Tại Sở Giao Dịch chứng Khoán 1&2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cổ phiếu tăng trưởng?

(14/01/2010)

        

 Hỏi: 

Tôi thường hay nghe thấy báo chí nhắc đến cụm từ  “cổ phiếu tăng trưởng”. Xin cho tôi biết thế nào là cổ phiếu tăng trưởng? 

  

         Đáp:

Cổ phiếu tăng trưởng là cổ phiếu của những doanh nghiệp có doanh số, thu nhập và thị phần đang tăng với tốc độ nhanh hơn bình quân trong vài năm qua và nhà đầu tư kỳ vọng nó tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận cao Có một điểm nổi bật là cổ phiếu tăng trưởng là loại cổ phiếu của các doanh nghiệp có những sản phẩm hoặc dịch vụ chất lượng cao, có khả năng nắm bắt đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu và mới của xã hội, tạo ra lợi nhuận biên, lợi nhuận trên vốn cổ phần và chỉ số P/E cao hơn các cổ phiếu khác. Ngoài ra, lợi nhuận cổ phiếu đó được ước tính sẽ tăng đáng kể trong 1 hoặc 2 năm tiếp theo. Tuy nhiên, cần phân biệt tăng trưởng dài hạn với bộc phát tức thời.

   

          Nhà đầu tư cổ phiếu tăng trưởng phải biết cách nhìn vượt lên trên các biến chuyển giá cả trong ngắn hạn của chứng khoán, từ chối dứt khoát việc trả giá quá cao cho sự tăng trưởng. Mặt khác, tìm ra và chọn được một cổ phiếu tăng trưởng không phải là việc mà nhà đầu tư nào cũng làm được, bởi nó đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và khả năng phân tích thị trường.

Biến động của lãi suất có ảnh hưởng gì đến thị trường chứng khoán? (31/12/2009)

           HỎI: Qua chuyên mục, Ban biên tập đã giúp bạn đọc tìm hiểu về ảnh hưởng giữa các thị trường tài chính, xin cho biết rõ hơn biến động của lãi suất có ảnh hưởng gì đến thị trường chứng khoán? 

           ĐÁP: Biến động của lãi suất trên thị trường tiền tệ tuy có tác động gián tiếp nhưng rất nhạy cảm đến thị trường chứng khoán. Lãi suất tăng sẽ thu hút nhu cầu gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vì mức sinh lời khi gửi tiền tăng, khiến cho dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng. Lãi suất tăng cũng khiến cho lợi suất kỳ vọng trên thị trường chứng khoán phải tăng (nhà đầu tư đòi hỏi lợi suất đầu tư chứng khoán cao hơn). Trong bối cảnh này, giá thị trường của trái phiếu sẽ bị sụt giảm.

           Mặt khác, lãi suất trong nước tăng cũng có tác dụng thu hút luồng ngoại tệ đổ vào, gián tiếp giúp đồng nội tệ tăng giá và do vậy tác động làm giảm tỷ giá hối đoái. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh này sẽ gặp phải khó khăn do hàng hóa xuất khẩu bị đắt lên, đồng thời trước đó đã chịu thêm chi phí vốn vay do lãi suất tăng. Hệ quả là doanh thu của các doanh nghiệp này bị ảnh hưởng, dẫn đến kỳ vọng vào lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, làm giá cổ phiếu doanh nghiệp trên thị trường sa sút.

           

           Tuy nhiên, đối với nhóm doanh nghiệp phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh, thì bối cảnh trên lại là lợi thế cho họ. Tuy nhiên do ảnh hưởng của chi phí vốn vay tăng lên, phần lợi thế này có nguy cơ bị triệt tiêu.

           Trên cơ sở phân tích tác động của các loại lãi suất đối với nền kinh tế nói chung và với các nhóm doanh nghiệp nói riêng, nhà phân tích sẽ xác định được bối cảnh tích cực hay tiêu cực cho môi trường đầu tư cũng như khả năng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết.

Cách thức để phân tích và hiểu mối quan hệ giữa các thị trường (24/12/2009)

            HỎI: Thị trường bất động sản và thị trường vàng gần đây biến động mạnh, trong khi thị trường chứng khoán lại có dấu hiệu sụt giảm. Xin cho biết cách thức để phân tích và hiểu mối quan hệ giữa các thị trường này?

             ĐÁP: Hiện tượng bạn nêu là đúng và đã diễn ra trên thị trường tài chính Việt Nam gần đây. Trước hết có thể khẳng định, trong nền kinh tế thị trường, các loại thị trường tài chính đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có mối quan hệ thông qua cơ chế “bình thông nhau” về luồng vốn đầu tư. Điều đó có nghĩa, vốn đầu tư trên thị trường sẽ chảy vào những thị trường nào có mức sinh lời hấp dẫn hơn.

    

             Với thực tế vừa diễn ra, có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này như:

     

              i) Biến động tỷ giá hối đoái giữa đồng VND và USD;

    

              ii) Tác động của diễn biến lãi suất và kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế;

    

              iii) Tác động của thay đổi chính sách tiền tệ và tài khóa từ mở rộng sang thắt chặt.

    

             Về cách thức phân tích và hiểu mối quan hệ giữa các thị trường, lý thuyết kinh tế chỉ ra rằng bạn cần phân tích các thị trường này một cách đơn giản dựa trên biến động về giá cả thị trường. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế, thị trường bất động sản và thị trường vàng được nhìn nhận là hai thị trường cùng có quan hệ ngược chiều rõ nhất với TTCK: Khi TTCK sụt giảm, vốn đầu tư của nhà đầu tư có xu hướng được rút ra khỏi TTCK và chuyển sang thị trường bất động sản hoặc vàng và ngược lại. Vì thế, thị trường vàng hay bất động sản thường được xem là kênh “trú ẩn” an toàn khi TTCK suy thoái. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, biến động sụt giảm của thị trường bất động sản là sự báo trước suy thoái trên TTCK, trong khi đó thị trường vàng lại có xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, một điểm cần chú ý là nếu cả hai TTCK và thị trường bất động sản đều tăng trưởng nóng, thì đó là dấu hiệu của một “bong bóng” kinh tế có nguy cơ bùng nổ, mà trong đó, TTCK khó tránh khỏi tác động xấu.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thấy có lãi, trong khi doanh nghiệp không có tiền mặt để chi trả cổ tức (17/12/2009)

           HỎI: Khi đọc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tôi thấy có lãi, trong khi doanh nghiệp không có tiền mặt để chi trả cổ tức. Xin giải thích cho tôi hiểu về vấn đề này?

            ĐÁP: Vấn đền bạn nêu đối với nhà đầu tư, đặc biệt là những người không có kiến thức chuyên ngành, nhiều khi rất khó hiểu. Theo quy định của Bộ Tài chính, báo cáo tài chính bao gồm:

      

            - Bảng cân đối kế toán (B01-DN),

    

            - Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (B02-DN),

      

            - Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (B03-DN) và

     

            - Thuyết minh báo cáo tài chính (B09-DN).

     

            Đây là một tập hợp đầy đủ các số liệu phản ánh tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một kỳ kinh doanh. Trong 4 văn bản này, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ có vai trò rất quan trọng. Nó cung cấp cho chúng ta biết nguồn tiền của doanh nghiệp sinh ra từ đâu và sử dụng vào mục đích gì.

    

             Thông thường, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ phân chia luồng tiền vào ba hoạt động cơ bản: hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Trong ba hoạt động này, hoạt động sản xuất kinh doanh đóng vai trò quan trọng nhất bởi lẽ nó phản ánh luồng tiền chủ yếu của doanh nghiệp. Một điểm cần lưu ý là Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện số liệu kết hợp giữa bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Có nghĩa là số liệu của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được xây dựng trên cơ sở số liệu của B01 và B02.

   

            Trong trường hợp thắc mắc của bạn, khi nhìn vào kết quả hoạt động kinh doanh chúng ta có thể thấy doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt và có lãi. Tuy nhiên, khi nhìn vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ, chúng ta thấy luồng tiền ròng lại âm. Nguyên nhân là do doanh nghiệp để vốn của mình ứ đọng trong hàng tồn kho quá nhiều, hoặc cũng có thể do doanh nghiệp cho vay quá nhiều mà không thu hồi được vốn.

              Đây là một điểm hết sức quan trọng khi phân tích cổ phiếu doanh nghiệp. Nếu lợi nhuận cuối kỳ không được thể hiện dưới dạng tiền mặt sẽ dẫn tới hiện tượng năng lực tài trợ cổ tức của doanh nghiệp yếu đi. Điều này sẽ tác động rất mạnh tới giá cổ phiếu. Đặc biệt với những doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có uy tín lâu năm trên thị trường

Các phương pháp chủ yếu sử dụng trong phân tích Báo cáo tài chính Doanh nghiệp (10/12/2009)

            HỎI: Để lựa chọn cổ phiếu theo phương pháp phân tích cơ bản, việc phân tích báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Xin cho tôi được biết các phương pháp chủ yếu sử dụng trong phân tích BCTC doanh nghiệp và phương pháp nào được sử dụng phổ biến nhất?    

            ĐÁP: Trước hết, chúng ta cần hiểu trong phân tích cơ bản (fundamental analysis), để lựa chọn cổ phiếu, báo cáo tài chính doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, là cơ sở thực tiễn để qua đó nhà đầu tư tìm ra giá trị hợp lý của doanh nghiệp.

            Hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp gồm: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Đây là một tập hợp rất nhiều số liệu phản ánh tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và tài chính của doanh nghiệp. Để có thể tìm ra các tiêu chí tài chính quan trọng, trong phân tích người ta thường sử dụng nhiều phương pháp như: Phương pháp so sánh, phương pháp số chênh lệch, phương pháp thay thế liên hoàn, phương pháp liên hệ cân đối, phương pháp hồi quy, trong đó phương pháp so sánh được sử dụng phổ biến nhất.

            Phương pháp so sánh là phương pháp xem xét các chỉ tiêu phân tích bằng cách dựa trên việc so sánh số liệu với một chỉ tiêu cơ sở (chỉ tiêu gốc). Tiêu chuẩn để so sánh thường là: Chỉ tiêu kế hoạch của một kỳ kinh doanh, tình hình thực hiện các kỳ kinh doanh đã qua, chỉ tiêu các doanh nghiệp tiêu biểu cùng ngành. Điều kiện để so sánh là: Các chỉ tiêu so sánh phải phù hợp về yếu tố không gian, thời gian, cùng nội dung kinh tế, đơn vị đo lường, phương pháp tính toán. Phương pháp so sánh có hai hình thức: So sánh tuyệt đối và so sánh tương đối. So sánh tuyệt đối dựa trên hiệu số của hai chỉ tiêu so sánh là chỉ tiêu kỳ phân tích và chỉ tiêu cơ sở. So sánh tương đối là tỷ lệ (%) của chỉ tiêu kỳ phân tích so với chỉ tiêu gốc để thể hiện mức độ hoàn thành hoặc tỷ lệ của số chênh lệch tuyệt đối với chỉ tiêu gốc để nói lên tốc độ tăng trưởng.

            Thông thường trong khi phân tích báo cáo tài chính, chúng ta nên kết hợp cả hai hình thức so sánh tương đối và tuyệt đối. Sự kết hợp này sẽ bổ trợ cho nhau giúp chúng ta vừa có được những chỉ tiêu cụ thể về khối lượng và giá trị hoạt động của doanh nghiệp vừa thấy được tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong kỳ phân tích. Điều này sẽ giúp rất nhiều trong việc so sánh hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành.

Tốt nghiệp thạc sỹ kinh tế có phải học chứng chỉ cơ bản về CK&TTCK khi hành nghề chứng khoán hay không? (03/12/2009)

          HỎI: Tôi đã tốt nghiệp thạc sỹ kinh tế. Xin Ban biên tập cho tôi được biết, tôi có phải học chứng chỉ Cơ bản về CK&TTCK khi hành nghề chứng khoán hay không, và tôi có được miễn thi các chứng chỉ chuyên môn cần phải có? 

          ĐÁP:  Trong mục "Trao đổi thông tin" ở Bản tin UBCKNN số 17 (ra ngày 29/4/2009), chúng tôi đã đề cập chi tiết đến các loại chứng chỉ chuyên môn về CK&TTCK cần phải có nếu bạn muốn tham gia hành nghề chứng khoán. Tổng cộng có 7 chứng chỉ chuyên môn và một kỳ thi sát hạch hành nghề chứng khoán. Người hành nghề chứng khoán không nhất thiết phải học và thi tất cả các chứng chỉ chuyên môn. Tùy vào từng loại hình hành nghề chứng khoán (gồm 3 loại: Môi giới chứng khoán, Phân tích tài chính và Quản lý quỹ và tài sản) mà có những yêu cầu về chứng chỉ chuyên môn khác nhau.

            Trường hợp của bạn, trước khi tham dự kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề, bạn được quyền xét miễn giảm không cần điều kiện tham gia học và thi một số loại chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán.

            Cụ thể, theo các quy định hiện hành về quy chế hành nghề chứng khoán, những người có các văn bằng, chứng chỉ sau đây được miễn giảm một hoặc một số chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán trong tổng số 7 chứng chỉ:

          - Bằng Tiến sĩ kinh tế, chứng chỉ quốc tế CIIA (Certified International Investment Analyst) hoặc có giấy xác nhận đã đạt kỳ thi CFA bậc II (Chartered Financial Analyst level II) trở lên: Được miễn giảm 3 chứng chỉ chuyên môn là Chứng chỉ những vấn đề cơ bản về CK&TTCK, Chứng chỉ Phân tích và Đầu tư chứng khoán, Chứng chỉ Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp.

           - Bằng thạc sỹ kinh tế, chứng chỉ quốc tế ACCA (Association of Chartered Certified Accountant), chứng chỉ CPA (Certified Public Accountants) hoặc giấy xác nhận đã đạt kỳ thi CFA bậc I (Chartered Financial Analyst level I): Được miễn giảm 2 chứng chỉ chuyên môn là Chứng chỉ những vấn đề cơ bản về CK&TTCK, Chứng chỉ Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp.

            - Chứng chỉ hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài hoặc tài liệu tương đương chứng minh cá nhân đó đã được phép hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài: Được miễn giảm tất cả các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán, ngoại trừ Chứng chỉ Pháp luật về CK&TTCK.

            Như vậy, trong trường hợp đã có bằng thạc sỹ kinh tế, bạn chỉ cần có 5 chứng chỉ chuyên môn mà không cần tham gia và dự thi các khóa học “Những vấn đề cơ bản về CK&TTCK” và khóa học “Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp”./

Các văn bằng cần phải có để đáp ứng đủ điều kiện được thi lấy chứng chỉ hành nghề chứng khoán(03/12/2009)

           HỎI:  Xin Ban biên tập cho tôi được biết các văn bằng cần phải có để đáp ứng đủ điều kiện được thi lấy chứng chỉ hành nghề chứng khoán?                                                    

           ĐÁP: Quyết định số 15/2008/QĐ-BTC ngày 27/3/2008 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế hành nghề chứng khoán quy định rõ hai loại hình chứng chỉ liên quan đến việc hành nghề chứng khoán, đó là Chứng chỉ hành nghề chứng khoán và Chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán. Cụ thể:

         

           - Chứng chỉ hành nghề chứng khoán là văn bằng xác nhận người có tên trong chứng chỉ đáp ứng đủ điều kiện làm việc tại các vị trí làm việc chuyên môn trong công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam.

    

           - Chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán là văn bằng xác nhận người có tên trong chứng chỉ đạt yêu cầu trong các cuộc kiểm tra trình độ chuyên môn về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

            Theo các quy định cụ thể hiện nay, bạn cần phải có các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán trước khi dự thi và đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Nói cách khác, bạn phải đạt yêu cầu trong các cuộc kiểm tra/thi cấp chứng chỉ chuyên môn để có điều kiện cần thiết dự thi cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán theo một trong ba loại sau :

           - Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán

           - Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính

       

           - Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ

           Tương ứng với mỗi loại chứng chỉ hành nghề trên cần phải có các chứng chỉ chuyên môn sau:

          1 - Hành nghề môi giới chứng khoán: chứng chỉ Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chứng chỉ Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chứng chỉ Phân tích và đầu tư chứng khoán; chứng chỉ Môi giới chứng khoán và Tư vấn đầu tư chứng khoán.

          2 - Hành nghề phân tích tài chính: Có các chứng chỉ như của người hành nghề môi giới, bên cạnh đó có thêm chứng chỉ Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành chứng khoán và chứng chỉ Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp.

          3 - Hành nghề quản lý quỹ và tài sản: Có các chứng chỉ như của người hành nghề phân tích tài chính, bên cạnh đó có thêm chứng chỉ Quản lý quỹ và tài sản.

Các cuộc kiểm tra trình độ chuyên môn về chứng khoán và thị trường chứng khoán được tổ chức sau mỗi khoá học do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (UBCKNN) tổ chức. Các kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán được tổ chức trong năm theo thông báo của UBCKNN.

           Để biết thêm chi tiết, bạn có thể tham khảo thông tin tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán tại địa chỉ: 234 Lương Thế Vinh, Từ Liêm, Hà Nội; website: 

www.srtc.org.vn

; Điện thoại: 04-35535874; Email: [email protected]./

Hoạt động bán khống trên thị trường chứng khoán (03/12/2009)

            HỎI: Xin Ban biên tập cho tôi được biết, lợi ích của hoạt động bán khống trên TTCK? TTCK các nước áp dụng hình thức này như thế nào? Các nhà đầu tư có được phép thực hiện bán khống trên TTCK Việt Nam hay không?  

             ĐÁP: Bán khống (short sales) là việc bán một chứng khoán mà người bán không sở hữu mà thay vào đó, người bán đi vay chứng khoán hoặc có đảm bảo chứng khoán có thể vay được để bán với mong muốn kiếm lợi nhuận bằng cách mua lại và trả lại chứng khoán đó khi giá chứng khoán giảm.

              Khi tiến hành mua lại, có hai trường hợp xảy ra:

             - Giá chứng khoán giảm: Nhà giao dịch đã mua lại được khối lượng chứng khoán đã vay để bán với giá thấp hơn giá đã bán và kiếm được lợi nhuận sau khi hoàn trả khối lượng chứng khoán đã bán trước đó.

              - Giá chứng khoán tăng: Nhà giao dịch bị lỗ vì phải mua lại chứng khoán với giá cao hơn để hoàn trả lại khối lượng chứng khoán đã vay để bán (tức nhà đầu tư đã vay và bán chứng khoán ở mức giá thấp trong khi phải mua lại để hoàn trả ở mức giá cao).

              Trong thực tế, việc bán khống không phải chỉ được thực hiện bởi chính người đi vay chứng khoán để bán khống (covered shorts), mà có nhiều trường hợp việc bán khống được thực hiện bởi những đối tượng khác mà người bán không hề biết về việc đi vay,bán và chuyển giao chứng khoán đã bán khống (naked shorts) trên tài khoản của mình. Trường hợp này có thể xảy ra từ sự lợi dụng kẽ hở của pháp luật về chứng khoán cũng như những khác biệt trong hệ thống giao dịch và đa phần được coi là bất hợp pháp.

              Hoạt động bán khống có thể có những lợi ích sau đây:

             - Giúp nhà đầu tư tạo lợi nhuận từ việc dự báo đúng giá chứng khoán giảm.

             - Giúp cho các nhà tạo lập thị trường có thể đáp ứng các nhu cầu mua của khách hàng đối với các chứng khoán mà nhà tạo lập thị trường hiện chưa sở hữu.

             - Khuyến khích giao dịch phòng ngừa rủi ro.

             Tuy vậy, với khả năng giao dịch bán khống không có đảm bảo như trên, những mặt hạn chế rõ nhất của hoạt động này là:

             - Gia tăng sức ép bán ra đối với chứng khoán, từ đó có thể gây hỗn loạn thị trường.

             - Ước đoán giảm giá có thể tạo cơ hội thao túng thị trường.

            Tại các nước, bán khống được điều chỉnh theo các quan điểm quản lý khác nhau:

             - Cho phép bán khống (ví dụ thị trường Mỹ, Nhật, Singapore): Các nước này cho rằng bán khống làm tăng tính thanh khoản và giúp định giá lại các cổ phiếu vốn đã bị đánh giá quá cao; đồng thời giúp phát triển các giao dịch phòng ngừa rủi ro và đầu cơ hưởng chênh lệch giá (tăng tính hấp dẫn). Mặt khác, những nước này cho rằng rào cản chi phí lớn (bao gồm chi phí chịu rủi ro lớn hoàn toàn có thể xảy ra nếu ước đoán giá giảm không xảy ra cộng với chi phí đi vay chứng khoán) sẽ khiến cho ý đồ thao túng thị trường không còn khả thi và vì thế không đáng lo ngại. Tuy nhiên, những nước áp dụng mô hình này thường không cho phép bán khống khi giao dịch chứng khoán trên thị trường có biểu hiện hỗn loạn.

            - Cấm bán khống hoặc cho phép có mức độ (ví dụ thị trường Úc, Hồng Kông): Các nước theo quan điểm này nhìn chung không cho phép giao dịch bán khống chứng khoán hoặc cho phép bán khống nhưng chỉ trong phạm vi các chứng khoán có tính thanh khoản cao và với một tỷ lệ bán khống hạn chế (ví dụ không quá 10%) so với khối lượng chứng khoán đang lưu hành, và không cho phép thực hiện bán khống trong thời gian đang tiến hành thủ tục thâu tóm doanh nghiệp.

           - Không có quy định cụ thể về bán khống (ví dụ thị trường chứng khoán Anh, Đức): Cơ quan quản lý thị trường không có quy định nào về hành vi bán khống, đồng nghĩa với việc không có hạn chế gì đối với việc bán khống cũng như không yêu cầu phải công bố thông tin về bán khống.

           Khác với nhóm quan điểm trên, mặc dù trên TTCK Việt Nam hiện nay chưa có quy định về nghiệp vụ bán khống, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc cho phép thực hiện giao dịch bán khống. Để thực hiện việc bán khống đòi hỏi phải có những quy định chi tiết, cụ thể nhằm tránh những rủi ro cho thị trường./

Nhà đầu tư và doanh nghiệp đều phải trích tiền của mình để trả cổ tức phải chăng cả nhà đầu tư và doanh nghiệp đều bị thiệt hại? (03/12/2009)

            HỎI: Khi công ty niêm yết trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt, phần cổ tức này bị trừ thẳng vào mệnh giá của cổ phiếu niêm yết tại ngày chốt quyền thì cả nhà đầu tư và doanh nghiệp đều phải trích tiền của mình để trả cổ tức. Xin Ban biên tập cho tôi được biết, phải chăng cả nhà đầu tư và doanh nghiệp đều bị thiệt hại?

           ĐÁP: Theo quy định tại Điều 10 - Quyết định số 124/QĐ-SGDHCM ngày 9/10/2007 của SGDCK Tp. Hồ Chí Minh, giá tham chiếu của ngày giao dịch không hưởng cổ tức và các quyền kèm theo đều được tính bằng cách lấy giá đóng cửa phiên giao dịch gần nhất điều chỉnh theo giá trị cổ tức được nhận hoặc giá trị các quyền kèm theo. Ví dụ, giá khớp lệnh của cổ phiếu XYZ tại phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa tại Sở GDCK Tp HCM vào ngày 21/8/2008 là 30.000 đồng/cổ phiếu; tỷ lệ cổ tức là 10% tính theo mệnh giá được 1000 đồng/cổ phiếu, thì giá tham chiếu cho phiên giao dịch ngày hôm sau (22/8) tức là ngày giao dịch không hưởng cổ tức là 30.000-1000 = 29.000 đồng/cổ phiếu.

             Trên cơ sở xác định đó, với ý kiến của bạn cho rằng, có hai lần mất tiền trong việc chi trả cổ tức: một lần là do nhà đầu tư phải tự bỏ tiền của mình ra từ giá trị thị trường của cổ phiếu để trả cổ tức cho mình và một lần do công ty niêm yết cũng phải bỏ tiền của mình ra để trả cho cổ đông. Ý kiến này là không chính xác vì những lý do sau:

             - Bản chất của cổ tức là được trích từ nguồn lợi nhuận ròng của doanh nghiệp và nguồn lợi nhuận này thuộc về cổ đông là những người góp vốn vào công ty (chưa tính tới yếu tố tái đầu tư, trích lập các loại quỹ, bù đắp lỗ và các khoản dự phòng khác). Vì vậy, nếu một phần lợi nhuận ròng được trích cho cổ đông có tên trong danh sách cổ đông vào ngày chốt sổ thì chính là việc công ty chi trả một phần lợi nhuận ròng sau thuế của doanh nghiệp cho cổ đông chứ không phải nhà đầu tư phải bỏ tiền túi của mình ra.

             - Mặt khác, theo quy định, thặng dư vốn do giá cả của cổ phiếu của công ty biến động trên thị trường không được tính vào lợi nhuận ròng của doanh nghiệp, giả sử bạn mua cổ phiếu vào ngày được hưởng cổ tức, ngày giao dịch hôm sau rơi vào ngày không hưởng cổ tức và giá cổ phiếu bị điều chỉnh giảm, thì điều đó cũng không có nghĩa là bạn đã mất tiền của chính mình từ giá thị trường của cổ phiếu để trả cổ tức cho mình, bởi vì nguồn chi trả cổ tức không xuất phát từ giá trị mua cổ phiếu của bạn.

             - Tại ngày giao dịch không hưởng quyền và sau đó, do tác động của việc chi trả cổ tức được cam kết dành cho cổ đông có tên vào ngày chốt sổ cổ đông, giá trị của công ty đương nhiên bị sụt giảm vì một phần lợi nhuận được trích ra thanh toán cổ tức. Tổng trị giá sụt giảm này chính bằng tổng trị giá cổ tức, và điều đó tương đương với việc sụt giảm giá thị trường trên mỗi đơn vị là một cổ phiếu sẽ bằng chính với lượng cổ tức trả cho mỗi cổ phiếu. Chính vì thế, tại ngày giao dịch không hưởng quyền, giá tham chiếu của cổ phiếu được điều chỉnh giảm đúng bằng trị giá cổ tức trên mỗi cổ phiếu so với giá đóng cửa phiên giao dịch trước đó./. 

TTCK Việt Nam có những cách phân ngành nào? (03/12/2009)

            HỎI: Xin cho tôi biết, tại sao khi phân tích chứng khoán thường phải phân tích về ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện nay, trên TTCK Việt Nam có những cách phân ngành như thế nào? 

             ĐÁP: Trên TTCK, việc phân ngành là một thông lệ không thể thiếu khi phân tích chứng khoán theo phương pháp phân tích cơ bản. Trong đó, nhà phân tích luôn xem xét doanh nghiệp trong tổng thể kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, đặc điểm, tính chất và khả năng phát triển của ngành mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Từ đó, rút ra các đánh giá về doanh nghiệp trong tương quan với các doanh nghiệp khác cùng ngành và với các ngành khác.

             Trên thế giới hiện nay, tồn tại rất nhiều hệ thống phân ngành ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Những tiêu chuẩn phân ngành điển hình đang được ứng dụng một cách rộng rãi trên thế giới gồm: ISIC (International Standard Industrial Classification of All Economic Activities) do Liên hợp quốc xây dựng; SIC (Standard Industrial Classification) và NAICS (North American Industry Classification System) do Mỹ xây dựng; ICB (Industry Classification Benchmark) do FTSE Group và DowJone xây dựng;GICS (Global Industry Classification Standard) do Morgan Stanley và Standard & Poor's xây dựng. Xin nhấn mạnh tới tiêu chuẩn phân ngành phổ biến nhất hiện nay là ICB. ICB phân chia các ngành kinh tế quốc dân thành 4 cấp gồm: 10 nhóm ngành (Industries), 19 phân ngành lớn (Super sectors), 41 phân ngành chính (Sectors), 114 phân ngành phụ (Sub sectors). Các nhóm ngành được xây dựng trong ICB bao gồm: Dầu khí, nguyên vật liệu, công nghiệp, hàng tiêu dùng, y tế, dịch vụ tiêu dùng, viễn thông, dịch vụ tiện ích và tài chính. ICB được xây dựng dựa trên việc theo dõi, giám sát hoạt động của trên 60.000 doanh nghiệp và trên 65.000 loại chứng khoán. Các sở giao dịch chứng khoán lớn của thế giới như Euronext, LSE, NASDAQ và NYSE luôn cập nhật hàng ngày các dữ liệu từ ICB để giúp cho các nhà đầu trên khắp thế giới theo dõi được sự biến động của thị trường chứng khoán.

            Tại Việt Nam VSIC 2007 (Hệ thống ngành kinh tế quốc dân) đang được chính thức áp dụng. Hệ thống VSIC 2007 gồm 21 ngành cấp 1, 88 ngành cấp 2, 242 ngành cấp 3, 437 ngành cấp 4 và 642 ngành cấp 5. Các ngành cấp 1 trong VSIC 2007 gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, khai khoáng, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện - khí đốt - nước nóng - hơi nước - điều hòa không khí, cung cấp nước - hoạt động quản lý xử lý khí rác thải- nước thải, xây dựng, bán buôn - bán lẻ - sửa chữa ô tô - mô tô - xe máy - xe có động cơ khác, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, thông tin và truyền thông, hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn - khoa học - công nghệ, hoạt động hành chính - dịch vụ hỗ trợ, hoạt động của Đảng cộng sản - tổ chức chính trị xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng - bảo đảm xã hội bắt buộc, giáo dục đào tạo, y tế - hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật - vui chơi - giải trí, hoạt động dịch vụ khác, hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình - sản xuất sản phẩm vật chất - dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình, hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế.

            Tuy đã có các hệ thống phân ngành VSIC từ lâu, nhưng hiện nay trên TTCK Việt Nam, vẫn chưa có một tổ chức chính thức nào của Chính phủ thực hiện việc sắp xếp các doanh nghiệp niêm yết vào các nhóm phân ngành cụ thể. Hoạt động này mới chỉ được thực hiện tại một số các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư. Do áp dụng các tiêu chuẩn không thống nhất đa phần dựa trên ICB, GICS hoặc NAICS, nên cách thức sắp xếp doanh nghiệp của các công ty kể trên không giống nhau dẫn đến việc đưa ra các chỉ số tài chính của ngành rất khác biệt, tạo ra sự khó hiểu cho nhà đầu tư./

Mô hình Dupont (03/12/2009)

           Hỏi: Tôi thường thấy nhắc đến mô hình Dupont trong phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp (DN). Xin cho biết mô hình này được sử dụng như thế nào và tác dụng của nó với việc đánh giá hoạt động của DN ra sao?

            Đáp: Mô hình Dupont là kỹ thuật được sử dụng để phân tích khả năng sinh lời của một doanh nghiệp bằng các công cụ quản lý hiệu quả truyền thống. Mô hình Dupont tích hợp nhiều yếu tố của báo cáo thu nhập với bản cân đối kế toán. Trong phân tích tài chính, người ta vận dụng mô hình Dupont để phân tích mối liên hệ giữa các chỉ tiêu tài chính. Chính nhờ sự phân tích mối liên kết giữa các chỉ tiêu tài chính, chúng ta có thể phát hiện ra những nhân tố đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân tích theo một trình tự nhất định.

            Dưới góc độ nhà đầu tư cổ phiếu, một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất là hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Do vốn chủ sở hữu là một phần của tổng nguồn vốn hình thành nên tài sản, nên ROE sẽ phụ thuộc vào hệ số lợi nhuận trên tổng tài sản. Mối quan hệ này được thể hiện bằng mô hình Dupont như sau:

                             Hay, ROE = ROA x Đòn bẩy tài chính

              Vì vậy, mô hình Dupont có thể tiếp tục được triển khai chi tiết thành:

         Hay, ROE = Hệ số Lợi nhuận ròng x Hiệu suất sử dụng tổng tài sản x Đòn bẩy tài chính

              Trên cơ sở nhận biết ba nhân tố trên, doanh nghiệp có thể áp dụng một số biện pháp làm tăng ROE như sau:

             - Tác động tới cơ cấu tài chính của doanh nghiệp thông qua điều chỉnh tỷ lệ nợ vay và tỷ lệ vốn chủ sở hữu cho phù hợp với năng lực hoạt động.

             - Tăng hiệu suất sử dụng tài sản. Nâng cao số vòng quay của tài sản, thông qua việc vừa tăng quy mô về doanh thu thuần, vừa sử dụng tiết kiệm và hợp lý về cơ cấu của tổng tài sản.

              - Tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao chất lượng của sản phẩm. Từ đó tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.

            Tóm lại, phân tích báo cáo tài chính bằng mô hình Dupont có ý nghĩa lớn đối với quản trị DN thể hiện ở chỗ có thể đánh giá đầy đủ và khách quan các nhân tố tác động đến hiêu quả sản xuất kinh doanh từ đó tiến hành công tác cải tiến tổ chức quản lý của doanh nghiệp.

Ý nghĩa của hai hệ số P/E và P/BV (26/11/2009)

           HỎI: Xin cho tôi được biết rõ về ý nghĩa của hai hệ số P/E và P/BV. Hai hệ số này có gì khác nhau?

           ĐÁP: Trong quá trình phân tích và đầu tư cổ phiếu, bên cạnh việc đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, các nhà đầu tư còn cần phải tìm được những mức giá hợp lý để đưa ra các quyết định phù hợp (mua, nắm giữ hay bán).

Để có thể đánh giá về giá của một cổ phiếu hiện tại là đắt hay rẻ, người ta thường xem xét hai chỉ tiêu là Hệ số giá trên thu nhập (P/E – Price per Earning) và Hệ số giá trên giá trị sổ sách (P/BV – Price per Book Value).

P/E

=

Giá thị trường của cổ phiếu

EPS

                 và

P/BV

=

Giá thị trường của cổ phiếu

BVPS

           Trong đó, EPS là thu nhập trên một cổ phiếu thường (Earning per Share), có thể được tính theo công thức:

EPS  

=

Lợi nhuận sau thuế chia cho

cổ đông thường

Tổng khối lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành bình quân

           Chi tiết về cách tính EPS bạn đọc có thể xem thêm Chuẩn mực kế toán số 30 được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 28/12/2005 và Hướng dẫn báo cáo chỉ tiêu lãi cơ bản trên một cổ phiếu phổ thông của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh.

            BV (Book Value) hay còn gọi là BVPS (Book Value per Share) là giá trị số sách của một cổ phần, được tính theo công thức:

BVPS  

=

Vốn CSH – Tài sản vô hình

Tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành

            Hệ số P/E, về mặt lý thuyết, cho biết số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra trả cho một đơn vị lợi nhuận đã được tạo ra trong một thời kỳ nhất định. Hệ số cao có nghĩa là nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng tạo lợi nhuận trong tương lai công ty sẽ cao hơn và ngược lại. Tuy nhiên, hệ số quá cao không hẳn là tốt nếu xảy ra tình trạng đầu cơ hoặc có quá nhiều nhà đầu tư tập trung vào một cổ phiếu (quá đắt). Bên cạnh đó, hệ số quá cao còn đồng nghĩa với việc cổ phiếu đó chứa đựng nhiều rủi ro. Nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không gặp thuận lợi và kết quả đạt được không như kỳ vọng thì khả năng sụt giảm giá của cổ phiếu càng mạnh và do đó khả năng thiệt hại đối với nhà đầu tư càng lớn.

            Hệ số P/BV được sử dụng để so sánh giá thị trường với giá trị sổ sách của một cổ phiếu. Một hệ số thấp có nghĩa là cổ phiếu này được định giá thấp và thích hợp để mua và nắm giữ nó nếu doanh nghiệp có triển vọng tốt trong tương lai. Tuy nhiên, hệ số thấp cũng có thể là do doanh nghiệp đang gặp nhiều vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể là không hợp lý nếu đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp này. Hệ số P/BV có liên quan đến chỉ tiêu "giá trị sổ sách của cổ phiếu" – cho biết giá trị mà các cổ đông thường nhận được trong trường hợp công ty bị phá sản và các tài sản được thanh lý. Vì vậy, tài sản vô hình như "Lợi thế thương mại" phải được loại trừ ra khỏi tài sản ròng vì những tài sản loại này không thể bán được (hoặc rất khó để bán) khi thanh lý.

            P/E và P/BV là hai hệ số bổ sung cho nhau trong quá trình phân tích giá cổ phiếu. Trong quá trình phân tích, các chỉ tiêu này phải được xem xét trong mối liên hệ với các chỉ tiêu cùng loại của cùng ngành, các doanh nghiệp trong ngành đồng thời kết hợp với phân tích tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để có những kết luận có ý nghĩa nhất.

Thị trường hoạt động cho vay dưới chuẩn (26/11/2009)

HỎI:

          Trong số báo trước, Tòa soạn đã giải thích về MBS là một nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính thế giới 2008. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ thời gian qua có nguyên nhân sâu xa từ thị trường cho vay dưới chuẩn. Vậy xin Ban biên tập cho biết rõ hơn về hoạt động cho vay dưới chuẩn này.

ĐÁP:

          Cho vay thế chấp dưới chuẩn (sub-prime mortgage) là một loại hình cho vay mà bên vay vốn là những người không đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn cơ bản để vay vốn. Theo đó, các chủ nợ nhận thức rõ ràng rằng chất lượng các khoản vay này là xấu và rủi ro tín dụng chủ yếu được bù đắp bằng lãi suất cao và tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp cho các khoản vay này thường chính là các bất động sản mà người vay vốn mua. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các khoản vay thế chấp này thường được kéo dài thời gian trả nợ của người đi vay dẫn đến nhiều người có khả năng vay được tiền để mua nhà dựa trên nguồn chi trả là thu nhập trong tương lai.

           Vào những năm cuối thế kỳ XX, đầu thế kỷ XXI, nhiều người cho rằng thị trường bất động sản Mỹ vẫn chưa phục hồi sau suy thoái kinh tế đầu thập kỷ 90, và đang là một địa chỉ đầu tư rất hấp dẫn. Nhu cầu đầu tư vào bất động sản tăng lên cùng với việc vốn vay thế chấp bất động sản trở nên dồi dào và việc chứng khoán hóa các khoản cho vay này đã đẩy quả bóng rủi ro ra khỏi tay người cho vay ban đầu. Các tiêu chuẩn cho vay càng trở trở nên dễ dãi hơn, người mua nhà dễ dàng vay được hàng trăm nghìn đôla trong 30 năm chỉ bằng việc nói với ngân hàng số tiền họ kiếm được hàng tháng – không cần bất cứ chứng từ nào. Khoản cho vay kiểu này được gọi là cho vay với “thu nhập tự khai báo”. Khoảng 40% tổng số thị trường cho vay dưới chuẩn (với quy mô khoảng 400 đến 500 tỷ đôla dư nợ) là những khoản cho vay thuộc hình thức này. Kể cả trong những ước tính sát thực nhất thì có đến hơn phân nửa những khoản cho vay cầm cố bất động sản là không có chứng nhận thu nhập.

            Những khoản đầu tư kiểu như ở trên, là cực kỳ rủi ro. Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao. Nhưng hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng giá nhà đất tiếp tục tăng vọt lên, rất cao. Điều đó lý giải tại sao cho vay thế chấp mua nhà đã tạo nên những lan truyền mạnh mẽ. Thị trường nhà đất Mỹ giống như một khoản đặt cược chắc chắn mà phần lớn của hệ thống tài chính toàn cầu muốn có nó.

            Sự kết hợp giữa đầu tư rủi ro cao và diễn ra tràn lan đã làm cho các ngân hàng phải co mình lại khi giá nhà đất sụt giảm và lãi suất tăng lên vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Bong bóng nhà đất đã dẫn đến đổ vỡ. Đó là lý do tại sao Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải làm những việc chưa từng có tiền lệ để lấy lại niềm tin cho nước Mỹ; và đó cũng là một nguyên nhân sâu xa lý giải cho sự bùng phát khủng hoảng thanh khoản-tín dụng-tài chính khởi đầu từ nước Mỹ cho đến hiện nay.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với việc mua bán chứng khoán (26/11/2009)

HỎI:

        Xin Ban biên tập cho tôi được biết, cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với việc mua bán chứng khoán? Nếu tôi bán chứng khoán vào ngày 29/12/1008 thì có phải chịu thuế thu nhập cá nhân năm 2009 không?

 ĐÁP:

         Ngày 30/9/2008, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 84/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có quy định đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của các nhà đầu tư (NĐT) như sau:

         - Căn cứ tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán là thu nhập tính thuế và thuế suất. Trong đó thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ giá mua và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng

          - Thuế suất: Có thể áp dụng 1 trong 2 cách tính

          + Nộp thuế theo biểu thuế toàn phần với thuế suất 20%. Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán đã đăng ký nộp thuế theo thuế suất 20% vẫn phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần. Cách tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp như sau:

Thuế thu nhập

cá nhân phải nộp

=

Thu nhập

tính thuế

x

Thuế suất 20%

           + Trường hợp cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không đăng ký nộp thuế theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20% thì áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoản từng lần. Cách tính thuế phải nộp như sau:

Thuế thu nhập

cá nhân phải nộp

=

Giá chuyển nhượng

x

Thuế suất 0,1%

            - Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau:

           + Đối với chứng khoán niêm yết: Là thời điểm TTGDCK hoặc SGDCK công bố giá thực hiện.

           + Đối với chứng khoán chưa niêm yết nhưng đã thực hiện đăng ký giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán: Là thời điểm TTGDCK công bố giá thực hiện.

           + Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên: Là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực. Trường hợp không có hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán thì thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký chuyển tên sở hữu chứng khoán.

Đối với trường hợp của anh thì thời gian thanh toán T+3 đã sang năm 2009, tức là sang năm 2009 thì tiền mới về tài khoản giao dịch chứng khoán, nhưng khoản thu nhập này đã phát sinh trước thời điểm Luật thuế Thu nhập cá nhân có hiệu lực (1/1/2009). Theo quy định của Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (có hiệu lực đến hết 31/12/2008) thì khoản thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán này chưa phải chịu thuế./

Sử dụng các công cụ MBS (26/11/2009)

HỎI:

       Một trong những nguyên nhân được nhắc tới nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 là việc sử dụng các công cụ MBS. Xin Ban biên tập giúp tôi hiểu rõ hơn về công cụ này? 

ĐÁP:

         MBS là chữ viết tắt của các từMortgage Backed Securities, là một loại chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp.

Để hiểu rõ về công cụ MSB trước hết Bản tin sẽ giúp bạn hiểu về công cụ Hợp đồng cho vay có thế chấp, hoặc thế chấp(mortgage), là cơ sở hình thành nên công cụ MBS trong hoạt động chứng khoán.

         Hợp đồng cho vay có thế chấp được coi là một công cụ nợ, là một khoản cho vay được đảm bảo bằng một loại tài sản cụ thể, thông thường là bất động sản. Nếu người đi vay không thanh toán được các khoản vay theo hợp đồng thì người cho vay được quyền nắm giữ tài sản thế chấp và bán đi để trang trải khoản cho vay. Khi người vay thanh toán hết các khoản nợ đúng hạn, khoản thế chấp này sẽ được dỡ bỏ.

         Trên cơ sở đó, chứng khoán có đảm bảo bằng thế chấp là một loại chứng khoán phái sinh có tài sản, công cụ cơ sở là các khoản thế chấp nêu trên thông qua quá trình chứng khoán hóa (Chứng khoán hóa theo nghĩa này là việc gộp lại các hợp đồng cho vay thế chấp có cùng tính chất và bán ra một loại chứng khoán mới, đại diện cho các quyền đối với tài sản hoặc đối với những dòng tiền phát sinh từ các khoản thế chấp trong tập hợp đó).

          Thông qua việc chứng khoán hóa như vậy, các hợp đồng cho vay đã trở thành công cụ được giao dịch rộng rãi và có tính thanh khoản, khác hẳn với tính chất trước đó. Điểm đáng chú ý ở đây là, các MBS từ đây có thể được giao dịch và chuyển giao không cần sự tham gia của bên thứ ba ngoài hai bên mua và bán. Các quyền đối với khoản cho vay đã được chuyển từ người này sang người khác chỉ cần sự thỏa thuận của bên mua và bán mà không cần sự có mặt của người đi vay.

          Tuy nhiên, đầu tư vào MBS cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro vì đằng sau nó là rủi ro vỡ nợ của người đi vay. Một chỉ tiêu quan trọng đo lường vấn đề này là hệ số vốn vay trên giá thị trường của tài sản bất động sản (LTV). Nếu hệ số này cao thì rủi ro vỡ nợ càng cao. Ví dụ, nếu hợp đồng cho vay chưa đáo hạn mà giá nhà đất sụt giảm mạnh thì rủi ro vỡ nợ càng dễ trở thành hiện thực. Trong trường hợp vỡ nợ xảy ra, bên cho vay không nhận được bất kỳ khoản tiền lãi nào mà còn mất chi phí, cơ hội đầu tư và các tài sản khác cũng như các chi phí liên quan đến pháp lý.

          Đây cũng chính là trường hợp xảy ra đối với cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ vừa qua. Các MBS đã được giao dịch và chuyển giao qua rất nhiều vòng, tạo nên giá trị ảo vượt xa giá trị thị trường của các tài sản cơ sở (nhà đất và bất động sản) vốn đã lâm vào tình trạng giá cả sụt giảm và mất khả năng thanh khoản. Hơn nữa, bản thân các MBS này cũng được bảo hiểm bởi các hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (Credit Default Swap - CDS) với các công ty bảo hiểm. Hậu quả là khi khủng hoảng nổ ra, hàng loạt các tổ chức tín dụng và bảo hiểm cùng chịu rủi ro vỡ nợ theo dây chuyền và nhiều công ty buộc phải phá sản./

Sự giống nhau và khác nhau giữa chỉ số VN-INDEX tại SGDCK Tp Hồ Chí Minh và chỉ số HaSTC - Index tại Trung tâm GDCK Hà Nội (26/11/2009)

HỎI:

          Xin Ban biên tập cho tôi được biết, sự giống nhau và khác nhau giữa chỉ số VN-INDEX tại SGDCK Tp Hồ Chí Minh và chỉ số HaSTC-Index tại Trung tâm GDCK Hà Nội?

ĐÁP:

           Chỉ số Vn Index thể hiện mức giá bình quân của các cổ phiếu giao dịch tại SGDCK Tp.HCM. Cũng giống như chỉ số HASTC-Index, chỉ số Vn - Index thể hiện giá bình quân của cổ phiếu hàng ngày so với phiên giao dịch gần nhất hoặc so với ngày gốc và cũng được tính theo điểm.

            Nguyên tắc tính toán cụ thể của cả hai chỉ số này như sau:

                            Tổng giá trị thị trường hiện tại

Index     =     ---------------------------------------------------   x 100

                            Tổng giá trị thị trường gốc

hoặc:

                     ∑ Pit x Qit

Index     = -----------------------  x 100

                     ∑ Pio x Qit

Trong đó:

  

     Pit: Giá thực hiện của cổ phiếu i vào thời điểm tính toán

  

     Qit: Khối lượng niêm yết của cổ phiếu i vào thời điểm tính toán

      Pio: Giá thị trường của cổ phiếu i vào ngày gốc

          

       i     : 1,……, n

       Về phương pháp tính toán, chỉ số VN-Index sử dụng phương pháp bình quân gia quyền tương tự như chỉ số HASTC-Index với quyền số là khối lượng chứng khoán thời kỳ tính toán hiện tại (Qit). Cụ thể, Vn-Index so sánh giá trị thị trường hiện hành với giá trị thị trường thời kỳ gốc là phiên giao dịch đầu tiên 28/07/2000.

        Tuy nhiên, chỉ số này có một điểm khác biệt so với chỉ số HASTC-Index về việc sử dụng giá giao dịch của cổ phiếu trong tính toán (Pi). Pi trong trường hợp này là giá khớp lệnh của chứng khoán i tương ứng, tức là mức giá đạt được khối lượng giao dịch lớn nhất trên thị trường và làm cơ sở cho thanh toán mua/bán thành công trong phiên giao dịch. Với ý nghĩa là giá khớp lệnh, Pi vì vậy sẽ là mức giá duy nhất của cổ phiếu i trong phiên giao dịch được sử dụng để tính toán chỉ số Vn-Index (khác với chỉ số HASTC-Index trong đó Pi là các mức giá thực hiện khác nhau tại nhiều thời điểm). Tuy nhiên, kể từ khi SGD chứng khoán Tp HCM áp dụng các hình thức khớp lệnh mới, chỉ số Vn-Index sẽ được hiển thị theo 3 đợt, với Pi là giá khớp lệnh dùng để tính chỉ số Vn-Index cho phiên 1 và phiên 3 (khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa và đóng cửa), và Pi là giá thực hiện tại nhiều thời điểm trong suốt phiên 2 là khớp lệnh liên tục từ 9h-10h.

Các qui định về trích lập dự phòng tài chính. (26/11/2009)

HỎI:

Hiện nay, trong Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp niêm yết báo lỗ do nguyên nhân phải trích lập dự phòng tài chính. Xin cho tôi được biết, các qui định về trích lập dự phòng tài chính.

                                                                   

ĐÁP:

           Trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính là nhằm mục tiêu bảo đảm doanh nghiệp có nguồn tài chính thường trực để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra trong trường hợp thị trường tài chính suy giảm liên tục. Trong Thông tư số 13/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 27/2/2006 cũng đã hướng dẫn chi tiết về các chế độ và cách thức trích lập dự phòng tài chính của các doanh nghiệp. Qua đó, đối tượng được trích lập là:

          - Các khoản đầu tư chứng khoán được doanh nghiệp đầu tư mà tại thời điểm kiểm kê, lập báo cáo tài chính có giá thị trường giảm so với giá đang hạch toán trên sổ kế toán (Những chứng khoán không được phép mua bán tự do trên thị trường thì không được lập dự phòng giảm giá);

         - Các khoản vốn đầu tư của doanh nghiệp vào tổ chức kinh tế đang hoạt động thua lỗ.

Chính vì thế, các doanh nghiệp phải lập Hội đồng để thẩmđịnh mức trích lập các khoản dự phòng đầu tư tài chính. Thành phần Hội đồng bao gồm: Giám đốc, Kế Toán trưởng, các trưởng phòng có liên quan và một số chuyên gia nếu cần đều do Giám đốc quyết định.

         Để làm căn cứ hạch toán vào chi phí tài chính của mình, mỗi doanh nghiệp phải lập dự phòng cụ thể cho từng loại chứng khoán đầu tư có biến động giảm giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính và được tổng hợp vào bảng kê chi tiết để dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư. Đồng thời, các doanh nghiệp phải lập dự phòng riêng cho từng khoản đầu tư tài chính có tổn thất và được tổng hợp vào bảng kê chi tiết dự phòng tổn thất đầu tư tài chính, cụ thể:

          - Đối với chứng khoán đầu tư:

Mức dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán

=

Số lượng chứng khoán bị giảm giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính

x

Giá chứng khoán hạch toán trên sổ kế toán

-

Giá chứng khoán thực tế trên thị trường

          - Đối vớiđầu tư tài chính dài hạn: Mức  trích tối đa cho mỗi khoản đầu tư tài chính bằng số vốn đã đầu tư và tính theo công thức sau: 

Mức dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính

=

Vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế 

-

Vốn chủ

sở hữu thực có

x

Vốn đầu tư của doanh nghiệp

Tổng vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế

ách tính tỷ suất sinh lời trên tài sản và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (19/11/2009)

           HỎI: Khi phân tích khả năng sinh lời của một doanh nghiệp, các bài phân tích thường đưa ra hai hệ số là tỷ suất sinh lời trên tài sản và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu. Xin cho tôi được biết ý nghĩa và cách tính hai chỉ tiêu này? 

           ĐÁP: Khi đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp, các nhà phân tích thường xem xét hai chỉ tiêu là tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA – Return on Total Asset) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE – Return on Equity). Về cơ bản, hai chỉ tiêu ROA và ROE càng cao càng tốt, tức là doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả cao.  

                

               Công thức tính toán hai chỉ tiêu này như sau:

ROA

=

Lợi nhuận sau thuế

× 100

Tổng tài sản

                 và

ROE

=

Lợi nhuận sau thuế

× 100

Vốn chủ sở hữu

           Số liệu về Lợi nhuận sau thuế được lấy từ báo cáo kết quả kinh doanh còn chỉ tiêu Tổng tài sản và Vốn chủ sở hữu được lấy từ bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Chỉ tiêu ROA thể hiện tính hiệu quả của quá trình tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả chỉ tiêu cho biết bình quân cứ một đồng tài sản được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh thì tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Ví dụ, ROA = 10% có nghĩa là bình quân một đồng tài sản sử dụng trong sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra 0,1 đồng lợi nhuận. Mặc dù vậy, không phải bất kỳ một đồng tài sản nào cũng tạo ra 0,1 đồng lợi nhuận.

           Tương tự, chỉ tiêu ROE cho biết số lợi nhuận được thu về cho các chủ sở hữu doanh nghiệp sau khi họ đầu tư một đồng vốn vào sản xuất kinh doanh.

           Vấn đề lưu ý khi tính toán hai chỉ tiêu này là có thể số liệu Tổng tài sản và Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối kỳ không phải là con số đại diện nên nó không phản ánh đúng thực chất tình hình tài chính của doanh nghiệp trong cả một thời kỳ. Vì vậy, người ta thường sử dụng các chỉ tiêu Tổng tài sản bình quân và Vốn chủ sở hữu bình quân (nếu có thể) khi tính toán ROA và ROE:

               Số trung bình = (số đầu kỳ + số cuối kỳ)/2

           Bên cạnh đó, khi tính ROA người ta cũng có thể sử dụng chỉ tiêu EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi vay) hoặc Lợi nhuận sau thuế + Lãi vay_(1-t) để thay thế cho chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế (trong đó t là thuế xuất Thuế thu nhập doanh nghiệp).

ROA

=

EBIT

× 100

Tổng tài sản

                 hoặc

ROA

=

LNST + Lãi vay×(1-t)

× 100

Tổng tài sản

           Theo quan điểm này, ROA là chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời của tổng tài sản trong khi nguồn hình thành tài sản bao gồm cả vốn chủ sở hữu và vốn vay. Theo ý nghĩa này, các chi phí về vốn vay (chi phí lãi vay) và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng phải được cộng vào để tính hiệu quả của doanh nghiệp chứ không chỉ bao gồm phần mà chủ doanh nghiệp thu về.

Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo AIM (03/11/2009)

         Sở GDCK Tokyo AIM được thành lập dựa theo mô hình của Sở GDCK London AIM (London Alternative Investment Market). Mô hình thị trường giao dịch dành cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng này xuất hiện từ năm 1995, đến năm 2008, trên Sở GDCK London AIM có 1.439 công ty niêm yết, (trong đó có 282 công ty nước ngoài), tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 47,5 tỷ bảng Anh. Phần lớn các nhà đầu tư có tổ chức hàng đầu ở châu Âu đều nắm giữ các cổ phiếu trên London AIM trong danh mục. Các nhà đầu tư trên Sở GDCK này phần lớn là nhà đầu tư có tổ chức hoặc nhà đầu tư cá nhân có giá trị danh mục lớn. Sở GDCK London AIM hiện nay đặc biệt thu hút các cổ phiếu ngành năng lượng, tài nguyên, tài chính và bất động sản.

        Việc thành lập Tokyo AIM được cân nhắc sau khi Chính phủ Nhật Bản tiến hành sửa đổi Luật Giao dịch các công cụ tài chính vào năm 2008, dựa trên mô hình và kinh nghiệm của Anh, Chính phủ đã quyết định thành lập mô hình tương tự tại Nhật Bản. Mục đích của việc thành lập Tokyo AIM nhằm củng cố vị thế trung tâm tài chính châu Á của Nhật Bản và đóng góp vào sự phát triển kinh tế ở Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung. Tokyo AIM cung cấp cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng ở Nhật Bản và châu Á một kênh huy động vốn mới, đồng thời tạo ra các cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp bản địa và quốc tế.

    · Về cơ cấu tổ chức: Tokyo AIM chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6 năm 2009, là công ty liên doanh giữa Sở GDCK Tokyo (sở hữu 51% vốn) và Sở GDCK London (sở hữu 41% vốn).

   · Về đối tượng tham gia: Sở GDCK Tokyo AIM hình thành dựa trên 3 đối tượng tham gia. Thứ nhất, các công ty niêm yết là những doanh nghiệp đang tăng trưởng; thứ hai, các nhà đầu tư là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn; thứ ba là các công ty tư vấn (còn gọi là J-Nomads).

   · Về J-Nomads: J-Nomads đóng vai trò rất quan trọng trên Tokyo AIM, họ là các công ty tư vấn tài chính có danh tiếng, có tình hình tài chính tốt và có đội ngũ nhân viên tư vấn tài chính giỏi. Vì thế, phần lớn các J-Nomads là các công ty chứng khoán. Cho đến nay, đã có 6 công ty chứng khoán được công nhận là J-Nomads, gồm: CTCK Daiwa SMBC, CTCK Mitsubishi UFJ, CTCK và đầu tư Mizuho, CTCK Mizuho, CTCK Nikko Cordial, và CTCK Nomura. Các J-Nomads này sẽ chịu trách nhiệm xem xét hồ sơ xin niêm yết trên Sở GDCK Tokyo AIM, kiểm tra xem các doanh nghiệp có đáp ứng các điều kiện niêm yết do chính J-Nomads đó đặt ra hay không. Sau khi đánh giá hồ sơ niêm yêt của doanh nghiệp là đủ điều kiện, J-Nomad sẽ chuyển hồ sơ cho Sở Tokyo AIM để Sở cấp giấy phép niêm yết.

Điểm đặc biệt của việc áp dụng hệ thống J-Nomads là ở chỗ:

    - Sở Tokyo AIM không đặt ra 1 điều kiện niêm yết cụ thể nào, các điều kiện niêm yết do chính các J-Nomads đề ra;

    - Một doanh nghiệp muốn niêm yết trên Sở GDCK Tokyo AIM buộc phải lựa chọn 1 J-Nomads làm tư vấn niêm yết cho mình;

    - Ngoài việc tư vấn, xem xét các điều kiện niêm yết, các J-Nomads sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ cho các công ty niêm yết trong suốt quá trình công ty đó niêm yết trên Tokyo AIM (ví dụ như tư vấn về quản trị công ty, hỗ trợ công bố thông tin…);

    - Khi một công ty niêm yết dừng sử dụng dịch vụ của một J-Nomads, trong vòng 1 tháng, họ phải tìm một J-Nomads khác thay thế, nếu không tìm được 1 J-Nomads khác, công ty niêm yết đó sẽ bị đưa vào danh sách bị giám sát của Sở và có thể bị hủy niêm yết. Mặt khác, bản thân J-Nomads phải đảm bảo hoạt động minh bạch, một là để duy trì danh tiếng J-Nomad của mình trên thị trường và thu hút thêm khách hàng, hai là để đảm bảo lợi ích cho các khách hàng của mình. Bởi thế, mối quan hệ giữa công ty niêm yết, J-Nomads và Sở GDCK Tokyo AIM khá chặt chẽ.

    · Về các nhà đầu tư trên Sở GDCK Tokyo AIM: Chỉ có các nhà đầu tư đủ điều kiện mới được tham gia giao dịch trên Tokyo AIM, bao gồm:

    - Các nhà đầu tư có tổ chức, các công ty niêm yết, công ty tư nhân có vốn trên 500 triệu Yên;

    - Các Ngân hàng, tổ chức của nhà nước và của địa phương;

    - Nhà đầu tư cá nhân có giá trị tài sản ròng trên 300 triệu Yên và có ít nhất 1 năm kinh nghiệm đầu tư tài chính;

    - Các nhà đầu tư nước ngoài.

    · Những thế mạnh của Sở GDCK Tokyo AIM:

    - Tiết kiệm thời gian: Vì những thủ tục niêm yết được rút gọn so với thủ tục niêm yết trên các Sở GDCK khác, bao gồm:

Sở GDCK khác

Sở GDCK Tokyo AIM

Ngôn ngữ công bố thông tin

Tiếng Nhật

Tiếng Nhật hoặc Tiếng Anh

Chuẩn mực kế toán

Chuẩn mực kế toán Nhật Bản

Chuẩn mực kế toán Nhật Bản, chuẩn mực kế toán Mỹ, hoặc các hệ thống chuẩn mực kế toán khác do các J-Nomads chấp thuận

Tiêu chuẩn niêm yết

Các quy định về số cổ đông tối thiểu, lợi nhuận, mức vốn hóa thị trường…

Không có tiêu chuẩn chung mà áp dụng các tiêu chuẩn cụ thể do từng J-Nomads đề ra

Thời gian xem xét hồ sơ

2-4 tháng

Tối thiểu 10 ngày làm việc

Báo cáo kiểm toán

2 năm gần nhất

1 năm trước đó

Báo cáo kiếm toán nội bộ

Phải có

Không yêu cầu

Báo cáo quý

Phải có

Không yêu cầu

Nhà đầu tư

Không hạn chế

Nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài

    - Tiết kiệm chi phí: Chi phí niêm yết giảm đi nhiều, riêng phần tiết kiệm cho báo cáo kiểm toán nội bộ không phải nộp đã tiết kiệm được khoảng 100tr Yên;

    - Tính linh hoạt: Rất nhiều công ty và các loại công cụ trước đây chưa được niêm yết tại Nhật Bản thì nay có thể niêm yết trên Sở GDCK Tokyo AIM;

    - Tính quốc tế: Tiếng Anh được sử dụng trong các hồ sơ xin niêm yết và các chuẩn mực kế toán khác ngoài chuẩn mực kế toán của Nhật Bản là điều kiện rất thuận lợi đối với các công ty nước ngoài muốn niêm yết tại Nhật Bản;

     - Thương hiệu: Bởi vì Sở GDCK Tokyo là liên doanh giữa London AIM và TSE nên nhận được nhiều trợ giúp về kỹ thuật (hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch), kiến thức cũng như danh tiếng từ 2 Sở GDCK trên.

     - Chất lượng thông tin: Thông tin cung cấp cho các nhà đầu tư có tổ chức, chuyên nghiệp yêu cầu cao hơn, sâu hơn, chất lượng hơn, mặc dù số lần công bố thông tin định kỳ giảm (từ 4 lần/năm xuống còn 2 lần/năm).

     Ông Tetsutaro Muraki, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Sở GDCK Tokyo AIM cho rằng, Sở GDCK Tokyo AIM sẽ là thị trường cho các nhà đầu tư trung và dài hạn, giúp họ tiếp cận với các công ty trong nước và nước ngoài. Ông cũng hy vọng rằng, Tokyo AIM cung cấp 1 giải pháp huy động vốn cho các doanh nghiệp không chỉ ở Nhật Bản mà ở toàn khu vực và sẽ là động lực quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản nói riêng và châu Áu nói chung.

Cổ phiếu quỹ là gì và khi nào công ty có cổ phiếu quỹ? (29/10/2009)

          HỎI: Trong Bảng cân đối kế toán của một số công ty, tôi thấy có chỉ tiêu cổ phiếu quỹ. Xin cho tôi được biết, cổ phiếu quỹ là gì và khi nào công ty có cổ phiếu quỹ?

           ĐÁP: Theo quy định của pháp luật chứng khoán Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, cổ phiếu quỹ là cổ phiếu đã được công ty cổ phần đại chúng phát hành và được chính công ty phát hành đó mua lại bằng nguồn vốn hợp pháp. 

          Như vậy, CPQ hình thành khi công ty đại chúng thực hiện mua lại từ khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường; và CPQ không có nghĩa là những cổ phiếu phát hành không thành công.

            CPQ có một số đặc điểm khác với cổ phiếu phổ thông như sau: Không được trả cổ tức; không có quyền biểu quyết và quyền mua cổ phiếu mới; Tổng số CPQ không được phép vượt quá tỷ lệ vốn hóa mà luật pháp quy định.

             Do thực hiện mua CPQ từ nguồn vốn hợp pháp nên việc công ty mua cổ phiếu đang lưu hành sẽ làm giảm nguồn vốn chủ sở hữu hay giá trị sổ sách của công ty một lượng bằng giá trị cổ phiếu công ty đã mua vào. Khi công ty bán ra số CPQ đó, giá trị sổ sách của công ty sẽ tăng lên một lượng bằng giá trị cổ phiếu công ty bán ra. Chênh lệch giữa hai khoản đó được ghi vào thặng dư vốn cổ phần của công ty.

             Thực tế cho thấy công ty đại chúng thường mua lại cổ phiếu mình đã phát hành trong các trường hợp sau:

             - Giá cổ phiếu của công ty thấp, công ty quyết định mua lại một lượng cổ phiếu của chính công ty để kích cầu tăng giá. Việc tổ chức phát hành mua cổ phiếu của chính công ty có thể tác động tới thị trường, làm cho tình hình giao dịch cổ phiếu của công ty sôi động hơn và hạn chế tốc độ giảm giá của cổ phiếu, thậm trí, còn giúp cổ phiếu tăng giá trở lại.

             - Công ty mua lại cổ phiếu đã phát hành sẽ làm cho lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm, dẫn tới thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng.

             - Công ty kỳ vọng giá cổ phiếu của công ty sẽ tăng trong tương lai nên mua lại cổ phiếu của chính công ty như một cơ hội đầu tư.

             - Công ty mua lại cổ phiếu của công ty để thưởng cho nhân viên…

Quy định về trích lập dự phòng tài chính (09/10/2009)

       HỎI: Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp niêm yết báo lỗ trong Báo cáo tài chính, nguyên nhân là do phải trích lập dự phòng tài chính. Xin giúp tôi hiểu rõ các quy định về trích lập dự phòng tài chính?

(Lê Xuân Quang - Hải Phòng)

       

        ĐÁP: Trong quá trình hoạt động, việc doanh nghiệp trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính là nhằm mục tiêu bảo đảm doanh nghiệp có nguồn tài chính thường trực để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra trong trường hợp thị trường tài chính suy giảm liên tục. Các quy định về chế độ và cách thức trích lập dự phòng tài chính của các doanh nghiệp đã được hướng dẫn chi tiết trong Thông tư số 13/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 27/2/2006. Qua đó, đối tượng được trích lập bao gồm:

        

        - Các khoản đầu tư chứng khoán được doanh nghiệp đầu tư mà tại thời điểm kiểm kê, lập báo cáo tài chính có giá thị trường giảm so với giá đang hạch toán trên sổ kế toán (những chứng khoán không được phép mua bán tự do trên thị trường thì không được lập dự phòng giảm giá);

        - Các khoản vốn đầu tư của doanh nghiệp vào tổ chức kinh tế đang hoạt động thua lỗ.

Chính vì thế, các doanh nghiệp phải lập Hội đồng để thẩm định mức trích lập các khoản dự phòng đầu tư tài chính. Thành phần Hội đồng bao gồm: Giám đốc, Kế Toán trưởng, các trưởng phòng có liên quan và một số chuyên gia nếu cần đều do Giám đốc quyết định.

        Để làm căn cứ hạch toán vào chi phí tài chính của mình, mỗi doanh nghiệp phải lập dự phòng cụ thể cho từng loại chứng khoán đầu tư có biến động giảm giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính và được tổng hợp vào bảng kê chi tiết để dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư. Đồng thời, các doanh nghiệp phải lập dự phòng riêng cho từng khoản đầu tư tài chính có tổn thất và được tổng hợp vào bảng kê chi tiết dự phòng tổn thất đầu tư tài chính, cụ thể:

      - Đối với chứng khoán đầu tư:

Mức dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán

=

Số lượng chứng khoán bị giảm giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính

x

Giá chứng khoán hạch toán trên sổ kế toán

-

Giá chứng khoán thực tế trên thị trường

     - Đối vớiđầu tư tài chính dài hạn: Mức  trích tối đa cho mỗi khoản đầu tư tài chính bằng số vốn đã đầu tư và tính theo công thức sau: 

Mức dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính

=

Vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế 

-

Vốn chủ

sở hữu thực có

x

Vốn đầu tư của doanh nghiệp

__________________ 

Tổng vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế

Sự khác nhau giữa Công ty đại chúng chưa niêm yết và công ty đại chúng niêm yết trên SGDCK Tp. Hồ Chí Minh. (09/10/2009)

       HỎI: Xin Bản tin UBCKNN cho tôi được hỏi sự khác nhau giữa công ty đại chúng (CtyĐC) chưa niêm yết và công ty đại chúng niêm yết trên SGDCK Tp. Hồ Chí Minh (HOSE).                                                                                   

Phan Thanh Liêm (Phú Thọ)

        ĐÁP: Trước hết, Bản tin sẽ giúp bạn hiểu như thế nào là CtyĐC.CtyĐC là công ty cổ phần thuộc một trong 3 loại hình sau (theo Điều 25 Luật Chứng khoán):

       - Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng;

       - Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại SGDCK hoặc TTGDCK;

       - Công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên.

         Với 3 loại hình trên, bạn đã có thể nhận thấy có CtyĐC chưa niêm yết là loại hình 1 và 3, CtyĐC đã niêm yết trên SGDCK hoặc TTGDCK là loại hình 2.

      

       Để thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty cổ phần phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định (Điều 12 Luật Chứng khoán):

        1) Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

        2) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán;

        3) Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

         Một công ty muốn niêm yết cổ phiếu trên SGDCK Tp. Hồ Chí Minh nhất thiết phải là CtyĐC. Tuy nhiên, một công ty cổ phần sau khi trở thành CtyĐC, không có nghĩa công ty đã có thể niêm yết trên SGDCK. Để được niêm yết trên SGDCK, CtyĐC phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 8 Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 của Chính phủ.

        Từ các điều kiện để trở thành CtyĐC và CtyĐC niêm yết trên SGDCK, CtyĐC chưa niêm yết và CtyĐC đã niêm yết khác nhau ở một số điểm sau:

       Về vốn điều lệ: CtyĐC phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ VNĐ trở lên trong khi CtyĐC đã niêm yết phải có vốn điều lệ từ 80 tỷ VNĐ trở lên;

       Về năng lực sản xuất kinh doanh: Năng lực sản xuất kinh doanh của CtyĐC là có lãi 1 năm trước khi chào bán trong khi năng lực sản xuất kinh doanh của CtyĐC niêm yết phải là có lãi 2 năm trước khi niêm yết;

       Về tính đại chúng: CtyĐC yêu cầu tối thiểu 100 nhà đầu tư nắm giữ không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp là các tổ chức tài chính trong khi CtyĐC niêm yết yêu cầu thêm điều kiện là 100 cổ đông nắm giữ ít nhất 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết;

       Về thời gian nắm giữ cổ phiếu của các thành viên trong ban lãnh đạo công ty: CtyĐC không quy định tỷ lệ và thời gian nắm giữ bắt buộc của các thành viên lãnh đạo trong khi CtyĐC niêm yết trên SDGCK yêu cầu ban lãnh đạo phải nắm giữ 100% trong 6 tháng đầu tiên và 50% trong 6 tháng tiếp theo kể từ ngày niêm yết./

Phương pháp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật trong phân tích đầu tư chứng khoán (09/10/2009)

      Hỏi: Trong phân tích đầu tư chứng khoán, tôi thường nghe nói về các phương pháp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Xin giải thích về sự khác nhau của các phương pháp này?

(Nguyễn Trần Thảo – Hòa Bình)

       Đáp: Về vấn đề này xin trả lời bạn như sau:

       Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis):

       Là phương pháp phân tích cổ phiếu dựa vào các nhân tố mang tính chất nền tảng, có tác động hoặc dẫn tới sự thay đổi giá cả của cổ phiếu nhằm chỉ ra giá trị nội tại (intrinsic value) của cổ phiếu trên thị trường.

       Các nhân tố cơ bản cần nghiên cứu bao gồm: phân tích thông tin cơ bản về công ty; Phân tích báo cáo tài chính của công ty; Phân tích hoạt động kinh doanh của công ty; Phân tích ngành mà công ty đang hoạt động và phân tích các điều kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng chung đến giá cả cổ phiếu. Sau khi nghiên cứu, nhà phân tích có nhiệm vụ phải chỉ ra được những dự đoán cho những chỉ tiêu quan trọng như thu nhập kỳ vọng, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu, giá trị hợp lý của cổ phiếu, các đánh giá quan trọng cũng như khuyến nghị mua/bán cổ phiếu trên thị trường.

       Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis):

       Là phương pháp dựa vào biểu đồ, đồ thị diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch của cổ phiếu nhằm phân tích các biến động cung cầu đối với cổ phiếu để chỉ ra cách ứng xử trước mắt đối với giá cả, tức là chỉ cho nhà phân tích thời điểm nên mua vào, bán ra hay giữ nguyên cổ phiếu trên thị trường.

       Vì vậy, nhà phân tích kỹ thuật chủ yếu dựa vào nghiên cứu biến động giá thị trường của cổ phiếu, và tập trung nhấn mạnh vào hành vi biến động về giá và về khối lượng giao dịch cũng như các xu hướng của hành vi giá và khối lượng đó.

       Để thực hiện được phân tích kỹ thuật, cần có ba giả định sau:

      1. Hành vi của bất kỳ cổ phiếu nào, hoặc của cả thị trường cổ phiếu, đều có thể liên quan đến xu hướng diễn biến theo thời gian, trong đó xu hướng là phương hướng chính đi lên hay đi xuống của cổ phiếu (hoặc cả thị trường cổ phiếu);

      2. Biến động giá không phải là ngẫu nhiên mà chúng xảy ra dưới các dạng thức có thể được phân tích để dự đoán biến động tương lai Biến động thị trường được phản ánh tất cả trong giá cổ phiếu;

      3. Lịch sử được lặp lại do bản chất của con người (nhà đầu tư) là không đổi nên sẽ lặp lại những hành vi giống nhau trước những tình huống tương tự, và điều đó dẫn đến các xu hướng giá cả lặp lại.

 In bài viết 

Các bước thực hiện công bố thông tin của công ty đại chúng trên Website UBCKNN

(09/10/2009)

HỎI:

Tôi là người điều hành một công ty đại chúng (CtyĐC). Xin cho tôi biết các bước thực hiện công bố thông tin của công ty đại chúng trên Website UBCKNN.

(Nguyễn Thành Văn – Bình Dương)

     

        ĐÁP:

Để thực hiện công bố thông tin trên Website UBCKNN, CtyĐC cần thực hiện các bước sau:  

       Bước 1:

Đăng ký người thực hiện công bố thông tin với UBCKNN.

Người thực hiện công bố thông tin trong công ty là: Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc; hoặc người được ủy quyền công bố thông tin. Trường hợp thay đổi người được uỷ quyền công bố thông tin CtyĐC phải thông báo bằng văn bản cho UBCKNN ít nhất năm (05) ngày làm việc trước khi có sự thay đổi.

         Đồng thời, CtyĐC phải đăng ký Hộp thư điện tử (e-mail) của công ty dùng để gửi thông tin công bố trên Website UBCKNN cho UBCKNN.

        Bước 2:

Gửi thông tin đến UBCKNN, CtyĐC gửi qua Bưu điện hoặc gửi trực tiếp tại UBCKNN: 01 bộ tài liệu thông tin cần công bố (bản chính) có đầy đủ dấu và chữ ký hợp lệ theo quy định của pháp luật; Gửi thông tin qua Fax (và đồng thời gửi bản chính đến UBCKNN). Đồng thời, gửi qua e-mail tới UBCKNN: file dữ liệu điện tử theo định dạng quy định.

       Bước 3: Kiểm tra thông tin

        - Đối với CtyĐC:

Sau khi UBCKNN công bố thông tin trên Website UBCKNN, CtyĐC theo dõi và kiểm tra lại tính chính xác của những thông tin đã đăng tải so với những thông tin công ty gửi cho UBCKNN.

       - Đối với UBCKNN:

Nếu phát hiện thông tin công bố có những sai sót, sai lệch, UBCKNN sẽ báo ngay cho công ty để kịp thời chỉnh sửa, cải chính (UBCKNN sẽ liên lạc với người thực hiện công bố thông tin hoặc người có trách nhiệm của công ty để xác nhận trước khi công bố trên Website UBCKNN).

        Bước 4: Cải chính thông tin (nếu có)

        - Nếu thông tin đã đăng tải có sự sai lệch, công ty phải phản hồi ngay lại với UBCKNN (theo số điện thoại: 04.9340 773).

        - Nếu UBCKNN có yêu cầu cải chính thông tin, công ty phải kịp thời cải chính, gửi lại thông tin chính xác cho UBCKNN theo địa chỉ nhận thông tin công bố trên Website UBCKNN./

Giao dịch repo chứng khoán (09/10/2009)

        Hỏi: Tôi được bạn bè khuyên tham gia “repo” cổ phiếu nhưng thực tế chưa hiểu rõ về bản chất của hình thức giao dịch này. Xin giúp tôi hiểu rõ về giao dịch repo chứng khoán.

(Đồng Khánh Hòa- Hà Nội)

        Đáp: Hiện nay, trên TTCK Việt Nam, có nhiều CtyCK đã thực hiện loại hình giao dịch repo với nhà đầu tư. Về bản chất, Đây là giao dịch cho vay tiền thông qua hợp đồng mua bán kỳ hạn cổ phiếu với những điểm chung như sau:

         - Hai bên hợp đồng là nhà đầu tư và CtyCK. Nhà đầu tư ký hợp đồng mua bán có kỳ hạn với một CtyCK với điều khoản bán cổ phiếu cho CtyCK theo giá thỏa thuận, thông thường từ 30-65% so với giá thị trường của cổ phiếu.

         - Khi đến hạn, nhà đầu tư mua lại số cổ phiếu này với bằng với giá đã bán cộng với một khoản phí gọi là “lãi suất repo” tính trên tổng giá trị khoản mua bán và thông thường tương đương với lãi suất cho vay của ngân hàng (có công ty tính với một cách khác là giá mua lại với giá cao hơn giá bán ban đầu; và chênh lệch giữa hai giá này được coi là lãi suất repo).

         - Trường hợp giá cổ phiếu giảm quá đến một tỷ lệ nào đó (thông lệ 20%), CtyCK có quyền nắm giữ và bán cổ phiếu (thanh lý) để thu hồi vốn. Nếu giá bán thấp hơn giá đã mua thì nhà đầu tư phải nộp bù cho CtyCK; ngược lại, nếu giá bán cao hơn giá của công ty đã mua của nhà đầu tư theo hợp đồng trước đó thì khoản chênh lệch này được trả lại cho nhà đầu tư.

         - Mọi quyền lợi liên quan đến cổ phiếu trong thời hạn hợp đồng vẫn thuộc về nhà đầu tư (cổ tức nếu nhận được sẽ được CtyCK khấu trừ khi nhà đầu tư thực hiện mua lại).

        Như vậy, giao dịch “repo” ở Việt Nam gần với hình thức giao dịch Bán/Mua lại cổ phiếu và đa số “repo” ở Việt Nam không có sự khác nhau giữa giá bán ban đầu và giá mua lại cổ phiếu. Xét về mặt lãi suất trong loại giao dịch “repo” này, nhà đầu tư chỉ có thể vay tiền với mức lãi suất tương đương lãi suất ngân hàng; đồng thời có thể đáp ứng nhu cầu vốn mà không cần phải bán đi chứng khoán. Một điểm lưu ý khác nữa là so với thông lệ quốc tế, công cụ chứng khoán cơ sở ở đây là cổ phiếu, khác với trái phiếu trong một giao dịch repo điển hình ở các nước khác./

(Phòng phân tích nghiên cứu thị trường - Trung tâm NCKH&ĐTCK)

Lợi ích của cổ đông thiểu số là gì và cách thức ghi nhận trong báo cáo tài chính doanh nghiệp hợp nhất như thế nào? (08/10/2009)

             HỎI: Tôi nhận thấy trong các báo cáo tài chính doanh nghiệp niêm yết có khoản mục “Lợi ích của cổ đông thiểu số”. Xin cho biết lợi ích của cổ đông thiểu số là gì và cách thức ghi nhận trong báo cáo tài chính doanh nghiệp hợp nhất như thế nào?

             ĐÁP: Về cơ bản, có thể hiểu lợi ích của cổ đông thiểu số (minority interest)là một khoản mục nằm trong Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ (gồm một hoặc nhiều công ty con) nhằm phản ánh phần tài sản hoặc thu nhập của công ty con. Điều này cũng phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế để đảm bảo phân biệt rõ lợi ích của các cổ đông thiểu số tại công ty con trong tổng thể lợi ích chung của cả nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ, khi hợp nhất báo cáo tài chính.

             Theo định nghĩa tại Chuẩn mức kế toán Việt Nam số 25 (Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con), thì “lợi ích của cổ đông thiểu số là một phần thuộc kết quả hoạt động thuần và giá trị tài sản thuần của một công ty con được xác định tương ứng cho các phần lợi ích không phải do công ty mẹ sở hữu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty con”.

              Về hình thức, lợi ích của cổ đông thiểu số được trình bày rõ trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất. Theo đó, trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất, lợi ích cổ đông thiểu số phải được trình bày thành chỉ tiêu tách biệt với nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty mẹ. Phần sở hữu của cổ đông thiểu số trong thu nhập của tập đoàn cũng cần được trình bày thành chỉ tiêu riêng biệt.

              Lợi ích của cổ đông thiểu số trong tài sản thuần bao gồm 2 dạng:

              - Giá trị các tài sản thể hiện cổ đông thiểu số tại ngày hợp nhất kinh doanh ban đầu được xác định phù hợp với Chuẩn mực kế toán Việt Nam “Hợp nhất kinh doanh”. Tức là các tài sản thể hiện lợi ích của cổ đông thiểu số tại công ty con được hình thành từ trước tính tới thời điểm công ty mẹ tiến hành mua lại hoặc sáp nhập với một công ty con (hoặc nắm quyền kiểm soát công ty con này dưới hình thức gián tiếp, thông qua một công ty con trung gian khác).

              - Phần tài sản thể hiện lợi ích của cổ đông thiểu số trong sự biến động của tổng vốn chủ sở hữu kể từ ngày hợp nhất kinh doanh. Phần tài sản thể hiện lợi ích của cổ đông thiểu số được xác định tại thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ thể hiện thời gian hoạt động sau thời điểm kết thúc quá trình đầu tư của công ty mẹ vào công ty con. Khi đó, các biến động của tài sản thuần và nguồn vốn chủ sở hữu trong thời gian hoạt động của công ty con sẽ được tính toán lại và phân bổ lại vào khoản mục "Lợi ích của cổ đông thiểu số" trên báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ./

Phương pháp định giá cổ phiếu dựa trên hệ số P/E (30/09/2009)

          HỎI: Định giá cổ phiếu dựa trên hệ số P/E là phương pháp phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật? Xin cho tôi biết rõ hơn về phương pháp định giá cổ phiếu này. 

          ĐÁP: Định giá cổ phiếu dựa trên hệ số P/E (Price per Earnings) là phương pháp phân tích cơ bản thuộc nhóm phương pháp dựa vào các hệ số. Đây là phương pháp đơn giản để định giá cổ phiếu vì không cần nhiều thời gian phân tích số liệu.

          Công thức định giá: P = EPS x P/E

          Trong đó, P (Price) là giá cổ phiếu, EPS (Earnings per Share) là lãi cơ bản trên cổ phiếu và P/E là hệ số giá/thu nhập của ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động.

          Về lý thuyết, có thể áp dụng P/E bình quân toàn ngành mà doanh nghiệp tham gia hoặc lựa chọn một doanh nghiệp có cổ phiếu được giao dịch rộng rãi có cùng tỷ lệ lợi nhuận, độ rủi ro và mức tăng trưởng tương tự như cổ phiếu cần định giá.

          

           P/E bình quân ngành có thể được tính theo công thức sau:

           Định giá theo phương pháp P/E có ưu điểm là có thể dùng để định giá cổ phiếu trong nhiều trường hợp như sáp nhập, mua lại, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, hoặc thậm chí định giá các cổ phiếu chưa được giao dịch. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm. Do thu nhập (Earnings) là những số liệu kế toán cơ bản nên nếu trong ngành, các doanh nghiệp không áp dụng các nguyên tắc kế toán giống nhau thì cũng không nên sử dụng phương pháp này để định giá cổ phiếu.

            Thông thường, khi định giá cổ phiếu bằng phương pháp P/E thì các nhà đầu tư thường quan tâm thêm tới 3 hệ số nữa là giá trên giá trị sổ sách (P/BV), giá trên dòng tiền (P/Cash Flow) và giá trên doanh thu bán hàng (P/Sales). Đồng thời, khi định giá cổ phiếu, bạn nên tham khảo thêm các phương pháp khác như phương pháp chiết khấu luồng cổ tức, chiết khấu luồng tiền, để đưa ra được quyết định đầu tư đúng đắn nhất./

Đầu tư vào trái phiếu trên hệ thống tại SGDCK Hà Nội (25/09/2009)

           HỎI: Tôi đang có ý định đầu tư vào trái phiếu trên hệ thống sắp khai trương tại SGDCK Hà Nội. Tuy nhiên, tất cả các giao dịch đều phải thông qua các thành viên, trong khi nguồn thông tin liên quan đến dịch vụ và khả năng kiểm soát rủi ro của các thành viên này như thế nào. cho tôi biết rõ hơn về vấn đề này?

           ĐÁP: Theo các quy định hiện hành, bạn cần biết tất cả các thành viên giao dịch trái phiếu trên hệ thống giao dịch sắp tới tại SGDCK Hà Nội đều phải hoạt động theo các nguyên tắc công bố thông tin (CBTT) sau đây:

           - Thông tin công bố phải đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật.

           - Thông tin công bố phải do Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc hoặc người được Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc ủy quyền CBTT thực hiện.

           - Thông tin công bố phải được thực hiện đồng thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.

           Nhà đầu tư có thể tìm hiểu thông tin về các thành viên do các thành viên công bố qua các phương tiện sau đây dưới hình thức văn bản hoặc dữ liệu điện tử:

           - Báo cáo thường niên, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm khác của tổ chức;

           - Các phương tiện CBTT của UBCKNN bao gồm: báo cáo thường niên, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm khác của UBCKNN;

           - Các phương tiện CBTT của SGDCK Hà Nội bao gồm: Bản tin thị trường chứng khoán, trang thông tin điện tử của SGDCK Hà Nội, các trạm đầu cuối tại SGDCK;

            - Phương tiện thông tin đại chúng.

            Trong giao dịch trái phiếu trên hệ thống thông qua thành viên, nhà đầu tư có thể hoàn toàn tin tưởng vào tính chuyên nghiệp và khả năng phòng ngừa rủi ro bởi các quy định chặt chẽ liên quan mà các thành viên phải tuân thủ, gồm có:

            - Thành viên phải ký hợp đồng bằng văn bản khi mở tài khoản giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP) cho khách hàng;

            - Thành viên phải thống nhất và công khai hình thức tiếp nhận, xử lý giao dịch TPCP của khách hàng tại trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch, đại lý nhận lệnh. Các chứng từ liên quan đến giao dịch phải được lưu trữ tại địa điểm tiếp nhận yêu cầu. Kết quả thực hiện giao dịch phải được thông báo cho khách hàng ngay trong ngày thực hiện giao dịch theo đúng hình thức đã thỏa thuận với khách hàng. Thành viên phải gửi sao kê tài khoản tiền và trái phiếu hàng tháng khi có yêu cầu từ khách hàng;

            - Tất cả các phiếu xác nhận kết quả giao dịch in từ hệ thống giao dịch được lưu trữ bởi thành viên làm căn cứ pháp lý phục vụ công tác báo cáo, kiểm tra, đối chiếu giao dịch khi phát sinh tranh chấp.

            - Thành viên phải ưu tiên thực hiện lệnh môi giới cho khách hàng trước lệnh tự doanh của thành viên với mức giá thực hiện tốt nhất có thể trên hệ thống giao dịch TPCP của SGDCK Hà Nội. Mức giá thực hiện tốt nhất có thể là mức giá chỉ định hoặc tốt hơn mức giá chỉ định của khách hàng;

            - Thành viên phải lưu trữ, bảo mật tài khoản và hồ sơ giao dịch TPCP của khách hàng theo quy định của pháp luật;

             - Đối với giao dịch tự doanh: Thành viên phải đảm bảo đủ tiền và trái phiếu để hoàn tất các nghĩa vụ của thành viên trong các giao dịch có liên quan trên hệ thống.

             Tóm lại, quyền và lợi ích hợp pháp của bạn nói riêng và nhà đầu tư nói chung luôn được luật pháp đảm bảo thông qua các quy định đầy đủ và chặt chẽ về chất lượng dịch vụ, sự tuân thủ pháp luật cũng như các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của các thành viên trên hệ thống giao dịch trái phiếu chuyên biệt tại SGDCK Hà Nội./

Những quy định về tổ chức và Quản lý Giao dịch Trái phiếu Chính phủ trên HNX (17/09/2009)

            Hỏi: Xin cho tôi được biết những quy định về tổ chức và quản lý giao dịch trái phiếu chính phủ trên HNX?

             Đáp: Theo quy định của Quy chế giao dịch trái phiếu chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 410 /QĐ-SGDHN ngày 16/7/2009 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (SGDCK Hà Nội), trái phiếu giao dịch trên hệ thống trái phiếu chính phủ chuyên biệt tại SGDCK Hà Nội là các trái phiếu có phương thức thanh toán lãi định kỳ và thanh toán vốn gốc một lần bằng mệnh giá khi đến hạn.

            Thời gian giao dịch: Từ 8h30 đến 11h00, các ngày thứ Hai đến thứ Sáu

            Mệnh giá TPCP niêm yết trên HNX: 100.000 đồng/trái phiếu

            Đơn vị giao dịch: 01 trái phiếu.

            Đơn vị yết giá: Đơn vị của giá yết quy định là một (01) đồng;  Đơn vị của giá thực hiện do hệ thống tính được làm tròn đến một (01) đồng.

           Khối lượng giao dịch tối thiểu:

           - Đối với giao dịch thông thường

           +  Theo hình thức thỏa thuận điện tử là một trăm (100) trái phiếu.

           +  Theo hình thức thỏa thuận thông thường là mười nghìn (10.000) trái phiếu.

           + Giao dịch thông thường có khối lượng từ một (01) đến chín chín (99) trái phiếu (lô lẻ) được thực hiện trực tiếp giữa người đầu tư và thành viên thông thường theo nguyên tắc thỏa thuận về giá. Khi có yêu cầu của nhà đầu tư, thành viên thông thường có trách nhiệm mua lại và chỉ được phép thực hiện mua lại trái phiếu lô lẻ của nhà đầu tư.

           - Đối với giao dịch mua bán lại: Một nghìn (1.000) trái phiếu (tương đương 100.000.000 đồng theo mệnh giá).

           Lệnh giao dịch:

            - Giao dịch thông thường, có 2 hình thức là thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường.

            + Hình thức thoả thuận điện tử, được thực hiện với loại Lệnh thỏa thuận điện tử, là các lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn được chào công khai trên hệ thống.

            + Hình thức thỏa thuận thông thường, được thực hiện với: Lệnh quảng cáo, là lệnh mua, bán trái phiếu và người đầu tư có thể thỏa thuận thêm về các điều kiện giao dịch của lệnh (giá, khối lượng). Lệnh quảng cáo có thể gửi đến một, một nhóm thành viên hoặc toàn thị trường; và Lệnh báo cáo giao dịch, được sử dụng để nhập giao dịch vào hệ thống trong trường hợp giao dịch đã được các bên thỏa thuận xong về các điều kiện trong giao dịch.

            - Giao dịch mua bán lại, cũng có 2 hình thức là thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường

            + Hình thức thỏa thuận điện tử, được thực hiện với loại Lệnh yêu cầu chào giá, là lệnh có tính chất quảng cáo, được sử dụng khi nhà đầu tư chưa xác định được đối tác trong giao dịch. Lệnh có thể được gửi cho một, một nhóm thành viên hoặc toàn thị trường; và Lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn, được sử dụng để chào đối ứng với Lệnh yêu cầu chào giá. Lệnh chào với cam kết chắc chắn chỉ được gửi đích danh cho thành viên gửi Lệnh yêu cầu chào giá.

            + Hình thức thỏa thuận thông thường, được thực hiện với Lệnh báo cáo giao dịch, là lệnh được sử dụng để nhập giao dịch vào hệ thống trong trường hợp giao dịch này đã được các bên thỏa thuận xong về các điều kiện trong giao dịch.

Cách thức thực hiện giao dịch trái phiếu trên hệ thống giao dịch trái phiếu chuyên biệt tại SGDCK Hà Nội có khác so với giao dịch cổ phiếu niêm yết không? (10/09/2009)

           HỎI: Xin cho tôi biết cách thức thực hiện giao dịch trái phiếu trên hệ thống giao dịch trái phiếu chuyên biệt tại SGDCK Hà Nội có khác so với giao dịch cổ phiếu niêm yết không?

           ĐÁP: Như các số Bản tin UBCKNN đã giới thiệu, chỉ có hai phương thức giao dịch trái phiếu trên thị trường trái phiếu chuyên biệt tại SGDCK Hà Nội (HNX) là giao dịch thông thường và giao dịch mua bán lại trái phiếu. Cả hai phương thức này đều áp dụng giao dịch thỏa thuận.

         

           Ngoài sự khác biệt rõ về hàng hóa và đơn vị yết giá, đơn vị giao dịch, có thể thấy một số điểm khác biệt sau so với hệ thống giao dịch cổ phiếu niêm yết:

           - Trước hết so với giao dịch cổ phiếu niêm yết, giao dịch trái phiếu không bao gồm giao dịch khớp lệnh định kỳ hoặc khớp lệnh liên tục.

           - Thành viên giao dịch trái phiếu bao gồm hai loại là thành viên thông thường và thành viên đặc biệt, trong đó thành viên đặc biệt chỉ được thực hiện nghiệp vụ tự doanh. Điều này khác biệt so với việc chỉ một loại hình thành viên bình đẳng như nhau trên hệ thống giao dịch cổ phiếu được thực hiện cả hai nghiệp vụ môi giới và tự doanh chứng khoán.

           - Phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch trái phiếu chỉ bao gồm cả hai loại hình là thỏa thuận thông thường và thỏa thuận điện tử với các yết giá chắc chắn, khác với hệ thống giao dịch cổ phiếu niêm yết là chỉ có giao dịch thỏa thuận thông thường.

          Cụ thể, thỏa thuận điện tử là hình thức giao dịch trong đó các lệnh giao dịch được chào với cam kết chắc chắn và thực hiện ngay khi có đối tác lựa chọn mà không cần có sự xác nhận lại. Thỏa thuận thông thường là hình thức giao dịch trong đó các bên giao dịch chào quảng cáo và có thể thỏa thuận thêm về các điều kiện của giao dịch.

           Mặc dù vậy, hệ thống giao dịch trái phiếu chuyên biệt vẫn tuân thủ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của thị trường chứng khoán như đối với hệ thống giao dịch cổ phiếu niêm yết là nguyên tắc trung gian qua thành viên và phải có ký quỹ đầy đủ trước khi thực hiện giao dịch.

Xin cho tôi được biết thế nào là quyền chọn và hợp đồng quyền chọn. Loại hình này đã có ở nước ta chưa?(20/08/2009)

            HỎI: Xin cho tôi được biết thế nào là quyền chọn và hợp đồng quyền chọn. Loại hình này đã có ở nước ta chưa?

             ĐÁP: Quyền chọn (Option) là một công cụ chứng khoán phái sinh cho phép người mua quyền chọn có quyền, chứ không phải nghĩa vụ mua hoặc bán một tài sản nào đó.

Xét về mục đích, quyền chọn có hai loại là quyền chọn mua (call option) và quyền chọn bán (put option). Một người sở hữu quyền chọn mua (hay bán) sẽ có quyền mua (hay bán) một tài sản tại một mức giá nhất định vào một thời điểm nhất định đã được xác định trước.

              Xét về thời điểm thực hiện quyền của người mua quyền, có hai loại quyền chọn là quyền chọn kiểu châu Âu và quyền chọn kiểu Mỹ. Quyền chọn kiểu châu Âu chỉ cho phép thực hiện quyền khi đáo hạn, trong khi quyền chọn kiểu Mỹ cho phép thực hiện quyền vào bất kỳ thời điểm nào trước khi đáo hạn.

               Tại hoặc trước thời điểm xác định trong hợp đồng (tùy thuộc vào loại quyền chọn), người mua quyền có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền mua (hay bán) tài sản. Nếu người mua thực hiện quyền mua (hay bán), thì người bán quyền buộc phải bán (hay mua) theo các quy định trong hợp đồng đã ký.

               Quyền chọn có vai trò là công cụ phòng chống rủi ro trong giao dịch hàng hóa – dịch vụ hoặc đầu tư tài chính. Thực hiện mua quyền chọn sẽ có những lợi ích như sau:

Gọi Pm và Phđ lần lượt là giá thị trường và giá thực hiện theo hợp đồng của tài sản tại thời điểm thực hiện quyền chọn. F là phí mua quyền chọn.

                Đối với người mua quyền chọn mua:

              - Nếu Pm > Phđ, người mua quyền sẽ thực hiện quyền mua tài sản của mình vì khi đó họ sẽ có lợi nhuận là Pm - Phđ – F (là chênh lệch giữa giá thị trường so với giá mua theo hợp đồng và phí mua quyền chọn).

              - Nếu Pm < Phđ, người mua quyền sẽ lựa chọn phương án không thực hiện quyền mua.

               Ví dụ, một người muốn mua 1.000 cổ phiếu XYZ vì dự đoán rằng giá của cổ phiếu này sẽ tăng từ 50.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại lên 100.000 đồng/cổ phiếu trong vòng một tháng tới. Nếu người đó mua luôn bây giờ thì sẽ phải đối mặt với rủi ro giảm giá của cổ phiếu đó, giả sử xuống còn 25.000 đồng/cổ phiếu. Nếu rủi ro thực sự xảy ra, nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại 25.000 đồng × 1.000 cổ phiếu = 25.000.000 đồng.

               Vì vậy, để tránh rủi ro, nhà đầu tư mua một quyền chọn mua cổ phiếu XYZ vào thời điểm đáo hạn một tháng sau với phí mua quyền là 15.000 đồng/cổ phiếu và giá thực hiện là 50.000đ/CP. Đến thời điểm đáo hạn, nếu giá cổ phiếu XYZ tăng lên như dự báo là 100.000đ/CP thì lợi nhuận thu được của nhà đầu tư sẽ là (50.000 đồng – 15.000 đồng) × 1.000 cổ phiếu = 35.000.000 đồng. Nếu giá cổ phiếu XYZ giảm thì nhà đầu tư sẽ không thực hiện quyền mua của mình và chịu mất 15.000.000đ tiền phí khi ký hợp đồng mua quyền chọn. Đây là mức thiệt hại cao nhất nếu sử dụng công cụ quyền chọn trong đầu tư chứng khoán. Như vậy, với công cụ quyền chọn, nhà đầu tư đã giảm thiểu được thiệt hại cho mình nếu rủi ro thực sự xảy ra.

              Đối với người mua quyền chọn bán: Tương tự như vậy, nhà đầu tư sẽ chọn mua quyền chọn bán trong trường hợp dự báo giá cổ phiếu sẽ giảm trong thời gian tới. Nếu sau đó, giá cổ phiếu giảm như dự báo thì nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu với giá cao hơn giá thị trường.

              Mặc dù quyền chọn là một công cụ đã được áp dụng từ lâu tại nhiều nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam loại hình này mới chỉ được áp dụng thử nghiệm trên thị trường ngoại hối mà chưa có trên các thị trường khác. Tại thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu tạm dừng tất cả các giao dịch quyền chọn trên thị trường ngoại hối để điều chỉnh và bổ sung các quy định liên quan đến nghiệp vụ này./

Hoạt động M&A diễn ra trên thị trường chứng khoán

(13/08/2009)

         

HỎI:

Gần đây, tôi thấy trên báo chí và các phương tiện truyền thông hay đề cập tới hoạt động M&A diễn ra trên TTCK, xin cho tôi biết M&A là gì và được thực hiện theo các phương thức nào? 

          ĐÁP:

M&A (Mergers and Acquisitions - Sáp nhập và Mua lại) là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam hiện nay. Có thể hiểu đơn giản, M&A là thâu tóm và hợp nhất doanh nghiệp. Nó là quá trình một doanh nghiệp tìm cách nắm giữ quyền kiểm soát đối với một doanh nghiệp khác thông qua hoạt động thâu tóm toàn bộ hoặc một tỷ lệ số lượng cổ phần,

tài sản

chi phối, từ đó khống chế các quyết định sản xuất, kinh doanh.

           Trên thế giới, M&A xuất hiện từ rất sớm vào giai đoạn khi chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh chuyển sang độc quyền. Từ giai đoạn ban đầu tới nay các cách thức thực hiện M&A rất đa dạng tùy thuộc vào mục tiêu, đặc điểm quản trị, cấu trúc sở hữu và ưu thế so sánh của các doanh nghiệp liên quan trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, về cơ bản có thể đưa ra 4 cách thức phổ biến sau đây trong M&A:

            1)

Chào thầu

:

Là hình thức d

oanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có ý định mua toàn bộ doanh nghiệp mục tiêu đề nghị các

cổ đông hữu của doanh nghiệp đó bán lại cổ phần của họ với một mức giá cao hơn giá thị trường rất nhiều. Giá chào mua thường phải đủ hấp dẫn để đa số cổ đông tán thành việc từ bỏ quyền sở hữu cũng như quản lý doanh nghiệp của mình;

hiện

            2)

Thương lượng tự nguyện:

Là h

ình thức phổ biến trong các vụ sáp nhập mang tính tự nguyện. Khi hai doanh nghiệp nhận thấy các lợi ích tương đồng về văn hóa tổ chức, hoặc thị phần, sản phẩm... người điều hành sẽ xúc tiến để ban quản trị của hai doanh nghiệp ngồi lại và thương thảo cho một hợp đồng sáp nhập;

            3)

Thu gom cổ phiếu trên thị trường chứng khoán

: Là hình thức doanh nghiệp có ý định thâu tóm sẽ giải ngân để thu gom cổ phiếu của doanh nghiệp mục tiêu thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, hoặc mua lại của các cổ đông chiến lược hiện hữu. Phương án này đòi hỏi thời gian và tính bảo mật bởi lẽ nếu để lộ ý đồ thôn tính, giá cổ phiếu của doanh nghiệp mục tiêu có thể tăng vọt trên thị trường. Nếu việc thâu tóm này được thực hiện trôi chảy, doanh nghiệp thâu tóm có thể đạt được mục đích cuối cùng của mình một cách êm thấm, không gây xáo động, đồng thời chỉ cần trả một mức giá rẻ hơn nhiều so với hình thức chào mua đã nêu ở trên;

            4)

Mua lại tài sản doanh nghiệp

:

Là hình thức doanh nghiệp sáp nhập có thể đơn phương hoặc cùng doanh nghiệp mục tiêu định giá tài sản của doanh nghiệp đó (họ thường thuê một doanh nghiệp tư vấn chuyên định giá tài sản độc lập). Sau đó các bên sẽ tiến hành thương thảo để đưa ra mức giá phù hợp (có thể cao hoặc thấp hơn). Phương thức thanh toán có thể bằng tiền mặt và nợ. Điểm hạn chế của phương thức này là các tài sản vô hình như thương hiệu, thị phần, bạn hàng, nhân sự, văn hóa tổ chức rất khó được định giá và được các bên thống nhất. Do đó, phương thức này thường chỉ áp dụng để tiếp quản lại các doanh nghiệp nhỏ, mà thực chất là nhắm đến các cơ sở sản xuất, nhà xưởng máy móc, dây chuyền công nghệ, hệ thống cửa hàng, đại lý đang thuộc sở hữu của doanh nghiệp đó./

ách tính giá cổ phiếu theo luồng cổ tức (30/07/2009)

           HỎI: Tôi có nghe nói về cách tính giá cổ phiếu theo luồng cổ tức. Xin cho tôi biết rõ hơn về cách tính này?

           ĐÁP: Trong việc định giá cổ phiếu, chúng ta thường sử dụng 3 nhóm phương pháp chính sau:

           - Nhóm phương pháp chiết khấu luồng cổ tức hoặc luồng tiền

           - Nhóm phương pháp dựa trên giá trị tài sản

           - Nhóm phương pháp dựa vào các hệ số

           Phương pháp chiết khấu luồng cổ tức bạn hỏi thuộc nhóm thứ 1 và là phương pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực phân tích chứng khóan hiện nay. Phương pháp này được thực hiện dựa trên nguyên lý: Giá hiện tại (P0) của một cổ phiếu chính là giá trị quy về hiện tại của toàn bộ luồng thu nhập trong tương lai của cổ phiếu đó, bao gồm hai nguồn: 1) Cổ tức theo các thời kỳ E(DIVt); 2) Giá bán cổ phiếu vào cuối kỳ đầu tư E(PT).

           Với k là tỷ lệ chiết khấu, ta có thể xác định giá cổ phiếu bằng phương pháp luồng cổ tức như sau:

            Tuy nhiên, do thời gian đáo hạn của cổ phiếu là không xác định, nên (1+k)T tiến tới vô cùng. Nói cách khác, giá trị hiện tại của khoản thu nhập từ giá bán thanh lý cổ phiếu gần như bằng không. Vì vậy, mô hình chiết khấu luồng cổ tức trở thành:

             Trên thực tế, để đơn giản hoá, ta có thể giả định cổ tức tăng trưởng không đổi để xác định giá cổ phiếu theo mô hình này như sau:

         Trong đó:

              - kE : Chi phí vốn cổ phần, có thể được tính như sau: kE = Rf + β.(Rm – Rf) với Rf là lãi suất phi rủi ro, Rm là lợi suất danh mục thị trường và β là mức độ rủi ro hệ thống của cổ phiếu

              - g: Tỷ lệ tăng trưởng cổ tức, được tính như sau: g = ROE. b với b là phần trăm lợi nhuận được để lại tái đầu tư

             Vì vậy, bạn có thể lựa chọn bất cứ phương pháp nào để định giá cổ phiếu; và để có quyết định đầu tư đúng đắn thì điều quan trọng là nhà đầu tư phải xác định được giá trị nội tại của cổ phiếu.

ôi nghe nói trong khu vực ASEAN có chỉ số chứng khoán chung. Xin cho tôi biết rõ về chỉ số này (30/07/2009)

           HỎI: Tôi nghe nói trong khu vực ASEAN có chỉ số chứng khoán chung. Xin cho tôi biết rõ về chỉ số này?

           ĐÁP: Hiện nay, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), mà Việt Nam là một trong những thành viên, có rất nhiều các hoạt động liên kết khu vực trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, cụ thể trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, ASEAN hiện có hai chỉ số chứng khoán chung. Đó là:

             Thứ nhất, chỉ số FTSE/ASEAN Index: Là chỉ số chuẩn cung cấp thước đo về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 180 doanh nghiệp hàng đầu thuộc quy mô vốn lớn và trung bình của 5 nước ASEAN là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia và Thái Lan. Chỉ số này thực chất được tách ra từ chỉ số FTSE All World ASEAN Index, là một phần của nhóm chỉ số chung FTSE Global Equity Index do Tập đoàn FTSE* thiết kế trước đây. FTSE/ASEAN Index có giá trị cơ sở 100 vào ngày 31/12/1986. Thời điểm tính chỉ số là vào 18h hàng ngày giờ Singapore từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.

            Thứ hai, Chỉ số FTSE/ASEAN 40 Index: bao gồm 40 doanh nghiệp lớn nhất xếp theo thứ tự vốn hóa thị trường tại 5 nước ASEAN nói trên. Chỉ số này thuộc nhóm chỉ số FTSE All World Country Index cũng do FTSE thiết kế. Chỉ số này có giá trị cơ sở là 5.000 vào ngày 31/12/2004, dùng làm cơ sở cho cả các chứng khoán được giao dịch trên sở giao dịch và các chứng khoán phái sinh trên thị trường OTC. Thời điểm tính chỉ số là từ thứ Hai đến thứ Sáu vào 9h sáng giờ địa phương của các nước có cổ phiếu tham gia cho đến khi thị trường tại nước đó đóng cửa. Giá đóng cửa của chỉ số FTSE/ASEAN 40 Index được tính vào lúc 18h theo giờ Singapore.

            Hai chỉ số trên có cùng những đặc điểm chung:

            - Mở cửa cho 5 nước ASEAN tham gia đến tối đa là 180 cổ phiếu;

            - Trọng số được thả nổi để đảm bảo rằng chỉ những chứng khoán có tiềm năng đầu tư mới được tính vào chỉ số;

            - Tính thanh khoản được thẩm tra để đảm bảo rằng tất cả các chứng khoán trong rổ chỉ số đều có tính khả mại;

            - Được tính toán phù hợp với Chuẩn mực phân loại ngành nghề (ICB);

            - Các quy tắc tính toán chỉ số rõ ràng và do một ban độc lập quản lý, bao gồm các chuyên gia thị trường hàng đầu;

            - Trọng số tính trong chỉ số là theo dung lượng vốn hóa thị trường;

           

            - Đôla Mỹ được dùng làm đồng tiền tính toán.

            Ngoài ra, dữ liệu tức thời của hai chỉ số được công bố bởi hầu hết các hãng tin kinh tế-tài chính nổi tiếng thế giới như FTSE, Bloomberg, Reuters, Thomson One và Global Topic./

--------------------------------------------------------------------------------------------

* Tập đoàn FTSE - Financial Times Stock Exchange, là nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu, từng cung cấp các chỉ số chứng khoán nổi tiếng trên thế giới như: FTSE 100, FTSE 250 Index, FTSE All-Share của Anh.

òn bẩy hoạt động” và “Đòn bẩy tài chính"

(16/07/2009)

HỎI: Tôi nhận thấy trong các bài phân tích về doanh nghiệp hay nhắc tới cụm từ "đòn bẩy hoạt động” và “đòn bẩy tài chính". Xin cho tôi biết đây là các công cụ gì, được doanh nghiệp thực hiện như thế nào?

              

          ĐÁP: Đòn bẩy hoạt động (operating leverage) là mức độ sử dụng chi phí cố định của doanh nghiệp (thường được tính toán trong ngắn hạn) so với chi phí biến đổi. Có hai khái niệm gắn với đòn bẩy tài chính là chi phí cố định và chi phí biến đổi. Chi phí cố định là chi phí không thay đổi khi số lượng sản phẩm thay đổi gồm : chi phí khấu hao, bảo hiểm, chi phí quản lý… còn chi phí biến đổi là chi phí thay đổi khi số lượng sản phẩm thay đổi như: chi phí nguyên vật liệu, lao động trực tiếp, hoa hồng bán hàng.... Trong kinh doanh doanh nghiệp đầu tư chi phí cố định với mong muốn số lượng sản phẩm tiêu thụ sẽ tạo ra doanh thu đủ lớn để trang trải chi phí cố định và chi phí biến đổi. Giống như chiếc đòn bẩy trong cơ học, sự hiện diện của chi phí hoạt động cố định tạo ra sự thay đổi trong số lượng tiêu thụ sản phẩm để khuyếch đại sự thay đổi về lãi hoặc lỗ.

           Còn đòn bẩy tài chính

(financial leverage)

liên quan đến việc sử dụng các nguồn lực tài trợ (vay nợ) cho chi phí cố định. Nếu như đòn bẩy hoạt động thể hiện mức độ chi phí cố định so với chi phí biến đổi thì đòn bẩy tài chính thể hiện mức độ các khoản nợ trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp. Đòn bẩy tài chính xuất hiện khi doanh nghiệp quyết định tài trợ cho phần lớn tài sản của mình bằng nợ vay. Hiện tượng này chỉ diễn ra khi nhu cầu vốn cho đầu tư của doanh nghiệp tăng cao trong khivốn chủ sở hữu không đủ tài trợ. Khoản nợ của doanh nghiệp sẽ trở thành khoản nợ phải trả và lãi vay được tính dựa trên số nợ gốc này. Thông thường doanh nghiệp chỉ sử dụng đòn bẩy khi có thể tin tưởng rằng tỷ suất sinh lợi trên tài sản cao hơn lãi suất vay.

           

           

 Một điểm cần lưu ý là doanh nghiệp có thể lựa chọn đòn bẩy tài chính trong khi không thể lựa chọn đòn bẩy hoạt động. Bởi lẽ, đòn bẩy hoạt động do đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp qui định, ví dụ: các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và sản xuất nguyên liệu cơ bản như thép, xi măng, cơ khí, vật liệu xây dựng… có đòn bẩy hoạt động cao trong khi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như tư vấn, du lịch…có đòn bẩy hoạt động thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể lựa chọn đòn bẩy tài chính (vốn vay) cho mình. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính có hai tác động: Doanh nghiệp phải tăng thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trang trải chi phí tài chính cố định (lãi vay và nợ gốc), song khi doanh thu đã đạt đến điểm hòa vốn thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ gia tăng nhanh chóng với mỗi phần thu nhập từ hoạt động tăng thêm, và đây cũng là lợi ích và kỳ vọng của doanh nghiệp trong sử dụng đòn bẩy tài chính./.

Xin cho tôi biết giao dịch ký quỹ là gì? Tôi có thể thực hiện giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán (CtyCK) hay không? (15/07/2009)

            HỎI: Xin cho tôi biết giao dịch ký quỹ là gì? Tôi có thể thực hiện giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán (CtyCK) hay không? 

            ĐÁP: Giao dịch ký quỹ (Margin Trading) là việc nhà đầu tư mua cổ phiếu có sử dụng hạn mức tín dụng do CtyCK môi giới cấp. Nó được đảm bảo bằng khoản ứng trước bằng tiền hoặc thế chấp bằng chính cổ phiếu được mua. Vì vậy, thông thường những nhà đầu tư nào dự đoán giá tăng sẽ thực hiện giao dịch ký quỹ.

            Ví dụ: Nhà đầu tư A dự đoán giá của cổ phiếu XYZ tăng trong tương lai và muốn mua 3.000 cổ phiếu XYZ với giá 50.000 đồng/cổ phiếu nhưng chỉ có 75 triệu đồng trong tài khoản. Nhà đầu tư A có thể vay CtyCK nơi mở tài khoản 75 triệu đồng còn thiếu (50% vốn). Lợi nhuận nhà đầu tư A đạt được là chênh lệch giữa giá bán và giá mua 3.000 cổ phiếu này trừ đi lãi suất vay của CtyCK.

            Ở các TTCK phát triển, thủ tục để thực hiện giao dịch ký quỹ như trên thông thường như sau:

             - Nhà đầu tư cần mở một tài khoản ký quỹ riêng.

            

             - Ký hợp đồng mở tài khoản ký quỹ.

            

             - Nhà đầu tư phải nộp vào tài khoản số tiền đặt cọc ban đầu, gọi là số dư ký quỹ tối thiểu (minimum margin).

            

             - Mỗi lần giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư có thể vay từ 50-70% giá trị mua cổ phiếu. Số tiền 30-50% giá trị còn lại mà nhà đầu tư phải nộp vào tài khoản được gọi là ký quỹ ban đầu (initial margin).

            

             - Chứng khoán mua bằng tài khoản ký quỹ được gọi là chứng khoán thế chấp.

Xét về tổng thể, giao dịch ký quỹ có một số lợi ích nổi bật như:

             

             - Đối với nhà đầu tư: Có cơ hội để tăng lợi nhuận.

            

             - Đối với CtyCK: Tăng khối lượng giao dịch, tăng hoa hồng.

            

             - Đối với TTCK: Tăng tính thanh khoản, khuyến khích thêm nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia thị trường, tiến gần hơn tới TTCK thế giới.

             Tuy nhiên, trong ví dụ nêu trên, nếu cổ phiếu lên giá theo đúng dự đoán, nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận dương. Ngược lại, nếu cổ phiếu đứng giá hoặc giảm giá thì nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ (Trường hợp này lại phù hợp với kỳ vọng của những nhà đầu tư giao dịch bán khống - short sales). Nếu giá thị trường của cổ phiếu này sụt giảm càng mạnh thì khoản lỗ này của nhà đầu tư càng lớn. Ngoài ra, không phải tất cả các cổ phiếu đều có thể được giao dịch ký quỹ.

              Như vậy có thể thấy giao dịch ký quỹ có những ảnh hưởng tốt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư và làm tổn hại tới hoạt động của TTCK. Vì thế, cũng tương tự như giao dịch bán khống, giao dịch ký quỹ chỉ được các TTCK áp dụng khi đạt tới một trình độ phát triển nhất định.

  Thực tế, trên TTCK Việt Nam, một số CtyCK đã thực hiện các hình thức hỗ trợ khách hàng như cho phép tỷ lệ ký quỹ thấp hơn quy định, hoặc có dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán chưa về tài khoản của khách hàng. Để góp phần hạn chế rủi ro có thể gặp phải cho nhà đầu tư, UBCKNN đã ban hành Công văn số 557/UBCK-PTTT ngày 7/4/2008 gửi các CtyCK về việc tuân thủ các quy định về giao dịch chứng khoán, trong đó yêu cầu các CtyCK phải tuân thủ các quy định về kiểm tra ký quỹ giao dịch đối với khách hàng. Theo đó, khi đặt lệnh bán chứng khoán, khách hàng phải có đủ số lượng chứng khoán đặt bán trên tài khoản chứng khoán. Khi đặt lệnh mua chứng khoán, số dư tài khoản bằng tiền của khách hàng phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ ký quỹ giao dịch theo quy định từng thời kỳ./

Lãi suất tăng thì giá trái phiếu lại giảm (09/07/2009)

             HỎI: Tôi đang có ý định đầu tư vào trái phiếu. Qua tìm hiểu một số nguồn thông tin tôi thấy rằng khi lãi suất tăng thì giá trái phiếu lại giảm. Xin cho tôi biết rõ hơn về vấn đề này?

             ĐÁP: Trước tiên, đây là một mối quan hệ trực tiếp và ngược chiều giữa lãi suất và giá trái phiếu. Đây là mối quan hệ cơ bản nhất và cần được xem xét nhất trong phân tích và ra quyết định đầu tư trái phiếu.

             Thông thường, có hai cách để giải thích mối quan hệ giữa lãi suất và giá trái phiếu. Cách thứ nhất, dựa trên nguyên lý định giá trái phiếu. Giá trái phiếu được tính bằng tổng giá trị hiện tại của các khoản tiền thanh toán cho người sở hữu trái phiếu. Để xác định được giá trái phiếu chúng ta phải chiết khấu toàn bộ dòng tiền sẽ thanh toán cho người sở hữu trái phiếu tại thời điểm định giá. Giả sử một trái phiếu được phát hành với thời gian đáo hạn là N năm và các khoản tiền được thanh toán bao gồm tiền lãi (R) định kỳ hàng năm và tiền gốc (FV) ở thời điểm đáo hạn. Với lãi suất bình quân thị trường là i, khi đó giá trị hiện tại của tổng dòng tiền thanh toán trong tương lai (hay giá của trái phiếu) được xác định như sau:

             Từ công thức trên ta thấy khi lãi suất thị trường tăng lên thì giá trái phiếu sẽ giảm xuống.

             Ví dụ, doanh nghiệp A phát hành trái phiếu mệnh giá 1.000 đồng với thơi hạn một năm, lãi suất trái phiếu là 10%/năm và trong điều kiện lãi suất thị trường là 11%/năm. Giá trái phiếu được tính như sau:

              Như vậy, trái phiếu của doanh nghiệp A sẽ được bán tại thời điểm hiện tại với giá 991 đồng.

              Nếu lãi suất thị trường tăng lên 12%/năm thì giá của trái phiếu được xác định lại như sau:

               So với thời điểm lãi suất thị trường là 11%/năm thì giá trái phiếu của doanh nghiệp A đã giảm xuống còn 982 đồng.

              Cách thứ hai để giải thích mối quan hệ giữa lãi suất và giá trái phiếu là dựa trên quan hệ cung – cầu trái phiếu trên thị trường. Trong khi lãi suất của trái phiếu

Công cụ chứng khoán phái sinh (CDS) (25/06/2009)

               HỎI: Xin cho tôi hiểu rõ hơn về công cụ chứng khoán phái sinh (CDS)?

               ĐÁP: Công cụ chứng khoán phái sinh (CDS) còn được gọi là Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap), hoặc Hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng. CSD ban đầu là một dạng bảo hiểm dành cho trái phiếu tồn tại dưới hình thức một khoản nợ được chứng khoán hóa. CDS là một loại chứng khoán phái sinh và có nét giống với hợp đồng bảo hiểm vì đây là một thỏa thuận hoán đổi rủi ro.

               Khi tham gia vào CDS, người mua CDS trả cho người bán một khoản phí (gọi là CDS spread) để được bảo hiểm cho rủi ro vỡ nợ tín dụng xảy ra khi một bên thứ ba rơi vào trường hợp vỡ nợ. Phí CDS thường có quan hệ chặt chẽ với việc xếp hạng tín nhiệm của bên đi vay; và được tính theo điểm cơ bản (tỷ lệ %) hàng năm trên mỗi đơn vị mệnh giá của hợp đồng.

              Ví dụ, nếu phí CDS của một công ty là 500 điểm cơ bản (tương đương 5%), tức là cứ mỗi khoản cho vay 10 triệu USD mệnh giá thì phí bảo hiểm cho vỡ nợ là 500.000 USD/năm. Phí CDS thay đổi, lên xuống liên tục theo tâm lý nhà đầu tư và theo trạng thái hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu xếp hạng tín nhiệm của bên đi vay (hoặc bên phát hành trái phiếu) càng thấp thì mức phí bảo hiểm càng cao và ngược lại. Ngoài ra, nếu khoản vay/trái phiếu bị xếp hạng quá thấp thì bên bán CDS phải đặt trước một khoản thế chấp.

             Tuy bản chất giống như một hợp đồng bảo hiểm, song cách thức CDS được thực hiện mang tính chất của loại chứng khoán phái sinh Swap (Hợp đồng hoán đổi) thông thường. Hai bên tham gia sẽ hoán đổi cho nhau hai dòng tiền: Người mua trả cho người bán dòng phí CDS hàng năm trong suốt thời hạn hợp đồng; còn người bán trả cho người mua dòng tiền bảo hiểm rủi ro. Dòng tiền này sẽ bằng 0 nếu vỡ nợ không xảy ra và bằng giá trị khoản cho vay hoặc mệnh giá của trái phiếu được bảo hiểm nếu bên đi vay/nhà phát hành trái phiếu bị vỡ nợ. Thị trường giao dịch CDS dựa trên những gói quy chuẩn là 10 triệu USD cho một hợp đồng. Khi khả năng phá sản của doanh nghiệp cao sẽ làm cho phí CDS tăng vọt. Phí CDS được chia theo các chuẩn 1 năm, 2 năm, 5 năm và 10 năm. Tương ứng với mỗi mức thời hạn sẽ có các mức phí bảo hiểm sẽ khác nhau (giống như các mức lãi suất kỳ hạn tại ngân hàng). Phổ biến nhất là phí CDS cho 5 năm.

             Như vậy, bản chất của CDS chính là một loại chứng khoán phái sinh nhằm bảo hiểm cho một khoản vay. Vì thế, CDS thường gắn liền với hoạt động của các công ty bảo hiểm./

Thị trường con gấu và thị trường con bò tót trong chứng khoán. Xin Ban biên tập giải thích về hai thị trường này? (18/06/2009)

           HỎI: Tôi thường nghe nhắc tới thị trường con gấu và thị trường con bò tót trong chứng khoán. Xin Ban biên tập giải thích về hai thị trường này?

           ĐÁP: Thị trường con bò tót và thị trường con gấu là hai thuật ngữ hay được nhắc tới trong giới đầu tư chứng khoán. Vì thị trường chứng khoán tăng hay giảm phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của các nhà đầu tư nên thông qua hai thuật ngữ này cũng có thể nhận biết các nhà đầu tư đang ứng xử như thế nào đối với thị trường và từ đó có thể dự đoán xu hướng tiếp theo của thị trường.

           Thị trường bò tót (bull market) và thị trường con gấu (bear market) được đặt tên theo cách mà hai con vật này tấn công nạn nhân của chúng, trong khi con bò tót thường giơ sừng lên cao thì con gấu lại đánh mạnh vuốt xuống khi tấn công.

            Chính vì vậy mà thị trường bò tót thường được dùng để biểu thị một thị trường đang trên đà đi lên, kéo dài ít nhất vài tháng, được thể hiện rõ ở sự tăng giá đều đặn của các cổ phiếu và khối lượng giao dịch lớn. Trong thị trường này, cầu mua cổ phiếu lớn hơn cung gây áp lực cho giá cổ phiếu tăng; các nhà đầu tư đều cảm thấy hứng thú với thị trường và sẵn sàng tham gia vào thị trường với hi vọng sẽ thu được lợi nhuận vì họ tin rằng xu hướng đi lên sẽ còn được tiếp tục trong thời gian dài. Trong thời kỳ này, nền kinh tế thường tăng trưởng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, người dân có nhiều tiền hơn để chi tiêu và họ sẵn sàng chi tiêu, điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

            Ngược lại, thị trường con gấu lại là một thị trường đi xuống kéo dài, các cổ phiếu liên tục giảm giá do có nhiều người muốn bán hơn người muốn mua. Thị trường con gấu đối với cổ phiếu xảy ra thường do dự đoán về sự suy giảm của nền kinh tế; các nhà đầu tư không còn hứng thú với thị trường và tìm cách rút vốn ra khỏi thị trường, chờ đợi khi thị trường có những động thái tích cực hơn, việc này càng làm cho giá của cổ phiếu giảm hơn nữa và tiếp tục đẩy thị trường tụt dốc. Đối với trái phiếu, thị trường con gấu xảy ra do sự gia tăng lãi suất. Nhìn chung, thị trường con gấu thường xuất hiện trong nền kinh tế yếu kém, tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao vì các doanh nghiệp sa thải bớt nhân viên để giảm chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp không cao do chi tiêu của người tiêu dùng bị giảm bớt.

           Nhưng trên thực tế, việc dự đoán đúng xu hướng của thị trường chứng khoán chỉ mang tính tương đối. Việc nhận định thị trường bò tót hay thị trường con gấu đều có ảnh hưởng lớn tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư. Vì vậy nhà đầu tư luôn cần nghiên cứu-phân tích về tình hình thị trường nói chung cũng như các cổ phiếu nói riêng trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định mua – bán nào./.

Cổ đông và vốn cổ đông

(11/06/2009)

HỎI:

Xin cho tôi biết, cổ đông và vốn cổ đông là gì? Theo tôi hiểu thì vốn cổ đông là toàn bộ số tiền mà các cổ đông đã góp vào doanh nghiệp, điều này đúng hay sai?

        ĐÁP:

Cổ đông

(shareholder) là một cá nhân (hoặc một tổ chức) sở hữu hợp pháp một lượng

cổ phiếu nhất định của một công ty cổ phần. Các cổ đông thường được hưởng một số đặc quyền nhất định tùy thuộc vào loại cổ phiếu mà họ nắm giữ, trong đó có quyền biểu quyết đối với các vấn đề liên quan đến bầu cử hội đồng quản trị, quyền được hưởng thu nhập từ hoạt động của công ty, quyền được mua cổ phiếu mới phát hành của công ty, và quyền đối với tài sản của công ty nếu công ty tiến hành giải thể.

        Vốn cổ đông

(Shareholders' equity, stockholders' equity, share capital) là quyền lợi của chủ sở hữu công ty trong khối tài sản chung sau khi đã khấu trừ đi tất cả các nghĩa vụ nợ. Vốn cổ đông là đại diện cho số vốn tài trợ cho hoạt động của công ty thông qua cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi, và được tính toán từ bảng cân đối kế toán theo công thức sau:

Vốn cổ đông = Tổng tài sản - Tổng nợ

         Vốn cổ đông được hình thành từ hai nguồn chính:

         -

Một là số tiền các cổ đông đóng góp, đầu tư vào công ty và tất cả các khoản đầu tư bổ sung tiếp theo sau đó.

         -

Hai là số lợi nhuận giữ lại mà công ty có được trong suốt quá trình hoạt động. Nguồn này thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vốn cổ đông.

Vốn cổ đông của một công ty sẽ tăng trong các trường hợp sau:

Phát hành thêm cổ phiếu;

Tăng tài sản công ty;

Giảm nợ;

Ghi nhận lãi.

      Và sẽ giảm trong các trường hợp:

Cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường bị chính công ty mua lại;

Tài sản giảm;

Nợ tăng;

Thanh toán cổ tức cho cổ đông;

Ghi nhận lỗ.

           Như vậy, vốn cổ đông không phải chỉ là toàn bộ số tiền mà các cổ đông đóng góp vào cho công ty theo như ý bạn hiểu mà còn được tăng thêm trong suốt quá trình hoạt động của công ty.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro