anh quên em rồi à?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Bên nhà chú có bị làm sao không ạ?"

"Dàn nho bị dập rồi, gãy hết. Mấy cây ăn quả sau nhà cũng có nhiều cây bị đổ."

Nhìn ra thì đúng là nhà của Hanh kiên cố hơn thật, cây cối cũng toàn cây lâu năm, rễ bám chặt vào đất nên khó mà hư hỏng nặng nề được. Quốc nghe Hanh nói thế, gật gật cái đầu, đôi mắt vẫn nhìn về phía cuối mảnh vườn tan hoang.

Hanh nhìn theo, thấy mấy cây rau cỏ mà Quốc bỏ tâm huyết ra trồng đã không thể sống nổi nữa.

Anh xoa đầu cu cậu, nhẹ nhàng an ủi.

"Đừng buồn. Chú cho tiền mua hạt giống mới về trồng lại nhé."

Những tưởng Quốc sẽ vui vẻ trở lại, nào ngờ cu cậu chỉ thở dài một cái rồi đứng dậy.

"Cháu không sao đâu. Giờ cháu phải đi dọn dẹp vườn."

Ý là chú đi về đi, cháu muốn ở một mình.

Hanh chưa bao giờ thấy Quốc ủ rũ đến mức ấy, trong lòng rầu rĩ không thôi. Quốc cầm bao tay với cái dầm chầm chậm đi ra vườn tháo nước làm cỏ. Xung quanh người cu cậu toả rõ ra sự bất lực không gì cứu vớt lại được.

Hanh không dỗ được đứa trẻ này mất rồi.

Anh đứng lên đi về. Lúc dừng lại dưới giàn hoa giấy tan tác, anh quay người nhìn cu cậu lẩn trong mảnh vườn. Quốc đưa hai tay đặt lên đầu gối, ngồi xổm ở đó ngơ ngẩn nhìn mấy cây hoa loa kèn không còn nguyên vẹn.

Cơn bão đổ bộ bất ngờ khiến hoa màu của người dân không kịp thu hoạch đã hư hỏng rất nặng. Sáng hôm sau, Quốc cùng bố mẹ ra đồng gặt lúa về rồi tuốt luôn trong ngày. Thóc thấm nước mưa, ẩm ơi là ẩm. Mà sau đó tận hai ngày mới có nắng. Có nhà kêu trời kêu đất vì thóc không thể phơi khô, mọc mầm hết cả rồi.

Quốc đi học mà mặt mày như ngấm nước mưa cùng thóc luôn.

"Thóc nhà mày có mọc mầm không?"

Quốc chẳng muốn trả lời cu Bin chút nào. Câu hỏi mà cứ như cây đao, xuyên phựt một cái vào tim, ứa máu.

"Có chứ sao không. Mẹ tao phát khóc lên kia kìa."

Với người nông dân quanh năm làm bạn với ruộng đồng như nhà mấy đứa nó thì hạt thóc chính là hạt vàng, quý giá không gì kể xiết. Ấy thế mà nhà thu hoạch được hơn chục bao thóc nhưng hai bao mọc mầm, mẹ của Quốc rấm rức khóc giữa đêm vì khổ.

Tuổi mười lăm mười sáu của Quốc đã bắt đầu nhận thấy được cuộc sống của bản thân đang vô cùng bấp bênh. Năm xưa nhà Quốc kinh doanh thứ khác, nhưng làm không được nên bỗng nhiên gánh cả một đống nợ trên vai. Bố mẹ của cậu không có công ăn việc làm ổn định, người ta có việc thì gọi đi, không có thì đành ở nhà nhìn nhau ngán ngẩm. Cái nghèo đói ăn sâu vào trong khiến cả nhà nhìn đâu cũng thấy u tối, chỉ biết cố gắng làm nụng nhiều nhất có thể để trả nợ dần dần.

Quốc thấy bản thân vô dụng quá. Minh xăm trổ cũng mười lăm tuổi mà đã kiếm được tiền rồi, mà bản thân cậu thì chưa.

Quốc muốn đi làm. Cậu muốn kiếm tiền.

Thế là cu cậu quay xuống vỗ vai Minh xăm trổ.

"Ê bảo."

Gã đang nằm gục xuống bàn chơi game, nghe Quốc gọi thì ngẩng đầu dậy.

"Gì thế?"

"Mày có công việc gì kiếm ra tiền không thì bảo tao với."

Cu Bin với cu Bí quay ra nhìn Quốc.

"Tạm thời không có. Nếu có thì tao ới cho."

"Okie."

Minh xăm trổ lại gục đầu chơi game tiếp. Cu Bin huých tay cậu, hỏi.

"Làm sao thế? Tự nhiên đòi đi làm."

"Thì phụ ông bà ở nhà một tay chứ sao."

Quốc định không nói cho Hanh biết, sợ anh sẽ lo lắng. Hanh là người bình tĩnh và ôn hoà, chăm Quốc như chăm con, hở tí là hỏi cái này lo cái kia. Quốc cảm thấy tốt nhất là đừng để chú hàng xóm biết thì hơn.

Chiều hôm đó hai đứa kia ra nhà Quốc chơi, cu Bin thấy bóng dáng của Hanh lướt qua bên kia hàng rào liền rống cái mỏ lên.

"Chú Hanh ơi. Qua đây chơi với bọn cháu."

Hanh vung vẩy cái rổ màu xanh, cười cười nói vọng qua.

"Ừ. Đợi chú hái mấy quả khế sang cho."

Quốc ngứa chân, đạp cho cu Bin một cái khiến nó giật mình ối lên lao đầu vào chuồng chó. Đám chó năm con đứng phắt dậy sủa ầm lên khiến Bin sợ xanh cả mặt, vội vàng lùi người lại. Nó lao đến túm cổ Quốc lắc lắc.

"Mày bị điên à?"

Quốc trốn khỏi vòng tay kìm kẹp điên loạn của cu Bin, hứ một tiếng ghét bỏ.

Lúc Hanh sang thì vừa hay gặp cu Bí cũng lạch cạch trên con xe đạp đến. Hanh cười với cu cậu.

"Cu Bí đấy à."

"Dạ. Cháu chào chú."

Hanh mở cổng nhà Quốc ra cho Bí dắt xe đạp vào. Đàn chó thấy người quen mặt, cũng không sủa nữa. Rổ khế của Hanh được cu Bí cầm hộ bỏ vào lồng xe. Nó chợt nghe Hanh hỏi thế này.

"Cháu đang thích ai hử?"

Bí trẹo chân tí thì đổ cả người cả xe. Hanh nhìn con xe đạp cũ chấn động, dở khóc dở cười.

"Chú chỉ hỏi thế thôi mà, sao phản ứng mạnh vậy?"

"Cháu không có."

Cu Bí lao xe phi một mạch vào sân nhà Quốc, bỏ lại người lớn đằng sau.

Quốc gọi Bin với Bí ra để nhờ chúng nó làm vườn hộ. Hôm nay cậu mới mua về mấy hạt giống cây, định bụng vừa gieo vừa làm mái che cho chúng nó.

Bí với Bin đứa cầm quốc đứa cầm dầm làm cỏ trong vườn. Hanh với Quốc thì hì hục làm mái che đơn sơ cho hạt giống. Quốc gấp mấy tấm lưới lại với nhau thành nhiều lớp rồi buộc vào bốn cái cọc. Hanh ngồi cạnh, lúc thì đưa dao lúc thì đưa dây, vô cùng nhàn nhã.

"Này. Cháu đang giận chú à?"

Dạo này Quốc không hay tám nhảm cùng Hanh nữa. Hai người ở cạnh nhau đủ lâu để Hanh nhận ra được cu cậu không phải là người ít nói. Với người lạ, Quốc rất hay ngại ngùng nên không dám mở miệng, nhưng nếu đã đủ thân thiết rồi thì cu cậu hoạt động cái miệng năng suất lắm, vài lúc nói không lại được luôn.

"Cháu không có."

Quốc rũ mi mắt, đáp chung chung một câu như thế. Hanh thở dài, không bắt ép cu cậu nói ra những điều chất chứa trong lòng. Anh đã trải qua cái tuổi của Quốc, biết được rằng nếu càng bắt ép thì cu cậu sẽ càng giấu, nếu ép nó đến đường cùng thì cu cậu sẽ tự ái quá mà nghỉ chơi với mình không chừng.

Nên thôi, bỏ qua đi.

Hai chú cháu nhà họ cứ lạnh nhạt với nhau như thế, cho đến cái đêm hôm đó.

Vẫn như mọi đêm, đèn điện trong chuồng gà được bật sáng để cho đám chó cũng như gà nhìn được quang cảnh xung quanh, nếu thấy ai lạ thì kêu. Nhưng đến lúc tờ mờ sáng, khi cả người cả chó cùng chìm vào khoảnh khắc say ngủ nhất thì đèn điện lại tắt cái bụp. Không ai phát hiện ra có gì đó sai sai, cho đến khi đàn gà đùng một cái toé hết cả đàn, con nào con nấy cứ kêu ầm cả lên. Đàn chó thấy bóng người cũng chạy ra cửa đứng sủa.

Quốc với bố hùng hục bật dậy. Người làm trang trại nuôi gà sợ nhất là trộm đến bắt, trong nhà luôn thủ sẵn mấy cây gậy. Mẹ của Quốc chạy vào trong bếp rút ra rồi lại cắm lại ổ điện trong chuồng gà, nhưng nó không sáng. Thế là bà bật hết hiện nhà mình lên, soi đường cho hai bố con nó đuổi trộm.

Quốc cầm cây gậy to như bắp tay chạy nhanh ra sân. Chuồng gà vẫn tan tác. Mẹ Quốc chạy ra mở cổng rồi thả chó cho chó đuổi trộm, còn hai bố con mở cổng chuồng gà chạy vào. Tên trộm đã chạy đi mất, tiếng bước chân xa dần về phía ao đằng sau. Chó tai thính, ba con rầm rầm chạy đuổi theo từ cổng ra đến cầu ao, hai con còn lại được mẹ Quốc thả chạy vào sân để giữ nhà.

Quốc bảo bố ở lại, còn mình leo tường chạy leo lối tên trộm tuồn đi. Tường không cao lắm, đu hai lần là lên được. Đằng sau tường còn để một cái ghế, là tên trộm đặt ở đất để trèo vào.

Lúc Quốc nhảy xuống mé bờ ao, đằng xa xa cách chục bước chân còn nghe thấy tiếng người chạy và tiếng hai con gà kêu. Ba con chó vừa hay chạy ở gần đấy.

Tên trộm chạy không lại với đàn chó, gã ối lên một tiếng rõ to. Hai con gà bị một con chó ngoạm lấy giữ lại, gã đành bỏ gà cho nó cắn, còn mình thì chạy thoát thân. Nhưng chó thấy người chạy thì nó càng đuổi theo. Hai con chó còn lại một bước nhảy một bước bay, ù một cái nhảy tót lên người gã mà đè gã xuống đất, lơ mơ nó còn cắn cho.

Gã sợ quá hét ầm lên, vừa kêu vừa giãy giụa.

"Tránh ra cái bọn chó ngu si này."

Quốc vừa hay chạy đến, giơ gậy tung cho gã một cú vào gáy váng hết cả đầu. Gã kêu không nổi nữa, nằm rên ư ử ra đất, bên trên vẫn có hai con chó há miệng vừa sủa vừa thè lưỡi kêu khè khè.

Nhà văn hoá thôn lâu lắm mới sáng đèn lúc hửng sớm. Ông trưởng làng, tổ trực ban an ninh cùng mẹ con Quốc đều có mặt. Tên trộm người đầy bụi bẩn cùng cục u sau gáy ngồi bệt dưới đất, tủi thân cúi gằm mặt xuống.

Phòng họp không có ai nói chuyện, cho đến lúc mẹ của Quốc chỉ vào gã ăn trộm và bảo.

"Mấy ông xử lí nó đi. Xử thế nào cho tôi hài lòng vào."

Bà là thành viên tích cực trong hội liên hiệp phụ nữ của xã, lại còn đanh đá, chẳng ai dám làm phật lòng bà. Ông trưởng thôn cười hì hì, bảo.

"Rồi rồi. Cái thằng Tú làng bên cạnh ăn no rửng mỡ đấy mà, trộm cắp cũng quen tay, lát nữa để chúng tôi lôi lên xã rồi cho nó ngồi tù mọt gông. Nhớ."

Nhà của Quốc cũng mấy lần bị trộm gà rồi, có lần còn bị chúng nó hốt một phát lên hai chục con làm ông bà xót hết cả ruột. Nên dù lần này có bị trộm hai con thì bà cũng không chịu làm nhỏ chuyện, cứ phải to lên cho nó hả dạ.

"Ông nhớ đấy. Và tôi cũng cần đền bù cho hai con gà bị mất. Đấy. Mấy ông làm thế nào thì làm."

Mẹ với Quốc dắt nhau đi về. Quốc vẫn để một con chó ở ngoài cửa, đề phòng đi đêm sợ bị làm sao. Cậu đưa dây xích cho mẹ cầm, bảo.

"Mẹ dắt chó về trước đi. Con ngồi ở đây một lát. Ban nãy chạy mệt quá."

Mẹ cũng không nghi ngờ gì, vả lại Quốc cũng lớn rồi, không sợ cu cậu sẽ bị ăn hiếp nên bà bảo cậu nhớ về sớm rồi dắt chó đi trước. Đằng đông mới hơi hơi hửng sáng, không khí lúc bình minh ló rạng chính là lúc thoải mái và dễ chịu nhất.

Tên trộm vẫn ngồi bệt trong phòng họp sáng đèn, được các bô lão trong làng ở đó làm một buổi cải cách tư tưởng cho, vừa mắng vừa khuyên nhủ. Tóm lại trông họ có vẻ như là sẽ ngồi đến buổi sáng rồi lôi nhau lên xã chứ không có ý định về ngủ lại. Người già thì chất lượng giấc ngủ kém, đã khó vào giấc thì chớ, nay dậy rồi thì không chợp mắt được nữa.

Quốc cũng tỉnh hết cả người. Ban nãy lúc nhảy từ bờ tường chuồng gà xuống rìa ao chắc là đạp chân vào mảnh gạch nào rồi. Lúc nghe tiếng gà với chó kêu, câu làm gì có thời gian mà xỏ dép đuổi theo, chỉ kịp cầm cái gậy rồi lao ra như tên bắn. Lúc nãy đứng trong phòng họp lát sàn sạch bóng, Quốc phải đứng dúm dó cả bàn chân lại, chỉ dám lấy ngón chân với gót chân đạp lên sàn, còn lòng bàn chân cong lên tránh cho tiếp xúc với nền đá. Giờ ngồi yên một chỗ ven cổng nhà văn hoá, Quốc mới thấy chân mình đau nhức tới phát khóc.

Cũng không biết là trong lòng ấp ủ nỗi đau gì mà giờ này cậu thấy tủi thân ghê gớm. Nước mắt nóng hổi đảo quanh tròng, dập dìu chưa rơi xuống. Mũi cậu sụt sịt, môi bĩu ra hờn dỗi. Quốc nhớ tới gia đình, nhớ tới tiếng khóc rấm rức trong đêm của mẹ, nhớ tới hai con gà bị trộm mất, nhớ tới bụi cây hoa loa kèn chết yểu, nức nở rơi nước mắt.

Giờ này vẫn còn quá sớm, trong làng chẳng có ai đi lại. Phía đằng sau, ông trưởng làng vẫn oang oang nói "Cậu gan to quá nhỉ? Dám đi trộm gà cơ đấy". Quốc chẳng sợ bị ai bắt gặp, nước mắt nước mũi chảy xuồng ồ ạt. Cu cậu không biết bản thân uất ức điều gì, chỉ là rất rất muốn khóc, như muốn cho trôi đi hết nỗi muộn phiền trong lòng.

Bên cạnh có cây đinh lăng cao to, tán lá toả ra sum xuê. Đinh lăng không phải là cây quý, nhưng được mấy bác trai thích lắm, toàn vặt trộm mang về ngâm rượu. Quốc vừa khóc vừa túm lấy cành lá bẻ xuống, bứt tơi bời, khiến cho cái cây thuốc đang đẹp tự nhiên trụi lủi.

Hanh nhìn thảm trạng khóc lóc của cu cậu, dở khóc dở cười.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro