Sưu tầm: Một số mở bài áp dụng lí luận văn học

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Có ai yêu một loài hoa không sắc không hương? Có ai quyến luyến những vần thơ khô khan không cảm xúc? Văn chương phản ánh hiện thực nhưng nó không phải là một tấm hình khô cứng và vô hồn, mà đó là tiếng lòng thổn thức từ những câu chuyện của cuộc đời - câu chuyện được ngân vang trên ngọn đồi tuyết phủ trắng trời, thấp thoáng những đóa sơn trà e ấp trong làn sương giăng mờ ảo. Chính hiện thực cuộc sống luôn là cảm hứng cho sáng tác văn học, là cội nguồn gọi thức con chữ, là cầu nối tâm hồn đồng điệu của người nghệ sĩ với độc giả.

2. "Anh đi qua trái đất để lại chừng thơ ấy/Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều/Một chút nắng tàn, một dòng nước chảy/Trái tim nghèo, nhưng cũng đã tin yêu". Nếu hội họa dùng đường nét và màu sắc để phát họa nên bức tranh cuộc sống, âm nhạc dùng ca từ và giai điệu để tạo nên những tiếng tiếng ca thì văn học dùng ngôn ngữ và hình ảnh để làm chất liệu sáng tác. Hiện thực đời sống luôn là nguồn cảm hứng vô tận sáng tạo nên văn chương, người nghệ sĩ phải đứng vững trên mảnh đất đời sống, lấy đó làm điểm tựa xuất phát thì mới mong tạo ra được thứ gì đó để đời.

3. Sáng tác văn học được ví như công việc của một người chèo thuyền trên sông. Nước chảy thuyền trôi ... Con thuyền đi qua mọi bến bờ của thời gian, không gian và ở một nơi xa nào đó trên bờ hoang vắng đầy cỏ dại, nó đã cập bến, mang theo những khuôn hàng để trao tay đến độc giả những bài học, những cảm xúc và suy nghĩ của nhà văn trong suốt chặng đường lênh đênh sông nước. Một tác phẩm chân chính phải có chức năng hàng đầu là giáo dục và hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

4. Nếu phải chọn một loài hoa đẹp nhất, tôi sẽ chọn lấy một cành hồng còn e ấp trong sương đêm. Nếu như chọn một âm thanh cao nhất, tôi sẽ chọn lấy tiếng hót thiết tha của loài chim họa mi. Nếu phải chọn một bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Tiếng ca từ văn chương bao giờ cũng vui tươi và rạo rực, giai điệu của văn chương bao giờ cũng đằm thắm và ngọt ngào. Khi những cung bậc cảm xúc ấy được cất lên, chúng giống như một nốt nhạc du dương và chạm với tâm hồn người đọc. Từ đó, văn chương sẽ giúp con người có những nhận thức mới mẻ và cảm nhận sâu sắc hơn về cái đẹp của cuộc đời, cái đẹp trong từng trang thơ.

5. Ai đó đã nói rằng hoa hồng ở lại giữa đời nhờ hương thơm say đắm, không nồng nàn như hoa cúc hay ngọt ngào như ngọc lan. Loài chim sơn ca ở lại giữa đời bởi tiếng hót thiết tha vứt lên giữa dàn đồng ca của núi rừng. Câu chuyện ấy gợi nhắc chúng ta nỗi băn khoăn: Có phải điều còn lại với mỗi nhà văn chính là giọng điệu riêng của mình?

6. Có ai đó từng ví, mỗi nhà văn như một loài hoa, một thứ chim trong cánh rừng đại ngàn văn học. Mỗi loài hoa tỏa một hương thơm riêng cũng như mỗi thứ chim cất lên một giọng hót riêng. Mỗi nhà văn sẽ chỉ sống được trong lịch sử văn học, trong tâm hồn người đọc khi anh ta tạo ra một giọng hát, một hương thơm của riêng mình.

7. Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: Điều gì khiến mỗi tác phẩm mang hình hài một chiếc lá, thả mình theo dòng chảy miên viễn của thời gian? Một cốt truyện li kì hấp dẫn? Một vần thơ sâu thẳm tự tâm hồn? Văn học bật ra từ những cơn mê tình của người nghệ sĩ? Văn học bật ra từ những cơn mê tình của người nghệ sĩ, từ cõi lòng tinh tế đến nhạy cảm mong manh, để rồi nhìn thấu nỗi đau thực tại, để rồi một đời trăn trở, một đời băn khoăn. Văn học vốn dĩ nặng nợ thế gian, cũng như nỗi niềm muôn đời của người nghệ sĩ đối với văn chương, để rồi từ đó anh cất lên những vần thơ, những câu thơ say đẫm lòng người.

8. Nói đến thơ là nói đến ý và nhạc, bởi thơ chỉ là thơ khi nó mang đến tư tưởng, thông điệp, bài học cho người đọc nhưng phải chạm đến trái tim bằng tiếng hát của tiếng lòng người nghệ sĩ. Do vậy mà khi sáng tạo lên những câu thơ hay, người nghệ sĩ không chỉ tìm kiếm chất liệu hiện thực mà còn phải suy ngẫm, chọn lọc những từ ngữ, ngôn từ và sắp xếp những chữ ấy sao cho có thể biểu lộ được tâm tư của chính mình với đời nhưng vừa tạo nên tính nhạc cho thơ, bởi "thơ là thơ, đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng" (Sóng Hồng). Chí khí có sự kết hợp hài hòa của thơ, nhạc, họa, tác phẩm ấy mới dễ dàng chạm vào mảnh tâm hồn, ở thật lâu và thật sâu trong lòng người đọc. Chính vì thế mà trong thơ luôn song hành giữa ý và nhạc, nói như Chế Lan Viên: "Thơ đi giữa hai vực nhạc và ý. Nếu rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào các vực nhạc thì thơ dễ làm say lòng người nhưng dễ nông cạn".

9. Đến với thế giới nghệ thuật văn chương, điều làm nên tác phẩm vĩ đại chính là tình huống truyện. "Tình huống truyện là cái tình thế xảy ra truyện, là khoảnh khắc được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất". Đời sống vốn chứa đựng rất nhiều những sự việc phức tạp, nhiều màu sắc khiến ta không thể nắm bắt hết được những gì đang diễn ra và bên trong nó ẩn chứa những gì. Chính vì thế mà văn chương ra đời giúp ta hiểu thấu những tư tưởng, những chân lí, những cái đẹp đang ẩn dấu đằng sau câu chữ. Qua tình huống truyện, dưới bàn tay nghệ thuật của người nghệ sĩ đầy tài hoa với những cảm quan tinh tường và sâu sắc, người đọc được thả hồn vào một thế giới đầy ý nghĩa và mới mẻ.

10. Thi ca muôn đời bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống muôn màu, muôn vẻ bởi "cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh đôi" - Pushkin. Thơ chính là nơi để bộc lộ những niềm ưu tư, những trăn trở nghĩ suy về nhân sinh giúp con người thấu hiểu lẽ đời, thấu hiểu tình người. Hơn nữa, chỉ khi bắt nguồn từ cuộc sống, thơ mới thật sự là thơ, là tác phẩm thi ca chân chính, vĩ đại, sống mãi với thời gian vô tận, giữa không gian vô cùng....

11. Thơ ra đời và tồn tại ở trên đời là vì con người, vì nhân sinh nên thơ luôn mang những ngôn từ giản dị, dễ hiểu nhưng luôn có sức khái quát cao, có giá trị truyền đạt tư tưởng. Bàn về vấn đề này, Chế Lan Viên đã từng viết: "Đừng làm nhà thơ đi tìm kiếm sao Kim,/Thứ vàng ấy, loài người chưa biết đến". Ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc người nghệ sĩ phải biết chắt lọc ngôn từ, lựa chọn những con chữ "đắt giá" để người đọc khi thưởng thức tác phẩm nghệ thuật luôn cảm thấy đọc thơ là để hiểu những tâm tư, tình cảm của người thơ chứ không phải đọc một công trình ngôn từ cao siêu, hàn lâm bởi "thơ mà quá cầu kỳ thì sa vào giả dối, quá trau truốt thì sa vào xảo quá, hoàn lương hắt hiu thì phần nhiều sa vào buồn bã. Chỉ có thuần hậu, giản dị mới tả những đặc sắc chính của thơ" (Ngô Thì Nhậm).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro