Ngoại truyện 02 [Đồng Nhạn Linh]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tác giả: Viburnum

Biên tập: Yến Phi Ly

.

Tôi biết khi mình viết xuống những dòng này thì đã định trước vĩnh viễn cũng không thể nói ra. Nhưng dẫu sao thì tôi vẫn phải viết, nếu như truy cứu nguyên nhân tới tận cùng thì hẳn có thể nói là bởi vì tình cảm anh em đã chiếm lĩnh hết thảy.

Nhạn Thanh là em trai của tôi, chuyện của nó dĩ nhiên tôi sẽ rất để tâm, để ý đến nỗi không thể không lưu giữ lại những câu chữ trên mặt giấy này.

Hiện tại là năm 1948, tôi và Nhạn Thanh đều đã bước vào cái độ tuổi nằm ở ngưỡng cửa thiên mệnh, vào ngày sinh nhật tôi Thiên Diệm còn nói đùa rằng rốt cuộc tuổi không chênh lệch hàng chục với em nữa rồi. Lúc ấy tôi liền bảo mặc kệ như thế nào, em sẽ luôn luôn theo sát sau anh, sẽ đuổi theo anh.

Khi đó, Nhạn Thanh cùng cười rộ lên, rồi tiếp theo nó lại thầm thở dài một tiếng.

Tôi biết, nó đang nhớ đến Bùi Án Đồng.

Bùi Án Đồng là người Mĩ gốc Ý, tên của anh ta vốn là Anthony Perrotta, "Bùi" chính là hài âm của họ Perrotta, "Án Đồng" thì là hài âm từ cái tên Anthony. Tên này là Thiên Diệm chọn giúp cho anh ta, bọn họ không chỉ là bạn học thời đại học mà còn là bạn tốt đã nhiều năm, thậm chí tiếng Trung của Bùi Án Đồng cũng là do Thiên Diệm dạy. Tôi chưa từng dự đoán được Thiên Diệm vậy mà cũng có thể là giáo viên tiếng Trung giỏi đến vậy, ít nhất, anh ấy dạy cho Bùi Án Đồng đã có thể đạt đến trình độ giao tiếp dễ dàng với một người từng không biết chút tiếng Anh nào như tôi.

Đó là câu chuyện từ lâu rồi, hình như là năm 1927, đấy là lần đầu tiên tôi gặp Bùi Án Đồng. Anh ta đại khái là kiểu người cũng giống như tên, vóc dáng cao hơn cả Thiên Diệm, sống lưng thẳng tắp, hai chân rất dài. Anh ta có đôi nét đặc trưng của người phương Tây, mũi cao mắt sâu, tóc màu nâu xám và cặp mắt đen rất to.

Anh ta cũng không giống với những người Mĩ trong tưởng tượng của tôi, bởi vì tôi từng nghe từ đồng nghiệp, bạn bè thậm chí là Thiên Diệm miêu tả về cách hành xử thoải mái của người phương Tây. Khi nhiệt tình dâng trào thì có lẽ họ cũng sẽ khiến cái người 'cổ hủ' như tôi phải ngại ngùng. Dù là nam hay nữ thì họ đều khá phóng khoáng trong cách thể hiện cảm xúc, đối với chuyện tiếp xúc thân thể thì dường như càng xem là chuyện quá đỗi bình thường. Điều này thậm chí còn khiến tôi và một người quen lớn lên bên Mĩ xảy ra mâu thuẫn nho nhỏ, nhưng mà đến khi gặp mặt thì mọi cử chỉ của Bùi Án Đồng lại khác xa tưởng tượng của tôi.

Anh ta là một người vô cùng nho nhã, lễ độ, tuy rằng không đến mức quá câu nệ nhưng anh ta luôn chú ý giữ một khoảng cách vừa phải, ngả mũ, bắt tay, mỉm cười, rồi sau đó sẽ không có bất cứ tiếp xúc gần gũi nào nữa. Điều này làm cho tôi có cảm giác phải nhìn nhận vấn đề với cặp mắt khác xưa, đồng thời cũng giật mình hiểu được vì sao anh ta có thể trở thành bạn thân của Thiên Diệm. Hai người họ đều có tác phong nhanh nhẹn, một lạnh lùng, một trầm ổn, một ương ngạnh, một khắc chế, một đeo súng bên người, một cầm gậy văn minh. Bọn họ tán thưởng lẫn nhau, là những kẻ thông minh cùng nghiền ngẫm người khác.

"Anthony còn phong độ hơn cả người Anh nhỉ." Lần đầu tiên khi ngồi cùng bàn ăn, Thiên Diệm vừa hút thuốc vừa khen Bùi Án Đồng như vậy.

"Tôi chiếm ưu thế về ngoại hình hơn người Anh ấy chứ." Buông dĩa ăn xuống, ưu nhã cầm khăn lau khóe môi, Bùi Án Đồng nở nụ cười của một quý ngài đáp lại như thế.

Mà cách miêu tả "nụ cười của quý ngài" ấy cũng là do Nhạn Thanh nói cho tôi biết.

Năm 1932, 5 năm sau khi tôi và Thiên Diệm rời xa mảnh đất quê hương, Nhạn Thanh cũng đưa mẹ của chúng tôi đi theo vợ chồng Tứ tiểu thư chuyển tới nước Mĩ. Khi đó, là những năm tháng lao đao trong cơn khủng hoảng kinh tế, di dân nhập cảnh đa phần giảm bớt, nhưng bọn họ vẫn đến, bởi vì chuyện làm ăn của Thiên Diệm không bị tiêu hủy quá nặng nề.

Lúc trước anh ấy đầu tư nhà hàng, xí nghiệp quy mô nhỏ quả nhiên là hành động sáng suốt, các công ty lớn thường sẽ phá sản bởi vì thị trường chứng khoán bị vỡ, nhưng cửa tiệm tạp hoá buôn bán vật dụng cơ bản hay các nhà hàng quy mô nhỏ, cửa hiệu cắt tóc, vũ trường,... thì thường không bị ảnh hưởng quá nặng nề. Vì thế, trong những năm khó khăn nhất ấy trong nhà chúng tôi vẫn không thiếu ăn thiếu mặc, giờ đây có thêm mấy người cũng chẳng thể gọi là thêm gánh nặng. Huống chi, Tạ Kiến Hào và Tứ tiểu thư đều là những người khôn khéo trải sự đời, đối với chuyện làm ăn nhất định sẽ góp sức không nhỏ.

Tôi còn nhớ rõ cảnh tượng lần đầu tiên khi Nhạn Thanh gặp Bùi Án Đồng.

Người đàn ông luôn luôn trầm ổn kia trừng mắt thật to, hết nhìn Nhạn Thanh lại nhìn sang tôi, sau đó chỉ Nhạn Thanh và liên tục dùng tiếng Anh nói vài lần "Unbelievable!".

"Anh ta nói gì vậy?" Nhạn Thanh trực tiếp hỏi tôi.

"Anh ấy bảo 'thật khó tin'." Tôi mỉm cười phiên dịch.

"Này thì có gì mà khó tin, chưa thấy anh em sinh đôi bao giờ à? Hay là anh ta cho rằng người Trung Quốc không có sinh đôi?" Một Nhạn Thanh mãi mãi cũng không xóa đi được nét nghịch ngợm, tùy tiện trong cá tính quay mặt về phía tôi khẽ làu bàu.

Sau đó, trên mặt gã người Ý kia liền hiện ra biểu tình bối rối, anh ta dùng tiếng Trung tiêu chuẩn đáp lại: "Cậu Đồng, tôi nghe hiểu được lời của cậu......"

Một khắc ấy, người bối rối liền biến thành Nhạn Thanh, cậu xấu hổ một lát, sau đó trước tiếng cười sang sảng của Tứ tiểu thư, đỏ mặt nói "Xin lỗi" với Bùi Án Đồng.

Tôi nghĩ, chính là từ giây phút ấy, trong mắt Bùi Án Đồng đã có Nhạn Thanh.

Hoặc đúng hơn, trong lòng cũng vậy.

Dưới tình huống tôi không biết hai người họ nhanh chóng thân quen với nhau, mà điều làm tôi sửng sốt chính là Bùi Án Đồng đã kể với Nhạn Thanh rất nhiều bí mật cá nhân.

Ví như chuyện hôn nhân.

"Anh ấy từng kết hôn, anh hai biết không?" Một ngày nọ, Nhạn Thanh hỏi tôi như vậy.

"Chuyện này thì anh biết. Nhưng tựa hồ là từ rất lâu trước kia rồi." Tôi suy nghĩ mấy giây rồi trả lời, "Đại khái vào lúc hai mươi tuổi thì phải."

"Anh ta bị ép buộc, chuyện này thì anh biết chứ?"

Tôi chợt sửng sốt, lắc lắc đầu, mà nguyên nhân khiến tôi bất ngờ thì là vì Nhạn Thanh lại nắm tin tức rõ tới căn nguyên như vậy, hoặc là nói, Bùi Án Đồng vậy mà sẽ tiết lộ với nó.

"Anh ấy bị ép, gia tộc sắp xếp hôn nhân cho anh ấy cưới một cô gái của gia tộc khác, khi đó Bùi Án Đồng mới hai mươi mốt tuổi, khoảng mười tám năm trước."

"Chính miệng anh ta nói mấy chuyện này với em à?"

"Đúng vậy ~ anh ấy hẹn em đi xem phim, trên đường thì có nhắc đến." Nhạn Thanh đáp rồi thở dài, "Em cứ tưởng người phương Tây phương ưa chuộng tự do cá nhân nên sẽ không có chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đó thế này."

"Theo anh biết thì vẫn có đó."

"Sau đấy không đến ba năm thì anh ấy ly hôn." Cứ như không nghe thấy lời của tôi, Nhạn Thanh tiếp tục kể, "Kết hôn ba năm mà còn chưa có con, người trong nhà đều không chịu nổi, cho rằng vợ của anh ấy 'có vấn đề'. Anh thấy không, trong các điều bất hiếu có tội không con nối dõi, hóa ra ở nước họ cũng nghĩ như vậy."

"......Ừ."

"Em hỏi anh ấy tại sao sau này không tái hôn, anh ấy chỉ bảo là vì mình liều chết đấu tranh với người trong nhà, mới khiến người lớn trong gia tộc từ bỏ ý định. May mà anh ấy có nhiều anh chị em, dòng tộc cũng nhiều nhánh, bằng không nhiệm vụ nối dõi tông đường kia sẽ tránh không khỏi đâu. Nhưng anh ấy một mực không nói cho em biết vì sao không tái hôn, em đang nghĩ có phải vì em hỏi chưa đủ rõ? Hay là vì vốn dĩ anh ấy không định nói nhỉ."

Khi Nhạn Thanh nhẹ giọng kể lại mọi chuyện, lần đầu tiên tôi có một loại linh cảm, một linh cảm rằng giữa hai người họ sẽ phát sinh chuyện gì đó.

Mà linh cảm ấy ngay mấy tháng sau đã được tăng mạnh, bởi vì một ngày nọ Nhạn Thanh lại lặng lẽ tới tìm tôi trò chuyện, nó nói rất chậm: "Bùi Án Đồng không có con vốn chẳng phải vấn đề ở chỗ vợ anh ta.". Và cho đến một năm sau đó khi nó đỏ mặt, dùng âm lượng lí nhí hỏi tôi "mấy chuyện kia" rốt cuộc là phải làm như thế nào thì mọi thứ đã được chứng thực.

Tôi không thể tin được thứ dự cảm ấy lại có thể trở thành sự thật.

Việc này tôi chưa từng chủ động nói với Thiên Diệm, Nhạn Thanh cũng xin tôi giữ bí mật, thế nên tôi sẽ giữ kín vì nó. Tôi lại càng không thể tìm Bùi Án Đồng để xác nhận sự thật, vì thế trong một quãng thời gian rất dài quan hệ của hai người họ đã trở thành khúc mắc trong lòng tôi.

Bùi Án Đồng là người theo đạo Thiên Chúa, cho nên tôi biết quan hệ giữa hai người họ vừa đi ngược lại luân thường của Nhạn Thanh, lại mạo phạm giáo lý mà anh ta phải thuân theo.

Bởi vậy tôi cứ ôm nỗi lo sợ vô biên, sợ rằng ngày nào đó hai người họ sẽ có một kết thúc đầy bi kịch.

Nhưng trước khi trắc trở xuất hiện, ít nhất có hơn hai năm rưỡi bọn họ ở chung với nhau, cũng coi như là rất thuận lợi.

Trong lúc ấy, Thiên Diệm cũng từng nói với tôi Bùi Án Đồng đã giải thích với anh ấy về quan hệ với Nhạn Thanh là như thế nào.

"Hơn cả một người bạn", đây là cách mà gã người Ý kia trả lời anh ấy.

"Cậu ta nói sao thì cứ nghe vậy đi." Thiên Diệm tựa hồ cũng không có ý định xen vào việc của người khác, "Nhạn Thanh thì nói gì với em?"

"Tóm lại..... đại khái đã mức mức da thịt thân thiết." Lúc ấy tôi xấu hổ tới nhường nào chắc chỉ có trời biết.

"Thế tức là đã xác định rồi?"

"...... Đại khái là vậy." Tôi vùi mặt vào gối đầu, "Em ngại không dám hỏi kĩ hơn."

"Vậy thôi đừng hỏi." Thiên Diệm mỉm cười, vươn tay vuốt tóc tôi.

"Nhưng em cứ thấy lo lắm." Tôi kể cho anh ấy nghe về nỗi bất an của mình, rồi sau đó khi Hải Đường đã béo múp hơn mấy năm trước rất nhiều nhảy lên trên người tôi làm nũng thì mới ngồi dậy, "Chẳng phải anh nói Bùi Án Đồng theo đạo sao, thế thì....."

"Dù gì cậu ta cũng ngót nghét bốn mươi tuổi rồi, nếu cậu ta đã nghĩ kĩ thì đương nhiên sẽ xử lý ổn thỏa, không cần anh với em phải lo lắng đâu."

"Ừm." Tôi dĩ nhiên tin lời anh ấy nói.

Thực ra, ít nhiều thì tôi cũng ôm chút chủ nghĩa lý tưởng, chung quy tôi cứ cảm giác bọn họ sẽ tốt thôi, giống như Romeo và Juliet, hay như Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, nhưng sẽ là một kết thúc tốt đẹp, tuy không thể thành bạn đời hợp pháp nhưng ít nhất có thể như đôi chim liền cánh, giống tôi và Thiên Diệm vậy.

Nhưng hóa ra tôi đã xem nhẹ độ tùy hứng của Nhạn Thanh và sức mạnh của gia tộc Bùi Án Đồng.

Nhạn Thanh vẫn cứ bốc đồng và tùy ý như thường ngày. Nhưng tôi lại không biết nên nói gì với sự tùy hứng của nó lần này. Bởi vì nguyên nhân của tất cả mọi chuyện là vào đầu năm 1935, mẹ chúng tôi qua đời.

Mẹ tôi mắc bệnh ung thư, những năm tháng cuối đời là quãng thời gian khổ sở của bà. Mẹ mất khi chưa tròn sáu mươi tuổi, tôi và Nhạn Thanh đều cảm giác cả cuộc đời này, thời gian mẹ hưởng hạnh phúc quá ngắn ngủi. Mà đứa con thường hay dính mẹ như Nhạn Thanh thì lại càng u uất nhiều hơn.

Nó quyết định muốn giữ đạo hiếu ba năm vì mẹ. Ăn chay, cấm dục, tròn chỉnh ba năm.

Có điều Bùi Án Đồng lại không thể đợi.

"Dựa vào cái gì mà anh ta không thể đợi? Đó là mẹ em! Nếu anh ta muốn giữ đạo hiếu cho người nhà thì em cũng sẽ chờ mà!" Đây là lời Nhạn Thanh vừa khóc vừa nói với tôi.

"Vì lí do gì mà em không cần anh giữ đạo hiếu ba năm với em?" Tôi hỏi.

"Bởi vì......"

"Bởi vì em biết anh không muốn, Đại thiếu gia cũng không đồng ý." Tôi dứt khoát nói thẳng rồi kéo tay nó để nó nhìn tôi, "Nhạn Thanh, không giữ đạo không có nghĩa là không hoài niệm, sống thật tốt chính là an ủi lớn nhất với mẹ, tự em hiểu điều ấy mà."

"Em không hiểu! Anh, chuyện khác thì thôi, lần này thì không thể thỏa hiệp! Anh đừng ép em! Bằng không em chẳng coi anh là anh trai nữa đâu!"

Tôi nghĩ khi ấy Nhạn Thanh nổi nóng lỡ lời, nhất định là đau đớn và thất vọng ngập tràn trong tim đã khiến nó mụ mị đầu óc. Mà nó và Bùi Án Đồng thật sự đã chia tay ba năm cũng là điều mà tôi không ngờ tới.

Trong ba năm ấy, Bùi Án Đồng không ở Mĩ, anh ta trở về đảo Sicily, bị gia tộc bức ép nên kết hôn lần thứ hai.

"Trên thương trường, Anthony được cho là một kẻ có bản lĩnh, nhưng trước mặt người nhà dù sao cậu ta vẫn giống như một con chim bị xiềng xích bó buộc." Đây là lần duy nhất trong những năm qua mà Thiên Diệm chủ động đánh giá về Bùi Án Đồng.

"Cũng tại Nhạn Thanh tùy ý quá, chọc cho anh ta bất đắc dĩ mới giận dỗi trở về." Tôi chỉ biết lắc đầu.

Trong ba năm ấy tôi và Nhạn Thanh cũng không thường xuyên gặp nhau, nó ở lại trong khu nhà trọ nhỏ mà nó thuê, quanh năm suốt tháng cứ ru rú miết trong nhà. Nó vẫn làm văn thư cho Tạ tiên sinh hiện đang giúp Thiên Diệm xử lý một phần công việc buôn bán, nhưng lại rất ít chủ động tới tìm tôi.

Tôi không biết mình cũng chẳng chủ động đến tìm nó nhiều có tính là sai lầm hay không, nhưng ba năm ấy tôi thật sự đã để yên cho nó có không gian thanh tĩnh.

Có lẽ là khi ấy chúng tôi đều còn chút xung động của tuổi trẻ. Giả như là hiện tại, khi mà chúng tôi đều đã qua tuổi năm mươi, hẳn sẽ không dám phóng túng để hơn một ngàn ngày đêm trôi qua như vậy nữa.

Mùa xuân năm 1938, khi mà toàn bộ châu Âu đã trở nên hỗn loạn, Bùi Án Đồng mới trở lại.

Khi đó, anh ta đã bốn mươi sáu tuổi. Anh ta không còn trẻ nữa, dù trên mặt vẫn giữ nguyên nụ cười mà lúc trước Nhạn Thanh từng miêu tả, nụ cười của quý ngài.

"Tôi lại độc thân rồi." Cau mày cười khổ một tiếng, anh ta nói, "Tôi muốn gặp Nhạn Thanh, cậu ấy..... vẫn một mình sao?"

"Có anh ở đây, nó mới không phải một mình." Trong lòng tôi dâng lên chua xót, nhìn thoáng qua Thiên Diệm, trước ánh mắt tỏ vẻ tán đồng của anh ấy mới nắm lên điện thoại.

Vào ngày hôm đó, vào ngày ấy tháng ấy, Nhạn Thanh và anh ta lại quay về bên nhau.

Chỉ là lần này bọn họ đều nhiều thêm sự cẩn thận, ba năm lắng đọng lại khiến Nhạn Thanh không tùy ý như xưa, nó không còn là kẻ ngốc thích nắm giữ quyền quyết định trong tay, nó bắt đầu hiểu được tiến lui, hiểu được nhường nhịn.

Mà tôi vĩnh viễn chẳng thể nào quên được vẻ mặt và lệ trên khóe mắt Nhạn Thanh trong khoảnh khắc gặp lại Bùi Án Đồng.

Hẳn bọn họ đều đã hối hận vì đã buông bỏ nhau, đây là phỏng đoán của một kẻ ngoài cuộc như tôi. Toi vẫn nghĩ lần chia ly này của hai người họ là đáng giá, bởi vì có hơn một ngàn ngày đêm tịch mịch mới có được sự thức tỉnh từ nỗi cô đơn ấy, trưởng thành cùng kiên cường hơn mới có thể bên nhau trọn đời.

Sau khi Nhạn Thanh gặp lại Bùi Án Đồng thì không tách ra nữa. Bọn họ không sống cùng nhau nhưng vẫn luôn có nhau, chuyện của họ vẫn luôn là bí mật với người ngoài, thậm chí Tứ tiểu thư cũng không biết. Trong mắt người đời, trong mắt tôn giáo, hai người họ và thậm chí cả chúng tôi đều chỉ là những kẻ ngoại tộc, là bệnh nhân, nhưng chúng tôi vẫn luôn vững vàng kiên trì tới cùng.

Thời cuộc rung chuyển thì có sao, dòng đời bấp bênh thì lại như thế nào?

Có lẽ chúng tôi sẽ vĩnh viễn không được chấp nhận, vĩnh viễn không có quyền hiên ngang đứng trước ánh nắng tươi đẹp, nhưng, như vậy thì có sao?

Thật đó, không sao hết.

"Anh hai, cô tư có thể chấp nhận anh và Đại thiếu gia là vì tình cảm anh em của họ sâu nặng, nhưng em dù sao cũng là người ngoài mà." Nhạn Thanh từng trả lời dứt khoát như vậy khi tôi hỏi nó có muốn báo cho Tứ tiểu thư biết hay không.

"Em cho rằng nhiều năm như vậy rồi mà cô ấy còn xem em như người ngoài sao?"

"Em không cảm thấy vậy nhưng em không thể mạo hiểm, một chút xíu thôi cũng không thể." Nó đáp: "Em phải suy tính vì Án Đồng, giờ không phải chuyện của riêng em nữa rồi."

Khoảnh khắc ấy tôi ngạc nhiên phát hiện ra rằng đứa em Nhạn Thanh tùy ý vô tâm của tôi đã trưởng thành rồi, hoặc là nên nói, nó vẫn còn rất bốc đồng, nhưng qua vài năm ấy, nó đã chẳng còn mê muội nữa.

Lòng người, cuộc đời, luôn luôn là những từ rất khó để định nghĩa. Nhưng bất cứ điều gì chung quy rồi cũng sẽ có một ngày kết thúc, cuộc sống thái bình cuối cùng cũng sẽ đến, đó là niềm tin từ trước đến giờ chúng tôi vẫn luôn giữ vững.

Năm nay, năm 1948, khi trời đã chuyển qua tháng sáu, Bùi Án Đồng trở về đảo Sicily thăm người nhà. Nhạn Thanh biết anh ta nhất định sẽ đi gặp người phụ nữ đã từng kết hôn lại bị anh ta phụ bạc năm đó. Nhưng Nhạn Thanh cũng không ngăn cản.

"Người ta có thể giữ liên lạc lại còn có thể vui vẻ hòa thuận với anh ấy thì chính là phúc phận của ảnh rồi. Kể cả cô vợ ở Mĩ mà ảnh cưới hồi trẻ nữa, họ thỉnh thoảng vẫn gặp gỡ bình thường mà. Em rất bội phục hai người phụ nữ ấy, nếu như em bị phụ tình, lại còn bị người ta ly hôn, ước chừng đến chết cũng không thể tha thứ được đâu." Nhạn Thanh từng vô tình lải nhải nhắc lại khi chúng tôi cùng nhau chuẩn bị cho bữa tiệc mừng sinh nhật.

"Có lẽ là vì họ đã có linh cảm, cũng tự biết khó có thể làm vợ chồng dài lâu, ít nhất thì quan tâm như những người bạn cũng đủ rồi." Tôi dọn xong đĩa salad, tiếp nhận nước tương mà Nhạn Thanh truyền tới, "Phụ nữ rốt cuộc thông minh nhường nào, có bao nhiêu ương bướng, sợ là chúng ta không hiểu hết được đâu."

"Không có cái gì mà không thể hiểu được. Anh quên năm đó mẹ ương ngạnh cỡ nào sao?" Nó cười đáp lại.

Tôi không đáp, nhưng tôi tỏ vẻ tán thành.

Có điều tôi thật sự muốn nói, người ương ngạnh cũng không chỉ riêng mẹ mà còn cả chúng tôi nữa. Tôi, Nhạn Thanh, Thiên Diệm, vợ chồng Tứ tiểu thư, thậm chí cả Bùi Án Đồng đều không thể xem như người Mĩ. Chúng tôi đều là những người con xa xứ, trong cuộc sống sinh hoạt có lẽ sẽ tiếp nhận rất nhiều điều, lại cũng có lẽ vĩnh viễn không thể tiếp nhận cũng chẳng thuộc về chúng tôi, mà cũng có khi từ rất sớm bất tri bất giác đã ngấm sâu vào văn hóa của mỗi một cá thể rồi. Trôi qua những ngày tháng của riêng mình, thưởng thức buồn vui mà chính mình tự tạo ra, thống khổ cùng quê hương đất nước, cách xa người thân thương, chờ mong ngày sau, tháng sau, năm sau có thể được đoàn tụ. Có lẽ đời này mãi chẳng thể đoàn tụ, có lẽ sự ly biệt ấy chính là biệt ly cả một đời, nhưng chúng tôi sẽ không dừng chân, chúng tôi sẽ tiếp tục dùng hết toàn lực bôn ba từng bước, theo đuổi, kiếm tìm. Vậy là đủ rồi, vậy là đã đủ để có thể an ủi, có thể thỏa mãn.

"Gió không cuốn em đi mới quan trọng." Tôi mãi mãi nhớ rõ trên boong tàu chở khách năm xưa, Thiên Diệm đã nói với tôi như vậy.

Tôi rất muốn nói với anh, gió không cuốn đi mỗi người chúng ta, chúng ta của hiện tại chẳng phải rất vui vẻ trải qua từng ngày bình yên lặng lẽ sao?

Sống thật tốt, sẽ chẳng có cơn gió nào cuốn đi nổi.

Bởi vì nó và lòng người bị buộc chặt vào với nhau, nếu như lòng người kiên cố vững chãi, dẫu gió có hung bạo càn rỡ thế nào cũng đâu thể làm được gì?

Tôi thật sự, thật sự đã cho rằng như vậy đấy.

Đồng Nhạn Linh

New York ngày 07/07/1948

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro