Văn 12: ÔN TẬP VỀ HOÀN CẢNH VÀ PHONG CÁCH SÁNG TÁC

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Hoàn cảnh sáng tác "Tuyên ngôn độc lập" - Hồ Chí Minh:
- Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Nhân dân ta giành được chính quyền trên cả nước.
- Ngày 26 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Người soạn thảo Tuyên ngôn độc lập.
- Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Người thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam mới.

2. Hoàn cảnh sáng tác "Tây Tiến" - Quang Dũng:
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC:
- Tây Tiến là tên gọi của trung đoàn Tây Tiến, được thành lập năm 1947
Nhiệm vụ: phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền Tây Bắc Bộ của Việt Nam. Địa bàn hoạt động rộng: Hòa Bình, Sơn La, miền Tây Thanh Hóa và Sầm Nứa (Lào).
Xuất thân: chủ yếu là người Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên.
- Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển về đơn vị mới, nhớ đơn vị cũ, ông đã sáng tác bài thơ này tại Phù Lưu Chanh (một làng cũ thuộc tỉnh Hà Đông Cũ)
- Bài thơ ban đầu có tên là "Nhớ Tây Tiến". Đến năm 1957, in lại bỏ từ "nhớ", lấy tên là "Tây Tiến" và in trong tập "Mây đầu ô".
PHONG CÁCH SÁNG TÁC:
– Quang Dũng (1921-1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở Hà Tây. – Là thế hệ thơ tài năng, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp.
– Là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng được biết đến nhiều là một nhà thơ. Thơ Quang Dũng hồn hậu, phóng khoáng, đậm chất lãng mạn và tài hoa.

3. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ "Việt Bắc" - Tố Hữu:
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC:
- Chiến thắng Điện Biên Phủ thắng lợi. Tháng 7-1954, Hiệp định Giơ – ne – vơ về Đông Dương được kí kết. Hòa bình lập lại, một trang sử mới mở ra cho toàn dân tộc
- Tháng 10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung ương Đảng, cán bộ, bộ đội rời Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Trong không khí chia tay đầy nhớ thương lưu luyến giữa nhân dân Việt Bắc và những người cán bộ cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ "Việt Bắc".
PHONG CÁCH SÁNG TÁC:
- Về nội dung: Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị rất sâu sắc.
+ Hồn thơ luôn hướng đến cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc.
+ Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi, coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện và cũng là nguồn cảm hứng cho thơ.
+ Những tư tưởng lớn của thời đại, những tình cảm lớn của con người, những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc được phản ánh qua giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, thương mến.
- Về nghệ thuật: Thơ Tố Hữu mang tính dân tộc rất đậm đà. + Sử dụng thể thơ dân tộc: thơ lục bát, thơ thất ngôn.
+ Ngôn ngữ thơ gần gũi, sử dụng nhiều từ ngữ và cách nói dân gian, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân.
+ Thơ phát huy được tính nhạc của tiếng Việt ta.

4. Hoàn cảnh sáng tác "Đất nước" - Nguyễn Khoa Điềm:
- Trường ca "Mặt đường khát vọng" được tác giả sáng tác năm 1971 tại chiến khu Trị - Thiên, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông, đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.
- Đoạn trích "Đất Nước" thuộc phần đầu chương V của trường ca, là một trong những đoạn thơ hay nhất về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.

5. Hoàn cảnh sáng tác "Đất nước" - Nguyễn Đình Thi (Đọc thêm):
Tác phẩm viết trong khoảng thời gian từ 1948 đến 1955. Bài thơ là sự tổng hợp của những sáng tác Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948), Đêm mít tinh (1949) và Đất nước (1955). Đây là thời gian ông trải nghiệm, trưởng thành cùng Đất Nước trong kháng chiến chống Pháp lần 2.

6. Hoàn cảnh sáng tác "Tiếng hát con tàu" - Chế Lan Viên (Đọc thêm):
+ Bối cảnh đất nước: Mới hàn gắn xong vết thương chiến tranh, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là thời kì đất nước đang hồi sinh mạnh mẽ, cuộc sống mới đang nở hoa, niềm vui cuộc sống nhân dân đang vẫy gọi.
+ Nguồn cảm hứng: Từ chủ trương chính trị của Đảng di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới trên vùng núi Tây Bắc (1955 - 1960) đã khơi dậy trong tâm hồn thi sĩ niềm khát khao muốn tìm đến để hòa nhập với cái Ta chung của dân tộc, từ bỏ chốn phồn hoa đô thị để đồng cam cộng khổ với cuộc sống nhân dân và để tìm lại nguồn cảm hứng thi ca đã bị thui chột, bào mòn trong những năm tháng chiến tranh.

7. Hoàn cảnh sáng tác "Sóng" - Xuân Quỳnh:
"Sóng" được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).

8. Hoàn cảnh sáng tác "Vợ chồng A Phủ" - Tô Hoài:
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC:
- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là tác phẩm đặc sắc trong tập Truyện Tây Bắc (1953) Đó là kết quả của chuyến đi tham dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài mà tác giả đã "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với đồng bào dân tộc Tây Bắc trong suốt 8 tháng của năm 1952. Tác giả đã thổ lộ "Đất nước và con người Tây Bắc đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên".
KHÁI QUÁT NỘI DUNG TÁC PHẨM:
- Qua hoàn cảnh sáng tác đó giúp cho người đọc không những hiểu thêm mà còn xúc động trước cuộc sống nô lệ đầy tủi nhục của đồng bào dân tộc nghèo miền núi Tây Bắc (trong tác phẩm là Mị và A Phủ) dưới ách thống trị của phong kiến (cha con lí Pá Tra và thực dân) đồng thời hiểu thêm về sức sống tiềm tàng mãnh liệt cũng như con đường mà họ đã đến với Cách mạng.
PHONG CÁCH SÁNG TÁC:
– Tô Hoài (1920) quê Hà Nội, là một trong những nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết phong phú sâu sắc về phong tục, tập quán nhiều vùng khác nhau của đất nước.
– Văn Tô Hoài có lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trãi, vốn từ vựng phong phú. Năm 1996 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
KHÁI QUÁT NỘI DUNG TÁC PHẨM:
Cuộc sống cơ cực, tối tăm của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao dưới ách áp bức kìm kẹp của thực dân và chúa đất thống trị; quá trình người dân các dân tộc thiểu số thức tỉnh cách mạng và vùng lên tự giải phóng đời mình, đi theo tiếng gọi của Đảng.

9. Hoàn cảnh sáng tác "Vợ nhặt" - Kim Lân:
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC: Truyện "Vợ nhặt" có tiền thân từ tiểu thuyết "Xóm ngụ cư". Tác phẩm được viết ngay sau cách mạng tháng Tám nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau hoà bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào phần cốt truyện cũ và viết lại thành truyện "Vợ nhặt". Tác phẩm được in trong tập truyện "Con chó xấu xí". Truyện tái hiện lại bức tranh nạn đói năm 1945. Qua đó, thể hiện tấm lòng cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với con người trong nạn đói.
PHONG CÁCH SÁNG TÁC:
Kim Lân (1920 – 2007) là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Những sáng tác của ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Dù viết về phong tục hay con người, trong tác phẩm của Kim Lân ta vẫn thấy thấp thoáng cuộc sống và con người làng quê Việt Nam: tuy nghèo khổ, vất vả nhưng tâm hồn trong sáng, lạc quan, thật thà và luôn có niềm tin hướng về tương lai.
KHÁI QUÁT NỘI DUNG TÁC PHẨM:
– Tình cảm thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra.
– Niềm khát khao hạnh phúc gia đình, niềm tin bất diệt vào cuộc sống và tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa những con người lao động nghèo khổ ngay trên bờ vực của cái chết.
– Tác phẩm xây dựng được tình huống truyện độc đáo : Tràng nghèo, xấu, lại là dân ngụ cư, giữa lúc đói khát nhất, khi cái chết đang cận kề lại "nhặt" được vợ, có vợ theo. Tình huống éo le này là đầu mối cho sự phát triển của truyện, tác động đến tâm trạng, hành động của các nhân vật và thể hiện chủ đề của truyện.

10. Hoàn cảnh sáng tác "Rừng xà nu" - Nguyễn Trung Thành (Đọc thêm)
- Truyện được viết năm 1965, được in lần đầu tiên số trên số 2/1965, Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ.
- Sau đó, truyện được in trong tập Trên quê hương những anh hùng điện ngọc (1969).
- Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyên Ngọc trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.

11. Hoàn cảnh sáng tác "Những đứa con trong gia đình" - Nguyễn Thi (Đọc thêm)
Hoàn cảnh chung
"Những đứa con trong gia đình" của nhà văn Nguyễn Thi ra đời vào những năm mà cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ và tay sai bước vào giai đoạn gay go, ác liệt. Phần lý tưởng lớn nhất của thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ là dâng hiến cuộc đời và tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cứu nước vĩ đại của dân tộc. Trong những năm tháng tàn khốc, đau thương ấy càng mất mát thì con người Nam Bộ lại càng vùng lên chiến đấu dũng cảm. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, là tinh thần căm thù giặc sâu sắc, là phẩm chất kiên cường của miền Nam đã khơi nguồn cảm hứng để Nguyễn Thi viết lên thiên truyện ngắn này.
Hoàn cảnh riêng
Nguyễn Thi là nhà văn của người nông dân Nam Bộ, những con người hồn nhiên bộc trực, yêu đời, căm thù ngùn ngụt đối với quân cướp nước. "Những đứa con trong gia đình" là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Thi. Tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" được hoàn thành vào tháng 2 năm 1966 trong những ngày chiến đấu chống Mĩ ác liệt. Khi nhà văn công tác ở tạp chí "Văn nghệ quân giải phóng".

12. Hoàn cảnh sáng tác "Chiếc thuyền ngoài xa" - Nguyễn Minh Châu:
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC: "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu được sáng tác vào tháng 8/1983, lúc đầu được in trong tập "Bến quê", sau đó có vinh dự được nhà văn dùng để đặt tên cho cả tập truyện ngắn, xuất bản năm 1987. Năm 1983, đó là một thời điểm khá đặc biệt khi cuộc chiến tranh chống Mĩ và tay sai đã kết thúc thắng lợi, chúng ta trở về muôn mặt của đời thường. Và cũng trong thời điểm này, cả dân tộc đang bước vào giai đoạn đổi mới, cho nên cuộc sống có nhiều điều bất ngờ thú vị, có sức hút đối với văn nghệ sĩ, trong đó có Nguyễn Minh Châu.
PHONG CÁCH SÁNG TÁC:
– Nguyễn Minh Châu (1930– 1989), trước năm 1975 là ngòi bút sử thi có khuynh hướng trữ tình lãng mạn, ông là 1 trong số những người mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học Việt nam thời kì đổi mới.
- "Chiếc thuyền ngoài xa" là truyện ngắn xuất sắc thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Trong giai đoạn này, qua tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa", nhà văn đã bộc lộ sự chuyển biến quan trọng trong sáng tác: từ phong cách mang đậm tính chiến đấu, chuyển sang cảm hứng thế sự, cảm hứng nhân sinh, ngòi bút của nhà văn hướng vào thể hiện con người trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và bình yên. "Chiếc thuyền ngoài xa" thực sự là một tác phẩm mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Đồng thời giúp nhà văn gửi gắm được những thông điệp nghệ thuật quan trọng.
KHÁI QUÁT NỘI DUNG TÁC PHẨM:
– Qua suy nghĩ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh khi phát hiện ra mâu thuẫn éo le trong nghề nghiệp của mình; ta thấu hiểu: mỗi người trong cõi đời, nhất là người nghệ sĩ, không thể đơn giản và sơ lược khi nhìn nhận cuộc sống và con người.
– Vẻ đẹp của ngòi bút Nguyễn Minh Châu là vẻ đẹp toát ra từ tình yêu tha thiết đối với con người. Tình yêu ấy bao hàm cả khát vọng tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những vẻ đẹp con người còn tiềm ẩn, những khắc khoải, lo âu trước cái xấu, cái ác. Đó cũng là vẻ đẹp của một cốt cách nghệ sĩ mẫn cảm, đôn hậu, điềm đạm chiêm nghiệm lẽ đời để rút ra những triết lí nhân sinh sâu sắc. "Chiếc thuyền ngoài xa" là một trong số rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đã đặt ra những vấn đề có ý nghĩa với mọi thời, mọi người không thể tách rời, thoát li cuộc sống. Nghệ thuật chính là cuộc đời và phải vì cuộc đời.

13. Hoàn cảnh sáng tác "Hồn trương Ba, da hàng thịt" - Lưu Quang Vũ:
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC:
- Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch gây được nhiều tiếng vang nhất của Lưu Quang Vũ được viết từ năm 1981, nhưng đến năm 1984 mới lần đầu ra mắt công chúng.
- Lưu Quang Vũ viết vở kịch này dựa trên một câu chuyện dân gian nhưng đã có những thay đổi sáng tạo. Trong truyện dân gian, nhân vật Trương Ba tiếp tục sống bình thường, hạnh phúc khi hồn được nhập vào thân xác anh hàng thịt. Trong vở kịch, tác giả lại tập trung diễn tả tình cảnh trớ trêu, nỗi đau khổ, giày vò của Trương Ba từ khi "bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo". Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã được công diễn nhiều lần trên các sân khấu trong và ngoài nước.
- Đoạn được học trích từ cảnh VII và đoạn kết của vở kịch, diễn tả sự đau khổ, dằn vặt và quyết định cuối cùng vô cùng cao thượng của Hồn Trương Ba.
PHONG CÁCH SÁNG TÁC:
Lưu Quang Vũ là một cây bút tài hoa đã để lại dấu ấn trong nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, đặc biệt là kịch. Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của LQV sớm bộc lộ từ nhỏ và vùng quê Bắc Bộ đã in dấu nhiều trong sáng tác của ông sau này. Ở thể loại nào người đọc cũng bắt gặp một LQV với tâm hồn nổi gió, sức sống mãnh liệt và khả năng sáng tạo miệt mài. Năm 2000, Lưu Quang Vũ được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật sân khấu.

14. Hoàn cảnh sáng tác tuỳ bút "Người lái đò Sông Đà" - Nguyễn Tuân:
PHONG CÁCH SÁNG TÁC:
- Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc.
- Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ "ngông":
+ Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ tài hoa uyên bác. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hoá, mỹ thuật.
+ Trước Cách mạng tháng Tám, ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là Vang bóng một thời.
+ Nguyễn Tuân học theo "chủ nghĩa xê dịch". Vì thế ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội......
+ Nguyễn Tuân cũng là một con người yêu thiên nhiên tha thiết. Ông có nhiều phát hiện hết sức tinh tế và độc đáo về núi sông cây cỏ trên đất nước mình.
+ Nguyễn Tuân còn có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam.
- Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng:
+ Ông vẫn tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sĩ ở cả nhân dân đại chúng.
+ Còn giọng khinh bạc thì chủ yếu chỉ là để ném vào kẻ thù của dân tộc hay những mặt tiêu cực của xã hội.
=> Với phong cách rất riêng của mình, có thể nói Nguyễn Tuân chính là hiện thân của cái định nghĩa về người nghệ sĩ. Đối với ông, văn chương nghệ thuật phải có phong cách độc đáo, mới lạ.
TÓM TẮT NGẮN GỌN HƠN:
- Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách sáng tác của ông gói gọn trọng một chữ ngông. Ngông dựa trên sự tài hoa uyên bác và nhân cách hơn người.
- Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân đã có nhiều chuyển biến quan trọng, không còn cái ngông nghênh, khinh bạc. Ông tìm thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, giọng văn trở nên tin yêu, đôn hậu, tìm thấy cái đẹp, chất tài hoa ở những con người lao động bình thường, giọng văn khinh bạc chủ yếu để ném vào kẻ thù dân tộc hay những mặt trái của xã hội.
=> Với phong cách rất riêng của mình, có thể nói Nguyễn Tuân chính là hiện thân của cái định nghĩa về người nghệ sĩ. Đối với ông, văn chương nghệ thuật phải có phong cách độc đáo, mới lạ.
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC:
- Người lái đò sông Đà in trong tập Sông Đà (1960), là tùy bút xuất sắc của Nguyễn Tuân.
- Thành quả thu hoạch được sau chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây bắc rộng lớn, xa xôi.

15. Hoàn cảnh sáng tác bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - Hoàng Phủ Ngọc Tường:
HOÀN CẢNH SÁNG TÁC:
- Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài bút kí xuất sắc, viết tại Huế, ngày 4/1/1981, in trong tập sách cùng tên.
- Bài bút kí có ba phần:
+ Phần một nói về cảnh quan thiên nhiên của sông Hương
+ Phần 2 và 3 là phương diện lịch sử và văn hóa của sông Hương - Đoạn trích này nằm ở phần một cộng với lời kết của tác phẩm.
KHÁI QUÁT NỘI DUNG:
- Vẻ đẹp dưới góc nhìn địa lý:
+ Ở thượng nguồn: sông Hương vừa mang vẻ đẹp phóng khoáng, man dại, bản lĩnh, tự do (một trường ca, rầm rộ, mãnh liệt, cuộn xoáy, cô gái Di-gan, bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do, trong sáng) vừa thơ mộng, trữ tình (dịu dàng và say đắm giữa... đỗ quyên rừng).
+ Ở ngoại vi thành phố: sông Hương mang nhiều vẻ đẹp phong phú như thơ mộng, trữ tình (người gái đẹp nằm ngủ mơ màng... đầy hoa dại); chủ động, mãnh liệt, duyên dáng với hành trình tìm kiếm tình yêu (chuyển dòng liên tục, vòng giữa, uốn mình, chuyển hướng, vòng qua, đột ngột vẽ, ôm lấy,...); trầm mặc, cổ kính (Giữa đám quần sơn... như triết lý, như cổ thi); bình dị (mặt nước phẳng lặng... bát ngát tiếng gà).
+ Ở trong thành Huế: thủy chung, chỉ thuộc về một thành phố duy nhất là Huế; sông Hương mang vẻ đẹp tình tứ, duyên dáng, vui tươi của cô gái gặp người tình nhân mong đợi (kéo nét thẳng thực yên tâm, vui tươi hơn, uốn cánh cung rất nhẹ... tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu); có điệu chảy slow tình cảm dành riêng cho Huế.
- Vẻ đẹp dưới góc nhìn lịch sử: chứng nhân lịch sử, gắn bó với mọi biến cố của Huế (dòng sông biên thùy thời vua Hùng, dòng sông viễn châu oanh liệt thời trung đại, dòng sông vẻ vang thời Nguyễn Huệ, dòng sông bi tráng thời kì cách mạng tháng Tám).
- Vẻ đẹp dưới góc nhìn âm nhạc, thơ ca: sông Hương là cái nôi của âm nhạc cổ điển Huế; dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ (mang nhiều sắc thái khác nhau trong thơ Tản Đà, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Tố Hữu...).
- Nghệ thuật khắc họa hình tượng sông Hương: ngôn ngữ giàu hình tượng; văn phong mê đắm tài hoa; chất trí tuệ và chất trữ tình hài hòa thống nhất; am hiểu nhiều lĩnh vực như địa lý, lịch sử, âm nhạc, thơ ca; cảm xúc dạt dào, tha thiết; cái tôi trữ tình hấp dẫn, lôi cuốn.
PHONG CÁCH SÁNG TÁC:
- Là một trong những nhà văn chuyên về bút kí.
- Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý... Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.
16. "Đàn ghi ta của Lor-Ca" – Thanh Thảo (Đọc thêm):
– Nhà thơ Thanh Thảo là một trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại.
– Muốn cuộc sống được cảm nhận và thể hiện ở chiều sâu nên luôn khước từ lối biểu đạt dễ dãi; đào sâu vào cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, giải phóng mọi ràng buộc nhằm mở đường cho một cơ chế liên tưởng phóng khoáng, xoá những khuôn sáo bằng những nhịp điệu bất thường, đem đến cho thơ một mĩ cảm hiện đại bằng hệ thống hình ảnh và ngôn từ mới mẻ.
– Kiểu tư duy: giàu suy tư, mãnh liệt, phóng túng trong xúc cảm và nhuốm màu sắc tượng trưng siêu thực.
- Bài thơ được viết như một khúc tưởng niệm Lorca, làm sống dậy hình ảnh Lorca và thể hiện sự tri âm, đồng cảm và ngưỡng vọng một người nghệ sĩ tài hoa có cốt cách anh hùng và số phận bi thương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro