Đôi cánh 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngươi có biết chuyện "nhân tài trở thành thú nhồi bông" không? Ta lấy làm hoan hỉ lắm. Ngay cả yêu đương những lúc thế này cũng hoan hỉ lắm.
Chỉ khi thân xác mệt mỏi tới nỗi ọp ẹp thì tinh thần mới sáng như đồng bạc, khi nicotine ngấm vào cái bụng lép kẹp của ta thì mới là lúc sự mụ mị thường trực trong đầu ta được thức tỉnh. Trên đó ta bày biện sự dí dỏm và nghịch lý giống như những viên đá trong cờ Pa-tuk1. Căn bệnh của thường thức hận thù.
Ta thiết lập cuộc sống với một nữ nhân. Ngay cả ở kỹ xảo yêu đương ta cũng ngượng nghịu, nếu nhìn kỹ một chút vào tận cùng của trí tuệ mà nói thì đó là một kiểu của người thần kinh phân liệt. Ta chỉ tiếp nhận một nửa con người nữ nhân ấy - đó là một nửa của tổng thế. Ta chỉ đưa một chân vào trong cuộc sống ấy và vừa trực diện như thể có hai vầng thái dương2 vừa khinh khích cười. Ta dường như không chịu được sự nhạt nhẽo của nhân sinh tàm tạm này nên thôi. Goodbye.
Goodbye. Nàng thi thoảng dường như cũng thích thử đưa vào hiện thực sự trớ trêu bằng cách ngấu nghiến những món ăn mà nàng ghét nhất, dí dỏm và nghịch lý và...
Việc nàng tự lừa phỉnh chính mình cũng là chuyện đáng nói. Tác phẩm của nàng hóa ra lại thích hợp và cao giá vì chưa một lần xem.
Hãy quên thế kỷ XIX đi. Giống như ai đó đã nói rất thích đáng rằng tinh thần Dostoievski xem ra là sự lãng phí, Hugo là một góc bánh mỳ của Pháp. Thế nhưng vì nhân sinh hoặc vì những thứ tiểu tiết trong mô hình đó mà phải lừa dối hoặc bị lừa dối? Đừng tức giận. Vì đó là điều ta chỉ nói với nàng mà thôi...
(Nếu tháo miếng băng gạc ra, ta tin rằng vết thương chảy máu cũng sẽ được chữa lành hoàn toàn. Goodbye).
Tình cảm là như thế nào, ta cũng không chỉ ra được hình thái cụ thể của nó. Khi mà hình thái ấy cao độ hóa đến tư thế bất động thì tình cảm sẽ dừng cung cấp ngay.
Ta nhìn lại sự phát triển phi phàm của mình và quy chuẩn nhãn quan nhìn thế gian.
Người quả phụ và nàng ong chúa - chẳng phải vô vàn nữ nhân trên thế gian này vốn đã trở thành quả phụ sao? Không! Lập luận rằng tất cả nữ nhân trong cuộc sống thường nhật này đều là quả phụ của ta liệu có trở thành điều báng bổ tới phụ nữ một cách ngoài ý muốn? Goodbye.
1 Một loại cờ vây của Hàn Quốc.
2 Mặt trời chỉ có một, vậy mà tác giả nói là hai. Ở đây tác giả tự trào, tự chế nhạo mình vì bất an.

Số nhà 33 được cảm nhận giống như khu nhà thổ.
Một số nhà với 18 hộ kề sát nhau kéo dài ra, các khuôn cửa giống nhau và lò sưởi cũng giống nhau. Không những thế, mọi người sống trong những căn hộ này đều trẻ như những cụm hoa. Mặt trời chưa lên. Nguyên do là họ vờ như không biết mặt trời đã lên. Họ mắc một cái dây thép đến ngang cằm rồi viện cớ phơi những tấm khăn trải nệm lốm đốm để ngăn mặt trời lên chỗ bậu cửa kéo. Họ ngủ ngày trong những căn phòng u ám. Họ không ngủ vào ban đêm ư? Trời mà biết! Ngày cũng như đêm ta đều ngủ nên chẳng có cách nào mà biết được điều ấy. Ban ngày của 18 căn hộ số nhà 33 thật yên tĩnh.
Sự yên tĩnh đó chỉ thuộc về ban ngày thôi. Sẩm tối, họ cuộn chăn đệm lại. 18 căn hộ sau khi thắp điện lên còn sáng chói hơn cả ban ngày. Đêm càng xuống thì tiếng mở - đóng cửa càng thường xuyên hơn. Mọi thứ trở nên bận rộn. Đủ các loại mùi bắt đầu toả ra. Mùi cá trích nướng, mùi Tancotoran1, mùi nước vo gạo, mùi xà bông...
Thế nhưng đáng chú ý hơn cả là cái tấm biển treo cổng đang gật gù của họ. Cái được gọi là cổng của 18 căn hộ này có một góc bị rời ra và đã rơi mất từ khi nào. Nhưng cái cổng đó giống như một con đường chính, chưa lần nào được đóng lại. Bất cứ lúc nào, tất cả những người bán rong giữa ban ngày ban mặt cũng có thể qua qua lại lại cái cổng đó. Những nhà này không cần mua đậu phụ ở bậu cửa mà chỉ mở cửa kéo thôi thì ngồi trong phòng cũng mua được. Vì số nhà 33 có đặc điểm như vậy nên việc gắn lại cái biển của 18 căn hộ chẳng có ý nghĩa gì. Họ, tự hồi nào đã dán hết lên cửa kéo của căn hộ mình những cái tên mỹ miều, nào là "Pek In Dang", nào là "Kil Sang Dang" rồi nên họ bỏ đi cái phong tục dán biển treo cổng.
Ngay bên cạnh phía trên bậu cửa phòng nhà ta chỉ dán 4 chữ "Vỏ bao Kal-pyo"2. Không! danh thiếp của vợ ta cũng dán theo kiểu này.
Thế nhưng ta chẳng chơi với ai trong số họ. Không những không chơi mà ta còn chả thèm chào hỏi nữa kia. Ngoài việc ta chào vợ ta ra thì ta chả thích chào hỏi ai cả.
Vì ta nghĩ rằng việc mình chơi đùa hay chào hỏi người khác ngoài nàng ra là việc không có gì hay ho khi nàng nhìn thấy vào ban ngày. Ta đã nghĩ nàng quan trọng đến nhường ấy cơ đấy.
Lý do mà ta nghĩ nàng quan trọng đến nhường ấy là trong 18 căn hộ của số nhà 33 thì ta biết rằng nàng đẹp nhất và nhỏ bé nhất giống như cái danh thiếp của nàng vậy. Trong số những cụm hoa của 18 căn hộ ấy thì nàng là một cụm đẹp nhất, rực rỡ ở bất cứ đâu trong khu vực dưới cái mái tôn không ánh sáng mặt trời này. Do đó ta phải bảo vệ cái cụm hoa này. À không, ta là một tồn tại sống bấu víu vào cái cụm hoa đó, lẽ dĩ nhiên ta là một tồn tại ngượng nghịu không tài nào diễn tả nổi.
* 1 Tên một hãng mỹ phẩm được nhiều người sử dụng vào thời kỳ đế quốc Nhật thống trị Triều Tiên.
* 2 Kal-pyo là tên một loại thuốc lá lúc bấy giờ. Ý nói rẻ chỉ đáng giá như một bao thuốc lá.
Ta hài lòng với bất cứ chỗ nào trong phòng ta - phòng chứ không phải nhà. Ta không có nhà. Nhiệt độ trong phòng dễ chịu với thân nhiệt ta, độ tối trong phòng cũng dễ chịu với thị lực của ta. Ta không hề mong muốn căn phòng mát mẻ hơn hay ấm áp hơn. Ta cũng không ước nó dài rộng hơn hay sáng sủa hơn thế này. Căn phòng này dường như mãi như vậy cho riêng mình ta nên ta luôn cảm ơn căn phòng của ta. Và ta cũng rất lấy làm vui thích vì dường như ta sinh ra trên thế gian này để hòa hợp với căn phòng ấy.
Nhưng chẳng nhất thiết phải toán xem rằng đây là hạnh phúc hay bất hạnh. Nói đúng ra thì ta không cần thiết phải nghĩ ta hạnh phúc, nói thế thì ta cũng không cần nghĩ ta bất hạnh. Ngày lại qua ngày ta lười biếng và nhàn rỗi không lý do, vạn sự cứ thế trôi.
Ta lăn tròn trong căn phòng vừa vặn như cái áo của tâm hồn và cơ thể ta. Khi ta rũ xuống là lúc ta trong trạng thái thoát bổng tuyệt đối ra khỏi tính toán trần tục xem mình hạnh phúc hay bất hạnh, tức là khi ta thảnh thơi và an nhàn. Ta thích trạng thái này.
Căn phòng mang tính tuyệt đối này của ta là căn thứ 7 nếu tính từ cổng vào. Không phải là không có nghĩa lucky seven (số 7 may mắn) đâu nhé. Ta yêu con số 7 này như tấm huân chương vậy. Liệu có ai biết việc chia đôi căn phòng này thành hai gian bởi một tấm ngăn ở giữa như tượng trưng cho vận mệnh của ta không?
Phòng ngoài dù vậy còn có ánh mặt trời. Buổi sáng mặt trời ngó vào cũng đủ để đọc sách, buổi chiều nhỏ dần bằng cái khăn tay rồi biến mất. Không cần nói thì cũng biết phòng trong - nơi mà mặt trời không bao giờ ghé qua là phòng của ta. Ta không nhớ trong hai người thì ai là người đã phân định rằng phòng có ánh mặt trời chiếu vào là phòng của nàng, phòng không có ánh mặt trời là phòng của ta. Nhưng ta không bất bình gì.
Chỉ cần nàng ra khỏi nhà là ta lập tức ra phòng ngoài chống cái cửa sổ ở phía đông đó lên, sau khi chống cửa sổ lên thì ánh sáng rực rỡ hắt lên từng đốm từ những hộp trang điểm đủ màu sắc của nàng. Thú tiêu khiển của ta là ngồi nhìn cái thứ ánh sáng ấy. Ta lấy cái kính lúp nhỏ xíu ra rồi vừa huơ huơ nhúm giấy thơm mà chỉ mình nàng dùng vào lửa, vừa đùa giỡn với lửa. Ta làm khúc xạ những tia sáng song song và dồn chúng vào một tiêu điểm, tiêu điểm ấy trở nên nóng bỏng, cuối cùng ta bắt đầu đốt giấy thơm, tạo ra những làn khói mỏng tang cho đến khi xuyên được qua lỗ thủng, đối với ta thì khoảng thời gian ngắn ngủi như muốn ngừng thở đó lại là một niềm hứng thú.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro