Dạo qua con phố vắng.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hanh thấy đứa trẻ nhà hàng xóm dạo này bận đến mức không có thời gian để nói chuyện cùng anh nữa rồi. Ngoại trừ buổi trưa phải qua ăn cơm thì còn nói chuyện được chục phút, còn lại bóng dáng của Quốc bỗng nhiên biến đâu mất hút. Ban đầu thì Hanh tưởng cu cậu vào nhà bà ngoại chơi, nhưng sẩm tối vẫn không thấy cu cậu về làm cơm. Bữa trưa của hai người cũng dần giãn ra cho mẹ Quốc nghỉ làm ở chỗ cũ, sáng bà đi làm thì trưa sẽ lại về.

Tóm lại, nhà bên kia thay đổi nhiều lắm. Thay đổi đến mức Hanh cảm thấy đột nhiên không quen.

Đã ba ngày rồi Quốc không sang ăn cơm nữa. Hanh nhìn mâm cơm nhà mình, rau dưa đầy đủ, không món nào có hành, ấy thế mà không còn đứa trẻ nhà hàng xóm khoanh chân ngồi ngoan ngoãn bên cạnh.

Dạo này, khẩu vị của anh cũng kém dần. Bữa nêm mặt bữa nêm nhạt, ăn chán lắm.

Hanh chẹp miệng. Thôi thì cứ ăn đại đi. Không ngon nhưng vẫn phải ăn để còn sống.

Anh buồn bực mở nồi cơm ra, lẳng lặng nhìn gạo với nước tách riêng, lạnh ngắt.

Quên không bật nút nồi cơm.

Hanh ngồi ngẩn người nhìn mâm cơm, tự nhớ lại xem trước khi Quốc xuất hiện trong cuộc đời thì mình đã trải qua như thế nào.

Lạ nhỉ? Nửa tháng đầu tiên về đây ăn cơm một mình, hình như anh cũng không hề cảm thấy chán nản và trống vắng đến như thế.

Thói quen thật là đáng sợ. Nó khiến con người ta phụ thuộc vào một điều gì nó luôn luôn nằm ngoài tầm với.

Hanh nhớ đứa trẻ ấy.

Hanh muốn gặp mặt đứa trẻ ấy.

...

Quốc đứng cạnh cây đa đầu làng, con xe điện đang dở chứng nằm chết dí ở phía sau, càng xe còn treo lủng lẳng hai ly trà sữa trân châu. Chiếc điện thoại thông minh cũ kĩ được Quốc nắm chặt trong lòng bàn tay, màn hình hiển thị số điện thoại của khách hàng.

Xa xa có hai cô bé mới lớp sáu lớp bảy tung tăng chạy đến, trên mình còn mặc bộ váy công chúa kiêu sa. Hai cô gái nhỏ dừng trước mặt Quốc, mỉm cười nói.

"Anh ơi. Em lấy trà sữa ạ."

Quốc gật đầu, quay người ra sau lấy trà sữa giao cho hai cô bé. Một đứa nhận hàng một đứa đưa tiền, thoáng cái là xong. Quốc dúi tờ năm chục vào ví, tiến tới dắt con xe đang mất tín hiệu hoạt động đi về phía cửa hàng sửa chữa bé tí tẹo dọc đường.

Gọi là cửa hàng sửa chữa cho oai chứ thực ra chỉ là một chỗ trống cạnh điểm dừng xe bus được người đàn ông đứng tuổi giăng bạt lên làm mái, xung quanh có rất nhiều đồ nghề cùng tấm biển cũ rích rách tươm viết hai chữ  "sửa xe" đỏ chót. Ông chú ngồi đó, trong miệng ngậm điếu thuốc, đám khói phì phèo gay mũi bốc ra. Mùi dầu nhớt tạm lẫn mùi gỉ sắt khiến Quốc muốn rời khỏi đó ngay lập tức.

"Xe hỏng hả cháu?"

"Dạ vâng. Chú xem giúp cháu với."

Quốc dắt xe vào trong, để ông chú với cái mặt ngái ngủ lồm cồm bò dậy lật chỗ này lật chỗ kia kiểm tra cho. Chú ấy xem một lúc, ngó ra bảo.

"Sửa mất một tiếng, một trăm. Ngồi ngoài đấy chờ đi."

Quốc không còn lựa chọn nào khác, đành ra chỗ chờ xe bus ngồi bệt ở đấy. Tuy trông có hơi mất mỹ quan, nhưng ít ra cũng không phải ngửi mấy thứ mùi khinh khủng trong hang ổ sửa xe kia.

Hôm nay là cuối tuần, xe bus hoạt động năng nổ hơn bình thường bởi còn đưa đón người dân cũng như sinh viên từ vùng quê lên trung tâm thành phố lao động và học tập. Quốc ngẩng đầu nhìn tấm biển dán lộ trình của xe bus, mấy con chữ cũ kĩ dán từ tám đời tróc vảy muốn long ra khỏi cái biển luôn. Cậu nhìn nó, chẹp miệng, rồi lại quay đầu sang nhìn cậu thanh niên xách balo đứng bên cạnh mình từ lúc nào.

Có lẽ cảm nhận được tầm mắt của Quốc nên cậu ấy rời mắt khỏi điện thoại, cúi xuống, mắt chạm mắt với Quốc. Cậu ta lướt ánh mắt đánh giá từ đầu tới chân đứa trẻ, không biết là đang nghĩ gì, đôi chân chầm chậm dịch xa đứa trẻ ấy ra một chút.

Quốc bĩu môi, hứ một tiếng, không thèm nhìn cậu ta nữa.

Chỉ là tò mò nhìn người thành đạt một chút, nhưng ánh mắt tò mò này lại được hiểu là ánh mắt thèm muốn, và người ta ghét bỏ nó.

Quốc không vui thế thôi, chứ thực ra là cậu hâm mộ cậu thanh niên này lắm. Người nghèo mà, thấy ai có gia cảnh tốt hơn mình mà chẳng phải thèm thuồng ngó một cái, rồi trong đầu mọc lên ti tỉ bao nhiêu là những suy nghĩ rằng giá như mình cũng được giống người ta.

Quốc cũng muốn học lên cao lắm, học lên đại học chẳng hạn. Thôn quê đề cao người học rộng hiểu nhiều, chẳng thế mà năm xưa các cụ đỗ đạt trạng nguyên lại được kiệu rước từ kinh đô về thôn làng vinh quy bái tổ. Nhưng cậu biết đầu óc mình dốt nát, học mấy học nữa cũng chẳng được gì, thế thôi thà không theo đuổi nữa, kiếm một công việc chân tay làm phụ bố mẹ cho nhanh.

Đã qua nửa buổi chiều, bụng của Quốc lại bắt đầu réo gọi. Từ lúc đi làm tới nay đã gần một tháng, cậu ít về nhà hẳn. Buổi trưa thường cũng chỉ kiếm cái bánh mì lót dạ, ăn cho chóng chóng rồi đi ship đồ cho khách. Minh xăm trổ chẳng biết kiếm đâu ra được công việc này. Gã bảo người quen ới gã đi nhưng gã không nhận, thế là Quốc đồng ý luôn. Cậu chỉ nhận giao chiều và tối, sáng học xong là trưa về đi làm ngay. Có lắm hôm gần mười giờ đêm cậu mới xách xe về, vừa vào nhà là nằm ngủ tới sáng, mệt đến mức dù đói cũng không buồn ăn hay tắm giặt gì luôn.

Chẳng thế mà bố mẹ ở nhà lo con ngay ngáy. Mẹ của Quốc nói là thôi con ơi con đừng đi làm nữa, tiền nong thiếu thừa thế nào cứ để mẹ chịu, chứ nhìn con mệt nhọc thế này bà không an lòng được. Những lúc ấy, Quốc phẩy tay, bảo quán trà sữa đó người ta đã có tâm tạo điều kiện lắm rồi, nào điện thoại nào xe nào xăng, người ta tài trợ cho hết luôn. Mình chỉ việc đi giao vài ly trà sữa, cuối tháng nhận gần hai triệu, như thế là quá nhàn hạ rồi, không khổ.

Mẹ không nói nữa, nhưng Quốc biết bà vẫn có trăm mối lo về mình.

Màn hình điện thoại sáng lên. Anh chủ quán nhắn hỏi sao chưa thấy về, đang có đơn mới. Quốc trả lời lại, rằng xe đang sửa, phải một lúc nữa mới về. Anh ấy ừ, nói là không sao.

Anh chủ nói không sao nhưng cái bụng của cậu nói là có sao. Quốc đói quá, trưa nay nhai có được cái bánh bao chay bé bằng lòng bàn tay, chẳng bõ dính răng với một thằng cu mười lăm tuổi. Nhưng hiện tại cậu chẳng có tiền để mua tạm cái gì đó ăn lót dạ. Tiền trong ví đều là của quán, không phải tiền riêng. Quốc chẳng dám tiêu, sợ bị chủ mắng.

Cậu ngồi đó, nhớ về những ngày được Hanh chiều chuộng nấu cơm trưa cho ăn.

Hanh không có đôi tay đầu bếu siêu cấp ngon lành như mẹ của Quốc, mỗi món anh nấu ra đều chỉ ở mức trên trung bình. Thế nhưng anh rất hay thay đổi món mới, cũng chiều theo ý của Quốc, cậu đòi ăn gì anh nấu cái đấy, đòi món này nhạt thì sẽ nhạt, đòi món này đặm thì sẽ đặm. Cứ thế dần dần, Quốc cảm thấy tay nghề của chú hàng xóm như gắn tên lửa vào chân, lên rất nhanh, cũng rất hợp khẩu vị. Thế nên lúc nấu cơm tối, có vài hôm cậu cậu cảm thấy mình nêm nếm hơi sai sai, nhưng bố mẹ ăn lại thấy rất bình thường.

Mà kể chứ, Hanh là thanh niên thành phố, từ nhỏ sống sung sướng quen rồi, nào hai bàn tay có phải lặn lội đi nấu cơm bao giờ. Thế mà ở với Quốc được tháng lại nấu ngon đỉnh, phải nói là kĩ năng học tập của anh quá tốt.

Quốc ngây người suy nghĩ, không biết dáng vẻ năm xưa của Hanh như thế nào.

Chú hàng xóm của bây giờ rất thích mặc áo cộc đến bắp tay, cái quần vải rộng dài đến đầu gối, đi đôi dép tổ ong trắng loẹt quẹt với mái đầu xù tung như tổ chim, có lắm lúc còn lười cạo râu nên nhìn trông chẳng khác gì ông chú, đến là già. Nhưng Quốc từng nhìn dung nhan thật của anh rồi, đẹp lắm, như tượng tạc luôn, nhìn không dời mắt được, đến là thu hút.

Thế này mà còn mặc áo sơ mi trắng, quần âu đen, thêm đôi giày da bóng loáng vào thì ngang với giám đốc trong phim tổng tài.

Quốc lại bĩu môi, nhưng không phải giận dỗi gì. Chỉ là có hơi ghen tỵ xíu xíu.

Chú hàng xóm đẹp trai lắm.

Chú hàng xóm có nhiều người theo đuổi lắm.

Mình không có cửa đâu.

Dạo này Quốc không chạy qua nhà chú nữa, vì Quốc nghĩ là mình bị bệnh rồi. Hồi đầu, Quốc sợ lắm, tưởng mình điên cơ. Nhưng có hôm nghe bọn con gái cãi nhau, có đứa bảo thích người đồng giới là bệnh, nhưng có đứa bảo đó là bình thường, không phải bệnh.

Quốc không biết thích người đồng giới có phải bệnh không, nhưng cậu nghĩ cậu bị bệnh, nặng lắm, không chữa được.

Cậu rầu rĩ và lo sợ hết mấy ngày.

Dạo gần đây không qua nhà chú hàng xóm nữa, cũng không thấy chú đâu. Căn nhà ấy mở cửa đón khách được hơn một tháng, nay lại tiếp tục khoá chặt như bị bỏ ngỏ.

Quốc cầm cành cây khô rụng ở bên chân, lung tung vẽ lên nền đất vài hình thù kì lạ.

Không biết chú hàng xóm có nhớ mình không nhỉ?

"Này cậu bé. Xe của cháu sửa xong rồi."

Quốc nghe thấy chú sửa xe gọi vào. Cậu đứng dậy, dắt xe ra chạy thử một vòng. Thấy ổn rồi mới đưa tiền cho chú ấy. Lúc cậu ngoảnh ra thì xe bus vừa đến cũng khoá cửa đi mất, đem theo đó là cậu thanh niên rời quê nhà lên thành phố kiếm tìm tri thức, để lại cho Quốc làn khói xe bụi mù và xám xịt.

Cứ tựa như một tương lai rạng rỡ và êm đẹp mang Hanh đi khỏi cuộc đời của Quốc, trả về sau lại cho cậu những nỗi nhớ thương bé nhỏ tựa sương mây, nhập nhằng và rối loạn.

Và cuộc đời của Quốc dẫu sao cũng chỉ là một điểm dừng chân trong trí nhớ của anh.

Lúc Quốc về tới quán thì cũng đã gần bốn giờ chiều. Đây được xem như quãng thời gian nghỉ ngắn hạn của mọi nhân viên đang làm việc tại đây vì khung giờ này khá ít khách. Quốc dựng xe ngoài bãi đỗ, vừa đi vào quán vừa cởi chiếc áo nhân viên in logo nổi bật. Vừa chạy xe ngoài đường về nên thật sự rất nóng.

Mồ hôi đọng từng giọt trên chiếc cằm gầy gò. Quốc mở cửa, gió điều hoà mát lạnh thổi thẳng vào mặt khiến cậu tỉnh cả người. Quốc lấy ví ra, cầm đống tiền hôm nay kiếm được đưa cho anh chủ.

Chủ quán tên Khánh, là một người rất hiền lành và hay cười. Hay kiểm tiền, thấy thiếu nên hỏi.

"Một trăm là em trả tiền sửa xe hả?"

"Dạ vâng ạ."

"Ừ thôi không sao, anh không tính vào tiền công của em đâu. Dẫu sao thì cái xe đấy cũng cũ rồi mà. Ngồi vào kia đi, anh pha cho cốc nước này. Khiếp mồ hôi mồ kê nhễ nhại."

Quán trà sữa của anh Khánh không lớn lắm, được cải tạo từ tầng một của căn nhà mà thành quán thôi. Quốc vòng ra quầy pha chế, ngồi dị mông trên bậc thềm cầu thang. Người thì nóng, bụng thì đói. Quá mệt mỏi.

"Này uống đi."

Anh đưa cho Quốc cốc nước đường pha chanh. Trong cái thời tiết thế này quả thực uống chanh đường là thích nhất, còn sướng hơn uống trà sữa nhiều.

Quốc tu hai ngụm hết hai phần ba cốc nước, miệng há ra thở phì phò. Máy tính bên quầy lại tinh tinh vang lên có đơn hàng mới. Anh Khánh vừa kiểm tra vừa hỏi.

"Có giao tiếp được đơn nữa không? Nếu không để anh gọi con Loan. Chị của mày đang trên đường về rồi."

Loan là em gái của Khánh, thường xuyên phụ giúp anh trai giao hàng cho khách. Lúc Quốc mới bẽn lẽn chân ướt chân ráo đứng ở cửa hàng, cô nàng còn không tin được đây sẽ là nhân viên giao hàng thế chân của mình. Cô nàng ầm ĩ lên với anh trai, bảo rằng thuê trẻ em làm việc khi chưa đủ tuổi là phạm pháp. Khánh lúc đó cũng rất bất đắc dĩ, cuối cùng vẫn là Quốc nhỏ giọng năn nỉ thì Loan mới chịu thôi.

"Để em giao cho. Em vẫn ổn mà."

"Ừ. Đơn này giao tới thôn bên cạnh, cách vài trăm mét thôi. Đi nhanh rồi về, anh bảo Loan nó lấy cho bát cơm mà ăn. Khiếp nhìn mặt mày xanh xao ốm yếu quá."

Quốc phì cười, phẩy phẩy tay. Trong người đúng là có mệt thật nhưng cũng chưa tới mức ốm yếu gì.

Khánh lướt mắt qua nhìn cậu, tay thoăn thoắt bỏ mấy viên đá công nghiệp vào trong ly nhựa, nói.

"Nếu không phải gia cảnh mày khó khăn, cộng thêm thằng Minh xin giúp thì chắc anh cũng chẳng để mày làm đâu. Nhỏ thế này đáng ra chỉ có ăn với học thôi mới phải."

Quốc tranh thủ mấy phút còn lại, cậu nằm luôn ra cầu thang, bất lực trước hoàn cảnh của mình mà mỉm cười.

"Em học dốt nát lắm, chẳng làm được cái tích sự gì cho đời đâu anh."

Em còn chẳng dám đối mặt với người em thích nữa là.

_________________________________

Lời từ author: Bìa mới đẹp hông cả nhà?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro