liễu đào cuối con đường nhỏ.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mới có hơn tám giờ tối. Bố mẹ Quốc đã buông màn rồi nằm xem mấy bộ phim máu chó trên TV. Điện đột nhiên cắt làm ông bà ớ lên một tiếng, rồi cũng chẹp miệng ngồi dậy. Mất điện, trời nóng quá không ngủ được nên phải ra ngoài hiên ngồi hóng gió cho mát.

Mẹ của Quốc cầm cái quạt nan, vừa phẩy gió cho mình vừa phẩy gió cho chồng, hỏi Quốc đang làm gì đấy, ra ngồi với bà để bà quạt gió cho.

Quốc để sách vở đấy, bảo với bố mẹ là đi lên dốc đê hóng gió cho mát. Ông bà cũng không quản, để cho cậu đi.

Quốc mở cổng chạy sang nhà hàng xóm gọi.

"Chú ơi chú."

"Ơi."

Hanh đang ngồi ngoài sân với cái quạt nan trên tay, lúc nghe tiếng cổng bên kia lạch cạch là biết kiểu gì Quốc cũng chạy sang rồi. Anh đứng lên đi ra, Quốc nói.

"Xuống dưới chỗ bờ ao nhà dì của cháu ngồi đi chú. Dưới đó hay có gió thổi mạnh, mát lắm luôn."

"Ừ đi."

Hanh cài cổng lại, để Quốc đi trước dẫn đường. Đường đi đến cái ao nhà dì của Quốc cũng không xa, mất có năm phút đi bộ. Hanh đi sau hỏi vài chuyện học hành vụn vặt của Quốc, cậu đi trước câu được câu chăng trả lời.

Ở dưới bờ ao có đặt mấy cái ghế đá, tuy hơi bẩn một chút nhưng phẩy đi là ngồi được. Hanh lấy lá cây khô quét sơ qua lớp bụi đất, hai người ngồi lên. Hanh mở điện thoại, bật một bài nhạc không lời lên nghe.

"Đây là bài hát mà chú viết sao?"

Quốc chỉ đoán thế thôi, vì Hanh có từng nói anh là nhà sản xuất nhạc mà. Nhưng cậu không ngờ là Hanh lại gật đầu.

"Ừ. Chú viết đó."

Tiếng nhạc rất trầm và có chút nặng nề, tựa như cảm xúc của con người lúc đang vô cùng bất lực và suy sụp. Quốc vừa nghe vừa nhớ đến quãng thời gian bố mẹ bắt đầu ít về ăn trưa với cậu, trong lòng lúc đó vừa bực vừa buồn. Quốc ngoan như cục đất, lần đó lại làm loạn hết cả nhà cả xóm lên.

Quốc ngồi ngẩn người nhớ lại những chuyện đã từ rất xưa, trong lòng cảm thấy không vui vẻ. Cậu cúi gằm mặt, lẳng lặng trầm tư.

"Chú... không phải là con ruột của bố."

Quốc nghe thấy Hanh nói thế. Cậu nghĩ tới chuyện chiều nay nghe được, biết là anh đang kể về nỗi buồn riêng của bản thân mình.

"Mẹ chú vốn không phải là một người tốt đẹp gì. Trước khi cưới bố, bà đã quan hệ với rất nhiều người, đến mức có chú rồi mà không hề biết chú là con của ai."

"Bố chú chỉ vô tình ăn nằm với bà cùng một lần, vậy là bà liền đổ cái thai lên đầu bố, bắt bố chịu trách nhiệm vì bố chú giàu, rất rất giàu."

"Sau khi sinh chú ra, bà vẫn tiếp tục đi ngoại tình với hàng trăm người đàn ông khác. Bố chú mặc kệ bà, vì bố chẳng có chút tình cảm nào với bà. Nhưng ông vẫn nuôi dưỡng chú rất tốt, đối xử với chú chẳng khác nào con ruột."

"Hai năm trước, có một số chuyện đã xảy ra khiến ông ấy biết được sự thật. Sau đó chú bỏ học đại học, trốn trong nhà suốt hơn một năm trời."

"Mẹ của chú ham hư vinh, dù biết bố thấu tỏ mọi chuyện nhưng vẫn muốn chú phân tranh tài sản của bố với anh em. Chú không muốn tranh, cũng chẳng thích thú gì mấy đồng tiền đó. Ngay từ đầu nó đâu phải là của chú."

"Bố hỏi chú muốn làm gì tiếp theo. Chú xin bố cho chú được về vùng quê nào đó, cứ thế sống bình lặng đến hết cuộc đời là được."

"Chú tưởng chú có gia đình, nhưng không phải. Gia đình duy nhất của chú là mẹ, nhưng bà không cần chú."

Quốc chết lặng nghe câu chuyện bi thương được kể ra từ người bên cạnh. Nội dung ấy, cậu mới chỉ được thấy trên TV, vùng quê hẻo lánh này làm gì có ai bày vẽ ra được ngần ấy chuyện. Cậu sống hạnh phúc với bố mẹ từ nhỏ, hai ông bà yêu thương nhau, yêu thương Quốc hết lòng hết dạ, bênh con dù đúng dù sai, nhìn con trộm vặt còn chẳng nỡ mắng, chỉ nhắc nhở lần sau con đừng làm như vậy, tội lỗi lắm. Quốc lớn lên ngây thơ đơn thuần cũng vì lẽ ấy.

Mà người bên cạnh, mới có bao lớn mà đã gánh lên vai một đống thứ chuyện to nhỏ đầy đau đớn và buồn thương, lẳng lặng gánh chịu một tội lỗi do đấng sinh thành gây nên, cuối cùng quay ra quay vào lại chẳng biết trách ai cho phải.

Quốc đau lòng lắm. Cu cậu sụt sịt cái mũi vì ấm ức mà đỏ lừ lên. Hanh bất ngờ, bất đắc dĩ sờ đầu cu cậu.

"Chú còn chưa khóc mà sao cháu đã sụt sịt thế? Khóc à?"

"Cháu không khóc."

Người ta mới chỉ đang xúc động thôi, nhưng câu hỏi phía sau của Hanh được chêm vào như dí mắt của thằng nhỏ vào củ hành tây. Nước mắt của Quốc trào ra như suối. Cu cậu chẳng hiểu sao lại khóc nức nở lên khiến Hanh bối rối chết đi được.

"Nào nào không khóc. Ngoan ngoan không khóc nhè. Khóc nhè xấu lắm."

Hanh nào biết dỗ ai nín khóc bao giờ, thôi thì học theo cách người lớn dỗ trẻ em một hai tuổi, đem cu cậu ôm vào lòng, vừa trấn an vừa xoa đều lên lưng hòng khiến Quốc thoải mái hơn. Quốc ghé lên vai Hanh khóc ngon lành như xả hết bao nhiêu nỗi ấm ức cùng anh, khóc không dừng được.

Mít ướt ghê vậy á.

Hanh xoa lên gáy Quốc, cười cười.

Quốc tỉ tê gục trong lòng Hanh khóc ngon lành một một lúc. Khóc đủ rồi liền dừng, túm vạt áo lau qua loa nước mắt nước mũi thề lề chảy trên mặt.

Gió nam thổi từng chập từng cơn, bên cạnh ao có hai hàng cây nhãn to, không những không chắn gió mà còn hút gió mạnh hơn. Có bắc cái giường với cái màn ra đây thì cũng nằm ngủ mát cả đêm không tỉnh.

Hai chú cháu ngồi nói mấy chuyện vụn vặt. Hanh kể về thần tượng âm nhạc của mình, kể vì lí do vì sao lại muốn học nghệ thuật. Quốc cũng kể về dự định tương lai của bản thân.

"Cháu không muốn học cao. Cháu không có tài, cũng không có kinh phí để học. Chú thấy đấy, nhà cháu cứ vắng tanh vắng hoe, cháu mà học lên cao rồi bố mẹ cháu lại lọc cọc thân già ở nhà một mình, tội lắm. Với cả, tiền ở đâu ra mà cho cháu học bây giờ? Cháu nghe chị Kim Anh bảo là học đại học tốn tiền lắm, mỗi tháng cứ mấy triệu mấy triệu. Cả tháng bố mẹ cháu đi làm còng cả lưng mới được một hai triệu, tiền ăn lắm lúc còn không có, cháu mà lấy đi thì hai ông bà ăn gì?"

"Nên cháu nghĩ, thôi cứ ở quê nghèo này cũng được, kiếm một việc bốc vác hay làm mộc như cu Bin ấy, vừa ở cạnh bố mẹ lại vừa làm ra tiền, không nhiều nhưng đủ sống. Vậy cũng tốt mà chú."

Ai cũng muốn tìm được một công việc tốt, lương cao, có nhà có xe, sống xa hoa như bao tỷ phú khác. Còn những đứa trẻ như Quốc thì không cần như vậy. Cu cậu sống bần hàn từ nhỏ, ước muốn chỉ là có một công việc đủ nuôi sống bản thân và ở bên cạnh bố mẹ. Ngoài ra cũng chẳng có cái gì khác.

"Cháu nào dám mơ bay cao bay xa. Sống bình yên một đời với thôn quê nghèo đói cùng gia đình nhỏ, có vậy là đủ rồi."

Hanh biết không phải Quốc nghèo chí hướng, mà là cu cậu không muốn làm bố mẹ thêm khổ nữa. Hai ông bà có tuổi rồi, nghe nói năm xưa cũng phải cố gắng lắm ở những tuổi bốn mươi mới đẻ được Quốc. Ông bà lớn tuổi cả rồi, không biết khi nào sẽ lâm vào tuổi già ốm yếu. Thời gian còn lại cũng không dài, nên cậu nhóc muốn ở bên ông bà lâu hơn.

Quốc có kể với Hanh là dạo này chân của mẹ cậu bị đau, còn chân của bố thì bị gút, tóm lại là đều có vấn đề cả,  nhưng vẫn phải đi làm để nuôi Quốc học hết cấp ba. Quốc thương lắm, mà không làm gì được, chỉ biết đi học đầy đủ, không gây chuyện phiền phức với ở nhà dọn dẹp, để mỗi lần ông bà đi làm về là chỉ có tắm giặt ăn uống rồi đi ngủ thôi.

Hanh thương cu cậu quá. Nhỏ nhỏ thế này nhưng đã biết nghĩ xa ơi là xa rồi, lại còn thương gia đình, suốt ngày chỉ lo nghĩ cho bố mẹ thôi.

Hôm sau là chủ nhật, lũ trẻ được nghỉ học ở nhà. Dù có ngoan ngoãn chăm lo gia đình đến đâu thì Quốc vẫn chỉ là một đứa trẻ học lớp mười, đang tuổi ăn tuổi lớn nên vẫn ham ngủ cực kì, gần chín giờ sáng rồi mà Hanh vẫn chưa thấy cậu nhóc đâu.

Bên tai không nghe thấy tiếng léo nhéo "chú ơi" "chú à" nữa, Hanh cứ thấy buồn buồn.

Anh nằm dài trên chiếc giường gấp thân quen, bên cạnh vẫn là chiếc quạt điện. Trời hôm nay âm u, có gió thổi cứ phần phật. Nghe đài trong thôn báo là có bão, chiều nay sẽ về nên không khí cũng mát mẻ hẳn.

Gần chín rưỡi mới thấy Quốc lẹt quẹt đôi dép lôi đống quần áo hôm qua giặt rồi treo trong nhà tắm ra phơi nắng. Hanh ngóc đầu lên, gọi.

"Quốc ơi."

"Dạ?"

Chắc là mới dậy chưa lâu, giọng vẫn khàn vì ngái ngủ lắm.

"Đi chợ với chú không? Chú mua đồ ăn vặt cho."

Hanh muốn mua thêm một ít đồ dùng mới, mà đồ trong tạp hoá ít mẫu mã quá, Hanh không thích, muốn đi chợ xem thử. Quốc nghe thế liền đồng ý ngay.

"Có ạ. Đợi cháu một tí nha chú."

Quốc thay nước uống cho gà, quét sơ qua cái sân cho sạch lá ổi rồi chạy đi thay quần áo. Hanh không có xe nên Quốc dắt con xe đạp của mình sang để hai chú cháu đèo nhau đi chợ.

Lúc Hanh khoá cổng, anh khều khều tay Quốc, bảo.

"Hôm nọ tông tí thì gãy cổng của chú. Giờ nó lung lay rồi này."

Quốc nhìn cái cổng có từ thời nảo thời nao rỉ sét cũ mèm, lười không buồn đáp lại.

Cái chợ tập trung buôn bán quần áo giày dép gì gì đó cách nhà Quốc hơi xa, đi tầm mười lăm phút mới tới nơi cơ. Hanh đèo Quốc, hai chú cháu rước nhau trên con xe đạp cũ, người thì lái người chỉ đường, phối hợp với nhau vô cùng nhuần nhuyễn.

Chợ to lắm, tuy không phải to nhất trong xã nhưng khéo khi cũng chấp luôn ba cái nhà văn hoá làng Quốc. Cậu ít khi đi chợ, hên thì Tết mẹ dắt đi mua quần áo mới, còn lại cũng chẳng có dịp.

Chợ buôn bán nhiều thứ, nào quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đồ ăn, còn bán cả thuốc Đông y nữa. Không khí trong chợ luôn ồn ào tấp nập như thế khiến Hanh còn tưởng mình vừa về lại thành phố trong lúc tắc đường. Mùi hơi người lẫn lộn mùi thức ăn tươi sống, ám hết vào quần áo và những người xung quanh.

Chắc đây là lí do mà mẹ của Quốc luôn giặt đồ mới trước khi mặc, bên cạnh việc làm mềm vải.

Hai chú cháu ít khi đi chợ nên lòng vòng mãi mới tìm thấy khu bán quần áo nam. Dáng người của Hanh cao ráo, tóc xẻ đôi hất lên trông lãng tử cực, gương mặt thì sáng bừng như diễn viên, mỗi tội mặc cái áo ba lỗ quần đùi rách với đôi dép tổ ong vàng phèn chúa, nhưng gương mặt đã cứu cánh tất cả. Hanh đi đến đâu là người ở đó cứ phải ngoái đầu lại nhìn mới chịu.

Quốc cầm trên tay hai cái xúc xích gián giòn với hộp nước chấm tương ớt mini Hanh mua cho, vừa gặm vừa bĩu môi nhìn mọi người.

Chú tôi đó. Nhìn ít thôi. Ngại chết đi được.

Hanh dừng lại trước một quầy bán quần áo nam trông có vẻ đa dạng mẫu mã nhất. Anh nghía mấy chiếc áo phông cộc tay màu sắc trẻ trung, chỉ lên một cái áo màu xanh nước biển nhạt, nói với anh chủ quán.

"Cho em xem cái áo đó."

Anh chủ quán hào hứng lấy xuống đưa cho Hanh, còn bảo gì mà đang giảm giá. Hanh nhìn ưng mắt lắm, chất áo cũng thoáng mát, tuy không so được với mấy cái áo đồ hiệu nhưng với giá trăm nghìn thì cũng thuộc loại tốt. Anh ướm thử lên người Quốc, nhìn ngó một hồi rồi gật đầu.

"Đẹp đấy."

Rồi Hanh đưa áo cho anh chủ quán.

"Lấy cho em cái này, với hai cái nữa tương tự như thế, màu sắc nhẹ nhàng thôi. Cám ơn anh."

Quốc vừa cắn miếng xúc xích vừa huých vào tay Hanh một cái.

"Chú mua cho chú mà ướm lên người cháu làm gì? Người chú với cháu khác nhau mà."

Hanh rút ra tờ giấy ăn mà chủ quán nướng ban nãy đưa cho Quốc được cậu nhét vội vào túi quần, lau lớp dầu bóng loáng trên môi cu cậu, nói.

"Chú mua cho cháu mà."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro