PHẦN III. TỪ LƯƠNG THỰC ĐẾN SÚNG, VI TRÙNG VÀ THÉP

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 11: Tặng phẩm chết người của gia súc


Đến nay ta đã lần ngược về lịch sử để xem sản xuất lương thực đã nảy sinh như thế nào ở một ít trung tâm và từ đó đã bành trướng nhanh chậm khác nhau đến thế nào sang các khu vực khác. Những khác biệt địa lý đó chính là lời đáp hệ trọng và tối hậu cho câu hỏi của Yali về việc tại sao dân tộc này lại khác dân tộc khác đến vậy về sức mạnh và sự dồi dào sung túc. Tuy nhiên, bản thân sản xuất lương thực không phải là nguyên nhân trực tiếp. Khi đánh nhau một đối một, một nông dân trần trụi chẳng có ưu thế nào trước một người săn bắt hái lượm trần trụi cả.

Thay vì vậy, tại sao nhà nông lại có sức mạnh vượt trội một phần là bởi sản xuất lương thực có thể nuôi sống những quần thể dân cư đông đúc hơn nhiều: khi đánh nhau, mười nông dân trần trụi cầm chắc là có ưu thế so với một người săn bắt hái lượm trần trụi. Mặt khác, trên thực tế, chẳng nhà nông lẫn người săn bắt hái lượm nào là trần trụi cả, ít nhất là không trần trụi theo nghĩa ẩn dụ. Các nông dân có xu hướng thở ra nhiều vi trùng độc hại hơn, có vũ khí và áo giáp tốt hơn, nói chung là sở hữu những kỹ thuật mạnh mẽ hơn, và sống dưới sự cai quản của những chính phủ tập trung hóa với những giới tinh hoa biết chữ có khả năng tiến hành tốt hơn những cuộc chiến tranh chinh phục. Từ đó, bốn chương kế tiếp sẽ khảo sát xem làm cách nào cái nguyên nhân tối hậu là sản xuất lương thực đã dẫn đến những nguyên nhân trực tiếp là vi trùng, chữ viết, công nghệ và chính phủ tập trung hóa.

Về những mối liên hệ giữa gia súc và cây trồng với vi trùng, tôi có một ví dụ minh họa không thể nào quên, ấy là một trường hợp xảy ra trong bệnh viện mà tôi được biết thông qua người bạn làm bác sĩ. Hồi bạn tôi hãy còn là một bác sĩ mới chập chững vào nghề, có lần người ta gọi anh ấy đến một phòng bệnh để khám cho một cặp vợ chồng đang căng thẳng vì một căn bệnh bí hiểm. Đã vậy, hai vợ chồng còn gặp khó khăn trong việc nói cho nhau hiểu và cho anh bạn của tôi hiểu. Người chồng là một ông nhỏ nhắn, rụt rè, bị lao do một loại vi trùng chưa thể xác định gây ra, lại chỉ biết võ vẽ chút tiếng Anh. Đóng vai thông dịch là cô vợ xinh đẹp của ông ta, chị ta cứ lo sốt vó về tình trạng của chồng và sợ chết khiếp trước khung cảnh bệnh viện, thấy gì cũng lạ. Bạn tôi cũng đang rất căng thẳng vì phải bù đầu với công việc ở bệnh viện suốt cả tuần, lại phải căng óc cố hình dung xem những nhân tố rủi ro không bình thường nào đã dẫn tới căn bệnh lạ lùng nọ. Nỗi căng thẳng khiến bạn tôi quên béng rằng ở trường người ta luôn dạy phải biết tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân: anh đã phạm sai lầm chết người khi yêu cầu người phụ nữ hỏi chồng xem liệu ông ta đã có hành vi tính dục nào có thể khiến bị lây nhiễm không.

Dưới con mắt quan sát của ông bác sĩ, người chồng đỏ lên như gấc, co rúm người lại khiến trông anh ta càng nhỏ con hơn nữa, cố sao cho biến mất dưới tấm chăn, cứ ấp úng từng lời bằng giọng hầu như không nghe được. Cô vợ bất thần thét lên đầy phẫn nộ, tiến lại gần, chồm xuống, cao lừng lững phía trên anh ta. Bác sĩ chưa kịp ngăn thì cô ta đã vớ lấy một cái chai nặng bằng kim loại, vận hết sức bình sinh giáng lên đầu chồng rồi sầm sầm ra khỏi phòng. Phải mất một hồi lâu bác sĩ mới cứu sống được anh chồng và còn phải mất thời gian hơn thế mới luận ra nổi từ những câu tiếng Anh cọc cạch của anh ta rằng anh ta đã nói gì để khiến vợ nổi cơn tam bành như vậy. Lời giải đáp dần dần lộ ra: anh ta thú nhận đã nhiều lần có quan hệ tính giao với cừu trong chuyến về thăm nông trại của gia đình gần đây; có lẽ đó là nguyên nhân khiến anh ta đã nhiễm giống vi trùng kỳ bí đó.

Chuyện này thoạt nghe có vẻ chỉ là ngoại lệ hiếm có và không thể có ý nghĩa gì lớn. Song trên thực tế nó minh họa cho một vấn đề có tầm quan trọng to lớn: ấy là những căn bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật. Rất ít ai trong chúng ta yêu loài cừu theo nghĩa tính dục như ông bệnh nhân này. Nhưng hầu hết chúng ta yêu các loài thú cưng như chó hay mèo theo nghĩa tinh thần. Với tư cách xã hội, chắc chắn là chúng ta có một lòng yêu thích thái quá đối với cừu và các loài gia súc khác, xét từ việc chúng ta nuôi chúng với số lượng quá ư đông đảo. Chẳng hạn, tại thời điểm thống kê gần đây, cả nước Úc chỉ có 17.085.400 người nhưng lại nuôi đến 161.600.000 con cừu, đủ thấy người Úc yêu loài cừu đến mức nào.

Một số người lớn chúng ta, trẻ con thì lại càng nhiều hơn, bị lây bệnh truyền nhiễm từ thú nuôi. Thường thì chúng chỉ gây chút bực mình nho nhỏ, song một vài căn bệnh đã tiến hóa thành những thứ nghiêm trọng hơn nhiều. Nguyên nhân tử vong của con người trong suốt lịch sử gần đây - đậu mùa, cúm, lao, sốt rét, dịch hạch, sởi và dịch tả - đều là những bệnh truyền nhiễm đã tiến hóa từ các căn bệnh ở loài vật, mặc dù thật nghịch lý rằng hầu hết các vi trùng gây bệnh truyền nhiễm ở người ngày nay đều chỉ gây bệnh cho người mà thôi. Bởi các căn bệnh từng là tác nhân giết người lớn nhất, cho nên chúng cũng đồng thời là những tác nhân có vai trò quyết định hình thành nên lịch sử. Cho đến Thế chiến Thứ hai, số người chết vì các vi trùng nảy sinh trong điều kiện chiến tranh cao hơn số người chết vì bị thương trong chiến đấu. Các sách sử nhà binh, vốn chuyên tán dương các vị tướng, rõ ràng là đã quá đơn giản hóa cái sự thật nhãn tiền này: kẻ thắng các cuộc chiến trong quá khứ không phải bao giờ cũng là các đạo quân có những vị tướng tài ba nhất và vũ khí hùng hậu nhất, mà chẳng qua chỉ là những đạo quân mang những thứ vi trùng độc hại nhất để lây nhiễm cho kẻ địch mà thôi.

Ví dụ tàn nhẫn nhất cho vai trò của vi trùng trong lịch sử là các cuộc chinh phục của người châu Âu đối với châu Mỹ, mà khởi đầu là chuyến hải hành của Columbus vào năm 1492. Dẫu số người châu Mỹ bản địa chết bởi tay các nhà chinh phục Tây Ban Nha tàn bạo là nhiều đến đâu đi nữa, con số đó chẳng thấm vào đâu so với số người chết bởi các loài vi trùng giết người có xuất xứ từ Tây Ban Nha. Tại sao sự trao đổi các giống vi trùng tàn hại giữa châu Mỹ và châu Âu lại bất cân bằng đến vậy? Tại sao các căn bệnh của người châu Mỹ bản địa đã không giết chết hầu hết quân xâm lược Tây Ban Nha, bành trướng ngược sang châu Âu và quét sạch 95% dân số châu Âu? Những câu hỏi tương tự cũng nảy sinh đối với trường hợp nhiều dân tộc bản địa khác đã bị giết gần hết bởi các loài vi trùng của lục địa Âu-Á, cũng như trường hợp những người châu Âu lẽ ra đã có thể chinh phục vùng nhiệt đới châu Phi và châu Á nhưng đã chết gần hết [trước khi kịp làm việc đó].

Như vậy, việc nhiều căn bệnh của con người có nguồn gốc từ động vật là nguyên nhân ẩn đằng sau những mẫu hình lớn của lịch sử loài người, cũng như đằng sau một số vấn đề quan trọng nhất về sức khỏe loài người ngày nay (Ta hãy nhớ lại AIDS, một căn bệnh đã bành trướng với tốc độ bùng nổ ở loài người mà hình như đã tiến hóa từ một virus cư trú ở loài khỉ hoang dã châu Phi). Chương này sẽ bắt đầu bằng việc xét xem "bệnh" là gì, và tại sao một số vi trùng đã tiến hóa sao cho "làm chính chúng ta, [con người] bị bệnh", trong khi hầu hết các loài sinh vật khác không làm cho con người bệnh. Ta sẽ xét xem tại sao nhiều căn bệnh truyền nhiễm quen thuộc nhất với chúng ta lại lây lan thành dịch, chẳng hạn như đại dịch AIDS hiện nay và Cái chết Đen (dịch hạch) từng diễn ra vào thời Trung Cổ. Sau đó ta sẽ xét xem làm cách nào tổ tiên các loài vi trùng mà ngày nay chỉ gây bệnh cho người đã tự chuyển từ các vật chủ ban đầu là loài vật sang người. Cuối cùng, ta sẽ xem nếu chúng ta thấu hiểu rằng nhiều bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ loài vật, điều đó sẽ giúp ta ra sao trong việc giải thích về sự trao đổi vi trùng vốn đã diễn ra chớp nhoáng và hầu như một chiều giữa người châu Âu và người châu Mỹ bản địa.

Lẽ tự nhiên, chúng ta có xu hướng suy nghĩ về các căn bệnh từ quan điểm của chính mình: ta có thể làm gì để tự cứu mình và giết vi trùng? Hãy quét sạch những quân vô lại và đừng bao giờ thèm quan tâm xem động cơ của chúng là gì! Tuy nhiên, trong cuộc sống nói chung, có hiểu rõ kẻ thù thì mới hạ được kẻ thù, điều này đặc biệt đúng với ngành y.

Vì vậy ta hãy bắt đầu bằng cách tạm gác những thiên kiến của con người qua một bên mà hãy xét các căn bệnh từ quan điểm của vi trùng. Nói gì thì nói, vi trùng cũng là một sản phẩm của chọn lọc tự nhiên như chúng ta thôi. Khi gây bệnh cho chúng ta bằng những cách kỳ khôi, chẳng hạn như làm cơ quan sinh dục của chúng ta đau hoặc làm ta tiêu chảy, vi trùng được lợi lộc gì về phương diện tiến hóa? Và tại sao vi trùng cứ phải tiến hóa để có thể giết chết chúng ta? Câu hỏi sau này dường như đặc biệt khó hiểu và mâu thuẫn, bởi khi vi trùng giết chết vật chủ thì đồng thời nó cũng tự giết mình.

Về cơ bản, vi trùng tiến hóa cũng như mọi loài khác. Quá trình tiến hóa là để lựa chọn những cá thể nào có hiệu năng cao nhất trong việc sinh con đẻ cái và giúp con cái phát tán đến những nơi thích hợp nhất để sống. Đối với vi trùng, việc phát tán này có thể định nghĩa theo cách toán học là số lượng nạn nhân bị lây nhiễm mới từ mỗi bệnh nhân ban đầu. Con số này tùy ở chỗ mỗi nạn nhân có khả năng lây nhiễm cho các nạn nhân mới trong thời gian bao lâu, và vi trùng có thể chuyển từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác một cách hữu hiệu đến đâu.

Vi trùng đã sáng tạo ra nhiều cách đa dạng để phát tán từ người này sang người khác và từ loài vật sang người. Vi trùng nào phát tán giỏi hơn thì sinh con đẻ cái nhiều hơn và rốt cuộc là loài có ưu thế trong quá trình chọn lọc tự nhiên. Nhiều "triệu chứng" bệnh của chúng ta trên thực tế chỉ phản ánh việc một loài vi trùng chết dẫm khôn ngoan nào đó đang tiến hành điều chỉnh cơ thể hoặc hành vi của chúng ta sao cho chúng ta trở thành phương tiện phát tán vi trùng.

Cách nhẹ nhàng nhất để vi trùng có thể phát tán là cứ đợi đến khi được chuyển một cách thụ động sang nạn nhân kế tiếp. Đó là chiến lược được áp dụng bởi các vi trùng chuyên đợi cho vật chủ này bị vật chủ kế tiếp ăn thịt; chẳng hạn, khuẩn salmonella mà ta thường lây khi ăn trứng hay thịt đã bị nhiễm, loài giun gây bệnh giun xoắn thường lây từ lợn sang người bằng cách đợi đến khi con người giết lợn để ăn thịt mà không nấu kỹ; và loài sán gây bệnh sán tròn mà những người thích ăn món sushi của Nhật đôi khi mắc phải do ăn cá sống. Các loài ký sinh này chuyển từ một con vật bị ăn thịt sang người, nhưng loài virus gây bệnh cười (kuru) ở vùng cao New Guinea thì lại thường chuyển từ người sang người do tục ăn thịt người. Bệnh lây nhiễm khi trẻ con vùng này phạm sai lầm chí tử là liếm ngón tay mình sau khi nghịch mớ óc tươi mà mẹ chúng vừa cắt bỏ từ xác những người chết vì bệnh kuru đang chờ được nấu.

Một số vi trùng không đợi đến khi vật chủ cũ chết và bị ăn thịt, mà "quá giang" theo nước dãi của một con côn trùng vừa cắn vật chủ cũ xong thì bay đi tìm vật chủ mới. Cuộc quá giang không mất tiền này diễn ra nhờ phương tiện là muỗi, bọ chét, chấy rận hay ruồi tsetse, làm phát tán bệnh sốt rét, dịch hạch, sốt ban đỏ hay bệnh ngủ. Trong số những cách phát tán qua trung gian thụ động này, cách bẩn thỉu nhất là của những vi trùng chuyên xâm nhập vào bào thai của người đàn bà và lây nhiễm cho đứa trẻ ngay từ khi mới ra đời. Nhờ áp dụng trò láu cá này, các vi trùng gây bệnh giang mai, bệnh sởi Đức (rubella) và nay là bệnh AIDS đang gây ra những vấn đề nan giải về đạo đức mà những ai tin vào một vũ trụ dựa trên nền tảng sự công bằng đều đang phải vật lộn một cách tuyệt vọng hầu giải quyết nó.

Những vi trùng khác thì, nói một cách hình tượng, "tự tay" giải quyết vấn đề. Chúng làm thay đổi cấu trúc giải phẫu hoặc hành vi của vật chủ, sao cho có thể đẩy nhanh việc giúp chúng chuyển đổi vật chủ. Xét theo quan điểm của chúng ta, những cơn đau ở bộ phận sinh dục do các bệnh đường sinh dục như giang mai gây nên là một sự sỉ nhục đầy ghê tởm. Tuy nhiên, xét theo quan điểm của vi trùng, đó chẳng qua là một phương sách hữu ích nhằm buộc một vật chủ này giúp cấy vi trùng vào một lỗ mở trên cơ thể một vật chủ khác. Những tổn thương da do bệnh đậu mùa gây nên cũng làm phát tán vi trùng theo cách tương tự qua tiếp xúc cơ thể một cách gián tiếp hay trực tiếp (đôi lúc rất gián tiếp, chẳng hạn như khi người Mỹ da trắng, với quyết tâm quét sạch những người châu Mỹ bản địa "thù địch", gửi làm quà cho đám người châu Mỹ kia những chiếc chăn từng được bệnh nhân đậu mùa sử dụng).

Còn dữ dội hơn thế là giải pháp được sử dụng bởi vi trùng bệnh cúm, bệnh cảm lạnh thường và bệnh ho gà, chúng buộc bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, qua đó tung ra hàng đám vi trùng về phía những người có khả năng trở thành vật chủ mới. Tương tự, vi trùng dịch tả làm cho bệnh nhân tiêu chảy ồ ạt, qua đó phát tán vi trùng vào nguồn nước mà những người có thể trở thành vật chủ mới đang sử dụng, trong khi vi trùng gây bệnh sốt xuất huyết Triều Tiên thì tự phát tán theo đường nước tiểu chuột. Về khả năng làm biến đổi hành vi của vật chủ thì không gì địch nổi với vi trùng bệnh dại: loài này không chỉ chui vào nước dãi của chó bị nhiễm, mà còn buộc con chó đó lên cơn điên cắn lung tung và qua đó làm nhiều nạn nhân mới nhiễm bệnh theo. Song về khoản chịu khó vận động "tay chân" thì giải quán quân phải trao cho những loài như giun móc và sán máng, ấu trùng của loài này theo phân của vật chủ ra ngoài và sống trong trong nước hoặc dưới đất một thời gian, sau đó thì đào xuyên qua da mà xâm nhập vào vật chủ mới.

Như vậy, xét từ quan điểm của chúng ta thì đau cơ quan sinh dục, tiêu chảy và ho là những "triệu chứng bệnh". Còn xét theo quan điểm của vi trùng, đó là những sách lược tiến hóa thông minh để chúng có thể phát tán. Chính vì vậy vi trùng mới quan tâm đến việc "làm cho con người phải bệnh". Nhưng tại sao vi trùng lại tạo ra một chiến lược rõ ràng là tự hủy diệt chính mình khi nó giết chết vật chủ?

Từ quan điểm của vi trùng, chuyện đó chẳng qua chỉ là một sản phẩm phụ ngoài dự kiến (an ủi làm sao cho chúng ta!) của các triệu chứng ở vật chủ nhằm phát tán vi trùng sao cho hiệu quả. Phải, một bệnh nhân dịch tả nếu như không được chữa trị thì cuối cùng có thể sẽ chết vì tiêu chảy ồ ạt với tốc độ vài lít một ngày. Tuy nhiên, ít nhất là trong một thời gian ngắn khi bệnh nhân đó còn sống, vi trùng tả đã được hưởng lợi bởi chúng tha hồ phát tán vào nguồn nước của các bệnh nhân mới. Giả sử mỗi bệnh nhân lây nhiễm cho bình quân ít nhất một nạn nhân mới thì vi trùng vẫn phát tán được cho dù vật chủ đầu tiên chết đi chăng nữa.

Chúng ta khảo sát những mối quan tâm của vi trùng một cách khách quan không thiên kiến vậy là đủ rồi. Giờ chúng ta hãy quay lại những mối quan tâm vị kỷ của mình: sao cho ta luôn sống và khoẻ mạnh, bằng cách giết những con vi trùng chết dẫm. Một cách phản ứng thông thường của chúng ta khi bị lây nhiễm là lên cơn sốt. Một lần nữa, ta đã quá quen coi cơn sốt là "triệu chứng bệnh", cứ như nó sinh ra vì đương nhiên phải có mà không nhằm phục vụ mục đích gì. Song sự điều tiết nhiệt độ cơ thể ta được kiểm soát bằng hệ di truyền chứ đâu có xảy ra một cách tình cờ. Vài loại vi trùng vốn nhạy cảm với cái nóng hơn so với cơ thể ta. Bằng cách nâng cao nhiệt độ cơ thể, thực ra chúng ta đang cố nung nóng cho chết lũ vi trùng kia trước khi chính mình bị nung đến chết.

Một cách phản ứng thông thường khác của chúng ta là huy động hệ miễn dịch. Bạch huyết cầu và các tế bào khác của chúng ta tích cực truy tìm và giết các vi trùng lạ. Các kháng thể cụ thể mà chúng ta dần dần tạo ra để chống lại một loại vi trùng cụ thể đang nhiễm vào ta sẽ giúp ta ít có khả năng bị nhiễm lại căn bệnh đó một khi đã được chữa lành. Tất cả chúng ta đều biết qua kinh nghiệm rằng có vài loại bệnh chẳng hạn như cúm và cảm lạnh thông thường, với chúng sự đề kháng của ta chỉ là tạm thời; ta có thể mắc lại các bệnh đó dễ dàng. Tuy nhiên, với các bệnh khác - như sởi, quai bị, rubella, bệnh ho gà và bệnh đậu mùa mà ngày nay ta đã đánh bại được - thì một khi đã bị nhiễm một lần và cơ thể đã tạo kháng thể, ta sẽ được miễn dịch suốt đời với bệnh đó. Ấy là nguyên lý của việc tiêm phòng: để kích thích cơ thể tạo kháng thể mà không phải thực sự nhiễm bệnh, người ta cấy vào bên trong ta một số vi trùng đã chết hoặc đã bị làm suy yếu.

Than ôi, một số vi trùng tinh khôn không chịu khuất phục cơ chế phòng thủ miễn dịch của chúng ta. Một số biết lừa chúng ta bằng cách biến đổi các mẩu phân tử của mình (cái gọi là kháng nguyên của chúng) mà kháng thể của chúng ta có thể nhận diện. Việc các dòng vi trùng cúm mới với những kháng nguyên khác nhau không ngừng tiến hóa hoặc xoay vòng chính là nguyên nhân tại sao dù bạn đã mắc bệnh cúm cách đây hai năm nhưng năm nay vẫn có thể lại mắc cũng bệnh đó với một dòng vi trùng khác. Sốt rét và bệnh ngủ là những thứ vi trùng còn ranh ma hơn trong khả năng nhanh chóng thay đổi kháng nguyên của mình. Láu cá nhất trong mọi thứ vi trùng là vi trùng bệnh AIDS, biết tạo ra những kháng nguyên mới ngay trong khi nó đang cư trú bên trong một bệnh nhân duy nhất nên rốt cuộc lấn át cả hệ miễn dịch của người đó.

Phản ứng phòng vệ chậm chạp nhất của chúng ta là thông qua chọn lọc tự nhiên, quá trình này làm thay đổi tần số kiểu gen của chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đối với hầu hết các căn bệnh, một số người có khuynh hướng đề kháng tốt hơn nhờ di truyền so với những người khác. Khi xảy ra dịch, những người có gen đề kháng được với đúng loại vi trùng đó sẽ có khả năng sống sót cao hơn so với những người không có gen đó. Hệ quả là, trong quá trình lịch sử, những quần thể người thường xuyên phải tiếp xúc với một tác nhân gây bệnh nhất định rốt cuộc đều đi đến chỗ có một tỷ lệ cao những cá thể mang gen đề kháng với bệnh đó, đơn giản vì những cá thể nào chẳng may không có gen đó thì khó lòng sống sót đặng lưu truyền gen của mình cho con cái.

Nói thế chỉ là để an ủi phần nào thôi, chắc bạn lại nghĩ vậy. Cái phản ứng tiến hóa này chẳng hề mang lại điều tốt lành nào cho những cá thể phải chết vì dễ mắc bệnh do di truyền kia. Tuy nhiên, chính nhờ vậy mà một quần thể người với tư cách tổng thể sẽ trở nên đề kháng tốt hơn với tác nhân gây bệnh nọ. Có nhiều ví dụ về cơ chế phòng thủ mang tính di truyền này (dĩ nhiên là với một cái giá phải trả), ấy là gen tế bào lưỡi liềm mà nhờ nó người da đen châu Phi có thể đề kháng với bệnh sốt rét, gen Tay-Sachs giúp người Do Thái Ashkenazi chống lại bệnh lao, và gen xơ nang giúp người Bắc Âu đề kháng với bệnh tiêu chảy do vi trùng.

Nói ngắn gọn, sự tương tác của chúng ta với hầu hết các loài, chẳng hạn với loài chim ruồi, không hề khiến hoặc chúng ta hoặc chim ruồi bị "bệnh". Cả chúng ta lẫn chim ruồi đều không phải tạo ra cơ chế phòng thủ đặng đối phó với nhau. Mối quan hệ hòa bình đó giữa chúng ta với chim ruồi sở dĩ tồn tại lâu dài được là nhờ chim ruồi không cần nhờ đến chúng ta để phát tán con cái chúng, hoặc không phải dùng cơ thể chúng ta làm thức ăn. Thay vì vậy chim ruồi đã tiến hóa theo hướng sống bằng mật hoa và sâu bọ, những thứ này chúng có thể tìm được bằng cách dùng đôi cánh của mình.

Nhưng vi trùng thì lại tiến hóa theo lối sống bằng dưỡng chất bên trong cơ thể chúng ta, chúng lại chẳng có cánh để có thể đến được cơ thể của một nạn nhân mới một khi nạn nhân ban đầu đã chết hoặc đề kháng được. Vì vậy, nhiều vi trùng đã phải chế ra nhiều mánh lới để có thể phát tán giữa những người có thể trở thành nạn nhân, và nhiều mánh lới trong số đó là những gì mà chúng ta cảm nhận như là "triệu chứng bệnh". Chúng ta đã tạo ra những mánh lới của riêng mình để đối phó, rồi đến lượt mình vi trùng lại chế ra những mánh lới mới để chống lại các mánh lới của chúng ta. Chúng ta và các tác nhân gây bệnh của chúng ta giờ đây bị khóa chặt vào một cuộc ganh đua tiến hóa ngày một tăng cấp mà trong đó kẻ nào thua thì giá phải trả là cái chết, còn chọn lọc tự nhiên thì đóng vai trọng tài. Giờ ta hãy xét xem cuộc ganh đua này diễn ra dưới dạng nào: chiến tranh chớp nhoáng hay chiến tranh du kích?

Giả sử ta tính số trường hợp một căn bệnh truyền nhiễm cụ thể xảy ra ở một khu vực địa lý nhất định, rồi quan sát xem con số đó thay đổi thế nào qua thời gian. Chúng ta sẽ thấy mẫu hình thay đổi này khác nhau rất nhiều tùy từng căn bệnh. Đối với một số bệnh chẳng hạn như sốt rét hay giun kim thì tháng nào và năm nào cũng xuất hiện thêm những ca mới trong cùng một khu vực bị nhiễm. Tuy nhiên, những căn bệnh được gọi là truyền nhiễm thì không gây ra một ca nào trong suốt một thời gian dài, sau đó thì gây ra ồ ạt hàng loạt ca, sau đó lại không một ca nào trong suốt một thời gian.

Trong số các bệnh truyền nhiễm này, cúm là căn bệnh đặc biệt quen thuộc với hầu hết người Mỹ, từng có một số năm là những năm đặc biệt tồi tệ đối với người Mỹ (nhưng lại là những năm tuyệt vời đối với vi trùng cúm). Bệnh dịch tả thì xảy ra cách quãng dài hơn, trong đó trận dịch năm 1991 ở Peru là trận đầu tiên xảy ra ở Tân Thế giới trong suốt thế kỷ XX. Mặc dù các trận dịch cúm và dịch tả ngày nay đều là sự kiện được báo chí đăng lên trang nhất, song ngày xưa, khi y học hiện đại chưa xuất hiện thì các bệnh truyền nhiễm từng đáng sợ hơn thế rất nhiều. Trận dịch lớn nhất trong lịch sử loài người là trận dịch cúm đã giết chết 21 triệu người vào cuối Thế chiến Thứ nhất. Cái chết Đen (dịch đậu mùa) đã giết chết một phần tư dân số châu Âu từ năm 1342 đến năm 1352, ở một số thành phố tỷ lệ người chết lên đến 70%. Hồi tuyến đường sắt Thái Bình Dương của Canada đang được xây dựng ngang qua vùng Saskatchewan vào đầu thập niên 1880, những người châu Mỹ bản địa sống ở vùng đó, vốn trước kia chưa từng gặp người da trắng và các vi trùng của họ, đã chết như rạ vì bệnh lao với tỷ lệ không tin nổi là 9% một năm.

Các bệnh truyền nhiễm xảy ra với con người dưới dạng đại dịch chứ không phải đều đặn từng ít một thường đều có một số đặc tính chung. Trước hết, chúng phát tán nhanh chóng và hữu hiệu từ một người bị nhiễm sang những người khoẻ mạnh xung quanh, hậu quả là toàn bộ quần thể đều bị nhiễm trong một thời gian ngắn. Thứ hai, chúng là những bệnh "cấp tính", nghĩa là, trong một thời gian ngắn, bệnh nhân hoặc chết hoặc bình phục hoàn toàn. Thứ ba, những ai may mắn trong chúng ta hồi phục được thì sẽ có kháng thể giúp miễn dịch với bệnh đó trong một thời gian dài, có thể là trong suốt phần đời còn lại của ta. Cuối cùng, các bệnh này có xu hướng chỉ xảy ra cho người; các vi trùng gây những bệnh này có xu hướng không sống trong đất hoặc trong các con vật khác. Cả bốn đặc tính này đều đúng với những căn bệnh truyền nhiễm quen thuộc thời thơ ấu đối với người Mỹ như sởi, rubella, quai bị, ho gà và đậu mùa.

Cũng dễ hiểu tại sao bốn đặc tính này hợp lại làm cho một căn bệnh nào đó có xu hướng xảy ra thành dịch. Vi trùng phát tán nhanh và triệu chứng diễn ra nhanh khiến cho tất cả mọi người trong một quần thể người cục bộ nhanh chóng bị lây nhiễm và chẳng bao lâu sau hoặc sẽ chết hoặc sẽ phục hồi và trở nên miễn dịch. Chẳng ai còn sống sót mà lại có thể bị tái nhiễm cả. Nhưng bởi vi trùng không thể sống ở đâu khác ngoài cơ thể những người sống cho nên căn bệnh biến đi, cho đến khi một lứa con cái mới của loài người đạt tới độ tuổi có thể nhiễm bệnh và cho đến khi một người bị lây nhiễm đến từ bên ngoài mang theo mầm bệnh để khởi đầu một trận dịch mới.

Một ví dụ minh họa kinh điển cho những căn bệnh xảy ra thành dịch là lịch sử bệnh sởi trên các đảo biệt lập ở Đại Tây Dương gọi là quần đảo Faeroes. Một trận dịch sởi nghiêm trọng đã lan sang quần đảo Faeroes vào năm 1781 rồi biến mất dần, sau đó quần đảo này không bị dịch sởi lại lần nào nữa cho đến khi một tay thợ làm thảm bị nhiễm bệnh trên một con tàu từ Đan Mạch đặt chân lên quần đảo vào năm 1846. Chỉ trong vòng ba tháng, hầu như toàn bộ cư dân Faeroes (7.782 người) đã mắc bệnh sởi, người thì chết kẻ thì hồi phục, sau đó vi trùng sởi lại biến mất cho đến khi trận dịch kế tiếp bùng ra. Nghiên cứu cho thấy sởi có xu hướng biến mất dần ở bất cứ quần thể người nào có dân số dưới nửa triệu người. Chỉ trong một quần thể đông hơn, bệnh mới có thể chuyển từ khu vực này sang khu vực khác nhờ vậy mà tồn tại dai dẳng cho đến khi có đủ trẻ con ra đời ở khu vực bị nhiễm đầu tiên để bệnh có thể lại quay về khu vực đó.

Những gì đúng đối với bệnh sởi ở Faeroes thì cũng đúng với bất cứ căn bệnh truyền nhiễm cấp tính quen thuộc nào ở bất cứ đâu trên thế giới. Để có thể tồn tại được, chúng cần một quần thể người đủ đông và mật độ đủ cao để ngay tại thời điểm lẽ ra bệnh đã bắt đầu suy yếu thì đã có sẵn một lứa trẻ em dễ lây nhiễm mới. Vì vậy, bệnh sởi và các bệnh tương tự còn được gọi là những căn bệnh của đám đông.

Hiển nhiên, các bệnh của đám đông không thể tự mình tồn tại ở những bộ lạc săn bắt hái lượm và những quần thể làm nông theo lốt đốt rừng làm rẫy. Như những chuyện bi thảm từng xảy ra với người Anh-điêng vùng Amazonia và dân đảo Thái Bình Dương ngay ở thời nay xác nhận, hầu như toàn bộ một bộ lạc có thể bị quét sạch vì một trận dịch do một người lạ từ bên ngoài đến, bởi không ai trong bộ lạc đó có sẵn kháng thể chống lại vi trùng kia. Chẳng hạn, vào mùa đông năm 1902, một trận dịch kiết lỵ do một thủy thủ trên con tàu đánh cá Active mang lại đã giết chết 51 trong số 56 người Eskimo Sadlermiut, một bộ tộc người sống rất biệt lập trên đảo Southampton ở vùng Bắc cực của Canada. Ngoài ra, sởi và một số "bệnh của đám đông" khác có xu hướng giết chết những người lớn nhiễm bệnh hơn là trẻ em, thế mà tất cả người lớn trong bộ tộc đó đều nhiễm bệnh. (Ngược lại, người châu Mỹ hiện đại hiếm khi nhiễm bệnh sởi nếu là người lớn bởi hầu hết hoặc đã từng mắc bệnh sởi hoặc đã được tiêm vắc-xin sởi khi còn nhỏ). Sau khi giết chết hầu hết người dân trong bộ lạc, trận dịch biến mất. Dân số ít ỏi của các bộ lạc không chỉ là nguyên nhân tại sao [các quần thể người ấy] không thể duy trì các trận dịch từ bên ngoài đến trong một thời gian dài, mà còn là nguyên nhân tại sao họ không bao giờ có khả năng tự tạo ra những căn bệnh truyền nhiễm của chính mình đặng lây nhiễm trở lại cho những kẻ từ xa đến.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là những quần thể ít người chẳng bao giờ mắc bất cứ bệnh truyền nhiễm nào. Họ cũng bị lây nhiễm, song chỉ nhiễm một số căn bệnh nhất định. Một số được gây ra bởi những vi trùng có khả năng sống trong các loài vật hoặc trong đất, hệ quả là bệnh không biến mất mà vẫn thường xuyên có khả năng nhiễm cho người. Chẳng hạn, virus bệnh sốt hoàng nhiệt được mang trong mình các con khỉ hoang châu Phi, chính vì vậy nó luôn luôn có thể lây cho các quần thể người sống ở nông thôn tại châu Phi, từ đó chúng được mang theo những con tàu buôn nô lệ xuyên đại dương mà lây nhiễm cho khỉ và người ở Tân Thế giới.

Lại có những căn bệnh truyền nhiễm khác lây cho các cộng đồng ít người, ấy là những bệnh kinh niên như bệnh phong và bệnh ghẻ cóc. Do bệnh phải mất thời gian rất lâu mới giết chết người bệnh nên người bệnh vẫn sống như một kho chứa vi trùng mà lây nhiễm cho các thành viên khác trong bộ lạc. Chẳng hạn, vùng Karimui Basim ở vùng cao nguyên New Guinea nơi tôi làm việc vào thập niên 1960 có một cộng đồng dân cư biệt lập chỉ có mấy ngàn người sinh sống, nhóm người này có tỷ lệ mắc bệnh phong cao nhất thế giới - khoảng 40%! Cuối cùng, các cộng đồng ít người cũng dễ mắc những bệnh truyền nhiễm không gây chết người mà chúng ta chưa được miễn dịch, hậu quả là cùng một người có thể bị nhiễm lại sau khi đã phục hồi. Đó là trường hợp bệnh giun chỉ và nhiều bệnh ký sinh khác.

Tất cả các căn bệnh đó, đặc trưng cho các quần thể nhỏ sống biệt lập, ắt phải là những căn bệnh lâu đời nhất của loài người. Đó là những căn bệnh mà chúng ta đã có thể tạo ra và duy trì trong suốt những triệu năm đầu tiên trong lịch sử tiến hóa của chúng ta, khi toàn bộ dân số loài người hãy còn ít ỏi và sống manh mún. Những căn bệnh đó cũng đồng thời là hoặc tương tự với những căn bệnh của họ hàng gần gũi nhất của chúng ta là loài đười ươi lớn châu Phi. Ngược lại, các căn bệnh của đám đông, mà chúng ta đã nói tới trên đây, chỉ có thể phát sinh cùng với sự hình thành những quần thể người đông đúc, dày đặc. Sự hình thành đó khởi đầu cùng với sự xuất hiện nền nông nghiệp vào khoảng 10.000 năm trước, sau đó thì tăng tốc cùng với sự ra đời các thành thị vào mấy ngàn năm trước. Trên thực tế, niên đại sớm nhất được kiểm chứng của nhiều căn bệnh truyền nhiễm quen thuộc đều gần ngày nay đến độ đáng kinh ngạc: khoảng 1.600 năm tr.CN với bệnh đậu mùa (suy ra từ những vết sẹo trên da một xác ướp Ai Cập), 400 năm tr.CN với bệnh quai bị, 200 năm tr.CN với bệnh phong, năm 1840 với bệnh bại liệt và năm 1959 đối với AIDS.

Tại sao việc phát sinh nền nông nghiệp lại kích thích sự hình thành các bệnh truyền nhiễm lây lan trong đám đông ở loài người? Một nguyên nhân vừa được kể trên đây, đó là nhờ có nông nghiệp cho nên mới có những quần thể người đông đúc với mật độ cao hơn nhiều so với thời săn bắt hái lượm - bình quân cao hơn từ 10 đến 100 lần. Ngoài ra, những người săn bắt hái lượm thường xuyên di chuyển, để lại sau lưng mình những đống phân tích tụ đầy vi trùng và ấu trùng giun sán. Nhưng các nhà nông thì định cư và sống ngay giữa rác thải của chính mình, do vậy vi trùng chỉ cần di chuyển một quãng ngắn là có thể đi từ cơ thể người này sang nước uống của người kia.

Một số quần thể làm nông nghiệp còn [vô tình] giúp cho vi trùng và giun sán của chính mình dễ dàng phát tán sang các nạn nhân khác hơn nữa bởi thói quen dùng phân và nước tiểu làm phân bón, rải đầy lên các cánh đồng nơi mọi người làm việc. Nền nông nghiệp tưới tiêu và nghề nuôi cá mang lại điều kiện sinh sống lý tưởng cho những con ốc mang mầm bệnh sán máng và những con sán lá gan chuyên đào xuyên qua da chân con người khi họ lội qua vũng nước chứa đầy phân. Các nhà nông định cư dần dà không chỉ sống giữa phân của chính mình mà còn giữa các loài gặm nhấm mang mầm bệnh vốn nghe mùi lương thực dự trữ mà mò đến. Những chỗ phát quang rừng của các nhà nông châu Phi cũng là môi trường sinh sản lý tưởng cho loài muỗi mang mầm bệnh sốt rét.

Nếu việc ra đời nghề nông đã là cơ hội tốt cho các vi trùng của chúng ta, thì việc ra đời các thành thị lại càng là cơ hội tốt hơn gấp bội, bởi lại có thể những quần thể người sống ken dày hơn nữa và dung dưỡng những điều kiện vệ sinh còn tồi hơn nữa. Mãi đến đầu thế kỷ 20 dân cư đô thị châu Âu rốt cuộc mới trở nên tự ổn định, còn trước đó những dòng di cư liên tục của các nông dân khỏe mạnh từ thôn quê lên thành thị là cần thiết để bù cho việc cư dân thành phố thường xuyên chết vì các căn bệnh của đám đông. Một cơ hội tốt nữa cho vi trùng là sự xuất hiện những con đường thương mại quốc tế mà vào thời đế quốc La Mã đã nối liền một cách hữu hiệu các quần thể dân cư của châu Âu, châu Á và Bắc Phi làm hình thành một cơ sở sinh sản khổng lồ cho các loại vi trùng. Đó chính là lúc bệnh đậu mùa rốt cuộc cũng bén đến La Mã, cái gọi là Trận dịch Antoninus từng giết chết hàng triệu công dân La Mã trong khoảng từ năm 165 đến năm 180.

Tương tự, bệnh dịch hạch xuất hiện đầu tiên ở châu Âu với tên gọi Trận dịch Justinian (542-543). Song mãi đến đại dịch Cái chết Đen năm 1346 thì dịch hạch mới ập xuống châu Âu với toàn bộ sức mạnh, khi một con đường thương mại mới trên đường bộ với Trung Hoa cho phép những bộ lông thú chứa đầy rận nhiễm bệnh từ các vùng bị dịch hoành hành ở Trung Á đi dọc theo trục đông-tây của Âu-Á mà đến châu Âu. Ngày nay, nhờ máy bay phản lực mà thậm chí những chuyến bay xuyên lục địa dài nhất cũng hóa ra ngắn hơn thời gian tồn tại của bất cứ căn bệnh truyền nhiễm nào ở loài người. Chính vì vậy mà một chiếc máy bay của hãng Aerolineas Argentina, khi dừng cánh ở Lima (thủ đô Peru) vào năm 1991 đã cho phép hàng chục người nhiễm bệnh tả cũng trong ngày hôm đó bay sang tận thành phố Los Angeles nơi tôi ở, cách Lima những 3.000 km. Sự bùng nổ việc người Mỹ du lịch khắp thế giới, cùng với sự bùng nổ các dòng người di cư đến Mỹ, đang khiến nước Mỹ biến thành một chốn tụ cư mới, lần này [không phải của các chủng người khác nhau mà] là của các loại vi trùng mà trước đây người Mỹ vẫn cho rằng chỉ gây ra những căn bệnh lạ lẫm tận những xứ xa xôi nào đó.

Như vậy, khi dân số loài người trở nên đủ đông và đủ tập trung, chúng ta đạt đến một giai đoạn trong lịch sử khi mà rốt cuộc chúng ta có thể làm hình thành và duy trì những căn bệnh của đám đông vốn chỉ giới hạn trong loài của chúng ta. Song kết luận đó lại đưa đến một nghịch lý: trước đó thì những căn bệnh kia chưa hề tồn tại! Chúng đã phải phát sinh như những căn bệnh hoàn toàn mới. Vậy thì những căn bệnh mới kia từ đâu ra mới được?

Gần đây người ta dần dần tìm ra bằng chứng nhờ tiến hành nghiên cứu phân tử về bản thân các vi trùng gây bệnh. Đối với nhiều loại vi trùng gây những căn bệnh đặc thù ở chúng ta, các nhà sinh học phân tử giờ đây có thể xác định những họ hàng gần gũi nhất của con vi trùng. Các họ hàng đó cũng được chứng minh là tác nhân gây các bệnh truyền nhiễm của đám đông, song là những bệnh chỉ giới hạn ở một số loài gia súc và thú nuôi của chúng ta! Cả ở loài vật cũng vậy, các bệnh truyền nhiễm đòi hỏi phải có những quần thể lớn, mật độ dày đặc, và không phải bất cứ con nào cũng bị: các bệnh này xảy ra chủ yếu ở các loài sống theo bầy nên có những quần thể đủ lớn. Vì vậy, khi chúng ta đã thuần hóa những loài vật sống theo bầy như bò và lợn thì chúng đã nhiễm sẵn những căn bệnh truyền nhiễm chỉ chờ cơ hội để lây sang người.

Chẳng hạn, virus sởi có họ hàng gần nhất với virus gây bệnh rinderpest. Căn bệnh truyền nhiễm tệ hại này tấn công bò và nhiều loài hữu nhũ nhai lại khác nhưng không tấn công người. Đến lượt mình, sởi lại không tấn công bò. Sự tương cận giữa virus sởi với virus gây bệnh rinderpest gợi ý rằng loài sau đã chuyển từ bò sang người, sau đó thì tiến hóa thành virus sởi bằng cách thay đổi các thuộc tính của nó để thích nghi với chúng ta. Sự chuyển vị đó hoàn toàn chẳng có gì lạ nếu ta nhớ lại rằng nhiều nông dân sống và ngủ ngay bên cạnh bò và phân, nước tiểu, hơi thở, những chỗ đau và máu của chúng. Sự thân thiết của chúng ta với loài bò đã kéo dài suốt 9.000 năm từ khi chúng ta thuần hóa chúng - quá đủ thời gian để virus gây bệnh rinderpest phát hiện ra con người ở ngay bên cạnh chúng. Như minh họa ở Bảng 11.1, các bệnh truyền nhiễm quen thuộc khác của loài người cũng có thể truy nguyên nguồn gốc về những căn bệnh ở các loài vật gần gũi với chúng ta.

Cứ xét theo chỗ chúng ta gần gụi thế nào với những loài vật chúng ta yêu thì ắt hẳn chúng ta thường xuyên bị giội bom bởi các loại vi trùng của chúng. Những kẻ xâm lược đó được sàng lọc dần qua chọn lọc tự nhiên, chỉ một số ít trong đó thành công trong việc tự biến mình thành mầm gây bệnh ở người. Một sự khảo sát nhanh các căn bệnh hiện nay sẽ cho phép ta lần theo bốn giai đoạn tiến hóa để một căn bệnh ở loài vật trở thành một căn bệnh chỉ có ở người.

Giai đoạn thứ nhất được minh họa bởi hàng tá căn bệnh mà thỉnh thoảng ta vẫn lây trực tiếp từ các loài gia súc và thú nuôi trong nhà. Đó là các bệnh sốt do mèo cào lây từ mèo, bệnh trùng xoắn móc câu (leptospirosis) lây từ chó, bệnh virus vẹt (psittacosis) lây từ gà và vẹt, bệnh brucellosis lây từ bò. Tương tự, chúng ta cũng có thể lây bệnh từ các loài thú hoang như bệnh sốt thỏ (tularemia) mà các thợ săn có thể bị nhiễm khi lột da thỏ hoang. Tất cả các vi trùng đó hãy còn ở giai đoạn đầu của sự tiến hóa thành tác nhân chỉ gây bệnh ở người. Chúng hãy còn chưa phát tán trực tiếp từ người này sang người khác, và thậm chí việc lây từ thú sang người cũng còn chưa phổ biến.

Bảng 11.1: Những tặng phẩm chết người từ các loài vật bạn của chúng ta

Bệnh ở người

Con vật mang tác nhân gây bệnh gần gũi nhất

Sởi

bò (bệnh rinderpest)

Lao

Đậu mùa

bò (bệnh đậu mùa ở loài vật) hoặc loài gia súc khác mang virus đậu mùa có liên quan

Cúm

lợn và vịt

Ho gà

lợn, chó

Sốt rét

chim (gà và vịt?)

Ở giai đoạn thứ hai, một tác nhân gây bệnh vốn chỉ ở loài vật đã tiến hóa đến mức có thể lây trực tiếp từ người sang người và gây ra dịch. Tuy nhiên, dịch này biến mất dần vì một trong nhiều nguyên nhân, như là bệnh bị chữa khỏi bởi các loại thuốc hiện đại hoặc khi tất cả mọi người xung quanh đã bị nhiễm rồi cho nên hoặc đã trở nên miễn dịch hoặc đã chết. Chẳng hạn, một chứng bệnh sốt mà trước kia người ta chưa biết có tên gọi là O'nyong-nyong đã xuất hiện ở Tây Phi vào năm 1959 và lây cho hàng mấy triệu người châu Phi. Bệnh này có lẽ phát sinh từ một loài virus ở khỉ và lây sang người qua muỗi. Việc các bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh và trở nên miễn dịch khiến cho căn bệnh mới nhanh chóng biến mất. Gần gũi hơn với người Mỹ là chứng "sốt Fort Bragg", cái tên được đặt cho một căn bệnh trùng xoắn móc câu mới bùng phát ở Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1942 và nhanh chóng biến mất.

Một căn bệnh chết người biến mất vì nguyên nhân khác là bệnh cười ở New Guinea, lây nhiễm vì tục ăn thịt người và do một loài virus hoạt động chậm gây ra, bệnh này chưa có ai khỏi được. Kuru (tên bệnh này) đang trên đường tiêu diệt hoàn toàn bộ lạc Foré gồm 20.000 người ở New Guinea cho tới khi chính phủ Úc thiết lập quyền kiểm soát vùng này vào khoảng năm 1959 khiến cho tục ăn thịt người chấm dứt và do đó việc lan truyền bệnh kuru cũng chấm dứt theo. Y văn thế giới đầy rẫy những tường trình về các căn bệnh thoạt nghe chẳng giống gì với những căn bệnh quen thuộc ngày nay nhưng đã từng có lúc gây ra những trận dịch khủng khiếp rồi biến mất cũng một cách bí ẩn như khi xuất hiện. "Bệnh vã mồ hôi Anh quốc", vốn từng quét qua châu Âu từ năm 1485 đến năm 1552 làm cả châu lục này khiếp đảm, và bệnh "mồ hôi Picardie" ở Pháp vào thế kỷ XVIII và XIX chỉ là hai trong nhiều căn bệnh truyền nhiễm đã biến mất từ lâu trước khi y học phát minh ra được các phương pháp xác định vi trùng gây bệnh.

Tiêu biểu cho giai đoạn thứ ba trong sự tiến hóa của các căn bệnh chính ở người là các tác nhân gây bệnh vốn chỉ giới hạn ở loài vật nhưng nay đã trở thành bệnh chỉ có ở người, không (hoặc chưa?) biến mất, và vẫn còn có thể trở thành tác nhân chính gây tử vong ở người song cũng có thể không. Tương lai vẫn còn rất chưa rõ ràng đối với bệnh sốt Lassa gây ra bởi một virus có lẽ phát sinh từ các loài gặm nhấm. Sốt Lassa được phát hiện lần đầu vào năm 1969 ở Nigeria, nơi nó gây ra một căn bệnh chết người có sức lây lan đáng sợ đến nỗi dù chỉ một ca duy nhất xuất hiện cũng đủ để các bệnh viện ở Nigeria phải đóng cửa. Tiến hóa xa hơn thế là bệnh Lyme gây ra bởi một loài xoắn khuẩn mà chúng ta nhiễm phải khi bị cắn bởi những con ve sống trên mình chuột và hươu. Mặc dù những ca đầu tiên được biết đến ở người tại Hoa Kỳ chỉ mới xuất hiện vào năm 1962 song bệnh Lume đã đạt tới quy mô dịch ở nhiều vùng của đất nước này. Tương lai của bệnh AIDS vốn có nguồn gốc từ virus ở khỉ và được ghi nhận lần đầu tiên ở người vào khoảng năm 1959 lại còn vững chắc hơn thế nữa (nhìn từ góc độ con virus).

Tiêu biểu cho giai đoạn cuối cùng trong sự tiến hóa này là những căn bệnh truyền nhiễm chính mà từ lâu đã định hình là chỉ xảy ra ở người. Những căn bệnh này ắt hẳn là những kẻ cuối cùng sống sót sau cuộc tiến hóa từ chỗ tác nhân gây bệnh của loài vật sang người, trong khi hầu hết các ứng viên khác đều đã thất bại.

Những gì thực sự diễn ra trong các giai đoạn đó, khi một căn bệnh chỉ xảy ra ở loài vật tự chuyển hóa thành một căn bệnh chỉ xảy ra ở người? Một trong những sự chuyển hóa đó là thay đổi vật chủ trung gian trực tiếp: khi một vi trùng đã thích nghi với việc phát tán nhờ vật chủ trung gian là một loài động vật chân đốt thì, lúc chuyển sang vật chủ mới, nó có thể cũng buộc phải tìm một vật chủ trung gian mới. Chẳng hạn, bệnh sốt phát ban thoạt tiên chỉ lây nhiễm giữa những con chuột qua trung gian là bọ chét sống trên mình chuột, thế rồi chính con bọ chét này cũng đủ để phát tán bệnh từ chuột sang người trong một thời gian. Cuối cùng, virus bệnh sốt phát ban khám phá ra rằng con rận sống trên cơ thể người là một phương pháp hữu hiệu hơn nhiều để chúng có thể di chuyển trực tiếp từ người này sang người khác. Ngày nay khi hầu hết người Mỹ không còn rận trên người nữa, bệnh sốt phát ban lại tìm ra một con đường mới để xâm nhập chúng ta: chúng nhiễm vào những con sóc bay ở miền đông Bắc Mỹ, sau đó thì nhiễm vào những người mà gác xép nhà họ là nơi ở cho loài sóc bay.

Nói ngắn gọn, những căn bệnh tiêu biểu cho một quá trình tiến hóa đang diễn tiến, và vi trùng thích nghi qua chọn lọc tự nhiên với các vật chủ và vật chủ trung gian mới. Nhưng, so sánh với cơ thể bò, cơ thể chúng ta có những hệ phòng thủ miễn dịch khác, những loài rận khác, phân và thành phần hóa học cũng khác. Trong môi trường mới đó vi trùng phải tạo ra những cách mới để sống còn và tự phát tán. Trong một số trường hợp tiêu biểu, các bác sĩ hay bác sĩ thú y đã thực sự có cơ hội quan sát vi trùng tạo ra những cách mới này.

Những ca được nghiên cứu kỹ nhất là khi bệnh u nhầy (myxomatosis) nhiễm vào loài thỏ châu Úc. Người ta đã quan sát được con virus gây bệnh này, vốn cư trú ở một giống thỏ hoang tại Braxin, gây một trận dịch tàn hại ở loài thỏ nhà tại châu Âu vốn là một loài khác hẳn. Thế là con virus này được cố tình đưa sang Úc vào năm 1950 với hy vọng sẽ tiệt trừ được loài thỏ châu Âu mà người ta đã trót dại mang đến Úc vào thế kỷ XIX và giờ đây đã sinh sôi nảy nở tràn lan ở lục địa này. Trong năm đầu tiên bệnh u nhầy đã giết chết 99,8% số thỏ bị nhiễm, làm hài lòng các bác nông dân Úc. Nhưng thật chẳng may cho các nông dân, sang năm thứ hai thì tử suất ở thỏ tụt xuống còn 90% và cuối cùng còn vỏn vẹn 25%, khiến người ta chẳng còn hy vọng gì diệt sạch được giống thỏ này ra khỏi Úc. Vấn đề ở chỗ con virus gây bệnh này đã tiến hóa theo hướng đáp ứng quyền lợi của chính nó, mà quyền lợi đó khác với quyền lợi của chúng ta cũng như của loài thỏ. Con virus đã thay đổi theo hướng giết chết ít thỏ hơn và cho phép những con thỏ bị nhiễm sống được lâu hơn trước khi chết. Kết quả là, nhờ ít gây chết chóc hơn, virus có thể phát tán ra nhiều con thỏ hơn so với căn bệnh nguyên thủy vốn độc hại hơn, gây chết nhiều hơn.

Muốn xem một ví dụ tương tự ở người, chúng ta chỉ cần xét sự tiến hóa đáng ngạc nhiên của bệnh giang mai. Ngày nay, hai căn bệnh có liên quan trực tiếp với giang mai là đau cơ quan sinh dục (genital sores) và một căn bệnh tiến triển rất chậm, nhiều bệnh nhân bị mắc bệnh nếu không được chữa trị cũng phải sau nhiều năm mới chết. Tuy nhiên, khi giang mai được ghi nhận chắc chắn lần đầu tiên tại châu Âu vào năm 1495, các mụn mủ của bệnh thường phủ kín người nạn nhân từ đầu xuống tận gối, làm thịt rơi khỏi mặt nạn nhân và dẫn đến cái chết trong vòng vài tháng. Đến năm 1546, giang mai đã tiến hóa thành căn bệnh với những triệu chứng mà tất cả chúng ta đều biết ngày nay. Rõ ràng là, cũng như với bệnh u nhầy, vi khuẩn giang mai nhờ tiến hóa theo hướng giữ cho nạn nhân lâu chết hơn nên có thể phát tán con cái mình sang nhiều nạn nhân khác hơn.

Tầm quan trọng của các vi trùng gây chết người trong lịch sử nhân loại được minh họa rõ ràng qua việc người châu Âu chinh phục và làm chết hầu hết cư dân ở Tân Thế giới. Số người châu Mỹ bản địa chết trên giường vì các vi trùng của Âu-Á cao hơn rất nhiều so với số người chết trên chiến trường vì súng và gươm của người Âu. Các vi trùng này đã xói mòn sức kháng cự của người Anh-điêng bằng cách giết chết gần hết người Anh-điêng cùng các lãnh tụ của họ và khiến những người sống sót nhụt hết nhuệ khí. Chẳng hạn, vào năm 1519 Cortés đổ bộ lên bờ biển Mexico cùng 600 người Tây Ban Nha để chinh phục đế quốc Aztec với dân số nhiều triệu người và một đội quân hùng mạnh. Việc Cortés đến được thủ đô Tenochtitlán của đế quốc Aztec, sau đó thoát được mà "chỉ" mất hai phần ba lực lượng của mình và lại mở được đường máu quay về bờ biển minh họa cho cả ưu thế quân sự của người Tây Ban Nha lẫn sự ngây thơ ban đầu của người Aztec. Nhưng khi Cortés tấn công ác liệt lần thứ hai, người Aztec không còn ngây thơ nữa mà chiến đấu hết sức ngoan cường để giữ từ con phố này sang con phố khác. Cái giúp cho người Tây Ban Nha có ưu thế quyết định chính là bệnh đậu mùa vốn đã đổ bộ sang Mexico vào năm 1520 cùng với một nô lệ bị nhiễm bệnh đến từ Cuba thuộc Tây Ban Nha. Trận dịch từ đó sinh ra đã giết chết gần một nửa dân số Aztec trong đó có cả Hoàng đế Cuitláhuac. Những người Aztec sống sót thì mất hết tinh thần trước căn bệnh bí hiểm đã giết chết bao nhiêu người Aztec nhưng lại không đụng đến người Tây Ban Nha, cứ như là quảng bá cho sự bách chiến bách thắng của người Tây Ban Nha vậy. Dân số Mexico ban đầu là 20 triệu, đến năm 1618 đã tụt hẳn xuống còn vỏn vẹn 1,6 triệu người.

Tương tự, Pizarro cũng đã gặp may khi đổ bộ lên bờ biển Peru vào năm 1531 với 168 thuộc hạ để chinh phục đế quốc Inca đông tới hàng triệu người. May cho Pizarro và thật không may cho người Inca, bệnh đậu mùa đã lan đến xứ này bằng đường bộ từ khoảng năm 1526, giết chết hầu hết dân số Inca kể cả Hoàng đế Huayna Capac và người được chỉ định kế vị ông ta. Như ta đã thấy ở Chương 3, việc ngai vàng bị bỏ trống đã đưa tới hậu quả là Atahualpa và Huascar, hai con trai khác của Huayna Capac, gây cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn và Pizarro chỉ việc lợi dụng để chinh phục xứ Inca vốn đã bị chia rẽ.

Nói đến những xã hội đông dân nhất ở Tân Thế giới vào năm 1492, chúng ta có xu hướng chỉ nghĩ đến người Aztec và người Inca. Chúng ta quên rằng Bắc Mỹ cũng từng là nơi có những xã hội Anh-điêng đông đúc ở chính nơi hợp lý nhất là thung lũng sông Missisippi, một trong những vùng nông nghiệp trù phú nhất của Hoa Kỳ ngày nay. Tuy nhiên, trong trường hợp Bắc Mỹ, các nhà chinh phục người châu Âu đã không hề góp phần trực tiếp vào việc hủy diệt các xã hội đó, mà chính các vi trùng Âu-Á - vốn bành trướng đến đó trước con người - đã làm tất cả. Khi Hernando de Soto trở thành nhà chinh phục người châu Âu đầu tiên hành quân ngang qua vùng đông nam Hoa Kỳ vào năm 1540, ông đã đi qua những thành thị của người Anh-điêng bị bỏ hoang từ hai năm trước đó bởi dân cư đã chết sạch vì bệnh dịch. Những trận dịch đó đã lây lan từ những người Anh-điêng vùng duyên hải bị nhiễm bệnh bởi những người Tây Ban Nha đặt chân lên bờ biển. Các vi trùng của người Tây Ban Nha phát tán vào nội địa nhanh hơn bản thân người Tây Ban Nha.

De Soto vẫn có cơ hội nhìn thấy một số thành thị Anh-điêng có dân cư đông đúc dọc theo vùng hạ lưu Missisippi. Sau khi cuộc hành quân của ông kết thúc, phải mất một thời gian dài sau đó người châu Âu mới lại đặt chân đến thung lũng Missisippi, nhưng các vi trùng Âu-Á giờ đã chắc chân ở Bắc Mỹ và tiếp tục phát tán. Đến khi người châu Âu tái xuất hiện ở vùng hạ lưu Missisippi, ấy là khi người Pháp đến định cư vào cuối thập niên 1600, hầu như tất cả các thành thị lớn của người Anh-điêng đã biến mất. Vết tích còn lại của chúng là các di chỉ gò đống lớn ở thung lũng Missisippi. Chỉ gần đây người ta mới vỡ lẽ rằng nhiều xã hội trong số các xã hội từng xây các gò đống đó nói chung vẫn còn nguyên vẹn khi Columbus đặt chân đến Tân Thế giới, và các xã hội đó đã sụp đổ (có lẽ vì bệnh tật) trong khoảng từ năm 1492 đến khi người châu Âu khai phá vùng Missisippi một cách có hệ thống.

Hồi tôi còn trẻ, người ta vẫn dạy trẻ con Mỹ rằng ngày xưa Bắc Mỹ vốn chỉ có chừng một triệu người Anh-điêng sinh sống. Con số nhỏ nhoi này có ích trong việc biện minh rằng hồi xưa khi người da trắng chinh phục châu Mỹ thì thật ra vùng này chỉ coi như một lục địa không người ở mà thôi. Tuy nhiên, các khai quật khảo cổ, cùng với các nghiên cứu kỹ lưỡng những mô tả của chính các nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên đặt chân lên bờ biển Hoa Kỳ đã cho ta thấy, thật ra Bắc Mỹ vốn từng có đến khoảng 20 triệu người Anh-điêng. Nếu tính chung toàn bộ Tân Thế giới thì trong vòng một, hai thế kỷ sau khi Columbus đặt chân đến đây, dân số người Anh-điêng đã sụt giảm những 95%.

Tác nhân giết người chính là các vi trùng của Cựu Thế giới mà người Anh-điêng chưa bao giờ tiếp xúc nên chưa hề được miễn dịch cũng không hề có kháng thể di truyền. Đậu mùa, sởi, cúm và sốt phát ban tranh nhau vị trí đầu bảng trong những tác nhân giết người này. Thế mà, như thể ngần ấy vẫn chưa đủ, theo bén gót lại còn những bệnh bạch hầu, sốt rét, quai bị, ho, dịch hạch, lao và sốt hoàng nhiệt. Trong không biết bao nhiêu trường hợp, người da trắng đã thực sự có mặt đặng chứng kiến sự hủy diệt xảy ra khi các vi trùng đến. Chẳng hạn, vào năm 1837, bộ lạc Manda của người Anh-điêng, với một trong những nền văn hóa tinh vi nhất của vùng Đồng bằng Lớn Bắc Mỹ, đã nhiễm bệnh đậu mùa từ một con tàu hơi nước chu du từ St. Louis ngược dòng Missouri. Chỉ trong dăm tuần lễ, dân số của một làng Manda đã tụt thảm hại từ 2.000 người xuống còn chưa đầy 40 người.

Trong khi có đến hơn một tá bệnh truyền nhiễm chính có nguồn gốc Cựu Thế giới đã xâm nhập vào Tân Thế giới và chắc chân thì có lẽ không một tác nhân gây bệnh chết người nào từ châu Mỹ lan sang được châu Âu. Ngoại lệ duy nhất có lẽ là giang mai, song bệnh này có nguồn gốc từ khu vực nào hãy còn là đề tài tranh cãi. Sự chênh lệch một chiều này trong sự trao đổi vi trùng giữa hai lục địa còn gây ấn tượng mạnh hơn nếu ta nhớ lại rằng dân số đông với mật độ cao là điều kiện tiên quyết để những căn bệnh truyền nhiễm dựa trên số đông có thể phát sinh. Nếu như sự ước định lại dân số Tân Thế giới thời tiền Columbus là đúng thì dân số Tân Thế giới nào có thua kém bao nhiêu do với dân số Âu-Á cùng thời đâu. Một số thành thị ở Tân Thế giới thậm chí nằm trong số những thành thị đông dân nhất thế giới vào thời đó. Thế thì tại sao Tenochtitlán lại không có sẵn những giống vi trùng đáng sợ của riêng mình để đợi người Tây Ban Nha?

Một nhân tố có thể góp phần vào việc đó, ấy là những quần thể dân cư đông đúc đã ra đời ở Tân Thế giới muộn hơn một chút so với ở Cựu Thế giới. Một nhân tố khác là, ba trung tâm dân cư dày đặc nhất ở châu Mỹ - vùng Andes, Trung Mỹ và thung lũng Missisippi - chưa bao giờ được nối kết với nhau bởi những con đường thương mại nhanh chóng và thường xuyên để trở thành một cơ sở sinh sản khổng lồ cho các loại vi trùng kiểu như châu Âu, Bắc Phi, Ấn Độ và Trung Hoa đã được nối liền với nhau vào thời La Mã. Tuy nhiên, những nhân tố đó vẫn chưa lý giải được tại sao Tân Thế giới hầu như không hề tạo ra một bệnh truyền nhiễm của đám đông nào. (Người ta có tường trình việc phát hiện ra DNA bệnh lao trong xác ướp của một người Anh-điêng tại Peru chết cách đây 1.000 năm, song quá trình nhận diện vẫn chưa phân biệt được đó là bệnh lao ở người hay là một tác nhân gây bệnh có họ hàng gần (Mycobacterium bovis) vốn phổ biến ở các loài vật hoang dã).

Thay vì vậy, đâu là lý do chính để các bệnh truyền nhiễm chết người không nảy sinh ở châu Mỹ, điều đó sẽ trở nên rõ ràng nếu ta dừng lại để đặt một câu hỏi đơn giản. Vi trùng có thể tiến hóa từ cái gì? Ta đã thấy rằng các căn bệnh của đám đông ở Âu-Á đã tiến hóa từ các loài thú nuôi đã được thuần hóa của Âu-Á. Trong khi có nhiều loài như vậy ở Âu-Á thì chỉ có năm loài được thuần hóa ở châu Mỹ: gà tây ở Mexico và tây nam Hoa Kỳ, lạc đà llama/alpaca và chuột ghinê ở Andes, vịt Muscovy ở Nam Mỹ xích đạo và chó trên toàn bộ châu Mỹ.

Kế đó ta cũng thấy, tình trạng cực kỳ khan hiếm các loài gia súc ở Tân Thế giới phản ánh sự nghèo nàn của nguồn động vật hoang dã ở đây. Khoảng 80% các loài hữu nhũ hoang dã lớn của châu Mỹ đã tuyệt chủng vào cuối Kỷ băng hà cuối cùng khoảng 13.000 năm trước. Dăm ba loài thuần hóa còn sót lại cho người châu Mỹ bản địa ít có khả năng là nguồn sinh ra những căn bệnh của đám đông so với bò và lợn. Vịt Muscovy và gà tây không sống thành bầy lớn, chúng cũng không phải những loài dễ thương (như lũ cừu non) mà chúng ta tiếp xúc trực tiếp nhiều. Chuột ghinê có thể đóng góp một chứng trùng mũi khoan giống như bệnh Chagas hay leishmaniasis vào danh mục các tai ương của chúng ta, nhưng điều đó cũng chưa chắc chắn. Thoạt nhìn, đáng ngạc nhiên nhất là việc các loài lạc đà châu Mỹ (llama hay alpaca) không hề làm phát sinh một căn bệnh nào ở người cả, bởi người ta có xu hướng coi loài này cũng tương đương với các loài gia súc của Âu-Á. Tuy nhiên, có bốn nguyên nhân khiến llama khó lòng là một nguồn tác nhân gây bệnh cho người: chúng được nuôi thành từng bầy nhỏ hơn nhiều so với cừu, dê và lợn; số lượng của chúng còn xa mới bằng số gia súc ở Âu-Á bởi llama chưa bao giờ bành trướng ra ngoài vùng Andes cả; người ta không uống (nên không thể nhiễm bệnh từ) sữa llama; và người ta không nuôi llama trong nhà gần gũi với con người. Ngược lại, những bà mẹ vùng cao nguyên New Guinea thường nuôi lợn con như nuôi trẻ, và lợn cũng như bò được nuôi ngay trong lều của nông dân.

Tầm quan trọng lịch sử của các bệnh có nguồn gốc từ loài vật còn đi xa hơn nhiều chứ không chỉ bó hẹp trong sự xung đột giữa Cựu Thế giới với Tân Thế giới. Các vi trùng Âu-Á đóng một vai trò then chốt trong việc giết chết gần hết các dân tộc bản địa ở nhiều vùng khác trên thế giới trong đó có các dân hải đảo Thái Bình Dương, người châu Úc bản địa và các dân tộc Khoisan (Hottentot và Bushmen) ở phía nam châu Phi. Tử suất của các dân tộc chưa từng tiếp xúc với vi trùng Âu-Á đó xê dịch từ 50% đến 100%. Chẳng hạn, dân số người Anh-điêng ở Hispaniola đã giảm từ khoảng 8 triệu người khi Columbus đặt chân đến vào năm 1492 xuống còn 0 người vào năm 1535. Bệnh sởi đổ bộ đến Fiji theo một tù trưởng vừa đến thăm Australia trở về vào năm 1875 và cứ thế giết chết khoảng một phần tư những người Fiji còn sống vào lúc đó (sau khi nhiều người khác đã chết vì những trận dịch khởi đầu từ khi người châu Âu đến lần đầu tiên vào năm 1791). Bệnh lậu, lao và cúm đi theo thuyền trưởng Cook đến Hawaii vào năm 1779, theo sau là một trận dịch sốt phát ban vào năm 1804 và nhiều trận dịch "nhỏ" khác, đã khiến dân số quần đảo từ khoảng nửa triệu người vào năm 1779 xuống còn 84.000 người vào năm 1853, năm mà bệnh đậu mùa rốt cuộc cũng đặt chân đến Hawaii và giết chết 10.000 người trong số những người sống sót. Những ví dụ kiểu này có thể nhân lên đến gần như vô hạn.

Tuy nhiên, vi trùng không chỉ hành động toàn có lợi cho người châu Âu. Trong khi Tân Thế giới và Australia không nuôi sẵn căn bệnh truyền nhiễm bản địa nào để đợi người châu Âu thì châu Á nhiệt đới, châu Phi nhiệt đới, Indonesia và New Guinea lại có. Bệnh sốt rét trên khắp vùng nhiệt đới của Cựu Thế giới, bệnh dịch tả ở Đông Nam Á nhiệt đới và bệnh hoàng nhiệt ở châu Phi nhiệt đới đã từng (và nay vẫn đang) là những tác nhân giết người khét tiếng nhất của vùng nhiệt đới. Chúng là trở ngại nghiêm trọng nhất cho người châu Âu trong việc thực dân hóa vùng nhiệt đới, chúng cũng là lý do khiến việc phân chia thuộc địa của người châu Âu đối với New Guinea và hầu hết châu Phi chỉ hoàn tất gần 400 năm sau khi việc phân chia thuộc địa ở Tân Thế giới bắt đầu. Còn hơn thế, một khi sốt rét và sốt hoàng nhiệt đã bắt đầu lan tràn sang châu Mỹ theo những con tàu buôn châu Âu, chúng lại trở thành chướng ngại vật chính cho việc thực dân hóa vùng nhiệt đới của Tân Thế giới. Một ví dụ quen thuộc cho vai trò của hai căn bệnh này là người Pháp đã từ bỏ ý định xây kênh đào Panama còn người Mỹ suýt nữa cũng từ bỏ ý định này dù sau đó họ đã xây dựng thành công con kênh đào.

Ghi nhớ trong đầu tất cả các sự kiện đó rồi, chúng ta hãy cố phục hồi cái nhìn toàn diện về vai trò của vi trùng khi trả lời câu hỏi của Yali. Chẳng nghi ngờ gì nữa, người châu Âu đã tạo ra được ưu thế lớn về vũ khí, công nghệ và tổ chức chính trị so với hầu hết các dân tộc không phải châu Âu mà họ đi chinh phục. Nhưng chỉ ưu thế đó không thôi thì không lý giải được đầy đủ tại sao ngay từ đầu một dúm di dân châu Âu ít ỏi lại có thể hất cẳng cư dân bản địa ở châu Mỹ và một số vùng khác trên thế giới vốn đông hơn họ gấp bội. Điều đó ắt đã không xảy ra nếu không có cái tặng phẩm tai hại mà châu Âu mang lại cho các châu lục khác - những giống vi trùng tiến hóa được nhờ lục địa Âu-Á đã từ lâu thân thiết với các loài gia súc.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro