oneshot

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bom đạn cứ liên tục dội xuống mảnh đất quê hương, Thôi Phạm Khuê sót ruột nghĩ đến anh. Em lo rằng ở nơi xa lạ không biết anh có an toàn hay không.

Độ khoảng hai năm trước, hai người còn cùng nhau kề vai sát cánh xông pha trận địa. Nhưng để chuẩn bị cho ngày giải phóng miền Nam, Khương Thái Hiền được cử vào miền trong để tham gia trực tiếp chiến đấu. Bởi vì anh rất giỏi, được phong làm thiếu tá dù tuổi đời chỉ vừa ngoài 20. Còn em ở lại trên đất thủ đô làm công việc hậu phương như trước. 

Những bức thư tay viết vội nơi tiền tuyến cứ đều đặn được gửi đến cho Phạm Khuê. Đều đặn mỗi cuối bức thư đều là lời yêu chưa thể nói thành lời.

"...

Anh yêu em,

Ta yêu nhau kiêu hãnh làm người...

Khương Thái Hiền"

Ngày ấy, em ôm chặt Thái Hiền khóc nghẹn vì không muốn anh đi, em sợ anh không may gặp chuyện. Nhưng tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng, em không nỡ cản bước chân anh vì không cho anh đi thì biết đến bao giờ đất nước mới hòa bình...

Thế là cuộc chia tay hôm ấy đầy nước mắt của Phạm Khuê, mà Thái Hiền không rơi bất kỳ giọt nào. Anh đưa tay lau từng giọt nước mắt em, xoa mái tóc rối hơi dài của em và đặt nụ hôn lên ấy, nhẹ giọng nhắn nhủ: 

"Anh đi rồi sẽ về, em đợi anh nha!"

Phạm Khuê đâu còn sự lựa chọn nào khác, ôm Thái Hiền mãi chẳng buông. Nhưng cũng phải trả anh lại với Tổ quốc, em ở lại quê hương làm hậu phương và đợi ngày đợi tin giải phóng từ anh.

Thấm thoắt mà đã hơn hai năm, tình cảm sâu thẳm trong tim mỗi người vẫn luôn rực cháy dẫu ở hai miền Tổ quốc xa xôi. Trong thời gian này, Thái Hiền hay được anh em đồng đội mai mối cho em gái của họ. Rằng cô gái ấy xinh đẹp ra sao, đảm đang thế nào, nhưng Thái Hiền luôn cười cười nói bản thân ở nhà đã có 'vợ' hiền đợi rồi.

Đến độ gần đây, cấp trên nói rằng thời điểm đã chín muồi để tổng tiến công giành lại độc lập. Mọi thứ được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng từ thức ăn, vũ khí, đến cả lực lượng đều quy tụ về miền Nam. 

Thời gian gấp rút, Thái Hiền chỉ gửi vỏn vẹn một bức thư về cho mẹ và em ở quê nhà, để họ an tâm. Còn bản thân dẫu bình tĩnh nhưng sâu bên trong Thái Hiền hiểu rõ lần này khó mà trở về. Chỉ có thể quyết tử để Tổ quốc quyết sinh!

Và chiến dịch bắt đầu vào ngày 26-4-1975, Khương Thái Hiền nằm trong tuyến đầu. Bằng sự may mắn cùng với khả năng của mình, anh đã sống sót đến ngày 30-4-1975.

Cứ ngỡ anh sẽ sống đến khoảnh khắc đất nước giải phóng, nhưng Thái Hiền giúp một người đồng đội đang bị thương và anh đã vô tình bị đạn bắn trúng trong giây phút thiếu cảnh giác ấy.

Thái Hiền nằm xuống, đôi mắt nhìn lên bầu trời Sài Gòn, hôm nay trời trong xanh đến lạ. Tay anh đưa vào túi áo nơi ngực trái lấy ra tấm ảnh chụp chung với một người con trai. Trong bức ảnh, họ cười rất tươi, nụ cười mà anh hằng mong nhớ suốt 2 năm xa cách. Thái Hiền hôn nhẹ lên người con trai trong ảnh, mỉm cười mãn nguyện. Thì thào những lời cuối cùng với người đồng đội:

"Đưa cho Phạm Khuê dùm tôi..."

Cùng lúc đó, mẹ Thái Hiền nơi quê nhà cảm giác tim mình như có gì đó xuyên qua. Bà bất an, ôm lấy ngực trái và đi đến bàn thờ gia tiên thắp nén nhang.

"Ông có thiêng thì phù hộ thằng Hiền đi bình an trở về, tôi lo quá ông ơi!"

Nhưng bà đâu biết Thái Hiền đã chẳng thể nào trở về được nữa rồi. 

Còn Thôi Phạm Khuê thì ngồi nghe radio, em không muốn bỏ lỡ bất kỳ thời khắc nào ở tiền tuyến. 

Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Trên radio vang lên bài "Nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Phạm Khuê vui mừng chạy ra ngoài, ăn mừng cùng những người đồng đội. Nhưng trong lòng vẫn canh cánh nghĩ về Khương Thái Hiền.

Khi đất nước thống nhất, người dân ùa ra khắp mọi nẻo đường ăn mừng độc lập. Nhưng anh ơi, Phạm Khuê đợi mãi mà chẳng tìm thấy anh giữa muôn vạn người lính về quê đoàn tụ cùng gia đình. Họ nói với em rằng anh đã hy sinh rồi, không về được nữa đâu, đừng đợi nữa...

Nhưng em vẫn đợi, tóc em cũng đã dài ngang lưng, em không nỡ cắt. Vì tóc là thứ cuối cùng anh chạm vào, em sợ khi cắt rồi sẽ chẳng còn cảm nhận được sự tồn tại của anh trên đời này nữa. 

Rồi vào một ngày cuối đông của những năm sau, em nhận được bức thư của anh năm đó. Họ nói rằng nó bị thất lạc và xin lỗi vì đã giao trễ tận mấy năm. Em không trách, chỉ là mọi ký ức năm đó bỗng chợt ùa về trong ký ức em. 

"Sài Gòn, ngày 23 tháng 4 năm 1975

Thương gửi Phạm Khuê của anh, 

Em biết không, lần này anh cảm giác lo lắm. Anh sợ không thực hiện được lời hứa với em, nhưng em biết đó, anh không phải là người thất hứa đâu. Phạm Khuê ở nhà sao rồi, đợi anh về em nhé! Ba ngày nữa anh ra tiền tuyến rồi, họ nói chiến dịch lần này đại thắng tụi anh sẽ được về nhà.

 Anh nhớ em quá.

Thái Hiền của em gửi em một bài thơ hay lắm, anh viết cho em nhé! Bài "Nhớ" của Nguyễn Đình Thi đó, nói hộ nỗi lòng anh.

'Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người'

Đợi ngày anh về, anh cưới em.

Khương Thái Hiền"

Mùa hè những năm sau vẫn có một ông lão tóc đã bạc phơ, ngồi cùng đám trẻ con dưới nền cỏ trong xanh và bầu trời lộng gió. Ông kể cho đám trẻ về những ngày chiến tranh gian khổ thế nào và chuyện tình đã dang dở ra sao...

Ông ngước nhìn lên màu trời trong xanh và lá cờ đỏ sao vàng phất phơ bay trong gió, nở nụ cười mãn nguyện. Ông đặt tay lên ngực trái, nhắm mắt thầm nghĩ: "Anh cũng đang thấy mà phải không, sự hy sinh của anh không hề vô nghĩa..."

- 1/5/2024 -

End.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro