Suy ngẫm: Học Làm Người..?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

''Ngồi buồn muốn trách ông Xanh

 Khi vui lại khóc, buồn tênh lại cười

       (Nguyễn Công Trứ)

 Mới hay quy luật trên đời

 Đông tàn là để Đất Trời vào Xuân

 Nếu trên đời toàn chuyện nghĩa, nhân

 Thì ngành luật pháp xa gần ... ngồi chơi

 Không rác rưởi, chẳng tanh hôi

 Thì hoa thơm... sẽ hỡi ơi bị thừa!

 Sự đời Giả - Thật như đùa

 Không ác quỷ -

                      chẳng ai thờ Thánh nhân!

LƯỚI TRỜI KHÔNG - MÀ ĐÂU CŨNG CÓ

(ảnh minh họa)

 Ông bà ta xưa nay thường quan niệm: ''Trời có mắt''...

Con mắt ấy có thể soi thấu cái nhẽ sống ở đời, mà thấy được cái Nhân cái Quả, để chứng minh rằng: ''Người trồng táo sẽ được ăn táo - Kẻ trồng găng ắt phải ăn găng'' hoặc ''Kẻ gieo gió sẽ có ngày gặp bão''; là ''Đời cha ăn mặn, đời con khát nước''...

 Đối với những kẻ giả đạo đức: ''Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm''; nhừng kẻ bàn tay gây nhiều tội lỗi, mà ''Bề ngoài vẫn thơn thót nói cười'', chúng có thể qua mặt được luật pháp. Song chúng không thể thoát khỏi luật nhân quả.

 Bởi:

    Lưới Trời tuy không, mà đâu cũng có

    Lòng người tham có, mà đáy thì không!

 Từ cách sống vô tư, thật thà, chân chính... cho đến cách sống mưu mô, xảo trá, độc ác... đều không qua được cặp mắt của Thiền. Bởi Thiền lấy chữ Tâm làm gốc.

  Chuyện một nhà sư nam trẻ qua đò sang sông thấy mọi người chỉ phải trả có một quan tiền, nhưng cô lái đò cứ khăng khăng đòi nhà sư tới hai quan, vì sư đã trót... ngắm nhìn cô lái quá lâu.

 Rút kinh nghiệm lần sau khi qua sông, vị sư này không mở mắt nữa, mà nhắm nghiền mắt lại. Vậy mà cô lái đò lại đòi tới những mười quan, vì cô cho rằng lần này nhà sư đã ngắm nhìn cô bằng tâm! Thật quả không sai!

   Thiền coi vạn sự đều do Tâm sinh ra.

   Thanh tâm quỷ thần bất tránh

   Tâm thanh bất tránh quỷ thần.

  Một đứa trẻ lên ba cùng mẹ vào miếu vô tình đái vào tượng thần, nên không có tội. Nhưng nếu thần mà làm tội đứa trẻ thì Thần cũng không phải là Thần! Vì thế nhiều người khi làm việc thiện, họ không cần phải chọn giờ đẹp. Bởi chả lẽ những kẻ làm việc ác thì họ cũng phải chọn giờ... xấu hay sao?

 Chuyện kể có hai vị sư đi trên bờ sông, bỗng thấy một cô gái sắp chết đuối. Một thiền sư không hề do dự liền nhảy xuống vớt cô gái lên bờ, rồi cởi bớt quần áo, kịp thời làm hô hấp nhân tạo. Vị thiền sư kia nhìn thấy thân hình ngọc ngà của cô gái gần như lõa thể - đẹp hơn cả một thiên thần... vị thiền sư này liền cắm đầu bỏ chạy.

 Sau đó, vị thiền sư bỏ chạy hỏi thiền sư cứu nạn:

 - Đạo hữu nghĩ gì khi ngồi bên cô gái với một thân hình đầy cảm xúc...

 Thiền sư cứu nạn điềm nhiên đáp:

 - Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến việc nhanh chóng cứu người. Còn hình ảnh cô gái đầy cảm xúc ra sao, nó nằm ngay trong mắt, trong tim của chư huynh!

 Đó là chuyện hai người có hai cách nhìn. Song cũng chỉ một người, khi làm việc thiện thì đôi mắt sẽ có thần. Khi biết mình đang làm việc ác, thì đôi mắt sẽ thất thần. Ấy là tâm thay, tướng đổi.

  Hiểu được luật nhân quả, dân gian ta thường thấy trong họa có phúc, trong phúc có họa...Nhiều khi ở đời,cũng khó tránh khỏi sự đời ''làm phúc phải tội'', hoặc ''giúp vật, vật trả ân - giúp nhân nhân trả oán''. Nhưng khi hiểu được luật nhân quả, họ sống ung dung, tự tại giữa cuộc đời đầy cát bụi, thấm được chân lý: ''Có đức mặc sức mà ăn''...

  Đạo Phật dạy: ''Thiện tai, thiện tai'', không làm việc thiện sẽ gặp tai họa... chân tướng của số mệnh nằm ở tu nhân tích đức.

 Thiền lấy cái bất biến trong tâm để ứng với cái vạn biến. Cũng như ông giám đốc C.ty xổ số hàng ngày vẫn bình chân như vại mà vẫn làm tròn bổn phận, trong khi người mua thì rối tung lên trong cuộc may, rủi ăn thua...

 Hiểu được luật nhân quả, thì tâm con người ta hướng về những điều lành, điều thiện - tránh xa điều ác, dẫu phải kiên trì chờ đợi:

        Ai ơi ăn ở cho lành

       Kiếp này chưa đậu, xin dành kiếp sau.

  Hiểu được luật nhân quả, con người ta sẽ tự quyết lấy số mệnh của mình. Nhân là bất biến. Nhân truyền từ đời này sang đời khác, cũng như Gien trong học thuyết Đác Uyn; cũng như định luật một vật đứng yên sẽ không bao giờ tự chuyển động nếu không có lực đòn bẩy của Niu - Tơn. Nhân cũng thế. Nhân muốn thành quả phải hợp đủ cơ duyên. Cũng như xã hội muốn bớt được những tệ nạn xấu xa... thì trước hết cần phải có một môi trường lành mạnh.

 Nhiều người hiểu: Nếu làm việc thiện thì giờ nào cũng là giờ đẹp. Hẹn ngày không bằng gặp ngay. Nếu hai người đi thưa kiện nhau. Cả hai đều chọn giờ để hai bên cùng thắng. Vậy bên thua sẽ để phần ai? Còn ông quan nhận tiền đút nót của cả hai bên thì ông ta đâu cần chọn ngày, chọn giờ. Cũng như những kẻ bất nhân, bất nghĩa, trước khi hành động như cướp của, giết người... có thể chúng sẽ chọn hoặc tạo thời cơ... chứ đâu có chọn giờ lành, giờ tốt!

 Ở đời, nhiều người cũng vì không hiểu lẽ vô thường, không hiểu được rằng Số là do Tâm... nên đã làm nhiều điều ác...Họ đâu có hiểu lấy thì dễ, nhưng trả phải làm lễ, phải ăn năn chịu tội mới xong!

 Hơn thế, trong phút giây tĩnh lặng tuyệt vời của Thiền nhân:

       Trăm năm nào có gì đâu

      Chẳng qua một đám cỏ âu xanh rì...

 ...nên người có tài đừng cho mình mãi mãi tài năng. Người coa quyền, có chức chớ cậy ta đây mãi mãi có quyền , mãi mãi có chức có kẻ vâng người dạ, mãi mãi có vật lạ của ngon. Người khôn ngoan đừng cho mình mãi mãi là khôn. Biết đâu trong lẽ huyền vi, sự biến đổi: ''Khôn ba năm, dại một giờ'' mà thành thân bại danh liệt. Biết đâu mọi vật đều biến động, cùng tắc biến - biến tắc thông. Số mệnh luôn biến hóa từ cát sang hung:

       Xưa sao phong gấm rủ là

      Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

 Hoặc từ hung sang cát:

      Hết cơn bĩ cực, tới hồi thái lai...

 Và:

    Những ai bạc ác tinh ma

   Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương!?

 Hiểu được nhân quả thì ta nắm giữ được chìa khóa mở cửa tự do trong đời ta và giúp ta làm chủ lấy cuộc đời. Không hiểu nhân quả thì ta sẽ sống trong mê tín dị đoan hay trong sự lo âu của cuộc sống vô định, bắp bênh.

 Hiểu được nhân quả giúp ta định hướng dễ dàng và có một hướng đi và có một quan niệm sống vững chắc trước mọị hoàn cảnh khó khăn.

            (Luật Nhân - Quả)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#quy