Thách Cưới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kim Thái Hanh thương Điền Chính Quốc.

Một đời của Điền Chính Quốc cũng dành cho Kim Thái Hanh.

Yêu nhau từ ngày em mười sáu, anh mười tám, mối tình kéo dài ba năm tám tháng, và cuối cùng hai người quyết định tiến tới hôn nhân.

Người ta thường bảo, hôn nhân là nấm mồ của tình yêu. Nhưng chưa cần bước vào hôn nhân, Thái Hanh đã gần như xuống mồ rồi.

Nhà anh vốn nghèo, cha mẹ mất sớm, làm quần quật mãi mới có được cái nhà tranh nhỏ. Thái Hanh tuy khỏe, một mình có thể cày được ba sào ruộng, nhưng khổ nỗi đến một miếng đất anh cũng chẳng có, nên từ lúc biết cày biết cuốc anh đã phải nai lưng ra đi làm thuê.

Cũng nhờ làm thuê nên mới gặp Chính Quốc.

Em là con út của nhà bá hộ, đẹp trai, thông minh, lương thiện, được cha mẹ yêu thương cưng chiều hết mực. Mỗi khi mặt trời đứng bóng, em thường xách ấm chè xanh ngọt mát ra ruộng, mời mọi người uống nước. Người làm công đối với em cũng như người nhà, mà đã là người nhà thì phải đối xử với họ thật tốt. 

Em cũng chẳng thích ai gọi em là "cậu Tư", cứ mỗi lần nghe thấy danh xưng ấy là cái môi hồng lại bĩu dài ra cả thước, rồi phụng phịu: 

"Em tên Quốc cơ mà, chứ có phải là cậu Tư đâu!"

Kể từ khi nhìn thấy đôi môi hồng mọng nước ấy, Thái Hanh đã biết thế nào gọi là yêu. 

Biết thế nào gọi là yêu rồi, anh ngày nhìn hoa thì nhớ Quốc, đêm nhìn trăng cũng nhớ Quốc nốt. Nhớ thương Quốc nhiều quá, thành ra ôm tương tư mất một tuần giời. 

Em biết anh ốm, chẳng quản đường sá lầy lội, mua một cân cam canh tới nhà thăm anh. 

Mặt trời đã lên tới ngọn tre, mọi người đã đi làm đồng hết cả. Ở nhà chỉ còn lũ trẻ con lấm lem rủ nhau chơi đánh đáo, đánh khăng. Trên trời đám mây trắng lười biếng chẳng buồn trôi, dù gió thổi làm bay mái tóc, mây vẫn hờ hững thế thôi. Màu nắng tháng ba trong sáng như ngọc bích, tiếng nắng rơi nhẹ như âm thanh sóng nước vỗ vào mái chèo. Đưa tầm mắt ra xa nhìn cánh đồng quê hương mới thấy sức sống đang dâng trào mãnh liệt. Mấy giọt sương mai còn đọng trên lá cây ngọn cỏ. Một đàn cò trắng bay ngang rồi đậu xuống một bờ cỏ xanh mượt. Hương lúa nồng nàn lan toả theo chiều gió, sóng lúa nhấp nhô, rì rào.

Sương à, sương trong hoa, hoa trong sương, tưởng không hợp nhưng lại kết hợp bổ trợ cho nhau thật tuyệt đẹp. Mỹ cảnh ấy giống như một viên kim cương quý giá, lấp lánh bên trong chính là cánh hoa mềm như lụa.

Nhắc đến sương, em lại nhớ đến lọ sương sen vừa hứng để pha chè cho thầy. Sương sen pha chè thì ngon lắm, tinh khiết, tôn vị trà lên đến đỉnh cao. Phải rồi, Thái Hanh chỉ mới được uống nước vối, chứ chưa được uống chè sương sen. Đợi anh khỏi bệnh, phải cùng anh chèo thuyền ra giữa đầm sen khi ánh hừng đông mới ló, để hứng được búp sen thơm ngát, hứng giọt sương trong lành, mang về pha chè mời anh. 

"Thương nhau múc bát chè tươi,
Chè thơm chè ngọt như lời yêu nhau."

Nhẹ cười một tiếng, em rảo bước đi về phía căn nhà tranh lụp xụp ở cuối làng, tay ôm rổ cam ngân nga hát.

Nhà anh ở còn chẳng có cửa nhà, chỉ có tấm vải rách buông dài che chắn. Nhà này gió thổi mạnh một cái là thành đống đổ nát ngay, mà có khi còn chẳng thành "đống" được, thành "mớ" thôi ấy chứ. Ai bảo nghèo quá làm gì?

Em nhẹ nhàng bước vào nhà, đúng là nhà anh nghèo thật. 

Cả nhà cả cửa có đúng một cái chõng tre, ba hòn gạch kê lên làm bếp, một cái nồi con nấu cơm nhọ đen sì. Bát cơm đôi đũa chỏng chơ dưới đất, vết mỡ trong bát dính đặc lại, cáu bẩn. Anh nằm trên chõng, đắp tấm chăn mỏng trên người, thở khò khè như có cái gì đó chặn đứng ở ngay mũi. 

"Anh Hanh, anh Hanh ơi."

Nghe thấy tiếng em, anh còn tưởng là mình ốm đến mức mê sảng luôn rồi.

Quốc chẳng biết nên để rổ cam ở đâu, nên em cứ thế ôm cả rổ trong lòng rồi ngồi luôn trên chõng.

"Anh Hanh ơi, anh có mệt lắm không?"

Ừ, có khi Kim Thái Hanh mê sảng thật rồi. Làm gì có chuyện cậu Tư lại mang rổ cam đến đây, ngồi ở đây, hỏi thăm sức khỏe anh cho được? 

Vì nghĩ rằng cậu - Tư - sẽ - chẳng - bao - giờ - đến - thăm - đâu nên anh chẳng trả lời câu hỏi của em, mà đưa tay lên trán, nhìn lên kèo nhà.

"Chẳng lẽ lại tương tư đến nỗi này? Cậu Tư, cậu có biết là con thương cậu nhiều đến mức nào không?"

Ban đầu Chính Quốc chỉ có ý định đến đây hỏi thăm sức khỏe của anh, còn tấm chân tình kia thì em định khi nào đến Tết hẵng bày tỏ cũng chẳng muộn. May mà đến thăm anh, nên mới biết lòng anh đong đầy thương nhớ.

Quốc cười hiền, hai vành tai đỏ ửng lên:

"Thế là anh cũng thương em à? Vậy mà trước giờ em cứ tưởng có mình em đơn phương thôi chứ!"

"Ồ không, con thương cậu Tư từ lâu rồi, từ cái hồi con mới đến làm cho ông bà cơ. Con vừa mới nhìn thấy cậu là con đã thương cậu rồi. Mà ai ngờ cậu cũng... thương... con... nữa..."

Nói đến đây, bất chợt Thái Hanh dừng lại. 

Miệng lưỡi anh cứng đơ, mắt mở to đầy kinh ngạc. Anh bật dậy ngay tức khắc, vẫn giữ nguyên hiện trạng mắt mở to, run run đưa tay chạm vào tay em.

Chạm xong một cái, nhanh như chớp đã thu tay về.

Tay cậu Tư mềm quá! Trong mơ mà như thật vậy.

Anh cười hì hì, ôm riết luôn bàn tay mình vào lòng:

"Đời của con, chưa bao giờ mơ thấy cậu Tư nói thương con như vậy."

Quốc phì cười, dí ngón tay trỏ vào trán anh:

"Mơ mà được thế này? Người ta nói thương thế mà lại bảo là mơ là sao? Anh nói vậy nghĩa là anh không tin em rồi."

Một lần nữa, cái miệng đang cười của Thái Hanh lại cứng đờ. 

Một khoảng lặng như tờ...

Chính Quốc chưa kịp định hình tình huống như thế nào, chỉ biết khi hoàn hồn rồi đã thấy anh nằm chỏng vó ở dưới đất, tay ôm mông vì đau. 

Em ném luôn rổ cam sang một bên, lật đật ngồi xuống đỡ anh dậy.

"Em đã nói với anh thế nào? Làm gì cũng phải cẩn thận cơ mà. Anh có đau không?"

Ngã như thế, không đau mới là lạ. Quốc hỏi câu gì kì quá!

Đến lúc anh ngồi lại ngay ngắn trên chõng, anh mới lắp bắp nói:

"Cậu... cậu... cậu... cậu Tư... mới lúc nãy cậu Tư nói gì... nói gì... nói gì vậy ạ?"

"Ơ, không nghe rõ thì thôi. Em chẳng nói lại đâu, kệ anh đấy!"

Anh vội nắm chặt lấy tay em, vội vàng khẩn thiết:

"Con van cậu, cậu Tư ơi, cậu nói lại đi mà cậu Tư."

Em rút tay lại, ôm lấy hai bầu má đen sạm vì cháy nắng của anh, ép anh nhìn thẳng vào mắt mình.

"Em nói là em thương anh."

"Thật ạ? Cậu Tư không lừa con đúng không ạ?"

"Lừa anh thì em được gì?"

Thái Hanh gật gật đầu, miệng lẩm bẩm:

"Cậu Tư thương mình, cậu Tư thương mình. Ôi trời đất ơi cậu Tư thương mình."

Như có một phép màu nào đó, anh bỗng nhiên khỏe khoắn trở lại. Anh đứng phắt dậy, đi đến chỗ bàn thờ thầy u.

"Thầy u có nghe cậu Tư nói gì không? Cậu Tư nói cậu Tư thương con, cậu Tư thương con thầy u ơi."

Em đi đến bên cạnh anh, lấy tay xoa lên mái tóc anh.

"Đúng rồi, em thương anh mà. Nhưng anh còn gọi em là cậu Tư nữa thì em đi về liền đây."

"Ôi không, không. Em ở đây với tôi, đừng về."

Quốc tinh nghịch nhướng mày:

"Muốn em ở lại, thì phải gọi em là gì?" 

"Quốc, Quốc đừng về. Quốc ở đây với tôi."

Trong căn nhà tranh lụp xụp rách nát ở cuối làng, có một tình yêu vừa mới chớm nở.

Quả nhiên là tâm bệnh thì phải chữa bằng tâm.  
____

Kim Thái Hanh ngồi ôm đầu trước bàn gỗ, bên cạnh là bàn tính gẩy anh mới mượn của Điền Chính Quốc.

Nhớ về cái ngày Chính Quốc dẫn anh về ra mắt thầy u, ông bá hộ đã tức đến mức đánh gãy một cái thước gỗ to, bà bá hộ thất vọng đến nỗi khóc rạc cả người. Cũng may các anh của Quốc đều có tư tưởng cởi mở, chị gái và chị dâu cũng giúp đỡ hết mình, cuối cùng ông bà bá hộ cũng đồng ý cho anh cưới Quốc.

Nhưng với một điều kiện, anh phải chi trả toàn bộ cho đám cưới này.

Trước hết là lễ vật thách cưới.

Đầu tiên là tiền đen, được coi là món quà thay cho lời cảm ơn của nhà trai dành cho nhà gái khi gia đình nhà gái đã chăm sóc và nuôi dưỡng cô dâu nên người.

Số tiền đen mà Thái Hanh phải chuẩn bị, là một trăm đồng chẵn.

Tiếp theo phải có ba món vàng, một chiếc kiềng hoặc dây chuyền, một lắc tay, một bông tai. Nhưng Điền Chính Quốc là con trai, đeo bông tai hay lắc tay đều không phải nhẽ, nên được quy đổi sang thành ba chiếc kiềng vàng, mỗi chiếc sáu mươi đồng. 

Quần áo em cũng có nhiều, nên ông bà phú hộ quyết định đổi quần áo sang năm mươi tấm lụa tơ tằm thượng hạng.

Thứ ba là một vài buồng cau to độ ba, bốn trăm quả, đi với cau là trầu xanh tươi mơn mởn, dăm vò rượu tăm, một mâm xôi gấc, một cái thủ lợn, một con gà trống thiến, một mâm bánh chưng, bánh nếp, bánh cốm và trái cây hái tại vườn.

Lo cho em xong rồi, bây giờ đến những thứ khác.

Ống thuốc lào gỗ, ống vôi bạc mỗi thứ một chiếc.

Ba con trâu, năm con bò, chín con dê, mười một nén bạc, mười lăm nén vàng.

Hết lễ vật thách cưới, là tiền cheo làng. Phải có tiền cheo thì đám cưới mới được làng công nhận, có giấy biên nhận hẳn hoi. Thường thường thì người ta chỉ bắt nộp cheo khi hai nhà khác làng, nhưng người ta thường hay nói "phép vua còn thua lệ làng" kia mà, ở cái làng này dù cùng hay khác thì cũng phải nộp tất. Rẻ lắm, có năm đồng thôi.

Cả nhà cả cửa Thái Hanh có mỗi hai mươi đồng, nộp xong tiền cheo là còn mười lăm đồng. Mười lăm đồng, tính thế nào cũng không dành nổi một chiếc kiềng vàng cho em chứ nói gì đến sắm đủ lễ vật thách cưới.

Tiền ăn tiền cỗ, tiền trả cho bọn phụ đám thì chưa tính đến, nhưng ước ra cũng phải lên tới bảy mươi quan tiền.

Càng nghĩ lại càng thấy đau đầu. Anh gục đầu vào hai bàn tay chai sần, thở dài một tiếng. 

"Mình ơi, làm sao đấy?"

Em đưa tay ôm anh từ đằng sau, cúi người hôn lên má anh. Nhẹ nhàng, đằm thắm.

"Không có gì đâu em."

"Mình đừng giấu em, chắc lại nghĩ về tiền thách cưới chứ gì. Thầy em cũng thật là, vắt hết cả máu người rồi còn đâu."

Anh đan tay vào tay em, kéo em vào lòng.

"Anh định sang nhà lão quan về vườn vay một ít, rồi chúng mình từ từ trả lão sau. À không, không phải chúng mình, là anh làm rồi anh trả."

"Tại sao lại không phải chúng mình?"

"Tại vì anh không muốn em khổ."

Quốc ôm anh chặt hơn, rúc mặt vào hõm cổ anh.

"Nhưng anh cưới em rồi, mình phải cùng nhau làm chứ."

"Chẳng lẽ anh cưới em về, lại bắt em lăn ra trả nợ à? Không được. Tội em lắm."

Đến bây giờ lại đến lượt em thở dài.

"Phải đồng lòng với nhau chứ! Em chẳng thích anh như vậy đâu. Cưới em về xong bắt em ở không, dỗi." 

"Ngoan nào, đừng dỗi anh nữa. Anh biết lỗi rồi mà."

Hai người cứ ngồi vậy nhìn vào bàn tính, mấy con số không ngừng nhảy múa trước mặt, trêu ngươi kẻ bần hàn cùng quẫn. 

"Mình ơi, hay là em xin với thầy giảm lễ vật thách cưới xuống, nhé?"

"Liệu có được không?"

"Em không biết nữa, nhưng em sẽ cố gắng."

"Nếu không được thì thôi, anh cố thêm một chút nữa là được mà."
____

Kể cũng lạ, Điền Chính Quốc mới nói có một câu, mà ông bá hộ đã đồng ý giảm lễ vật cưới ngay, lại còn cho vay tiền để lo từ đầu tới cuối.

Nhưng mà, Kim Thái Hanh phải chịu phận ở rể.

"Mày có đồng ý ở rể nhà tao không? Đồng ý thì tao cho cưới, cho vay tiền, không thì tự mày lo lấy thân mày."

"Thưa ông, con đồng ý ạ."

"Vậy mày có đồng ý làm gấp đôi gấp ba ngày trước không? Dĩ nhiên, mày vẫn có danh phận, có miếng ăn vào mồm, không phải đói rách như ngày xưa. Chịu chứ?"

"Thưa vâng, con xin chịu."

Ngay từ đầu, lão bá hộ đã tính kế cả rồi. Đòi lễ vật thật cao, đút tiền vào túi kẻ đứng đầu làng hòng đòi tiền cheo đắt, lại tính toán đâu vào đấy, để chúng nó phải đến vay tiền ngược lại mình.

Một thằng to khỏe, nhanh nhẹn, chịu thương chịu khó như Kim Thái Hanh, để vuột mất khỏi tầm tay thì tiếc lắm. Cả cái huyện này có khi còn không kiếm nổi một thằng như nó, nó nghỉ rồi, ai làm? Nó lại còn đòi cưới đứa con trai út của lão nữa. Nực cười. Cho nó vay tiền, bắt nó ở rể, bắt nó làm việc trả nợ, làm không công. Làm không công đến lúc chết thì thôi. 

Em không được chứng kiến cảnh thỏa thuận ấy giữa hai người, đến lúc gia nô báo lại rằng ông đã đồng ý cho vay, thì cười tươi rạng rỡ.

Nhưng khi biết việc anh phải ở rể, phải làm gấp đôi gấp ba khi trước, lòng em lại chùng xuống.

"Anh ngốc thế! Thầy nói vậy mà anh còn đồng ý!"

"Anh cũng không nhận là anh khôn mà. Đối với anh, những việc ấy có là gì? Anh vất vả cũng không sao, chỉ cần được nhìn thấy em cười, được phép cưới em là anh đã mãn nguyện lắm rồi."

Tình cảm của một anh nông dân cả đời cày thuê cuốc mướn, đúng là chỉ có đến thế mà thôi.

Đến thế, là đến thế nào?

Là đến khi ông bà bá hộ suýt nữa từ mặt Điền Chính Quốc ngu xuẩn mà lao đầu vào cuộc hôn nhân tuyệt hậu này, tuyên bố sẽ không cho một đồng thừa kế nào, Kim Thái Hanh vẫn thương Điền Chính Quốc. 

Là đến khi em khóc sưng cả mắt vì bị người đời gièm pha, em uống rượu say sưa rồi vào nhà trò tìm đại một cô ả nào đó, Kim Thái Hanh dù tức đến phát nghẹn, nhưng anh vẫn thương Điền Chính Quốc. 

Anh biết, em muốn có con, một đứa con mang dòng máu của nhà họ Điền. Khi có con rồi, ông bà bá hộ sẽ nguôi ngoai phần nào, sẽ để lại cho anh và em số tiền thừa kế lớn hơn như lời hứa. 

Thời buổi này, không tiền khó mà sống.

Là đến khi răng long đầu bạc, gần đất xa trời, Kim Thái Hanh vẫn thương Điền Chính Quốc.

"Mình ơi, em thương mình." 

Ngày mười tám tháng chạp, đì đùng pháo nổ, xóm giềng ơi đi ăn cưới con nhà bá hộ nào.

Lạ thay, nhà người ta chỉ mời cưới, chứ chẳng mời lễ nạp tài. Ngộ quá nhỉ, nhà hấn có tục lệ hay ghê.

Ơ kìa, hồi cưới ba đứa đầu, vẫn mời đủ cả đấy thôi. 

Có người bảo, là do con trai út nhà lão bá hộ họ Điền cưới một thằng con trai khác, mà thằng ấy lại nghèo khó bần hèn, nên không mời, sợ muối mặt với cả làng cả huyện.

Thì đúng là không mời vì sợ muối mặt thật, vì dù sao cái sĩ diện của ông bá còn lớn hơn cái phận dân đen, nhưng không phải do con trai lão cưới một thằng khố rách áo ôm.

Mà là vì trong lễ nạp tài, ngoài tiền đen, kiềng vàng thì chỉ có mỗi cau, trầu, rượu, một cái thủ lợn và mâm cơm cúng gia tiên. Mâm cơm cúng gia tiên ngày cưới lại có một con gà trống, một đĩa xôi gấc, một đĩa đậu, một bát bún dọc mùng và một bát canh cần. 

Làm sao giữa đám cưới lại chỉ có một con gà, bát bún dọc mùng, một đĩa xôi trong khi nhà ông bá mang tiếng là giàu nứt đố đổ vách? Lễ vật thật đơn sơ, đơn giản và tối thiểu gần như cho không vậy. 

Nhưng mà, Điền Chính Quốc muốn như vậy. Em muốn Thái Hanh cưới em không phải lo lắng một cái gì cả, vì tình yêu của anh là đảm bảo cho cuộc đời của em rồi. Còn những lễ vật đó là để cho có "lệ làng" mà thôi. Trước sau gì cũng là người một nhà cả, không cần khách khí với nhau làm gì cho phức tạp. Kim Thái Hanh có nhiều cái phải lo như thế, mâm cơm càng tối giản càng tốt. Vả lại, những món ấy là do chính tay anh nấu, càng đáng quý biết bao nhiêu.

Thách cưới, ừ thì thách cưới. Lễ vật càng sang trọng đắt đỏ thì người con gái khi về nhà chồng càng có giá trị, nhưng Chính Quốc đâu phải con gái? Và trong mắt Thái Hanh, em đã là báu vật vô giá rồi.

Người đời lời ra tiếng vào ư? Kệ họ, họ nào có là mình? Hơi đâu mà cứ sống cho miệng đời, mình nhỉ!
______

Tác phẩm được lấy cảm hứng từ hai bài ca dao dưới đây:

"Cưới em chín quả cau vàng,
Cưới em chín chục họ hàng ăn chơi.
Vòng vàng kéo lấy mười đôi,
Lụa là chín tấm, tiền rời nghìn quan.
Gọi là có hỏi có han,
Mười chum rượu nếp cheo làng là xong."

"Cưới em có cánh con gà,
Có dăm sợi bún, có vài hạt xôi!
Cưới em còn nữa anh ơi!
Có một đĩa đậu, hai muôi rau cần.
Có xa dịch lại cho gần,
Nhà em thách cưới có ngần ấy thôi.
Hay là nặng lắm anh ơi!
Để em bớt lại một muôi rau cần?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro