế một trong những truyền thống thuần hóa loài vật lâu đời nhất trên Trái đất, truyền thống từng khởi đầu ở Tây Nam Á khoảng 10.000 năm trước. Từ thế kỷ mười lăm, người châu Âu đã bành trướng ra toàn thế giới và tiếp xúc với những loài hữu nhũ vốn không có ở châu Âu. Những người châu Âu di cư, như những người tôi đã gặp có nuôi chuột túi và thú có túi làm cảnh ở New Guinea, đã thuần dưỡng hay nuôi làm cảnh nhiều loài hữu nhũ bản địa như dân bản địa từng làm. Những người chăn nuôi và trồng trọt di cư từ châu Âu sang các lục địa khác cũng đã có những nỗ lực nghiêm túc hòng thuần hóa một số loài thú bản địa.

Vào thế kỷ XIX và XX, ít nhất sáu loài hữu nhũ lớn - linh dương châu Phi (eland), nai sừng tấm (elk), nai sừng tấm Bắc Mỹ (moose), hươu xạ (musk ox), ngựa vằn và bò bison châu Mỹ - đã là đối tượng cho những dự án được tổ chức đặc biệt tốt nhằm thuần hóa chúng, được thực hiện bởi các chuyên gia nhân giống động vật theo phương pháp khoa học hiện đại và các nhà di truyền học. Chẳng hạn, eland, loài lớn nhất trong số các loài linh dương châu Phi, đã được lựa chọn về chất lượng thịt và số lượng sữa tại Vườn thú Askaniya-Nova ở Ukraina cũng như tại Anh, Kenya, Zimbabuê và Nam Phi; một nông trường thử nghiệm dành cho nai sừng tấm được điều hành bởi Viện Nghiên cứu Rowett ở Aberdeen, Scotland; và một nông trường thử nghiệm dành cho nai sừng tấm Bắc Mỹ đã hoạt động tại Công viên Quốc gia Pechero-Ilych ở Nga. Song, những nỗ lực đó đến nay chỉ đạt được thành tựu rất hạn chế. Tuy thịt bò bison đôi khi cũng xuất hiện trong một số siêu thị ở Mỹ, và tuy nai sừng tấm Bắc Mỹ đã được dùng để cưỡi, lấy sữa và kéo xe trượt tuyết ở Thụy Điển và Nga, nhưng không một thử nghiệm nào như vậy mang lại được thành quả đủ giá trị kinh tế đặng thu hút nhiều nhà chăn nuôi. Đặc biệt đáng quan tâm là trường hợp loài linh dương châu Phi eland, ngay cả khi được thuần hóa thử nghiệm ở chính châu Phi, nơi mà kháng thể chống bệnh và khả năng chịu đựng khí hậu lẽ ra có thể giúp việc thuần hóa thuận lợi hơn nhiều so với các loài thú hoang dã Âu-Á vốn dễ dàng mắc các căn bệnh châu Phi, thì kết quả vẫn không như ý muốn.

Như vậy, cả những người chăn nuôi bản địa vốn đã có cơ hội thử nghiệm các loài ứng viên trong suốt hàng ngàn năm lẫn các nhà di truyền học hiện đại đều chẳng thành công trong việc thuần hóa thêm những loài hữu nhũ lớn khác ngoài Mười Bốn Loài Tiên Tổ vốn đã được thuần hóa cách đây ít nhất 4.500 năm. Song, các nhà khoa học ngày nay, nếu muốn, hoàn toàn có thể thực hiện một phần của định nghĩa về thuần hóa đối với nhiều loài, ấy là kiểm soát việc sinh sản của chúng và cung cấp thức ăn cho chúng. Chẳng hạn, các vườn thú ở San Diego và Los Angeles hiện nay đang tiến hành kiểm soát việc sinh sản của những con kền kền khoang cổ cuối cùng còn sống sót ở California một cách gắt gao hơn bất cứ loài thuần hóa nào khác. Mỗi cá thể kền kền khoang cổ đều được nhận diện bằng di truyền, một chương trình máy tính xác định con trống nào sẽ giao phối với con mái nào nhằm đạt được mục đích của loài người (trong trường hợp này là để nâng cao tối đa tính đa dạng sinh học qua đó bảo vệ loài chim đang có nguy cơ tuyệt chủng này). Các vườn thú đang tiến hành những chương trình sinh sản tương tự cho nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng khác như khỉ gorilla và tê giác. Nhưng sự chọn lọc sinh sản ngặt nghèo đối với kền kền khoang cổ California không cho thấy chút triển vọng nào sẽ cho ra một sản phẩm có lợi về kinh tế. Những nỗ lực của vườn thú đối với tê giác cũng vậy, mặc dù tê giác sống có thể cho tới hơn ba tấn thịt. Như ta sẽ thấy sau đây, để được thuần hóa, tê giác (và hầu hết các loài hữu nhũ lớn khác) có những trở ngại không thể vượt qua.

Trong toàn bộ 148 loài hữu nhũ hoang dã lớn, ăn cỏ và sống trên đất liền của cả thế giới - những ứng viên để thuần hóa - chỉ 14 loài qua được cuộc sát hạch. Tại sao 134 loài còn lại không vượt qua được? Khi Francis Galton nói về những loài khác "đành cam phận mãi mãi là loài hoang dã", ấy là ông nói về những hoàn cảnh nào vậy?

Câu trả lời suy ra từ nguyên lý Anna Karenina. Để được thuần hóa, một loài hoang dã ứng viên phải sở hữu nhiều đặc tính khác nhau. Chỉ cần thiếu bất kỳ một trong các đặc tính cần thiết này là nó sẽ khó lòng thuần hóa được, cũng như chỉ cần thiếu một thành tố là khó lòng xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Thử đóng vai mai mối cho cặp ngựa vằn/người và những đôi đũa lệch khác, chúng ta có thể xác định ít nhất sáu nhóm nguyên nhân khiến việc thuần hóa loài nào đó bị thất bại.

Thực đơn ăn uống. Mỗi khi một con vật ăn một loài cây hay một loài vật khác, sự chuyển đổi sinh khối thức ăn thành sinh khối của kẻ tiêu thụ thức ăn có tỷ lệ hữu hiệu thấp hơn 100% rất nhiều, thường chỉ khoảng 10%. Nghĩa là, phải mất 10.000 kg ngô mới cho ra 1.000 kg bò. Nếu muốn có 1.000 kg thú ăn thịt, ta phải nuôi nó bằng 10.000 kg thú ăn cỏ, thú ăn cỏ đến lượt mình lại phải nuôi bằng 100.000 kg ngô. Ngay cả trong số các loài ăn cỏ và ăn tạp, có nhiều loài, chẳng hạn gấu koala, quá khảnh ăn đến nỗi khó lòng trở thành thú nuôi trong nông trại được.

Chính vì sự không hiệu quả có tính cơ bản này mà chưa hề có loài hữu nhũ ăn thịt nào được thuần hóa làm thức ăn. (Không, chẳng phải vì thịt chúng dai hoặc không ngon: các loài cá hoang dã chuyên ăn thịt, chúng ta vẫn ăn suốt đấy thôi, và cá nhân tôi có thể làm chứng cho hương vị thơm ngon của bánh xăng-uých nhân thịt sư tử). Loài gần như ngoại lệ là chó, vốn ban đầu được thuần hóa để giữ nhà và giúp người đi săn, nhưng có những nòi chó được phát triển và nuôi làm thức ăn ở vương quốc Aztec, Polynesia và Trung Hoa cổ đại. Tuy nhiên, việc thường xuyên ăn thịt chó đã từng là giải pháp cuối cùng của những xã hội loài người bị khan hiếm thịt: những người Aztec không có loài hữu nhũ thuần hóa nào khác, người Polynesia và người Trung Hoa cổ thì chỉ có lợn và chó. Những xã hội loài người nào được may mắn có nhiều loài hữu nhũ ăn cỏ thuần hóa thì chẳng thèm ăn thịt chó ngoại trừ như một món cao lương mỹ vị đặc biệt (như ở một số vùng tại Đông Nam Á ngày nay). Ngoài ra, chó không hẳn là loài ăn thịt mà là ăn tạp: nếu bạn ngây thơ đến mức cho rằng con chó cưng của bạn quả thật là loài ăn thịt thì chỉ cần đọc kỹ danh sách thành phần cấu tạo trên những túi thức ăn cho chó. Những con chó mà người Aztec và người Polynesia từng nuôi làm thức ăn đã được vỗ béo ngon lành chỉ bằng rau và rác thải.

Tốc độ tăng trưởng. Để đáng được loài người nuôi, các loài thuần hóa còn phải tăng trưởng nhanh. Điều đó loại trừ khỉ gorilla và voi mặc dù chúng là những loài ăn cỏ vốn dễ tính trong chuyện ăn uống và lại có rất nhiều thịt. Có nhà nông nào đợi nổi 15 năm cho lũ gorilla và voi mình nuôi lớn lên đến tuổi trưởng thành? Muốn nuôi voi để chúng làm việc cho mình, những người châu Á ngày nay cứ việc bắt voi hoang dã mà thuần dưỡng, như thế rẻ hơn nhiều.

Những khó khăn khi sinh sản trong điều kiện bị giam nhốt. Loài người chúng ta không thích làm tình dưới con mắt soi mói của kẻ khác; một số loài vật hứa hẹn nhiều giá trị cũng thế. Chính vì vậy mà con người thất bại khi muốn thuần hóa báo gấm, loài chạy nhanh nhất trong tất cả các loài trên mặt đất, mặc dù chúng ta có động cơ mạnh mẽ để làm như vậy trong hàng mấy ngàn năm.

Như tôi đã nhắc, báo gấm thuần dưỡng được người Ai Cập và người Assyria cổ đại cũng như người Ấn Độ hiện đại coi là của quý, một loài đi săn ưu việt hơn chó gấp bội lần. Một hoàng đế triều đại Mogul của Ấn Độ có một cái chuồng nuôi những một ngàn con báo gấm. Nhưng mặc dù nhiều ông hoàng giàu có đã đầu tư hàng bao nhiêu tiền của, tất cả báo gấm của họ đều là những con bị bắt ngoài hoang dã mang về thuần dưỡng. Nỗ lực của các ông hoàng nhằm làm báo gấm sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt đều thất bại, ngay cả các nhà sinh vật học ở các vườn thú hiện đại cũng mãi đến năm 1960 mới có được ca báo gấm sinh con thành công đầu tiên. Ngoài hoang dã, mấy anh em báo gấm cùng săn đuổi một nàng báo gấm cái suốt mấy ngày, hình như cần phải có cuộc tán tỉnh dữ dội trên khắp không gian rộng lớn này thì con cái mới có thể rụng trứng hoặc sẵn sàng giao phối được. Báo gấm thường từ chối tiến hành cái nghi thức tán tỉnh nhiêu khê đó nếu ở trong chuồng.

Một khó khăn tương tự cũng khiến những dự án phối giống loài vicuña rơi vào thất bại. Vicuña là một loài lạc đà hoang ở vùng Andes Nam Mỹ, len của chúng rất quý, được coi là loại len đẹp nhất, nhẹ nhất so với len của mọi loài vật. Những người Inca cổ đại lấy len vicuña bằng cách dụ những con vicuña hoang vào bãi quây sẵn, xén lông chúng rồi thả cho chúng đi. Ngày nay những thương gia nào muốn có thứ len xa xỉ này thì hoặc phải làm theo cùng một phương pháp đó hoặc chỉ còn cách giết vicuña hoang dã. Mặc dù nếu nuôi được loài này thì sẽ có khối tiền lại được cả uy tín, nhưng mọi nỗ lực hòng nuôi vicuña trong chuồng để sản xuất len đều thất bại, vì nhiều lý do: trước khi giao phối, vicuña phải tiến hành một nghi thức tán tỉnh kéo dài rất ư rắc rối, điều này không thể thực hiện trong điều kiện nuôi nhốt; những con vicuña đực không thể nào chịu nổi nhau; và loài vicuña đòi hỏi vừa phải có lãnh thổ riêng cho chúng ăn cỏ quanh năm lại vừa phải có một lãnh thổ riêng khác quanh năm cho chúng ngủ.

Tính khí dữ tợn. Lẽ tự nhiên, hầu như bất cứ loài hữu nhũ nào đủ lớn đều có khả năng giết chết người. Đã nhiều người bị giết bởi lợn, ngựa, lạc đà và bò. Dẫu vậy, một số loài thú lớn có tính khí dữ tợn hơn và nguy hiểm hơn - đến độ hết thuốc chữa - so với các loài khác. Xu hướng thích giết người đã loại bỏ nhiều loài lẽ ra đã có thể là ứng viên lý tưởng cho việc thuần hóa.

Một ví dụ hiển nhiên là gấu xám Bắc Mỹ (grizzly). Thịt gấu là một món cao lương mỹ vị đắt tiền, gấu xám có thể nặng tới 765 kg, chúng chủ yếu ăn cỏ (mặc dù chúng cũng là những tay săn đáng sợ), thực đơn rau cỏ của chúng rất phong phú, chúng chỉ cần ăn rác thải của người là lớn khỏe như vâm (vì vậy mà gây bao rắc rối tại các công viên quốc gia Yellowstone và Glacier) và sinh trưởng khá nhanh. Giá như gấu xám biết cư xử cho đúng mực khi bị nuôi nhốt thì hẳn chúng đã trở thành một loài thú cho thịt tuyệt vời. Dân Ainu ở Nhật từng thử nghiệm nuôi gấu xám con như một phần của một nghi lễ. Tuy nhiên, vì những lý do dễ hiểu, người Ainu cho rằng giết và ăn thịt gấu xám con khi chúng lên một tuổi là việc khôn ngoan. Nuôi gấu xám đến quá tuổi đó có thể sẽ vô cùng nguy hiểm; tôi chưa hề biết có trường hợp nào gấu xám trưởng thành mà lại được thuần dưỡng không.

Một loài thú khác lẽ ra có thể thích hợp để thuần hóa nhưng cũng bị loại vì những lý do hiển nhiên không kém là trâu rừng châu Phi. Nó lớn tương đối nhanh, trọng lượng có thể tới một tấn và sống trong những đàn có cơ cấu theo tôn ti trật tự rất phát triển, một đặc tính với những ưu điểm mà ta sẽ đề cập tới dưới đây. Nhưng trâu rừng châu Phi được coi là loài hữu nhũ nguy hiểm nhất và khó lường nhất ở châu Phi. Bất cứ ai đủ điên rồ để thử thuần hóa nó đều hoặc sẽ mất mạng trong khi làm vậy hoặc sẽ buộc phải giết con vật trước khi nó trở nên quá lớn và quá dữ. Tương tự, hà mã, một loài ăn cỏ nặng tới bốn tấn, lẽ ra có thể là những gia súc nuôi lý tưởng nếu như chúng không nguy hiểm đến vậy. Mỗi năm chúng giết một số người tương đương với bất cứ loài hữu nhũ châu Phi nào kể cả sư tử.

Chẳng mấy ai ngạc nhiên khi những loài ứng viên khét tiếng dữ dằn đó bị loại bỏ trong quá trình thuần hóa. Song còn những ứng viên khác mà sự nguy hiểm của chúng thì ít ai biết. Chẳng hạn, tám loài ngựa hoang (ngựa và các loài tương cận) khác nhau rất nhiều về tính khí, dẫu cho về di truyền tám loài này giống nhau đến nỗi có thể giao phối với nhau để sinh ra những hậu duệ hoàn toàn khỏe mạnh (tuy thường vô sinh). Hai loài trong số đó, ngựa và lừa Bắc Phi (tổ tiên của lừa ngày nay) đã được thuần hóa tương đối thành công. Có liên hệ gần gũi với lừa Bắc Phi là lừa hoang châu Á còn được gọi là onager. Do quê hương của loài này ở Lưỡi liềm Phì nhiêu, cái nôi của nền văn minh phương Tây và sự thuần hóa loài vật, nên các dân tộc cổ đại ắt hẳn đã thử nghiệm rất nhiều với lừa hoang châu Á. Từ các văn bản Sumer và muộn hơn, ta biết rằng thời đó người ta thường xuyên săn onager, bắt chúng về cho giao phối với lừa và ngựa. Một số văn bản cổ mô tả những con vật giống như ngựa được dùng để cưỡi hoặc kéo xe, đó rất có thể là lừa hoang châu Á. Tuy nhiên, tất cả các tác giả từng viết về nó từ thời La Mã cho đến tận những người trông vườn thú ngày nay thảy đều kêu trời về tính khí nóng nảy và thói quen khó chịu của chúng là hay cắn người. Hệ quả là, mặc dù về nhiều phương diện khác chúng giống như lừa cổ đại, song lừa hoang châu Á chưa bao giờ được thuần hóa cả.

Bốn loài ngựa vằn châu Phi còn tệ hơn thế. Người ta từng thử thuần hóa chúng, thậm chí từng đi xa đến mức buộc chúng vào xe: người ta từng thử cho chúng kéo xe ở Nam Phi vào thế kỷ XIX, và nhà tỷ phú lập dị Lord Walter Rothschild từng diễu qua phố phường London trong một cỗ xe do ngựa vằn kéo. Than ôi, càng lớn ngựa vằn càng trở nên nguy hiểm không chịu nổi. (Nói thế không có nghĩa là loài ngựa chẳng có con nào tính khí dữ dằn, nhưng với ngựa vằn và lừa hoang châu Á thì hầu như con nào cũng dữ như nhau). Ngựa vằn có cái thói quen khó chịu là hay cắn người rồi cứ thế không chịu buông. Vì vậy hằng năm chúng làm bị thương những người trông vườn thú ở Mỹ nhiều hơn cả cọp! Ngựa vằn cũng hầu như không thể tóm được bằng thòng lọng - ngay cả những tay cao bồi đoạt giải quán quân về bắt ngựa bằng thòng lọng cũng phải chịu thua - bởi chúng có khả năng phán đoán vị trí thòng lọng quăng vào chúng không sai chạy mảy may để kịp né đầu tránh.

Vì vậy rất hiếm khi (thậm chí chưa bao giờ) người ta thắng yên hoặc cưỡi lên được ngựa vằn, nên nhiệt tình của người Nam Phi muốn thuần hóa chúng cứ nguội dần. Hành vi hung hãn khó lường của một loài hữu nhũ lớn có khả năng gây nguy hiểm cũng là một phần nguyên nhân tại sao những thử nghiệm ban đầu tỏ ra rất hứa hẹn trong việc thuần hóa linh dương châu Phi (eland) và nai sừng tấm (elk) rốt cuộc lại chẳng lấy gì làm thành công.

Xu hướng hay hoảng loạn. Các loài hữu nhũ ăn cỏ lớn thường phản ứng lại nguy cơ từ các loài thú săn hoặc con người theo những cách khác nhau. Một số loài hay hoảng sợ hơn, nhanh nhẹn, được lập trình để hễ nhận ra một mối nguy là biến ngay lập tức. Những loài khác chậm chạp hơn, ít khi hoảng sợ hơn, tìm sự bảo vệ ở bầy đàn, cùng đứng lên khi bị đe dọa, và chỉ khi nào cần thiết mới bỏ chạy. Hầu hết các loài hươu và linh dương (trừ ngoại lệ nhãn tiền là loài tuần lộc) thuộc loại trước, còn cừu và dê thuộc loại sau.

Lẽ tự nhiên, những loài hay hoảng sợ hơn thì khó nuôi nhốt hơn. Nếu bị nhốt vào một khu đất quây kín, chúng sẽ dễ bị hoảng loạn và hoặc sẽ chết vì bị sốc hoặc sẽ húc mình vào hàng rào hòng thoát thân kỳ đến khi chết. Điều đó đúng với loài linh dương chẳng hạn, vốn là loài từng được người ta săn bắn nhiều nhất trong suốt hàng ngàn năm ở một số vùng thuộc Lưỡi liềm Phì nhiêu. Chẳng có loài hữu nhũ nào mà các dân tộc đầu tiên định cư ở khu vực đó có nhiều cơ hội thuần hóa hơn linh dương. Song chưa một loài linh dương nào từng được thuần hóa cả. Hãy thử hình dung bạn đang cố nuôi nhốt một con vật cứ không ngừng chạy tới chạy lui, mù quáng quật mình túi bụi vào thành chuồng, có thể nhảy cao gần 9 m và chạy với tốc độ 50 dặm một giờ!

Cơ cấu xã hội. Hầu như tất cả các loài hữu nhũ lớn đã thuần hóa đều là những loài mà tổ tiên hoang dã có chung ba đặc tính xã hội sau: sống thành bầy; duy trì một hệ thống cai trị theo tôn ti trật tự rất phát triển giữa các thành viên trong bầy; và các bầy thường chiếm lĩnh những lãnh thổ đan cài vào nhau chứ không phải những lãnh thổ phân ranh với nhau một cách rạch ròi. Chẳng hạn, các bầy ngựa hoang bao gồm một con đực, tối đa sáu con cái và bầy con. Con cái A có vai vế cao hơn các con cái B, C, D và E; con cái B có vai vế dưới con A nhưng cao hơn con C, D và E; C có vai vế dưới con B và A nhưng cao hơn con D và E; vân vân. Khi bầy di chuyển, các thành viên của chúng duy trì một thứ tự bất di bất dịch: đi sau cùng là con đực; đi đầu là con cái có vai vế cao nhất, theo sau nó là đàn con của nó theo thứ tự tuổi, con nhỏ nhất đi đầu; theo sau con này là các con cái khác theo thứ tự vai vế, theo sau mỗi con là đàn con của nó theo thứ tự tuổi. Bằng cách đó, nhiều con trưởng thành có thể cùng tồn tại trong một bầy mà không thường xuyên đánh nhau, mỗi con đều biết vị trí của mình.

Cấu trúc xã hội đó là lý tưởng cho việc thuần hóa, bởi trên thực tế con người đã chiếm lĩnh cái hệ thống thứ bậc kia. Khi đi theo đàn, ngựa nhà theo sau kẻ dẫn đầu là con người cũng như chúng thường theo sau con cái có thứ bậc cao nhất. Các bầy cừu, dê, bò và chó cổ đại (sói) cũng có hệ thứ bậc tương tự. Khi những con thú nhỏ lớn lên trong một bầy như vậy, chúng ghi nhớ vào óc những con vật mà chúng thường thấy bên cạnh mình. Trong điều kiện hoang dã thì đó là các thành viên cùng loài với chúng, song những con thú nhỏ trong các bầy gia súc thì cũng nhìn thấy con người bên cạnh mình nên cũng ghi nhớ cả con người vào óc.

Những con vật sống theo bầy đó thích hợp với việc chăn nuôi. Bởi chúng có thể chịu đựng lẫn nhau nên ta có thể nuôi chúng thành bầy. Bởi theo bản năng chúng thường tuân theo một kẻ dẫn đầu và sẽ ghi nhớ vào đầu rằng con người là kẻ dẫn đầu đó, nên chúng có thể dễ dàng được điều khiển bởi người chăn cừu hoặc chó chăn cừu. Các loài sống thành bầy có thể sống được khi bị quây kín và chen chúc vào một chỗ bởi chúng đã quen sống thành quần thể đông đúc khi ở ngoài hoang dã.

Ngược lại, thành viên của hầu hết các loài quen sống trên lãnh thổ riêng biệt thì không thể nuôi thành bầy. Chúng không chịu đựng nổi nhau, chúng không ghi nhớ con người, chúng không có bản năng phục tùng. Có ai từng thấy mèo (vốn chỉ sống cô độc, mỗi con một cõi riêng khi ở ngoài hoang dã) nối đuôi thành hàng theo sau một con người và cho phép con người nuôi chúng thành bầy chưa? Bất cứ ai yêu mèo đều biết mèo không phục tùng con người như loài chó vốn tự bản năng là phục tùng con người. Mèo và chồn sương là những loài hữu nhũ sống riêng lẻ duy nhất mà con người từng thuần hóa, bởi chúng ta làm vậy không phải để nuôi chúng thành đàn lớn đặng lấy thịt mà để làm thú săn hoặc thú nuôi đơn độc trong nhà.

Tuy hầu hết các loài sống riêng lẻ không hề được thuần hóa, song không phải ngược lại là hầu hết các loài sống theo bầy đều có thể thuần hóa được. Hầu hết là không thể, vì một trong mấy nguyên nhân nữa sau đây:

Thứ nhất, ở nhiều loài, các bầy chiếm lĩnh những lãnh thổ có phân ranh giới rạch ròi chứ không chồng lấn vào nhau. Nếu với những loài sống đơn độc ta không thể nhốt chung hai con đực như thế nào thì với những loài này cũng không thể nhốt chung hai bầy vào một chỗ như thế ấy.

Thứ hai, nhiều loài sống theo bầy trong một phần của năm lại chuyển sang sống cô độc khi đến mùa sinh sản, khi đó chúng đánh nhau và không chịu nổi sự có mặt của nhau. Điều này đúng đối với hầu hết các loài hươu và linh dương (một lần nữa tuần lộc lại là ngoại lệ), và đó là một trong những nhân tố chính khiến tất cả các loài linh dương sống theo bầy vốn làm châu Phi thành nổi tiếng đã bị loại khỏi danh mục thuần hóa. Tuy câu đầu lưỡi khi người ta nói đến linh dương châu Phi là "những bầy đàn mênh mông dày đặc trải dài đến tận chân trời" song trên thực tế các con đực trong những bầy này mỗi con chiếm một lãnh thổ riêng và đánh nhau dữ dội khi đến mùa sinh sản. Vì vậy những loài linh dương này không thể được nuôi nhốt trong những bãi quây kín như cừu, dê hay bò. Tập tính sống theo lãnh thổ riêng kết hợp với tính khí hung dữ và tốc độ tăng trưởng chậm đã khiến tê giác không thể nhập bọn vào các loài gia súc.

Cuối cùng, nhiều loài sống theo bầy, một lần nữa lại bao gồm hầu hết các loài hươu và linh dương, không có hệ thống tôn ti trật tự rõ ràng và không có sẵn bản năng sẵn sàng ghi nhớ vào óc một kẻ lãnh đạo có vai trò thống trị (và qua đó ghi nhớ con người như là kẻ lãnh đạo thống trị chúng). Hệ quả là, mặc dù nhiều loài hươu và linh dương đã được thuần dưỡng (ta cứ hãy nhớ lại những câu chuyện Bambi có thật), song người ta chưa bao giờ thấy những con hươu và linh dương đó được chăn thành đàn như cừu. Cái khó đó cũng làm thất bại nỗ lực thuần hóa loài cừu hai sừng ở Bắc Mỹ, vốn thuộc cùng nòi với cừu mouflon châu Á, tổ tiên của cừu nhà ngày nay. Cừu hai sừng thích hợp với chúng ta và tương tự cừu mouflon ở hầu hết phương diện ngoại trừ một phương diện cốt yếu: chúng không có cái tập tính hành động rập khuôn của cừu mouflon - một số cá thể sẽ phục tùng những cá thể nào mà chúng thừa nhận là có vị thế lãnh đạo chúng.

Giờ ta hãy quay lại vấn đề tôi đã đặt ra ở đầu chương này. Khởi thủy, một trong những khía cạnh khó hiểu nhất ở việc thuần hóa loài vật là chẳng hiểu vì lý do gì một số loài có thể thuần hóa được trong khi những loài có họ hàng gần gũi chúng thì không. Hóa ra ngoại trừ một số ít loài, còn lại hầu hết các ứng viên cho việc thuần hóa đều đã bị loại trừ theo nguyên lý Anna Karenina. Con người và hầu hết các loài vật làm thành những "cặp hôn nhân không hạnh phúc", có thể vì một hay nhiều nguyên nhân: thực đơn ăn uống, tốc độ tăng trưởng, tập tính giao phối, tính khí, xu hướng hay hoảng sợ và một số đặc điểm trong tổ chức xã hội của con vật. Chỉ một tỷ lệ phần trăm nhỏ các loài hữu nhũ lớn hoang dã là có thể "kết đôi hạnh phúc" với con người nhờ tương thích với tất cả các khía cạnh riêng rẽ đó.

Các dân tộc Âu-Á đã ngẫu nhiên thừa hưởng được số loài hữu nhũ ăn cỏ lớncó thể thuần hóa nhiều hơn gấp bội so với các dân tộc trên những châu lục khác.Hệ quả đó, cùng tất cả những lợi thế lớn lao cho các xã hội Âu-Á, bắt nguồn từba nhân tố cơ bản là địa lý, lịch sử và đặc tính sinh học của các loài hữu nhũ.Trước hết, Âu-Á nhờ diện tích rộng và đa dạng về sinh thái nên có nhiều ứngviên hơn cả. Thứ hai, Australia và châu Mỹ, chứ không phải Âu-Á hay châu Phi,đã mất hầu hết các ứng viên trong làn sóng những cuộc tuyệt chủng đại quy môvào cuối kỷ Pleitôxen - có thể vì các loài hữu nhũ của Australia và châu Mỹ, thậtchẳng may, là những loài đầu tiên gặp phải con người một cách bất ngờ vào mộtgiai đoạn muộn trong lịch sử tiến hóa của loài người, khi kỹ năng săn bắn củachúng ta đã phát triển cao độ. Cuối cùng, ở Âu-Á, tỷ lệ các loài ứng viên còn sốngsót tỏ ra thích hợp để thuần hóa là cao hơn so với ở các lục địa khác. Một cuộckhảo sát các loài ứng viên chưa bao giờ được thuần hóa, tỉ như các loài hữu nhũlớn sống theo bầy ở châu Phi, cho thấy có nhiều lý do cụ thể khiến từng loài mộtbị loại trừ. Như vậy, Tolstoy hẳn sẽ chấp thuận cái ý tứ sâu xa được đưa ratrong một văn cảnh khác bởi một tác giả xưa hơn ông là Thánh Matthew: "Nhiềungười được gọi nhưng chỉ ít người được chọn".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro