I. BỐI CẢNH PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN XHTD HIỆN TẠI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Kỹ năng phòng chống XHTD

Hiện nay, từ trẻ em bắt đầu tới trường cho đến sinh viên đại học, tất cả đều được tham dự những buổi học giáo dục để dạy kỹ năng phòng chống bị XHTD, rộng ra là các buổi học Giáo dục giới tính. Những kiến thức đó dễ học đến mức không cần đến những buổi học được tổ chức thì chúng ta cũng có thể lên mạng kiếm, đọc các trang tư vấn về sức khỏe, tải ebook về Giáo dục giới tính, hay hơn là xem các video hướng dẫn cách đối phó khi gặp phải tình huống XHTD.

Khi hầu hết toàn dân đã được phổ biến về phòng chống XHTD rồi, đặc biệt là phái nữ, thanh thiếu niên, hãy xem kết quả thực tế ra sao.

Chưa kể đến những vụ XHTD trong đó nạn nhân thoát thân thành công, thì số vụ XHTD thực tế đã giảm được bao nhiêu phần trăm?

Tôi không tìm được số liệu rõ ràng cho biết sự thay đổi này là bao nhiêu, nhưng tôi dám cá là với những phương pháp phòng chống được dạy như thế này, thì số vụ XHTD giảm không đáng để nói!

Phải chăng những kỹ năng này đang có điểm gì bất lợi?

Dù không định nghĩa rõ ràng, nhưng chúng ta cũng hiểu được rằng khi phòng chống XHTD là một kỹ năng, thì cần có sự suy nghĩ của đầu óc để "phòng" bị gặp phải sự XHTD, cần có những xoay xở hợp lí để "chống" khi chẳng may phải đối mặt với những kẻ XHTD.

Rồi sao? Bởi vì nó là một kỹ năng sống, do đó cần có sự luyện tập, không luyện tập thì chỉ là lý thuyết mà thôi.

Thật đơn giản để ngồi nghe Giáo dục giới tính trong các lớp học, thật đơn giản để đặt câu hỏi tìm được kỹ năng mình cần, thật đơn giản trong thời đại Internet toàn cầu như thế này! Nhưng thực tế khác xa lý thuyết, ngay cả khi đã luyện tập, bạn cũng không chắc có thể làm chủ được tình hình nếu thực sự bị tấn công. Cụ thể là...

2. Thực tế khác xa lý thuyết – hiện tượng bất động căng cứng(*)

Chúng ta luyện tập trong những lớp dạy, qua mô phỏng tình huống thực tế ở đó bạn có thể thử mọi cách phù hợp với mình gọi là để bảo đảm an toàn tính mạng. Chúng ta rất nhanh chóng tiếp thu được những lý thuyết đó cũng như những cách thức đối phó, nhưng: yếu tố quyết định hành động lại là TÂM LÝ, đây là cái chúng ta rất khó làm chủ!

Thứ nhất, đối với trẻ em và thiếu niên, tâm lý chưa vững vàng, sức khỏe chưa đủ, do đó dù được học những kỹ năng phòng chống, khi đối mặt với những kẻ XHTD lớn tuổi hơn, vẫn dễ dàng bị xâm hại như thường!

Thứ hai là một điều trớ trêu hơn: người trưởng thành cũng có thể dễ dàng bị XHTD!

Tôi đồng ý rằng các phương pháp xử lý tình huống mà các bạn nghĩ ra thật dễ học hơn nhiều so với Vĩnh Xuân Quyền, nhưng dù thế nào, các bạn cũng không bao giờ có được tâm lý như khi phải đối mặt với một tình huống XHTD thực sự! Mô phỏng chỉ là mô phỏng, tâm lý của chúng ta khi luyện tập có thể rất thoải mái, không có gì lo lắng, không bất ngờ, không có gì là bị động. Làm sao chúng ta có thể biết được trong vụ việc thực tế cảm xúc thế nào?

Làm sao chúng ta biết? Chỉ có một cách, đó là trải nghiệm từ những người đã từng là nạn nhân của XHTD!

Hầu hết những người chưa từng là nạn nhân hiếp dâm đều cho rằng họ sẽ chống cự nếu bị tấn công. Nhưng lắng nghe những nạn nhân đã từng bị cưỡng hiếp, bạn sẽ thấy điều này không hề đơn giản! Một nghiên cứu mới của viện Karolinksa và bệnh viện đa khoa Stockholm (Thụy Điển) cho thấy phần lớn nạn nhân đều rơi vào trạng thái toàn thân cứng đờ khi bị hiếp dâm, khiến họ không thể chống cự.

Và đây chính là hiện tượng mà tôi muốn bạn biết: hiện tượng bất động căng cứng.

Có thể hiểu đây là tình trạng ức chế cơ tạm thời nhằm đối phó với các tình huống bất ngờ liên quan đến lo sợ tột độ. Phát hiện mới này có thể gây ra sự thiệt thòi khi các nạn nhân hiếp dâm ra tòa hoặc tới bệnh viện. Tòa án có thể sẽ bác bỏ tội hiếp dâm nếu nạn nhân không có hành động chống cự. Bởi họ cho rằng khi các nạn nhân không chống cự đồng nghĩa với việc họ đồng ý cho "yêu râu xanh" quan hệ tình dục. Trên thực tế pháp lý đã xảy ra nhiều vụ việc như vậy. Nhờ việc nạn nhân không la hét, hung thủ không những thực hiện được hành vi cưỡng hiếp của mình, mà còn không bị kết án nếu ra tòa!

Giáo sư Möller và nhóm của bà nghiên cứu 298 phụ nữ từng là nạn nhân bị cưỡng hiếp ở Stockholm. Trong số đó, 70% phụ nữ cho biết họ bị căng cứng lúc vụ việc xảy ra và 48% khẳng định họ bị căng cứng nặng tới mức bất động.

Làm thế nào bạn mô phỏng được hiện tượng tâm lý này trong luyện tập? Dù bất cứ cách gì, nếu bạn chưa từng trải qua một vụ XHTD thực sự, thì tâm lý của bạn chưa hề có sự luyện tập nào hết!

Và tôi mong rằng những ai đã từng thắc mắc tại sao nhiều trường hợp phụ nữ bị cưỡng bức lại nằm im cho hung thủ thực hiện hành vi, thì bây giờ đã có câu trả lời chính xác. Bất động căng cứng chỉ là một trong số các hiện tượng tâm lý xảy ra trong vụ việc, còn có những hiệu ứng tâm lý khác, tùy hoàn cảnh và tùy người. Nhưng nói chung đó chính là lý do khiến cho nạn nhân, từ trẻ em đến người trưởng thành, đều dễ dàng bị XHTD, là lý do khiến cho những vụ cưỡng hiếp không những không thuyên giảm, đôi khi còn tăng lên!

3. Vậy tại sao chúng ta vẫn duy trì cách làm như thế?

Có thể phần lớn những bài học về kỹ năng phòng chống XHTD chưa được biết đến hiện tượng bất động căng cứng này trước đây, điều đó có nghĩa là giờ đây chúng ta có thể tăng cường rèn luyện tâm lý. Đồng ý rằng tuy chúng ta không thể mô phỏng được tâm lý thực sự trong vụ việc, nhưng có thể dùng những bài tập lâu dài khác đã được nghiên cứu để khiến tâm lý mạnh mẽ dần lên, nhằm thoát khỏi hiện tượng cứng đờ người.

Nhưng dù thế nào thì, dạy cách phòng chống XHTD vẫn là một hướng đi SAI!

Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa chỉ rõ ra cho bạn thấy hướng đi đúng, nhưng tôi sẽ chỉ ra nguyên nhân thực sự tại sao chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện hướng đi sai này, mà bạn sẽ hiểu rõ hơn khi tôi phân tích về hướng đi đúng.

Nguyên nhân đó là: hướng đi sai này quá dễ dàng để đi!

Quá dễ dàng ư? Hướng đi này là một kiểu giáo dục, và hướng đi đúng cũng vậy, đều là giáo dục, nhưng giáo dục nhắm vào 2 vị trí khác nhau sẽ có độ khó dễ khác nhau. Thực sự hướng đi đúng khó thực hiện hơn nhiều!

Tôi không nói rằng kỹ năng phòng chống là hoàn toàn sai lầm, nhưng hiệu quả nó mang lại là bao nhiêu? Mức độ cải thiện rất ít! Những kẻ hiếp dâm vẫn xuất hiện, và những nạn nhân, hoặc có thể chống cự, hoặc không. Cứ lặp đi lặp lại như thế!

Bạn có tự hỏi tại sao chúng ta liên tục làm như vậy? Kéo dài một phương pháp mang lại hiệu quả không đáng là bao? Liệu chúng ta có thể làm khác mà hiệu quả cao hơn không?

Phương pháp trên không hoàn toàn sai lầm, nhưng nhìn vào khả năng giải quyết của nó, nó chính là một hướng đi SAI. Nó không triệt để, nó chỉ là giải pháp tạm thời, và vì nó quá dễ để học trên Internet, để luyện tập, nên chúng ta vẫn còn áp dụng phổ biến.

Hai tác giả cuốn sách nổi tiếng Siêu kinh tế học hài hước – Levitt và Dubner – đã nói: chúng ta cần dành thời gian và cố gắng hết sức để xác định được nguyên nhân sâu xa gốc rễ của vấn đề. Đối diện với những nguyên nhân gốc rễ đôi khi khiến chúng ta hụt hẫng và e ngại, có thể đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta hay cố tình phớt lờ chúng. Tuy nhiên, khi cố gắng giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, ít nhất bạn sẽ hiểu rằng mình đang thực sự tìm kiếm câu trả lời chứ không phí phạm thời gian vật lộn với cái bóng của nó!

Sau đây là hướng đi ĐÚNG!    

_______________________________________________

(*) Tham khảo trên khoahoc.tv

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro