I. Giấc mộng Đại Nam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thể loại: Dã sử Việt Nam. 

Bối cảnh: Sau trận Cầu Giấy lần thứ hai năm 1883; quân Cờ đen do Lưu Vĩnh Phúc đứng đầu đã hoàn toàn thắng lợi.

Quân Pháp toan bỏ chạy tuy nhiên triều đình lại thương lượng với chúng. Sau khi chờ được thêm viện binh, triều đình lục đục, vua Tự Đức qua đời thì Pháp đã chớp lấy cơ hội; tấn công kinh thành Huế.

20/8/1883, Pháp đổ bộ Thuận An, triều đình xin hàng và kí hiệp ước Quý Mùi. Hiệp ước này đã mở rộng địa bàn đô hộ của Pháp. 

__o0o__

Giọng giảng bài hùng hồn của thầy văng vẳng một góc hành lang:

- Vào năm 1883 đã diễn ra trận đánh Cầu Giấy lần thứ hai. Đây là một cuộc chạm trán sôi nổi của người Pháp với quân ta. Chiến thắng Cầu Giấy lần hai làm quân Pháp hoang mang lo sợ, chúng đã có ý định rút lui.

Mặt thầy nghiêm nghị, ánh mắt lướt qua từng khuôn mặt ngơ ngác của chúng tôi. Chất giọng của thầy trầm mà vang, làm cho từng lời giảng như có thêm sức nặng, khiến chúng tôi bị cuốn hút lúc nào không hay.

- Tuy nhiên, triều đình lúc bấy giờ lại chủ trương thương lượng với Pháp, mong muốn lịch sử trận Cầu Giấy thứ nhất có thể lặp lại - họ sẽ thương lượng và đạt được những quyền lợi từ Pháp. Nhưng triều đình không biết được đó là một quyết định hoàn toàn sai lầm. Có trò nào đoán được người Pháp sẽ làm gì kế tiếp hay không?

Tôi giơ tay ngay lập tức, được thầy mời, tôi nói luôn không kịp nghĩ thêm:

- Dạ, con đoán người Pháp sẽ đợi viện binh tới và nhân cơ hội triều đình rối loạn để đánh chiếm, mở rộng thuộc địa.

Thầy gật đầu khen tôi, khuôn mặt bỗng dưng có những tia tiếc nuối lướt qua:

- Trò Nam nói phải. Quân Pháp khi ấy đã rất suy yếu nhưng triều đình lại đòi thương lượng, trong quãng thời gian đó bọn chúng đã đợi được viện binh. Pháp nhân lúc vua Tự Đức qua đời, triều đình rối loạn và không còn chung chiến tuyến với nhân dân, cuối cùng bọn chúng đã tấn công thẳng vào kinh thành Huế. Triều đình hoảng hốt xin hàng. Pháp và triều đình kí một hiệp ước, gọi là Hiệp ước Quý Mùi - một hiệp ước bán lãnh thổ cho Pháp.

Chúng tôi nghe đến đây thì đầy thất vọng với sự bạc nhược của triều đình Huế. Thầy im lặng và cả đám học trò cũng theo đó ngẩn người. Chỉ vì một quyết định sai lầm, chỉ vì không có được sự đoàn kết và lãnh đạo thích hợp mà triều đình đã đem đất nước vào ách đô hộ của Pháp suốt một chiều dài lịch sử sáu mươi mốt năm.

Tôi thầm nghĩ bụng: "Phải chi lúc đó cố gắng đoàn kết hơn một chút, nhân dân và triều đình hết lòng đánh đuổi bọn Pháp thì mấy chục năm sau, không cần phải rất nhiều chiến sĩ và nông dân phải đổ máu. Đất nước ít nhất cũng được hòa bình trong sáu mươi mốt năm."

Tiếng trống vang rền, tỏa ra khắp các ngóc ngách của khuôn viên lớp học. Chúng tôi thoát khỏi cái lặng của một tiết lịch sử đầy nuối tiếc, và rồi tiếng ồn ào cười nói vô lo của học sinh nổ ra, lấp đầy những khoảng trống ngột ngạt nãy giờ.

Tiết trời sang thu nên se lạnh. Tôi ngồi bên bàn học mà không tập trung được, cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Một đợt gió nhẹ thổi qua, mắt tôi chợt díp lại, gục đầu xuống bàn học và tầm nhìn của tôi trở thành một màu đen.

Tôi thấy mình đi, đi xuyên qua một dãy hành lang sâu hun hút. Tầm nhìn tôi mơ hồ, chỉ theo một tia sáng nhỏ xíu nơi cuối đường mà vững tin tiến bước. Có gì đó thôi thúc tôi, thì thầm với trái tim tôi rằng hãy đi, tiến lên phía trước. Khung cảnh đầu tiên rơi vào mắt tôi là một mảng trời xanh. Xanh biếc tuyệt đẹp như một bức tranh. Tôi hoảng hốt trong lòng, ánh mắt lướt qua một lượt cảnh vật xung quanh.

Nhìn sơ qua là có thể biết tôi đang ở Kinh thành Huế. Tuy nhiên thật kì lạ làm sao! Xung quanh tôi toàn là những người ăn mặc không đúng thời đại, toàn là phong cách ăn mặc của Việt Nam thời xưa. Và thật lạ làm sao khi Kinh thành Huế không có những mảng rêu phong, không có màu úa tàn của thời gian như lần cuối cùng tôi tới tham quan với trường. Kinh thành Huế khang trang, lộng lẫy và vô cùng nhộn nhịp! Tưởng chừng như tất cả những sự phồn hoa trong lịch sử đã quay lại, khiến tôi ngẩn người, tâm trạng rối bời.

Bỗng dưng có một binh lính đi chân đất chạy lại chỗ tôi, cung kính cúi đầu, thưa:

- Bẩm Thị nội Vệ úy có gì sai bảo ạ?

Tôi ngơ ngác chỉ vào mình, rồi lại ngơ ngác bởi mấy chữ "Thị nội Vệ úy". Cái quái gì vậy trời? Sao tự nhiên tôi lại rơi vào khoảng thời gian kỳ lạ này rồi? Theo suy đoán của tôi thì đây là thời nhà Nguyễn nhưng không biết là thời vua nào. Và tôi còn là một quan võ có cấp bậc cũng khá cao. Nhờ ở trong đội tuyển sử và thích tìm tòi nên tôi đã từng đọc qua "Quan chế nhà Nguyễn", nên mới biết mình là ai, có chức quyền gì chỉ qua cách xưng hô của binh lính nọ.

Sau vài ngày ở trong cung điện, tôi vẫn chưa thích nghi tốt được với môi trường xung quanh, tuy nhiên vẫn có thể miễn cưỡng cố gắng. Một buổi sáng tháng năm, bầu trời kinh thành xanh biền biệt trải dài ngút ngàn. Lâm thị vệ chạy vào nói với tôi rằng sắp có một buổi thiết triều rất long trọng tại Điện Thái Hòa, tôi cần phải ngay lập tức chuẩn bị.

Điện Thái Hòa nhìn từ xa đã trang nghiêm lạ kỳ, bước vào trong mới là tuyệt phẩm. Phần kiến trúc theo lối trùng thiềm trùng lương lộng lẫy, trang nghiêm. Toàn bộ được lợp ngói lưu ly - một loại ống ngói được tráng men vàng, ánh lên ánh kim xa hoa trong cái nắng dìu dịu. Phần đỉnh mái được đắp hình rồng chầu và hồi long, chính giữa được đặt hình bầu rượu làm từ pháp lam. Gió lung lay những cành hoa tỏa hương nhẹ nhàng, vậy mà không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy rất uy nghiêm đến lạ, đến nỗi tim tôi đập nhanh không tả được cái bồi hồi xúc động. Được quay lại một khắc lịch sử huy hoàng, tận mắt chứng kiến được những khung cảnh phồn hoa của những di tích khiến tôi bỡ ngỡ và rất hân hoan.

Phần sân chầu đã đầy những quan văn bá võ. Long tinh kỳ bay phấp phới trong gió, chúng tôi quỳ xuống, cung kính đợi đức vua.

- Tự Đức bệ hạ giá lâm!

Lọng che thêu hình rồng dũng mãnh bị gió lay nhè nhẹ. Long bào làm từ gấm lụa xa hoa thêu bằng chỉ vàng tinh xảo. Cả sân chầu sau khi làm lễ lặng im như tờ. Tự Đức bệ hạ ngự ở ngai vàng trong điện, xung quanh là Hoàng thân và tứ trụ đại thần đứng đầu các quan trong triều. Ánh mắt bệ hạ uy nghiêm nhưng thần sắc bình thản, toát ra khí chất của bậc tôn vương:

- Ta hỏi các khanh, nên đối đãi với người Pháp như thế nào là phải?

Các quan văn thì nói rằng, hãy thương lượng thử với họ xem sao. Dù gì người Pháp có những tiến bộ nhất định mà Đại Nam chúng ta vẫn chưa theo kịp, chúng ta phải lợi dụng sự thất bại lần này của họ để mang về những quyền lợi ấy.Các quan võ, ai ai cũng mang mũ dáng vuông và cường tráng, vậy mà bộ dạng lấm lét mang đến cho tôi một cảm giác không tin tưởng được. Một trong hai vị tứ trụ của võ giai, Thái sư, nói:

- Bẩm bệ hạ, thần thấy các bá văn nói rất đúng. Chúng ta nên thương lượng thì hơn, không nên dùng thêm lực lượng của triều đình nữa vì như vậy sẽ đe dọa cho an nguy của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta cần bây giờ là giải quyết với người Pháp trong êm đẹp, thu xếp cho đôi bên đều có lợi, bảo toàn lực lượng.

Đức vua không bày tỏ cảm xúc trên nét mặt, tuy nhiên tôi lại sợ ngài đã bị lung lay. Tôi bèn lấy hết dũng khí, tâu:

- Thưa bệ hạ, theo thần chúng ta nên đánh ạ.

Tất cả viên quan đều ngạc nhiên nhìn tôi, còn vị Thái sư kia thì nhíu mày, khó chịu ra mặt. Ông ta có vẻ định quát tôi, vì tôi chỉ là một chức quan võ quèn so với chức Thái sư đầy quyền lực của ông ấy, tuy nhiên Tự Đức bệ hạ đã phất tay, ý bảo tôi trình bày. Từ khi biết được đây là mốc thời gian nào, tôi đã hiểu rằng mình có sứ mệnh đoàn kết được triều đình và nhân dân để bảo vệ đất nước khỏi tình thế ngàn cân treo sợi tóc lúc này.

Tôi đứng lên, trong lòng thầm sợ hãi, lỡ như ăn nói hàm hồ thì tôi có thể sẽ bỏ mạng, tuy nhiên sau một lúc ngồi nghe buổi thiết triều hôm nay, tôi đã nhận ra mốc thời gian này là ngay sau trận Cầu Giấy lần thứ hai, tháng năm năm 1883, và triều đình đang bàn để ra một quyết định hết sức quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử Việt Nam về sau: nên đánh, hay nên thương lượng với người Pháp?

- Muôn tâu bệ hạ, thần nghĩ rằng chúng ta phải đánh. Hòa bình không phải lúc nào cũng là kế sách hay nhất, và trong trường hợp này, thần nghĩ nó sẽ gây bất lợi cho chúng ta. Tất cả những viên quan đại thần ở đây đều biết rằng, người Pháp rất tham vọng. Chúng ta không chắc được rằng họ sẽ hoàn toàn phục tùng triều đình hay là đang nuôi dưỡng một kế hoạch đánh chiếm kinh thành, vì thế nhân lúc người Pháp suy yếu, chúng ta nên đánh một lần thật lớn để đánh đuổi hoàn toàn bọn chúng khỏi bờ cõi. Và điều cốt lõi nhất là chúng ta lấy sức mạnh của nhân dân, đoàn kết với họ để mang lại chiến thắng, khi ấy, Bệ hạ sẽ càng được lòng dân hơn nữa.

Tôi đứng trên cổng Ngọ Môn, lướt nhìn những binh sĩ và nông dân xếp thành hàng ngay ngắn. Sau buổi thiết triều đó, Tự Đức bệ hạ đã ban cho tôi một ngàn binh sĩ triều đình tinh nhuệ và tôi đã chiêu mộ được thêm một ngàn nông phu cường tráng rất yêu nước.

Tôi nói, cố gắng dùng giọng thật nghiêm nghị và chậm rãi:

- Các ngươi đều là những trụ cột cho gia đình đang chờ đợi, nhưng các ngươi cũng là trụ cột của Đại Nam này. Hôm nay, ta và các ngươi nhất định sẽ đem về sự tự do cho toàn lãnh thổ của Đại Nam! Các ngươi có đồng ý theo ta hay không?

- Đem về tự do! Đem về tự do! - Binh dĩ hô to, hào khí oanh liệt thật sự không bút mực nào tả xiết.

Lâm thị vệ mặc giáp sáng lóa, khẳng khái nói với tôi và với tất cả mọi người:

- Vệ úy đi đâu, chúng thần sẽ theo đó, quyết không từ nan! Dù cho là dầu sôi lửa bỏng, để đánh đuổi quân Pháp, chúng thần cũng không bao giờ chịu thua! Quân Pháp là cái thá gì chứ, chỉ cần đoàn kết là chúng ta sẽ thắng!

Tiếng reo hò lại nổi lên như sấm dậy khắp kinh thành. Tôi giơ tay ý bảo im lặng và nói ra những lời mình đã trằn trọc cả đêm, chẳng hiểu sao bài hịch của Trần Quốc Tuấn cứ vang trong đầu tôi một âm sắc xa xưa, hùng hồn khiến tôi không khỏi rùng mình: 

- Quân Hán đô hộ chúng ta một ngàn năm, vậy mà ông cha ta không đời nào để bọn chúng toại nguyện. Vùng đất này là của chúng ta, lãnh thổ này là ông cha ta gầy dựng nên, giang sơn này là do rất nhiều con người, từ già bé, lớn nhỏ phải đoàn kết và đổ máu để giữ gìn tới ngày nay! Một ngàn năm đô hộ mà chúng ta còn thoát ra được, vẫn giữ gìn được trọn vẹn từng tấc đất từ thuở Văn Lang, vậy cớ sao lần này chúng ta, những đứa con đất Đại Nam có thể để bọn Pháp đô hộ làm thuộc địa của bọn chúng? Các ngươi và ta sinh ra trong thời buổi loạn lạc vậy mà còn dám uốn lưỡi để nịnh bợ, há chẳng phải đang đem thịt mà nuôi hổ đói?

Không khí lặng im đến đáng sợ, tôi dùng hết tất cả những tâm trạng gấp gáp muốn cứu lấy đất nước của mình mà mượn Hịch tướng sĩ để truyền đạt, song đó thêm vào những ý nghĩ của mình cho hợp thời hợp thế. Giọng nói của tôi thoáng chốc nghe thật khác so với thường ngày, hùng dũng mà âm vang đến lạ, tôi nói tiếp:

- Ta đảm bảo với các ngươi, trận chiến lần này, chúng ta sẽ thắng. Nhưng dân ta phải nhớ lầy chữ đồng: Đồng tình, đồng lòng, đồng sức, đồng minh! Các ngươi phải luôn đoàn kết, triều đình phải đoàn kết với nhân dân chống giặc. Đồng tâm hiệp lực, kề vai sát cánh, chúng ta sẽ cùng nhau góp phần làm Đại Nam hưng thịnh. Ta nói cho các ngươi hay, dù có chết giữa chiến trường, vẫn là một cái chết oanh liệt đáng được lưu danh sử sách.

Tiếng hò reo vang dội như sấm khắp cả một góc kinh thành rộng lớn. Kinh thiên động địa, khí thế trùm trời.

Trận đánh diễn ra, quân Pháp vì đang suy nhược nên thần kinh không vững mà dân ta lại còn đoàn kết nhất quyết không bán nhu yếu phẩm cho bọn chúng khiến chúng rã rời, tổ chức rối loạn. Chỉ trong hai giờ thì quân ta đã toàn thắng và thủ lĩnh Pháp bị bắt về cung đình Huế. Long tinh kỳ kiêu hãnh bay phấp phới, tiếng trống rền vang xa cả dặm. Tiếng hô hào của nhân dân ủng hộ lực lượng từ chiến trường trở về truyền đi rất xa. Khung cảnh hùng tráng như một thiên sử thi, trống kèn ồn ã như hội, tiếng vó ngựa, và hơn hết là tiếng hò reo của dân chúng thật náo nhiệt, hoành tráng:

- Đại Nam tự do! Đại Nam tự do!

- Hoàng thượng vạn tuế! Hoàng thượng vạn tuế!

Trời đất hiền hòa, đất nước tự do... Đang chìm đắm trong không khí hùng tráng ấy, thì tôi chợt tỉnh giấc. Thì ra nãy giờ tôi vẫn đang mơ, vậy mà chân thật làm sao! Một giấc mơ kì lạ, đã cho tôi một bài học sâu sắc về sự đoàn kết xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.

Vì đồng lòng mà việc nhỏ sẽ thành lớn, vì bất hòa thì chắc chắn việc lớn sẽ vỡ. Đoàn kết là sức mạnh và nó đã trở thành một truyền thống quý báu, luôn được phát huy trong các hoàn cảnh lịch sử. Muốn trở thành một khối thống nhất phục vụ cho mục đích lớn lao thật không phải dễ, tuy nhiên tôi tin rằng, bẻ đũa thì chẳng bẻ được cả nắm. Lịch sử dân tộc chứng minh rất rõ rằng đoàn kết mang lại được thành công, và là một học sinh, tôi cũng nhận thức rõ được vai trò của đoàn kết. Qua đó chúng ta phải chung tay xây dựng được một lớp học đoàn kết, một ngôi trường đoàn kết và rộng hơn nữa là một xã hội đoàn kết.

__o0o__

"Một bài văn vào những ngày thi học kì, niên học 2020 - 2021"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro