Thiền

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

THIỀN

Con người có khuynh hướng sợ và tôn thờ những gì họ không hiểu. Thành ra nhiều thứ tự chúng ta tưởng tượng nên, thần thánh hóa, rồi đẻ ra đủ mọi chuyện. Khi nhìn với con mắt chân thật, ta có thể thấy rõ bản chất vấn đề.

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin dùng những từ ngữ bình dân gần đúng, hạn chế tới thấp nhất những từ chuyên môn nếu có thể, để nhiều bạn dễ hiểu.


Chúng ta thường đánh giá những gì tiếp xúc dựa trên kinh nghiệm. Đáng tiếc tay, kinh nghiệm là thứ rất dễ bị đánh lừa. Bao nhiêu lần bạn đang đi một mình trong bóng tối, bỗng dưng nghĩ tới có "cái gì đó" phía sau lưng, rồi lông tóc dựng ngược, chạy thực nhanh về nhà? Mấy hôm trước có bài báo đăng tin phát hiện một lượng lớn thịt thối được "hô biến" thành thịt tươi ngon bán đầy ngoài chợ. Vậy đó, khi không thể nhìn được bản chất, chúng ta rất dễ bị lừa trên chính kinh nghiệm của mình. Nhiều bạn nhìn thấy những việc không giải thích được, thậm chí từng trải nghiệm vài lần, thì ngay lập tức cuống cả lên, một đồn mười, mười đồn trăm... dẫn đến nhiều thứ mê tín sinh ra đời. Tôi thấy buồn vì nhiều người phủ lên đạo Phật nói chung và Thiền nói riêng một lớp huyền bí. Nó ngăn cản những người muốn tìm hiểu sự thật, ngăn cản sự phát triển trên con đường tu tập.

Niềm tin là cần thiết, nhưng niềm tin mà vắng đi sự cân bằng của trí tuệ thì rất là nguy hiểm.
Thiền rất thực tế, không phải cái gì huyền bí cả. Hơn hết, thiền là để tự thân trải nghiệm, và được hướng dẫn để những trải nghiệm đó không dẫn ta đi sai đường. Thiền không phải để nói ra cửa miệng, hay để chứng tỏ ta đây cao siêu. Trong giới thiền, sợ nhất là bàn thiền (mà chưa thực tập được tới đâu cả).

Bàn thiền tợ thánh, trước cảnh như ngu
Dầu ở cửa không, chưa thành vô ngã.

Nói đến thiền, hãy cầm bồ đoàn tọa cụ ra mà ngồi, tự cảm nhận lấy, đừng ngồi ở quán cà phê, thậm chí có cả máy lạnh điều hòa mà tán như thánh.

Bạn đã thực hành thiền định được bao lâu không quan trọng, quan trọng là bạn đi được tới đâu rồi, tâm đã nhu nhuyến chưa. Khi ngồi thiền đừng mong cầu điều gì cả. Thần thông, hay muốn thấy cái này thấy cái kia.... chính là những thứ cản trở bạn, và sẽ dẫn bạn đi tới những con đường tà. Những cái đó đó, khi nào tới thời điểm thích hợp tự nhiên nó sẽ có, rất tự nhiên, còn bạn mong cầu thì nó sẽ là chướng ngại.

THIỀN LÀ GÌ?

Kẻ ngu tìm kiếm sức mạnh từ bên ngoài, còn người trí khai thác sức mạnh từ bên trong. Thiền là trở về với cái bản thể chân thật của mỗi chúng ta, là đi ngược dòng với vòng xoáy vô minh. Nên càng đến gần, vô minh càng ít, thì nhìn mọi thứ càng dễ hơn, càng sáng hơn. Nhìn thẳng vào vấn đề, hiểu rõ nguyên nhân, biết cách giải quyết. Đó là con mắt chân thật tự thân chúng ta có, càng trở về gần với bản chất thì nhìn càng rõ, không cần phải nhờ ai "khai nhãn" giùm cả. Mà chúng ta thường rất lười, thích những thứ có sẵn hoặc "làm giùm" hơn. Xin hãy đọc lại câu bên trên ấy, "Kẻ ngu tìm kiếm sức mạnh từ bên ngoài, còn người trí khai thác sức mạnh từ bên trong".


Khi bạn thực tập thiền định tới một mức độ nào đó, bạn sẽ "nhìn thấy" những thứ kỳ lạ, có những trải nghiệm đặc biệt từ sáu giác quan, hoặc là sung sướng, hoặc là kinh khủng, mỗi người mỗi khác.
Mắt thấy những thứ kỳ lạ, hoặc hình ảnh, hoặc ánh sáng, ...

Tai nghe tiếng động lạ, có khi tiếng từ rất xa nghe rõ như rất gần, có khi như nghe ai đó giảng pháp...
Thân thể hoặc nóng, hoặc lạnh, hoặc thoải mái như được mơn trớn, hoặc như có con gì bò trên cơ thể.
Đầu óc trở nên minh mẫn hơn, có khi xuất khẩu thành thơ, viết lách ra một đống, ý tuôn dào dạt...
...

Nhiều lắm. Nhưng hãy coi chừng, dù nó là cảnh sướng hay khổ, nếu bạn dừng ở đó, bám vào nó, thì bạn sẽ gặp nạn, nói cho vui là bạn chết chắc rồi.

Sư Ông Trúc Lâm từng có một người huynh đệ, vị này sau một thời gian thực hành thiền định, vui vẻ kể với Sư Ông là thường được chư Phật, Bồ Tát, chư thiên thuyết pháp cho nghe, ý nghĩa cao thâm, lời lẽ êm dịu. Sư Ông nhiều lần khuyên nhưng vị này không nghe, sau một thời gian dài vị này trở nên điên loạn.

Sư phụ tôi có lần ngồi thiền dưới gốc cây, thấy đàn kiến bò qua, bất chợt thấy rõ tiền kiếp của chúng, hiểu được vì sao phải đọa làm kiến. Sư phụ khóc như mưa, tìm cách cứu chúng. Khi trình bày với thầy lớn, thầy lớn bảo thầy đi ngủ đi, đừng suy nghĩ nữa. Phải một thời gian sau hiện tượng này mới hết, và sư phụ mới tiến thêm được những bước dài.

Một chữ quan trọng trong thiền chính là chữ Xả (bỏ). Phải xả hết thì mới tiến được, bám vào bất cứ cái gì đều bị kẹt. Do đó tôi rất băn khoăn cho những bạn muốn tự tập thiền ở nhà, càng nguy hiểm hơn khi gặp những người hướng dẫn sai lầm, hoặc đi sai đường mà không chịu hỏi/không nghe những người có kinh nghiệm. Nhiều người nói thiền bị điên là do những trường hợp đó mà ra.
Các bạn cứ thực hành, tới đâu hỏi tới đó. Chứ giờ nói trước thì sẽ thành chướng ngại đối với các bạn.

KHAI NHÃN

Nhiều bạn có lẽ hứng thú với việc khai nhãn. Chỉ xin hỏi các bạn muốn khai nhãn để làm gì? Nếu vì hiếu kỳ thì không nên. Bản thân việc khai nhãn sẽ khiến bạn thấy những điều không cần phải thấy. Trong đó rất nhiều thứ mà bạn không đủ sức đương đầu. Nhân quả tự bản thân nó vận hành, dây mơ rễ má rất nhiều, muốn can thiệp phải có đủ trí tuệ. Khi khai nhãn bạn dễ bị cuốn vào nhân quả người khác, không đủ trí tuệ hiểu rõ mối nhân quả đó mà cứ can thiệp rất là nguy hiểm. Tôi đã từng bị cuốn vào nhân quả của người khác, ban đầu nó chỉ như bông tuyết thôi, nhưng như quả cầu tuyết càng ngày càng lớn. Rất đáng sợ.

Thay vì tìm cách khai nhãn, tôi khuyên các bạn nên luyện tập con mắt chân thật có sẵn của các bạn đi, hiểu được một phần nhân quả rồi, tùy theo nhiều hay ít, các bạn sẽ có cách giải quyết tốt nhất, chặt đứt nhân quả, những câu hỏi trước đây tự bạn sẽ tìm được trả lời. Muốn luyện ư? Thực hành thiền định nhiều vào, học nhiều vào.

THIỀN CHUYỂN LUÂN XA"Thiền Nhân Điện hay còn gọi là Thiền Trường Sinh Học Khai Mở Luân Xa, chủ trương vào việc khai mở luân xa với mục đích, gần thì có năng lực cho mình được khoẻ, rồi truyền cho người khác cùng khỏe, chữa cho họ hết bệnh; cao và xa hơn nữa là để "thể xác và tâm trí hoàn toàn trống rỗng, hư vô tuyệt đối, hòa mình vào cùng Vũ Trụ". " (Trích Thuvienhoasen)

Phật giáo chủ trương vô ngã, không như những tôn giáo khác coi bản thân là "tiểu ngã", vũ trụ là "đại ngã".

Nhiều người sau thời gian dài mở 7 luân xa bị ma nhập hoặc bị điên. Vì sao?


Bản thân tôi không đủ sức đánh giá Thiền chuyển luân xa, nên tôi xin trích lại những gì mà tôi nhớ được từ Sư Ông Trúc Lâm và Sư Viên Minh, hai vị có năng lực lớn trong hệ thống thiền Bắc Truyền và Nam Truyền.

Khi hấp thu năng lượng bên ngoài, thì nó giữ được trong cơ thể mình hoài hay là mất? Mình cứ bị nó lôi kéo theo nó hoài. Mà cái bên ngoài là cái không phải của mình, mình phải lệ thuộc vào nó, lâu dần sẽ bị nó cuốn đi, rời xa đường chánh, lạc vào tà. Người Phật tử thường có lòng từ bi, nên thấy cái gì có thể trị bệnh cho mình và cho người khác là ham thích, mà không chịu tìm hiểu rõ bản chất của nó. (Sư Ông Trúc Lâm-HT.Thích Thanh Từ)

Cái gì tự nhiên vẫn tốt hơn. Giống như một căn nhà có 7 cái cửa, cha mẹ biết con còn nhỏ thơ dại nên khóa cửa lại, việc khóa cửa là tốt cho đứa nhỏ. Người lạ đến kể cho nó nghe những cảnh lạ bên ngoài, rồi hợp sức với nó phá cả 7 cánh cửa ra. Đến lúc cha mẹ về thì hỡi ôi đã muộn rồi. Việc khai mở luân xa cũng như vậy, chính chúng ta còn chưa tìm hiểu rõ về cơ thể mình, đã vội mở những huyệt đạo ra, mời năng lượng khác vào làm chủ. Hệ lụy không lường. (Sư Viên Minh)

Mời thứ bên ngoài không biết tốt xấu vào làm chủ, các bạn đã hiểu vì sao sau thời gian dài mở 7 luân xa bị ma nhập hoặc phát điên rồi chứ?


Kẻ dại tìm kiếm sức mạnh từ bên ngoài, còn người trí khai thác sức mạnh từ bên trong.

Nguồn: Bài viết bởi thành viên MysTown Area 1  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tailieu