phận linh lan

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"dì Tư.", y quỳ xuống nền đất, đôi bàn tay run run cố bám lấy vạt áo người đàn bà trong bộ gấm lụa, "coi như dì thương tình cho chị em con khất chỗ tiền ấy nốt hôm nay, mai lên chợ huyện con bán cho xong hết gánh bánh là đủ trả."

Mụ đàn bà vung tay, đôi lông mày chau lại sát rạt vào nhau, "lũ dân đen chúng bây chỉ được cái quỵt tiền, khất nợ là giỏi.". Phủi đi lớp bụi còn vương trên tay áo, mụ xuýt xoa mớ vải lụa đáng giá mấy chục đồng bạc mặc cho y vẫn còn đang nằm sõng soài sau cú hất vừa rồi.

"mày với con chị mày liệu hồn mà trả cho đủ cả vốn lẫn lời. Cái ngữ bần hàn như bây được bà thương tình cho mượn lúa mượn gạo là phúc ba đời, có sá chi chút đồng bạc tính thêm mà bây kiếm đủ đường tránh né."

Cái thân hình to sụ từ từ tiến tới, đưa tay vỗ vỗ vào bên má còn rướm máu của y, mụ ta ho khục khịch mấy cái rồi nói dăm ba câu nghe không lọt lỗ tai, "bà thương hai chị em con lung lắm, mà khổ cái có vay phải có trả con à. Thôi, bà về, bây thu xếp sao cho đặng, kẻo ba cái mạng nhà bây cũng khó lòng mà sống yên."

Mẹ nó, cái mùi thuốc lào hạng sang mụ vừa phả ra cứ nồng nặc, sộc thẳng vào mũi y. Đợi đến khi mụ Tư cùng đám tay chân của mụ đã đi khuất một đoạn Khuê mới khó khăn ngồi dậy, khiếp thật, bọn này đánh chẳng bao giờ nương tay. Định bụng hôm nay trong người không khỏe, Khuê mới đem gánh bánh ra chợ bán cho gần, đỡ phải lên tuốt huyện trên cho nhọc tấm thân, ấy vậy mà chúng nó cũng bắt gặp được. Thấy cái cảnh năm sáu thằng đè đánh người ta ngay tại chợ mà lũ người trai có gái có ngay đó cũng nhắm mắt làm ngơ, biết sao được, họ cũng đâu muốn rước họa vào thân.

"vậy là đi tong mẻ bánh làm từ sớm, tiền mua nếp mua lá cũng coi như công cốc cả rồi."

Y không quan tâm đến mấy vết đánh trên mặt, trên lưng, chỉ xót cho mớ đồng bạc bỏ ra để mua nguyên liệu. Người dân ở đây họ lam lũ vất vả, làm bục mặt từ sáng sớm đến tối mịt cũng chỉ để đổi lấy đúng một nắm gạo cho cả ngày, còn lũ người sinh ra trong nhung gấm lụa là kia thì đày đọa, buộc họ phải sống nhờ sống tựa vào chúng nó, không thì chỉ có nước chết bờ chết bụi đâu đó ở mấy cái xó xỉnh chẳng ai ngó ngàng. Dăm ba cuộc chơi với mớ tiền bạc vung cho cần sa, thuốc phiện thì chúng nó cho là đáng, là oai, còn tụi dân đen dưới quyền chúng nó gập người van xin thêm chén cơm chén cháo cho mấy đứa con nheo nhóc đói khát ở nhà thì bọn nó chớ hề để tâm.

Được hôm vừa rồi, do chị bệnh nặng cũng chừng cả tuần liền, Khuê mới đánh liều chạy sang nhà mụ Tư mượn ít đồng lẻ để lên chợ huyện bốc thuốc cho chị. Thoạt đầu, mụ bảo chỉ cần ba hào, y mừng lắm, gom chừng bốn năm hôm bán bánh là đủ trả. Ấy vậy mà hôm sau mụ lại đòi thêm năm xu vì tội trả trễ hẹn. Khuê phân trần, y bảo do chị cứ ngất lên ngất xuống phải ở nhà trông nên mới muộn một ngày, mong được thương tình bỏ qua. Ngó bộ sẽ kiếm được món hời, mụ nào có dễ mà làm ngơ, đòi y phải trả vào hôm sau, cứ trễ hẹn thì lại tăng thêm năm xu. Biết là cứ ngồi đó mà phân bua thì chỉ có nước đem cái mình đầy máu về nhà, y cũng bấm bụng nghe theo, chứ trong dạ thì nào có phục cái giao kèo không khác nào giết người của mụ. Khổ cái kiếp sống nhơ nhuốc bùn đất, người ta có bức tới đường cùng cũng đành thôi.

Đưa tay nhặt từng cái bánh rơi rớt vung vãi trên đất, y phủi lấy phủi để, "như này chắc hết bán, mà phủi đi một chút thì cũng ăn được cả tuần cho qua bữa.", "cứ thế này thì tiền đâu mà đóng học cho thằng Trúc, mua thuốc cho chị Hương."

Khuê biết, nếu không mau dứt cho xong món nợ từ trên trời rơi xuống với mụ Tư thì cái cảnh nhà ba người cũng sớm mà tiêu tan, ai trong cái làng Khánh Hội này mà chả biết mụ khinh người dưới quyền mình chẳng khác nào đám trâu chó ngoài đồng ngoài ruộng, cái ngày y cầm trên tay ba hào từ mụ, người ta chỉ ngán ngẩm mà lắc đầu. Nhưng ai trong cái cảnh nghèo túng ấy thì nhát mấy cũng liều, chỉ là họ không hiểu hay cố tình không hiểu? Vì rằng họ cho y là cái ngữ xui rủi, vận đen của làng.

Mới hôm qua, dưới ánh đèn dầu nhen nhóm nơi góc bếp. Khuê lui cui vá lại cái áo cho thằng Trúc đặng sớm mai còn đến nhà thầy đồ học chữ. Khổ, áo thằng bé rách tươm, vá đi vá lại cả chục lần vẫn vậy, chắc nó tủi lắm, hai ba hôm nay cứ thấy nó trằn trọc, nghĩ ngợi hệt như giấu nhẹm đi cái gì khó nói trong bụng. Y như rằng, cái bóng dáng nhỏ nhắn, gầy tong teo của thằng Trúc cứ thấp thoáng đứng nép sau cánh cửa gỗ xiêu vẹo, dày độ chừng một lóng tay.

Hằn giọng, y đánh tiếng hỏi, "sao đấy nhóc? cứ đứng nhìn mãi, sợ vá không khéo à?"

Biết mình bị phát hiện, nó đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa, từ từ bước đến choàng tay ôm y. Không gian rơi vào tĩnh mịch, chẳng ai nói với nhau câu nào, rồi chợt cái tiếng thút thít của thằng Trúc chầm chậm vang lên, nó khóc. Vuốt nhẹ mái tóc khô vẩn bụi đất, y ngập ngừng, điều gì lại khiến thằng bé chỉ mới độ tám tuổi phải ép mình chịu đựng đến tận hôm nay?

"lại bị thằng Nhuận trêu à?"

Nó lắc đầu, tay vẫn báu chặt lấy cái áo lấm lem bụi đất của y.

"chớ sao con khóc?"

"cậu ơi, hay con nghỉ học, đi làm thuê cho nhà cậu Huân làng bên đỡ đần cậu."

Khuê trầm mặt, hơn ai hết, y biết thằng bé say mê con chữ. Trúc, nó là đứa bé thông minh, lanh lẹ, nói không ngoa thì tìm khắp cái làng Khánh Hội này cũng không ra được đứa con nít tám tuổi nào như nó, chỉ với vài ba quyển sách cũ nát còn xót lại khi cảnh nhà vẫn còn sung túc, vậy mà thằng bé biết đọc biết viết trước cả khi y gửi nó đến nhà thầy đồ. Không chỉ với cái tài trời ban, Trúc nó hiểu chuyện hơn bất cứ đứa nhỏ nào ở nơi này, không a dua, xu nịnh, hoặc có chăng là nó đào mồ chôn đi mớ suy nghĩ tầm phào của cái tuổi nó xuống tận nơi sâu thẳm đáy lòng mình, thằng bé biết, nhà nó nghèo.

Phạm Khuê- dẫu có chết cũng không cam lòng mà để nó đi làm người hầu kẻ hạ cho nhà cậu Huân, người đời biết hắn giàu có nhưng cái tính nết chó má của hắn nhiều khi còn vang danh hơn cả căn biệt phủ nguy nga nhà mình. Và vì giàu, biết bao tội ác cậu gây ra cũng được gia đình giải quyết êm xuôi, đến cả cái móng tay của nhân chứng cũng khó mà tìm được, vì họ nào có còn sống nữa. Kể như nhà ông Khá cách đây ba con sông, con trai ông ta cũng đem thân bán cho nhà Huân để kiếm thêm chút đỉnh lo cho người mẹ già bệnh tật, rồi đến cái ngày cậu ta trở về với cái xác khô cùng mớ tiền bồi thường gia đình kia đưa cho, người ta mới biết số đồng bạc người con trai đó kiếm được đều đã dùng để lão Khá mua thuốc phiện, ấy vậy mà lương tâm lão ta dường như bị quạ mổ diều tha, lão bán cả cô con gái để tiếp tục với cơn khoái lạc mà thứ hàng hóa được đánh thuế cao ngút trời kia mang lại. Rồi thì, những hình hài sớm phó mặc cho cuộc đời cũng đưa chân, nhúng mình vào vũng bùn lầy chẳng thấy lối ra: bán thân-mua thuốc-chết. Vậy cớ gì khi Khuê vẫn còn đủ hai tay hai chân, vẫn còn đây là trí óc, là sức trẻ, là niềm tin, là gia đình, lại phải đưa cậu cháu trai chỉ vừa mới tám tuổi đầu vào cánh cửa tử, nương nhờ chi chút đồng bạc đó mà sống, mà tiêu. Trúc, cháu trai của y phải đỗ đạt, thành danh bằng mọi giá, hay chí ích là sống một cuộc đời an yên, hạnh phúc thì dù cho có phải bán cả cái mạng của mình, y chớ có để tâm.

Khuê bắt nó hứa, rằng nó phải chuyên tâm học chữ, chớ có nghĩ ngợi sâu xa về cái gánh nặng của cái tuổi gấp chục lần tuổi nó. Và y nhắc nó nhớ, rằng chỉ khi tên nó nằm trên bảng vàng, được xướng danh, mặc áo giao lĩnh trở về cái làng Khánh Hội này trong tiếng ca tụng, hô vang của bà Ngà- mụ đàn bà với chất giọng chua ngoa, lúc nào cũng bày ra cái bộ mặt khinh khỉnh mỗi khi thấy thằng Trúc chạy sang xin chút cơm thừa cho má nó, song mụ đổ cả thẩy chén cơm xuống máng lợn; hay cô Xuân- người con gái với vẻ ngoài điệu đà, hiền dịu, không kể ngày đêm luôn mồm trù cho cả gia đình y suốt đời sống trong cảnh nghèo đói, khốn cùng, chỉ vì tiếng ho của người chị bệnh tật khiến cô ả không tài nào ngủ được; và còn rất nhiều, rất nhiều những khuôn mặt phải chứng kiến cái ngày đó, ngày mà cả thảy người trong làng phải xem trọng thằng Trúc và má nó-chị hai của y.

Còn y? không, y không cần, đối với Phạm Khuê chỉ vậy là đủ.

"ôi dào! cái thằng đấy lại quỵt tiền người ta đấy à?"

Hiên vừa nói, vừa bưng chén trà lại chỗ vị khách lạ đang ngồi. Giọng cô ả chua ngoa đáp lại lời con Nương bán bánh đúc ở hàng kế bên, "lạ gì thằng Khuê với con chị nó, khốn mạt tới mức đào đất mà ăn thì quỵt tiền cũng là chuyện đương nhiên!"

Máu chảy từ trán xuống gò má, pha lẫn chút chất lỏng từ khóe mặt y. Vừa phủi đi mớ đất trên bánh, lại vừa phải phủi đi hàng nước mắt ứa ra từ đôi con ngươi hoen đỏ, y nghẹn ngào, không sao kiềm lại được. Dẫu cho đã nghe biết bao lời đàm tiếu ra vào về bản thân, về chị, về gia cảnh nhà mình, Khuê vẫn khóc không thôi, cái cảm giác cố nén lại những giọt nước mắt giữa đám đông kì thực chẳng khác nào tội nghiệt mà con người phải mang, nó đau, nó dại, nó khinh lòng người sao lại rẻ mạt đến thế. Biết chứ, y biết rằng họ nói toàn điều quấy, họ đâu phải y thì lấy gì mà họ hiểu? Họ nói y sức trai trẻ mà chẳng dám làm nặng, lại chỉ toàn đi làm mớ bánh đem lên chợ huyện bán hệt như đàn bà; họ nói y chỉ biết mượn mà không biết trả, ngu đần đến mức chẳng kiếm nỗi cái nghề nào cho ra dáng đàn ông, khuân vác hay làm đồng, chăn trâu hay nhổ mạ, cớ sao y không làm? Và họ nói:

"thằng Khuê nó hệt như con chó đen! từ ngày nó chuyển về cái xứ này toàn chuyện xui rủi ập tới, hết mưa rồi lũ, chẳng làm ăn được cái gì sất."

Đời này, họ sống với nhau là thế, nhưng câu chữ họ nói về nhau sao mà cay độc quá, nắng mưa là chuyện của trời- họ biết; nhưng họ không dám đổ lỗi cho ông trời, họ lấy Khuê ra để giải tỏa cái bức rức ở đáy lòng họ, hệt như chuyện thường tình nơi trần thế, cốt chỉ để có cái bắt chuyện, xả bực xả giận qua lại với nhau, mặc cho đứa trẻ đó còn chẳng biết mình làm gì nên tội nên tình. Rồi thì lời qua tiếng lại, một truyền mười, mười truyền trăm, dần dà nó đâu còn đơn thuần chỉ dừng lại ở hai chữ "xui rủi", người đời ai mà biết được nó đã bị bóp méo như thế nào thông qua trăm ngàn cái miệng? Họ rỉ vào tai nhau, thêu dệt lên những câu chuyện họ muốn được kể, muốn được nghe, họ quên đi cái cuộc đời khốn nạn của mình bằng cách chà đạp cuộc đời của một sinh mạng giống như họ, dẫm đạp, chì chiết nó đến khi lòng họ thấy lâng lâng cái cảm giác có ai đó thấp kém hơn mình, rồi thì họ chẳng quan tâm đâu, khi người bị họ lấy ra mua vui sẽ phải sống tiếp những tháng ngày phủ màu máu, màu bi thương, màu nghiệt ngã. Những lời lẽ chẳng biết thực hư ấy không chỉ vang tiếng ở nơi y sống, mà còn là ở làng Áp Bất, làng Đồng Đa... y đi đến đâu cũng mang bên mình cái mác vận đen của làng Khánh Hội. Lũ người đang hả hê trong cái sung sướng rơn người kia thì sao mà biết y đã phải khổ sở, vật vã quỳ lạy từng người chỉ để xin được làm việc, được kiếm chút cơm cho ba cái mạng đang gần như chết dần chết mòn từng ngày vì lời họ nói. Phạm Khuê lê đôi chân trần rỉ máu vì đi cả ngày trời, mắt y mờ, cổ họng khát khô, nhưng mặc nhiên chẳng ai nhận y vào làm cho nhà họ; Khuê chấp tay, y nài nỉ họ, trông y nhếch nhác chẳng khác nào ăn mày. Lão Bá trừng mắt, kêu người đánh đuổi y đi, tay lão bịt lại cái mũi to tướng của mình rồi lớn giọng, "chó cha cái thằng hôi hám bẩn thỉu! mày là thằng Khuê của làng Khánh Hội chứ chi? thuê mày để tao có mà sạt nghiệp, tiền đây, biến đi cho khuất mắt ông.". Tiếng leng keng của vài ba đồng xu lẻ rơi xuống nền gạch bông; đời thường, vì đạo đức và thể diện, sẽ chẳng mấy ai nhặt chúng lên, hành động của lão chẳng khác nào bố thí cho mấy đứa ất ơ, lang thang đầu đường xó chợ. Khuê khác với chúng nó, y có gia đình.

Và vì có gia đình, y nhặt từng đồng lẻ lão "ban cho".

Ừ thì nhơ nhuốc, hèn mọn đấy! nhưng sỉ diện thì ích gì, chết mà kéo theo cả người chị bệnh tật, cậu cháu mới tuổi đầu thì còn khốn nạn hơn cả.

Cầm tiền trên tay, mặt lấm, mày lem, y chạy tọt ra chợ mua ít nếp ít lá về làm bánh đem đi bán. Bánh bèo, bánh hổi, bánh đa... gì y cũng làm được, chỉ sợ không còn tiền mua đồ để nấu. Khuê biết nếu mình vác mặt đi xung quanh mấy cái làng ở đây thì có mà công cốc; chân không có dép- chân trần, y lội lên chợ huyện từ canh ba để bán, gánh hàng nặng, mồ hôi lấm tấm ướt cả lưng áo, nhưng y sung sướng reo hò sau một ngày buôn bán khá khẩm. Mấy người ở huyện nói tay y sao mà khéo, bánh đã ăn chỉ có nghiện; họ nói y sao mà hay, bánh mềm dẻo ăn rồi chỉ có nhớ; và... họ nói y sao mà đẹp, nhìn rồi chỉ có tương tư.

Lần đầu tiên trong đời, Khuê biết mình đẹp.

Nhà nghèo đến mức gương cũng không có, y nào có biết bộ dạng mình ra sao, chỉ biết đói, biết no, biết lo, biết làm.

Cũng có lúc, y chợt tò mò, rằng liệu mình có đẹp như mấy tiểu thơ con nhà quyền quý- mấy cô hay vận trên người áo gấm, lụa sang, dái tai họ lủng lẳng đôi khuyên sáng lấp lánh, chân đi guốc cao, môi thoa son đỏ, tóc tai xoắn lô kiêu sa ngời ngợi, chẳng bù cho y, thấy dài lại cắt, lia chia cọ ngứa cả gáy đầu. Khuê muốn xem thử lắm, nhưng chợt cái ý nghĩ đó tắt ngóm, y sợ thứ phản chiếu lại là một dáng hình thô kệch, xấu xí, "bẩn thỉu" và "hôi hám" như lời mấy người ở làng hay nói về y. Và thú thật, khoảng khắc khi một con người nghe được lời phủ nhận về thứ mà họ vẫn luôn hằng đau đáu khi màn đêm dần buông, cũng là lúc mà một linh hồn sống lại lần nữa. Nhưng dẫu vậy, y vẫn chưa được tận mắt xác thực đôi lời khen từ họ; vẫn là vấn đề lớn nhất đời y- tiền. Tiền đóng học cho thằng Trúc, thuốc thang cho chị Hương: đáng, rất đáng. Tiền mua cho mình một cái gương nhỏ cầm tay: không, phí lắm, ngắm rồi cũng chẳng no được cái bụng.

Rồi thì lời đồn về thằng nhóc bán bánh đẹp tựa đóa linh lan từ đâu xuất hiện làm người ta cũng ùng ùng kéo đến, mua bánh là phụ, ngắm nhìn cái đẹp là chính. Mấy người họ xuýt xoa cái đẹp mê người ấy, từ người già đến trẻ nhỏ, mấy lão phú ông hay cả phu nhân của họ, những cậu chàng hay cô nàng mới lớn, đến cả những ả đào làng chơi... Họ cứ ngắm rồi lại bàn tán ra vào, xem y chẳng khác nào cái bình hoa gốm sứ đẹp đẽ bám vẩn bùn đất, bị người ta bỏ xó ngoài đường rồi lại đột nhiên được tìm thấy.

"thằng này đẹp, nhưng mắt nó sụp, trông buồn quá." mắt sụp vì khóc thương cho chị mình cứ đau ốm liên miên.

"oắt con này được đấy, nhưng da đen quá, phải mà trắng chút thì số đã đỡ khổ." da đen vì giữa cái trưa nắng gắt vẫn phải gánh trên lưng mớ bánh, đi khắp huyện rao bán để kịp về khi trời nhá nhem.

"nhìn xem, người nó vệt đỏ vệt đen, chi chít trông mất cả hứng!" vệt đỏ vệt đen vì bị mấy bà cô ở chợ huyện cho là giựt mối, thuê người chặn đánh không tiếc tay.

Và còn nhiều, nhiều lời lẻ khen có, chê có mà họ buông ra khỏi đầu môi khi nhìn thấy y- đóa hoa linh lan "đen đủi" của làng Khánh Hội. Khuê mặc họ nói, vẫn mỉm cười tươi rói mời chào họ mua bánh của mình, chỉ cần họ mua thôi, muốn nói gì về y cũng được, xinh đẹp hay xấu xí, thơm tho hay bẩn thỉu, y nhận tất, chỉ cầu cho gánh hàng trên lưng sớm nhẹ, lòng y hân hoan hơn cả.

Con Nương ghé nhẹ tai Hiên, thì thào câu chuyện nó vừa nghe được, "chị biết bà Nhài mới chuyển về làng, sống cách đây ba lũy tre không? Em nghe lén mụ kể với mấy bà mới quen về chuyện chị em nhà thằng Khuê, kinh thiên động địa lắm!"

Hiên mở to mắt, con ngươi ả dao động qua lại rồi quay sang Nương mà gắt gỏng, "có làm sao thì mày kể cho bằng hết đi chớ, ấp a ấp úng mệt chết tao đây này!"

"mụ nói từng sống cùng làng với chị em nhà nó. Xưa nhà tụi đấy giàu nứt vách, cơ mà vừa sinh ra thằng Khuê thì nhà nó tán gia bại sản, cha nó rựu chè bê tha không kể ngày đêm. Rồi chợt,... trong đêm trăng thanh, người ta nghe thấy tiếng la oai oải, chạy qua thì chỉ thấy cái xác của lão chồng..."

Hiên gật đầu tỏ ý đang lắng nghe, khuôn mặt ả bỗng tái mét, xanh xao lạ kì, da gà cô ả nổi từng đợt sau lớp áo màu nâu đậm.

"vợ lão cùng chị em nhà nó chạy đâu chẳng thấy, duy chỉ có mụ Nhài là bắt gặp con Hương nắm tay thằng Khuê kéo đi về hướng làng mình. Mụ kể khi đó mụ ớn lạnh, lúc ấy trên tay thằng Khuê đầy máu, khuôn miệng mụ ú ớ chẳng dám nói với ai vì sợ vạ lây, vì mụ nghi..."

"thằng Khuê giết người?!" ả Hiên la lớn, nhìn về phía y, nhưng Khuê sớm đã không còn ở đó.

Nương bụm miệng ả, tay ra hiệu cho ả ta giữ mồm giữ miệng, vì "em cũng không chắc, chỉ nghe loáng thoáng thôi."

Hiên thở phào, lần đầu cô ả thấy mừng vì đây chỉ là tin đồn về y, dẫu sao thì ả cũng sợ, miệng mồm ả quở rủa y cũng chẳng ít, sợ có ngày lại chẳng còn mạng mà chửi tiếp. Hiên quay sang vị khách lạ vừa nãy, cậu ta độ chừng cũng chỉ dưới ba mươi và chẳng phải là người làng này, nếu không vì táy máy chuyện với con Nương thì ả đã quay sang tán tỉnh cậu chàng từ sớm. Nhưng tiếc thay, vị khách lạ chỉ bỏ lại số tiền cho chén trà vừa uống, không nói không rằng liền rời đi một mạch, chắc cậu ta cũng lấy làm ngán ngẩm với mấy ả đàn bà trong dạ không đứng đắn, lại chuyên đem chuyện người ra mổ xẻ như Hiên và Nương, ở lại cũng chỉ tổ đinh tai nhức ốc chứ chả được tích sự gì.

Uỵch. "này thằng kia! đi không biết nhìn đường à?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro