TÁC PHẨM KÝ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TÁC PHẨM KÝ

Ký là một loại hình văn học đặc thù có quá trình phát triển khá đặc biệt. Quá trình phát triển của ký gắn liền với những tranh luận, biện giải thường xuyên xung quanh các vấn đề: Ký là văn học hay báo chí? Ký có được hư cấu không? ranh giới của ký trong tương quan với các loại hình văn học và báo chí ở đâu? Phân loại ký như thế nào? v.v... Đến nay những vấn đề học thuật gây tranh cãi từ ký vẫn chưa được giải quyết ngã ngũ nghĩa là ký vẫn là một địa hạt chưa thật định vị ổn thoả như một số loại hình văn học hoặc báo chí khác. Trong giới hạn tương đối, ở đây chỉ khái quát một số vấn đề cơ bản nhất về ký trong mối quan hệ lưỡng sinh với văn học.

1. Quan niệm về ký

1.1. Ký là một loại hình văn học đặc thù nằm giữa văn học và báo chí

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trước khi có sự xuất hiện của báo chí - môi sinh thuận lợi đặc biệt của ký, loại hình ký vốn là những hình thức ghi chép về người thật, việc thật. Trong lịch sử văn học trung cận đại, nội hàm khái niệm ký rất gần gũi với các thuật ngữ: chí, biên, lục, kỷ... Tuy nhiên những hình thức ghi chép sớm nhất trong lịch sử đều có giá trị hợp sinh thể loại theo tinh thần "văn sử triết bất phân". Một khi các hình thái ý thức xã hội chưa có khả năng tự tách ra để tồn tại trong tư cách độc lập thì hiện tượng nhiều phẩm chất khác nhau của các hình thái ý thức cùng sinh tồn trong một dạng thức chung là điểm tất yếu.

Ở Trung Quốc ký xuất hiện từ rất sớm. Sử ký của Tư Mã Thiên xuất hiện trước khi có sự thống nhất Trung Quốc cách đây mấy ngàn năm. Lịch sử văn hoá Trung Quốc ghi nhận sự có mặt và vai trò quan trọng đặc biệt của các loại văn học "ký thực", "văn học biên duyên" đã có cả một bề dày phát triển từ rất sớm ở Trung Quốc. Thực chất các loại tiểu thuyết chí nhân, chí quái, thoại bản, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết dã sử... trong văn học cổ trung đại Trung Quốc ít nhiều đều có tính chất ký. Trong văn học cận và hiện đại Trung Quốc các loại phóng sự (đặc biệt văn học phóng sự hoặc còn gọi là biên duyên văn học) rất phát triển. Sau phong trào Ngũ tứ, văn học phóng sự có bước đột phá lớn với các nhà văn nổi tiếng như Băng Tâm, Cù Thu Bạch, Lỗ Tấn, Nhu Thạch, Tạ Băng Oanh... Nửa cuối thập kỷ 30 thế kỷ XX văn học phóng sự được mùa bội thu với các tác phẩm nổi tiếng của Hạ Diễn (Bao nhân công); Tiên Càn (Lưu dân đồ); Tống Chi (Mùa xuân năm 1936 ở Thái Nguyên); Hồ Dụ Chi (Moskow ấn tượng ký), Lâm Khắc Đa (Ghi chép Liên Xô); Phạm Trường Giang (Góc tây bắc Trung Quốc)...Văn học hiện đại Trung Quốc có sự đóng góp quan trọng của các tên tuổi viết ký (đặc biệt phóng sự) của Tiêu Càn, Nguỵ Nguy, Tôn Khiêm, Vương Thạch, Từ Trì, Kha Nham, Hoàng Tông Anh, Lý Do, Trần Tổ Phân, Lỗ Quang...

Ký văn học ở phương Tây phát triển mạnh thời chủ nghĩa khai sáng qua các tác phẩm tiêu biểu của Mécxiê (Những bức tranh Pari); Rútxô (Tự thú) v.v... ở Pháp, Những hồi ức chỉ công bố sau ngày đã mất của Satôbriăng, các tác phẩm ký của Phoxter, Véckin, Ropman... ở Đức. Các nhà văn hiện thực nổi tiếng ở Anh như Đíckenx, Thacơthây... đều có viết ký. Ở Nga, các nhà văn thuộc trường phái tự nhiên chủ nghĩa có những tác phẩm ký xuất sắc như: Những xó xỉnh Pêtecbua của Nhêcraxốp, Những người chơi đàn Sácmanxica lang thang ở Pêtecbua của Grigrôvích, Những người Cô dắc vùng Uran của Đan... Các nhà văn Nga khác như Xantưcốp, Sêđrin, Uxpenxki, Lêvitốp... cũng có nhiều tác phẩm ký đặc sắc. Văn học thời Xô Viết đã có những cây bút viết ký nổi tiếng như Goócky, Phađêép, Prixvin, Êrenbua, Pautốpxki, Ôveskin...

Ở Việt Nam, ký khẳng định được vị trí của mình qua các tác phẩm ký nổi tiếng của Lê Hữu Trác như Thượng kinh ký sự; của Phạm Đình Hổ như Vũ trung tuỳ bút, Ngô Gia văn phái như Hoàng Lê nhất thống chí... Thời kỳ 1930 - 1945 ký bùng nổ với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang, Nguyễn Đình Lạp, Lộng Chương,... Sau cách mạng tháng Tám, ký tiếp tục phát triển với quy mô lớn qua hai cuộc kháng chiến nhờ sự đóng góp của Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Thép Mới, Chế Lan Viên, Nam Hà, Sao Mai, Nguyễn Khải, Bùi Hiển, Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường... Kể từ khi đổi mới đất nước 1986 trở lại đây, ký thực sự bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ chưa từng có với các tên tuổi ký đặc sắc như Đỗ Quảng, Trần Huy Quang, Huỳnh Dũng Nhân, Xuân Ba, Vũ Hữu Sự, Hoàng Minh Trường. Minh Chuyên...

Tại sao lại quan niệm: Ký là loại hình văn học đặc thù? Tính chất đặc thù này trước hết thể hiện ở đặc trưng phản ánh và chức năng xã hội của ký vốn có phần khác với văn học. Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống theo quy luật của cái đẹp thông qua các thủ pháp sáng tạo và hư cấu. Ngược lại ký chủ yếu phản ánh hiện thực cuộc sống trong trạng thái tồn tại tự nhiên vốn có của nó. Đó là những phạm vi hiện thực cuộc sống có thật, "có địa chỉ hẳn hoi" với những quy mô xác thực đến từng chi tiết. Văn học thực hiện chức năng tác động thẩm mỹ. Các chức năng khác của văn học đều chịu sự quy định của quy luật thẩm mỹ với tư cách là yếu tố then chốt đóng vai trò chức năng ở cấp độ hệ thống của văn học. Ký, đặc biệt là ký nhằm mục đích tác nghiệp báo chí chủ yếu thực hiện chức năng thông tin sự thật, điều trần hoặc cảnh báo thực tại cuộc sống đương đại. Tính chất đặc thù của ký còn biểu hiện ở phạm vi khai thác và sử dụng của chúng. Ký không chỉ được sử dụng duy nhất trong văn học mà ngay cả khi được sử dụng ở địa hạt văn học thì cấu trúc tổ chức tác phẩm, cách thức phản ánh và hiệu quả giao tiếp của ký cũng khác với văn học đích thực - văn chương thẩm mỹ (La belle Lettre). Ngoài văn học, ký còn được sử dụng rộng rãi trên nhiều phạm vi khác nhau của cuộc sống như: lịch sử, địa lý, văn hoá xã hội, thậm chí cả trong phạm vi khoa học. Ở châu Âu các loại étxe (essai) được sử dụng khá thường xuyên để phổ cập, thông tin các tư tưởng khoa học, triết học, mỹ học, tâm lý học... Nhiều thể loại ký ở châu Âu có mặt trong phạm vi "cận văn học" (Para literature). Người Trung Quốc cũng không coi ký thuộc hàng mỹ văn đích thực như thơ ca, tiểu thuyết, kịch...

Tính chất đặc thù của ký càng được khắc sâu hơn kể từ khi có hoạt động báo chí. Ký có thêm "đất sống" phù hợp và rộng mở để phát triển mạnh mẽ trên lãnh địa báo chí đầy năng động. Nhiều thể loại ký đã được báo chí khai thác như những thể loại chủ công, giầu uy lực, thậm chí có thể loại ký còn được xem như "khẩu đại bác" trong dàn hoả lực các thể loại báo chí (chẳng hạn như phóng sự). Nhờ công năng đặc biệt của ký, nhiều nhà báo đã trở thành những nhà văn xuất sắc trong lịch sử văn học như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Lạp,... Văn học và báo chí xưa nay vẫn cùng song hành trên một lộ trình chung nhằm phản ánh, điều trần và cải tạo cuộc sống xã hội. Sự gắn kết chặt chẽ giữa văn học và báo chí cũng chỉ nhờ hệ thống các thể loại ký mới có điều kiện được triển khai. Trên thực tế cho thấy có nhiều thể loại ký là những phương tiện sáng tạo chung cho cả văn học và báo chí như phóng sự, ghi chép, bút ký, tiểu phẩm...

Từ thực tế gắn kết giữa văn học và báo chí thông qua hệ thống các thể loại ký mà hình thành một xu hướng quan niệm phổ biến: Ký là loại nằm ở vùng trung gian giữa văn học và báo chí. Các kiến giải trực tiếp hoặc gián tiếp về ký hoặc về một thể loại ký cụ thể (chẳng hạn về phóng sự) của tác giả: Phương Lựu, Nguyễn Đăng Mạnh, Phan Trọng Thưởng, Đức Dũng,... hay của các nhà văn, nhà báo như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp, Tô Hoài, Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Quang Vinh... đều ít nhiều thừa nhận sự giao thoa giữa văn học và báo chí trong tác phẩm ký. Ký giầu chất văn học ở chỗ: người viết ký thường có ý thức khai thác các hình thức ngôn từ giầu hình tượng, hình ảnh thông qua các thủ pháp tu từ, chuyển nghĩa từ vựng nhằm tạo dựng những câu văn có hồn, gây ấn tượng ám ảnh đối với người đọc. Người đọc có thể bắt gặp thường xuyên trong các tác phẩm ký - kể cả ký báo chí những chất liệu văn học cổ kim đông tây hiện hữu dưới dạng thành ngữ, tục ngữ, ca dao dân ca, điển cổ điển tích văn học... Ký qua tay những chủ thể sáng tạo tài hoa còn có thể tạo ra được giọng điệu, chạm khắc được những nhân vật sống động, điển hình, khai thác các thủ pháp sáng tạo và hư cấu tài tình, khéo léo và hợp lý, kết cấu linh hoạt... đem đến cho người đọc những thụ hưởng mỹ cảm đặc biệt. Ký gần với báo chí ở chỗ: ký bao giờ cũng viết về những con người, những cảnh đời hoặc các hiện tượng có thật trong cuộc sống. Ký tiếp cận các đối tượng phản ánh trong tư thế thời sự - cập nhật, chân xác, trung thực, tôn trọng quy mô sự kiện tối đa. Ký không chỉ thực hiện chức năng thông tin, phơi bày, điều trần thực tại mà còn trực tiếp góp phần giải đáp, giáo dục và định hướng công luận - những chức năng chân chính của một nền báo chí tiến bộ, lành mạnh.

Khi nói Ký nằm ở vùng trung gian giữa văn học và báo chí không có nghĩa là nói đến sự phân bổ giữa các phẩm chất văn học và phẩm chất báo chí theo lối đan cài, cào bằng ngang nhau. Thực tế sáng tạo ký văn học và tác nghiệp ký báo chí đã chứng minh thuyết phục một hiện tượng khá phổ biến: Tác phẩm ký có thể gia tăng hay giảm thiểu các phẩm chất văn học hoặc báo chí tuỳ thuộc vào mục đích, tính chất thông tin; đặc trưng thể loại; phong cách tác giả; thị hiếu tiếp nhận và tâm thức sáng tạo mang tính quy luật phổ biến của cộng đồng dân tộc...

1.2. Ký có xu hướng nhằm vào khai thác những phẩm chất có ý nghĩa xã hội hoá ở các đối tượng phản ánh.

Văn học không phản ánh các biến cố sự kiện khách quan của cuộc sống theo lối chuyển tải nguyên khối hiện thực vào trang viết. Văn học sẽ không có lý do để tồn tại nếu phản ánh hiện thực sống theo kiểu "ăn sống nuốt tươi". Thiên chức của văn học, cái lý do để văn học tồn tại vĩnh hằng mà không có một hình thái ý thức xã hội nào khác có thể thay thế cho nó là ở khả năng khám phá các chiều sâu của bản thể thế giới tâm hồn con người. Không gian tâm tưởng con người là một tiểu vũ trụ bao la, nhỏ bé mà bí ẩn khôn cùng. Đó là con đường vô tận cho các cuộc thi chạy tiếp sức liên hồi của biết bao thế hệ nghệ sĩ xưa nay nhằm hướng tới cái đích khám phá sự thật của nhân tâm - thế sự. Nhưng có lẽ chẳng có nghệ sĩ nào dám tự tin cho rằng mình đã đến với con người trong mọi chiều kích tâm hồn bí ẩn của nó...

Ký là một bộ phận của hệ thống thể loại văn học song ký khác với các thể loại văn học thẩm mỹ ở chỗ: Ký cơ bản thiết lập cho mình mối quan hệ hướng ngoại xác thực khi đến với các đối tượng phản ánh. Những nét phẩm chất cá nhân con người có giá trị khuyến dương phổ quát đối với cộng đồng sẽ được người viết ký quan tâm khai thác. Đến với con người với tư cách là đối tượng miêu tả, ký đến với các mối quan hệ xã hội có thật và giầu ý nghĩa nhân sinh phổ quát của họ. Mọi biểu hiện mang tính cá biệt, nhất là khoảng đời tư bí ẩn của con người đều có xu hướng giảm thiểu tối đa ở trong ký. Người viết ký thường ít để các thông tin chi tiết về đời tư con người xuất hiện với tần số quá lớn như trong văn học vì chính nó sẽ khiến cho các hành vi và sự kiện xã hội liên quan đến nhân vật bị chìm mờ đi hoặc thiếu điều kiện được nhấn mạnh. Về cơ bản, trong ký (nhất là các loại ký tự sự đòi hỏi phản ánh chân sác các sự kiện khách quan) người đọc hiếm khi bắt gặp những chi tiết tâm lý mơ mồ, những ảo giác chập chờn, những độc thoại nội tâm day dứt, những mộng mị hoang tưởng của nhân vật. Các loại ký trữ tình hoặc các thể loại ký sự, truyện ký có dung lượng lớn có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào cõi riêng của thế giới nội cảm con người nhưng cũng có những giới hạn nhất định. Ở đó mọi rung động nội tâm cá nhân con người đều đặt trong sự quy định của các sự kiện có thật ở ngoài đời với tư cách là các tác nhân trực tiếp, vì thế nhân vật vẫn phải đặt mình trong sự quy chiếu của sự thật khách quan. Trong ký báo chí, mọi khía cạnh đời tư con người chỉ có thể được thể hiện ở mức phác thảo mang tính chất chấm phá, đủ đem đến cho người đọc những thông tin căn bản nhất có giá trị làm nền cho việc thông tin các sự kiện quan trọng trong tác phẩm. Trong ký, con người xuất hiện với tư cách là hiện thân của những vấn đề xã hội, gắn bó với các sự kiện khách quan mà công luận quan tâm, chứ không phải là hiện thân của các số phận mang ý nghĩa cá thể - điển hình như trong văn học. Ý thức hướng tới các phẩm chất có ý nghĩa xã hội phổ quát của các đối tượng phản ánh ở trong ký càng cho thấy bản chất chức năng và đặc trưng thông tin cá biệt của ký ở chỗ: ký gắn với sự thật ở cả yêu cầu phản ánh chân xác sự thật khách quan lẫn yêu cầu định hướng công luận thông qua những sự thật khách quan có giá trị xã hội phổ quát.

Không quan tâm hoặc bỏ qua những phương diện có ý nghĩa xã hội hoá ở các đối tượng phản ánh, ký dễ có nguy cơ trượt khỏi đường ray thông dẫn các sự kiện xã hội bức xúc thuộc dòng thời sự chủ lưu mà đắm chìm vào những thông tin thứ yếu, hạn chế hiệu ứng tác động tích cực của ký với tư cách là một loại hình văn học ích dụng thiết thực, giầu tính chiến đấu.

2. Ký văn học và ký báo chí - những tương đồng và khác biệt

2.1. Quan niệm ký văn học và ký báo chí

Khái niệm Ký văn học và Ký báo chí mới xuất hiện phổ biến trong đời sống nghiên cứu văn học và báo chí từ giữa thập kỷ 60 thế kỷ XX khi bùng nổ các cuộc tranh luận lớn về ký. Trên thực tế nội hàm các khái niệm này đã từng được ý thức từ rất sớm khi một số nhà nghiên cứu văn học đặt vấn đề phân biệt văn học và báo chí trong cuốn Văn chương và hành động xuất bản 1936. Trong cuốn sách này, những ý kiến của Hoài Thanh về sự khác biệt giữa văn học và báo chí mặc dù còn giản đơn nhưng lại là những gợi ý quan trọng bước đầu cho công việc đi sâu lý giải các khía cạnh khác biệt sâu xa giữa văn học và báo chí trong đó có phạm vi các thể loại ký.

Năm 1980, trong công trình Ký viết về chiến tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Minh Đức mới đặt vấn đề phân biệt "ranh giới giữa ký văn học và ký thông tin báo chí". Tác giả khẳng định "Tuy ký văn học trong một số trường hợp mang theo đặc điểm của báo chí, nhưng không thể nào trùng hợp với báo chí vì đặc trưng cơ bản của ký văn học là văn học và đặc trưng cơ bản của ký báo chí vẫn là báo chí"(1). Đến Giáo trình Lý luận văn học tập II, xuất bản 1987, vấn đề Ký văn học và ký báo chí mới được tác giả Phương Lựu lý giải khá cặn kẽ trong các tương quan học thuật cụ thể. Ở các công trình nghiên cứu về sau như: Cơ sở lý luận báo chí của Hà Minh Đức (xuất bản 2000), Năm bài giảng về loại thể của Hoàng Ngọc Hiến (xuất bản năm 1992), Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (xuất bản 1992); Ký văn học và ký báo chí của Đức Dũng (xuất bản 2003)... vấn đề ký văn học và ký báo chí đã từng bước được bổ sung những kiến giải học thuật mới mẻ và bổ ích cho bức tranh lý luận về ký nói chung, ký văn học và ký báo chí nói riêng.

Có thể cắt nghĩa một cách khái quát dấu ấn đặc trưng nổi bật của ký văn học và ký báo chí trên cơ sở tính chất đặc trưng loại hình phổ quát của chính văn học và báo chí như sau: Ký văn học là khái niệm xác định hệ thống các tác phẩm ký có ý thức khai thác các giá trị thẩm mỹ thông qua việc phản ánh các sự thật khách quan, nó dung chứa những phẩm chất cơ bản của một văn bản nghệ thuật, ngược lại ký báo chí là khái niệm hàm chỉ các tác phẩm ký hướng tới yêu cầu thông tin sự thật xác thực trong tính thời sự cập nhật của các đối tượng được phản ánh. Việc phân định ranh giới giữa ký văn học và ký báo chí nhằm chỉ ra những nét tương đồng và dị biệt giữa chúng, tuy chỉ là những thao tác học thuật mang tính tương đối nhưng sẽ là công việc cần thiết và bổ ích cho cả phạm vi lý luận lẫn thực tiễn sáng tạo tác phẩm. Ý thức sâu sắc về sự tương đồng giữa ký văn học và ký báo chí sẽ tạo ra những khả năng khai thác và kế thừa tối ưu sức mạnh vốn có trong chính cấu trúc tự thân của mỗi loại khi sáng tạo và tác nghiệp. Những khác biệt căn bản giữa chúng trong những chừng mực nhất định cũng sẽ là sự mách bảo quan trọng và cần thiết cho người cầm bút khai thác đúng các phẩm chất đặc trưng của mỗi loại hình.

2.2. Phân biệt ký văn học và ký báo chí

Như đã nói, sự phân định ranh giới giữa ký văn học và ký báo chí chỉ có tính chất tương đối. Trên thực tế có lúc người ta khó có thể phân biệt một cách rạch ròi giữa hai loại. Phân định sự khác biệt giữa hai loại ký này dựa trên tiêu chí chất lượng tác phẩm như nhiều người đã từng quán triệt ngày càng tỏ rõ sự phiến diện khó được chấp nhận. Tác giả Phương Lựu đã phê phán một cách thuyết phục cách nhìn phiến diện chỉ dựa vào phương diện chất lượng thuần tuý của tác phẩm: "Nếu có những tác phẩm ký văn học viết tồi đăng báo một cách bất đắc dĩ, thì ngược lại có những bài báo mang giá trị văn học cao. Từ đó không nên phân biệt ký văn học và ký báo chí một cách cực đoan từ chất lượng nghệ thuật"(1). Để tiện cho việc quan sát và lý giải sâu hơn vào đặc trưng của mỗi loại cũng cần đặt ra vấn đề phân biệt ký văn học và ký báo chí trên một số bình diện cơ bản về: mục đích và tính chất thông tin, ngôn ngữ, kết cấu, chi tiết, mức độ sáng tạo và hư cấu...

* Về mục đích và tính chất thông tin:

Cả ký văn học và ký báo chí đều cùng tôn trọng tính thời sự cập nhật

và tính xác thực của các đối tượng được phản ánh. Dù là nhà văn hay nhà báo khi sáng tạo tác phẩm ký, đặc biệt là các loại ký tự sự có ưu thế mô tả và điều trần thực tại khách quan nhanh nhạy, chính xác đều rất chú ý đến tính chất thời sự và độ chân xác của các thông tin. Sự hấp dẫn của tác phẩm có được một phần nhờ vào độ tươi mới của các biến cố sự kiện. Niềm tin của người đọc chỉ có thể có được trước các thông tin chính xác của người viết. Thông tin sai lệch so với các sự kiện bản thể, tác phẩm ký sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt.

Cũng trên phương diện mục đích và tính chất thông tin, giữa ký văn học và ký báo chí có sự khác biệt căn bản. Ký báo chí đòi hỏi tính thời sự và tính xác thực của thông tin một cách nghiêm ngặt, mang tính bắt buộc so với ký văn học vốn chỉ đòi hỏi điều này ở mức tương đối. Tính thời sự trong ký báo chí nhiều khi theo sát diễn biến của sự kiện khách quan trong từng thời khắc. Ký báo chí chủ yếu viết về cái đang xảy ra hoặc mới xảy ra trong thực tại, trong khi ký văn học có thể viết về các sự kiện đã có độ lùi theo thời gian. Ký báo chí thông tin về những tác hại của cơn bão trong lúc cơn bão vẫn đang tung hoành phá phách, ký văn học có thể viết về cơn bão khi nó đã đi qua. Có cả loạt bài phóng sự thông tin cập nhật về thiệt hại và nguyên nhân của vụ đắm đò ở Quảng Bình vào chiều 30 tết Nguyên đán năm 2008 nhưng sau đó nhiều tuần, thậm chí hàng tháng mới xuất hiện những phóng sự và bút ký văn học của một số nhà văn về sự kiện này. Ký báo chí chạy theo sự kiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức bức xúc của công luận về quy mô đích thực của sự kiện. Ký văn học đến với sự kiện cốt để ngẫm ngợi những bài học nhân sinh thế sự sâu xa toát ra từ sự kiện. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các thểloại ký tự sự thường được các ký giả khai thác thường xuyên để thông tin các sự kiện nóng hổi, chân xác trên các nhật báo. Ngược lại, các loại ký trữ tình hoặc chính luận giầu chất suy tư, tâm tưởng rất gần với văn chương thường gắn với môi sinh trên các tuần báo, nguyệt san hoặc bán nguyệt san, tạp chí...

* Về ngôn từ:

Cả ký văn học và ký báo chí đều lấy ngôn từ với tất cả những phẩm chất vốn có của nó về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách... làm phương tiện biểu đạt. Ký văn học hay ký báo chí đều có ý thức đan xen ở mức độ phù hợp giữa văn phong thông tấn và các phương tiện biểu cảm. Tuy nhiên ký báo chí thường có xu hướng khai thác tối đa các hình thức ngôn từ mang sắc thái biểu cảm trung tính, giầu mầu sắc thông tấn. Vì thế ngôn ngữ ký báo chí thường rất xác chỉ về bản chất của đối tượng được phản ánh. Ngôn ngữ ký báo chí hạn chế sự đa nghĩa của các từ ngữ trong diễn ngôn. Ngược lại ký văn học có khả năng khai thác rộng rãi mọi sắc thái biểu cảm khác nhau của ngôn ngữ. Vì thế ngôn ngữ ký văn học lưu đọng sắc nét những dấu ấn cá nhân chủ quan của người viết. So với ký báo chí, ký văn học cũng sử dụng thường xuyên hơn các thủ pháp tu từ, chuyển nghĩa nhằm tạo dựng những câu văn có hồn, giàu hình tượng hình ảnh để lại cho người đọc những tác động mỹ cảm sâu sắc.

* Về chi tiết:

Ký văn học cũng như ký báo chí đều có ý thức tăng cường hiệu quả phản ánh và hiệu ứng tác động nhờ vào hệ thống các chi tiết được lựa chọn và tổ chức trong tác phẩm. Những tác phẩm ký được giải gần đây ở cả hai lĩnh vực văn học và báo chí đều là những tác phẩm đã chưng cất được trong tác phẩm những "chi tiết là vàng" (Sêkhốp) có khả năng ám ảnh đặc biệt đối với người đọc. So với ký báo chí, các chi tiết trong ký văn học thường có dung lượng lớn và đa dạng hơn. Ở đó có những chi tiết thực của cuộc sống song cũng có thể có cả những chi tiết mơ hồ, phi định lượng. Chi tiết trong ký văn học lại thường gắn với tính quan niệm của chủ thể phản ánh nên giầu sức biểu hiện và tạo hình khách thể, chúng có thể trở thành những chi tiết "biết nói", "biết cảm" thực sự hấp dẫn đối với người đọc. Chi tiết ở ký báo chí chủ yếu là các chi tiết xác thực được khai thác từ chính hiện thực nguyên dạng ở ngoài đời mà đi vào tác phẩm. Ký văn học của một số cây bút giầu cá tính thời kỳ đổi mới (như Xuân Ba, Vũ Hữu Sự, Hoàng Minh Tường...) còn mạnh dạn khai thác cả những chi tiết hoang tưởng, huyễn hoặc mà ở lĩnh vực ký báo chí người viết thường rất dè chừng hoặc né tránh sử dụng.

* Về kết cấu:

Ký văn học cũng như ký báo chí đều đặt kết cấu vào vị trí quan trọng trong việc tạo ra hiệu quả phản ánh và tác động của tác phẩm. Nhiều loại kết cấu thông dụng thường là lối đi chung cho các nhà văn và nhà báo chẳng hạn kết cấu tuyến tính, kết cấu liên hoàn các sự kiện, kết cấu đối lập, tương phản; kết cấu hồi cố, lần tìm; kết cấu đan xen hay đẳng lập, có hoặc phi cốt truyện, kết cấu liên tưởng... Song mức độ cách tân linh hoạt các kiểu kết cấu thuộc về các tác phẩm ký văn học đặc sắc. Do mục đích và tính chất thông tin chi phối, các tác phẩm ký báo chí thường khai thác các hình thức kết cấu thông dụng có điều kiện chuyển tải thông tin sáng rõ, dễ tiếp nhận đối với người đọc như kết cấu tuyến tinh, kết cấu liên hoàn các sự kiện, kết cấu tương phản... Các tác phẩm ký văn học thường "lạ hoá" nghệ thuật kết cấu nhằm tăng cường tiềm năng thẩm mỹ cho tác phẩm. Nhiều tác phẩm ký đặc sắc của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Xuân Ba, Vũ Hữu Sự, Hoàng Minh Tường, Huỳnh Dũng Nhân... kết cấu theo lối "truyện hoá" rất ấn tượng mà trong những điều kiện thông tin cập nhật, hướng tới đại chúng ký báo chí khó có điều kiện khai thác và tận dụng.

* Về mức độ sáng tạo và hư cấu:

Người ta vẫn thường nói đến điều kiện cần thiết cho việc sáng tạo một tác phẩm ký trung thực là chủ thể sáng tạo phải có dịp được chứng kiến sự kiện bằng trạng thái "tai nghe mắt thấy". Đó là một điều kiện lý tưởng song không phải lúc nào người viết cũng có thể có được dễ dàng. Người viết ký cũng có thể viết về sự kiện nhờ nghe kể lại, thậm chí nhờ đọc nguồn "tư liệu tĩnh" mà khai thác chất liệu cho bài viết. Dù ở tư thế nào trong tương quan với đối tượng miêu tả, kể cả trong trường hợp có dịp chứng kiến sự kiện trực tiếp thì người viết vẫn khó có thể bao quát được hết sự việc trong mọi chiều kích, góc cạnh của nó. Nói như Nguyễn Khải, trong một lúc người ta "không thể vừa là người này lại vừa là người kia, không thể vừa ở công việc này lại vừa ở công việc khác được"(1). Quả vậy, người viết đâu phải kẻ trăm tay nghìn mắt có thể bao quát toàn vẹn sự kiện. Còn khi sự kiện đã có độ lùi qua thời gian, trí nhớ của người viết cũng khó có thể khôi phục lại sự kiện như nó vốn có trong điều kiện không được ghi chép dưới dạng tư liệu thô từ trước. Trong trường hợp người viết được nghe kể lại sự kiện từ nhiều nguồn, qua nhiều người thì tình trạng thất thiệt càng có nguy cơ sảy ra. Tác giả Phương Lựu có một giả thiết hóm hỉnh nhưng có lý: "Cho dù có nhiều chị Quyên thì cũng không thể biết hết, nhớ hết mọi việc về anh Trỗi"(2). Những khó khăn của quá trình xử lý, tiếp cận tư liệu như trên chính là nguồn gốc của sự sáng tạo và hư cấu - thao tác tất yếu của quá trình nhận thức đối tượng phản ánh thông qua các giác quan gián cách và tổng hợp. Vậy nên hư cấu và sáng tạo là những yếu tố có thể xuất hiện tự nhiên trong quá trình sáng tạo tác phẩm ký. Sáng tạo và hư cấu nhiều khi càng có dịp được khai thác khi nó trở thành những phương tiện trợ thủ đắc lực cho yêu cầu giáo dục và định hướng công luận phù hợp với một nhãn quan chính trị hay đạo đức nhất định của người viết ký. Hư cấu và sáng tạo là một khả năng có thể trong quá trình sáng tạo tác phẩm ký song mức độ và cách thức hư cấu sẽ có sự khác nhau cơ bản giữa hai loại ký văn học và ký báo chí. Nhìn trên đại thể, ký văn học có cơ hội khai thác các thủ pháp sáng tạo, hư cấu thường xuyên hơn so với ký báo chí vốn rất hạn chế, dè dặt, thậm chí triệt tiêu hư cấu sáng tạo trong một số thể loại ký báo chí đặc biệt coi trọng tính thời sự cập nhật và tính xác thực của các đối tượng phản ánh chẳng hạn như phóng sự, ghi nhanh, ký sự... Nghĩa là mức độ hư cấu và sáng tạo ở đây có sự phụ thuộc trực tiếp vào đặc trưng của thể loại.

3. Phân loại ký

Phân loại ký là một vấn đề học thuật phức tạp. Định loại các thể ký ở các cấp độ nhỏ hơn càng phức tạp hơn nhiều. Ký là loại hình tác phẩm lưỡng sinh văn báo, nằm trong "cuộc co kéo giữa văn học và báo chí"(1). Do vậy yêu cầu phân loại ký một cách rạch ròi theo tiêu chí loại hình ký văn học và ký báo chí khó có thể khắc phục tình trạng xâm nhập và chuyển hoá lẫn nhau giữa các thể loại, gây khó khăn cho việc xác định đặc trưng thể loại của chúng. Dưới góc độ phương thức phản ánh có thể khái quát ký nói chung thành 4 nhóm cơ bản gồm: Ký tự sự, ký trữ tình, ký chính luận. Ngay sự phân loại dưới dạng thức khái quát nhất ở đây cũng có sự xâm nhập và kết hợp ở những mức độ khác nhau giữa các loại ký. Vì thế ranh giới của các thể ký cũng không phải là một ranh giới "nhất thành bất biến". Mức độ giao thoa giữa các loại cũng hết sức linh hoạt tuỳ theo phong cách thể hiện của từng tác giả.

3.1. Ký tự sự

Ký tự sự là khái niệm xác định hệ thống các thể loại ký có thiên hướng phản ánh, tái tạo lại các biến cố sự kiện theo quy luật khách quan vốn có của nó. Tính sự kiện khách quan là bản chất nổi bật của loại ký này mặc dù đây đó trong cấu trúc tác phẩm có thể dung chứa ở những mức độ nhất định yếu tố trữ tình cá nhân của người viết. Phóng sự, ký sự, truyện ký, du ký, hồi ký,... là những thể loại tiêu biểu của ký tự sự.

* Phóng sự: Khái niệm phóng sự dù bắt nguồn từ Report (tiếng Anh), Reportage (tiếng Pháp), Penopta e (tiếng Nga) hay Báo cáo văn học trong tiếng Hán... cũng đều hàm nghĩa chỉ sự ghi chép các biến cố sự kiện có thật, giầu tính thời sự cập nhật. Ý nghĩa sâu xa của từ Hán Việt phóng sự là sự dò tìm, thăm hỏi sự tình, sự thật... mà tiếp cận và phản ánh. Nhà văn, ký giả phóng sự nổi tiếng Nguyễn Đình Lạp là người thường xuyên sử dụng và mong muốn mọi người cùng sử dụng từ phỏng sự là có phần sát nghĩa với bản chất đích thực của phóng sự hơn cả. Phóng sự đặc biệt tôn trọng tính xác thực và tính thời sự của các thông tin. Những kiến giải của các học giả về bản chất đặc trưng của thể loại này ở cả trong và ngoài nước đều tập trung khẳng định bản chất trên của thể loại phóng sự. Chẳng hạn, tác giả Phương Lựu cho rằng: "Phóng sự nổi bật bằng những sự thật xác thực, dồi dào và nóng hổi"; tác giả Hà Minh Đức khẳng định: "Phóng sự... chú trọng sự kiện khách quan, tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả... đòi hỏi tính thời sự trực tiếp", tác giả Nguyễn Xuân Nam cũng ghi nhận "giá trị của một phóng sự trước hết là ở vấn đề nó nêu ra cấp thiết, có bằng chứng cụ thể, xác thực...". Các nhà nghiên cứu Lý luận văn học Trung Quốc hiện đại như Tôn Văn Hiến, Lưu An Hải... đều khẳng định "tính chân thực là đặc trưng nổi bật của phóng sự... Sinh mệnh của phóng sự nằm ở tính chân thật"(1)... Các nhà nghiên cứu Prônin, A.Chéctưchơnnưi... ở Nga đặc biệt đề cao vai trò của tính chân thật trong phóng sự, đòi hỏi phóng sự phải "cung cấp cho bạn đọc khả năng được nhìn thấy sự kiện bằng con mắt của người chứng kiến"(2). Nhìn chung phóng sự hiện đại, đặc biệt là phóng sự phương Tây qua các hãng thông tấn lớn như: Renters, CNN, UPI, AFP... thường có xu hướng đặc biệt đề cao tính sự kiện thời sự - chân xác của các trang viết phóng sự.

Phóng sự được viết ra còn nhằm góp phần giải toả những "nhức nhối của trí tuệ", những trăn trở của công luận về một vấn đề xã hội bức xúc nào đó được nhiều người quan tâm. Vì thế ngoài việc ghi chép chân thật các sự kiện khách quan, phóng sự (đặc biệt phóng sự ở phương Đông) còn kết hợp với việc phê phán, bày tỏ thái độ hoặc đối thoại cùng dư luận. Vũ Ngọc Phan quan niệm: "Phóng sự là ký sự mà có lời bình phẩm", là hàm ý ghi nhận tính khuynh hướng rõ rệt của phóng sự. Cấu trúc sự kiện có vấn đề của phóng sự là lý do đòi hỏi người viết phóng sự không chỉ trung thực, công tâm mà còn phải có sự nhạy bén chính trị, có khả năng tiết chế cảm xúc cá nhân bằng sự tỉnh táo của lý trí. Các cây bút phóng sự xưa nay dù viết về đề tài gì, sống trong bối cảnh xã hội nào... đều là hiện thân của những nghệ sĩ dấn thân, nhập cuộc đầy can đảm và nhiệt tâm tranh đấu vì công lý, lẽ phải.

Để tăng cường hiệu ứng tác động cho tác phẩm, người viết phóng sự (nhất là ở phương Đông) thường ít nhiều có ý thức khai thác tiềm năng thẩm mỹ trong việc tổ chức tác phẩm qua các phương diện ngôn từ, kết cấu điểm nhìn sự kiện và biến tấu giọng điệu trần thuật, khai thác chi tiết, tình tiết, tít bài, sapô... sao cho "bắt mắt" và hấp dẫn. Vì thế những tác phẩm phóng sự để đời thường vượt qua giới hạn số phận của một tác phẩm thông tin thuần tuý để có thể trở thành những tác phẩm văn học, thậm chí "còn văn học hơn nhiều những tác phẩm văn học đích thực khác"(1).

Phóng sự là thể loại chủ lực trong hệ thống các tác phẩm ký văn học, ký báo chí song lại có một số phận đầy những thăng trầm, biến thiên phức tạp. Sau cuộc bùng nổ viên mãn lần thứ nhất (thời ký 1932 - 1945) phóng sự Việt Nam tạm lắng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1945-1975), từng bước hồi sinh (giai đoạn 1975-1985) và đạt được những thành tựu rực rỡ trên quy mô toàn diện vào thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay. Sự biến thiên phức tạp của phóng sự cho thấy: phóng sự là một thể loại văn học - báo chí không chỉ kén chọn môi sinh sáng tạo mà còn rất kén chọn người viết. Quy luật sinh thành của phóng sự nhìn chung gắn rất chặt với những đòi hỏi rộng rãi về tính dân chủ của thể chế xã hội, chính trị thời cuộc - tiền đề quan trọng cho sự bùng nổ của ý thức cá nhân người viết phóng sự.

* Ký sự là một thể loại ký tự sự có ý thức hướng tới ghi chép khá hoàn chỉnh một sự kiện, một phong trào, một chiến dịch, một giai đoạn sinh thành của một đối tượng khách quan nào đó... Ký sự không đột phá vào "điểm" của sự kiện như phóng sự mà quan tâm mô tả sự kiện trên "diện rộng" trong quá trình phát triển của nó. Tác giả Phương Lựu cho rằng: "Ký sự là bức tranh toàn cảnh, trong đó sự việc và con người đan chéo với nhau, nhưng gương mặt của nhân vật không thật rõ nét"(1). Sự kiện trong ký sự thường được tái hiện theo dòng chảy tuyến tính tự nhiên trong quy luật khách quan của nó nên ít được người viết tổ chức thành những cốt truyện rõ rệt như trong truyện hoặc truyện ký. Lấy việc tái hiện sự kiện khách quan làm chính, ký sự cũng ít khai thác các yếu tố trữ tình, nghị bình, liên tưởng... của cá nhân người viết. Tính khuynh hướng, chính kiến, thái độ của tác giả được ký thác vào trong hệ thống sự kiện, sự kiện tự nó nói lên ý tưởng và chính kiến của người viết. Nhân vật trong ký sự có thể là những con người cá nhân hoặc cả một tập thể nhân vật có quan hệ đẳng lập hoặc chính phụ trong hệ thống sự kiện. Nhìn chung cá tính nhân vật trong ký sự thường chỉ được khái quát theo lối điểm xuyết mà không có điều kiện được khắc sâu qua quá trình giao tiếp sinh động của họ. Những tác phẩm ký sự đặc sắc thường có sự kết hợp hài hoà giữa thuật diện và tả điểm khá ấn tượng để tạo nên những nét nhấn hấp dẫn cho tác phẩm.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, ký sự xuất hiện từ khá sớm với các tác phẩm ký sự nổi tiếng của Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ... Ký sự Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với các tác gia tiêu biểu như Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nam Hà... Trên báo chí các hình thức ghi chép hoặc ghi nhanh... ít nhiều có nét gần gũi với ký sự, chỉ có điều so với ký sự, dung lượng của các hình thức ghi chép, ghi nhanh báo chí thường ngắn và có nhịp độ trần thuật "tốc ký" hơn.

* Hồi ký cũng là một thể loại quan trọng trong ký tự sự. Người trần thuật trong hồi ký trực tiếp kể lại những biến cố và sự kiện mà bản thân có dịp trải nghiệm trong quá khứ. Các biến cố sự kiện được kể trong hồi ký có thể là những chuyện riêng tư của nhân vật trần thuật hoặc những chuyện liên quan đến nhiều người. Tuy đã thuộc về quá vãng song nội dung các sự kiện được kể vẫn còn những ý nghĩa liên quan đến hiện tại. Hồi ký thường tìm đến các biến cố sự kiện lịch sử tiêu biểu, những nhân vật điển hình trong đời sống văn hoá, lịch sử của cộng đồng. Đó là những Hồi ký cách mạng của các lãnh đạo Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... Hồi ký về cách mạng tháng Tám, về Điện Biên Phủ, về tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 của các tướng lĩnh... Hồi ký của các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Đặng Thai Mai... Chân dung nhân vật trong hồi ký là những con người ưu tú, tiêu biểu trong lịch sử như: Anh Trỗi trong Sống như anh, Nguyễn Đức Thuận trong Bất khuất... Mỗi người đều có thể ghi lại thành hồi ký những chuyện đã qua của cá nhân mình với điều kiện những câu chuyện riêng tư ấy có ý nghĩa xã hội quan trọng, gợi lên những nhận thức nhân sinh thế sự hữu ích cho nhiều người. Qua câu chuyện của một người, người đọc biết được số phận một thời của cả dân tộc. Hồi ký có giá trị văn học một khi người trần thuật biết tổ chức một cách nghệ thuật các biến cố sự kiện, biết đan xen các dòng thời gian, không gian; khai thác các chi tiết ấn tượng, điển hình; ngôn từ trần thuật đa dạng, có giọng điệu... Bên cạnh giá trị văn học, hồi ký còn có giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hoá, xã hội, kinh tế...

* Truyện ký là một thể loại ký tự sự có dung lượng khá lớn so với các loại ký khác. Truyện ký có sự dung hợp giữa các yếu tố "truyện" và "ký". Yếu tố "ký" bao gồm việc kể lại các biến cố sự kiện có thật liên quan đến những con người cụ thể trong đời sống xã hội chứ không phải nhân vật hư cấu. Yếu tố "truyện" thể hiện ở đặc trưng tổ chức cốt truyện khi trần thuật các sự kiện liên quan đến nhân vật trung tâm. Truyện ký thường khai thác cốt truyện từ các nhân vật anh hùng trên các mặt trận sản xuất, chiến đấu, các nhà khoa học, các chính khách,... Mỗi truyện ký là một chỉnh thể nghệ thuật nhờ cốt truyện hoàn chỉnh, nhân vật sinh động lại có không gian giao tiếp rộng, dung lượng trần thuật không bị hạn chế... Do vậy nhân vật của truyện ký dễ có điều kiện được khắc hoạ trọn vẹn về nhiều mặt so với nhân vật ở bất kỳ loại ký nào khác. Truyện ký được xác định như là "một thể trung gian giữa truyện và ký"(1). Khi yếu tố "truyện" được tăng cường thêm về quy mô mọi mặt nhờ vào việc khai thác các thủ pháp hư cấu, truyện ký dễ mang dáng dấp như một tiểu thuyết. Các truyện ký Người mẹ cầm súng, Đất nước đứng lên, Sống như anh... thường vẫn được người đọc cảm nhận và định danh thể loại tiểu thuyết là vì thế. Ở đó ranh giới giữa tiểu thuyết và ký là hết sức mờ nhạt. Sự thật và cái đẹp đã hoà quyện chặt chẽ trong một chỉnh thể nghệ thuật chung.

3.2. Ký trữ tình:

Ký trữ tình là khái niệm chỉ hệ thống các thể loại ký thiên về ghi nhận các trạng thái cảm xúc chủ quan của người viết trước các biến cố sự kiện khách quan của đời sống. Các loại ký trữ tình cũng có đan xen các thành phần cơ bản của tự sự thông qua những hình thức kể chuyện hoặc miêu tả ngắn song cảm xúc trữ tình vẫn chiếm ưu thế nổi bật. Ký trữ tình bao gồm các thể loại tiêu biểu như: Nhật ký, tuỳ bút, bút ký...

* Nhật ký là một thể loại ký trữ tình vì trong nhật ký yếu tố tâm tình, tự nghiệm của nhân vật nổi bật hơn ý thức tự sự. Nhật ký là sự ghi chép về những điều cá nhân trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Nhật ký ghi chép cặn kẽ, tỉ mỉ cả về thời gian, không gian, địa điểm, hiệu ứng tác động của sự kiện khách quan đối với tư tưởng, tình cảm cá nhân... Vừa ghi chép sự thật, nhật ký vừa bày tỏ, phô diễn những trạng thái cảm xúc chủ quan của người viết. Nhật ký không tự giới hạn bởi dung lượng ghi chép, bố cục văn bản, thủ pháp thể hiện... Vì thế chủ thể nhật ký thực sự tự do trình bày những cảm nhận chủ quan phóng khoáng của mình. Nhật ký do đó đã trở thành hình thức ghi chép thành thực nhất. Chẳng ai lại tự giấu giếm lòng mình trước những trang ghi chép chỉ để dành cho cá nhân mình nhâm nhi, thưởng ngoạn. Con người tìm đến với bản thể của chính mình trong cõi riêng của nhật ký không cần che đậy, trang điểm. Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nhật ký Nguyễn Văn Thạc... đều là những tiếng lòng thành thật của chính tác giả các trang nhật ký giữa một thời gian khổ và oanh liệt.

Bên cạnh những trang nhật ký thiên về ghi chép những nỗi niềm nội cảm cá nhân trước các tác động từ hoàn cảnh đời sống thường nhật cũng có những ghi chép nhằm mục đích lưu trữ tư liệu phục vụ cho công việc khi cần thiết. Các nhà báo tích trữ tư liệu tác nghiệp nhờ hình thức nhật ký phóng viên, sổ tay phóng viên... Các nhà văn ghi nhật ký để tích luỹ vốn sống. Tuy nhiên đã có nhiều nhật ký tư liệu nhờ tài năng kết cấu, trần thuật, tổ chức văn bản... một cách nghệ thuật mà trở thành những nhật ký văn học đặc sắc như Nhật ký ở rừng của Nam Cao, Nhật ký vùng cao của Tô Hoài; Thành phố chống phong toả của Hoàng Tuấn Nhã, v.v... Cũng có những trường hợp các nhà văn sáng tạo tác phẩm văn học nhờ vào sự ghép nối một cách nghệ thuật các trang nhật ký. Nhật ký người điên của Lỗ Tấn là một tác phẩm mỹ văn đặc sắc được tổ chức theo lối này chứ không phải là nhật ký theo nghĩa hẹp thông thường của từ này.

* Tuỳ bút là một thể loại thuộc nhóm ký trữ tình có hình thức thể hiện phóng khoáng. Nét nổi bật ở tuỳ bút là ở chỗ: thông qua những biến cố, sự kiện khách quan nào đó, tác giả tuỳ bút đặc biệt chú ý đến việc bộc lộ những cảm xúc, suy tư và thẩm định của cá nhân mình về những sự kiện khách quan đó. Nhà văn thả hồn mình theo ngọn bút mà suy tưởng, nghĩ ngợi. Những ngẫm ngợi, suy tư của nhà văn không bị ràng buộc bởi một cốt truyện nào cụ thể. Nhà văn trong tuỳ bút không lấy việc tự sự khách quan làm trọng. Các sự vật, hiện tượng, con người được nhắc đến từ khách quan chỉ là cái nguyên cớ khơi gợi cho cái tôi trữ tình suy ngẫm và đánh giá. Người lái đò sông Đà, Tờ hoa... của Nguyễn Tuân; Những ngày nổi giận của Chế Lan Viên, Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành... là những thiên tuỳ bút đặc sắc trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Ngôn ngữ trong tuỳ bút thực sự linh hoạt và giầu chất thơ. Nguyễn Tuân được mệnh danh như một pho từ điển sống của dân tộc, có những đóng góp đặc sắc cho việc làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ dân tộc chính là nhờ những thiên tuỳ bút tài hoa của ông.

* Bút ký: là một thể loại ký tiêu biểu. Theo Từ điển văn học, "bút ký là thể trung gian giữa tuỳ bút và ký sự". Bút ký ghi lại những con người và sự kiện mà nhà văn có dịp tìm hiểu, nghiên cứu. Quá trình ghi lại những đối tượng khách quan trong bút ký bao giờ cũng gắn với những cảm nghĩ cá nhân nhà văn nhằm thể hiện một quan điểm, một tư tưởng nào đó. Giá trị hàng đầu của bút ký là ý nghĩa nhận thức của tác phẩm song quy mô sự kiện và con người được nhận thức thường xuyên được đặt trong trường suy ngẫm và đánh giá cá nhân của nghệ sĩ. Bút ký được sử dụng khá rộng rãi cả trong văn học và trong báo chí.

Bút ký có thể hướng tới khái quát các hiện tượng đời sống có vấn đề hoặc thiên về hình thức chính luận. Khi thiên về lý giải các biến cố sự kiện có vấn đề, mang tính thời sự, bút ký gắn với yêu cầu thông tin báo chí là chính và trên thực tế chúng được gọi là bút ký báo chí. Còn khi người viết có ý thức nghị luận, bình giá là chính thì bút ký sẽ được gọi là bút ký chính luận. Bút ký chính luận mang tính tranh luận bút chiến rõ rệt nhằm biện minh, cổ vũ cho một quan điểm nhân sinh nào đó. Một số bài trong tập Điện Biên Phủ, một danh từ Việt Nam của Thép Mới; Bay theo đường dân tộc đang bay của Chế Lan Viên, Thời gian ủng hộ chúng ta của Erenbua, Đường lớn của Bùi Hiển; Miền đất lửa của Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân... là những tác phẩm bút ký tiêu biểu giầu chất văn học. Các tác phẩm bút ký có tiềm năng thẩm mỹ đặc biệt ở một hệ thống ngôn từ giầu hình ảnh, hình tượng, cảm xúc phong phú, chi tiết ấn tượng... là những tác phẩm bút ký văn học. So với bút ký báo chí, bút ký văn học giàu tính nhân văn và tính thẩm mỹ, có khả năng tác động sâu sắc đến tâm hồn người đọc.

3.3. Ký chính luận:

Ký chính luận là khái niệm chỉ các hình thức ký có ý thức khai thác tối đa các phương thức chính luận để biện giải, tranh luận hoặc đả phá, phê phán về một vấn đề chính trị, xã hội...nổi cộm trong cuộc sống cộng đồng. Trong tương quan với các thành phần tự sự, trữ tình, tư duy luận lý đóng vai trò quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh thuyết phục của các loại ký chính luận. Ký chính luận có các thể loại tiêu biểu như: bút ký chính luận, tản văn, tạp văn, tiểu phẩm,... Các chuyên mục: tản mạn, nhàn đàm, nhàn tưởng, nhàn luận, tiếng nói nhà văn, chuyện làng báo, tạp cảm, tuỳ cảm... trong đời sống văn học và báo chí hiện đại đều ít nhiều mang dấu ấn hình thức của các loại ký chính luận.

* Bút ký chính luận: là thể loại ký chính luận giầu tính chiến đấu bởi khả năng ứng chiến rất kịp thời với các tình huống quan hệ xã hội, giá trị đạo đức nhân sinh, lối sống, khuynh hướng tư tưởng của thời cuộc... Người viết bút ký chính luận cần có con mắt tinh nhạy để phát hiện ra những vấn đề then chốt của cuộc sống mà biện luận, bình bàn, từ đó đề xuất các chủ kiến cá nhân của người viết về thời cuộc. Ở Việt Nam, Chế Lan Viên, Thép Mới, Xuân Diệu, Bảo Định Giang, Lưu Quý Kỳ, Hồng Hà... là những cây bút bút ký chính luận đặc sắc.

Đối tượng luận bàn trong ký chính luận là những vấn đề thời sự chính trị, văn hoá xã hội, đạo đức, kinh tế... nổi cộm trong cuộc sống cộng đồng. Tuân thủ nguyên tắc chính luận, bút ký chính luận bộc bạch trực tiếp chính kiến, tình cảm, quan điểm của người viết. Trong cấu trúc tác phẩm bút ký chính luận có sự hợp sinh đang dạng của các phẩm chất văn học, báo chí, triết luận, lịch sử...

Hình thức thể hiện của bút ký chính luận cũng rất đa dạng. Bút ký chính luận có thể khai thác yếu tố biện luận trong sự kết hợp với các phương thức tự sự, trữ tình hoặc biếm hoạ. Tuỳ theo tính chất của các đối tượng phản ánh mà người viết có thể điều tiết các thủ pháp kể, tả, thuật, bình... một cách linh hoạt. Trong lịch sử văn học và báo chí Việt Nam, Những ngày nổi giận của Chế Lan Viên, một số bài ký trong tập Điện Biên phủ - một danh từ Việt Nam của Thép Mới... là những tác phẩm bút ký chính luận tiêu biểu.

Ngoài bút ký chính luận trong tư cách là thể loại nòng cốt, ký chính luận còn bao gồm nhiều biến thể đa dạng khác như: tản văn, tiểu phẩm, tạp văn... rất gần với étxe (essai) - hình thức chính luận đặc biệt được sử dụng khá sớm và phổ biến trong văn học và báo chí ở các nước châu Âu. Nhiều bài viết trên các chuyên mục: nhàn đàm, nhàn tưởng, nhàn luận, phiếm luận, thời luận, tản mạn, tiếng nói nhà văn, chuyện làng báo, chuyện làm ăn... cũng có hạt nhân cấu trúc chính luận rất nổi bật chẳng khác mấy so với tản văn, tạp văn, tiểu phẩm...

Cho đến nay vẫn còn rất ít những công trình nghiên cứu có hệ thống về các biến thể trên của ký chính luận mặc dù trong thực tiễn lịch sử văn học và báo chí chúng đã được sử dụng khá phổ biến. Chẳng hạn những năm 20 của thế kỷ XX trên báo chí đã xuất hiện các bài tản văn đặc sắc của Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Trác, Đạm Phương...

Tản văn là thể loại ký đặc biệt tập trung bày tỏ ý tưởng, chính kiến, lập trường của cá nhân người viết về một vấn đề khách quan nổi cộm. Mỗi tác phẩm tản văn thường chỉ chú tâm bày tỏ một ý tưởng cụ thể thông qua một hình thức văn xuôi ngắn gọn, hàm súc. Tản văn không có tham vọng tái hiện những bức tranh hiện thực sâu rộng, những nhân vật hoàn chỉnh. Các tình huống, sự kiện khách quan hay nhân vật trong tản văn chỉ là điểm tựa cho người viết bộc bạch các chủ kiến cá nhân của mình một cách trực tiếp. Chủ thể thẩm bình trong tản văn là nhân vật trung tâm trực tiếp chi phối, điều khiển mọi mối quan hệ trong tác phẩm. Dấu ấn chủ quan cá nhân của người viết lưu đọng lại sâu đậm trên các trang viết tản văn. Kết cấu, bố cục của tản văn không có khuôn mẫu đơn nhất. Các cây bút tản văn có phong cách thường rất tự do trong việc bày tỏ cảm quan cá nhân của mình bằng nhiều thủ thuật khác nhau. Tính tự do của kết cấu cảm xúc, sự kiện, chi tiết... mở đường cho tản văn dung nạp vào trong nó các thao tác tự sự, trữ tình, triết luận... thậm chí cả những chiêm nghiệm đạo đức, tôn giáo, dân tộc, mỹ học... Tản văn đem đến mỹ cảm cho người đọc ở nghệ thuật tổ chức ngôn từ sinh động, tài nghệ biện giải linh hoạt, chi tiết ám ảnh... gợi lên những liên tưởng sâu xa về thế sự nhân sinh cho người đọc. Gần với hình thức đặc trưng của tản văn còn có thể kể đến các loại tuỳ bút, bút ký, tạp bút, tạp văn, tiểu phẩm, nhàn đàm, các loại lời bạt, lời tựa... Một số bài tuỳ bút đặc sắc của Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Vũ Bằng, Nguyễn Trung Thành... rất giầu màu sắc tản văn.

Tiểu phẩm cũng như tản văn là một thể loại ký đặc biệt có hình thức ngắn gọn, hàm súc. Thuật ngữ tiểu phẩm trong lịch sử văn hoá Trung Quốc bao gồm các loại văn tự, bạt, ký, văn tế, truyện, thư tín... có hình thức ngôn ngữ chau chuốt, tình cảm phong phú. Ở phương Tây, tiểu phẩm hợp lưu trong étxe nói chung. Tiểu phẩm giống tản văn ở kết cấu tự do, phóng khoáng nhưng thiên về thể hiện các ấn tượng, cảm xúc cá nhân của người viết trước các sự kiện hoặc vấn đề nổi cộm hiện hữu trong hiện thực khách quan. Tiểu phẩm coi trọng việc đề xuất những kiến giải mới mẻ, độc đáo "theo thước đo riêng" của chủ thể thẩm bình. Phạm vi thể hiện xúc cảm của người viết tiểu phẩm cũng rất đa dạng: có loại chú trọng triết lý, biện giải, có loại thiên về cảm xúc trữ tình, có loại thiên về phong tục, phong cảnh... Loại tiểu phẩm thiên về phổ biến khoa học (ở châu Âu rất phát triển) thường được gọi là tiểu luận. Đặc tính của tiểu phẩm còn gắn với tính chất ngụ ngữ, ngữ điệu trò chuyện tâm tình, có khi khai thác tài tình yếu tố hài hước, biếm hoạ đối tượng. Tiểu phẩm của Hồ Chí Minh, Ngô Tất Tố... giầu tính chiến đấu ở bút pháp trào lộng sâu cay, tinh tế đối với những đối tượng miêu tả phi lý, kệch cỡm trong xã hội. Những trang văn cảm nhận tài hoa tinh tế về cảnh sắc thiên nhiên, hương vị quê hương đất nước trong các bài tuỳ bút của Tản Đà, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Hoàng Phủ Ngọc Tường... đều mang dư vị đậm đà của tiểu phẩm văn học. Ở phương Tây nhờ sự trỗi dậy mạnh mẽ từ khá sớm của ý thức cá nhân, cá tính mà tiểu phẩm đã có được bề dày lịch sử phát triển với các tên tuổi nổi tiếng như: M.Môngtênhơ, Vônte, Điđơrô, Lessing, Ghécxen, Hécđơ, Puskin... Trong lịch sử văn học Trung Quốc có các cây bút tiểu phẩm đặc sắc như: Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Chu Tự Thanh, Băng Tâm...

Tạp văn cũng như tản văn hay tiểu phẩm là một thể loại ký đặc biệt có dung lượng ngắn gọn thường kết hợp tính chính luận sắc bén với các phẩm chất nghệ thuật cô đọng. Tạp văn phản ánh và bình luận kịp thời các hiện tượng xã hội nổi cộm bằng bút pháp trào lộng, châm biếm sâu cay. Tạp văn không chỉ tấn công trực diện vào kẻ thù dân tộc bằng những đòn nghệ thuật hiểm hóc mà còn nhằm thanh lọc đội ngũ theo tinh thần luận bình đúng sai, phải trái để lành mạnh hoá cuộc sống. Từ tạp văn Lỗ Tấn, Trương Chính đã xác định tính chất phức tạp về đặc trưng của tản văn là "muôn hình muôn vẻ, bao gồm cả những bài cảm nghĩ vụn vặt (tạp cảm), luận văn bút chiến, diễn thuyết, tuỳ bút, thư từ, bình luận thơ văn, khảo cứu văn học, nhật ký, hồi ức, thơ bằng văn xuôi..."(1). Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, tạp văn của Lỗ Tấn được xem như hình thức cổ điển mẫu mực của thể loại ký đặc biệt này. Trong đời sống văn học và báo chí Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, tạp văn được khai thác khá thường xuyên với các cây bút đã định hình phong cách như: Ngô Đức Kế, Ngô Tất Tố, Huỳnh Thúc Kháng... Các hình thức phiếm luận, thời luận, tiếng nói nhà văn, chuyện làm ăn... trên báo chí thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay của các nhà văn nhà báo rất giàu màu sắc tạp văn. Các cây bút tiêu biểu như Quang Lợi, Lê Bá Thuyên, Vũ Hiền, Hữu Thọ... thường có ý thức phản ánh và bình luận về muôn mặt nóng hổi của cuộc đời xoay quanh các vấn đề thời sự chính trị, kinh tế, ngoại giao, đạo đức xã hội...

Sự khái quát đặc trưng cơ bản của một số thể loại ký đặc biệt ở trên chỉ có giới hạn tương đối, tiện cho viện cắt nghĩa, lý giải. Trên thực tế đời sống văn học và báo chí ranh giới giữa các loại rất mờ nhạt do chúng có sự chuyển hoá, tương tác và tổng hợp phẩm chất thể loại hết sức linh hoạt và đa dạng. Vì lý do dung hoà thể loại có tính phổ biến, tác giả Hoàng Ngọc Hiến đã có lý khi đề nghị gọi chung các loại ký đặc biệt bằng thuật ngữ étxe (essai) theo lối định danh quen thuộc của người châu Âu. Song sự "nhập cục" như vậy cũng dễ gây trở ngại cho sự phân tích các trường hợp cụ thể theo tinh thần "phân môn biệt loại" rành mạch của tư duy nghiên cứu khoa học hiện đại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro