Trọn tiếng ban trưa.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Bẵng đi một thời gian, thế mà đã đến mùa khai trường. Quốc năm nay lên lớp mười, trường cấp ba xa hơn trường cấp hai nhiều nên phải đạp xe gần nửa tiếng mới tới nơi. Rõ ràng đêm hôm trước cậu đã kiểm tra kĩ càng xe cộ rồi nhưng chẳng hiểu sao sáng dậy bánh xe lại xẹp lép.

Nhà cu Bin có hai đứa em gái nhỏ nữa, đều đang học cấp hai nên nó phải đèo em đi, tiện nó cũng nhờ Bí đèo hộ một đứa nên giờ phút này Quốc không biết nhờ ai cả. Cậu loanh quanh trong sân, thầm nghĩ cách để giải quyết.

Ngồi nghĩ gần năm phút mà vẫn không ra, thế nhưng Bin với Bí đã đến, sau lưng còn đèo hai đứa con gái nhỏ nhỏ mới lên lớp 6.

"Quốc ơi. Đi học đê."

Hôm nay là ngày khai giảng, đi cũng chỉ lên trường nhìn nhau một lúc rồi vào nhận lớp xong về thôi. Nhưng giáo viên chủ nhiệm bắt bọn trẻ phải tới đầy đủ không được thiếu một mống nào. Quốc chạy ra cổng đứng, nhìn Bin với Bí mà đau đầu lắm.

"Xe hỏng mất rồi."

"Đùa. Thế làm sao bây giờ? Mượn xe của ai được không?"

Bố mẹ của Quốc thường đi làm sớm nên không nhờ được. Quốc định chạy sang nhà hàng xóm cách đây năm mươi mét định hỏi xem thế nào, cơ mà Bí giữ tay cậu lại.

"Hay qua hỏi chú gì bên kia đi. Tên Hanh ấy."

Lúc này Quốc mới nhớ ra là đối diện nhà mình cũng có người sinh sống.

Không thể trách Quốc được. Sự tồn tại của chú hàng xóm quá thấp, Quốc lượn ra lượn vào cổng nhà mình để trông gà suốt mà chưa lần nào gặp Hanh. Nếu không phải Bí nhắc thì cậu cũng quên mất căn nhà hoang đó đang có một người bằng xương bằng thịt trú ngụ.

Quốc nghĩ tới mối quan hệ chẳng chút thân quen nào của mình và chú hàng xóm, nhàn nhạt lắc đầu.

"Tao cứ đi hỏi nhà dì tao đã. Cứ đưa hai đứa bé đi học trước đi, tao vào trường sau."

Trường cấp hai ngược đường so với trường cấp ba nên Bí với Bin cũng không đôi co kì kèo với Quốc nữa, chỉ nhắc là nhớ mượn xe sớm rồi vào trường cho kịp giờ. Nhìn hai đứa dắt xe lên đến mặt đê rồi thì Quốc mới quay người chạy sang nhà dì. Nhưng dì của Quốc đi làm công ty từ đêm hôm qua tới giờ vẫn chưa về, chú ở nhà thì lại không có cái xe nào để cho Quốc mượn.

Ngoài chân đê lác đác có chừng ấy căn nhà, Quốc đành chạy về, nhớ đến biện pháp cuối cùng.

Quốc đu lên cánh cổng sắt rỉ sét xám ngoét, chạm vào là gai gai lòng bàn tay, hét lớn vào trong.

"Chú ơi. Chú!"

Quốc nhảy xuống, nhìn lòng bàn tay ố vàng cùng với vài mẩu sắt rỉ tan nát ghim trên tay, chậc lưỡi một cái. Trong nhà có người ới lên một tiếng nho nhỏ, giống như là vẫn còn ngái ngủ. Chốc sau, Hanh vác mái đầu rũ tung như tổ chim ló đầu ra khỏi cửa, díu mắt nhìn Quốc.

"Gì thế?"

"Chú có xe đạp không, cho cháu mượn với. Xe cháu hỏng rồi nên không đi khai giảng được."

Hanh nghe thế ngáp một cái rõ là to rồi mới gật gật đầu, bảo Quốc chờ một tí rồi quay vào trong nhà dắt con xe đạp cũ rích ra. Dù là nhà Quốc nghèo thì nghèo thật, nhưng cũng không đến mức phải dùng lại những chiếc xe đạp thời cổ đại như thế. Quốc không nhớ tên của cái xe này, chỉ biết là nó đến là cao và có một thanh ngang chạy từ dưới yên xe đến cái càng.

Ảnh minh hoạ cái xe:

Cái thanh ngang đấy, như trong sách cổ viết, là chỗ để mấy cô thiếu nữ mặc áo dài ngồi lên, người con trai vòng tay qua người thiếu nữ điều khiển càng xe, dưới nắng gió vờn quanh, tà áo dài tung bay phấp phới.

Tóm lại là xe của các cụ chứ không phải xe của thời đại này.

"Chú có mỗi cái xe này thôi. Đi không?"

Người ta đã dang rộng vòng tay cho mình mượn đồ thì không được phép mở mồm ra chê bai. Quốc biết điều đó, nhưng cậu vẫn không thể ngăn cản đôi lông mày của mình nhíu nhíu lại và cánh môi hơi bĩu ra.

Hanh thấy biểu cảm xem thường hiếm hoi trên cái mặt luôn lạnh như tiền của Quốc, cười cười. Anh vỗ mấy cái lên yên xe, bảo.

"Đừng khinh thường. Hơi cũ chút nhưng vẫn dùng được tốt lắm."

Lúc càng xe được trao đến tay Quốc, cậu rõ ràng nghe thấy tiếng sắt rỉ giòn tan lạch cạch dưới bàn tay. Quốc nhìn Hanh một cái, không nỡ đả kích tấm lòng của anh, thở dài, nói.

"Cháu sẽ cố gắng bảo quản nó thật tốt, trưa về liền trả cho chú toàn vẹn."

Nói thì nói thế, toàn vẹn hay không thì còn tùy vào duyên số.

Vì yên xe vốn rất cao, loại xe cổ lỗ sĩ này không chỉnh được yên xe lên xuống, nên Quốc rất vất vả để đạp nó bon bon đến trường. Sợ hãi nhất chính là cái xe này còn bị nhờn phanh, bóp muốn đứt cả cái cuộn lò xo thì phanh mới ăn một chút. Quốc kinh hoảng nhận ra bản thân thật sự quá liều mạng khi trao thể xác cho một chiếc xe cũ tới mức hoàn toàn có thể đem đi bán đồng nát, thu được vài chục đấy chứ không đùa đâu.

Tinh thần như treo trên giây đàn cỡ nửa tiếng thì cũng tới được trường. Con xe quá nổi bật của Quốc thu hút không ít ánh nhìn của người qua kẻ lại. Trường cấp ba nơi đây tụ hội con cháu nhiều địa phương, học phí công lập vốn rẻ, lại nằm trên đường quốc lộ tương đối nhiều người ngược xuôi nên được nhòm ngó để gửi gắm con em không ít. Dân chúng trong trường cũng đa dạng lắm, học giỏi nhà giàu thì chen tốp trên, học giỏi thường thường thì chen tốp dưới một chút, học thường thường mà nhà có điều kiện thì chen tốp giữa, còn đã nghèo lại còn ngu như đám của Quốc thì hiển nhiên bị đẩy vào tốp cuối cùng.

Lại còn thật sự là lớp cuối cùng.

Liếc mắt một cái là biết nhà của Quốc nghèo rồi. Nhiều người chỉ vì tò mò cái xe cổ nên ngoái đầu một cái, nhìn đủ liền thôi. Quốc không rảnh để bận tâm đến mấy ánh mắt đó, cậu còn đang tập trung cao độ để vững vàng đạp trên con xe đang kẽo kẹt kêu như sắp gãy này đây.

Quốc đến gần sát giờ nên nhà xe đã gần đầy. Cậu thu chân phải qua chiếc thanh ngang trên xe, vừa cật lực bóp phanh vừa đu người nhảy một cái xuống đất. An toàn tới được trường. Cậu dựa xe vào một góc riêng, tránh để người khác tò mò mà sờ mó lung tung hay kinh bỉ mà quẳng nó ra chỗ khác, sợ hỏng.

Khai giảng chính là một buổi hoạt động nhàm chán ngoài trời, bao gồm đám học sinh rũ rượi ngồi ngu phơi nắng cùng các vị lãnh đạo thay nhau phát biểu và một vài tiết mục ca nhạc chẳng có gì đặc biệt. Bin, Bí với Quốc được đám con trai trong lớp túm lại xuống cuối hàng, lập hội chém gió và chơi game trên điện thoại. Nhà ba đứa làm gì giàu có đến mức được bố mẹ sắm cho điện thoại mới nên nhìn bạn bè có thì hâm mộ lắm, sấn vào xem chung liền.

Con trai mà, nhìn thấy game là mê lắm, đặc biệt với mấy đứa như bọn của Quốc. Cả ba đứa thường không đi net chơi, bởi làm gì có tiền, nhà nghèo tới mức ăn cơm với thịt còn thấy xa xỉ thì giơ tay ngỏ lời xin mười nghìn đi quán net một tiếng thật sự chính là chuyện không dám làm. Trưởng thành từ trong cái đói, chúng nó mới là người hiểu rõ nhất đồng tiền quý giá biết bao. Thế nên tiền bán trứng gà, tiền bán rau mà mẹ Quốc cho, cậu đều cất vào lợn để mua sách giáo khoa với đi chợ mua thức ăn cho cả nhà, thi thoảng rách đôi dép hay tóc quá dài phải đi cắt mới xót ruột mà cầm nhíp nhổ tóc sâu của mẹ để moi mấy đồng bạc lẻ đi tiêu.

Quốc nhìn nhân vật ảo nho nhỏ chạy trên màn hình, ngón tay của đám bạn di chuyển bấm bấm thế nào mà một loạt tiếng đạn như thật lọt ra từ kẽ loa. Đôi mắt của Quốc vốn tròn, nhìn màn hình điện thoại của bạn quá chăm chú mà càng tròn hơn.

Bởi vì lễ khai giảng là một buổi lễ thiêng liêng nên thầy cô chốc chốc lại ngó xuống xem đám nhỏ có nghịch bậy nghịch bạ, gây ồn làm ảnh hưởng tới không khí hay không. Thế nên túm tụm còn chưa được năm phút đã phải giải tán vì đám con gái trong lớp rủ rỉ xuống bảo là cô chủ nhiệm xách gậy đang tới kìa.

Ngồi ngu hai tiếng thì lên lớp. Lớp mười bét nhè của Quốc thì nằm lọt trong góc của tầng một khu nhà cũ rích cạnh đường lớn. Nắng chẳng đến mặt, mưa chẳng đến đầu, tuy hơi xa nhà để xe nhưng lúc tan học về không phải leo cầu thang xuống, chạy nhanh chút thì liền có thể oai phong dắt xe ra cổng nhanh nhất trường. Đám con trai trong lớp lạc quan bảo thế. Quốc cũng thấy cái xó tối tăm này không có gì không ổn, chỉ là ngày mưa sẽ hơi ẩm thấp chút, còn lại rất tốt.

Cô chủ nhiệm là một giáo viên trung tuổi, đôi mắt nom thì hiền hoà nhưng cách quản lý lớp học vẫn thật sự nghiêm khắc. Chẳng có nhà trường nào lại để một giáo viên trẻ tuổi tài năng và hiền lành đi kèm cặp một đám không chịu học tập và quậy phá tung trời, kèm một tuần có mà tiền đình một tháng. Những trường hợp như lớp của Quốc thì nhất định sẽ phân cử cho giáo viên nghiêm nghị, có kinh nghiệp nhiều năm đứng bục giảng nhưng vẫn phải có đủ đức hạnh của nghề nhà giáo.

May mắn thay, lớp bét nhè của Quốc gặp được một giáo viên như thế. Cô đã vào lớp làm quen với đám trò nhỏ từ hôm đi tập trung, trước khi dắt tụi nó xuống sân khai giảng còn nghía vào chào nhau lần nữa, tuy là cầm gậy đe đánh đó nhưng cô không hề chạm vào tụi nhóc một chút nào, ở trên bục giảng còn cười đến là tươi khuyến khích đám nhỏ học tập, dù chỉ là học một chút thôi cũng được.

Con gái trong mấy lớp như thế này thường không nhiều. Lớp của Quốc có ba mươi người mà có sáu đứa con gái. Cô chủ nhiệm để con gái tự lựa chỗ trước rồi cô mới sắp xếp cho đám con trai. Mà con gái tất nhiên là dính lấy nhau rồi, sáu đứa chiếm luôn ba cái bàn đôi lối ngoài cùng, hì hì cười nhìn cô. Cô chủ nhiệm cũng không làm khó, để mặc cho tụi nó thích làm gì thì làm, còn mình thì xử lí tụi con trai.

Quốc không cao lắm, tầm trung trung trong lớp nên ngồi bàn giữa dãy trong cùng, đối diện thẳng tắp với bàn giáo viên luôn. May mắn là cu Bin với cu Bí cũng chẳng cao hơn Quốc là bao, Bí ngồi dưới Quốc, còn Bin ngồi cạnh Quốc.

Cậu bóp trán, thở dài. Ngồi với hai đứa này thì vui đấy, nhưng chắc chắn là không học hành gì được đâu.

Bí ngồi dưới, cùng bàn với một tên xăm trổ bặm trợn. Cu cậu cao hơn Bí một tí, mặc cái áo cộc màu đen in hình cái đầu lâu trắng ngà, trông rõ là trẻ trâu, lại còn mặc quần bò rách lỗ chỗ với đôi dép tổ ong vàng phèn chúa. Cái đầu của gã được cắt undercut trông chẳng đẹp đẽ gì, còn xén ra hai cái đầu lâu hai bên nữa.

Gã thậm chí còn xăm kín hết cả lưng, đen ngòm, hình xăm còn tràn lên tận gáy. Bí lúc đầu không thể ý đâu, nhưng gã quay người ra hành lang vẫy bạn nên Bí có liếc mắt qua, thấy bên dưới tà áo cộc bị kéo lên mà mảng xăm u tối nơi da thịt vùng lưng.

Bí lúc đó sợ toát mồ hôi hột. Nó nghĩ thầm, bỏ mẹ rồi.

Ngồi cùng với dân anh chị rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro