bạn có phải là người hướng nội?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Hai đặc tính “hướng nội” và “nhút nhát” thường dễ bị hiểu lầm với nhau: đã là hướng nội thì phải nhút nhát, đã nhút nhát thì chắc chắn là hướng nội. Lắm lúc nó tạo cảm giác không mấy thoải mái, thậm chí gây nhiều phiền toái nữa. Hai kiểu tính cách này đã được tiến sĩ tâm lý Marti Olsen Laney mô tả trong cuốn “The Introvert Advantage - How People Can Thrive In An Extrovert World” của mình như sau:

•Hướng nội: Là kiểu tính cách có khả năng gợi mở được thế giới bên trong mình. Đó là phẩm chất sáng tạo và mang tính xây dựng được tìm thấy ở những người có khả năng suy nghĩ độc lập. Người hướng nội cũng có những kỹ năng xã hội riêng. Họ cũng rất thích giao tiếp và thích một vài hoạt động hay sự kiện xã hội khác. Tuy nhiên, các bữa tiệc hay nhóm đông người thường khiến họ hao tổn năng lượng khá nhiều. Người hướng nội thích những cuộc nói chuyện 1-1, ngược lại, buổi thảo luận trong nhóm có sự xuất hiện quá nhiều người sẽ khiến họ luôn cảm thấy chỉ muốn ra về cho nhanh.

• Nhút nhát: Nhút nhát lại là kiểu tính cách sợ xã hội, là kiểu tính cách có mức tự ý thức quá lớn khi có nhiều người xung quanh. Thường có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến sự nhút nhát. Những trải nghiệm này thường hay xuất hiện ở trường học, trong gia đình, và cũng xuất hiện ở nhiều độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau. Người nhút nhát thường cảm thấy không thoải mái với việc thảo luận 1-1 và thảo luận nhóm. Đó không phải do thiếu năng lượng như hướng nội, mà là thiếu
đi sự tự tin trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Sự nhút nhát quá mức thường khiến người đó đổ mồ hôi, đỏ mặt tía tai, tim đập mạnh, tự trách mình và tin rằng những người khác đang cười nhạo mình. Sự e thẹn này khác với kiểu hướng nội, họ thường sợ người khác phán xét rồi từ đó sinh ra những hành vi để phản ứng lại với những gì họ đang lo ngại.

Vậy những đặc điểm cụ thể nêu rõ sự khác biệt của hướng nội và nhút nhát là gì?

1. Tương tác xã hội

Sau những lần tương tác xã hội, ví dụ làm việc, vui chơi giải trí bên ngoài thì người hướng nội cảm thấy khá mệt mỏi về mặt tinh thần lẫn thể chất. Điều này khá lạ lùng vì đáng lẽ vui chơi giải trí luôn khiến mọi người vui vẻ nhưng đằng này họ lại mệt mỏi. Sự mệt mỏi này tương tự với cảm hay sốt. Bạn có thể thấy khuôn mặt của họ như mất đi sức sống, trạng thái lờ đờ y như họ bị trúng gió vậy.

Đối với người nhút nhát thì việc gặp người khác lại như “đỉa phải vôi” vậy. Cách họ phản ứng với người khác nói nôm na như kiểu “thấy tà” và họ luôn tìm cách nhanh chóng lẩn trốn cho lành. Đơn giản vì họ sợ, rất sợ mọi tương tác xã hội. Một lời chào của ai đó thôi cũng đã khiến họ thảng thốt không nói lên lời. Đứng ở trong đám đông, người nhút nhát như chết đứng và không nói lên lời. Ngược lại, người hướng nội trong đám đông vẫn tự tin, họ vẫn mỉm cười hay nhẹ nhàng đáp lại lời chào hỏi, nhưng không muốn hoặc khá hạn chế giao tiếp mà thôi.

2. Họ dành rất nhiều thời gian để ở một mình nhưng lý do lại hoàn toàn khác nhau

Người hướng nội luôn dành thời gian một mình cho việc nạp lại nguồn năng lượng của bản thân sau một ngày dài làm việc. Khoảng thời gian quý như vàng này là liều thuốc giúp họ khôi phục tất cả năng lượng đã tiêu tốn vào tương tác xã hội. Những việc đơn giản như đọc sách, xem phim, nghỉ ngơi sẽ giúp họ rất nhiều. Họ sẽ nhanh chóng lấy lại được tinh thần sau đó.

Người nhút nhát đa phần muốn ở một mình, đơn giản chỉ vì họ sợ mọi người gọi, sợ giao tiếp và lúc này, họ sẽ thu mình trong vỏ ốc cố hữu để đảm bảo sự sợ hãi không bị bộc phát ra bên ngoài. Và vì sợ hãi nên dù ở một mình họ cũng không dễ lấy lại được nguồn năng lượng trong bất kỳ tình huống nào đi chăng nữa.

3. Họ đều im lặng nhưng theo những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau

Nếu cảm thấy “trúng đài”, người hướng nội có thể nói khá nhiều về chủ đề ấy, như thể mọi kiến thức trong chủ đề ấy đã được tìm hiểu khá lâu và chỉ chờ dịp để được bày tỏ. Họ cũng có thể làm điều này trong một nhóm nhỏ khoảng hai đến ba người. Sự giao tiếp trong nhóm nhỏ là lợi thế giúp họ diễn đạt ý mình muốn. Tuy nhiên trong một nhóm đông, người hướng nội lại có xu hướng giữ im lặng. Tức là họ chỉ nói nhiều nếu cuộc nói chuyện chạm đúng dòng suy nghĩ và trong nhóm có số lượng người nhất định.

Người nhút nhát rất hiếm khi bày tỏ quan điểm của mình trong mọi trường hợp, kể cả họ không viết nhật ký đi chăng nữa. Tức là khi với bạn thân của mình, họ vẫn giữ im lặng. Dù có rất nhiều suy nghĩ đúng chủ đề nhưng họ vẫn không mở lời với bất kỳ ai, trong bất kỳ tình huống nào. Họ cho rằng tốt nhất nên giữ im lặng. Việc thể hiện suy nghĩ của mình qua lời nói quả thật là gánh nặng với họ.

4. Khi đứng trên bục phát biểu

Khi phải mang bài diễn văn của mình đứng nói trước khán giả, người hướng nội có thể rất tự tin nếu đã chuẩn bị kỹ càng. Mặc dù trước đó có thể hơi lo lắng vì chưa bao giờ trải nghiệm cảm giác này trước đám đông hoặc có đôi chút hồi hộp dù đã phát biểu nhiều lần, nhưng khi đã bước lên bục thì họ sẽ tự tin nói về những điều muốn truyền tải. Đây là bản chất thật của người hướng nội mà bạn cho là nhút nhát. Họ không nhút nhát như bạn nghĩ, thậm chí chỉ số tự tin của họ còn khiến bạn phải thay đổi cách nhìn về người hướng nội.

Ngược lại, người nhút nhát khi đối diện với đám đông, nỗi sợ của họ có xu hướng bộc phát ra bên ngoài bằng ngôn ngữ cơ thể. Họ sợ đến nỗi toát mồ hôi và họ hoàn toàn không kiểm soát được body-language, gây hiểu lầm cho người đối diện trong cách diễn giải vấn đề. Sự nhút nhát này thực sự dễ khiến họ rơi vào các tình trạng không mong muốn khác, ví dụ như ngất xỉu, đau tim... Thật sự những chứng bệnh này không tốt một chút nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro